Quân đội Mỹ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines
Thu Hằng, RFI, 02/02/2023
Quân đội Mỹ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines, theo quyết định được công bố ngày 02/02/2023, nhân chuyến công du Manila của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhằm củng cố quan hệ đồng minh và chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong vùng.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trong cùng hàng trái) tại dinh tổng thống Malacanang ở Manila, Philippines, ngày 02/02/2023. © Reuters- POOLJam Sta Rosa
Washington và Manila không ký thêm thỏa thuận mới, mà chỉ mở rộng và thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) đã có từ năm 2014. Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo quốc phòng hai nước khẳng định : "Bốn địa điểm mới nằm tại những khu vực chiến lược của Philippines". Một lãnh đạo cấp cao Philippines cho AFP biết là hai bên đang tiếp tục đàm phán về khả năng tiếp cận căn cứ thứ năm.
Tuyên bố chung không nêu rõ địa điểm của bốn căn cứ mới, nhưng theo nhiều nguồn tin, đa số sẽ nằm trên đảo chính Luzon gần Đài Loan nhất, nơi mà Mỹ đã có hai căn cứ. Một căn cứ khác có thể nằm trên đảo Palawan (phía tây Philippines), đối diện với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Với quyết định mới này, Mỹ được sử dụng tổng cộng ít nhất 9 căn cứ ở Philippines. Năm căn cứ mà quân đội Mỹ được phép tiếp cận trước đó nằm trong khuôn khổ của Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự VFA năm 1999 và Thỏa thuận EDCA năm 2014.
Trong buổi tiếp kiến tổng thống Marcos Jr. ngày 02/02, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh Manila là đồng minh "chủ chốt" của Mỹ. Ông cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ "tăng cường và hiện đại hóa phương tiện quân sự của Philippines và gia tăng hợp tác giữa hai quân đội".
Washington và Manila là những đồng minh lâu năm, nhưng quan hệ song phương trở nên căng thẳng dưới thời tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo muốn ngả sang Trung Quốc. Kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền, hai bên đã tìm cách tăng cường hợp tác để đối phó với những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông và với việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực chiếm Đài Loan.
Thu Hằng
*************************
Mỹ đặt thêm tiền đồn ở Philippines khống chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 01/02/2023
Washington có thể sử dụng đến 9 căn cứ quân sự ở Philippines, tăng gấp đôi so với số lượng được phép hiện nay. Tại bốn căn cứ mới mà Hoa Kỳ được phép tiếp cận, theo thỏa thuận ngày 02/02/2023, quân đội Mỹ có thể xây dựng doanh trại, kho chứa vũ khí để bảo đảm cho sự hiện diện lâu dài trong khu vực, nơi Trung Quốc không ngừng củng cố yêu sách chủ quyền và đe dọa các nước láng giềng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) bắt tay đồng nhiệm Philippine Carlito Galvez Jr. tại cuộc họp báo chung ở Manila ngày 02/02/2023. AP - Joeal Calupitan
Từ năm 1991, quân đội Mỹ không còn hiện diện thường trực ở Philippines sau khi phải đóng cửa căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic Bay, do bất đồng về điều kiện thuê địa điểm và Thượng Viện Philippines chấm dứt "đặc quyền" này. Tuy nhiên, quân đội hai nước vẫn duy trì hợp tác, theo Thỏa thuận Thăm viếng Quốc phòng (VFA) ký năm 1999. Đến năm 2014, lính Mỹ đã có thể trở lại lưu trú luân phiên tại 5 căn cứ quân sự của Philippines, theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA).
Lầu Năm Góc đã đầu tư đến 82 triệu đô la, chủ yếu thông qua những hợp đồng với doanh nghiệp Philippines, để xây dựng doanh trại, lắp đặt trang thiết bị quân sự, xây dựng đường băng, kho vũ khí, xăng dầu… trong những khu vực được phép sử dụng. Theo AFP, khoảng 500 quân nhân Mỹ luân phiên trú đóng tại Philippines, cùng với một số khác tham gia những chương trình huấn luyện chung trong năm.
Gần 10 năm sau, Mỹ có thể tiếp cận đến 9 căn cứ quân sự của Philippines. Rất nhiều cơ sở từng nằm trong chuỗi "thành trì thế giới tự do" kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống Philippines trong thời Chiến tranh lạnh. Tất cả những căn cứ được Washington lựa chọn đều có vị trí chiến lược trong trường hợp xảy xung đột ở Đài Loan hoặc ở Biển Đông. Trong bốn căn cứ vừa được Manila cho phép Mỹ tiếp cận, đa số nằm ở phía bắc đảo Luzon, chỉ cách Đài Loan khoảng 300 km, nơi Mỹ đã được sử dụng hai căn cứ.
Nhật báo Bỉ La Libre ngày 01/02 cho rằng những tiền đồn được Mỹ củng cố ở Philippines nhằm nâng cao khả năng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh thực hiện lời đe dọa thống nhất hòn đảo bằng vũ lực. Những căn cứ ở Philippines tạo thành vòng vây ở miền nam Đài Loan ; còn ở phía bắc, Mỹ có bàn đạp là đồng minh Nhật Bản, với những căn cứ ở Okinawa và quần đảo Ryukyu. Một nửa trong tổng số 50.000 quân Mỹ được triển khai ở Nhật Bản hiện đồn trú ở Okinawa.
Ngược xuống phía nam Philippines, Mỹ có thể được phép tiếp cận căn cứ trên đảo Palawan, đối diện với quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông nơi mà Trung Quốc muốn độc chiếm đến 80% diện tích. Vị trí quan trọng của Palawan từng được chú ý khi phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm hòn đảo vào tháng 11/2022.
Nỗ lực của Washington củng cố hợp tác quân sự với đồng minh lâu đời ở Đông Nam Á đang đạt được kết quả. Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr., dù chủ trương giữ cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, vẫn chú trọng đến việc không để Trung Quốc chà đạp lên quyền hàng hải của Manila.
Một mặt, tổng thống Philippines vẫn duy trì quan hệ thương mại với đối tác hàng đầu là Trung Quốc, thông qua 12 thỏa thuận về thương mại và du lịch được ký trong chuyến công du Bắc Kinh vào đầu tháng 01/2023. Mặt khác, ông cũng đề cập với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những quan ngại về chủ quyền, quyền đánh bắt của ngư dân Philippines ở những ngư trường truyền thống, hoặc những công trình quân sự được Bắc Kinh xây trên những thực thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông, trong vùng biển của Philippines.
Tuy nhiên, Manila không yên tâm dù được Bắc Kinh trấn an. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 19/01, tổng thống Philippines tỏ vẻ "lo lắng" về tình hình Đài Loan và những căng thẳng giữa tầu chiến Trung Quốc và Mỹ trong khu vực. Tại Diễn đàn Kinh tế Davos, nguyên thủ quốc gia Philippines từng cảnh báo nếu xảy ra tình huống xấu, các nước trong vùng sẽ là những bên trực tiếp "gánh chịu".
Thu Hằng
**********************
Biển Đông : Trung Quốc tăng kỷ lục số vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp năm 2022
Thu Hằng, RFI, 01/02/2023
Trong năm 2022, lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuần tra gần như hàng ngày quanh các thực thể quan trọng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với nhiều nước trong vùng. Trong báo cáo công bố ngày 30/01/2023, tổ chức Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) còn cho biết Trung Quốc gia tăng hiện diện trong bối cảnh căng thẳng tại tuyến đường biển với các nước láng giềng Đông Nam Á vẫn rất cao.
Tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển Philippines. Ảnh chụp ngày 23/03/2015 : AP - Renato Etac
Theo AMTI, "sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Nghiên cứu của tổ chức có trụ sở tại Washington dựa trên số liệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) do MarineTraffic cung cấp. Ví dụ, Hải cảnh Trung Quốc tuần tra 344 ngày ở bãi cạn Scarborough, 208 ngày ở đảo Thị Tứ, 279 ngày ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), 316 ngày tại cụm bãi cạn Luconia. Đối với Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), ngoài khơi Việt Nam, nổi tiếng về nguồn dầu khí, tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra đến 310 ngày, so với 142 ngày vào năm 2020.
Ngoài ra, cùng với sự hiện diện khắp nơi của lực lượng dân quân biển, Trung Quốc cho thấy quyết tâm khẳng định quyền kiểm soát đối với khảng 80% diện tích Biển Đông nằm trong đường chín đoạn mà nước này tuyên bố chủ quyền. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 31/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định "đội tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trong các vùng biển nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc để duy trì trật tự hàng hải, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Trung Quốc".
Nhà nghiên cứu Greg Poling, phụ trách chương trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (cộng sảnIS) tại Washington, được trang Bloomberg trích dẫn ngày 31/01, cho rằng "với các cuộc tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong những vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam gần như hàng ngày trong năm, điều đó cho thấy rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và va chạm với những nước láng giềng thường xuyên xảy ra".
Thu Hằng
Quan hệ Mỹ - Trung với "những rối ren đầy nguy hiểm" trong lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước vào chặng cuối quyết liệt, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan cùng những tham vọng thành thế lực lớn trong khu vực Địa Trung Hải, nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu vẫn nhùng nhằng chưa thể chia tay êm đẹp…. Đó là những chủ đề chiếm trang nhất các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay 08/09/2020.
Trước hết đến với nhật báo Le Figaro. Quan hệ căng thẳng Mỹ- Trung là sự kiện chính của tờ báo với hàng tựa lớn trang nhất : "Những rối ren nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Washington".
"Chưa bao giờ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại lao vào một cuộc đọ sức căng thẳng như lúc này", Le Figaro nhận định. Nhất là vào thời điểm cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ đang bước vào hồi quyết định khi mà cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đua nhau chứng tỏ quan điểm cứng rắn với chế độ Bắc Kinh.
Tờ báo nhắc lại các quan hệ Trung-Mỹ gần đây : "Sau các màn khẩu chiến là liên tiếp các trừng phạt ngoại giao vì các hồ sơ Hồng Kông, Tân Cương. Trên mặt trận kinh tế thì chưa hết Hoa Vi, đã chuyển sang TikTok. Cùng lúc, Hải quân và Không quân hai nước thi nhau biểu dương sức mạnh trên Biển Đông, trong eo biển Đài Loan. Hòn đảo ly khai mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thề sẽ thu hồi, giờ được Mỹ công khai bảo vệ, đang thành tâm điểm mới của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc của thế giới".
Trong bài báo "Giữa Washington và Bắc Kinh, xích mích liên tục tiếp nối", nhật báo Pháp điểm lại những căng thẳng leo thang ở cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trên mọi mặt trận. Những động thái như vậy tiềm ẩn những rủi ro đẩy thế giới vào một cuộc xung đột lớn. Tờ báo dẫn phát biểu của ngoại trưởng Mỹ hôm 12/08 vừa qua tại Praha, báo động về một cuộc thập tự chinh ý thức hệ mới : "Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh lạnh 2.0. Và mối đe dọa của Đảng cộng sản Trung Quốc khó kiềm chế hơn so với Liên Xô (trước đây) nhất là mối đe dọa đó xen vào kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta".
Le Figaro ghi nhận, về phía Trung Quốc, "Ngoài khơi, trên bầu trời, quân đội liên tiếp mở tập trận, đặc biệt trong vùng kênh Ba Sĩ, ở phía nam Đài Loan và trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 90% diện tích, bất chấp các quy định của Liên Hiệp Quốc và phán quyết năm 2016 của Tòa án quốc tế La Haye. Từ tháng 7, Washington chính thức đứng về phía các nước trong vùng cũng đòi chủ quyền trong vùng biển chiến lược này, như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Hải quân Mỹ liên tiếp tiến hành các cuộc tuần tra. Hồi tháng 7, Mỹ còn cùng lúc điều 2 tàu sân bay tham gia. Đáp lại Hải quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, nơi họ đã dùng vũ lực chiếm từ 1974".
Các hành động phô trương sức mạnh giữa hai nước tiếp tục leo thang khiến một số dư luận lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột trong những tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ này. Tuy nhiên theo các nhà phân tích thì "xung đột quân sự là không thể xảy ra vì cả hai phe đều không muốn chiến tranh", nhất là tổng thống Donald Trump từ khi vào Nhà Trắng không bao giờ tỏ ra thích thú với các cuộc phiêu lưu quân sự. Bản thân Bắc Kinh sau đại dịch đang muốn băng bó lại vết thương nên cần ưu tiên cho kinh tế.
Nhưng theo xã luận của Le Figaro, điều đáng lo ngại nhất là trong giai đoạn bầu cử Mỹ này, "khi mà tổng thống mãn nhiệm đang gặp khó khăn trên mặt trận chống dịch Covid và kinh tế, ông ta sẽ không mất gì nhiều khi lấy Trung Quốc làm khẩu hiệu tranh cử, thì mọi hành vi không kiểm soát được đều có nguy cơ dẫn đến hậu quả không lường trước được". Xã luận tờ báo kết luận : "Phần còn lại của thế giới có thể cầu nguyện để những tuần lễ này, hai cường quốc hàng đầu thế giới duy trì các kênh trao đổi về khủng hoảng. Trong trường hợp cần".
Trung Quốc : Tư tưởng bá quyền cả trong môi trường
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, chuyển qua trang báo Le Monde. Tờ báo có bài phóng sự dài đề cập đến một nước Trung Quốc lấn lướt các quốc gia láng giềng, trên cả vấn đề môi trường. Bài viết của tác giả Bruno Philip có tựa đề : "Mêkông cạn khô vì các con đập"
Bài phóng sự đưa độc giả đến các địa phương nằm dọc bên sông Mêkông ở Thái Lan để cho thấy một thực tế đã xảy ra từ lâu nay, nhưng giờ đang thêm trầm trọng hơn : Đó là vô số các đập thủy điện xây dựng ở Trung Quốc và Lào đang làm đảo lộn lưu lượng dòng chảy của con sông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân ở hạ lưu Mêkông.
Bài báo nhắc lại là ở hạ lưu sông Mêkông, các nước Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Lào và Việt Nam, năm 2019, đã bị hạn hán tồi tệ nhất trong bốn chục năm qua. Thủ phạm số 1 được đa số các chuyên gia chỉ ra không phải là biến đổi khí hậu mà là Trung Quốc.
Từ đầu thế kỷ này, khi đã có kinh tế khá giả, Trung Quốc đã xây không dưới 11 đập trên sông Mê Kông để trị thủy, sản xuất điện năng cho riêng họ, không cần biết hậu quả về môi trường sinh thái ra sao đối với các nước ở hạ lưu của con sông lớn thứ 4 Châu Á này. Thêm vào đó, Lào một quốc gia nhỏ bé, đang trở nên lệ thuộc ngày càng nhiều vào đế chế phương bắc, cũng đang theo chân Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình và khiến người Thái rất phẫn nộ vì cuộc sống 1/3 dân Thái phụ thuộc vào dòng sông này, bị đe dọa nghiêm trọng.
Bài viết nhắc lại, hồi cuối năm 2019, Lào đã khánh thành đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông, tại tỉnh Xayaburi. Con đập cao 32 mét, có khả năng sản xuất 1.285 megawatts điện/năm, chủ yếu để xuất khẩu sang Thái Lan và công trình cũng do tập đoàn của Thái Lan CK Power thi công.
Tác giả cho biết một báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan, công bố hồi tháng 4 năm nay, cho biết năm 2019 Trung Quốc đã giữ một lượng nước khổng lồ sau những con đập của họ trên sông Mêkông, không cần biết họ đang gây hạn hán phía hạ lưu sông. Trung Quốc cãi là họ cũng bị hạn hán, nhưng các chuyên gia đã chỉ rõ như thế là dối trá vì các dữ liệu chụp từ vệ tinh cho thấy trong khi vùng cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc ứ đầy nước thì phía Cam Bốt, Thái Lan, Việt Nam cạn khô. Các nước bên dòng sông Mêkông đã kêu gọi Trung Quốc "hợp tác" điều chỉnh lưu lượng dòng chảy sông bằng cách "xả đập nhiều vào mùa khô và xả ít vào mùa mưa, nhưng theo báo Bangkok Post, thì Trung Quốc làm ngược lại".
Bài báo khẳng định : "Sự thờ ơ của Trung Quốc trước số phận của những láng giềng bé nhỏ không chỉ gây ra hạn hán mà còn cả lụt lội, khi mà chuyện đóng mở van đập nước là việc làm theo ý của họ…".
Bài báo dẫn lời giáo sư Santiprop Siriwattanaphaiboom về môi trường tại đại học Udon Thani ở đông bắc Thái Lan nói : "Lượng nước sông Mêkông chỉ có 18% ở Trung Quốc. Tính về khối lượng thì Thái Lan và Lào là nước chiếm nhiều hơn cả. Là những nước liên quan hàng đầu, chúng tôi có quyền đặt câu hỏi : Người Trung Quốc muốn gì. Sử dụng tiềm năng thiên nhiên, ở đây là thủy điện, để tăng cường quyền lực chính trị của họ chăng ? Hay đó cũng là chiến lược để bảo đảm kiểm soát dòng sông, trên phương diện giao thông, thương mại, ngay cả ở hạ lưu ? Họ có cái nhìn rất hẹp hòi, không thấy sự kết nối giữa hệ sinh thái, cuộc sống người dân bên bờ sông, thiên nhiên và môi trường".
Tham vọng vô độ của Erdogan
Chuyển qua một căng thẳng địa chính trị khác đang diễn ra trong khu vực Địa Trung Hải, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong vùng và rộng hơn là với phương Tây.
Trang nhất của nhật báo công giáo La Croix chạy tựa lớn : "Điều mà Erdogan tìm kiếm" cùng nhận định : "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn trông cậy vào các đồng minh phương Tây nữa để đẩy mạnh lợi ích của nước mình". Trong bài viết "Tham vọng vô độ của Erdogan", La Croix điểm lại các sự kiện diễn ra từ khi ông Tayip Recep Erdogan lên cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 năm qua, cho thấy là trong các hồ các hồ sơ Lybia, cũng như về an ninh hay tranh giành nguồn khí đốt ở đông Địa Trung Hải, giờ đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn sợ gây căng thẳng với các nước Châu Âu, trong đó có Pháp. Vài năm gần đây, chính quyền của ông Erdogan, đang hướng về Châu Phi để gia tăng ảnh hưởng khu vực, sau Libya giờ đến Senegal.
Theo La Croix, Hồi giáo, quá khứ hoàng kim của thời đế chế Ottoman, đồng thời khai thác những điểm yếu cũng như sự chia rẽ của phương Tây, là những yếu tố thuận lợi được Erdogan sử dụng phục vụ cho tham vọng bành trướng, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc khu vực.
Bầu cử tổng thống Mỹ, đua nước rút trong vài bang quyết định
Về thời sự Mỹ, chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử tổng thống 3/11. Báo Le Monde ghi nhận : Cho dù ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận ở trong nước, một lần nữa cuộc bầu cử lần này sẽ vẫn chỉ quyết định ở một số bang chủ chốt và chưa có gì chắc chắn. Trong khi đó tổng thống Donald Trump cũng như đối thủ, đang tập trung tất cả vào một vài bang, chủ yếu ở phía đông bắc nước Mỹ, có thể làm thay đổi cán cân bầu cử. Trong bối cảnh như vậy hình ảnh một nước Mỹ chia rẽ lại càng nổi rõ, đặc biệt ở bang Florida qua bài phóng sự : Hai bang Florida cho một kỳ bầu cử tổng thống.
Brexit đầu xuôi đuôi chưa lọt
Nhật báo Libération cho biết, hôm nay, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu bước vào vòng đàm phán thứ 8 tại Luân Đôn để tìm ra thỏa thuận cho mối quan hệ trong tương lại, hậu Brexit. Cả Luân Đôn và Bruxelles đều tỏ cho thấy hai bên không có hy vọng gì để đạt được một thỏa thuận tự do thương mại trước ngày kết thúc thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào 31/12 tới. Vòng đàm phán tới dự kiến vào ngày 28/09, trước khi Hội Đồng Châu Âu họp ngày 15 và 16/10 để quyết định có hay không thỏa thuận.
Trong khi đó, trong những ngày qua, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp có các tuyên bố gây sức ép, dọa Anh sẽ bỏ qua các cam kết rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu ký hồi tháng 10/2019. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đang trở lại. Đây là điều sẽ gây thiệt hại cho nước Anh nhiều hơn là Châu Âu, theo Libération.
Anh Vũ
Đài Bắc xác nhận yêu cầu Mỹ bán 2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan (RFI, 06/06/2019)
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 06/06/2019 xác nhận tin Đài Bắc yêu cầu Mỹ cung cấp xe thiết giáp, hệ thống phòng không nhằm tăng cường khả năng tự vệ.
Hải quân Mỹ diễn tập bắn thử tên lửa Stinger tại bãi biển Onslow, bắc Carolina, Hoa Kỳ, tháng 04/2000. Wikimedia Commons
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn bốn nguồn thạo tin cho biết Hoa Kỳ đang xem xét dự án bán cho Đài Loan các loại xe thiết giáp và các loại vũ khí chống tăng cũng như là đạn pháo phòng không, với tổng trị giá hợp đồng lên đến 2 tỷ đô la.
Tuy chính quyền Mỹ chưa bình luận về tin này, nhưng Bộ Quốc phòng Đài Loan trong thông cáo ngày 06/06/2019 xác nhận thông tin và nêu chi tiết kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ : Ngoài việc đặt mua 108 xe thiết giáp Abrams, Đài Bắc còn yêu cầu Mỹ cung cấp cho 1.200 đầu đạn phòng không TOW, 409 tên lửa chống tăng Javelin và 2050 tên lửa phòng thủ Stinger.
Vẫn theo thông cáo này, thủ tục đang diễn ra theo quy trình thông lệ, có nghĩa là phía Hoa Kỳ có 120 ngày để trả lời Đàl Loan về đề nghị nói trên.
Thông tin này được đưa ra sau khi bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố "không từ bỏ ý định đánh chiếm Đài Loan bằng sức mạnh".
Hãng tin Mỹ AP cho biết thêm, Đài Loan còn có kế hoạch trang bị thêm 66 chiến đấu cơ F16 của Mỹ. Tổng thống Thái Anh Văn từ tháng 03/2019 đề ra mục tiêu mua thêm xe tăng và chiến đấu cơ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan trong bối cảnh hiện tại có khoảng 1.500 tên lửa của Trung Quốc đang chĩa vào Đài Loan.
Tin Đài Bắc đặt mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ được đưa ra vào lúc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc leo thang. Về mặt quân sự đôi bên cùng cảnh cáo nhau là "chớ xem thường" địch thủ.
Trung Quốc hôm nay đã có phản ứng. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, đề nghị Washington "ngưng" kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, tránh làm cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xấu đi thêm.
*****************
Mỹ chuẩn bị bán trên 2 tỉ đô vũ khí cho Đài Loan (VOA, 06/06/2019)
Hoa Kỳ đang theo đuổi thương vụ trị giá hơn 2 tỉ đô la bán xe tăng và vũ khí cho Đài Loan, các nguồn tin quen thuộc với những cuộc thương thuyết cho Reuters biết. Động thái này chắc chắn làm Trung Quốc nổi giận vào lúc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang. Một thông báo không chính thức của thương vụ được gởi đến quốc hội Mỹ, các nguồn tin vừa kể cho biết với điều kiện ẩn danh vì không được phép nói về thỏa thuận có thể đạt được.
Xe tăng M1A2 SEP Abrams trong một cuộc tập trận chung với Hàn quốc tại Yeoncheon, phía nam vùng phi quân sự, ngày 10/12/2015.
Các vũ khí có thể được bán bao gồm 108 xe tăng Abrams M1A2 của hãng General Dynamics trị giá khoảng 2 tỉ đô la cũng như vũ khí chống tăng và chống máy bay. Đài Loan quan tâm đến việc đổi mới kho xe tăng hiện có do Mỹ chế tạo trong đó có loại xe tăng M60 Patton.
Hoa Kỳ là nước cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan là hòn đảo mà Trung Quốc xem như là thuộc Bắc Kinh và nói sẽ không từ bỏ vũ lực để đặt lãnh thổ này dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 3 vừa rồi cho biết Hoa Kỳ đáp ứng tích cực với yêu cầu của Đài Loan mua vũ khí mới để đẩy mạnh việc phòng vệ trước áp lực của Trung Quốc. Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc theo luật pháp cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt, với những xích mích về Đài Loan và Biển Đông làm cho căng thẳng gia tăng.
Một phát ngôn viên cho Bộ Ngoại giao giám sát việc bán trang cụ quân sự cho nước ngoài nói chính phủ Hoa Kỳ không cam kết hay xác nhận khả năng bán vũ khí hay các thương vụ đang chờ duyệt hay các cuộc chuyển giao trước khi chính thức thông báo cho Quốc hội.
Những thông báo cho Quốc hội bao gồm nhiều loại vũ khí chống tăng khác nhau kể cả 409 phi đạn Javelin do công ty Raytheon và Lockheed Martin chế tạo trị giá 129 triệu đô la, hai nguồn tin cho biết.
Thêm vào đó thông báo còn bao gồm 1.240 hỏa tiễn chống tăng TOW trị giá 299 triệu đô la và thêm 250 phi đạn Stinger trị giá 223 triệu đô la.
Vào năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra một chính sách xuất khẩu vũ khí được chờ đợi lâu nay nhằm mở rộng việc bán vũ khí cho các đồng minh, nói rằng việc này sẽ đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng của Mỹ và tạo nên công ăn việc làm trong nước.
Tuần trước, Ngũ Giác Đài loan báo sẽ bán 34 máy bay không người lái ScanEagle do công ty Boeing sản xuất cho các chính phủ Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam trị giá 47 trệu đô la.
Các máy bay không người lái sẽ tăng cường khả năng thu thập tình báo, hạn chế hoạt động của Trung Quốc trong vùng.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông chiến lược và thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ và các đồng minh về những hoạt động hàng hải gần các đảo Trung Quốc chiếm cứ. Bruhei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền tại vùng biển này.
Tuần trước, tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cảnh cáo Hoa Kỳ chớ nên xen vào những tranh chấp an ninh về Đài Loan và Biển Đông.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan nhấn mạnh tại sự kiện này là Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước thái độ của Trung Quốc tại Châu Á.