Cảnh giác trước sức mạnh và tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, các nước lớn như Ấn, Nhật và Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường các hoạt động hải quân xung quanh Trung Quốc cũng như mở rộng hợp tác an ninh với nhau, các chuyên gia cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị thượng đỉnh khối BRICS
Tại buổi hội thảo có chủ đề ‘Đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ được tổ chức hôm 26/11 ở Viện nghiên cứu Hudson, thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, các chuyên gia của từng quốc gia và khu vực đã trình bày về sự trỗi dậy của Trung Quốc nhìn từ lăng kính của đất nước họ.
Ấn Độ lo âu
"Lần đầu tiên trong vòng một thế kỷ chúng ta đã chứng kiến sự vươn lên của một siêu cường toàn cầu thật sự", ông Dhruva Jaishankar, giám đốc chương trình Hoa Kỳ của viện nghiên cứu Observer Research Foundation ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, phát biểu tại buổi hội thảo.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tiếp xúc của ông với các quan chức và học giả trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Tokyo, Đài Bắc, Colombo, Honolulu, Kuala Lumpur cho tới Hà Nội, ông nói ở tất cả những nơi này ông đều nghe ‘những quan ngại giống nhau về sự vươn lên của Trung Quốc’.
Ông Jaishankar nêu lên 4 lý do chính mà thế giới dè dặt với Trung Quốc.
Thứ nhất là sự ‘thiếu minh bạch trong cơ chế ra quyết định ở Bắc Kinh’ trong bối cảnh nước này đóng vai trò lớn trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao và an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới. Ông cho rằng đó là do Bắc Kinh có mô hình ‘quản lý khép kín’ nên thế giới ‘nhìn vào họ với rất nhiều ngờ vực’.
Quan ngại thứ hai, theo lời ông, là sự một chiều trong quan hệ kinh tế, tức là Trung Quốc là phía được lợi lớn nhất trong khi phía đối tác lại không được lợi gì ‘cho dù là sự hạn chế tiếp cận (thị trường Trung Quốc) hay là bẫy nợ hay những vấn đề về hợp đồng’.
Thứ ba là ‘chủ nghĩa xét lại lãnh thổ’ của Bắc Kinh. "Cho dù là ở Biển Đông Trung Hoa hay Biển Đông hay là ở dãy Himalaya (giữa Trung Quốc với Ấn Độ và giữa Trung Quốc với Bhutan), chúng ta thấy Trung Quốc sử dụng các công cụ dân sự trên danh nghĩa để thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ của họ", ông nói.
Cuối cùng, điều mà ông thấy xảy ra nhất quán là ‘sự khinh thường các luật lệ quốc tế cho dù là quyền tự do hàng hải, hàng không hay an ninh mạng hay quản trị Internet hay các hiệp định Nam Cực và Bắc Cực’.
Mặc dù ông thừa nhận rằng sự vươn lên của Trung Quốc đã thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng và nhờ đó đã đưa hàng chục triệu người trên khắp thế giới thoát khỏi đói nghèo nhưng, ‘ở Ấn Độ, chúng tôi có một số quan ngại cụ thể’.
Ông Jaishanka dẫn ra tranh chấp biên giới với việc Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với toàn bộ một bang của Ấn Độ có diện tích tương đương tiểu bang Indiana của Mỹ. Cách nay không lâu, hai nước đã điều binh đến biên giới trước việc Trung Quốc muốn xây dựng một con đường ở khu vực tranh chấp với Bhutan.
Lo ngại thứ hai của Delhi là khoản thâm hụt lớn mà Ấn Độ phải chịu trong giao thương với Trung Quốc với con số hiện nay là 50 tỷ đô la Mỹ, tức tương đương với toàn bộ ngân sách quốc phòng hàng năm của Ấn Độ.
"Có những công ty Ấn Độ hoạt động rất cạnh tranh ở Châu Âu, Mỹ, Trung Đông hay Đông Nam Á những vẫn không thể cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc", ông than phiền.
Điều thứ ba khiến Ấn Độ lo ngại là Ý tưởng Vành đai Con đường (BRI) của Bắc Kinh mà Delhi cho đến nay vẫn tẩy chay và mới đây là từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh BRI ở Bắc Kinh.
Ông cho biết kể từ tháng 4 năm 2017 Ấn Độ đã nêu ra những quan ngại về đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là ‘không minh bạch, không bền vững, không sử dụng nhân công địa phương, gây hại cho môi trường và không phải lúc nào cũng tôn trọng chủ quyền’.
Cuối cùng, Ấn Độ lo ngại về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. "Nếu như 10 năm trước đây, bốn nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil đã làm việc cùng nhau để cải cách các định chế quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì giờ đây ông Tập Cận Bình đã từ bỏ chủ trương ‘vươn lên cùng nhau’ mà trên thực tế đã chuyển sang xem họ là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ", ông cho biết.
Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã tìm mọi cách ngăn cản Ấn Độ vươn lên ở các định chế quốc tế như không đồng ý cho Ấn Độ làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông nói.
Trước tình hình đó, Ấn Độ đã tăng cường các hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương kể từ cuối năm 2017, thành lập trung tâm theo dõi hoạt đông lưu thông ở vùng biển này, ký kết các hiệp định hợp tác với các nước ven biển Ấn Độ Dương cũng như với Mỹ, Nhật và tăng cường viện trợ và cho vay đối với các nước xung quanh, nhà nghiên cứu này nói thêm.
Hiện giờ, Delhi đã ‘tuần tra quanh năm ở bảy khu vực trên Ấn Độ Dương bao gồm những khu vực yết hầu như vịnh Aden, eo biển Malacca hay xung quanh eo biển Madagascar’, ông nói và cho biết hải quân Ấn Độ đã tập trận chung với hải quân các nước dọc Ấn Độ Dương cũng như có cuộc tập trận chung với các nước trong nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng cường sự can dự vào các nước Đông Nam Á như tham gia tích cực và các định chế khu vực do khối Asean chủ trì, xây dựng đường cao tốc kết nối Ấn Độ với các nước Đông Nam Á (vắt qua Myanmar, Thái Lan và kéo đến Đà Nẵng, Việt Nam). Riêng với Việt Nam, đối tác chủ chốt trong chiến lược ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ, nước này đã giúp đào tạo thủy thủ tàu ngầm và phi công chiến đấu.
Ông cho biết, một mặt Delhi đang tìm cách ‘can dự mang tính xây dựng’ với Bắc Kinh mà mới đây nhất Thủ tướng Narendra Modi đã tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình, mặt khác những đòi hỏi an ninh và chiến lược khiến nước này phải xích lại gần hơn với Washington.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại trước mối quan hệ ngày một khắng khít giữa Nga, vốn là một đồng minh chủ chốt của Ấn Độ, với Bắc Kinh, và việc Quốc hội Mỹ trừng phạt Nga khiến Ấn Độ lâm vào thế khó xử trong mối quan hệ với Nga.
Châu Âu chủ động
Về phần Châu Âu, bà Liselotte Odgaard, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về Châu Âu ở Viện Hudon, nhận định rằng khối EU ‘không xem Trung Quốc chỉ là kẻ thù mà là đâu đó nằm giữa đối thủ và đối tác’.
Bà giải thích rằng khối Châu Âu hiện nay ‘không phải là thực thể đơn nhất’ và cũng ‘không phải là định chế đa phương’ mà là ‘nằm đâu đó ở giữa’. Cấu trúc này khiến Châu Âu có những phản ứng khác nhau trước những thách thức khác nhau từ Trung Quốc.
Chẳng hạn như trên vấn đề giao thương, một giá trị truyền thống cốt lõi của Châu Âu, các định chế của cả khối đã ‘đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách chung’ mà tất cả các quốc gia thành viên, ngay cả các nước lớn như Pháp hay Đức, đều phải tuân thủ dù họ có không muốn đi nữa.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng chẳng hạn như an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đối phó với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu không có vai trò gì đáng kể mà vai trò này nằm trong tay mỗi quốc gia thành viên, bà nói thêm.
Do đó, trong cuộc canh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà Odgaard nói rằng toàn khối EU chỉ phát huy tác dụng trên lĩnh vực thương mại. Khối này đã khởi động một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại chiến lược với các nước đồng minh hay đối tác chủ chốt của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore.
Ngoài ra, khối này cũng tăng cường can dự với các định chế mà Mỹ không muốn nói chuyện, chẳng hạn như Liên đoàn Ả Rập (EU và khối Ả Rập đã có cuộc gặp thượng đỉnh chung hôm 19/2) để giúp đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở khu vực này, theo bà Odggard.
"Khối EU đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Châu Á gần gũi với các giá trị chính trị và kinh tế tự do của Châu Âu trong khi cũng chỉ trích và lo ngại về sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực", bà nói.
Còn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, kể từ năm 2016, Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu EU, đã dẫn đầu nỗ lực ‘ngoại giao hải quân’ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà cho biết.
"Kể từ đó, ngày càng có nhiều nước Châu Âu đã tiến hành các chiến dịch trên biển và ngoại giao hải quân ở khu vực này", bà nói thêm và dẫn chứng là lần đầu tiên Đan Mạch đã điều một khu trục hạm để tham gia hộ tống tàu sân bay của Pháp trong năm nay.
Ngoài Đan Mạch, tàu chiến của các nước đồng minh khác như Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Úc và Hoa Kỳ cũng luân phiên tham gia vào nhóm tàu sân bay này.
"Do đó, sự đoàn kết giữa hai bờ Đại Tây Dương đối với sáng kiến của Pháp đã được thể hiện trong việc triển khai này".
"Kể từ năm 2002, hàng không mẫu hạm Pháp không hề xuất hiện ở phía đông Ấn Độ mãi cho đến năm nay", bà nói và cho biết nhóm tàu sân bay Pháp đã đi từ Địa Trung Hải băng qua kênh đào Suez, vượt Ấn Độ Dương và đi qua eo biển Malacca để đến Singapore. Nhóm tàu sân bay này đã tham gia tập trận hải quân với các nước Ấn Độ, Úc và Nhật trên hành trình.
Mặc dù việc phối hợp giữa hải quân các nước EU ‘cần thời gian để xây dựng’ nhưng các nước này đã ‘đi được khá xa’ trong việc bổ sung cho việc triển khai của các nước đồng minh khác (như Mỹ) trong khu vực, bà nói thêm.
"Đó là nỗ lực đáng nể để xây dựng mối quan hệ gần như là liên minh với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đẩy lùi các chính sách của Trung Quốc mà Châu Âu vốn không thích".
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng Châu Âu có ‘khác biệt’ với Mỹ trong các chiến dịch này. Chẳng hạn khi đi qua các thực thể Trung Quốc chiến giữ trên Biển Đông, tàu chiến của họ không đi vào phạm vi 12 hải lý bởi vì theo quan điểm Châu Âu đó là ‘vùng xám pháp lý’ (vùng chưa rõ ràng phải theo luật như thế nào).
"Châu Âu không muốn làm thế bởi vì họ cho rằng điều đó sẽ gây cho họ rắc rối nếu biết rằng Châu Âu luôn ủng hộ pháp trị và trật tự dựa trên luật pháp", bà giải thích và cho biết ngoài ‘ngoại giao hải quân’ các nước Châu Âu cũng thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) để hỗ trợ cho Mỹ.
"Tôi cho rằng đó là nỗ lực mạnh mẽ để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng có những lợi ích và giá trị chung giữa các cường quốc bên trong và bên ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vốn sẵn sàng tìm cách đẩy lùi điều mà họ xem là ‘cách hành xử ngày càng khó chịu của Trung Quốc trong khu vực", bà nói.
Nhật quả quyết
Còn đối với Nhật Bản, nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, ông Satoru Nagao, nghiên cứu viên khách mời ở Viện Hudson, cho biết Tokyo ‘hoan nghênh Mỹ tăng cường sức ép đối với Trung Quốc’ và thái độ không tin tưởng Trung Quốc đã ăn sâu vào giới chức và người dân Nhật.
Ông Nago cũng nói rằng mặc dù quan hệ Trung-Nhật đã cải thiện trong những năm gần đây và Tokyo đang chuẩn bị đón ông Tập Cận Bình sang thăm vào tháng 5 năm 2020, Nhật ‘vẫn chào đón sự cứng rắn của Mỹ trước Trung Quốc và đó là phản ứng tự nhiên của Nhật’.
Ông đưa ra ba lý do để giải thích : môi trường chiến lược không thay đổi, Nhật không tin tưởng Trung Quốc và niềm tin rằng ‘Mỹ sẽ thắng Trung Quốc’.
"Ngay cả khi quan hệ Trung-Nhật đã cải thiện từ năm 2017 nhưng các hoạt động quân sự của Trung Quốc (ở vùng biển Hoa Đông) vẫn không hề thay đổi", ông nói và đưa ra dẫn chứng là tần suất hoạt động của các chiến đấu cơ Trung Quốc đã tăng lên ‘638 lần trong 365 ngày’ trong năm 2018.
Ông cũng dẫn số liệu của một cuộc thăm dò công chúng mới đây của Genron NPO vốn cho thấy ‘kể từ năm 2002, trên 80% người Nhật có thái độ tiêu cực về Trung Quốc’ và một cuộc thăm tương tự của Pew cho kết quả là 85%.
"Tỷ lệ từ 80-90% là điên rồ ở một nước dân chủ", ông nhận định và cho rằng đây là con số cực kỳ cao.
Về cuộc canh tranh chiến lược Mỹ-Trung, ông Nagao cho rằng Nhật không xem đây là ‘khủng hoảng ngắn hạn’ mà là cuộc cạnh tranh dài hạn và trong dài hạn, người Nhật tin rằng ‘Mỹ sẽ thắng’.
Một ví dụ mà nhà nghiên cứu này đưa ra là ‘Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển’ – điều này giúp Mỹ có lợi thế trong cuộc chiến công nghệ cao. Riêng trong cuộc chiến thương mại, hiện nay nước Mỹ vẫn có quy mô kinh tế lớn hơn Trung Quốc. Cuối cùng, trong lĩnh vực quân sự, Mỹ vẫn chi tiêu nhiều cho quốc phòng hơn Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tokyo cũng có những quan ngại trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, ông cho biết. Đó là vì nhiều công ty Nhật đang làm giàu ở thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Do đó, Nhật cần phải tìm cách giảm sự lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh để ‘tránh bị vạ lây’, ông nói.
"Nhiều công ty Nhật đã chuyển hoạt động và công xưởng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hay Nam Á", ông nói thêm.
Ngoài ra, số lượng người Nhật sinh sống và làm việc ở Trung Quốc ‘đã giảm từ 150.000 người vào năm 2012 xuống 124.000 vào năm 2017’. Trái lại, số người Nhật sống ở Mỹ đã tăng từ 210.000 lên 226.000 trong cùng giai đoạn, ông dẫn chứng.
"Nhật ủng hộ chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc và sẽ đứng về phía Mỹ", ông nói.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 03/12/2019