Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/01/2021

Điểm báo Pháp - Covid-19 : Vac-xin dùng tại Pháp…

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Vac-xin dùng tại Pháp rất ít tác dụng phụ

"Covid-19" và "tiêm chủng", cùng với "Donald Trump" và "kiểm duyệt" là những từ khóa nổi bật trên trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay, 12/01/2021, với Le Monde La Croix dành tựa chính cho chủ đề chích ngừa, trong lúc Les Echos lược qua một số vấn đề nổi cộm quanh việc tổng thống Mỹ bị các mạng xã hội chủ chốt ra lệnh cấm.

vaccin1

Thuốc chủng ngừa Covid-19 của hãng Moderna được dùng song song với vac-xin của hãng Pfizer-BioNTech trên lãnh thổ 27 thành viện Liên Hiệp Châu Âu.  Joel Saget AFP

Riêng hai tờ báo lớn còn lại là Libération Le Figaro thì tập trung chú ý đến tình hình xã hội Pháp, với Libération vạch trần những thế lực chống lưng cho một giáo sư tên tuổi bị cáo buộc phạm tội loạn luân, và Le Figaro báo động trở lại về nguy cơ tư tưởng Hồi giáo cực đoan ngự trị trong các trường học Pháp.

Trên vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19, nhật báo công giáo Pháp La Croix đã chú ý đến khía cạnh tương đối chuyên môn với hàng tựa lớn trang nhất : "Vac-xin trong tầm giám sát".

Tác dụng phụ của hai vac-xin ngừa Covid-19 không đáng kể

Theo tờ báo, việc truy tìm các tác dụng phụ ngoài ý muốn của vac-xin ngừa Covid đã tập trung nhiều nguồn lực quan trọng và đây là một vấn đề thiết yếu trong chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra.

Trong bài "Tác dụng phụ nào đối với vac-xin chống Covid ?", La Croix đã trấn an ngay : "Các loại thuốc chủng hiện được phép lưu hành tại Pháp, của hai hãng Moderna và Pfizer, chủ yếu gây đau nhức tại chỗ tiêm và đôi khi tạo ra tình trạng sốt cao hay hết sức mệt mỏi" nơi người được chích ngừa.

Riêng đối với những người hay bị dị ứng, nguy cơ có thể là tình trạng sốc phản vệ, tức là phản ứng dị ứng mạnh và đột ngột, có thể phải nhập viện.

Tuy nhiên, tờ báo ghi nhận : Sau hai tuần triển khai chiến dịch chích ngừa, với hơn 80.000 liều được tiêm tại Pháp, Cơ quan An toàn Dược phẩm Quốc gia Pháp ANSM chỉ xác định được một trường hợp phản ứng "không nghiêm trọng" : Đó là sự suy giảm tạm thời tỷ lệ tế bào miễn dịch lympho. Đây là một biểu hiện "thuần túy sinh học" và "thoáng qua", được xem là vô hại và đã được quan sát thấy trong các thử nghiệm lâm sàng do các phòng thí nghiệm Pfizer-BioNTech tiến hành.

Dẫu sao thì theo tờ báo, chính quyền Pháp đã rất quan tâm đến vấn đề phản ứng phụ đối với thuốc chủng ngừa Covid 19. Trong bài "Pháp dự trù là các báo cáo về phản ứng bất lợi trước thuốc chủng sẽ gia tăng", La Croix ghi nhận là Bộ Y tế đã tăng cường số nhân viên tại 31 trung tâm cảnh giác về dược phẩm chuyên trách việc xử lý các báo cáo tình hình do các bác sĩ, bệnh nhân và hiệp hội gởi lên.

Giới trong ngành đã khuyến cáo chỉ nên khai báo những ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bất ngờ, để tránh việc hệ thống cảnh báo bị tràn ngập thông tin.

Tuy nhiên, với việc chiến dịch tiêm chủng tăng tốc tại Pháp, giới chức cảnh giác dược phẩm dự đoán sẽ có sự gia tăng đáng kể của các báo cáo về phản ứng đối với thuốc chủng.

Tiêm chủng tại Pháp vừa trải qua 6 tuần "ác mộng"

Cũng về Covid-19, dưới hàng tựa lớn chạy trên 5 cột báo ở trang nhất, Le Monde nêu bật : "Tiêm chủng : các lý do chậm trễ tại Pháp". Đối với tờ báo Pháp, vì không có được một chính sách tuyên truyền nhất quán trước một dư luận không mấy mặn mà với việc chích ngừa, lại lo ngại trước phản ứng của giới chống vac-xin và không muốn bị đánh giá là chậm chạp, chính phủ Pháp đã nhiều lần thay đổi chiến lược tiêm chủng.

Theo Le Monde, ngay từ đầu, chính quyền Pháp đã sai lầm khi chọn một nhân vật quá thân cận với ngành công nghiệp dược phẩm để chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng, cho nên đã phải thay người giữa chừng.

Vì muốn o bế dư luận, việc tiêm chủng đã được khởi sự một cách quá thận trọng, để rồi đến khi phải xấu hổ trước bước đi chậm chạp của mình trước tiến độ nhanh chóng của các nước Châu Âu khác, thì đã quyết định tăng tốc.

Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng lại vấp phải những thách thức hậu cần chưa từng thấy, trong lúc sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm đảo lộn các tính toán.

Khó khăn bất ngờ : Có thuốc chủng nhưng thiếu kim tiêm

Le Monde đã nêu bật một ví dụ cho thấy các khó khăn của việc đảm bảo hậu cần : vấn đề thiếu kim tiêm. Mới ở giai đoạn đầu thôi, mà số lượng kim tiêm được phân phối đôi khi thấp hơn nhiều so với số liều thuốc chủng. Một số bệnh viện mà tờ báo đã tiếp xúc đang thực sự lo ngại trước việc không có kim để chích.

Đó là trường hợp của bệnh viện Montauban chẳng hạn, hôm 05/01 vừa qua, đã được giao 4.875 liều thuốc chủng, một con số dự kiến ​​s tăng gp đôi trong tun. Thế nhưng s lượng kim tiêm li thp hơn gn ba ln s liu thuc chng. Bnh vin đã c tìm mua thêm nhưng không nơi nào có. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở thành phố Lille miền Bắc Pháp, nơi chỉ có 10.000 chiếc kim tiêm được phân phối cho 20.000 liều thuốc chủng.

Nhận định chung của Le Monde rất nghiêm khắc : "Trong sáu tuần qua, việc xác định và thực hiện chiến lược tiêm chủng của chính phủ Pháp như đã trở thành một cơn ác mộng triền miên, trong đó ngay khi một đám cháy này được dập tắt thì một đám cháy khác lại bùng lên".

Các câu hỏi chung quanh vụ Tổng thống Trump bị "kiểm duyệt"

Chủ đề thời sự thứ hai chi phối các báo Pháp hôm nay là dư âm của việc các đại tập đoàn internet và mạng xã hội chủ chốt từ FaceBook, Twitter, cho đến Google, Apple đều đã quyết định cấm cửa tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump.

Nhật báo kinh tế Les Echos đã cố nhìn nhận vấn đề một cách khách quan qua hàng tựa lớn trang nhất : "Mạng xã hội : Các câu hỏi chung quanh một hành động kiểm duyệt".

Đối với Les Echos, việc ông Donald Trump bị loại ra khỏi các mạng xã hội đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của các mạng này trong việc cho đến gần đây vẫn dung túng cho những hành động mà giờ đây mới bị họ coi là sai trái.

Hành động của các mạng xã hội còn đặt ra vấn đề là họ có quyền kiểm duyệt ông Trump hay không. Theo tờ báo Pháp, nhiều lãnh đạo phương Tây, trong đó có bà Angela Merkel đã phản đối quyết định của các mạng xã hội, và cho rằng cần phải để cho Tư pháp hành động mới đúng.

Dẫu sao thì tờ báo cũng để lộ thái độ tự mãn tương đối khi cho biết là dự án Châu Âu mang tên Luật về Dịch vụ Kỹ thuật Số (Digital Services Act) dự trù ra mắt vào cuối năm nay, sẽ cho phép điều hòa tốt hơn nội dung được phép lưu hành trên mạng.

Vì Hồi giáo cực đoan, giáo viên Pháp tự kiểm duyệt

Như nói ở trên, nhật báo Le Figaro hôm nay chủ trương nhấn mạnh trở lại hồ sơ đã từng được tờ báo cánh hữu này đề cập đến nhiều lần trong quá khứ. Trang nhất Le Figaro chạy hàng tựa lớn : "Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan : Các giáo viên bị buộc phải tự kiểm duyệt".

Theo Le Figaro, gần ba tháng sau vụ tấn công của một phần tử Hồi giáo cự đoan đã cướp đi sinh mạng của nhà giáo Samuel Paty, chất độc của nỗi sợ hãi tiếp tục lan truyền trong hàng ngũ giáo viên, thường phải đơn độc chiến đấu bảo vệ tính chất thế tục của trường học.

Tờ báo Pháp không ngần ngại mô tả cảnh ngộ của các thầy cô giáo, "nay thì ở Lyon, mai thì ở Toulouse... ở chỗ này thì bị buộc phải rời khỏi nhà trường của mình vì đã nói về quyền tự do ngôn luận, ở chỗ kia thì phải chịu áp lực từ các công đoàn buộc tội họ là đã "kỳ thị" và "truy bức" khi họ tố cáo hành vi của một số học sinh". Theo Le Figaro, các giáo viên chỉ còn biết "dựa vào lòng can đảm của chính mình để bảo vệ chủ nghĩa thế tục".

Đối với tờ báo cánh hữu, kể từ vụ ám sát Samuel Paty vào tháng 10 năm ngoái, mọi người đều nhận ra rằng trường học là mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Trên mặt này, bộ trưởng Bộ Giáo dục, Jean-Michel Blanquer, không ngừng nhắc lại rằng ông đã sát cánh cùng đội ngũ của mình. Nhưng vấn đề có lẽ sâu xa hơn. Do đó, một số giáo viên thà chấp nhận "chủ nghĩa tương đối văn hóa" hơn là mạo hiểm để khẳng định các giá trị của nền Cộng hòa.

Trong một bài viết trang trong, Le Figaro đã nêu bật kết quả một cuộc điều tra dư luận mới nhất, do viện Ifop thực hiện từ ngày 10 đến 17 tháng 12 và được công bố vào ngày 6 tháng 1, cho thấy là hành động tự kiểm duyệt nơi các giáo viên đang gia tăng.

Theo cuộc thăm dò này, không dưới 49% giáo viên trung học cho biết họ đã tự kiểm duyệt khi giảng dạy về các vấn đề tôn giáo để không gây ra sự cố nào trong lớp học của họ, tức là tăng 3 điểm so với năm 2018. Con số này lên đến mức 70% ở các vùng ngoại ô nơi các tầng lớp lao động cư ngụ.

Các thế lực chống lưng cho Olivier Duhamel

Cũng chú ý đến lãnh vực xã hội Pháp, nhật báo cánh tả Libération đã nêu bật trên trang nhất phóng sự điều tra về "Những kẻ ở cấp cao bao che cho Olivier Duhamel", một giáo sư luật học quyền thế, bị cáo buộc về những hành vi loạn luân và nhất là đối với trẻ vị thành niên.

Là một giáo sư nổi tiếng về Luật Hiến Pháp, năm nay 71 tuổi, Olivier Duhamel gần đây từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chính trị Quốc gia FNSP và nhóm Le Siècle, môt câu lạc bộ tập hợp giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông Pháp.

Mới đây ông đã bị buộc phải từ bỏ mọi chức vụ sau khi bị bà Camille Kouchner, con gái của người vợ quá cố tố cáo trong một quyển sách là đã có hành vi cưỡng bức trẻ vị thành niên và loạn luân, mà nạn nhân chính là Antoine Kouchner, em trai song sinh của tác giả.

Libération đã tiết lộ cách thức mà ông Olivier Duhamel, ở đỉnh cao quyền lực, đã xây dựng một mạng lưới gồm những người quen biết và những người mang ơn mình, để những người này, bị bắt buộc, những người, vì tình bạn vì tư lợi, quyết định bảo vệ ông bất chấp các hành vi loạn luân của ông.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)