Khủng hoảng y tế, khủng hoảng địa chính trị là hai chủ đề chính của các tạp chí cuối tuần. Trời sắp lạnh, liệu Covid-19 bùng phát mạnh song song với dịch cúm hàng năm ? Giới y tế theo dõi diễn biến của siêu vi ở nam bán cầu trước khi bắc bán cầu vào đông. Chiến tranh vùng Thượng Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ mới là yếu tố đáng ngại.
Le Courrier International phân tích chi li những tập hồ sơ dầy cộm, đưa đến độc giả những câu trả lời chính xác nhất, những điều còn mơ hồ và những ẩn số chưa có giải đáp sau 10 tháng nhân loại sống chung với siêu vi corona tính từ khi Vũ Hán báo động.
Đây là hồ sơ thứ hai của Courrier International, sau số báo đặc biệt hồi tháng 05/2020, tổng kết kiến thức của y khoa về siêu vi gây đại dịch Covid-19. Nguy cơ phải sống chung với dịch còn dài. Tuy đạt nhiều tiến bộ trong các công trình nghiên cứu siêu vi, biết cách siêu vi lây nhiễm và xét nghiệm truy tìm, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm, siêu vi còn giấu nhiều sự thật. Vào lúc bắc bán cầu sắp qua mùa đông, câu hỏi then chốt là liệu SARS-Cov-2 có thích nghi với thời tiết như siêu vi cúm lây lan qua đường khí quản, trở lại mỗi năm khi trời băng giá ?
Vấn đề là ngay trong giới khoa học cũng không đồng ý với nhau. "Người cho là siêu vi sẽ lây nhiễm dễ dàng hơn, kẻ thì nói ngược lại". Tuần báo Le Temps của Thụy Sĩ trích nguyên văn câu trả lời của bà Valéria Cagno, chuyên gia siêu vi trùng học, đại học Genève để minh họa : "Không thể xác quyết là mùa đông sẽ ảnh hưởng như thế nào trên virus corona chủng mới". Nhưng có một thực tế là SARS-Cov-2 không theo mùa như siêu vi cúm vì Covid-19 vẫn hoành hành ở Tây Ban Nha, ở miền nam nước Pháp, trong mùa hè. Một báo cáo của Trung Quốc hồi tháng 05/2020 lại cho rằng nhiệt độ lý tưởng cho siêu vi truyền nhiễm là 6,3°C. Thẩm định này không dựa trên cơ sở vững chắc do không thể biết bệnh nhân bị lây lúc nào, ở đâu để có thể liên kết nhân quả với thời tiết.
Hai thông số khác cũng ảnh hưởng lên tỷ lệ lây lan rất khó liên kết hoạt động của siêu vi với thời tiết lạnh : một là mùa đông, ít mặt trời, cơ thể giảm sinh tố D và do vậy bị giảm khả năng miễn dịch nên dễ bị bệnh truyền nhiễm. Trời mùa đông lạnh nên ai cũng thích sinh hoạt trong nhà do vậy siêu vi dễ dàng ở từ người này truyền qua người kia.
Nếu quan sát vùng nam bán cầu vừa ra khỏi mùa đông, Argentina, Chile và Úc bị thiệt hại khá nặng về nhân mạng do cúm mùa đông. Nhưng Úc ít ca lây nhiễm hơn hết và cũng giảm nhiều so với năm trước : 21.000 thay vì 247.000. Nhưng ở đây phải đặt thêm câu hỏi : Phải chăng yếu tố vệ sinh dịch tể áp dụng ở mỗi nước đưa đến kết quả khác nhau và không thể quy cho thời tiết ?
Nói tóm lại, trong lúc chưa có vắc-xin hiệu nghiệm, cách tốt nhất để phòng bệnh là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong lúc giao tế. Bởi vì điều mà chúng ta có thể xác quyết là những giọt bài tiết li ti từ trong phổi thải ra là "vec-tơ" chuyên chở siêu vi. Đeo khẩu trang là bảo vệ mình và bảo vệ cho người khác.
Chân lý duy nhất sau 10 tháng sống chung với Covid-19 : Trong bối cảnh bi quan phải còn sống chung với dịch dài dài, Courrier International thấy có một lý do để hy vọng. Đó là "nhờ" đại dịch mà giới khoa học gia trên thế giới chia sẻ kết quả nghiên cứu. Tuy chưa đầy đủ nhưng rất có thể đây là bước đầu của một nền khoa học mở, chia sẻ dữ liệu, truy cập thông tin miễn phí.
Trong thời đại tràn ngập những thuyết âm mưu, bước đột phá này không làm hại ai cả.
Không đầy một tháng là đến bầu cử tổng thống Mỹ, vụ siêu vi lây nhiễm cho Donald Trump đưa siêu cường Hoa Kỳ vào bất trắc . Nhận định của L’Express.
Trong bài "Diễn biến khó tin", tuần báo Pháp cho là không một nhà viết kịch bản phim nào có thể tưởng tượng ra được những biễn biến bất ngờ trên chính trường Mỹ. Tổng thống Donald Trump, phu nhân Melania, cố vấn đặt biệt Hope Hicks và khoảng 15 nhân vật quan trọng khác kể cả phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany và một số Thượng nghị sĩ bị lây nhiễm SARS-Cov-2. Sau buổi lễ chúc mừng thẩm phán Amy Coney Barrett được đề cử vào Tối cao Pháp Viên, không ai đeo khẩu trang, phủ tổng thống Mỹ biến thành ổ dịch.
Bản thân Donald Trump lo lắng sợ phải "đi theo" một người bạn thân là Stan Chera, từ trần vì Covid-19 hồi tháng 04.
Diễn biến tiếp theo cũng đáng lo ngại không kém. Nhà Trắng thiếu minh bạch trong cách thông tin về sức khỏe của tổng thống trong khi Donald Trump lên trực thăng vào bệnh viện quân y, uống một loạt thuốc còn trong giai đoạn thử nghiệm. Bốn hôm sau, chủ nhân Nhà Trắng trở về văn phòng bầu dục trong vẻ đắc thắng.
Đối với sử gia Françoise Coste, tác giả quyển sách "Reagan", thái độ thiếu minh bạch của Nhà Trắng về tình trạng sức khỏe của tổng thống là vấn đề nghiêm trọng và làm suy yếu nguyên tắc "liên tục của Nhà nước" theo nghĩa một ngày cũng không được thiếu người lãnh đạo, nhất là quốc gia đó là siêu cường thế giới. Do vậy, mọi cặp mắt đều nhìn về phó tổng thống Mike Pence. Vấn đề là nguyên tắc bảo vệ sức khỏe nhân vật số hai cũng không được tôn trọng cho dù rất giản dị. Ngay trong lúc bình thường, đừng nói chi lúc bị đại dịch, tổng thống và phó tổng thống hiếm khi có mặt cùng lúc trong một văn phòng. Nếu cả hai lâm bệnh cùng lúc, nước Mỹ sẽ lâm vào tình trạng không có lãnh đạo hành pháp.
Theo L’Express, những ngày tới, chiến dịch tranh cử có thể đem lại nhiều bất ngờ khác nữa. Donald Trump, với chiến lược tránh đề cập đến Covid-19 bằng mọi giá để định hướng công luận chú ý các hồ sơ khác, cảm thấy mưu tính của ông bị sụp đổ, theo giáo sư chính trị Ray La Raja, đại học Massachusetts. Donald Trump từ nay tự cho mình là người thoát chết. Joe Biden cũng phải thích nghi với tình huống mới. Tình huống điên cuồng vượt mọi dự kiến.
Chính phủ Pháp và các nhà khoa học Pháp có làm tròn nhiệm vụ của mình không. Le Point điều tra về cung cách quản lý chống dịch của ba nhân vật lãnh đạo.
"Địa cầu báo động đỏ. Chúng ta hãy ngưng những sai lầm", tựa trên trang bìa của L’Express giới thiệu một bài phỏng vấn dài giáo sư Eric Caume, chuyên gia về nhiễm trùng học. Vị giáo sư đại học y khoa Paris chỉ trích không chừa một ai, từ chính phủ, hội đồng khoa kọc, cũng như những người tuyên bố lạc quan là đại dịch đã qua rồi như bác sĩ Didier Raoult ở Marseille. Tất cả chúng ta, ông nói, đã chạy theo sau siêu vi thay vì có biện pháp ngăn chận trước. Mất bò mới lo làm chuồng.
Chưa kể chuyện quyết định sai : Vào đầu, chính quyền quy cho quán ba, nhà hàng, tụ điểm giải trí là nơi truyền nhiễm siêu vi nhưng không nghĩ đến các giảng đường đại học chật cứng sinh viên hay trong khuôn viên bệnh viện, xí nghiệp để truy tìm ổ dịch ở những nơi này…
Đó là chính phủ. Còn các nhà khoa học cũng có lỗi không kém. Giáo sư Eric Caume nhắc lại một câu nói của Khổng Tử "Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, như thế mới là biết". Phần đông các vị chuyên gia, khi bị ký giả đặt câu hỏi đã bình luận ra ngoài lãnh vực chuyên môn của mình. Như bác sĩ Didier Raoult, người gây nhiều tranh cãi, là một giáo sư sinh hóa phân tử giỏi nhưng không phải là một chuyên gia về mô hình thử nghiệm thuốc mới. Thế mà ông lại cỗ vũ cho việc dùng thuốc sốt rét trị Covid-19.
Nói chung, những người có thẩm quyền đã sai sót trong trách nhiệm nên gây ra khủng hoảng niềm tin. Trước câu hỏi liệu chúng ta có thể thắng được dịch hay không ? Giáo sư Eric Caume cho rằng trước mắt phải ngăn chận không để siêu vi lan nhanh quá, để cho dân chúng có thời gian miễn nhiễm và tránh cho guồng máy y tế không bị tràn ngập, không để số tử vong bùng lên, và hy vọng một loại vắc-xin hiệu nghiệm được nhanh chóng hoàn chỉnh.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, người đứng mũi chịu sào ngăn dịch khó mà yên tâm. Le Point, trong loạt bài "liệu họ có xứng tầm hay không" trích nhận định của Thượng nghị sĩ đối lập Bernard Jomier : "Olivier Véran là một bộ trưởng giỏi. Có điều bộ máy hành chánh không theo".
Trong cơn đại dịch này, các nền kinh tế đang vực dậy trả giá rất đắt. Liệu có giải pháp nào, liều thuốc nào để khắc phục. "Bước nhảy ra phía sau" là tựa bài xã luận của Le Point.
Suy thoái lịch sử : Hoạt động kinh tế Ấn Độ giảm 12,5%, Brazil giảm 6,5%, Mexico 10,2%, Argentina 11,2%. Những nước từng được xem là đại chiến thắng trong thời toàn cầu hóa kinh tế.
Thế nhưng, giờ đây, ngoài Hoa Kỳ, các nước đang vươn lên là bị đại dịch tác hại nhiều nhất : 6,4 triệu ca bị lây, 100.000 tử vong tại Ấn Độ. 4,8 triệu bệnh nhân và 145.000 người chểt tại Brazil…
Vấn đề là cái khó bó cái khôn. Theo Le Point, các nước kể trên không đủ tiềm năng kinh tế để phục hồi sinh lực như các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ hay Châu Âu. Để có thể cắt đứt vòng xoáy nghèo khó và bạo lực, không thể dẹp bỏ toàn cầu hóa, trở lại với xu hướng sống chết mặc bay. Trái lại phải tiếp tục con đường thương mại tự do nhưng phải điều chỉnh hợp lý cho cả nước nghèo lẫn nước giàu.
Chiến tranh vùng Thượng Karabakh, đề tài nóng thứ hai trên các tạp chí. Courrier International giới thiệu quan điểm, có cơ sở, của một nhật báo Nga : tất cả đều chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Expert từ Moskva, nhìn từ quan điểm của các nhà lãnh đạo quốc tế, Azerbaijan và Armenia không phải là hai tác nhân chính của cuộc chiến tại Thượng Karabakh. Bởi vì Washington, Moskva và Liên Hiệp Châu Âu xem xung đột tại vùng nam Kavkaz có yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, Azerbaijan chỉ huy động có một phần nhỏ binh lực, chưa sử dụng hỏa lực áp đảo để xuyên thủng các phòng tuyến của Armenia. Có lẽ, Baku đang áp dụng chiến thuật của Ankara khi can thiệp đánh người Kurdistan ở miền bắc Syria và Iraq. Trước hết là làm đối phương tiêu hao lực lượng và vũ khí ít oi với những trận đánh không có kết quả quyết định. Đến lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ mới huy động đại binh với vũ khí mạnh để tiêu diệt đối phương.
Phản ứng của quốc tế không chậm chút nào. Ba đồng chủ tịch nhóm trung gian hòa giải Minsk gồm Nga, Mỹ, Châu Âu trong Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đã tức tốc ra thông cáo lên án chiến sự. Tuy nhiên, chưa một tổ chức quốc tế nào lên án đích danh một phe gây chiến. Chỉ có tổng thống Pháp là người đầu tiên nói đến thông tin "có lực lượng thánh chiến Syria chiến đấu bên cạnh Azerbaijan". Nếu tin này được chính thức công nhận thì tình hình sẽ thay đổi. Iran biết đâu sẽ đóng vai trò năng nỗ hơn. Báo Nga giải thích : Khi Azerbaijan sử dụng thiết bị không người lái của Israel trong cuộc chiến thì điều đó chứng tỏ Baku (Hồi giáo) không thật là bạn của Tehran.
Tuần báo Pháp Le Point cùng nhận định : Tổng thống Erdogan lợi dụng xung khắc Armenia và Azerbaijan để củng cố quyền lực chính trị. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để ngăn chặn nhà lãnh đạo ôm giấc mơ tái tạo thời vàng son đế chế Ottoman đi quá xa ?
Theo các nhà bình luận trên Le Point, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Edogan chỉ lợi dụng cuộc chiến Azerbaijan-Armenia để củng cố quyền lực. Bởi vì, chất keo kết gắn nhà nước Thổ là dân tộc chủ nhĩa chứ không phải đạo Hồi. Erdogan bóp méo lịch sử để phục vụ tham vọng chính trị là một chiến thuật được thi hành từ nhiều năm nay. Nhưng liệu có cách nào ngăn chặn Erdogan đe dọa an ninh khu vực ?
Triết gia dấn thân Bernard-Henri Lévy đưa ra chiến thuật ba bước :
- Phải đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Tuy là thành viên NATO nhưng Ankara chơi nước đôi, liên hệ với hai nhóm khác do Trung Quốc và Nga thành lập. Sử dụng phi cơ F16 của Mỹ nhưng mua tên lửa phòng không của Nga. Bạn của Châu Âu nhưng thảm sát chiến binh Kurdistan, đồng minh của Châu Âu ?
- Bước thứ hai là cô lập Qatar, nhà tài trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và phá hoại an ninh Ai Cập, phá thỏa thuận Israel- Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
- Và thứ ba là phải cảnh báo Erdogan, Châu Âu không phải là mảnh đất để chinh phạt như thời Soliman, Mehmed II và Enver Bacha. Một là anh tôn trọng chúng tôi, hai là anh đi chỗ khác. Không nên để chó sói thọc một chân vào cửa của ngôi nhà Châu Âu, Bernard- Henri Lévy kết luận.
Tú Anh
Hai quả bom xăng, một màu xanh, một màu vàng, được quấn trong một chiếc khăn và đựng trong ba lô. Đeo găng tay xây dựng và mặt nạ Guy Fawkes, những người biểu tình treo chúng trên lan can, giống như những người pha chế rượu trong quán bar. Sau đó, gạch được chuyển đến, chất đống trên một chiếc xe đẩy và được dấu dưới những chiếc ô. Người biểu tình dành mấy phút ném gạch đá và những lời lăng mạ xuống cầu thang của một lối ra tàu điện ngầm, hướng về phía cảnh sát chống bạo động bên dưới. Một ngọn lửa bùng lên khiến cảnh tượng thêm phần kịch tính, đủ để kích thích một phản ứng từ phía cảnh sát : một hộp hơi cay được bắn lên cầu thang. Người biểu tình tản ra, và một hàng cảnh sát tiến lên đằng sau những tấm khiên, vừa đi bắn bắn đạn hơi cay.
Từng nổi tiếng là một thành phố tiến bộ, Hồng Kông giờ đây được biết đến như một thành phố của các cuộc biểu tình. Gạch, bom xăng và hơi cay đã được ném xuống những khu bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Cuộc đụng độ được mô tả ở trên diễn ra trước một cửa hàng trưng bày của Bulgaria và một chi nhánh của Prada. Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả những người trong chính quyền Hồng Kông, cho rằng nguyên nhân cơ bản của các cuộc biểu tình ở thành phố này là sự bất bình về kinh tế, đặc biệt là giá nhà đắt đỏ, tiền lương trì trệ và sự hiện diện phổ biến đến ngột ngạt của các tập đoàn có vai trò thống trị.
Thành phố này chắc chắn là nơi tồn tại sự bất bình đẳng thu nhập lớn. Những chiếc đồng hồ được trưng bày ở cửa hàng của Bulgaria có giá cao hơn lương tháng của hầu hết cư dân ở đây. Và những chiếc xe đẩy chở gạch đá của người biểu tình thường được dùng để chở bìa cứng tái chế được thu lượm bởi những phụ nữa nghèo lớn tuổi, còng lưng đẩy xe. Giá bất động sản cao một cách phi lý. Một cặp vợ chồng gần đây đã bán một chỗ đậu xe trong một khu chung cư cao cấp với giá 760.000 đô la, tương đương với chi phí để mua hơn 14.000 vé đậu xe.
Nếu kinh tế là động lực cơ bản cho tình trạng bất ổn của Hong Kong, thì có thể có giải pháp làm hài lòng cả người biểu tình lẫn các quan chức ở Bắc Kinh. Một chương trình xây dựng nhà ở cấp tốc và thuế theo cấu trúc lũy tiến hơn sẽ làm giảm bất bình đẳng ở Hồng Kông mà không làm Trung Quốc bất an : rốt cuộc, biện pháp đó sẽ làm cho Hồng Kông trông giống như đại lục hơn. Các nhà lập pháp thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã ủng hộ các đề xuất mua tới 700 ha đất từ các nhà phát triển bất động sản tư nhân cho dù họ có muốn bán hay không.
Tương tự, nhiều nhà phân tích đề xuất một giải pháp kiểu Singapore cho các vấn đề của Hồng Kông. Singapore sớm nhận ra rằng việc nhiều người dân được sở hữu nhà ở là yếu tố cần thiết cho sự ổn định xã hội. Hơn 80% dân số sống trong các căn hộ được xây dựng bởi các cơ quan chính phủ, được bán với giá trợ cấp. Phang Sock-Yong thuộc Đại học Quản lý Singapore nói rằng, nếu nói đến nhà ở, Singapore gần giống với "xã hội lý tưởng" được hình dung bởi Thomas Guletty trong cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông. Nửa dưới dân số Singapore được sở hữu một phần tư số nhà ở của quốc gia này.
Nhưng bất bình đẳng thu nhập và nhà ở đắt đỏ là những vấn đề lâu nay ở Hồng Kông. Nhưng chúng đã không gây ra tình trạng bất ổn trong quá khứ. Vậy tại sao lại bây giờ ? Và nếu những bất bình về kinh tế đang thúc đẩy những người biểu tình, thì họ lại đang im lặng một cách đáng kinh ngạc về động cơ thực sự đó của họ. Họ thường phàn nàn về sự tàn bạo của cảnh sát và sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông trước đề cập đến tình trạng việc làm hoặc bất bình đẳng thu nhập. "Chúng tôi nhìn thấy những góc tối của chính phủ", theo lời một người biểu tình tại Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK) vốn đang tức giận vì vụ bắn chết một sinh viên trường đào tạo nghề vào ngày 11 tháng 11. Francis Lee đến từ CUHK và các đồng nghiệp đã khảo sát hàng ngàn người biểu tình trong ba tháng đầu biểu tình. Hơn một nửa trong số đó tự nhận mình là tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu và khoảng 75% có trình độ đại học.
Trung Quốc sẽ không bao giờ dám thừa nhận tình hình ở Hồng Kông có sự tương đồng với Đài Loan. Tiền lương ở Đài Loan đã bị đình trệ trong hai thập niên qua. Đài Bắc cũng là một trong những nơi có giá nhà ở đắt đỏ nhất Châu Á. Nhưng một trong những cơn địa chấn chính trị lớn nhất ở Đài Loan trong những năm gần đây chính là cuộc biểu tình của phong trào "Hoa hướng dương" hồi năm 2014 của các sinh viên phản đối các mối quan hệ thương mại gần gũi hơn với Trung Quốc. Cuộc đấu tranh được cho là gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của chính họ. Nhưng nó vừa phản ánh vừa thúc đẩy bản sắc quốc gia khác biệt của Đài Loan.
Trong khi nền kinh tế Hồng Kông không phải là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn ở thành phố này, nó lại là nạn nhân tiêu biểu nhất của tình trạng bất ổn đó. Ban đầu, người biểu tình phá hoại các công ty không đồng cảm với mục đích của họ. Gần đây, hoạt động phá hoại đã trở nên ít phân biệt hơn. "Chúng tôi muốn tạo áp lực cho chính phủ về mặt kinh tế", một sinh viên nói. Từ một cây cầu bị chặn ở CUHK, anh và những người biểu tình khác đang canh giữ một rào chắn làm bằng những thân cây bật gốc, lan can tháo ốc và tháp nhựa phân làn giao thông, tất cả nằm ngổn ngang trên một con đường bận rộn bên dưới.
Tệ hơn cả những thiệt hại vật chất chính là những tác động tâm lý, gây ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Doanh số bán lẻ đã giảm hơn một phần năm trong tháng 9 và số lượng khách đến Hồng Kông giảm hơn một phần ba. Các nhà hàng và quán bar đã phải chịu sự sụt giảm doanh thu lớn nhất kể từ khi dịch SARS bùng nổ năm 2003.
Nếu các cuộc biểu tình lắng xuống, đống đổ nát có thể nhanh chóng được sửa chữa : Hồng Kông đã di dời các chướng ngại vật thậm chí còn hiệu quả hơn những người biểu tình dựng chúng lên. Nhưng tác hại tâm lý có thể kéo dài. Người đại lục, vốn chiếm hơn ba phần tư khách du lịch đến Hồng Kông, có thể sẽ không muốn chi tiêu thoải mái ở một thành phố nơi khiến họ cảm thấy không được chào đón. Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn giữ được vị thế là một trung tâm tài chính. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và hệ thống ngân hàng của thành phố lớn hơn nhiều lần GDP của nó và vẫn khá tách biệt với nền kinh tế địa phương. Các công ty đại lục chiếm 70% lượng trái phiếu phát hành và 55% chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán.
Vai trò của thành phố này như là một ống dẫn tài chính nối giữa Trung Quốc và thế giới phụ thuộc vào một cơ sở hạ tầng pháp lý và chính sách riêng biệt vốn không thể bị phá hoại hoặc ngăn chặn. Ngay cả khi các cuộc biểu tình nổ ra, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, đã huy động được hơn 11 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, con số lớn nhất kể từ năm 2010. Chỉ số chứng khoán Hang Seng cho thấy sự nhạy cảm với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ hơn là với các bất ổn địa phương. Và nếu xét mức tăng đột biến 280% về thanh toán thuế chuyển nhượng bất động sản trong tháng 10, có thể thấy người nước ngoài vẫn có thể tự tin thu gom bất động sản Hồng Kông khi giá giảm nhẹ. Có lẽ họ nhớ đến trường hợp của Li Ka-shing, một trong những người giàu nhất Châu Á, người đã kiếm được một gia tài lớn ở Hồng Kông bằng cách mua bất động sản trong thời kỳ hỗn loạn và bạo lực cánh tả tại thành phố này hồi thập niên 1960.
Đối với những chuyên gia làm việc trong môi trường đa quốc gia, sự ổn định của Singapore hiện có vẻ hấp dẫn, nhất là nếu xét những rủi ro từ việc đi lại khó khăn và các trường học đóng cửa ở Hồng Kông. Nhưng trong vai trò các trung tâm tài chính, hai thành phố này ít giống nhau hơn so với vẻ bề ngoài. Tại Hồng Kông, "chúng tôi đến Trung Quốc và cạnh tranh", theo lời một nhà môi giới người Singapore đã chuyển đến thành phố này nhiều năm trước. Anh nói thêm rằng ở Singapore, "người ta chờ Trung Quốc đến với họ", tự tin rằng Singapore có thể là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á. Ông ví các chuyên gia tài chính Singapore là những người chăn cừu bảo vệ bầy cừu của mình, trong khi các chuyên gia tài chính Hồng Kông giống như những tay thợ săn chuyên chủ động săn lùng các thương vụ mới.
Người biểu tình đã cố gắng khai thác địa vị đặc biệt của Hồng Kông để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Bằng cách kêu gọi quốc tế, họ đã khiến Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao đánh giá hằng năm liệu Hồng Kông có đủ mức độ tự trị để được hưởng các ưu đãi riêng biệt theo luật hải quan, thuế và thương mại của Mỹ hay không. Đối diện với các hàng rào ở Đại học Trung văn Hồng Kông có treo bức chân dung của một vị anh hùng bất đắc dĩ của họ : Mitch McConnell, nhà lãnh đạo phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ.
Điều trớ trêu là, theo nhiều cách, Hồng Kông dường như ngày càng cách xa đại lục. Nhiều người ở Trung Quốc không thể hiểu tại sao thành phố này lại bất mãn đến vậy khi họ được hưởng nhiều đặc quyền hơn so với đại lục.
Nhưng tham vọng chính trị của Hồng Kông chính là một sản phẩm phụ tự nhiên xuất phát từ sự thịnh vượng của nó. Mặc dù vẫn được hưởng nhiều tự do hơn nhiều so với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng Hồng Kông vẫn được hưởng ít quyền chính trị hơn so với những gì mà một xã hội giàu có và phát triển như nó thường được hưởng. Chỉ các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ mới có tình trạng thu nhập đầu người cao đi kèm với mức điểm thấp về Chỉ số Dân chủ được công bố bởi The Economist Intelligence Unit (EIU), một công ty con thuộc tập đoàn The Economist. Mặc dù các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện đang đe dọa sự phát triển của nó, nhưng chúng cũng là hệ quả đến từ chính sự phát triển của thành phố này.
The Economist
Nguyên tác : "Social unrest in places like Hong Kong is not proof of economic failure", The Economist, 05/12/2019.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/12/2019
Bị xâm chiếm đất đai, dân Thủy Nguyên kéo lên thành phố Hải Phòng biểu tình (CaliToday, 22/05/2018)
Người dân Bến Bính (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, từ khi dự án cầu Hoàng Văn Thụ triển khai chính quyền bắt buộc họ phải di dời. Tuy nhiên, phía chính quyền lại không chịu đền bù đất để cho người dân định cư.
Phối cảnh cầu Hoàng Văn Thụ. Ảnh : Internet
Ngày 22/5/2018, trên Youtube cho đăng tải đoạn clip ghi lại hình ảnh người dân xã Tân Dương tranh cải với cán bộ xã. Những người này sau đó đã kéo lên Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng để đòi quyền lợi.
Từ những tìm hiểu của chúng tôi cho biết, tháng 1/2017, dự án cầu Hoàng Văn Thụ được chính quyền bấm nút khởi công xây dựng. Cầu bắc qua sông Gấm, nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) có chiều dài lên đến 1,5km. Theo chính quyền thành phố Hải Phòng đây là công trình giao thông cấp đặc biệt nên tổng mức đầu tư lên đến gần 2,200 tỷ đồng.
Cầu Hoàng Văn Thụ không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, mà còn nhằm mục đích cho việc mở rộng phát triển thành phố. Cây cầu là sự khởi đầu cho việc di chuyển trung tâm hành chính-chính trị của thành phố sang vị trí mới trong tương lai.
Chính vì vậy, việc xây dựng cây cầu được diễn ra hết sức cấp bách. Theo chủ dự án, cây cầu sẽ được hoàn thành trong vòng 24 tháng, nhưng sau đó rút xuống chỉ còn 18 tháng. Việc giải phóng mặt bằng, bố trí đất tái định cư cũng được xúc tiến trong thời gian đầu và mọi việc diễn ra vô cùng suông sẽ. Nếu không có gì thay đổi, khoảng cuối năm 2018 dự án cầu Hoàng Văn Thụ sẽ được đưa vào sử dụng.
Theo người dân xã Tân Dương, việc bóc thăm nhận đất định cư, tiền đền bù cho việc giải phóng mặt bằng chỉ là chiêu trò của chủ đầu tư và chính quyền thành phố. Vì cho đến thời điểm này, tiền đền bù không thỏa đáng lại không đưa đất tái định cư cho họ.
Người dân Tân Dương đã biểu tình từ ngày 21/5, đến tối thì bị chính quyền cho công an xã đến cho công an, xã hội đen đến giựt biểu ngữ, đánh đập họ. Quá bực tức với thái độ hành xử côn đồ, sáng ngày 22/5/2018, người dân kéo lên xã để biểu tình nhằm đòi hỏi quyền lợi. Vậy nhưng tại Ủy ban nhân dân xã Tân Dương chính quyền đã từ chối tiếp người dân. Tiếp đó, người dân kéo lên Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên để đòi quyền lợi nhưng chính quyền huyện cũng từ chối tiếp. Chính từ đó, dân Tân Dương chỉ còn cách kéo lên thành phố Hải Phòng để đòi quyền lợi cho mình.
Trong khi đó, tại khối Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng xảy ra một vụ phản đối cưỡng chế đất đai.
Dự án mở rộng tuyến đường ĐT 607 qua khối Quảng Lăng 2 làm ảnh hưởng trực tiếp đến 141 hộ dân ở nơi này. Thay vì đền bù cho dân theo luật đất đai được áp dụng từ năm 2013 (có giá 3 triệu đồng/m2), thì chính quyền thị xã Điện Bàn đền bù đất cho người dân theo giá hồi năm 2003 với giá chỉ có 720 ngàn đồng/m2.
Từ sự bất hợp lý đó đã kéo đến những khiếu kiện dài dẵng từ nhiều năm nay chưa được giải quyết.
Ngày 18/5/2018, trong lần trả lời phóng viên báo Công an Đà Nẵng, ông Nguyễn Đạt, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, sắp tới đây cơ quan có trách nhiệm tại thị xã sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với hộ ông Võ Như Ái (trú khối Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung) để bảo đảm cho nhà thầu thi công tuyến đường huyết mạch từ Đà Nẵng đến Hội An.
Tin tức từ chính quyền thị xã Điện Bàn cho hay, gia đình ông Võ Như Ái có tổng diện tích lên đến 1,290m2, trong đó 646m2 bị ảnh hưởng bởi đất dự án đường ĐT 607, 76,6m2 bị ảnh hưởng bởi dự án khu công viên cây xanh. Chính quyền cho rằng, hộ ông Võ Như Ái đã nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi 2 lần thống ký bản cam kết nhận tiền thì sẽ giao mặt bằng cho đơn vị thi công công. Tuy nhiên cho đến nay vẫn không chịu tháo dỡ công trình cho đơn vị thi công.
Sáng ngày 22/5, khi lực lượng cưỡng chế đưa máy móc, xe ủi đến để phá dỡ nhà của ông Võ Như Ái nhưng không thành công. Hàng trăm người đã tề tựu hai bên đường phản đối việc cưỡng chế bất nhân. Vì bên trong già đình ông Ái có đến 30 người phụ nữ và trẻ em quyết chết để bảo vệ đất đai, tài sản của mình. Có đến 10 phụ nữ đã mua xích, tự xích vào chân mình để cố thủ trong nhà để giữ đất.
Trước phản ứng quá gay gắt từ phía người dân, lực lượng cưỡng chế không thể thực hiện được ý đồ của mình.
Người Quan Sát
**************
Phụ nữ xích chân vào nhau chống cưỡng chế (RFA, 22/05/2018)
Khoảng 10 phụ nữ đã cùng xích chân trong nhà phản đối chính quyền tỉnh Quảng Nam cưỡng chế đất đối với 14 hộ dân ở khối phố Quảng Lăng 2, thị xã Điện Bàn hôm 22/5 để thực hiện dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT 607 qua địa bàn.
Hình ảnh khoảng 10 người phụ nữ cùng xích chân phản đối cuộc cưỡng chế của chính quyền tỉnh Quảng Nam Facebook L.V
Lý do được các hộ dân đưa ra là người dân bị cưỡng chế thu hồi đất từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2015 nhưng giá đền bù lại áp dụng theo luật đất đai năm 2003 (720 ngàn đồng/m2) chứ không phải là luật đất đai năm 2013 (3 triệu đồng/m2).
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất và tách đất của dân là từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2015 nhưng chính quyền ghi trong bìa đỏ là ngày 30/06/2014. Trong khi đó, Luật đất đai năm 2013 bắt đầu có hiệu lực từ 01/07/2014.
Hàng trăm người dân đã tập trung tại hiện trường để xem cưỡng chế. Theo người dân địa phương thì tại hiện trường, các lực lượng cảnh sát cơ động, công an… lên đến khoảng 200 người có mặt từ buổi sáng và xảy ra tranh cãi với người dân. Đến khoảng 14h cùng ngày thì xe múc bắt đầu múc đất.
Trả lời đài RFA vào lúc 3g20 phút chiều cùng ngày, Ông Đặng Quốc Minh, một trong 14 hộ dân bị cưỡng chế cho biết :
"Nói chung tình hình là người dân đang còn ngồi để chờ họ khống chế thôi. Đến giờ chót như vậy mà họ không dám khống chế. Lực lượng họ cỡ 200. Nói chung là nhiều phụ nữ họ đấu tranh như tù ngục vậy, họ tự xích tay xích chân vào nhau để chính quyền khỏi bắt. Mình không phản kháng mình chỉ đấu tranh cho quyền lợi chính đáng thôi".
Cũng theo ông Minh nguyện vọng của người dân là "yêu cầu chính quyền trả đủ số tiền theo luật đất đai năm 2013".
Trong khi đó, truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Đạt- Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết biện pháp cưỡng chế đối với 14 hộ dâb nhằm đảm bảo cho nhà thầu thi công đường ĐT 607, là tuyến giao thông huyết mạch từ Thành phố Đà Nẵng đến Thành phố Hội An (Quảng Nam) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ngoài ra, các khiếu nại của những người dân này đã được UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết tại quyết định số 435, ngày 10/02/2017.
Nợ công Việt Nam đã chẳng hề được cải thiện nguy biến sóng thần của nó sau kỳ họp Quốc hội tháng Năm-Sáu, 2017, khi đảng tràn đầy quyết tâm "tự chuyển hóa" bất ổn chính trị thành bất ổn xã hội.
Nợ công Việt Nam đã "tự chuyển hóa" bất ổn chính trị thành bất ổn xã hội - Ảnh minh họa
Quyết tâm "tống khứ doanh nghiệp nhà nước"
Chỉ vào những ngày cuối cùng của kỳ họp trên, một quan chức mang trọng trách an nguy nhất về vay nợ là Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng mới đề cập về những lý do tại sao không nên đưa nợ tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước vào nợ công : theo hướng dẫn Ngân hàng thế giới (WB), chỉ tính nợ tự vay tự trả vào nợ công nếu thỏa mãn 3 điều kiện đồng thời : Chính phủ sở hữu 50% vốn tại doanh nghiệp, hoạt động thu chi của doanh nghiệp được tính trong dự toán thu chi hàng năm, và chính phủ cam kết trả nợ thay nếu chủ thể đi vay không thể trả được nợ.
Ngoài ra, trên thế giới hiện nay, khảo sát hơn 40 nước thì hầu hết là không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, chỉ có 3 nước.
Cần lưu ý rằng trước đó, chưa bao giờ một quan chức hay một cơ quan chức năng nào của Việt Nam "phát hiện" ra 3 tiêu chí trên. Trước đó nhiều năm, đặc biệt là từ năm 2011 khi tình hình kinh tế Việt Nam bắt đầu trở nên be bét và nợ đã chất thành núi, nhiều chuyên gia phản biện độc lập đã tính toán một cách cẩn thận về nợ công của Việt Nam và đưa ra những con số vượt hẳn số báo cáo của chính phủ thời đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời yêu cầu Việt Nam phải tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công theo đúng tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.
Vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng "ra lệnh" chỉ nằm vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào phạm trù nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 – lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%, còn chính phủ bắt buộc phải ban hành nghị quyết về "thắt lưng buộc bụng" sau một thời gian dài "đầu tư liên tục, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ" như một triết lý cảnh báo của chuyên gia phương Tây đối với trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.
Nhưng cho đến nay, "người thừa kế" của ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa vượt thoát khỏi bức tường kiên cố giả tạo của các bộ ngành đảm trách việc vay và trả nợ. Số báo cáo về nợ công của chính phủ hiện thời vẫn chỉ "sát ngưỡng nguy hiểm," tức sát mức 65% GDP, cho dù vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã buột ra một đánh giá xuất thần : "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần."
Không những vượt trần mà còn vượt xa !
Một phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã cho biết nợ của 3,200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng Cục Thống Kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, lên đến 210% GDP.
Trước đây và đặc biệt dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Chẳng hạn với 12 tập đoàn nhà nước đã lỗ 218 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng, trong đó có 4 tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam (72.300 tỷ), EVN (62.800 tỷ), Vinacomin (20.500 tỷ) và Vinashin (19.600 tỷ). Cả 4 tập đoàn này đều nằm trong những doanh nghiệp nhà nước được chính phủ bảo lãnh để "phát triển kinh tế."
"Phán quyết" mới nhất của chính phủ là cơ quan này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài chỉ đúng 1 tỷ USD trong năm 2017, giảm mạnh so với mức bảo lãnh 2,5 tỷ USD trong năm 2015 và 1,5 tỷ USD trong năm 2016.
Hẳn nhiên đây là tình thế tất yếu bởi ngân sách quốc gia hiện thời là cực kỳ eo hẹp, thu không đủ chi và hàng năm còn phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la.
Nếu phải lo cả "nợ riêng" của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, chính phủ sẽ rất dễ chết chìm trong biển nợ công.
Nền kinh tế của Việt Nam hiện phần lớn dựa vào giá nhân công rẻ mạt. (Hình : Getty Images)
Hiện tượng lạ : "không tính nợ Ngân hàng nhà nước vào nợ công ?"
Trong phần giải trình trước Quốc hội về Luật Nợ Công, một hiện tượng lạ đã xảy ra : không phải thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, mà lại là Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã lần đầu tiên đề cập đến một câu chuyện rất "nhạy cảm" : với các khoản nợ của Ngân hàng nhà nước vay để thực hiện chính sách tiền tệ thì không tính vào nợ công, vì Ngân hàng nhà nước thực hiện vai trò của Ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán, trong đó có việc phát hành các công cụ nợ có kỳ hạn dưới 12 tháng.
Một lý do nữa được ông Đinh Tiến Dũng nêu ra là theo thông lệ quốc tế, phần lớn các nước ngân hàng trung ương là ngân hàng độc lập, thống đốc không phải thành viên của chính phủ, còn ở Việt Nam thì Ngân hàng nhà nước là đơn vị thuộc chính phủ, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ… Tuy nhiên với vai trò quản lý nhà nước thì Ngân hàng nhà nước không có chức năng huy động vốn cho chính phủ nên hoạt động huy động vốn của Ngân hàng nhà nước không thuộc nợ công.
Những dấu hỏi lập tức bật ra : các khoản nợ của Ngân hàng nhà nước vay để "thực hiện chính sách tiền tệ" là gì ? Vì sao từ trước tới nay chưa bao giờ Ngân hàng nhà nước báo cáo những khoản nợ này cho Quốc hội để được công khai minh bạch trước cử tri ?
Một khi thời Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã quá tai tiếng về nhiều hậu quả điều hành thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt là để lại một núi nợ xấu khổng lồ lên đến 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm đến 40% trong tổng dư nợ cho vay hơn 3 triệu tỷ đồng vào thời điểm năm 2011, có quá nhiều nghi ngờ về chuyện vay nợ để "thực hiện chính sách tiền tệ" là "treo đầu dê bán thịt chó" và nhằm trục lợi.
Một mâu thuẫn lớn cũng tiếp theo giải trình của ông Đinh Tiến Dũng : nếu loại nợ Ngân hàng nhà nước khỏi nợ công, tức coi Ngân hàng nhà nước là một doanh nghiệp nhà nước. Vậy Ngân hàng nhà nước có còn là cơ quan quản lý, hay "vừa đá bóng vừa thổi còi ?"
Trong thực tế, Ngân hàng nhà nước phải chịu trách nhiệm về nhiều khoản nợ xấu của nhiều doanh nghiệp nhà nước. Nếu các doanh nghiệp đó không trả được thì Ngân hàng nhà nước phải trả, mà Ngân hàng nhà nước lại là cơ quan quản lý, không ai có trách nhiệm trả. Như vậy chẳng lẽ Ngân hàng nhà nước sẽ phá sản ? Mà phá sản thì lấy ai "điều hành chính sách tiền tệ ?".
Biến bất ổn chính trị thành bất ổn xã hội
Chính điều kiện "Chính phủ sở hữu 50% vốn tại doanh nghiệp" mà Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng nại ra để thuyết phục "không nên đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công" đã thật bất ổn : trong khi hầu hết doanh nghiệp nhà nước có nguồn gốc từ vốn nhà nước, tại sao không đưa núi nợ của những doanh nghiệp nhà nước đó vào nợ công khi chính phủ và các bộ ngành vẫn chưa hề công bố một báo cáo phân tích rạch ròi nào về chuyện bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước do chính phủ sở hữu trên 50% vốn và bao nhiêu dưới 50%, tổng giá trị các loại nợ tự vay tự trả và nợ do chính phủ bảo lãnh vay là bao nhiêu… ?
Cái cách cố tình loại nợ của doanh nghiệp nhà nước và Ngân hàng nhà nước khỏi nợ công để chính quyền tạm tránh được bất ổn chính trị, vẫn tạm thời bảo đảm việc chi thường xuyên lương thưởng cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức với ít nhất 30% trong số đó bị dư luận coi là "không làm gì cả," đang đẩy bất ổn xã hội cho xã hội, nhất là rất nhiều người nghèo chẳng hiểu sao họ và các đời con cháu họ phải gánh một món nợ khủng khiếp từ trên trời rơi xuống.
Một khi chính phủ gần như phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.
Và sẽ ập đến cả một phong trào "bắt doanh nghiệp nhà nước," đi đôi với chiến dịch "bắt ngân hàng" đã, đang và sẽ gây náo loạn. Nạn thất nghiệp ở Việt Nam, vốn đã có thể lên đến 20% chứ không hải chỉ hơn 2% như số báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, sẽ càng ghê gớm hơn.
Thất nghiệp lại phần nào tiếp sức cho tệ nạn xã hội và rối loạn xã hội. Từ đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị.
Phương châm "tống khứ nợ doanh nghiệp nhà nước" của chính phủ và Quốc hội đã chẳng hề giải quyết được bất kỳ một nội dung thực chất nào. Tất cả nguy biến vẫn còn treo nguyên đó, chỉ chờ bùng phát.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 25/06/2017