Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhật Bản hôm 19/09/2017 triển khai bổ sung một hệ thống lá chắn tên lửa trên hòn đảo Hokkaido. Kế hoạch này được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản.

nhat1

Tên lửa Patriot PAC - 3 tại căn cứ không quân Mỹ Yokota, ở Fussa, Nhật Bản (Ảnh chụp ngày 29/08/2017) Reuters/Issei Kato/File Photo

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản, ông Kensaku Mizuseki, cho biết Tokyo dự kiến bắt đầu trong ngày hôm nay lắp đặt một lá chắn tên lửa PAC-3 tại một căn cứ quân sự trên đảo Hokkaido.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cho triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa Patriot PAC-3 tại một nơi khác trên hòn đảo này. Tuy nhiên, theo AFP, vì lý do bảo mật, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật Bản từ chối tiết lộ các lá chắn tên lửa Patriot khác được bố trí ở những nơi nào trên lãnh thổ Nhật Bản.

Việc Nhật Bản tăng cường hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh chỉ trong vòng một tháng, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thêm một vụ thử nghiệm hạt nhân và bắn thêm hai tên lửa qua không phận Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Tokyo không bao giờ dung thứ cho các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Ông Abe cũng kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép buộc Bắc Triều Tiên ngưng các hành động khiêu khích nói trên.

Trong khi đó, Bắc Kinh hôm nay thông báo ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Nga, trong cuộc gặp ở New York, nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi tìm kiếm "một giải pháp hòa bình" để thoát khỏi "vòng luẩn quẩn" về cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Theo một thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Moskva "hoàn toàn đồng thuận" với Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Cánh tả Hàn Quốc vẫn "mê" Bình Nhưỡng

Vào lúc căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ lên đến cao độ, theo tuần báo L'Obs, dân Hàn Quốc lại bị chia rẽ về đối sách với chế độ Kim Jong-un. Cánh tả cầm quyền tại Seoul nay vẫn còn bị Bình Nhưỡng mê hoặc.

cs1

Biểu tình tại Hàn Quốc chống hệ thống THAAD ngày 07/09/2017. Reuters

Cũng như trong các cuộc biểu tình "vì hòa bình và đối thoại", thường diễn ra tại Hàn Quốc, cuộc biểu tình chống hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ tại làng Soseong Ri, nằm ở khu vực đặt hệ thống này, vẫn có sự tham gia đông đảo của giới Công giáo, hoạt động môi trường, đấu tranh vì hòa bình, tức là những người vẫn mơ đến một nền hòa bình và hữu nghị giữa hai miền Triều Tiên.

Vấn đề là toàn bộ những người có thiện chí đó dường như quên rằng chính sách chìa bày tay với Bình Nhưỡng, gọi là chính sách "Vầng Thái Dương", của cựu tổng thống Kim Dae-jung đã thất bại hoàn toàn : năm 2006, sau 8 năm nhận viện trợ vô điều kiện của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành thử hạt nhân !

Vì sao vẫn còn những người mù quáng như vậy ? Tờ Nouvel Obs trích lời nhà phân tích chính trị Shim Jae-hoon cho biết, những người "yêu hòa bình bằng mọi giá" này không hẳn là những nhà dân chủ hoặc những người cấp tiến như họ tự nhận, mà thật ra là đó là những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Họ vẫn căm ghét Nhật Bản, mặc dù từ 70 năm qua người Nhật không còn làm hại người Triều Tiên. Họ cũng chẳng ưa gì Hoa Kỳ, quốc gia đã hy sinh 34 ngàn quân nhân để giúp miền Nam đẩy lùi cuộc xâm lăng của miền Bắc.

Ngược lại, những người tự nhận là cánh tả này lại tỏ ra khoan dung với những "sai lầm", những "thất thường" của dòng họ Kim, cố tình không biết đến những mối đe dọa từ chế độ cha truyền con nối này. Đối với những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan này, miền Bắc mới là hiện thân thật sự của quốc gia Triều Tiên, tự khẳng định mình trước thế giới, trái với miền Nam, muôn đời là "chư hầu" của cường quốc Mỹ.

Vì sao Kim Jong-un không ngán ai ?

Vì sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ không ngán sợ ai ? Tờ Le Courrier International tuần này đăng bản dịch một bài báo trên tờ Seoul Shinmun giải đáp câu hỏi này.

Theo tờ báo Hàn Quốc, khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu, sau khi đã bắn nhiều tên lửa, Kim Jong-un dường như tin rằng phương án quân sự mà chính quyền Trump nêu lên không thật sự có thể xảy ra. Rằng Mỹ sẽ không đi đến mức ném bom vào Bắc Triều Tiên, cho dù Washington chắc là sẽ triển khai các oanh tạo cơ chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.

Nếu Mỹ ném bom Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đáp trả và một cuộc chiến tranh sẽ gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng và vật chất. Phương án quân sự khó mà được Hoa Kỳ sử dụng, Kim Jong-un tha hồ làm mưa làm gió, lợi dụng lúc quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng.

Mặt khác, cũng theo tờ Seoul Shinmun, các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vẫn có tác động rất hạn chế, cho dù Bắc Kinh có tham gia trừng phạt, vì giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên, buôn bán chợ đen chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với giao thương chính thức.

Nước Đức không mạnh như người ta tưởng

Còn vài tuần nữa là nước Đức bầu Quốc hội. Nhân dịp này, tuần báo L’Express có bài phỏng vấn nhà kinh tế học Đức Henrik Enderlein về quốc gia hàng đầu Châu Âu này. Nhận định chung của ông là nước Đức không thật sư hùng mạnh như vẻ bề ngoài cho thấy.

Hiện giờ nước Đức có vẻ rất giàu mạnh với tỷ lệ thất nghiệp rất thấp (chưa tới 5%), ngân sách thì bội thu, nợ công thì đang giảm, thương mại thì đạt mức thặng dư kỷ lục. Nhưng thật ra theo nhà kinh tế học Enderlein, cường quốc kinh tế Châu Âu này đang đối diện với nhiều thách đố về dài hạn, mà đầu tiên là về mặt dân số.

Theo dự đoán, từ năm đến năm 2050, nước Đức sẽ mất đi khoảng 20% nhân công, do tình trạng lão hóa dân số. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công đó, trong vòng 20 đến 30 năm nữa, nước này sẽ phải "nhập khẩu" từ 10 đến 15 triệu lao động nước ngoài. Một thách đố vô cùng to lớn. Một giải pháp nữa là đưa thêm nhiều phụ nữ vào thị trường lao động và khuyến khích người lớn tuổi, người về hưu quay trở lại làm việc. Nhưng như thế thì phải lập ra rất nhiều nhà trẻ, trong khi ở Đức hiện đã thiếu rất nhiều chỗ trong các nhà trẻ.

Một vấn đề khác của nước Đức, theo ông Enderlein, đó là tình trạng thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tính cả trong lĩnh vực công lẫn tư, nước Đức lẽ ra cần đầu tư thêm từ 80 đến 100 tỷ euro vào các công trình cơ sở hạ tầng. Mà lý do của việc thiếu đầu tư này chính là do tình trạng lão hóa dân số. Bởi lẽ cần gì phải xây thêm trường mới nếu ta biết rằng trong 20 hay 30 năm nữa, nước Đức sẽ chẳng cần đến ?

Địa ngục của phép lạ Đức

Cái mà người ta vẫn ca ngợi là phép lạ kinh tế Đức thật ra có mặt trái của nó, hay nói nặng hơn là mặt "địa ngục"của nó, như hàng tựa một bài báo của tờ nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 9.

Sau các cải tổ của liên minh đảng Xã Hội Dân Chủ SPD - đảng Xanh của thủ tướng Gerhard Schoeder, được thực hiện trong thời gian từ 2003 đến 2005, ở Đức, các khoản trợ cấp xã hội và trợ cấp thất nghiệp được nhập lại thành một, do cơ quan tìm việc làm Jobcenter cấp phát và khoản tiền trợ cấp duy nhất này rất thấp.

Hiện nay, một người sống độc thân chỉ nhận được 409 euro mỗi tháng. Mục đích là để buộc người thất nghiệp phải nhanh chóng tìm một việc làm, dù là với lương thấp hoặc không xứng với trình độ của mình hoặc không đúng với nguyện vọng của mình. Thành ra, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm mạnh, tỷ lệ người lao động nghèo, tức là những người lãnh lương dưới 979 euro/tháng, lại tăng từ 18% lên 22%, trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2016.

Với số tiền ít ỏi như thế, những người hưởng trợ cấp phải sống lây lất qua ngày và không còn đủ để trả tiền thuê nhà. Cơ quan Jobcenter có thể trả tiền nhà giùm nếu số tiền không vượt quá mức trần được ấn định tùy theo khu vực địa lý. Phần tiền nhà bị lố dĩ nhiên là người lãnh trợ cấp phải bỏ tiền túi ra, tức là càng phải ăn nhín ăn nhịn.

Người lãnh trợ cấp phải chịu sự kiểm soát rất gắt gao và bị cơ quan Jobcenter soi mói đủ mọi mặt : tài khoản ngân hàng, mua sắm, di chuyển, đời sống gia đình, thậm chí cả quan hệ tình ái. Ngay cả con cái của họ cũng có thể bị Jobcenter gọi lên để "làm việc" và nếu không đến đúng ngày hẹn thì có thể bị cắt khoản trợ cấp dành cho trẻ em !

Dân Trung Quốc đua nhau mua nhà ở Đức

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc đầu tư vào địa ốc ở Đức và thành phố tài chính Frankfurt đã bắt đầu thiết kế những nhà ở mới đáp ứng các yêu cầu của khách hàng Trung Quốc. Đó là nội dung một bài báo trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, được Le Courrier International trích dịch.

Nếu như Frankfurt chẳng có nghĩa lý gì với dân Châu Âu, thì đối với người Trung Quốc, thành phố này là cửa ngỏ đi vào Châu Âu. Với 10 chuyến bay thẳng mỗi ngày từ Trung Quốc, với hơn 200 ngân hàng, với những cơ sở hạ tầng kiên cố và với một cộng đồng người Hoa quan trọng, Frankfurt có rất nhiều yếu tố thu hút khách hàng Trung Quốc.

Dân Trung Quốc thích mua nhà ở Frankfurt cũng vì chất lượng sống rất cao ở đây, không khí trong lành, môi trường pháp lý bảo đảm và địa ốc là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, nhất là vì luật của Đức không gây trở ngại gì đối với khách hàng nước ngoài. Dù là khách từ nước nào đến, các quy định đều được áp dụng như nhau. Từ lâu, các nhà xây dựng ở Frankfurt đã tính đến những yêu cầu, sở thích của khách hàng Trung Quốc khi thiết kế các dự án địa ốc.

Hồi sinh những động vật đã biến mất

Những con mammouth (voi thời tiền sử) và những động vật đã tuyệt chủng nói chung rồi sẽ được hồi sinh ?

Theo tuần báo L’Express, đây không còn là chuyện khoa học giả tưởng nữa, mà rất có thể nằm trong tầm tay của các nhà khoa học.

Một tổ chức của Mỹ mang tên The Long Now đang cộng tác với các nhà di truyền học, sinh học, động vật học và cổ sinh vật học để thực hiện dự án hồi sinh khoảng một chục loài, trong đó có loài voi mammouth nhiều lông. Bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm, dự án này dựa trên những công nghệ mũi nhọn : sửa đổi các tế bào, nhân bản, trích xuất và giải mã các mẫu ADN xưa.

Vào năm 2003, tức là chỉ 7 năm sau khi con cừu nhân bản Dolly ra đời, người ta đã nhân bản được còn dê núi Pyrénées Celia từ những tế bào lấy từ con dê này trước khi nó chết. Nhưng kỹ thuật nhân bản đòi hỏi phải có những tế bào còn tốt, mà trong đó phân tử ADN vẫn nguyên vẹn. Thành ra, các nhà khoa học chỉ có thể hồi sinh những loài động vật nào mới mất gần đây hoặc những động vật có các tế bào được lưu giữ trong trạng thái đông lạnh. Cho nên, sẽ không bao giờ có chuyện các con khủng long tung tăng bay nhảy trở lại như trong phim Jurrasic Park.

Những người lính siêu nhân ?

Ngoài các vũ khí quy ước và hạt nhân, quân đội các quốc gia tiên tiến sử dụng ngày càng nhiều robot tham gia chiến đấu. Nhưng máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người, quân đội vẫn cần đến lính. Vấn đề là binh sĩ thì sức có hạn, cho nên các nghiên cứ đang tìm cách nâng cao khả năng của quân nhân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Đó là đề tài đưọc tờ Le Monde Diplomatique quan tâm.

Theo Le Monde Diplomatique, ngay từ thập niên 1990, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng Hoa Kỳ (DARPA- Defense Advanced Research Projects Agency) đã bắt đầu quan tâm đến việc nâng cao năng lực của binh sĩ trong chiến đấu. Đến năm 2004, cơ quan này tập hợp các nhà sinh học và vật lý học để phát triển những công nghệ giúp "tối ưu hóa khả năng chiến đấu" của quân nhân, đưa năng lực chiến đấu này vượt quá giới hạn tự nhiên của cơ thể con người. Chẳng hạn như giúp họ có thể thức lâu hơn, bị mất máu nhiều mà không ngất đi, không còn cảm giác đau, có thể sống nhiều ngày hơn khi không còn thức ăn… Về não bộ, các binh sĩ được "tối ưu hóa" có thể học tiếng nước ngoài nhanh hơn, ghi nhớ các các chỉ thị và bản đồ tác chiến nhanh hơn.

Theo Le Monde Diplomatique, việc "tối ưu hóa" binh sĩ không chỉ nhằm nâng cao năng lực của binh sĩ, mà còn nhằm làm giảm chi phí, vì một binh sĩ được "tối ưu hóa" có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như vậy sau này quân đội bớt đi quân số mà vẫn duy trì được khả năng phòng thủ, đồng thời hạn chế tổn thất nhân mạng trong chiến sự.

Những cường quốc quân sự khác như Nga và Trung Quốc dĩ nhiên cũng quan tâm đến vấn đề này.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng vì Hàn Quốc cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc quyết định trục xuất 32 nhà truyền giáo Hàn Quốc. Báo chí Hàn Quốc hôm nay, 11/02/2017 xem đấy là hành động của Bắc Kinh nhằm trả đũa Seoul.

hanquoc1

Bệ phóng tên lửa THAAD. Ảnh : Wikipedia

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, một quan chức chính phủ Hàn Quốc đã tiết lộ rằng đây là các nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo sống tại vùng Diên Cát (Yanji), miền đông bắc Trung Quốc và giáp giới với Bắc Triều Tiên. Nhiều người bị trục xuất đã sống ở đây hơn 10 năm.

Ngay từ hôm qua, 10/02, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo cho các nhóm truyền giáo Hàn Quốc là các nhà truyền giáo nói trên trên đã bị trục xuất hồi tháng Giêng.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc bị tình nghi là đã có hàng loạt biện pháp từ thương mại đến văn hóa nhằm trả đũa quyết định của Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, một điều mà Trung Quốc đã hoài công phản đối.

Báo chí Hàn Quốc coi vụ trục xuất các nhà truyền giáo là hành vi trả đũa của Bắc Kinh đối với Seoul. Tuy nhiên, theo một quan chức Hàn Quốc xin giấu tên, cho rằng không có dấu hiệu nào về mối liên quan giữa hành động trục xuất các nhà truyền giáo và việc triển khai THAAD.

Hiện có khoảng 1000 nhà truyền giáo Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực đông bắc. Nhiều người rất tích cực trong việc giúp đỡ người Bắc Triều Tiên vượt biên qua Trung Quốc, rồi từ đó đi đến một nước thứ ba, trong đó có Hàn Quốc.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

THAAD tiếp tục khuấy động quan hệ kinh tế Trung-Hàn (RFI, 09/02/2017)

Chính quyền Trung Quốc vừa đình chỉ một dự án xây dựng hàng tỷ đôla của tập đoàn Hàn Quốc Lotte, trong bối cảnh Seoul lo ngại về những biện pháp của Bắc Kinh trả đũa kế hoạch đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

korea1

Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa. REUTERS/U.S. Department of Defense

Tập đoàn Lotte đã dự định thực hiện một dự án địa ốc rất lớn ở Trung Quốc với vốn đầu tư hàng tỷ đôla, thế nhưng lấy lý do không đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy, hôm qua, 08/02/2017, chính quyền Trung Quốc đã quyết định đình chỉ dự án này.

Cũng trong ngày hôm qua, tập đoàn Hyundai cho biết có thể phải thuê các công ty Trung Quốc sản xuất pin, để lắp ráp một kiểu xe chạy bằng điện sẽ được bán ở Trung Quốc, vì không thể sử dụng pin của các công ty Hàn Quốc.

Đây là hai ví dụ mới nhất cho thấy dường như Trung Quốc tiếp tục thi hành các biện pháp trả đũa Hàn Quốc về kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ở miền Nam Triều Tiên. Đối với Bắc Kinh, hệ thống tên lửa này đe dọa đến an ninh của Trung Quốc, và sẽ chẳng giúp gì cho việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Từ tháng 12/2016 đến nay, nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra phòng cháy, chữa cháy, hoặc điều tra về thuế tại phần lớn các cơ sở của Lotte, tập đoàn đứng hàng thứ năm của Hàn Quốc.

Khi được hỏi là hệ thống tên lửa THAAD có ảnh hưởng gì đến dự án của Lotte ở Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng hôm qua chỉ trả lời rằng ông không rõ về quy chế của dự án đó. Nhưng ông Lục Khảng nhắc lại lập trường của Bắc Kinh chống THAAD.

Trên thực tế đúng là có sự liên quan giữa Lotte với THAAD, bởi vì hệ thống lá chắn chống tên lửa này theo dự kiến sẽ được đặt tại một khu đất mà một phần hiện là sân golf do tập đoàn này sở hữu. Hội đồng điều hành một công ty của Lotte sẽ phải biểu quyết về đề nghị của chính phủ Seoul trưng dụng đất làm nơi đặt hệ thống THAAD.

Không chỉ các dự án đầu tư, ngành du lịch Hàn Quốc cũng đang bị thiệt hại, do hệ thống lá chắn chống tên lửa này. Chính phủ Trung Quốc đã loan báo với các hãng du lịch Hàn Quốc là họ sẽ cắt giảm 20% lượng du khách từ Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 12/2016, Bắc Kinh đã bác yêu cầu của các hãng hàng không Hàn Quốc mở thêm các chuyến bay giá rẻ giữa hai nước nhân mùa cao điểm tháng Giêng và tháng Hai 2017.

Theo thống kê của Viện Triều Tiên về Thống nhất Đất nước, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ, kể từ tháng 07/2016, khi Seoul loan báo quyết định triển khai THAAD, Trung Quốc đã thi hành 43 biện pháp trả đũa Hàn Quốc, bao gồm đủ mọi lĩnh vực, từ việc chặn nhập khẩu mỹ phẩm và điện tử, cho đến việc hủy các chuyến trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể lợi dụng khủng hoảng chính trị hiện nay ở Hàn Quốc để kích động thêm phong trào chống hệ thống THAAH ở nước này, với hy vọng sẽ thuyết phục được tổng thống tương lai của Hàn Quốc ngăn chận dự án lá chống chắn tên lửa.

Vào lúc Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trễ nhất là tháng 12 năm nay, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với đảng Minjoo, đảng đối lập có lập trường chống hệ thống THAAD.

Thanh Phương

*********************

Hàn Quốc : "Danh sách đen", công cụ kiểm duyệt văn hóa (RFI, 09/02/2017)

korea2

Hàn Quốc : Chính quyền ngăn chặn bộ phim tài liệu "Diving Bell" (Chuông lặn) về thảm nạn phà Sewol, tháng 4/2014. Ảnh : Youtube

Cựu bộ trưởng Văn Hóa Hàn Quốc bị truy tố hôm thứ Ba, 07/02/2017, vì bị cáo buộc lập danh sách đen gần 10.000 văn nghệ sĩ. Đây là một bê bối mới, thêm vào hàng loạt các bê bối chính trị - tài chính của tổng thống bị đình chỉ chức vụ Park Guen-hye. Vụ danh sách đen mới này làm tăng thêm khả năng Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc phê chuẩn việc phế truất tổng thống Park Guen-Hye, như đề nghị của Quốc Hội hồi tháng 12/2016.

Trước hết, thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết cụ thể về danh sách đen :

"Bà Cho Yoon-sun, cựu bộ trưởng bộ Văn Hóa, cùng với ông Kim Ki-choon, cựu chánh văn phòng của tổng thống, cả hai người bị cáo buộc đã lập ra một danh sách đen và thực thi các biện pháp trừng phạt. 

Gần 10.000 nghệ sĩ, nhà văn, đạo diễn điện ảnh, họa sĩ đã bị đưa vào danh sách, vì trực tiếp phê phán tổng thống Park Guen-hye, ủng hộ đối lập… hay chỉ đơn giản là nêu lên trách nhiệm của chính phủ trong vụ đắm tàu Sewol, khiến hơn 300 người chết, cách nay ba năm. 

Theo nhật báo Hankyoreh, ông Kim Ki-choon, đã từng tuyên bố muốn loại trừ hoàn toàn "các thành phần thân Bắc Triều Tiên, thống trị các lĩnh vực văn hóa (Hàn Quốc) từ 15 năm nay". Các thế lực chính trị bảo thủ ở Hàn Quốc thường gán cho những người đối lập danh hiệu "thân Bắc Triều Tiên", để làm họ mất uy tín. 

Cụ thể là, những nghệ sĩ có tên trong danh sách đen không được tài trợ của chính quyền. Một số người bị loại khỏi các hoạt động văn hóa. Họ cũng nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chính quyền, như cảnh sát hay thuế vụ. Trong số họ, có thể kể đến những nhân vật nổi tiếng như Park Chan-wook, đạo diễn đoạt giải Liên hoan Cannes, với bộ phim Old Boy, nhà viết tiểu thuyết Han Kang, hay nhà thơ Ko Un. 

Bộ trưởng Văn Hóa Cho Yoon-son bị bắt giam tháng trước, và đã từ chức".

Tổng thống Park có vai trò nào trong danh sách đen này ?

Thông tín viên Frédéric Ojardias : "Nói chung, các nhà điều tra cho rằng bà Park Guen-hye đóng vai trò "tòng phạm". Về phần mình, tổng thống Park Guen-hye khẳng định không hề hay biết về danh sách này. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục được nhiều người, bởi hai quan chức vừa bị truy tố hôm 07/02 nằm trong số những cộng sự thân cận nhất của bà tổng thống. 

Tác động của thông tin về những bê bối này đối với công luận là rất lớn. Vụ xì căng đan này khiến người ta nhớ lại những năm tháng đen tối thời độc tài quân sự, trong những thập niên 1960, 1970, dưới thời tướng Park Chung-hee, cha đẻ của tổng thống Park Guen-hye. Nhiều nhà ly khai, đặc biệt là các nghệ sĩ, bị đàn áp hết sức tàn khốc, họ bị kiểm duyệt, thậm chí bị tra tấn trong thời kỳ này. 

Người Hàn Quốc không tin rằng xã hội hiện nay sẽ trở lại bốn thập niên trước".

Danh sách đen này sẽ tác động như thế nào đến thủ tục phế truất tổng thống ?

Thông tín viên Frédéric Ojardias : "Tác động sẽ lớn. Kiến nghị phế truất tổng thống được Quốc Hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2016 vừa được điều chỉnh, để bao gồm thêm cả tội danh mới. Tổng thống Park Guen-hye bị cáo buộc thêm là đã cách chức nhiều quan chức từ chối thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người bị đưa vào danh sách đen. 

Chúng ta cũng biết rằng bà Park Guen-hye cũng đồng thời bị nghi ngờ đã buộc nhiều doanh nghiệp lớn phải nộp các khoản tiền tương đương hàng triệu euro, nhờ vai trò trung gian của "quân sư" Choi Soon-sil. 

Cuộc điều tra về danh sách đen như vậy là rất quan trọng. Kết quả điều tra ắt hẳn sẽ tác động nhiều đến quyết định của 8 thẩm phán Tòa Bảo Hiến, về việc phê chuẩn hay không đối với yêu cầu phế truất tổng thống của Quốc Hội. Quyết định có thể sẽ được đưa ra đầu tháng 3 tới, hoặc sớm hơn".

Phim tài liệu về vụ Sewol bị chính quyền ngăn chặn

Hãng thông tấn AFP có một điều tra về thực trạng giới nghệ sĩ, cụ thể trong ngành điện ảnh, bị chính quyền thao túng. Vào cuối năm 2014, một bộ phim tài liệu nổi tiếng về vai trò của chính phủ trong thảm nạn đắm phà Sewol tháng 4 cùng năm, khiến 304 người chết, trong đó có 250 học sinh.

Tại các rạp chiếu phim Hàn Quốc, trình chiếu bộ phim này, ghế trống rất nhiều, rạp vắng đến phân nửa. Vào thời điểm đó, không ai có thể hình dung ra được là chính quyền đã can thiệp để ngăn chặn công chúng đến xem phim.

Trả lời AFP, nhà phát hành phim "Diving Bell" (Chuông lặn) Kim Il-kwon cho biết ông hết sức sững sờ khi thấy các hàng ghế trống. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với không khí lúc đó là đi đâu cũng thấy mọi người nói về phim, rất nhiều người muốn được xem phim.

Phải đến hai năm sau, khi vụ bê bối bùng phát, bộ trưởng Văn Hóa Cho Yoon-sun bị bắt giữ, quan chức này bị cáo buộc là đã cho mua ồ ạt vé xem bộ phim tài liệu về vụ đắm phà Sewol, để ngăn chặn khán giả Hàn Quốc.

Vụ bộ phim tài liệu về đắm phà bị nguyên lãnh đạo bộ Văn Hóa can thiệp chỉ là một trong các ví dụ. Các quan chức đã can thiệp từ trong bóng tối để trừng phạt những ai dính dáng đến "Diving Bell". Công ty Cinema Dal của nhà phát hành Kim Il-kwon, đã không còn nhận được các tài trợ, sau khi cho ra mắt bộ phim khiến chính quyền tức giận.

Liên hoan Busan cũng là nạn nhân

Nhà phát hành Kim Il-kwon kể lại là đã được một số quan chức chính quyền nói thẳng về khả năng bị cắt tài trợ, nếu cố tình phát hành "Diving Bell", điều mà trong cả đời làm việc từ hai mươi năm nay, ông chưa bao giờ thấy.

Liên hoan phim quốc tế Busan, liên hoan điện ảnh lớn nhất Châu Á, cũng là một nạn nhân. Từ khi chiếu phim "Diving Bell", tài trợ cho Liên hoan Busan bị cắt giảm mạnh, và ban tổ chức liên tục phải đối mặt với các cuộc điều tra, kiểm toán từ phía chính quyền.

Đồng giám đốc Liên hoan Busan, Kang Soo-yeon, khẳng định các thành quả của điện ảnh Hàn Quốc, trỗi dậy từ những năm 1990, đang bị đe dọa.

Một chuyên gia về điện ảnh Hàn Quốc, đạo diễn Lee Jang-ho, 71 tuổi, nhấn mạnh các trợ giúp của Nhà nước cho nền điện ảnh là rất quan trọng, thế mà giờ đây, chính quyền chỉ khuyến khích các dự án làm phim, gọi là "yêu nước", như cho thấy các chiến binh Hàn Quốc dũng cảm chống lại kẻ thù Bắc Triều Tiên, hay thành công kinh tế dưới chế độ độc tài. Điều này, theo ông, đi ngược lại "tinh thần tự do biểu đạt, vốn là nền tảng sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc".

Trọng Thành

Published in Châu Á

thaad1

Ngành mỹ phẩm Hàn Quốc chịu nhiều thiệt hại do các trả đũa của Trung Quốc. Trong ảnh, một tiệm mỹ phẩm của hãng Missha. Ảnh : REUTERS/Lee Jae-Won

Seoul sẽ hỏi Bắc Kinh vì sao các chuyến bay giá rẻ của Hàn Quốc trong mùa Tết Âm lịch bị Trung Quốc giới hạn ? Phải chăng hành động gây khó khăn này nhằm trả đũa Hàn Quốc bố trí hệ thống lá chắn THAAD, chống lại tên lửa Bắc Triều Tiên ? Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Joo Hyung Hwan hôm nay, 12/01/2017, trước Quốc Hội.

Theo Reuters, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có một cuộc họp về tự do mậu dịch song phương vào ngày mai thứ Sáu 13/01/2017. Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc Joo Hyung Hwan cho biết ông sẽ đặt thẳng vấn đề với phía Trung Quốc về việc này.

Cách nay một tuần, bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc tỏ ý hoài nghi Bắc Kinh đã cố ý gây khó khăn cho ngành máy bay dân dụng Hàn Quốc, để phản đối dự án của Washington và Seoul bố trí hệ thống THAAD. Theo Bắc Kinh, hệ thống này nhằm theo dõi hoạt động phòng không và không gian của Trung Quốc.

Hàn Quốc sẵn sàng trả đũa, nếu Bắc Kinh phạm luật quốc tế

Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc không chỉ dừng ở vấn đề các chuyến bay giá rẻ dịp Tết. Theo báo Hàn Quốc (tờ The Korea Herald), đây chỉ là một hành động mới "trong danh sách dài các trả đũa chính thức và không chính thức" của Bắc Kinh đối với Seoul.

Cuộc họp ngày mai đặc biệt quan trọng với cả hai bên, vì đây là cuộc họp đầu tiên, kể từ khi Hiệp định Tự Do Thương Mại FTA Hàn Quốc – Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 12/2015.

Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc tuyên bố "sẵn sàng có các biện pháp tích cực để bảo vệ các công ty Hàn Quốc, bị đối xử bất công", đồng thời chuẩn bị "các biện pháp pháp lý, nếu (các hành động trả đũa của Trung Quốc) vi phạm luật pháp quốc tế".

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á