Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/09/2020

Điểm báo Pháp - Putin có thể cứu Lukashenko ?

RFI tiếng Việt

Belarus : Putin có thể cứu Lukashenko ?

Covid-19 mỗi ngày đặt thêm một vấn đề. Belarus sẽ rơi vào vòng tay của Nga là điều khó tránh khỏi ? Trong khi chờ đợi, Lukashenko gia tăng truy bức đối lập, cưỡng chế lưu vong. Đó là những hồ sơ chiếm nhiều giấy mực trên báo Pháp hôm nay 09/09/2020.

belarus1

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, gặp nhau tại Sotchi, Nga, ngày 15/02/2019.  Reuters - Pool News

Lukashenko và Navalny trên hai vai của Putin

Covid-19 Tây Ban Nha chấn động vì đợt tấn công thứ hai. Vượt ngưỡng 500.000 ca lây nhiễm và trong tuần có thêm 237 người chết, Tây Ban Nha đứng đầu Châu Âu ghi kỷ lục buồn thảm này. Trên thế giới, quy mô lây nhiễm vượt tầm kiểm soát, Le Monde báo tin chẳng lành trên trang nhất.

Thời sự quốc tế vẫn là tình hình căng thẳng tại Belarus và hồ sơ Navalny tiếp tục gây tranh cãi trong quan hệ Nga-Châu Âu.

Trước hết, Navlany hồi tỉnh nhưng liệu diễn biến này có những hệ quả gì ?

Tại Nga, theo Le Monde, các thành viên trong tổ chức chống tham nhũng của Navalny vẫn giữ thái độ trầm tĩnh trong khi phe chính trị gia tự do không giấu tâm trạng vui mừng. Nhà hoạt động Fiordor Krachennikov nhắn gửi chính quyền Nga : Run rẩy đi ! Navalny sẽ đích thân điều tra ai là thủ phạm đầu độc ông ấy.

Thật vậy, cho đến nay chính quyền Nga không tiến hành điều tra nghiêm túc mà chỉ thay đổi luận điểm và kịch bản liên tục. Magarita Simonian, nữ giám đốc đài Russia Today mới đây còn hài hước : "chỉ cần một thìa đường" là Navalny không bị bất tỉnh (vì hạ huyết áp) thì bây giờ chính bà cáo buộc Mikhail Khodorkovski (một đại gia dầu hỏa bị Putin nhốt 8 năm, tịch biên tài sản là tập đoàn Yukos, nay tị nạn tại Đức) chủ mưu phá hoại uy tín Nga.

Một trong những dấu hiệu cho thấy nước Nga lo ngại viễn ảnh xung khắc kéo dài với Liên Hiệp Châu Âu là sau khi được tin Navalny hồi tỉnh thì đồng rúp của Nga, đang trượt giá cả tuần qua, cũng hồi phục phần nào trên thị trường hối đoái.

Nhưng đối với Châu Âu, sự kiện Navlany thoát khỏi hôn mê không làm thay đổi gì cả.

Liên Hiệp Châu Âu, với Đức là chủ tịch luân lưu, đang nỗ lực tìm một giải pháp chung đối phó với Nga.

Cho đến nay, trong nội bộ Liên Âu, có nhiều thái độ khác nhau, tùy theo cảm tính, đối với Moskva. Tuy nhiên, theo Le Monde, bức màn dầy đặc, ngoan cố phủ nhận sự thật và thái độ dối trá của điện Kremlin đã là cho cả Châu Âu sáng mắt

Cho dù mức độ can dự của Kremlin đến đâu trong vụ đầu độc này, nhiều hay ít, Moskva không muốn sự thật được phơi bày như trong các nghi án trước. Một hành động tội ác nhắm sát hại một con người cộng thêm thái độ phủ nhận sự thật khi xâm chiếm Crimea, khi tung chiến dịch khuynh đảo ở Donbass và vụ mưu sát Sergei Krispal ở ngoại ô Luân Đôn.

Liệu Putin sẽ cứu Lukashenko ?

Riêng về tương lai bất trắc của Belarus, Le Monde, Libération La Croix tìm cách câu hỏi : Liệu Putin sẽ cứu Lukashenko ?

Belarus : Một gương mặt đối lập bị bắt cóc ở Minsk từ chối bị trục xuất. Le Monde thuật câu chuyện của ba nhà đối lập Belarus, thành viên Hội đồng Điều phối phong trào phản kháng bị "mất tích" để rồi hôm sau xuất hiện ở biên giới Ukraine. Đúng như công luận nghi ngờ, họ bị KGB của Belarus bắt cóc, áp tải và cưỡng chế lưu vong. Hai người đàn ông, một người là cựu bộ trưởng Văn hóa, chấp nhận qua biên giới. Trái lại Maria Koleskinova, một trong ba phụ nữ lãnh đạo đối lập, dứt khoát ở lại quê hương để tranh đấu, bất chấp mọi đe dọa của an ninh mật vụ.

Bài báo khá dài, xin trích một đoạn ngắn để minh họa : "Maria Koleskinova, 38 tuổi, chiến thuật gia, can đảm, vững chí và có cao vọng bám trụ chờ ngày chuyển giao quyền lực vì bà tin chắc đó là chuyện phải đến". Dường như để xác nhận tín điều này, bà Marie Mandras, nhà chính trị học Pháp, phân tích vì sao Putin không cứu Lukashenko. Trong lịch sử cận đại, hiếm khi có một bạo chúa cứu nguy một bạo chúa, trừ phi để bắt làm tay sai và đặt dân chúng vào vòng lệ thuộc. Nhưng Putin không cứu được Lukashenko, bởi vì thứ nhất, phong trào đối lập ở Belarus đã thành công đánh thức xã hội Belarus, lan ra từ xí nghiệp đến khu phố, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn, từ đông sang tây, với một tinh thần động viên kiên định. Thứ hai, ngay tại nước Nga, tình hình cũng khó khăn, kinh tế suy thoái, vật chất thiếu thốn, gây lo âu cho dân Nga chưa kể đại dịch Covid. Cũng như Belarus, chính quyền Nga cũng phủ nhận sự thật, nói dối trên số liệu, hàng triệu dân nghèo không được hỗ trợ thích đáng.

Về chính trị, bản thân tổng thống Nga cũng đang gặp vấn đề tương tự như Lukashenko : phong trào phản kháng gia tăng và chính quyền gia tăng trấn áp. Mỗi cuộc bầu cử đều có gian lận với chứng cớ không thể chối cãi. Putin quan sát sự sụp đổ uy tín của Lukashenko trong khi chính chủ nhân điện Kremlin cũng áp dụng những biện pháp tương tự để bám quyền : số nhiệm kỳ không giới hạn, không để bất kỳ ai lên thay.

Chính trong tình thế này mà Putin ở thế yếu nếu muốn thương lượng một giải pháp ôn hòa cho tương lai Belarus với Liên Hiệp Châu Âu. Thực tế ở Ukraine cho thấy chính nước Nga làm nguy hại cho nền hòa bình ở Châu Âu. Giải pháp cho Belarus không thể đến từ Nga. Moskva không thể cứu bạo chúa bị dân tẩy chay cũng không thể áp đặt một chư hầu. Phương án hợp lý nhất là tìm đồng thuận với đối lập.

Châu Âu nên chờ sung rụng

Libération đưa ra một phân tích khác nhưng cùng một kết luận : Giới lãnh đạo Nga không thích thái độ tráo trở của Lukashenko. Dụng ý của Putin là nhân cơ hội Lukashenko không còn chỗ tựa sẽ giao nộp Belarus cho Nga để bám quyền.

Nhưng mục đích của Moskva là buộc chặt Belarus vĩnh viễn chứ không vì củng cố quyền lực cho Lukashenko. Tất cả mọi người ở Moskva đều biết tình thế không thế đảo ngược, thời hậu Lukashenko đã khởi động. Vấn đề của Nga là phải chủ động lịch trình và nhất là không để Tây phương nhúng tay vào, nhật báo thiên tả kết luận.

Nhìn từ Châu Âu thì sao ? La Croix đồng ý với thái độ thận trọng của Liên Hiệp Châu Âu không để cho Nga có lý do can thiệp vào Belarus, như trong trường hợp Ukraine. Như thế, đối lập Belarus có thời gian tranh đấu theo nhịp độ lịch sử và sắc thái phức tạp của đất nước. Hãy để cho Lukashenko bám trụ, cuối cùng ông ta sẽ bị lật nhào.

Trung Quốc-Úc chia tay

Về thời sự Châu Á, nhật báo công giáo trở lại với cái chết của Douch, đao phủ của Khơ me Đỏ hôm 02/09/2020. Từ nay chỉ còn Yim Tith, lãnh đạo duy nhất của chế độ diệt chủng ngồi trong nhà tù. Tựa của bài báo : Kết quả thất vọng của tòa án đặc biệt Cam Bốt. 17 năm sau ngày thành lập để xét xử tội diệt chủng, thủ tục tố tụng bị phá hoại vì bất đồng trong nội bộ làm nhiều người dân Cam Bốt thất vọng.

Les Echos chú ý đến kế hoạch "phản công" của Bắc Kinh trong hồ sơ bảo vệ "dữ liệu" từ khi Washington bắt đầu chiến dịch "Clean network" và vận động các nước đồng minh tẩy chay công nghệ điện tử viễn thông của Trung Quốc. Kế hoạch mà ngoại trưởng Vương Nghị loan báo không cho biết chi tiết nhưng có hai nét chính : yêu cầu các xí nghiệp công nghệ cao không thêm "cửa hậu để đánh cắp thông tin" và muốn các xí nghiệp công nghệ cao phải tôn trọng luật chơi của các nước khác.

Le Figaro, trong một bài báo dài với tựa "Trung Quốc và Úc chia tay", tường thuật vụ hai phóng viên Úc làm việc lâu năm tại Trung Quốc, Bill Birthles và Michael Smith một người ở Bắc Kinh, một người ở Thượng Hải phải khẩn cấp chạy vào cơ quan ngoại giao Úc rồi về nước để không bị bắt vì "lý do an ninh".

Đổi lại, nhân viên ngoại giao Úc phải chấp nhận cho an ninh Trung Quốc thẩm vấn hai nhà báo về trường hợp một nữ phóng viên khác người Trung Quốc mang quốc tịch Úc là Chang Lei, nhân viên của một đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc bị công an bắt giam từ bốn ngày trước. Theo Le Figaro, quan hệ giữa hai nước tăng nhiệt từ khi Úc thay đổi trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương trước sức mạnh của Trung Quốc. Cụ thể là từ khi Úc đặt mua tàu ngầm của Pháp và lắp ráp tại Adelaide cũng như loại Hoa Vi ra khỏi thị phần G5 tại Úc.

Rắc rối chiếc khẩu trang : Lời em nhỏ

Trong bối cảnh tuần lễ tựu trường trong đại dịch, Libération đưa độc giả đến một ngôi trường tiểu học tìm hiểu ý kiến của các em về chiếc khẩu trang. Các em than phiền là không thấy mặt thầy cô. Một em khác bảo là "không sao" nhưng cuối cùng thổ lộ là em "không nghe cô giáo bảo vào lớp sau giờ chơi". Không nghe rõ thầy cô chính là "vấn nạn" của chiếc khẩu trang đối với các em nhỏ.

Còn đối với học sinh khuyết tật câm điếc, Bộ Giáo dục có giải pháp là "khẩu trang có cửa sổ". Các công ty sản xuất hoạt động ngày đêm để cung ứng cho thị trường.

Chính phủ Pháp cũng vừa thông báo đầu tư 7 tỷ euro cho năng lượng sạch Hydrogène, nhiên liệu không gây ô nhiễm môi trường. Les Echos phân tích cơ hội cho công nghệ xe hơi, còn La Croix, qua hai chuyên gia phân tích lợi hại : "Hydrogène đúng là nhiên liệu sạch nhưng điều chế bằng cách nào cho sạch ? Bằng nhà máy điện hạt nhân hay nhiệt điện đều bất cập".

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 553 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)