Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phương Tây có thực sự dám tuyên chiến với Trung Quốc hay không ?

Đối sách của Trung Quốc trong hồ sơ Đài Loan và hỏa hoạn cùng với hạn hán ở Pháp là những chủ đề thu hút sự chú ý của các báo Pháp ra ngày 11/08/2022. 

taptran1

Trực thăng của Hải quân Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận ở vùng biển xung quanh Đài Loan, tại một địa điểm không được tiết lộ vào ngày 08/08/2022. Ảnh được phía Trung Quốc cung cấp ngày 09/08/2022. via Reuters – Eastern Theatre Command

Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phân tích của cựu bộ trưởng Giáo dục Luc Ferry về việc phương Tây có thực sự dám phát động chiến tranh với Trung Quốc hay không ? Nền dân chủ của Mỹ dường như thu hút được nhiều thiện cảm hơn chế độ độc tài của Trung Quốc hay Nga. Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ngày nay, tuy bớt khắc nghiệt hơn thời chủ tịch Mao Trạch Đông, nhưng vẫn là một chế độ rất hà khắc đối với đại đa số các nước phương Tây. Tổng thống Nga Putin cũng bị phương Tây mô tả là một nhà độc tài không hơn không kém.

Nhưng tất cả những điều này có thể biện minh cho mong muốn của Mỹ trở thành "hiến binh" hay "giám sát công lý" trên thế giới hay không, điển hình là chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Bởi chuyến thăm này của bà Pelosi dường như không có tác dụng nào khác ngoài việc khiến Trung Quốc xích lại gần Nga hơn vào thời điểm có thể nói là xấu nhất. Ngoài ra giờ đây, cả các nền dân chủ lẫn chế độ độc tài đều có những vũ khí hủy diệt có thể khiến thế giới bị diệt vong. Nhưng Mỹ thực sự cũng không còn đủ khả năng để có thể tự mình tuyên bố thống trị thế giới. Ngày nay, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh "từ xa" chống lại Nga, thông qua Ukraine bằng việc viện trợ quân sự nước này và trừng phạt kinh tế Moskva. Chính quyền Mỹ sẽ không liều lĩnh có một cuộc xung đột trực tiếp với Nga bởi điều đó có nguy cơ khiến nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiroshima hay Nagasaki sẽ chỉ là quá khứ, bởi thật khó tưởng tượng rằng một quốc gia dân chủ ngày nay lại có thể quyết định san bằng cả một thành phố, cho dù đó có là thành phố của kẻ thù. Hành động này chắc chắn sẽ bị thế giới lên án và thủ phạm chắc sẽ bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh.

Ngay cả khi đối mặt với một Afghanistan nhỏ bé, Hoa Kỳ đã phải cuốn gói về nước. Vậy trước một Trung Quốc hiện đang gần gũi với Nga, họ có thể làm gì ? Cựu tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng nói : "Không thể tránh khỏi việc một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ cảm thấy đủ mạnh để đòi lại các khu vực mà họ đã từng phải nhượng. Vào thời điểm đó, chúng ta nên đứng ngoài cuộc. Thật vô lý khi chúng ta không có quan hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới, đơn giản vì chế độ độc tài của họ không làm vừa lòng Hoa Kỳ".

Vậy Hoa Kỳ sẽ làm gì vào thời điểm Trung Quốc quyết định sáp nhập Đài Loan, và đây có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian ? Ông Ferry nhận định rằng Washington sẽ khó lòng có thể đáp trả trực diện, nhất là về mặt kinh tế và thương mại, Hoa Kỳ cũng đang rất phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục gây áp lực với Đài Loan

Vẫn về chủ đề Đài–Trung, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã chính thức kết thúc nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì sự hiện diện của quân đội xung quanh hòn đảo.

Juliette Genevaz, phó giáo sự tại Học viện về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (INALCO) nói : "Kể từ năm 2008, Đảng cộng sản Trung Quốc đã sử dụng quân đội để tạo ra sự cân bằng quyền lực mới trong khu vực. Đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã gần như quân sự hóa hoàn toàn từ năm 2009. Tôi nghĩ là chính quyền Trung Quốc đang muốn đóng vai "cảnh sát" của các vùng biển lân cận, và ở đó chúng ta đã thực sự bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới".

Quân Giải phóng Nhân dân đang ở giai đoạn cuối của một quá trình cải cách lớn, được khởi động vào năm 2015, nhằm thực hiện những điều chỉnh cơ cấu cần thiết, 20 năm sau khi tăng ngân sách quốc phòng. Bà Genevaz giải thích rằng cuộc cải cách này đã bị trì hoãn một chút vì đại dịch, nhưng bộ chỉ huy đã được cơ cấu lại, 7 vùng quân sự đã trở thành 5 khu chỉ huy và Trung Quốc đã chia 4 tổng hành dinh thành 15 tiểu ban trực thuộc quân ủy trung ương. Đối với Bắc Kinh, việc phô trương vũ lực đối với Đài Loan là một minh chứng cho quyết tâm sử dụng vũ lực của họ.

Pháp tiếp tục bị hỏa hoạn

Trong lĩnh vực môi trường, trang nhất và bài xã luận nhật báo công giáo La Croix dành sự quan tâm đến chủ đề hỏa hoạn ở Pháp đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng ở trong nước. Lần thứ tư trong mùa hè này, một đợt nắng nóng lại ập vào Pháp. Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt này đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, vốn đang ở mức báo động, và điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Pháp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa này kể từ đầu tháng 7. Nhiều người dân đã mất tất cả, đặc biệt ở vùng Landes, và việc ít nhất 46.000 ha trên toàn lãnh thổ bị hủy hoại đã gây ra tổn thất nặng nề về mặt kinh tế và sinh thái.

Một báo cáo của Thượng Viện được công bố vào ngày 03/08 ước tính rằng vào năm 2050, gần 50% đồng cỏ và rừng trên toàn nước Pháp có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ hỏa hoạn cao, so với hơn 30% vào năm 2010. Ở phía đông, dãy núi Vosges là một điển hình, bởi mặc dù về địa lý, khu vực này có khí hậu đại dương, thế nhưng ở đây hỏa hoạn cũng sẽ có thể xảy ra do nhiệt độ trung bình sẽ tiếp tục tăng. Đáng lo ngại hơn nữa, các đám cháy sẽ không còn diễn ra theo mùa. Theo các chuyên gia môi trường, hàng năm, thời gian rủi ro cao xảy ra hỏa hoạn sẽ tăng gấp ba lần, và các vụ cháy vào mùa đông dự kiến sẽ gia tăng.

Pháp sẽ phải chuẩn bị để đối phó với những thiên tai này. Các phương tiện chữa cháy sẽ cần phải được bổ sung ở tất cả các vùng trên toàn quốc. Việc quản lý rừng phải ngăn chặn được các tác động của biến đổi khí hậu, bằng cách chỉ trồng các loài cây chịu hạn. Mọi người dân sẽ phải có ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên sau khi chứng kiến mùa hè hỏa hoạn này.

Các bệnh truyền nhiễm trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu

Về lĩnh vực y tế, nhật báo Le Monde dành sự quan tâm đến một nghiên cứu về việc hơn một nửa số bệnh truyền nhiễm ở người trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này đã được công bố vào ngày 08/08 trên tạp chí "Nature Climate Change". Theo đó, nhũng bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, bệnh Lyme có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu này nhấn mạnh đến tác động rõ rệt của việc biến đổi khí hậu đối với các bệnh lây truyền qua các vật trung gian như muỗi, ve hoặc bọ chét. Nhưng những bệnh này cũng có thể lây truyền qua nước, không khí, thực phẩm hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.

Ngôi sao tennis Alexander Zverev đối chọi với bệnh tiểu đường

Vẫn về y tế, nhật báo thiên tả Libération có bài viết về ngôi sao quần vợt và tay vợt số 2 thế giới Alexander Zverev và hành trình trở thành ngôi sao trong làng banh nỉ mặc dù mắc bệnh tiểu đường.

Lời kể của anh quả là hiếm có đối với một vận động viên ở đẳng cấp như vậy. Zverev tiết lộ rằng anh mắc bệnh tiểu đường loại 1. Tay vợt số 2 thế giới và là nhà vô địch Olympic ở Tokyo 2021 đã nói về những gì anh phải làm hàng ngày để kiểm soát bệnh tật, cảm giác xấu hổ khi mắc bệnh từ trẻ và sự bi quan của các bác sĩ về việc theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao khi mang bệnh.

Đang trong quá trình phục hồi chức năng kể từ sau khi chấn thương ở bán kết Roland Garros khi đối đầu với Rafael Nadal, tay vợt người Đức đã tuyên bố thành lập một tổ chức hỗ trợ trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 1 và giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2.

Bệnh tiểu đường loại 1, ảnh hưởng đến khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường, là một bệnh tự miễn dịch có khuynh hướng di truyền, có thể phát triển trong suốt cuộc đời nhưng thường gặp nhất là ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Nó xảy ra khi các tế bào của tuyến tụy tự hủy, gây ra sự thiếu hụt insulin. Bệnh tiểu đường loại 2 là kết quả của việc sử dụng không đúng cách insulin do cơ thể sản xuất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh này trên thế giới đã tăng từ 108 triệu người vào năm 1980 lên 422 triệu người vào năm 2014. Tại Pháp vào năm 2020, hơn 3,5 triệu người được điều trị bằng thuốc cho bệnh tiểu đường, tức là 5,3% dân số theo Public Health France.

Nâng cao nhận thức của bệnh nhân tiểu đường

Các vận động viên thể thao đỉnh cao chuyên nghiệp thường sẽ không mắc bệnh tiểu đường loại 2, bởi chỉ những ai có chế độ ăn uống không điều độ và ít hoạt động thể chất mới mắc tiểu đường loại này. Ngược lại, ai cũng có thể mắc bệnh tiểu đường loại 1, giống như Zverev. Ngay cả khi bệnh này vẫn còn hiếm, nhưng ngày càng có nhiều vận động viên lên tiếng về chủ đề này vì đây là một căn bệnh không phải lúc nào cũng dễ quản lý. Để nâng cao nhận thức của những người mắc bệnh tiểu đường và cho họ thấy rằng những vận động viên mắc bệnh hoàn toàn có thể đạt được những thành tích cao trong thể thao, 2 vận động viên xe đạp Mỹ bị mặc tiểu đường loại 1 đã thành lập đội đua xe đạp Novo Nordisk vào năm 2008 và giờ họ hiện đang đua ở giải hạng hai thế giới.

Zverev đặc biệt muốn nhấn mạnh đến sự phát triển của việc chăm sóc bệnh nhân kể từ những năm 90. Từ những ống tiêm insulin, bệnh nhân giờ chuyển sang một loại bút kín đáo hơn, và sau đó là những miếng dán cho phép có thể theo dõi trực tiếp lượng đường trong máu. Zverev từ trước đến nay luôn cảm thấy xấu hổ khi nói về căn bệnh của mình và anh đã phải mất rất nhiều thời gian để vượt qua mặc cảm này. Zverev nói : "Hồi tôi 17-18 tuổi, khi các nhà báo hỏi tôi có bị tiểu đường hay không, tôi luôn phủ nhận. Hồi đầu tiên, lúc mới bắt đầu đi du đấu, tôi luôn phải trốn vào nhà vệ sinh để tiêm insulin. Khi tôi bắt đầu hẹn hò các cô gái, tôi cũng không bao giờ tâm sự với họ về căn bệnh của tôi, tôi đã quá xấu hổ khi nói về chủ đề này. Nhưng càng tích lũy được nhiều thành công, tôi càng muốn chứng tỏ với bản thân rằng mọi người đã sai khi ngăn cản ước mơ trở thành vận động viên quần vợt của tôi, và tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn. Hôm nay, tôi cảm thấy rằng đó là vai trò của tôi khi nói về căn bệnh này".

Phan Minh

Published in Quốc tế

Liệu Phương Tây có thể trừng phạt Trung Quốc theo cách đã làm với Nga ?

Minh Anh, RFI, 22/04/2022

Ngay sau khi Nga phát động cuộc xâm lăng Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Trung ương và nhiều ngân hàng lớn của Nga hay cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga. Giả như Trung Quốc cũng làm điều gì đó tương tự trên bình diện địa chính trị như xâm chiếm Đài Loan, "liệu Hoa Kỳ có dám phong tỏa hay tịch biên tài sản dự trữ của Trung Quốc hay không ?" 

tq1

Cờ Mỹ và Trung Quốc cùng đồng nhân dân tệ và đô la. Ảnh minh họa.  Reuters/Jason Lee/Illustration/File Photo

Trung Quốc hiện nắm giữ một khối lượng lớn tài sản, 2/3 trong số 3,2 nghìn tỷ dự trữ ngoại hối thông qua các trái phiếu của các chính phủ phương Tây. Do vậy, nếu Hoa Kỳ và Châu Âu ra lệnh cho các định chế tài chính ngưng giao dịch với các ngân hàng Trung Quốc, thì những cơ sở này của Bắc Kinh sẽ mất nguồn tiếp cận đô la, euro và đồng bảng Anh.

Liệu phương Tây có thật sự dám làm hay không ? Đây chính là câu hỏi do ông Vương Vĩnh Lợi (Wang Yongli), cựu thống đốc Ngân Hàng Trung ương Trung Quốc nêu lên trong một bài đăng trong tháng 3/2022. Theo lý thuyết, phong tỏa nguồn dự trữ của Trung Quốc, có lẽ sẽ không gây ra bất ổn. Bắc Kinh khó thể bán hạ giá các trái phiếu, không mua được nhiều chứng khoán của phương Tây hơn Nhưng thị trường trái phiếu không thiếu, và nước này gần đây cũng không phải là nhà đầu tư lớn nhất. Khi xâm chiếm Đài Loan, Trung Quốc chỉ gây ra hỗn loạn đối với các trái phiếu được định giá cao từ các nhà đầu tư tư nhân.

Ngược lại, ông khổng lồ Châu Á này có thể phản đòn, như cho tịch biên các khối tài sản mà phương Tây đang nắm giữ tại Trung Quốc. Ông Gerard DiPippo, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) lưu ý, tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư phương Tây nắm giữ đến 3,6 nghìn tỷ đô la trong đầu tư trực tiếp, bao gồm cả các nhà xưởng không thể di dời và 2,2 nghìn tỷ cổ phiếu, trái phiếu và nhiều khoản tiền đầu tư khác. Nếu gộp hết tất cả, tổng trị giá tài sản mà phương Tây nắm giữ tại Trung Quốc cao hơn gấp 6 lần so với tại Nga.

Ngoài Ngân hàng Trung ương ra, nếu trừng phạt các định chế tài chính, phương Tây có nguy cơ bị "gậy ông đập lưng ông". Theo Financial Stability Board, một cơ quan điều phối tài chính, trong số 30 ngân hàng "quan trọng về hệ thống", có đến bốn ngân hàng là của Trung Quốc. Việc làm tê liệt các ngân hàng này có thể sẽ gây ra những thiệt hại cho nhiều định chế phương Tây có cho họ vay tiền hay nắm giữ các tài khoản của họ.

Các biện pháp như vậy cũng sẽ tàn phá nền thương mại. Phần lớn các khoản thanh toán mậu dịch đều được thực hiện bằng đồng đô la. Martin Chorzempa, thuộc Peterson Institute for International Economics, cảnh báo "nếu không có được các khoản bảo hiểm và tín dụng thương mại, nhiều hoạt động kinh tế sẽ bị cạn kiệt". Hơn nữa, Trung Quốc còn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia, sự gián đoạn này có nguy cơ dẫn đến phần còn lại của thế giới chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Nhưng phương Tây cũng bị ảnh hưởng. Hoa Kỳ và Châu Âu lần lượt nhập khẩu 18% và 22% hàng hóa Trung Quốc, kể cả các linh kiện rời và thiết bị được sử dụng trong sản xuất quốc gia. Nếu ngưng giao thương với Trung Quốc, nghĩa là giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc đến 90% thì xuất khẩu của Mỹ và Châu Âu cũng bị thiệt hại đến 10%.

The Economist nhắc lại, đòn bẩy lớn nhất của Trung Quốc chính là thị trường rộng lớn của nước này. Hoa Kỳ muốn tước nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghệ cao như chất bán dẫn, nhưng nếu cấm vận hoàn toàn thì các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể bị thất thu đến 37%, gây nguy hiểm cho 120 ngàn việc làm.

Để trả đũa, Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử. Hệ quả là dây chuyền cung ứng bị gián đoạn cho một số mặt hàng trọng điểm như pin xe điện và nhiều sản phẩm khác. Và nhất là Trung Quốc có thể trục xuất các đối thủ ra khỏi thị trường mà không một ai muốn bị mất.

Phương Tây có thể tiếp tục giáng những đòn mạnh hơn mỗi khi Nga tìm cách đáp trả, nhưng với Trung Quốc, điều đó là không thể. Trung Quốc có đủ công cụ để đáp trả mạnh mẽ. Mỹ và đồng minh sẽ phải gánh chịu những đòn đau nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự mà họ đang áp dụng với Nga. Theo một số chuyên gia, vì lý do này mà Mỹ và phương Tây sẽ không dám đi xa hơn ! 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 22/04/2022

**********************

Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng ve vãn quần đảo Salomon

Minh Anh, RFI, 22/04/2022

Hôm 22/04/2022, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã đến quần đảo Salomon, vài ngày sau thông báo thỏa thuận an ninh giữa đảo quốc Thái Bình Dương và Trung Quốc đã được ký kết.

tq2

Đặc sứ Mỹ Kurt Campbell (T) sau cuộc hợp với lãnh đạo đối lập Quần đảo Salomon Mathew Wale, tại Honiara, thủ đô Salomon, ngày 22/04/2022.  AFP - Mavis Podokolo

Nhà Trắng cho biết : Sau khi công du Fidji và Papouasie-New Guinea, phái đoàn đến thăm quần đảo Salomon nhằm thúc đẩy "các mối quan hệ đối tác của đôi bên mang lại sự thịnh vượng, an ninh và hòa bình cho các đảo ở Thái Bình Dương và vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương". 

Phái đoàn do đặc sứ Mỹ phụ trách Châu Á, Kurt Campell và ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, dẫn đầu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, vào lúc chiếc máy bay chở phái đoàn Mỹ đã đáp xuống sân bay Honiara, thủ đô Salomon, đại sứ Trung Quốc tại quần đảo này và thủ tướng Manasseh Sogavare khánh thành một đường đua. Đây là một phần của khu phức hợp thể thao do chính Trung Quốc tài trợ nhằm đón Đại Hội Thể Thao vùng Thái Bình Dương 2023.

Trong tuần này, Bắc Kinh đã loan báo ký kết thỏa thuận an ninh với đảo quốc Thái Bình Dương chỉ có gần 800 ngàn dân.

Úc và Mỹ từ lâu lo lắng về khả năng Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân tại Nam Thái Bình Dương, cho phép Bắc Kinh triển khai sức mạnh hải quân vượt ra ngoài biên giới.

Mối bận tâm này của Mỹ và Úc cũng được Pháp, hôm qua, 21/04/2022, chia sẻ. Paris lấy làm tiếc về sự thiếu minh bạch của thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quan ngại về "những tham vọng" của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 22/04/2022

**********************

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lần đầu tiên thảo luận với đồng nhiệm Trung Quốc

Thụy My, RFI, 21/04/2022

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 20/04/2022 đã điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) lần đầu tiên, trong bối cảnh Hoa Kỳ luôn quan ngại việc Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.

tq3

Ảnh minh họa : bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, Washington, tháng 11/2021. © AP Photo/Alex Brandon

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết ông Lloyd Austin và Ngụy Phượng Hòa đã thảo luận về quan hệ quốc phòng đôi bên, các vấn đề an ninh khu vực, và cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.

Một viên chức quốc phòng cao cấp nói với AP, ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý cạnh tranh chiến lược, kể cả trong lãnh vực nguyên tử, vũ trụ và không gian ảo, cải thiện việc liên lạc trong giai đoạn khủng hoảng giữa các cường quốc. Ông cũng nêu ra các quan ngại về những khiêu khích quân sự của Trung Quốc với Đài Loan, các hành động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuộc trao đổi hôm qua diễn ra tiếp theo cuộc điện đàm của tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Ba, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh cáo Trung Quốc sẽ phải "trả giá" nếu hỗ trợ quân sự cho Nga. Nhà Trắng không cho biết Bắc Kinh có cam kết về vấn đề này hay không.

Al Jazeera ghi nhận, từ nhiều tháng qua, bộ trưởng Austin vẫn tìm cách đối thoại với tướng Hứa Kỳ Lượng nhưng không thành công. Ông Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương có ảnh hưởng lớn nhất, còn về mặt chính thức thì ông Ngụy Phượng Hòa là đồng nhiệm với ông Austin.

Cho đến nay, truyền thông Nhà nước Trung Quốc luôn lặp lại những luận điệu tuyên truyền của Nga về cuộc chiến tranh Ukraine, dù sau lời kêu gọi của ông Biden hồi tháng Ba, Bắc Kinh nói rằng "không muốn thấy leo thang chiến tranh" ở Ukraine, và "Trung Quốc luôn ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh". Trong cuộc họp với NATO tại Bruxelles hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nêu ra những lo ngại về "sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc xâm lăng của Nga", nhất là mức độ bóp méo thông tin.

Mỹ tố cáo Trung Quốc thiếu minh bạch trong thỏa thuận với Salomon

Hoa Kỳ hôm qua 20/04 tố cáo thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và đảo quốc Salomon là "thiếu minh bạch". Thỏa thuận này được ký trước khi phái đoàn Mỹ đặt chân lên hòn đảo. Một phát ngôn viên ngoại giao Mỹ nói với AFP là Washington lo ngại về xu hướng Bắc Kinh đưa ra những thỏa thuận mơ hồ, không tham vấn các nước trong khu vực về đánh cá, quản lý nguồn lợi, viện trợ phát triển và an ninh.

Bất chấp cảnh báo của các đồng minh Hoa Kỳ và Úc, thủ tướng Salomon Manasseh Sogavare hôm qua xác nhận đã ký "hiệp định khung về an ninh" với Trung Quốc, nhưng nội dung không được công bố. Một dự thảo được tiết lộ trước đó cho phép Trung Quốc đưa chiến hạm và công an đến quần đảo, trong khi Washington và Canberra từ lâu vẫn lo ngại Bắc Kinh xây dựng một căn cứ hải quân tại Nam Thái Bình Dương. Một phái đoàn cao cấp Mỹ sẽ đến quần đảo Salomon trong tuần này cũng vì vấn đề trên.

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/04/2022

Published in Châu Á

Trung Quốc phản công ngoại giao nhắm vào phương Tây

Cuộc đọ sức ngoại giao giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp tục gay cấn. Miến Điện vẫn chìm trong bạo lực trấn áp phong trào chống chính quyền quân sự. Pháp trước áp lực lớn của làn sóng dịch Covid 19, chính phủ tỏ ra bất lực. Đó là những chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay.

phancong1

Công an Trung Quốc đứng gác bên ngoài sứ quán Anh Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/03/2021. AP - Mark Schiefelbein

Thời sự quốc tế liên quan đến Châu Á được nhật báo Le Monde đề cập đến vẫn là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây, qua bài phân tích có tựa đề : "Một tuần điên rồ của ngoại giao Trung Quốc chống lại phương Tây".

Le Monde ghi nhận từ sau cuộc gặp giữa ngoại giao Trung-Mỹ tại Alaska thất bại hoàn toàn hôm 18/03, Bắc Kinh đã liên tiếp các hoạt động ngoại giao mà theo tờ báo, "chỉ làm gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ và các đồng minh, nhất là Liên Hiệp Châu Âu".

Bắt đầu là màn trừng phạt phối hợp của phương Tây. Ngày 22/03, Liên Hiệp Châu Âu, Anh, Canada và Hoa Kỳ đã thông báo trừng phạt một loạt các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc có dính dáng đến chính sách trấn áp người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Những biện pháp mang tính biểu tượng cao nhưng hiệu quả hạn chế, như bình luận của Le Monde. Căng thẳng leo thang khi Bắc Kinh đáp trả phương Tây bằng loạt trừng phạt tương tự.

Cùng lúc tại Trung Quốc, xuất hiện phong trào tẩy chay một loạt các nhãn mác hàng hóa của các hãng dệt may phương Tây đã từ chối dùng bông của Tân Cương vì là sản phẩm do người Duy Ngô Nhĩ làm ra dưới chính sách cưỡng bức lao động. Chính quyền Bắc Kinh khẳng định không liên quan đến phong trào tẩy chay này, nhưng rõ ràng là nó được chính quyền hậu thuẫn một cách không hề ngẫu nhiên.

Le Monde nhận định : "Trên vấn đề nhân quyền, Trung Quốc không còn chấp nhận phòng thủ nữa mà chủ trương tấn công mạnh hơn". Không ngừng lên án phương Tây lấy cơ nhân quyền để can thiệp nội bộ Trung Quốc, Bắc Kinh hôm 24/3 cũng công bố báo cáo hàng năm về "tình trạng vi phạm nhân quyền ở Mỹ trong năm 2020", với điển hình là vụ George Floyd bị chết trong tay cảnh sát Minneapolis hồi tháng 5 năm ngoái.

Trong tất cả các lĩnh vực, những ngày qua Trung Quốc tỏ cho thấy họ không chấp nhận nhượng bộ. Hôm 26/03, Hoa Kỳ ký với Đài Loan thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, chỉ vài giờ sau, Bắc Kinh hành động ngay bằng việc điều hai chục chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Động thái gần nhất trong tuần tấn công ngoại giao cấp tập của Bắc Kinh là chuyến công du của ngoại trưởng Vương Nghị đến một loạt các nước Trung Đông, đưa ra sáng kiến để thiết lập ổn định và an ninh trong vùng. Cuối cùng là ký với Iran "kế hoạch hợp tác toàn diện" trong vòng 25 năm. Thỏa thuận này cũng có ý nghĩa như một thách thức với Hoa Kỳ, theo Le Monde.

Tờ báo kết luận, "dù đó là vấn đề nhân quyền, Đài Loan hay Iran, những ngày qua hố sâu cách biệt lại rộng thêm giữa Bắc Kinh và Washington và cả Bruxelles".

Miến Điện, đồng minh trung thành và chiến lược của Nga

Vẫn trong hồ sơ quốc tế, nhật báo Le Monde trở lại với tình hình Miến Điện trong "ngày thứ Bảy đen tối", chính quyền quân sự kỷ niệm rầm rộ ngày thành lập quân đội Miến Điện, đáng chú ý là sự hiện diện của thứ trưởng quốc phòng Nga.

Trấn áp bạo lực giết hại cả trăm người biểu tình trong ngày 27/03 của quân đội Miến Điện lại làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng đông quốc tế. Nhưng áp lực của quốc tế vẫn không làm chế độ quân sự phải chùn tay. Một trong những lý do là chính quyền quân sự Miến Điện vẫn tìm được sự hậu thuẫn từ Nga. Điều này được thể hiện qua sự có mặt của thứ trưởng quốc phòng Nga, Alexandre Fomine, trong lễ diễu binh kỷ niệm ngày quân lực Miến Điện hôm 27/03 vừa rồi.

Đó là sự ủng hộ quý giá đối với tập đoàn quân sự vào lúc các vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình dân chủ đang khiến chế độ quân sự đang bị quốc tế cô lập và bài xích. Quan chức cao cấp quốc phòng Nga nhân dịp này đã ca ngợi Miến Điện như là "đồng minh trung thành và đối tác chiến lược" của Nga. Hồi tháng 6/2020, tướng Min Aung Hlaing đã tới Moskva tham dự lễ kỷ niệm 75 ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, cũng trong bối cảnh nước Nga bị phương Tây cô lập.

Quan hệ hữu nghị với Nga là sống còn với giới tướng lĩnh Miến Điện, giúp họ tránh phải đối mặt riêng lẻ với Trung Quốc, vẫn được coi là đồng minh nhưng đầy ngờ vực. Về phần Nga, sự hiện diện của thứ trưởng quốc phòng A. Fomine khẳng định Moskva quyết tâm củng cố vị thế tại Đông Nam Á, lợi dụng khoảng trống mà các đối thủ của họ để lại.

Le Monde nhắc lại là, hồi cuối tháng Giêng, vài ngày trước cuộc đảo chính, bộ trưởng quốc phòng Nga đã có chuyến công du Miến Điện. Còn theo BBC, tướng Min Aung Hlaing đã có tới 6 lần công du Moskva. Khoảng 6000 quân nhân Miến Điện được đào tạo tại Nga.

Phong trào chống chính quyền lập hậu cứ kháng chiến trên đất Thái Lan

Vẫn là hồ sơ khủng hoảng Miến Điện, nhật báo Libération có bài phóng sự dài ghi nhận Thái Lan trở thành sân sau của phong trào phản kháng Miến Điện. Trong bối cảnh bị chính quyền trong nước đàn áp, làn sóng người tỵ nạn Miến Điện đang đổ qua biên giới Thái Lan ngày càng đông. Không chỉ để chạy trốn bạo lực, những người này, bao gồm cả những dân sắc tộc thiểu số Karen, và những nhà hoạt động chính trị đối lập, những người tham gia phong trào bất tuân dân sự, đang quy tụ lại với nhau để hình thành lực lượng kháng chiến chống chế độ quân sự trong nước.

Pháp : Khủng hoảng Covid, chính phủ bị chỉ trích bất lực

Chuyển qua với thời sự đang được dư luận Pháp quan tâm nhất hiện nay. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng, chính phủ Pháp đang bị dồn đến chân tường.

Các báo hôm nay đều có chung nhận xét, diễn biến dịch Covid-19 đang là vấn đề đau đầu của chính phủ, các bệnh viện đã quá tải, dịch bệnh vẫn ngoài tầm kiểm soát, virus lây lan rộng khiến hàng loạt trường học phải đóng cửa, chiến dịch tiêm chủng thì diễn ra ì ạch, làn sóng dịch thứ ba đang đẩy vùng thủ đô và phụ cận Ile de France đến gần tai họa. Tổng thống Pháp Macon, bị dồn vào chân tường. Nhật báo Libération chạy tựa chính trang nhất với bức ảnh tổng thống Macron khoanh tay ngồi trên ghế, mắt nhìn xa xăm cùng hàng tựa : "Ông còn đợi gì ?".

Các báo đều tập trung vào chỉ trích chính phủ đã không còn biết làm gì hơn ngoài những biện pháp hạn chế, phòng dịch đã đưa ra và nhất là đến tình hình như hiện nay, tổng thống Pháp vẫn không thừa nhận đã thất bai trong cuôc chiến chống Covid-19. Các biện pháp của chính phủ đưa ra luôn bị phê phán là nửa vời, chậm chạp không dự tính trước các tình huống có thể xảy ra...

Cùng nhận định với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos có bài "đỉnh làn sóng dịch thứ 2 bị vượt qua, Macron bị dồn đến chân tường". Chiến lược phòng chống Covid-19 đang bị áp lực chỉ trích mạnh hơn bao giờ hết. Ngày mai tổng thống sẽ phải đưa ra những biện pháp tăng cường để đối phó với tình hình dịch khẩn cấp hiện nay, nhưng các biện pháp cũng không còn nhiều, ngoài hướng tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng.

Dịch bệnh lộ rõ yếu kém của y tế Pháp

Về chủ đề khủng hoảng Covid, Le Figaro khai thác khía cạnh yếu kém của hệ thống bệnh viện của Pháp, bộc lộ trong trân dịch này. Tờ báo chạy tựa : "Bệnh viện Pháp ốm yếu vì bệnh quan liêu". Bài phóng sự điều tra của tờ báo cho thấy đã bao nhiều năm nay, hệ thống bệnh viện của Pháp trở nên suy yếu vị bị hệ thống hành chính quan liêu nặng nề. Mọi quyết định đều bị cản trở bởi hệ thống quản lý hành chính cồng kềnh đến khi có biến mới lộ ra những nhược điểm đã thành kinh niên. Nước Pháp vẫn tự hào có hệ thống y tế vào loại tốt nhất thế giới, nhưng trong trận dịch 1 năm nay, từ việc khẩu trang, tầm soát bệnh, trang thiết bị hồi sức cấp cứu rồi đến tiêm chủng, cứ qua mỗi một giai đoạn quyết định đó lại bộc lộ sự lúng túng yếu kém của hệ thống y tế Pháp.

Kênh Suez khai thông, thương mại thế giới thở phào

Cuối cùng là một tin vui được hầu hết các báo Pháp đưa tin mà cả thế giới thương mại đang ngóng chờ. Kênh Suez đã được khai thông trở lại.

Con tàu chở container khổng lồ, Ever Given, mắc kẹt chắn ngang con kênh huyết mạch giao thông hàng hải thế giới suốt một tuần, đến tối qua đã nổi lại bình thường và lưu thông trên kênh Suez đã có thể nối lại, tuy nhiên phải mất nhiều ngày nữa mới có thể giải tỏa toàn bộ số hơn 400 tàu hàng bị tắc nghẽn do vụ tai nạn hy hữu này. Tàu Ever Given được giải cứu nhờ những nỗ lực khẩn trương của chính quyền Ai Cập và của nhiều chuyên gia quốc tế, nhưng một phần cũng là do may mắn tối qua triều cường lên cao bất ngờ đã tạo điều kiện thuận lợi để con tàu có thể nổi trở lại. Thương mại thế giới trong những ngày qua đã thiệt hại từ 5-8 tỷ euro vì kênh Suez.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Trung Quốc xấc xược, quần hùng phương Tây liên thủ

Thứ ngôn ngữ cực đoan của Bắc Kinh không che giấu được sự lo âu của một đảng độc tài luôn bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô, và nỗi sợ bị vây hãm. Tập hoàng đế bám chặt vào "Trung Hoa mộng", tìm cách tấn công phương Tây trước khi Trung Quốc bị lão hóa dân số, tăng trưởng chậm lại và ngập trong nợ nần. Với nguy cơ làm dấy lên những điểm nóng, từ Đài Loan đến Himalaya và Biển Đông.

lienthu1

Ảnh minh họa chụp ngày 20/09/2018 tại Hòa Điền (Hotan) ở Tân Cương : Một phụ nữ chở con đi học ngang qua một pa-nô tuyên truyền với ảnh "bác" Tập tươi cười bên cạnh người dân Duy Ngô Nhĩ.  AP - Andy Wong

Pháp tiến hành tiêm chủng hàng loạt, sự chia rẽ của các đảng trước kỳ bầu cử tổng thống lần tới, Covid đã làm đảo lộn kỹ nghệ dược phẩm, nạn kỳ thị người Châu Á, là những đề tài trên trang nhất báo Pháp hôm nay. Ở trang trong, tất cả các báo đều bình luận về quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Le Mondetóm tắt "Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa", Les Echosnhận xét "Quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc xuống cấp trầm trọng", còn đối vớiLa Croix "Trung Quốc quyết định ăn miếng trả miếng với phương Tây". Libérationmô tả "Duy Ngô Nhĩ : Nghệ thuật chiến tranh giữa Trung Quốc và Châu Âu".

Châu Âu trừng phạt Trung Quốc lần đầu kể từ 30 năm

Le Monde ghi nhận, đây là lần đầu tiên 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) phải ra tay với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Hôm thứ Hai 22/03 tại Bruxelles, một loạt biện pháp trừng phạt 7 nước đã được đưa ra, đặc biệt là với Trung Quốc, có phối hợp một phần với Hoa Kỳ, Canada và Anh.

Bốn quan chức Tân Cương bị nhắm đến Chu Hải Luân (Zhu Hailun), nguyên phó bí thư, hai người đương chức là Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), Vương Quân Chính (Wang Junzheng) và Trần Minh Quốc (Chen Minggu, giám đốc công an khu tự trị Tân Cương, và một định chế là Sở Công an Tân Cương. Tờ báo lưu ý là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc không có trong danh sách, trong khi đây chính là nhân vật thực hiện chủ trương đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc trả đũa nặng hơn, bằng cách trừng phạt đến mười nhân vật và bốn tổ chức Châu Âu, tất cả đều liên quan đến Tân Cương. Trong đó có năm nghị sĩ Châu Âu (Reinhard Bütikofer, Michael Gahler, Raphaël Glucksmann, Ilhan Kyuchyuk, Miriam Lexmann). Bên cạnh đó là dân biểu Doviele Sakaliene (Litva), Sjoerd Sjoersma (Hà Lan), Samuel Cogolati (Bỉ, đã đưa ra dự luật về diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ) và giảng viên đại học Đức Adrian Zenz, tác giả công trình nghiên cứu tiết lộ các trại cải tạo. Kèm theo đó là lời đe dọa "sẽ có những phản ứng khác".

Theo Libération, không phải động thái của EU làm Trung Quốc lo âu, vì việc cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản chỉ liên quan đến các quan chức địa phương, trong khi chính sách là do Bắc Kinh quyết định. Nhưng điều quan trọng là lần đầu tiên từ hơn 30 năm qua, EU mới có biện pháp cứng rắn như thế ; và ngay lập tức lại được Anh, Mỹ, Canada ủng hộ.

Lo sợ phương Tây liên kết, Bắc Kinh tìm cách chia rẽ

Bản thân sự liên kết trên đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy phương Tây ngày càng lo ngại trước sự hiếu chiến của chế độ Tập Cận Bình. Mỹ xích lại gần các đồng minh, tạo mặt trận chung khiến Bắc Kinh lo lắng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, do một sự trùng hợp đang có mặt tại Bruxelles, nhắc lại từ "diệt chủng" và "tội ác chống nhân loại" của người tiền nhiệm Cộng hòa Mike Pompeo, về việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Tờ báo cánh tả cho rằng Bắc Kinh đã chọn lựa mắt xích yếu nhất trong mặt trận phương Tây là EU để tấn công một cách thô bạo. Cho dù ngày càng bớt ngây thơ trước Trung Quốc kể từ 2017, lợi ích quốc gia của các nước thành viên không giống nhau, cũng như tầm nhìn địa chính trị. Đức, Ý coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính, trong khi Pháp, cũng như Mỹ, nhạy cảm trước vấn đề an ninh khu vực và thế giới mà Trung Quốc, đại cường dân tộc chủ nghĩa đặt ra.

Libération nhắc nhở, đừng quên có 12 nước EU còn thuộc nhóm 17+1 do Bắc Kinh lập ra năm 2012 gồm các nước Trung Âu và Đông Âu, với mồi nhử đầu tư để làm yếu đi Tây Âu. Trung Quốc tìm được đồng minh nơi nước Nga của Vladimir Putin, là bậc thầy trong việc chia rẽ. Một sự trùng hợp khác : ngoại trưởng Nga Lavrov trong hai ngày đầu tuần đã gặp Vương Nghị tại Bắc Kinh, cả hai tuyên bố phương Tây "không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác".

Les Echos nêu tuyên bố của Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau cuộc khẩu chiến Mỹ-Trung dữ dội ở Alaska, cho rằng EU, Anh, Canada, Mỹ "chỉ chiếm có 11% dân số thế giới, không thể đại diện cho dư luận quốc tế".

Lư Sa Dã, đại sứ gây sóng gió ngoại giao giữa Pháp và Trung Quốc

Le Figarođiểm mặt chỉ tên "Lư Sa Dã, đại sứ đã gây sóng gió ngoại giao giữa Paris và Bắc Kinh". Tờ báo viết, do tru tréo quá nhiều, những "chiến binh sói" Trung Quốc rốt cuộc đã khiến Paris tức giận, đụng chạm đến sự nhạy cảm của ngành ngoại giao Pháp. Những lời thóa mạ, có thể nói là chửi rủa của đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Pháp - khuôn mặt tiêu biểu cho thế hệ ngoại giao mới của Trung Quốc đặc biệt hung hăng - tất nhiên là dẫn đến việc Bộ Ngoại giao Pháp phải triệu tập.

"Tiểu tốt", "lưu manh vặt", "linh cẩu điên", "gây rối về ý thức hệ", đó là những từ ngữ mà ông đại sứ Lư Sa Dã (Lu Shaye) dùng để tấn công Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu Pháp rất được tôn trọng thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), một trong những chuyên gia thông thạo nhất về Trung Quốc.

Hôm thứ Hai 22/03, ông Lư lấy cớ không thu xếp được lịch làm việc để không đến theo lời mời. Đại sứ quán Trung Quốc "nổ" trên Twitter : "Ngày mai ông ấy sẽ đến để có những động thái với phía Pháp về việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt, và các vấn đề liên quan đến Đài Loan". Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Châu Âu Clément Beaune không giấu được sự tức giận : "Cả Pháp lẫn Châu Âu không phải là tấm thảm chùi chân. Khi là đại sứ và bị triệu tập thì phải đến".

Les Echoslưu ý, trong khi Lư Sa Dã "câu giờ", thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi EU loan báo trừng phạt, đại sứ EU ở Bắc Kinh, Nicolas Chapuis lại bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu mời vào lúc nửa đêm để phản đối ! Tại Châu Âu, ngoài Pháp, các đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, Đức, Hà Lan cũng đã bị triệu tập.

Tiếng tru của "chiến binh sói" đã vượt lằn ranh đỏ

Điều hiếm khi xảy ra là Bộ Ngoại giao Pháp vốn tế nhị nhưng trong thông cáo đã công khai tố cáo Lư Sa Dã đã "vượt qua lằn ranh đỏ". Sáng thứ Ba, khi ông Lư đến, ông Bertrand Lortholary, giám đốc phụ trách Châu Á đã cảnh báo rằng cung cách, giọng điệu của ông ta "hoàn toàn không thể chấp nhận được, đã vượt quá tất cả những giới hạn của một đại sứ". Những lời nhục mạ "đặt ra một vấn đề căn cơ, cho thấy phương pháp đe dọa". Cuộc đối thoại kéo dài 20 phút, và khi đại sứ Trung Quốc toan nêu ra vấn đề Đài Loan, ông ta được yêu cầu lấy một cái hẹn khác.

Antoine Bondaz hoan nghênh động thái chấn chỉnh các "chiến lang" Trung Quốc của ngành ngoại giao Pháp, cho rằng ông đại sứ có thể chỉ trích nhưng không có quyền ra lệnh cho các nghị sĩ Pháp nên đến Đài Loan hay không. Việc chuyên gia bị tấn công cá nhân chứ không phải vì các nghiên cứu của mình, đã tạo ra hình ảnh xấu xí của Trung Quốc tại Pháp.

Lâu nay Pháp và nhiều nước Châu Âu vẫn đặt vấn đề nhân quyền xuống hàng thứ yếu, ưu tiên cho quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng nay không thể tiếp tục trước sự thức tỉnh của dư luận chống lại nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Ông Bondaz nhấn mạnh : "Chúng ta ngỡ rằng không nói công khai về nhân quyền tại Trung Quốc thì sẽ được nhượng bộ về kinh tế. Đó là sai lầm".

Đội ngũ "chiến lang" làm hại cho thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc ?

Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận, Bắc Kinh tránh trừng phạt các nhân vật tiếng tăm trong giới kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh tồi tệ hiện nay, thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc mà Bắc Kinh đã thúc giục ký kết vào cuối năm ngoái, liệu sẽ được các nghị sĩ Châu Âu thông qua ?

Hôm qua, một hội nghị về chủ đề này tại Nghị Viện Châu Âu đã bị hủy bỏ, và các nghị sĩ liên tục có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc. Giới doanh nhân vẫn le lói hy vọng, nhưng dường như khó thể thuyết phục được các nghị sĩ - vừa thấy nhiều đồng nghiệp của mình bị cấm nhập cảnh vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Trả lời phỏng vấn Libération, ông Raphael Glucksmann, một trong năm nghị sĩ bị Bắc Kinh cho vào danh sách đen lưu ý đây là lần đầu tiên các đại biểu Châu Âu bị một nước ngoài trừng phạt. Cộng thêm các sự kiện khác, rõ ràng các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay tin rằng đại dịch Covid - xuất phát từ Trung Quốc - đã chứng tỏ sự ưu việt của chế độ, và lịch sử đứng về phía họ.

Nghị sĩ Glucksmann nhấn mạnh, không thể để cho Bắc Kinh làm mưa làm gió tùy thích. Châu Âu luôn là thị trường hàng đầu và cũng hàng đầu về thương mại quốc tế, cần phải biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị. Le Figaro cũng nhận xét, từ Paris đến Alaska, Trung Quốc cộng sản xua đội quân "chiến lang" sủa inh ỏi để lấn át các đối tác thương mại lớn nhất, với giọng điệu đại đế, như suốt một thời gian dài trong lịch sử đã từng hiếp đáp các láng giềng nhỏ yếu.

Bóng dáng Tập Cận Bình và "giấc mơ Trung Hoa"

Phía sau thái độ xấc xược của đại sứ Lư Sa Dã, là bóng dáng của Tập Cận Bình, cổ vũ cho chủ trương dân tộc chủ nghĩa chống phương Tây, với bàn tay sắt như thời Mao. Cuộc đấu khẩu giữa Dương Khiết Trì với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã mở ra kỷ nguyên đối đầu trong thế kỷ 21, xóa sạch cú bắt tay lịch sử giữa Nixon và Mao năm 1972.

Sự chủ ý tấn công này nhằm mục đích kết liễu trật tự thế giới sau đại chiến dựa trên các giá trị phương Tây. Sau kinh tế, công nghệ và quân sự, nay Trung Quốc dấn vào mặt trận ý thức hệ. Từ vài tháng qua, đảng ra lệnh cho các học giả, truyền thông và nhà ngoại giao tiến công trên mọi phía, từ Twitter cho đến Liên Hiệp Quốc, trong những tổ chức quốc tế bị Bắc Kinh lũng đoạn.

Theo phân tích các nhà chiến lược đỏ thì đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ xuống dốc của phương Tây. Thay vì chinh phục thế giới, đại cường kinh tế số 1 tương lai muốn phá hoại từ bên trong hệ thống quốc tế mang tính nhân văn, thò chiếc vòi bạch tuộc từ Châu Phi đến Châu Mỹ la-tinh để hòng bao vây phương Tây.

Nhưng theo Le Figaro, thứ ngôn ngữ cực đoan của Bắc Kinh không che giấu được sự lo âu của một đảng độc tài luôn bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô, và nỗi sợ bị vây hãm. Tập hoàng đế bám chặt vào "Trung Hoa mộng", tìm cách tấn công phương Tây trước khi Trung Quốc bị lão hóa dân số, tăng trưởng chậm lại và ngập trong nợ nần. Với nguy cơ làm dấy lên những điểm nóng của một cuộc chiến tranh lạnh mới, từ Đài Loan đến Himalaya và Biển Đông.

Thụy My

Published in Quốc tế

Khi nói về Trung Quốc, điều thường lặp lại trong các câu là : tăng cường kiểm duyệt và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi hành động để cổ vũ các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Đó là tinh thần yêu nước, sự hài hòa và cư xử lịch sự.

tq1

Vì sao Trung Quốc quan tâm đến vấn đề đó ? Bởi vì trong nước có khoảng trống giá trị, Jyrki Kallio, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện các vấn đề quốc tế nói. Trong thực tiễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính trị tư bản đã vượt xa lý tưởng xã hội chủ nghĩa đến mức mọi người không còn biết phải tin cái gì nữa.

"Đồng thời, đảng cố gắng giữ cho người dân tinh thần yêu nước và tránh xa các giá trị và ý tưởng phương Tây".

Ảnh hưởng của phương Tây không chỉ là một sự thóa mạ đối với Trung Quốc mà còn là mối đe dọa tiềm tàng cho sự gắn kết dân tộc. Có rất nhiều ví dụ về sự xuất hiện của kiểm duyệt và chủ nghĩa dân tộc trong cuộc sống hàng ngày của người Trung Quốc bình thường trong năm nay.

Đốt sách cấm

Cuối tuần trước, một đoạn video về nhân viên thư viện đốt sách ở Trấn Nguyên, tỉnh Cam Túc, lưu hành trên mạng xã hội Trung Quốc. Việc đốt sách diễn ra sớm nhất là hồi tháng Mười, nhưng bây giờ mới lan rộng một cách công khai.

Theo thư viện, vấn đề là để tiêu hủy "nhanh chóng và hiệu quả" các ấn phẩm bất hợp pháp. Thư viện cố gắng thực hiện tốt nhất việc quảng bá các giá trị Trung Quốc. Một bài đăng trên mạng xã hội sau đó đã bị xóa cho biết hai nữ thủ thư đã đốt tổng cộng 65 cuốn sách.

Hôm thứ Hai, chính quyền địa phương Trấn Nguyên thông báo rằng những thủ thư đốt sách sẽ bị xử phạt vì đốt sách công khai trên đường phố và không gói kín và niêm phong sách như hướng dẫn.

Hồi tháng Mười vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ra lệnh làm sạch thư viện các trường tiểu học và trung học. Những cuốn sách bất hợp pháp, với nội dung không phù hợp, chống Cộng sản hoặc có tính chất tôn giáo cần được loại bỏ. Những cuốn sách bôi nhọ đảng, nhà nước hoặc quân đội Trung Quốc cũng nằm trong số bị loại bỏ.

Cấm nam giới đeo khuyên tai

Hồi tháng Một, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn rằng đàn ông xuất hiện trên truyền hình không được đeo khuyên tai. Nếu có, chúng sẽ bị làm mờ bởi chương trình phát sóng.

Tại Trung Quốc, nhiều ngôi sao và diễn viên nhạc pop nam nổi tiếng đeo khuyên tai và trang điểm. Sự thiếu nam tính khiến một số cơ quan nhà nước lo lắng. Năm ngoái Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước, đã xuất bản một bài báo chế nhạo các thần tượng nhạc pop Trung Quốc là "ẻo lả" và nói rằng "thanh thiếu niên bị ảnh hưởng xấu bởi văn hóa bệnh hoạn này"

Ngoài khuyên tai, một số điều khác bị hạn chế xuất hiện công khai ở Trung Quốc. Các cầu thủ bóng đá Trung Quốc nên mặc áo dài tay nếu họ có hình xăm trên cánh tay. Phụ nữ đã được yêu cầu giảm bớt đường viền nơi cổ áo của họ. Lời bài hát rap bị kiểm duyệt nếu chúng liên quan đến một cái gì đó không phải thanh bình và hòa hợp.

Trong năm qua, Trung Quốc cũng đã kiểm duyệt nội dung Internet được cho là có "tâm lí u buồn’. Theo Tân Hoa Xã, 26.000 trang web đã bị đóng cửa và sáu triệu bài viết đã bị xóa.

Hướng dẫn đạo đức công dân

Hai tháng trước, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố "kế hoạch xây dựng đạo đức công dân trong thời đại mới". Nó là sự tiếp nối một hướng dẫn ban hành từ năm 2001.

Tân Hoa Xã cho biết cần có những hướng dẫn mới, bởi vì Trung Quốc vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xấu của phương Tây và "xói mòn văn hóa".

Kế hoạch kêu gọi mọi người tuân thủ đạo đức của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội, và yêu tổ quốc. Các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội là cơ sở để củng cố quyền lực của Trung Quốc. Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội và là điểm khởi đầu cho sự phát triển đạo đức.

Phần cuối, bản kế hoạch tuyên bố rằng mọi người – đặc biệt là người nước ngoài xúc phạm tình cảm của Trung Quốc hoặc làm tổn hại đến "phẩm giá quốc gia" – phải bị trừng phạt theo luật pháp và quy định. Họ phải đóng một vai trò răn đe và giáo dục.

Đồng tính luyến ái, người ngoài hành tinh, Gấu Pooh bị cấm trên màn ảnh rộng

Trung Quốc kiểm duyệt phim một cách nghiêm ngặt. Theo hạn ngạch, khoảng 34 bộ phim Hollywood có thể vào thị trường Trung Quốc mỗi năm và việc lựa chọn chúng là một quá trình khắt khe.

Bộ phim Bohemian Rhapsody nói về ca sĩ Freddie Mercury của ban nhạc Queen được công chiếu lần đầu tại Trung Quốc hồi tháng Ba nhưng bị cắt mất 3 phút so với bản gốc. Những đoạn bị cắt bao gồm những cảnh nói về xu hướng tình dục lưỡng tính và bạn trai của Mercury. Các nhà kiểm duyệt cũng cắt cảnh ban nhạc xuất hiện trong trang phục phụ nữ.

Năm ngoái, bộ phim Christopher Robin có hình ảnh Gấu Pooh đã bị cấm. Lý do là nhân vật gấu Pooh được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội như một biểu tượng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Call Me by Your Name cũng bị kiểm duyệt vì đồng tính luyến ái tại Liên hoan phim Bắc Kinh. Hai năm trước, phim Alien : Covenant đã cắt bỏ gần như tất cả các cảnh người ngoài hành tinh, làm dấy lên cuộc bút chiến trên mạng xã hội Trung Quốc, vì người ngoài hành tinh, theo tên gọi, là một phần không thể thiếu của bộ phim.

Tin tưởng Đảng là niềm tin tốt nhất

Ở Tây Bắc Trung Quốc, cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương vẫn tiếp tục. Theo một số ước tính, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại cải tạo.

Trong suốt năm nay, cuộc sống của những người Hồi giáo Trung Quốc khác cũng đã bị can thiệp một cách thô bạo khắp Trung Quốc. Cụ thể, có các hành động nhắm vào người Hồi, cùng với người Duy Ngô Nhĩ, là những nhóm thiểu số Hồi giáo lớn nhất trong cả nước.

Thời báo New York mới đây đưa tin rằng các tháp chuông và nhà thờ Hồi giáo đã bị phá hủy ở các khu Hồi giáo ở đông bắc Trung Quốc. Việc phá hủy như vậy cũng được thực hiện ở Nội Mông, Hà Nam và Ninh Hạ. Ở Bắc Kinh, các văn bản tiếng Ả Rập có thể không còn được sử dụng hoặc xuất hiện ở nơi công cộng.

Vào tháng Chín, Thời báo New York đã nhận được các chỉ thị bí mật của Đảng Cộng sản đưa ra các hướng dẫn kiểm soát Hồi giáo. Lý do là Đảng lo sợ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và đe dọa đối với đoàn kết dân tộc.

Ước tính có khoảng 22 triệu người Hồi giáo ở Trung Quốc.

Người Kitô giáo cũng khó thực hành tôn giáo của mình. Việc bán Kinh Thánh cũng bị cấm trên Internet. Các nhà thờ bị giám sát và các giáo xứ bị đóng cửa. Các nhà lãnh đạo tinh thần đã bị bắt và trẻ vị thành niên bị cấm tham dự các hoạt động ở nhà thờ.

Năm ngoái, nhiều thành phố của Trung Quốc đã cấm tổ chức lễ Giáng sinh tại các trường học và tập trung vào các lễ kỷ niệm truyền thống của Trung Quốc. Thị trấn Lang Phường ở Hà Bắc đã ra lệnh loại bỏ các đồ trang trí Giáng sinh. Các nhân vật ông già Noel và cây thông Noel nằm trong danh sách đen có nguy cơ bị phạt.

Ước tính có ít nhất 60 triệu Kitô hữu ở Trung Quốc, có thể nhiều hơn.

Trong năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng tất cả các tôn giáo cần phải phụ thuộc vào văn hóa Trung Quốc và Đảng Cộng sản. Hiện tại có rất ít tự do tôn giáo.

Dạy tư tưởng đảng cho học sinh

Giáo dục lòng yêu nước là bắt buộc đối với học sinh Trung Quốc. Tài liệu học tập nước ngoài có thể không được sử dụng trong các trường tiểu học hoặc trung học.

Năm nay Trung Quốc sửa đổi các hướng dẫn về giáo dục lòng yêu nước dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Các hướng dẫn nêu rất rõ ràng : ngoài tình yêu nước, cần phải suy nghĩ nồng nhiệt về Đảng Cộng sản và tư tưởng chính trị của Đảng.

Trong nhiều trường học, học sinh đeo những chiếc khăn quàng đỏ, được gọi là biểu tượng của chủ nghĩa xã hội.

Các "trường Chủ nhật" dành cho các tín đồ đạo Khổng cũng đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trẻ em học thuộc lòng các bài học khuyển dương các giá trị và học thuyết truyền thống của Trung Quốc.

Hồi tháng Ba, ở Trịnh Giang, trường đại học ở đây và Hội Phụ nữ Trung Quốc đã tổ chức một khóa học để dạy cho những người tham gia phong cách nữ tính dưới thời chủ tịch Tập. Họ học cách trở thành người phụ nữ trí tuệ, vui tươi và hoàn hảo. Trí tuệ đến từ kiến ​​thức về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, vui tươi đến từ hội họa và kiến ​​thức về nghi thức xã giao. Còn sự hoàn hảo đến từ trang điểm tinh tế.

Trong khóa học, các phụ nữ cũng sẽ học cách ăn mặc, rót trà và ngồi đúng cách.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ sinh giảm mạnh, đảng đã khuyến khích phụ nữ làm vợ và làm mẹ.

Sự bình đẳng giới của Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây, theo Chỉ số bình đẳng giới của Diễn đàn kinh tế thế giới : năm 2013 xếp thứ 69, năm ngoái xếp thứ 103 trong tổng số149 quốc gia được liệt kê.

Những điều này cũng sẽ sớm trở thành bình thường ở Trung Quốc :

– Một hệ thống tính điểm xã hội trên toàn quốc đang được xây dựng. Điểm của công dân ảnh hưởng đến lợi ích hoặc thậm chí các khoản vay.

– Số lượng camera giám sát sẽ tăng lên 2,7 tỷ vào năm 2022. Công nghệ nhận diện khuôn mặt đạt đỉnh cao thế giới.

– Trung Quốc đang phát triển một hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể xác định công dân của mình sau 90 giây với độ chính xác 90%.

Katriina Pajari

Nguyên tác : Näin Kiina taistelee länsimaistumista vastaan : Väärät kirjat poltetaan, yliopistot opettavat oikeanlaista naiseutta ja miesten korvakorut kiellettiin televisiossa, Ulkomaat, 14/12/2019

Việt Xuân dịch từ bản gốc tiếng Phần Lan

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/12/2019

Published in Diễn đàn