Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2020

Dùng khẩu trang làm "mồi" – Trung Quốc ép các nước chạy theo ?

Hải Yến

Song song với chiến dịch tuyên truyền gieo rắc nghi ngờ về nguồn gốc thực thụ của dịch bệnh, qua đó rũ bỏ được trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để dịch viêm phổi từ Vũ Hán lan rộng và gây tang tóc cho toàn thế giới, chính quyền cộng sản Trung Quốc còn thúc đẩy một chiến lược ngoại giao mới thời đại dịch có thể gọi là 'ngoại giao coronavirus' như Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế đã đặt tên hay 'ngoại giao y tế', 'ngoại giao khẩu trang' nhằm thực hiện tham vọng lãnh đạo thế giới của mình.

mask1

Tổng thống Serbia, ông Alexanderar Vucic ca ngợi Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể giúp ổn định, hòa bình và thịnh vượng - PIC FILE

Theo số liệu của Cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc công bố hôm 26/3, Trung Quốc đã tổ chức 4 đợt hỗ trợ chống dịch đối với 89 quốc gia tại 5 Châu lục và 4 tổ chức quốc tế trên thế giới, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu (EU), Liên Hiệp Châu Phi (AU) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ngay khi các nước đang bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc đã nhanh chóng chớp thời cơ để trở thành 'vị anh hùng cứu thế' đối với từng nước.

Những tuyên bố về việc Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ cùng với những chuyến hàng và cả các chuyên gia y tế của Trung Quốc được cử đến hỗ trợ các nước trong cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán được truyền thông Trung Quốc làm rùm beng trong và ngoài nước.

Chiến dịch ngoại giao y tế được Trung Quốc triển khai nhanh chóng như tốc độ lây lan của đại dịch. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã cung cấp thiết bị y tế và các viện trợ khác cho 120 quốc gia trên thế giới.

Không chỉ các nước nghèo, thiếu khả năng chống chịu với dịch bệnh, ngoại giao y tế của Trung Quốc còn vươn tới các nước phát triển lớn, mạnh ở Châu Âu vốn trước đây chỉ quen với việc giúp đỡ các nước nghèo trong dịch bệnh như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức…

Không chỉ cứu trợ các nước trong cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán với tư cách nhà nước mà cả các cá nhân, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia tích cực trong việc xây dựng hình ảnh Trung Quốc trong đại dịch này. Tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma và Tập đoàn Huwei cũng đã gửi hàng triệu khẩu trang đến khắp mọi nơi từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, thậm chí đến cả nước Mỹ thịnh vượng và Châu Âu giàu có.

Không chỉ giúp đỡ riêng từng nước trong khuôn khổ quan hệ song phương mà Trung Quốc còn kêu gọi hợp tác khu vực và toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thể hiện một Trung Quốc chủ động hướng ngoại đối lập với chính sách hướng nội của Mỹ mà Tổng thống Trump đang theo đuổi.

Trong khuôn khổ đa phương, Trung Quốc giữ vai trò tích cực trong quan hệ với ASEAN cũng như trong khuôn khổ ASEAN +3 (tức là các nước ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Trong khi Hoa Kỳ có xu hướng giảm bớt sự hiện diện của mình tại khu vực Đông Nam Á khi nhiều lần không có sự hiện diện của Tổng thống Trump tại các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN hay liên quan đến ASEAN, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thì Trung Quốc tranh thủ thời cơ đại dịch để áp dụng chính sách 'ngoại giao y tế' chủ động hướng ngoại.

Từ tháng 2, Trung Quốc đã tham dự hai cuộc họp cấp cao để đối phó với viêm phổi Vũ Hán, một cuộc họp của các bộ trưởng y tế công cộng từ các nước ASEAN +3 và một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

Trong khi đó, mãi cho đến ngày 1/4, Hoa Kỳ và ASEAN mới tổ chức Hội nghị video liên ngành cấp cao để chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở cấp thứ trưởng. Sau đó, Hoa Kỳ tiếp tục đề xuất hội nghị video của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng.

Có vẻ như, trong đại dịch này, trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc luôn nhanh chân hơn so với Hoa Kỳ.

Hàng loạt những hoạt động ngoại giao mà Trung Quốc thực hiện trong đại dịch đều phục vụ cho tham vọng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thay thế cho vai trò của Mỹ.

Giáo sư Carl Thayer khẳng định Trung Quốc muốn giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và việc họ là quốc gia đầu tiên ngăn chặn được viêm phổi Vũ Hán phải được thế giới công nhận. Đó là lý do tại sao lãnh đạo Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ khi Tổng thống Trump và các quan chức của ông mô tả dịch bệnh hiện nay là 'virus Vũ Hán' hay 'virus Trung Quốc'. Đặc biệt việc Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, cố gắng chèn 'virus Vũ Hán' vào tuyên bố chung của G7, khiến Trung Quốc nổi giận.

Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn cải thiện hoạt động kinh tế trong nước bằng cách khôi phục chuỗi cung ứng và dỡ bỏ hạn chế du lịch quốc tế càng sớm càng tốt. Trung Quốc cũng tìm cách khắc phục sự xuất huyết của đầu tư nước ngoài ra khỏi đất nước. Cuối cùng, Trung Quốc có một động lực không nói rõ ra, là phô bày sự tương phản lòng vị tha của Trung Quốc với một Hoa Kỳ hiện đang có chủ trương hướng nội.

Giáo sư cũng cho rằng các quan chức Trung Quốc trước đó đã đánh giá thấp bản chất và khả năng sát thương của dịch bệnh này. Họ cũng đánh giá thấp mức độ mà viêm phổi Vũ Hán sẽ tác động tiêu cực đến cả Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng vì nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại do cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, 'gậy ông lại đập lưng ông' khi chính sách 'ngoại giao y tế' chủ động cấp cao của Tập Cận Bình đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi việc bán và xuất khẩu các thiết bị y tế kém chất lượng.

Vừa qua, Bộ Y tế Hà Lan đã phải cho thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2, tức phân nửa lô hàng 1,3 triệu chiếc được Trung Quốc giao hôm 21/03/2020 vì không đạt chất lượng.

Thứ Năm 26/3, chính quyền Tây Ban Nha rút lại 58.000 bộ xét nghiệm của công ty Trung Quốc Shenzhen Bioeasy Biotechnology vì độ tin cậy chỉ có 30%.

Tại Cộng hòa Czech, các bộ xét nghiệm nhanh được giao cho một bệnh viện ở Ostrava cũng bị phát hiện chất lượng tồi.

Đây là những món hàng thuận mua vừa bán được giao theo đơn đặt hàng, chứ không phải là quà tặng của Bắc Kinh.

Trước những chỉ trích, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng. Tờ báo Le Monde của Pháp cho biết đại sứ Trung Quốc ở Amsterdam nói rằng sẽ hợp tác với cuộc điều tra đang diễn ra. Tại Madrid, đại sứ quán Trung Quốc ra thông cáo giải thích công ty ở Thâm Quyến (Shenzhen) không nằm trong danh sách các nhà cung cấp được chuyển cho Tây Ban Nha.

Và trong lúc số người nhiễm ở các nước Châu Âu tiếp tục gia tăng lên hàng trăm nghìn người và hàng chục nghìn người chết trong khi con số này ở Trung Quốc, nơi xuất phát điểm của dịch bệnh, chỉ là hơn 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người tử vong cũng khiến dư luận thêm nghi ngờ về tính xác thực của những số liệu mà Trung Quốc cung cấp cho thế giới.

mask2

Dây chuyền sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Trung Quốc

Chiến dịch ngoại giao thời dịch bệnh của Trung Quốc dường như không thuyết phục được nhiều nước, đặc biệt là phương Tây.

Lucrezia Poggetti, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc học tại thủ đô Berlin, Đức bày tỏ quan điểm : "chính sách ngoại giao khẩu trang" có thể mang lại những dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ có những tác động trái ngược ở mức độ nào đó, và trên thực tế, điều đó đã xảy ra. Rõ ràng, chính sách của Trung Quốc cũng đã khiến một số quan chức Châu Âu tỏ ra không hài lòng.

Hôm 22/3, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cảnh báo người dân rằng các cơ quan truyền thông của Nga và Trung Quốc có liên quan đến một chiến dịch đánh lạc hướng công chúng, nhằm chỉ trích những nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh của quốc gia Bắc Âu này. Trung Quốc theo đó được cho đã ví von những động thái của Thụy Điển với sự đầu hàng trước dịch bệnh.

Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU, hôm 23/3 lên tiếng chỉ trích sự thiếu hiệu quả trên quy mô toàn cầu trong việc ngăn chặn hành vi thêu dệt lên các câu chuyện liên quan đến dịch bệnh. Borrell cho biết : Đã xuất hiện các yếu tố địa chính trị, trong đó bao gồm việc gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua cái gọi là "chính trị hào phóng". "Chúng ta phải bảo vệ Châu Âu khỏi những âm mưu nằm sau đó".

Pháp và Italia cho biết họ sẽ áp dụng nhiều biện pháp quản lý lên dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhằm "bảo vệ" những doanh nghiệp quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong nước không rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại quốc, tiêu biểu nhất là Trung Quốc. EU cũng đã và đang nỗ lực thắt chặt hệ thống luật pháp của mình.

Andrew Small, một cán bộ cao cấp trong chương trình Asia Program, tài trợ bởi quỹ German Marshall, Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã có thể nâng tầm ảnh hưởng nếu như quốc gia này không cố gắng chính trị hóa việc cung cấp các thiết bị, vật tư y tế đến Châu Âu.

Giờ đây đã xuất hiện một quan điểm rằng các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc đang sử dụng chính cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này để gia tăng sức ảnh hưởng.

Huawei đã tài trợ khoảng 800.000 khẩu trang cho Hà Lan hồi tuần trước. Các chuyên gia phân tích đặt câu hỏi rằng đây là một hành động "trượng nghĩa" hay còn mang sau đó là một động cơ liên quan đến phiên đấu giá hệ thống viễn thông 5G dự kiến được tổ chức ở thủ đô Amsterdam trong tháng 6. Các cơ quan chức năng Hà Lan vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có ủng hộ Mỹ và các quốc gia Châu Âu khác trong việc cấm Huawei tham gia phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mạng 5G hay không, sau những cáo buộc Huawei tiếp tay cho hoạt động tình báo của chính phủ Trung Quốc.

Nhiều người khác thắc mắc rằng điều gì đã thôi thúc Jack Ma, nhà sáng lập đồng thời là cựu CEO của công ty thương mại trực tuyến khổng lồ Alibaba Group Holding, có những hành động trợ giúp Ukraine. Trong tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Jack Ma "đã trợ giúp một khoản tiền 80 triệu USD" để nước này mua các thiết bị, vật tư y tế, được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đúng như bà Miwa Hirono, chuyên gia về cứu trợ nước ngoài của Trung Quốc tại Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản nhận định : "Trong ngắn hạn, những nước nhận khẩu trang và thiết bị y tế sẽ đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc… Nhưng về lâu dài, thật khó tưởng tượng các nước vốn có quan ngại về cách cư xử của Trung Quốc tại trường quốc tế, như vấn đề nhân quyền, công nghệ và [việc tạo ra] bẫy nợ, sẽ đột nhiên quên đi những vấn đề đó và chấp thuận quyền lực mềm của Trung Quốc, đơn giản vì Trung Quốc đã cho họ khẩu trang".

Sau khi gây ra đại họa cho nhân dân trên thế giới với hàng triệu người bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán và trên 80.000 người đã chết, Trung Quốc đang cố xây dựng một hình ảnh 'tử tế' hơn với quốc tế bởi những hành động trục lợi như một thói quen khó bỏ.

Giấc mơ bá chủ thế giới có lẽ vẫn còn xa vời nếu quốc gia này vẫn khư khư giữ thể chế theo chủ nghĩa cộng sản độc tài toàn trị, sẵn sàng ngay giữa đại dịch, vẫn lao vào bắt nạt Việt Nam, điều đó chứng tỏ họ chẳng bao giờ trở thành đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới.

Hải Yến (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 10/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Yến
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)