Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/04/2021

Điểm báo Pháp - Khí đốt, vũ khí địa chính trị của Putin

RFI tiếng Việt

Khí đốt, vũ khí địa chính trị đáng gờm của tổng thống Nga Vladimir Putin

Xuất khẩu năng lượng và dự án đường ống dẫn khí ga Nord Stream 2 là một phương tiện để điện Kremli gây ảnh hưởng với Châu Âu và tác động đến mối quan hệ Âu - Mỹ. Đây là nhận định của nhà báo Isabelle Lasserre trong bài viết trên trang Quốc tế của báo Le Figaro.


khidot1

Ảnh tư liệu ngày 11/11/2018: Công trường trên biển Baltic thi công đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức  AP - Bernd Wuestneck

Châu Âu từng nghĩ sẽ có 4 năm với một "Sleepy Joe/Joe ngủ gật" nhưng cuối cùng tổng thống Mỹ lại thể hiện là người sắc bén, quyết đoán, tự tin và tỏ rõ uy quyền, xứng đáng với biệt danh "Sniper Joe/Joe bắn tỉa". Điều đáng nói, theo Le Figaro, là Đức, nước dị ứng nhất với Donald Trump, dường như lại bất an nhất trước các quyết định đầu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden về chính sách quốc tế.

Quả thực, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đưa ra một tối hậu thư thực sự nhắm vào các "thực thể" tham gia vào dự án Nord Stream 2 : Nếu không rút "ngay lập tức" khỏi dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga, các nước này sẽ bị Washington trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ đã đích thân nói rõ ràng với đồng nghiệm Đức Heiko Maas rằng Washington phản đối kế hoạch tăng gấp đôi lượng khí đốt Nga xuất sang Đức. Ông Blinken tố cáo "một dự án địa chính trị của Nga nhằm chia rẽ Châu Âu và làm suy yếu an ninh năng lượng của Châu Âu". Đối với Mỹ và Đông Âu, đường ống dẫn khí đốt này là một phương tiện kinh tế và chính trị để Moskva thao túng các nước Châu Âu và phá hoại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Sự lạnh nhạt tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh

Vào năm 2015, dưới áp lực quốc tế sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine, sau một thời gian dài trì hoãn, tổng thống Pháp khi đó là François Hollande đã phải hủy bỏ hợp đồng bán hai chiến hạm Mistral cho Nga. Le Figaro đặt câu hỏi liệu thủ tướng Đức Angela Merkel có phải đưa ra quyết định tương tự với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, một dự án đã hoàn thành 90% nhưng nhiều công ty Châu Âu đã rút lui vì sợ bị Mỹ trừng phạt, trong bối cảnh mối quan hệ giữa một bên là Nga và bên kia là Âu - Mỹ đang ở mức nguội lạnh nhất tính từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Tatiana Kastoueva-Jean, chuyên gia Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, cho biết Nga đang dựa vào những mắt xích yếu ớt ở Châu Âu để tăng doanh số bán khí đốt, bởi mục tiêu đầu tiên của Vladimir Putin là sự ổn định của chế độ, mà khí đốt lại chính là nền tảng kinh tế của chế độ Putin. Do đó, mục tiêu của điện Kremlin là bán được nhiều khí đốt nhất có thể.

Thế nhưng, đối với Nga, khí đốt cũng là một vấn đề địa chính trị. Việc người dân Ukraine vào năm 2004 bầu một vị tổng thống thân phương Tây, mong muốn xích lại gần Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Âu, đã thúc đẩy Moskva tuyên bố một cuộc chiến khí đốt đầu tiên với Kiev. Đối với Châu Âu, Nga áp đặt giá khí đốt không chỉ dựa theo tiêu chí kinh tế mà có cả tiêu chí chính trị. Các nước càng ít phụ thuộc vào Moskva thì giá khí đốt mua từ Nga càng bị đẩy lên cao. Và ngược lại, giới tinh hoa các nước càng hòa thuận với điện Kremlin thì càng mua được khí đốt với giá rẻ. Ở nhóm đầu tiên phải kể đến Ba Lan, các nước vùng Baltic, Romania. Nhóm thứ hai có các nước Serbia, Bulgary, Hungary, Áo, Đức, Hà Lan, và ở một mức độ thấp hơn là Pháp và Ý.

Từ những năm 2000, Châu Âu ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với điện Kremli, nhất là vì dự báo nhu cầu khí đốt vào thời điểm đó cho thấy nhu cầu khí đốt của Châu Âu sẽ tăng theo cấp số nhân. Các nước là khách hàng tốt nhất của Nga được gắn với các dự án đa dạng hóa đường ống dẫn khí đốt và các tuyến đường vận chuyển khác, trong số đó có Đức.

An ninh năng lượng

Thế nhưng, chính trị không phải là tất cả. Khí đốt của Nga có vai trò sống còn đối với an ninh năng lượng của Đức, sau khi Berlin có kế hoạch từ bỏ năng lượng hạt nhân. Theo Tatiana Kastoueva-Jean, chuyên gia Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, cũng chính vì những lý do địa chính trị mà việc mua năng lượng của Nga dễ dàng được giới lãnh đạo Đức thông qua. Berlin coi Nga là một quốc gia nguy hiểm, cấu trúc bộ máy nhà nước Nga mang tính đe dọa nên giới lãnh đạo Đức muốn giúp hiện đại hóa nước Nga để tránh sự sụp đổ của quốc gia này, hạn chế nguy cơ xảy ra hỗn loạn. Đối với Berlin, về cơ bản, Putin và giới tinh hoa tham nhũng của ông ta dẫu sao vẫn tốt hơn tình trạng vô chính phủ.

Đa dạng hóa thị trường

Sự xuất hiện của khí tự nhiên hóa lỏng nhờ đó Hoa Kỳ thành quốc gia xuất khẩu, cũng như sự đa dạng hóa khí đốt của các nước Châu Âu và việc Liên Âu hỗ trợ các dự án xây dựng các trạm cuối để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng trên lục địa, đang làm thay đổi tình hình và làm đảo lộn thị trường. Hiện giờ dự án Nord Stream 2 đang đình trệ. Theo Le Figaro, sự tái khởi động dự án phụ thuộc vào sự cải thiện mối quan hệ giữa phương Tây và Nga, điều chưa ai thấy rõ. Để phá vỡ thế bế tắc, một số người đang xem xét khả năng chuyển đổi về lâu dài, để Nord Stream 2 trở thành đường ống vận chuyển hydrogène thay vì vận chuyển khí ga.

Trong khi chờ đợi, sự chuyển đổi của thị trường khí đốt quốc tế đã khiến đường ống Nord Stream 2 mất đi giá trị địa chính trị. Theo một nhà ngoại giao, rất ít khả năng thủ tướng Đức Angela Merkel từ bỏ dự án này. Nhưng sau này, có thể nhà lãnh đạo kế tiếp của Đức sẽ đi theo hướng Mỹ đề ra, khi đó dự án Nord Stream 2 đương nhiên sẽ "chết". Tuy nhiên, nếu như trong thương vụ Mistral với Pháp, Nga được nhận rất nhiều tiền bồi thường, thì lần này Nord Stream 2 của Nga sẽ rất khó tìm được đối tác mới.

Nga : ô nhiễm ở Siberia, chủ đề nhạy cảm

Vẫn liên quan đến Nga, nhưng trong lĩnh vực môi trường, sức khỏe, báo Le Monde quan tâm đến vùng Siberia. Một báo cáo nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí và đất ở 23 thành phố tại vùng lãnh thổ rộng lớn này của Nga đã lên cao ở mức "ngoại hạng" nhưng chính quyền Nga đang tìm cách che giấu thông tin trong bối cảnh sắp đến bầu cử lập pháp cấp địa phương.

Le Monde trích dẫn một vài số liệu gây choáng váng : 80% các thành phố ô nhiễm nhất ở Nga nằm ở Siberia, vùng chiếm tới 25% lãnh thổ Nga và 11% dân số cả nước. Tổng cộng, có 23 thành phố trong vùng rộng lớn này có mức độ ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép. Chất gây ô nhiễm phổ biến nhất được tìm thấy ở 14 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vùng Siberia là benzopyrene, một chất có khả năng gây ung thư cao, thường thấy trong ngành công nghiệp và trong khí thải. Tại thành phố Kyzyl và Abakan, nồng độ benzopyrene lần lượt vượt mức cho phép 116 và 88 lần.

Mức độ ô nhiễm đất cũng đáng báo động không kém. Tại thành phố khai thác mỏ Norilsk, đất bị ô nhiễm kim loại nặng : chì, kẽm, niken, đồng… Còn ở nước Cộng Hòa tự trị Tuva, nơi tổng thống Vladimir Putin thích đi dạo trong vùng hoang dã, 67% đất đai bị ô nhiễm.  

Miến Điện : Những hành vi đàn áp tàn bạo

Nhìn sang Châu Á, Libération quan tâm đến tình trạng "tuột dốc" ở đất nước Miến Điện, nơi cuộc nổi dậy đã trở thành nội chiến 2 tháng sau vụ quân đội đảo chính. Đã qua rồi thời của những cuộc biểu tình ôn hòa. Đường phố Miến Điện giờ trở thành vùng chiến sự với đầy chướng ngại vật, bao cát, những ngọn lửa và vòng vây, những vụ bắn đạn thật và thi thể của người biểu tình.

Với việc quân đội được triển khai tại nhiều thành phố, các cuộc thảm sát lớn đã nổ ra, nhất là trong ngày thứ Bảy 27/03 với ít nhất 139 người thiệt mạng. Theo Libération, chế độ quân sự Min Aung Hlaing đã áp dụng chiến lược khủng bố. Binh lính nhắm bắn vào đầu, mắt, lưng người biểu tình, thậm chí nhắm bắn cả trẻ em. Quân đội Miến Điện giết hại người trên đường phố hay ngay trong nhà họ, bắn cả vào bệnh viện, bắn vào người qua đường, hành khách đi xe scooter, thậm chí bắn cả vào xe cứu thương.

Một nguồn tin ngoại giao Miến Điện cho biết đối với cuộc đình công trong lĩnh vực xử lý rác thải ở Rangoon, chế độ quân sự phát qua loa những thông điệp gây kinh hoàng : Nếu quý vị vứt rác bừa bãi trên đường phố, quý vị có thể bị bắt và bị hành quyết. Các thông điệp tương tự cũng nhắm đến những người dựng các chướng ngại vật trên đường. Ban đêm, ngày càng có nhiều nhóm vũ trang không mặc đồng phục, bắn súng rồi mang thi thể nạn nhân đi. Nhiều gia đình nạn nhân thiệt mạng nhận về những thi thể biến dạng do bị tra tấn, mổ. Trong khi đó, kinh tế Miến Điện ngày càng suy sụp, tới tỉ lệ suy thoái kinh tế lên đến 10%, đầu tư sụt giảm, giá hàng hóa thiết yếu tăng chóng mặt, hệ thống ngân hàng bên bờ sụp đổ. Chính phủ nhiều nước bắt đầu khuyến nghị công dân rời khỏi Miến Điện.

Bị Mỹ trừng phạt, Hoa Vi rút về thị trường nội địa

Trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chiến lược phát triển của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Doanh thu của Hoa Vi trong năm 2020 tăng 4%, đạt 891 tỉ CNY (116 tỉ EUR), chủ yếu nhờ thị trường nội địa. Mặc dù con số trên thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 19% hai năm trước đó và mức 32% của năm 2016, nhưng theo Les Echos, trong bối cảnh phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19, thành tựu trên vẫn là đáng kể đối với Hoa Vi.

Mặc dù trong năm 2015, 60% hoạt động của Hoa Vi là ở thị trường quốc tế, nhưng để đối phó với tình hình thế giới, tập đoàn viễn thông Trung Quốc phải rút về thị trường nội địa. Và nay, thu nhập từ Hoa lục chiếm đến 2/3 thu nhập của Hoa Vi. Thu nhập của Hoa Vi từ thị trường Châu Mỹ đã giảm 25% trong vòng 1 năm, giảm 10% tại thị trường Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông.

Trên thực tế, chẳng hạn Châu Âu, trong đó có Pháp, vì sức ép của Mỹ đã phải hạn chế thậm chí cấm Hoa Vi triển khai mạng 5G. Do không được sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của Google, chẳng hạn hệ điều hành Android, kho ứng dụng Play Store, các ứng dụng Gmail, Maps… nên rất khó để tập đoàn Trung Quốc thuyết phục được người tiêu dùng Châu Âu tiếp tục mua điện thoại Hoa Vi cao cấp.

Hoa Vi đã phải bán thương hiệu điện thoại Honor, đặt cược vào việc phát triển hệ điều hành riêng HarmonyOS để đảo ngược tình thế, và hiện vẫn chưa có khả năng sản xuất chíp điện tử cao cấp Kirin, cũng không thể mua các mẫu chíp điện tử từ các đối thủ Mỹ như Qualcomm… Tuy nhiên, theo dự báo của Les Echos, dưới thời tổng thống Mỹ Biden, những khó khăn mà Hoa Vi đang gặp phải mới chỉ là điểm khởi đầu …

Pháp : Tổng thống Macron lại đặt cược vào ý thức công dân

Về đại dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh tại Pháp với biện pháp phong tỏa toàn quốc mà tổng thống Macron công bố trên truyền hình tối hôm qua là đề tài được các báo Pháp tập trung khai thác, từ trên trang nhất đến bài xã luận, với nhiều bài viết phân tích trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đến y tế …

Báo Libération nhận định lần này không phải thực sự là biện pháp phong tỏa mà vẫn chỉ là thắt chặt các biện pháp hạn chế, với việc đóng cửa trường học, hạn chế tự do đi lại… Chính quyền Macron đặt cược vào chiến dịch tiêm chủng tăng tốc và mở rộng. Về tình hình ở các bệnh viện, Libération nói đến "cơn sóng thần" virus corona biến chủng Anh : virus lây lan ngoài tầm kiểm soát, các khoa hồi sức quá tải, nhân viên tế liên tục phát tín hiệu báo động. Liên quan đến chiến lược tiêm chủng, Libération đăng bài phỏng vấn nhà vi-rút học Marie-Paule Kieny, chủ tịch Ủy ban Vac-xin Covid-19. Chuyên gia này phân tích các điểm yếu trong các chiến lược tiêm chủng ở Châu Âu và trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh để hạn chế đà lây lan của dịch bệnh, phải chú ý đến việc tiêm chủng cho trẻ em. Nhà khoa học Marie-Paule Kieny khẳng định không thể đạt miễn dịch cộng đồng nếu không tiêm ngừa cho trẻ nhỏ.

Chuyển sang La Croix, báo công giáo nhận định tổng thống Macron đặt cược vào ý thức công dân. Bằng cách điều chỉnh lịch kỳ nghỉ xuân của học sinh trong cả nước, chính quyền Macron hy vọng có thể mở cửa trường học trở lại trong ba tuần nữa, đồng thời nhấn mạnh đến nét đặc thù Pháp trong cuộc khủng hoảng Covid-19 : ưu tiên cho giáo dục. Trong bối cảnh các bệnh viện đang vất vả đương đầu với làn sóng dịch thứ ba, La Croix cũng lưu ý đến một tình trạng đáng ngại : Khoa hồi sức của nhiều bệnh viện ngày càng khó níu giữ nhân viên. Khủng hoảng Covid-19 không phải là nguồn cơn, nhưng tạo động lực thúc đẩy nhiều bác sĩ và y tá, điều dưỡng rời bệnh viện công, ngả sang các bệnh viện tư hoặc mở phòng khám riêng, hành nghề tự do.

Báo Le Monde phát hành từ chiều hôm qua, vài giờ trước khi ông Macron phát biểu, giới thiệu bài xã luận nói về sự đơn độc của tổng thống Pháp trong việc đối phó với Covid-19. Không chỉ bị phe đối lập chỉ trích, chính quyền của tổng thống cũng bị giới khoa học, y tế phên phán vì chậm trễ trong việc ra các biện pháp phòng chống dịch. Le Monde cũng dành nhiều bài viết phân tích chi tiết các biến thể virus corona, nhất là biến thể chủng Anh, Brazil và Nam Phi. Một đề tài khác được Le Monde tập trung phân tích là chiến dịch của Liên Âu đi tìm sự tự chủ về vac-xin, tăng cường khả năng sản xuất vac-xin ngay lại Châu lục để cung cấp cho thị trường nội khối, đồng thời mở rộng khả năng sản xuất các nguyên liệu điều chế vac-xin để không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung Mỹ hay Anh như hiện nay.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)