Covid-19 : Trung Quốc lo ngại trước một đợt sóng thần ca nhiễm
Thanh Hà, RFI, 14/12/2022
Bộ Y tế Trung Quốc hôm nay 14/12/2022 nhìn nhận "không thể" xác định về con số những ca nhiễm Covid. Thủ đô Bắc Kinh với 22 triệu dân đang phải đối mặt với "một làn sóng dịch" chưa từng thấy kể từ 2019 tới nay. AFP trích dẫn một số nhân chứng, có nơi "90% nhân viên" phải nghỉ việc vì nhiễm bệnh.
Người dân xếp hàng vào một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/12/2022. AP -–Andy Wong
Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên Stéphane Lagarde ghi nhận tâm trạng lo âu của người dân đang chờ đợi tình hình sẽ còn xấu đi thêm trong những ngày sắp tới. Làn sóng dịch có nguy cơ biến thành một "đợt sóng thần" :
"Từ chính sách kiểm soát dịch chúng ta đã chuyển sang giai đoạn điều trị". Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) người đặc trách về dịch Covid, đã tuyên bố như trên trong chuyến thị sát tại một số bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh hôm qua. Bà đã tận mắt trông thấy những hàng người xếp hàng dài trước trung tâm điều trị. Đôi khi một số bệnh nhân có vẻ như bị mất phương hướng với khẩu hiệu ‘hãy tự lo lấy cho sức khỏe của bạn’ được phát đi trên các loa phóng thanh. Do thay đổi đột ngột trong đường lối đối phó với Covid, Trung Quốc giờ đây đang đứng trước một làn sóng dịch đầu tiên và làn sóng này có thể trở thành một trận sóng thần.
Hiện tại không còn đếm xuể số người bị lây nhiễm. Cả thủ đô Bắc Kinh bị tê liệt vì chẳng có ai đi làm. Nhân viên trong các công sở, hàng quán đều nghỉ việc. Hiện tại biến thể Omicron không nguy hiểm như Delta, phần lớn các ca nhiễm chỉ có những triệu chứng nhẹ và hệ thống y tế dường như đang đủ sức chống chọi, nhưng số các bệnh nhân phải nhập viện đang tăng lên. Tân Hoa Xã nói đến 50 trường hợp.
Chính quyền muốn đưa ra các thông điệp để trấn an công luận. Nhưng càng lúc càng có nhiều bác sĩ tiết lộ nhân viên y tế, dù dương tính với Covid, vẫn phải đi làm, tránh để các bệnh viện bị thiếu người phục vụ.
Điều đáng lo hơn nữa là những gì sẽ xảy ra sắp tới khi mà làn sóng dịch lan tới các thành phố khác. Những nơi ấy không có được các trang thiết bị y tế và không được bảo vệ tốt như ở thủ đô Bắc Kinh".
Thanh Hà
***************************
Đụng độ tại biên giới Ấn - Trung : Bề nổi hiềm khích sâu xa giữa hai nước
Thanh Hà, RFI, 14/12/2022
Tranh chấp Ấn Độ-Trung Quốc tại đường biên giới chung chót vót trên đỉnh Himalaya lại bùng lên sau vụ xô xát hôm 09/12/2022. New Delhi và Bắc Kinh cùng trấn an tình hình đã "ổn định" trở lại sau khi cáo buộc đối phương gây hấn. "Sự cố" lần này giữa hai cường quốc nguyên tử sát cạnh nhau để lộ rõ một mối "cạnh tranh khốc liệt" về nhiều mặt. Tại sao xung đột lại diễn ra tại Tawang, bang Arunachal Pradesh và tại sao vào thời điểm này ?
Vụ đụng độ giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới tranh chấp được lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Vụ xô xát lần này làm mọi người liên tưởng đến xung đột đẫm máu hồi tháng 6/2020, tại cao nguyên Galwan, Ladakh, ở độ cao hơn 4.000 mét cũng trên đỉnh Himalaya. Khu vực này nằm sát cạnh vùng Aksai Chin và sát với Tân Cương (Trung Quốc). Khi đó 20 lính Ấn Độ và 4 của Trung Quốc thiệt mạng.
Lần này xung đột xảy ra gần Tawang, bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ. Theo các nguồn tin báo chí, vụ xô xát hồi tuần trước bùng lên trong lúc "khoảng 600 lính Trung Quốc đang tuần tra" dọc theo đường biên giới tạm còn được gọi là Đường Kiểm Soát Thực Tế - LAC. Nhiều binh sĩ của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc "bị thương nhẹ".
Nhà báo Ajay Banerjeee của tờ The Tribune tuy nhiên cho rằng đụng độ lần này "nghiêm trọng hơn" những thông tin mà cả phía Trung Quốc lẫn Ấn Độ cùng muốn đưa ra. Đây không phải là lần đầu tiên thị trấn Tawang là điểm nổ ra xô xát. Bắc Kinh đã "nhiều lần tìm cách kiểm soát" đỉnh núi ở độ cao hơn 5.000 mét tại Tawang bang Arunachal Pradesh. Đợt gần đây nhất là hồi tháng 10/2021.
Phải chăng Bắc Kinh đã "quan tâm trở lại" với bang này ? Từ 1962 Ấn Độ và Trung Quốc đã nhiều lần giao tranh ở đường biên giới chung trước khi đạt được một đồng thuận về một lằn ranh "tạm" LAC. Nhưng New Delhi ghi nhận "trong hai năm gần đây, lính Trung Quốc với số đông, thường xuyên thâm nhập" vào lãnh thổ của Ấn Độ, chủ yếu là qua "khu vực bao quanh bang Arunachal Pradesh". Do vậy chính quyền của thủ tướng Modi càng lúc càng huy động thêm các phương tiện cả về vật chất lẫn nhân sự dọc đường biên giới chung và đặt biệt quan tâm đến điểm nhậy cảm này.
Nhà Trung Quốc học Claude Arpi được The Diplomat (số ngày 13/12/2022) trích dẫn giải thích : Bắc Kinh coi đây là "khu vực phía nam Tây Tạng". Do vậy, việc New Delhi nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Arunachal Pradesh, hay khi nhiều lãnh đạo Ấn Độ, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như là một số chính khách Mỹ viếng thăm bang này, đều bị Trung Quốc xem đó là những hành động "khiêu khích". Tawang cũng là một biểu tượng quan trọng của những người Tây Tạng lưu vong. Đây là nơi có ngôi chùa Tây Tạng lớn thứ nhì trên thế giới chỉ sau điện Potala.
Nhưng không chỉ có thế. Xung đột tại Tawang tuần trước còn là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã gia tăng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Về ngoại giao, đành rằng, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh cùng tránh lên án Moskva xâm chiếm Ukraine nhưng khác với Trung Quốc, Ấn Độ giữ khoảng cách với Nga. Cũng Ấn Độ là đối tác của Mỹ trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và là một trong bốn thành viên của Bộ Tứ QUAD để làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc. Hơn nữa việc New Delhi có những mối quan hệ đặc biệt với cả Washington lẫn Moskva - do Nga là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, rồi New Delhi là một đối tác có trọng lượng đối với từ Nhật Bản đến Châu Âu, hay Úc… cũng đủ khiến Trung Quốc bực mình.
Nhìn đến kinh tế, lần đầu tiên tăng trưởng của Trung Quốc lại thua Ấn Độ. Vào lúc Bắc Kinh lúng túng vì dịch Covid và đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát các hoạt động kinh tế, thì chính quyền của thủ tướng Narendra Modi tranh thủ chiêu dụ giới đầu tư nước ngoài.
Chỉ nội việc tập đoàn Mỹ Apple có kế hoạch di dời cơ sở từ Hoa Lục sang Ấn Độ, biến quê hương của Gandhi thành "địa bàn thứ nhì" của hãng này trên thế giới, cũng đủ khiến Bắc Kinh nổi dóa.
Sau cùng The Diplomat nêu lên yếu tố quân sự có thể giải thích vì sao sự cố giữa lính Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra vào thời điểm này : Ấn Độ vừa hoàn tất cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ Yudh Abhyas mở ra từ ngày 17/11/2022 đến 02/12/2022 tại Auli. Địa điểm này chỉ nằm cách đường biên giới tạm LAC chưa đầy 100 cây số. Trung Quốc mạnh mẽ phản đối cuộc diễn tập nói trên và lên án Ấn Độ vi phạm một thỏa thuận song phương, quy định không bên nào tiến hành tập trận "trên độ cao và trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt".
Xô xát ở đường biên giới Ấn - Trung đầu tháng 12/2022 có thể là một lời cảnh cáo nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào lai vãng đến gần Tây Tạng.
Thanh Hà
***********************
Lính Trung Quốc bỏ chạy khi đang phang nhau với lính biên phòng Ấn Độ
Nguồn : RFA, 14/12/2022
*************************
Xô xát tại vùng Himalaya : Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ
Chi Phương, RFI, 13/12/2022
Sau một vụ xô xát tại vùng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya, xẩy ra vào tuần trước, ngày 13/12/2022, bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc "đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Himalaya". Trong khi đó, Bắc Kinh lại khẳng định tình hình vẫn ổn định tại biên giới giữa hai nước.
Quân đội Ấn Độ (bên trái) đối đầu với binh sĩ Trung Quốc tại đường biên giới tạm thời ở thung lũng Galwan, Karrakoram, Himalaya. Ảnh do truyền hình Trung Quốc công bố 20/02/2021. © AFP
Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tố cáo Trung Quốc xâm lấn tại Đường Kiểm soát thực tế (Line of actual control - LAC) Ấn Độ - Trung Quốc. Cuộc đụng độ xảy ra ngày 09/12 đã khiến một số binh lính của cả hai bên bị thương.
Thông tín viên RFI Sébastien Farcis từ New Delhi cho biết thêm thông tin :
"Theo nguồn tin từ Ấn Độ, xô xát đã xảy ra giữa khoảng 300 binh lính Trung Quốc, được trang bị vũ khí thô sơ với khoảng 50 binh lính Ấn Độ ở khu vực biên giới chung giữa hai nước, thuộc vùng Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, gần với Bhutan. Ấn Độ sau đó đã gửi viện binh đến nơi và đẩy lùi bước tiến của lính Trung Quốc. Vụ việc xảy ra vào ngày 09/12, nhưng mãi đến ngày 12/12 mới được (Bộ quốc phòng Ấn Độ) xác nhận.
Đường biên giới trên dãy núi Himalaya dài hơn 3500 km là tâm điểm tranh cãi của hai bên. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ của vùng Arunachal rộng lớn. Các cuộc tuần tra thường dẫn đến xung đột nhưng lệnh cấm mang súng được đưa ra để tránh leo thang giữa hai cường quốc hạt nhân. Do vậy, hai bên đã dùng gậy gộc, búa rìu thâm chí tay không, để đánh nhau. Kết quả đã có 6 người lính Ấn Độ phải nhập viện, và có tin nhiều lính Trung Quốc cũng đã bị thương.
Đây là vụ xô xát nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ cuộc đụng độ chết người vào tháng 6/2020 ở thung lũng Galwan, tại vùng núi Ladakh, đã khiến 20 lính Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng. Sau vụ đụng độ đó, Bắc Kinh đã chiếm được một phần lãnh thổ của Ấn Độ".
Cũng trong ngày hôm nay, đáp trả lại cáo buộc của New Delhi, Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội nước này đã cản trở lực lượng Ấn Độ vượt Đường kiểm soát Ấn - Trung một cách phi pháp và dẫn đến vụ ẩu đả. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thì khẳng định rằng tình hình tại biên giới giữa hai nước "nhìn chung là ổn định" và cho biết cả hai luôn duy trì đối thoại qua các kênh ngoại giao và quân sự.
Chi Phương
Lại xảy ra xô xát ở biên giới Ấn-Trung (RFI, 16/08/2017)
Giữa quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra xô xát và ném đá vào nhau tại một vùng biên giới ở cao nguyên Kashmir. Thông tin được các nguồn tin chính thức Ấn Độ công bố ngày 16/08/2017, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc nguyên tử từ vài tháng nay.
Ảnh minh họa : Lực lượng biên phòng Ấn Độ. Reuters
Vụ xô xát xảy ra sáng 15/08/2017, đúng ngày lễ độc lập của Ấn Độ, tại một khu vực biên giới trên cao ở Ladakh (cực bắc của Ấn Độ). Trả lời AFP, một quan chức ẩn danh của bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết, một số quân nhân Trung Quốc hai lần tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ tại vùng hồ Pangong, nằm trên độ cao 4.200 mét và bị quân đội Ấn Độ đuổi khỏi khu vực.
Theo ông, "chỉ xảy ra vài xô xát nhỏ. Quân lính Trung Quốc ném đá nhưng tình hình nhanh chóng được kiểm soát". Sau vụ việc này, hai bên quay lại vị trí canh gác của mình.
Còn theo cảnh sát tại Srinagar, bang Jammu và Kashmir, "những sự kiện này thường xảy ra vào mùa hè nhưng lần này kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn, song không sử dụng vũ khí".
Vụ xô xát xảy ra vào lúc quân độ Ấn Độ và Trung Quốc "gườm" nhau từ hai tháng nay tại Doklam (Butan), một điểm chiến lược khác, nằm trên dãy núi Himalaya.
Thu Hằng
********************
Đụng độ Ấn -Trung ở Hy Mã Lạp Sơn (VOA, 16/08/2017)
Các giới chức an ninh Ấn Độ cho hay binh sĩ Ân có tham gia một cuộc đụng độ ném đá với binh sĩ Trung Quốc trong một khu vực tranh chấp trên dãy Hy mã Lạp sơn hôm thứ Tư 16/8.
Đụng độ xảy ra khi binh sĩ Ấn ngăn chặn binh sĩ Trung Quốc đi vào khu vực núi non ở Ladakh trong lãnh thổ Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ.
Đụng độ xảy ra khi binh sĩ Ấn ngăn chặn binh sĩ Trung Quốc đi vào khu vực núi non ở Ladakh trong lãnh thổ Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Cuộc đối đầu kết thúc sau khi hai bên rút lui về vị trí.
Trung Quốc chưa bình luận gì về vụ việc này.
Các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục đối đầu nhau trong cuộc xung đột đã kéo dài hai tháng qua tại một khu đất đang trong vòng tranh chấp giữa Bhutan, đồng minh thân nhất của Ấn Độ, và Trung Quốc. Vụ việc bắt đầu khi quân đội Ấn được triển khai nhằm cản trở một dự án xây đường cao tốc ở Cao nguyên Doklam. Khu vực này còn được gọi là "Cổ gà", và là vùng có tầm chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ.
Một viên chức Ấn Độ nói với BBC rằng ông không thể khẳng định hay phủ nhận nguồn tin của giới truyền thông, nhưng ông nói "đây không phải là lần đầu tiên một chuyện tương tự như thế xảy ra".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chính thức đòi " Ấn Độ phải lập tức và vô điều kiện triệt thoái toàn bộ nhân lực và trang thiết bị ra khỏi đất Trung Quốc", đồng thời khẳng định binh sĩ của họ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc khi đối đầu diễn ra.
Ấn Độ và Bhutan có quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với nhau. New Delhi dẫn các hiệp ước với Bhutan, cho phép binh sĩ Ấn Độ có mặt trong khu vực bất chấp Bắc Kinh lớn tiếng đòi Ấn Độ rút ra khỏi khu vực núi non này.
Vụ việc này được cho là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai khổng lồ châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã từng đối đầu nhau trong một cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1962.
*************
Ấn Độ tự tin vào khả năng chiến đấu chống các thế lực bên ngoài (Dân Trí, 15/08/2017)
Ấn Độ đủ khả năng phòng vệ trước bất cứ mối đe doạ nào. Đây là lời khẳng định được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày độc lập Cộng hoà Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu nhân ngày Quốc khánh Ấn Độ 15/8 (Ảnh : AFP)
Trong bài diễn văn đọc nhân sự kiện kỷ niệm ở thủ đô New Delhi ngày 15/8, Thủ tướng Modi đã khẳng định rằng an ninh là ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay.
"Dù là ở trên biển hay ở khu vực biên giới, trong không gian hay lĩnh vực mạng, Ấn Độ đủ khả năng phòng vệ trước tất cả các mối đe doạ và chúng ta đủ mạnh mẽ để vượt qua những thế lực đang tìm cách chống lại đất nước chúng ta", ông Modi tuyên bố.
Dù không còn nêu đích danh những mối đe doạ tới an ninh của Ấn Độ như trong các bài phát biểu nhân ngày Độc lập giống các năm trước, song bài phát biểu của Modi được xem là một thông điệp cứng rắn mà New Delhi muốn gửi đi với thế giới. Hiện Ấn Độ đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và căng thẳng giữa 2 nước đã leo thang gần đây, trong khi mối quan hệ giữa Ấn Độ với Pakistan vẫn chưa được cải thiện trong những năm qua.
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Modi cho biết mối quan ngại về an ninh quốc gia là một vấn đề tự nhiên liên quan tới quá trình giành độc lập của Ấn Độ. Ông tin rằng các lực lượng an ninh của Ấn Độ luôn đủ khả năng để thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào, dù đó là các nhiệm vụ chống khủng bố hay bảo vệ lãnh thổ.
Ngoài ra, Thủ tướng Modi cũng nhắc tới cuộc tấn công nhằm vào những nhóm phiến quân ở Pakistan hồi tháng 9 năm ngoái. Đây là động thái đáp trả của New Delhi sau khi các phiến quân tấn công một căn cứ quân đội của Ấn Độ ở khu vực biên giới Kashmir, làm 18 binh sĩ thiệt mạng. Thủ tướng Modi nói : "Các cuộc tấn công đã được triển khai hồi năm ngoái. Từ đó, thế giới biết được rõ về sức mạnh mà quân đội Ấn Độ đang sở hữu".
Bên cạnh các vấn đề về an ninh, bài phát biểu của Thủ tướng Modi cũng tập trung vào các biện pháp chống tham nhũng và cải cách kinh tế. Người đứng đầu chính phủ Ấn Độ cho biết quyết định đổi tiền hồi năm ngoái đã giúp mang lại 46 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng hợp pháp. Hơn 300.000 "công ty ma" được hỗ trợ tài chính mờ ám đã bị phát hiện trong các đợt kiểm tra, trong khi giấy phép hoạt động của khoảng 100.000 công ty có vấn đề đã bị huỷ.
Theo Thủ tướng Modi, 1,8 triệu người đã kê khai tài sản không chính xác, trong đó có khoảng 450.000 người thừa nhận đã mắc sai sót. Thủ tướng Modi khẳng định : "Chúng ta có thể ăn mừng vì thành tích này. Tham nhũng sẽ không còn chốn dung thân tại Ấn Độ".
Ngọc Anh
Theo AFP
************************
Trung Quốc và Ấn Độ ngầm chuẩn bị cho một 'cuộc chiến tranh toàn diện' ? (Tin Tức, 15/08/2017)
Theo giới quan sát, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang chuẩn bị trước nguy cơ xung đột vũ trang trong trường hợp các nỗ lực đạt được một nghị quyết hòa bình về tranh chấp biên giới trên Cao nguyên Doklam gặp thất bại.
Binh lính Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc tham gia diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9/2015.
Tờ Indian Express ngày 11/8 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley phát biểu trước Quốc hội rằng lực lượng vũ trang trong nước đã "chuẩn bị sẵn sàng" đón nhận bất kỳ tình huống đối đầu nào xảy ra.
Trong khi đó, các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng Quân Giải phóng Nhân Dân (PLA) cũng nhận biết được nguy cơ xảy ra chiến tranh, song sẽ tìm cách hạn chế để biến bất kỳ mâu thuẫn nào thành các cuộc chạm trán nhỏ, giống như những gì xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir.
Một nguồn tin nội bộ giấu tên tiết lộ cho tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng : "Quân đội PLA sẽ không sớm gây chiến với lực lượng bộ binh Ấn Độ. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ triển khai máy bay và tên lửa chiến lược để làm ‘tê liệt’ các đơn vị đóng quân trên dãy núi Himalayas sát biên giới Trung Quốc".
Một nguồn tin quân sự khác cho biết các tướng lĩnh và binh sĩ đến từ Chiến khu Tây bộ được thông báo phải chuẩn bị cho cuộc chiến với Ấn Độ do khủng hoảng Doklam.
Cả hai nguồn tin khẳng định quân đội Trung Quốc tin rằng bất kỳ mối xung đột nào cũng sẽ được kiểm soát, và sẽ không lan rộng ra các khu vực tranh chấp khác dọc suốt biên giới kéo dài 2.000 km giữa hai quốc gia Châu Á này.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ cảnh báo một khi phát đạn đầu tiên được bắn, cuộc xung đột có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện. Điều đó có thể dẫn đến việc New Delhi phong tỏa giao thông hàng hải Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
"Bất kỳ sự mạo hiểm quân sự nào của Trung Quốc sẽ nhận được đòn đáp trả tương ứng từ quân đội Ấn Độ. Chắc chắn nó sẽ gây bất lợi cho cả hai nước, nhưng nếu Bắc Kinh làm cuộc xung đột leo thang, nó sẽ trở nên không có giới hạn, mở rộng ra chiến tranh trên biển", Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy – nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á trường Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Nhà phân tích quốc phòng Rajeswari Rajagopalan đến từ Hiệp hội Nghiên cứu của các Giám sát viên tại New Delhi cho biết "trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, chắc chắn hải quân Ấn Độ sẽ ngăn chặn hải quân Trung Quốc tiến vào vùng Vịnh Bengal hay Ấn Độ Dương".
Hiện Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, và theo con số thống kê được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu được vận chuyển qua Ấn Độ Dương hoặc Eo biển Malacca.
Lễ hạ thủy tàu ngầm đầu tiên của Ấn Độ Scorpene.
Chuyên gia hải quân Li Jie, đang làm việc tại Bắc Kinh, nhận xét trong năm 2010, Ấn Độ đã xây dựng một căn cứ hải quân tại quần đảo Andaman và Nicobar, gần sát với Eo biển Malacca được mệnh danh là eo biển hẹp nhất thế giới với chiều rộng 1,7 km.
"Kể từ năm 2010, Ấn Độ cũng nâng cấp hai bãi đáp máy bay trên đảo để phục vụ các máy bay chiến đấu và do thám. Tất cả những động thái này đều mở đường cho Ấn Độ phục vụ mục đích bao vây các tàu thương mại và quân sự của Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương trong trường hợp xung đột xảy ra", ông Li Jie giải thích.
Tháng 7 vừa qua, Ấn Độ cùng Mỹ và Nhật Bản đã hoàn thành cuộc tập trận hải quân Malabar 2017 kéo dài 10 ngày trên Vịnh Bengal. Cũng trong thời điểm đó, Mỹ cũng chấp thuận một hợp đồng bán máy bay vận tải quân sự trị giá lên tới 365 triệu USD và một hợp đồng khác 2 tỷ USD cung cấp máy bay không người lái do thám cho Ấn Độ.
Tính đến hiện tại, Hải quân Ấn Độ có 8 máy bay tuần tra săn tàu ngầm Boeing P-8A Poseidon trên Ấn Độ Dương. Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong đang làm việc tại Macau nhận định : "Nếu như chiến tranh biên giới mở rộng ra biển, sẽ rất khó khăn cho PLA đánh bại hải quân Ấn Độ. Năng lực của họ mạnh hơn rất nhiều sau khi mua được đội săn tàu ngầm P-8A Poseidon".
Hồng Hạnh