Hồng Kông : Khả năng can thiệp hạn hẹp của Hoa Kỳ (RFI, 09/09/2019)
Kêu gọi Mỹ can thiệp giúp giải quyết khủng hoảng Hồng Kông liệu có là tính toán khôn ngoan của người biểu tình ? Bắc Kinh yêu cầu Washington "đứng ngoài" hồ sơ nhậy cảm này, nhưng cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ cùng khó xử về hồ sơ Hồng Kông.
Người biểu tình Hồng Kông trước tòa lãnh sự Mỹ hôm 08/09/2019. Reuters/Anushree Fadnavis
RFI trình bày một phần bài viết mang tựa đề "Phẫn nộ tại Hồng Kông, ngòi thuốc nổ về mặt địa chính trị" của nhà báo Martine Bulard, đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng 9/2019.
Tác giả bài báo nhắc lại, từ đầu khủng hoảng tại Hồng Kông tới nay chính quyền và các nhà bình luận ở Bắc Kinh đổ lỗi cho Hoa Kỳ giật dây người biểu tình. Trên báo mạng Asia Times ngày 16/08/2019 nhà báo Jonathan Manthorpe viết : "Có những bằng chứng cho thấy các nhóm phản kháng muốn và đã được Hoa Kỳ giúp đỡ. Tổ chức mang tên Civil Human Righs Front (Mặt trận dân sự nhân quyền) được National Endowment for Democracy (NDA) của Hoa Kỳ tài trợ". Nhà báo Pháp bà Bulard lưu ý, cơ quan này xác nhận là đã giúp đỡ người biểu tình Hồng Kông và National Endowment for Democracy "có liên hệ với" cơ quan tình báo Mỹ CIA.
Mỹ khó xử
Martine Bulard không vòng vo cho rằng chắc chắn là Mỹ có giúp đỡ về mặt tài chính cho phe dân chủ Hồng Kông. Dù vậy Washington dường như không nhất trí về mức độ can thiệp.
Chính quyền Trump có vẻ quan tâm đến thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh hơn là vế nhân quyền. Chính tổng thống Hoa Kỳ qua tin nhắn trên Twitter hôm 15/08/2019 từng tuyên bố ông hoàn toàn tin tưởng vào "khả năng giải quyết khủng hoảng (Hồng Kông) của chủ tịch Tập Cận Bình". Tuyên bố này đã khiến ông bị cả bên đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa chỉ trích.
Khả năng can thiệp hạn hẹp của Donald Trump
Câu hỏi đặt ra là giờ đây, khi phe biểu tình Hồng Kông chính thức lên tiếng kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng can thiệp, tổng thống Mỹ có thể làm được những gì ?
Nhà báo Pháp, Martine Bulard loại trừ khả năng Washington phong tỏa kinh tế Trung Quốc như sau biến cố Thiên An Môn. Bà viết : Ngay cả trong trường hợp tồi tệ nhất, tức là nếu Bắc Kinh thẳng tay đàn áp và để tái diễn một kịch bản Thiên An Môn phiên bản 2019, thì liệu Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc như 30 năm trước hay không ? Tác giả bài viết mang tựa đề "Phẫn nộ tại Hồng Kông, ngòi thuốc nổ về mặt địa chính trị" trên tờ Le Monde Diplomatique, cho rằng câu trả lời là không.
Đành rằng trừng phạt kinh tế Trung Quốc cho phép hy vọng qua đó chận đứng mọi tham vọng từ kinh tế đến quân sự, ngoại giao… của Bắc Kinh và đây sẽ là một vũ khí lợi hại trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới này. Thế nhưng biện pháp phong tỏa Trung Quốc nguy hiểm ở chỗ "kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đã quá phụ thuộc vào lẫn nhau". Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã gây nhiều tác động tiêu cực, không chắc là "vào lúc chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống Donald Trump dám đi nước cờ đầy mạo hiểm đó".
Bắc Kinh sẽ không hủy hoại hình ảnh "yêu chuộng hòa bình"
Thế còn về phía Bắc Kinh, Trung Quốc tính toán những gì về Hồng Kông ? Martine Bulard đưa ra những nhận định sau đây : liên quan đến khả năng chính quyền của ông Tập Cận Bình mạnh tay đàn áp phong trào dân chủ như đã dập tắt phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989, tác giả bài viết đánh giá khả năng đó ít có thể xảy ra.
Lý do thứ nhất : khác với 30 năm trước, lần này chính quyền Bắc Kinh không cảm thấy bị làn sóng phản kháng ở Hồng Kông đe dọa. Đối với đại đa số người dân ở Hoa Lục các vụ đập phá vừa qua ở đặc khu hành chính Hồng Kông thể hiện thái độ của "những đứa trẻ hư hỏng vì quá được nuông chiều".
Thứ hai, như ghi nhận của một cựu giáo sư đại học Tinh Hoa Bắc Kinh, 30 năm qua Trung Quốc cũng đã "học hỏi nhiều ở phương Tây về cách giải quyết các cuộc nổi dậy mang màu sắc chính trị và giải quyết các cuộc biểu tình ôn hòa".
Điểm thứ ba là Bắc Kinh ý thức được rằng đàn áp quá đáng ở Hồng Kông càng châm thêm củi lửa cho phe đòi ly khai tại Đài Loan và càng củng cố quan hệ giữa chính quyền của bà Thái Anh Văn với Donald Trump. Đó là một điều tối kỵ đối với Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh Đài Loan bầu lại tổng thống vào tháng Giêng 2020.
Martine Bulard nhấn mạnh : "Dưới nhãn quan của cả quân đội lẫn người dân Trung Quốc Đài Loan quan trọng hơn nhiều so với Hồng Kông".
Yếu tố thứ tư là vẫn theo tác giả bài báo : để xảy ra đổ máu ở Hồng Kông sẽ hủy hoại nỗ lực ngoại giao của ông Tập Cận Bình và sẽ làm phương hại đến dự án Vành Đai Con Đường của Bắc Kinh, đến hình ảnh một Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, trong lúc mà sự hiện diện của Bắc Kinh tại Biển Đông đã khiến các nước láng giềng lo sợ.
Cuối cùng nhà báo Bulard tin rằng Hồng Kông sẽ tránh được kịch bản như Thiên An Môn, bởi phía Bắc Kinh cũng "lo sợkhông kém". Ngay như tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một mặt cơ quan ngôn luận này gọi những người biểu tình Hồng Kông là những "con rối trong tay Washington" nhưng tổng biên tập của tờ báo này trong bài xã luận ngày 25/07/2019 mang tựa đề "Bắc Kinh có nên can thiệp vào Hồng Kông bằng sức mạnh hay không ?" đã thận trọng cho rằng : Can thiệp để rồi "Điều gì sẽ xảy ra sau đó ? Hồng Kông không có quân đội, không có cơ chế (chính trị) để tiếp tục những bước tiếp theo. (Đối với Bắc Kinh) về mặt chính trị, cái giá phải trả sẽ vô cùng to lớn. Công luận Hồng Kông sẽ không hưởng ứng".
Trong mắt nhà báo Pháp, Martine Bulard, luật dẫn độ chỉ là giọt nước làm tràn ly, phơi bày những khủng hoảng sâu đậm trong xã hội Hồng Kông.
Bởi tác giả nhắc lại : Năm 2015 rồi năm 2017 Bắc Kinh đã tùy tiện bắt cóc 5 chủ hiệu sách và nhà in bị nghi ngờ muốn phát hành những tác phẩm làm xấu đi hình ảnh của lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình. Nói cách khác, bất luận là có dự luật dẫn độ hay không, Bắc Kinh vẫn có cách bắt giữ những đối tượng cần nhắm tới.
Dù vậy giới luật gia và các nhà bảo vệ nhân quyền Hồng Kông trông thấy dự luật dẫn độ là một công cụ mới để Bắc Kinh thu hẹp thêm nữa tính độc lập của nền tư pháp tại đặc khu hành chính này sau khi đã từ chối cho Hồng Kông bầu cử tự do hồi năm 2014.
Thanh Hà
****************
Hồng Kông : Người biểu tình cầu cứu Mỹ (RFI, 08/09/2019)
Ngày 08/09/2019 người biểu tình Hồng Kông tập hợp trước tòa lãnh sự Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép với Bắc Kinh, thỏa mãn các đòi hòi của phe dân chủ. Lãnh đạo phong trào phản kháng Hoàng Chi Phong bị bắt khi từ Đài Loan trở về.
Người biểu tình Hồng Kông tập hợp về tòa lãnh sự Mỹ. Ảnh ngày 08/09/2019. Reuters
Vào chiều nay, hàng ngàn người Hồng Kông đã tuần hành đến lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông, có người vừa đi vừa hát quốc ca Mỹ, có người phất cờ Mỹ, và có người giương biểu ngữ kêu gọi tổng thống Donald Trump "giải phóng Hồng Kông".
Những người biểu tình đã kêu gọi Hoa Kỳ gây sức ép trên Bắc Kinh để chấp thuận yêu sách của phong trào phản kháng, kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dư luật bày tỏ hậu thuẫn cho phong trào dân chủ Hồng Kông.
Ông Kenneth Chan, giáo sư khoa học chính trị, nguyên chủ tịch đảng CIVIC theo xu hướng dân chủ tại Hồng Kông giải thích với đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde về ý nghĩa hành động của người biểu tình :
"Đây là điều quan trọng bởi vì chúng tôi muốn chứng tỏ thái độ đoàn kết và thống nhất. Để cho thấy rằng Hồng Kông không đơn độc trên con thuyền tự do và dân chủ, vào thời điểm khó khăn hiện nay khi người dân Hồng Kông lo sợ rằng càng sát ngày mùng 1 tháng 10 là ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh có thể gia tăng đàn áp phong trào phản kháng.
Điều này cũng rất quan trọng vì hiện tại Hiệp Ước giữa Hồng Kông với Hoa Kỳ chỉ liên quan đến thương mại, tài chính và thuế quan. Một hiệp ước mới có phần dành riêng cho dân chủ và tự do ở Hồng Kông, sẽ mang ý nghĩa ngoài khía cạnh kinh tế, đó còn là một cam kết chính trị rõ ràng của giới lãnh đạo ở Hoa Kỳ, và đặc biệt là của tổng thống Mỹ, là đứng bên cạnh các chiến binh tự do tại Hồng Kông".
Tóm lại, những người đấu tranh tại Hồng Kông muốn tăng áp lực trên ông Donald Trump vì họ biết rằng cho đến nay, tổng thống Mỹ vẫn thận trọng trên vấn đề Hồng Kông, vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh giữa lúc hai bên đang có chiến tranh thương mại.
Đấu tranh ngay từ nhà
Ngoài các hình thức đấu tranh như tập hợp lại, biểu tình hay tuần hành, người Hồng Kông tiếp tục sáng tạo những hình thức phản kháng mới, chẳng hạn như từ nhà hô khẩu hiệu. Trong thời gian gần đây, tối nào cũng vậy, từ ban công nhà mình, hàng trăm ngàn người hô vang khẩu hiệu đòi tự do cho đặc khu hành chính này. Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde gửi về bài phóng sự :
"Tối nào cũng vang lên cùng một điệp khúc. Hiện giờ, ở khu chung cư Tai kou shing, là gần 22 giờ. Những tiếng hô đã vang lên trong đêm, các khẩu hiệu được phát đi từ những ô cửa sổ. Anh Chan Chun Yin, 22 tuổi, hô vang : "Giải phóng Hồng Kông", "Cách mạng của thời chúng ta".
Mặc quần sóoc, tóc quấn băng-đô, sinh viên kế toán này vừa đi tập tennis về. Anh nói : "Mỗi tối, chúng tôi mở cửa sổ, chúng tôi hét to, và chúng tôi nghe những tiếng hô vang vọng lại. Chúng tôi tự động viên nhau. Chúng tôi thể hiện thái độ đối với chính phủ, và đây cũng là cách để giảm áp lực. Cuộc nổi dậy diễn ra đến nay đã được ba tháng. Chúng tôi không hài lòng về những gì đang xảy ra. Đây là cách để chúng tôi thể hiện cảm xúc".
Những tiếng hô phản kháng vang vọng trong đêm tối ở Hồng Kông, tiếng nhạc rap vang lên từ những chiếc smartphone để phản đối cảnh sát. Giống như rất nhiều thanh niên trong khu phố của các công chức và tiểu thương, do giá thuê nhà quá cao, Chan vẫn chưa thể rời căn hộ của cha mẹ để ra ở riêng.
Anh rất bức xúc vì phải chịu áp lực. 14 tuần biểu tình có làm mọi người mệt mỏi không ? Chan trả lời : "Có chứ, chắn chắn là chúng tôi mệt mỏi. Tuần nào chúng tôi cũng biểu tình. Có rất nhiều áp lực. Chiều nay, chúng tôi quay lại biểu tình để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến các vấn đề mà người dân Hồng Kông nêu lên. Theo tôi, việc tiếp tục đấu tranh là rất quan trọng".
Dự luật dẫn độ đã làm bùng lên mọi chuyện cách nay 3 tháng, nhưng việc rút lại dự luật không làm thay đổi mọi chuyện. Một cuộc tuần hành ôn hòa được tổ chức vào hôm nay Chủ Nhật 08/09 để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và kêu gọi Hạ Viện Mỹ mở rộng Hong Kong Policy Act, hiệp ước kinh tế giữa Mỹ và Hồng Kông, sang cả các vấn đề về tự do và nhân quyền. Nhưng điều này chắc chắn sẽ bị chính quyền Bắc Kinh coi là sự can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc".
Bắt giữ đối lập
Về phần gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong, anh thông báo đã bị bắt sáng 08/09/2019 khi vừa từ Đài Loan trở về. Lý do, sinh viên này đã "vi phạm điều khoản để được tạm trả tự do" hồi tuần trước. Cảnh sát Hồng Kông từ chối xác nhận tin trên.
Thùy Dương
****************
Bắc Kinh đe dọa "nghiền nát" mọi hoạt động ly khai tại Hồng Kông (RFI, 09/09/2019)
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai 09/09/2019, lớn tiếng đe dọa "sẽ nghiền nát" bất cứ hoạt động ly khai nào tại đặc khu Hồng Kông. Tuyên bố được đưa ra ngay hôm sau ngày nhiều người tranh đấu tập hợp trước lãnh sự quán Hoa Kỳ, để yêu cầu Washington hỗ trợ cho dân chủ và tự do tại Hồng Kông.
Nguời biểu tình giương khẩu hiệu và cờ Mỹ trong cuộc tuần hành ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 08/09/2019 Reuters/Anushree Fadnavis
Nhật báo Anh ngữ China Daily của chính quyền Trung Quốc khẳng định đây là một bằng chứng về việc có các thế lực nước ngoài đằng sau phong trào phản kháng, và cảnh báo người biểu tình nên "ngừng thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương". Xã luận báo China Daily nhắc lại chủ quyền của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và quy trách nhiệm cho các thế lực nước ngoài : "Hồng Kông là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, và đây là giới hạn, mà bất cứ ai cũng không nên thách thức, kể cả về phía người biểu tình, cũng như các thế lực nước ngoài đang giật dây những trò chơi bẩn thỉu".
Học sinh vào cuộc
Trong khi đó, phong trào phản kháng tại Hồng Kông sáng hôm nay có thêm một hình thức hoạt động mới. Học sinh nhiều trường trung học, khoảng 170 trường theo báo Nhật NHK, trước giờ vào lớp, khẩu trang bịt miệng – như trong các cuộc xuống đường của các thế hệ đi trước – nắm tay nhau, nối thành hàng dài, hô vang khẩu hiệu "Nhân dân Hồng Kông, hãy tiếp thêm dầu !".
"Tiếp thêm dầu" đã trở thành khẩu hiệu tập hợp mới của phong trào đòi dân chủ. Các học sinh cũng mang theo nhiều khẩu hiệu lên án bạo lực cảnh sát. Theo một học sinh trường trung học Wah Yan ở quận Kowloon, thì hoạt động nói trên là một biểu hiện mạnh mẽ nhất cho thấy phong trào phản kháng đã bắt rễ sâu trong xã hội Hồng Kông, lan vào cả học đường.
Dấu hiệu mệt mỏi
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde có mặt tại Hồng Kông đêm qua, bên lề một cuộc biểu tình, đã có những dấu hiệu mệt mỏi của những người tham gia tranh đấu, liên tục từ 14 tuần qua. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến phong trào phản kháng đang phải tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài.
"Cuộc tuần hành chính thức đã kết thúc từ lâu, nhưng đụng độ vẫn tiếp diễn giữa hàng chục người biểu tình và lực lượng an ninh tại khu Đồng La Loan (Causeway bay). Trên các đại lộ mua sắm, các trung tâm thương mại đã đóng cửa. Sắp đến nửa đêm, tiếng loa của cảnh sát vang lên hết vẻ kiên nhẫn, yêu cầu người biểu tình mau chóng giải tán và trở về nhà.
Dưới ánh sáng của những tấm màn hình khổng lồ, còn lại một số khách bộ hành rỗi việc, phóng viên với bộ áo màu vàng phản quang và những người thuộc lực lượng y tế tình nguyện.
Erik, một nhân viên y tế tình nguyện, vừa đến gần một người biểu tình để khuyên về nhà nghỉ, cho biết : ‘‘Chúng tôi nhìn thấy gương mặt người ấy mệt mỏi. Chưa kể một số vết thương nhẹ trên người. Chúng tôi khuyên người ấy nghỉ ngơi, tĩnh tâm. Chúng tôi biết là có khoảng 40% người biểu tình hiện nay đã kiệt sức, đặc biệt do đối đầu với cảnh sát’’.
Các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp, các cuộc đối đầu kéo dài đôi khi đến đêm khuya. Theo một thăm dò dư luận mới đây, khoảng 57% người Hồng Kông đã không ngủ đủ giấc trong mùa hè vừa qua. Đây cũng là trường hợp của Dejong Chen, một người mà chúng tôi đã gặp hôm nay trước cửa lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông.
Người kỹ sư này cho biết : Chúng tôi yêu cầu sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, bởi một mình chúng tôi không thể đạt được các mục tiêu. Hiện nay, nhiều người trong số chúng tôi đã kiệt sức. Kỳ nghỉ cuối tuần nào cũng vậy, chúng tôi cũng phải xuống đường. Đa số người dân Hồng Kông cũng đã mệt mỏi, tuy nhiên điều này không cản trở chúng tôi tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được mục tiêu.
Mệt mỏi, thất vọng và cuối cùng là các xô xát, đụng độ. Trên tuyến đường tuần hành hôm Chủ Nhật này, đã có thêm một trạm xe điện ngầm bị đập phá".
Hoàng Chi Phong lên đường sang Đức
Tìm kiếm các hỗ trợ từ bên ngoài là nỗ lực mới của phong trào phản kháng. Hôm nay, nhà tranh đấu trẻ Hoàng Chi Phong (Joushua Wong), 22 tuổi, lên đường sang Đức, sau khi bị tạm giờ tại sân bay Hồng Kông, khi trở về từ Đài Loan tối qua. Sáng nay, Hoàng Chi Phong được trả tự do. Lý do bị câu lưu là do vi phạm quy chế bảo lãnh tại ngoại. Tuy nhiên, theo tư pháp Hồng Kông, việc tạm giữ là do một quyết định sai, trên thực tế, quy chế bảo lãnh tại ngoại cho phép đương sự đi ra nước ngoài.
Sau Đức, Hoàng Chi Phong có kế hoạch đi Mỹ, theo một phát ngôn viên của phong trào vì dân chủ Demosisto, mà Hoàng Chi Phong là người sáng lập.
Trọng Thành
******************
Hồng Kông : Cảnh sát trở thành đối tượng bị người biểu tình căm hận (RFI, 09/09/2019)
Trong những tuần lễ gần đây liên tục xảy ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông. Hôm 08/09/2019 sau một cuộc tuần hành tiến đến lãnh sự quán Mỹ ở khu vực Trung Hoàn, một số người biểu tình đã đốt phá cửa vào một ga tàu điện metro, bốn bến khác cũng bị đập phá một phần.
Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông tại Causeway Bay ngày 08/09/2019. Reuters
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI, Florence de Changy, tại Hồng Kông, lòng tức giận của người biểu tình giờ đây chủ yếu nhắm vào cảnh sát :
Tại khu Causeway Bay, nơi giá sang cửa hiệu đắt nhất thế giới, không khí mua sắm tối Chủ Nhật hôm qua đột nhiên thay đổi khi vài trăm thanh niên biểu tình đến nơi ngăn chặn lưu thông, đi theo họ là đám đông không kém gồm các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh.
Không khí thoạt đầu vẫn còn vui vẻ, cảnh sát chống bạo động chỉ thấp thoáng cách đấy 50 hay 100 mét. Đầu đội mũ bảo hiểm, mặt được che bằng mặt nạ cầu kỳ hơn là những khẩu trang giải phẫu thô sơ lúc ban đầu, hai thanh niên Nathan và Jessie đã mô tả thái độ và lời lẽ của người biểu tình đối với cảnh sát : "Đấy ! Họ đang nói những điều như cảnh sát là ăn mày, là chó săn, chủ yếu là những lời chửi rủa cảnh sát".
Hai thanh niên giải thích là nỗi tức giận đối với cảnh sát lên cao dần sau 3 sự cố chính.
Tất cả bắt đầu vào buổi trưa ngày 12/06/2019, ở khu Admiralty với những cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy tại Hồng Kông.
Jessie nói thêm : "Còn thêm những chuyện ở Yên Lãng vào tháng 7 đã gây chấn động nữa. Người biểu tình bị côn đồ tấn công. Và còn ngày 31/08/2019...".
Nathan tóm lại : "Tôi nghĩ đây là những hành vi tồi tệ nhất mà cảnh sát đã làm đối với người Hồng Kông".
Nhưng câu chuyện đã bị cắt ngang giữa chừng vì cảnh sát bắt đầu tấn công giải tán. Thêm một ngày cuối tuần khác ở Hồng Kông kết thúc trong màn khói cay.
Mai Vân
Carrie Lam : 'Biểu tình thách thức chủ quyền của Trung Quốc' (BBC, 05/08/2019)
Hôm 5/8, Trưởng đặc khu Hong Kong cảnh báo rằng các cuộc biểu tình "là một thách thức đối với chủ quyền của Trung Quốc" trong lúc cuộc đình công làm tê liệt giao thông công cộng và khiến hơn 200 chuyến bay bị hủy.
Một nhóm người biểu tình ngăn cửa tàu điện ngầm đóng cửa vào ngày 5/8
Theo Reuters , bà Carrie Lam, người được Bắc Kinh hậu thuẫn, lần đầu tiên phát biểu trên truyền thông trong nửa tháng sau khi có thêm một cuộc biểu tình bạo lực xảy ra cuối tuần qua.
Bà nhắc lại rằng các cuộc biểu tình "đang đẩy thành phố đến ranh giới cực kỳ nguy hiểm".
Bà Lam một lần nữa bác bỏ yêu cầu từ chức và nói rằng chính quyền sẽ kiên quyết duy trì luật pháp và an ninh. Bà cảnh báo rằng các cuộc biểu tình "đang đưa Hong Kong vào con đường không thể thoái lui và làm thiệt hại cho nền kinh tế".
Hành khách chờ các chuyến tàu nối lại hôm 5/8
Các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp tại Hong Kong, khởi đầu là để phản đối dự luật Dẫn độ và sau đó trở thành lời kêu gọi dân chủ hơn.
Trong giờ cao điểm hôm 5/8, trước khi bà Lam đưa ra phát ngôn, những người đi làm đã phải vật lộn vì nhiều tuyến tàu bị giới hoạt động ngăn chặn rời khỏi ga trong phong trào chống chính phủ mới nhất.
Xe cộ kẹt hàng dài trên khắp các ngả đường dẫn vào khu trung tâm Hong Kong và hàng trăm người bị mắc kẹt tại sân bay.
Tuyến tàu Airport Express cũng tạm ngưng.
Cảnh sát bắt giữ 44 người sau cuộc đụng độ đêm qua trong lúc hơi cay được dùng để giải tán người biểu tình.
Người biểu tình đã có lúc chặn cửa các văn phòng chính phủ, chặn đường và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, đặt ra thách thức chính trị lớn nhất đối với thuộc địa cũ của Anh.
Hàng triệu người đã xuống đường để trút giận và bày tỏ sự thất vọng vào chính quyền thành phố.
Đến nay, chính quyền Hong Kong từ chối đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình, gồm việc rút hoàn toàn dự luật Dẫn độ.
***************
Người biểu tình Hong Kong ném cờ Trung Quốc, đụng độ với cảnh sát (VOA, 04/08/2019)
Người biểu tình và nhà chức trách ở Hong Kong lại đụng độ vào ngày thứ Bảy, trong lúc người biểu tình tháo quốc kì của Trung Quốc khỏi cột cờ và ném nó xuống Cảng Victoria mang tính biểu tượng và cảnh sát đã bắn hơi cay sau khi một số người biểu tình phá hoại đồn cảnh sát.
Người biểu tình ném lại đạn hơi cay trong một vụ đụng độ với cảnh sát ở Hong Kong, ngày 3 tháng 8, 2019.
Vào chiều ngày thứ Bảy, hàng chục ngàn người biểu tình mặc đồ đen đã tràn xuống chật kín một con đường lớn trong một khu chợ đông đúc, nơi mà các cửa hàng đã đóng cửa từ trước vì dự liệu một cuộc biểu tình kéo dài, theo AP. Họ cũng chặn một đường hầm và bao vây các đồn cảnh sát nơi mà các dịch vụ không khẩn cấp bị đình chỉ.
Cảnh sát đã cảnh báo trước đó trong ngày rằng những người nào tiếp tục vượt qua phạm vi biểu tình được chấp thuận trước sẽ là vi phạm pháp luật. Họ kêu gọi người biểu tình đi theo các tuyến đường và thời gian đã được định sẵn sau khi các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra trong các cuộc biểu tình trước đó trong phong trào biểu tình kéo dài suốt mùa hè. Bất kì cuộc biểu tình nào không được chấp thuận trước sẽ bị "đẩy lùi" như những cuộc tụ tập bất hợp pháp, cảnh sát nói.
Sau khi những người biểu tình thách thức những lời cảnh báo đó, cảnh sát bắn một loạt hơi cay vào tối ngày thứ Bảy để đẩy lùi một số người biểu tình ném gạch vào đồn cảnh sát và xịt sơn lên tường bên ngoài, AP tường trình.
Những người biểu tình sau đó dựng hàng rào chướng ngại vật với dù, rào chắn đường bằng kim loại và thùng rác công cộng trong khi cảnh sát cầm khiên đứng yên và giương cao các biểu ngữ cảnh báo về hơi cay. Người biểu tình cũng đốt các tấm các-tông để tạo thành rào chắn.
Trong một cuộc biểu tình riêng rẽ vào ngày thứ Bảy, hàng ngàn người mặc đồ trắng tập trung tại một công viên ở Hong Kong để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cảnh sát. Họ giơ cao những biểu ngữ có nội dung "Hãy cho hòa bình một cơ hội".
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ bắt đầu dựng các trạm sơ cứu và phát mũ bảo hiểm vài giờ sau khi cuộc tập hợp của họ bắt đầu. Khi một nhóm đến bến cảng gần một trung tâm mua sắm sang trọng và khách sạn cao cấp, một số người biểu tình đã trèo lên một cụm cột cờ và gỡ quốc kì Trung Quốc.
Sau khi tranh luận có nên sơn cờ đen lá cờ hay không, họ quyết định ném nó xuống nước trước khi cảnh sát can thiệp.
Một thuộc địa cũ của Anh, Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" cho thành phố này một số quyền tự do nhất định mà cư dân đại lục không được hưởng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số người Hong Kong đã cáo buộc Bắc Kinh làm xói mòn quyền tự chủ của họ thông qua việc bắt giữ những người bán sách và nhà hoạt động.
Những tình cảm như vậy đã thúc đẩy các cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, được khơi mào vào đầu tháng 6 bởi một đạo luật dẫn độ được đề xuất mà sẽ cho phép cư dân Hong Kong bị đưa đến Trung Quốc đại lục để hầu tòa.
Dù chính phủ đã đình chỉ luật này, những người biểu tình tiếp tục gây sức ép với năm yêu cầu chính, bao gồm bầu cử trực tiếp và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát. Nhà lãnh đạo Hong Kong được lựa chọn bởi một ủy ban thân Bắc Kinh.
*******************
Bất chấp đe dọa, lần đầu tiên công chức Hồng Kông biểu tình (RFI, 02/08/2019)
Hàng ngàn công chức lần đầu tiên xuống đường vào tối nay 02/08/2019 tại trung tâm Hồng Kông, để ủng hộ phong trào phản kháng hiện nay và kêu gọi tái lập lòng tin giữa chính quyền và dân chúng. Giới công chức, vốn kín tiếng và bảo thủ, sau vụ xã hội đen tấn công thô bạo người biểu tình đã phải bày tỏ thái độ.
Hồng Kông : Cả ngàn người làm việc trong ngành tài chính tham gia xuống đường ngày 01/08/2019.ISAAC LAWRENCE/AFP
Trong một lá thư ngỏ, một nhóm công chức Hồng Kông kêu gọi trưởng đặc khu đáp ứng năm yêu cầu : hủy bỏ dự luật dẫn độ, không gọi người biểu tình là kẻ nổi loạn, không khởi tố những người bị bắt, lập một ủy ban điều tra độc lập và cải cách chính trị.
Từ Hồng Kông, đặc phái viên Zhifan Liu tường trình :
"Đây là lần đầu tiên công chức Hồng Kông xuống đường chống lại chính quyền. Theo ước tính, tối nay có khoảng 2.000 người biểu tình tại Charter Garden, một công viên ở khu kinh doanh.
Giới công chức đã từng đe dọa biểu tình sau hôm 21/7, khi xảy ra vụ bạo động của phe xã hội đen thân Bắc Kinh ở phía bắc Hồng Kông. Việc tấn công vào người biểu tình đòi dân chủ và những công dân bình thường đã gây sốc cho dư luận, trong khi cảnh sát đến 40 phút sau mới can thiệp.
Như vậy những người công chức đã thực hiện lời đe dọa. Tối nay họ tập hợp lại không chỉ để phản đối chính phủ mà cả bạo lực cảnh sát, trong khi các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình không ngừng tăng lên.
Nhưng không chỉ có công chức xuống đường, mà từ hôm qua, một ngàn người Hồng Kông làm việc trong ngành tài chính cũng đã biểu tình để đòi hỏi tự do ở đặc khu. Và nhiều ngành nghề khác nhau đã đưa ra lời kêu gọi tương tự cho cuối tuần này. Điểm nhấn chính sẽ diễn ra vào thứ Hai tới : tổng đình công với sự tham gia của một số nhân viên lãnh vực dịch vụ công ở Hồng Kông.
Chính quyền nhắc nhở rằng công chức có bổn phận phải trung lập và trung thành với các lãnh đạo đặc khu, đe dọa những ai tham gia có thể bị trừng phạt".
Phong trào phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc như vậy nay đã được mở rộng sang việc chống lại sự hạn chế các quyền tự do hoặc đòi hỏi cải cách dân chủ ở Hồng Kông.
Quân đội Trung Quốc đe dọa
Chính quyền gây thêm căng thẳng khi tối qua đã khởi tố bảy người đàn ông và một phụ nữ, bị cáo buộc sở hữu chất nổ. Một nguồn tin cảnh sát cho AFP hay, trong số người bị bắt có ông Trần Hạo Thiên (Andy Chan), người sáng lập đảng Dân Tộc Hương Cảng đòi độc lập. Chính quyền Hồng Kông cũng từ chối cấp visa cho nhà báo Victor Mallet của Financial Times, người đã mời ông Trần Hạo Thiên tham dự một hội nghị của Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc (FCC) ở Hồng Kông.
Trước đó quân đội Trung Quốc hôm thứ Tư đã công bố một video diễn tập "chống nổi dậy",và các quan chức cao cấp Bắc Kinh nói rằng "bạo động ở Hồng Kông hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Thụy My
******************
Đến lượt hàng ngàn công chức Hồng Kông cũng xuống đường (VOA, 02/08/2019)
Hàng ngàn công chức Hồng Kông tập hợp tối thứ Sáu 2/8 để ủng hộ những người biểu tình và kêu gọi nhà chức trách khôi phục niềm tin của người dân dành cho chính quyền vào lúc các cuộc biểu tình leo thang, làm rung chuyển trung tâm tài chính Châu Á.
Công chức ngành y tế Hồng Kông biểu tình, 2/8
Cuộc mít tinh này là lần đầu tiên nhân viên chính quyền ủng hộ và quảng bá cho một cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Các công chức tụ tập ôn hòa với những người biểu tình ở trung tâm của khu kinh doanh, nhiều người đeo mặt nạ đen để giấu đi danh tính.
"Tôi nghĩ rằng chính quyền nên hồi đáp các yêu cầu, thay vì đẩy cảnh sát ra tiền tuyến làm lá chắn", Kathy Yip, một nhân viên chính quyền 26 tuổi, nói.
Một làn sóng biểu tình được lên kế hoạch sẽ diễn ra khắp Hồng Kông vào cuối tuần này, cùng với một cuộc đình công hàng loạt vào thứ Hai 5/8 ở nhiều ngành như giao thông, trường học và ở các tập đoàn có thể khiến thành phố bị tê liệt.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh đã được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, đặt ra một trong những thách thức dân túy nghiêm trọng nhất đối với giới cai trị trong Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.
Các cuộc biểu tình ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ, hiện đang bị hoãn lại, đã trở thành phong trào đòi quyền dân chủ lớn hơn cũng như đòi nhà lãnh đạo Hồng Kông là Carrie Lam từ chức.
Chính quyền thành phố nói hôm 1/8 rằng 180.000 công chức phải trung lập về chính trị.
Anson Chan, cựu Chánh vụ Ty trưởng, nói rằng cuộc mít tinh có tính tự phát và các công chức được hưởng quyền hội họp, và không thể nói là điều đó làm giảm tính trung lập chính trị.
Cheng, 39 tuổi, mang mặt nạ đen lớn, nói với phóng viên : "Tôi hy vọng sẽ làm công chức nhiều năm nữa. Nhưng chúng tôi phải hành động ngay bây giờ".
******************
Dân Hồng Kông gia tăng sức ép đường phố trước ngày tổng đình công (RFI, 04/08/2019)
Hàng nghìn người Hồng Kông lại tiếp tục xuống đường chiều 04/08/2019 để gây sức ép với chính quyền, qua hai cuộc tuần hành ở phía tây đảo Hồng Kông và khu Tướng Quân Áo (Tseung Kwan O) trước ngày tổng đình công thứ Hai 05/08. Bắc Kinh cảnh báo sẽ không khoanh tay nhìn những "đối tượng đáng khinh" phá hoại đoàn kết quốc gia.
Tuần hành tại Hồng Kông ngày 03/08/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Tối 03/08, sau khi tập hợp tuần hành ở khu vực thương mại Mongkok, cuộc biểu tình đã kết thúc trong xô xát với cảnh sát ở Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), đối diện với đảo Hồng Kông. Cảnh sát thông báo bắt giữ hơn 20 người, nâng tổng số người bị câu lưu lên đến hơn 200 người kể từ ngày 09/06.
Đặc phái viên RFI Liu Zhifan tường trình từ Hồng Kông :
"Sau một ngày tương đối yên tĩnh, lực lượng cảnh sát đã giải tán đám đông vào tối muộn hôm qua (03/08) trước trụ sở cảnh sát khu vực Mongkok. Người biểu tình đã tập hợp tại đây khi trời bắt đầu tối và sau một buổi chiều tuần hành.
Cảnh sát thông báo bắt giữ khoảng 20 người vì gây rối và tụ tập bất hợp pháp. Con số này khẳng định chiến lược mới của cảnh sát : Họ không muốn dừng ở việc buộc tội người biểu tình. Trước đó, người biểu tình đã lập rào cản để ngăn đà tiến của cảnh sát.
Một lần nữa, người dân Hồng Kông lại được kêu gọi xuống đường chiều nay (04/08) tham gia hai cuộc tuần hành khác nhau. Cuộc tuần hành lớn nhất diễn ra trên đảo Hồng Kông, xuất phát từ khu Kennedy Town nơi có rất nhiều người nước ngoài sinh sống. Điểm kết thúc là công viên Tôn Trung Sơn (Sun Yat Sen) ở phía tây thành phố, cách không xa Phòng Liên lạc Bắc Kinh.
Cách đây hai tuần, người biểu tình đã ném mực và trứng lên quốc huy của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt tiền của văn phòng. Đối với chính phủ Bắc Kinh, sự kiện này như một điều sỉ nhục, vì vậy chính quyền đã đe dọa đáp trả bằng việc điều quân đội đến giữ trật tự tại Hồng Kông nếu thấy cần thiết.
Thêm một ngày hành động mới đang chờ người dân Hồng Kông trước cuộc tổng đình công, dự kiến diễn ra thứ Hai 05/08. Đây là một sự kiện hiếm hoi ở đặc khu hành chính nhưng có lẽ sẽ được hưởng ứng rộng rãi".
Theo AFP, cũng trong ngày 03/08, hàng chục nghìn người đã tập trung tại một công viên ở Hồng Kông, giương cao cờ Trung Quốc, để ủng hộ lực lượng cảnh sát. Cuộc tập hợp này được truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin rộng rãi.
Thu Hằng
*****************
Hồng Kông : Bất chấp trấn áp, người dân tiếp tục biểu tình (RFI, 03/08/2019)
Chính quyền Hồng Kông phải đối mặt với hai ngày cuối tuần đầy căng thẳng do phong trào phản đối ngày càng lan rộng. Ngay tối thứ Sáu 02/08/2019, lần đầu tiên, khoảng 40.000 nhân viên ngành y tế đã tuần hành ở khu tài chính Hồng Kông để lên án bạo lực cảnh sát. Nhiều cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra trong hai ngày cuối tuần 03 và 04/08.
Cuộc tuần hành tại khu Mongkok, Hồng Kông, chống luật dẫn độ ngày 03/08/2019. Reuters/Tyrone Siu
Cuộc tuần hành đầu tiên diễn ra chiều 03/08 tại khu thương mại sầm uất Mongkok, từng là nơi đối đầu giữa cảnh sát và sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 2014. Hai cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra vào Chủ Nhật 04/08, trên đảo Hồng Kông và khu vực Tướng Quân Áo (Tseung Kwan O). Một cuộc tổng đình công được dự kiến diễn ra thứ Hai 05/08 cùng với nhiều cuộc tập hợp ở 7 địa phương.
Đặc phái viên RFI Liu Zhifan, có mặt trong đoàn tuần hành ở Mongkok :
Các nhà tổ chức cuối cùng cũng được phép tổ chức tuần hành ở Mongkok, một khu phố thương mại rất sầm uất và có nhiều phố nhỏ. Cuộc tuần hành không được phép kéo dài quá 30 phút.
Ban tổ chức hy vọng có khoảng 3.000 người tham gia dù trời đang mưa tầm tã ở trung tâm thể thao, nơi xuất phát cuộc tuần hành.
Trước đó, một số người lên phát biểu để nêu rõ những yêu cầu của người biểu tình, như phải rút hẳn dự luật dẫn độ sang Hoa lục, thành lập một ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát.
Cuộc tuần hành hôm nay (03/08) là bước tiếp của cuộc tuần hành tối thứ Sáu 02/08 của giới công chức với hơn 40.000 người tham gia.
Người dân Hồng Kông muốn chứng minh cho chính phủ rằng trong hoàn cảnh khó khăn họ vẫn đoàn kết. Chính vì vậy, chiều nay (03/08), họ lại tiếp tục xuống đường.
Theo đặc phái viên Liu Zhifan, nhân viên ngành y tế muốn lên án cảnh sát lạm quyền và vi phạm đời tư của bệnh nhân. Trả lời phóng viên của RFI, bác sĩ Tony Hung, chuyên khoa X quang, lo ngại việc cảnh sát tự tiện vào bệnh viện truy tìm bệnh nhân bị tình nghi tham gia biểu tình, cũng như tình trạng quá tải ở các bệnh viện sau các cuộc trấn áp của cảnh sát.
Ngoài bạo lực cảnh sát, mafia Hồng Kông cũng được huy động hành hung người biểu tình. Vào cuối tuần trước, Reuters tiết lộ một quan chức Hồng Kông thuộc Phòng Liên lạc Bắc Kinh đã xúi giục người dân ở một vùng ngoại ô tấn công người biểu tình.
Vài ngày sau, hàng trăm người cầm gậy đánh đập người biểu tình và phóng viên ở ga tầu điện Nguyên Lãng (Yuen Long) hôm 21/07. Tuy nhiên, trước sức ép của Bắc Kinh, nhà cung cấp thông tin tài chính Refinitiv đã phải rút bản tin của hãng tin Anh phát hành tại Trung Quốc.
Thu Hằng
Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương lai (RFA, 28/06/2017)
Có đến 37.500 hộ chiếu Anh quốc ở hải ngoại được cấp cho cư dân Hồng Kong trong năm 2016, tăng 44% so với năm 2015.
Các nhà hoạt động xã hội Hong Kong mang dù vàng biểu tượng của dân chủ đứng trước trụ sở chính phủ ở Hong Kong hôm 28/9/2016 - Courtesy AFP
Việc người dân lãnh thổ này đổ xô xin hộ chiếu Anh Quốc xuất phát từ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng lên đặc khu hành chánh Hong Kong, 20 năm sau ngày Luân Đôn trao trả cựu thuộc địa này lại cho Trung Quốc.
Nhiều diễn biến chính trị xã hội trong thời gian qua đã làm dân Hồng Kong lo lắng, ví dụ như như phong trào Dù Vàng của giới trẻ Hồng Kong đòi hỏi bầu cử dân chủ, việc bắt cóc các nhà xuất bản Hồng kong sang Hoa Lục vì đã xuất bản những sách nói về các lãnh tụ cộng sản.
Văn phòng đại diện Hoa Lục tại Hồng Kong từ chối bình luận về thông tin vừa nêu.
***********************
Quân đội Miến đụng độ với phiến quân ở nơi giam phóng viên (RFA, 28/06/2017)
Trong những bản tin phổ biến ngày 28 tháng 6, truyền thông nhà nước Miến Điện cho biết nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra giữa quân đội chính phủ và các nhóm phiến quân thiểu số ở bang Shan, thuộc vùng Đông Bắc Miến, nằm sát biên giới với Trung Quốc.
Binh sĩ dân tộc Kokang đứng kiểm soát mộ khu buôn bán đóng kín cửa không người ở bang Shan, Miến Điện - Courtesy of AFP
Những bản tin này nói ít nhất đã có 5 vụ chạm súng xảy ra từ hôm thứ Hai tuần trước cho tới giờ, nhưng không cho biết rõ tổn thất của đôi bên, chỉ viết rằng có người chết và bị thương.
Lực lượng phiến quân được nói là thuộc nhóm có tên là Quân Đội Quốc Gia Giải Phóng Ta’ang, một trong những lực lượng từ chối tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ, tiếp tục cầm súng chiến đấu để đòi hỏi quyền tự trị.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính phủ Miến Điện phải tìm cách giải quyết sao cho ổn thỏa, tránh chuyện người dân Hoa Lục chết hay bị thương vì đạn lạc.
Một chi tiết khác cũng được truyền thông quốc tế và truyền thông Miến nói tới là quân đội Miến Điện mới bắt giữ 3 nhà báo, cáo buộc những người này tội tự ý liên lạc với phiên quân Ta’ang.
******************
Cập nhật tình hình Philippines (RFA, 28/06/2017)
Quân đội Philippines cho hay ít nhất 27 cư dân thành phố Marawi đã bị phiến quân Hồi giáo trung thành với ISIS giết chết trong những ngày vừa qua.
Quân đội Philippines dùng máy bay tấn công quân khủng bố trong thành phố Marawi trên đảo Mindanao miền Nam nước này hôm 25/5. AFP
Tin này được ông Restituto Padilla, phát ngôn viên quân sự Phi nói với báo chí ngày 28 tháng 6.
Ông Padilla còn cho biết thêm là có thể số người bị giết cao hơn con số mà chính phủ ghi nhận được, giải thích là hiện có cả trăm cư dân Marawi bị phiến quân Hồi giáo bắt giữ làm con tin, và bọn gian không ngần ngại dùng những người này làm bia đỡ đạn, để chận bước tiến của quân đội chính phủ.
Cũng cần nhắc lại phiến quân Hồi giáo trung thành với ISIS làm chủ Marawi đã 5 tuần lễ, và binh sĩ Phi vẫn đang cố gắng tái chiếm lại thành phố này. Trong những cuộc họp báo, các giới chức quân sự Phi đều nói là sẽ chiến thắng, nhưng không trình bày rõ những khó khăn phải đương đầu trong kế hoạch tái chiếm Marawi.