Trọng Thành, RFI, 26/05/2022
Tối 26/05/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có kế hoạch bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng, do hàng loạt vụ thử tên lửa mới đây. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên mới đây, vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửan Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/05/2022. AP - Lee Jin-man
Theo quân đội Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã bắn thử tổng cộng ba hỏa tiễn đạn đạo ngày 25/05. Các tên lửa được bắn ít giờ đồng hồ sau khi tổng thống Hoa Kỳ kết thúc vòng công du Châu Á đầu tiên. Các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc cũng nghi ngờ Bắc Triều Tiên sắp thử vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên kể từ năm năm nay.
Hoa Kỳ, với tư cách là chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 5, đã đề xuất một dự thảo nghị quyết mới, trong đó có biện pháp siết chặt việc nhập khẩu dầu mỏ đối với Bắc Triều Tiên. Văn bản dự kiến giảm mạnh lượng dầu thô mà Bắc Triều Tiên được phép nhập khẩu, mỗi năm từ 4 triệu xuống còn 3 triệu thùng (tương đương từ 525.000 tấn xuống 393.750 tấn). Nhập khẩu dầu tinh chế, giới hạn 500.000 thùng mỗi năm, sẽ giảm xuống còn 375.000 thùng. Dự thảo nghị quyết cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản và đồng hồ, đồng thời dự kiến nhiều trừng phạt nhắm vào một số cá nhân và doanh nghiệp.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2017 kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung, trong trường hợp xảy ra một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, giống như vụ mà Triều Tiên có thể đã thực hiện ngày 25/05. Theo giới chức nói trên, "đây là một trong các điều kiện mà nghị quyết (năm 2017) đặt ra, và cũng chính là điều đã xảy ra. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng cần phải hành động kịp thời".
AFP dẫn lời một nhà ngoại ẩn danh cho biết Bắc Kinh có thể chấp nhận áp dụng các biện pháp trừng phạt mới trong trường hợp Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng không phải với các vụ thử tên lửa. Về phần mình, một phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho AFP biết : "Chúng tôi không tin rằng (dự thảo) nghị quyết của Mỹ có thể giúp giải quyết được bất kỳ vấn đề nào".
Đại sứ một nước thành viên Hội đồng Bảo an, xin ẩn danh, cho biết việc phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất sẽ để lại những hệ quả tiêu cực đối với Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ này. Theo viên đại sứ nói trên, việc Hội đồng Bảo an bị chia rẽ trong hồ sơ này sẽ là điều "tồi tệ", trong lúc Bình Nhưỡng đã "có nhiều tiến bộ trong chương trình tên lửa đạn đạo", và tiếp tục các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, "chống lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an".
Trọng Thành
*******************
Trần Công, RFI, 25/05/2022
Sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ - Hàn và cuộc họp mặt bộ tứ Quad tại Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã bắn 3 tên lửa đạn đạo bao gồm một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 25/05/2022. Theo thông tin từ văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng đang chuẩn bị cho lần thử nghiệm hạt nhân mới. Đây là phản hồi "thách thức" lằn ranh đỏ của liên minh Mỹ - Hàn cũng như bộ tứ Quad.
Màn ảnh truyền hình chiếu cảnh tên lửa Bắc Triều Tiên được phóng lên ngày 25/05/2022. AP - Lee Jin-man
Sau khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về kinh tế, công nghệ và an ninh của bán đảo Triều Tiên, hôm nay Bắc Triều Tiên đã liên tiếp bắn 3 quả tên lửa bao gồm một tên lửa liên lục địa (ICBM) và 2 tên lửa tầm ngắn (SRBM) xuống khu vực biển Đông (tên Hàn Quốc gọi biển Nhật Bản). Đây được xem là một hành động thách thức hầu hết các lằn ranh đỏ, tuyên bố chung, hay các quyết định cứng rắn của cả liên minh Mỹ - Hàn và nhóm bộ tứ Quad. Đặc biệt hành động bắn tên lửa này lại diễn ra chỉ một ngày sau khi tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến công du Châu Á đầu tiên trong nhiệm kỳ.
Tại Hàn Quốc, tổng thống Yoon Seok Yeol đã chủ trì một cuộc họp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ để nghe báo cáo về vụ việc và tư thế sẵn sàng phản ứng của quân đội Hàn Quốc. Tổng thống Yoon tuyên bố : "Dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, chúng ta nên phối hợp chặt chẽ với các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế để thực hiện triệt để các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên, bao gồm cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Trước đó ông Yoon đã liên tục phê phán chính sách đối ngoại của tổng thống Moon và gọi cách ngoại giao mà ông Moon đã xây dựng là thất bại và phục tùng.
Sau cuộc họp, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố lên án hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng : "Việc Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa xuyên lục địa và tên lửa tầm ngắn là bất hợp pháp và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Bên cạnh đó, văn phòng an ninh chính phủ Hàn Quốc cho biết : "Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 tại khu vực thử nghiệm hạt nhân Punggye-hi". Ngay lập tức ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và cố vấn an ninh Hàn Quốc Kim Seong Han đã lần lượt trao đổi với 2 đồng cấp tại Mỹ để thảo luận về các cách thức hợp tác giữa 2 quốc gia Hàn - Mỹ.
Trần Công
Trọng Nghĩa, RFI, 21/10/2021
Chính quyền Bắc Triều Tiên vào hôm 21/10/2021 cho rằng Hoa Kỳ đã phản ứng thái quá với vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, đồng thời đặt nghi vấn về sự thành thật của Mỹ khi đề nghị đàm phán và tố cáo chính sách "nhất bên trọng nhất bên khinh - tiêu chuẩn kép" của Washington trong lĩnh vực phát triển vũ khí.
Hình ảnh tên lửa Bắc Triều Tiên thử nghiệm được phóng lên từ tàu ngầm hôm 19/10/2021 do thông tấn xã KCNA công bố. AP
Theo hãng tin Anh Reuters, hãng thông tấn Nhà Nước Bắc Triều Tiên KCNA đã trích dẫn một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao cho rằng vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây chỉ là hoạt động bình thường của nước này nhằm thực hiện kế hoạch phòng thủ trung hạn và dài hạn và không nhằm vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Thế mà, theo phát ngôn viên này, Washington lại phản ứng bằng "những động thái rất khiêu khích" khi triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tại cuộc họp mở ra hôm qua, 20/10 theo yêu cầu của Hoa Kỳ, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, đã kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa của Liên Hiệp Quốc, đồng thời chấp nhận các đề nghị đàm phán.
Đại diện Mỹ nhắc lại rằng Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng, và sẵn sàng đối thoại mà "không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".
Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên nói trên, thì chính sách "nhất bên trọng nhất bên khinh" mà Mỹ áp dụng cho vấn đề phát triển tên lửa khiến cho đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ không đáng tin.
Nhân vật này giải thích : "Chỉ trích Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vì đã phát triển và bắn thử một hệ thống vũ khí tương tự như hệ thống mà Mỹ sở hữu hoặc đang phát triển là một biểu hiện rõ ràng của tiêu chuẩn kép".
Theo hãng tin Mỹ AP, nhân cuộc họp vào hôm qua của Hội Đồng Bảo An về tên lửa Bắc Triều Tiên, các đại diên của Hoa Kỳ và ba nước Liên Hiệp Châu Âu trong Hội Đồng Bảo An là Ireland, Estonia và Pháp đã lên án các cuộc thử nghiêm tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.
Theo các nước này, những tiến bộ kỹ thuật của Bình Nhưỡng cho thấy là cần phải tăng cường thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động kinh tế của Bắc Triều Tiên.
Trọng Nghĩa
**********************
Thanh Phương, RFI, 21/10/2021
Hôm 21/10/2021, Hàn Quốc đã phóng một tên lửa vũ trụ đầu tiên hoàn toàn được sản xuất trong nước, thể hiện quyết tâm của nước này tham gia vào công cuộc chinh phục vũ trụ.
Tên lửa KSLV-II NURI được phóng từ căn cứ không gian Naro tại Goheung, Hàn Quốc, ngày 21/10/2021 via Reuters - Yonhap News Agency
Tên lửa mang tên "Korean Satellite Launch Vehicle II", được mệnh danh "Nuri", có 3 tầng, được phóng từ bãi phóng Goheung, dự trù đưa lên quỹ đạo Trái đất một khối mô phỏng một vệ tinh nhân tạo nặng khoảng 1 tấn rưỡi, ở độ cao từ 600 đến 800 km. Vệ tinh mô phỏng đã tách khỏi tên lửa thành công, nhưng đã không thể được đặt lên quỹ đạo.
Ngành không gian Hàn Quốc đã mất khoảng 10 năm để chế tạo tên lửa này, với kinh phí 2.000 tỷ won (1,46 tỷ euro). Cho tới nay, chỉ mới có 6 quốc gia phóng thành công lên quỹ đạo một khối lượng hơn một tấn trên các tên lửa của họ.
Tuy là nền kinh tế đứng hàng thứ 12 thế giới và là một trong những quốc gia tiến xa nhất về mặt công nghệ, đồng thời là nhà xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, Hàn Quốc hiện vẫn còn lạc hậu so với nhiều nước khác về mặt chinh phục không gian.
Tại Châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều đã phát triển các chương trình không gian rất tân tiến. Ngay cả Bắc Triều Tiên cũng đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có khả năng phóng vệ tinh. Năm 2012, Bình Nhưỡng thông báo đã đưa lên quỹ đạo một vệ tinh nặng 300 kg, nhưng lúc đó các nước phương Tây tố cáo đây là một vụ thử tên lửa trá hình.
Trong khi đó, chương trình không gian của Hàn Quốc còn rất hạn chế : hai lần phóng đầu tiên vào năm 2009 và 2010, sử dụng công nghệ của Nga, đều thất bại. Mãi đến năm 2013, nước này mới phóng thành công một tên lửa, những vẫn là với các động cơ do Nga phát triển.
Theo hãng tin AFP, việc phóng tên lửa hôm nay chỉ là một bước trong chương trình không gian đầy tham vọng của Hàn Quốc, với mục tiêu mà tổng thống Moon Jae In đã đề ra vào tháng 3 : phóng một phi thuyền bay theo quỹ đạo Mặt trăng vào năm tới. Mục tiêu xa hơn của tổng thống Hàn Quốc đó là đáp một phi thuyền thăm dò lên Mặt trăng vào năm 2030.
Thanh Phương
*********************
Anh Vũ, RFI, 20/10/2021
Hôm 20/10/2021, Bắc Triều Tiên chính thức xác nhận hôm trước đã thử tên lửa đạn đạo được chế tạo với "nhiều công nghệ tiên tiến về điều khiển dẫn đường", được bắn đi từ tàu ngầm. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập họp khẩn cấp trong ngày.
Khoảnh khắc quả tên lửa của Triều Tiên được khai hỏa từ tàu ngầm hôm 19/10/2021 via Reuters - KCNA
Theo AFP, truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên xác nhận vụ thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới được phóng đi từ tàu ngầm.
Quân đội Hàn Quốc hôm qua đã loan báo chi tiết Bắc Triều Tiên phóng ra biển một tên lửa đạn đạo chiến lược từ Sinpo, một địa phương ở phía đông Bắc Triều Tiên. Tên lửa đã bay được khoảng 590 km với độ cao tối đa khoảng 60 km.
Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, vũ khí mới thử nghiệm được trang bị "nhiều công nghệ tiên tiến về điều khiển dẫn đường" và tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm "8.24 Yongung", từng được sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo cách đây 5 năm.
Năm 2016 và 2019, Bắc Triều Tiên từng thông báo đã tiến hành hai vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm, nhưng khi đó bộ Quốc Phòng Mỹ và các chuyên gia cho rằng đó chỉ là từ những bệ phóng đặt chìm dưới biển.
Nếu như thực sự tên lửa mới của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ một tàu ngầm đang hoạt động thì đây là một tiến bộ công nghệ lớn trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Như vậy, quân đội Bắc Triều Tiên đã có khả năng triển khai tên lửa một cách cơ động bên ngoài các căn cứ trong đất liền để tránh được những đòn tấn công phủ đầu.
Bắc Triều Tiên liên tiếp bắn thử các loại tên lửa trong lúc mà các đối thoại giữa Washington - Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí và hạt nhân của Bắc Triều Tiên bế tắc hoàn toàn.
Đầu tháng này, Bình Nhưỡng đã thông báo phóng thành công tên lửa siêu thanh tầm xa từ một đoàn tàu lửa.
Bắc Triều Tiên khẳng định cần có một kho vữ khí hiện đại để tự vệ trước khả năng bị Mỹ xâm lược.
Trước những căng thẳng nổi lên trở lại trên bán đảo Triều Tiên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp khẩn vào chiều hôm nay (giờ New York) về Bắc Triều Tiên, theo đề nghị của Anh và Mỹ.
Bắc Triều Tiên vẫn đang bị hàng loạt các trừng phạt quốc tế vì vi phạm các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hôm qua, Nhà Trắng đã ra thông cáo nhấn mạnh vụ bắn tên của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa, cần khẩn cấp đối thoại với Bình Nhưỡng. Washington cũng khẳng định lại cam kết "không lay chuyển" sẽ hỗ trợ vào bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cũng trong ngày hôm qua, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hàn Quốc đã họp khẩn và kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại.
Anh Vũ
***********************
Thanh Phương, RFI, 19/10/2021
Hôm 19/10/2021, quân đội Hàn Quốc thông báo Bắc Triều Tiên vừa bắn thử một tên lửa đạn đạo, dường như là từ một tàu ngầm.Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được bắn đi từ khu vực thành phố cảng Sinpo về hướng vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.
Một hành khách xem vô tuyến đưa tin vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên ngày 19/10/2021 tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. AFP - Anthony Wallace
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca gởi về bài tường trình :
"Việc hoàn thiện hệ thống vũ khí của chúng ta không phải là một trở ngại cho đối thoại. Đó là nội dung thông điệp mà Bắc Triều Tiên muốn nhắn gởi qua vụ bắn thử tên lửa đạn đạo mới này. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được phóng lên sáng nay từ khu vực thành phố cảng Sinpo dường như là một tên lửa chiến lược hải đối địa tầm ngắn, được bắn từ một tàu ngầm. Đây là một bước tiến mới, bởi vì cho tới nay Bình Nhưỡng chỉ mới phóng được tên lửa loại này từ một bệ phóng trên biển.
Đợt bắn thử tên lửa thứ năm tính từ tháng 9 diễn ra đúng vào ngày Seoul khai mạc triển lãm vũ khí và hàng không, không gian lớn nhất của Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên có lẽ bất bình về cuộc triển lãm này, nên các cơ quan truyền thông nhà nước sáng nay đã một lần nữa kêu gọi miền Nam chấm dứt "chính sách thù địch".
Cùng lúc đó, các lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản họp tại Seoul để bàn về khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng. Gần đây, Washington cho biết đã đưa ra những đề nghị cụ thể với chính quyền Bắc Triều Tiên để nối lại đối thoại. Qua vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, Bình Nhưỡng tiếp tục bình thường hóa các vụ thử nghiệm này, nhưng vẫn thúc đẩy Washington đưa ra các đề nghị tốt hơn, trước khi chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán".
Theo hãng tin AFP, sau cuộc bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm văn phòng phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo triệu tập một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, nhưng không nói rõ là bàn về vấn đề gì.
Về phần mình, tân thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho rằng vụ bắn thử tên lửa này là "rất đáng tiếc". Đợt thử mới diễn ra một ngày sau khi đại diện đặc biệt của tổng thống Joe Biden về Bắc Triều Tiên, ông Sung Kim, lại ra lời kêu gọi đối thoại với Bình Nhưỡng, khẳng định một lần nữa là Washington không hề có ý định thù địch nào đối với Bắc Triều Tiên và sẵn sàng gặp các lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng mà không đặt điều kiện tiên quyết nào.
Thanh Phương