Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến các nước láng giềng của người khổng lồ Châu Á bị vạ lây, nhưng cũng có nước có thể hưởng lợi.

trade1

Ảnh chụp tại một cảng ở Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Reuters

Trang kinh tế báo Le Monde có bài : "Châu Á lo ngại trả giá cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung".

Trong lúc mà cuộc quyết đấu giữa Washington và Bắc Kinh dường như không sớm thuyên giảm, các nước Châu Á đang phải tính toán tác động đến nền kinh tế của Mình . "Cho đến giờ, gia tăng căng thẳng nhìn chung vẫn chưa động tới toàn vùng, một khu vực kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng gió có thể đang đổi chiều", bài viết nhận định.

Le Monde ghi nhận : Cuối tháng 10, một loạt chỉ số quản lý thu mua (PMI) được công bố cho thấy hoạt động sản xuất gia công ở các nơi như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan đang hụt hơi. Tại Hàn Quốc niềm tin của các doanh nghiệp cũng rơi xuống mức thấp nhất từ hai năm nay. Cũng như đa số các nước trong vùng, với Seoul, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và hấp thụ 1/4 hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.

Từ nhiều tháng qua, Washington và Bắc Kinh ăn miếng trả miếng nhau bằng các đòn trừng phạt thuế quan trên lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ đô la. Nhưng có điều là các mặt hàng vẫn gọi là Made in China lại chứa đựng rất nhiều chi tiết được nhập từ các nước láng giềng. Xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ bị sụt giảm thì các nhà cung ứng Châu Á sẽ không tránh khỏi bị hệ lụy.

Trong số các nơi dễ bị tổn thương nhất có Đài Loan, một nửa lượng xuất khẩu của hòn đảo này là sang Trung Quốc. Trong khi đó thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad thừa nhận cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây thiệt hại nhiều cho nước ông. Quý III vừa qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất từ năm 2009. Khi tăng trưởng chững lại có thể nhu cầu của Trung Quốc một loạt sản phẩm và dịch vụ sẽ bị cắt như kim loại đồng ở Lào, linh kiện điện tử ở Việt Nam rồi đến du lịch tới Cam Bốt hay Thái Lan, những điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc.

Ngân hàng Thế giới ước tính, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm sẽ kéo theo cả vùng Châu Á còn lại giảm 0,5 điểm.

Tuy nhiên một số nước có thể hy vọng hưởng lợi từ bối cảnh này. Nhất là nếu các nhà công nghiệp quyết định quy hoạch lại địa điểm của một phần sản xuất của họ để né thuế Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc.

Bài viết nhận định : "Đã có một cơ sở công nghiệp vững chắc, giá thành sản xuất vẫn còn hấp dẫn và một loạt các thỏa thuận tự do mậu dịch đã ký, Châu Á vẫn còn những ưu thế".

Le Monde cho biết thêm : Công ty tư vấn Economist Intelligence Unit trong một cuộc điều tra hôm 1/11 nêu tên Việt Nam và Malaysia là những nước có tiềm năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lách thuế. Các tập đoàn điện tử thế giới như Dell của Mỹ, Panasonic của Nhật hay Samsung của Hàn Quốc đã cắm chân ở những nơi đó có thể dễ dàng triển khai sản xuất.

Những nước có thu nhập thấp cũng có lá bài để chơi trong lĩnh vực có ít lời lãi, từ lâu vẫn do Trung Quốc thống trị. Thí dụ như Bangladesh đã trở thành nhà xuất khẩu quần áo may sẵn thứ nhì thế giới. Nhưng dù gì thì các công ty đa quốc gia cũng cần có thời gian để phác thảo lại chiến lược sản xuất của mình. Vì thế trước mắt những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại vẫn còn. Lợi nhuận không thể có được trước 2020.

Nhật mở cửa cho lao động nhập cư

Một chủ đề khác liên quan đến Châu Á. Nhật báo Les Echos trở lại với việc tuần qua chính phủ Nhật thông báo về dự luật mở cửa cho người lao động nước ngoài đến Nhật làm việc có thời hạn.

Bài viết có tiêu đề "Nhật Bản hé mở biên giới cho người nhập cư". Bài báo ghi nhận tình trạng thiếu lao động đang ngày càng trầm trọng ở Nhật. Hiện trong các nhà máy, trang trại, nhà dưỡng lão đang thiếu hàng triệu người làm. Trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật giảm xuống tới 2,3% trong tháng 9. "Chưa bao giờ, từ năm 1974, thị trường lao động của nước này lại căng thẳng như bây giờ", Les Echos nhận định. Thực tế này đã khiến thủ tướng Shinzo Abe đã phải lên tiếng báo động trước khi cho thông qua dự luật lao động nhập cư rằng : "tình trạng thiếu nhân công đó bắt đầu kìm hãm tăng trưởng kinh tế của đất nước". Dự luật của chính phủ chỉ nhằm mục đích đưa thêm nhân lực nước ngoài vào đất nước 127 triệu dân này.

Les Echos cho biết thêm về người nhập cư ở Nhật Bản. Trên thực tế Tokyo đã cấp visa đón hàng chục nghìn sinh viên từ các nước có nền kinh tế mới trỗi dậy. Bài báo cho hay, các sinh viên này đến Nhật chỉ theo vài giờ trên lớp, còn lại họ thường đi làm tới 28 giờ mỗi tuần với mức lương tối thiểu, trong các cửa hiệu, hàng ăn. Nhật cũng cấp visa cho thực tập sinh kỹ thuật cho giới trẻ của nhiều nước đang phát triển ở Châu Á. Về mặt chính thức họ đến để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn ở Nhật. Nhưng thực tế là họ đi làm, trong các điều kiện khó khăn, trên các cánh đồng, nhà máy, tàu đánh bắt cá. Đó là những nơi đang thiếu trầm trọng lao động.

Một cuộc cách mạng chính sách di dân

Với dự luật mới, sẽ được trình Quốc hội thông qua tháng tới, chính phủ Nhật muốn quy chuẩn hóa việc đón tiếp lao động nhập cư. Đó phải là những người có chuyên môn nghề nghiệp cụ thể, biết giao tiếp bằng tiếng Nhật,có thể tự lập trong cuộc sống, không được mang theo gia đình. Một đối tượng khác của dự luật là các chuyên gia tay nghề cao. Họ được phép mang theo gia đình, về sau có thể xin định cư dài hạn. Đây chính là bước tiến lớn của Nhật Bản trong chính sách nhập cư.

Vấn đề chủng tộc và văn hóa thuần nhất đã ăn sâu vào xã hội Nhật. Người Nhật không hề muốn nghĩ tới việc để người nước ngoài hội nhập lâu dài trong xã hội của họ. Chính vì thế dự luật vừa được công bố đã bị không ít chỉ trích. Để trấn an, trước khi giới thiệu dự luật, Bộ trưởng Tư pháp đã phải giải thích rằng chính phủ sẽ ngừng cấp visa mới ngay khi tình trạng thiếu nhân lực được giải quyết.

Trang nhất các báo Pháp

Bầu cử giữa kỳ Mỹ là chủ đề nóng nhất các báo Pháp. Tuy nhiên do phải lên khuôn in từ đêm hôm qua, khi mà cuộc bầu cử tại Mỹ chưa kết thúc các phiên bản báo in ra hôm nay hầu như chưa có những thông tin mới nhất về cuộc bầu cử được dư luận đặc biệt chú ý này. Phải đợi đến số báo Le Monde ra chiều nay và các tờ báo khác ra sáng mai thì mới có nhiều bình luận về sự kiện. Nhưng phiên bản internet của các báo thì tràn ngập thông tin về cuộc bầu cử tại Mỹ, được cập nhật liên tục.

Lướt qua trang mạng của các báo thấy Le Monde ghi nhận kết quả chung : "Bầu cử giữa kỳ 2018 : Phe Dân Chủ chinh phục Hạ Viện, Cộng Hòa tiến thêm ở Thượng Viện".

Làn sóng chống Trump như được một số dự báo đã không diễn ra. Ông Donald Trump vẫn tung hô "thắng lợi lớn" của phe Cộng Hòa. Nhưng có thực sự đây là chiến thắng đối với tổng thống Mỹ ? Chúng ta sẽ trở lại với câu hỏi này trong các số báo giấy ra ngày mai.

Trở lại với trang nhất các tờ báo in ra hôm nay. Mối quan tâm lớn của người dân Pháp lúc này là giá xăng dầu tăng cao. Tất nhiên đây là chủ đề tranh luận được đăng tải rộng rãi trên các báo Pháp ra hôm nay. Trước sự phẫn nộ của người dân, các báo đều có chung một nhận xét là chính phủ đang loay hoay tìm các trấn an,làm dịu phẫn nộ của dân chúng…

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Chất đốt : Macron khó làm nguôi cơn giận dữ". Le Monde thì đặt vấn đề "Chất đốt : Macron phản ứng với khủng hoảng thế nào".

Trách nhiệm của việc giá xăng dầu tăng do áp dụng thuế bảo vệ môi sinh giờ được đặt vào người đứng đầu nước Pháp là tổng thống. Trước sự phẫn nộ của người dân, tổng thống Macron đã phải thông báo sẽ trợ cấp cho các hộ nghèo hoặc những người có nhu cầu phải dùng xe đi làm xa, hỗ trợ vận tải… Nhưng các báo đều nhận thấy, về bản chất đó chỉ là biện pháp trợ cấp để rồi lại đóng thuế, theo kiểu giật gấu vá vai của chính phủ.

Các báo cũng cảnh báo, vấn đề giá nhiên liệu luôn rất nhạy cảm, nếu không giải tỏa được phẫn nộ của người dân thì có thể chính phủ sẽ phải trả giá ở những kỳ bầu cử tới đây.

Anh Vũ

Published in Châu Á

Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 : Năm điểm thảo luận tại Singapore (RFI, 24/04/2018)

Từ 25 đến 28/04/2018, Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp thượng đỉnh tại Singapore, nước giữ chức chủ tịch luân phiên năm nay. Chủ đề ASEAN 2018 là "Linh hoạt và Sáng tạo" (Resilient and Innovative).

quocte1

Các lãnh đạo ASEAN trong lễ khai mạc thượng đỉnh lần thứ 30 tại Manila, Philippines, ngày 29/04/2017. Reuters/Mark Crisanto

Theo trang Asean Post ngày 24/04, thượng đỉnh ASEAN năm 2018 được đánh giá là sẽ sôi nổi vì Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính khu vực cũng như trên quy mô thế giới.

Năm chủ đề chính sẽ được thảo luận là căng thẳng tại Biển Đông, thương mại, đô thị thông minh, an ninh quốc phòng và thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên.

Căng thẳng trên Biển Đông được chú ý nhất trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa nhiều thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, nơi nhiều nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc) có tranh chấp chủ quyền. Bên cạnh đó là hoạt động vì tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ thường xuyên tổ chức trong khu vực.

Vẫn theo Asean Post, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, thường giữ im lặng về chủ đề này, có thể sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, nhưng vẫn có các cuộc thảo luận kín.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là chủ đề được đề cập trong cuộc họp. Dù chưa bị tác động, nhưng các nước ASEAN chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu cuộc chiến thương mại trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, lãnh đạo các nước ASEAN cũng sẽ xem xét đổi mới tự do thương mại trong bối cảnh Mỹ duy trì chính sách bảo hộ mậu dịch. Hai chủ đề khác, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cũng sẽ được đề cập.

*********************

Cảnh báo suy thoái đa dạng sinh học ở Châu Á (VOA, 24/04/2018)

"Đa dạng sinh hc - khác bit quan trng v các dng đi sng trên Trái đt - tiếp tc suy thoái ti tng khu vc trên thế gii, làm gim thiu đáng k kh năng ca thiên nhiên góp phn vào an sinh nhân loi", theo phúc trình mi nht ca Din đàn liên chính phủ v đa dng sinh hc và các dch v sinh thái (IPBES).

quocte2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Washington, ngày 23/04/2018. Reuters/Joshua Roberts

Truyền thống bảo vệ hòa bình, tự do và phồn thịnh xuyên suốt Đại Tây Dương được Bắc Mỹ và Châu Âu duy trì từ hơn 7 thập kỷ qua. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng duy trì cam kết mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Không chỉ dừng ở những thông cáo ngoại giao, chính quyền của tổng thống Trump còn triển khai lực lượng quân sự hùng hậu, gồm hàng trăm tầu chiến, hơn 1.000 máy bay và vài chục nghìn quân nhân Mỹ trong khu vực.

Pháp cũng gắn bó chặt chẽ với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vì có nhiều hải đảo, kiêm nhiệm vụ tiền đồn hải quân và không quân cùng với lực lượng vài nghìn quân nhân bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của Pháp. Ngày 10/03/2018, tổng thống Macron còn khẳng định vai trò cường quốc hải quân Pháp trong vùng khi ký với thủ tướng Ấn Độ Modi một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ Hải Quân của nhau cho đối tác.

Tuy nhiên, theo nhận định trên trang National Interest (24/04/2018) của hai chuyên gia Walter Lohman và Valérie Niquet, cho đến nay, cả Pháp và Mỹ chỉ hành động "độc lập", không đủ vững chắc để đảm bảo ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, dù có sự tham gia của Anh Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hay một số đối tác khác. Vì vậy, Pháp và Mỹ phải cải thiện sự phối hợp chiến lược, cũng như với mạng lưới đối tác và đồng minh vì thiếu phối hợp chiến lược sẽ dẫn đến thiếu niềm tin vào nhau. Để làm được việc này, theo hai chuyên gia trên, tổng thống Trump và tổng thống Macron cần tập trung vào ba ưu tiên chính.

Thứ nhất, cả hai nước phải đưa ra được một thông điệp rõ ràng, kiên định về chính sách đối với Trung Quốc. Châu Âu ghi nhận cam kết mạnh mẽ của Mỹ tại Châu Á, nhưng đôi khi lại không phân biệt được Washington coi Bắc Kinh là thách thức đối với trật tự trong khu vực hay là một đối tác có chung chí hướng. Nội bộ Châu Âu cũng bị chia rẽ về Trung Quốc. Ví dụ mới nhất là về dự án Con đường tơ lụa mới, Paris tỏ ra quan ngại trong khi nhiều nước Châu Âu lại coi đó là cơ hội kinh tế quan trọng.

Thứ hai, phương Tây phải phân biệt rõ hơn giữa bạn và thù. Do quan ngại về kiểu "đơn phương hành động" của chính quyền Trump, nhiều nước Châu Âu đôi khi nhầm lẫn về sự khác biệt thực sự, cơ bản giữa Hoa Kỳ và các chế độ toàn trị, như Trung Quốc chẳng hạn. Phải nhắc lại là các giá trị và thể chế của Mỹ rất vững chắc. Và nếu như các đồng minh phương Tây xem xét kỹ, không thiên vị, về các chính sách và hành động chính thức của chính quyền Trump tại Châu Á, họ sẽ thấy là họ còn thiếu nhiều giá trị liên quan đến họ.

Hoa Kỳ cũng nên hiểu hơn về tác động toàn cầu do chính sách thương mại của họ gây ra. Nếu có vấn đề Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần bàn với các đồng minh về cách xử lý, và không nên đơn phương hành động, tác động đến cả đồng minh và đối tác. Biện pháp mạnh tay này chỉ có lợi cho chính sách gây chia rẽ của Trung Quốc mà thôi.

Cuối cùng, Pháp, Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu khác có cùng quan điểm cần cam kết đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, ở cấp độ cao trong chiến lược vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, bởi vì cho đến nay, tuy các bên vẫn có sự phối hợp đáng kể nhưng ít khi đạt đến phản ứng ở cấp độ chính trị, trừ trường hợp nghiêm trọng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Châu Âu có chung nhiều lợi ích và cũng chia sẻ nhiều giá trị. Cả hai bên, cũng như vùng Châu Á-Ấn Độ Dương, đều được hưởng lợi nếu cùng khai thác được mối quan hệ một cách chiến lược. Nổi tiếng về tính cách "thực dụng" và suy nghĩ "không theo khuôn khổ", tổng thống Trump và tổng thống Macron có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ-Pháp theo đúng hướng.

Thu Hằng

*******************

G7 : Đoàn kết chống Nga, cứng rắn với Bắc Triều Tiên, chia rẽ về Iran (RFI, 23/04/2018)

Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng ngày 22/04/2018 tại Toronto, các cường quốc thuộc khối G7 đã tỏ ra đoàn kết để đương đầu với Nga. Tuy nhiên, nếu như thái độ cứng rắn trước Bắc Triều Tiên được ngoại trưởng bảy nước nhất trí, hồ sơ hạt nhân Iran vẫn gây chia rẽ các thành viên trong ngày làm việc 23/04.

quocte4

Ngoại trưởng Canada Freeland (g) và các đồng nhiệm trong nhóm G7 tại Toronto (Ontario, Canada) ngày 22/04/2018. Reuters/Fred Thornhill

Phát biểu với báo giới, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết : "Có sự đoàn kết trong khối G7 nhằm phản đối thái độ tai hại của Nga". Ngoài ra, ngoại trưởng các nước cũng liệt kê một số biện pháp "để ngăn chặn các xu hướng tiêu cực của điện Kremlin đang đe dọa đến hòa bình và an ninh". Theo AFP, các cuộc thảo luận cũng đề cập đến việc "củng cố nền dân chủ để chống lại can thiệp từ nước ngoài", ám chỉ đến nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Ngày 22/04, đánh giá về vai trò của Nga khi trả lời đài Fox News từ Paris trước khi lên đường thăm Mỹ, tổng thống Pháp nhận định "không bao giờ được tỏ ra yếu đuối trước tổng thống Putin. Nếu chúng ta yếu đuối, người ta lợi dụng nó để làm suy yếu các nền dân chủ". Đây cũng là quan điểm của ngoại trưởng Pháp Jean- Yves Le Drian tại Toronto, "cần phải cứng rắn" những vẫn tiếp tục tìm cách đối thoại với Moskva.

Bắc Triều Tiên và Iran là hai hồ sơ quốc tế được đưa ra thảo luận nội bộ trong ngày 23/04. Trước hết, các ngoại trưởng G7 sẽ ra thông cáo chung khẳng định không nới lỏng sức ép và trừng phạt quốc tế đối với chế độ Bình Nhưỡng để đạt đến mục tiêu cuối cùng là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được" trên bán đảo Triều Tiên.

Hồ sơ hạt nhân Iran là chủ đề bất đồng giữa Mỹ và 4 nước thành viên Hội Đồng Bảo An cùng với Đức. Ngày 12/05, tổng thống Donald Trump sẽ quyết định duy trì hay từ bỏ thỏa thuận đã ký với Iran vào năm 2015, luôn bị ông đánh giá là quá khoan dung. Nhiều ngoại trưởng đã nỗ lực thuyết phục quyền ngoại trưởng Mỹ John Sullivan để Washington không vứt bỏ thỏa thuận, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho Iran rút khỏi thỏa thuận và điều này sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng".

Thuyết phục tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran là điểm chủ đạo trong chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 23 đến 25/04, vì theo ông Macron, hiện tại "không có phương án B".

Theo điện Kremlin, trong cuộc điện đàm tối 22/04, tổng thống Pháp và đồng nhiệm Nga đã nhất trí là phải duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng cho biết Bắc Kinh và Moskva sẽ ngăn chặn mọi ý đồ "phá hoại" thỏa thuận trên.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế

Thời sự Iran được báo chí Pháp quan tâm với nhiều bài viết, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, trang nhất báo Le Monde lại chú ý tới Châu Á với hàng tựa "Sự thăng tiến không cưỡng nổi của Châu Á làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới".

chaua1

Khu phố tài chính Phố Đông ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 09/03/2017. Reuters/Aly Song

Châu Á không ngừng tăng trưởng kinh tế

Dựa trên các nghiên cứu, báo Le Monde nhận định "Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới". Trên bàn cờ kinh tế thế giới, Châu Á khẳng định vị trí của mình và trong năm 2018, Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt Pháp và Anh. Dự báo phân loại này do Trung Tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) công bố ngày 26/12 vừa qua.

Sự thăng tiến này sẽ còn tiếp tục trong 15 năm tới. Từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong nhóm 25.

Vẫn theo nghiên cứu của CEBR, nếu tính tổng sản phẩm nội địa (PIB) theo đô la, thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Hoa Kỳ. Còn nếu tính theo "sức mua", tức là cùng một số tiền mua hàng hóa ngay tại nước đó, thì PIB của Trung Quốc dường như đã ngang bằng Mỹ.

Bất kể tính theo tiêu chí nào, Châu Á đều có xu hướng gia tăng tỉ trọng kinh tế. Theo điều tra của công ty tư vấn Anh PricewaterhouseCoopers (PwC), được công bố hồi tháng 02/2017, thì đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, có tới 4 nước Châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định : Các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về Châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần.

Về phần mình, CEBR nhắc lại : cho đến năm 2000, các quốc gia vẫn thường được gọi là "những nước phát triển" chiếm 76% trọng lượng kinh tế toàn thế giới. Con số này sẽ giảm xuống còn 44% vào năm 2032. Và các quốc gia vốn được coi là "đang phát triển", sẽ chiếm 56%. Do vậy, báo cáo của CEBR kết luận : ảnh hưởng chính trị tất yếu sẽ biến đổi theo chiều hướng này. Các nền kinh tế đang phát triển trước đây sẽ có trọng lượng gia tăng trong các định chế quốc tế và quan hệ song phương.

Sự năng động của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%), cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.

Le Monde cho biết, có nhiều yếu tố giải thích cho sự thăng tiến của kinh tế Châu Á : các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ với đầu tàu là Trung Quốc, dân số tăng nhanh. Đến năm 2030, Châu Á sẽ có thêm 410 triệu dân và chiếm 50% tổng dân số toàn cầu.

Tỷ lệ đô thị hóa của Châu Á cũng cao, 40%. (Các nước phát triển có tỷ lệ từ 80 đến 90%). Sự phát triển các trung tâm đô thị sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và mức chi tiêu dùng. Đó là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý là nên tỉnh táo đánh giá các thành tích kinh tế. Chuyên gia Julien Marcilly giải thích : sức mạnh kinh tế được thể hiện qua quy mô tầm vóc thị trường. Các phân loại nói trên không phản ánh được mức độ giàu có trung bình của từng quốc gia. Một số nền kinh tế tiến rất nhanh nhưng PIB tính theo đầu người lại thấp hơn so với các nước phát triển.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, trong năm 2016, thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 15% so với dân Mỹ, Ấn Độ chỉ bằng 3%.

Mặt khác, mức chênh lệnh giàu nghèo tại Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Giới chủ các tập đoàn lớn tại Ấn Độ có thu nhập cao hơn 229 lần mức lương tháng trung bình và Ấn Độ đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ, có mức chênh lệnh giàu nghèo cao nhất thế giới.

Ngoài ra, Châu Á cũng phải đối mặt với một số thách thức, như dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu như tại Trung Quốc, tăng trưởng không còn cao như trước. Một số quốc gia Châu Á có thể rơi vào cái "bẫy thu nhập trung bình", sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại, ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển.

Mâu thuẫn Mỹ-Châu Âu về tình hình Iran

Về tình hình Iran, Libération chạy trên trang nhất : "Iran, đánh thức sự sợ hãi". Sau nhiều ngày biểu tình sôi sục, phong trào phản đối tại Iran có nguy cơ bị chính quyền bóp nghẹt, đe dọa trừng phạt nặng nề những ai dám biểu tình, không sợ bị trấn áp.

Les Echos cho biết "Chính quyền Iran làm chủ lại tình hình". Lực lượng vệ binh Cách mạng khẳng định : tình trạng phản loạn đã chấm dứt.

Trong khi đó, Mỹ và Châu Âu lại có phản ứng khác nhau về tình hình tại Iran.

Nhật báo Le Monde có bài xã luận nhận định về "Những chia rẽ xuyên Đại Tây Dương về Iran".

Phong trào phản đối của người dân đang lan rộng tại Iran từ một tuần qua đã đẩy phương Tây vào tình thế khó khăn : hiệp định hạt nhân mà các cường quốc phương Tây ký với Iran là cội nguồn gián tiếp của làn sóng phản đối này và thỏa thuận nói trên có thể là nạn nhân liên đới.

Thỏa thuận được ký ngày 14/07/2015 giữa Iran và 5 thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) cùng với Đức bao gồm việc Iran ngưng một số hoạt động hạt nhân. Đổi lại, phương Tây sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với chính quyền Tehran. Hiệp định do phe cải cách dẫn đầu là tổng thống Hassan Rohani đám phán ký kết cũng như viễn cảnh đón nhận các đầu tư nước ngoài đã làm cho người dân Iran hy vọng tình hình kinh tế sẽ được cải thiện. Thế nhưng, các mong đợi này không hề được thực hiện do thái độ dè chừng của chính quyền Donald Trump làm tê liệt mọi tham vọng của Châu Âu quay trở lại Iran làm ăn, đầu tư.

Vấn đề này lại càng trở nên phức tạp khi phương Tây có lập trường chia rẽ rõ rệt trong quan hệ với Iran. Không ngần ngại đổ thêm dầu vào lửa, ngay từ đầu phong trào biểu tình, tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng khuyến khích người dân Iran. Nhà Trắng coi việc ủng hộ này là cơ hội thể hiện lập trường khác biệt với chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama.

Năm 2009, khi phong trào biểu tình nổ ra và bị đàn áp, chính quyền Mỹ lúc đó có thái độ thận trọng.

Ý thức được sự phức tạp của tình hình, các nước Châu Âu chỉ kêu gọi chính quyền Tehran kiềm chế, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và biểu tình của người dân, bày tỏ mối lo ngại trước các hành động trấn áp biểu tình.

Le Monde giải thích, Mỹ và Châu Âu có các phản ứng khác nhau vì hai bên có lập trường đối lập nhau về tương lai của hiệp định hạt nhân Iran. Tổng thống Donald Trump không dấu diếm thái độ thù nghịch đối với Iran và thỏa thuận hạt nhân, trong lúc các nước Châu Âu muốn giữ văn bản này. Hồi tháng 10/2017, khi buộc phải có ý kiến về việc Iran có tôn trọng thỏa thuận hạt nhân hay không, tổng thống Mỹ đã lựa chọn giải pháp nửa vời, từ chối xác nhận nhưng để cho Quốc Hội có khả năng cải thiện văn bản này.

Giai đoạn hiện nay khá tế nhị : trong khoảng thời gian từ 11 đến 17/01/2018, tổng thống Mỹ lại phải đối mặt với việc thừa nhận Iran tôn trọng hiệp định hạt nhân và qua đó, dỡ bỏ cấm vận hoặc là ông sẽ chính thức bác bỏ hiệp định này. Giải thuyết thứ hai, trong bối cảnh bạo động ở nhiều nơi tại Iran, chắc chắn làm gia tăng căng thẳng bên trong Iran.

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tìm cách "dung hòa" nhiều yếu tố : duy trì hiệp định hạt nhân, lo ngại về vai trò của Iran trong bối cảnh mất ổn định khu vực, duy trì đối thoại với tổng thống Rohani, có lập trường thận trọng về phong trào biểu tình hiện nay. Do vậy, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Iran, ngày 02/01, tổng thống Macron kêu gọi chính quyền Tehran kiềm chế, làm dịu căng thẳng. Đồng thời, nguyên thủ Pháp yêu cầu ngoại trưởng Jean-Yves Ledrian hoãn chuyến công du Iran được dự kiến vào ngày 05/01. Theo Le Monde, đó là một quyết định khôn ngoan, khác hẳn với thái độ náo động tại Washington.

Đi cùng hướng này, xã luận báo La Croix cho rằng "Nên thận trọng với Iran". Khác với tổng thống Mỹ Donald Trump, Châu Âu không nên đổ thêm dầu vào lửa, kêu gọi thay đổi chính quyền, đồng thời vẫn luôn luôn cảnh giác về tình trạng nhân quyền tại Iran. Pháp và Châu Âu cần thúc đẩy làm dịu căng thẳng trong khu vực, tạo thuận lợi cho các trao đổi thương mại, văn hóa và du lịch với người dân Iran.

2017 : Số phụ nữ bị ung thư phổi tăng tại Pháp

Trong lĩnh vực y tế, báo Le Figaro có bài đáng chú ý với lời báo động, tại Pháp, trong năm 2017, "Ung thư phổi ở phụ nữ gia tăng".

Ngày 02/01 vừa qua, các cơ quan phụ trách y tế công, viện nghiên cứu ung thư quốc gia Pháp đã công bố nghiên cứu thẩm định về bệnh ung thư, theo đó, số các trường hợp chẩn đoán bị ung thư gia tăng, tuy nhiên, số người tử vong về bệnh này lại giảm.

Trong năm 2017, có thêm 400 ngàn trường hợp được chẩn đoán là bị ung thư, nam giới 54% và nữ giới là 46%/. Tổng cộng, 150 ngàn bệnh nhân tử vong vì căn bệnh quái ác này.

Ba loại ung thư có số người tử vong cao nhất, đối với nam giới là ung thư phổi, ung thư ruột già và sau cùng là ung thư tuyến tiền liệt. Ở phụ nữ, nếu nhìn trong một giai đoạn vài năm thì ung thư ngực có tỷ lệ tử vọng cao nhất. Tuy nhiên, trong năm 2017, tỷ lệ phụ nữ qua đời vì ung thư phổi lại tăng vọt, hơn 10 ngàn người.

Theo giải thích của giới chuyên gia, phụ nữ bắt đầu hút thuốc lá nhiều từ cuối những năm 1960 và các thế hệ phụ nữ sau đó còn hút nhiều hơn. Ngược lại, nam giới lại có xu hướng giảm hút thuốc lá.

Yếu tố thứ hai là rượu. Những thế hệ trưởng thành từ giữa thế kỷ trước đã uống nhiều rượu hơn hiện nay.

Do vậy, giới chuyên gia khẳng định lại những khuyến cáo từ trước tới nay, để giảm nguy cơ gây ung thư, thì cần giảm hút thuốc lá và uống rượu.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Ngoại giao : Châu Á kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Courrier International tổng kết chuyến công du Châu Á đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ : Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng địa chính trị tại Châu lục này, "không có gì thay đổi giữa một nước Trung Quốc đang lên vươn lên và một nước Mỹ đang trên đà tuột dốc". Trên bàn cờ ấy, Việt Nam lại đóng vai trò "hàng đầu".

ngoaigiao1

Lãnh đạo các nền kinh tế dự thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam : Hàng đầu từ trái qua : Tập Cận Bình, Trần Đại Quang, Joko Widodo. Hàng sau, từ trái qua : Rodrigo Duterte, Vladimir Putin, Donald Trump tế Reuters

Tuần báo Pháp Courrier International trích lại một bài viết được đăng trên South China Morning Post số ra ngày 13/11/2017. Nhà nghiên cứu Timothy Heath, thuộc viện nghiên cứu Hoa Kỳ Rand Corporation (Reseach and Development) khẳng định : "Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Châu Á có chiều hướng gia tăng cường độ, bởi tương lai kinh tế của thế giới được đặt tại Châu lục này. Mỹ không thể lơ là với Châu Á".

Dự án con đường tơ lụa thế kỷ 21 của ông Tập Cận Bình gây lo ngại, nhất là khi biết rằng, vết tích của những hiềm khích lịch sử vẫn chưa được xóa nhòa, cho nên Hoa Kỳ vẫn được xem là một yếu tố bảo đảm cho hòa bình và ổn định tại khu vực này.

Trước những tham vọng về lãnh thổ của Bắc Kinh, trong mắt chuyên gia Alexander Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies, nguyên tắc của nhiều nước Châu Á trong cách tiếp cận với Washington và Bắc Kinh được áp dụng từ một phần tư thế kỷ qua đang bị lỗi thời : đó là gần Mỹ vì lợi ích an ninh, thân Trung Quốc vì quyền lợi kinh tế. Nguyên tắc này trong tương lai sẽ "hại nhiều hơn lợi". Alexander Vuving cho rằng trên vế "an ninh khu vực, các nước trong vùng đang đi tìm một hướng đi mới".

Chiến lược đường biển "Ấn Độ -Thái Bình Dương"

Trung Quốc bực mình vì chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương", đang được chính quyền Trump làm sống lại sau hơn một chục năm được nhắc tới lần đầu. Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Bắc Kinh, Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), đây không hơn không kém là chính sách "xoay trục sang Châu Á" được khởi động dưới thời Barack Obama nhằm làm đối trọng với Trung Quốc.

Trong dự án Ấn Độ-Thái Bình Dương này, Nhật Bản là nước tham gia ngay từ đầu. Úc và Ấn Độ mới chỉ hưởng ứng từ một vài tháng nay. Canberra bực mình vì Bắc Kinh can thiệp vào chính trị Úc và bành trướng ở Biển Đông, xem thường luật pháp quốc tế. Còn với Ấn Độ, những căng thẳng thường xuyên xảy ra ở vùng biên giới trên bộ dường như là động lực đẩy New Delhi về phía Washington.

Còn các nước Đông Nam Á thì sao ? Giáo sư Jay Batongbacal, chuyên gia về luật biển ở đại học Philippines cho rằng khối này không có nhiều chọn lựa. Không thể đối kháng trước sức mạnh của Trung Quốc, như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc từng làm. Bị Bắc Kinh chèn ép, các nước Đông Nam Á "có khả năng nhanh chóng liên kết với nhau để tự vệ".

Sự chọn lựa nào cho Việt Nam ?

Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa hai ông khổng lồ, là Trung Quốc và Mỹ, theo tờ South China Morning Post được Courrier International trích lại, Việt Nam "chiếm vị trí hàng đầu". Hà Nội và Bắc Kinh cùng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Thế nhưng liên hệ mật thiết về kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia này khiến Việt Nam không thể tách rời quỹ đạo của Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh đó, như ghi nhận của chuyên gia Alexander Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đã xem xét tất cả các giải pháp : vừa hướng về phía một số thành viên ASEAN, vừa xem Mỹ, Nhật và Ấn Độ là những đối tác then chốt có thể giúp Việt Nam giải tỏa bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trước sự bành trướng không còn che đậy của Trung Quốc, chính sách ngoại giao không nhất quán của tổng thống Donald Trump đối với Châu Á càng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ trong vùng bị "đổ dốc", làm lộ rõ nghi kỵ của các đồng minh đối với Hoa Kỳ và mở rộng cả một con đường thênh thang cho Trung Quốc khẳng định vị thế lãnh đạo trong khu vực, cả về mặt thương mại hay khí hậu và kể cả trên những hồ sơ quan trọng khác.

Lebanon, "mặt trận mới" trong cuộc đọ sức giữa Iran và Saudi Arabia ?

Thời sự quốc tế trong tuần nổi bật với nguy cơ một "lò lửa mới" bùng lên tại Trung Đông : Saudi Arabia tìm một "mặt trận mới" để gây hấn với Iran, như ghi nhận trên tuần báo L'Express. Trang bìa Courrier International đăng bức hí họa : hai cây cổ thụ là Iran và Saudi Arabia cơ bắp nổi cuồn cuộn, đang gờm nhau. Israel, kẻ thù của Iran, tưới nước cho cái cây tượng trưng cho chính quyền Ryadh.

Theo Courrier International, một cuộc xung đột khác đe dọa Trung Đông. Tất cả những yếu tố dẫn tới kịch bản đó đều đã được bày hết cả lên mặt bàn. Một bên là Saudi Arabia đang quyết tâm kềm hãm ảnh hưởng của Tehran trong khu vực, còn bên kia là một nước Iran gián tiếp thâu tóm quyền lực trong vùng. Trong cuộc đọ sức giữa Tehran và Ryadh này, Saudi Arabia nhận được sự ủng hộ từ phía Israel.

Trong bài nhận định trên L'Express, bình luận gia Chistian Makarian nhắc lại mối thâm thù giữa hai nước Hồi giáo, một bên theo hệ phái Shia và bên kia theo Suni. Hiềm khích mang nặng màu sắc tôn giáo và ý thức hệ đó gần đây như đã được thêm củi lửa, để bùng lên.

Yếu tố "châm ngòi" thứ nhất là chính sách ngoại giao của Donald Trump, gián tiếp để cho Ryadh đương đầu Iran. Ngòi lửa thứ hai là những thắng lợi liên tiếp của Iran ở bên ngoài lãnh thổ. Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của lực lượng quân sự Iran với các nước láng giềng chung quanh, từ Iraq đến Yemen, từ Syria đến giải Gaza của người Palestine. Nhưng điểm khiến Saudi Arabia nhức nhối nhất là sự can thiệp ngày càng rõ nét của Iran tại Lebanon.

L'Express nhắc lại : tháng 06/2017 Saudi Arabia và một số đồng minh trong vùng Vịnh phong tỏa Qatar với lý do chính thức là Doha dung túng quân khủng bố. Trên thực tế, Ryadh tố cáo Qatar liên kết với Iran. Giờ đây đến lượt Lebanon kẹt giữa hai ông khổng lồ khu vực. Saudi Arabia muốn dùng Lebanon để trừng phạt Iran, bù lại thất bại ê chề mà Ryadh đã phải hứng chịu trên trận địa Syria.

Thế kẹt của Saudi Arabia như tóm lược của tuần báo Courrier International : Ryadh sa lầy tại Yemen, dỗi hờn với Qatar và thất bại trong việc thành lập một liên minh giữa các nước Hồi giáo Sunni đoàn kết chống lại Iran theo hệ phái Shia.

Công nhân Việt Nam, rốt cuộc cũng tậu được nhà

Trong lĩnh vực xã hội Courrier International trích đoạn một phóng sự trên báo Singapore, The Straits Times, nói về hoàn cảnh công nhân Việt Nam ở Bình Dương. Theo một nghiên cứu do Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện gần đây, tìm được nhà ở là vấn đề gay go nhất đối với người lao động từ nông thôn lên thành phố kiếm sống.

Trung bình họ sống trên diện tích chừng 18 mét vuông, thuê với cái giá "cắt cổ" ; 46 % phải bằng lòng với giang sơn bị thu hẹp còn từ 6 đến 12 thước vuông. Trong hoàn cảnh đó, chính phủ Việt Nam hứa xây 250.000 căn hộ từ nay đến 2020 cho công nhân. Tới nay mới chỉ có 28 % khối lượng nhà ở này đã hoàn tất.

Riêng tỉnh Bình Dương, với diện tích rộng gấp ba lần Singapore, thu hút 22 tỷ euro đầu tư nước ngoài, năm 2013, Bình Dương bán một số các căn hộ với giá 100 triệu đồng cho công nhân có thu nhập thấp. Đó là những căn nhà chung cư sơ sài, rộng không quá 30 mét vuông và ở gần các nhà máy, để công nhân không mất nhiều thời gian di chuyển. Nguyễn Đình Khang, thợ máy 27 tuổi là một trong những công nhân may mắn có được mái ấm trong diện này. Khi đó lương của anh là khoảng 4,5 triệu đồng hàng tháng. Bốn năm sau, Khang và vợ con nhìn xa hơn và đang mơ về một mảnh đất cũng ở gần nhà máy để tự xây nhà.

The Straits Times của Singapore nói rõ : tới nay, tỉnh Bình Dương đã bán ra 7.500 căn hộ với giá rẻ cho công nhân và đang xây thêm 7.500 căn hộ khác.

Philippines, cuộc đấu tranh thầm lặng của một vài tu sĩ Công Giáo

Nhìn sang Philippines, nơi chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của tổng thống Rodrigo Duterte làm ít nhất 13.000 người bị sát hại mà không được xét xử, L'Express nói đến một "Cuộc nổi dậy của các thầy tu họ đạo".

Người khởi xướng phong trào này là cha Amado Picardal ở phía nam thủ đô Manila : cứ đúng 8 giờ mỗi tối, ông gióng hồi chuông, chiêu hồn những người chết trong chiến dịch bài ma túy do Duterte tiến hành, bởi theo giải thích của vị linh mục này, tổng thống Philippines chẳng mấy quan tâm đến mạng sống của mỗi con người. Cha Picardal từng được bổ nhiệm ở Davao, thành phố mà một thời Rodrigo Duterte là thị trưởng. Vị tu sĩ này nhớ lại trường hợp "hàng trăm người bị thanh toán" một cách lạnh lùng.

Tới nay, đã có khoảng hơn một chục nhà tu Philippines trên toàn quốc đứng về phía cha Picardal. Riêng đại diện của Vatican tại Manila thì vẫn im lặng trên hồ sơ nhậy cảm này. L'Express đặt câu hỏi : phải chăng vì đức giáo hoàng sắp công du Châu Á nên Tòa Thánh muốn tránh gây tranh cãi, tránh tạo cơ hội để tổng thống Duterte lại phát biểu hồ đồ ?

Chính trị Mỹ : Đảng Dân Chủ và thắng lợi khiêm tốn

Liên quan tới Hoa Kỳ, Courrier International đăng bức hí họa : một con lừa – biểu tượng của đảng Dân Chủ, đá đít Donald Trump. Ở bên trên là hàng tựa : "Mỹ, thắng lợi khiêm tốn của phe Dân Chủ".

Tờ báo này trích lại bài viết trên The Baltimore Sun, số ra ngày 07/11/2017, tức đúng một năm sau ngày Donald Trump đắc cử tổng thống, đảng Cộng Hòa bị thua tại New York, New Jersey và Virginia. Thêm một tin vui nữa với đảng Dân Chủ là nhiều cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu cho thấy, năm 2018, phe đối lập có nhiều cơ hội chiếm đa số ở Quốc Hội Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - midterm.

Thế nhưng tờ báo của Baltimore cho rằng, đảng Dân Chủ đang rất thận trọng, bởi còn quá nhiều chia rẽ nội bộ, vết hằn từ sau chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, một năm qua vẫn chưa nhạt phai.

Vả lại, để chiếm được đa số ở Quốc Hội lưỡng viện phe này cần giành thêm 3 ghế ở Thượng Viện và thắng lợi tại 25 trên tổng số 33 ghế ở Hạ Viện. Đó không phải là chuyện dễ làm. Đành là đảng Cộng Hòa cũng đang bị chia năm sẻ bảy nhưng ngoài một vài tiếng nói có trọng lượng bài Trump, như cựu tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush, thượng nghị sĩ John McCain… nhưng đừng quên rằng thành phần cử tri ủng hộ Donald Trump vẫn "vững chắc hơn bao giờ hết".

Văn hóa, mặt trận mới giữa Ukraine và Nga

Bốn năm sau Cách Mạng Maidan, vùng Donbass ở miền đông Ukraine sa lầy, tại Kiev người dân thủ đô tiếp tục chiến đấu chống lại nước Nga. Trận chiến chuyển sang địa hạt văn hóa. Ukraine từng bước đoạn tuyệt với những ảnh hưởng to lớn của văn hóa Nga, của nước Nga trong ngôn ngữ, trong văn chương.

Nhưng liệu rằng cắt giảm các chương trình truyền thanh và truyền hình được phát bằng ngôn ngữ của Tchekov có làm tổn thương đến di sản văn hóa của bản thân Ukraine hay không ? Đó là câu hỏi đang gây tranh cãi trong công luận Ukraine.

Từ anh đổ rác Nhật Bản đến lãnh đạo đảng cực hữu tại Cộng Hòa Séc

Tomio Okamura, 45 tuổi, một người mang hai dòng máu Nhật và Séc, liệu có cơ may trở thành tổng thống Cộng Hòa Séc trong nay mai ? Courrier International giới thiệu với độc giả lãnh đạo đảng cực hữu mang tên Tự Do và Dân Chủ Trực Tiếp. Đảng này vừa tạo bất ngờ, về thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc Hội tại Praha hồi tháng 10/2017, giành được 22 trên tổng số 200 ghế.

Tomio Okamura, nuôi tham vọng trở thành tổng thống của nước Cộng Hòa Séc, với chủ trương thành lập một "nền dân chủ trực tiếp" nơi các phương tiện truyền thông không được cắt lời ông. Tomio Okamura bài đạo Hồi, bài Châu Âu, chống người nhập cư, đề cao những giá trị "trong một gia đình truyền thống" trong lúc, như ghi nhận của tờ báo Reflex ấn hành tại Praha được Courrier International trích dẫn, bản thân ông ta lại bay bướm hơn ai hết, nay với người đẹp này, mai với người mẫu chân dài kia ... họ là những cô gái trẻ hơn ông ta rất nhiều.

Sinh ra tại Tokyo năm 1972 bố Nhật, mẹ Séc. Sống trên quê mẹ cho đến năm 18 tuổi trước khi trở lại Nhật Bản một thời gian. Những năm tháng trên xứ hoa anh đào, Tomio Okamura sống vất vưởng, học hành không là bao. Lúc thì làm nghề đổ rác, khi thì bán ngô rang ở rạp chiếu bóng. Thấy tương lai quá mịt mờ trên quê cha, Tomio trở lại về Séc, mở hãng du lịch đưa người Nhật đi tham Cộng Hòa Séc. Vận may đã đến. Tomio Okamura liên tiếp mở cửa hàng buôn bán thực phẩm Nhật, mở cửa hàng điện tử và trở thành một doanh nhân thành đạt. Hiện tại Okamura có tài sản lớn thứ ba trong số các dân biểu Séc.

2015, Tomio Okamura ra tranh cử thượng nghị sĩ và một lần nữa đã dễ dàng tìm được một chỗ đứng trên bàn cờ chính trị Séc. Tham vọng chính trị của anh chàng đổ rác Nhật Bản này không dừng lại ở đây. Ông định ra tranh cử tổng thống, nhưng phải bỏ cuộc vì không hội đủ chữ ký ủng hộ.

Một năm sau Tomio Okamura lập đảng cựu hữu mang tên Rạng Đông của một nền Dân Chủ Trực Tiếp. Lập trường cựu đoan của ông đã khiến một phần trong hàng ngũ Rạng Đông lo ngại. Tomio Okamura bỏ đảng này thành đảng Tự Do Dân Chủ Trực Tiếp, với lập trường còn bảo thủ hơn, cực đoan hơn.

Tomio Okamura, viết sách và không hề giấu diếm là đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của một doanh nhân Mỹ rất thành đạt tại New York mà ông gọi một cách thân mật là "Donald".

"Taxi bay", không còn là chuyện "khoa học giả tưởng"

Đóng lại các trang báo về thời sự quốc tế, để nhìn tới tương lai : chỉ nay mai loài người thực hiện được giấy mơ, thuê những chuyến "taxi bay", không người lái để dùng làm phương tiện di chuyển trong thành phố. Tạp chí Le Point dành hai trang giới thiệu phiên bản mẫu của loại "taxi bay - City Airbus". Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối 2018, bay với tốc độ 120 cây số giờ, mỗi chuyến bay có 4 chỗ ngồi.

Khác với những chiếc trực thăng hiện tại, loại "taxi bay" do hãng chế tạo máy bay Châu Âu sản xuất, chủ yếu hoạt động ở các thành phố, những nơi bị kẹt xe kinh niên. Airbus đang nhắm tới những thành phố như là Bắc Kinh, Thượng Hải, Jakarta hay Sao Paulo. Với phương tiện này trong tương lai, bạn chỉ cần 10 phút thay vì mất từ hai đến ba giờ đồng hồ để đi từ đông sang tây thủ đô Mehico.

Hiện tại ta có thể thuê trực thăng trên những chuyến bay tương đối dài, thí dụ như là Paris, Monaco. Còn với "taxi bay", ta có thể thuê để di chuyển trong nội thành. Taxi bay không cần bãi đáp, bãi đậu quá lớn như là đối với trực thăng.

Ở Sao Paulo và Bắc Kinh hiện có nhiều tòa nhà chọc trời đã có sẵn những trạm dành cho "taxi bay". Một khác biệt nữa với những chiếc trực thăng hiện tại, là "taxi bay" sử dụng điện thay xăng, dầu, tránh để gây ô nhiễm không khí.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khi trả lời phỏng vấn của Le Monde số ra ngày 11/09/2017, đã nhận định có hai khu vực trên thế giới phải đối phó với hiểm họa nguyên tử, đó là Châu Âu và Châu Á. Tuy nhiên tình hình tại Châu Á là nguy hiểm nhất.

hiem1

Kim Jong-un trong buổi lễ mừng thành công của các nhà khoa học Bắc Triều Tiên về chế tạo bom H. Ảnh của KCNA ngày 10/09/2017.KCNA via Reuters

RFI : Thưa ông, có nên nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc nguyên tử hay không ? Như vậy đây sẽ là nước thứ 9 - sau năm nước đã được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) công nhận là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc – cùng với Israel, Ấn Độ, Pakistan ?

Bruno Tertrais : Vụ thử nguyên tử lần thứ sáu hôm 3/9 và các hỏa tiễn được bắn đi trước đó, là những tiến bộ quan trọng của Bắc Triều Tiên, và nhìn chung, đây là một bước ngoặt. Bình Nhưỡng nay đã chế tạo được hỏa tiễn liên lục địa, và nắm được công nghệ nguyên tử - có thể là bom H cho dù chưa khẳng định được về vụ nổ có sức mạnh 150.000 tấn này. Dưới thời Kim Jong-un, các chương trình này đã được đẩy nhanh, tuy cần nhắc lại rằng đó là công nghệ của thập niên 50, và Bắc Triều Tiên đã mất nửa thế kỷ mới đạt được !

Câu hỏi đặt ra là thái độ của Bình Nhưỡng phía sau chương trình nguyên tử, có thể là họ đang say men chiến thắng. Một quân nhân Mỹ tại khu phi quân sự chia đôi hai nước Triều Tiên, từng nhận xét về những người lính phía bắc sau vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 : "Sáng nay, họ có vẻ oai vệ hơn…"

Trường hợp của Bình Nhưỡng chứng tỏ hai quy luật. Thứ nhất, một quốc gia cảm thấy bị đe dọa và không có được một sự bảo đảm an ninh chắc chắn, sẽ làm mọi cách để sở hữu vũ khí nguyên tử. Thứ hai, khi một quốc gia quyết tâm vượt qua một cái ngưỡng nào đó, thì rốt cuộc cũng sẽ vượt được. Chỉ có hai ngoại lệ : đó là thay đổi chế độ chính trị như trường hợp Nam Phi và Brazil, hay một hành động quân sự : Irak, nếu không có cuộc chiến năm 1991, chắc là sẽ có được bom nguyên tử vào cuối thập niên. Nhưng việc nhìn nhận năng lực nguyên tử không có nghĩa là công nhận.

RFI : Còn có thể chận đứng được Bình Nhưỡng hay không ?

Bruno Tertrais : Từ nhiều năm qua, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên là không thể đảo ngược. Đây là vấn đề cốt tử của chế độ, hơn nữa đã được ghi vào Hiến pháp. Trước hết, đó là phương tiện để tự vệ, để bảo đảm sự tồn tại : đối với Bình Nhưỡng, "mối đe dọa" Mỹ được định nghĩa là đe dọa hạt nhân.

Vũ khí nguyên tử cũng mang lại cho Bắc Triều Tiên vị thế về mặt chính trị. Bình Nhưỡng nay tự cho là đã đứng vào hàng ngũ hiếm hoi các Nhà nước nguyên tử, sánh vai với Washington. Chương trình này cũng mang lại niềm tự hào dân tộc, năng lực răn đe là ưu thế của một chế độ tự cho là bảo vệ nhân dân…Như vậy nếu tin rằng sẽ tiến đến hủy bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì chỉ là ảo tưởng. Nhưng niềm tin này cần được bênh vực, và đối với Seoul cũng như Tokyo, không thể đòi hỏi ít hơn.

RFI : Thế thì phải đáp trả như thế nào ?

Bruno Tertrais : Cần nhìn nhận thực tế ấy trong chính sách răn đe, bắt đầu là với Hoa Kỳ. Đối với người Mỹ, bảo vệ cũng là một cách đáp trả, ví dụ hệ thống lá chắn ở California và Alaska. Tiếp theo, cần phải duy trì, áp dụng toàn diện các biện pháp trừng phạt - nhất là phía Trung Quốc. Lợi ích của chúng là khiến cuộc sống ở Bắc Triều Tiên thêm khó khăn, vì nước này chưa thể tự cung tự cấp hoàn toàn, đồng thời chứng tỏ hậu quả của việc phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Nếu không trừng phạt, Bắc Triều Tiên sẽ còn đẩy nhanh hơn để đạt được mục tiêu.

Bên cạnh đó là đánh trả. Mỹ có những chương trình phá hoại, kể cả bằng tin học, để chống lại Bình Nhưỡng, cho dù đến nay chưa có kết quả.

Và việc thương lượng nữa, sẽ giúp tranh thủ được thời gian, mà thời gian thì rất quý giá. Đó là những gì đã thực hiện qua hiệp định nguyên tử Iran 2015 : cho đóng băng khoảng hơn một chục năm, với hy vọng từ đây đến lúc đó chế độ sẽ có những thay đổi. Có thể đề nghị Bình Nhưỡng chậm bớt một số hoạt động nguyên tử hay đạn đạo, đổi lấy việc Mỹ giới hạn các hoạt động quân sự. Ý tưởng này được ủng hộ nhiều, cho dù cũng không ổn lắm khi đánh đồng một chương trình hạt nhân bất hợp pháp với các hoạt động quân sự hợp pháp.

RFI : Can thiệp quân sự phải chăng là phương án ít rủi ro nhất - như đồng nghiệp Valérie Niquet đã đề nghị - nếu Seoul và Tokyo coi việc thương lượng là biểu hiện cho sự thiếu quyết đoán của đồng minh Mỹ ?

Bruno Tertrais : Không, rủi ro rất lớn, hơn nữa những nước bị ảnh hưởng đầu tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phản đối. Dưới thời Barack Obama, Mỹ đã tăng cường bảo đảm an ninh cho hai nước này. Còn Donald Trump đã gây ngạc nhiên lớn khi nhanh chóng trấn an người Nhật trong chuyến thăm Washington của ông Shinzo Abe hồi tháng Hai. Tôi không nhìn thấy sự quan ngại nơi Nhật, mà ngược lại, một cuộc tranh luận : sự bảo đảm của Mỹ sẽ phải tiến triển như thế nào ? Cần có thêm nhiều lá chắn tên lửa, hay nên bố trí vũ khí nguyên tử tại Hàn Quốc ?

RFI : Bình Nhưỡng cũng đe dọa cả Châu Âu ?

Bruno Tertrais : Tất cả chúng ta nay đều liên quan không khác gì người Mỹ, với những hỏa tiễn liên lục địa mà tầm bắn đã vượt quá 10.000 km. Đó không phải là mối đe dọa trực tiếp, nhưng nếu có xung đột tại bán đảo Triều Tiên thì chúng ta vẫn liên quan, vì Pháp là một trong những nước đứng ra bảo đảm việc ngưng bắn năm 1953. Với năng lực răn đe của Pháp, đó là vấn đề chiến lược thứ ba cần phải tính đến, ngoài Nga và Trung Quốc.

Cũng có thể nghĩ tới hệ thống phòng vệ tên lửa. Nhưng tôi không cho rằng đây là lời đáp hữu hiệu của Châu Âu hay NATO trước những hỏa tiễn liên lục địa từ Châu Á : phí tổn sẽ rất khủng khiếp, còn hiệu quả thì không chắc chắn.

RFI : Ông cho rằng có nguy cơ chạy đua vũ khí nguyên tử không ?

Bruno Tertrais : Cần phải giám sát mọi mưu toan phát triển công nghệ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Việc kiểm soát đã hiệu quả hơn so với cách đây 15 năm, nhưng đừng quên năm 2007 người ta đã phát hiện một lò phản ứng nguyên tử Bắc Triều Tiên tại Syria, sau đó Israel đã phá hủy lò này…

Có nghĩa là, trừ trường hợp bất ngờ, tôi cho rằng việc phổ biến hạt nhân ngày nay không còn là vấn đề chính. Với Bắc Triều Tiên, bây giờ là khả năng răn đe. Chương trình của Iran thì đã đóng băng, và tôi không biết Nhà nước nào vừa có ý định lẫn khả năng vượt qua ngưỡng cửa nguyên tử. Đây là sự thực, chừng nào mà Iran vẫn còn trong vòng kiểm soát và Seoul, Tokyo hay Riyad vẫn tin tưởng vào việc bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.

RFI : Nhưng Châu Á vẫn đang chạy đua về nguyên tử ?

Bruno Tertrais : Lục địa này đã phát triển nguyên tử từ 20 năm qua. Có sáu nước ở Châu lục sở hữu vũ khí hạt nhân : Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Nga, Hoa Kỳ. Hiện nay có hai lãnh địa nguyên tử lớn trên thế giới : Châu Âu, vì thái độ khiêu khích của Nga ; và Châu Á, nơi mà số vũ khí đang tăng lên tối đa. Những nước sở hữu vũ khí nguyên tử lo mở rộng tầm bắn hỏa tiễn, đa dạng hóa cách thức phóng, và quan tâm đến năng lực tàu ngầm.

Cũng chính tại Châu Á mà tình hình hiện nay nguy hiểm nhất. Nói một cách nào đó, Đệ nhị Thế chiến vẫn chưa kết thúc : số lãnh thổ tranh chấp từ thập niên 40 vẫn tồn tại. Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều không công nhận sự hiện diện hợp pháp của đối thủ. Chưa kể bất đồng giữa các láng giềng : Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… Chúng ta đang sống trong một thế giới của "chủ nghĩa dân tộc nguyên tử". Vũ khí hạt nhân, hơn bao giờ hết là chìa khóa của tương quan lực lượng quốc tế.

RFI : Phải chăng đây là một đòn mới đánh vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT ?

Bruno Tertrais : Không, vì Bắc Triều Tiên đã loan báo rút khỏi NPT từ năm 2003. Cú đòn thực sự đánh vào Hiệp ước này, là cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc hôm 7/7, về hiệp ước cấm toàn bộ vũ khí nguyên tử. Đó là sự chia rẽ : các tổ chức và quốc gia bực tức trước công cuộc giải trừ hạt nhân không có tiến triển gì đã đứng sang một phía khác, đòi hỏi giải trừ thông qua các công cụ mới. Tuy vậy, liệu có thể tin rằng một hiệp ước cấm đoán sẽ gây được tác động nào đó lên Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga ? Trên thực tế, những người chủ trương "hủy bỏ" vũ khí nguyên tử đã thua cuộc.

RFI : Năm quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể có cùng một tiếng nói ? Tại sao lại không có được sự đồng thuận về Bắc Triều Tiên, như đối với Iran ?

Bruno Tertrais : Sự đồng thuận của năm nước này về vấn đề hạt nhân là khá mong manh. Đã có những nỗ lực thực sự trong thương lượng với Bắc Triều Tiên, tương tự như với Iran, nhưng hai tình huống rất khác nhau. Quyết tâm của Bình Nhưỡng có thể đã bị đánh giá thấp. Hơn nữa, giữa một nước có tham vọng hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, muốn trở thành nhân tố hàng đầu trong khu vực ; và một nước đóng cửa với bên ngoài, ít lệ thuộc với thế giới, thì đòn bẩy kinh tế rất khác nhau. Iran cũng luôn tuyên bố muốn ở trong khuôn khổ hợp pháp. Những ai ấp ủ hy vọng làm được những gì như với Iran chỉ là ảo mộng.

RFI : Phải chăng hiện nay nguy cơ sử dụng đến vũ khí nguyên tử đã cao hơn ?

Bruno Tertrais : Không. Tôi phản đối giả thiết thảm họa hạt nhân. Tất cả các Nhà nước nguyên tử đều nhằm răn đe chứ không phải "sử dụng", kể cả Nga, Pakistan hay… Bắc Triều Tiên. Đã hẳn là có nguy cơ một sự khiêu khích biến thành một cuộc khủng hoảng, và thực hiện răn đe trong thế kỷ 21 khó khăn hơn nhiều so với thế kỷ 20. Nhưng điều rất đáng chú ý là vũ khí nguyên tử chưa hề được sử dụng kể từ năm 1945 đến nay, ngược với dự đoán của nhiều nhà phân tích. Còn về khủng bố nguyên tử, đó là một nguy cơ bị thổi phồng.

Thụy My lượt dịch

Nguồn : RFI, 11/09/2017

Published in Diễn đàn

Sau "Hiểm họa da vàng" và "Từ Thiên An Môn đến bức tường Bá Linh" trong loạt bài "Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của Châu Âu ?", RFI tiếp tục giới thiệu phần cuối : Liệu Bắc Kinh trở thành bá chủ ? Ba nhà sử học Pháp Philip Golub, Pierre Glossier và Hugues Tertrais phân tích chiến lược của Trung Quốc "muốn theo con đường phát triển của Mỹ" để trở thành một siêu cường hoặc ít ra là ngang ngửa với Mỹ vào năm 2049.

chaua1

Lính gác tại Quản trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày kỷ niệm khởi đầu Cách Mạng Văn Hóa 16/05/2016. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Trung Quốc bá chủ ?

Câu hỏi đầu tiên là Trung Quốc ngày nay có hội đủ sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ sau Thế Chiến Thứ Hai ? Các sử gia Pháp cho là "không" :

Pierre Glossier : Không. Không. Bởi vì vào năm 1945, bối cảnh lúc đó rất đặc biệt : Hoa Kỳ hưởng lợi từ thế chiến tuy không cố ý.

Châu Âu suy sụp. Khủng hoảng bùng dậy tại Châu Á với cuộc nội chiến quốc-cộng tại Trung Hoa, trong lúc Nhật Bản suy tàn sau khi thua trận. Do vậy, ảnh hưởng bá quyền của Mỹ càng lan rộng vì không có đối trọng , trước mặt là khoảng trống.

Và cũng vì thế mà đến những năm 1973, 1974, bắt đầu xuất hiện hiện tượng tái quân bình một cách tự nhiên : Châu Âu hồi sinh và trở lại bàn cờ ngoại giao . Tại Châu Á, Nhật Bản cũng phục hưng. Hoa Kỳ tuy vẫn giữ vai trò nổi trội nhưng trên chính trường quốc tế, thế quân bình ít nhiều được tái lập.

Trung Quốc ngày nay có tiềm năng rất lớn nhờ nước rộng dân đông. Nhưng dự phóng tương lai không theo một phương trình đường thẳng. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai Trung Quốc ? Làm sao xác quyết từ nay đến năm 2050 không có chuyện bất ngờ ? Mà lịch sử của nước Trung Hoa cũng không phải là một dòng sông êm ả.

Câu hỏi duy nhất là Trung Quốc có đi theo con đường của Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 hay không ? Chính quyềnTrung Quốc nghiên cứu rất kỹ lịch sử phát triển của nước Mỹ. Vào cuối thế kỷ 19, sức mạnh của Hoa Kỳ bắt đầu vượt trội, áp đảo các nước Châu Mỹ và vươn lên thành đại cường thế giới. Liệu Trung Quốc có tham vọng đó hay không ? Có muốn một học thuyết Monroe tại Châu Á để rồi áp đảo toàn bộ khu vực để làm cường quốc như Mỹ ? Có thể Bắc Kinh thực hiện hai mục tiêu này cùng một lúc. Ở Châu Á, nhiều người dự đoán như thế.

Phần tôi, tôi nghĩ rằng mốc hẹn của Trung Quốc là năm 2049, nhân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đúng 100 tuổi. Đó là cơ hội để đảng Cộng sản Trung Quốc chứng tỏ thành công thay đổi hẵn bộ mặt Trung Quốc từ một đại quốc bị sĩ nhục thành một đại cường ca khúc khải hoàn.

Học thuyết Monroe, được tổng thống Mỹ James Monroe trình bày năm 1823, thể hiện mong muốn Hoa Kỳ "bảo trợ cho an ninh và ổn định tại khu vực Tây bán cầu" bảo vệ độc lập cho toàn Châu Mỹ. Trung Quốc không đủ điều kiện để thực hiện học thuyết này tại Châu Á, cũng không thể thống trị khu vực.

Hugues Tertrais : Thấy được hay không tương lai Trung Quốc vào năm 2050 ? Tôi đồng ý là không thể dự phóng. Đành rằng xu hướng chung thì thấy được, nhưng làm sao đoán được những bất ngờ, vì "sự cố" tự thân nó không thể dự báo. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một đại cường toàn thắng, nhưng cũng có thể ngược lại. Trước khi xảy ra chiến tranh Việt Nam thì ai tiên liệu có cuộc chiến này ?

Còn chuyện học thuyết Monroe Châu Á, thì mô hình của Mỹ đã từng được nói đến. Trước hết, Nhật Bản sử dụng mô hình này thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bây giờ người ta nói đến học thuyết Monroe của Trung Quốc . Nhưng theo tôi, Trung Quốc không thống trị được Châu Á. Chúng ta đã thấy kinh nghiệm học thuyết Monroe của Mỹ thực hiện ở Châu Mỹ : Washington không đô hộ khu vực. Tokyo cũng thế, không thống trị Châu Á với học thuyết Monroe của Nhật trong thế kỷ 20. Bây giờ với Trung Quốc, tôi nghĩ là Châu Á đang trên đà thiết lập một thế cân bằng mới, hơn là sẽ bị một thế lực bá quyền mới thống trị.

Thứ nhất, bởi vì Nhật Bản còn đó, Nhật Bản không có chết. Về phần Trung Quốc, họ đang "tìm một biên giới mới" mà chưa tìm ra. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ai sẽ là đại cường thống trị Châu Á ? Trong khi đó, trong khu vực còn một cường quốc khác đang trổi dậy, đó là Ấn Độ. Rồi Đông Nam Á, với 600 triệu dân, không phải là không đáng kể. Tuy là một nhóm với nhiều nước nhỏ, nhưng khối này cũng muốn có vai vế trong khu vực, nếu họ biết tận dụng sức mạnh đoàn kết.

Theo sử gia Philip Golub, Trung Quốc không có yếu tố nhân hòa và thời thế thuận lợi như Hoa Kỳ trong thế kỹ 19 và 20.

Philip Golub : Giới lãnh đạo Trung Quốc rất hài lòng khi liên tục được khen ngợi là đang bắt kịp Hoa Kỳ một cách nhanh chóng. Nước Mỹ phải mất cả thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 mới phát triển thành một cường quốc kỹ nghệ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, chính quyền Trung Quốc phải đối đầu với nhiều vấn nạn to lớn từ bên trong lẫn bên ngoài. Trung Quốc đứng trước những thử thách ghê gớm, từ ô nhiễm môi trường đến quy hoạch đô thị và phát triển thị trường nội địa. Nói cách khác, không thể so sánh Trung Quốc với Mỹ. Hoa Kỳ thành công chinh phục các cường quốc Tây Âu và một phần thế giới, trong khi đó tại Châu Á, Trung Quốc phải đối đầu với Nhật Bản và với sức mạnh áp đảo của… Hoa Kỳ.

Từ thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã là cường quốc quân sự ở Tây bán cầu. Thế kỷ 21 này, sức mạnh của Mỹ là vô địch trên toàn thế giới, vô địch ở Châu Á Thái Bình Dương, vô địch ở trong vùng biển mà Trung Quốc gọi là "Nam hải". Do vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều lần trước khi tranh giành vai trò số một của Mỹ.

Vấn đề là nước Mỹ của tổng thống Donald Trump co cụm kinh tế. Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ tác động gì đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các tiểu long Đông Nam Á ?

Pierre Glossier : Donald Trump hiểu gì, không rõ ông ấy có hiểu, và muốn gì không phải là chuyện quan trọng. Điều cốt yếu là chính quyền Mỹ nói chung muốn gì. Người ta nói đến chính sách nào là co cụm, nào là điều chỉnh tình thế từ xa…Trên thực tế, một cách nhanh chóng, bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Mỹ, nhất là bộ quốc phòng, vẫn ưu tiên thắt chặt các liên minh truyền thống để bảo đảm cho khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trao đối với Châu Á, cực kinh tế số một thế giới, được tiếp tục. Tuy Donald Trump bác bỏ Hiệp Định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP một cách hấp tấp, tôi tự hỏi ông ta ngày nay có cảm thấy hối tiếc hay không, nhưng Hoa Kỳ không có ý định bỏ Châu Á, rút chân khỏi Châu Á.

Tuy nhiên, để không bị rơi vào thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà lãnh đạo trong vùng gia tăng các chuyến công du tìm đối tác mới, ký kết những thỏa thuận hợp tác kinh tế mới, để không bị rơi vào tình thế mà người Pháp gọi là "gom hết trứng vào một giỏ" hay bị lôi kéo vào cuộc xung đột tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh. Chúng ta thấy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, thủ tướng Shinzo Abe cũng nhiều lần gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, Việt Nam cũng bắt đầu đối thoại với nhiều nước, Úc và Ấn Độ cũng liên tục trao đổi, thảo luận với nhau. Ba nước Nhật, Ấn, Úc cũng siết chặt quan hệ.

Nói chung, hình thức quan hệ lưỡng cực đối đầu Cộng Sản-Chống Cộng Sản của thời chiến tranh lạnh không còn thích hợp nữa, nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn hiện diện trong khu vực. Sự hiện diện này còn một mục đích khác nữa là để Nhật Bản không lấy lý do quốc phòng để trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề của Trung Quốc là làm sao không cho Mỹ triển khai sức mạnh quân sự, cho nên người ta thấy Bắc Kinh sử dụng lá bài Moskva để gây khó khăn cho Washington, trong khi Mỹ dùng bàn cờ Trung Á, nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc để kềm hai đối thủ này. Nhìn chung, sân chơi đang được mở rộng.

Theo sử gia Hugues Tertrais, tương quan lực lượng tại Châu Á thay đổi không ngừng nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Chiến lược của Mỹ vẫn bất di bất dịch.

Hugues Tertrais : Tôi cũng đồng ý là một thế cân bằng mới đang hình thành, nhưng Hoa Kỳ vẫn bám trụ tại Châu Á chứ không đi đâu hết. Nhật Bản cũng thế. Sự kiện mới nhất là lần đầu tiên Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự. Cuộc diễn binh nhân 70 năm chiến thắng quân Nhật tại quảng trường Thiên An Môn là một hình thức biểu dương sức mạnh tiềm tàng, vì chưa bao giờ được sử dụng, là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng.

Điều này cho thấy là tương quan lực lượng ở Châu Á đang thay đổi không ngừng tùy theo sức mạnh của mỗi nước. Tuy nhiên, phải phân biệt rõ các hiện tượng được nhìn thấy hiện nay với xu hướng trong tương lai. Chẳng hạn như về kinh tế, tổng thống Donald Trump gạt bỏ TPP, nhưng trên thực tế từ đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ luôn khuyến khích và ủng hộ doanh nhân Mỹ buôn bán với Châu Á nhất là từ sau Thế Chiến Thứ Hai.

Tiếp theo là đến thập niên 1990, với Diễn đàn APEC và tuyên bố chung 1994 thúc đẩy mậu dịch tự do trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Vì thế, tuyên bố của ông Donald Trump không ký TPP không có nghĩa là Hoa Kỳ xét lại chính sách tự do mậu dịch. Hoa Kỳ luôn là một đại cường trao đổi thương mại tiếp tục điều hành thế giới. Donald Trump nói gì thì nói, chúng ta phải phân biệt hiện tượng nhất thời với xu hướng chung , từ kinh tế đến quân sự.

Câu hỏi then chốt ở đây là trong bối cảnh Donald Trump bỏ TPP, rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu COP21, mở rộng đường cho Trung Quốc thao túng chính trường quốc tế, liệu Bắc Kinh có đứng ra lãnh trách nhiệm của một đại cường hay chỉ muốn duy trì nguyên trạng ?

Ý kiến chung của ba sử gia Pháp như sau :

Chưa biết là Trung Quốc có sẵn sàng khai thác cơ hội chiến lược và khoảng trống do Mỹ để lại hay không ? Phải chờ xem chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới mới biết được.

Thái độ của tổng thống Mỹ đáp ứng nhu cầu ý thức hệ. Thành phần cực đoan nhất trong xu hướng dân tộc chủ nghĩa tại Mỹ tuy không đông, nhưng có mặt trong giới thân cận của Donald Trump, trong một số định chế, nhất là về an ninh quốc phòng. Nhiều lý thuyết gia của phe này cho rằng Hoa Kỳ cần phải can thiệp "đê điều, ngăn chận Trung Quốc" trước khi quá trể. Theo họ, không nên để cho Trung Quốc trổi dậy ở Châu Á . Nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện có thể xảy ra. Không phải chiến tranh toàn diện, nhưng có thể đụng độ tại Biển Đông. Bắc Kinh phải "xử lý" ra sao để đừng dẫn đến đụng độ, vì nếu xảy ra xung đột với Mỹ, kinh tế của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng.

Nhưng tại Mỹ cũng có một xu hướng thứ hai chủ trương nên cho Trung Quốc một chổ đứng, vì nếu tiếp tục can thiệp quân sự thì đến một lúc nào đó chính Hoa Kỳ sẽ bị hụt hơi và sẽ thua tại một nơi nào đó.

Trung Quốc cũng có lý do để không lợi dụng cơ hội Mỹ co cụm, bởi vì tình thế nguyên trạng hiện nay có lợi cho Trung Quốc, theo nghĩa Bắc Kinh giả vờ tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường, nhưng bảo hộ mậu dịch để dành lợi thế làm giàu và gây tổn hại cho người lao động Mỹ.

Nói cho cùng, điều mà Hoa Kỳ và tổng thống Donald Trump thấy rõ và cũng là mục tiêu sâu xa là buộc Trung Quốc phải thực sự tôn trọng luật lệ và nguyên tắc kinh tế thị trường. Một khi Trung Quốc tuân thủ luật chơi quốc tế, thì Hoa Kỳ sẽ không còn bị Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột trực diện với Mỹ là có thật, vì mọi nước, ở mọi nơi, không phải chỉ riêng Trung Quốc và ở Châu Á, đều muốn phát huy ảnh hưởng.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 07/09/2017

Published in Diễn đàn

Chế độ lãnh đạo theo kiểu "cha truyền, con nối" đang "làm mưa, làm gió" ở nhiều nước Châu Á. Các "gia tộc chính trị" ở Châu Á phổ thông hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, trừ Trung Đông. Hơn nữa, sự thống trị của những nhà lãnh đạo kiểu này thường kéo dài nhiều thập kỷ.

asie1

Tổng thống Hàn Quốc bị truất phế Park Geun-hye. REUTERS/Kim Hong-ji/File Photo

Trên đây là những nhận định của nhà sử học Jean-Louis Margolin trong bài viết "Châu Á của những người được kế thừa", đăng trên trang mạng Asialyst vào ngày 13/04/2017. RFI xin trích dịch bài viết để giới thiệu với quý thính giả.

"Tính kế thừa lãnh đạo" thể hiện rõ ràng nhất ở các nước quân chủ : trong số 23 nước Nam Á, Đông Nam Á và Tây Á, có 6 nước theo chế độ quân chủ : Bhoutan, Brunei, Cam Bốt, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan. Trường hợp của Malaysia khá đặc biệt. 9 tiểu vương của các bang bầu 1 trong số họ lên làm quốc vương với nhiệm kỳ 5 năm. Như vậy, quốc vương Malaysia lên ngôi không phải do thừa kế và có quyền lực khá hạn chế. Chỉ có một quốc vương có quyền hành tuyệt đối là vị vua Hassanal Bolkia của vương quốc dầu lửa nhỏ bé Brunei, người lên nối ngôi vua cha vào năm 1984. Tại Bhoutan và Thái Lan, quốc vương giữ vai trò quan trọng. Trong khi đó, từ vài thập kỷ nay, vai trò của nhà vua mờ nhạt nhất ở Nhật Bản và Cam Bốt.

Nhiều "gia đình lãnh đạo" duy trì chế độ ổn định trong một thời gian đáng nể. Chẳng hạn cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ năm 1959 tới năm 1990. Và Lý Hiển Long - con trai Lý Quang Diệu - làm thủ tướng từ năm 2004 tới nay. Còn gia đình Kim ở Bình Nhưỡng lãnh đạo đất nước liên tục từ năm 1945 tới nay, với ba đời lãnh đạo : Kim Nhật Thành, cha đẻ của chế độ Bắc Triều Tiên, Kim Jong-il và Kim Jong-un. Đây là một trong những kỷ lục không chỉ ở Châu Á mà còn trên toàn thế giới. Nhìn sang Cam Bốt, Hun Sen lãnh đạo chính phủ hay đảm nhận các vị trí khác nhau trong chính phủ từ năm 1985 tới giờ.

Tuy nhiên, cần nói rõ rằng cả Lý Quang Diệu và Hun Sen đều không phải là những lãnh đạo được "thừa kế" quyền lực từ gia đình. Còn những nhân vật "kế thừa" quyền lãnh đạo từ gia đình, họ chưa chắc đã duy trì đỉnh cao danh vọng lâu bền hơn thế hệ cha ông. Điển hình là cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, con gái nhà độc tài nổi tiếng Park Chung-hye, tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979. Bà Park Geun-hye đã bị phế truất chỉ sau 4 năm đắc cử tổng thống (chưa hết 1 nhiệm kỳ), vì dính vào vụ tai tiếng chính trị liên quan tới bà bạn thân Shoi Soon-sil làm rúng động cả đất nước Hàn Quốc.

Hiện tại, còn 5 nhà lãnh đạo Châu Á khác đang nắm quyền và đều xuất thân từ các gia đình có ông cha nắm "quyền cao, chức trọng" trong quá khứ, trong đó có ba nhân vật đã củng cố được vị thế trong thời gian qua. Đó là thủ tướng nhật Bản Shinzo Abe, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Miến Điện.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là cháu ngoại của Kishi Nobusuke, thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960 và cháu họ của Sato Eisaku, thủ tướng giai đoạn 1964-1972. Cha của thủ tướng Shinzo Abe, ông Abe Kintaro, cũng đã từng là Ngoại trưởng Nhật Bản và tổng thư ký của đảng Tự Do-Dân Chủ vào những năm 1980.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người lên nắm quyền năm 2013, lại nằm trong danh sách "các hoàng tử đỏ" của Trung Quốc. Ông Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, là một bí thư tỉnh ủy ở miền tây bắc Trung Quốc sau năm 1949, rồi trở thành phó thủ tướng nước này trước khi bị thất sủng và bị "hạ bệ" vào năm 1962. Sau khi được khôi phục danh dự, trong những năm 1980, cha của Tập Cận Bình là một trong các nhân vật đi đầu các cuộc cải cách kinh tế lớn ở Trung Quốc.

Nhìn sang Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi là cố vấn đặc biệt của chính quyền, nhưng trên thực tế, bà là người lãnh đạo chính phủ. Bà Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San, vị anh hùng đã mang lại độc lập cho đất nước Miến Điện.

Thủ tướng hai nước Bangladesh và Malaisia thì "lận đận" hơn nhiều. Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh là con gái của Sheikh Mujibur Rahman, người đã lãnh đạo một cuộc chiến tranh đẫm máu giải phóng Bangladesh vào năm 1971 và bị ám sát vào năm 1975 cùng với cả gia đình. Bà Sheikh Hasina và một người em gái may mắn thoát chết. Sheikh Hasina lãnh đạo đảng Liên Đoàn Awami và chiến thắng trong các cuộc cầu cử lập pháp 2008 và 2014 tại Bangladesh. Tuy nhiên, bà lãnh đạo trong bối cảnh bị phe đối lập tẩy chay và phải đối đầu với trào lưu Hồi Giáo cực đoan ngày càng gia tăng. Nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn do Hồi Giáo cực đoan xảy ra liên tục khiến tương lai đất nước trở nên bất định.

Còn thủ tướng Malaysia Najib Razak có cha là ông Tun Abdul Razak, lãnh đạo chính phủ từ năm 1970 đến năm 1976. Từ năm 2015, thủ tướng Najib Razak dính tới một vụ tai tiếng lớn về tài chính và rất nhiều nghi án tham nhũng, nhiều cuộc biểu tình của những người phản đối ông diễn ra với quy mô lớn chưa từng có.

Như vậy, vào thời điểm cuối năm 2016, trong số 23 nước Nam Á, Đông Nam Á và Tây Á, có tới 9 quốc gia đang được lãnh đạo bởi những nhân vật xuất thân từ các "gia tộc chính trị". Còn những năm qua, tại nhiều quốc gia Châu Á, người ta cũng đã chứng kiến một số gia tộc thâu tóm quyền lực chính trị của đất nước, chẳng hạn nhà Bhutto ở Pakistan, gia đình họ Tưởng ở Đài Loan, dòng họ Aquino ở Philippines, cha con Sukarno ở Indonesia. Nhưng đặc biệt nhất phải kể tới dòng họ Nehru-Gandhi tại Ấn Độ, với 5 thế hệ giữ các vị trí cao trên chính trường Ấn Độ từ những năm đầu thế kỷ XX và 3 thủ tướng.

Rất ít nhân vật kế thừa quyền lực chính trị từ gia tộc thưc sự có tài năng lãnh đạo nổi trội hơn các nhà lãnh đạo khác. Một số nhà lãnh đạo "kế thừa" còn tỏ ra rất tầm thường, thậm chí là còn gây hại cho đất nước, chẳng hạn như cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cự tổng thống Indenosia Magawatti Sukarnoputri, thủ tướng Malaisia Najib Razak.

Tại sao các gia tộc chính trị lại lên ngôi ở Châu Á nhiều như vậy ?

Nhà sử học Jean-Louis Margolin giải thích là một số suy nghĩ đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của người dân. Nhiều người nghĩ rằng, một số nhân vật có tố chất lãnh đạo hơn người, tố chất đó có trong gêne của họ và được truyền từ đời này sang đời sau, chẳng hạn họ Kim ở Bắc Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Nehru-Gandi của Ấn Độ và Bhutto của Pakistan lại được bầu lên nhờ vào "vầng hào quang sáng chói" của thế hệ cha ông. Điều này giải thích tại sao đây là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ chế độ phụ hệ nhưng lại có nhiều nhà lãnh đạo là nữ. Ngoài ra, cần nói tới lợi thế về nền giáo dục mà những người này được hưởng. Đó là trường hợp của gia tộc thủ tướng Lý ở Singapore, họ Tưởng ở Đài Loan và gia đình tổng thống Kim ở Hàn Quốc.

Một ưu điểm khác của việc bầu một thành viên của các gia tộc chính trị lên nắm quyền là nhằm bảo vệ và duy trì nhưng thành quả mà các nhà lãnh đạo thế hệ trước trong gia tộc đã tạo dựng được, giảm thiểu nguy cơ công sức của họ "rơi xuống sông, xuống biển" hay "tan thành mây khói" khi rơi vào tay các nhà lãnh đạo ngoài gia tộc. Và cuối cùng, đây cũng là cách để đất nước thể hiện lòng biết ơn vì những gì họ đang được hưởn

Tính kế thừa quyền lực theo gia tộc hiện đang suy yếu ?

Theo tác giả Jean-Louis Margolin, về mặt logic, khi trình độ giáo dục và chủ nghĩa cá nhân được nâng cao thì sẽ dẫn tới sự phân chia lại quyền lực chính trị. Và quyền lực kiểu "cha truyền con nối" sẽ suy yếu. Có vẻ đây là điều đang xảy ra ở Indonesia, Ấn Độ, Pakistan hoặc Đài Loan.

Trong khi đó, tại một số nước phát triển hiện đại và có trình độ giáo dục cao như Singapore hay Nhật Bản xu hướng kế thừa quyền lực theo gia tộc không hề suy giảm. Nhiều thủ tướng trước thủ tướng Shinzo Abe cũng xuất thân từ các "gia tộc quyền cao, chức trọng". Còn tại Trung Quốc, hiện vẫn đang diễn ra cuộc đấu giữa các "hoàng tử đỏ".

Dường như đây không/chưa phải lúc Châu Á thoát ra khỏi quyền lực kiểu "con ông cháu cha".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 17/04/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 11 janvier 2017 09:06

Viễn ảnh 2017

vienanh1

Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng con gái và con rể, nay là cố vấn cho ông trong Nhà Trắng.  AFP photo

Sau một năm 2016 đầy bất ngờ chính trị, tình hình kinh tế thế giới sẽ ra sao trong năm 2017 ? Người ta có thể lạc quan một cách thận trọng về viễn ảnh kinh tế của Hoa Kỳ với một chính quyền mới, nhưng chờ đợi nhiều sóng gió từ Âu Châu và không mấy yên tâm về kinh tế Trung Quốc trong kịch bản đối đầu với Hoa Kỳ.

Khó đoán

Hòa Ái : Thưa ông, năm 2016 vừa kết thúc đã có quá nhiều bất ngờ chính trị và viễn ảnh 2017 có khi cũng dành cho thế giới nhiều điều bất ngờ khác. Vì vậy, bước vào một năm mới, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu tình hình kinh tế toàn cầu. Theo dõi những biến chuyển vừa qua, ông thấy những yếu tố nào là đáng kể nhất ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin khởi đầu từ Hoa Kỳ, với sản lượng kinh tế gần bằng một phần tư của toàn cầu và vừa bầu lên một chính quyền mới sau tám năm lãnh đạo của một Hành pháp Dân Chủ. Dù là những gì xảy ra tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới, mối quan ngại của các nước lại xuất phát từ những bất trắc của một Chính quyền thành hình trong điều kiện quá đặc biệt của nước Mỹ. Khoa kinh tế có khá nhiều mô thức để dự đoán tương lai, nhưng khi tương lai lại do các chính trị gia quyết định thì người ta nên thận trọng vì khó ai đoán ra sự tính toán bất thường của chính trị.

Trong cảnh ngộ ấy, bản thân tôi thì chỉ có thể lạc quan một cách dè dặt về kinh tế Hoa Kỳ. Sở dĩ lạc quan vì lần đầu tiên từ cả chục năm nay mà đảng Cộng Hòa kiểm soát được Hành pháp lẫn Lập pháp sau nhiều năm gặp hiện tượng "ách tắc chính trị" vì có Tổng thống bên đảng Dân Chủ và một Quốc hội lại chia hai, do đảng Cộng Hòa chỉ chiếm đa số tại Hạ viện. Lý do lạc quan thứ hai là cử tri Mỹ đang trông đợi một chính sách kinh tế mới, cho nên các tiểu bang bầu cho ông Donald Trump là người hứa hẹn sẽ đem lại sức mạnh cho nước Mỹ, nhất là về kinh tế, sau tám năm cầm quyền của Hành pháp Dân Chủ.

Hòa Ái : Trước hết là về lý do vì sao ông có vẻ lạc quan với viễn ảnh lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong mọi cuộc tranh cử tại một quốc gia dân chủ, các ứng cử viên đều có thể đưa ra chương trình hành động cho cử tri chọn lựa, nhưng khi đắc cử thì chưa chắc họ áp dụng được những gì đề nghị. Trường hợp của Hoa Kỳ càng cho thấy nghịch lý ấy, vì trái với sự suy nghĩ của nhiều người và khác với hoàn cảnh của nhiều nước dân chủ, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền và thật ra còn có ảnh hưởng hạn chế về chính sách kinh tế. Cụ thể thì Hiến pháp cho Hạ viện Mỹ thẩm quyền lớn nhất về ngân sách và tài chính công quyền.

Lần này, với đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại cả Thượng và Hạ viện, người ta có thể hy vọng sự thống nhất ý kiến về chính sách kinh tế giữa Hành pháp và Lập pháp, chứ không có chuyện Tổng thống phủ quyết đề nghị của Quốc hội như đã từng xảy ra từ mấy năm qua. Đi vào thực tế thì Tổng thống Tân cử Donald Trump và Quốc hội Cộng Hoà có ba điểm đồng thuận đáng kể là muốn kích thích sản xuất qua biện pháp giảm thuế và cải cách thuế vụ, giản lược hóa hệ thống kiểm soát thiết lập sau vụ khủng hoảng 2008 và thực thi nhiều dự án xây dựng hạ tầng. Có lẽ vì vậy mà thị trường cổ phiếu vọt tăng giá sau khi ông Donald Trump thắng phiếu.

Hòa Ái : Nhưng vì sao ông lại chỉ lạc quan một cách dè dặt ? Lý do của sự thận trọng này là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta vẫn phải dè dặt xem các đề nghị được thảo luận và biểu quyết ra sao trong ba bốn tháng đầu của vị Tổng thống thứ 45. Qua hơn trăm ngày đầu, nếu mọi việc hanh thông thì tình hình sẽ khả quan suốt năm, với đà tăng trưởng có thể từ 2,1% lên tới 2,5% trong quý ba và mấp mé 3% vào đầu năm tới. Đấy là khi hai kế hoạch cải tổ hệ thống An sinh Xã hội và Bảo dưỡng Y tế có hy vọng thành hình cho thập niên tới. Ngược lại, nếu chính trường Mỹ lại nổi sóng ngay từ ba tháng đầu của Tổng thống Donald Trump, thị trường sẽ thất vọng tuột giá và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày sáu Tháng 11 năm 2018 khiến nhiều dân biểu nghị sĩ xét lại việc ủng hộ chính sách của Hành pháp làm chính trường lại bế tắc nữa.

Ta nên nhớ Tổng thống Mỹ không gây ra suy trầm kinh tế nhưng lại bị bó tay vì khó kích thích kinh tế nếu không có hậu thuẫn của Quốc hội. Vả lại, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, Hoa Kỳ có nhu cầu xây dựng lại một nền móng kinh tế khác, chính là nhu cầu ấy mới khiến một tay ngang như tỷ phú Donald Trump lai thắng cử một cách bất ngờ. Nhìn theo viễn ảnh dài thì sau khi bầu cho một Nghị sĩ có rất ít kinh nghiệm chính trị là ông Barack Obama vào năm 2008 thì Hoa Kỳ tìm đến một nhân vật cũng chưa từng có kinh nghiệm chính trị là doanh gia Donald Trump. Nước Mỹ đang đi tìm một giải pháp khác và phải mất nhiều năm.

Âu Châu không êm ả

BELGIUM-EU-EUROGROUP

Các Bộ trưởng tài chính châu Âu họp tại Brussels, Bỉ vào hôm 5/12/2016. AFP photo

Hòa Ái : Như vậy, có lẽ phải đợi đến Tháng Tư năm nay thì chúng ta mới biết Hoa Kỳ có xây dựng được nền móng hay giải pháp của một cuộc cải cách lớn lao cho cả chục năm tới hay không. Thưa ông, còn nhìn ra thế giới bên ngoài thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới bên ngoài Hoa Kỳ thì có khối kinh tế Âu Châu với 500 triệu dân có sản lượng kinh tế gần bằng Mỹ mà là một khối thiếu thống nhất, năm nay lại tiếp tục bị nguy cơ phân hóa. Chúng ta không quên trào lưu ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia chống lại cơ chế hay thỏa thuận quốc tế xuất phát từ Âu Châu với sự thắng thế của xu hướng cực đoan trước khi người ta nói đến hiện tượng Donald Trump. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang sống chung như 50 quốc gia đã chia quyền cho một cơ chế liên bang để bầu ra một Tổng thống lãnh đạo cả nước. Liên hiệp Âu châu chưa được như vậy và mâu thuẫn giữa 28 quốc gia thành viên với cơ chế quốc tế tại thủ đô Bruxelles là mối nguy khiến họ có thể phân hóa thành nhiều mảnh.

Hòa Ái : Đã vậy, trong hệ thống Liên Âu có 28 thành viên, người ta còn có khối kinh tế Euro. Thưa ông, năm nay thì tình hình kinh tế của khối Euro sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là trong tập thể Liên Âu có khối Euro dùng đồng bạc thống nhất gồm 19 hội viên lại bị chấn động từ vụ Tổng suy trầm 2008-2009 làm các nước miền Nam bị hại nhất, chưa kể vụ khủng hoảng vì di dân hay nạn khủng bố. Tại miền Nam, hệ thống ngân hàng của nền kinh tế có sản lượng thứ ba của khối Euro đang rung rinh dưới một núi nợ xấu gần 400 tỷ Euro là nước Ý mà Liên Âu không thể tìm ra giải pháp. Năm nay, bốn nước trong sáu quốc gia sáng lập Liên Âu lại có bầu cử, là Pháp, Đức, Hà Lan và cả Ý. Nếu cử tri lại tín nhiệm các chính đảng hoài nghi sự hội nhập Âu Châu thì sau vụ Brexit năm ngoái, năm nay sẽ còn nhiều nước nói đến việc ra khỏi Liên Âu.

Chúng ta gặp một kịch bản đáng sợ là các chính đảng truyền thống đã từng lãnh đạo Âu Châu từ 70 năm nay đều bị thất thế vì không có giải pháp cho các vấn đề mới mà các chính đảng cực đoan ở ngoài lề lại đề nghị xé chiếu ngồi riêng và còn kịch liệt chống di dân và hội nhập nữa. Khi một khối kinh tế lớn như vậy mà gặp bế tắc chính trị không lối thoát thì kinh tế dễ bị suy thoái khiến Hoa Kỳ cũng bị lây, chưa nói đến hậu quả cho các nước đang phát triển cần xuất khẩu vào thị trường Âu Châu. Ta trở lại hiện tượng là mọi mô thức dự đoán kinh tế đều bị nhiệt tình chính trị đưa vào chỗ đoán sai nên càng dè dặt với sự lạc quan về một phép lạ kinh tế tại Hoa Kỳ !

Kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao ?

CHINA 2015 GDP

Công nhân Trung Quốc may hàng xuất khẩu qua châu Âu tại một xưởng may ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, ngày 08 tháng 12 năm 2015. AFP photo

Hòa Ái : Trong khung cảnh ấy, người ta mới nhìn vào nền kinh tế có sản lượng thứ nhì sau Hoa Kỳ, đó là Trung Quốc. Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống với lập trường khá cứng rắn về quan hệ kinh tế với Bắc Kinh thì mọi người đều có thể e ngại một trận chiến mậu dịch giữa hai nước. Thế thì viễn ảnh kinh tế 2017 của Trung Quốc sẽ là gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tuần qua, hệ thống thông tin chuyên đề về kinh tế là Bloomberg có trích dẫn một nguồn tin riêng, rằng Chính quyền Bắc Kinh trù tính tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc nếu Tổng thống Tân cử Donald Trump áp dụng các biện pháp chống hàng hóa Trung Quốc. Họ còn cụ thể nói đến khu vực công nghệ cao cấp của Mỹ sẽ bị thiệt, như hãng Apple đã kiếm được hơn 48 tỷ đô la, bằng 21% số thu, nhờ bán hàng vào Trung Quốc. Loại tin tức mang tính chất hăm dọa như vậy không gây ngạc nhiên vì từ năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không làm ăn theo các điều kiện do Bắc Kinh đặt ra, nhưng dù quan trọng thì đấy không là chuyện chính. Chuyện chính là từ năm nay, Trung Quốc sẽ khó xoay trở như trong mấy năm qua vì những vấn đề nội tại của xứ này.

Thứ nhất, mùa Thu năm nay, đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ có Đại hội khóa 19 và nhiều phần thì Chủ tịch Tập Cận Bình có thêm năm năm để tập trung quyền lực như Bắc Kinh vừa thông báo khi tạp chí Cầu Thị loan tải bài diễn văn ông đọc trước Hội nghị Kỳ 6 cỉa Ban Chấp hành Trung ương vào cuối Tháng 10 vừa qua. Tức là họ Tập sẽ tăng cường độc tài vì phải giữ đà tăng trưởng trong ổn định chính trị mà lại gặp sự cưỡng chống của các đảng viên cao cấp. Hai yêu cầu ấy có nghĩa là kinh tế vẫn cứ sản xuất để tạo ra việc làm và tránh động loạn, nhưng sản xuất rồi thì bán cho ai nếu kinh tế Âu Châu còn èo uột và Hoa Kỳ sẽ chẳng mua hàng như xưa ?

Hòa Ái : Trong một kỳ trước, ông có nói kinh tế Trung Quốc cần xuất khẩu qua Mỹ hơn là Hoa Kỳ cần nhập khẩu của Trung Quốc. Như vậy, nếu tranh chấp mậu dịch bùng nổ giữa hai nước thì về dài kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Sự thể có là như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ sự thể còn bất lợi hơn vậy và sẽ được thấy ngay năm nay. Tuần qua, phân lời trái phiếu của đồng Nguyên trao đổi trên thị trường hải ngoại đã có lúc vọt lên mức cực kỳ bất thường là 105% ! Điều ấy có nghĩa là Bắc Kinh đang cố giữ giá đồng bạc cho khỏi sụt chứ không tiếp tục chiều hướng phá giá để tìm lợi thế xuất khẩu, và muốn vậy thì đã tốn mấy trăm tỷ đô la chứ không ít. Trước đây, Bắc Kinh còn có thể ứng phó với các biện pháp ngoại hối khi có gần bốn ngàn tỷ dự trữ.

Ngày nay, tuần qua, họ chỉ còn chừng ba ngàn và rơi vào cảnh lưỡng nan, cả hai giải pháp đều nan giải, bất toàn. Hoặc là mất dự trữ bằng đô la để nâng giá đồng Nguyên, hoặc là tăng lãi suất để tránh nạn tầu tán tư bản ra ngoài. Điều mỉa mai ở đây là cả Bắc Kinh lẫn Chính quyền Trump đều không muốn đồng bạc Trung Quốc sụt giá quá mạnh nhưng trong khi Bắc Kinh muốn xuất khẩu hàng hóa thì lại chẳng thể tránh được nạn xuất khẩu tư bản khi giới có tiền chuyển ngân tài sản ra ngoài để khỏi bị mất giá.

Chẳng hạn như hôm Thứ Hai tuần qua, tôi đọc thấy trên trang mạng của Christine Duhaime tại Canada về hiện tượng tham nhũng và rửa tiền thì người ta ước lượng rằng từ năm 1995 tới 2013 đã có hai ngàn tỷ đô la Canada, hay một ngàn 500 tỷ đô la Mỹ, là của tham nhũng được tấu tán qua Hoa Kỳ, Úc, Canada và Hà Lan. Nếu kể thêm các khoản chuyển ngân hợp pháp thì hóa ra tài sản từ Trung Quốc đang thổi lên bong bóng đầu cơ tại các nước kia ! Như thế làm sao lãnh đạo có thể tiếp tục xoay trở như trước ? Vì vậy, khỏi nói đến trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa, việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5% một năm và Tập Cận Bình có thể cải cách để thoát cơn khủng hỏang là điều khó tin trong năm nay. Suy đi nghĩ lại thì đáng lạc quan hơn cả vẫn là kinh tế Hoa Kỳ mà có lẽ nhiều người Mỹ chưa thấy nên cứ cãi nhau và sợ Tầu !

Hòa Ái : Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Nguồn : RFA tiếng Việt, Tạp chí, 11/01/2017

Published in Diễn đàn

Chính tại Châu Á, chứ không phải nơi nào khác, nước Mỹ đang phải đối mặt với việc làm thế nào đối phó với chủ nghĩa hành động ngày một lớn của Trung Quốc.

Nhưng theo giới quan sát, với tầm ảnh hưởng của mình, Washington sẽ chống lại được các mỗi đe dọa như thế này vì họ bắt rễ tại các Châu lục sâu hơn tham vọng trỗi dạy của Trung Quốc.

Các nước Châu Á có truyền thống lâu đời về các tư tưởng, các cuộc đàm phán và hiệp ước với các nước xung quanh, kể các các nước là đồng minh của Mỹ. Nhưng riêng với người láng giềng Trung Quốc, các nước này chưa bao giờ ngừng hoài nghi sâu sắc. 

Ví dụ Nhật Bản, luôn nhìn sự nổi lên của Trung Quốc đầy ngờ vực. Đã có không ít ý kiến đề xuất Nhật Bản và Mỹ nên dẫn đầu cho nỗ lực nhằm chống lại cái mà họ giả định là tham vọng Châu Á hóa của người Trung Quốc.

my1

Đảo nhân tạo doTrung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông.

Dù thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP) vẫn chưa trở thành vũ khí cạnh tranh chủ lực nhưng giới chức Mỹ đã sớm mô tả đây là động cơ của Trung Quốc nhằm "viết lại luật chơi" trong khu vực nhằm ngăn cản bước tiến của Mỹ.

Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Khoảng một nửa các nước tham gia đàm phán TPP đều tham gia RCEP. Vì đây là sáng kiến chung của các nước như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam – những nước luôn hoài nghi nhất về các động cơ Trung Quốc tại khu vực.

Như vậy khả năng dễ xảy ra là nếu Mỹ không phê chuẩn TPP, các nước này sẽ vẫn tiếp tục tham gia các quy định xuyên Á mới, chứ không chấp nhận những luật lệ do Trung Quốc tự vẽ ra.

Dù sống trong sự hồ nghi thường trực của các quốc gia láng giềng như vậy, nhưng Trung Quốc lâu nay vẫn thường thành công trong việc lôi kéo đồng minh bằng việc sử dụng chiêu bài lợi ích kinh tế hoặc gây hoài nghi lẫn nhau. Không thể phủ nhận, sự lớn lên của Trung Quốc ngày nay, có phần nhờ sự tiếp tay của chính nước Mỹ.

Các sáng kiến xuyên Á được nuôi dưỡng nhờ sự ủng hộ bằng cách vay mượn và tích hợp các ý tưởng của nhiều nước, trong đó có cả sự ủng hộ của người Mỹ.

Chương trình hạ tầng một Vành đai, một Con đường đầy tham vọng nhằm kết nối Châu Á bằng việc xây dựng những con đường bộ, đường sắt, cầu cảng và đường điện nhằm thu hút các nước phụ thuộc vào Trung Quốc cũng vậy. Ý tưởng này Trung Quốc đã nung nấu dựa vào những bước đi của láng giềng.

Từ rất lâu rồi, khái niệm kết nối khu vực kiểu này là sáng kiến của Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và cả Mỹ đã chung tay thiết kế hoặc tiếp sức bằng cách tài trợ cho các mối giao kết chạy xuyên Châu Á.

Ví dụ, Nhật Bản đã tài trợ tuyến tàu điện ngầm Delhi và Hành lang Công nghiệp Delhi-Mumbai, một khu vực công nghiệp công nghệ cao trị giá 90 tỷ USD và tuyến đường thủy kết nối các thủ đô chính trị và kinh tế của Ấn Độ. Không phải Bắc Kinh mà chính là Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, WB và ADB đã thúc đẩy phát triển các tuyến đường bộ và đường điện Trung và Nam Á từ giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.

Những dẫn chứng trên cho thấy, nếu muốn thắng Trung Quốc ở Châu Á, Washington cần bỏ cái kiểu xem các sáng kiến như AIIB hay Vành đai và Con đường như một sự hủy hoại các nỗ lực của Mỹ. Thay vào đó, người Mỹ cần làm quen với thực tế Châu Á đã qua cái thời phải dựa vào phương Tây để tìm kiếm đầu tư và hợp tác kinh tế.

Những người có tầm nhìn xa đã tiên lượng, vào năm 2030 Châu Á sẽ ngày càng hội nhập hơn là chỉ bó hẹp trong không gian Châu Á – Thái Bình Dương như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã quen, kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới II.

Thảo Linh

Published in Châu Á
Trang 2 đến 2