Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/06/2021

Bắc Kinh trừng phạt những định chế quốc tế phê phán Trung Quốc

RFI tổng hợp

Trung Quốc ra luật chống "các trừng phạt của nước ngoài"

Trọng Thành, RFI, 11/06/2021

Hoa Kỳ và Liên Âu gia tăng áp lực với Trung Quốc trong những tháng qua, với hàng loạt trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp, bị nghi ngờ tiếp tay cho quân đội Trung Quốc, cũng như nhắm vào nhiều quan chức vì xâm phạm nhân quyền. Hôm nay, 11/06/2021, Bắc Kinh trả đũa.

phat1

Gian trưng bày của Facebook tại Triển lãm quốc tế xuất nhập khẩu lần thứ 2 ở Trung Quốc, ngày 06/11/2019. AFP – Hector Retamal

Theo báo chí Nhà nước Trung Quốc, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nước này đã thông qua luật cho phép đáp trả các trừng phạt nước ngoài. Truyền thông Pháp dẫn lại thông tin, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố, theo đó luật dự kiến "từ chối cấp thị thực nhập cảnh, hoặc tiến hành trục xuất… niêm phong, tịch thu hay phong tỏa tài sản của những cá nhân hay doanh nghiệp tham gia vào các trừng phạt của nước ngoài chống lại các doanh nghiệp hay các quan chức Trung Quốc".

Về luật chống trừng phạt của nước ngoài được thông qua, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, bình luận rằng luật này "sẽ là một phương tiện răn đe mạnh (…) chống lại các chính phủ nước ngoài đưa ra các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp chống lại Trung Quốc". Hoàn Cầu Thời Báo nêu rõ tên Hoa Kỳ trong bài xã luận, nhưng không nêu cụ thể các biện pháp trừng phạt được dự kiến.

Ngày 03/06 vừa qua, chính quyền Biden đã phê chuẩn một sắc lệnh, bổ sung thêm 28 công ty Trung Quốc vào danh sách 31 doanh nghiệp bị trừng phạt dưới thời Donald Trump. Đây là những doanh nghiệp bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Tiếp xúc cấp cao đầu tiên thời Biden : Mỹ - Đài thách thức Bắc Kinh

Cùng ngày với cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Thương mại Mỹ - Trung, hôm qua 10/06, đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một quan chức Đài Loan hàm bộ trưởng, phụ trách các đàm phán thương mại, ông John Deng (Đặng Chấn Trung). Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa các giới chức cao cấp của Đài Loan với đại diện chính phủ Mỹ, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Theo AFP, cuộc tiếp xúc này rõ ràng là một thông điệp mang tính thách thức gửi đến chính quyền Trung Quốc.

Trong cuộc họp trực tuyến, đại diện Thương Mại Mỹ nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Đài" và khẳng định Hoa Kỳ có "lợi ích thiết thân khi làm việc với Đài Loan" về các ưu tiên chung "trong khuôn khổ các định chế đa phương". 

Sau cuộc trao đổi nói trên, Cơ quan phụ trách các đàm phán kinh tế và thương mại Đài Loan ra thông báo, cho biết Washington và Đài Bắc sẽ tổ chức họp bàn về việc thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại song phương "trong những tuần tới". Cuộc trao đổi trực tuyến nói trên diễn ra ít ngày sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai, 08/06, khẳng định Mỹ sẽ "sớm" có các thảo luận với Đài Bắc về một "hiệp định khung" về thương mại.

Trọng Thành

*********************

Đàn áp tại Tân Cương : Ân Xá Quốc Tế tố cáo Bắc Kinh phạm tội ác chống nhân loại

Trọng Nghĩa, RFI, 11/06/2021

Trong một bản báo cáo công bố vào hôm qua, 10/06/2021, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đã tố cáo chính sách đàn áp thô bạo của Trung Quốc nhắm vào người Hồi giáo tại Tân Cương. Đối với Ân Xá Quốc Tế, những biện pháp khắc nghiệt được áp dụng "đồng dạng với tội ác chống nhân loại".

phat2

Quốc kỳ Trung Quốc treo bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Kashgar, Tân Cương, ngày 06/05/2021.  Reuters – Thomas Peter

Theo ghi nhận của Ân Xá Quốc Tế, tại vùng Tân Cương (Trung Quốc) đã có hàng trăm ngàn người Hồi giáo, cả nam lẫn nữ, từ người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, cho đến những nhóm thiểu số khác, đã bị giam giữ tập thể và tra tấn, trong bối cảnh hàng triệu người Hồi giáo bị giám sát một cách triệt để.

Trong bản báo cáo dày 160 trang, mang tựa đề "Cứ như chúng tôi là kẻ thù trong chiến tranh - Tình trạng giam cầm, tra tấn và truy bức trên quy mô hàng loạt nhắm vào người Hồi giáo Tân Cương" (tựa đề tiếng Anh : "Like We Were Enemies in a War" : China’s Mass Internment, Torture, and Persecution of Muslims in Xinjiang) - tổ chức Amnesty International đã công bố lời chứng chưa từng được tiết lộ của hơn 50 người từng bị cầm giữ trong các trại giam, mô tả những biện pháp cực kỳ khắc nghiệt mà Bắc Kinh đã dùng từ năm 2017 để xóa bỏ các truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của các nhóm Hồi giáo trong vùng, cũng như đàn áp các sắc dân thiểu số địa phương.

Theo Ân Xá Quốc Tế, dưới chiêu bài "chống khủng bố", các hành vi tội ác này nhắm vào các cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, người Hồi, người Kirghistan, Uzbekistan và Tadjikistan. Báo cáo đặc biệt nêu chi tiết về các nỗ lực trên quy mô rộng lớn của chính quyền Trung Quốc nhằm che giấu tội trạng của mình.

Đối với Amnesty International, các hành động của chính quyền Trung Quốc chống lại các sắc dân thiểu số trong nước là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng "đồng dạng với các tội ác chống nhân loại".

Liên Hiệp Quốc từng cho rằng có đến 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam trong các trại cải tạo tại Trung Quốc mà Bắc Kinh khẳng định là những trung tâm huấn nghệ. Trong thời gian gần đây, Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, Mỹ và Canada đã có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Read 448 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)