Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/02/2023

Biển Đông trở nên căng thẳng, Mỹ-Trung tăng cường hiện diện quân sự

Thu Hằng

Quân đội Mỹ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines

Thu Hằng, RFI, 02/02/2023

Quân đội Mỹ sẽ được sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines, theo quyết định được công bố ngày 02/02/2023, nhân chuyến công du Manila của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhằm củng cố quan hệ đồng minh và chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong vùng.

biendong1

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trong cùng hàng trái) tại dinh tổng thống Malacanang ở Manila, Philippines, ngày 02/02/2023. © Reuters- POOLJam Sta Rosa

Washington và Manila không ký thêm thỏa thuận mới, mà chỉ mở rộng và thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) đã có từ năm 2014. Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo quốc phòng hai nước khẳng định : "Bốn địa điểm mới nằm tại những khu vực chiến lược của Philippines". Một lãnh đạo cấp cao Philippines cho AFP biết là hai bên đang tiếp tục đàm phán về khả năng tiếp cận căn cứ thứ năm.

Tuyên bố chung không nêu rõ địa điểm của bốn căn cứ mới, nhưng theo nhiều nguồn tin, đa số sẽ nằm trên đảo chính Luzon gần Đài Loan nhất, nơi mà Mỹ đã có hai căn cứ. Một căn cứ khác có thể nằm trên đảo Palawan (phía tây Philippines), đối diện với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Với quyết định mới này, Mỹ được sử dụng tổng cộng ít nhất 9 căn cứ ở Philippines. Năm căn cứ mà quân đội Mỹ được phép tiếp cận trước đó nằm trong khuôn khổ của Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự VFA năm 1999 và Thỏa thuận EDCA năm 2014.

Trong buổi tiếp kiến tổng thống Marcos Jr. ngày 02/02, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh Manila là đồng minh "chủ chốt" của Mỹ. Ông cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ "tăng cường và hiện đại hóa phương tiện quân sự của Philippines và gia tăng hợp tác giữa hai quân đội".

Washington và Manila là những đồng minh lâu năm, nhưng quan hệ song phương trở nên căng thẳng dưới thời tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo muốn ngả sang Trung Quốc. Kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền, hai bên đã tìm cách tăng cường hợp tác để đối phó với những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông và với việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực chiếm Đài Loan.

Thu Hằng

*************************

Mỹ đặt thêm tiền đồn ở Philippines khống chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 01/02/2023

Washington có thể sử dụng đến 9 căn cứ quân sự ở Philippines, tăng gấp đôi so với số lượng được phép hiện nay. Tại bốn căn cứ mới mà Hoa Kỳ được phép tiếp cận, theo thỏa thuận ngày 02/02/2023, quân đội Mỹ có thể xây dựng doanh trại, kho chứa vũ khí để bảo đảm cho sự hiện diện lâu dài trong khu vực, nơi Trung Quốc không ngừng củng cố yêu sách chủ quyền và đe dọa các nước láng giềng.

biendong2

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) bắt tay đồng nhiệm Philippine Carlito Galvez Jr. tại cuộc họp báo chung ở Manila ngày 02/02/2023. AP - Joeal Calupitan

Từ năm 1991, quân đội Mỹ không còn hiện diện thường trực ở Philippines sau khi phải đóng cửa căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic Bay, do bất đồng về điều kiện thuê địa điểm và Thượng Viện Philippines chấm dứt "đặc quyền" này. Tuy nhiên, quân đội hai nước vẫn duy trì hợp tác, theo Thỏa thuận Thăm viếng Quốc phòng (VFA) ký năm 1999. Đến năm 2014, lính Mỹ đã có thể trở lại lưu trú luân phiên tại 5 căn cứ quân sự của Philippines, theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA).

Lầu Năm Góc đã đầu tư đến 82 triệu đô la, chủ yếu thông qua những hợp đồng với doanh nghiệp Philippines, để xây dựng doanh trại, lắp đặt trang thiết bị quân sự, xây dựng đường băng, kho vũ khí, xăng dầu… trong những khu vực được phép sử dụng. Theo AFP, khoảng 500 quân nhân Mỹ luân phiên trú đóng tại Philippines, cùng với một số khác tham gia những chương trình huấn luyện chung trong năm.

Gần 10 năm sau, Mỹ có thể tiếp cận đến 9 căn cứ quân sự của Philippines. Rất nhiều cơ sở từng nằm trong chuỗi "thành trì thế giới tự do" kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống Philippines trong thời Chiến tranh lạnh. Tất cả những căn cứ được Washington lựa chọn đều có vị trí chiến lược trong trường hợp xảy xung đột ở Đài Loan hoặc ở Biển Đông. Trong bốn căn cứ vừa được Manila cho phép Mỹ tiếp cận, đa số nằm ở phía bắc đảo Luzon, chỉ cách Đài Loan khoảng 300 km, nơi Mỹ đã được sử dụng hai căn cứ.

Nhật báo Bỉ La Libre ngày 01/02 cho rằng những tiền đồn được Mỹ củng cố ở Philippines nhằm nâng cao khả năng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh thực hiện lời đe dọa thống nhất hòn đảo bằng vũ lực. Những căn cứ ở Philippines tạo thành vòng vây ở miền nam Đài Loan ; còn ở phía bắc, Mỹ có bàn đạp là đồng minh Nhật Bản, với những căn cứ ở Okinawa và quần đảo Ryukyu. Một nửa trong tổng số 50.000 quân Mỹ được triển khai ở Nhật Bản hiện đồn trú ở Okinawa.

Ngược xuống phía nam Philippines, Mỹ có thể được phép tiếp cận căn cứ trên đảo Palawan, đối diện với quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông nơi mà Trung Quốc muốn độc chiếm đến 80% diện tích. Vị trí quan trọng của Palawan từng được chú ý khi phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm hòn đảo vào tháng 11/2022.

Nỗ lực của Washington củng cố hợp tác quân sự với đồng minh lâu đời ở Đông Nam Á đang đạt được kết quả. Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr., dù chủ trương giữ cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, vẫn chú trọng đến việc không để Trung Quốc chà đạp lên quyền hàng hải của Manila.

Một mặt, tổng thống Philippines vẫn duy trì quan hệ thương mại với đối tác hàng đầu là Trung Quốc, thông qua 12 thỏa thuận về thương mại và du lịch được ký trong chuyến công du Bắc Kinh vào đầu tháng 01/2023. Mặt khác, ông cũng đề cập với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những quan ngại về chủ quyền, quyền đánh bắt của ngư dân Philippines ở những ngư trường truyền thống, hoặc những công trình quân sự được Bắc Kinh xây trên những thực thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông, trong vùng biển của Philippines.

Tuy nhiên, Manila không yên tâm dù được Bắc Kinh trấn an. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 19/01, tổng thống Philippines tỏ vẻ "lo lắng" về tình hình Đài Loan và những căng thẳng giữa tầu chiến Trung Quốc và Mỹ trong khu vực. Tại Diễn đàn Kinh tế Davos, nguyên thủ quốc gia Philippines từng cảnh báo nếu xảy ra tình huống xấu, các nước trong vùng sẽ là những bên trực tiếp "gánh chịu".

Thu Hằng  

**********************

Biển Đông : Trung Quốc tăng kỷ lục số vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp năm 2022

Thu Hằng, RFI, 01/02/2023

Trong năm 2022, lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuần tra gần như hàng ngày quanh các thực thể quan trọng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với nhiều nước trong vùng. Trong báo cáo công bố ngày 30/01/2023, tổ chức Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) còn cho biết Trung Quốc gia tăng hiện diện trong bối cảnh căng thẳng tại tuyến đường biển với các nước láng giềng Đông Nam Á vẫn rất cao.

biendong3

Tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển Philippines. Ảnh chụp ngày 23/03/2015 : AP - Renato Etac

Theo AMTI, "sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Nghiên cứu của tổ chức có trụ sở tại Washington dựa trên số liệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) do MarineTraffic cung cấp. Ví dụ, Hải cảnh Trung Quốc tuần tra 344 ngày ở bãi cạn Scarborough, 208 ngày ở đảo Thị Tứ, 279 ngày ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), 316 ngày tại cụm bãi cạn Luconia. Đối với Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), ngoài khơi Việt Nam, nổi tiếng về nguồn dầu khí, tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra đến 310 ngày, so với 142 ngày vào năm 2020.

Ngoài ra, cùng với sự hiện diện khắp nơi của lực lượng dân quân biển, Trung Quốc cho thấy quyết tâm khẳng định quyền kiểm soát đối với khảng 80% diện tích Biển Đông nằm trong đường chín đoạn mà nước này tuyên bố chủ quyền. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 31/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định "đội tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trong các vùng biển nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc để duy trì trật tự hàng hải, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu Greg Poling, phụ trách chương trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (cộng sảnIS) tại Washington, được trang Bloomberg trích dẫn ngày 31/01, cho rằng "với các cuộc tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong những vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam gần như hàng ngày trong năm, điều đó cho thấy rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và va chạm với những nước láng giềng thường xuyên xảy ra". 

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 263 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)