Amnesty International hôm nay 29/05/2019 tố cáo : Quân đội Miến Điện đã phạm các "tội ác chiến tranh", "hành quyết không thông qua xét xử" và "tra tấn" đối với một nhóm quân nhân nổi dậy ở bang Rakhine.
Một chục người Rohingya bị bắt, tay bị trói, dưới sự canh gác của lực lượng an ninh Miến Điện, tại làng Inn Din, bang Rakhine, ngày 02/09/2017-Handout via Reuters
Báo cáo của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) dựa trên nhiều lời chứng của các nhóm thiểu số khác nhau, những hình ảnh, video và ảnh chụp từ vệ tinh, cho thấy có bảy vụ người Rakhine bị quân đội tấn công làm 14 thường dân thiệt mạng. Tổ chức quốc tế này cũng tố cáo chính quyền của bà Aung San Suu Kyi im lặng trước hiện trạng, và không cho đưa thuốc men, thực phẩm cứu trợ vào khu vực.
Trong khi đó, cảnh sát Miến Điện tối qua ban hành lệnh truy nã nhà sư cực đoan Wirathu, nhưng ông này hôm nay đã biến mất. Từ Rangoun, thông tín viên Sarah Bakaloglou cho biết thêm chi tiết :
"Nhân vật được tạp chí Time mệnh danh là "khuôn mặt của khủng bố Phật giáo" có nguy cơ lãnh án ba năm tù giam. Nhà sư cực đoan Wirathu bị truy nã vì tội kích động hận thù và phản đối Nhà nước.
Từ nhiều tuần qua, chính quyền tìm cách truy tố nhà sư dân tộc chủ nghĩa, nổi tiếng với các bài diễn văn đầy thù hận đối với thiểu số người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Bị Facebook đóng tài khoản mang tên chính thức, ông ta còn bị cấm phát biểu công khai tại Miến Điện trong vòng một năm.
Những tháng gần đây, Wirathu tham gia những cuộc biểu tình, chủ yếu tại thành phố Rangoon, với giọng điệu mang tính chính trị nhiều hơn. Nhà sư chống đối mọi sự sửa đổi bản Hiến pháp 2008 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi mong muốn, trong đó quân đội được trao cho quyền lực lớn. Wirathu kêu gọi phải kính trọng các quân nhân là dân biểu Quốc hội. Theo ông, chính phủ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) cần phải thay đổi thái độ, vì không mang tính dân chủ.
Những từ ngữ này có thể là nguyên nhân khiến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và chính quyền dân sự muốn trấn áp nhà sư cực đoan, và phải thật nhanh chóng hành động, vì cuộc bầu cử tại Miến Điện dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2020."
Thụy My
Bangladesh trì hoãn việc hồi hương người Rohingya về Myanmar (RFA, 23/01/2018)
Myanmar chỉ trích Bangladesh là nguyên nhân khiến chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về lại nơi sinh sống cũ đã không bắt đầu đúng thời điểm hai quốc gia đã quy định là ngày 23 tháng Một.
Những người tỵ nạn Hồi giáo Rohingya nhận vật phẩm tại trại tỵ nạn Kutupalong ở Bangladesh hôm 23/1/2018 - AFP
Nói với báo chí tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, ông Bộ Trưởng Bộ Hợp Tác Quốc Tế Kyaw Tin cho hay Myanmar đã sẵn sàng để đón toán người Hồi Giáo Rohinya đầu tiên từ Bangladesh về lại nơi cư ngụ cũ của họ là bang Rakhine, nhưng ông nghe nói phía Bangladesh chưa sẵn sàng để thực hiện kế hoạch.
Ông Bộ Trưởng Kyaw Tin cũng cho biết đang chờ câu trả lời chính thức từ chính phủ nước bạn.
Theo thỏa thuận giữa 2 quốc gia, chương trình đưa gần 690,000 người Hồi Giáo Rohingya từ Bangladesh về lại Myanmar sẽ bắt đầu kể từ sáng nay, và sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm. Nhưng vào ngày 22 tháng Một, ông Mohammad Abul Kalam, người điều hành chương trình tỵ nạn của Bangladesh lại nói rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm, trước khi có thể đưa toán người Rohingya đầu tiên trở về đất Miến.
Hôm nay, một viên chức của Bangladesh giải thích với hãng thông tấn Reuters rằng Bangladesh thấy không nên vội vã, sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ nước láng giềng để đảm bảo an ninh cho người Rohingya, trước khi đưa họ về lại Myanmar.
Viên chức không nêu tên này nói rõ chỉ khi nào những điều kiện vừa nêu được giải quyết thỏa đáng, lúc đó mới đưa người tỵ nạn về lại Myanmar.
Những người Rohingya này chạy từ bang Rakhine sang Bangladesh xin lánh nạn, nói rằng họ bị binh sĩ và nhân viên an ninh Myanmar đàn áp, sau khi quân đội Myanmar thực hiện những cuộc hành quân bài trừ khủng bố hồi tháng Tám năm ngoái.
Người tỵ nạn Rohingya còn cáo buộc binh sĩ và an ninh Myanmar tội đốt nhà, bắn giết, cướp của và hãm hiếp phụ nữ.
Cũng vào sáng ngày 23 tháng Một, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cùng với những tổ chức thiện nguyện quốc tế lại lên tiếng kêu gọi hai chính phủ Bangladesh và Myanmar phải suy tính lại chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về Myanmar.
Trong cuộc họp báo tại Geneve, ông Filippo Grandi, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa, như vấn đề an ninh, nhà ở, sinh sống… cho người Rohingya khi họ trở về bang Rakhine, chưa kể đến điều cộng đồng quốc tế từng nhiều lần nói tới là chính phủ Myanmar phải cho người của tập thể Hồi Giáo này được quyền nhập tịch.
Ông Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng Myanmar phải cho các các đoàn quan sát nước ngoài đến quan sát tại chỗ, để đảm bảo chương trình đưa người tỵ nạn thật sự an toàn khi họ trở về nơi cứ trú cũ. Đến giờ, ông nói tiếp, ngay chính nhân viên của Liên Hiệp Quốc vẫn không được chính phủ Myanmar cho phép tự do đi lại nên rất khó hoàn thành trách nhiệm.
*******************
Miến Điện : 6 quân nhân lãnh án tù vì sát hại thường dân bang Kachin (RFI, 20/01/2018)
Thông cáo ngày 20/01/2018 của cảnh sát bang Kachin, miền đông bắc Miến Điện sát biên giới với Trung Quốc, cho biết một tòa án quân sự đã tuyên phạt 6 binh sĩ 10 năm tù vì tội sát hại 3 thường dân hồi tháng 09/2017.
Quân nhân Miến Điện tại bang Kachin (Ảnh minh họa). AFP
Hãng tin AP của Mỹ chưa liên lạc được với chính quyền của bang Kachin để kiểm chứng tin trên. Một số tổ chức nhân quyền xem việc tòa án quân đội trừng phạt các binh sĩ có hành vi sai trái là một sự kiện hiếm có. Tuy nhiên, các bên cho biết phiên xử sáu binh sĩ Miến Điện về tội sát hại ba thường dân Kachin mở ra hôm 19/01/2017 là một phiên xử kín.
Kachin là vùng đất của một lực lượng nổi dậy vũ trang. Xung đột tại đây đã kéo dài từ nhiều năm qua và có khuynh hướng gia tăng trong những tháng gần đây. Đến nay, đã có hơn 100.000 người phải di tản. Theo tin từ cảnh sát bang Kachin, ba thường dân là nạn nhân của sáu binh sĩ Miến Điện nói trên thuộc một nhóm nổi dậy đã bị quân đội bắt giữ vào tháng 5/2017.
Kế hoạch hồi hương người Rohingya từ Bangladesh bị chỉ trích
Ngày 20/01/2018, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch hồi hương người Rohingya một khi từ Bangladesh trở về. Nhóm nổi dậy ARSA coi đây là một âm mưu để Napyidaw tước đoạt đất đai của cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.
Trong thông cáo đăng trên Twitter,lực lượng nổi dậy của người Rohingya tại bang Arakan (ARSA) cho rằng kế hoạch hồi hương mà Bangladesh và Miến Điện đã đạt được là "không trung thực và không công bằng" nhằm "nhốt những người Rohingya hồi hương vào một vài trại tị nạn, thay vì cho phép họ trở về nguyên quán". Mục tiêu sau cùng chính là nhằm "tịch thu đất của người Rohingya, khai thác các dự án phát triển công và nông nghiệp". ARSA cho rằng, về mặt chính trị, Miến Điện muốn bang Rakhine trở thành một vùng đất dành cho cộng đồng Phật giáo.
Về phía các tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc, kế hoạch hồi hương phải dựa trên tinh thần tự nguyện của 750.000 người tị nạn Hồi Giáo Rohingya đang tạm cư tại Bangladesh.
Thanh Hà
87.000 người tị nạn Rohingya tràn qua Bangladesh (RFI, 04/09/2017)
Sau 10 ngày bạo động tại miền tây Miến Điện, số lượng người Hồi Giáo Rohingya sang Bangladesh tiếp tục tăng nhanh. Theo văn phòng điều phối của Liên Hiệp Quốc tại Cox's Bazar cho đến sáng ngày 04/09/2017 gần 90.000 người vượt biên sang Bangladesh lánh nạn. Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực lên chính quyền Naypyidaw và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyu.
Hàng chục ngàn người Rohingya chạy sang Bangladesh, để tránh bị tàn sát, ngày 03/09/2017. Ảnh : Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, bạo động bùng lên tại bang Rakhin, miền tây Miến Điện từ hôm 25/08/2017, khoảng 30 đồn cảnh sát bị lực lượng nổi dậy ARSA tấn công nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng thiểu số người Rohingya.
Lực lượng quân đội Miến Điện trả đũa : 400 người thiệt mạng, hầu hết là người Rohingya ; hàng chục ngàn người phải sơ tán. Theo thẩm định Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn khoảng 20.000 người kẹt tại biên giới giữa Miến Điện – Bangladesh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại bạo động nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện dẫn tới một "cuộc khủng hoảng nhân đạo".
Vào hôm nay, người trên thực tế đang nắm quyền tại Miến Điện là bà Aung San Suu Kyu, cùng với tướng Mun Aung Hlang, lãnh đạo quân đội Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi để tìm một ngõ thoát trên hồ sơ nhậy cảm này.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 người Pakistan, Malala Yousafzai, qua mạng Twitter chỉ trích khôi nguyên Hòa Bình Miến Điện năm 1991, Aung San Suu Kyu, làm ngơ trước thảm cảnh của người Rohingya trên xứ bà.
Thanh Hà
********************
Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine, nhà cửa bị đốt (VOA, 02/09/2017)
Khoảng 400 người đã chết vì bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar trong tuần qua, các quan chức quân đội cho biết, nói rằng phần lớn đều là người Hồi giáo nổi dậy.
Một nhóm người tị nạn Rohingya chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh ở Teknaf, Bangladesh, ngày 1 tháng 9, 2017.
Một trang Facebook của quân đội báo cáo con số này, nói rằng 370 người là những phần tử nổi dậy, và 29 người thiệt mạng là cảnh sát hoặc dân thường.
Tuy nhiên những người thuộc cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã báo cáo những vụ tấn công vào làng mạc của họ làm một số người chết và buộc hàng ngàn người tháo chạy.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm thứ Bảy cho biết hình ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Năm ở làng Chein Khar Li thuộc thị xã Rathedaung cho thấy 700 căn nhà bị phá hủy. Tổ chức nhân quyền này nói 99 phần trăm ngôi làng bị phá hủy và những dấu hiệu thiệt hại trông giống như là hỏa hoạn, chẳng hạn như những vệt cháy lớn. "Thế nhưng đây chỉ là một trong 17 địa điểm mà chúng tôi xác định có những vụ cháy", Phil Robertson, phó giám đốc của HRW, nói.
Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 38.000 người đã tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh, phần lớn là người Rohingya. Các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Bangladesh nói với VOA rằng một số người Hindu, cũng là sắc dân thiểu số ở Myanmar, đã vượt qua biên giới.
Ông Robertson cho biết Phái bộ Tìm hiểu Thực tế của Liên Hiệp Quốc cần phải có "sự hợp tác đầy đủ" của chính phủ Myanmar để hoàn thành nhiệm vụ của mình là đánh giá các vi phạm nhân quyền ở Bang Rakhine và tìm cách chấm dứt các cuộc tấn công cũng như đảm bảo sự giải trình trách nhiệm.
HRW cho biết những người Rohingya tị nạn gần đây tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh nói với tổ chức này rằng quân đội và cảnh sát Myanmar đã đốt nhà của họ và thực hiện những vụ tấn công vũ trang nhắm vào dân làng. Tổ chức này nói nhiều người tị nạn Rohingya có "những vết thương do đạn và mảnh bom".
Các nguồn tin ở Bangladesh nói với Ban Tiếng Bangla của VOA rằng tới 60.000 người đã vượt qua biên giới trong những ngày gần đây.
Myanmar xem người Rohingya là di dân từ Bangladesh, và không phải là một trong nhiều nhóm sắc dân thiểu số của đất nước. Người Rohingya bị từ chối quốc tịch, ngay cả khi họ có thể chứng minh rằng gia đình họ đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ.
Bạo lực giáo phái giữa người Phật giáo và Hồi giáo thường xuyên bùng lên suốt hơn một thập kỷ qua. Cho tới những vụ tấn công vào tháng trước, tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, khi những phần tử nổi dậy tấn công một số đồn cảnh sát, đưa tới một cuộc đàn áp quân sự, khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Bangladesh.
Chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc ngược đãi người Rohingya và hạn chế cho nhà báo và những người nước ngoài khác tiếp cận Rakhine ; nhưng đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc nói rằng chính phủ dự định thực thi các khuyến nghị của ủy ban Liên Hiệp Quốc để cải thiện tình hình và chấm dứt bạo lực.
************************
Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới (BBC, 02/09/2017)
Cảnh sát Bangladesh phớt lờ lệnh của chính phủ nước này bắt họ phải ngăn không cho người tỵ nạn từ nước láng giềng Myanmar vượt qua biên giới.
Người tỵ nạn Rohingya tại biên giới Bangladesh-Myanmar
Phóng viên BBC tại Bangladesh nói các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya đang tràn qua các cửa khẩu mà không bị ai ngăn cản.
Liên Hiệp Quốc ước tính hiện có 58.000 người tỵ nạn đã vượt qua biên giới Myanmar-Bangladesh.
Các vụ bạo lực nổ ra tại tỉnh Rakhine của Myanmar cách đây hơn một tuần.
Người tỵ nạn Rohingya cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar và những đám đông người Phật giáo đã đốt làng của họ.
Chính phủ Myanmar nói các lực lượng an ninh đang đáp trả cuộc tấn công của phiến quân người Rohingya vào 20 đồn biên phòng của cảnh sát hồi tháng trước.
Những vụ đụng độ tiếp theo đó khiến người dân từ nhiều cộng đồng phải ra đi.
Hơn 20.000 người Rohingya khác được cho là đang bị kẹt dọc bờ sông Naf, con sông phân ranh giới giữa Bangladesh và Myanmar.
Các tổ chức cứu trợ nói những người này đang phải đối mặt với nguy cơ chết đuối, bệnh tật và bị rắn độc cắn.
Rakhine, tỉnh nghèo nhất của Myanmar, là quê hương của hơn một triệu người Rohingya. Họ bị ngược đãi hàng chục năm nay ở đất nước mà phần lớn dân chúng theo Phật giáo, nơi họ không được coi là công dân.
Trong những năm gần đây, đã xảy ra nhiều đợt bạo lực gây chết người. Các vụ bạo lực hiện nay là lớn nhất kể từ tháng 10/2016, khi mà chín cảnh sát thiệt mạng trong những đợt người Rohingya tấn công vào đồn biên phòng.
Cho đến thời điểm đó, không có chỉ dấu nào rằng đã có phe nổi dậy có vũ trang của người Rohingya, mặc dù căng thẳng sắc tộc vẫn luôn hiện hữu.
Người Hồi giáo Rohingya tập trung cầu nguyện dịp lễ Eid tại một trại tỵ nạn gần biên giới Myanmar - Bangladesh
Cả hai vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái và hôm 25/8 mới đây đều do một nhóm có tên gọi Quân giải phóng Arakan Rohingya thực hiện.
Nhóm này nói mục tiêu của họ là bảo vệ người Hồi giáo Rohingya khỏi sự đàn áp của nhà nước Myanmar. Chính phủ Myanmar thì nói họ là một nhóm khủng bố.
Quân đội Myanmar cũng đã tiến hành một đợt đàn áp sau vụ tấn công hồi tháng Mười năm ngoái. Sau đó, có rât nhiều cáo buộc về tình trạng hãm hiếp, giết người và tra tấn do quân đội gây ra. Hàng chục ngàn người Rohingya khi đó đã chạy sang Bangladesh.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra chính thức. Tuy nhiên quân đội Myanmar phủ nhận đã có hành động sai trái.
**********************
Miến Điện : Tổng thư ký LHQ kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo (RFI, 02/09/2017)
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 01/09/2017 kêu gọi chính quyền Miến Điện và nhóm nổi dậy người Hồi giáo Rohingya ở miền tây bắc nước này kiềm chế xung đột, tránh gây ra một thảm họa nhân đạo. Bạo lực tuần qua đã khiến gần 400 người thiệt mạng và vài chục ngàn người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Người Rohingya Miến Điện tìm đường sang Bangladesh. Ảnh ngày 01/09/2017. Reuters
Theo lời một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Guterres hiện rất lo ngại về sự thái quá trong chiến dịch trấn áp người Rohingya mà các lực lượng an ninh Miến Điện tiến hành. Ông kêu gọi chính quyền Miến Điện bình tĩnh và kềm chế trong cuộc chiến chống người Rohingya, trước nguy cơ xảy ra thảm kịch nhân đạo.
Trong khi đó, Pierre Peron, phát ngôn viên văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc giải thích với AFP là các hoạt động cứu trợ lương thực trong khuôn khổ Chương trình lương thực thế giới (PAM) đã phải tạm ngưng ở miền tây bắc Miến Điện kể từ khi bạo lực bùng phát cách đây 1 tuần. Ít nhất 250.000 người bị ảnh hưởng
Cũng trong ngày hôm nay, chính phủ Miến Điện thông báo hơn 2.600 ngôi nhà đã bị phóng hỏa ở nhiều nơi tại miền tây bắc nước này, nơi đa phần dân số là người Rohingya. Nhà chức trách Miến Điện quy trách nhiệm cho lực lượng nổi dậy người Rohingya ARSA. Nhưng những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh kể lại rằng chính quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc, buộc họ phải trốn chạy.
Tổ chức nhân đạo Human Rights Watch, căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh và lời kể của nhiều nhân chứng, cũng tố cáo chính lực lượng an ninh Miến Điện chủ động đốt phá các ngôi nhà.
Tại Istanbul, trong bài phát biểu chào mừng lễ Hiến Sinh Aid al-Adha của người Hồi giáo 01/09/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan coi bạo lực nhắm vào người Hồi giáo Rohingya tại Miến Điện là một vụ "diệt chủng".
Thùy Dương