Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/03/2021

Điểm báo Pháp - Trung Quốc phản công ngoại giao

RFI tiếng Việt

Trung Quốc phản công ngoại giao nhắm vào phương Tây

Cuộc đọ sức ngoại giao giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp tục gay cấn. Miến Điện vẫn chìm trong bạo lực trấn áp phong trào chống chính quyền quân sự. Pháp trước áp lực lớn của làn sóng dịch Covid 19, chính phủ tỏ ra bất lực. Đó là những chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay.

phancong1

Công an Trung Quốc đứng gác bên ngoài sứ quán Anh Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/03/2021. AP - Mark Schiefelbein

Thời sự quốc tế liên quan đến Châu Á được nhật báo Le Monde đề cập đến vẫn là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây, qua bài phân tích có tựa đề : "Một tuần điên rồ của ngoại giao Trung Quốc chống lại phương Tây".

Le Monde ghi nhận từ sau cuộc gặp giữa ngoại giao Trung-Mỹ tại Alaska thất bại hoàn toàn hôm 18/03, Bắc Kinh đã liên tiếp các hoạt động ngoại giao mà theo tờ báo, "chỉ làm gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ và các đồng minh, nhất là Liên Hiệp Châu Âu".

Bắt đầu là màn trừng phạt phối hợp của phương Tây. Ngày 22/03, Liên Hiệp Châu Âu, Anh, Canada và Hoa Kỳ đã thông báo trừng phạt một loạt các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc có dính dáng đến chính sách trấn áp người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Những biện pháp mang tính biểu tượng cao nhưng hiệu quả hạn chế, như bình luận của Le Monde. Căng thẳng leo thang khi Bắc Kinh đáp trả phương Tây bằng loạt trừng phạt tương tự.

Cùng lúc tại Trung Quốc, xuất hiện phong trào tẩy chay một loạt các nhãn mác hàng hóa của các hãng dệt may phương Tây đã từ chối dùng bông của Tân Cương vì là sản phẩm do người Duy Ngô Nhĩ làm ra dưới chính sách cưỡng bức lao động. Chính quyền Bắc Kinh khẳng định không liên quan đến phong trào tẩy chay này, nhưng rõ ràng là nó được chính quyền hậu thuẫn một cách không hề ngẫu nhiên.

Le Monde nhận định : "Trên vấn đề nhân quyền, Trung Quốc không còn chấp nhận phòng thủ nữa mà chủ trương tấn công mạnh hơn". Không ngừng lên án phương Tây lấy cơ nhân quyền để can thiệp nội bộ Trung Quốc, Bắc Kinh hôm 24/3 cũng công bố báo cáo hàng năm về "tình trạng vi phạm nhân quyền ở Mỹ trong năm 2020", với điển hình là vụ George Floyd bị chết trong tay cảnh sát Minneapolis hồi tháng 5 năm ngoái.

Trong tất cả các lĩnh vực, những ngày qua Trung Quốc tỏ cho thấy họ không chấp nhận nhượng bộ. Hôm 26/03, Hoa Kỳ ký với Đài Loan thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, chỉ vài giờ sau, Bắc Kinh hành động ngay bằng việc điều hai chục chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Động thái gần nhất trong tuần tấn công ngoại giao cấp tập của Bắc Kinh là chuyến công du của ngoại trưởng Vương Nghị đến một loạt các nước Trung Đông, đưa ra sáng kiến để thiết lập ổn định và an ninh trong vùng. Cuối cùng là ký với Iran "kế hoạch hợp tác toàn diện" trong vòng 25 năm. Thỏa thuận này cũng có ý nghĩa như một thách thức với Hoa Kỳ, theo Le Monde.

Tờ báo kết luận, "dù đó là vấn đề nhân quyền, Đài Loan hay Iran, những ngày qua hố sâu cách biệt lại rộng thêm giữa Bắc Kinh và Washington và cả Bruxelles".

Miến Điện, đồng minh trung thành và chiến lược của Nga

Vẫn trong hồ sơ quốc tế, nhật báo Le Monde trở lại với tình hình Miến Điện trong "ngày thứ Bảy đen tối", chính quyền quân sự kỷ niệm rầm rộ ngày thành lập quân đội Miến Điện, đáng chú ý là sự hiện diện của thứ trưởng quốc phòng Nga.

Trấn áp bạo lực giết hại cả trăm người biểu tình trong ngày 27/03 của quân đội Miến Điện lại làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng đông quốc tế. Nhưng áp lực của quốc tế vẫn không làm chế độ quân sự phải chùn tay. Một trong những lý do là chính quyền quân sự Miến Điện vẫn tìm được sự hậu thuẫn từ Nga. Điều này được thể hiện qua sự có mặt của thứ trưởng quốc phòng Nga, Alexandre Fomine, trong lễ diễu binh kỷ niệm ngày quân lực Miến Điện hôm 27/03 vừa rồi.

Đó là sự ủng hộ quý giá đối với tập đoàn quân sự vào lúc các vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình dân chủ đang khiến chế độ quân sự đang bị quốc tế cô lập và bài xích. Quan chức cao cấp quốc phòng Nga nhân dịp này đã ca ngợi Miến Điện như là "đồng minh trung thành và đối tác chiến lược" của Nga. Hồi tháng 6/2020, tướng Min Aung Hlaing đã tới Moskva tham dự lễ kỷ niệm 75 ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, cũng trong bối cảnh nước Nga bị phương Tây cô lập.

Quan hệ hữu nghị với Nga là sống còn với giới tướng lĩnh Miến Điện, giúp họ tránh phải đối mặt riêng lẻ với Trung Quốc, vẫn được coi là đồng minh nhưng đầy ngờ vực. Về phần Nga, sự hiện diện của thứ trưởng quốc phòng A. Fomine khẳng định Moskva quyết tâm củng cố vị thế tại Đông Nam Á, lợi dụng khoảng trống mà các đối thủ của họ để lại.

Le Monde nhắc lại là, hồi cuối tháng Giêng, vài ngày trước cuộc đảo chính, bộ trưởng quốc phòng Nga đã có chuyến công du Miến Điện. Còn theo BBC, tướng Min Aung Hlaing đã có tới 6 lần công du Moskva. Khoảng 6000 quân nhân Miến Điện được đào tạo tại Nga.

Phong trào chống chính quyền lập hậu cứ kháng chiến trên đất Thái Lan

Vẫn là hồ sơ khủng hoảng Miến Điện, nhật báo Libération có bài phóng sự dài ghi nhận Thái Lan trở thành sân sau của phong trào phản kháng Miến Điện. Trong bối cảnh bị chính quyền trong nước đàn áp, làn sóng người tỵ nạn Miến Điện đang đổ qua biên giới Thái Lan ngày càng đông. Không chỉ để chạy trốn bạo lực, những người này, bao gồm cả những dân sắc tộc thiểu số Karen, và những nhà hoạt động chính trị đối lập, những người tham gia phong trào bất tuân dân sự, đang quy tụ lại với nhau để hình thành lực lượng kháng chiến chống chế độ quân sự trong nước.

Pháp : Khủng hoảng Covid, chính phủ bị chỉ trích bất lực

Chuyển qua với thời sự đang được dư luận Pháp quan tâm nhất hiện nay. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng, chính phủ Pháp đang bị dồn đến chân tường.

Các báo hôm nay đều có chung nhận xét, diễn biến dịch Covid-19 đang là vấn đề đau đầu của chính phủ, các bệnh viện đã quá tải, dịch bệnh vẫn ngoài tầm kiểm soát, virus lây lan rộng khiến hàng loạt trường học phải đóng cửa, chiến dịch tiêm chủng thì diễn ra ì ạch, làn sóng dịch thứ ba đang đẩy vùng thủ đô và phụ cận Ile de France đến gần tai họa. Tổng thống Pháp Macon, bị dồn vào chân tường. Nhật báo Libération chạy tựa chính trang nhất với bức ảnh tổng thống Macron khoanh tay ngồi trên ghế, mắt nhìn xa xăm cùng hàng tựa : "Ông còn đợi gì ?".

Các báo đều tập trung vào chỉ trích chính phủ đã không còn biết làm gì hơn ngoài những biện pháp hạn chế, phòng dịch đã đưa ra và nhất là đến tình hình như hiện nay, tổng thống Pháp vẫn không thừa nhận đã thất bai trong cuôc chiến chống Covid-19. Các biện pháp của chính phủ đưa ra luôn bị phê phán là nửa vời, chậm chạp không dự tính trước các tình huống có thể xảy ra...

Cùng nhận định với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos có bài "đỉnh làn sóng dịch thứ 2 bị vượt qua, Macron bị dồn đến chân tường". Chiến lược phòng chống Covid-19 đang bị áp lực chỉ trích mạnh hơn bao giờ hết. Ngày mai tổng thống sẽ phải đưa ra những biện pháp tăng cường để đối phó với tình hình dịch khẩn cấp hiện nay, nhưng các biện pháp cũng không còn nhiều, ngoài hướng tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng.

Dịch bệnh lộ rõ yếu kém của y tế Pháp

Về chủ đề khủng hoảng Covid, Le Figaro khai thác khía cạnh yếu kém của hệ thống bệnh viện của Pháp, bộc lộ trong trân dịch này. Tờ báo chạy tựa : "Bệnh viện Pháp ốm yếu vì bệnh quan liêu". Bài phóng sự điều tra của tờ báo cho thấy đã bao nhiều năm nay, hệ thống bệnh viện của Pháp trở nên suy yếu vị bị hệ thống hành chính quan liêu nặng nề. Mọi quyết định đều bị cản trở bởi hệ thống quản lý hành chính cồng kềnh đến khi có biến mới lộ ra những nhược điểm đã thành kinh niên. Nước Pháp vẫn tự hào có hệ thống y tế vào loại tốt nhất thế giới, nhưng trong trận dịch 1 năm nay, từ việc khẩu trang, tầm soát bệnh, trang thiết bị hồi sức cấp cứu rồi đến tiêm chủng, cứ qua mỗi một giai đoạn quyết định đó lại bộc lộ sự lúng túng yếu kém của hệ thống y tế Pháp.

Kênh Suez khai thông, thương mại thế giới thở phào

Cuối cùng là một tin vui được hầu hết các báo Pháp đưa tin mà cả thế giới thương mại đang ngóng chờ. Kênh Suez đã được khai thông trở lại.

Con tàu chở container khổng lồ, Ever Given, mắc kẹt chắn ngang con kênh huyết mạch giao thông hàng hải thế giới suốt một tuần, đến tối qua đã nổi lại bình thường và lưu thông trên kênh Suez đã có thể nối lại, tuy nhiên phải mất nhiều ngày nữa mới có thể giải tỏa toàn bộ số hơn 400 tàu hàng bị tắc nghẽn do vụ tai nạn hy hữu này. Tàu Ever Given được giải cứu nhờ những nỗ lực khẩn trương của chính quyền Ai Cập và của nhiều chuyên gia quốc tế, nhưng một phần cũng là do may mắn tối qua triều cường lên cao bất ngờ đã tạo điều kiện thuận lợi để con tàu có thể nổi trở lại. Thương mại thế giới trong những ngày qua đã thiệt hại từ 5-8 tỷ euro vì kênh Suez.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)