Ngày 21/05/2024, chính quyền Manila và Washington đã nhất trí về chương trình đào tạo về xây dựng và khai thác các nhà máy điện hạt nhân cho Philippines. Đây là bước tiếp theo trong thỏa thuận hợp tác về hạt nhân song phương được ký tháng 11/2023, mở đường cho Mỹ đầu tư vào năng lượng hạt nhân ở nước đồng minh Đông Nam Á.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đồng nhiệm Philippines, Ferdinand Marcos Jr., tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, Washington, ngày 01/05/2023. AP - Carolyn Kaster
Trong khuôn khổ thỏa thuận được ký ngày 21/05, bộ Năng Lượng Philippines và Quỹ Giáo dục Mỹ-Philippines sẽ cấp nhiều khoản học bổng, tổ chức các chương trình trao đổi để công dân Philippines có thể nghiên cứu sâu về năng lượng hạt nhân dân sự và các loại năng lượng tái tạo.
Trong buổi họp báo tại Manila, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Daniel Kritenbrink, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, khẳng định thỏa thuận "sẽ hỗ trợ Philippines phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, kể cả năng lực khai thác các nhà máy điện hạt nhân mũi nhọn". Còn bộ trưởng Năng Lượng Raphael Lotilla cho rằng "chương trình đào tạo tân tiến" sẽ giúp Philippines có "nguồn lực cần thiết" cho lĩnh vực này.
Theo AFP, thỏa thuận về năng lượng hạt nhân được hai tổng thống Joe Biden và Marcos Jr. ký vào tháng 11/2023 bên lề thượng đỉnh APEC ở San Francisco (Mỹ). Philippines cam kết tuân thủ quy định cấm sử dụng công nghệ hạt nhân được chuyển giao để sản xuất vũ khí nguyên tử.
Hoa Kỳ cũng dự tính thành lập một tổ công tác về công nghiệp hạt nhân dân sự ở Đông Nam Á và đặt trụ sở ở Manila. Theo thứ trưởng Kritenbrink, tổ công tác này có nhiệm vụ "kết nối đối tác Philippines với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để hướng tới một nguồn năng lượng sạch và an toàn".
Philippines đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do lưới diện thường xuyên gặp sự cố và giá điện cũng thuộc hàng cao nhất khu vực. Hơn một nửa sản lượng điện phụ thuộc vào điện than gây ô nhiễm môi trường. Ở một số khu vực, như Malampaya cung cấp 40% điện cho đảo chính Luzon, trữ lượng khí đốt sắp cạn kiệt trong vài năm tới. Để đạt mục tiêu về khí hậu, chính quyền Manila hướng tới các loại năng lượng tái tạo (không kể điện hạt nhân), dự tính chiếm khoảng 50% sản lượng điện từ nay đến năm 2040.
Thu Hằng
Hoa Kỳ vừa cho đặt một hệ thống phóng tên lửa tầm trung tại Philippines với tầm bắn bao phủ Trung Quốc và Đài Loan. Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo.
Một hệ thống phóng tên lửa tầm trung của Hoa Kỳ - Darrell Ames/DVIDS
Lục quân Hoa Kỳ đặc trách khu vực Thái Bình Dương vào ngày 15/4 thông báo tin vừa nêu. Cụ thể, hệ thống MRC phóng hỏa tiễn tầm trung, cũng được gọi là Hệ thống Vũ khí Cuồng phong, đã được lắp đặt thành công tại đảo Luzon ở phía Bắc Philippines hôm 11/4.
Đây là lần đầu tiên hệ thống đó được đặt tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 1987, khi mà một thỏa ước giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết cấm việc lắp đặt, sở hữu loại hỏa tiễn trên bộ có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Hệ thống được lắp đặt tại đảo Luzon của Philippines hôm 11/4 được cho biết là một hệ thống trên bộ giúp tăng cường hoạt động đa năng của quân đội. Hệ thống có thể phóng Hỏa tiễn Tiêu chuẩn 6 (SM-6) và Hỏa tiễn Tấn công trên bộ Tomahawk (TLAM) với tầm bắn tương ứng là hơn 240 km và 2.500 km.
Hệ thống được lắp đặt tại Philippines thuộc khuôn khổ Hoạt động Tập trận Salaknib. Đây là đợt tập trận thường niên Hoa Kỳ-Philippines với mục tiêu tăng cường khả năng bộ chiến và hành quân phối hợp chung.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/4 lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc lắp đặt hệ thống hỏa tiễn tầm trung MRC của Hoa Kỳ tại Philippines như vừa nêu. Bắc Kinh lặp lại kêu gọi Washington hãy tôn trọng quan ngại an ninh của những quốc gia khác ; đồng thời cảnh báo Manila về những hậu quả nghiêm trọng vì phục vụ cho Hoa Kỳ.
Với động thái của Hoa Kỳ vừa nêu và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, giới chuyên gia đưa ra nhận định, Bắc Kinh có thể quân sự hóa thêm nữa tại khu vực Biển Đông.
Đây là nơi mà Bắc Kinh ngày càng quyết đoán và có thái độ hung hăng trong tranh chấp chủ quyền với các nước trong khu vực.
Nguồn : RFA, 18/04/2024
Vì sao Hoa Kỳ và Philippines cập nhật Hiệp ước quốc phòng ?
Anh Vũ, RFI 05/05/203
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr hôm 01/05 vừa qua, Manila và Washington đã ký thỏa thuận có tên gọi "hướng dẫn phòng thủ song phương". Văn kiện đã được công bố ngày 03/05 vừa qua nhằm xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong Hiệp ước quốc phòng ký từ năm 1951, nhưng trong tình hình mới Philippines muốn làm sáng tỏ hơn.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (giữa) cùng phu nhân được chào đón bởi phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tại Đài thiên văn Hải quân Hoa Kỳ, Washington, ngày 02/05/2023. AP - Patrick Semansky
Quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ đã có những bước chuyển biến nhanh chóng từ khi tổng thống Ferdinad Marcos Jr. lên nắm quyền. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ông Marcos Jr. đã tiếp đón ba lãnh đạo hàng đầu chính quyền Mỹ, cử các bộ trưởng quốc phòng và Ngoại Giao đến Washington họp với đồng nhiệm Mỹ. Cũng trong gần một năm qua, chính quyền Manila đã chấp nhận mở thêm 4 căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ. Hai nước cũng vừa mới tổ chức cuộc tập trận chung thường niên Balikatan quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay.
Mối quan hệ đồng minh này đã được bảo đảm bằng Hiệp ước quốc phòng chung ký từ 1951 và một thỏa thuận bổ sung năm 2014, cho phép quân đội Mỹ cất giữ vũ khí khí tài tại các căn cứ của Philippines. Trong bối cảnh quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng Mỹ-Philippines được bảo đảm như vậy, giới quan sát đặt câu hỏi tại sao giờ đây Manila lại muốn cập nhật lại các văn kiện vẫn tồn tại từ hơn bảy mươi năm nay ?
Trong chuyến công du Washington vừa qua, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã nhấn mạnh giờ đây đất nước ông nằm trong vùng "phức tạp nhất trên bình diện địa chính trị và vì thế điều hoàn toàn tự nhiên là Philippines quay sang một nước duy nhất đã được gắn kết với mình bằng một hiệp ước" quốc phòng.
Đồng minh sẽ bảo vệ Philippines ?
Thời gian gần đây, Manila liên tục lên tiếng tố cáo những hành vi gây hấn của các tầu tuần duyên và các tàu dân quân biển trá hình tàu cá của Trung Quốc trong vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Philippines. Mặt khác trong hoàn cảnh khó khăn về năng lượng toàn cầu do cuộc chiến tranh tại Ukraine, Philippines muốn sớm được tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác các mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng vẫn bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Philippines giờ đây muốn được đồng minh cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ mình như thế nào, và như vậy có thể khiến Trung Quốc chùn bước trong các tranh chấp chủ quyền với Philippines tại biển Đông.
Văn bản "hướng dẫn phòng thủ" được bộ quốc phòng Mỹ vừa công bố hôm 03/05, nêu rõ rằng những cam kết phòng thủ chung sẽ được vận dụng trong trường hợp một trong hai đồng minh bị tấn công quân sự "bất kỳ ở đâu trong Biển Đông". Một chi tiết khác được đưa vào văn kiện là giờ đây các tàu tuần duyên cũng thuộc đối tượng được bảo vệ bởi Hiệp ước Quốc phòng.
Điểm đáng chú ý khác là văn bản hướng dẫn ghi nhận hai bên cần phải phối hợp với nhau để đối phó với "cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám". Thuật ngữ quân sự "chiến thuật vùng xám" thường được Mỹ sử dụng để chỉ việc Trung Quốc dùng các phương tiện phi quân sự như tàu tuần duyên hay các đội tàu cá nhằm khẳng định nhưng đòi hỏi lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Trong chiến thuật này có cả những hành động phong tỏa, hăm dọa hay những biện pháp gây rối các hoạt động đánh bắt cá hay tham dò khai thác tài nguyên của đối phương.
Cần nhắc lại là Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên các đảo cũng như các vùng biển cách bờ biển của họ đến 1500 km, trong đó bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của 5 quốc gia. Các nước này thường xuyên tố cáo các hành động khiêu khích theo kiểu "chiến thuật vùng xám" nói trên.
Có thể Manila nhận thấy, biết được các tình huống mà Hoa Kỳ sẽ phải can thiệp theo hiệp ước có thể là một biện pháp răn đe khiến Bắc Kinh phải tính lại một số chiến lược của họ trên Biển Đông để tránh đối đầu với các lực lượng Hoa Kỳ, trong đó có cách hành xử của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu của mình để kiểm tra các giới hạn trong cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ và tìm cách làm suy yếu liên minh, đặt Washington vào một vị trí khó khăn khi họ có thể miễn cưỡng can thiệp do lo ngại về sự leo thang hoặc tính toán sai lầm.
Tổng thống Marcos : Căn cứ quân sự Philippines có thể "hữu ích" nếu Đài Loan bị tấn công
Thu Hằng, RFI, 05/05/2023
Mỹ hiện giờ được phép tiếp cận 9 căn cứ quân sự ở Philippines. Trả lời phỏng vấn của Reuters ngày 04/05/2023, tổng thống Marcos Jr. cho biết đây chỉ là biện pháp "phòng thủ" nhưng có thể "có ích" nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Đô đốc John C. Aquilino thuộc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (INDOPACOM), đến căn cứ Không quân Clark, tỉnh Pampanga, phía bắc Philippines, ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila
Mỹ và Philippines đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014 với trọng tâm là cải thiện khả năng can thiệp trong trường hợp thiên tai. Tuy nhiên, theo tổng thống Marcos Jr., "hiện giờ có thêm một khía cạnh khác… Căng thẳng ở eo biển Đài Loan dường như tiếp tục gia tăng. Tiếp theo, an toàn cho công dân Philippines ở Đài Loan trở thành vấn đề quan trọng". Tổng thống Philippines cho rằng "những căn cứ trong khuôn khổ thỏa thuận EDCA có thể có ích cho chúng tôi nếu sự kiện kinh hoàng đó xảy ra", ý muốn nói đến một cuộc tấn công Đài Loan.
Trước đó, trả lời Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, ông Marcos Jr. khẳng định, Washington "không đề xuất với Philippines bất kỳ kiểu hành động tham gia bảo vệ Đài Loan" hoặc "gửi quân trong trường hợp xảy ra chiến tranh Đài Loan". Nguyên thủ Philippines nhấn mạnh việc thắt chặt hợp tác quân sự với Mỹ "chỉ mang tính chất phòng thủ và có thể là phòng thủ dân sự liên quan đến thảm họa và sơ tán công dân Philippines".
Manila đã chấp nhận tham gia các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ, Úc và Nhật Bản, thậm chí là với cả Hàn Quốc trong thời gian tới. Tổng thống Philippines khẳng định những cuộc tuần tra đó sẽ giúp bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, nơi Trung Quốc không ngừng gia tăng hiện diện quân sự. Manila cũng đang thảo luận về hợp tác quốc phòng ba bên với Mỹ và Nhật Bản.
Phía Trung Quốc đã kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp của các nước không nằm trong Biển Đông. Trả lời họp báo hôm 04/05, người phát ngôn Mao Ninh của bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : "Biển Đông không phải là bãi săn cho các thế lực nước ngoài".
Mỹ, Philippines tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Trọng Thành, RFI, 04/05/2023
Mỹ và Phillippines đã tăng cường hợp tác quốc phòng nhân chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr.. Hôm 03/05/2023, bộ quốc phòng Mỹ công bố các nội dung chính của hợp tác quốc phòng song phương nhằm sẵn sàng chống lại các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là thỏa thuận "tăng cường chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực" về các hoạt động của Trung Quốc "tại Biển Đông và eo biển Đài Loan".
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2023. AP - Andrew Harnik
Văn bản có tên gọi chính thức là "Hướng dẫn Phòng thủ Song phương" (Bilateral Defense Guidelines) đã được bộ trưởng quốc phòng hai nước thông qua hôm qua. Hợp tác chia sẻ thông tin tình báo là một nội dung chủ yếu của văn bản, bên cạnh việc "hiện đại hóa năng lực quốc phòng" và tăng cường phối hợp diễn tập tác chiến và bảo vệ an ninh hàng hải.
Cụ thể là hai bên cam kết "mở rộng chia sẻ thông tin về các dấu hiệu ban đầu liên quan đến các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của cả hai quốc gia, để bảo đảm sẵn sàng giải quyết các thách thức chính mà liên minh phải đối mặt. Hai nước sẽ cố gắng chia sẻ thông tin theo thời gian thực, với sự cộng tác của các bộ và các ban ngành khác để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động".
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 04/05, Lầu Năm Góc đã công bố văn bản nói trên sau cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington. Vẫn theo South China Morning Post, các thông báo hôm qua của bộ quốc phòng Mỹ về hợp tác với Philippines đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng bất cứ một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương tại "bất cứ nơi nào ở Biển Đông, nhắm vào lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Hoa Kỳ – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia" sẽ dẫn đến việc kích hoạt các cam kết phòng thủ chung.
Cũng trong buổi làm việc hôm qua, tổng thống Philippinnes và bộ trưởng Mỹ đã thảo luận về kế hoạch vận hành nhanh chóng 4 căn cứ quân sự mới mà Manila giao quyền sử dụng cho Quân đội Mỹ theo thỏa thuận EDCA (Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường) ở đảo Palawan và phía bắc đảo Luzon, cách đảo Đài Loan vài trăm cây số.
Do thủ đô Manila của Philippines cách Đài Loan chưa đến 800 dặm, cho nên một cuộc xâm lược hòn đảo, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ cần thu hồi, sẽ ảnh hưởng đến an ninh ở Philippines. Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Renato Cruz De Castro, đại học De La Salle ở Manila : Quyết định của Manila, được đưa ra hồi tháng 02/2023, cho phép Washington sử dụng 4 căn cứ quân sự nói trên giúp tăng cường khả năng đối phó với một nước Trung Quốc "hiếu chiến và bành trướng".
Mỹ cảnh cáo Trung Quốc "uy hiếp" Philippines ở Biển Đông
Jeoffrey Maitem và Jojo Riñoza, BenarNews, RFA, 03/05/2023
Lời cảnh cáo được đưa ra sau khi suýt xảy ra một vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc với Philippines và vào thời điểm Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang có chuyến thăm Mỹ.
Các tàu Hải cảnh Trung Quốc đi tuần tra, đi ngang trước mặt các tàu cá của Phillippines tại khu vực Bãi Cạn Scarborough – một khu vực tranh chấp giữa hai nước vào ngày 5/4/2017. Reuters
Trung Quốc cần chấm dứt những hành động quấy rối "không thể chấp nhận được" đối với tàu thuyền của Philippines ở Biển Đông – một quan chức cấp cao của Mỹ phát biểu hôm thứ Tư (3/5/2023) đồng thời cam kết rằng Washington sẽ sát cánh bên đồng minh kiên trung của mình để chống lại bất cứ sự uy hiếp nào của Bắc Kinh trong khu vực đường biển tranh chấp giữa hai nước.
Phát biểu của ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, được đưa ra chẳng bao lâu sau khi một cuộc va chạm giữa tàu của Philippines với tàu Trung Quốc suýt nữa xảy ra hồi cuối tháng Tư và vào thời điểm ông Ferdinand Marcos Jr. đang thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Tổng thống Philippines đến Washington trong vòng hơn một thập kỷ qua.
"Đây thực sự là một vấn đề rất quan trọng và chúng tôi quan ngoại sâu sắc trước việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục huy hiếp và quấy rối các tàu thuyền của Philippines khi các tàu thuyền này thực hiện các cuộc tuần tra thường lệ trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines" – ông Kritenbrink nói với báo giới trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Nhà Trắng.
"Các bạn [Trung Quốc] có những hành động thực sự không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng với Philippines để đương đầu với những vi phạm và quấy rối đang tiếp diễn của Cảnh sát Biển Trung Quốc".
Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, hai tàu hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã chặn các tàu tuần tra của Philippines và "phô diễn những những chiến thuật hung hăng" gần khu vực Bãi Cỏ Mây (bãi cạn Second Thomas hay tên địa phương là Bãi cạn Ayungin) trong ngày 23/4/2023.
Vẫn theo lực lượng này, có lúc tàu hải cảnh CCG 5201 của Trung Quốc đã đến tiến gần, chỉ cách một tàu của Philippines 46 mét. Một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc "kiên quyết bám theo tàu BRB Malabrigo" của Philippines ở khoảng cách 640 mét.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã nói rằng tàu Philippines đã xâm nhập vào vùng biển gần Nhân Ái Tiêu, tên Trung Quốc dùng để gọi Bãi Cỏ Mây, và đã tiếp cận một tàu Trung Quốc một cách nguy hiểm.
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã xử Philippines thắng trong vụ nước này kiện Trung Quốc sử dụng "đường chín đoạn" rộng khắp/tham lam để đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – tuyến đường biển có tính chiến lược. Tuy nhiên Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết này.
Tàu BRP Malapascua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (tàu phía trước) đã phải đánh lái khi tàu hải cảnh Trung Quốc đi chéo qua lối đi của tàu này tại khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông ngày 23/4/2023. Ảnh : AFP
Ông Kritenbrink nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi những hành xử "mang tính khiêu khích" của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh của các đồng minh Philippines và chúng tôi [hai lực lượng] sẽ tiếp tục cùng nhau hoạt động" – ông phát biểu.
Theo Hiệp ước Phòng thủ chung ký kết năm 1951 giữa Mỹ và Philippines, Mỹ cam kết bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào tàu thuyền hoặc máy bay quân sự hay công cộng của nước này.
Trong cuộc họp báo, ông Kritenbrink cũng đáp lại tuyên bố của các quan chức Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang kéo Philippines vào một cuộc xung đột tiềm tàng về vấn đề Đài Loan khi Manila cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự địa phương theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) năm 2014.
"Những người bạn ở Bắc Kinh có thể đưa ra tuyên bố bằng cách nào đó bày tỏ quan ngại nhưng tôi nghĩ việc làm này là không đáng và cũng có phần khó hiểu" – ông nói và khẳng định : "Tôi tin tưởng rằng Mỹ và Philippines chia sẻ tầm nhìn về một khu vực hòa bình và ổn định".
"Chúng tôi ủng hộ việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Eo biển Đài Loan. Chúng tôi phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bởi bất cứ bên nào và chúng tôi kiên quyết cho rằng những khác biệt của hai phía bên bờ eo biển này cần được giải quyết một cách hòa bình. Hòa bình và ổn định ở khu vực Eo biển Đài Loan là một vấn đề quốc tế quan tâm".
Chuyến thăm Mỹ của ông Marcos báo hiệu mối quan hệ song phương đang được cải thiện sau một thời gian người tiền nhiệm của ông, Rodrigo Duterte, nỗ lực xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh.
Vào đầu tuần này, tại Washington D.C., ông Marcos và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư và hợp tác quốc phòng.
Hôm thứ Ba (ngày 2/5/2023), Mỹ tuyên bố ý định chuyển giao cho Philippines hai tàu tuần tra lớp đảo và hai tàu tuần tra lớp bảo vệ và ba chiếc máy bay C-130H để hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này hiện đại hóa khả năng vận tải hàng hải và chiến thuật.
Jeoffrey Maitem & Jojo Riñoza (BenarNews)
Mỹ đã đảm bảo việc tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự tại Philippines – khu vực chính để giám sát trực diện Trung Quốc trên Biển Đông và xung quanh Đài Loan.
Mỹ muốn tiếp cận nhiều hơn đến những căn cứu quân sự chính ở Philippines để đối phó với vấn đề Biển Đông
Với thỏa thuận này, Washington đã lắp được khoảng trống trong một vòng cung gồm các đồng minh của Mỹ trải dài từ Hàn Quốc và Nhật Bản ở phía bắc đến Úc ở phía nam.
Tuyến kết nối bị thiếu là Philippines, giáp với hai điểm nóng tiềm tàng lớn nhất, Đài Loan và Biển Đông, phía Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Mỹ trước đó đã có sự tiếp cận mang tính hạn chế đến năm địa điểm theo Thỏa thuận Tăng cường Phòng vệ, Enhanced Defense Cooperation Agreement (EDCA) – các bổ sung mới và mở rộng tiếp cận, theo một tuyên bố từ Washington, sẽ "cho phép sự hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng hơn và các thảm họa liên quan đến khí hậu ở Philippines, và phản ứng trước những thách thức chung", có lẽ liên quan đến việc đối phó với Trung Quốc trong khu vực.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ở Manila hôm thứ Năm 26/01.
Mỹ chưa tuyên bố các căn cứ mới này sẽ được đặt ở đâu, nhưng ba căn cứ có thể tại Luzon, một hòn đảo nằm ở vùng phía bắc của Philippines, một mảnh đất lớn gần với Đài Loan – nếu không tính Trung Quốc.
Một thỏa thuận với Philippines, một phần đảo ngược việc Mỹ rút khỏi thuộc địa trước đây của mình cách đây hơn 30 năm, không phải là chuyện nhỏ.
"Không có tình huống bất ngờ nào xảy ra trên Biển Đông mà không cần phải tiếp cận Philippines," ông Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ Centre for Strategic and International Studies (CSIS) ở Washington nói.
"Mỹ đang không tìm kiếm các căn cứ mang tính vĩnh viễn. Điều này là về nơi chốn, không phải căn cứ".
Điều này đồng nghĩa Mỹ đang tìm cách tiếp cận đến những nơi mà các hoạt động "nhẹ nhàng và linh hoạt" bao gồm vấn đề cung ứng và giám sát có thể tiến hành, và khi cần thiết, thay vì các căn cứ gồm một số lượng binh sĩ lớn đồn trú.
Nói cách khác, điều này không phải là sự quay trở lại những năm 1980, khi Philippines là nơi có 15.000 binh sĩ Mỹ đồn trú và hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Châu Á, tại Clark Field và gần Vịnh Subic.
Sau đó vào năm 1991, chính phủ Philippines kêu gọi thời gian. Người dân Philippines đã lật đổ nhà độc tài bị căm ghét Ferdinand Marcos, và việc đưa những ông chủ thời thực dân cũ về nước đã củng cố cả nền dân chủ và độc lập.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc lâu trước đó, chiến tranh Lạnh thì đang đi đến hồi kết, quân đội Trung Quốc cho đến khi đó vẫn còn yếu kém. Vì vậy vào năm 1992, người Mỹ rút quân và ít ra là hầu hết họ làm điều đó.
Quay nhanh 30 năm sau khi mà một Marcos khác - Ferdinand Marcos Jr còn có tên phổ biến là Bong Bong - quay trở lại Cung điện Malacañang.
Quan trọng hơn là Trung Quốc không còn có nền quân sự yếu, và đang gõ cửa nhà của Philippines. Manila đã dõi theo - kinh sợ nhưng không có sức mạnh để can thiệp - khi Bắc Kinh đã vạch ra vẽ lại bản đồ Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã xây dựng 10 căn cứ trên hòn đảo nhân tạo, bao gồm một căn cứ ở Mischief Reef, mà Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ).
Cho đến khi đó, mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã không còn vấp phải những vấn đề lớn, Herman Kraft, Giáo sư Khoa học Chính trị từ Đại học Philippines nói.
"Chúng tôi đã chấp nhận tình hình như thế tại Biển Đông. Thế nhưng vào năm 2012 thì họ tìm cách giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Rồi sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các hòn đảo. Việc Trung Quốc giành đất đã làm thay đổi mối quan hệ".
"Chúng tôi có khả năng rất hạn chế để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc," cựu Đại sứ Philippines tại Mỹ, Jose Cuisia Jr nói.
Ông cho biết Trung Quốc đã thường xuyên phá vỡ lời hứa không quân sự hóa các căn cứ mới trên Biển Đông.
"Trung Quốc đã quân sự hóa những phần đất đó và đe dọa đến lãnh thổ của chúng tôi. Chỉ có Mỹ mới có sức mạnh để chấm dứt họ. Philippines không thể làm điều này một mình".
Thế nhưng lần này thì sẽ không có hàng ngàn lính thủy quân lục chiến và không quân của Mỹ một lần nữa đến các quận đèn đỏ ở Olongapo hay thành phố Angeles.
Olongapo, gần một căn cứ hải quân của Mỹ, là trung tâm của nạn buôn bán tình dục bất hợp pháp vào những năm 1970
Lịch sử về bạo lực và xâm hại của các binh sĩ Mỹ ở Philippines vẫn còn là vấn đề nhạy cảm. Ước tính có khoảng 15.000 trẻ em bị để lại với những người mẹ Philippines khi những người cha Mỹ đi về nước.
"Chúng tôi đã có một lịch sử kéo dài về sự bất bình đẳng trong mối quan hệ của chúng tôi," Renato Reyes, Tổng thư ký Liên minh New Patriotic, mọt nhóm cánh tả nói. "Philippines đã bị bắt buộc phải gánh vác chi phí xã hội. Có một lịch sử hãm hiếp, lạm dụng trẻ em và chất thải độc hại".
Việc Mỹ trở lại Philippines bị các nhóm cánh tả của Philippines cật lực phản đối.
Trong khi sẽ không có nhiều binh sĩ như trước đó, Washington hiện đang yêu cầu tiếp cận một số địa điểm mới, một số đối diện với Biển Đông, số khác thì đối diện về phía bắc, hướng tới Đài Loan. Các báo cáo không chính thức chỉ đến các lựa chọn ở các tỉnh như Cagayan, Zambales, Palawan và Isabela.
Nơi đầu tiên đối diện với Đài Loan, nơi thứ hai là bãi cạn Scarborough, và nơi thứ ba là Spratly Islands, mà phía Việt Nam gọi là quần đảo Trường Sa. Bất kỳ cơ sở mới nào của Mỹ cũng sẽ nằm bên trong các căn cứ hiện tại ở Philippines. Binh sĩ Mỹ sẽ đến theo các nhóm nhỏ và theo hình thức luân phiên.
Mục tiêu mà theo ông Poling nói, sẽ là ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ nào xa hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi cũng cấp một nơi cho Mỹ để theo dõi các di chuyển quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan.
"Philippines không có cách nào khác để ngăn chặn Trung Quốc bên ngoài liên minh này," ông nói. "Quốc gia này đang mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ. Mỹ muốn huy động tên lửa hành trình Tomahawk. Cùng nhau họ có thể kiểm soát tàu của Trung Quốc".
Với quan ngại ngày càng gia tăng liên quan đến một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan, Philippines có thể mang đến "một vùng tiếp cận rìa" cho các hoạt động quân sự của Mỹ, hoặc thậm chí một nơi để sơ tán người tị nạn.
"Mọi người quên là có khoảng từ 150.000 đến 200.000 người Philippines đang sống tại Đài Loan," ông Poling nói.
Philippines và Mỹ đã tập trận quân sự chung vào cuối năm 2022
Thế nhưng Manila sẽ không trở thành một thành viên toàn diện trong liên minh của Mỹ để thách thức hoặc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, Giáo sư Kraft cho biết.
"Philippines đang không làm những điều như Úc và Nhật, đó là trực tiếp thách thức các lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông hoặc Biển Đông Á. Tổng thống Marcos muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Nhưng ông cũng muốn mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc vì lợi ích kinh tế".
Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu là không có ý định cho phép một thỏa thuận căn cứ mới giữa Manila và Washington làm cản trở mối quan hệ với quốc gia láng giềng của mình.
Trong một bài xã luận được đăng trùng hợp với thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở Manila, trang Global Times của nhà nước Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ "lập một cái bẫy cho Philippines" và cố gắng đẩy Philippines vào thế đối đầu trực diện với Trung Quốc".
"Chúng tôi một lần nữa bị mắc kẹt ở giữa," ông Reyes nói, người tin rằng Trung Quốc chỉ cũng là thế lực đế quốc tư bản như Mỹ.
"Philippines vẫn có tinh thần thực dân - và nhìn Mỹ như một người anh lớn".
Rupert Wingfield-Hayes
Nguồn : BBC, 02/02/2023