Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/09/2020

Điểm báo Pháp - Căng thẳng Washington-Bắc Kinh ngày càng phức tạp

RFI tiếng Việt

Căng thẳng Washington-Bắc Kinh ngày càng phức tạp trước bầu cử tổng thống Mỹ

Quan hệ Mỹ - Trung với "những rối ren đầy nguy hiểm" trong lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước vào chặng cuối quyết liệt, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan cùng những tham vọng thành thế lực lớn trong khu vực Địa Trung Hải, nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu vẫn nhùng nhằng chưa thể chia tay êm đẹp…. Đó là những chủ đề chiếm trang nhất các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay 08/09/2020.

mytrung1

Cờ Mỹ -Trung Quốc tại Thượng Hải được treo nhân cuộc đối thoại thương mại hai nước hôm 30/06/2019.  Reuters - Aly Song

Trước hết đến với nhật báo Le Figaro. Quan hệ căng thẳng Mỹ- Trung là sự kiện chính của tờ báo với hàng tựa lớn trang nhất : "Những rối ren nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Washington".

"Chưa bao giờ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, Hoa Kỳ và Trung Quốc lại lao vào một cuộc đọ sức căng thẳng như lúc này", Le Figaro nhận định. Nhất là vào thời điểm cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ đang bước vào hồi quyết định khi mà cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đua nhau chứng tỏ quan điểm cứng rắn với chế độ Bắc Kinh.

Tờ báo nhắc lại các quan hệ Trung-Mỹ gần đây : "Sau các màn khẩu chiến là liên tiếp các trừng phạt ngoại giao vì các hồ sơ Hồng Kông, Tân Cương. Trên mặt trận kinh tế thì chưa hết Hoa Vi, đã chuyển sang TikTok. Cùng lúc, Hải quân và Không quân hai nước thi nhau biểu dương sức mạnh trên Biển Đông, trong eo biển Đài Loan. Hòn đảo ly khai mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thề sẽ thu hồi, giờ được Mỹ công khai bảo vệ, đang thành tâm điểm mới của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc của thế giới".

Trong bài báo "Giữa Washington và Bắc Kinh, xích mích liên tục tiếp nối", nhật báo Pháp điểm lại những căng thẳng leo thang ở cả hai phía Mỹ và Trung Quốc trên mọi mặt trận. Những động thái như vậy tiềm ẩn những rủi ro đẩy thế giới vào một cuộc xung đột lớn. Tờ báo dẫn phát biểu của ngoại trưởng Mỹ hôm 12/08 vừa qua tại Praha, báo động về một cuộc thập tự chinh ý thức hệ mới : "Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh lạnh 2.0. Và mối đe dọa của Đảng cộng sản Trung Quốc khó kiềm chế hơn so với Liên Xô (trước đây) nhất là mối đe dọa đó xen vào kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta".

Le Figaro ghi nhận, về phía Trung Quốc, "Ngoài khơi, trên bầu trời, quân đội liên tiếp mở tập trận, đặc biệt trong vùng kênh Ba Sĩ, ở phía nam Đài Loan và trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 90% diện tích, bất chấp các quy định của Liên Hiệp Quốc và phán quyết năm 2016 của Tòa án quốc tế La Haye. Từ tháng 7, Washington chính thức đứng về phía các nước trong vùng cũng đòi chủ quyền trong vùng biển chiến lược này, như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Hải quân Mỹ liên tiếp tiến hành các cuộc tuần tra. Hồi tháng 7, Mỹ còn cùng lúc điều 2 tàu sân bay tham gia. Đáp lại Hải quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, nơi họ đã dùng vũ lực chiếm từ 1974".

Các hành động phô trương sức mạnh giữa hai nước tiếp tục leo thang khiến một số dư luận lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột trong những tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ này. Tuy nhiên theo các nhà phân tích thì "xung đột quân sự là không thể xảy ra vì cả hai phe đều không muốn chiến tranh", nhất là tổng thống Donald Trump từ khi vào Nhà Trắng không bao giờ tỏ ra thích thú với các cuộc phiêu lưu quân sự. Bản thân Bắc Kinh sau đại dịch đang muốn băng bó lại vết thương nên cần ưu tiên cho kinh tế.

Nhưng theo xã luận của Le Figaro, điều đáng lo ngại nhất là trong giai đoạn bầu cử Mỹ này, "khi mà tổng thống mãn nhiệm đang gặp khó khăn trên mặt trận chống dịch Covid và kinh tế, ông ta sẽ không mất gì nhiều khi lấy Trung Quốc làm khẩu hiệu tranh cử, thì mọi hành vi không kiểm soát được đều có nguy cơ dẫn đến hậu quả không lường trước được". Xã luận tờ báo kết luận : "Phần còn lại của thế giới có thể cầu nguyện để những tuần lễ này, hai cường quốc hàng đầu thế giới duy trì các kênh trao đổi về khủng hoảng. Trong trường hợp cần".

Trung Quốc : Tư tưởng bá quyền cả trong môi trường

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, chuyển qua trang báo Le Monde. Tờ báo có bài phóng sự dài đề cập đến một nước Trung Quốc lấn lướt các quốc gia láng giềng, trên cả vấn đề môi trường. Bài viết của tác giả Bruno Philip có tựa đề : "Mêkông cạn khô vì các con đập"

Bài phóng sự đưa độc giả đến các địa phương nằm dọc bên sông Mêkông ở Thái Lan để cho thấy một thực tế đã xảy ra từ lâu nay, nhưng giờ đang thêm trầm trọng hơn : Đó là vô số các đập thủy điện xây dựng ở Trung Quốc và Lào đang làm đảo lộn lưu lượng dòng chảy của con sông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân ở hạ lưu Mêkông.

Bài báo nhắc lại là ở hạ lưu sông Mêkông, các nước Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Lào và Việt Nam, năm 2019, đã bị hạn hán tồi tệ nhất trong bốn chục năm qua. Thủ phạm số 1 được đa số các chuyên gia chỉ ra không phải là biến đổi khí hậu mà là Trung Quốc. 

Từ đầu thế kỷ này, khi đã có kinh tế khá giả, Trung Quốc đã xây không dưới 11 đập trên sông Mê Kông để trị thủy, sản xuất điện năng cho riêng họ, không cần biết hậu quả về môi trường sinh thái ra sao đối với các nước ở hạ lưu của con sông lớn thứ 4 Châu Á này. Thêm vào đó, Lào một quốc gia nhỏ bé, đang trở nên lệ thuộc ngày càng nhiều vào đế chế phương bắc, cũng đang theo chân Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình và khiến người Thái rất phẫn nộ vì cuộc sống 1/3 dân Thái phụ thuộc vào dòng sông này, bị đe dọa nghiêm trọng.

Bài viết nhắc lại, hồi cuối năm 2019, Lào đã khánh thành đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông, tại tỉnh Xayaburi. Con đập cao 32 mét, có khả năng sản xuất 1.285 megawatts điện/năm, chủ yếu để xuất khẩu sang Thái Lan và công trình cũng do tập đoàn của Thái Lan CK Power thi công.

Tác giả cho biết một báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan, công bố hồi tháng 4 năm nay, cho biết năm 2019 Trung Quốc đã giữ một lượng nước khổng lồ sau những con đập của họ trên sông Mêkông, không cần biết họ đang gây hạn hán phía hạ lưu sông. Trung Quốc cãi là họ cũng bị hạn hán, nhưng các chuyên gia đã chỉ rõ như thế là dối trá vì các dữ liệu chụp từ vệ tinh cho thấy trong khi vùng cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc ứ đầy nước thì phía Cam Bốt, Thái Lan, Việt Nam cạn khô. Các nước bên dòng sông Mêkông đã kêu gọi Trung Quốc "hợp tác" điều chỉnh lưu lượng dòng chảy sông bằng cách "xả đập nhiều vào mùa khô và xả ít vào mùa mưa, nhưng theo báo Bangkok Post, thì Trung Quốc làm ngược lại".

Bài báo khẳng định : "Sự thờ ơ của Trung Quốc trước số phận của những láng giềng bé nhỏ không chỉ gây ra hạn hán mà còn cả lụt lội, khi mà chuyện đóng mở van đập nước là việc làm theo ý của họ…".

Bài báo dẫn lời giáo sư Santiprop Siriwattanaphaiboom về môi trường tại đại học Udon Thani ở đông bắc Thái Lan nói : "Lượng nước sông Mêkông chỉ có 18% ở Trung Quốc. Tính về khối lượng thì Thái Lan và Lào là nước chiếm nhiều hơn cả. Là những nước liên quan hàng đầu, chúng tôi có quyền đặt câu hỏi : Người Trung Quốc muốn gì. Sử dụng tiềm năng thiên nhiên, ở đây là thủy điện, để tăng cường quyền lực chính trị của họ chăng ? Hay đó cũng là chiến lược để bảo đảm kiểm soát dòng sông, trên phương diện giao thông, thương mại, ngay cả ở hạ lưu ? Họ có cái nhìn rất hẹp hòi, không thấy sự kết nối giữa hệ sinh thái, cuộc sống người dân bên bờ sông, thiên nhiên và môi trường".

Tham vọng vô độ của Erdogan

Chuyển qua một căng thẳng địa chính trị khác đang diễn ra trong khu vực Địa Trung Hải, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong vùng và rộng hơn là với phương Tây.

Trang nhất của nhật báo công giáo La Croix chạy tựa lớn : "Điều mà Erdogan tìm kiếm" cùng nhận định : "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn trông cậy vào các đồng minh phương Tây nữa để đẩy mạnh lợi ích của nước mình". Trong bài viết "Tham vọng vô độ của Erdogan", La Croix điểm lại các sự kiện diễn ra từ khi ông Tayip Recep Erdogan lên cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 năm qua, cho thấy là trong các hồ các hồ sơ Lybia, cũng như về an ninh hay tranh giành nguồn khí đốt ở đông Địa Trung Hải, giờ đây tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn sợ gây căng thẳng với các nước Châu Âu, trong đó có Pháp. Vài năm gần đây, chính quyền của ông Erdogan, đang hướng về Châu Phi để gia tăng ảnh hưởng khu vực, sau Libya giờ đến Senegal.

Theo La Croix, Hồi giáo, quá khứ hoàng kim của thời đế chế Ottoman, đồng thời khai thác những điểm yếu cũng như sự chia rẽ của phương Tây, là những yếu tố thuận lợi được Erdogan sử dụng phục vụ cho tham vọng bành trướng, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc khu vực.

Bầu cử tổng thống Mỹ, đua nước rút trong vài bang quyết định

Về thời sự Mỹ, chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử tổng thống 3/11. Báo Le Monde ghi nhận : Cho dù ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận ở trong nước, một lần nữa cuộc bầu cử lần này sẽ vẫn chỉ quyết định ở một số bang chủ chốt và chưa có gì chắc chắn. Trong khi đó tổng thống Donald Trump cũng như đối thủ, đang tập trung tất cả vào một vài bang, chủ yếu ở phía đông bắc nước Mỹ, có thể làm thay đổi cán cân bầu cử. Trong bối cảnh như vậy hình ảnh một nước Mỹ chia rẽ lại càng nổi rõ, đặc biệt ở bang Florida qua bài phóng sự : Hai bang Florida cho một kỳ bầu cử tổng thống.

Brexit đầu xuôi đuôi chưa lọt

Nhật báo Libération cho biết, hôm nay, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu bước vào vòng đàm phán thứ 8 tại Luân Đôn để tìm ra thỏa thuận cho mối quan hệ trong tương lại, hậu Brexit. Cả Luân Đôn và Bruxelles đều tỏ cho thấy hai bên không có hy vọng gì để đạt được một thỏa thuận tự do thương mại trước ngày kết thúc thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào 31/12 tới. Vòng đàm phán tới dự kiến vào ngày 28/09, trước khi Hội Đồng Châu Âu họp ngày 15 và 16/10 để quyết định có hay không thỏa thuận.

Trong khi đó, trong những ngày qua, thủ tướng Boris Johnson liên tiếp có các tuyên bố gây sức ép, dọa Anh sẽ bỏ qua các cam kết rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu ký hồi tháng 10/2019. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đang trở lại. Đây là điều sẽ gây thiệt hại cho nước Anh nhiều hơn là Châu Âu, theo Libération.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)