Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/01/2023

Thể chế độc tài tạo ra nhiều "căn bệnh" xã hội

Song Chi

Mô hình thể chế độc tài tạo ra rất nhiều "căn bệnh" xã hội, khiến cho cái xã hội ấy, quốc gia ấy khó mà phát triển lành mạnh được. Những "căn bệnh" thường gặp trong mọi xã hội có một thể chế độc tài là bệnh tham nhũng, dối trá, hèn nhát, thiếu lòng tin vào chính phủ-vào luật pháp-vào con người, là cái Thiện, cái Đẹp, sự tử tế thì ngày càng trở nên hiếm hoi trong khi cái Ác, cái Xấu, sự không tử tế thì tràn lan như cỏ dại và ngày càng trở thành bình thường…

xahoi1

Trong một xã hội như vậy, hầu hết con người sẽ trở nên thờ ơ vô cảm, không quan tâm đến cái Chung, đến vận mệnh của đất nước, dân tộc, không quan tâm đến chính trị--vì nếu quan tâm, bất bình, lên tiếng thì sẽ gặp rắc rối với chính quyền ngay lập tức và phải trả giá đắt ! Người dân do đó hầu hết chỉ còn quan tâm tới việc làm thế nào để tồn tại và được yên thân ; còn quan chức, chính quyền thì chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ, của chế độ, bất chấp quyền lợi, lợi ích đó có mâu thuẫn, có làm hại cho lợi ích của đất nước, dân tộc hay không.

Nhưng với Việt Nam, còn có những "căn bệnh" nặng khác của một nước "nhỏ" về mặt kinh tế, vị thế trên thế giới (mặc dù không "nhỏ" về dân số, diện tích). Chẳng hạn :

Bệnh "tự sướng", "nổ". Có người còn dùng một cái từ "thô" hơn là "thủ dâm tinh thần".

Từ quan chức, báo chí truyền thông cho tới doanh nhân, một hiện tượng thường thấy là làm thì ít mà "nổ" thì nhiều. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì "Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không ?" ("Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?", VNExpress), "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" ("Tổng bí thư : 'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay', VNExpress), "Tổng bí thư, Chủ tịch nước : Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam", báo Người Lao Động…

Ông cựu Thủ tướng, bây giờ là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thì "Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói : ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì ‘Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam", ("Thủ tướng : ‘Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó sẽ về Việt Nam’, Tinh Hoa)…

Vào những ngày giữa tháng 1/2017, một số tờ báo của Việt Nam đưa tin "Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới". Nhưng ngay sau đó một số người có chuyên môn đã phải lên tiếng nói lại cho rõ ("Thực hư chuyện Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới", Gia đình & Xã hội) ; hoặc đến năm 2050 Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới…

Hay chuyện xe hơi điện Vinfast đầu tư ở Mỹ, báo chí truyền thông Việt Nam đua nhau "nổ" banh về chất lượng của xe điện Vinfast, trong khi có những bài báo của phóng viên nước ngoài thì nhận xét hoàn toàn khác. Ví dụ như bài báo của Kevin Williams trên Jalopnik "The VinFast VF8 is Simply Not Ready for America" ("VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ"). Một số bài khác thì chê Vinfast đắt, chạy chỉ được 180 dặm nhưng có giá 55.000 USD hoặc hơn "180 Miles for $55k : Can the 2023 VinFast VF 8 SUV Break Into America ?", Christian Seabaugh, Motortrend, "Vinfast's First EVs Have Just 180 Miles of Range but Still Cost Over $55K", David Shultz, dot.LA. Và hiện tại Vinfast đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, các mẫu xe đều đang phải bán lỗ, công ty đang gánh những món nợ lớn ("VinFast lỗ gần 4,7 tỷ USD, nợ xấp xỉ 8,8 tỷ USD ; xe VF8 bị tố lỗi phần mềm", VOA).

Đọc báo Việt Nam, những chuyện "nổ" như vậy của một số quan chức, đại gia, doanh nhân, một số người thuộc giới showbiz… nhiều không kể xiết.

Một khía cạnh khác của "tự sướng", "nổ" là tự hào quá lố về những chuyện không đâu. Một quốc gia nghèo, vẫn đang trong giai đoạn bán tài nguyên, nguyên liệu thô, nông ngư sản, bán mồ hôi và sức lao động của con người chứ chưa làm ra được những sản phẩm công nghệ cao nào, chưa có một thương hiệu toàn cầu nào, nhưng hễ thắng được một trận bóng đá trong khu vực là báo chí giật những cái tít kiểu như "U23 Việt Nam đặt cả Châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời" ("Đời sống & Pháp luật), hoặc viết những bài "ngây ngất" như : "Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi !", câu hát ấy đã vang dội trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, vang dội trên khắp các phố phường, làng xã Việt Nam, từ nông thôn, thành thị cho đến những vùng miền xa xôi, hải đảo, biên cương của Tổ quốc. Chiến thắng lẫy lừng, đăng quang ngôi vô địch bóng đá Đông - Nam Á - AFF Suzuki Cup 2018, khẳng định vị thế số một khu vực của đội tuyển Việt Nam là kết quả xứng đáng của một hành trình thuyết phục bằng tinh thần thi đấu kiên cường, tài năng, trí tuệ và quyết tâm sắt đá". ("Tự hào quá, Việt Nam ơi !", Nhân Dân).

Những từ ngữ kiểu như "vỡ òa", "ngạo nghễ", "tự hào quá Việt Nam ơi" rất thường thấy trên báo chí truyền thông trong nước. Khi xảy ra đại dịch Covid/19, bao nhiêu người Việt đi du lịch thăm thân nhân, đi làm, đi học ở nước ngoài bị kẹt không về được vì biên giới các nước đóng cửa, hàng không Việt Nam lúc đó đã thực hiện những chuyến bay gọi là "giải cứu" để đưa người Việt về nước. Rất nhiều bài báo ca ngợi chuyện này : "Những "chiến binh" bay vào tâm dịch và cuộc giải cứu lịch sử", báo Đầu tư. "Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào", Kinh tế Môi trường…

Và đến bây giờ thì chúng ta đã biết sự thật phía sau những chuyến bay "giải cứu" ấy là một trong những vụ tham nhũng lớn, nhẫn tâm ăn tiền trên nỗi khổ của người dân giữa đại dịch như thế nào.

Tự hào "vô lối" đến mức tại các giải đấu bóng đá lớn như EURO, World Cup, người Việt đến dự mang theo những lá cờ đỏ sao vàng rất to và khi hình ảnh những lá cờ ấy xuất hiện lọt vào ống kính nước ngoài thì báo chí lại cho đó là tự hào, "Cờ Việt Nam tung bay trên khán đài", Đại Đoàn Kết ; là chứng tỏ "tình yêu Tổ Quốc" hay "sự có mặt của người Việt ( !) trong khi lẽ ra phải thấy buồn, thấy tủi vì bóng đá Việt Nam "chưa có cửa" tại những giải đấu lớn như vậy ("Người Việt ở Qatar mang cờ đỏ sao vàng vào khán đài World Cup : Tình yêu Tổ quốc và thể thao ăn sâu vào tim !", Dân Việt).

Bệnh "háo danh". Chạy theo những giá trị ảo hoặc vật chất bề ngoài mà không chú ý đến những giá trị thực chất.

Xã hội Việt Nam bây giờ có thể nói là một xã hội chạy theo những giá trị hào nhoáng bên ngoài, bề ngoài. Những giá trị đó có thể là danh hiệu, học hàm – dù là Phó Tiến Sĩ, Tiến Sĩ hay Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân Dân, Hoa hậu, Hoa khôi, nhà này nhà kia… – cho tới cái xe đẹp, cái nhà to, có con cái đi du học ở nước ngoài, làm ở Bộ kia Viện nọ…

Không chỉ "chuộng" hình thức, mà bệnh "háo danh" cũng có vô số ví dụ để kể. Chẳng hạn, có những người in những tấm danh thiếp trên đó tràn ngập chi tiết, nào là nhà thơ nhà văn nhà báo, các loại "nhà", Hội viên của bao nhiêu thứ Hội xyz …Hay câu chuyện ồn ào mới đây về một "nhà thơ thế giới" với rất nhiều chức danh không biết ở đâu ra.

Sự "háo danh" này có thể thấy ở mọi tầng lớp khác nhau. Trong giới doanh nhân đại gia, có những vụ "chơi bạo lấy tiếng" như Quỹ VinFuture của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup trao 4 giải thưởng cho các nhà khoa học gia xuất sắc nước ngoài hôm 20.1.2022 (6 người được nhận giải, là công dân của những quốc gia giàu có hơn Việt Nam nhiều như Mỹ, Canada, Nam Phi). Hay vụ bà tỷ phú Nguyễn Phương Thảo, tổng giám đốc của VietJet Air, ký bản ghi nhớ tặng 155 triệu bảng Anh (211 triệu USD) cho Linacre Collge, thuộc Đại học Oxford của Anh, tại Edinburgh ở Scotland hôm 31.10.2021, được biết đây là số tiền cao nhất mà một cá nhân đóng góp cho Đại học Oxford. Nhưng cho đến nay ngay khoản tiền đầu tiên trị giá 50 triệu Bảng Anh mà bà Thảo phải chuyển cho trường này theo kế hoạch đã quá hạn mà vẫn không thấy đâu, ngược lại, mới đây cả tờ Telegraph, VOA tiếng Việt ngày 4.1.2023 đều đưa tin hãng VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bị kiện vì nợ tiền thuê phi cơ từ năm ngoái, lên đến 155 triệu Bảng Anh (trùng hợp ngẫu nhiên với khoản tiền bà Thảo cam kết tài trợ cho Linacre College) cộng với tiền lãi ít nhất 31,000 Bảng Anh mỗi ngày !

Vì sao có những "căn bệnh" xã hội này và hậu quả ?

Như đã nói, tất cả những "căn bệnh xã hội " trên là hậu quả của một xã hội độc tài, ở đó nhà cầm quyền luôn dối trá với dân chúng về những "thành công" của chế độ, chạy theo thành tích, hô khẩu hiệu, lên "dây cót" cho người dân bằng tinh thần dân tộc quá khích để che giấu những vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Nhưng khác với Nga hay Trung Quốc ít ra còn có những cái gì đó để tự hào – là nước lớn, trong quá khứ từng là những đế quốc, vương quốc, hoặc có vị thế chính trị, quân sự lớn trên thế giới (Liên Xô cũ), hoặc đang là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (Trung Quốc)…Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam không làm được gì cho người dân Việt có thể tự hào ngoài việc "ăn mày dĩ vãng" từng đánh thắng Pháp, Mỹ Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam là nước nhỏ về nhiều mặt, và cái tâm lý nhược tiểu đó có thể thấy rất rõ từ quan chức cho tới người dân. Không có những thành tựu thực sự thì "nổ". Vì làm ăn gian dối nên "nổ".

Và thay vì xây dựng cho xã hội một triết lý, đạo đức sống lành mạnh để thực sự bình an, hạnh phúc thì nhà nước này lại khuyến khích người dân lao vào cuộc mưu sinh, kiếm danh kiếm tiền để quên đi những vấn đề nhức nhối về tự do, dân chủ, quyền con người, tương lai của đất nước, dân tộc.

Hậu quả là gì ?

Trong suốt cuộc đời của đa số người Việt phải bỏ ra không ít thời gian để "chạy" trường, "chạy" lớp, "chạy" điểm, "chạy" bằng, chạy tìm chỗ đứng trong xã hội…Mất bao nhiêu năng lượng, thời gian sống, nhưng vẫn không hạnh phúc. Khổ vì không có tự do, dân chủ, vì nhân quyền bị chà đạp đã đành, nhưng còn bao nhiêu cái khổ là do cái xã hội chung quanh và do chính mình tạo ra.

Còn đối với một chính quyền, bệnh "tự sướng", "nổ", khiến họ không nhìn thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng của chế độ, việc chạy theo những thành tích tăng trưởng, kế hoạch, mục tiêu "ảo" mà không lo xây dựng những nền móng, cơ sở căn bản cho một sự phát triển lành mạnh, lâu dài, thì cũng chỉ là "xây nhà từ nóc" mà thôi. Nhìn nước Nga "nổ" cho lắm, bao nhiêu năm thế giới cứ tưởng quân sự, quốc phòng, vũ khí Nga đáng sợ lắm, đến khi xảy ra cuộc chiến Ukraine mới thấy thực lực của Nga thế nào. Trung Quốc cũng thế, mấy chục năm qua thế giới liên tục nói đến sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc, chả mấy chốc mà vượt qua Mỹ…nhưng chỉ cần một đại dịch Covid/19 là lộ ra hết từ hệ thống y tế, khả năng chế tạo vaccine, khả năng đối phó, điều trị…còn kém như thế nào ; hay khủng hoảng bất động sản, ngân hàng đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc ra sao.

Việt Nam, sau khi chiến thắng cuộc nội chiến 30 năm nhờ vũ khí, tài lực, vật lực của nước ngoài và cả "ngoại nhân", đã ngây ngất "tự sướng" đến mức gây ra bao nhiêu chính sách sai lầm về kinh tế, đối nội, sử dụng con người cho đến ngoại giao. Hậu quả là kinh tế tụt dốc, cả nước suýt rớt xuống bờ vực chết đói phải "đổi …cũ", và sa vào 2 cuộc chiến biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam làm đất nước suy yếu thêm. Cứ tưởng bài học đó đã đủ. Nhưng không, gần nửa thế kỷ qua rồi, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục "ngây ngất", "tự sướng", tiếp tục "nổ"…, báo chí truyền thông cũng đua nhau "nổ", đọc những "thành tích tự xưng" về mọi mặt ấy mà cứ tưởng như đang nói về nước nào chứ không phải là Việt Nam !

Những "căn bệnh" ấy sẽ khó mà thay đổi được khi nào còn một mô hình thể chế độc tài kìm hãm sự phát triển của xã hội, đồng thời hủy hoại nhân tính, những điều thiện lương, tốt đẹp trong mỗi con người. Và chỉ khi đó Việt Nam mới có hy vọng phát triển trở thành một quốc gia có thực lực về kinh tế, độc lập tự chủ trong ngoại giao, quốc phòng, đời sống người Việt Nam thực sự được tự do, bình an, hạnh phúc.

Song Chi

Nguồn : RFA, 13/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 340 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)