Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đại sứ các nước Mỹ, Đức và Anh sẽ phát biểu tại một sự kiện được tổ chức trực tuyến vào thứ Tư 12/05/2021 tại Liên Hiệp Quốc, cùng với lãnh đạo của hai tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch và Amnesty International. Trong một công hàm đề ngày 06/05, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước không tham gia sự kiện trên.

tancuong1

Người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong một thánh đường ở Kashgar. Ảnh chụp trong chuyến thăm Tân Cương, Trung Quốc do Bắc Kinh tổ chức cho các nhà báo nước ngoài ngày 19/04/2021.  AP - Mark Schiefelbein

Theo thư mời, được hãng tin Anh Reuters trích, mục đích của sự kiện là nhằm "thảo luận về cách thức mà hệ thống của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia thành viên và xã hội dân sự có thể hỗ trợ, bảo vệ nhân quyền cho cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương".

Bắc Kinh khẳng định "sự kiện trên mang động cơ chính trị" và "yêu cầu phái bộ (các nước được mời) KHÔNG tham gia sự kiện chống Trung Quốc này". Công hàm của phái bộ Trung Quốc cũng cáo buộc nhiều nước Châu Âu, cũng như Úc và Canada, sử dụng "vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, như tại Tân Cương, nhằm gây chia rẽ, làm xáo trộn quá trình phát triển của Trung Quốc". Phái bộ Trung Quốc hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích gay gắt Hạ Viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần ngày 06/05 về "Những hành động tàn bạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và nhiều dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương" và mời một số người thoát khỏi các trung tâm dạy nghề cùng nhiều giảng viên đại học Mỹ tham gia. Sự kiện này bị người phát ngôn Uông Văn Bân (Wang Wenbin) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án hôm 07/05 là "một trò hề vụng về chống Trung Quốc".

Theo Tân Hoa Xã, đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng tổ chức một cuộc họp trực tuyến trong ngày 06/05, mang chủ đề : "Tân Cương, vùng đất kỳ diệu", để chia sẻ những cảm nhận của những người dân địa phương và người được đào tạo nghề nhằm "giúp" phương Tây hiểu rõ hơn tình hình tại Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn từ chối mời một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đến khu vực này.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Trung Quốc gia tăng kiểm soát chặt chẽ 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ, tộc người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo tại Tân Cương, vùng tự trị viễn Tây đất nước. Số liệu thống kê chính thức đưa ra hôm qua 14/03/2018 cho thấy ngân sách cho chiến dịch an ninh mang tên "Đánh mạnh" do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đã tăng gấp đôi trong vòng một năm.

tancuong1

Ảnh chụp ngày 26/06/2017 cho thấy lực lượng an ninh đứng canh gác khi người Hồi Giáo tới buổi cầu nguyện Eid al-Fitr ở đền thờ Id Kah tại Kashgar, thuộc vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Johannes EISELE / AFP

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt cho biết thêm chi tiết :

"Trang bị camera nhận dạng khuôn mặt và vũ khí tối tân nhất cho 100.000 nhân viên cảnh sát vừa được tuyển dụng để bảo đảm ổn định vùng Tân Cương, khu vực mà Bắc Kinh nói là phải chiến đấu chống lại ‘‘những thành phần đòi ly khai, cực đoan và khủng bố’’ : Tất cả những thứ ấy đều rất tốn kém, giá rất là đắt.

Trong giai đoạn 2016-2017, chi tiêu cho an ninh của vùng tự trị này đã tăng lên gần 93%, đạt mức 7 tỷ euro, theo như một báo cáo chính thức được công bố bên lề cuộc họp Quốc hội. Cao gấp 10 lần so với cách nay 10 năm.

Nhà nghiên cứu Adrien Zenz, vừa cho đăng một nghiên cứu về việc bùng nổ ngân sách, nhấn mạnh rằng Trung Quốc chi tiêu cho an ninh vùng Tân Cương nhiều hơn là Mỹ chi cho toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ông Chen Quanguo, người cai trị vùng tự trị này từ mùa hè năm 2016 bằng bàn tay sắt, thì lại tỏ ra hồ hởi trước các đại biểu : "Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc duy trì bình ổn xã hội tại Tân Cương, vốn cho đến giờ vẫn là một mặt trận chính trong cuộc chiến chống khủng bố".

Minh Anh

Published in Châu Á