Trung Quốc thắt chặt an ninh nhân dịp 35 năm vụ đàn áp Thiên An Môn
Anh Vũ, RFI, 04/06/2024
Hôm nay, ngày 04/06/2024, đánh dấu đúng 35 năm quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc đàn áp đẫm máu hàng nghìn sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn tại thủ đô Bắc Kinh. Kỷ niệm sự kiện này luôn là điều cấm kỵ của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Công an Trung Quốc trước tượng đài Anh Hùng Nhân Dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Ảnh ngày 10/03/2024. AP - Ng Han Guan
Như đã thành lệ, từ vài ngày trước thời điểm này, tại Trung Quốc, cũng như Hồng Kông, an ninh được thắt chặt cao độ tại các địa điểm nhạy cảm, việc giám sát trên internet cũng được gia tăng.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
Nếu có điều gì không thay đổi từ 35 năm nay ở Trung Quốc, thì đó là sự huy động của bộ máy công an trước ngày 04/06, cuối tuần cũng như ngày lễ. Người ta định lấy cớ đến thăm mộ nhà thơ Đái Vọng Thư (Dai Wangshu), nhưng cũng không xong. Ở cổng nghĩa trang Vạn Gia Công ở phía tây bắc thủ đô bắc Kinh, dưới những chiếc ô lớn công an đứng gác. Một nhân viên nghĩa trang cho biết, không ai được vào đây, nơi mà những người vẫn được gọi là "các bà mẹ của Thiên An Môn" đã mất con trong vụ đàn áp Mùa xuân Bắc Kinh vẫn thường tới viếng thăm nhân dịp này.
Nhân viên nghĩa trang giải thích : "Nơi này đang trong giai đoạn bảo vệ. Trong vòng ít nhất ba ngày, việc giám sát được tăng cường ở cổng vào. Hàng năm vào đầu tháng 6 đều như vậy. Thực ra toàn bộ nghĩa trang đều bị theo dõi. Công an và an ninh mặc thường phục tuần tra. Hàng năm vẫn diễn ra như thế".
Khẩu hiệu "duy trì ổn định" ở tại Bắc Kinh, trước ngày kỷ niệm bị cấm này, còn được thể hiện bằng việc tăng cường kiểm soát khu có các trường Đại học. Trong quận Hải Điền (Haidian) nằm ở phía đông thủ đô, một số giáo viên còn chỉ thị cho sinh viên. Một trong số hiếm hoi những sinh viên dám mạnh dạn nói về chủ đề này cho biết :
"Mới đây, thầy giáo đã tổ chức cuộc họp, cảnh cáo chúng tôi không được gây ra chuyện gì trong những ngày tới. Có lẽ sẽ có nhiều bảo vệ hơn trong khu học xá".
Việc giám sát tất nhiên được tăng cường trên các mạng xã hội, mà ở đó các từ khóa liên quan đến những sự kiện năm 1989 nhanh chóng bị kiểm duyệt.
Vào ngày 04 tháng 6 này, chức năng chat trên các trò chơi trực tuyến rất phổ biến đã bị khóa.
Anh Vũ
******************************
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam bị tấn công mã độc tống tiền
RFA, 04/06/2024
Hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bị tấn công bất hợp pháp bằng mã độc tống tiền (ransomware).
Thành vien một nhóm hacker giấu danh tính đang sử dụng máy tính ở Trung Quốc - AFP
Truyền thông loan tin trên trong ngày 4/6 dẫn nguồn từ Vietnam Post. Theo đó, vào 3h10 sáng 4/6, hệ thống công nghệ thông tin của Vietnam Post đã bị tấn công bất hợp pháp bằng ransomware gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát.
Ngay khi phát hiện sự cố, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết đã ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Do vậy, các website (có chứa vnpost.vn trong tên miền) và các ứng dụng liên quan sẽ tạm thời bị gián đoạn trong thời gian khắc phục sự cố.
Đại diện Vietnam Post cho biết đơn vị đang làm việc với các cơ quan chức năng và phối hợp với các đối tác là các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam để xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng.
Ransomware là hình thức tấn công mạng nguy hiểm bằng mã độc. Cuối tháng 3/2024, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) tăng cao.
Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia, Cục an ninh mạng (A05) Bộ Công an trong ngày 8/4/2024 cho biết vào tháng 11/2023, một đơn vị trong lĩnh vực năng lượng đã bị tấn công và toàn bộ khoảng 1.000 máy chủ của họ đã bị mã hóa ; vào tháng 12/2023, một đơn vị trong ngành tài chính ngân hàng đã bị tin tặc tấn công trong thời gian dài và đã rất thành thạo trong việc xâm nhập vào hệ thống, gây ra tổn thất gần 200 tỷ đồng. Đến tháng 3/2024, các đơn vị như VNDirect, PVOil, cùng hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã bị tấn công bằng ransomware.
Chỉ trong quý 1/2024, đã có hơn 150 triệu cảnh báo về nguy cơ bảo mật, phân tích và phát hiện 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
RFA, 04/06/2024
***************************
Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam và Mexico để tránh đợt thuế mới từ Mỹ
RFA, 03/06/2024
Trong ba tháng đầu năm nay, có ít nhất 39 dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần đang lên kế hoạch chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh đợt tăng thuế mới từ Mỹ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc. Trang Financial Times hôm 3/6 đưa thông tin này dựa trên số liệu từ FDI Markets.
Cảng Quy Nhơn hôm 29/3/2024 - Tran Thi Minh Ha / AFP
Theo bài báo của FT, các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng tới việc sản xuất ở Việt Nam và Mexico để tránh thuế từ Mỹ. Số dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến chuyển sang Mexico trong ba tháng đầu năm là 41.
Những con số dự án này, theo FT, là cao nhất từ trước đến nay của cả hai quốc gia kể từ khi FDI Intelligence (thông tin về đầu tư trực tiếp nước ngoài) bắt đầu theo dõi các tin về đầu tư nước ngoài và các tuyên bố của các công ty từ năm 2003. Hiện Mexico và Việt Nam đều đã vượt Mỹ trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án chế tạo và hậu cần của Trung Quốc.
Theo FT, sự chuyển dịch này cho thấy các công ty đa quốc gia và các chính trị gia ở phương Tây đang tìm cách bỏ sự lệ thuộc vào các nhà máy của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và giới hạn vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp các mặt hàng quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước tuyên bố quyết định áp một loạt thuế nhập khẩu cao lên các hàng hóa Trung Quốc.
Một loạt các mặt hàng chiến lược của Trung Quốc đối mặt với mức thuế cao hơn gồm : xe điện (tăng thuế từ 25% lên 100%), chất bán dẫn (tăng từ 25% lên 50%), pin sử dụng cho xe điện (tăng từ 7,5% lên 25%), các bộ phận chủ chốt trong pin năng lượng mặt trời (tăng từ 25% lên 50%)…
FT trích dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu các phụ kiện máy tính của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn gấp ba lần lên 1,7 tỷ đô la trong giai đoạn từ 2017 đến 2023.
Trong khi đó, theo Eurasia Group - một công ty tư vấn - trong tháng tư vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam và Mỹ đã tăng đáng kể. Nguyên nhân không chỉ từ việc doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất mà còn vì các công ty Trung Quốc chỉ đơn thuần là chuyển hàng qua tuyến đường Việt Nam.
Nguồn : RFA, 03/06/2024
Không đánh mà đối phương thua
Ít năm trở lại đây - trong lúc căng thẳng địa-chính trị giữa các khối nước đối địch gia tăng, chiến tranh quy mô lớn bùng phát tại một số nơi, gây lo ngại về một cuộc chiến toàn cầu -, vấn đề "chiến tranh tâm lý" đang trở thành một lĩnh vực ngày càng được quan tâm.
Tại Bảo tàng Quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh : ảnh chụp tháng 10/2023. Reuters – Florence Lo
Ngày 18/03/2024 vừa qua tại Pháp, diễn ra một hội thảo đáng chú ý của giới chuyên gia với chủ đề : "Phương Tây – Trung Quốc : cuộc chiến tranh về nhận thức sẽ xảy ra hay không ?". Chế độ Trung Quốc hình dung thế nào về cuộc chiến tranh tâm lý, nhằm thao túng khối óc và trái tim người dân trong nước, và dân cư cùng lãnh đạo các quốc gia đối địch, nhằm không cần đánh mà đối phương phải bại, và phương Tây cần đối phó ra sao...
***
Hội thảo do hiệp hội Asia Society France, Trường Quân sự của bộ Quân Lực (IRSEM) và Asialyst, trang mạng chuyên về thời sự chính trị Châu Á, đồng tổ chức tại Viện Nghiên cứu các nền Văn minh và Ngôn ngữ phương Đông (INALCO), Paris. Nhà báo Asialyst, Pierre-Antoine Donnet, có bài tổng thuật về cuộc hội thảo. Thuật ngữ "Chiến tranh nhận thức" (Cognitive Warfare) lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Mỹ Vincent R. Stewart, lúc đó là giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), sử dụng vào năm 2017, để nói về chiến tranh của thế kỷ 21, mà theo ông, cũng là một "cuộc chiến về nhận thức", nhằm thao túng khả năng quyết định của đối phương.
Nhà báo Pierre-Antoine Donnet chú ý trước hết đến các nhận định của chuyên gia Paul Charon, giám đốc lĩnh vực "tình báo, dự báo và các đe dọa của chiến tranh lưỡng hợp" (Viện nghiên cứu chiến lược, Trường IRSEM). Khác với chiến tranh sử dụng các vũ khí quy ước (hay vũ khí hạt nhân), chiến tranh đánh vào nhận thức không hề gây thiệt hại về phương tiện vật chất, hay nhân mạng, nhưng tác động đến tâm lý của những người trong cuộc, thông qua cuộc chiến thông tin, bao gồm cuộc chiến bóp méo thông tin, gây ảnh hưởng.
Để có thể hiểu đúng về cuộc chiến tranh tâm lý của chế độ Bắc Kinh, hay sát hơn là cuộc chiến nhắm vào khả năng nhận thức của con người, chuyên gia Paul Charon đề nghị đặt vấn đề này trong khuôn khổ của chiến lược về "Ba hình thức chiến tranh" không dùng vũ khí (hay "Tam chủng chiến pháp" theo cách gọi của Bắc Kinh). Chiến lược này bắt đầu nổi lên từ khoảng năm 2003 và nay đã trở thành một phần cốt lõi của học thuyết quân sự Trung Quốc.
Chiến tranh tâm lý, cuộc chiến "quan trọng nhất" của "Tam chủng chiến pháp"
Cuộc chiến thứ nhất của Bắc Kinh liên quan đến chiến tranh công luận, với mục tiêu là áp đặt quan điểm của Bắc Kinh trong lĩnh vực truyền thông, không chỉ ở tầm quốc gia, nhưng đặc biệt là ở tầm quốc tế, bao gồm việc kiểm soát và thao túng các phương tiện truyền thông nước ngoài, để khẳng định "tính chính nghĩa" của các can thiệp vũ trang mà Trung Quốc có thể tiến hành, ví dụ như chiến tranh chống Đài Loan, hay chống lại các đối thủ ở Biển Đông.
Cuộc chiến thứ hai là chiến tranh về mặt pháp lý, để chinh phục công luận quốc tế gắn liền với cuộc chiến khẳng định tính chính đáng về pháp lý, cụ thể như trong việc khẳng định các yêu sách chủ quyền tại các vùng tranh chấp là phù hợp với luật pháp. Theo chuyên gia Viện IRSEM, Bắc Kinh đã thường xuyên sử dụng con đường tư pháp để bịt miệng giới phóng viên, giới nghiên cứu. Cuộc chiến thứ ba và cũng được coi là "cuộc chiến quan trọng nhất" là chiến tranh tâm lý. Chiến tranh tâm lý nói chung có truyền thống từ thời cổ đại, nhưng "được xây dựng thành lý luận và được chuyên nghiệp hóa kể từ cuối Thế chiến Hai".
Chuyên gia Paul Charon nhấn mạnh đến một ví dụ, có thể là một minh họa tiêu biểu cho thủ đoạn chiến tranh tâm lý. Về cuộc đụng độ biên giới Ấn – Trung tháng 5/2020, tại một hội thảo, một giảng viên Trung Quốc đã mô tả việc binh sĩ Trung Quốc "một loại vũ khí siêu âm" nhắm vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay lập tức binh sĩ Ấn Độ bị nôn mửa, rối loạn thần kinh và buộc phải rời bỏ vị trí. Mô tả và lý giải của giảng viên Trung Quốc nói trên sau đó đã lọt ra nước ngoài. Nhiều bí ẩn bao trùm câu chuyện được kể lại này, liên quan đến khả năng Trung Quốc phát triển một "loại vũ khí mới có khả năng tác động đến não bộ". Thực hư chưa rõ ra sao, nhưng tác động tâm lý của câu chuyện này là gây áp lực khiến đối phương nghĩ rằng quân đội Trung Quốc ở thế thượng phong, và không có khả năng kháng cự lại Trung Quốc.
"Chiến tranh nhận thức" : Bước tiến mới của "chiến tranh tâm lý" truyền thống
Tại sao giới chuyên gia nói đến "chiến tranh nhận thức", thay vì "chiến tranh tâm lý" ? Theo chuyên gia Paul Charon, chiến tranh đánh vào "nhận thức" "đi xa hơn" chiến tranh tâm lý truyền thống, bởi dựa trên các hiểu biết khoa học hiện đại về nhận thức con người, và các chức năng của não bộ gắn liền với hoạt động nhận thức, như "việc ghi nhớ, khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, cảm nhận"… Xét về phương diện chiến tranh nhận thức, trong trường hợp "vũ khí siêu âm" Trung Quốc sử dụng ở biên giới với Ấn Độ, hay "hội chứng La Havana" (liên quan đến nhiều người Mỹ tại Cuba mắc các chứng bệnh thần kinh…, bị quy cho vũ khí bí hiểm của Trung Quốc), điều chủ yếu không phải là "các vũ khí" mà Trung Quốc có thể sử dụng, mà là tâm lý lo sợ về các loại vũ khí giả định này.
Mặt trận đầu tiên của cuộc chiến tranh tâm lý, hay chiến tranh nhận thức - tức bước tiến xa hơn của chiến tranh tâm lý truyền thống, là chiến trường thông tin. Theo Paul Charon, cốt lõi của thủ đoạn là làm "rối loạn khả năng nhận thức của đối phương về thực tại", và đồng thời cản trở quá trình đưa ra các quyết định của đối phương, và đặc biệt là các lãnh đạo đối phương.
Cuộc chiến tâm lý "thời bình", "thời khủng hoảng" và "thời chiến"
Bắc Kinh chủ trương tác chiến ra sao trên mặt trận chiến tranh tâm lý, chiến tranh nhận thức này ? Chuyên gia Paul Charon phân định ba giai đoạn khác nhau : "Chiến tranh nhận thức" trong thời bình, trong thời khủng hoảng và trong thời chiến. Trong thời bình, điều chủ yếu là thu thập thông tin, và sử dụng các mạng lưới truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội để gây một hình ảnh tích cực về Trung Quốc, như một "thế lực hòa bình", và luôn hành động vì một thế giới mà "các bên đều thắng".
Trong giai đoạn khủng hoảng, chiến thuật chính là thuyết phục đối phương "không nên đi xa hơn, để bảo vệ hòa bình". Lẽ dĩ nhiên, thủ đoạn thuyết phục này phải đi kèm với "các lực lượng răn đe" đủ mạnh, khiến đối phương phải sợ hãi. Bên cạnh thủ đoạn này, còn có việc đánh lạc hướng đối phương khỏi khủng hoảng đang diễn ra, cũng như tung thông tin giả, tin bóp méo, gây hoang mang trong công luận quốc gia đối thủ. Về các thủ đoạn "chiến tranh tâm lý" và "chiến tranh nhận thức" trong giai đoạn chiến tranh, theo vị chuyên gia IRSEM, quan trọng hàng đầu là "tác động trực tiếp đến khả năng quyết định của giới lãnh đạo đối phương".
Cuộc chiến tin giả : Sức mạnh khủng khiếp của kỹ thuật kỷ nguyên tin học
Cũng trong hội thảo nói trên, chuyên gia Mathieu Vallete, INALCO, lưu ý đến một phương diện rất quan trọng của cuộc chiến tranh nhận thức, chiến tranh tâm lý. Đó là tác động đến cách hình dung về thế giới qua các câu chuyện kể, gắn liền với niềm tin về lịch sử, về cộng đồng, có thể có ảnh hưởng rất lớn đến cách hình dung về hiện tại, và các quyết định hành động trong hiện tại. Các chuyện kể về lịch sử của một cộng đồng thuộc về lĩnh vực tưởng tượng, nên lẽ dĩ nhiên không tránh khỏi mang tính chủ quan.
Vấn đề nguy hiểm ở đây là những người chủ trì các thủ đoạn chiến tranh tâm lý có thể rơi vào con đường hoàn toàn bất hợp pháp, khi tung ra các thông tin bịa đặt. Thủ đoạn này đặc biệt có tác động lớn khi được phối hợp sử dụng với các phương tiện hùng mạnh của kỷ nguyên tin học, như "các troll tự động hóa", cho phép làm tràn ngập các thông tin giả và tuyên truyền bóp méo dựa trên tin giả trên các mạng xã hội. Tác động càng trở nên khủng khiếp hơn, khi người ta sử dụng các kỹ thuật "mang tính cá thể hóa" (microciblage), đặc biệt nhờ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (IA générative) để tác động riêng đến từng cá nhân, ru ngủ các cá nhân trong các cộng đồng riêng rẽ, làm tê liệt các quan hệ cộng đồng - tập thể, vốn là điều làm nên sức mạnh của các xã hội.
Tìm được biện pháp tự vệ "với các vũ khí dân chủ" : Thách thức lớn với các nền dân chủ
Khép lại hội thảo về chiến tranh tâm lý Trung Quốc chống phương Tây, các chuyên gia lưu ý đến vấn đề phương Tây cần phải ứng xử ra sao cho đúng ? Chuyên gia Paul Charon nhấn mạnh đến việc, cho dù các biện pháp bóp méo thông tin, giả mạo thông tin, đã từng được một số quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ sử dụng, mang lại "hiệu quả" (như trong một số hoạt động lật đổ, đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh), nhưng các hậu quả để lại là ghê gớm. Sử dụng các thủ đoạn phi đạo lý như trên là lợi bất cập hại. Làm như vậy các nền dân chủ-tự do sẽ bị coi như các chế độ độc tài, bị lên án là "đạo đức giả" (tức hành động ngược với các nguyên tắc).
Việc phổ biến các thông tin bóp méo để gây ảnh hưởng giờ đây cũng thường đi liền với việc gieo rắc quan điểm về một thế giới "hậu sự thật" (post-factuel), nơi nhận thức về hiện thực được coi là chuyện thuần túy cá nhân, thuần túy chủ quan. Làm như vậy, các nền dân chủ-tự do sẽ tự hủy diệt tính chính đáng của mình, mà không cần đối phương phải ra tay. Theo Paul Charon, trong cuộc chiến tranh tâm lý đáng sợ nói trên, các nền dân chủ phải tìm được các biện pháp tự vệ "với các vũ khí phù hợp với nền dân chủ", điều rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 08/04/2024
Đọc thêm
Chine : comprendre la guerre cognitive de Pékin contre l'Occident
Citizen Lab : Hơn 100 trang mạng tại 30 nước tuyên truyền cho Trung Quốc
Viện IRSEM : Bắc Kinh ngày càng thiên về dùng "nỗi sợ" để gây ảnh hưởng
Mỹ : Trung Quốc chi hàng tỷ đôla để phát tán tin giả khắp thế giới
Mạng truyền thông QAnon, "đồng minh" trong bóng tối của Trump (phần cuối : một thế giới "hậu sự thật", mối đe dọa thường trực đối với nền dân chủ)
Trung Quốc : Luật mới về chống gián điệp bắt đầu có hiệu lực
Thanh Phương, RFI, 01/07/2023
Tại Trung Quốc, hôm 01/07/2023, luật mới về chống gián điệp bắt đầu có hiệu lực, chính quyền Bắc Kinh có khuôn khổ hành động rộng hơn rất nhiều để chống lại những gì mà họ xem là đe dọa đến an ninh quốc gia.
Cờ Trung Quốc cạnh một camera an ninh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 08/10/2019. AP - Mark Schiefelbein
Theo luật mới, việc tiếp nhận mà không được phép "các tài liệu, dữ liệu, thiết bị và vật phẩm có liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia" đều bị xem là hành vi gián điệp.
Bắc Kinh khẳng định là các luật với nội dung tương tự đã có ở nhiều nước và Trung Quốc cũng có quyền "bảo vệ an ninh quốc gia", nhưng vẫn tôn trọng nhà nước pháp quyền. Nhưng theo hãng tin AFP, luật mới về chống gián điệp ở Trung Quốc gây lo ngại, nhất là cho các công ty ngoại quốc.
Theo nhà nghiên cứu Jeremy Daum, đại học Luật Yale, Hoa Kỳ, luật này có một định nghĩa rất rộng về an ninh quốc gia và được áp dụng đối với mọi thành phần xã hội và mọi khu vực kinh tế. Cho nên luật mới về chống gián điệp sẽ khiến các công dân Trung Quốc ngần ngại tiếp xúc với những người ngoại quốc và các tổ chức nước ngoài. Các công ty nước ngoài thì lo ngại sẽ bị kiểm tra chặt chẽ hơn.
AFP trích lời ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh Tế Trung Quốc - Hoa Kỳ, nhấn mạnh là những sửa đổi trong luật chống gián điệp gây ra mối quan ngại chính đáng, "vì một số hoạt động thương mại thông thường kể từ nay có nguy cơ bị xem là hoạt động gián điệp".
Các chính phủ nước ngoài hiện chưa có phản ứng nào về luật này, ngoại trừ Hoa Kỳ, quốc gia hiện đang có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố rằng "luật mới mở rộng đáng kể phạm vi mà Bắc Kinh xem là hoạt động gián điệp".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 01/07/2023
********************
Trung Quốc ra luật mới về "quan hệ đối ngoại" đề chống trừng phạt quốc tế
Thanh Hà, RFI, 30/06/2023
Vào lúc Hoa Kỳ siết chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiều tập đoàn Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, cách nay hai ngày, hôm 28/09/2023 Quốc Hội Trung Quốc thông qua một bộ luật mới tăng cường khả năng đối phó trước các áp lực của "nước ngoài". Văn bản sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày mai 01/07/2023.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy Ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Vương Nghị tham dự cuộc gặp với tổng thống Nga tại Điện Kremlin, Moskva, ngày 22/02/2023. © Anton Novoderezkhin / AFP
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Vương Nghị, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, giải thích bộ luật mới về quan hệ đối ngoại là một "khung pháp lý cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển" của Trung Quốc. Văn bản bao gồm 6 chương và hơn 40 điều khoản này cho phép Bắc Kinh "triển khai, đề xướng" những biện pháp để chống lại những hành vi mà chính quyền nước này coi là nhằm "kềm tỏa, can thiệp hay trừng phạt (của nước ngoài) làm phương hại đến quyền lợi" của Trung Quốc.
Luật gia Moritz Rudolf đại học Yale, Hoa Kỳ đánh giá, ngoài mục đích đối phó với các biện pháp trừng phạt của quốc tế, bộ luật mới của Trung Quốc còn có một lợi thế khác, do văn bản này có nội dung "khá mơ hồ" nên có thể được sử dụng để "bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh khi cần". Thí dụ như trong trường hợp bị chỉ trích không tuân thủ, hay thực thi luật pháp quốc tế, Trung Quốc có thể giải thích không tuân thủ luật pháp quốc tế vì "quyền chủ quyền, vì an ninh và lợi ích quốc gia".
Nói cách khác, văn bản này cho phép Bắc Kinh áp dụng luật pháp của Trung Quốc ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Hơn thế nữa luật về quan hệ quốc tế mới của Trung Quốc là nhằm đáp trả Hoa Kỳ. Mỹ luôn viện lý do "an ninh quốc gia" để trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tháng 10/2022 chính quyền Biden đã cấm các tập đoàn Mỹ xuất khẩu hay mua một số trang thiết bị của Trung Quốc, đặc biệt là chip điện tử cao cấp cũng có thể sử dụng trong lĩnh vực quân sự.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 30/06/2023
Với những gì ông Tập Cận Bình đang thể hiện trong vai trò lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thì ‘chưa có tín hiệu nào’ cho thấy ông có thể đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới, theo hai ý kiến của từ nghiên cứu Trung Quốc tại Việt Nam.
Tác giả Israel, ông Yuval Noah Harari giảng bài về trí tuệ nhân tạo ở Hàng Châu, Trung Quốc, năm 2017. Trung Quốc mời nhiều 'bộ óc lỗi lạc' đến chia sẻ ý tưởng về công nghệ cao nhưng chính quyền vẫn kiểm duyệt gắt gao thảo luận chính trị
Nói với BBC News tiếng Việt trong thảo luận trên YouTube, phát ngày 08/07/2021, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, thạc sĩ Ngô Tuyết Lan từ Hà Nội cho rằng Trung Quốc khó có thể trở thành siêu cường số một thế giới với những gì họ đang thể hiện trong và ngoài nước :
"Qua những gì ông Tập Cận Bình đang thể hiện trong chính sách đối nội và đối ngoại hiện nay của Trung Quốc thì tôi chưa thấy một tín hiệu nào mà có thể đưa nước này trở thành siêu cường số một thế giới".
Kiểm duyệt gắt gao thông tin
Lý giải cho nhận định trên, bà Ngô Tuyết Lan nêu ra hai nguyên nhân.
Thứ nhất, đó là khi vẫn còn chi bộ Đảng cộng sản Trung Quốc ở trong tất cả các doanh nghiệp tư nhân thì điều đó khó xảy ra.
Thứ hai là vấn đề kiểm duyệt thông tin, đặc biệt là mạng xã hội đang bị kiểm duyệt rất gắt gao ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Bà Lan dẫn chứng từ trải nghiệm bản thân trong 5 năm học ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh từ năm 2010 đến 2015.
"Khi tôi tham gia một cuộc hội thảo thì các giáo sư (Trung Quốc) đều phàn nàn rằng hiện nay mạng xã hội bị cấm, bị chặn, Google bị chặn".
Một vị giáo sư đã ca thán là bây giờ làm nghiên cứu thế nào đây khi muốn tìm hiểu thông tin các bài viết của các đồng nghiệp trên thế giới thì không thể nào truy cập Google, trong khi đó tìm kiếm trên trang tìm kiếm phiên bản Trung Quốc là Weibo thì không tìm được".
"Một người bạn nữa của tôi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa sau đó đi làm cho một viện nghiên cứu chiến lược của Bắc Kinh thì bạn ấy kêu từ khi ông Tập Cận Bình lên thì hàng tuần các bạn ấy nhận được những văn bản là khi viết các bài nghiên cứu thì chữ này phải được viết, chữ kia không được viết…", bà Lan kể.
Khi đàm đạo với các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc về tình hình quốc tế, bà Ngô Tuyết Lan nhận thấy họ ‘phân tích rất hiểu biết và rất khách quan’, nhưng họ chỉ có thể nói chứ "không thể viết được, vì viết là hôm sau có người đến nhà gõ cửa".
Chính vì tiếng nói của người dân Trung Quốc không được lắng nghe, và họ không dám viết lên mà chỉ có thể thì thầm với nhau, thì theo bà Lan "rất khó để đưa Trung Quốc trở thành siêu cường số một thế giới".
Trong một bài viết đã đăng về tình trạng chảy máu chất xám của Trung Quốc, bà Ngô Tuyết Lan nêu hiện tượng người tài Trung Quốc du học muốn ở lại Mỹ đông hơn số muốn hồi hương vì Trung Quốc kiểm soát tư tưởng.
"Trong các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) người Trung Quốc sau khi được đào tạo bậc cử nhân ở những trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc, số đông lựa chọn ra nước ngoài, đặc biệt Mỹ, để học tiếp chương trình sau đại học. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, 88% chọn ở lại Mỹ lập nghiệp, 10% trở về nước".
Mô hình độc tài đảng trị gây cản trở
Còn nhà sử học Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội cùng tham gia hội luận cho rằng Trung Quốc muốn trở thành siêu cường số một thì cần phải cải tổ nền chính trị.
Xã hội Trung Quốc ngày nay
Hiện nay mô hình của Trung Quốc là độc tài đảng trị mà theo ông Sinh là : "nó sẽ phát triển đến một điểm nhất định và nó sẽ kịch trần thì nó không thể tiến hơn được nữa".
"Và các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức rất là gay gắt, căn bản của đất nước họ và đồng thời là của thời đại đó là một chế độ độc tài đảng trị thì liệu có thể làm cho đất nước Trung Hoa vượt qua được Mỹ hay không ?", ông Sinh nói thêm.
"Tôi không tin rằng một chế độ mà Đảng cộng sản Trung Quốc đang thực hiện lại có thể trở thành được một quốc gia dẫn dắt thế giới như nước Mỹ hiện nay", nhà nghiên cứu sử học này bình luận.
Ông Lê Văn Sinh cũng cho rằng : "thể chế chính trị mà ông Tập Cận Bình đang lãnh đạo là một thể chế chính trị lạc hậu, nó không phản ánh xu thế phát triển của lịch sử nhân loại".
Do đó, theo ông, điều Trung Quốc cần là một Đặng Tiểu Bình thứ hai để "cải tổ nền chính trị Trung Quốc theo mô hình phương Tây thì lúc đó cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành nước dẫn dắt thế giới sẽ đơn giản hơn rất nhiều và Trung Quốc có thể đạt được điều đó".
Nguồn : BBC, 09/07/2021
Trọng Thành, RFI, 11/06/2021
Hoa Kỳ và Liên Âu gia tăng áp lực với Trung Quốc trong những tháng qua, với hàng loạt trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp, bị nghi ngờ tiếp tay cho quân đội Trung Quốc, cũng như nhắm vào nhiều quan chức vì xâm phạm nhân quyền. Hôm nay, 11/06/2021, Bắc Kinh trả đũa.
Gian trưng bày của Facebook tại Triển lãm quốc tế xuất nhập khẩu lần thứ 2 ở Trung Quốc, ngày 06/11/2019. AFP – Hector Retamal
Theo báo chí Nhà nước Trung Quốc, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nước này đã thông qua luật cho phép đáp trả các trừng phạt nước ngoài. Truyền thông Pháp dẫn lại thông tin, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố, theo đó luật dự kiến "từ chối cấp thị thực nhập cảnh, hoặc tiến hành trục xuất… niêm phong, tịch thu hay phong tỏa tài sản của những cá nhân hay doanh nghiệp tham gia vào các trừng phạt của nước ngoài chống lại các doanh nghiệp hay các quan chức Trung Quốc".
Về luật chống trừng phạt của nước ngoài được thông qua, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, bình luận rằng luật này "sẽ là một phương tiện răn đe mạnh (…) chống lại các chính phủ nước ngoài đưa ra các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống lại Trung Quốc". Hoàn Cầu Thời Báo nêu rõ tên Hoa Kỳ trong bài xã luận, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt được dự kiến.
Ngày 03/06 vừa qua, chính quyền Biden đã phê chuẩn một sắc lệnh, bổ sung thêm 28 công ty Trung Quốc vào danh sách 31 doanh nghiệp bị trừng phạt dưới thời Donald Trump. Đây là những doanh nghiệp bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Cùng ngày với cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Thương mại Mỹ - Trung, hôm qua 10/06, đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một quan chức Đài Loan hàm bộ trưởng, phụ trách các đàm phán thương mại, ông John Deng (Đặng Chấn Trung). Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa các giới chức cao cấp của Đài Loan với đại diện chính phủ Mỹ, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Theo AFP, cuộc tiếp xúc này rõ ràng là một thông điệp mang tính thách thức gửi đến chính quyền Trung Quốc.
Trong cuộc họp trực tuyến, đại diện Thương Mại Mỹ nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Đài" và khẳng định Hoa Kỳ có "lợi ích thiết thân khi làm việc với Đài Loan" về các ưu tiên chung "trong khuôn khổ các định chế đa phương".
Sau cuộc trao đổi nói trên, Cơ quan phụ trách các đàm phán kinh tế và thương mại Đài Loan ra thông báo, cho biết Washington và Đài Bắc sẽ tổ chức họp bàn về việc thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại song phương "trong những tuần tới". Cuộc trao đổi trực tuyến nói trên diễn ra ít ngày sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai, 08/06, khẳng định Mỹ sẽ "sớm" có các thảo luận với Đài Bắc về một "hiệp định khung" về thương mại.
Trọng Thành
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 11/06/2021
Trong một bản báo cáo công bố vào hôm qua, 10/06/2021, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đã tố cáo chính sách đàn áp thô bạo của Trung Quốc nhắm vào người Hồi giáo tại Tân Cương. Đối với Ân Xá Quốc Tế, những biện pháp khắc nghiệt được áp dụng "đồng dạng với tội ác chống nhân loại".
Quốc kỳ Trung Quốc treo bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Kashgar, Tân Cương, ngày 06/05/2021. Reuters – Thomas Peter
Theo ghi nhận của Ân Xá Quốc Tế, tại vùng Tân Cương (Trung Quốc) đã có hàng trăm ngàn người Hồi giáo, cả nam lẫn nữ, từ người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, cho đến những nhóm thiểu số khác, đã bị giam giữ tập thể và tra tấn, trong bối cảnh hàng triệu người Hồi giáo bị giám sát một cách triệt để.
Trong bản báo cáo dày 160 trang, mang tựa đề "Cứ như chúng tôi là kẻ thù trong chiến tranh - Tình trạng giam cầm, tra tấn và truy bức trên quy mô hàng loạt nhắm vào người Hồi giáo Tân Cương" (tựa đề tiếng Anh : "Like We Were Enemies in a War" : China’s Mass Internment, Torture, and Persecution of Muslims in Xinjiang) - tổ chức Amnesty International đã công bố lời chứng chưa từng được tiết lộ của hơn 50 người từng bị cầm giữ trong các trại giam, mô tả những biện pháp cực kỳ khắc nghiệt mà Bắc Kinh đã dùng từ năm 2017 để xóa bỏ các truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của các nhóm Hồi giáo trong vùng, cũng như đàn áp các sắc dân thiểu số địa phương.
Theo Ân Xá Quốc Tế, dưới chiêu bài "chống khủng bố", các hành vi tội ác này nhắm vào các cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, người Hồi, người Kirghistan, Uzbekistan và Tadjikistan. Báo cáo đặc biệt nêu chi tiết về các nỗ lực trên quy mô rộng lớn của chính quyền Trung Quốc nhằm che giấu tội trạng của mình.
Đối với Amnesty International, các hành động của chính quyền Trung Quốc chống lại các sắc dân thiểu số trong nước là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng "đồng dạng với các tội ác chống nhân loại".
Liên Hiệp Quốc từng cho rằng có đến 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam trong các trại cải tạo tại Trung Quốc mà Bắc Kinh khẳng định là những trung tâm huấn nghệ. Trong thời gian gần đây, Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, Mỹ và Canada đã có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Trọng Nghĩa
Liệu Vương nghị có "quyến rũ" thành công Indonesia ?
Đinh Quỳnh Như, RFA, 13/01/2021
Dư luận Indonesia đánh giá về chuyến công du của Vương Nghị
Trong chuyến công du Đông Nam Á tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tới thăm Indonesia, đúng vào lúc Indonesia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc nhằm ngăn ngừa Covid-19 bằng một loại vaccine của Trung Quốc vừa được cấp phép. Theo tờ Jakarta Post, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ làm giảm căng thẳng giữa 2 nước.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Jakarta, Indonesia hôm 13/1/2021 - Reuters
Các quan chức Indonesia xác nhận rằng chuyến thăm này diễn ra ngày 13-14/1, trong đó, Ngoại trưởng Vương Nghị dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Retno Marsudi, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan, và Tổng thống Joko Widodo (Jokowi). Tổng thống Jokowi sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được tiêm vaccine CoronaVac do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất và được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 11/1. Với sự chấp thuận được chờ đợi từ lâu này, Indonesia cuối cùng cũng có thể tiến hành chương trình tiêm chủng hàng loạt theo kế hoạch, sau khi Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (MUI) công nhận rằng sản phẩm vaccine của Sinovac là "tinh khiết và đạt chuẩn halal" hồi tuần trước. Sự kiện Tổng thống Jokowi được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ chính thức khởi động giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm chủng kéo dài nhiều tháng, bắt đầu với khoảng 1,3 triệu nhân viên y tế. Tính đến ngày 12/1, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 18 triệu liều vaccine Sinovac, trong đó 3 triệu liều đã được phân phối đến các địa phương trên khắp cả nước. Quốc gia này cũng đặt hàng mua vaccine từ các nhà sản xuất nước ngoài khác.
Trung Quốc đã rất chủ động và hành động một cách hiệu quả với chính sách "ngoại giao vaccine" của mình nhằm xoa dịu làn sóng phẫn nộ về sự xuất hiện của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Với việc Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac, đây là loại vaccine đầu tiên và duy nhất hiện có sẵn tại Indonesia - động thái thể hiện sự tin tưởng của Jakarta đối với Trung Quốc. Một chuyên gia ở Indonesia nói : "Không chỉ chính phủ mà cả BPOM và các cơ quan kỹ thuật khác ở Indonesia đều tin rằng vaccine của Trung Quốc là khả thi. Tôi cho rằng đây thực sự là một tài sản ngoại giao của Trung Quốc".
Tổng thống Indonesia Joko Widodo được tiêm vaccine phòng Covid-19 do Trung Quốc sản xuất hôm 13/1/2021 ở Jakarta. Reuters
Mặc dù "thua" các quốc gia phương Tây trong cuộc đua trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất vaccine ngừa Covid-19, song Trung Quốc đã đảm bảo rằng các sản phẩm của họ vẫn là một giải pháp thay thế khả thi để thế giới xem xét. Thế nhưng, sản phẩm vaccine này dù mang lại cho Indonesia một tia hy vọng, song quan hệ giữa Jakarta với Bắc Kinh vẫn phức tạp và đa chiều. Bà Dewi, đồng sáng lập Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI), nhấn mạnh : "Liệu vaccine này có làm thay đổi nhận thức về Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay nhận thức rằng các sản phẩm của ASEAN không thể cạnh tranh với các dòng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc ? Tất nhiên là không". Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Teuku Faizasyah, đã nhanh chóng bác bỏ mối liên hệ giữa chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị và việc chính thức khởi động chương trình tiêm chủng của Indonesia. Ông Teuku Faizasyah cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Indonesia để thảo luận các vấn đề song phương. Trả lời phỏng vấn tờ Jakarta Post ngày 11/1, ông Teuku Faizasyah khẳng định : "Đây là những quy trình riêng biệt ; việc tiêm chủng là chuyện nội bộ của Indonesia. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị đã được thảo luận từ trước, với lịch trình phù hợp với các nước Đông Nam Á khác".
Mặc dù chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị - vốn bị trì hoãn nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Indonesia-Trung Quốc hồi năm ngoái - có thể được cho là ngẫu nhiên, song các nhà quan sát lưu ý rằng bối cảnh chuyến thăm chính thức Indonesia này rõ ràng là có lợi cho Bắc Kinh. Trưởng ban lễ tân nhà nước Andy Rachmianto cho biết một trong số các vấn đề dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Retno đề cập là vấn đề an toàn của các thuyền viên Indonesia làm việc trên các tàu cá Trung Quốc - điều từng gây phẫn nộ sau khi có tin về việc các thuyền viên Indonesia bị lạm dụng và ngược đãi. "Đây có thể không phải là một vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng đối với chúng tôi thì nó rất quan trọng", ông Andy khẳng định trong cuộc họp báo ngắn hôm 11/1, đồng thời nhắc lại vị thế của Trung Quốc như một đối tác chiến lược của Indonesia. Ông Andy nhấn mạnh thực tế rằng Trung Quốc có lợi ích với Indonesia trong vấn đề đầu tư và Biển Đông. Do vậy, Bắc Kinh có trách nhiệm lắng nghe những quan ngại của Indonesia.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị cũng diễn ra vào thời điểm đang nổi lên các vấn đề trong quan hệ Indonesia-Trung Quốc. Trong vài năm qua, Indonesia đã bị lôi kéo vào nhiều cuộc đối đầu trên biển khi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền tài phán của Jakarta. Gần đây hơn, việc phát hiện ra một phương tiện không người lái dưới nước (UUV) tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Nam Sulawesi đã làm dấy lên các câu hỏi về hoạt động gián điệp và an ninh quốc gia. Giới chức Indonesia tránh "chỉ mặt đặt tên" do thiếu bằng chứng buộc tội về nguồn gốc chiếc UUV này, mặc dù có tin cho biết thiết bị này do Trung Quốc sản xuất. Bắc Kinh hiện vẫn giữ im lặng về vụ việc. Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Yudo Margono, trước đó, nói rằng chiếc UUV này có thể được triển khai cho mục đích nghiên cứu, song ông cũng cho rằng cần tiến hành điều tra thêm để xác định quốc gia xuất xứ của nó. Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết chiếc UUV này mang dòng chữ "Viện tự động hóa Thẩm Dương - Học viện Khoa học Trung Quốc" - thông tin được người phát ngôn Hải quân Indonesia, Chuẩn đô đốc Julius Widjojono phủ nhận.
Giáo sư Curie Maharani thuộc trường Đại học BINUS nhận định rằng có khả năng thiết bị này được sản xuất tại Trung Quốc và được cho là thuộc nhóm 12 tàu tự lái trên biển do các tàu khảo sát của Trung Quốc triển khai tại khu vực phía Đông Ấn Độ Dương năm 2019. Bà Curie nhấn mạnh : "Thế nhưng, ngay cả khi đó là sản phẩm của Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa thể xác định được mục đích triển khai của nó và liệu nó có được lệnh xâm nhập vùng biển của Indonesia hay không".
Liệu Indonesia có "rời bỏ" lợi ích chung của ASEAN ?
Indonesia là quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong ASEAN. Chính vì vậy, Indonesia là trung tâm trong chính sách "ngoại giao láng giềng" của Trung Quốc. Chuyến thăm lần này của Vương Nghị cũng sẽ thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt Jakarta-Bandung, dự án hợp tác trọng điểm của "Vành đai và Con đường".
Việt Nam đang thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia, đặc biệt là trong việc tổ chức các hoạt động huấn luyện quân sự chung, chuyển giao công nghệ quân sự và tuần tra chung trên biển. Về vấn đề hàng hải, Việt Nam lạc quan về triển vọng đàm phán với Indonesia. Hà Nội hy vọng rằng thông qua các cuộc đàm phán liên tục về biên giới trên biển diễn ra tốt đẹp cho đến nay, hai nước sẽ đạt được thỏa thuận về phân định vùng đặc quyền kinh tế tại vùng chồng lấn trên biển Đông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm căn cứ Hải quân ở Natuna hôm 9/1/2020. Reuters
Jakarta và Hà Nội cũng nhấn mạnh lập trường về tầm quan trọng của việc duy trì tình hình có lợi ở Biển Đông trong bối cảnh các tuyên bố chủ quyền "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh không tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Do đó, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Indonesia sẵn sàng đóng vai trò là nhà môi giới trung thực qua việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử (COC) do ASEAN khởi xướng.
Ngoài tầm quan trọng của việc tiếp tục các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan đến COC, trong đó dự kiến lần đọc thứ hai dự thảo COC sẽ diễn ra vào năm nay, cả Việt Nam và Indonesia đều nhất trí nhấn mạnh rằng COC cần đảm bảo thực chất, hiệu quả và khả thi nhằm tạo ra khu vực có lợi cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia cần được duy trì và phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn vì lợi ích quốc gia của hai nước, cũng như nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay khối ASEAN đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là từ Trung Quốc, chính vì vậy, cách tiếp cận tốt nhất đối với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông phải là một cách tiếp cận chung để bảo đảm lợi ích của toàn khối, chứ không phải của một quốc gia riêng lẻ nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - Quốc gia đang có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc cũng phải nhận xét : "ASEAN sẽ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề và sự kiện ở Biển Đông chỉ khi hiệp hội hành động như một thể thống nhất".
Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông sẽ rất cần thái độ khách quan, đúng mực từ các quốc gia thành viên của ASEAN, trong đó Indonesia và Việt Nam đang giữ các vai trò quan trọng. Căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang do Trung Quốc sẽ tiếp tục cáo buộc Mỹ và các quốc gia khác có hành động khiêu khích và gây bất ổn, trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang phải hết sức cố gắng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính vì vậy, sự tỉnh táo của các quốc gia ASEAN trước một Trung Quốc đầy tham vọng và hiếu chiến, là một điều tối quan trọng cho việc tìm kiếm một tương lai tốt đẹp cho ASEAN.
Đinh Quỳnh Như
Nguồn : RFA, 13/01/2021
*********************
Thấy gì qua hai chuyến công du mới đây của ông Vương Nghị ?
Đinh Quỳnh Như, RFA,12/01/2021
Chuyến thăm Châu Phi
Tiếp tục truyền thống ngoại giao 30 năm kể từ năm 1991, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chọn thăm Châu Phi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm 2021. Ông đã đến thăm Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Tanzania, Botswana và Seychelles từ ngày 4-9/1. Chuyến công du tiếp nối truyền thống 3 thập kỷ qua khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc luôn chọn Châu Phi là điểm đến quốc tế đầu tiên trong năm. Truyền thống này phản ánh tầm quan trọng của Châu Phi trên phương diện ngoại giao đối với Trung Quốc, và việc Vương Nghị dừng chân ở những nơi như Seychelles, một quần đảo dân cư thưa thớt, chứng tỏ Bắc Kinh không coi bất kỳ quốc gia nào là tầm thường.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi ở Naypyitaw, Myanmar hôm 11/1/2021 - Reuters
Theo phân tích của tác giả Lye Liang Fook từ Singapore thì một kế hoạch quan trọng trong chuyến thăm Châu Phi của Vương Nghị là củng cố thông điệp rằng Trung Quốc tìm cách tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong sự phát triển kinh tế của họ, bao gồm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tại Châu Phi, Trung Quốc hiện là nhà tài trợ chủ chốt và là nhà xây dựng chính của các dự án cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt tiêu chuẩn Lagos-Ibadan tại Nigeria. Trong chuyến đi này, Vương Nghị và người đồng cấp Cộng hòa Dân chủ Congo đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác BRI.
Chắc chắn, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Châu Phi đã gặp phải khó khăn chung, được thấy qua các dự án bị đình trệ như dự án cảng Bagamoyo, khu kinh tế đặc biệt ở Tanzania và dự án đường bộ Nata-Maun ở Botswana. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, Bắc Kinh dường như rất quyết tâm để thúc đẩy BRI ở Châu Phi mặc dù có những sửa đổi, điều chỉnh.
Một kế hoạch quan trọng khác trong chuyến thăm Châu Phi của Vương Nghị là nhằm tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc cung cấp vaccine Covid-19 của Trung Quốc cho các quốc gia tại Châu Phi trong bối cảnh sự tranh giành vaccine đang diễn ra hiện nay trên toàn thế giới. Cam kết này được xây dựng dựa trên cam kết trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là biến vaccine Covid-19 của Trung Quốc trở thành "hàng hóa công toàn cầu".
Cờ Trung Quốc và giọt thuốc từ syringe và kim tiêm, biểu tượng như vaccine. Reuters
Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 càn quét thế giới và các nước giàu có bắt đầu đặt hàng khối lượng lớn vaccine để phục vụ chương trình tiêm chủng của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết việc cung cấp vaccine cho Châu Phi sẽ là một "ưu tiên" đối với Bắc Kinh. Cam kết được đưa ra sau khi chính quyền Bắc Kinh và một số cá nhân người Trung Quốc, trong đó có tỷ phú Jack Ma, quyên góp và vận chuyển số lượng lớn khẩu trang, bộ thử và trang thiết bị y tế tới Lục địa Đen.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc chuyến công du Châu Phi vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không hề đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về vấn đề vaccine cho khu vực này vốn đang hy vọng vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19). Lời hứa của lãnh đạo Trung Quốc thực ra chỉ là "lời nói gió bay" mà thôi.
Chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á
Chỉ một ngày sau khi kết thúc chuyến thăm tới 5 nước Châu Phi trong 6 ngày, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài thứ 2 trong năm 2021 tới Đông Nam Á từ ngày 11/1 đến các nước Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Các nhà phân tích cho rằng với chuyến thăm này, Trung Quốc đang muốn chuyển trọng tâm sang ngoại giao láng giềng, điều này sẽ giúp Trung Quốc củng cố hình ảnh và tiếp tục duy trì ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á sau khi Trung Quốc trải qua bất ổn và khó khăn trong thời gian gần đây. Các quốc gia Đông Nam Á có vị trí rất quan trọng đối với Trung Quốc vì khu vực này là một phần trong chính sách ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh và chủ yếu là các nước đang phát triển tương tự như Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á đã trở nên quan trọng hơn trước đó do Trung Quốc đang gặp khó khăn trong quan hệ với với các nước quan trọng khác như Australia, Ấn Độ, Mỹ và một số nước Châu Âu.
Thời báo Hoàn cầu ngày 10/1 cho biết, chuyến thăm này của ông Vương Nghị sẽ có mục đích củng cố quan hệ hợp tác với 4 nước Đông Nam Á này trong chống dịch Covid-19 và tái khởi động các dự án quan trọng của sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI).
Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra 3 tháng sau chuyến thăm đến Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và dừng chân tại Singapore. Tháng 9/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có chuyến thăm tới 4 nước ASEAN. Tháng 8/2020, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thăm Singapore.
Trong một bài viết ngày 11/1, Thời báo Hoàn Cầu cũng nhấn mạnh thêm, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ là một trọng tâm trong chuyến thăm của ông Vương Nghị lần này.
Tuy nhiên, những lo ngại về xung đột trên biển Đông vẫn đang tiếp diễn, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự của họ ở đây. Giáo sư Oriana Skylar Mastro, từ Đại học Georgetown, lo ngại rằng sức mạnh quân sự tăng cao trong khu vực một ngày nào đó sẽ dẫn đến xung đột. Phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, bà nói : "Tôi cho rằng hiện có một số yếu tố cho thấy nếu Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu của họ, trên thực tế là quyền kiểm soát Biển Đông, thì Bắc Kinh có thể tiến hành leo thang. Mỹ có thể hành động quyết đoán hơn, dẫn đến hành động gây hấn từ phía Trung Quốc. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ đi đến kết luận rằng các biện pháp ngoại giao để xử lý tình hình sẽ không hề hiệu quả. Cùng với khả năng phô trương quyền lực và sức mạnh quân sự lần đầu tiên... cuối cùng, chúng ta có thể chứng kiến Trung Quốc tiến hành các hành động quân sự, chẳng hạn như chiếm đóng các đảo để phản đối các tàu của Mỹ trên vùng biển Biển Đông".
Chính vì vậy, các quốc gia Đông Nam Á luôn cảnh giác với Trung Quốc ở biển Đông.
Mới đây, hãng thông tấn chính thức Antara của Indonesia cho biết, Phó Chủ tịch Quốc hội Syarief Hasan đã nhấn mạnh : "Chính phủ cần cảnh giác tới vùng biển Bắc Natuna trong bối cảnh Biển Đông – khu vực tiếp giáp với Biển Bắc Natuna - đang "nóng" lên từng ngày với cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ".
Theo ông Syarief, cần tăng cường lực lượng quân đội tại Bắc Natuna để bảo vệ lãnh thổ Indonesia trong trường hợp nổ ra xung đột. Ông Syarief cũng cho rằng nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông, tất cả các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, sẽ chịu tác động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Syarief nhấn mạnh : "Do vậy, chính phủ Indonesia phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng sức mạnh quân sự nhằm giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn tác động trong trường hợp xảy ra xung đột".
Ông Syarief cho rằng không nên xem nhẹ cuộc đối đầu nói trên và việc Trung Quốc đơn phương đưa ra các yêu sách tại Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" khiến Mỹ cũng phải can thiệp. Ông nói : "Điều kiện này có khả năng sẽ biến thành xung đột giữa hai cường quốc tại Biển Đông".
Cảnh cáo Việt Nam và Malaysia
Trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, ông Vương Nghị đã không đến thăm Việt Nam và Malaysia, với lý do hai quốc gia này thời gian vừa qua đã có những hành động mạnh mẽ để chống lại các luận điệu sai trái cũng như các hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014. Reuters
Thời báo Hoàn Cầu "cảnh báo" với chuyến thăm này, "Trung Quốc cũng gửi tín hiệu đến các nước khác trong khu vực như Malaysia và Việt Nam rằng những nước này nên "ngừng nhảy múa" với Mỹ và kích động rắc rối, nếu không, cuối cùng các nước này sẽ tự làm tổn hại chính mình".
Malaysia tuy vẫn giữ chính sách "ngoại giao thầm lặng" nhưng cũng rất kiên quyết khi bảo vệ lợi ích của mình trên biển Đông. Malaysia cũng là quốc gia đã khởi động các tranh cãi pháp lý dẫn đến "cuộc chiến công hàm" năm 2020. Còn Việt Nam, quốc gia vốn là láng giềng cả trên bộ và trên biển của Trung Quốc, trong những năm qua, thất vọng trước các hành động hung hăng và lòng tham của Trung Quốc trước vấn đề biển đảo, Việt Nam đang tìm cách rời xa Trung Quốc và phát triển quan hệ với Mỹ - quốc gia đối thủ lớn nhất và khó chịu nhất của Trung Quốc.
Có lẽ, các quốc gia Đông Nam Á, không chỉ riêng Việt Nam và Malaysia, đều cần phải cảnh giác trước những lời "hứa hão" và chính sách "ngoại giao bẫy nợ" trong sáng kiến BRI của Trung Quốc.
Đinh Quỳnh Như
Nguồn : RFA, 12/01/2021
Giới nghiêm và phong tỏa chạy đua với Covid-19. Giông bão chính trị cuối nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là hai chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay. Le Monde tìm hiểu thêm vì sao đại dịch thêm cánh cho kinh tế Trung Quốc và trước mối đe dọa của cường quyền thế kỷ 21, các chế độ dân chủ và nhất là báo chí phải đối phó như thế nào.
Covid-19, Nước Pháp lo ngại bị phong tỏa một lần nữa, tựa của Le Figaro. Tổng thống Emmanuel Macron trong chiếc lưới chính trị hệ quả của khủng hoảng y tế. Phe đa số bị chỉ trích quản lý kém, Le Monde bổ sung.
Về tình hình thế giới, Donald Trump một lần nữa bị đe dọa "truất phế". Nhưng Le Monde cho biết đảng Cộng hòa kêu gọi "đoàn kết và lên án thủ đoạn chính trị" của đảng Dân chủ.
Chiến dịch "Barkhane" ở sa mạc Sahara cũng đang gây chú ý trong công luận nhất là sau cái chết của năm quân nhân Pháp trong hai vụ xe thiết giáp tuần tiễu trúng mìn tại Mali : Giờ tổng kết đã điểm, Hồi giáo võ trang vẫn tiến tới.
Cũng liên quan đến thế giới Hồi giáo, Libération tổng kết 10 năm sau cách mạng Mùa xuân Ả rập, một "niềm hy vọng bị tịch biên". Nhật báo thiên tả phân tích thủ đoạn viết lại lịch sử của các chế độ độc tài Ả rập như thế nào, cáo buộc phong trào tranh dân chủ từ Tunisia cho đến Ai Cập là do các thế lực thù nghịch gồm Mỹ, Tây phương nói chung, Israel và… Iran giật dây.
Trung Quốc, xe ủi đất của kinh tế thế giới. Sau khi tránh được suy thoái năm 2020, tăng trưởng của Hoa lục có thể lên đến 8% trong năm 2021 và ngày càng bắt kịp nước Mỹ trong nhiều lãnh vực. Trong năm vừa qua, tài sản của 400 nhà giàu nhất Trung Quốc gia tăng 64%, họ nắm trong tay tổng cộng 2.100 tỷ đô la.
Thông tín viên tại Thượng Hải cho biết thêm, giới kỹ nghệ Trung Quốc, sau ba tháng mùa xuân tê liệt hoạt động, bắt mạch được tình thế mới, đẩy mạnh xuất khẩu máy móc trợ thở và điện tử.
Động lực thứ ba là tiêu thụ mà khách hàng là thành phần dưới 35 tuổi. Khác với thế hệ phụ huynh, cố gắng làm việc để được thăng thưởng, thế hệ trẻ tiêu xài không hạn chế, tập trung vào những thú vui hằng ngày, đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước trong bối cảnh biên giới đóng cửa ngăn dịch.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc phòng xa theo quan điểm phải kiểm soát bộ máy cung. Những tập đoàn công nghệ cao như Alibaba, Tencent, Baidu, Xiaomi nay lại có thế lực tài chính quá mạnh lấn áp các ngân hàng Nhà nước, quản lý mù mờ và thiếu hiệu năng, từ lâu nay là điểm yếu của nền kinh tế sống nhờ dưỡng khí tín dụng. Đó là lý do mà Jack Ma và một số tài phiệt khác bị sờ tới và báo chí Nhà nước được chỉ thị phải im lặng.
Trong lúc Châu Âu và Mỹ lúng túng đối phó với đại dịch và nhất là Washington sa lầy trong khủng hoảng bầu cử tổng thống thì chế độ độc tài Trung Quốc khai thác cơ hội ngàn năm một thuở này để công kích điều mà họ gọi là "nhược điểm của mô hình dân chủ".
Bài xã luận "Các nền dân chủ đối mặt với thách thức của thế lực Trung Quốc" mô tả Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2021 là một kẻ chiến thắng dịch bệnh cho dù Covid-19 xuất hiện ngay tại Hoa lục. Chiến thắng từ kinh tế đến chính trị. Trong khi Tây phương vẫn còn bị đại dịch bao vây thì kinh tế Trung Quốc tìm lại thế tăng trưởng vững chắc.
Về chính trị, vụ khủng hoảng cuối thời bi thảm của Donald Trump tạo cơ hội bất ngờ cho các chế độ độc tài chế nhạo các sơ sót của mô hình dân chủ. Nhưng không chỉ có thế, Trung Quốc còn ghi bàn thắng vì trì hoãn đến một năm mới cho phép Tổ chức Y tế Thế giới đến Vũ Hán trong điều kiện hạn chế. Trong khi đó chế độ chính trị Trung Quốc ngày càng lộ bản chất áp bức, mờ ám.
Cùng lúc đó, công luận thế giới tỉnh thức trước số phận của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các trại tuyên truyền chính trị, bị tra tấn, bị cưỡng bách lao động, văn hóa bị hủy diệt. Tân Cương, Hồng Kông, Vũ Hán… các hành động trấn áp không làm chế độ Trung Quốc trả giá ngoại giao. Bắc Kinh biết cách tỏ ra cần thiết đối với phần còn lại của thế giới. Tình trạng quốc tế lệ thuộc vào khẩu trang Trung Quốc vào mùa xuân 2020 là bằng chứng cụ thể. Bắc Kinh còn có lý do để hài lòng vì cho dù Hồng Kông bị luật an ninh khép chặt, cho dù những người dân báo động về đại dịch ở Vũ Hán bị giam cầm, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thẩm định tình hình thuận lợi để ký kết một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Theo Le Monde, Châu Âu đã phản bội giá trị của mình mà không được gì ở Trung Quốc, cụ thể từ Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Do vậy, theo nhật báo độc lập, sai lầm của Châu Âu cho thấy nhu cầu cấp thiết của mọi thành phần của các chế độ dân chủ, từ nhà nước, tổ chức đa phương, xí nghiệp, phải có biện pháp đối phó trong quan hệ với Trung Quốc. Trong mọi quan hệ, như trong vụ triển lãm lịch sử Mông Cổ ở Nantes, Trung Quốc luôn áp đặt quan điểm chính thức. Hay là trong hồ sơ xuất khẩu than đá, rượu vang, tôm hùm, Úc bị đối tác Trung Quốc tẩy chay vì Canberra đòi mở điều tra quốc tế về cội nguồn siêu vi Covid-19.
Khác với thời chiến tranh lạnh, chúng ta bước vào thời kỳ xung khắc cài răng lược. Sau khi thấy các chế độ độc tài của thế kỷ 20 sụp đổ vì kềnh càng, chế độ độc tài thế kỷ 21 không để cho dấu hiệu thất bại lộ ra. Do vậy mà chúng ta phải chơi với Trung Quốc nhưng đừng bán linh hồn. Báo chí cũng phải như thế.
Trong bối cảnh Bắc Kinh một mặt đầu tư dồi dào vào tuyên truyền ở nước ngoài, một mặt trục xuất phóng viên các nhật báo lớn của Mỹ, hoạt động điều tra tại hiện trường ngày càng khó. Nhưng cần phải kể lại những phát triển ngoạn mục của các thành phố, những khát vọng của người dân, mối quan hệ phức tạp với Nhà nước đảng trị, các quyền tự do cá nhân và hành động đàn áp của chế độ.
Như một lời thệ nguyện, Le Monde cam kết, sẽ tiếp tục thiên chức này, tìm hiểu, các chủ đề về Trung Quốc với lời lẽ chính trực, không khoan nhượng, không tránh né trước thách thức của Trung Quốc.
"Donald Trump những ngày cuối nhiệm kỳ thảm hại : Đảng Dân chủ bằng mọi giá triệt đường chính trị của chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng trước khi dọn nhà, tổng thống mãn nhiệm, với những người trung thành còn lại không để bị trói tay kể cả trong lãnh vực đối ngoại", nhận định của Le Monde.
Les Echos cho biết thêm giới tài chính đánh vào túi tiền của Donald Trump. Sau vụ bạo động ở trụ sở Quốc hội, nhiều xí nghiệp bỏ rơi Donald Trump.
La Croix đặt câu hỏi về mục đích chính trị của tiến trình truất phế tổng thống. Để chận Donald Trump tranh cử nhiệm kỳ 2024 ? Nhưng thời gian có cho phép hay không ?
Le Figaro chú ý đến báo động của FBI : nguy cơ xảy ra bạo lực gần đến ngày bàn giao.
Gần đến ngày bàn giao, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục hoạt động : Đưa Cuba trở lại vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố. Tuyên bố Iran chứa chấp Al Qaeda. Theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Trump "thanh toán" hận thù với La Havana và đặt Joe Biden trước chuyện đã rồi trong hai hồ sơ Cuba và Iran. Ngoài ra tổng thống Donald Trump còn muốn cám ơn cộng đồng Cuba tị nạn ở Florida dồn phiếu cho ông.
Toàn quốc phong tỏa hay tùy địa phương trước đã ? Vac-xin trắc trở ra sao ? Những đề tài tiếp tục gây tốn nhiều giấy mực. La Croix so sánh các biện pháp "phong tỏa" tại Anh với Pháp. Le Figaro dứt khoát từ chối "nhà tù tại gia".
Nhật báo thiên hữu than thở : "Một lần nữa chúng ta phải đóng cửa nhà mỗi ngày từ 6 giờ chiều ? Ngày và đêm ư ? Lẽ ra phải tập trung gia tăng khả năng tiêm ngừa cho dân chúng. Phong tỏa là một thất bại của con người đối với siêu vi vô ảnh vô hình. Tiêm ngừa là chiến thắng của chính trị", xã luận "Tù tại gia" kết luận.
Tiêm ngừa ư ? La Croix cho biết ngay trong giới y tế, có người muốn tiêm ngay có người do dự. Tâm lý hoài nghi tiêm chủng còn nhiều. Nhật báo công giáo đưa độc giả sang Luân đôn để thấy dân Anh, tuy bị phong tỏa, nhưng "nhẹ hơn Pháp" nhiều. Ngoài đường không ai đeo khẩu trang, cửa hàng quán bar vẫn đông khách và không ai đeo khẩu trang, vui vẻ cười trao đổi.
Tú Anh
Quyền lực sẽ - và không sẽ - biến dạng tham vọng của Trung Quốc ra sao
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng vào năm 2049, Trung Quốc sẽ "trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về sức mạnh quốc gia tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế".
Trung Quốc có muốn thay đổi trật tự toàn cầu để thúc đẩy lợi ích của mình và phản ánh hình ảnh của chính họ không ? Có thể đó là câu hỏi quan trọng nhất trong địa chính trị ngày nay, nhưng những câu trả lời mà nó đưa ra có xu hướng tiết lộ nhiều thành kiến hiện đại hơn là về những gì một siêu cường Trung Quốc tương lai sẽ như thế nào. Những người quan tâm tới một Trung Quốc bành trướng, ác độc đưa ra bằng chứng về sự hung hăng trong tư thế của Bắc Kinh ngày nay. Những người có quan điểm ít bi quan hơn nêu bật những đặc điểm dễ chịu hơn trong chính sách của Trung Quốc hoặc lưu ý rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khiến nước này không thể định hình lại thế giới ngay cả khi họ muốn. Nhiều nhà quan sát phương Tây nhận thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang bùng phát, trong đó Trung Quốc được coi là phiên bản của Liên Xô thế kỷ XXI.
Những dự báo như vậy quá cứng nhắc và bao quát để có thể mô tả hữu ích sự phức tạp của sự trỗi dậy của Trung Quốc - để nắm bắt được sự không chắc chắn vốn có trong mục tiêu tương lai của Trung Quốc hoặc để nhận ra những yếu tố thiết yếu đã hình thành nên khát vọng của Trung Quốc. Quyền lực của Trung Quốc ngày nay là một lực lượng mạnh mẽ, năng động được hình thành bởi mối liên hệ giữa chủ nghĩa độc tài (authoritarianism), chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism), and technology, tham vọng toàn cầu (global ambitions) và công nghệ (technology). Gọi nó là mô hình ACGT : với các chữ cái đầu (authoritarianism, consummerism, global ambitions, technology) giống như các nucleotide trong DNA, những sợi sức mạnh này của Trung Quốc kết hợp và tái kết hợp để tạo thành bản sắc chính trị hiện đại và cách tiếp cận của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đảng cộng sản Trung Quốc muốn củng cố sự kìm kẹp của mình đối với xã hội Trung Quốc, khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời phát triển và xuất khẩu công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Không thể hiểu được vị thế hiện tại và triển vọng tương lai của Trung Quốc nếu không nhìn thấy cả bốn mục tiêu đó cùng nhau.
Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất quan trọng trong việc hiểu Trung Quốc ngày nay và quỹ đạo có thể xảy ra, cũng như phản ứng của nước này đối với đại dịch Covid-19. Nhưng bốn lực lượng ACGT có một tầm quan trọng vượt ra ngoài bất kỳ một nhà lãnh đạo hoặc cuộc khủng hoảng nào. Chúng định hình ý tưởng của Bắc Kinh về vị trí của mình trong một trật tự thế giới được tái tạo, trong đó Trung Quốc sẽ đóng một vai trò ưu việt ở Châu Á và xuất khẩu mô hình đầu tư kinh tế của mình, dựa trên các ý tưởng phát triển cộng đồng và thờ ơ với các chuẩn mực tự do (mặc dù không phải lúc nào cũng chủ động thù địch với họ). Để hợp pháp hóa cách tiếp cận của mình, Trung Quốc thường lật lại lịch sử, lấy ví dụ như quá khứ tiền hiện đại của mình, hoặc diễn giải lại các sự kiện của Thế chiến II. Đường lối ngày càng độc đoán của Trung Quốc dưới thời ông Tập chỉ mang lại một tương lai khả dĩ cho đất nước. Để hiểu được Trung Quốc có thể đứng đầu ở đâu, các nhà quan sát phải chú ý đến các yếu tố chính của sức mạnh Trung Quốc và các khuôn khổ mà qua đó sức mạnh đó được thể hiện và hình dung.
Quan hệ của sức mạnh Trung Quốc
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện một cách rõ ràng hệ thống quản trị độc tài của họ như một mục tiêu bất di bất dịch[1] , chứ không phải là bước đệm cho một nhà nước tự do. Đảng cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh rằng đó là một chế độ xứng đáng : lợi ích mà xã hội Trung Quốc thu được từ các nhà lãnh đạo hiệu quả của đảng nhiều hơn là bù đắp cho việc thiếu sự tham gia của quần chúng vào việc lựa chọn của họ. Ít nhất là trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy chủ nghĩa độc tài trong nước. Vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã quảng cáo rằng việc trấn áp virus của họ là một chức năng của hệ thống chính phủ từ trên xuống và cưỡng chế. (Người ta ít quan tâm đến việc thừa nhận rằng phản ứng kém ban đầu của nó là do đảng-nhà nước không có khả năng xử lý thông tin không được hoan nghênh). Tính cách tự tin và đối kháng mới của Đảng cộng sản Trung Quốc đánh dấu một sự khác biệt đáng kể so với phiên bản do dự hơn của chủ nghĩa độc tài trước ông Tập, khi Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn xem các nền dân chủ như Singapore [2]- tuy không hoàn hảo và phi đạo đức - như những mô hình tiềm năng. Không còn nữa.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chỉ muốn củng cố quyền cai trị của họ ở trong nước. Tham vọng của họ là toàn cầu. Điều này không hoàn toàn mới : nhà lãnh đạo Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và người đồng cấp Cộng sản của ông, Mao Trạch Đông, đều có tầm nhìn về một vai trò quốc tế lớn đối với đất nước của họ vào những năm 1940 và 1960. Tuy nhiên, Trung Quốc của ông Tập đã kết hợp tham vọng quốc tế với sức mạnh kinh tế, quân sự và công nghệ để đạt được phạm vi toàn cầu thực sự, từ các cơ sở cảng ở Athens đến căn cứ hải quân ở Djibouti cho đến việc triển khai công nghệ 5G trên toàn thế giới. Ông Tập đã tuyên bố [3] trong một bài phát biểu năm 2017 trước Đại hội Đảng 19 rằng Trung Quốc sẽ tiến gần hơn đến "sân khấu trung tâm" của các vấn đề thế giới.
Để có được vị thế đó, Trung Quốc đã tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa vật chất trong nước. Kể từ năm 1978, Đảng cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết một trong những sai sót đáng chú ý nhất của Liên Xô : không đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng trong nước. Cuộc cách mạng của Trung Quốc đã trở thành cuộc cách mạng tiêu dùng trong bốn thập kỷ qua, xây dựng một xã hội ngày càng không dùng tiền mặt, nơi mua hàng trực tuyến truyền cảm hứng cho các dịp như Ngày Độc thân của nền tảng thương mại điện tử Alibaba [4] sự kiện tiêu dùng lớn nhất thế giới, trong đó hàng hóa trị giá 38 tỷ USD đã được bán vào năm 2019. Mức sống gia tăng đã nuôi dưỡng kỳ vọng rằng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa kinh tế của mình ngay cả sau khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng vào đầu năm 2020 do đại dịch. Sự thịnh vượng ngày càng tăng ở Trung Quốc cũng mang lại lợi ích cho các quốc gia ở phương Tây và ở Châu Á đã chào đón hàng triệu người Trung Quốc mua hàng xa xỉ, dịch vụ du lịch và giáo dục đại học.
Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc đã thực hiện một hướng đi mới trong sự tham gia toàn cầu của mình. Sự kết hợp của tăng trưởng kinh tế và chi tiêu lớn cho nghiên cứu trong hai thập kỷ qua đã tạo ra một trong những môi trường sáng tạo nhất trên trái đất. Các công nghệ mới do Trung Quốc phát triển thúc đẩy quân đội của đất nước và sản xuất hàng hóa mới cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần thiết lập trạng thái giám sát dữ liệu lớn. Năng lực công nghệ ấn tượng của Trung Quốc tạo thành phần mạnh mẽ và hấp dẫn nhất trong việc cung ứng cho thế giới.
Thể hiện ở sự tái tạo
Các bộ phận quyền lực khác nhau của Trung Quốc nổi lên không phải được bịa ra mà là từ một bộ các kết cấu lịch sử tiếp tục đè nặng lên mọi quyết định của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rút ra từ quá khứ khi hiểu được vai trò ngày càng tăng của nước này trên thế giới. Giờ đây, họ đưa ra tuyên bố theo chủ nghĩa xét lại về vai trò sáng lập trong trật tự quốc tế sau năm 1945, tán thành các chuẩn mực quản trị truyền thống của Trung Quốc, tìm kiếm sự lãnh đạo của bán cầu Nam và sử dụng ngôn ngữ và các biểu tượng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách rõ ràng.
Trung Quốc đứng bên lề trong phần lớn thời gian của Chiến tranh Lạnh sau năm 1960, không phải ở phe phương Tây hay ở phe Liên Xô. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc không chỉ đóng vai trò là một bên tham gia mà còn với tư cách là người xác lập quan trọng của trật tự quốc tế xuất hiện sau Thế chiến thứ hai. Tại Hội nghị An ninh Munich 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị [5] nhắc nhở người nghe rằng Trung Quốc là nước ký kết Hiến chương Liên Hợp Quốc đầu tiên vào năm 1945, một thực tế được các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc đi nhắc lại trong những năm gần đây. Nhưng để nắm lấy thời điểm đó - khi đại diện của những người theo chủ nghĩa Quốc dân đảng (Kuomintang) thống trị phái đoàn từ Trung Quốc đã giúp thành lập Liên Hợp Quốc - Đảng cộng sản Trung Quốc đã phải điều chỉnh lại lịch sử thế kỷ 20 làm nền tảng cho quyền thống trị Trung Quốc. Kể từ những năm 1980, đảng này đã thừa nhận rằng kẻ thù cũ của họ, những người Quốc dân đảng và các đồng minh phương Tây của họ, là những đối tác quan trọng trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Nhật Bản từ năm 1937 đến năm 1945 ; trước đây, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã được ghi công duy nhất vì đã chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản [6] vào Trung Quốc đại lục. Sự công nhận đó đã cho phép đảng diễn giải lại lịch sử Trung Quốc rộng rãi hơn, coi sự thành lập của Trung Quốc hiện đại không chỉ trong cuộc cách mạng cộng sản năm 1949 - như tưởng tượng ban đầu - mà còn trong cả Thế chiến thứ hai.
Sự thay đổi này không phải là một vấn đề của lịch sử ; thay vào đó, nó phản ánh cách Trung Quốc tự tưởng tượng và muốn được hiểu. Trung Quốc hiện đặt mình vào vị trí trung tâm trong chiến thắng của Đồng minh và việc thiết lập trật tự sau năm 1945. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Châu Á và tiêu diệt hơn nửa triệu quân Nhật cho đến khi người Mỹ và người Anh đến sau trận Trân Châu Cảng, với cái giá là 14 triệu sinh mạng của Trung Quốc.
Sự đóng góp to lớn này làm cơ sở cho Bắc Kinh khăng khăng rằng Trung Quốc đã "hiện diện trong quá trình kiến tạo" thế giới thời hậu chiến. Vai trò quốc tế ngày càng mở rộng của nó trong thế kỷ XXI dựa trên vai trò trung tâm được giả định này trong thế kỷ XX. Dưới thời ông Tập, Trung Quốc hiện là nước đóng góp tài chính [7] lớn thứ hai cho Liên Hiệp Quốc và nằm trong nhóm 10 nước đóng góp nhân sự cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thức lại và rút lui khỏi các nghĩa vụ và chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do càng củng cố thêm vị trí của Trung Quốc rằng nước này hiện là người kế thừa xứng đáng nhất di sản của năm 1945. Những sự gợi lại Thế chiến thứ hai tiếp tục là trung tâm trong đời sống công cộng ở Trung Quốc. Ví dụ, các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc đã mô tả chiến thắng được cho là của Trung Quốc trước loại coronavirus mới vào mùa xuân năm ngoái là kết quả của "chiến tranh nhân dân", lặp lại[8] ngôn ngữ mà Mao sử dụng trong cuộc chiến chống Nhật Bản.
Một lịch sử thậm chí còn lâu đời hơn đã củng cố ý thức của Trung Quốc về vai trò toàn cầu của họ. Trong những năm gần đây, các học giả có ảnh hưởng của Trung Quốc, như Diêm Học Thông (Yan Xuetong) và Bạch Đồng Đông (Bai Tongdong), đã tranh luận về sự hiểu biết trật tự quốc tế được dự báo bởi các quan điểm Nho giáo tiền hiện đại [9] . Các nhà quan sát phương Tây thường giải thích hành vi của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế là hoàn toàn theo chủ nghĩa hiện thực. Nhưng việc sử dụng các biện pháp hùng biện dựa trên tư tưởng truyền thống cho thấy rằng Trung Quốc, giống như tất cả các quốc gia, muốn những lựa chọn của mình được hiểu như đạo đức chứ không như là những lựa chọn thực dụng. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ như ren (nghĩa là "lòng nhân từ"), họ truyền tải lợi ích và hành động của nhà nước bằng ngôn ngữ lý tưởng và đạo đức. Những sự viện dẫn truyền thống này sẽ trở nên thường xuyên hơn khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn giải một hình thức Nho giáo hiện đại hóa phù hợp với các giá trị toàn cầu hóa, nhấn mạnh "đạo đức" và "một tương lai chung" đồng thời hạ thấp các giá trị Nho giáo hẹp hòi hơn, chẳng hạn như niềm tin vào tôn ti xã hội.
Viễn cảnh về một Trung Quốc cơ bản là đạo đức ủng hộ cho một tham vọng khác : mong muốn trở thành người lãnh đạo của bán cầu Nam của Trung Quốc. Mục đích này không phải là mới ; trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình như một nhà vô địch của cái mà lúc đó được gọi là Thế giới Thứ ba, trái ngược với một phương Tây tư bản độc ác và một Liên Xô xơ cứng. Trung Quốc tự coi mình không chỉ là người bảo vệ mới của trật tự sau năm 1945 mà còn là người kế thừa chủ nghĩa chống đế quốc phi phương Tây của thế giới hậu thuộc địa - một hành động kép không thể tránh khỏi mà Bắc Kinh dường như đang thực hiện.
Trung Quốc ngày nay không tìm cách châm ngòi cho các cuộc cách mạng trên khắp bán cầu Nam. Thay vào đó, nó coi các nước nghèo hơn là cơ sở cho một chính sách nhấn mạnh cả phát triển kinh tế và nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Hình thức can dự này của Trung Quốc không nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa độc đoán hoàn toàn ; các quốc gia như Ethiopia và Myanmar là những ví dụ về cách các nền dân chủ bề ngoài (mặc dù là phi tự do) có thể thu được lợi nhuận từ mô hình phát triển của Trung Quốc. Nhưng nỗ lực của Trung Quốc ở nước ngoài cũng không cần bất kỳ sự khuyến khích tự do hóa hoặc cải cách dân chủ nào. Những người ủng hộ Trung Quốc cho rằng mô hình thúc đẩy phát triển của họ linh hoạt hơn bất kỳ mô hình nào tôn vinh nền dân chủ tự do. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI-Belt and Road Initiative), chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc tế rộng lớn của Trung Quốc, là phương tiện chính mà qua đó nước này tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo của mình ở nước ngoài.
Khi Trung Quốc chi vốn ra nước ngoài, nước này càng bám chắc luận điệu của chủ nghĩa Mác-Lênin ở trong nước. Các quan chức Trung Quốc chưa sử dụng ngôn ngữ này trong các tuyên bố phù hợp với khán giả quốc tế, phần lớn là do Trung Quốc đang cố gắng thể hiện mình là một quốc gia phi cách mạng trong trật tự toàn cầu và muốn tránh nhớ lại bóng ma của chủ nghĩa Mao. Nhưng trong nước, đảng này sử dụng các thuật ngữ như douzheng (đấu tranh), phản ánh quan điểm của thuyết Hegel rằng xung đột phải có trước một tổng hợp cuối cùng. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng thường đề cập đến maodun (mâu thuẫn), cho rằng căng thẳng trong xã hội có thể tạo ra kết quả mang tính xây dựng, một ý tưởng cũng thường được Mao đề cập đến và rất được ông Tập tán thành, và ông đã sử dụng cụm từ này trong bài phát biểu năm 2017 trước Đại hội Đảng 19 để mô tả "mâu thuẫn mới giữa phát triển không cân bằng và không đầy đủ và nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn". Cụm từ này gợi ý rằng mặc dù nhiều khía cạnh của tư tưởng Mác-Lênin truyền thống, bao gồm cả đấu tranh giai cấp, hiếm khi được nghe thấy trong các luận điệu đương thời của Trung Quốc, nhưng tư tưởng đó không hoàn toàn vắng mặt. Trong bài phát biểu, ông Tập gật đầu thừa nhận rằng bất bình đẳng giữa các giai cấp vẫn là một thực tế ở Trung Quốc và đảng này coi sự bất bình đẳng đó là một khuyết điểm trong câu chuyện tổng thể về sự thành công mà họ mong muốn thể hiện.
Thế tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn chỉ dẫn nào về cách người ngoài nhìn nhận việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc định hình tầm nhìn của họ về sức mạnh và vị thế của Trung Quốc trên thế giới như thế nào. Dưới thời ông Tập, Bắc Kinh đã gây khó khăn hơn cho các quốc gia khác khi bỏ qua chủ nghĩa chuyên chế ở trung tâm của mô hình ACGT. Ví dụ, vào năm 2013, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quảng bá về lợi ích thương mại và công nghệ mà BRI sẽ mang lại cho các nước tiếp nhận. Một số nhà quan sát phương Tây thậm chí còn gọi BRI một cách tán thành là "Kế hoạch Marshall của Trung Quốc [10] " (trước sự bực bội của nhiều nhà bình luận Trung Quốc, những người không muốn liên kết với Chiến binh Lạnh của Mỹ). Tuy nhiên, bảy năm sau, chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc đã xuất hiện đầy đủ hơn nhờ vào cả hành động và luận điệu của Bắc Kinh. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, các quan chức Trung Quốc đã chỉ ra khả năng huy động nguồn lực và thu thập dữ liệu nhanh hơn so với các đối tác trong các chính phủ dân chủ và tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tạo ra một loại vắc-xin cho thế giới.
Nhưng bất kể lợi ích tiềm năng của nó là gì, chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc sẽ không dễ dàng thu phục được trái tim và khối óc trên toàn thế giới. Khi các chương trình BRI lan rộng, cũng sẽ gây lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Ở các quốc gia tiếp nhận phi dân chủ, chẳng hạn như Campuchia, Trung Quốc có thể gặp ít trở ngại hơn, nhưng sự phản kháng có khả năng xảy ra ở các quốc gia như Kenya và Zambia, nơi các quốc hội và giới truyền thông có thể tranh luận về sự can dự của Trung Quốc và ở đó thái độ của công chúng đối với Trung Quốc và hệ thống của nó là hỗn hợp hoặc thậm chí công khai thù địch.
Sự thù địch đó có thể trở nên gay gắt hơn nếu các khía cạnh đối đầu của quyền lực toàn cầu Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Khi lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh sẽ không thể tiếp tục tận dụng những chiếc ô an ninh hiện có - ví dụ như ở Afghanistan trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, khi NATO thực sự giúp bảo vệ tài sản của Trung Quốc. Các lợi ích kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc ngày càng đòi hỏi sự hiện diện an ninh toàn cầu của Trung Quốc được mở rộng. Đặc biệt, Ấn Độ Dương có thể chứng kiến hoạt động lớn hơn của Trung Quốc khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy lợi ích thương mại của mình trong tam giác địa lý được hình thành bởi các cảng quan trọng ở Hy Lạp, Djibouti và Pakistan. Đối phó với khả năng này, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (được gọi chung là "Bộ tứ"-The QUAD) đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương vào tháng 11 vừa qua.
Mặc dù nhiều quốc gia hài lòng với đầu tư của Trung Quốc, sự có mặt của quân Giải phóng Nhân dân có thể sẽ là một sự phát triển ít được hoan nghênh hơn. Ngoại giao của Trung Quốc có thể rất điêu luyện, nhưng giọng điệu thường xuyên chói tai và không có sức quyến rũ hiện tại của họ cũng đủ để loại bỏ nhiều đối tác tiềm năng ; Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước để phát triển các khả năng quyền lực mềm cần thiết để miêu tả bất kỳ sự mở rộng nào của PLA trong tương lai là cung cấp an ninh chung chứ không chỉ đơn giản là thực thi mong muốn của Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia trước đây từng tán tỉnh Bắc Kinh khó chịu. Vào cuối những năm 2010, Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong số các quốc gia giàu có trong việc cung cấp các sản phẩm tiêu dùng của mình (chẳng hạn như ứng dụng TikTok cực kỳ phổ biến) với loại ánh hào quang công nghệ cao trước đây gắn liền với Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đã áp dụng một phong cách ngoại giao mang tính đối đầu cao sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và trong quá trình này đã chuyển sự chú ý của công chúng ở phương Tây sang các khả năng độc tài của công nghệ Trung Quốc. Các nhà quan sát phương Tây đang lo lắng về việc sử dụng công nghệ giám sát cho phép đàn áp nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và khả năng sử dụng công nghệ này ở Hồng Kông để theo dõi và truy tố những người biểu tình bất bạo động.
Sự chú ý mới của toàn cầu về chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ của quốc gia này trong việc đưa mô hình của mình ra nước ngoài. Ví dụ, hãy xem xét cuộc đấu tranh của Trung Quốc để khiến các nước lớn khác cam kết kiên quyết áp dụng công nghệ 5G do gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei phát triển. Một số quốc gia ở phía Bắc bán cầu - Úc, Đức, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ - đã nói rõ rằng họ sẽ không sử dụng công nghệ 5G của Huawei vì lo ngại về tính bảo mật của thiết bị 5G và về việc có liên quan đến sự độc đoán của chế độ Trung Quốc. Lúc đầu, Vương quốc Anh đồng ý cho phép Huawei truy cập giới hạn vào thị trường 5G của mình nhưng đã đảo ngược quyết định đó vào tháng 7 năm 2020. Ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới Himalaya vào tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố rằng họ sẽ tránh việc sử dụng các sản phẩm Huawei trong tương lai của mạng 5G.
Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia ở Châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á đã sẵn sàng chấp nhận 5G của Trung Quốc hơn, và vẫn còn một nhóm lớn các quốc gia[11] vẫn có thể sử dụng vì nó rẻ và hiệu quả ; đối với họ, lợi thế kinh tế của việc nắm bắt công nghệ vượt trội hơn bất kỳ mối lo ngại nào về bảo mật. Việc áp dụng rộng rãi 5G của Trung Quốc sẽ không mở ra vị thế thống trị toàn cầu của Trung Quốc, nhưng nó sẽ tạo thành một dấu ấn rộng lớn. Ý nghĩa của một khối 5G như vậy là rất đáng kể, vì Bắc Kinh sẽ có khả năng kiểm soát một yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia lớn, cũng như có khả năng tiếp cận với lượng dữ liệu khổng lồ.
Thế giới của Trung Quốc
Thậm chí, việc đạt được quyền bá chủ từng phần như vậy có thể khó khăn nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục hăm dọa những người đồng cấp của họ ở nơi khác. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với sự bùng phát Covid-19 cho thấy rằng dưới áp lực, khuynh hướng độc tài của Trung Quốc lấn át mong muốn tương tác với thế giới của họ. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Úc, đã đề xuất rằng cần có một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus. Thay vì hoan nghênh ý tưởng đó, như một cường quốc linh lợi nên làm, Trung Quốc ngay lập tức tẩy chay việc bán lúa mạch từ Úc. Khi chính phủ Anh ám chỉ rằng họ có thể đảo ngược quyết định cho phép Huawei tham gia mạng 5G của Anh, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa [12] "hậu quả", gửi một tín hiệu rõ ràng rằng đầu tư từ Trung Quốc không chỉ đơn giản là một giao dịch thương mại mà còn là một đòn chính trị - và mang lại lệnh cấm mà họ không muốn. Những phản ứng khôn ngoan của Trung Quốc sau khi bùng phát bùng phát đã khiến những người chỉ trích nước này dễ dàng nêu bật những gì họ cho là hành vi không đáng tin cậy của họ, bao gồm quân sự hóa Biển Đông, các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra nhằm vào các quốc gia bao gồm Mỹ và việc khai thác các sơ hở trong Các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nhưng ngay cả khi nhiều nước phương Tây tìm cách xác định các cách thức mà hành vi hiện tại của Trung Quốc là bất hợp pháp, họ vẫn tránh được một câu hỏi khó hơn. Mục tiêu chính đáng của Trung Quốc trong khu vực và thế giới rộng lớn hơn là gì ? Trung Quốc là một quốc gia lớn mạnh, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Không thể kỳ vọng một quốc gia có quy mô như vậy sẽ tham gia vào trật tự toàn cầu chỉ dựa trên các điều kiện của các đối thủ - đặc biệt là vì một số thành công gần đây của Trung Quốc có phần lớn là sự thất bại của phương Tây. Việc chỉ trích Huawei có thể là chính đáng, nhưng công nghệ 5G của Trung Quốc hấp dẫn đối với nhiều quốc gia vì không có giải pháp thay thế rõ ràng nào của phương Tây. Việc chỉ trích Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc theo những cách làm suy giảm tầm quan trọng của nhân quyền cá nhân là hoàn toàn phù hợp, nhưng Trung Quốc đã không buộc Mỹ giảm tài trợ cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và do đó làm suy yếu họ.
Hiện tại, Trung Quốc đang tự hại mình khi cho rằng bất kỳ lời chỉ trích nào đối với chính trị nội bộ của họ là vượt quá giới hạn. Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự trong những năm 1950. Thành tích khủng khiếp về sự phân biệt đối xử đối với người da đen trong nước đã làm hoen ố hình ảnh quốc tế và cung cấp mục tiêu dễ dàng cho các đối thủ ; Chính phủ của Mao đã mời các nhà hoạt động và trí thức da đen [13] , chẳng hạn như W. E. B. Du Bois và thủ lĩnh Báo đen Huey Newton, đến Bắc Kinh. Các chính trị gia Mỹ lập luận mạnh mẽ rằng phần còn lại của thế giới không có quyền chỉ trích chính trị chủng tộc nội bộ của Mỹ. Lập trường này không bền vững, và sự phản kháng trong nước kết hợp với sự xấu hổ từ bên ngoài đã thay đổi luật pháp ở Mỹ.
Là một cường quốc đang lên, Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với những chỉ trích từ bên ngoài về chính trị trong nước. Việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu khiến nước này dễ bị soi mói hơn bởi chủ nghĩa độc đoán của nó ở trong nước. Nhưng nó có thể làm điều gì đó sáng tạo hơn là phàn nàn về sự khinh bỉ của phương Tây : Trung Quốc có thể dựa trên lịch sử tự tái tạo gần đây của mình. Sau khi Trung Quốc dưới thời Mao trở nên kiệt quệ về kinh tế và chính trị, vào những năm 1980, người kế nhiệm của Mao, Đặng Tiểu Bình, đã điều chỉnh một ý tưởng từ cựu Thủ tướng Chu Ân Lai gọi là "Bốn hiện đại hóa" (về nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học và công nghệ) để định hình lại Trung Quốc. Đặng cho phép nông dân bán các sản phẩm thu hoạch của họ trên thị trường tự do, trao cho các học giả quyền tự do học thuật đã biến mất dưới thời Mao, và thiết lập các "đặc khu kinh tế", với các biện pháp quản lý và khuyến khích thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Như Đặng đã xoay trở sau khi Mao qua đời, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại nhiều trong thập kỷ tới để kết hợp tốt hơn - thay vì bác bỏ - những lời chỉ trích từ nước ngoài. Bất chấp danh tiếng độc tài của đất nước, cuộc tranh luận nội bộ đã đóng một phần quan trọng trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho đến gần đây, các nhà văn và nhà tư tưởng chính trị tự do vẫn có không gian trong hệ thống Trung Quốc để đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng đối với những đồng nghiệp cứng rắn hơn của họ ; tương tác với một số nhà phê bình ở nước ngoài cũng giúp kiểm tra các ý tưởng và chính sách của chính Trung Quốc. Việc chấm dứt cuộc tranh luận như vậy trong những năm gần đây có thể không khiến đất nước quay trở lại trong thời gian ngắn, nhưng có khả năng sẽ xảy ra trong những năm tới khi sự cứng nhắc của tư tưởng chính trị ngăn cản giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đánh giá lại các chính sách. Cấp thêm không gian cho bất đồng không nhất thiết đòi hỏi phải dân chủ hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, nó là một cam kết để xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ (đảo ngược số lượng đáng báo động về việc sa thải và giam giữ luật sư, nhà hoạt động và học giả trong những năm gần đây) và tạo ra sự minh bạch thực sự của chính phủ cả trong và ngoài nước.
Trung Quốc sẽ cần phải làm tốt hơn là giảm nhiều nhóm thiểu số của mình thành những mẫu mực cổ xưa của truyền thống dân gian. Thay vào đó, nó nên tìm cách thuyết phục những nhóm này - bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - rằng việc tham gia vào dự án của Trung Quốc sẽ khẳng định ý thức về phẩm giá và bản sắc của họ. Khi nói đến bất đồng chính kiến ở Hồng Kông - một thử nghiệm khác về khả năng của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc xây dựng một chính thể hòa nhập - luật an ninh mới cấm cái gọi là thù hận chính phủ cho thấy không có khả năng nghe và học hỏi từ một truyền thống quản lý thực sự là của Trung Quốc nhưng khác với của Bắc Kinh. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng không sẵn sàng trình bày với Đài Loan bất kỳ tầm nhìn nào về một tương lai chung mà hòn đảo này có thể tìm thấy một điểm khởi đầu hợp lý để thảo luận. Trung Quốc không tuyên bố là tự do, nhưng nó có mục đích là một chế độ tài đức coi trọng việc tranh luận thẳng thắn về các quan điểm khác nhau (shi shi qiu shi : "tìm kiếm sự thật từ các sự kiện"). Các hành động hiện tại của đảng không thắng được những người Trung Quốc sống ở biên giới đất nước, đừng bận tâm đến việc đặt Trung Quốc là một điển hình về sự phát triển thành công cho thế giới rộng lớn hơn.
Đối thủ lớn nhất của nó
Trở ngại lớn nhất mà Trung Quốc sẽ gặp phải không phải là sự thù địch của Mỹ hay các đối thủ khác. Thay vào đó là sự độc tài của chính Trung Quốc. Cam kết của Bắc Kinh đối với khía cạnh đó của bản sắc cốt lõi của Trung Quốc sẽ khiến ba nucleotide khác - chủ nghĩa tiêu dùng, tham vọng toàn cầu và công nghệ - trong DNA của họ khó kết hợp lại thành công, gây ra sự thù địch ở nước ngoài và nâng cao rào cản giữa Trung Quốc và thế giới mà họ đang cố gắng hàn gắn.
Sự hiếu chiến ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ đầu năm 2020 không phải là điềm báo tốt. Nhưng không thể không tưởng tượng ra một phiên bản ít đối nghịch hơn của chủ nghĩa chuyên chế Trung Quốc : trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, Trung Quốc tự hào với một nền văn hóa báo chí điều tra đang phát triển, xã hội dân sự đang phát triển và phương tiện truyền thông xã hội rất sống động - cùng với lĩnh vực công ngày càng mở rộng ngay cả trong sự vắng mặt một cách đầy đủ của dân chủ. Có thể không có cơ hội nào để Đảng cộng sản Trung Quốc trở thành một đảng dân chủ tự do, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể quay trở lại quỹ đạo trước đó. Chủ nghĩa độc đoán của một Trung Quốc thuộc loại này - Trung Quốc xuất hiện trước năm 2012 - sẽ ít bị khán giả trong và ngoài nước chú ý hơn.
Bắc Kinh không tìm cách áp đặt bản sao hệ thống của chính mình lên các quốc gia khác. Nó cam kết củng cố uy tín ý thức hệ của mình ở trong nước với tư cách là một nhà nước thành công theo chủ nghĩa dân tộc và xã hội chủ nghĩa, nhưng nó không yêu cầu các quốc gia khác phải theo bước chân của mình. Trung Quốc cảm thấy không có nghĩa vụ duy trì trật tự quốc tế tự do vì bất kỳ niềm tin có tính nguyên tắc nào vào chủ nghĩa tự do. Thay vào đó, một mệnh lệnh dựa trên sở thích của Trung Quốc có thể sẽ bao gồm các yếu tố sau : cam kết về chủ quyền quốc gia rất mạnh mẽ ; phát triển kinh tế, hoàn toàn có thể nhấn mạnh đến năng lượng tái tạo (một chủ đề mà sự hùng biện của Trung Quốc hiện đang vượt xa hành động của Trung Quốc) ; việc mở rộng và tích hợp một hệ thống BRI sẽ hướng mạnh đến các nhu cầu kinh tế của Trung Quốc ; và bối cảnh công nghệ toàn cầu bị chi phối bởi các quy chuẩn của Trung Quốc. Sự kết hợp này chắc chắn sẽ có ít điểm hấp dẫn đối với các nhà dân chủ bị giam giữ, nhưng nó có thể tạo thành một đề xuất thay thế bền vững cho ít nhất một phần của trật tự tự do hiện có.
Tầm vóc ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Á có thể dẫn đến việc tăng cường khuynh hướng độc tài giữa các nền dân chủ trong khu vực. Với ảnh hưởng của Trung Quốc, ngón tay cái sẽ nghiêng về phía phi dân chủ trên quy mô các nước có cấu trúc dân chủ mỏng manh, chẳng hạn như Myanmar và Thái Lan. Các quốc gia như Philippines đã trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các quy tắc của Trung Quốc[14] khi chính trị của họ trở nên độc tài hơn ; Hàn Quốc, tự do hơn nhiều về chính trị, sẽ trở nên dễ bị tổn thương bởi một hình thức của thời Chiến tranh Lạnh – thời kỳ Phần Lan hóa - nghĩa là, sự bẻ cong của một nền dân chủ trước ảnh hưởng của một nước láng giềng độc tài quyền lực - vì họ ở gần Trung Quốc trong trường hợp sự rút lui của Mỹ khỏi Đông Á.
Trung Quốc được hưởng lợi từ thực tế là không có quốc gia nào khác trên thế giới có thể điều khiển tổ hợp nucleotide ACGT độc nhất của họ. Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á không thể thay thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á, chứ chưa nói đến thế giới. Cho đến nay, Trung Quốc là tác nhân lớn nhất trong khu vực, mang lại cho nước này sức mạnh thống trị. Nhưng sự mờ mịt của hệ thống hiện tại của Trung Quốc và tư thế quyết đoán, đôi khi đối đầu của họ tạo ra sự ngờ vực trong khu vực và toàn cầu. Mỹ có thể khoan dung với hầu hết các nước Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên) vì sự hiện diện của họ ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đã giành được sự đồng thuận dân chủ. Trong thời đại của các quốc gia dân chủ và dân tộc chủ nghĩa cao, Trung Quốc phải làm cho các tham vọng quốc tế của mình trở nên hấp dẫn đối với người khác, ngay cả khi chúng sẽ không bao giờ được chấp nhận hoàn toàn. Các quốc gia ở Nam Mỹ do Mỹ thống trị trong những năm 1950, hoặc ở Đông Âu bởi Liên Xô trong cùng thời kỳ, đều nghèo nàn và phi dân chủ. Theo thời gian, Trung Quốc sẽ khó khăn hơn nhiều để duy trì sự chấp nhận phổ biến đối với sự tham gia ngày càng tăng của họ vào các quốc gia Châu Á giàu có với các khu vực công cộng sôi nổi, ngay cả khi họ có thể sử dụng sức mạnh quân sự của mình để gây áp lực với các nước láng giềng và cố gắng ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Cấu trúc chính trị của Trung Quốc cũng sẽ thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ tới và sẽ bộc lộ sự phân hóa giữa các yếu tố cởi mở và khép kín của xã hội nước này. Đảng cộng sản Trung Quốc đã khuyến khích các chuyên gia trẻ của Trung Quốc trong lĩnh vực học thuật, kinh doanh và luật học ở nước ngoài. Nhưng trong hàng ngũ của chính đảng, kinh nghiệm ở nước ngoài ít có giá trị hơn nhiều và thậm chí có thể làm tổn hại đến triển vọng thăng tiến của một người. Một số ít trong số các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ tiếp theo của Trung Quốc dường như có kinh nghiệm quốc tế đáng kể, mặc dù họ không nghi ngờ gì về lời khuyên của những người làm chính trị. Trung Quốc có thể sẽ phát triển một tầng lớp chính trị hướng nội bên cạnh tầng lớp tinh hoa chuyên nghiệp được kết nối toàn cầu và hướng ra bên ngoài. Sự đối lập đó sẽ đưa ra một thách thức lớn, bởi vì nó cho thấy một sự mâu thuẫn, khi sử dụng một thuật ngữ của chủ nghĩa Mác, giữa hai mục tiêu chính, quốc tế hóa và duy trì quyền lực của đảng.
Ngoài ra, sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra theo cơn địa chấn. Bắt đầu từ năm 2029, dân số Trung Quốc sẽ giảm khoảng năm triệu người mỗi năm, khiến Trung Quốc trở thành một xã hội già hơn nhiều trước khi đạt đến trạng thái thu nhập cao. Trung Quốc sẽ cần phải chi trả cho phúc lợi của hàng triệu người lớn tuổi mà không có đủ nguồn lực của một xã hội giàu có đang già đi như Nhật Bản. Cú sốc kinh tế bất ngờ do virus coronavirus gây ra đã khiến Trung Quốc khó mở rộng quan hệ thương mại với các nước láng giềng trong khu vực, mặc dù việc kiểm soát virus này dường như đang dẫn đến sự phục hồi ổn định. Các quan chức Trung Quốc hiện đang nói về một nền kinh tế "tuần hoàn kép" có tầm với toàn cầu trong khi vẫn duy trì thị trường nội địa được bảo vệ. Nhưng hành động cân bằng này không bền vững trong dài hạn. Một cách tiếp cận tốt hơn sẽ cho thấy Trung Quốc nhạy cảm hơn nhiều với nhu cầu và mong muốn của các đối tác, thể hiện sự khéo léo mà họ đã không thể hiện trong những năm gần đây trong quan hệ với các nước láng giềng.
Một nỗ lực dựa trên ACGT để định hình lại trật tự quốc tế đòi hỏi một nỗ lực ngoại giao tổng thể của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc hiện nay thường viện dẫn các vùng chứa nhiều đường hóa học trước khi xoay chuyển với tốc độ chóng mặt sang các khía cạnh mang tính cưỡng chế và đối đầu nhiều hơn. Thay vào đó, Trung Quốc cần hiểu rõ hơn rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu đòi hỏi sự nhượng bộ, rộng lượng và sẵn sàng tiếp thu những lời chỉ trích : một điều khó có thể đạt được ở một quốc gia nơi văn hóa chính trị trong nước khuyến khích sự đàn áp bất đồng chính kiến, thay vì chào đón. Trở ngại lớn đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế không phải là sự thù địch của Mỹ hay những kẻ thù nội bộ. Đúng hơn, đó là điểm độc tài trong bản sắc cốt lõi của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chủ nghĩa độc tài đó và đôi khi chủ nghĩa bành trướng đối đầu có tác động làm lu mờ các thành phần khác trong mô hình của Trung Quốc - sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa tiêu dùng và cải thiện lối sống vật chất, cam kết thiếu sót nhưng chân thành đối với sự phát triển toàn cầu và xóa đói giảm nghèo và năng lực thực sự đáng kinh ngạc của Trung Quốc đối với đổi mới công nghệ.
Các yếu tố chính trong hỗn hợp hệ tư tưởng của Trung Quốc - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng truyền thống, phép loại suy lịch sử và thành công kinh tế - phần lớn đã làm lu mờ sức mạnh luôn hạn chế của chủ nghĩa tự do phương Tây trong việc ảnh hưởng đến cách Đảng cộng sản Trung Quốc nhìn thế giới. Nhưng tương lai toàn cầu của Trung Quốc phụ thuộc vào cách họ có thể kết hợp thành công các khía cạnh khác của mô hình ACGT. Hiện tại, chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc có nguy cơ hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong việc tạo ra một hình thức trật tự toàn cầu mới hợp lý.
Rana Mitter
Nguyên tác :The World China Wants, Foreign Affairs, January/February 2021. Bản PDF
Võ Xuân Quế dịch
Nguồn : Viet-studies, 29/12/2020
Rana Mitter là Giáo sư Lịch sử và Chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford và là tác giả của sách China’s Good War : How World War II Is Shaping a New Nationalism. Bài tiểu luận này xuất phát từ Lloyd George Study Group on World Order.
[1] https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2017/10/19/move-over-america-china-now-presents-itself-as-the-model-blazing-a-new-trail-for-the-world/
[2] https://www.nytimes.com/1992/08/09/weekinreview/the-world-china-sees-singapore-as-a-model-for-progress.html
[3] https://www.bbc.com/news/world-asia-china-41647872
[4] https://graphics.wsj.com/alibaba/
[5] https://www.chinadaily.com.cn/a/202002/16/WS5e490ce7a310128217277dc8.html
[6] https://www.nytimes.com/2013/10/18/opinion/the-worlds-wartime-debt-to-china.html
[7] https://www.brookings.edu/articles/chinas-pragmatic-approach-to-un-peacekeeping/
[8] https://www.npr.org/2020/02/13/805760466/china-declares-peoples-war-on-covid-19-including-reporting-family-and-friends?t=1609071095304
[9] https://www.nytimes.com/2011/11/21/opinion/how-china-can-defeat-america.html
[10] https://www.theguardian.com/cities/ng-interactive/2018/jul/30/what-china-belt-road-initiative-silk-road-explainer
[11] https://www.washingtonpost.com/politics/2019/06/10/what-do-we-know-about-huaweis-africa-presence/
[12] https://www.ft.com/content/3d67d1c1-98ff-439a-90a1-099c18621ee9
[13] https://credo.library.umass.edu/view/full/mums312-b246-i002
[14] https://carnegieendowment.org/2019/01/10/philippine-politics-under-duterte-midterm-assessment-pub-78091
Trung Quốc gần đây đang thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa bành trướng và tận dụng mọi vũ khí có được để mở rộng "đế chế biển", song cùng lúc đó, những thách thức mà họ phải đối mặt cũng ngày một gia tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương nhân Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 29/6/2019 -Reuters
Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ trước các hành vi chèn ép của Trung Quốc. Cho đến hay, dù cộng đồng quốc tế chưa tỏ rõ thái độ lựa chọn bên trong các tranh chấp ở Biển Đông, song tình hình đang có những biến chuyển nhất định, xuất phát từ những hành vi hung hăng không ngừng của Trung Quốc ở vùng ngoại biên và "vai trò" đầy nghi ngờ của quốc gia này trong việc lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19). Theo một cuộc thăm dò dư luận được Viện Pew tiến hành tại 14 quốc gia, những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc về cơ bản đã và đang trên đà tăng.
Những hành vi hăm dọa và cưỡng ép không thể phủ nhận của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu ý, nhất là trong bối cảnh đã sẵn có những lo ngại về nguy cơ mất đi sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Ủy ban Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) ước tính khoảng 80% khối lượng và 70% giá trị thương mại toàn cầu được trung chuyển tại Biển Đông. Và đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn thâu tóm toàn bộ khu vực với chiêu bài tuyên bố chủ quyền mập mờ dựa theo cái gọi là "Đường 9 đoạn".
Những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt gia tăng bởi nhiều yếu tố. Trước hết, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây ra những tổn hại nhất định cho lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Từ trước khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Tính đến tháng 4/2020, đã có khoảng 56 doanh nghiệp chuyển hoạt động khỏi nền kinh tế này. Việc Trung Quốc bị cho là thiếu trách nhiệm dẫn tới sự lây lan của dịch bệnh cũng là yếu tố khiến có thêm các doanh nghiệp có ý định chuyển tới những quốc gia khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Argentina Maucicio Macri, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chụp hình nhân Thượng đỉnh G 20 ở Hamburg, Đức hôm 7/7/2017 Reuters
Thứ hai, việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong càng làm gia tăng rủi ro cho cuộc chiến thương mại, vốn đang ở trong một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm.
Thứ ba, Đài Loan đang phản kháng rất mạnh trước sự hung hăng của Trung Quốc, và Mỹ cũng đã thông qua hợp đồng bán tên lửa Patriot cho hòn đảo tự trị này.
Thứ tư, những cuộc thảo luận về tăng sức bền cho chuỗi cung ứng, sự dư thừa và tái cấu trúc, đều là những điều khiến Trung Quốc lo ngại. Việc nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ sở có thể không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc xét ở các góc độ kinh tế, song sẽ hủy hoại đáng kể hình ảnh Trung Quốc với tư cách một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Thứ năm, dự án trọng điểm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận liên quan đến các động cơ kinh tế không trong sáng. Nhiều quốc gia hiện giờ cho rằng BRI thực chất là một bẫy nợ. Dịch Covid-19 càng làm trầm trọng hơn những tác động này. Khoảng 40% các dự án bị ảnh hưởng và khoảng 35% khác chịu tác động một phần, bất chấp thực tế chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực tổ chức hội nghị trực tuyến để thúc đẩy dự án.
Những hành vi hung hăng không ngừng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đã khiến nhiều quốc gia phải điều chỉnh mối quan hệ để kiềm chế đối tác này. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang xúc tiến thành lập nhóm Bộ Tứ, và dự kiến có thể là Bộ Tứ mở rộng với những thành viên khác như Hàn Quốc hay các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dù không phải là một liên minh quân sự, song tiềm lực ngoại giao của cơ chế này chắc chắn sẽ là rất đáng kể.
Nhóm Bộ Tứ là các quốc gia cùng chung tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, được xây dựng trên cơ sở công bằng, đa cực, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhận thấy sự cần thiết của một cấu trúc an ninh mới cho toàn bộ khu vực nhằm phục vụ lợi ích của tất cả các bên. Việc hiện thực hóa khái niệm này, đang ngày càng nhận được nhiều sự thừa nhận của dư luận quốc tế, sẽ giúp kiềm chế và ngăn Trung Quốc hủy hoại cán cân chiến lược.
Rất dễ nhận thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận Trung Quốc của 4 quốc gia trong nhóm Bộ Tứ. Khác với sự chần chừ trước đây trong vấn đề Biển Đông, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia hiện giờ đều công khai ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, phán quyết này khiến các yêu sách của Trung Quốc trở nên phi pháp.
Những thay đổi trong chính sách của Mỹ là điều rất đáng chú ý. Nhiều nhà quan sát dự đoán Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận quân sự với các cường quốc bên ngoài và cả các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Những lợi ích của Mỹ tại Biển Đông đảm bảo rằng dù chính quyền Mỹ có thay đổi hay không, cách tiếp cận với vấn đề này sẽ không có gì thay đổi.
ASEAN đã có cách tiếp cận thống nhất trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Trước đây, khối này vẫn luôn chia rẽ trong những vấn đề nhạy cảm liên quan tới Trung Quốc, tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi khi Việt Nam giữ ghế Chủ tịch luân phiên.
Tất cả những yếu tố kể trên đang tạo dựng một môi trường không có lợi cho Trung Quốc, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy quốc gia này sẽ thay đổi cách tiếp cận của mình. Trên thực tế, có những vấn đề nội bộ đang khích lệ thái độ hung hăng của Trung Quốc. Sự thù địch giúp Tập Cận Bình trấn áp những tiếng nói bất đồng. Dự án "Giấc mộng Trung Hoa" đòi hỏi nhà lãnh đạo này phải thể hiện những thành tựu trong việc kiểm soát hoàn toàn cái gọi là "Đường 9 đoạn".
Trước yêu cầu của tình hình hiện nay đòi hỏi các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông và các cường quốc bên ngoài phải gia tăng áp lực với Trung Quốc bởi những hành vi chèn ép và hung hăng mà Bắc Kinh thúc đẩy khiến khu vực trở nên bất ổn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều chuyên gia hối thúc chính phủ Việt Nam cần đưa ra sáng kiến, ví dụ như đề xuất với các quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông cần thúc đẩy một hệ thống triển khai các cuộc tuần tra chung để bảo vệ tàu đánh cá, và xây dựng các cơ chế đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Thêm nữa, gần đây, nhiều chuyên gia phương Tây cho biết khả năng Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý để chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng EEZ của chính mình. Việt Nam có thể học hỏi những gì Philippines đã làm với vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài. Đây có thể chỉ là động thái mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhưng đủ sức gia tăng áp lực đòi hỏi Trung Quốc kiềm chế những hành vi gây hấn của họ tại biển Đông.
Đỗ Tiến Sâm
Nguồn : RFA, 12/10/2020
Thay vì sử dụng tất cả các quyền lực của chính phủ liên bang để hạn chế sự tàn phá của Covid-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lãng phí thời gian và năng lượng quý giá vào việc đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của virus. Các chuyên gia đang nói về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng nếu Hoa Kỳ thực sự có ý định đối đầu với Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu thì Trump đang làm hỏng nỗ lực đó một cách tồi tệ.
Khi chính phủ Trung Quốc đang gửi cho các nước nguồn tiếp tế để chống lại đại dịch và thậm chí cử cả các đội y tế, Trump lại cắt đứt việc đi lại bằng hàng không từ Châu Âu mà không thèm thông báo cho các đồng minh của mình. Kể từ tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã đóng góp 50 triệu đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi Trump tuyên bố rằng WHO "thiên vị Trung Quốc", đồng thời đóng băng tài trợ của Hoa Kỳ.
Khi các bộ trưởng ngoại giao G7 tổ chức một cuộc họp video để thảo luận một chiến lược chung nhằm chống lại Covid-19, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đóng góp bằng cách khẳng định rằng virus phải được đặt tên là virus Vũ Hán theo tên thành phố Trung Quốc nơi bệnh khởi phát. Chán ngấy với những chiêu trò kiểu Trump, các bộ trưởng khác đã kết thúc hội nghị mà không đưa ra thông cáo chung.
Tất nhiên, sự hào phóng của Trung Quốc không phải là không có ràng buộc. WHO đã từ chối công nhận thành công của Đài Loan trong việc kiềm chế virus, hoặc thậm chí không dám tiếp nhận Đài Loan làm thành viên vì sợ làm mất lòng Trung Quốc đại lục. Và trong khi chính phủ Hoa Kỳ đang thúc đẩy các thuyết âm mưu về Trung Quốc, Liên minh Châu Âu đã giảm chỉ trích việc đưa các thông tin sai lệch có chủ ý của Trung Quốc sau khi Trung Quốc đe dọa trả đũa.
Hiệu quả từ sự đe dọa của Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh kinh tế đang lên của nước này. Có lẽ, các chiến thuật như vậy sẽ kém hiệu quả hơn nếu các đồng minh phương Tây, cũng như các bên liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á, đoàn kết với nhau. Trong quá khứ, bất kỳ mặt trận chung nào như vậy sẽ dựa trên sự lãnh đạo của Mỹ. Nhưng thái độ ích kỷ thiếu khéo léo của chính quyền hiện tại đã làm điều này trở nên bất khả. Về lâu dài, điều đó có thể để giúp Trung Quốc giành thế dẫn đầu, vì thế giới cần một lựa chọn tốt hơn.
Trên thực tế, các nước phương Tây hiếm khi có một chính sách chung về Trung Quốc, và lý do cho điều này vẫn chưa thay đổi là bao kể từ cuối thế kỷ 18, khi Lord Macartney được vua George III phái sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Đế quốc Trung Hoa. Một trong những điều trớ trêu trong nhiệm vụ thất bại này là việc người Anh đang tìm cách buôn bán các hàng hóa khác bên cạnh thuốc phiện với Trung Quốc. Nhưng Hoàng đế Càn Long tuyên bố rằng người Trung Quốc không cần gì từ người Anh.
Macartney đã làm mất lòng chủ nhà bằng cách từ chối khấu đầu trước Hoàng đế, một cử chỉ thể hiện sựphục tùng mà ngay cả vua Anh cũng không buộc ông phải làm. Các thành viên của một phái đoàn tương tự đến từ Hà Lan, những người đồng ý tuân theo phong tục của Trung Quốc và khấu đầu trước hoàng đế, đã nhận được nhiều ưu ái hơn từ triều đình Trung Hoa. Điều này làm người Anh vô cùng tức giận, họ đổ lỗi cho sự tham lam mù quáng điển hình của người Hà Lan. Nhưng lúc đó, người Hà Lan đến với tư cách là đại diện của Công ty Đông Ấn Hà Lan, chứ không phải đại diện cho quốc vương của họ.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là Trung Quốc tự coi mình là trung tâm của thế giới văn minh. Các phái đoàn từ nước ngoài chỉ có thể được coi như những người tới cống nạp, và không bao giờ được coi là bình đẳng với người Trung Quốc. Macartney, người tự tin rằng Anh là cường quốc hàng đầu thế giới, không thể đối xử với Trung Quốc theo cách đó. Người Hà Lan, giống như EU ngày nay, chủ yếu quan tâm đến việc mở cửa thị trường Trung Quốc và đã sẵn sàng chơi theo luật của Trung Quốc.
Mặc dù ảnh hưởng của Anh đã suy yếu, sự cạnh tranh của các cường quốc thời Macartney vẫn còn âm hưởng ngày này. Trong gần một thế kỷ, người Mỹ đã tuyên bố mình là hình mẫu văn minh không có đối thủ, không kém phần vĩ đại so với quan điểm coi mình là trung tâm thế giới của các hoàng đế nhà Thanh.
Khi Trung Quốc còn nghèo kiết xác và chịu sự thương xót của các cường quốc thế giới, người Mỹ nhanh chóng coi người Trung Quốc như những đối tượng tiềm năng để truyền bá dân chủ, chủ nghĩa tư bản và Kitô giáo. Đối phó với Đế quốc Nhật Bản trỗi dậy vào đầu thế kỷ 20 lại khó khăn hơn nhiều. Khi Nhật Bản, với tư cách là một bên ký Hiệp ước Versailles năm 1919, yêu cầu một điều khoản chống lại sự phân biệt chủng tộc giữa các thành viên của Hội Quốc Liên, Hoa Kỳ (và Australia) đã từ chối.
Hầu như người ta không thể kiếm được tiền ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Nhưng ngay cả khi đó, các nước phương Tây cũng không thể đồng ý với nhau về cách đối phó với nước này. Khi Anh công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1950, chỉ một năm sau cách mạng năm 1949, Hoa Kỳ, vốn lúc đó chuẩn bị cho một cuộc thập tự chinh chống Cộng sản toàn cầu, đã rất tức giận. Cho đến những năm 1970, Washington vẫn công nhận chế độ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trên đảo Đài Loan là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.
Bây giờ khi người ta một lần nữa có thể kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc, chúng ta trở lại thời của Macartney. Biên giới của Trung Quốc ít nhiều vẫn giống như biên giới của Đế quốc nhà Thanh trước kia. Chính phủ cũng không dân chủ hơn thời Hoàng đế Càn Long. Và, sau một thế kỷ của chiến tranh, xâm lược, nghèo đói và đổ máu, Trung Quốc một lần nữa được coi là một hình mẫu của nền văn minh mà những kẻ man di được kỳ vọng sẽ đi theo.
Triển vọng Trung Quốc lãnh đạo toàn cầu không thực sự hấp dẫn. Nhưng Mỹ đang nhanh chóng mờ nhạt dần trong vai trò một lựa chọn thay thế. "Thế kỷ Hoa Kỳ" đã được đánh dấu bằng nhiều cuộc chiến ngu ngốc, sự cứng nhắc về ý thức hệ và sự ủng hộ vô lương tâm đối với một số chế độ độc tài bẩn thỉu. Tuy nhiên, sự ủng hộ toàn cầu đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ dựa trên sự ngưỡng mộ đối với một hình thức chính phủ dù còn thiếu sót trong việc thực thi vẫn nói lên khát vọng tự do của con người, kể cả tại những phần nói tiếng Hoa của thế giới.
Điều đó không không xảy ra với Trung Quốc ngày nay. Nếu Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới, họ cần mang lại cho thế giới nhiều giá trị hơn ngoài tiền và sự đe dọa. Tự do vẫn là điều quan trọng. Tại sao sinh viên Trung Quốc biểu tình lại dựng một tượng Nữ thần Dân chủ cao mười mét ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 ? Trung Quốc sẽ không có khả năng thúc đẩy giá trị đó trên toàn cầu nếu không bắt đầu từ chính ở nhà mình.
Ian Buruma
Nguyên tác : "Confronting China", Project Syndicate, 11/05/2020.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/05/2020
Ian Buruma is tác giả của rất nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam : The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance, Year Zero : A History of 1945, và gần đây nhất là A Tokyo Romance : A Memoir.