Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/01/2023

Quốc nạn tham nhũng, bất ổn lãnh đạo, thế lực Tây Ninh

Quang Minh - Thanh Phương - Lưu Ly

Tham nhũng như một quốc nạn, liệu có thể chấm dứt ?

Quang Minh, Thoibao.de, 18/01/2023

Theo số liệu do tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International), kết quả chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam được đánh giá là có cải thiện. Theo đó, chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2021 của Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).

vn1

Chỉ số nhận thức tham nhũng theo từng năm của Việt Nam trên trang web của Tổ chức Minh bạch thế giới

Trong bài viết trên tạp chí "Diễn đàn Đông Nam Á" vào ngày 23/2/2022, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hồng, nghiên cứu viên danh dự tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Queensland, Úc, nhận định : "Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã nêu ra bốn yếu tố để đánh giá mức độ tham nhũng của các quốc gia bao gồm : Cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực, xã hội dân sự độc lập, pháp quyền mạnh mẽ và báo chí tự do". Tuy nhiên, "Đảng cộng sản Việt Nam đã không tin tưởng để cho báo chí được tự do tố cáo tham nhũng và không muốn áp dụng bốn tiêu chuẩn chống tham nhũng hiệu quả của Tổ chức Minh bạch Quốc tế".

Báo dangcongsan.vn hôm 30/6/2022, cho biết : "Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang".

"Những con số này tiếp tục tăng – Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng đã khởi tố và điều tra 390 vụ án tham nhũng liên quan đến 1.011 người vào năm 2021, trong đó có một Bí thư Tỉnh ủy, một Thứ trưởng Bộ Y tế và 10 tướng cấp cao trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam". Ông Nguyễn Hải Hồng cho biết thêm trong bài bình luận của mình.

Tháng 11/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống tham nhũng như : Đề cao tính liêm chính, thực hiện hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…

Chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, ngoài mặt dường như là một chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi tham nhũng nào, nhưng thực tế không đạt được hiệu quả như người dân mong đợi. Ngày càng có nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được phanh phui, nổi bật mới đây là 2 đại án chuyến bay giải cứu và kit test Việt Á, làm chấn động dư luận, vì mức độ nghiệm trọng và liên đới đến vô số quan chức, đảng viên cộm cán.

Báo chí tự do là một trong những yếu tố quan trọng tham gia vào việc thúc đẩy sự minh bạch, phát hiện và điều tra tham nhũng. Như trong một bài viết vào ngày 8/11/2022, tờ baochinhphu.vn khằng định : "Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều đổi mới, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được khẳng định và phát huy".

vn2

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Mặc dù luôn nêu chủ trương thúc đẩy vai trò của báo chí, nhưng thực tế cho thấy, cả báo chí nhà nước và tư nhân vẫn chịu sự kiểm soát của Đảng cộng sản Việt Nam và không thể thoát khỏi vòng kim cô "kiểm duyệt".

Tham nhũng đã trở thành một thứ virus lan truyền khắp vùng miền và trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam. Càng khám phá nhiều vụ án thì chỉ càng cho thấy đó mới là một phần nhỏ của cây kim trong bọc. Vì vậy, vẫn luôn luôn tồn tại nhiều câu hỏi trong xã hội : Liệu còn bao nhiêu vụ án lớn chưa được phanh phui, và liệu rằng quyết tâm phòng chống tiêu cực của Đảng cộng sản Việt Nam đã phát huy được hết tác dụng, hay chỉ là những cuộc thanh trừng nội bộ được che đậy kỹ lưỡng ?

Quang Minh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 18/01/2023

****************************

Việt Nam : Bất ổn nhân sự lãnh đạo tác hại đến môi trường đầu tư ?

Thanh Phương, RFI, 18/01/2023

Tiếp theo sau vụ từ chức của hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, chính trường Việt Nam trong những ngày đầu năm 2023 lại bị rúng động bởi một sự kiện chưa từng có tiền lệ : chủ tịch nước, nhân vật đứng hàng thứ hai trong ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, buộc phải "xin thôi" các chức vụ, thậm chí xin "nghỉ công tác và nghỉ hưu", rút hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị. 

vn3

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng thủ tướng Phạm Minh chính và chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tới một phiên họp Quốc hội ngày 20/10/2022. AFP - Nhac Nguyen

Sau ông Nguyễn Xuân Phúc, câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra : nhân vật nào sẽ nằm trong danh sách kế tiếp ? Nói cách khác, cùng với đà tăng tốc của chiến dịch "chống tham nhũng" do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, tình hình chính trị Việt Nam chắc là sẽ còn gặp nhiều xáo trộn, khi mà ngay cả chủ tịch nước mà cũng không giữ được chiếc ghế của mình. 

Nhưng liệu có nguy cơ là bất ổn về nhân sự lãnh đạo tối cao sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế hay không ? 

Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt đến 8%, mức tăng cao nhất ở vùng Đông Nam Á, một phần chính là nhờ Việt Nam cho tới nay được đánh giá ổn định hơn một số nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện hay Malaysia, nên thu hút được nhiều đầu tư. 

Nhưng trong một bài viết đăng trên trang Nikkei Asia ngày 17/01/2023, nhà phân tích người Mỹ Zachary Abuza cho rằng những thay đổi chưa từng có trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước của Việt Nam khiến các nhà đầu tư ngoại quốc phân vân, không biết sự ổn định chính trị đó có sẽ được duy trì lâu dài không. 

Theo đánh giá của Abuza, ông Nguyễn Xuân Phúc, từng là thủ tướng vào thời kỳ mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, được xem là một lãnh đạo vững chắc hơn là người kế nhiệm Phạm Minh Chính, bị xem là thiếu kinh nghiệm.

Hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng được xem là những nhà quản trị đầy năng lực, đã đóng vai trò then chốt trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid/19 ở Việt Nam, được coi là một trong những quốc gia chống Covid tốt nhất thế giới. 

Phần lớn chính nhờ thành công chống đại dịch mà kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng năm 2022 đạt mức cao như thế. 

Nhưng cả hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam rốt cuộc bị xem là chịu trách nhiệm về hai vụ tai tiếng tham nhũng có liên quan đến Covid là vụ Việt Á và vụ "chuyến bay giải cứu", tuy rằng bản thân hai ông không dính líu vào những vụ này.

Nhà phân tích Abuza nhấn mạnh, những nhân vật như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và những người trước đó cũng bị mất chức là những nhà kỷ trị thực dụng, đã góp phần giúp bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho Việt Nam. 

Trong số các ứng viên có triển vọng nhất cho chức chủ tịch nước, có đương kim bộ trưởng Công an Tô Lâm. Nếu ông Tô Lâm được lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, như vậy là trong "tứ trụ" sẽ có hai nhân vật xuất thân từ bộ máy an ninh. Thế lực của công an trong guồng máy lãnh đạo đảng và nhà nước của Việt Nam sẽ tăng thêm.

Trả lời hãng tin Bloomberg hôm qua, chuyên gia Bill Hayton, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), nhận định như vậy là bộ Công an sẽ giành lấy quyền kiểm soát đảng từ những nhân vật vẫn chủ trương là tốt hơn nên để cho chính phủ thi hành chính sách. Ông ghi nhận : "Các nhân vật chủ trương tự do hóa, các bộ trưởng có năng lực, hoặc như quý vị gọi, các "ngôi sao", đều đã bị tống ra ngoài".

Nhà phân tích Abuza cũng có nhận định tương tự. Theo ông, chiến dịch chống tham nhũng đang gây bối rối cho các nhà đầu tư ngoại quốc, vì những nạn nhân hàng đầu của chiến dịch này lại là các nhà quản trị có năng lực. Do hiện nay đang có cạnh tranh gay gắt giữa các nước Châu Á để thu hút những nhà đầu tư đang tìm một nơi thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ bị mất lợi thế nếu bộ máy cầm quyền không còn được xem là ổn định và có năng lực.

Đó là chưa kể, sau Tết Nguyên Đán, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều người bị bắt giữ hoặc bị điều tra vì tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Đấu đá nội bộ sẽ ngày càng gay gắt vì các phe sẽ tranh nhau chức vụ lãnh đạo tối cao thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc sẽ rời chiếc ghế tổng bí thư khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026.

Thanh Phương

***************************

Tây Ninh "Bắc tiến", Hải Phòng "thất thủ" và "ma lực" Trần Lưu Quang

Lưu Ly, Thoibao.de, 18/01/2023

Ông Trần Lưu Quang là ai mà tiến thân rất nhanh, không những ông Quang tiến nhanh mà trên con đường ông đi qua luôn có đồng hương Tây Ninh chuyển đến hoặc thế chỗ. Đấy là câu hỏi không dễ gì có câu trả lời trong ngày một ngày hai.

vn4

Ông Trần Lưu Quang được phân nhận nhiệm vụ do ông Phạm Bình Minh để lại

Ngày 16/1, ông Phạm Minh Chính phân công phân nhiệm cho Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là đảm nhiệm các chức vụ do ông Phạm Bình Minh để lại, và chịu trách nhiệm theo dõi và chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc. Ngoài ra ông Trần Lưu Quang cũng đảm nhiệm phần trách nhiệm thay cho ông Lê Văn Thành mà trước đây ông Phạm Bình Minh đã gánh.

Như vậy thì đã rõ, ông Trần Lưu Quang đang ngồi vào ghế Phó Thủ tướng Thường trực của ông Phạm Bình Minh để lại. Việc ông Trần Lưu Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị chỉ là vấn đề thời gian. Ông Trần Lưu Quang đã tiến thân theo một lộ trình sắp đặt sẵn mà không hề có thành tích đáng chú ý nào trong quá trình công tác. Một Nguyễn Tấn Dũng thứ hai đang hiện dần.

Ngày 27/2/2019, bất ngờ Bộ Chính trị quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trần Lưu Quang lúc đó đang là Bí thư tỉnh Tây Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thay ông Tất Thành Cang. Lúc này dư luận mới biết đến ông Trần Lưu Quang, chứ trước đây ông Quang rất mờ nhạt.

Khi ông Trần Lưu Quang đang là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì một người Tây Ninh khác cũng đến nắm chức lãnh đạo cao nhất thành phố này, đó là ông Nguyễn Văn Nên.

Ngồi ghế Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 2 năm 66 ngày, chưa được nửa nhiệm kỳ và cũng chẳng tạo được thành tích gì, thì ngày 4/5/2021, Bộ Chính trị lại phân công ông Trần Lưu Quang giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng thay cho ông Lê Văn Thành được bầu giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngồi ghế Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ có 1 năm 248 ngày, cũng chưa lập được thành tích gì, thì ngày 5/1/2023, ông Trần Lưu Quang được Bộ Chính trị phân công làm Phó Thủ tướng. Điều đáng nói là, khi ông Trần Lưu Quang ra Hà Nội, ông kịp đưa một đồng hương Tây Ninh khác thế vào vị trí cũ của ông, đó là một ông quê quán ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Điều làm nhiều người thắc mắc là, chỉ trong vòng 1 năm 248 ngày, làm sao ông Trần Lưu Quang đè được ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, dân gốc Hải Phòng, không ngoi lên được ? Được biết, ông Đỗ Mạnh Hiến là cấp phó thời ông Lê Văn Thành làm Bí thư Thành ủy. Phải có thế lực ngầm nào đó khống chế, nắm thóp thế lực tại Hải Phòng thì thế lực Tây Ninh mới Bắc tiến thành công như vậy. Có thể nói, từ khi Trần Lưu Quang ra Hải Phòng thì thế lực Hải Phòng đã thất thủ từ đó, và bị đè không "ngoi lên được".

vn5

Ông Lê Tiến Châu – người gốc Tây Ninh được phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Hầu hết những người miền Nam Bắc tiến đều là dạng cơ cấu lên cao. Bà cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng Bắc tiến làm Bí thư Hải Dương từ năm 2002 đến 2006, sau đó leo vào Tứ Trụ với chức Chủ tịch Quốc hội, chức cao nhất dành cho một phụ nữ trong chế độ Cộng sản cho đến nay.

Ông Trần Lưu Quang đang là thế lực đang lên, nếu với đà này, khả năng ông Trần Lưu Quang chiếm ghế Thủ tướng của ông Phạm Minh Chính là điều hoàn toàn có thể. Chỉ cần được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, thì ông Phạm Minh Chính cũng phải dè chừng.

Lê Tiến Châu là một ẩn số, là người miền Nam Bắc tiến, nắm ghế Bí thư một thành phố trực thuộc Trung ương, thì mối quan hệ ngầm của ông này không phải là đơn giản. Phải có áp lực nào đấy kiểm soát nhóm lãnh đạo địa phương tại Hải Phòng thì ông Châu mới có đất diễn. Và cũng có khả năng, đây chỉ là một nơi để ông Lê Tiến Châu "quá cảnh", để leo lên cao như ông Trần Lưu Quang đã làm.

Lưu Ly (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 18/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quang Minh, Thanh Phương, Lưu Ly
Read 366 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)