Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Sống chung với Trung Quốc nhưng không được quên bản chất chế độ Bắc Kinh

Vẫn như những ngày qua, báo Pháp hôm nay quan tâm đến nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, từ cuộc chạy đua bào chế vác-xin, công tác chữa trị bệnh (La Croix), cho đến những khó khăn trong ngành biểu diễn nghệ thuật trong giai đoạn khủng hoảng (Libération). Báo kinh tế Les Echos lại đặc biệt chú ý đến Trung Quốc, với cả trang nhất, bài xã luận và nhiều bài phỏng vấn, phóng sự.

song1

Cờ Mỹ -Trung Quốc tại Thượng Hải được treo nhân cuộc đối thoại thương mại hai nước hôm 30/06/2019. Reuters- Aly Song

"Trung Quốc : những nỗi ngờ vực gia tăng" là tựa trang nhất của Les Echos. Tâm điểm của mọi nỗi nghi ngờ của quốc tế cũng như những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ trong giai đoạn này chính là trung tâm thí nghiệm P4 ở Vũ Hán. Để hiểu hơn về sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, Les Echos đi tìm lời giải đáp qua 6 câu hỏi : Mỹ tố cáo Trung Quốc về những chuyện gì và với bằng chứng nào ? Đây có phải một thủ đoạn chính trị hay không ? Mỹ có thể đáp trả Trung Quốc thế nào ? Châu Âu nói gì ? Phe Dân chủ Mỹ phản ứng ra sao ? Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng cách nào ?

Hiện nay, không chỉ có Mỹ mà rất nhiều nước muốn đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại dịch bệnh, chuyện này có khả thi hay không ? Les Echos trích dẫn một số chuyên gia luật quốc tế của Pháp theo đó việc khởi kiện một quốc gia là rất khó và cũng khó để có thể kết án được Trung Quốc.

Liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, Les Echos giới thiệu bài phỏng vấn bà Valérie Niquet, chuyên gia về Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, theo đó Trung Quốc không tôn trọng các cam kết đã ký khi gia nhập định chế y tế của Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, Les Echos còn giới thiệu bài phóng sự về cuộc sống của người dân Bắc Kinh thời hậu Covid-19. Tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ bằng mã QR code, từ tình trạng sức khỏe đến lịch trình di chuyển…

Bài xã luận của Les Echos đặc biệt đáng chú ý với hàng tựa để ngỏ : "Virus corona : Trung Quốc đã thua một trận nhưng…" Cho dù đã đưa khẩu trang và thiết bị y tế đến khắp nơi trên thế giới, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ bị thế giới chống đối đến như vậy. 30 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn khiến nhiều nước phương Tây phẫn nộ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, chế độ Tập Cận Bình đã gây ra nỗi ngờ vực trên toàn cầu. Theo cây viết xã luận của Les Echos, cuộc tấn công thô thiển và vụng về của Bắc Kinh chống lại các giá trị phương Tây đã phản tác dụng và khiến các cường quốc đều chống lại Trung Quốc.

Từ Canberra đến Washington, Bruxelles, Paris, tất cả đều yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để virus corona lây lan khắp nơi. Châu Âu, thường rất thận trọng, đã thắt chặt các điều kiện áp đặt cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Một số người còn nghĩ đến khả năng có biện pháp trừng phạt toàn cầu chống lại Bắc Kinh, thậm chí là một cuộc đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh với Washington.

Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý Tập Cận Bình vẫn còn nhiều lá bài trong tay. Thứ nhất là cuộc chạy đua tìm vác-xin. Trong số 40 ứng viên tham gia trận chiến toàn cầu này, Sinovac Biotech của Trung Quốc dường như đang tiến xa nhất. Nhưng việc Trung Quốc để lây lan virus rồi lại chạy đua để điều chế vác-xin đánh bại đại dịch là điều thật đáng mỉa mai ! Lá bài thứ hai của ông Tập liên quan đến Châu Phi, Trung Đông và nói chung là tất cả các quốc gia cần tiền để vượt qua khủng hoảng. Nếu không có sự hỗ trợ của Châu Âu và Mỹ, thì trong thời gian tới, Algeri, Ai Cập và Pakistan có thể sẽ phải kêu gọi Bắc Kinh giúp sức.

Lá bài thứ ba là về công nghiệp. Liên Hiệp Châu Âu hứa hẹn sẽ hồi hương một số dây chuyền sản xuất chiến lược quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nguyên liệu thô. Nhưng sẽ là ảo tưởng nếu Liên Âu nghĩ có thể hồi sinh ngành công nghiệp Châu Âu như 50 năm trở về trước. Độc lập về hậu cần với Trung Quốc cũng chỉ là một ảo tưởng. Cuộc khủng hoảng hiện nay nhắc nhở chúng ta là thế giới sẽ phải sống chung với Trung Quốc nhưng không bao giờ được quên bản chất sâu xa của Bắc Kinh.

Mỹ-Trung đối đầu, Châu Âu không nên chỉ làm khán giả

Trong bối cảnh sự huy động quốc tế là rất cần thiết để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 càng sớm càng tốt, sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một bất lợi lớn. Kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 01/2017, Donald Trump coi Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ, ngoài Iran.

Bị ám ảnh về việc phải tái công nghiệp hóa đất nước, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh gian lận trong chính sách thương mại. Trong trận chiến này, chính quyền Trump dùng mọi phương tiện, chính sách đối nội bao giờ cũng gắn với địa chính trị. Trong những ngày gần đây, tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc che giấu sự thật về sự xuất hiện của virus ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nhưng đều không cung cấp bằng chứng.

Tuy nhiên, La Croix nhận định chính sự không minh bạch của chế độ Tập Cận Bình đã làm gia tăng nỗi ngờ vực. Bắc Kinh đã bác bỏ các yêu cầu về việc cho tiến hành một cuộc tra độc lập về nguồn gốc virus corona. Trung Quốc cũng không hồi đáp đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới để WHO đến nghiên cứu tận nơi. Mọi tiếng nói chỉ trích chính quyền về cách quản lý dịch bệnh đều bị trấn áp.

La Croix nhấn mạnh là bên lề cuộc xung đột tiềm ẩn này, Châu Âu không thể cứ giữ vai trò là khán giả. Trước xu hướng toàn cầu hóa dịch bệnh gia tăng, Châu Âu phải sử dụng uy tín của mình để thúc đẩy hợp tác đa phương và hỗ trợ các tổ chức của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn Tổ chức Y tế Thế giới, để tạo ra các quan hệ đối tác canh tân. Điều này có thể sẽ giúp Châu Âu độc lập về chiến lược.

Pháp : Gánh nặng kinh tế tăng, uy tín quốc tế giảm vì Covid-19

Về nước Pháp, Le Monde lo ngại là cú sốc do đại dịch gây ra có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ liên minh tiền tệ, trong khi đó Pháp bị suy yếu do kinh tế sụt giảm nên có thể mất tiếng nói đoàn kết Châu Âu.

Le Monde nhận định khi nhiều nước Châu Âu cùng lâm vào đại dịch, việc quốc tế so sánh các nước dường như không có lợi cho Pháp. Với mức giảm 5,8% GDP trong quý đầu năm 2020 so với quý cuối năm 2019, Pháp là nước có GDP giảm nhiều nhất so với các nước lớn trong khu vực đồng euro. Mức giảm GDP của Pháp nghiêm trọng hơn Đức, thậm chí cả Tây Ban Nha và Ý. Thế nhưng, bộ trưởng Kinh tế Pháp vẫn cảnh báo nhìn từ góc độ kinh tế, khó khăn lớn nhất vẫn đang chờ Pháp ở phía trước.

Suy thoái kinh tế nặng nhất tại Pháp tính từ hồi năm 1949, theo Le Monde, không chỉ do những khó khăn về cơ cấu mà còn do cách quản lý khủng hoảng của cả tổng thống Macron và chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe. Bên cạnh sự tập quyền thái quá ở trung ương khiến Nhà Nước khó điều chỉnh chính sách phù hợp với các địa phương ở những mức độ dịch bệnh khác nhau, lệnh phong tỏa trên quy mô lớn hơn so với các nước láng giềng, còn phải kể đến cách quản lý độc đoán của chính quyền trong bối cảnh đất nước đã bị xáo trộn bởi cuộc khủng hoảng Áo Vàng và phong trào đấu tranh chống cải cách chế độ hưu trí.

Le Monde nhấn mạnh chính phủ các nước láng giềng cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự như Pháp, nhưng họ quản lý khủng hoảng trong không khí ít căng thẳng và ít nỗi ngờ vực hơn. Theo một cuộc khảo sát tại Châu Âu do Viện Ipsos-Cevipof tiến hành, 62% dân Pháp không hài lòng về hành động của chính phủ, tỉ lệ này ở Đức chỉ là 26%. 64% người Pháp cho rằng hậu quả kinh tế sẽ "rất nghiêm trọng", so với tỉ lệ 39% tại Đức. Trông chờ mọi điều từ Nhà nước trung ương, nhưng lại chỉ trích quyền lực của Nhà nước đồng thời từ chối các trách nhiệm ở địa phương, đối với Le Monde, đây là phác họa hoàn hảo về "căn bệnh phân lập" của người Pháp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Nhưng lần này, sự suy thoái đặc biệt nghiêm trọng của Pháp đang đặt khu vực đồng euro, thậm chí cả Liên Hiệp Châu Âu trước một thử thách vô cùng lớn. Le Monde nhận định khi chính quyền Berlin và Paris xa cách nhau thêm một chút, khi Pháp đang bị xếp cùng các nước Nam Âu với tất cả những định kiến tiêu cực, thì thành tích kinh tế yếu kém càng làm hình ảnh của Pháp thêm xấu đi.

Khủng khiếp hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cú sốc do Covid-19 gây ra có nguy cơ phá nổ liên minh tiền tệ, vì thế càng cần thiết có các cơ chế vững chắc để các nước Liên Âu hỗ trợ lẫn nhau. Bài xã luận của Le Monde kết luận bằng một câu hỏi mở : Emmanuel Macron, người đi đầu về phát huy tình đoàn kết Châu Âu, sẽ còn giữ được vai trò này trong bao nhiêu lâu nữa, nếu nước Pháp vẫn còn "trượt dốc" ?

Anh Quốc "soán ngôi" Ý về số ca tử vong hàng đầu Châu Âu

Vẫn liên quan đến Châu Âu, Le Figaro nhìn sang Anh Quốc, với 32.313 người chết, láng giềng của Pháp đến hôm qua 05/05 đã vượt lên Ý để dẫn đầu Châu Âu về số ca tử vong vì Covid-19 và đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Mặc dù chính quyền Anh nhận định là đỉnh dịch đã qua, số nạn nhân đã giảm nhẹ, nhưng tình hình ở các nhà dưỡng lão vẫn đặc biệt đáng lo ngại và ngày càng có chiều hướng xấu đi. Theo dự kiến, vào ngày mai 07/05 chính phủ Anh sẽ xem xét lại các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy thủ tướng Anh sẽ không quá vội trong việc ngưng phong tỏa. Và công luận cũng ngả về phía ông. Theo một thăm dò ý kiến vào cuối tuần qua, 67% dân Anh đánh giá vẫn còn quá sớm để mở cửa lại trường học, nhà hàng và sân vận động.

Về kinh tế, rất có thể nước Anh sẽ suy thoái ở mức chưa từng có trong lịch sử. Nhiều nhà quan sát dự báo GDP quý 1 năm 2020 của Anh sẽ giảm 7%. Một số chuyên gia khác thậm chí còn cho rằng GDP có thể giảm tới 13%. Khoảng 6,3 triệu người lao động (20% dân ở độ tuổi lao động) bị thất nghiệp bán phần.

Điều đáng nhạc nhiên là theo Le Figaro, mặc dù đất nước bị dịch bệnh gây hại nặng nề về nhân mạng và kinh tế, nhưng thủ tướng Anh Boris Johson vẫn được lòng dân. Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố vào hôm qua, 60% dân Anh tin tưởng vào chính phủ, so với tỉ lệ 36% hồi tháng Giêng. Chuyện thủ tướng Anh nhiễm virus, phải điều trị tích cực trong bệnh viện, đã khiến dân chúng càng thông cảm với ông.

Nơi ở của 1/3 nhân loại có nguy cơ nóng như sa mạc Sahara

Tập trung vào các vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra, từ nước Pháp cho đến Anh Quốc, Ấn Độ, Miến Điện… nhưng báo Le Monde không quên hồ sơ khí hậu. Trong bài viết "Từ nay đến năm 2070, 1/3 nhân loại có nguy cơ phải sống trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt", Le Monde trích dẫn kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, theo đó nếu thế giới không làm gì để hạn chế lượng khí thải CO2, 3,5 tỉ người trên Trái đất có thể mất vùng khí hậu thuận lợi mà loài người đã sinh sống và phát triển trong suốt 6.000 năm qua. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai 04/05 trên tạp chí Mỹ Proceedings of the National Academy of Sciences.

Bằng cách tổng hợp các dữ liệu về khí hậu, khảo cổ, nhân khẩu học và nông nghiệp, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu đã tìm hiểu điều kiện nhiệt độ, lượng mưa lý tưởng để con người duy trì sự sống và phát triển : Vùng khí hậu thuận lợi này tập trung chủ yếu ở vùng ôn đới, nơi nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 11-15°C, trong khi nhóm dân số ít hơn sống ở vùng xích đạo hoặc nhiệt đới nơi nhiệt độ xoay quanh 20-25°C. Tình trạng này không thay đổi trong suốt sáu nghìn năm qua, cho dù có hiện tượng di dân.

Tuy nhiên, trong vòng 50 năm tới, loài người sẽ phải hứng chịu sự biến đổi khủng khiếp về khí hậu. Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) từng cảnh báo nếu lượng khí thải vẫn tăng không ngừng, từ nay đến năm 2070, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 3°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thế nhưng, nghiên cứu lần này dự báo đa phần dân cư Trái Đất sẽ chịu cảnh nhiệt độ tăng thêm tới 7,5°C. Sự cách biệt về con số như trên được giải thích như sau : Phần đất liền sẽ bị hâm nóng nhiều hơn các đại dương và dân số tăng chủ yếu ở những khu vực nóng nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Indonesia và Sudan.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Song song với chiến dịch tuyên truyền gieo rắc nghi ngờ về nguồn gốc thực thụ của dịch bệnh, qua đó rũ bỏ được trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để dịch viêm phổi từ Vũ Hán lan rộng và gây tang tóc cho toàn thế giới, chính quyền cộng sản Trung Quốc còn thúc đẩy một chiến lược ngoại giao mới thời đại dịch có thể gọi là 'ngoại giao coronavirus' như Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế đã đặt tên hay 'ngoại giao y tế', 'ngoại giao khẩu trang' nhằm thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới của mình.

mask1

Tổng thống Serbia, ông Alexanderar Vucic ca ngợi Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể giúp ổn định, hòa bình và thịnh vượng - PIC FILE

Theo số liệu của Cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc công bố hôm 26/3, Trung Quốc đã tổ chức 4 đợt hỗ trợ chống dịch đối với 89 quốc gia tại 5 Châu lục và 4 tổ chức quốc tế trên thế giới, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu (EU), Liên Hiệp Châu Phi (AU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngay khi các nước đang bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc đã nhanh chóng chớp thời cơ để trở thành 'vị anh hùng cứu thế' đối với từng nước.

Những tuyên bố về việc Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ cùng với những chuyến hàng và cả các chuyên gia y tế của Trung Quốc được cử đến hỗ trợ các nước trong cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán được truyền thông Trung Quốc làm rùm beng trong và ngoài nước.

Chiến dịch ngoại giao y tế được Trung Quốc triển khai nhanh chóng như tốc độ lây lan của đại dịch. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã cung cấp thiết bị y tế và các viện trợ khác cho 120 quốc gia trên thế giới.

Không chỉ các nước nghèo, thiếu khả năng chống chịu với dịch bệnh, ngoại giao y tế của Trung Quốc còn vươn tới các nước phát triển lớn, mạnh ở Châu Âu vốn trước đây chỉ quen với việc giúp đỡ các nước nghèo trong dịch bệnh như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức…

Không chỉ cứu trợ các nước trong cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán với tư cách nhà nước mà cả các cá nhân, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia tích cực trong việc xây dựng hình ảnh Trung Quốc trong đại dịch này. Tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma và Tập đoàn Huwei cũng đã gửi hàng triệu khẩu trang đến khắp mọi nơi từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, thậm chí đến cả nước Mỹ thịnh vượng và Châu Âu giàu có.

Không chỉ giúp đỡ riêng từng nước trong khuôn khổ quan hệ song phương mà Trung Quốc còn kêu gọi hợp tác khu vực và toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thể hiện một Trung Quốc chủ động hướng ngoại đối lập với chính sách hướng nội của Mỹ mà Tổng thống Trump đang theo đuổi.

Trong khuôn khổ đa phương, Trung Quốc giữ vai trò tích cực trong quan hệ với ASEAN cũng như trong khuôn khổ ASEAN +3 (tức là các nước ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Trong khi Hoa Kỳ có xu hướng giảm bớt sự hiện diện của mình tại khu vực Đông Nam Á khi nhiều lần không có sự hiện diện của Tổng thống Trump tại các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN hay liên quan đến ASEAN, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thì Trung Quốc tranh thủ thời cơ đại dịch để áp dụng chính sách 'ngoại giao y tế' chủ động hướng ngoại.

Từ tháng 2, Trung Quốc đã tham dự hai cuộc họp cấp cao để đối phó với viêm phổi Vũ Hán, một cuộc họp của các bộ trưởng y tế công cộng từ các nước ASEAN +3 và một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

Trong khi đó, mãi cho đến ngày 1/4, Hoa Kỳ và ASEAN mới tổ chức Hội nghị video liên ngành cấp cao để chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở cấp thứ trưởng. Sau đó, Hoa Kỳ tiếp tục đề xuất hội nghị video của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng.

Có vẻ như, trong đại dịch này, trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc luôn nhanh chân hơn so với Hoa Kỳ.

Hàng loạt những hoạt động ngoại giao mà Trung Quốc thực hiện trong đại dịch đều phục vụ cho tham vọng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thay thế cho vai trò của Mỹ.

Giáo sư Carl Thayer khẳng định Trung Quốc muốn giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và việc họ là quốc gia đầu tiên ngăn chặn được viêm phổi Vũ Hán phải được thế giới công nhận. Đó là lý do tại sao lãnh đạo Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ khi Tổng thống Trump và các quan chức của ông mô tả dịch bệnh hiện nay là 'virus Vũ Hán' hay 'virus Trung Quốc'. Đặc biệt việc Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, cố gắng chèn 'virus Vũ Hán' vào tuyên bố chung của G7, khiến Trung Quốc nổi giận.

Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn cải thiện hoạt động kinh tế trong nước bằng cách khôi phục chuỗi cung ứng và dỡ bỏ hạn chế du lịch quốc tế càng sớm càng tốt. Trung Quốc cũng tìm cách khắc phục sự xuất huyết của đầu tư nước ngoài ra khỏi đất nước. Cuối cùng, Trung Quốc có một động lực không nói rõ ra, là phô bày sự tương phản lòng vị tha của Trung Quốc với một Hoa Kỳ hiện đang có chủ trương hướng nội.

Giáo sư cũng cho rằng các quan chức Trung Quốc trước đó đã đánh giá thấp bản chất và khả năng sát thương của dịch bệnh này. Họ cũng đánh giá thấp mức độ mà viêm phổi Vũ Hán sẽ tác động tiêu cực đến cả Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng vì nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại do cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, 'gậy ông lại đập lưng ông' khi chính sách 'ngoại giao y tế' chủ động cấp cao của Tập Cận Bình đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi việc bán và xuất khẩu các thiết bị y tế kém chất lượng.

Vừa qua, Bộ Y tế Hà Lan đã phải cho thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2, tức phân nửa lô hàng 1,3 triệu chiếc được Trung Quốc giao hôm 21/03/2020 vì không đạt chất lượng.

Thứ Năm 26/3, chính quyền Tây Ban Nha rút lại 58.000 bộ xét nghiệm của công ty Trung Quốc Shenzhen Bioeasy Biotechnology vì độ tin cậy chỉ có 30%.

Tại Cộng hòa Czech, các bộ xét nghiệm nhanh được giao cho một bệnh viện ở Ostrava cũng bị phát hiện chất lượng tồi.

Đây là những món hàng thuận mua vừa bán được giao theo đơn đặt hàng, chứ không phải là quà tặng của Bắc Kinh.

Trước những chỉ trích, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng. Tờ báo Le Monde của Pháp cho biết đại sứ Trung Quốc ở Amsterdam nói rằng sẽ hợp tác với cuộc điều tra đang diễn ra. Tại Madrid, đại sứ quán Trung Quốc ra thông cáo giải thích công ty ở Thâm Quyến (Shenzhen) không nằm trong danh sách các nhà cung cấp được chuyển cho Tây Ban Nha.

Và trong lúc số người nhiễm ở các nước Châu Âu tiếp tục gia tăng lên hàng trăm nghìn người và hàng chục nghìn người chết trong khi con số này ở Trung Quốc, nơi xuất phát điểm của dịch bệnh, chỉ là hơn 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người tử vong cũng khiến dư luận thêm nghi ngờ về tính xác thực của những số liệu mà Trung Quốc cung cấp cho thế giới.

mask2

Dây chuyền sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Trung Quốc

Chiến dịch ngoại giao thời dịch bệnh của Trung Quốc dường như không thuyết phục được nhiều nước, đặc biệt là phương Tây.

Lucrezia Poggetti, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc học tại thủ đô Berlin, Đức bày tỏ quan điểm : "chính sách ngoại giao khẩu trang" có thể mang lại những dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ có những tác động trái ngược ở mức độ nào đó, và trên thực tế, điều đó đã xảy ra. Rõ ràng, chính sách của Trung Quốc cũng đã khiến một số quan chức Châu Âu tỏ ra không hài lòng.

Hôm 22/3, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cảnh báo người dân rằng các cơ quan truyền thông của Nga và Trung Quốc có liên quan đến một chiến dịch đánh lạc hướng công chúng, nhằm chỉ trích những nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh của quốc gia Bắc Âu này. Trung Quốc theo đó được cho đã ví von những động thái của Thụy Điển với sự đầu hàng trước dịch bệnh.

Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU, hôm 23/3 lên tiếng chỉ trích sự thiếu hiệu quả trên quy mô toàn cầu trong việc ngăn chặn hành vi thêu dệt lên các câu chuyện liên quan đến dịch bệnh. Borrell cho biết : Đã xuất hiện các yếu tố địa chính trị, trong đó bao gồm việc gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua cái gọi là "chính trị hào phóng". "Chúng ta phải bảo vệ Châu Âu khỏi những âm mưu nằm sau đó".

Pháp và Italia cho biết họ sẽ áp dụng nhiều biện pháp quản lý lên dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhằm "bảo vệ" những doanh nghiệp quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong nước không rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại quốc, tiêu biểu nhất là Trung Quốc. EU cũng đã và đang nỗ lực thắt chặt hệ thống luật pháp của mình.

Andrew Small, một cán bộ cao cấp trong chương trình Asia Program, tài trợ bởi quỹ German Marshall, Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã có thể nâng tầm ảnh hưởng nếu như quốc gia này không cố gắng chính trị hóa việc cung cấp các thiết bị, vật tư y tế đến Châu Âu.

Giờ đây đã xuất hiện một quan điểm rằng các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc đang sử dụng chính cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này để gia tăng sức ảnh hưởng.

Huawei đã tài trợ khoảng 800.000 khẩu trang cho Hà Lan hồi tuần trước. Các chuyên gia phân tích đặt câu hỏi rằng đây là một hành động "trượng nghĩa" hay còn mang sau đó là một động cơ liên quan đến phiên đấu giá hệ thống viễn thông 5G dự kiến được tổ chức ở thủ đô Amsterdam trong tháng 6. Các cơ quan chức năng Hà Lan vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có ủng hộ Mỹ và các quốc gia Châu Âu khác trong việc cấm Huawei tham gia phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mạng 5G hay không, sau những cáo buộc Huawei tiếp tay cho hoạt động tình báo của chính phủ Trung Quốc.

Nhiều người khác thắc mắc rằng điều gì đã thôi thúc Jack Ma, nhà sáng lập đồng thời là cựu CEO của công ty thương mại trực tuyến khổng lồ Alibaba Group Holding, có những hành động trợ giúp Ukraine. Trong tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Jack Ma "đã trợ giúp một khoản tiền 80 triệu USD" để nước này mua các thiết bị, vật tư y tế, được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đúng như bà Miwa Hirono, chuyên gia về cứu trợ nước ngoài của Trung Quốc tại Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản nhận định : "Trong ngắn hạn, những nước nhận khẩu trang và thiết bị y tế sẽ đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc… Nhưng về lâu dài, thật khó tưởng tượng các nước vốn có quan ngại về cách cư xử của Trung Quốc tại trường quốc tế, như vấn đề nhân quyền, công nghệ và [việc tạo ra] bẫy nợ, sẽ đột nhiên quên đi những vấn đề đó và chấp thuận quyền lực mềm của Trung Quốc, đơn giản vì Trung Quốc đã cho họ khẩu trang".

Sau khi gây ra đại họa cho nhân dân trên thế giới với hàng triệu người bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán và trên 80.000 người đã chết, Trung Quốc đang cố xây dựng một hình ảnh 'tử tế' hơn với quốc tế bởi những hành động trục lợi như một thói quen khó bỏ.

Giấc mơ bá chủ thế giới có lẽ vẫn còn xa vời nếu quốc gia này vẫn khư khư giữ thể chế theo chủ nghĩa cộng sản độc tài toàn trị, sẵn sàng ngay giữa đại dịch, vẫn lao vào bắt nạt Việt Nam, điều đó chứng tỏ họ chẳng bao giờ trở thành đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới.

Hải Yến (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 10/04/2020

Additional Info

  • Author Hải Yến
Published in Diễn đàn

Lợi dụng khủng hoảng khẩu trang, Trung Quốc "thi ân" cho nhân loại

Chỉ mới cách đây sáu tuần, Bắc Kinh phải hứng chịu trận sóng thần phẫn nộ của người dân trong nước, và làn sóng chỉ trích của quốc tế. Giờ đây đến lượt lãnh đạo các nước mà đại dịch corona tràn sang đang bị đả kích. Đối với Bắc Kinh, đây là cơ hội tuyệt vời để khỏa lấp trách nhiệm, và thủ vai "ân nhân của nhân loại", chủ yếu qua việc cung cấp khẩu trang.

khautrang1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đeo khẩu trang trong chuyến thăm bệnh viện dã chiến do quân đội thiết lập gần bệnh viện Emile Muller ở Mulhouse ngày 25/03/2020. © Cugnot Mathieu/Pool via Reuters

Đại dịch toàn cầu do con virus từ Vũ Hán gây ra là đề tài bao trùm trang nhất đồng thời là hồ sơ của tất cả các tuần báo Pháp kỳ này. Trang bìa của L’Express là hình vẽ một bác sĩ đang ôm đầu, bao quanh là những bệnh nhân đang hôn mê được cho thở máy, với hàng tít "Trên tuyến đầu". L’Obs giới thiệu những "Suy nghĩ về tình trạng phong tỏa" với bức ảnh một cặp vợ chồng sau khung cửa sổ sáng đèn, trong bóng đêm đen.

Le Point nhìn về "Một thế giới sau này", đăng ảnh một chàng trai và một thiếu nữ Châu Á đeo khẩu trang, nắm tay nhau đi dưới bóng một rừng hoa đào. Courrier International chạy tựa "Suy nghĩ lại về thế giới", đặt vấn đề phải chăng cuộc khủng hoảng virus corona là cơ hội cho một sự khởi đầu mới, qua ý kiến của một số triết gia, nhà thơ, nhà báo các nước.

Trong địa ngục Mulhouse

Bài phóng sự "Trong địa ngục Mulhouse" của tuần báo L’Obs đưa người đọc đến với vùng tâm dịch, giờ đây là phòng thí nghiệm cho cuộc chiến đấu tại Pháp chống con virus corona chủng mới. Bệnh viện bị quá tải, những ca bệnh đưa đến ngày càng nặng hơn, phải điều quân đội đến hỗ trợ thành phố đang thoi thóp trong tình trạng giới nghiêm…

Bác sĩ Yves Passadori là một người kiệm lời, ông do dự trước khi kể ra thực trạng với các nhà báo từ Paris. Những đợt bệnh nhân nhập viện có thể trạng ngày càng trầm trọng, nhân viên y tế ngã gục, thiếu thốn khẩu trang, thiết bị, giường bệnh, những ray rứt khi phải chọn bệnh nhân để cứu… Ông thận trọng nói : "Tôi không muốn làm ai hoảng sợ, nhưng những gì đang diễn ra ở chỗ chúng tôi, một tuần nữa sẽ đến phiên các bạn. Hãy chuẩn bị đi".

Vị trưởng khoa của bệnh viện Emile Muller ở Mulhouse đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, như đợt nóng thế kỷ năm 2003 và nhiều trận dịch do virus, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng được tình cảnh như hiện giờ. Toàn bộ bệnh viện phải tổ chức lại để dành 200 giường cho các bệnh nhân mới. Ở khoa Lão, tất cả các phòng bệnh đều trở thành "Covid" với các biện pháp vệ sinh đặc thù và đội ngũ riêng, tuy vậy một phần ba nhân viên y tế đã bị lây bệnh.

Thành phố chết

Trong sự im lặng nặng nề, các hộ lý chuyển đi những người bệnh đang thở oxy. Họ suy sụp rất nhanh, hiếm có ai lành bệnh trở về. Số lượng tử vong hàng ngày bằng cả một tháng trong thời gian bình thường, mỗi ngày tờ báo địa phương L’Alsace đăng khoảng 50 cáo phó. Đáng thương nhất là các nạn nhân phải giã từ cõi đời một cách cô độc vì thân nhân chỉ được nhân nhượng cho nhìn thoáng qua lần cuối. Khi đưa người thân đến nhập viện, nhiều khi cũng là lúc chia tay vĩnh viễn.

Tại Mulhouse, "Bergame của nước Pháp", người ta đều quen một ai đó bị dương tính, con virus đã tràn vào một phần ba các viện dưỡng lão. Người báo động về loại virus siêu lây nhiễm và có thời gian ủ bệnh rất ngắn là bác sĩ Patrick Vogt : ngày 3/3, khi trực cấp cứu y tế từ 18 giờ cho đến 1 giờ sáng, ông nhận được đến 1.500 cuộc gọi.

Mulhouse im lìm như thành phố chết, chẳng có ai trên đường phố kể cả người vô gia cư. Những hàng cây anh đào đang nở hoa, chưa bao giờ tiếng chim hót lại nghe rõ đến thế. Nhưng bây giờ đang là thời chiến. Một tấm băng-rôn treo trên một tòa nhà ghi hàng chữ "Mulhouse kháng chiến". Trên tuyến đầu này, không thiếu những hành động tương trợ : nhiều công ty dệt may lao vào may khẩu trang, các nhà sản xuất rượu vang tặng cồn để chế ra gel kháng khuẩn.

Pháp thiếu khẩu trang trầm trọng

Pháp, cường quốc kinh tế thứ 6 thế giới đã phải gởi những chiến sĩ áo trắng ra mặt trận mà không có trang bị bảo hộ. Mỹ, nơi chế tạo các xe tự hành Google Car cũng không khá hơn, CDC (Center of Disease Control) phải khuyến cáo dùng tạm loại khăn bandana mà phụ nữ thường diện.

Trong bài "Xì-căng-đan thiếu hụt khẩu trang", L’Obs kể lại câu chuyện một doanh nghiệp sản xuất quần jean bằng coton bio đã tận dụng vải may túi và vải chần được tặng để may khẩu trang cho bệnh viện Grenoble, nhiều người tình nguyện trong vùng cũng góp sức. Tương tự đối với các bệnh viện ở Lille, Bretagne… Dù khẩu trang vải bảo vệ được ít hơn so với loại FFP2, nhưng có còn hơn không.

Hồi dịch cúm A (H1N1) năm 2009, Pháp đã trữ đến 1 tỉ khẩu trang y tế và 700 triệu khẩu trang FFP2, nhưng sau đó ngân sách giảm dần, từ 285 triệu euro chỉ còn 25 triệu vì cho rằng không cần dự trữ nhiều. Hàn Quốc sau dịch MERS và Đài Loan, Singapore sau dịch SARS đã gia tăng năng lực xét nghiệm, theo dõi chặt những người dương tính, kiểm tra thân nhiệt tại sân bay. Hơn nữa tại Châu Á việc đeo khẩu trang đã trở thành phổ biến, trong khi Pháp cho là vô ích. Làm thế nào tránh được nạn dịch tái sinh sau thời kỳ phong tỏa ? L’Obs nhận định luôn cần đến khẩu trang.

Trung Quốc, "ân nhân của nhân loại" ?

Nhưng trong vấn đề này, Pháp đang trở thành tù nhân của Trung Quốc. Bị lên án về trách nhiệm gây ra đại dịch, Bắc Kinh lợi dụng khó khăn của các nước khác để đóng vai "ân nhân của nhân loại", chủ yếu qua việc cung cấp khẩu trang.

Chỉ mới cách đây sáu tuần, Bắc Kinh phải thu mình lại hứng chịu trận sóng thần phẫn nộ của người dân trong nước, và làn sóng chỉ trích của quốc tế. Giờ đây gió đã đổi chiều, nay đến lượt lãnh đạo các nước mà đại dịch corona tràn sang đang bị đả kích. Đối với Bắc Kinh, đây là cơ hội tuyệt vời để khỏa lấp trách nhiệm, và còn hơn thế nữa, thủ vai "ân nhân", hào hiệp chia sẻ kinh nghiệm – và nhất là khẩu trang.

Trung Quốc vốn chiếm đến 80% năng lực sản xuất thế giới, chỉ cung cấp nhỏ giọt : 250 ngàn chiếc cho Iran, 200 ngàn cho Philippines, 2 triệu chiếc cho Ý, 1 triệu cho Pháp… Báo chí Hoa lục rầm rộ tuyên truyền, nhưng cố tình lờ đi đó là việc mua bán tiền trao cháo múc (đối với Ý), và "bánh ít đi bánh quy lại" sau khi đã nhận lượng viện trợ y tế không nhỏ của Pháp cách đây một tháng.

Sở dĩ Bắc Kinh có thể đánh bóng chân dung tự họa của mình, đó là nhờ một mình một chợ. Sau dịch, Trung Quốc đã huy động nhiều ngành để tăng sản lượng lên gấp 12 lần, sản xuất được 200 triệu khẩu trang một ngày, so với Pháp cao lắm là 300 triệu một… năm.

"Ngoại giao khẩu trang" để chuyển bại thành thắng

Đây là công cụ để gây áp lực : các nhà lãnh đạo nước ngoài khi nhận được những mẩu bánh vụn này đã phải cảm ơn Trung Quốc. Theo các tin tức ở Bruxelles, Trung Quốc đã ra điều kiện khi cũng cấp trang thiết bị y tế cho bốn nước Châu Âu, là phải thay đổi chủ trương về Hoa Vi (Huawei).

New York Times cho biết thêm, Trung Quốc cấm triệt để việc xuất khẩu trang, kể cả đối với các công ty ngoại quốc có nhà máy tại Hoa lục, đồng thời càn quét hầu hết lượng khẩu trang trên thị trường thế giới. Ngay từ tháng Giêng, Bắc Kinh tung người đi lùng sục những pharmacie của tất cả các nước để mua gom khẩu trang gởi về Trung Quốc, tạo ra nạn khan hiếm hiện nay.

Điều này tuy có thể hiểu được khi Vũ Hán bị dịch bệnh hoành hành, nhưng vấn đề là nay Trung Quốc lại dùng làm công cụ để bắt chẹt. Một nhà quan sát nhận xét : "Chế độ Bắc Kinh vừa không ngần ngại đàn áp công dân, vừa đòi hỏi người dân phải cám ơn mình, và nay đến lượt thế giới. Sau khi làm cho cả hành tinh bị nhiễm con virus giết người, Trung Quốc lại muốn được ca ngợi như một đại ca, cả về đạo đức lẫn công nghệ".

Trong cuộc điện đàm với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, ông Tập Cận Bình nêu ra dự án "Con đường tơ lụa y tế" : Trung Quốc đã chiến thắng con virus, sẽ hướng dẫn các đối tác. Cả một nghệ thuật chuyển bại thành thắng !

Minh bạch và tự do thông tin để chống dịch

Trên Le Point, tác giả Luc de Barochez trong bài "Con dê, chó sói và virus corona" nhắc lại câu chuyện con dê của ông Seguin – đã chọn lựa tự do rồi bị chó sói ăn thịt – trong truyện ngụ ngôn của Alphonse Daudet viết năm 1866.

Bài viết bày tỏ sự kinh ngạc khi một số người ca tụng việc chống dịch hiệu quả của Trung Quốc, trong khi chế độ độc tài này đã bưng bít nạn dịch ở Vũ Hán suốt nhiều tuần lễ, bắt nhốt các bác sĩ muốn cảnh báo, trục xuất các nhà báo ngoại quốc chỉ vì tội đã đưa tin trung thực.

Theo tác giả, minh bạch và tự do thông tin là cần thiết để đấu tranh chống dịch bệnh. Không Nhà nước nào được cưỡng bức công dân phải chọn lựa giữa sức khỏe và tự do, lại càng không nên núp sau cái cớ y tế để tước đoạt tự do của người dân. Duy nhất Nhà nước pháp quyền mới có thể bảo đảm được cả hai, và chỉ có những công dân tự do mới có thể chấp nhận những rủi ro.

Virus corona và Nhà nước pháp quyền

Cũng trên Le Point, tác giả Nicolas Baverez nhận định, trận đại dịch này buộc các nhà nước phải củng cố lại quyền lực, toàn cầu hóa một cách hợp lý hơn và tăng cường sự hợp tác.

Cuộc khủng hoảng virus corona đánh dấu hồi kết của ảo tưởng cho rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô sẽ là thời đại vàng son cho an ninh. Trước đó, các vụ khủng bố ngày 11/9, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay làn sóng khủng bố những năm 2010 đã gieo rắc nỗi sợ, làm các chính phủ lúng túng. Về mặt địa chính trị, con virus từ Vũ Hán làm gay gắt thêm cuộc xung đột Mỹ-Trung và đại dịch này không cho phép người ta quay lại với thế giới cũ.

Công dân và chính quyền các nước phải chọn lựa giữa hai mô hình. Hoặc Trung Quốc chứng tỏ được chỉ có độc tài mới đáp ứng thách thức của thế kỷ 21, hoặc các nền dân chủ khẳng định được một sự thăng bằng mới giữa Nhà nước và thị trường, tự do và an ninh, khả năng phục hồi của các quốc gia và việc xây dựng trật tự quốc tế. Như Đài Loan, Nhật, Hàn đã chứng tỏ phối hợp hiệu quả giữa xử lý khủng hoảng và tôn trọng Nhà nước pháp quyền.

Độc tài & Dân chủ : 0-0

Về chủ đề này, cây bút bình luận Pierre Haski trên L’Obs cũng lưu ý đến việc không ít người ở phương Tây ca ngợi thành công của Trung Quốc độc tài, trong khi các nền dân chủ lúng túng khi con virus từ Vũ Hán tràn sang. Độc tài đã thắng Dân chủ 1-0 chăng ?

Tác giả cho rằng như vậy là quá vội vã gỡ bỏ trách nhiệm gây ra đại dịch toàn cầu của chế độ Bắc Kinh. Cuối tháng 12/2019, Trung Quốc đã biết chắc rằng con virus hung dữ lây từ người sang người, nhưng hai tuần sau Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tuyên bố ngược lại, dựa theo thông tin dối trá của Bắc Kinh. Sau đó chế độ toàn trị này tỏ ra hiệu quả với biện pháp từ thời Trung Cổ : buộc cách ly, cộng thêm công nghệ giám sát. Dù thành công, nhưng vế sau không khỏa lấp được vế trước.

Tự do thông tin chính là sự bảo đảm để tránh những thảm họa mới mà như chúng ta đã thấy, không dừng lại bên trong biên giới của một quốc gia. Tất nhiên cũng phải xem lại việc giao phó an ninh y tế cho chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ngơ trước lời cảnh báo của các nhà khoa học. Tác giả từng sống ở Bắc Kinh trong thời kỳ dịch SARS năm 2003, đã nghe các nhà dịch tễ học dự báo sẽ có ngày con virus xâm lăng khắp thế giới.

Tóm lại, tỉ số thực tế nhất giữa Độc tài và Dân chủ là 0-0. Đại dịch corona sẽ để lại những dấu ấn trong từng xã hội và trong tương quan quốc tế, điều quan trọng là chú ý không để cho lịch sử bị Bắc Kinh viết lại.

Tập Cận Bình múa gậy vườn hoang

L’Express cũng có cùng ý kiến, qua bài "Nhờ khủng hoảng, Trung Quốc muốn khoác vào chiếc áo lãnh đạo thế giới", với bức vẽ minh họa Tập Cận Bình mặc áo siêu nhân màu đỏ có những ngôi sao vàng.

Bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh hoạt động tối đa, đề cao sự "ưu việt" của chế độ chính trị Trung Quốc trước đại dịch so với phương Tây. Nhiệm vụ quan trọng là thoái thác mọi trách nhiệm của Bắc Kinh, thông qua việc gieo rắc nghi ngờ : dù con virus xuất phát từ Vũ Hán nhưng bộ ngoại giao Trung Quốc lại nêu ra khả năng các quân nhân Mỹ là nguyên nhân gây dịch bệnh ! Người khổng lồ Châu Á còn gây sức ép lên các tổ chức quốc tế. Tổng giám đốc WHO, Tedros Ghebreyesus được bầu lên nhờ sự vận động của Trung Quốc, không bỏ lỡ một cơ hội nào để ca ngợi Bắc Kinh.

Theo L’Express, dù ghi điểm nhưng "quyền lực mềm" Trung Quốc vẫn chưa thắng được cuộc chiến truyền thông. Bắc Kinh vẫn lo sợ dịch bùng lên trở lại, khi dân chúng vẫn chưa quên việc xử lý khủng hoảng một cách tệ hại của chính quyền trong thời gian đầu. Việc bóp méo thông tin cũng làm xấu đi hẳn hình ảnh Trung Quốc trước dư luận quốc tế, tuy nhiên tờ báo cho rằng đối với Mỹ, nếu để mặc cho Tập Cận Bình múa gậy vườn hoang thì cũng nguy hiểm không kém con virus Covid-19.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc leo thang trong vấn đề Biển Đông khi Bắc Kinh bắn tia laze vào máy bay do thám Mỹ.

laser1

Hình ảnh về một cuộc tấn công laser cấp quân sự vào một máy bay quân sự Mỹ. Ảnh : quân đội Hoa Kỳ / Victor Tangermann

Khi Covid-19 đang thu hút sự chú ý của dư luận thể giới thì tại Biển Đông, Mỹ – Trung lại căng thẳng, gia tăng mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực.

Trước đó, Lầu Năm Góc tuyên bố một tàu chiến Trung Quốc đã bắn tia laze quân sự vào máy bay do thám P-8 của Hải quân Hoa Kỳ trong khi phương tiện này đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ ở khu vực Biển Đông.

Những tia laze như vậy có thể tạm thời làm mù phi công khi chiếu thẳng sâu vào trong buồng lái máy bay.

Tàu khu trục hải quân [Trung Quốc] hành động không an toàn và không chuyên nghiệp, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh, các loại vũ khí có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với các máy bay và thủy quân lục chiến, cũng như các hệ thống tàu và máy bay.

Lầu năm góc cũng cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ nhận sự đáp trả. Washington dự kiến ​​sẽ phản đối ngoại giao chính thức về sự cố này trong một vài ngày tới.

Vào năm 2018, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng một căn cứ không quân của Trung Quốc ở Djibouti có thể đã nhắm vào các máy bay quân sự của nước này bằng tia laze quân sự.

laser2

Lính hải quân Trung Quốc PLA trên một tàu hải quân ở Biển Đông. Ảnh: Twitter

Sự cố laze chỉ ra khiêu khích mới đầy tiềm năng ở vùng biển tranh chấp, nơi cả Trung Quốc và Mỹ đang xoay vòng trong cuộc cạnh tranh để giành quyền chỉ đạo.

Các nhà phân tích chiến lược hiện đang cân nhắc, liệu căng thẳng Mỹ-Trung có mở rộng ra, gồm cả cuộc chiến thương mại chưa được giải quyết và những cảnh báo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus do Trung Quốc gây ra, khiến tình hình Biển Đông leo thang.

Sự khiêu khích mới nhất của Trung Quốc đã đi ngược lại nguyên tắc tự do hoạt động hàng hải (FONOP).

Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành chín lần thực hiện FONOP ở Biển Đông, tăng năm lần so với năm 2018 và sáu trong năm 2017.

Vào tháng 1, Hàng không mẫu hạm USS Montgomery, đã thực hiện FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ năm 2020, trong phạm vi vài hải lý của Đá Chữ Thập do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tháng trước, Mỹ đã triển khai tàu khu trục tên lửa USS Wayne E Meyer trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, hai trong số những hòn đảo nhân tạo trên biển.

Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ thách thức các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

laser2

Không ảnh Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), được biết đến ở Trung Quốc là Yongshu Reef, được phát hành bởi quân đội Trung Quốc. Ảnh : PLA

Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đả kích Hoa Kỳ vì hành động "bất chấp quy tắc và luật quốc tế ". Ông cảnh báo Hoa Kỳ kiềm chế những hành động khiêu khích để tránh những biến cố không thể đoán trước được.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Lầu Năm Góc đã nhanh chóng điều chỉnh FONOP, vốn gia tăng tần suất dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, khẳng định rằng tất cả các hoạt động trên tuân thủ theo theo luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

laser3

Vào tháng 7 năm 2016, một hội đồng trọng tài tại The Hague được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã phủ nhận bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc.

Trung Quốc đã từ chối tuân theo phán quyết.

Richard Javad Heydarian

Nguyên tác : US, China sea tensions on a precarious laser’s edge, Asia Times, 02/03/2020

Anh Khoa lược dịch

Nguồn : VNTB, 03/03/2020

******************

Virus corona : Trung Quốc "gieo gió" nhưng không muốn "gặp bão"

Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2020

Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bớt hoành hành tại Trung Quốc, chính quyền và dư luận nước này lại bắt đầu có tâm lý lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại do việc con virus corona theo chân người nước ngoài du nhập vào Trung Quốc. Điều oái oăm ở chỗ con virus độc hại đó lại có xuất xứ từ Trung Quốc, nơi được xem là cái nôi của dịch bệnh.

ban1 - Copie

Công an vũ trang đeo khẩu trang tuần tra tại Daxing International Airport ở Bắc Kinh ngày 20/02/2020. Reuters/Tingshu Wang

Hãng tin Pháp AFP ngày 27/02/2019 đã ghi nhận sự kiện là trong những ngày gần đây, cả chính quyền trung ương lẫn một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã loan báo ý định hay quyết định tăng cường kiểm soát du khách đến từ nước ngoài, đặc biệt nhắm vào những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Iran, Ý…

Ở cấp trung ương, theo AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận rằng nước này đang xem xét "các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát có đối tượng cụ thể", nhắm vào những người nhập cảnh Trung Quốc.

Ở cấp địa phương, một số biện pháp cụ thể đã bắt đầu được thực hiện. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chẳng hạn, hôm 26/02 vừa qua, đã loan báo quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia bị dịch bệnh "ảnh hưởng nghiêm trọng". Tuy nhiên, chính quyền thành phố không nói rõ đó là những nước nào.

Trong thực tế, hàng trăm hành khách đến từ Hàn Quốc đã bị cách ly ở phía đông Trung Quốc, sau khi phát hiện ra một số trường hợp nghi nhiễm bệnh Covid-19 trên hai chiếc máy bay.

Phản ứng lo ngại virus quay trở lại Trung Quốc cũng xuất hiện trên báo chí Trung Quốc. Nhiều tờ báo đã yêu cầu chính quyền phải kiểm soát nghiêm ngặt người đến từ những nước có dịch khác. Hoàn Cầu Thời Báo chẳng hạn cho rằng khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc "không nên được đối xử ưu đãi, vì điều đó sẽ cho phép họ dễ dàng lọt qua mạng lưới phòng ngừa và kiểm soát của Trung Quốc".

Ngoài ra, theo ghi nhận của AFP, phản ứng lo ngại đặc biệt dữ dội trên các mạng xã hội Trung Quốc. Hôm 27/02, theo hãng tin Pháp, các mạng xã hội Trung Quốc đã dậy sóng sau khi có tin về việc một người quốc tịch Trung Quốc từ Iran trở về, đã bị nhiễm virus corona, nhưng vẫn tự do đi lại nhiều nơi, đến tận vùng Ninh Hạ ở miền bắc sau khi nhập cảnh ở Thượng Hải, thành phố phía nam. Sự kiện đó đã làm dấy lên vô số bình luận trên mạng xã hội Vi Bác, với ít nhất 100 triệu lượt xem.

Một cư dân mạng tỏ thái độ phẫn uất : "Chúng ta không thể phá hỏng tất cả những nỗ lực ở Trung Quốc, chỉ vì một người đến từ nước ngoài".

Những yêu cầu hạn chế cũng như kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người nước ngoài từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc phải nói là rất hợp lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc, yêu cầu này có phần mỉa mai vì lẽ con virus mà một số nước hiện mắc phải được xác định là đã trực tiếp đến từ Vũ Hán Trung Quốc, từ lúc chính quyền nước này còn bưng bít thông tin về dịch bệnh.

Giới quan sát đều ghi nhận là khi dịch bệnh mới bùng lên, Bắc Kinh đã không ngần ngại gay gắt đả kích các nước đã nhanh chóng đóng cửa với Trung Quốc. Và ngày nay Bắc Kinh lại áp dụng cùng một biện pháp mà họ đã phản đối.

Trọng Nghĩa

****************

Chiến hạm Trung Quốc bị tố chiếu laser vào phi cơ tuần tra Mỹ gần Guam

Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2020

Hải Quân Hoa Kỳ ngày 27/02/2020 tố cáo tàu chiến Trung Quốc đã chiếu laser vào một chiếc phi cơ tuần tra biển P-8A Poseidon của Hải Quân Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.

ban2 - Copie

Phi cơ tuần tra P-8 Poseidon cất cánh từ Perth International Airport, ngày 16/04/2014. AFP PHOTO / POOL / Greg WOOD

Đài truyền hình Mỹ Fox News trích dẫn thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương cho biết vụ việc xẩy ra vào ngày 17/2 tại một vùng biển quốc tế, cách đảo Guam khoảng 380 hải lý (610 km) về hướng tây.

Chiếc phi cơ tuần tra biển P-8A của Mỹ khi đang bay trên bầu trời khu vực thì bị trúng tia laser bắn đi từ một khu trục hạm Trung Quốc. Thông cáo nói rõ là tia laser mà Trung Quốc sử dụng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng đã bị thiết bị cảm biến trên máy bay P-8A ghi nhận.

Đối với phía Mỹ, các "vũ khí" laser có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng cho phi hành đoàn, thủy thủ đoàn cũng như hệ thống máy móc trên máy bay hay tàu thuyền.

Hạm Đội Thái Bình Dương khẳng định rằng khu trục hạm của Hải Quân Trung Quốc đã có những "hành động không an toàn và không chuyên nghiệp", đồng thời tố cáo Trung Quốc đã vi phạm quy tắc ứng xử trong trường hợp đối đầu không mong muốn trên biển CUES mà Hải Quân nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã đồng ý vào năm 2014.

Đối với Hải Quân Mỹ, Trung Quốc cũng vi phạm Biên Bản Ghi Nhớ giữa hai bộ Quốc Phòng Mỹ và Trung Quốc quy định các quy tắc hành xử khi quân đội hai bên "gặp nhau" trên biển và trên không.

Theo đài truyền hình Mỹ CNN, một số quan chức quốc phòng Mỹ xin ẩn danh cho biết là Washington chuẩn bị gửi công hàm phản đối hành động của phía Trung Quốc.

Vụ chiếu laser lần này đã gợi lại một vụ việc xảy ra vào tháng 05/2019, khi một trực thăng trên tàu đổ bộ Úc HMAS Canberra nghi đã bị tàu cá Trung Quốc chiếu laser trên Biển Đông sau khi ghé thăm Việt Nam và trên đường sang Singapore.

Năm 2018, các quan chức Mỹ cũng tố cáo lực lượng Trung Quốc đồn trú tại Djibouti đã chiếu laser vào phi cơ Mỹ gây thương tích cho phi công.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 28/02/2020

Additional Info

  • Author Richard Javad Heydarian, Trọng Nghĩa
Published in Diễn đàn

Chiến lược về "không gian sinh tồn" của Trung Quốc đã có từ rất sớm so với các quốc gia Châu Á, do Tưởng Giới Thạch khởi xướng. Dĩ nhiên chiến lược này "lấy hứng" từ các học thuyết "địa chính trị" của các học giả Tây phương cũng như các mô hình "đế quốc" trong lịch sử.

sinhton1

Không gian sinh tồn của Trung Quốc là vùng không gian cần thiết để chủng tộc Hán sinh tồn và biên giới của không gian này được đánh dấu bằng các cột mốc của nên văn minh Trung Hoa.

Tập sách "Không gian sinh tồn", L’Espace Vital - Lebensraum, tác phẩm nghiên cứu về "địa lý chính trị" – Géopolitique – nổi tiếng của Friedrich Ratzel xuất bản năm 1902 là một thí dụ điển hình. Cốt lõi tập sách này đề cập đến sự thành hình của một đại cường quốc, đặt nền tảng trên 7 định luật :

1. Không gian (sinh tồn) của một dân tộc được mở rộng đồng thời với văn minh của dân tộc đó. Một dân tộc có nền văn minh tiến bộ sẽ đồng hóa các dân tộc kém văn minh hơn.

2. Lãnh thổ quốc gia sẽ mở rộng theo tỉ lệ thuận với sức mạnh kinh tế và đội ngũ thương buôn của quốc gia. Việc mở rộng đế quốc vì thế chỉ tùy thuộc vào ý chí và phương tiện.

3. Việc bành trướng của đế quốc được thực hiện qua phương cách "chiếm đóng" một nước nhỏ hơn, sau đó "đồng hóa" về ngôn ngữ, văn hóa… đối với dân chúng.

4. Đường biên giới quốc gia không xác định (frontière vivante). Biên giới xác định chỉ có giá trị tạm thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai đoạn bành trướng.

5. Trong quá trình bành trướng, lãnh thổ, tài nguyên... là mục tiêu chính.

6. Đối tượng đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng là các quốc gia yếu kém ở kế cận. Một cường quốc không thể phát triển để trở thành "đế quốc" nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc.

7. Hiện tượng bành trướng có khuynh hướng lan rộng do việc tranh giành lãnh thổ giữa các quốc gia.

Hitler lấy hứng từ lý thuyết này để viết cuốn "Mein Kampf" chủ trương về một "chủng tộc siêu việt", từ đó thành lập IIIe Reich (Đức Quốc Xã), mở ra Thế chiến II.

Những nhà chiến lược hiện đại cho rằng lý thuyết "địa lý chiến lược" của Ratzel là sơ khai, lỗi thời.

Điều này đúng nếu ta xét trường hợp của các đế quốc (thuộc địa) cũ như Anh, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha, Hòa lan… Lãnh thổ không còn là đối tượng chinh phục của các "đế quốc". Nhưng trong chừng mực, ở một số điểm, lý thuyết này vẫn đúng, ngay cả cho Mỹ, vào ở thời điểm hiện tại.

Thực tế cho thấy rằng Mỹ không chấp nhận bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới này thách thức vị thế của Mỹ, ngay cả về ý thức hệ chính trị. Nói chi đến các quốc gia kế cận. Ngoại trừ Canada, tất cả các quốc gia Nam Mỹ khác đều "nghèo". Mặc dầu các quốc gia này có dư tiềm năng để trở thành một đại cường, như Bresil, Venezuela, Argentine…

Cuba vì đối kháng ý thức hệ, đã bị Mỹ "trừng phạt" từ nhiều thập niên.

Canada là một "ngoại lệ" vì "tương đồng" với Mỹ nhiều thứ, từ nguồn gốc xuất phát của dân chúng và lịch sử thành hình quốc gia, cho tới ý thức hệ chính trị. Hai quốc gia chia sẻ chung một di sản văn hóa và văn minh, nói cùng một thứ tiếng. Canada và Mỹ có quan hệ "cộng sinh". (Điều này chỉ thay đổi khi Canada có một đường lối ngoại giao thù nghịch với Mỹ, đồng thời có quan hệ quốc phòng thân thiết với Nga và Trung Quốc).

Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, lý thuyết này là một vấn đề thời sự cho trường hợp Trung Quốc, một cường quốc đang khẳng định tư thế của mình trong khu vực.

Tư tưởng "không gian sinh tồn" của Tưởng Giới Thạch rất đơn giản, có thể tóm lược trong một câu : không gian sinh tồn của Trung Quốc là vùng không gian cần thiết để chủng tộc Hán sinh tồn và biên giới của không gian này được đánh dấu bằng các cột mốc của nên văn minh Trung Hoa.

Xét trên từng chữ thì không gian sinh tồn của Trung Quốc có thể mở ra vô tận. Vùng đất nào, vùng biển nào… cần thiết cho Trung Quốc thì vùng đó thuộc "không gian sinh tồn" của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc lên đến 1 tỉ 400 triệu người. Khối dân chúng này "túa" ra tới đâu thì "ranh giới" của không gian sinh tồn của Trung Quốc được đánh dấu tới đó.

Tư tưởng của Tưởng Giới Thạch được Đặng Tiểu Bình thừa kế. Di sản này sau đó chuyển giao cho các thế hệ lãnh đạo sau này là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và hiện nay Tập Cận Bình.

Từ đầu năm 2010 ta nghe từ viên chức ngoại giao Trung Quốc : Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ý kiến này chưa bao giờ trong lịch sử Trung Quốc nhắc đến.

Bảy định luật của Ratzel đã hoàn toàn chứng nghiệm cho dân tộc Hán từ lập quốc đến ngày hôm nay.

Định luật 1 : Nền văn minh Hán tộc đã đồng hóa tất cả các dân tộc khác, kể các các dân tộc dũng mãnh đã chiếm hữu và trị vì Trung Quốc. Văn hóa các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung Quốc.

Định luật 2 : Hiện đang thích ứng cho tình trạng Trung Quốc hiện nay. Sự vượt trội về kinh tế, cho phép nước này hiện đại hóa quân đội. Những đòi hỏi của Trung Quốc ở biển Đông hay với Nhật qua tranh chấp Senkaku, cho thấy ý chí muốn chinh phục của nước này.

Định luật 3 : Định luật này cùng với định luật 1 đã được dân tộc Hán áp dụng từ thời mới lập quốc và còn đang tiếp tục cho đến hôm nay. Dân tộc Hán luôn bành trướng và tiêu diệt (hay Hán hóa) tất cả các dân tộc khác. Hiện nay việc đồng hóa đang được thực hiện ráo riết tại Tây Tạng.

Định luật 5 cho thấy vẫn chưa lỗi thời, Trung Quốc đặt ra mục tiêu phải chinh phục Trường Sa và Senkaku. Nhưng định luật này cần cập nhật thêm vì chủ đích của việc chinh phục sẽ là vùng biển, là tài nguyên chứa đựng trong đó.

Định luật 6 phản ảnh rõ rệt thái độ bành trướng của Trung Quốc ngày hôm nay : Việt Nam và Phi, hai nước yếu, nằm trong tầm nhắm của Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt Nam giàu mạnh. Một nước Việt Nam giàu và mạnh sẽ ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc. Về kinh tế, ta thấy Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó cũng là một biến dạng của lý thuyết "không gian sinh tồn", biến Việt Nam thành một chư hầu kinh tế.

Từ định luật 6, ta thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc và các quốc gia kế cận chắn chắn sẽ xảy ra. Trung Quốc không thể trở thành đại cường nếu có các nước Nhật, Hàn, Việt Nam… hùng mạnh ở kế bên (và ngược lại).

Ở điểm này các quốc gia Nhật, Hàn (và có thể là Việt Nam sau này) được sự trợ giúp của Mỹ để phát triển. Nếu Nhật, Hàn (và Việt Nam sau này) là các quốc gia hùng mạnh, việc này sẽ cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vấn đề là lãnh đạo Mỹ có thấy điều này hay không và nhứt là lãnh đạo Việt Nam có nhận thức được điều này hay không ?

Định luật 7 cho thấy có nhiều điều cần điều chỉnh lại. Đất đai không còn là mục tiêu tranh chấp mà là việc tranh giành thị trường, dành vùng ảnh hưởng, hay việc xung đột giữa các nền văn minh (theo thuyết của Samuel P. Huntington).

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 12/02/2020

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn

Virus corona : OPEC đối phó với giá dầu giảm (RFI, 05/02/2020)

Dịch bệnh do virus corona từ Trung Quốc đã khiến giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh trong những ngày qua, đến mức mà các nước xuất khẩu dầu hỏa phải tìm cách đối phó.

thegioi1

Bộ trưởng Năng Lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, tới dự cuộc họp của OPEC, Vienna, Áo, ngày 05/12/2019 Reuters/Leonhard Foeger/File Photo

Hôm qua, 04/02/2020, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và đồng minh Nga đã họp tại Vienna trong hai ngày để thảo luận về khả năng cắt giảm hơn nữa mức sản xuất. Do thị trường Trung Quốc quá quan trọng cho nên cuộc họp của OPEC tại Vienna lần này đặc biệt có mời một đại biểu từ Trung Quốc đến dự.

Trong vòng chưa tới một tháng, giá "vàng đen" đã sụt 20%, và ngày 03/02 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01/2019. Lý do là vì các nhà đầu tư lo ngại tác động của dịch viêm phổi cấp tính do virus corona Vũ Hán gây ra. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hỏa hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ đứng hàng thứ hai. Cho nên mức tiêu thụ của cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới có tác động rất lớn đối với giá dầu của thị trường toàn cầu. Khi kinh tế bị chựng lại thì nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt giảm ngay.

Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, nếu tiếp tục lan rộng, dịch virus corona mới sẽ chặn đứng đà tăng của mức cầu, khiến cho mức cung bị dư thừa, trong bối cảnh các nước Brazil, Hoa Kỳ và Na Uy đang tăng mức sản xuất dầu hỏa.

Trước mắt, việc Trung Quốc cắt giảm số chuyến bay nội địa cũng như chuyến bay quốc tế đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu cho máy bay, góp phần khiến giá dầu sụt giảm mạnh trong những tuần qua.

Theo nhà phân tích Olivier Jakob, thuộc viện Petromatrix, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, dịch bệnh do virus corona có thể gây một cú sốc dài hạn đối với nhu cầu về dầu hỏa, nhưng vấn đề đối với OPEC đó là họ chưa biết tầm mức của sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Craig Erlam, cũng được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, cuộc họp hôm nay của tổ chức OPEC có thể sẽ đưa ra khuyến cáo cắt giảm thêm sản lượng dầu từ 500 ngàn đến 1 triệu thùng mỗi ngày, để đẩy giá dầu lên trở lại.

Thật ra thì theo phát ngôn viên của bộ Dầu Hỏa Iraq, các đại biểu dự cuộc họp ở Vienna xem xét các kịch bản khác nhau và mọi quyết định cắt giảm sản lượng sẽ chỉ được thông báo trong một cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức OPEC. Cuộc họp cấp bộ trưởng kỳ tới trên nguyên tắc sẽ diễn ra trong 2 ngày 05 và 06/03, nhưng có thể được triệu tập sớm hơn, có thể là ngay trong tháng 2 này, tùy theo nhu cầu của thị trường và diễn tiến tình hình dịch bệnh.

Hiện giờ Nga là quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng hàng thứ hai thế giới, còn Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới. Hai nước này đóng vai trò hàng đầu trong liên minh giữa OPEC (gồm 13 thành viên) với 10 cường quốc dầu hỏa khác. Từ cuối năm 2016, Nga và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận về việc hạn chế sản lượng nhằm giữ cho giá dầu không bị giảm trong trường hợp mức cung vượt quá mức cầu.

Nhưng không chắc hai quốc gia nặng ký nhất sẽ thuyết phục được các nước khác chấp nhận cắt giảm sản lượng khi mà, như phân tích ở trên, OPEC vẫn chưa nắm rõ tầm mức sự sụt giảm tiêu thụ dầu hỏa của Trung Quốc.

Thanh Phương

****************

Virus corona : Anh, Pháp khuyến cáo công dân rời Trung Quốc (RFI, 05/02/2020)

Trước dịch virus corona đang lan rộng, Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo tất cả các công dân nước này nên rời Trung Quốc, và hôm nay 04/02/2020 thông báo cuối tuần này sẽ có "chuyến bay thứ hai và cuối cùng" di tản công dân Anh khỏi Hồ Bắc. Về phía Pháp cũng khuyến cáo công dân tạm thời rời Hoa lục, trừ trường hợp có lý do quan trọng phải ở lại.

thegioi2

Công dân Pháp hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đến căn cứ không quân Istres, gần Marseille, Pháp, ngày 31/01/2020. Adj Olivier Favre/Etat Major des Armees/ Handout via Reuters

Một phi cơ dân sự Anh có nhân viên y tế và ngoại giao hỗ trợ sẽ rời Vũ Hán Chủ Nhật 09/2, đưa công dân đến một căn cứ không quân ở miền nam nước Anh, tại đây họ sẽ bị cách ly trong 14 ngày.

Bộ Ngoại giao Pháp một lần nữa ra thông cáo khuyên công dân, đặc biệt là các gia đình nên trở về Pháp, khuyến cáo không đến Hồ Bắc và ngưng những chuyến giao lưu với các trường đại học Hồ Nam, Hà Nam, Quảng Đông, Chiết Giang. Riêng 6 người bị nhiễm hiện nay dù tình trạng có ổn định nhưng vẫn phải bị cách ly tại bệnh viện, một khi trong cơ thể còn virus corona.

Tại Bỉ đã phát hiện trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên trong số 9 công dân di tản khỏi Vũ Hán cuối tuần qua. Tổng cộng tại Châu Âu đã có 28 người bị nhiễm virus corona ở Đức (12 người), Pháp (6), Nga, Ý, Anh, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ.

Hôm nay một chiếc máy bay New Zealand chở 190 công dân của nước này và Úc cùng với các đảo quốc Thái Bình Dương sơ tán khỏi Vũ Hán, đã hạ cánh xuống Auckland, nơi họ bị cách ly hai tuần. Cũng trong hôm nay, Moskva hồi hương nhóm đầu tiên 78 người trong số 144 công dân Nga từ Hồ Bắc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tối qua thông báo sẽ có thêm hai chuyến bay đưa 305 người Mỹ rời Vũ Hán, nâng tổng số công dân Mỹ di tản khỏi thành phố trung tâm dịch bệnh lên trên 500 người. Chính phủ Brazil hôm nay gởi hai máy bay đến Vũ Hán để di tản công dân.

Trên biển, hiện có hai chiếc tàu du lịch đang bị phong tỏa do virus corona. Khoảng 3.700 hành khách mang 56 quốc tịch khác nhau trên chiếc Diamond Princess đang ở gần cảng Yokohama (Nhật) bị buộc phải cách ly trong ca-bin tàu 14 ngày, do phát hiện ít nhất 10 trường hợp dương tính với virus, sau khi quá cảnh Hồng Kông.

Trong khi đó tại Hồng Kông, 1.800 hành khách của tàu World Dream hôm nay 05/2 cũng bị buộc ở lại trên tàu, sau khi 3 hành khách vừa đi trên chiếc tàu này bị phát hiện nhiễm virus. Chính quyền đặc khu hôm nay 05/2 tuyên bố, tất cả khách từ Hoa lục đến Hồng Kông kể từ thứ Bảy 08/2 sẽ bị cách ly hai tuần.

Cũng tại Châu Á, hai mẹ con người Malaysia vừa được đưa từ Vũ Hán về hôm nay 05/2 xét nghiệm dương tính với corona. Tại Nhật Bản, các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 "vô cùng lo lắng" cho Olympic năm nay, sẽ diễn ra từ 24/7 đến 09/8, tiếp theo đó là Thế vận hội cho người tàn tật từ 25/8 đến 06/9.

Thụy My

*******************

Hàng ngàn khách trên 2 du thuyền Châu Á bị cách ly vì virus corona (VOA, 05/02/2020)

Hôm 5/2, hàng ngàn hành khách và thuyền viên trên hai tàu du lch vùng bin Châu Á, trong đó có mt tàu đến Vit Nam, đã được kim dch khi con s thit mng vì chng mi ca virus corona lên gn 500, theo Reuters.

thegioi3

Du thuyền World Dream neo đậu ở Hong Kong hôm 5/2/2020, sau khi bị Đài Loan từ chối cho cập cảng vì virus corona.

Khoảng 3.700 người đang phi đi mt với ít nhất hai tun b cách ly trên mt tàu du lch neo đu ngoài khơi Nht Bn sau khi các quan chc y tế xác nhn hôm 5/2 rng 10 người trên tàu đã cho kết qu dương tính vi virus này.

Tại Hong Kong, hơn 1.800 hành khách và thuyn viên đã b giam lng trong du thuyền cp cng ti thành ph này khi din ra quá trình kim tra virus, sau khi ba người trên tàu đã có kết qu xét nghim dương tính.

Hành khách trên du thuyền Diamond Princess xut phát t Nht Bn, cho biết tình trng ca h trên mng xã hi, đăng tải hình nh các quan chc đeo khu trang và áo bo h kim tra sc khe, cung cp thc ăn, phc v phòng, trong khi bên ngoài boong tàu thì vng v, đìu hiu.

"Đây không phải là mt tình hung tt", ông David Abel, hành khách người Anh, cho biết nói trong một video quay trong cabin tàu và đăng lên trang Facebook cá nhân.

Ông cho biết tt c các hành khách b buc phi li trong cabin ca h vào sáng ngày 5/2, và thc ăn được nhân viên giao đến tn phòng.

Tại Hong Kong, nhà chc trách cho biết h không rõ du khách trên tàu World Dream sẽ b giam lng trong bao lâu. Con tàu này, do tp đoàn Dream Cruise khai thác, đã phi cp cng Hong Kong sau khi cng Cao Hùng ca Đài Loan t chi đón khách hôm 4/2.

Truyền thông Vit Nam trích li Cng v Hàng hi Qung Ninh cho biết chuyến cui cùng gn đây nht, du thuyn World Dream có đến H Long vào ngày 14/1/2020 và di đi vào ngày 15/1/2020.

Sau đó khoảng 1 tun, tàu này li tr li Vit Nam nhưng đi Nha Trang, Đà Nng, và không đến Qung Ninh.

*****************

Virus corona : Số tử vong tiếp tục tăng, Trung Quốc mở rộng phạm vi cách ly (RFI, 05/02/2020)

Số người chết không ngừng tăng mỗi ngày ở Trung Quốc vì virus corona mới. Theo số liệu ngày 05/02/2020, có thêm 65 người chết, nâng tổng số tử vong lên đến 490 người và có 4.300 người bị lây nhiễm. Nhiều thành phố lớn triệt để hạn chế đi lại. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao biện pháp cách ly của Trung Quốc.

thegioi4

Lấy mẫu xét nghiệm tìm virus corona trong vùng Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 04/02/2020. STR / AFP

Nạn dịch lan sang các tỉnh - thành phía đông Trung Quốc buộc nhiều đô thị ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) phải áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển từ ngày 04/02, đối với 18 triệu người ở ba thành phố Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou), Ninh Ba (Ningbo). Trước đó thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) đã hạn chế đi lại đối với 3 triệu dân ở ba quận, nơi có trụ sở của tập đoàn Alibaba.

Bệnh viện dã chiến đầu tiên có 1.000 giường ở thành phố Vũ Hán đã đi vào hoạt động từ ngày 03/02 và do quân đội quản lý. Ngoài ra, một trung tâm văn hóa, một trung tâm triển lãm và một nhà thi đấu thể thao cũng được thành phố trưng dụng để lập thêm 3.400 giường bệnh. Theo báo chí Nhà nước, trong trường hợp khẩn cấp, 8 tòa nhà cao tầng cũng sẽ được biến thành bệnh viện dã chiến.

Theo AFP, các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại khắt khe của Trung Quốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) đánh giá hôm 04/02 là "một lối thoát" và "chúng ta không được bỏ qua lối thoát này". Về số người chết và số bệnh nhân được xác định nhiễm virus corona mới tăng mỗi ngày, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, trấn an "điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ trầm trọng thêm". Ngoài ra, ông cũng lên án một số nước giầu có "chậm trễ" trong việc chia sẻ thông tin về nạn dịch, đồng thời ông kêu gọi quốc tế thể hiện thêm tình liên đới.

Một công dân Cameroun, sống ở tỉnh Hồ Bắc, được xác định nhiễm virus corona và nhập viện ở thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou). Theo Sputnik ngày 04/02, Pavel Daryl Kem Senou, 21 tuổi là sinh viên trường Đại học Dương Tử, từng đến thành phố Vũ Hán, trở thành công dân Cameroun đầu tiên bị nhiễm virus này. Hiện có khoảng 300 người Cameroun sống ở Vũ Hán, họ kêu gọi chính quyền Yaoundé hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Quốc tế

Trung Quốc tham vọng mua cả thế giới

Thời sự được nhiều báo Pháp ra hôm nay chú ý : NATO kỷ niệm 70 năm thành lập tại Luân Đôn trong bối cảnh liên minh này đang rệu rã chưa từng thấy. Hội nghị khí hậu quốc tế COP 25 báo trước bế tắc, khi các nước lớn vẫn thiếu quyết tâm chính trị chung. Tuy nhiên các báo dành khá nhiều dung lượng cho chủ đề Trung Quốc.

mua1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc chúc sức khỏe các đại diện tham dự diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019Nicolas Asfour/Pool via Reuters

Nhật báo La Croix trở lại dự án Một vành đai Một con đường vẫn được báo giới quen gọi là "những con đường tơ lụa mới", một dự án đặc trưng cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc ra thế giới. Nhật báo Công Giáo chạy tựa lớn trang nhất "Trung Quốc đang mua thế giới như thế nào".

La Croix ghi nhận : "Từ khi được khởi xướng rầm rộ năm 2013, "những con đường tơ lụa mới" về mặt chính thức là nhằm mục đích kết nối thông thương giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, đến nay Bắc Kinh đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế trên 5 châu lục với số tiền đầu tư hàng tỷ đô la. Tham vọng mới này của Trung Quốc ngày càng tỏ ra là mối đe dọa đối với các nước nhỏ ở Châu Á, Châu Phi và cả Châu Âu. Các nước đó đang cảm thấy mình là con tin của chiến lược bá quyền, mà phía sau là các tham vọng quân sự".

Trong vòng 6 năm, theo La Croix, số lượng các nước tham gia vào dự án "những con đường tơ lụa mới" đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên các tiếng nói phản bác và chỉ trích "đại dự án" này cũng bắt đầu nổi lên ở khắp nơi trên thế giới. La Croix bình luận : "Trung Quốc đã trỗi dậy, nhưng nó trỗi dậy như là một đe dọa trong một trật tự thế giới mới mà họ đang muốn làm chủ. "Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại" của Tập Cận Bình đang biến thành cơn ác mộng đối với nhiều đối tác".

Trọng điểm là các láng giềng Đông Nam Á

Trong dự án đầy tham vọng này, theo La Croix, Trung Quốc chú ý trước tiên vào khu vực Đông Nam Á, nhắm vào các "mắt xích yếu" như Cam Bốt, Lào, đồng thời Trung Quốc tiếp tục củng cố hiện diện tại Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những nước tập trung rất đông Hoa kiều (chiếm 80% Hoa kiều sống trên thế giới).

Tờ báo nêu ví dụ Cam Bốt, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào nước này 5 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, sân bay và bất động sản. Cùng với đầu tư đó, khoản nợ Trung Quốc của Cam Bốt cũng đã chiếm tới 15% GDP. Tương tự như với Sri Lanka hay với Lào, nơi có gần "40% đất đai nằm trong tay người Trung Quốc", một nhà ngoại giao Châu Á tại Vientiane cho biết. Số nợ của Lào với Bắc Kinh còn chiếm tới 25% GDP.

La Croix cho biết, ở xa hơn là Pakistan, cảng Gwadar bên bờ biển Ả Rập, sẽ đón nhận 54 tỷ đô la đầu tư để trở thành cửa ngõ đi ra cho hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời cảng này sẽ còn là điểm tiếp liệu cho các hạm đội tàu chiến Trung Quốc, trên đường sang phía Djibouti (82% nợ của nước này do Trung Quốc nắm). Từ năm 2017, tại căn cứ quân sự mới xây dựng ở Djibouti luôn có 10 nghìn quân Trung Quốc đồn trú. Ở Châu Phi, Trung Quốc đã cắm chân từ 10 năm qua, với những cái tên nổi bật như Angola, Ethiopia, Sudan, Kenya hay Cộngh Congo.

Châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn cũng đã trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. Trung Quốc đã mở cuộc tấn công từ 5 năm nay, với việc thôn tính từng phần hoặc toàn bộ hàng chục hải cảng lớn, chiếm 10% năng lực cảng biển của Châu Âu. Trong số này, đặc biệt có cảng Piré của Hy Lạp, điểm trung chuyển quan trọng trên "các con đường tơ lụa mới" ở Châu Âu, giờ đã nằm trong tay người Trung Quốc.

La Croix nhấn mạnh điểm mà Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, không chỉ là con số 175 tỷ euro thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mà còn là vấn đề chính trị và sự đoàn kết trong Liên Hiệp. Ví dụ cụ thể là Hy Lạp hồi đầu năm nay đã phản đối một nghị quyết của Châu Âu lên án chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc lần lượt tham gia sâu vào hệ thống "con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Đến lúc này Châu Âu đã bắt đầu thức tỉnh. Ý thức được mối nguy hiểm, mới đây Ủy ban Châu Âu đã đánh giá Trung Quốc là đối thủ thường xuyên mang tính hệ thống.

Sri Lanka sập bẫy nợ Trung Quốc

Để thêm bằng chứng về chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, La Croix còn có bài phóng sự mang tiêu đề : "Sri Lanka rơi vào bẫy tín dụng Trung Quốc".

Bài phóng sự cho thấy sự hào phóng của Trung Quốc đã giúp Sri Lanka có được nhiều công trình hạ tầng cơ sở. Nhưng mặt trái của nó là giờ đây Colombo đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất buộc phải nhượng dần cảng biển, đất đai cho người Trung Quốc. Cách đây hơn một thập kỷ, Sri Lanka sau một thời gian dài nội chiến triền miên, muốn có nguồn tiền để phát triển. Ngay lập tức Trung Quốc đã tỏ ra hào phóng giang tay giúp đỡ và giờ đây người Sri Lanka mới sực tỉnh ra rằng đất nước của họ đang dần nằm trong sự kiểm soát của người Trung Quốc qua các cảng biển, các đặc khu kinh tế cho thuê đất 99 năm. Sri Lanka trở thành một công trường lớn trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" nhằm phong tỏa Ấn Độ. Sự hiện diện của Trung Quốc đang gây lo lắng thực sự cho người dân, cũng như một số chính giới của Sri Lanka.

NATO 70 tuổi : Liên minh trước nguy cơ tan rã ?

Chuyển qua với thời sự chính trong ngày với tiêu đề lớn của Le Figaro : "NATO : Thượng đỉnh trên nền khủng hoảng và chia rẽ".

Hôm nay nguyên thủ các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO gặp nhau tại Luân Đôn trong lễ kỷ niệm 70 ký hiệp ước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, bảo đảm an ninh cho các nước Châu Âu giữa thời kỳ chiến tranh lạnh. 70 năm sau, những đe dọa thời kỳ chiến tranh lạnh không những còn đó mà còn phức tạp hơn. Nhưng liên minh quân sự phương Tây đang đứng trước nhiều thách thức mới.

Một ngày trước, tổng thống Pháp đã tuyên bố rằng NATO đã "chết não". Paris thừa nhận các thành viên NATO giờ đây không cùng nhìn theo một hướng. Trong đó đặc biệt có thành viên Thổ Nhĩ Kỳ đang một mình một ngựa đi theo hướng riêng, không tuân theo khuôn khổ hay quy định nào của liên minh. Bên cạnh đó là quan điểm bất thường không biết đâu mà lường của tổng thống Mỹ Donald Trump về mối quan hệ liên minh đã có lịch sử phát triển 70 năm này.

Trong loạt bài về sự kiện này, Le Figaro có bài : "Trump muốn lôi kéo các đối tác vào cuộc đọ sức với Trung Quốc". Bài báo ghi nhận, kỷ niệm ngày ra đời NATO tại Luân Đôn sẽ có có thể lại xảy ra những lời qua tiếng lại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh. Trong những cuộc gặp thượng đỉnh NATO trước, ông Trump từng nhiều lần có những lời chỉ trích thô thiển về mối liên minh do chính Mỹ từng đóng góp nhiều công sức nhất cho sự ra đời và phát triển.

Trước khi lên đường sang Luân Đôn, tổng thống Mỹ đã hứa hẹn "sẽ đấu tranh vì nhân dân Mỹ" và ông tiếp tục phàn nàn nước Mỹ đóng góp quá nhiều cho liên minh. Ông Trump muốn cắt giảm đóng góp tài chính của Hoa Kỳ cho tổ chức. Hiện tại đóng góp của Mỹ chiếm 22%, ông Trump muốn giảm xuống 16%, tức là bớt đi khoảng 150 triệu đô la, khoản tiền không thấm vào đâu so với khả năng của Mỹ.

Theo Le Figaro, ngoài vấn đề tài chính, Hoa Kỳ còn muốn đề cập với các đồng minh về sự trỗi dậy thành cường quốc của Trung Quốc. Một quan chức Nhà Trắng đã nhận xét : "Trung Quốc đang tích cực tìm cách mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng trên khắp thế giới, kể cả trong các thành viên NATO… Trung Quốc đề nghị các khoản vay ưu đãi, các khoản đầu tư và xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó đặc biệt là các công trình cảng và mạng lưới điện. Họ tìm cách đưa các nước vào bẫy nợ, để rồi đổi lại bằng sự nhượng bộ về ngoại giao. Trung Quốc tìm cách phá hoại trật tự quốc tế dựa trên các quy định chung".

Về sự chia rẽ của NATO, xã luận Le Figaro bình luận : "hãy lưu ý đến liều thuốc độc bất hòa. Ukraine, Syria, chống khủng bố, phòng thủ không gian mạng …. Không thiếu gì những thách thức mang tính tập thể. Trái lại, cứ phơi bày các bất đồng ra, cuối cùng sẽ là tai họa với NATO, như vậy thì Vladimir Putin sẽ không cần phải đánh cũng thắng".

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Cảnh giác trước sc mnh và tham vọng ngày càng gia tăng ca Trung Quc, các nước ln như n, Nht và Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường các hot đng hi quân xung quanh Trung Quc cũng như m rng hp tác an ninh vi nhau, các chuyên gia cho biết.

nuoclon1

Chủ tch Trung Quc Tp Cn Bình và Th tướng n Đ Narendra Modi ti hi ngh thượng đnh khi BRICS

Tại bui hi tho có ch đ ‘Đi phó Trung Quốc n Đ Dương-Thái Bình Dương’ được t chc hôm 26/11 Vin nghiên cu Hudson, th đô Washington D.C., Hoa Kỳ, các chuyên gia ca tng quc gia và khu vc đã trình bày v s tri dy ca Trung Quc nhìn t lăng kính ca đt nước h.

n Đ lo âu

"Lần đu tiên trong vòng mt thế k chúng ta đã chng kiến s vươn lên ca mt siêu cường toàn cu tht s", ông Dhruva Jaishankar, giám đc chương trình Hoa Kỳ ca vin nghiên cu Observer Research Foundation th đô Delhi, n Đ, phát biu ti bui hi tho.

Tuy nhiên, từ kinh nghim tiếp xúc ca ông vi các quan chc và hc gi trong khu vc n Đ Dương-Thái Bình Dương, t Tokyo, Đài Bc, Colombo, Honolulu, Kuala Lumpur cho ti Hà Ni, ông nói tt c nhng nơi này ông đu nghe ‘nhng quan ngại ging nhau v s vươn lên ca Trung Quc’.

Ông Jaishankar nêu lên 4 lý do chính mà thế gii dè dt vi Trung Quc.

Thứ nht là s ‘thiếu minh bch trong cơ chế ra quyết đnh Bc Kinh’ trong bi cnh nước này đóng vai trò ln trong các vn đ kinh tế, ngoại giao và an ninh nhiu khu vc trên thế gii. Ông cho rng đó là do Bc Kinh có mô hình ‘qun lý khép kín’ nên thế gii ‘nhìn vào h vi rt nhiu ng vc’.

Quan ngại th hai, theo li ông, là s mt chiu trong quan h kinh tế, tc là Trung Quc là phía được li ln nht trong khi phía đi tác li không được li gì ‘cho dù là s hn chế tiếp cn (th trường Trung Quc) hay là by n hay nhng vn đ v hp đng’.

Thứ ba là ‘ch nghĩa xét li lãnh th’ ca Bc Kinh. "Cho dù là Bin Đông Trung Hoa hay Biển Đông hay là dãy Himalaya (gia Trung Quc vi n Đ và gia Trung Quc vi Bhutan), chúng ta thy Trung Quc s dng các công c dân s trên danh nghĩa đ thúc đy các tham vng lãnh th ca h", ông nói.

Cuối cùng, điu mà ông thy xy ra nht quán là ‘sự khinh thường các lut l quc tế cho dù là quyn t do hàng hi, hàng không hay an ninh mng hay qun tr Internet hay các hip đnh Nam Cc và Bc Cc’.

Mặc dù ông tha nhn rng s vươn lên ca Trung Quc đã thúc đy kinh tế thế gii tăng trưởng và nh đó đã đưa hàng chc triu người trên khp thế gii thoát khi đói nghèo nhưng, ‘ n Đ, chúng tôi có mt s quan ngi c th’.

Ông Jaishanka dẫn ra tranh chp biên gii vi vic Bc Kinh đòi ch quyn đi vi toàn b mt bang ca n Đ có din tích tương đương tiu bang Indiana ca M. Cách nay không lâu, hai nước đã điu binh đến biên gii trước vic Trung Quc mun xây dng mt con đường khu vc tranh chp vi Bhutan.

Lo ngại th hai ca Delhi là khon thâm ht ln mà n Đ phi chu trong giao thương vi Trung Quc vi con s hin nay là 50 t đô la M, tc tương đương vi toàn b ngân sách quc phòng hàng năm ca n Đ.

"Có những công ty n Đ hot đng rt cnh tranh Châu Âu, M, Trung Đông hay Đông Nam Á nhng vn không th cnh tranh th trường Trung Quc", ông than phin.

Điều th ba khiến n Đ lo ngi là Ý tưởng Vành đai Con đường (BRI) ca Bc Kinh mà Delhi cho đến nay vn ty chay và mi đây là t chi tham d hi ngh thượng đnh BRI Bc Kinh.

Ông cho biết k t tháng 4 năm 2017 Ấn Đ đã nêu ra nhng quan ngi v đu tư vào cơ s h tng ca Trung Quc là ‘không minh bch, không bn vng, không s dng nhân công đa phương, gây hi cho môi trường và không phi lúc nào cũng tôn trng ch quyn’.

Cuối cùng, n Đ lo ngi v tham vọng toàn cu ca Trung Quc. "Nếu như 10 năm trước đây, bn nước Trung Quc, n Đ, Nga và Brazil đã làm vic cùng nhau đ ci cách các đnh chế quc tế sau cuc khng hong tài chính toàn cu thì gi đây ông Tp Cn Bình đã t b ch trương ‘vươn lên cùng nhau’ mà trên thực tế đã chuyn sang xem h là đi th cnh tranh ngang hàng vi M", ông cho biết.

Chính vì vậy mà Bc Kinh đã tìm mi cách ngăn cn n Đ vươn lên các đnh chế quc tế như không đng ý cho n Đ làm thành viên thường trc Hi đng Bảo an Liên Hiệp Quc, ông nói.

Trước tình hình đó, n Đ đã tăng cường các hot đng hi quân n Đ Dương k t cui năm 2017, thành lp trung tâm theo dõi hot đông lưu thông vùng bin này, ký kết các hip đnh hp tác vi các nước ven bin n Đ Dương cũng như vi M, Nht và tăng cường vin tr và cho vay đi vi các nước xung quanh, nhà nghiên cu này nói thêm.

Hiện gi, Delhi đã ‘tun tra quanh năm by khu vc trên n Đ Dương bao gm nhng khu vc yết hu như vnh Aden, eo bin Malacca hay xung quanh eo biển Madagascar’, ông nói và cho biết hi quân n Đ đã tp trn chung vi hi quân các nước dc n Đ Dương cũng như có cuc tp trn chung vi các nước trong nhóm B T bao gm M, Nht, n, Úc.

Bên cạnh đó, n Đ cũng tăng cường s can d vào các nước Đông Nam Á như tham gia tích cc và các đnh chế khu vc do khi Asean ch trì, xây dng đường cao tc kết ni n Đ vi các nước Đông Nam Á (vt qua Myanmar, Thái Lan và kéo đến Đà Nng, Vit Nam). Riêng vi Vit Nam, đi tác ch cht trong chiến lược ‘Hướng Đông’ ca n Đ, nước này đã giúp đào to thy th tàu ngm và phi công chiến đu.

Ông cho biết, mt mt Delhi đang tìm cách ‘can d mang tính xây dng’ vi Bc Kinh mà mi đây nht Th tướng Narendra Modi đã tiếp Ch tch Tp Cn Bình, mt khác những đòi hi an ninh và chiến lược khiến nước này phi xích li gn hơn vi Washington.

Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngi trước mi quan h ngày mt khng khít gia Nga, vn là mt đng minh ch cht ca n Đ, vi Bc Kinh, và vic Quc hi M trng pht Nga khiến n Đ lâm vào thế khó x trong mi quan h vi Nga.

Châu Âu chủ đng

Về phn Châu Âu, bà Liselotte Odgaard, chuyên gia nghiên cu cao cp v Châu Âu Vin Hudon, nhn đnh rng khi EU ‘không xem Trung Quc ch là k thù mà là đâu đó nm gia đi thủ và đi tác’.

Bà giải thích rng khi Châu Âu hin nay ‘không phi là thc th đơn nht’ và cũng ‘không phi là đnh chế đa phương’ mà là ‘nm đâu đó gia’. Cu trúc này khiến Châu Âu có nhng phn ng khác nhau trước nhng thách thc khác nhau t Trung Quốc.

Chẳng hn như trên vn đ giao thương, mt giá tr truyn thng ct lõi ca Châu Âu, các đnh chế ca c khi đã ‘đóng vai trò ch cht trong vic hoch đnh chính sách chung’ mà tt c các quc gia thành viên, ngay c các nước ln như Pháp hay Đức, đều phi tuân th dù h có không mun đi na.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực an ninh và quc phòng chng hn như an ninh khu vc n Đ Dương-Thái Bình Dương và đi phó vi Trung Quc, Liên Hiệp Châu Âu không có vai trò gì đáng k mà vai trò này nm trong tay mỗi quc gia thành viên, bà nói thêm.

Do đó, trong cuộc canh tranh chiến lược gia M và Trung Quc vùng n Đ Dương-Thái Bình Dương, bà Odgaard nói rng toàn khi EU ch phát huy tác dng trên lĩnh vc thương mi. Khi này đã khi đng mt lot các hip định kinh tế, thương mi chiến lược vi các nước đng minh hay đi tác ch cht ca M trong khu vc, chng hn như Nht Bn, n Đ và Singapore.

Ngoài ra, khối này cũng tăng cường can d vi các đnh chế mà M không mun nói chuyn, chng hn như Liên đoàn Rp (EU và khi Rp đã có cuc gp thượng đnh chung hôm 19/2) đ giúp đy lùi nh hưởng ngày càng tăng ca Nga và Trung Quc khu vc này, theo bà Odggard.

"Khối EU đang tìm cách xây dng mi quan h cht ch hơn vi các nước Châu Á gn gũi vi các giá tr chính tr và kinh tế t do ca Châu Âu trong khi cũng ch trích và lo ngi v s qu quyết ngày càng tăng ca Trung Quc trong khu vc", bà nói.

Còn trong lĩnh vực an ninh quc phòng, k t năm 2016, Pháp, cường quc quân s hàng đu EU, đã dn đu n lc ‘ngoi giao hi quân’ khu vc n Đ Dương-Thái Bình Dương, bà cho biết.

"Kể t đó, ngày càng có nhiu nước Châu Âu đã tiến hành các chiến dch trên bin và ngoi giao hi quân khu vc này", bà nói thêm và dn chng là ln đu tiên Đan Mch đã điu mt khu trc hm đ tham gia h tng tàu sân bay ca Pháp trong năm nay.

Ngoài Đan Mạch, tàu chiến ca các nước đng minh khác như Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Úc và Hoa Kỳ cũng luân phiên tham gia vào nhóm tàu sân bay này.

"Do đó, sự đoàn kết gia hai b Đi Tây Dương đi vi sáng kiến ca Pháp đã được th hin trong vic trin khai này".

"Kể t năm 2002, hàng không mu hm Pháp không h xut hin phía đông Ấn Đ mãi cho đến năm nay", bà nói và cho biết nhóm tàu sân bay Pháp đã đi t Đa Trung Hi băng qua kênh đào Suez, vượt n Đ Dương và đi qua eo bin Malacca đ đến Singapore. Nhóm tàu sân bay này đã tham gia tp trn hi quân vi các nước n Đ, Úc và Nhật trên hành trình.

Mặc dù vic phi hp gia hi quân các nước EU ‘cn thi gian đ xây dng’ nhưng các nước này đã ‘đi được khá xa’ trong vic b sung cho vic trin khai ca các nước đng minh khác (như M) trong khu vc, bà nói thêm.

"Đó là nỗ lực đáng n đ xây dng mi quan h gn như là liên minh vi các đng minh và đi tác khu vc n Đ Dương-Thái Bình Dương đ đy lùi các chính sách ca Trung Quc mà Châu Âu vn không thích".

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng Châu Âu có ‘khác bit’ vi M trong các chiến dch này. Chng hn khi đi qua các thc th Trung Quc chiến gi trên Bin Đông, tàu chiến ca h không đi vào phm vi 12 hi lý bi vì theo quan đim Châu Âu đó là ‘vùng xám pháp lý’ (vùng chưa rõ ràng phi theo lut như thế nào).

"Châu Âu không muốn làm thế bi vì h cho rng điu đó s gây cho h rc ri nếu biết rng Châu Âu luôn ng h pháp tr và trt t da trên lut pháp", bà gii thích và cho biết ngoài ‘ngoi giao hi quân’ các nước Châu Âu cũng thc hin các cuc tun tra t do hàng hi (FONOP) đ h tr cho M.

"Tôi cho rằng đó là n lc mnh m đ chng t cho Trung Quc thy rng có nhng li ích và giá tr chung gia các cường quc bên trong và bên ngoài khu vc Châu Á-Thái Bình Dương vn sn sàng tìm cách đy lùi điu mà h xem là ‘cách hành xử ngày càng khó chu ca Trung Quc trong khu vc", bà nói.

Nhật qu quyết

Còn đối vi Nht Bn, nước có tranh chp ch quyn vi Trung Quc qun đo Senkaku/Điếu Ngư trên Bin Hoa Đông, ông Satoru Nagao, nghiên cu viên khách mi Vin Hudson, cho biết Tokyo ‘hoan nghênh M tăng cường sc ép đi vi Trung Quc’ và thái đ không tin tưởng Trung Quc đã ăn sâu vào gii chc và người dân Nht.

Ông Nago cũng nói rằng mc dù quan h Trung-Nht đã ci thin trong nhng năm gn đây và Tokyo đang chuẩn b đón ông Tp Cn Bình sang thăm vào tháng 5 năm 2020, Nht ‘vn chào đón s cng rn ca M trước Trung Quc và đó là phn ng t nhiên ca Nht’.

Ông đưa ra ba lý do đ gii thích : môi trường chiến lược không thay đi, Nht không tin tưởng Trung Quc và nim tin rng ‘M s thng Trung Quc’.

"Ngay cả khi quan h Trung-Nht đã ci thin t năm 2017 nhưng các hot đng quân s ca Trung Quc ( vùng bin Hoa Đông) vn không h thay đi", ông nói và đưa ra dn chng là tn sut hot đng ca các chiến đấu cơ Trung Quc đã tăng lên ‘638 ln trong 365 ngày’ trong năm 2018.

Ông cũng dẫn s liu ca mt cuc thăm dò công chúng mi đây ca Genron NPO vn cho thy ‘k t năm 2002, trên 80% người Nht có thái đ tiêu cc v Trung Quc’ và mt cuc thăm tương tự ca Pew cho kết qu là 85%.

"Tỷ l t 80-90% là điên r mt nước dân ch", ông nhn đnh và cho rng đây là con s cc kỳ cao.

Về cuc canh tranh chiến lược M-Trung, ông Nagao cho rng Nht không xem đây là ‘khng hong ngn hn’ mà là cuc cnh tranh dài hạn và trong dài hn, người Nht tin rng ‘M s thng’.

Một ví d mà nhà nghiên cu này đưa ra là ‘M chi tiêu nhiu hơn cho nghiên cu và phát trin’ – điu này giúp M có li thế trong cuc chiến công ngh cao. Riêng trong cuc chiến thương mi, hiện nay nước M vn có quy mô kinh tế ln hơn Trung Quc. Cui cùng, trong lĩnh vc quân s, M vn chi tiêu nhiu cho quc phòng hơn Trung Quc.

Tuy nhiên, Tokyo cũng có những quan ngi trong cuc cnh tranh M-Trung, ông cho biết. Đó là vì nhiu công ty Nhật đang làm giàu th trường Trung Quc s b nh hưởng trước tác đng ca cuc chiến thương mi M-Trung. Do đó, Nht cn phi tìm cách gim s l thuc kinh tế vào Bc Kinh đ ‘tránh b v lây’, ông nói.

"Nhiều công ty Nht đã chuyn hot đng và công xưởng t Trung Quc sang Đông Nam Á hay Nam Á", ông nói thêm.

Ngoài ra, số lượng người Nht sinh sng và làm vic Trung Quc ‘đã gim t 150.000 người vào năm 2012 xung 124.000 vào năm 2017’. Trái li, s người Nht sng M đã tăng t 210.000 lên 226.000 trong cùng giai đoạn, ông dn chng.

"Nhật ng h chính sách cng rn ca M đi vi Trung Quc và s đng v phía M", ông nói.

Ngọc Lễ

Nguồn : VOA, 03/12/2019

Additional Info

  • Author Ngọc Lễ
Published in Quốc tế
Trang 2 đến 2