Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/12/2019

Điểm báo Pháp - Iran giẫm lên vết xe đổ của Liên Xô

RFI tiếng Việt

Giáo quyền Iran giẫm lên vết xe đổ của Liên Xô ?

Thượng đỉnh khí hậu COP25 tại Madrid trong tình thế nước đã đến chân. Tuần lễ đấu tranh xã hội tại Pháp với ngày tổng đình công 05/12/2019. Nước Pháp vinh danh 13 quân nhân tử nạn trong chiến dịch chống thánh chiến. Cuộc đọ sức giữa phong trào phản kháng và các chế độ độc tài ở Trung Đông là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay.

iran1

Cảnh sát dùng hơi cay giải tán người biểu tình chống tăng giá xăng tại Tehran, Iran. Nazanin Tabatabaee/WANA

Phản ảnh thời sự nóng bỏng trong tuần, Le Monde chạy tựa lớn : "Nước Pháp huy động các tầng lớp lao động ngày 05/12" chống dự án cải cách luật hưu bổng. Libération, với bức ảnh minh họa một cuộc mít-tinh của công đoàn CGT, đưa hàng tựa ngắn : "Nước Pháp chuẩn bị".Từ chính phủ cho đến mọi ngành lao động sửa soạn cho ngày thứ Năm đen. Les Echos báo động :"Một tuần lễ nguy hiểm cao độ cho tổng thống Macron". Trái lại, Le Figaro khuyến cáo chính phủ phải nói sự thật : gia tăng tuổi lao động hoặc kéo dài thời gian đóng góp.

"Iran : Đế chế chống nhân dân"

Về thời sự quốc tế, trong bối cảnh người dân Trung Đông nổi dậy chống các chế độ tham nhũng, độc đoán, Le Monde đưa độc giả đến Iran với "hơn 160 người chết và 7.000 người bị bắt, phần lớn là sinh viên, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, nhà thơ…". Trong khi đó, nhật báo Le Figaro thiên hữu tố cáo chế độ giáo quyền Iran trong bài bình luận "Đế chế chống lại nhân dân" mà hậu quả khó tránh là sẽ sụp đổ như Liên Xô.

Mượn một câu nói của văn hào Victor Hugo "các đế chế xâm lược chết vì bội thực", tác giả Nicolas Baverez cho là Iran đang ở trong tình trạng này. Bốn mươi năm sau khi lật đổ vương quyền Iran, và lơi dụng sai lầm chiến lược của Mỹ, chế độ giáo quyền Iran trở thành một cường quốc khu vực.

Lợi dụng tình hình khu vực hỗn loạn sau khi Washington can thiệp vào Iraq năm 2003 và sau đó rút quân khỏi Iraq và Syria, Tehran thành công trong việc xây dựng một vùng ảnh hưởng rộng lớn cho hệ phái Shia, trải dài từ Lebanon cho đến Afghanistan. Với hai cánh tay nối dài là Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza, với lực lượng viễn chinh al-Qods giúp cho chế độ Bachar al-Assad sống còn và lực lượng dân quân Shia ở Iraq chống Daesh, Tehran kiểm soát được toàn bộ khu vực.

Chính sách đối đầu của Donald Trump chỉ tạo thuận lợi cho Tehran trong việc củng cố tiềm năng quân sự. Cho đến nay, chiến lược bành trướng của Iran cùng với sự trở lại của Nga trong vùng Trung Đông chỉ gặp một cản lực duy nhất là không lực Israel, thường xuyên tấn công các căn cứ của Iran tại Syria.

Thế nhưng, thế mạnh vũ lực này đụng phải cuộc nổi dậy của nhân dân các nước trong vùng, và ở trong nước Iran, do chế độ giáo quyền bị suy sụp vì khủng hoảng kinh tế và xã hội. Phong trào xuống đường chống độc tài và tham nhũng là sự trả thù của tinh thần dân tộc chống lại giáo quyền Shia. Cuộc nổi dậy tại 15 thành phố Iran hồi trung tuần tháng 11 chống biện pháp tăng giá xăng diễn ra trong bạo lực cao độ như đưa đất nước vào một cuộc nội chiến. Và cũng như trong những năm 2017-2018, cuộc phản kháng không giới hạn trong giới trung lưu mà còn lan rộng, lôi cuốn cả thành phần dân nghèo được xem là "nền tảng" của chế độ.

Theo bước Liên Xô

Lý do thứ nhất làm người dân nổi dậy là sự khủng hoảng của một nền kinh tế hoàn toàn dựa trên xuất khẩu dầu hỏa đang bị Mỹ cấm vận, nhưng phần khác cũng vì bất bình chế độ giáo quyền, chính sách hoang phí tiền bạc và nhân mạng phục vụ cho tham vọng hạt nhân và địa chính trị để bám trụ. Tại Iraq và Lebanon, người dân theo hệ phái Shia, cùng hệ phái với chế độ Iran, là nòng cốt trong các cuộc biểu tình chống tham nhũng và khủng hoảng kinh tế.

Vấn đề là trên các mặt trận này, Iran chủ trương dùng sức mạnh đàn áp tối đa để tái lập trật tự bằng khủng bố.

Theo tác giả, chiến thuật này có thể mang lại kết quả trong nhất thời nhưng chỉ để che giấu những nhược điểm sinh tử của một chế độ tham ô không có khả năng cải cách. Kinh tế kém phát triển, dân chúng kiệt sức, bị xã hội dân sự tẩy chay, sớm muộn gì giáo quyền Iran cũng sẽ tan thành từng mảnh. Được xây dựng bằng máu, đế chế Hồi giáo Iran sẽ bám trụ bằng máu. Về lâu về dài, chủ nghĩa giáo quyền cũng kết thúc như chủ nghĩa cộng sản Liên Xô : sẽ bị dân sẽ xóa sổ như giấy thấm uống mực.

Nước Nga của Putin : Đối tác hay kẻ thù của Châu Âu ?

Tuy chia sẻ chung mối lo ngại nhưng Paris và Berlin theo đuổi hai chiến lược khác nhau đối với Moskva. La Croix giới thiệu bài phân tích của hai chuyên gia Pháp-Đức.

Trước hết, theo chuyên gia Pháp Martin Michelot, nước Nga không phải là kẻ thù nhưng là một mối đe dọa với nhiều hình thức khác nhau. Đúng là về lãnh thổ, các nước Baltic và Đông Âu như Ba Lan, Bulgaria bị Nga đe dọa và NATO có biện pháp đối phó. Trên thực tế, thủ đoạn đáng ngại của Moskva hiện nay là tin tặc, là chiến tranh mạng, là tung tin giả để kích động nước này chống nước kia, chia rẽ và làm dân Châu Âu mất niềm tin vào NATO và các định chế quốc gia.

Trong bối cảnh nước Mỹ của Obama chuyển trục về Châu Á, cho dù Donald Trump có tái đắc cử hay không thì chính sách này cũng không đảo ngược, do vậy an ninh Châu Âu bắt buộc phải có Nga tham gia. Có thể đề nghị này của tổng thống Pháp bị xem là ngây thơ nhưng không thể trách ông ấy đưa ra những sáng kiến mới.

Hơn nữa, chính Berlin cũng không chống lại sáng kiến đối thoại với Moskva.

Quan điểm thứ hai là của chuyên gia Đức Daniela Schwarzer : Nga đe dọa cả Mỹ lẫn Châu Âu. Moskva làm thay đổi biên giới Châu Âu, lấn chiếm Crimée bằng sức mạnh, tiếp tục can thiệp vào Ukraine, vi phạm luật quốc tế. Nga cũng tiếp tục can thiệp vào Châu Âu, tung tin giả tác động công luận trong các cuộc bầu cử.

Tuy vậy, ở Pháp có xu hướng thoát ra khỏi vòng xoáy chiến tranh lạnh. Bởi vì quan hệ với Mỹ không ổn định như trong quá khứ. Trung Quốc có khả năng sẽ liên kết với Nga, nhúng tay nhiều hơn vào bàn cờ thế giới. Do vậy, tổng thống Macron mới tính đến việc cải thiện quan hệ với Nga. Nhưng điều làm Đức "kinh ngạc" là Pháp lại đặt an ninh của Trung Âu và Đông Âu vào hàng thứ yếu, trong khi yếu tố an ninh này lại là "cốt lõi" đối với Berlin.

"Vinh danh người chết, an ủi người sống"

Về thời sự Pháp, tất cả các báo đều đưa lên trang nhất tang lễ 13 quân nhân Pháp tử nạn tại Mali được cử hành vào hôm nay tại điện Invalides.

Với tựa "Vinh danh người chết, an ủi người sống", nhật báo công giáo La Croix đã dành một bài xã luận, kêu gọi "đoàn kết và can đảm" cùng với nhiều trang phóng sự chia sẻ tâm sự của thân nhân của các người lính hy sinh : "Hôm nay, vào lúc nước Pháp tri ân 13 quân nhân hy sinh trong cuộc chiến chống khủng bố tại Mali thì bên kia bờ biển Manche, Anh Quốc khóc thương ba nạn nhân bị khủng bố đâm chết hôm thứ Sáu tại Luân Đôn".

Trong bầu không khí tang tóc này, theo nhật báo công giáo, vũ khí hiệu nghiệm nhất để chống đe dọa khủng bố là lòng can đảm và tinh thần đoàn kết : sự can đảm của người lính, của người cảnh sát, của những người dân đã lao vào chận bắt hung thủ. Và trong tinh thần liên đới xã hội, người cha của một nạn nhân đã trách thủ tướng Anh lợi dụng vụ việc, tuyên bố ồn ào, để kiếm phiếu tranh cử

"Hãy ngưng nói dối"

Trở lại bầu không khí xã hội căng thẳng đang chờ chính phủ Macron trong tuần này, các báo có hai xu hướng : một là đồng ý với tâm trạng lo ngại của người lao động sợ mất thụ đắc hưu bổng, và hai là muốn chính phủ đi tới nhưng phải nói thật không sợ mất lòng.

Đối với Le Monde, công luận ủng hộ phong trào đình công nhưng e ngại không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong một phần tư thế kỷ tới đây nếu không có cải cách quỹ hưu bổng. Trái lại, Les Echos lưu ý là đa số dân chúng biết rõ hệ thống hưu bổng với những thụ đắc hiện nay sẽ không kéo dài, tuy nhiên đa số cũng sợ hệ quả cải cách.

Trong tinh thần này, Le Figaro khuyến cáo chính phủ phải tiến tới nhưng phải nói thật cho dân chúng biết là sẽ làm gì và hệ quả như thế nào. Nhật báo thiên hữu trích tuyên bố của chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher : "Phải ngưng nói dối với dân Pháp". Gián tiếp chỉ trích thái độ thiếu minh bạch của hành pháp là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tổng đình công, chủ tịch Thượng viện yêu cầu chính phủ phải nói ba sự thật, ba giải pháp không còn con đường nào khác : hoặc gia tăng tiền đóng góp hưu bổng, hoặc giảm tiền hưu bổng, hoặc đàm phán về tuổi về hưu.

Về môi trường, Le Monde chạy tựa lớn : "Châu Âu đối diện với trách nhiệm biến đổi khí hậu". 196 nước họp tại thủ đô Tây Ban Nha từ ngày 02 đến 13/12, nhân hội nghị lần thứ năm của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Thế nhưng, 5 năm sau hiệp định Paris, chỉ có quốc đảo Marshall là nộp kế hoạch chống hiệu ứng nhà kính. Châu Âu, với Ủy ban lãnh đạo mới trong đó phe "môi trường" lên điểm, sẽ là một tín hiệu tốt, theo hy vọng của Le Monde.

Sức mạnh thần bí của Mặt Trăng ?

Trong lĩnh vực khoa học, Le Figaro tìm cách trả lời câu hỏi mà hầu như mọi người đều muốn rõ : Mặt Trăng có tác động lên sức khỏe hay không ?

Từ thời đế chế Pharaon, Ai Cập, trăng tròn có tiếng (đồn) là ảnh hưởng lên sức khỏe, nào là làm động kinh, gây mất ngủ. Nhà vật lý vũ trụ Pháp Jean-Jacques Ingremau có câu trả lời lý thú : Đúng, mặt trăng không chỉ hút nước biển mà thôi. Sức hút của mặt trăng tác động lên mọi sinh vật… nhưng rất nhẹ, "nhẹ như con muỗi đậu lên da của bạn". Nói cách khác, "quyền lực" của Mặt Trăng chẳng có tác động gì cả lên sức khỏe. Nếu có là do tín ngưỡng dân gian…

Khảo sát thống kê khai sinh, các nhà khoa học cũng không thấy có sự khác biệt nào giữa đêm trăng trăng rằm và các đêm khác, số trẻ em chào đời và tỉ lệ trai gái cũng bình thường…

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)