Khả năng đơn kiện của ông Magdalo Gary Alejano vượt qua vòng 1 tại Ủy ban Công lý Hạ viện để tiến vào vòng trong không cao.
Rappler, Philippines ngày 12/5 đưa tin, Ủy ban Công lý Hạ viện nước này sẽ tổ chức một buổi điều trần vào 9h 30 phút sáng thứ Hai tới, ngày 15/5 để điều trần về đơn kiện Tổng thống Rodrigo Duterte xem có đảm bảo đầy đủ về hình thức, nội dung hay không.
Tháng 3 năm nay, nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano thuộc phe đối lập đã đệ trình đơn kiện chống lại Tổng thống Rodrigo Duterte với 3 cáo buộc :
Một là tham gia vào tổ chức Tử hình Davao với cuộc chiến đẫm máu chống ma túy, với các nhân viên "ma" của chính quyền Davao khi ông Duterte còn là Thị trưởng.
Hai là tài sản không giải thích được của ông Rodrigo Duterte và ba là cách tiếp cận của Tổng thống với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Nhà lập pháp Gary Alejano và bản sao đơn kiện Tổng thống Rodrigo Duterte, ảnh : Philstar.
Hội đồng điều trần do Hạ nghị sĩ Reynaldo Umali đại diện quận Oriental Mindoro chủ trì. Umali là một đồng minh của Tổng thống.
Nếu Ủy ban có đa số phiếu tán thành đơn kiện đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý về hình thức và nội dung, một dự thảo nghị quyết chính thức của Hạ viện sẽ được đưa ra trong phiên họp toàn thể.
Chỉ cần ít nhất 1/3 số ghế Hạ viện hoặc 97 Hạ nghị sĩ khẳng định các cáo buộc này có cơ sở, vụ kiện sẽ được chuyển lên Thượng viện để tiến hành một cuộc bỏ phiếu do Chủ tịch Thượng viện chủ trì.
Nếu 2/3 số phiếu của tất cả các thành viên Thượng viện thông qua các cáo buộc này, Thượng viện Philippines sẽ phế truất ghế Tổng thống của ông Rodrigo Duterte.
Trong trường hợp Ủy ban Công lý Hạ viện không đủ đa số phiếu (trên 50% ?) tán thành đơn kiện, Ủy ban Công lý Hạ viện sẽ bác bỏ đơn kiện [1].
Cá nhân người viết cho rằng, việc Ủy ban Công lý Hạ viện Philippines xem xét đơn kiện Tổng thống của nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano cho thấy sự thượng tôn pháp luật, Tổng thống cũng không thể đứng trên pháp luật.
Còn khả năng đơn kiện này có được Quốc hội Philippines chấp thuận hay không thì cần phải chờ xem. Nhưng về chủ quan người viết cho rằng, mong muốn và mục tiêu của nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano khó thành sự thật. Bởi lẽ :
Thứ nhất, cáo buộc của ông Magdalo Gary Alejano về chiến dịch chống ma túy của ông Rodrigo Duterte hồi còn làm Thị trưởng Davao cũng như khi vào Điện Manacanang khó đi đến đâu, bởi chính nó đã không ngăn được Duterte trở thành Tổng thống Philippines trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Vấn nạn ma túy và tội phạm đã trở nên nghiêm trọng ở Philippines, dân chúng nước này cần có một bàn tay sắt để lập lại trật tự. Có lẽ đây cũng là một trong những lĩnh vực ông Duterte ghi điểm khi tranh cử.
Thứ hai, cáo buộc về "tài sản không rõ nguồn gốc" cũng dễ bị các đối thủ chính trị lôi ra từ khi ông Duterte còn vận động tranh cử, chứ không phải đến khi đã trở thành Tổng thống mới bị "soi".
Trong trường hợp ông Magdalo Gary Alejano mới phát hiện ra những bằng chứng ông cho là thuyết phục về sự "bất minh" ấy, Ủy ban Công lý Hạ viện Philippines sẽ có câu trả lời.
Vấn đề còn lại phụ thuộc vào lập luận, bằng chứng ông Magdalo Gary Alejano đưa ra.
Thứ ba, việc xử lý quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, người viết cho rằng đang là một thành công của ông Rodrigo Duterte hiện nay.
Chúng tôi đã nhiều lần phân tích về sự khéo léo của ông Duterte trong chính sách đối ngoại với 2 siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
Mới nhất, CNN ngày 12/5 đưa tin, trong khi ông Rodrigo Duterte đến Trung Quốc tham dự hội thảo quốc tế về sáng kiến "Một vành đai, một con đường" sẽ khai mạc ngày mai 14/5, theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Philippines bắt đầu đưa nhân lực và vật liệu xây dựng ra đảo Thị Tứ mà họ kiểm soát ở Trường Sa.
Đây là các hoạt động củng cố, nâng cấp sân bay, xây dựng cầu cảng, cảng cá và cơ sở hạ tầng trên đảo [2].
Xin lưu ý rằng, Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiện Trường Sa là đối tượng Trung Quốc, Đài Loan nhảy vào tranh chấp toàn bộ, Philippines, Malaysia, Brunei yêu sách một phần.
Trừ Brunei, các bên còn lại đang chiếm đóng trái phép một số cấu trúc, tạo ra tranh chấp đa phương về chủ quyền quần đảo này.
Trước đó, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác lập và duy trì chủ quyền một các hòa bình, hợp pháp và liên tục ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17 và hoàn toàn không có tranh chấp.
Tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ bàn về hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng của Philippines trên đảo Thị Tứ trong mối tương quan với Trung Quốc để làm sáng rõ hơn chiến lược của ông Rodrigo Duterte với Bắc Kinh.
Kế hoạch cải tạo Thị Tứ có từ thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III, nhưng liên tục bị trì hoãn.
Ông Aquino cho khởi động vụ kiện trọng tài chống lại việc Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Quyết định và những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Tổng thống Aquino đã mang về chiến thắng pháp lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cả Philippines, khu vực và Công ước bằng Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016.
Nhưng mặt trái trong chính sách của ông Aquino là đẩy quan hệ Philippines - Trung Quốc rơi xuống đáy, mọi kênh liên lạc bị đình trệ.
Nền kinh tế, doanh nghiệp, nông dân và ngư dân Philippines trở thành nạn nhân của các đòn trừng phạt từ Trung Nam Hải mà Điện Manacanang không có cách nào hóa giải.
Ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền đã rất nỗ lực hóa giải cục diện khó khăn về đối ngoại của Philippines hậu Phán quyết Trọng tài.
Trong khi đó Liên Hợp Quốc chưa có cơ chế thi hành án đối với những phán quyết trọng tài như thế này, luật pháp quốc tế vẫn đang ít nhiều bị chi phối, thậm chí bẻ cong bởi các thế lực chính trị siêu cường toàn cầu.
Các nước nhỏ như Philippines đang nằm giữa vùng cạnh tranh gay gắt bởi 2 siêu cường Mỹ - Trung chỉ còn cách thích nghi để tồn tại, thì mới mong phát triển.
Scarborough thì đã bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát năm 2012 trong khi đồng minh Hoa Kỳ chẳng làm gì để ngăn chặn, ngư dân Philippines trong 5 năm qua không thể tiếp cận ngư trường truyền thống của họ, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Nhưng điều này đã tạm thời kết thúc sau chuyến đi Trung Quốc tháng 10/2016 của ông Duterte.
Thay vì các đòn trừng phạt kinh tế, Trung Quốc đang mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư thương mại, du lịch với Philippines và nhập khẩu nông sản của nước này.
Cũng chỉ có cách đối thoại và hợp tác với Trung Quốc mới giúp ông Duterte tạm thời ngăn được bước chân quân sự hóa của Trung Quốc ở Scarborough, và giữ được hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cho dù Bắc Kinh đã thắng trong việc tạo ra được một "trạng thái bình thường mới" có lợi cho họ.
Trong bối cảnh tương quan lực lượng quá chênh lệch, đồng minh hiệp ước chỉ muốn biến Philippines thành tiền đồn hoặc đẩy quốc gia này ra đương đầu với Trung Quốc, người viết cho rằng lựa chọn của ông Duterte là đúng đắn, khôn ngoan.
Vì thế, việc Philippines tăng cường củng cố cơ sở hạ tầng tại đảo Thị Tứ trong lúc ông Duterte đang ở Bắc Kinh dự hội thảo về Một vành đai, một con đường là một phép thử khôn ngoan, hoặc là "chớp thời cơ" của ông chủ Điện Manacanang.
Trung Quốc có phản ứng thì cũng sẽ không thể manh động như khi ông Duterte còn đang ở nhà, huống hồ ông đang là đối tượng được cả Nhà Trắng lẫn Washington muốn tác động, lôi kéo.
Vì vậy, cá nhân người viết cho rằng, vụ kiện của nhà lập pháp Magdalo Gary Alejano được Ủy ban Công lý Hạ viện Philippines xem xét, tổ chức điều trần theo luật định chỉ cho thấy sự thượng tôn pháp luật ;
Cũng như những mối quan tâm và ý kiến khác nhau trong xã hội hay chính giới về các vấn đề quốc gia đại sự, ví như quan hệ đối ngoại hay bảo vệ quyền lợi quốc gia đã được Quốc hội nước này lắng nghe và xử lý thỏa đáng theo trình tự luật pháp quy định.
Người viết dự đoán, khả năng đơn kiện của ông Magdalo Gary Alejano vượt qua vòng 1 tại Ủy ban Công lý Hạ viện để tiến vào vòng trong không cao.
Khả năng Tổng thống Rodrigo Duterte bị luận tội hay phế truất vì các cáo buộc này càng không lớn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.rappler.com/nation/169632-house-hearing-duterte-impeachment-complaint
[2] http://edition.cnn.com/2017/05/12/asia/philippines-south-china-sea-pagasa/
Tổng thống Philippines bị chỉ trích về cách đối phó với Trung Quốc (RFI, 23/03/2017)
Một thượng nghị sĩ đồng minh của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu ông xem xét lại cách đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Tổng thống Philippines họp báo ngày 23/03/2017, tại sân bay quốc tế Manila sau hai chuyến công du Miến Điện và Thái Lan. Reuters
Hãng tin ABS-CBN News của Philippines, ngày 22/03/2017, cho biết thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian là một đồng minh của tổng thống Philippines. Gần đây, thượng nghị sĩ Gatchalian đã chỉ trích việc Trung Quốc xâm nhập vào Benham Rise và báo cáo rằng Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trạm kiểm soát tại bãi cạn Scarborough. Phản ứng trước chỉ trích của đồng minh Gatchalian, tổng thống Duterte nói rằng Philippines không thể làm bất cứ điều gì để ngăn Trung Quốc. Còn Bắc Kinh thì bác bỏ bản báo cáo trên.
Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian chỉ trích rằng cách tiếp cận vấn đề của tổng thống Duterte là sai và tổng thống phải đương đầu với Trung Quốc. Theo vị thượng nghị sĩ này, vẫn có nhiều giải pháp hợp pháp và ngoại giao và ông Duterte phải nỗ lực hết sức để bảo vệ lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lược nước ngoài. Ông Gatchalian cũng nói thêm là Philippines không nên để bị bắt nạt, cho dù đối thủ có thể lớn mạnh đến mức nào đi chăng nữa.
Vẫn theo thượng nghị sĩ Gatchalian, tổng thống Duterte vận động chiến dịch hợp pháp của Philippines chống Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành động xâm lược Biển Đông và phán quyết của tòa trọng tài La Haye theo hướng có lợi cho Philippines là một công cụ mạnh mẽ mà Manila cần tận dụng để thực thi chủ quyền ở biển Đông. Ông nhấn mạnh, nhiệm vụ của Philippines là áp dụng phán quyết trên và hành động trước các tổ chức pháp luật quốc tế để phản đối bất cứ hành động xâm lược nào của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa thiết quân luật
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 23/03/2017 nêu ra khả năng áp đặt lệnh thiết quân luật và đình chỉ bầu cử đối với hàng chục ngàn chức vụ ở các địa phương. Lời đe dọa này khiến công chúng lo ngại về nền dân chủ trong tương lai tại nước này.
Sau khi kết thúc chuyến công du tại Thái Lan, trở về Philippines, trong một cuộc họp báo, tổng thống Duterte đã giải thích với phóng viên là ông dự tính áp dụng vào cuộc chiến chống ma túy hai biện pháp thiết quân luật và đình chỉ bầu cử 42.000 quan chức địa phương, hai biện pháp trên cũng góp phần giải quyết được hàng loạt mối đe dọa an ninh.
Tổng thống Duterte thông báo ông có thể cho thành lập các tòa án quân sự để xét xử các vụ việc có liên quan tới khủng bố. Tổng thống Philippines nói thêm : "Tôi sẽ cho phép quân đội xét xử và hành quyết các người bằng cách treo cổ". Theo AFP, lời đe dọa này nhắm tới phiến quân Hồi Giáo ở miền nam Philippines.
Ban hành thiết quân luật là vấn đề rất nhạy cảm ở Philippines. Ba thập kỷ sau khi cuộc cách mạng "Quyền Lực Của Nhân Dân" chấm dứt chế độ độc tài của Ferdinand Marcos, hiện Philippiones vẫn đang nỗ lực củng cố nền dân chủ.
Liên quan đến việc đình chỉ bầu cử quan chức địa phương dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, ông Duterte giải thích là chính ông sẽ bổ nhiệm lãnh đạo địa phương để tránh tình trạng như hiện nay, tức là có tới 40% quan chức địa phương có dính dáng tới buôn lậu ma túy.
Thùy Dương
************************
Philippines : Quân đội sẽ điều hành quốc gia ? (RFA, 23/03/2017)
Lên tiếng tại Manila ngay sau khi từ Bangkok trở về, Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines cho hay có thể sẽ ban hành thiết quân luật để bảo vệ an ninh và bài trừ tất cả những tệ trạng xã hội đang làm băng hoại quốc gia.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trả lời báo chí tại sân bay quốc tế Manila vào ngày 23 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Theo lời Tổng Thống Phi, nếu thiết quân luật được ban hành, ông sẽ thành lập tòa án quân sự để xét xử khủng bố, ám chỉ những phần tử Hồi Giáo quá khích đang phá hoại an ninh ở miền Nam Philippines. Ông còn nói thêm bọn khủng bố sẽ lãnh án tử hình và bị treo cổ.
Tổng Thống Duterte cũng cho biết thay vì phải tổ chức bầu cử vào tháng Mười tới đây, ông dự tính sẽ đề cử người vào các chức vụ điều hành cấp xã, huyện, giải thích đây là điều cần thiết phải làm vì tới 40% viên chức địa phương có liên hệ đến những đường dây cung cấp, buôn bán ma túy.
*********************
Biển Đông : Bắc Kinh cải chính vụ xây dựng ở bãi Scarborough (RFI, 22/03/2017)
Vào tuần trước, một quan chức Trung Quốc tiết lộ rằng nước này đang chuẩn bị xây dựng một số trạm quan sát môi trường ở Biển Đông, trong đó có một trạm trên bãi cạn Scarborough mà họ đã chiếm từ tay Philippines. Phía Philippines đã liên tiếp phản đối, và vào hôm nay, 22/03/2017, Trung Quốc đã cải chính là không hề có kế hoạch tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Bãi cạn Scarborough, Biển Đông - Ảnh : Wikipedia
Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phủ nhận các thông tin, theo đó Bắc Kinh bắt đầu trong năm nay công việc chuẩn bị xây dựng một trạm quan trắc môi trường trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Nhân cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng dựa theo các cơ quan có liên can đến vụ việc, thì các thông tin về việc xây dựng trạm quan trắc môi trường trên bãi Scarborough đều sai lạc và không đúng. Theo bà : "Trong vấn đề Scarborough Shoal, lập trường của Trung Quốc rất nhất quán và rõ ràng là Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Philippines".
Tuy nhiên, chính ông Tiêu Kiệt (Xiao Jie), thị trưởng của thành phố gọi là Tam Sa, trước đó đã tiết lộ rằng Trung Quốc dự định bắt đầu công việc chuẩn bị trong năm nay để xây dựng trạm quan trắc môi trường trên một số hòn đảo, trong đó có Scarborough. Thông tin này được chú ý vì Tam Sa là đơn vị hành chánh được Bắc Kinh tạo ra để chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông.
Các tuyên bố của ông Tiêu Kiệt từng được tờ báo Hainan Daily loan tải và đăng trên mạng. Thế nhưng, theo hãng Reuters, vào hôm nay, phần đề cập đến bãi Scarborough đã bị xóa đi trong tuyên bố của ông Tiêu Kiệt.
Lời cải chính của bộ Ngoại Giao Trung Quốc được đưa ra vài tiếng đồng hồ, sau khi chính quyền Manila xác nhận đã yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ vụ việc.
Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với báo giới tại Bangkok, quyền ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết là bộ Ngoại Giao Philippines đã đề nghị Trung Quốc làm rõ thông tin về kế hoạch xây một trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough. Ông Manolo khẳng định rằng tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói rất rõ rằng Manila muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nhưng sẽ hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu cần thiết.
Bãi cạn Scarborough – mà Philippines gọi là Panatag - là một khu vực ở phía bắc Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc đòi chủ quyền và giành lấy quyền kiểm soát vào năm 2012.
Tổng thống Duterte hồi đầu tuần thừa nhận Philippines không thể ngăn Trung Quốc xây các cơ sở trên bãi cạn Scarborough.
Thái Lan và Philippines tăng cường hợp tác quân sự
Nhân chuyến công du Thái Lan của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ngày 21/03/2017, lãnh đạo hai nước đã quyết định tăng cường hợp tác quân sự và an ninh, trong đó có vấn đề chống ma túy.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm tại Bangkok, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết là hai bên nhất trí duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh trên nhu cầu thực thi hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử ở Biển Đông DOC cũng như hoàn thiện khuôn khổ Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông COC trong năm nay.
Hai lãnh đạo cũng cho biết là hai nước đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, nhằm đối phó với các thách thức của khủng bố và mọi loại tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là nạn ma túy.
Trọng Nghĩa
******************
Philippines : Thông tin về chiến dịch chống ma túy xua đuổi du khách (RFI, 22/03/2017)
Một nhà thờ Công Giáo Philippines trương khẩu hiệu kêu gọi tôn trọng sự sống, để phản đối chiến dịch chống ma túy giết người hàng loạt của tổng thống Duterte, Manila, 14/03/2017. Reuters
Bộ trưởng bộ Du Lịch Philipines vào hôm nay, 22/03/2017, đã tranh thủ chuyến tháp tùng theo tổng thống Rodrigo Duterte công du Thái Lan, để yêu cầu các phương tiện truyền thông "bớt" đưa tin về cuộc chiến bài trừ ma túy gây rất nhiều tử vong mà ông Duterte đang tiến hành. Theo vị bộ trưởng, các bài báo viết về các vụ giết người không thông qua xét xử đã làm cho du khách ngoại quốc tránh đến Philippines.
Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Du Lịch Philippines bà Wanda Teo phàn nàn rằng Philippines là một điểm đến an toàn, nhưng các nhà báo đã làm cho đất nước này trở nên đáng sợ, vì đã tập trung vào các vụ giết chóc.
Phát biểu với các nhà báo theo dõi chuyến công du Thái Lan của ông Duterte, bà Wanda Teo cho biết là giới điều hành các tour du lịch ở nước ngoài "luôn luôn" chất vấn bà về vấn đề này, và tâm lý lo ngại đặc biệt nặng nề ở Châu Á và Châu Âu.
Do vậy bộ trưởng Du Lịch Philippines đã yêu cầu báo giới là "hãy dịu giọng một chút khi viết về những vụ giết người ngoài vòng xét xử của tòa án".
Tổng thống Philippines Duterte đã được bầu lên vào năm ngoái, sau khi hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử là sẽ tận diệt nạn ma túy bằng cách giết chết hàng chục ngàn người.
Kể từ khi ông nhậm chức cách nay gần chín tháng, cảnh sát đã báo cáo rằng họ đã hạ sát 2.594 người trong cuộc chiến bài trừ ma túy, trong khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền nêu lên con số hàng ngàn người khác đã bị giết trong một chiến dịch bị coi là "sát nhân hàng loạt".
Trong khi hầu hết những nạn nhân đều là những người nghèo sống trong các khu ổ chuột, một vài người nước ngoài cũng bị thiệt mạng trong đó đáng chú ý nhất là vụ một doanh nhân Hàn Quốc bị cảnh sát bài trừ ma túy bắt cóc rồi hạ sát.
Trọng Nghĩa
Hàn Quốc : Người thừa kế tập đoàn Samsung bị truy tố vì tội hối lộ (RFI, 28/02/2017)
Người thừa kế Samsung và bốn thành viên khác trong ban lãnh đạo của tập đoàn hôm nay 28/02/2017 đã chính thức bị tư pháp Hàn Quốc truy tố vì hối lộ liên quan tới vụ tai tiếng chính trị Choi Soon-sil.
Ảnh chụp trụ sở tập đoàn Samsung, Seoul, ngày 28/02/2017. REUTERS/Kim Hong-Ji
Ông Lee Hyu-chul, phát ngôn viên của nhóm điều tra đặc biệt về vụ tai tiếng chính trị Choi Soon-sil cho biết là Lee Jae-yong, 48 tuổi - người thừa kế đồng thời là phó chủ tịch của tập đoàn Samsung - bị khởi tố về tội hối lộ, lạm dụng tài sản xã hội, che giấu tài sản ở nước ngoài và bội thệ. Lee Jae-yong bị tạm giam từ ngày 17/02/2017.
Lee Jae-yong bị cáo buộc đã hối lộ 40 triệu đô la cho bà Choi Soon-sil - người bạn thân tín của Tổng thống Park Geun-hye - để được hưởng ưu đãi của chính phủ. Tuy nhiên, người thừa kế tập đoàn Samsung đã bác bỏ tất cả các cáo buộc của nhóm điều tra đặc biệt.
AFP cho biết là bốn thành viên khác của ban lãnh đạo công ty Samsung cũng bị khởi tố vì các tội tương tự như người thừa kế tập đoàn Samsung, trừ tội bội thệ. Sau khi nhận được thông tin bị Tòa án truy tố, ba trong số bốn nhân vật cấp cao kể trên của tập đoàn Samsung đã đệ đơn từ chức.
Thùy Dương
********************
Bắc Triều Tiên xử tử 5 quan chức an ninh (RFI, 28/02/2017)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh chụp tại Nhà Hát Nhân Dân, Bình Nhưỡng, ngày 23/02/2017. KCNA/via REUTERS
Bắc Triều Tiên đã xử tử bằng súng phòng không 5 quan chức an ninh cao cấp vì đã lập báo cáo giả khiến Kim Jong-un bực tức. Thông tin trên được cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa ra ngày 27/02/2017.
Hãng tin AP trích tuyên bố trên với báo chí của nghị sĩ Lee Cheol-woo, một trong những người tham dự cuộc họp kín với Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS). Tuy nhiên, nghị sĩ này cho biết NIS không nêu rõ những bản báo cáo giả này liên quan đến vấn đề gì và làm thế nào tình báo Hàn Quốc có được thông tin trên.
Trước đó, cũng Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết bộ trưởng An ninh quốc gia Bắc Triều Tiên, Kim Won-hong, từng là một người thân cận của Kim Jong-un, đã bị xử bắn bằng súng phòng không vào tháng 01/2017, vì bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và tra tấn.
Về quan hệ với Trung Quốc, thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên, Ri Kil-song, đến Bắc Kinh ngày 28/02 theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị. Đây là chuyến công du cấp cao nhất kể từ tháng 06/2016 và diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập than của Bắc Triều Tiên đến hết cuối năm 2017 nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Thu Hằng
**********************
Đồng khai thác ở Biển Đông : Philippines đợi làm rõ quan hệ với Trung Quốc (RFI, 28/02/2017)
Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi trả lời hãng tin Reuters tại Manila, ngày 27/02/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Trả lời hãng tin Reuters ngày 27/02/2017, bộ trưởng Năng Lượng Philippines cho biết Manila đợi làm rõ quan hệ với Bắc Kinh trước khi dỡ bỏ lệnh đình chỉ các chương trình thăm dò trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo bộ trưởng Alfonso Cusi, chính quyền Philippines đang nghiên cứu xem đây có phải là thời điểm "thuận lợi" để quyết định cùng khai thác các nguồn tài nguyên với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên bộ trưởng Năng Lượng Philippines nhấn mạnh là mọi quyết định đều phải được bộ Ngoại giao Philipllines đồng ý bởi vì đây là cơ quan có trực tiếp đối thoại với Trung Quốc.
Năm 2004 Bắc Kinh và Manila đã đạt được một thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Arroyo nhưng thỏa thuận này đã bị đình chỉ 3 năm sau đó vì bị coi là vi hiến.
Tháng 10/2016 nhân chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Duterte, báo chí Manila đưa tin, Philippines sẽ thương lượng với Trung Quốc về các kế hoạch cùng thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Tuy nhiên một quan chức Philippines xin được giấu tên cho biết, đàm phán song phương chỉ liên quan đến những hoạt động thăm dò trong các vùng biển không có tranh chấp. Chính quyền của Tổng thống Duterte xem các dự án cùng thăm dò dầu khí ở các vùng không có tranh chấp là một động thái cụ thể "xây dựng niềm tin giữa đôi bên".
Năm ngoái, vài ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông, ngoại trưởng Yassay Perfecto nêu lên khả năng "tại một thời điểm trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền, sẽ cân nhắc việc tham gia các thỏa thuận như thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng có tranh chấp mà không phương hại đến lập trường của mỗi bên hay kết quả phân định ranh giới giữa các bên liên quan theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Thanh Hà
**********************
Liên Hiệp Quốc : Chính quyền Miến Điện thảm sát sắc dân Rohingya (RFI, 28/02/2017)
Cảnh chợ bị đốt phá tại một ngôi làng Rohingya, bang Rakhine, Miến Điện. Ảnh ngày 27/10/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun /File Photo
Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi rơi vào tình cảnh khó xử trước bản báo cáo về nhân quyền tại đất nước của bà. Bản báo cáo do đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee công bố ngày 27/02/2017 sau bốn ngày gặp gỡ và nói chuyện với vài chục người tị nạn thuộc sắc dân thiểu số Hồi Giáo Rohingya bị truy bức và buộc phải trốn sang Bangladesh. Theo đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, quy mô và tính chất dã man các vụ bạo lực mà người Rohingya phải chịu "lớn hơn" nhiều những gì mà bà hình dung trước đó.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình :
"Toàn những bằng chứng "kinh hoàng" đối với đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc : Rất nhiều người bị trói chặt trong chính ngôi nhà của họ bị đốt cháy, những đứa trẻ bị thiêu sống, các gia đình bị đốt thành than, người lớn thì bị cắt cổ hay những vụ hãm hiếp tập thể…
Khoảng 70.000 người Rohingya theo Hồi Giáo đã phải bỏ trốn khỏi phía tây Miến Điện trong vòng 5 tháng gần đây. Từ tháng 10/2016, quân đội Miến Điện tiến hành "chiến dịch an ninh" tại khu vực hẻo lánh này để truy tìm thủ phạm tấn công vào các đồn biên phòng. Nhưng thực ra, theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc, toàn bộ sắc dân Rohingya "bị trừng phạt tập thể".
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án các vụ vi phạm nhân quyền ở vùng này, nhưng chính phủ Miến Điện luôn cực lực bác bỏ những bản báo cáo đó. Trên thực địa, lực lượng quân đội và cảnh sát được triển khai tại phía tây Miến Điện, tuân lệnh người đứng đầu quân đội… chứ không phải chính phủ. Ngược lại, bà Aung San Suu Kyi và đội ngũ điều hành bộ Ngoại Giao và Thông Tin, những bộ được cho là chịu trách nhiệm thông tin về cuộc khủng hoảng này, lại chỉ đưa ra thông cáo được tóm gọn trong từ "bác bỏ" hoàn toàn những sự kiện trên.
Thế nhưng, chứng cứ mà Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ cùng với báo chí thu thập được đều giống nhau và là những bằng chứng không chối cãi được đối với chính quyền Miến Điện".
Thu Hằng