Chỉ riêng trong thế kỷ XX, văn học nghệ thuật Việt Nam đã có hai giai đoạn phát triển rực rỡ, trăm hoa đua nở với nhiều sự cách tân, đổi mới : đó là giai đoạn 1930-1945 trên cả nước và giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có hai giai đoạn phát triển rực rỡ
Thế nhưng, khi đảng cộng sản nắm chính quyền và thiết lập chế độ độc tài toàn trị thì những thành tựu của cả hai giai đoạn ấy đã bị tiêu diệt : Miền Bắc sau ngày 2/9/1945 trở đi, tất cả những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… tài năng một thời nếu không di cư được vào Nam mà phải sống dưới chế độ do đảng cộng sản cai trị thì đều "tắt đài", và phải chuyển qua sáng tác theo "đơn đặt hàng" của đảng, với mục đích tuyên truyền, ca ngợi đảng, ca ngợi chế độ xã hội chủ nghĩa rồi ca ngợi cuộc "kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ", hừng hực lửa căm thù "Mỹ-ngụy" v.v. Từ Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… đều không còn là mình trước kia nữa. Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm năm 1956 tiếp tục giáng một đòn nặng nề vào các văn nghệ sĩ tài năng như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Hữu Loan, Bùi Xuân Phái, Thụy An, Đặng Đình Hưng… và bẻ gãy luôn khát vọng được sáng tác tự do của bất cứ ai trong giới văn nghệ sĩ bấy giờ, nếu có.
Hậu quả là bây giờ nhìn lại văn học nghệ thuật giai đoạn 1954-1975 ở miền Bắc, có được mấy tác phẩm đứng được với thời gian, ngay cả những ông quan thơ một thời quyền uy ngất trời, tác phẩm luôn được ca tụng, được đưa vào sách giáo khóa và học sinh cấp II, cấp III đều phải học thuộc lòng, và đi thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp phổ thông thì thường "đụng" phải như Tố Hữu ? Còn mấy ai hát những bài hát cách mạng một thời hừng hực khí thế, sắt máu căm thù ? Hay là cho đến bây giờ nếu nhắc đến Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng… thì người ta vẫn nhắc đến những sáng tác của họ giai đoạn 1930-1945, hoặc những tác phẩm bị cấm đoán một thời của những nhà thơ, nhà văn trong vụ án Nhân Văn-Giai phẩm ? Còn với Hội họa, những tên tuổi và tác phẩm được ưa chuộng cho tới bây giờ hoặc được bán với giá rất cao tại các sàn đấu giá bên ngoài Việt Nam vẫn là những tên tuổi, tác phẩm của nền Hội họa Đông Dương, được đào tạo dưới thời Pháp thuộc như Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ…
So sánh với miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1954-1975, càng cho thấy rõ sự khác nhau giữa việc sống và sáng tác giữa hai chế độ tự do và độc tài. Trong lúc mọi tài năng bị kìm hãm hoặc mọi xu hướng, phong cách đều bị bóp chết, chỉ còn lại một thứ văn học nghệ thuật là công cụ tuyên truyền một chiều của đảng, thì ở miền Nam, nhờ có một chính thể tự do và một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đã có sự phát triển rực rỡ, bùng nổ của văn hóa nghệ thuật trong mọi lĩnh vực. Chỉ riêng văn học thôi, mới đây, khi trả lời phỏng vấn của đài RFA, nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng từ miền Bắc đã nhận định "Văn học Việt Nam Cộng Hòa : 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng".
Ngay sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm miền Nam, đảng cộng sản đã ra lệnh tịch thu, tiêu hủy toàn bộ sách báo, băng đĩa nhạc, phim… của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Và suốt một thời gian dài nền văn học, âm nhạc của miền Nam luôn luôn bị gán cho những cái nhãn "đồi trụy", "độc hại", bị phỉ báng, bị cấm đoán, bị gạt ra ngoài xã hội. Nhưng kết quả như thế nào ? Dòng văn học, âm nhạc ấy vẫn sống, không chỉ được phổ biến bên ngoài Việt Nam, trên mạng xã hội, được tìm đọc, nghe, hát… bởi đông đảo người trong nước mà một số đã được phổ biến, phát hành, biểu diễn công khai trở lại. Rõ ràng cái gì có giá trị thì sẽ tồn tại với thời gian. Điều đó cũng cho thấy cùng một dân tộc nhưng mô hình thể chế chính trị và nền giáo dục khác nhau đã giải phóng hay kìm hãm năng lực sáng tác, sáng tạo của con người như thế nào. Trường hợp Đông Đức-Tây Đức hay Bắc Hàn-Nam Hàn cũng vậy.
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, mọi tài năng bị kìm hãm hoặc mọi xu hướng, phong cách đều bị bóp chết, chỉ còn lại một thứ văn học nghệ thuật là công cụ tuyên truyền một chiều của đảng
Sau ngày 30/4/1975, khi chế độ độc tài toàn trị được áp đặt trên toàn quốc, cũng là lúc dòng người theo nhau bỏ nước ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá, chưa bao giờ dừng lại trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Và bây giờ thì chúng ta lại chứng kiến những tài năng gốc Việt tỏa sáng trong môi trường tự do, dân chủ của các nước khác, kể cả trong những lĩnh vực khó khăn hơn như khoa học hay văn học nghệ thuật. Nếu còn sống ở trong nước, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, khoa học gia Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Thiên Văn học Lưu Lệ Hằng, nhà toán học Dương Hồng Phong hay nhà văn Linda Lê, nhà văn Dương Thu Hương, đạo diễn Trần Anh Hùng v.v. sẽ không thể có được những thành công trong sự nghiệp như vậy.
Bởi vì, chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị chỉ hủy diệt văn hóa, tiêu diệt tài năng chứ không bao giờ có chỗ đứng cho tài năng, cho sự phát triển lành mạnh và đúng hướng của bất cứ lĩnh vực nào…
Đất nước, dân tộc Việt Nam còn phải mất mát bao nhiêu thời gian, cơ hội, bao nhiêu chất xám, tài năng nữa dưới chế độ này ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/05/2023
Mô hình thể chế độc tài tạo ra rất nhiều "căn bệnh" xã hội, khiến cho cái xã hội ấy, quốc gia ấy khó mà phát triển lành mạnh được. Những "căn bệnh" thường gặp trong mọi xã hội có một thể chế độc tài là bệnh tham nhũng, dối trá, hèn nhát, thiếu lòng tin vào chính phủ-vào luật pháp-vào con người, là cái Thiện, cái Đẹp, sự tử tế thì ngày càng trở nên hiếm hoi trong khi cái Ác, cái Xấu, sự không tử tế thì tràn lan như cỏ dại và ngày càng trở thành bình thường…
Trong một xã hội như vậy, hầu hết con người sẽ trở nên thờ ơ vô cảm, không quan tâm đến cái Chung, đến vận mệnh của đất nước, dân tộc, không quan tâm đến chính trị--vì nếu quan tâm, bất bình, lên tiếng thì sẽ gặp rắc rối với chính quyền ngay lập tức và phải trả giá đắt ! Người dân do đó hầu hết chỉ còn quan tâm tới việc làm thế nào để tồn tại và được yên thân ; còn quan chức, chính quyền thì chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ, của chế độ, bất chấp quyền lợi, lợi ích đó có mâu thuẫn, có làm hại cho lợi ích của đất nước, dân tộc hay không.
Nhưng với Việt Nam, còn có những "căn bệnh" nặng khác của một nước "nhỏ" về mặt kinh tế, vị thế trên thế giới (mặc dù không "nhỏ" về dân số, diện tích). Chẳng hạn :
Bệnh "tự sướng", "nổ". Có người còn dùng một cái từ "thô" hơn là "thủ dâm tinh thần".
Từ quan chức, báo chí truyền thông cho tới doanh nhân, một hiện tượng thường thấy là làm thì ít mà "nổ" thì nhiều. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì "Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không ?" ("Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?", VNExpress), "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" ("Tổng bí thư : 'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay', VNExpress), "Tổng bí thư, Chủ tịch nước : Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam", báo Người Lao Động…
Ông cựu Thủ tướng, bây giờ là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thì "Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói : ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì ‘Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam", ("Thủ tướng : ‘Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó sẽ về Việt Nam’, Tinh Hoa)…
Vào những ngày giữa tháng 1/2017, một số tờ báo của Việt Nam đưa tin "Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới". Nhưng ngay sau đó một số người có chuyên môn đã phải lên tiếng nói lại cho rõ ("Thực hư chuyện Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới", Gia đình & Xã hội) ; hoặc đến năm 2050 Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới…
Hay chuyện xe hơi điện Vinfast đầu tư ở Mỹ, báo chí truyền thông Việt Nam đua nhau "nổ" banh về chất lượng của xe điện Vinfast, trong khi có những bài báo của phóng viên nước ngoài thì nhận xét hoàn toàn khác. Ví dụ như bài báo của Kevin Williams trên Jalopnik "The VinFast VF8 is Simply Not Ready for America" ("VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ"). Một số bài khác thì chê Vinfast đắt, chạy chỉ được 180 dặm nhưng có giá 55.000 USD hoặc hơn "180 Miles for $55k : Can the 2023 VinFast VF 8 SUV Break Into America ?", Christian Seabaugh, Motortrend, "Vinfast's First EVs Have Just 180 Miles of Range but Still Cost Over $55K", David Shultz, dot.LA. Và hiện tại Vinfast đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, các mẫu xe đều đang phải bán lỗ, công ty đang gánh những món nợ lớn ("VinFast lỗ gần 4,7 tỷ USD, nợ xấp xỉ 8,8 tỷ USD ; xe VF8 bị tố lỗi phần mềm", VOA).
Đọc báo Việt Nam, những chuyện "nổ" như vậy của một số quan chức, đại gia, doanh nhân, một số người thuộc giới showbiz… nhiều không kể xiết.
Một khía cạnh khác của "tự sướng", "nổ" là tự hào quá lố về những chuyện không đâu. Một quốc gia nghèo, vẫn đang trong giai đoạn bán tài nguyên, nguyên liệu thô, nông ngư sản, bán mồ hôi và sức lao động của con người chứ chưa làm ra được những sản phẩm công nghệ cao nào, chưa có một thương hiệu toàn cầu nào, nhưng hễ thắng được một trận bóng đá trong khu vực là báo chí giật những cái tít kiểu như "U23 Việt Nam đặt cả Châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời" ("Đời sống & Pháp luật), hoặc viết những bài "ngây ngất" như : "Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi !", câu hát ấy đã vang dội trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, vang dội trên khắp các phố phường, làng xã Việt Nam, từ nông thôn, thành thị cho đến những vùng miền xa xôi, hải đảo, biên cương của Tổ quốc. Chiến thắng lẫy lừng, đăng quang ngôi vô địch bóng đá Đông - Nam Á - AFF Suzuki Cup 2018, khẳng định vị thế số một khu vực của đội tuyển Việt Nam là kết quả xứng đáng của một hành trình thuyết phục bằng tinh thần thi đấu kiên cường, tài năng, trí tuệ và quyết tâm sắt đá". ("Tự hào quá, Việt Nam ơi !", Nhân Dân).
Những từ ngữ kiểu như "vỡ òa", "ngạo nghễ", "tự hào quá Việt Nam ơi" rất thường thấy trên báo chí truyền thông trong nước. Khi xảy ra đại dịch Covid/19, bao nhiêu người Việt đi du lịch thăm thân nhân, đi làm, đi học ở nước ngoài bị kẹt không về được vì biên giới các nước đóng cửa, hàng không Việt Nam lúc đó đã thực hiện những chuyến bay gọi là "giải cứu" để đưa người Việt về nước. Rất nhiều bài báo ca ngợi chuyện này : "Những "chiến binh" bay vào tâm dịch và cuộc giải cứu lịch sử", báo Đầu tư. "Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào", Kinh tế Môi trường…
Và đến bây giờ thì chúng ta đã biết sự thật phía sau những chuyến bay "giải cứu" ấy là một trong những vụ tham nhũng lớn, nhẫn tâm ăn tiền trên nỗi khổ của người dân giữa đại dịch như thế nào.
Tự hào "vô lối" đến mức tại các giải đấu bóng đá lớn như EURO, World Cup, người Việt đến dự mang theo những lá cờ đỏ sao vàng rất to và khi hình ảnh những lá cờ ấy xuất hiện lọt vào ống kính nước ngoài thì báo chí lại cho đó là tự hào, "Cờ Việt Nam tung bay trên khán đài", Đại Đoàn Kết ; là chứng tỏ "tình yêu Tổ Quốc" hay "sự có mặt của người Việt ( !) trong khi lẽ ra phải thấy buồn, thấy tủi vì bóng đá Việt Nam "chưa có cửa" tại những giải đấu lớn như vậy ("Người Việt ở Qatar mang cờ đỏ sao vàng vào khán đài World Cup : Tình yêu Tổ quốc và thể thao ăn sâu vào tim !", Dân Việt).
Bệnh "háo danh". Chạy theo những giá trị ảo hoặc vật chất bề ngoài mà không chú ý đến những giá trị thực chất.
Xã hội Việt Nam bây giờ có thể nói là một xã hội chạy theo những giá trị hào nhoáng bên ngoài, bề ngoài. Những giá trị đó có thể là danh hiệu, học hàm – dù là Phó Tiến Sĩ, Tiến Sĩ hay Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân Dân, Hoa hậu, Hoa khôi, nhà này nhà kia… – cho tới cái xe đẹp, cái nhà to, có con cái đi du học ở nước ngoài, làm ở Bộ kia Viện nọ…
Không chỉ "chuộng" hình thức, mà bệnh "háo danh" cũng có vô số ví dụ để kể. Chẳng hạn, có những người in những tấm danh thiếp trên đó tràn ngập chi tiết, nào là nhà thơ nhà văn nhà báo, các loại "nhà", Hội viên của bao nhiêu thứ Hội xyz …Hay câu chuyện ồn ào mới đây về một "nhà thơ thế giới" với rất nhiều chức danh không biết ở đâu ra.
Sự "háo danh" này có thể thấy ở mọi tầng lớp khác nhau. Trong giới doanh nhân đại gia, có những vụ "chơi bạo lấy tiếng" như Quỹ VinFuture của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup trao 4 giải thưởng cho các nhà khoa học gia xuất sắc nước ngoài hôm 20.1.2022 (6 người được nhận giải, là công dân của những quốc gia giàu có hơn Việt Nam nhiều như Mỹ, Canada, Nam Phi). Hay vụ bà tỷ phú Nguyễn Phương Thảo, tổng giám đốc của VietJet Air, ký bản ghi nhớ tặng 155 triệu bảng Anh (211 triệu USD) cho Linacre Collge, thuộc Đại học Oxford của Anh, tại Edinburgh ở Scotland hôm 31.10.2021, được biết đây là số tiền cao nhất mà một cá nhân đóng góp cho Đại học Oxford. Nhưng cho đến nay ngay khoản tiền đầu tiên trị giá 50 triệu Bảng Anh mà bà Thảo phải chuyển cho trường này theo kế hoạch đã quá hạn mà vẫn không thấy đâu, ngược lại, mới đây cả tờ Telegraph, VOA tiếng Việt ngày 4.1.2023 đều đưa tin hãng VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bị kiện vì nợ tiền thuê phi cơ từ năm ngoái, lên đến 155 triệu Bảng Anh (trùng hợp ngẫu nhiên với khoản tiền bà Thảo cam kết tài trợ cho Linacre College) cộng với tiền lãi ít nhất 31,000 Bảng Anh mỗi ngày !
Vì sao có những "căn bệnh" xã hội này và hậu quả ?
Như đã nói, tất cả những "căn bệnh xã hội " trên là hậu quả của một xã hội độc tài, ở đó nhà cầm quyền luôn dối trá với dân chúng về những "thành công" của chế độ, chạy theo thành tích, hô khẩu hiệu, lên "dây cót" cho người dân bằng tinh thần dân tộc quá khích để che giấu những vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Nhưng khác với Nga hay Trung Quốc ít ra còn có những cái gì đó để tự hào – là nước lớn, trong quá khứ từng là những đế quốc, vương quốc, hoặc có vị thế chính trị, quân sự lớn trên thế giới (Liên Xô cũ), hoặc đang là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (Trung Quốc)…Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam không làm được gì cho người dân Việt có thể tự hào ngoài việc "ăn mày dĩ vãng" từng đánh thắng Pháp, Mỹ Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam là nước nhỏ về nhiều mặt, và cái tâm lý nhược tiểu đó có thể thấy rất rõ từ quan chức cho tới người dân. Không có những thành tựu thực sự thì "nổ". Vì làm ăn gian dối nên "nổ".
Và thay vì xây dựng cho xã hội một triết lý, đạo đức sống lành mạnh để thực sự bình an, hạnh phúc thì nhà nước này lại khuyến khích người dân lao vào cuộc mưu sinh, kiếm danh kiếm tiền để quên đi những vấn đề nhức nhối về tự do, dân chủ, quyền con người, tương lai của đất nước, dân tộc.
Hậu quả là gì ?
Trong suốt cuộc đời của đa số người Việt phải bỏ ra không ít thời gian để "chạy" trường, "chạy" lớp, "chạy" điểm, "chạy" bằng, chạy tìm chỗ đứng trong xã hội…Mất bao nhiêu năng lượng, thời gian sống, nhưng vẫn không hạnh phúc. Khổ vì không có tự do, dân chủ, vì nhân quyền bị chà đạp đã đành, nhưng còn bao nhiêu cái khổ là do cái xã hội chung quanh và do chính mình tạo ra.
Còn đối với một chính quyền, bệnh "tự sướng", "nổ", khiến họ không nhìn thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng của chế độ, việc chạy theo những thành tích tăng trưởng, kế hoạch, mục tiêu "ảo" mà không lo xây dựng những nền móng, cơ sở căn bản cho một sự phát triển lành mạnh, lâu dài, thì cũng chỉ là "xây nhà từ nóc" mà thôi. Nhìn nước Nga "nổ" cho lắm, bao nhiêu năm thế giới cứ tưởng quân sự, quốc phòng, vũ khí Nga đáng sợ lắm, đến khi xảy ra cuộc chiến Ukraine mới thấy thực lực của Nga thế nào. Trung Quốc cũng thế, mấy chục năm qua thế giới liên tục nói đến sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc, chả mấy chốc mà vượt qua Mỹ…nhưng chỉ cần một đại dịch Covid/19 là lộ ra hết từ hệ thống y tế, khả năng chế tạo vaccine, khả năng đối phó, điều trị…còn kém như thế nào ; hay khủng hoảng bất động sản, ngân hàng đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc ra sao.
Việt Nam, sau khi chiến thắng cuộc nội chiến 30 năm nhờ vũ khí, tài lực, vật lực của nước ngoài và cả "ngoại nhân", đã ngây ngất "tự sướng" đến mức gây ra bao nhiêu chính sách sai lầm về kinh tế, đối nội, sử dụng con người cho đến ngoại giao. Hậu quả là kinh tế tụt dốc, cả nước suýt rớt xuống bờ vực chết đói phải "đổi …cũ", và sa vào 2 cuộc chiến biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam làm đất nước suy yếu thêm. Cứ tưởng bài học đó đã đủ. Nhưng không, gần nửa thế kỷ qua rồi, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục "ngây ngất", "tự sướng", tiếp tục "nổ"…, báo chí truyền thông cũng đua nhau "nổ", đọc những "thành tích tự xưng" về mọi mặt ấy mà cứ tưởng như đang nói về nước nào chứ không phải là Việt Nam !
Những "căn bệnh" ấy sẽ khó mà thay đổi được khi nào còn một mô hình thể chế độc tài kìm hãm sự phát triển của xã hội, đồng thời hủy hoại nhân tính, những điều thiện lương, tốt đẹp trong mỗi con người. Và chỉ khi đó Việt Nam mới có hy vọng phát triển trở thành một quốc gia có thực lực về kinh tế, độc lập tự chủ trong ngoại giao, quốc phòng, đời sống người Việt Nam thực sự được tự do, bình an, hạnh phúc.
2023, năm đen tối cho các chế độ độc tài
Từ Nga cho tới Trung Quốc, Iran và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ đều đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn trong năm 2023. Vladimir Putin có thể bại trận ở Ukraine, Tập Cận Bình lao đao với Covid… Việc triệt tiêu phản biện nhằm tập trung quyền lực vào tay một con người duy nhất, là nguyên nhân của những sai lầm. Liệu các chế độ độc tài này có thể sống sót ?
Người dân Ukraine đồng ca những bài hát Giáng Sinh trong một trạm xe điện ngầm ở Kiev ngày 25/12/2022 trong lúc bị báo động không kích. Reuters - Valentyn Ogirenko
Ukraine lan tỏa sự can trường
Trong bài viết đầu năm "Chúc mừng 2023 : Từ ngưỡng mộ đến cảm hứng", Les Echos cho rằng sự hứng khởi mà người Ukraine, phụ nữ Iran và phong trào phản kháng ở Trung Quốc mang lại là một món quà cho năm 2023.
Chừng như năm này qua năm nọ, mức độ những xáo trộn ngày càng rộng lớn hơn. Trong năm 2022, chúng ta phải đối mặt với cuộc chiến tranh Ukraine, lạm phát và lãi suất tăng lên, giá năng lượng tăng vọt, và năm qua thời tiết nóng chưa từng thấy. Nhưng năm 2022 cũng mang lại những thông điệp rất tích cực về khả năng con người đối phó với nghịch cảnh.
Trước hết là người dân Ukraine. Bị xâm lăng, tra tấn, bạo hành, họ vẫn trụ vững. Họ quyết tâm bảo vệ tổ quốc, bình thản đối phó trong điều kiện không được sưởi ấm, không điện và thường là không có nước sinh hoạt. Tiếp đến là nữ giới Iran dám đương đầu với chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo từ nhiều tháng qua. Cuối cùng là người biểu tình Trung Quốc, đã buộc Tập Cận Bình phải từ bỏ chính sách "zéro Covid". Tất cả cho thấy lòng can đảm có thể lây lan, bắt đầu từ một ít cá nhân và rồi lan rộng cho quần chúng.
Trung Quốc khó thể ngoi lên thành siêu cường số 1 thế giới
Bài xã luận "Chào mừng năm 2023" của La Croix ghi nhận nếu năm 2023 bắt đầu trong không khí lễ hội với pháo bông tưng bừng và một triệu người chen chúc trên đại lộ Champs-Élysées, thì chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine, di dân tiếp tục ra khơi ở Địa Trung Hải. Les Echos cho rằng vẫn có "những lý do để tin tưởng", sau một mùa đông Covid dài dằng dặc làm đông cứng nền kinh tế, một năm của chiến tranh, khủng hoảng năng lượng.
Một năm mới mở ra với mối đe dọa suy thoái, biến thể mới của Covid ; cuộc chiến ở Châu Âu vẫn tiếp diễn và biết đâu mai này đến lượt Đài Loan… Nhưng bên cạnh đó có một số điều chắc chắn : Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc thành nước đông dân nhất thế giới, và một nỗi đau khác cho chế độ Tập Cận Bình là từ nay Trung Quốc khó thể hy vọng soán ngôi đại cường số một thế giới của Hoa Kỳ, mà Bắc Kinh vẫn mơ đến để chứng tỏ tính ưu việt đối với một phương Tây đang "suy tàn". Ở phương Tây, Châu Âu đương nhiên là yếu đi vì cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng không còn quá ngây thơ. Và trong bối cảnh rối ren hiện nay, những chế độ toàn trị cho thấy họ đang đi vào ngõ cụt.
Giáo hoàng Benedicto XVI, nhà thần học khiêm nhu
Nhân dịp đầu năm mới, Les Echos nêu ra những thách thức cho tổng thống Emmanuel Macron trong năm 2023 : cải cách chế độ hưu, sức mua, năng lượng. Libération đăng hình vẽ ông Macron mặc veste, thắt cà vạt nói lời chúc mừng năm mới, nhưng nửa người lộ ra phía dưới bàn là quần short đi biển, và hai quạt máy hai bên đang thổi vào đôi chân trần mang dép. Tờ báo chạy tựa "Khí hậu : Quá nóng trong tương lai".
Hình ảnh Giáo hoàng Benedicto XVI vừa tạ thế vào ngày cuối cùng trong năm ở tuổi 95 được Le Figaro và La Croix hôm 02/01/2023 cùng đưa lên trang nhất. Tờ báo cánh hữu nhấn mạnh đến "Đức tin và trí tuệ", nhật báo công giáo chạy tít "Benedcito XVI : Giáo hoàng và nhà thần học", dành hẳn 12 trang báo khổ lớn. Thụ phong linh mục ngay sau khi đại chiến thế giới kết thúc, giảng dạy đại học trong suốt ba thập niên, Joseph Ratzinger chú tâm cho nghiên cứu thần học và rất bất ngờ khi được phong tổng giám mục rồi Hồng y, và rốt cuộc được bầu làm Giáo hoàng.
La Croix cho rằng Benedicto XVI là "Giáo hoàng của những nghịch lý". Sẽ là bất công nếu chỉ nhớ đến việc từ chức của ngài – một quyết định bất ngờ mang tính lịch sử cách đây mười năm. Không ai hình dung ra một nhân vật được cho là bảo thủ lại có hành động hiện đại như thế. Là người trung thành với Công đồng Vatican II, lẽ ra ngài phải bênh vực di sản truyền thống. Một nhân vật nhiều ảnh hưởng, nhưng chưa bao giờ tìm kiếm quyền lực. Một nhà thần học vĩ đại, nhìn thấy trước các tệ nạn tham nhũng, lạm dụng tình dục, nhưng không ngăn cản nổi.
Bắc Kinh đại bại sau ba năm "zero Covid"
Trang nhất Le Monde nói về "Covid-19 : Tại Trung Quốc, ba năm chính sách y tế thảm hại", và ở trang trong nhấn mạnh đến "Thất bại của những năm zero Covid tại Trung Quốc". Bắc Kinh đã phải đột ngột từ bỏ một chính sách y tế không thể chịu đựng nổi về mặt tài chánh và xã hội. Sự im lặng của bộ máy tuyên truyền đôi khi nói lên nhiều điều, chính sách này không hề được báo chí nhà nước nhắc đến từ ngày 07/12. Mỗi một ngày trôi qua, Trung Quốc càng trượt dài xuống vực thẳm.
Tờ báo ví von, cũng như mọi bi kịch, sự việc diễn ra theo ba hồi : chiến thắng năm 2020, hoang mang năm 2021 và thất bại đau đớn năm 2022. Tập Cận Bình từng lên mặt tuyên bố : "Covid là trắc nghiệm lớn cho năng lực quản lý đất nước" khi phương Tây lao đao vì virus từ Vũ Hán. Trung Quốc dùng "ngoại giao vac-xin", "ngoại giao khẩu trang" để bắt bí các nước.
Và như để cố chứng minh Covid đến từ bên ngoài, sau khi đóng cửa không phận ngày 27/03/2020, Bắc Kinh lần lượt khẳng định tìm thấy dấu vết con virus trên các sản phẩm nhập khẩu. Cá hồi Na Uy rồi Chile, thịt bò Argentina hay New Zealand, thịt heo Mỹ, tôm và cá nục Ecuador, chân gà và mực của Nga, cá Indonesia và ngay cả những lon bia Mỹ… không thể kể hết. Trung Quốc thi hành một chính sách không giống ai là chỉ chích ngừa cho người 18-59 tuổi, thay vì ưu tiên cho người lớn tuổi và nguy cơ cao.
Nay các nhà tang lễ ở nhiều thành phố Hoa lục đều quá tải, một cái tát cho chế độ. Đổ ra quá nhiều tiền của, công sức cho việc xét nghiệm và phong tỏa cư dân, chính quyền địa phương không còn có thể đầu tư vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt, thuốc men cũng thiếu thốn. Đảng đang trong ngõ cụt, nhưng không thể nhìn nhận. Lãnh đạo thì "không bao giờ sai", và đáng buồn thay, không hề chuẩn bị kế hoạch B.
Canada đối đầu trực diện với Trung Quốc
Trên lãnh vực ngoại giao, Le Figaro cho biết quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh sẽ còn căng thẳng lâu dài. Bắt đầu từ vụ Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chánh của Hoa Vi (Huawei) theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh bèn bắt giữ một doanh nhân và một nhà cựu ngoại giao Canada, đồng thời đe dọa trả đũa công dân nước này sống tại Hồng Kông. Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Pháp Luân Công, các nhà đấu tranh dân chủ gốc Hoa trên khắp Canada bị sách nhiễu. Bắc Kinh lũng đoạn chính trường, gián điệp kỹ nghệ Trung Quốc len lỏi vào các trường đại học. Sinh học dược phẩm, y tế, trí thông minh nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ hải dương và không gian bị dòm ngó nhiều nhất.
Ottawa quyết định không thể để Trung Quốc tiếp tục lộng hành. Bắc Kinh lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên Canada, trong khi 72% xuất khẩu của Canada là vào Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Canada công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm cắt đứt với Trung Quốc, tái định hướng thương mại sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
Quốc hội Nga lập kỷ lục : Thông qua trên 650 đạo luật
Tại Nga, Le Monde nhận thấy Viện Duma (Quốc hội Nga) trong năm 2022 đã vội vã thông qua một loạt kỷ lục những đạo luật trấn áp, liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine. Ở một đất nước mà tổng thống quyết định hầu như tất cả, có những chuyện khó thể hình dung. Trong năm qua, Duma đã thông qua 653 dự luật, "số lượng lớn nhất trong lịch sử Quốc hội, một kỷ lục kể từ khi Liên Xô không còn tồn tại" - chủ tịch Vyacheslav Volodin tự hào tuyên bố trong kỳ họp cuối. Phiên họp mùa đông năm nay giống như một cuộc chạy đua nước rút, để đưa ra hàng loạt đạo luật được coi là ưu tiên.
Chẳng hạn một luật bỏ tù có thể đến chung thân về việc xúi giục phá hoại, được soạn để chống lại các vụ đốt những trung tâm tuyển mộ của quân đội, hoặc một luật khác cho phép cơ quan tình báo FSB được tham khảo dữ liệu các ứng dụng gọi taxi để theo dõi sự di chuyển của công dân. Trong vòng một tuần lễ, ba dự luật khác được đồng loạt thông qua : cấm sử dụng từ nước ngoài nếu tiếng Nga có tương đương, phạt đến 5 năm tù nếu xúc phạm ruy-băng Saint-George thời Sa hoàng. Hoặc coi việc đưa ra những bản đồ trình bày biên giới Nga không đúng đắn là "cực đoan", tuy những đường biên này vẫn co giãn trước cuộc phản công của quân đội Ukraine tại những lãnh thổ vừa bị Putin sáp nhập.
Năm mới 2023 và viễn cảnh u ám cho các chế độ toàn trị
Nhìn chung, Les Echos cho rằng năm nay sẽ là một năm đen tối cho các chế độ độc tài. Từ Nga cho tới Trung Quốc, Iran và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, bốn chế độ này cùng đối mặt với mối đe dọa về sự tồn tại, như một trò đùa éo le của lịch sử. Tờ báo đặt câu hỏi, ai có thể chắc chắn rằng Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Ali Khamenei và Recep Tayyip Erdogan vẫn có thể nắm quyền trong vòng một năm nữa ? Tất cả đang đứng trước những cuộc khủng hoảng lớn, tuy tính chất khác nhau nhưng có cùng một nguyên nhân.
Trước hết, ông chủ điện Kremlin có nguy cơ lớn sẽ bại trận ở Ukraine. Quân đội Nga với vô số khuyết điểm từ tổ chức, hậu cần, thiếu thốn trang bị vì nạn trộm cắp và tham nhũng, đã bị mất đến phân nửa số xe tăng. Số lính tử trận trong 10 tháng qua cao hơn cả 10 năm can thiệp vào Afghanistan, và không chiếm nổi một địa phương quan trọng nào kể từ cuối tháng Sáu. Vũ khí cuối cùng còn hiệu quả là pháo binh thì đã phải vét cạn kho, những hỏa tiễn bắn đi trong những tuần lễ gần đây còn lớn tuổi hơn những người sử dụng chúng. Và nhất là Nga chỉ dựa vào các hỏa tiễn do Iran cung cấp, đế đối phó với Ukraine được trang bị bởi liên minh phương Tây chiếm đến 62% GDP toàn cầu.
Tập Cận Bình thì buộc lòng phải thối lui trước người dân Trung Quốc đã quá chán ngán sau ba năm phong tỏa. Những cuộc biểu tình chưa từng thấy đòi "tự do, dân chủ, Nhà nước pháp quyền" đã nổ ra, với quy mô lớn nhất kể từ 1983. Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi chiếc bẫy : đại dịch có thể bùng mạnh trong dân số có mức độ lão hóa thứ năm thế giới, ít miễn dịch tự nhiên và được chích ngừa bằng vac-xin nội địa kém hiệu quả.
Về phần Iran, "ông thần" dường như đã ra khỏi cái chai với cuộc nổi dậy chống lại khăn quàng Hồi giáo, và nay còn muốn lật đổ chế độ. Một con số nói lên nhiều điều : GDP trên đầu người của quốc gia giàu dầu lửa này chỉ tăng gấp đôi kể từ Cách mạng Hồi giáo 1979, trong khi cả thế giới tăng gấp sáu. Cũng có thể kể luôn chế độ Erdogan, 21 năm cầm quyền, lạm phát lên đến 85%.
Dập tắt phản biện : Các nhà độc tài tự hại chính mình
Tất nhiên những chế độ này vẫn có thể may mắn sống sót. Kremlin có thể cho động viên và huấn luyện hàng trăm ngàn tân binh để "đóng băng" các chiến tuyến. Đợt dịch Covid có thể sát hại ít người hơn ở Hoa lục, các giáo sĩ khủng bố được người dân, nhất là ở Iran không có một tổ chức chính trị nào có khả năng giành được quyền lực. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ chính của Erdogan sắp bị tư pháp cấm tham chính, và bản thân ông đã thắng 14 cuộc bầu cử liên tiếp…
Nhưng lý lẽ cho rằng độc tài hiệu quả hơn dân chủ - vì phải đối phó với phản biện và tìm kiếm thỏa hiệp - trong những cuộc khủng hoảng lớn, đã hoàn toàn sụp đổ. Bởi vì chế độ Moskva, Bắc Kinh, Tehran, Ankara hoàn toàn chịu trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng nay đang đe dọa họ. Các chế độ này tự húc đầu vào tường : Putin quyết định xâm lăng Ukraine với lý lẽ "dân tộc Nga và Ukraine là một", Bắc Kinh tự bập vào chiếc bẫy zero Covid vô nghĩa, các giáo sĩ bám chặt lấy giáo điều về khăn choàng Hồi giáo dù dân chúng không còn chấp nhận. Còn chủ thuyết "Erdoganomic" - chống lạm phát bằng cách giảm lãi suất – cũng chẳng khác nào thuật chiêm tinh.
Trong mỗi quốc gia trên, chính việc triệt tiêu phản biện nhằm tập trung quyền lực vào tay một con người duy nhất, là nguyên nhân của những sai lầm. Tập Cận Bình là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, vừa là chủ nhiệm Quân ủy Trung ương. Erdogan là tổng thống kiêm chủ tịch đảng AKP chiếm đa số trong chính phủ và Quốc hội, giáo chủ Ali Khamenei nắm quyền tối thượng trên cả nước. Còn Vladimir Putin, tổng thống Nga, trên thực tế thâu tóm mọi quyền hành và không nghe bất kỳ ai. Trước khi xâm lăng Ukraine, chủ trì một cuộc họp với các bộ trưởng và cố vấn nói năng lắp bắp vì sợ, ông ta bỏ ngoài tai khuyến cáo của các nhà kinh tế giỏi nhất, cảnh báo về thảm họa.
Les Echos cho rằng năm 2023 có thể nhắc nhở các nhà độc tài câu nói của nhà sử học cổ đại Hy Lạp Hérodote về sự ngạo mạn : "Hãy nhìn những ngôi nhà và cả những cây cao nhất : tia sét luôn giáng xuống chúng vì ông trời buộc những gì nhô cao quá đáng phải hạ mình xuống".
Thụy My