Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/04/2022

Sau Nga, Trung Quốc đang trong tầm nhắm của phương Tây

Minh Anh, Thụy My

Liệu Phương Tây có thể trừng phạt Trung Quốc theo cách đã làm với Nga ?

Minh Anh, RFI, 22/04/2022

Ngay sau khi Nga phát động cuộc xâm lăng Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Trung ương và nhiều ngân hàng lớn của Nga hay cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga. Giả như Trung Quốc cũng làm điều gì đó tương tự trên bình diện địa chính trị như xâm chiếm Đài Loan, "liệu Hoa Kỳ có dám phong tỏa hay tịch biên tài sản dự trữ của Trung Quốc hay không ?" 

tq1

Cờ Mỹ và Trung Quốc cùng đồng nhân dân tệ và đô la. Ảnh minh họa.  Reuters/Jason Lee/Illustration/File Photo

Trung Quốc hiện nắm giữ một khối lượng lớn tài sản, 2/3 trong số 3,2 nghìn tỷ dự trữ ngoại hối thông qua các trái phiếu của các chính phủ phương Tây. Do vậy, nếu Hoa Kỳ và Châu Âu ra lệnh cho các định chế tài chính ngưng giao dịch với các ngân hàng Trung Quốc, thì những cơ sở này của Bắc Kinh sẽ mất nguồn tiếp cận đô la, euro và đồng bảng Anh.

Liệu phương Tây có thật sự dám làm hay không ? Đây chính là câu hỏi do ông Vương Vĩnh Lợi (Wang Yongli), cựu thống đốc Ngân Hàng Trung ương Trung Quốc nêu lên trong một bài đăng trong tháng 3/2022. Theo lý thuyết, phong tỏa nguồn dự trữ của Trung Quốc, có lẽ sẽ không gây ra bất ổn. Bắc Kinh khó thể bán hạ giá các trái phiếu, không mua được nhiều chứng khoán của phương Tây hơn Nhưng thị trường trái phiếu không thiếu, và nước này gần đây cũng không phải là nhà đầu tư lớn nhất. Khi xâm chiếm Đài Loan, Trung Quốc chỉ gây ra hỗn loạn đối với các trái phiếu được định giá cao từ các nhà đầu tư tư nhân.

Ngược lại, ông khổng lồ Châu Á này có thể phản đòn, như cho tịch biên các khối tài sản mà phương Tây đang nắm giữ tại Trung Quốc. Ông Gerard DiPippo, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) lưu ý, tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư phương Tây nắm giữ đến 3,6 nghìn tỷ đô la trong đầu tư trực tiếp, bao gồm cả các nhà xưởng không thể di dời và 2,2 nghìn tỷ cổ phiếu, trái phiếu và nhiều khoản tiền đầu tư khác. Nếu gộp hết tất cả, tổng trị giá tài sản mà phương Tây nắm giữ tại Trung Quốc cao hơn gấp 6 lần so với tại Nga.

Ngoài Ngân hàng Trung ương ra, nếu trừng phạt các định chế tài chính, phương Tây có nguy cơ bị "gậy ông đập lưng ông". Theo Financial Stability Board, một cơ quan điều phối tài chính, trong số 30 ngân hàng "quan trọng về hệ thống", có đến bốn ngân hàng là của Trung Quốc. Việc làm tê liệt các ngân hàng này có thể sẽ gây ra những thiệt hại cho nhiều định chế phương Tây có cho họ vay tiền hay nắm giữ các tài khoản của họ.

Các biện pháp như vậy cũng sẽ tàn phá nền thương mại. Phần lớn các khoản thanh toán mậu dịch đều được thực hiện bằng đồng đô la. Martin Chorzempa, thuộc Peterson Institute for International Economics, cảnh báo "nếu không có được các khoản bảo hiểm và tín dụng thương mại, nhiều hoạt động kinh tế sẽ bị cạn kiệt". Hơn nữa, Trung Quốc còn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia, sự gián đoạn này có nguy cơ dẫn đến phần còn lại của thế giới chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Nhưng phương Tây cũng bị ảnh hưởng. Hoa Kỳ và Châu Âu lần lượt nhập khẩu 18% và 22% hàng hóa Trung Quốc, kể cả các linh kiện rời và thiết bị được sử dụng trong sản xuất quốc gia. Nếu ngưng giao thương với Trung Quốc, nghĩa là giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc đến 90% thì xuất khẩu của Mỹ và Châu Âu cũng bị thiệt hại đến 10%.

The Economist nhắc lại, đòn bẩy lớn nhất của Trung Quốc chính là thị trường rộng lớn của nước này. Hoa Kỳ muốn tước nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghệ cao như chất bán dẫn, nhưng nếu cấm vận hoàn toàn thì các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể bị thất thu đến 37%, gây nguy hiểm cho 120 ngàn việc làm.

Để trả đũa, Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử. Hệ quả là dây chuyền cung ứng bị gián đoạn cho một số mặt hàng trọng điểm như pin xe điện và nhiều sản phẩm khác. Và nhất là Trung Quốc có thể trục xuất các đối thủ ra khỏi thị trường mà không một ai muốn bị mất.

Phương Tây có thể tiếp tục giáng những đòn mạnh hơn mỗi khi Nga tìm cách đáp trả, nhưng với Trung Quốc, điều đó là không thể. Trung Quốc có đủ công cụ để đáp trả mạnh mẽ. Mỹ và đồng minh sẽ phải gánh chịu những đòn đau nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự mà họ đang áp dụng với Nga. Theo một số chuyên gia, vì lý do này mà Mỹ và phương Tây sẽ không dám đi xa hơn ! 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 22/04/2022

**********************

Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng ve vãn quần đảo Salomon

Minh Anh, RFI, 22/04/2022

Hôm 22/04/2022, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã đến quần đảo Salomon, vài ngày sau thông báo thỏa thuận an ninh giữa đảo quốc Thái Bình Dương và Trung Quốc đã được ký kết.

tq2

Đặc sứ Mỹ Kurt Campbell (T) sau cuộc hợp với lãnh đạo đối lập Quần đảo Salomon Mathew Wale, tại Honiara, thủ đô Salomon, ngày 22/04/2022.  AFP - Mavis Podokolo

Nhà Trắng cho biết : Sau khi công du Fidji và Papouasie-New Guinea, phái đoàn đến thăm quần đảo Salomon nhằm thúc đẩy "các mối quan hệ đối tác của đôi bên mang lại sự thịnh vượng, an ninh và hòa bình cho các đảo ở Thái Bình Dương và vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương". 

Phái đoàn do đặc sứ Mỹ phụ trách Châu Á, Kurt Campell và ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, dẫn đầu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, vào lúc chiếc máy bay chở phái đoàn Mỹ đã đáp xuống sân bay Honiara, thủ đô Salomon, đại sứ Trung Quốc tại quần đảo này và thủ tướng Manasseh Sogavare khánh thành một đường đua. Đây là một phần của khu phức hợp thể thao do chính Trung Quốc tài trợ nhằm đón Đại Hội Thể Thao vùng Thái Bình Dương 2023.

Trong tuần này, Bắc Kinh đã loan báo ký kết thỏa thuận an ninh với đảo quốc Thái Bình Dương chỉ có gần 800 ngàn dân.

Úc và Mỹ từ lâu lo lắng về khả năng Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân tại Nam Thái Bình Dương, cho phép Bắc Kinh triển khai sức mạnh hải quân vượt ra ngoài biên giới.

Mối bận tâm này của Mỹ và Úc cũng được Pháp, hôm qua, 21/04/2022, chia sẻ. Paris lấy làm tiếc về sự thiếu minh bạch của thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quan ngại về "những tham vọng" của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 22/04/2022

**********************

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lần đầu tiên thảo luận với đồng nhiệm Trung Quốc

Thụy My, RFI, 21/04/2022

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 20/04/2022 đã điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) lần đầu tiên, trong bối cảnh Hoa Kỳ luôn quan ngại việc Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.

tq3

Ảnh minh họa : bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, Washington, tháng 11/2021. © AP Photo/Alex Brandon

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết ông Lloyd Austin và Ngụy Phượng Hòa đã thảo luận về quan hệ quốc phòng đôi bên, các vấn đề an ninh khu vực, và cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.

Một viên chức quốc phòng cao cấp nói với AP, ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý cạnh tranh chiến lược, kể cả trong lãnh vực nguyên tử, vũ trụ và không gian ảo, cải thiện việc liên lạc trong giai đoạn khủng hoảng giữa các cường quốc. Ông cũng nêu ra các quan ngại về những khiêu khích quân sự của Trung Quốc với Đài Loan, các hành động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuộc trao đổi hôm qua diễn ra tiếp theo cuộc điện đàm của tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Ba, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh cáo Trung Quốc sẽ phải "trả giá" nếu hỗ trợ quân sự cho Nga. Nhà Trắng không cho biết Bắc Kinh có cam kết về vấn đề này hay không.

Al Jazeera ghi nhận, từ nhiều tháng qua, bộ trưởng Austin vẫn tìm cách đối thoại với tướng Hứa Kỳ Lượng nhưng không thành công. Ông Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương có ảnh hưởng lớn nhất, còn về mặt chính thức thì ông Ngụy Phượng Hòa là đồng nhiệm với ông Austin.

Cho đến nay, truyền thông Nhà nước Trung Quốc luôn lặp lại những luận điệu tuyên truyền của Nga về cuộc chiến tranh Ukraine, dù sau lời kêu gọi của ông Biden hồi tháng Ba, Bắc Kinh nói rằng "không muốn thấy leo thang chiến tranh" ở Ukraine, và "Trung Quốc luôn ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh". Trong cuộc họp với NATO tại Bruxelles hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nêu ra những lo ngại về "sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc xâm lăng của Nga", nhất là mức độ bóp méo thông tin.

Mỹ tố cáo Trung Quốc thiếu minh bạch trong thỏa thuận với Salomon

Hoa Kỳ hôm qua 20/04 tố cáo thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và đảo quốc Salomon là "thiếu minh bạch". Thỏa thuận này được ký trước khi phái đoàn Mỹ đặt chân lên hòn đảo. Một phát ngôn viên ngoại giao Mỹ nói với AFP là Washington lo ngại về xu hướng Bắc Kinh đưa ra những thỏa thuận mơ hồ, không tham vấn các nước trong khu vực về đánh cá, quản lý nguồn lợi, viện trợ phát triển và an ninh.

Bất chấp cảnh báo của các đồng minh Hoa Kỳ và Úc, thủ tướng Salomon Manasseh Sogavare hôm qua xác nhận đã ký "hiệp định khung về an ninh" với Trung Quốc, nhưng nội dung không được công bố. Một dự thảo được tiết lộ trước đó cho phép Trung Quốc đưa chiến hạm và công an đến quần đảo, trong khi Washington và Canberra từ lâu vẫn lo ngại Bắc Kinh xây dựng một căn cứ hải quân tại Nam Thái Bình Dương. Một phái đoàn cao cấp Mỹ sẽ đến quần đảo Salomon trong tuần này cũng vì vấn đề trên.

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thụy My
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)