Thế giới 2021 : Các nền dân chủ đối mặt với thách thức Trung Quốc
Giới nghiêm và phong tỏa chạy đua với Covid-19. Giông bão chính trị cuối nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là hai chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay. Le Monde tìm hiểu thêm vì sao đại dịch thêm cánh cho kinh tế Trung Quốc và trước mối đe dọa của cường quyền thế kỷ 21, các chế độ dân chủ và nhất là báo chí phải đối phó như thế nào.
Covid-19, Nước Pháp lo ngại bị phong tỏa một lần nữa, tựa của Le Figaro. Tổng thống Emmanuel Macron trong chiếc lưới chính trị hệ quả của khủng hoảng y tế. Phe đa số bị chỉ trích quản lý kém, Le Monde bổ sung.
Về tình hình thế giới, Donald Trump một lần nữa bị đe dọa "truất phế". Nhưng Le Monde cho biết đảng Cộng hòa kêu gọi "đoàn kết và lên án thủ đoạn chính trị" của đảng Dân chủ.
Chiến dịch "Barkhane" ở sa mạc Sahara cũng đang gây chú ý trong công luận nhất là sau cái chết của năm quân nhân Pháp trong hai vụ xe thiết giáp tuần tiễu trúng mìn tại Mali : Giờ tổng kết đã điểm, Hồi giáo võ trang vẫn tiến tới.
Cũng liên quan đến thế giới Hồi giáo, Libération tổng kết 10 năm sau cách mạng Mùa xuân Ả rập, một "niềm hy vọng bị tịch biên". Nhật báo thiên tả phân tích thủ đoạn viết lại lịch sử của các chế độ độc tài Ả rập như thế nào, cáo buộc phong trào tranh dân chủ từ Tunisia cho đến Ai Cập là do các thế lực thù nghịch gồm Mỹ, Tây phương nói chung, Israel và… Iran giật dây.
Giải mã sức mạnh kinh tế Trung Quốc
Về Châu Á, Trung Quốc chiếm nhiều trang báo của Le Monde hôm nay. Cho dù đại dịch xuất hiện trước tiên tại Hoa lục nhưng kinh tế Trung Quốc kháng cự mạnh mẽ hơn các đối thủ cạnh tranh, GDP có thể hơn Hoa Kỳ vào năm 2028. Le Monde bắt đầu một loạt phóng sự trong tuần để giải mã sức tăng trưởng của đại cường Châu Á này.
Trung Quốc, xe ủi đất của kinh tế thế giới. Sau khi tránh được suy thoái năm 2020, tăng trưởng của Hoa lục có thể lên đến 8% trong năm 2021 và ngày càng bắt kịp nước Mỹ trong nhiều lãnh vực. Trong năm vừa qua, tài sản của 400 nhà giàu nhất Trung Quốc gia tăng 64%, họ nắm trong tay tổng cộng 2.100 tỷ đô la.
Thông tín viên tại Thượng Hải cho biết thêm, giới kỹ nghệ Trung Quốc, sau ba tháng mùa xuân tê liệt hoạt động, bắt mạch được tình thế mới, đẩy mạnh xuất khẩu máy móc trợ thở và điện tử.
Động lực thứ ba là tiêu thụ mà khách hàng là thành phần dưới 35 tuổi. Khác với thế hệ phụ huynh, cố gắng làm việc để được thăng thưởng, thế hệ trẻ tiêu xài không hạn chế, tập trung vào những thú vui hằng ngày, đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước trong bối cảnh biên giới đóng cửa ngăn dịch.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc phòng xa theo quan điểm phải kiểm soát bộ máy cung. Những tập đoàn công nghệ cao như Alibaba, Tencent, Baidu, Xiaomi nay lại có thế lực tài chính quá mạnh lấn áp các ngân hàng Nhà nước, quản lý mù mờ và thiếu hiệu năng, từ lâu nay là điểm yếu của nền kinh tế sống nhờ dưỡng khí tín dụng. Đó là lý do mà Jack Ma và một số tài phiệt khác bị sờ tới và báo chí Nhà nước được chỉ thị phải im lặng.
Đối mặt với Trung Quốc : Không khoan nhượng
Trong lúc Châu Âu và Mỹ lúng túng đối phó với đại dịch và nhất là Washington sa lầy trong khủng hoảng bầu cử tổng thống thì chế độ độc tài Trung Quốc khai thác cơ hội ngàn năm một thuở này để công kích điều mà họ gọi là "nhược điểm của mô hình dân chủ".
Bài xã luận "Các nền dân chủ đối mặt với thách thức của thế lực Trung Quốc" mô tả Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2021 là một kẻ chiến thắng dịch bệnh cho dù Covid-19 xuất hiện ngay tại Hoa lục. Chiến thắng từ kinh tế đến chính trị. Trong khi Tây phương vẫn còn bị đại dịch bao vây thì kinh tế Trung Quốc tìm lại thế tăng trưởng vững chắc.
Về chính trị, vụ khủng hoảng cuối thời bi thảm của Donald Trump tạo cơ hội bất ngờ cho các chế độ độc tài chế nhạo các sơ sót của mô hình dân chủ. Nhưng không chỉ có thế, Trung Quốc còn ghi bàn thắng vì trì hoãn đến một năm mới cho phép Tổ chức Y tế Thế giới đến Vũ Hán trong điều kiện hạn chế. Trong khi đó chế độ chính trị Trung Quốc ngày càng lộ bản chất áp bức, mờ ám.
Cùng lúc đó, công luận thế giới tỉnh thức trước số phận của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các trại tuyên truyền chính trị, bị tra tấn, bị cưỡng bách lao động, văn hóa bị hủy diệt. Tân Cương, Hồng Kông, Vũ Hán… các hành động trấn áp không làm chế độ Trung Quốc trả giá ngoại giao. Bắc Kinh biết cách tỏ ra cần thiết đối với phần còn lại của thế giới. Tình trạng quốc tế lệ thuộc vào khẩu trang Trung Quốc vào mùa xuân 2020 là bằng chứng cụ thể. Bắc Kinh còn có lý do để hài lòng vì cho dù Hồng Kông bị luật an ninh khép chặt, cho dù những người dân báo động về đại dịch ở Vũ Hán bị giam cầm, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thẩm định tình hình thuận lợi để ký kết một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Theo Le Monde, Châu Âu đã phản bội giá trị của mình mà không được gì ở Trung Quốc, cụ thể từ Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Sai lầm của Châu Âu, báo chí phải cảnh giác
Do vậy, theo nhật báo độc lập, sai lầm của Châu Âu cho thấy nhu cầu cấp thiết của mọi thành phần của các chế độ dân chủ, từ nhà nước, tổ chức đa phương, xí nghiệp, phải có biện pháp đối phó trong quan hệ với Trung Quốc. Trong mọi quan hệ, như trong vụ triển lãm lịch sử Mông Cổ ở Nantes, Trung Quốc luôn áp đặt quan điểm chính thức. Hay là trong hồ sơ xuất khẩu than đá, rượu vang, tôm hùm, Úc bị đối tác Trung Quốc tẩy chay vì Canberra đòi mở điều tra quốc tế về cội nguồn siêu vi Covid-19.
Khác với thời chiến tranh lạnh, chúng ta bước vào thời kỳ xung khắc cài răng lược. Sau khi thấy các chế độ độc tài của thế kỷ 20 sụp đổ vì kềnh càng, chế độ độc tài thế kỷ 21 không để cho dấu hiệu thất bại lộ ra. Do vậy mà chúng ta phải chơi với Trung Quốc nhưng đừng bán linh hồn. Báo chí cũng phải như thế.
Trong bối cảnh Bắc Kinh một mặt đầu tư dồi dào vào tuyên truyền ở nước ngoài, một mặt trục xuất phóng viên các nhật báo lớn của Mỹ, hoạt động điều tra tại hiện trường ngày càng khó. Nhưng cần phải kể lại những phát triển ngoạn mục của các thành phố, những khát vọng của người dân, mối quan hệ phức tạp với Nhà nước đảng trị, các quyền tự do cá nhân và hành động đàn áp của chế độ.
Như một lời thệ nguyện, Le Monde cam kết, sẽ tiếp tục thiên chức này, tìm hiểu, các chủ đề về Trung Quốc với lời lẽ chính trực, không khoan nhượng, không tránh né trước thách thức của Trung Quốc.
Donald Trump những ngày cuối nhiệm kỳ
"Donald Trump những ngày cuối nhiệm kỳ thảm hại : Đảng Dân chủ bằng mọi giá triệt đường chính trị của chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng trước khi dọn nhà, tổng thống mãn nhiệm, với những người trung thành còn lại không để bị trói tay kể cả trong lãnh vực đối ngoại", nhận định của Le Monde.
Les Echos cho biết thêm giới tài chính đánh vào túi tiền của Donald Trump. Sau vụ bạo động ở trụ sở Quốc hội, nhiều xí nghiệp bỏ rơi Donald Trump.
La Croix đặt câu hỏi về mục đích chính trị của tiến trình truất phế tổng thống. Để chận Donald Trump tranh cử nhiệm kỳ 2024 ? Nhưng thời gian có cho phép hay không ?
Le Figaro chú ý đến báo động của FBI : nguy cơ xảy ra bạo lực gần đến ngày bàn giao.
Gần đến ngày bàn giao, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục hoạt động : Đưa Cuba trở lại vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố. Tuyên bố Iran chứa chấp Al Qaeda. Theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Trump "thanh toán" hận thù với La Havana và đặt Joe Biden trước chuyện đã rồi trong hai hồ sơ Cuba và Iran. Ngoài ra tổng thống Donald Trump còn muốn cám ơn cộng đồng Cuba tị nạn ở Florida dồn phiếu cho ông.
Covid-19, phong tỏa hay giới nghiêm ?
Toàn quốc phong tỏa hay tùy địa phương trước đã ? Vac-xin trắc trở ra sao ? Những đề tài tiếp tục gây tốn nhiều giấy mực. La Croix so sánh các biện pháp "phong tỏa" tại Anh với Pháp. Le Figaro dứt khoát từ chối "nhà tù tại gia".
Nhật báo thiên hữu than thở : "Một lần nữa chúng ta phải đóng cửa nhà mỗi ngày từ 6 giờ chiều ? Ngày và đêm ư ? Lẽ ra phải tập trung gia tăng khả năng tiêm ngừa cho dân chúng. Phong tỏa là một thất bại của con người đối với siêu vi vô ảnh vô hình. Tiêm ngừa là chiến thắng của chính trị", xã luận "Tù tại gia" kết luận.
Tiêm ngừa ư ? La Croix cho biết ngay trong giới y tế, có người muốn tiêm ngay có người do dự. Tâm lý hoài nghi tiêm chủng còn nhiều. Nhật báo công giáo đưa độc giả sang Luân đôn để thấy dân Anh, tuy bị phong tỏa, nhưng "nhẹ hơn Pháp" nhiều. Ngoài đường không ai đeo khẩu trang, cửa hàng quán bar vẫn đông khách và không ai đeo khẩu trang, vui vẻ cười trao đổi.
Tú Anh