Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/01/2018

Người Rohingya chưa được phép trở về Rakhine

Tổng hợp

Bangladesh trì hoãn việc hồi hương người Rohingya về Myanmar (RFA, 23/01/2018)

Myanmar chỉ trích Bangladesh là nguyên nhân khiến chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về lại nơi sinh sống cũ đã không bắt đầu đúng thời điểm hai quốc gia đã quy định là ngày 23 tháng Một.

rohingya1

Những người tỵ nạn Hồi giáo Rohingya nhận vật phẩm tại trại tỵ nạn Kutupalong ở Bangladesh hôm 23/1/2018 - AFP

Nói với báo chí tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, ông Bộ Trưởng Bộ Hợp Tác Quốc Tế Kyaw Tin cho hay Myanmar đã sẵn sàng để đón toán người Hồi Giáo Rohinya đầu tiên từ Bangladesh về lại nơi cư ngụ cũ của họ là bang Rakhine, nhưng ông nghe nói phía Bangladesh chưa sẵn sàng để thực hiện kế hoạch.

Ông Bộ Trưởng Kyaw Tin cũng cho biết đang chờ câu trả lời chính thức từ chính phủ nước bạn.

Theo thỏa thuận giữa 2 quốc gia, chương trình đưa gần 690,000 người Hồi Giáo Rohingya từ Bangladesh về lại Myanmar sẽ bắt đầu kể từ sáng nay, và sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm. Nhưng vào ngày 22 tháng Một, ông Mohammad Abul Kalam, người điều hành chương trình tỵ nạn của Bangladesh lại nói rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm, trước khi có thể đưa toán người Rohingya đầu tiên trở về đất Miến.

Hôm nay, một viên chức của Bangladesh giải thích với hãng thông tấn Reuters rằng Bangladesh thấy không nên vội vã, sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ nước láng giềng để đảm bảo an ninh cho người Rohingya, trước khi đưa họ về lại Myanmar.

Viên chức không nêu tên này nói rõ chỉ khi nào những điều kiện vừa nêu được giải quyết thỏa đáng, lúc đó mới đưa người tỵ nạn về lại Myanmar.

Những người Rohingya này chạy từ bang Rakhine sang Bangladesh xin lánh nạn, nói rằng họ bị binh sĩ và nhân viên an ninh Myanmar đàn áp, sau khi quân đội Myanmar thực hiện những cuộc hành quân bài trừ khủng bố hồi tháng Tám năm ngoái.

Người tỵ nạn Rohingya còn cáo buộc binh sĩ và an ninh Myanmar tội đốt nhà, bắn giết, cướp của và hãm hiếp phụ nữ.

Cũng vào sáng ngày 23 tháng Một, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cùng với những tổ chức thiện nguyện quốc tế lại lên tiếng kêu gọi hai chính phủ Bangladesh và Myanmar phải suy tính lại chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về Myanmar.

Trong cuộc họp báo tại Geneve, ông Filippo Grandi, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa, như vấn đề an ninh, nhà ở, sinh sống… cho người Rohingya khi họ trở về bang Rakhine, chưa kể đến điều cộng đồng quốc tế từng nhiều lần nói tới là chính phủ Myanmar phải cho người của tập thể Hồi Giáo này được quyền nhập tịch.

Ông Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng Myanmar phải cho các các đoàn quan sát nước ngoài đến quan sát tại chỗ, để đảm bảo chương trình đưa người tỵ nạn thật sự an toàn khi họ trở về nơi cứ trú cũ. Đến giờ, ông nói tiếp, ngay chính nhân viên của Liên Hiệp Quốc vẫn không được chính phủ Myanmar cho phép tự do đi lại nên rất khó hoàn thành trách nhiệm.

*******************

Miến Điện : 6 quân nhân lãnh án tù vì sát hại thường dân bang Kachin (RFI, 20/01/2018)

Thông cáo ngày 20/01/2018 của cảnh sát bang Kachin, miền đông bắc Miến Điện sát biên giới với Trung Quốc, cho biết một tòa án quân sự đã tuyên phạt 6 binh sĩ 10 năm tù vì tội sát hại 3 thường dân hồi tháng 09/2017.

rohingya2

Quân nhân Miến Điện tại bang Kachin (Ảnh minh họa). AFP

Hãng tin AP của Mỹ chưa liên lạc được với chính quyền của bang Kachin để kiểm chứng tin trên. Một số tổ chức nhân quyền xem việc tòa án quân đội trừng phạt các binh sĩ có hành vi sai trái là một sự kiện hiếm có. Tuy nhiên, các bên cho biết phiên xử sáu binh sĩ Miến Điện về tội sát hại ba thường dân Kachin mở ra hôm 19/01/2017 là một phiên xử kín.

Kachin là vùng đất của một lực lượng nổi dậy vũ trang. Xung đột tại đây đã kéo dài từ nhiều năm qua và có khuynh hướng gia tăng trong những tháng gần đây. Đến nay, đã có hơn 100.000 người phải di tản. Theo tin từ cảnh sát bang Kachin, ba thường dân là nạn nhân của sáu binh sĩ Miến Điện nói trên thuộc một nhóm nổi dậy đã bị quân đội bắt giữ vào tháng 5/2017.

Kế hoạch hồi hương người Rohingya từ Bangladesh bị chỉ trích

Ngày 20/01/2018, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch hồi hương người Rohingya một khi từ Bangladesh trở về. Nhóm nổi dậy ARSA coi đây là một âm mưu để Napyidaw tước đoạt đất đai của cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.

Trong thông cáo đăng trên Twitter,lực lượng nổi dậy của người Rohingya tại bang Arakan (ARSA) cho rằng kế hoạch hồi hương mà Bangladesh và Miến Điện đã đạt được là "không trung thực và không công bằng" nhằm "nhốt những người Rohingya hồi hương vào một vài trại tị nạn, thay vì cho phép họ trở về nguyên quán". Mục tiêu sau cùng chính là nhằm "tịch thu đất của người Rohingya, khai thác các dự án phát triển công và nông nghiệp". ARSA cho rằng, về mặt chính trị, Miến Điện muốn bang Rakhine trở thành một vùng đất dành cho cộng đồng Phật giáo.

Về phía các tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc, kế hoạch hồi hương phải dựa trên tinh thần tự nguyện của 750.000 người tị nạn Hồi Giáo Rohingya đang tạm cư tại Bangladesh.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 820 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)