Người dân Sri Lanka đứng lên thay chỗ của Rajapaksa
Phạm Phú Khải, VOA, 12/07/2022
Sau cùng thì quyền lực như gia đình Rajapaksa có trong tay cũng không cưỡng lại được sức mạnh của người dân và sức ép của chính trị quốc tế.
Người dân tràn vào dinh tổng thống Sri Lanka tại Colombo, 11 tháng Bảy.
Quyền lực chính trị và quân sự tại Sri Lanka, một quốc gia với dân số 22 triệu người, đã gần nhưnằm trọn trong tay của gia đình Rajapaksa trong hai thập niên qua. Năm anh em, Chamal Rajapaksa, Mahinda Rajapaksa , Gotabaya Rajapaksa, Nirupama Rajapaksa, và Basil Rajapaksa từng nắm giữ những vai trò trọng yếu trong nhà nước Sri Lanka. Những người con của họ, điển hình như Namal Rajapaksa, gọi Tổng thống Rajapaksa là chú, cũng tham chính và được sự nâng đỡ để tiếp nối quyền lực. Nhưng cuộc chính biến tại Sri Lanka vào cuối tuần qua đã thay đổi cán cân quyền lực tại đây. Sự phẫn nộ biến thành sức mạnh quật khởi cho thấy khi người dân biết đoàn kết và lên tiếng, không có gì cản trở được ý chí của họ.
Trước tháng 5 năm 2022,không mấy ai nghĩ rằng dòng họ Rajapaksa tại Sri Lanka sẽ quy hàng và quyền lực của họ sẽ vỡ từng mảnh. Mặc dầu nền kinh tế của Sri Lanka trong thời gian đại dịch Covid-19 đã gây bao khốn khó cho đời sống người dân, và đến cuối năm 2021, tình hình kinh tế càng trở nên tồi tệ. Nền kinh tế Sri Lanka phụ thuộc nhiều vào du lịch, nhưng bị kiệt quệ trong hai năm Covid-19. Trước đó, nợ quốc gia vốn đã tăng dần đến độ không trả nỗi và phải dùng cảng Hambantota cho Trung Quốc vay mượn 99 năm. Tháng 4 năm 2021, chính quyền Rajapaksa đã cấm nhập cảng phân bón hóa học nhưng không tham khảo với nông dân Sri Lanka trước, làm ảnh hưởng đến mùa màn, nhất là lúa gạo.
Một loạt chính sách sai lầm vì bất tài và độc tài như thế đã đưa đến hệ quả tất yếu. Những nhu cầu căn bản nhất của người dân như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu (xăng dầu) trở nên vô cùng khan hiếm từ nhiều tháng qua, chưa kể nạn lạm phát không còn kiểm soát nỗi. Kể từ tháng 3 năm nay, người dân Sri Lanka xuống đường hàng loạt để biểu tình phản đối chính quyền. Tình trạng khủng hoảng không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Sri Lanka đã cạn nguồn ngoại đối, nợ quốc gia ngày càng chồng chất đến độ không nơi nào muốn cho Sri Lanka vây mượn. Các mặt hàng thiết yếu đều khan hiếm và nhập cảng gặp muôn vàn khó khăn. Chính quyền trở nên bất lực trong khi người dân thật sự không còn gì để mất.
Nó là cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ khi Sri Lanka trở thành độc lập từ Anh năm 1948. Tuy thế gia đình Rajapaksa vẫn có vẻ như kiểm soát quyền lực trong tay, cho đến khi chiến lược gia Basil Rajapaksa, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chánh, từ nhiệm vào tháng 4 năm nay. Sau đó, cựu Tổng thống, sau trở thành Thủ tướng Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa, đã phải nhượng bộ khi tuyên bốtừ chức vào ngày 9 tháng 5. Bao nhiêu cuộc biểu tình, xuống đường trong những tháng qua, tuy phần lớn ôn hòa nhưng ngày càng trở nên bạo động. Dù vậy người em của Mahinda là Tổng thống Gotabaya vẫn tiếp tục nắm quyền. Nhưng điều này đã thay đổi vào cuối tuần qua khi hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình, đột nhập vào tư gia của Gotabaya, và mạnh mẽ yêu cầu Gotabaya lẫn Thủ tướng Ranil Wickremesinghe phải từ chức. Sự phẫn nộ của người dân đã không thể ngăn chặn được nữa vào thứ Bảy 9 tháng 10. Người biểu tìnhchiếm biệt thự của Tổng thống đã không thể ngờ được đời sống sung túc đến cỡ nào trong khi họ vất vả với bữa cơm hàng ngày. Họ tuyên bố không rời nơi này cho đến khi Tổng thống từ ch ức và có sự thay đổi hệ thống tại Sri Lanka. Tạm thời Tổng thống Rajapaksa đã buộc đổi chỗ với người dân của mình.
Cả hai Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đều hứa hẹn sẽtừ nhiệm. Tổng thống Gotabaya hứa sẽ từ chức vào ngày 13 tháng 7 tới đây. Liệu Gotabaya Rajapaksa có giữ lời hứa không hay chỉ nhượng bộ tạm thời ? Với quyền Tổng Tư lệnh quân đội, ông có định tìm mọi cách để đàn áp người biểu tình và ban hành thiết quân luật ? Điều này chưa biết được, bởi không thể loại trừ từ mưu sách cai trị của các kẻ chuyên quyền. Những ngày sắp tới sẽ đầy căng thẳng, và khả năng đối đầu giữa người dân và quân đội tuy thấp nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Văn phòng Thủ tướng công bố Tổng thống sẽ từ nhiệm ngày 13 tháng 7 nhưng BBCcho biết vẫn chưa có bản lên tiếng chính thức nào từ Tổng thống.
Trong hai thập niên qua,anh chị em nhà Rajapaksa thu tóm quyền lực với nhau. Mahinda Rajapaksa được bầu chọn làm Tổng thống năm 2005, chấm dứt sau hai nhiệm kỳ theo hiến pháp quy định. Trong thời gian 10 năm làm tổng thống, Mahinda đương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, và đã chọn người em trai, Gotabaya Rajapaksa, điều hành quân đội. Mahinda đã tìm cách thay đổi hiến pháp vào năm 2010 để dọn đường cho ông ra tranh cử lần nữa vào năm 2015. Năm 2015, sau khi Mahinda thất cử và Maithripala Sirisena đắc cử Tổng thống, ông đã chọn Mahinda làm Thủ tướng, nhưng quốc hội Sri Lanka đã không chấp thuận. Nó đưa đến cuộc khủng hoảng hiến pháp. Ngày 21 tháng 4 năm 2019, vụ đánh bom tự sát do thành phần Hồi giáo cực đoan chủ mưu tại nhà thờ Thiên Chúa giáo và khách sạn đã giết hại 250 người, gây thương tích 490 người. Cuộc thảm sát đau thương này lại là cơ hội giúp cho anh em Rajapaksa phục hồi con đường chính trị của mình. Gotabaya Rajapaksa ra tranh cử Tổng thống hứa hẹn sẽ có biện pháp cứng rắn với các nhóm Hồi giáo khủng bố. Đắc cử vào cuối năm 2019, Gotabaya bổ nhiệm anh mình Mahinda làm Thủ tướng.
Nhưng chỉ vài tháng sau, đại dịch Covid-19 đã lan tràn khắp nơi, và Sri Lanka là một trong những quốc gia hoàn toàn thiếu chuẩn bị vì nạn bất tài, tham nhũng và cửa quyền. Có thể nói sự sụp đổ của gia đình Rajapaksa một phần là vì họ quá chủ quan về quyền lực gần như tuyệt đối nhưng không thật sự quan tâm đến nhu cầu đời sống người dân. Trong tất cả những anh em này, Basil là chiến lược gia đầy ảo tưởng và chủ quan.
Mộtbài viết trên The Guardian cho biết Dilith Jayaweera, một ông trùm truyền thông Sri Lanka, và là bạn thân của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, đã mời Basil Rajapaksa, em trai của tổng thống, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, tham dự bữa ăn tối với ông vào khoảng tháng 10 năm 2021. Jayaweera đã hỏi Basil phải chăng kinh tế Sri Lanka sắp xảy ra một vụ tai nạn khủng khiếp ? Jayaweera cho rằng Basil không thể trả lời câu hỏi này của mình. Basil biện luận ông sẽ tìm thấy tiền từ đây, từ đó, rằng tất cả sẽ ổn thôi để trả nợ. Nhưng Jayaweera cho rằng những gì Basil trình bày cho thấy Basil thực sự không hiểu gì về nền kinh tế cả.
Basil Rajapaksa không phải là một Bộ trưởng Tài chánh bình thường. Ông còn được xem là chiến lược gia của dòng họ Rajapaksa. Bài viết trên The New York Times cho biết Bộ trưởng Năng lượng của Sri Lanka, Udaya Gammanpila, một thành viên trong nội các chính quyền từ năm 2020 đến 2022, nói rằng Basil là người nắm quyền lực chính trong nhà, vì Gotabaya không nắm bắt tình hình, còn Mahinda thì già rồi. Basil không che dấu ý đồ chính trị của mình trong cuộc phỏng vấn vào tháng 6 năm 2018, khinói rằng "Sự thật là nếu Gotabaya ra tranh cử thì tôi sẽ là người điều hành đất nước vì ông ấy chỉ mới tham gia chính trị". Gammanpila kể lại rằng Basil từng tuyên bố vào mùa hè năm trước rằng Sri Lanka đâu phải chịu khủng hoảng ngoại tệ. Vấn đề là tội phạm đang chuyển đô la ra khỏi hệ thống ngân hàng của đất nước, cho nên cho Basil hai tuần, ông sẽ sửa chữa nó. Tất nhiên Basilkhông chữa được gì cả, vì một năm sau là khủng hoảng kinh tế. Gammanpila nhận định Basil là người không biết chấp nhận thực tế, và kiểm soát mọi thứ, nhưng lại không biết cái gì cả.
ABC News cho biết Sri Lanka nợ 51 tỷ đô la, tiền tệ mất giá 80%, nên kết quả là một quốc gia sắp phá sản, hầu như không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, sữa, khí đốt nấu ăn và giấy vệ sinh. Chiến tranh Ukraine góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế này vào giai đoạn cuối như giọt nước tràn ly. Sau cùng thì quyền lực như gia đình Rajapaksa có trong tay cũng không cưỡng lại được sức mạnh của người dân và sức ép của chính trị quốc tế.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 12/07/2022
Tài liệu tham khảo :
***********************
Thu Hằng, RFI, 12/07/2022
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rũ trách nhiệm khi tìm cách rời Sri Lanka sống lưu vong nhưng không thành. Ông để lại cho 22 triệu dân khối nợ nước ngoài 51 tỉ đô la, theo thẩm định vào tháng 04/2022, một nền kinh tế kiệt quệ, cạn nhiên liệu và khoảng 80% người dân phải bỏ bữa vì thiếu lương thực.
Những người biểu tình ăn mừng sau khi vào Ban Thư ký Tổng thống, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước, tại Colombo, Sri Lanka ngày 9 tháng 7 năm 2022. Reuters – Dinuka Lilyanawatte
Sự kiện người dân tràn vào dinh tổng thống "thứ Bẩy ngày 09/07/2022 sẽ lưu lại trong lịch sử" Sri Lanka. Việc tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố từ chức ngày 13/07, chấm dứt nhiều thập niên cai trị của gia tộc Rajapaksa, đã mở ra "một chân trời mới", là điều kiện "cần" nhưng chưa "đủ" vì theo báo chí Sri Lanka, "con đường dài và ghập ghềnh hướng đến phục hồi kinh tế" mới chỉ bắt đầu.
Khó khăn đầu tiên là ổn định lại cỗ máy điều hành đất nước. Cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra ngày 20/07. Thời gian quá gấp rút cho các đảng đối lập nhỏ đàm phán đề cử gương mặt xứng đáng. Tiếp theo là thành lập chính phủ đa đảng mới, được trang The Hindu đánh giá là "một trọng trách" "rất khó khăn do phe đối lập Sri Lanka bị chia rẽ và nhiều đảng đối lập, dù có hợp lực, cũng không có đa số nghị viện".
Ngược lại, đảng của gia tộc Rajapaksa (Sri Lanka Podujana Peramuna), chiếm đa số ở Nghị Viện, "từ chối hạ mình trước phe đối lập" vì muốn đưa người lên thay thế. Và "đây là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của Sri Lanka", theo nhận định của Nishan de Mel, giám đốc tổ chức Verité Research ở Colombo, được Le Monde trích dẫn.
Trong trường hợp "phe đối lập thành lập được chính phủ và được các nghị sĩ ủng hộ, thì họ kế thừa một nền kinh tế đang sụp đổ, không có biện pháp mầu nhiệm nào". Thực vậy, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng từ nhiều năm qua. Du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn ngoại tệ cho hòn đảo, bị thất thu vì hàng loạt vụ khủng bố dịp lễ Phục Sinh năm 2019 (khiến ít nhất 156 người chết), tiếp theo là đại dịch Covid-19.
Ngoài ra phải kể đến hàng loạt thất sách được chính quyền triển khai trong khi không có biện pháp bổ trợ : giảm thuế mạnh vào tháng 12/2019 khiến ngân sách Nhà nước mất 1/3 nguồn thu ; tháng 04/2021 đột ngột cấm nhập khẩu hóa chất với lý do chuyển đổi sang nông nghiệp sạch khiến mất mùa. Nhưng nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ bắt nguồn từ những năm 2005-2015 dưới thời tổng thống Mahinda Rajapaksa, anh cả của tổng thống vừa bị lật đổ, khi vay tín dụng của Trung Quốc để xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, bị coi là vô dụng, theo nhật báo Le Monde ngày 12/07.
Đến tháng 04/2022, chính quyền Colombo tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ để tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Theo tờ Sunday Times ngày 10/07, trong vòng 4 năm tới, Sri Lanka phải thanh toán nợ hơn 4 tỉ đô la hàng năm. Chính phủ mới sẽ phải làm như nào để vừa bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân, vừa phải đàm phán nợ với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) ?
Theo phân tích của nhà sử học Eric-Payl Meyer, chuyên về Sri Lanka, trên đài RFI ngày 12/07, trước mắt "Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ nhưng trong một chừng mực nhất định về khan hiếm xăng dầu, lương thực hoặc phân bón". Trung Quốc khẳng định vẫn viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sri Lanka từ nhiều tháng nay và tiếp tục theo sát những diễn biến mới nhất ở nước láng giềng bạn hữu.
Ở quy mô rộng hơn, đất nước trong tình trạng phá sản sẽ phải đàm phán trên thế yếu với các định chế tài chính quốc tế, như với FMI, về vấn đề nợ. Sri Lanka sẽ phải "thắt lưng buộc bụng", cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo những yêu cầu của "chủ nợ" và điều này có thể gây rạn nứt trong nội bộ các chính đảng đối lập dù hiện tại tất cả đều sẵn sàng tìm giải pháp giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Trung Quốc, bị coi là nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ, dường như muốn phủi tay, đẩy trách nhiệm cho các định chế tài chính quốc tế (FMI, Ngân Hàng Thế Giới). Theo các nhà quan sát Trung Quốc, được Global Times trích ngày 11/07, các chủ nợ thương mại và các tổ chức tài chính đa phương là những người cho vay chính đằng sau khối nợ nước ngoài của Sri Lanka.
Cuối cùng, để tránh xảy ra thêm một cuộc chiếm dinh tổng thống, tầng lớp chính trị gia và lãnh đạo Sri Lanka cần phải cải thiện được niềm tin của người dân. Biện pháp được Jayadeva Uyangoda, chuyên gia khoa học chính trị, đưa ra là "phải tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới để Nghị Viện phản ánh được ý kiến của xã hội và để chính phủ mới có được sự ủng hộ của người dân nhằm triển khai những cải cách của FMI".
Thu Hằng
***********************
Anh Vũ, RFI, 12/07/2022
Theo nguồn tin chính thức hôm 12/07/2022, tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị mắc kẹt tại phi trường Colombo, vì các nhân viên xuất nhập cảnh dường như muốn ngăn cản ông ra nước ngoài lưu vong.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. AFP – Ishara S. Kodikara
AFP trích dẫn nguồn tin chính thức cho biết, các quan chức sở di trú đã không chấp nhận để ông Gotabaya Rajapaksa vào phòng VIP tại sân bay làm thủ tục xuất cảnh, trong khi tổng thống Sri Lanka muốn tránh qua cửa chung do sợ phản ứng của dân chúng.
Sau khi dân chúng nổi dậy chiếm dinh tổng thống, ông Rajapaksa chưa từ chức, nhưng hứa chuyển giao quyền lực vào ngày mai (13/07). Như vậy là từ đây cho đến đó, ông Rajapaksa vẫn là tổng thống được hưởng một số đặc quyền miễn trừ.
Tối hôm qua, 11/07, tổng thống Sri Lanka và vợ đã di chuyển đến một căn cứ quân sự gần phi trường quốc tế, sau khi có thể đã bị lỡ 4 chuyến bay đến Ả Rập Xê Út. Hôm nay, ông Basil, người em út của tổng thống, từng là bộ trưởng Tài Chính đã từ chức hồi tháng 4, cũng đã bị lỡ chuyến bay đi Dubai sau khi gặp vấn đề với bộ phận xuất nhập cảnh.
Một nhân viên quản lý ở sân bay cho biết, một số hành khách đã phản đối không muốn ông Basil đi trên chuyến bay với họ. Tình hình rất căng thẳng, và tổng thống Rajapaksa vội vàng rời khỏi phi trường.
Văn phòng tổng thống Sri Lanka không có thông báo nào về tình hình của ông Rajapaksa. Do chưa từ chức, hiện tại ông vẫn là tổng tư lệnh quân đội và vẫn nắm trong tay các phương tiện quân sự. Ông vẫn có thể điều tàu chiến để qua Ấn Độ hay Maldive, theo một nguồn tin quốc phòng. Nếu tổng thống từ chức, như đã hứa, thủ tướng Ranil Wickremesinghe đương nhiên được chỉ định làm quyền tổng thống cho tới khi có tổng thống mới do Nghị Viện bầu. Tuy nhiên, ông thủ tướng Wickremesinghe cũng bị phong trào biểu tình hiện này chống đối dữ dội.
Theo dự kiến, sau khi tổng thống từ chức, ngày 20/07, Nghị Viện Sri Lanka sẽ tiến hành bầu tổng thống mới, nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại, tức là vào tháng 11/2024. Trong khi đó, theo AFP, người biểu tình cảnh báo sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh chừng nào toàn thể ''bộ máy chính trị'' hiện nay vẫn tồn tại.
Anh Vũ
Khủng bố ngày lễ Phục Sinh : Thủ phạm là một tổ chức Hồi giáo cực đoan Sri Lanka (RFI, 22/04/2019)
Hôm 22/04/2019, phát ngôn chính phủ Sri Lanka thông báo một tổ chức Hồi giáo của Sri Lanka, mang tên National Thowheeth Jama'ath (NTJ), chính là thủ phạm loạt khủng bố tự sát vào ngày Chủ nhật Phục Sinh, khiến tổng cộng 290 người chết và 500 người bị thương, tính đến hôm nay.
Sri Lanka : Cảnh sát trước nhà thờ Saint-Antoine, thủ đô Colombo, sau vụ tấn công tự sát. Ảnh 22/04/2019. Reuters / Athit Perawongmetha
Trong khi đó văn phòng phủ tổng thống Sri Lanka thông báo là tổng thống Maithripala Sirisena sẽ nhờ các nước trợ giúp truy tìm các mối liên hệ quốc tế của tổ chức đã gây ra các vụ khủng bố. Tổng thống Sri Lanka cũng sẽ ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, có hiệu lực kể từ nửa đêm nay.
Sáng hôm qua, sáu vụ nổ gần như cùng một lúc đã xảy ra tại 3 khách sạn hạng sang và 3 nhà thờ Công giáo. Nhiều tiếng đồng hồ sau đó đã xảy ra hai vụ nổ khác, trong đó có một vụ nhắm vào một khách sạn và vụ thứ hai là vụ nổ do một tay khủng bố tự sát gây ra khi cảnh sát đến bắt giữ người này. Hiện không thể xác định chính xác là có bao nhiêu người ngoại quốc thiệt mạng trong các vụ nổ, vì rất khó xác định nhân dạng của các nạn nhân. Trong số khoảng gần 40 người ngoại quốc bị chết, được biết có công dân của Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Từ Vatican, Ấn Độ, cho đến Hoa Kỳ, cả thế giới hôm qua đã đồng thanh lên án các hành động bạo lực đẫm máu nhất ở Sri Lanka kể từ khi kết thúc nội chiến cách đây 10 năm.
Tổng thống Maithripala Sirisena, đang công du nước ngoài vào lúc xảy ra khủng bố, đã vội trở về nước để chủ trì một cuộc họp của hội đồng an ninh. Hôm nay, chính phủ Sri Lanka lại ban hành lệnh giới nghiêm mới, từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng, sau khi đã ban hành lệnh giới nghiêm đầu tiên vào đêm qua.
Cho tới nay, nhà chức trách Sri Lanka đã bắt giữ tổng cộng 24 người, nhưng vẫn chưa cung cấp thông tin về các nghi can này. Giám đốc cảnh sát quốc gia Sri Lanka Pujuth Jayasundara cách đây 10 ngày đã báo động là một tổ chức Hồi giáo cực đoan dự định tiến hành các vụ tấn công tự sát nhắm vào các nhà thờ và đại sứ quán Ấn Độ ở Colombo.
Từ Colombo, thông tín viên Antoine Guinard gởi về bài tường trình :
"Cuộc điều tra bắt đầu từ chiều Chủ Nhật vẫn tiếp diễn. Tổng cộng đã có 24 nghi can, toàn bộ là người Sri Lanka, bị bắt giữ, theo thông báo của cảnh sát.
Một quả bom tự tạo đã được tìm thấy tối qua tại một nơi gần sân bay Colombo. Các vụ tấn công bằng bom, có vẻ được phối hợp chặt chẽ, với sự tham gia của những tay khủng bố tự sát, xảy ra tại nhiều nơi khác nhau, là các vụ tấn công khủng bố đẩm máu nhất từ 10 năm qua ở Sri Lanka.
Bộ trưởng Quốc Phòng Sri Lanka đã tuyên bố là toàn bộ các nghi can là thành viên của một tổ chức tôn giáo cực đoan, nhưng không cho biết thêm chi tiết, để tránh gây căng thẳng tại quốc gia này. Tuy nhiên, cảnh sát đã nêu lên giả thuyết khủng bố Hồi giáo cực đoan, tuy rằng người cũng nói đến khả năng đây là những vụ tấn công của các thành phần Phật Giáo cực đoan nhắm vào cộng đồng Công giáo.
Thủ tướng Sri Lanka đã cho biết là cách đây 10 ngày, nhà chức trách đã biết được âm mưu khủng bố nhắm vào các nhà thờ, nhưng đã không thể ngăn chận được, do thiếu sự trao đổi thông tin.
Trong các cơ quan tình báo Sri Lanka thường xảy ra đấu đá nội bộ. Những vụ đấu đá này càng thêm gay gắt do khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka. Đó là lý do vì sao an ninh đã không được bảo đảm".
Phát hiện 87 ngòi nổ tại một bến xe buýt ở thủ đô
Cảnh sát khu vực Pettah hôm nay cho biết đang tiến hành điều tra vè vụ này và chưa có một nghi phạm nào bị bắt. Cùng ngày hôm nay, một vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô Colombo khi cảnh sát đang tiến hành tháo gỡ ngòi nổ một quả bom trong một chiếc xe tải nhẹ bị bắt giữ không xa một nhà thờ bị tấn công ngày hôm qua. Hiện chưa biết rõ số thương vong.
Thanh Phương
****************
Các vụ đánh bom đúng vào dịp lễ Phục sinh ngày 21/4 tại 3 nhà thờ và 4 khách sạn ở Sri Lanka đã làm hơn 200 người chết và ít nhất 450 người bị thương, theo cảnh sát.
Ít nhất 27 nạn nhân thiệt mạng là người nước ngoài. Reuters đưa tin rằng đây là vụ tấn công lớn đầu tiên tại hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương này kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến 10 năm trước.
Bảy người đã bị bắt và ba nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng trong khi các lực lượng an ninh đột kích vào một căn nhà ở thủ đô Sri Lanka vài giờ sau các vụ tấn công, mà một số là các vụ đánh bom tự sát.
Chính phủ đã tuyên bố tình trạng giới nghiêm ở thủ đô Colombo và chặn các trang mạng xã hội cũng như các trang nhắn tin như Facebook và WhatsApp.
Reuters nói thêm rằng hiện chưa rõ khi nào lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ.
Hiện chưa có ai hay tổ chức nào ngay lập tức nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công tại quốc gia trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh với phe ly khai Tamil cho tới năm 2009.
Khoảng thời gian đó, các vụ đánh bom xảy ra tại thủ đô xảy ra thường xuyên.
Theo Reuters, các nhóm theo Công giáo ở địa phương nói rằng trong những năm qua, họ đã vấp phải sự đe dọa ngày càng tăng của các nhà sư Phật giáo quá khích.
Năm ngoái đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa cộng đồng Phật giáo chiếm đa số và những người Hồi giáo thiểu số vì các tín đồ Phật giáo cho rằng tín đồ Hồi giáo bắt buộc một số người cải đạo.
******************
Một công dân Trung Quốc thiệt mạng trong các vụ tấn công vào các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka hôm 21/4.
Reuters dẫn lại tin của Nhân dân Nhật báo đưa tin.
Trước đó, Tân Hoa Xã cho biết rằng bốn người Trung Quốc bị thương, nhưng hiện trong tình trạng ổn định tại bệnh viện.
Các vụ đánh bom tại ba nhà thờ và bốn khách sạn làm hơn 200 người chết và ít nhất 400 người bị thương dịp lễ Phục sinh hôm 21/4.
Theo Reuters, ít nhất 27 nạn nhân thiệt mạng là người nước ngoài.
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho biết trong một thông cáo rằng một công dân nước này thiệt mạng ở Sri Lanka.
Giáo hoàng Francis hôm 21/4 lên án các vụ tấn công ở Sri Lanka, coi đó là các vụ bạo lực "tàn nhẫn".
*******************
Khủng bố tại Sri Lanka : Một đòn chí mạng đối với kinh tế (RFI, 21/04/2019)
Loạt khủng bố cuối tuần qua tại Sri Lanka không chỉ gây thiệt hại nhân mạng, khoảng 290 người chết và 500 người bị thương, mà còn có những tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với nền kinh tế của nước này.
Cảnh sát tại khách sạn Shangri-La hotel sau vụ khủng bố, Colombo, Sri Lanka, ngày 21/04/2019 Reuters/Dinuka Liyanawatte
Trước tiên là ngành du lịch. Trong số các mục tiêu khủng bố, có 4 khách sạn, trong đó có 3 khách sạn hạng sang. Sau gần ba thập niên nội chiến, kinh tế Sri Lanka bắt đầu khởi sắc, du lịch chiếm tới 11 % tổng sản phẩm nội địa. Năm 2009, khi nội chiến kết thúc, chỉ có khoảng 900 ngàn lượt du khách tới Sri Lanka. Kể từ năm 2016, mỗi năm nước này đón hơn 2 triệu lượt.
Tình trạng mất an ninh có thể làm giảm đáng kể hoạt động du lịch trong lúc cán cân thương mại vẫn bị mất cân đối. Nhập siêu của Sri Lanka trong tháng Giêng 2019 là 600 triệu đô la.
Trong thời gian qua, cũng giống như du lịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh, gần như gấp đôi, trong giai đoạn 2015 – 2017, theo số liệu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Vào năm 2005, Sri Lanka chỉ đón nhận được khoảng 300 triệu đô la đầu tư. Vào tháng 03/2019, con số này lên tới gần 4 tỷ. Hai đối tác nước ngoài đầu tư nhiều nhất vào Sri Lanka là Ấn Độ và Trung Quốc.
Đáng quan ngại hơn là loạt khủng bố diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị Sri Lanka có nhiều biến động. Hồi cuối năm 2018, tổng thống Maithripala Sirisena sa thải thủ tướng rồi lại phải hủy bỏ quyết định này. Hậu quả là các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế, Moody’s, Fitch và Standard and Poors, đã hạ thấp điểm tín nhiệm của Sri Lanka, làm cho đồng tiền quốc gia, ru-pi, bị mất giá.
Vừa qua, cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Pháp – COFACE – đã lưu ý là những biến động chính trị có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đặc biệt là du lịch và xây dựng. Một trong những điểm yếu của nền kinh tế Sri Lanka là thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Do bất ổn định chính trị, tháng 11/2018, Mỹ và Nhật đã tạm ngừng tài trợ cho các dự án hạ tầng cơ sở của Sri Lanka.
Minh Anh
********************
Đánh bom tại Sri Lanka vào ngày lễ Phục Sinh (RFA, 21/04/2019)
Tám vụ đánh bom nổ ra vào ngày chủ nhật 21 tháng 4 tại Sri Lanka. Những kẻ thủ ác nhắm vào các thánh đường Công giáo đang cử hành Lễ Phục Sinh và một số khách sạn khiến hơn 200 người thiệt mạng và 450 người bị thương tính đến tối cùng ngày.
Thủ tướng Sri Lanka đến tại Nhà thờ St. Anthony bị đánh bom ngày 21/4/2019 - AFP
Truyền thông quốc tế loan tin dẫn lời phát ngôn nhân Cảnh sát Sri Lanka, ông Ruwan Gunasekera, thông báo với các phóng viên ở thủ đô Colombo của Sri Lanka như vừa nêu.
Giới chức Sri Lanka cho biết một số trong 8 vụ đánh bom là do những tên liều chết gây ra.
Sau khi xảy ra những vụ đánh bom như vừa nêu, chính phủ Colombo tuyên bố lệnh giới nghiêm và quyết định chặn tất cả những công cụ mạng xã hội gồm cả Facebook và WhatsApp, nhằm ngăn không để thông tin bị cho là không đúng, sai lạc được loan truyền.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka lên tiếng tố cáo những vụ đánh bom, cho rằng đó là hành động bạo lực tệ hại nhất xảy ra ở đất nước ông kể từ khi cuộc nội chiến chấm dứt cách đây một thập niên.
Chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về hành động đánh bom như vừa nêu.
Tuy vậy, hãng tin AFP, cho biết có đọc được những văn bản cho thấy Cảnh sát trưởng Pujuth Jayasundaea, đã đưa ra cảnh báo với những quan chức hàng đầu cách đây 10 ngày về việc những kẻ đánh bom liều chết lên kế hoạch tấn công những thánh đường nổi tiếng. Cụ thể một cơ quan tình báo nước ngoài cho biết nhóm có tên National Thowheeth Jama’ath lên kế hoạch tiến hành những cuộc tấn công liều chết nhắm vào những thánh đường nổi tiếng cũng như Cao Ủy Ấn Độ tại thủ đô Colombo của Sri Lanka.
Nhóm National Thoweeth Jama’ath là một nhóm Hồi giáo cực đoan tại Sri Lanka. Nhóm này dính líu vào vụ phá hoại những tượng Phật vào năm ngoái.
Giáo hoàng Phan Xi cô và nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới lên án những vụ đánh bom khủng bố tại Sri Lanka.
******************
Sri Lanka : Hơn 200 người chết trong các vụ nổ tại nhà thờ và khách sạn (RFI, 21/04/2019)
Theo tổng kết mới nhất của cảnh sát, tại Sri Lanka hôm nay, 21/04/2019, ít nhất 207 người đã thiệt mạng trong 8 vụ nổ, đó có 7 vụ nhắm vào 4 khách sạn hạng sang và 3 nhà thờ, vào lúc giáo dân đang dự lễ Phục Sinh. Trong số các nạn nhân có hàng chục người nước ngoài.
Các quân nhân Sri Lanka trước nhà thờ Saint-Anthony, một trong những địa điểm bị tấn công tại thủ đô Colombo, ngày 21/04/2019. Reuters/Dinuka Liyanawatte
Số người chết rất có thể tăng thêm nhiều, do có đến hơn 450 người bị thương trong các vụ tấn công với mức độ dữ dội chưa từng thấy. Bộ Quốc phòng Sri Lanka vừa ra lệnh giới nghiêm 12 tiếng đồng hồ từ 6 giờ chiều nay. Chính phủ cũng tạm cấm các mạng xã hội. Tòa Tổng giám mục Colombo thông báo hủy toàn bộ các thánh lễ Phục Sinh hôm nay ở Sri Lanka.
Theo cảnh sát và các nhân chứng được hãng tin AFP trích dẫn, có ít nhất 2 kẻ khủng bố tự sát tham gia vào các vụ tấn công hôm nay. Trước mắt theo báo chí Sri Lanka, đã có 7 nghi can bị bắt, nhưng cảnh sát chưa xác nhận tin này. Hiện giờ chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng giám đốc cảnh sát quốc gia Sri Lanka Pujuth Jayasundara cách đây 10 ngày đã báo động là một phong trào Hồi giáo cực đoan mang tên NTJ (National Thowheeth Jama'ath) đã dự trù tiến hành các vụ tấn công tự sát nhắm vào các nhà thờ. Vào năm ngoái, phong trào này đã gây ra các vụ phá hoại tượng Phật, trong khi Phật Giáo là tôn giáo chiếm đa số ở Sri Lanka.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã ngay lập tức lên án "những vụ tấn công hèn hạ". Về phần mình, bộ trưởng Tài chính Mangala Samaraweera tuyên bố trên mạng Twitter là các vụ tấn công đã giết hại "nhiều người vô tội".
Sau khi nghe tin về các vụ tấn công ở Sri Lanka hôm nay, giáo hoàng Francis đã bày tỏ sự đau buồn của ngài. Nhiều lãnh đạo thế giới như thủ tướng Anh Theresa May, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đồng loạt lên án vụ tấn công này.
Đa số dân Sri Lanka theo Phật giáo, chiếm 70% trên tổng số 21 triệu dân, nhưng tại nước này cũng có đến 1,2 triệu dân là người Công giáo. Cộng đồng Công giáo vẫn được xem là một thành phần mang tính đoàn kết dân tộc vì bên phía sắc dân thiểu số Tamil (Tamoul) và sắc dân đa số Sinhala đều có các giáo dân.
Trả lời ban Việt ngữ RFI, ông Karunanatna Karou, một hướng dẫn viên du lịch tại Sri Lanka, cho biết ông rất ngạc nhiên về các vụ tấn công này :
"Vâng, là bởi vì từ mấy năm gần đây Sri Lanka không có vấn đề gì. Ngay cả trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 30 năm cũng không xảy ra vụ tấn công nào nhắm vào người Công giáo. Đây cũng là lần đầu tiên họ tấn công trực tiếp vào người nước ngoài, vào du khách. Theo nhà chức trách thì đây là những cuộc tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng .
Sri Lanka là một quốc gia có đa số dân là người Phật giáo và đó là các Phật tử rất khoan dung theo đúng lời dạy của Đức Phật. Vì đa số Phật tử rất khoan dung cho nên các thiểu số tôn giáo như Công giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo có thể chung sống dễ dàng.
Chúng tôi không có vấn đề gì với người Công giáo, sự chung sống giữa các tôn giáo diễn ra rất tốt. Ví dụ như vào dịp ramadan, người Công giáo đến giúp trang hoàng các nhà thờ Hồi giáo, còn vào dịp lễ Noel cũng có các Phật tử đến giúp trang hoàng các nhà thờ. Tức là giữa người Phật giáo và người Công giáo không có vấn đề gì".
Ceylan, tên xưa của Sri Lanka
Sri Lanka, là một đảo quốc, nằm ở phía tây nam vịnh Bengal, Ấn Độ Dương. Với diện tích 65.000 km², Sri Lanka có 21,4 triệu dân. Trước kia được gọi là Ceylan, đất nước Sri Lanka nhiều lần là thuộc địa của các cường quốc phương Tây : Đầu tiên hết là Bồ Đào Nha (1505-1656), rồi Hà Lan (1656-1796) và cuối cùng là Anh Quốc (1815 -1948).
Năm 1972, quân nổi dậy Tamoul mở chiến dịch đòi độc lập, nhưng sau đó đã bị quân đội tàn sát dưới thời chính phủ người Sinhala chiếm đa số vào tháng 5/2009 sau một cuộc chiến làm gần 100.000 người chết.
Tháng Giêng năm 2018, tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thăng cấp nhân vật số hai trong bộ binh, một vị tướng bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc là đã phạm tội ác chiến tranh chống quân đòi ly khai Tamil. Quyết định này đã làm dấy lên làn sóng bất bình của các tổ chức bảo nhân quyền.
Từ khi cuộc xung đột chấm dứt, ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ với hơn hai triệu lượt du khách mỗi năm kể từ năm 2016, tăng hơn gấp bốn lần so với con số 448 ngàn người năm 2009. Tuy nhiên, theo AFP, trong những năm gần đây, Sri Lanka chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những phần tử Phật giáo cực đoan.
Tháng Ba năm 2018, tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên được ban hành kể từ năm 2011 trong vòng 15 ngày sau những vụ bạo động xảy ra nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại miền trung đất nước làm 3 người chết.
Thanh Phương
Vì sao Sri Lanka nợ Trung Quốc ngập đầu ngập cổ ?
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng và phát triển ở Sri Lanka, nhưng nhiều người dân địa phương cảm thấy đất nước này đang bị bán cho người Trung Quốc.
Hàng trăm nhà hoạt động và các nhà sư Phật giáo phản đối các đầu tư của Trung Quốc tại Hambantota hồi đầu năm nay
Thông thường các con đường dẫn đến các cảng Châu Á luôn sôi động. Xe tải chở đầy hàng. Các cửa hàng nhỏ là nơi tài xế xe tải và công nhân dừng chân nghỉ ngơi.
Cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka lại khác hẳn.
Mặc dù mở cửa đã bảy năm, con đường dẫn vào cảng dường như hầu không một vết chân.
Cảng Hambantota được xây dựng bằng tiền vay của Trung Quốc
Và khi chúng tôi tìm thấy cảng này (biển báo không phải là điểm mạnh của cảng ày, và người dân địa phương dường như không biết nó ở đâu) thì xe của chúng tôi là chiếc duy nhất tới đây.
Ngoài một vài nhân viên an ninh đi cùng chúng tôi thì chẳng có ai ở đó. Một chiếc xe dùng để chở xe hơi từ từ rời khỏi cảng, sau khi đã thả hàng xuống cảng từ công ty xe hơi khổng lồ của Châu Á. Nhưng tàu nhận hàng phải hai ngày nữa mới tới.
Với một cảng có chi phí hơn 1 tỷ đô la thì kinh doanh như vậy là không đủ.
'Không đủ tiền chi trả'
Hambantota được một công ty Trung Quốc xây dựng từ tiền tài trợ từ các khoản tiền vay của Trung Quốc.
Nhưng nay Sri Lanka đang vật lộn để hoàn trả khoản nợ đó, và vì thế đã ký một thỏa thuận để cho một công ty Trung Quốc cổ phần ở cảng này như một hình thức trả một phần món nợ đó.
Bộ trưởng Tài chính nhưng khi lên nắm chức vụ Ngoại trưởng tuần này, ông nói Sri Lanka cần "quảng bá chính mình"
Các điều khoản của thỏa thuận vẫn đang được tranh luận tại quốc hội Sri Lanka, nhưng cổ phần cho công ty này có thể lên đến 80%.
Cách nhìn nhận về cảng Hambantota là nó sẽ đem lại nhiều tàu bè hơn đến Sri Lanka và giảm áp lực lên cảng Colombo, một trong những bến cảng chở container quan trọng nhất ở Châu Á.
Sri Lanka nằm trên tuyến đường biển mà các tàu chở dầu đi từ Trung Đông sử dụng mà an ninh năng lượng là lý do chính khiến Trung Quốc muốn đầu tư.
Cảng Hambantota đang vật lộn để kiếm ra tiền
Đồng thời nó lại thích hợp với sáng kiến gây tranh cãi Một vành đai, một con đường của Trung Quốc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển để thúc đẩy thương mại với các nước trên thế giới.
Người dân địa phương nổi giận
Hambantota không kiếm ra tiền một phần vì nó khá cô lập. Không có trung tâm công nghiệp nào gần đó, không có các khách hàng tự nhiên ngay ngưỡng cửa.
Nhưng nay Trung Quốc sẽ kiểm soát cảng này và đó là vấn đề mà họ muốn thay đổi. Họ đang nói chuyện với chính phủ về kế hoạch tạo ra một khu kinh tế lớn - mua 15.000 mẫu đất để xây dựng nhà máy và văn phòng.
Nhưng nhiều người sống trong khu vực không muốn rời bỏ nhà cửa và trang trại của mình.
Tại một ngôi làng nhỏ gần bến cảng, người dân địa phương đã rất tức giận trước kế hoạch này. Hồi tháng Giêng, nhiều người trong số họ tham gia một cuộc biểu tình lớn phản đối xây dựng trung tâm đầu tư.
Cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán người phản đối. Một số người biểu tình đã bị tống giam nhiều tuần lễ, và điều đó càng làm người dân thêm tức giận.
Nhưng những thỏa thuận này dường như là cách tốt nhất để Sri Lanka trả được một phần trong số 8 tỷ đô la vay của Trung Quốc.
Lãng phí tiền bạc
Tổng nợ của hòn đảo này là 64 tỷ đô la. Khoảng 95% tổng thu ngân sách của chính phủ là để trả nợ.
Và khi một phần tiền vay mượn dường như đã bị lãng phí vào cơ sở hạ tầng không có một dấu hiệu nào cho thấy đem lại lợi nhuận, thì điều đó còn tai hại hơn.
Tại sân bay quốc tế, cách Hambantota chừng 30km, chỉ có 5 chuyến bay mỗi tuần phục vụ vài trăm hành khách.
Sân bay Mattala Rajapaksa chỉ có vài chuyến bay một tuần
Rồi một trung tâm hội nghị hiện đại mà hầu như không được sử dụng, và một sân chơi criket nay chỉ thỉnh thoảng được cho thuê làm đám cưới.
Tạo công ăn việc làm
Tuy nhiên, không phải tất cả những phát triển của Trung Quốc ở Sri Lanka đều đã thất bại.
Đường xá và đường cao tốc đang được đặt làm trên khắp đất nước, và một số đã thực sự rút ngắn thời gian đi lại giữa các thị trấn và thành phố. Điều này đã góp phần thúc đẩy du lịch, nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của nước này.
Nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ đã được lên kế hoạch và xây dựng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và được đưa về đơn vị bầu cử của ông.
Không thể từ chối
Một chính phủ mới lên nắm quyền năm 2015 đã hứa hẹn sẽ giảm bớt phụ thuộc của Sri Lanka vào Trung Quốc, nhưng những áp lực tài chính đang buộc họ đi theo đường mòn đó.
Ban đầu họ đã ngưng một dự án lớn của Trung Quốc đầu tư - một thành phố hoàn toàn mới được dự định xây dựng ở bờ biển Colombo trên vùng đất khai hoang.
Nhưng con số 1,4 tỷ đô la mà dự án mang lại là quá lớn để có thể từ chối, và việc xây dựng này đã được tái tục vào năm ngoái.
Các nhà xây dựng nói một thành phố mới sẽ trở thành trung tâm tài chính ở Nam Á
Người ta hy vọng là nó sẽ trở thành một thành phố hiện đại vào năm 2040, với những tòa nhà sầm uất của các công ty, những căn hộ lấp lánh, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bãi biển, trung tâm thương mại và cả bến du thuyền. Phần đầu của dự án sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng trong hai năm tới.
'Bảo vệ, không bán'
Một lần nữa, chính phủ đã phải đối mặt với sự phản đối. Các nhóm ngư dân và người dân địa phương tổ chức biểu tình phản đối.
Một số người lo ngại về tác động môi trường của dự án. Họ không được thuyết phục trước các nghiên cứu của các cơ quan chính phủ, những người đã cho phép thực hiện dự án.
Một ngư dân, ông Aruna Roshantha, nói người dân Sri Lankans không muốn đất đai của họ bị giao cho nước ngoài
Nhưng nhiều người cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đất nước này.
"Chúng tôi không thích đất đai của mình bị giao cho Trung Quốc", Aruna Roshantha, một ngư dân nói.
"Không chỉ Trung Quốc mà nếu bất cứ đất nước nào đến và lấy đất của Sri Lanka, chúng tôi cũng không thích. Chính phủ nên bảo vệ đất đai của chúng tôi chứ không bán nó".
Hiện tại, chính phủ Sri Lanka không có nhiều cơ hội để đàm phán.
Và Bộ trưởng Ngoại giao Ravi Karunanayake nói họ cần phải mở rộng vòng tay đón chào tất cả.
"Chúng tôi muốn người Ấn Độ đến đây, chúng tôi muốn người Trung Quốc đến đây, chúng tôi muốn người Nhật Bản đến đây. Người Hàn Quốc hoặc người Châu Âu, chúng tôi đều không có vấn đề gì hết.
"Về cơ bản, chúng ta cần quảng bá về mình và quảng bá trên cơ sở nhất quán, và dùng ngoại giao kinh tế là công cụ quảng bá cho Sri Lanka."