Việt Nam phản đối việc Trung Quốc cử tàu bệnh viện đến Hoàng Sa
VOA, 24/05/2024
Việt Nam vừa lên tiếng phản đối việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của nước này sau khi Bắc Kinh điều tàu bệnh viện hải quân tới quần đảo Hoàng Sa nơi đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc ngày 22/5 đưa tin tàu bệnh viện Hữu Ái thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã tới nhiều thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa
"Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động vi phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa", trang VnExpress dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết trong cuộc họp báo ngày 23/5, khi ông được hỏi về thông tin Trung Quốc điều tàu bệnh viện tới Hoàng Sa.
Tàu bệnh viện Hữu Ái (Youai) thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây được cho là đã thực hiện chuyến hành trình kéo dài 7 ngày để cung cấp dịch vụ khám và điều trị y tế cho các binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên một số thực thể của quần đảo Tây Sa, tên gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ông Việt cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động cản trở, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình.
Ông Việt lặp lai các tuyên bố rằng Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong chuyến đi nói trên, tàu bệnh viện Hữu Ái cũng đã tiến hành một loạt khóa huấn luyện bao gồm chuyển người bị thương trong các tình huống khẩn cấp, thực hiện sơ cứu ở tuyến đầu và giải cứu các tàu bị hư hỏng, đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc CCTV tường thuật hôm 21/5.
Việt Nam có tranh chấp chủ quyền dai dẳng với Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã nhiều lần kêu gọi nước láng giềng giải quyết những bất đồng theo luật pháp quốc tế.
Hồi tháng 1/2024, khi Việt Nam đánh dấu 50 năm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Hà Nội nói rằng họ "có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử" để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này. Ngay sau đó, Bắc Kinh đáp lại rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được "được lịch sử và luật pháp chứng minh hoàn toàn".
Cũng hôm 23/5, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc ban hành quy định cho phép lực lượng hải cảnh nước này "bắt người nước ngoài bị nghi xâm phạm biên giới" trên biển, ông Việt cho biết "Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam".
Trung Quốc gần đây cho phép hải cảnh nước này bắt giữ người nước ngoài vượt biên trái phép tới 30 ngày mà không cần xét xử, thậm chí là 60 ngày trong những trường hợp phức tạp hơn.
Nguồn : VOA, 24/05/2024
**************************
Trung Quốc ra quy định bắt người, Việt Nam lên tiếng nhưng không rõ ràng
BBC, 23/05/2024
Trung Quốc vừa ban hành một quy định mới cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc bắt và giam giữ người nước ngoài "xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm" với thời gian lên tới 60 ngày. Hôm nay 23/5, Việt Nam lên tiếng nhưng không nêu rõ lập trường về quy định trên.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt không nêu rõ lập trường về quy định mới của Trung Quốc
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 23/5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã được hỏi về quy định mới của Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Việt nhắc lại quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, theo báo Tuổi Trẻ.
"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp của Việt Nam", ông Việt trả lời.
Ông không nói cụ thể liệu Việt Nam có phản đối quy định mới của Trung Quốc hay không.
Quy định này của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc vẫn có nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.
Khác với Việt Nam, Philippines đã ra tuyên bố sẽ không cho phép cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ ngư dân Philippines bị cáo buộc vi phạm trong các vùng biển của nước này (Philippines).
Manila khẳng định sẽ phản đối bằng ngoại giao nếu Bắc Kinh áp dụng quy định trên.
Trung Quốc hiện đang tuyên bố chủ quyền trên phần lớn các khu vực giàu tài nguyên khóang sản ở Biển Đông. Những khu vực này cũng được Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia tuyên bố chủ quyền
Cũng tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi được hỏi về việc Trung Quốc đưa tàu bệnh viện thuộc Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đến Hoàng Sa, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh : "Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động liên quan vi phạm chủ quyền của Việt Nam".
Thông tin về hoạt động của tàu bệnh viện Trung Quốc được hé lộ hôm 21/5 trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Tuy không nói rõ thời gian triển khai, CCTV cho biết đội ngũ bác sĩ của tàu đã khám sức khỏe, chẩn đoán và điều trị, tư vấn tâm lý cho các binh sĩ Trung Quốc đóng quân tại Hoàng Sa.
Theo báo Tuổi Trẻ, có những chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng đây có thể là "cái bẫy cung ứng nhân đạo" của Trung Quốc "nhằm thúc đẩy các yêu sách vô lý trên Biển Đông".
‘Hành động leo thang căng thẳng trắng trợn’
Theo một bài viết ngày 15/5 trên South China Morning Post (SCMP), dù luật và quy định hiện hành cho phép cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ các đối tượng tình nghi, đây là lần đầu tiên có một quy định nêu rõ quy trình thực thi pháp luật của lực lượng cảnh sát biển đối với việc bắt giữ hành chính.
Quy định mới cho phép cảnh sát biển Trung Quốc - tức hải cảnh - bắt và giam giữ lên tới 30 ngày mà không cần thông qua xét xử đối với người nước ngoài "xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm" lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Đối với những vụ việc phức tạp, thời hạn giam giữ có thể được kéo dài đến 60 ngày.
Các nhà lập pháp và quan chức Philippines đã lên tiếng phản đối vì cho rằng quy định nói trên sẽ được áp dụng trên Biển Đông.
Ngày 19/5, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã kịch liệt phản đối hành vi đe dọa bắt giữ của Trung Quốc và cảnh báo : "Những hành động kiểu như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Philippines. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để luôn bảo vệ công dân của mình".
Trong một tuyên bố vào ngày 18/5, Chủ tịch Hạ viện Ferdinand Martin Romualdez cho biết : "Những tuyên bố đầy hung hăng của Trung Quốc là hành động leo thang căng thẳng trắng trợn ở Biển Tây Philippines".
Biển Tây Philippines là tên gọi mà Philippines đặt cho một khu vực ở Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa mà Philippines gọi là Kalayaan và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
"Trung Quốc phải tôn trọng các phán quyết quốc tế... thay vì đơn phương áp đặt luật lệ và bắt nạt các quốc gia khác".
Ông Romualdez cho biết Quốc hội Philippines "sẽ không chấp nhận bất kỳ vụ bắt giữ công dân hoặc ngư dân Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi".
Trong một bài viết ngày 20/5 trên SCMP, Cựu thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Caprio nói rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để bắt giữ người Philippines vì "theo UNCLOS, [các quốc gia] có quyền tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng hải phận quốc tế và đặc quyền kinh tế".
"Quy định mới này vi phạm nguyên tắc căn bản của UNCLOS. Đây là luật tục quốc tế ràng buộc tất cả các quốc gia, ngay cả những nước không phải là thành viên của UNCLOS [tuân thủ]".
Trung Quốc và Philippines hiện cũng đang có nhiều xung đột trên Biển Đông.
Ngày 30/4, cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu Philippines đang phân phối nhiên liệu và thực phẩm cho ngư dân Philippines gần bãi cạn Scarborough.
Ngày 23/3, nhiệm vụ tiếp tế định kỳ tới tiền đồn của Philippines ở Bãi Cỏ Mây đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc cản trở. Hai tàu này đã bắn vòi rồng vào một tàu tiếp tế dân sự và khiến ba thủy thủ bị thương.
Nguồn : BBC, 23/05/2024
****************************
Việt Nam lên tiếng về những diễn biến mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông
RFA, 23/05/2024
Việt Nam vào ngày 23 tháng 5 lặp lại phản đối những hoạt động của phía Trung Quốc tại Biển Đông mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 19/4/2023
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt, được báo giới dẫn lại quan điểm của Hà Nội về các diễn biến liên quan mới nhất tại Biển Đông.
Đối với quy định mới mà Trung Quốc ban hành hôm 15 tháng 5 và bắt đầu có hiệu lực từ 15 tháng 6 cho phép Hải cảnh của Bắc Kinh giam giữ 30 ngày, thậm chí đến 60 ngày trong trường hợp phức tạp, không qua xét xử người nước ngoài nào bị cho xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải/vùng biển mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền, Phó Phát ngôn nhân Đoàn Khắc Việt lặp lại quan điểm : "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử cũng như cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển cũng như lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp của Việt Nam".
Đối với tin mà phía Trung Quốc loan ngày 22/5 về việc Hải quân Trung Quốc đưa một tàu bệnh viện đến các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa để kiểm tra sức khỏe, điều trị cho binh sĩ của họ tại đó, ông Đoàn Khắc Việt cũng lặp lại quan điểm : "Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động liên quan mà vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa".
Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa hồi đầu năm 1974. Lúc đó quần đảo này do Hải quân miền nam Việt Nam quản lý.
Vào năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc Trường Sa do chính phủ Hà Nội hiện nay quản lý.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông trong đường đứt khúc mà họ tự vạch ra. Đường này bị Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye, và vào tháng 7 năm 2016, Tòa tuyên đường đứt khúc đó không có giá trị cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.
Nguồn : RFA, 23/05/2024
*****************************
Biển Đông : Trung Quốc cho phép Hải cảnh bắt giam "người lạ" "xâm phạm biên giới" đến 60 ngày
Thu Hằng, RFI, 22/05/2024
Bắc Kinh tiếp tục mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Ngày 15/05/2024, Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đăng Quyết định số 3 về "Quy định thủ tục về thực thi hành chính của Cảnh sát biển" Trung Quốc cho phép nhân viên của lực lượng này bắt giữ người nước ngoài bị tình nghi vượt hải giới "trái phép".
Tàu của hiệp hội Atin-Ito xuất phát từ Masinloc, tỉnh Zambales, Philippines ngày 15/05/2024 đến tiếp tế cho các tàu neo đậu gần bãi cạn Scarborough. AP
Có hiệu lực từ ngày 15/06, biện pháp nguy hiểm này, được cho là chủ yếu nhắm đến Philippines, liên quan đến tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Manila kêu gọi các "nạn nhân" của Bắc Kinh bác bỏ quy định mới và cùng kiện ra Tòa Thường trực Quốc tế.
Người nước ngoài có thể bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ đến 60 ngày
South China Morning Post là cơ quan truyền thông đầu tiên đăng bài về luật mới của Trung Quốc. Thực ra, kể từ khi lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (Hải cảnh) được chuyển từ Tổng cục Hải dương sang Cảnh sát vũ trang Nhân dân ngày 01/01/2018, rất nhiều luật và quy định đã được thông qua để tạo cho Hải cảnh cơ sở luật pháp vững chắc hơn và cho phép họ có quyền bắt giữ nghi phạm. Nhưng đây là lần đầu tiên, một quy định đặc biệt nêu rõ thủ tục áp dụng luật về mặt giam giữ hành chính đối với Hải cảnh.
Theo trang CCTV ngày 18/05, văn bản mang tên "Quy định thủ tục về thực thi hành chính của Cảnh sát biển" có tổng cộng 16 chương và 281 điều, gồm các nguyên tắc chung, thẩm quyền, giám sát và kiểm tra tại chỗ, lưu trữ hồ sơ… Trang Inquirer cho biết đại sứ quán Trung Quốc ở Manila chưa ra tuyên bố về chủ đề này nhưng ngày 17/05 đã trao cho các nhà báo bản sao của tài liệu dài 92 trang, viết bằng chữ Hoa.
Chương 14 quy định về việc xử lý các sự vụ hành chính liên quan đến người nước ngoài bị tình nghi "vi phạm" biên giới của Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc được phép bắt giữ đến 30 ngày người nước ngoài vi phạm quy định của Trung Quốc về xuất-nhập. Thời hạn có thể kéo dài đến 60 ngày đối với những trường hợp phức tạp, sau khi được người đứng đầu cơ quan Hải cảnh phê chuẩn, theo CCTV và gồm ít nhất 4 trường hợp : (1) Người bị tình nghi xuất nhập cảnh trái phép ; (2) Người bị nghi ngờ giúp đỡ người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (3) Người bị nghi ngờ cư trú hoặc làm việc bất hợp pháp (4) Người bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh, lợi ích quốc gia, phá rối đời sống xã hội và công cộng ; trật tự, hoặc tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm khác.
Bối cảnh ban hành quy định mới
Quy định mới được Hải cảnh Trung Quốc thông qua ngày 15/05, không rõ là trùng hợp hay cố tình, đúng vào ngày hiệp hội "Atin Ito" (This is ours, tạm dịch : Đó là thuộc chủ quyền của chúng tôi) bắt đầu đợt tiếp tế nhiên liệu và lương thực thứ hai cho ngư dân và những công dân đến bảo vệ chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Scarborough (Panatag, theo tên gọi của Philippines), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và bị Bắc Kinh chiếm từ năm 2012.
Đoàn tầu của hiệp hội "Atin Ito", gồm nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động độc lập Philippines, xuất phát từ Masinloc, tỉnh Zambales. Đợt tiếp tế đầu tiên được tổ chức chỉ 2 tuần sau sự kiện ba tầu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào hai tầu Philippines gần bãi cạn Scarborough ngày 30/04. Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố đã đuổi tầu Philippines "thâm nhập" vào vùng biển của họ. Sự cố xảy ra đúng lúc Philippines và Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan.
Cùng ngày ban hành quy định mới, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cảnh cáo Manila mọi xâm phạm đến "chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh "Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền và đưa ra những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp".
Tháng 11/2023, khi thăm một sở chỉ huy của lực lượng hải cảnh ở Thượng Hải, chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi lực lượng này phải làm mọi cách để luật pháp Trung Quốc được tôn trọng, "bảo vệ tuyệt đối" chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải quốc gia, phải trấn áp mọi hình vi phạm tội ngoài khơi và bảo vệ kinh tế biển của Trung Quốc.
Manila kêu gọi các nước láng giềng kiện Trung Quốc nếu công dân bị bắt
Ngày 18/05, tổng thống Marcos Jr. lên án những quy định mới của Trung Quốc "là hoàn toàn không chấp nhận được đối với Philippines" và Manila "sẽ đưa ra mọi quyết định cần thiết để bảo vệ công dân của mình". Thiếu tướng Jay Tarriela, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông), được trang Inquirer trích dẫn ngày 18/05, cũng khẳng định "luật Trung Quốc sẽ không ngăn được tuần duyên và quân đội Philippines bảo vệ lợi ích của nhân dân Philippines".
Ông lên án quy định mới của Hải cảnh Trung Quốc "là thêm một hành động hăm dọa" để làm nhụt chí những hoạt động, như chương trình của hiệp hội "Atin Ito" và là "một hành động bất hợp pháp" khác được bao biện bằng yêu sách chủ quyền trong đường 9 đoạn "tưởng tượng" đối với hầu hết Biển Đông. Theo thiếu tướng Jay Tarriela, quy định mới có thể "sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực cho Trung Quốc" vì khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ, "rất có khả năng là thêm nhiều nước khác lên tiếng chỉ trích, phản đối kiểu luật bất hợp pháp được Trung Quốc thông qua bất chấp luật pháp quốc tế".
Ngày 20/05, ông Antonio Carpio, nguyên thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines, cho rằng Trung Quốc có nguy cơ chịu thêm thất bại về mặt pháp lý nếu bắt giữ ngư dân Philippines ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn đài TeleRadyo Serbisyo, được trang ABS-CBN trích dẫn, luật gia nổi tiếng về Biển Đông giải thích là Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết năm 2016 bác đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có vùng biển Tây Philippines. Có nghĩa là Manila có thể kiện Bắc Kinh ngay lập tức nếu Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ công dân Philippines hoạt động trong vùng biển này. Ông khẳng định Philippines chắc chắn thắng kiện dù Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016. Cũng viện vào phán quyết của Tòa Trọng Tài mà nhiều quốc gia khác, như Hoa Kỳ, đã tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải ở trong vùng.
Risa Hontiveros, người đứng đầu phe đối lập ở Thượng Viện Philippines, có chung ý tưởng với cựu thẩm phám Carpio. Ông cho rằng "chính phủ Philippines hiện giờ cần kêu gọi các nước đồng minh như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp và những nước chung chí hướng, lên tiếng phản đối hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, bằng cách tham gia các cuộc tuần tra với Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình".
Ngoài ra, phe đối lập cũng yêu cầu tổng thống Marcos Jr. kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực. Neri Colmenares, chủ tịch đảng Bayan Muna đối lập, cho rằng Philippines cùng với các đối tác ở ASEAN, cũng là nạn nhân trong chính sách hăm dọa của Trung Quốc, như Việt Nam, Malaysia, nên nộp đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng Tài để chấm dứt "hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong vùng".
Tuy nhiên, trước mắt, Jonathan Malaya, người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về biển Tây Philippines (National Task Force West Philippines Sea), kêu gọi trong buổi họp báo hôm 20/05 rằng "tất cả các nước ven biển, nhất là các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, không công nhận những quy định bất hợp pháp này và tiếp tục lưu thông ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép" để qua đó bác bỏ mối đe dọa của Trung Quốc về việc bắt giữ vô cớ người nước ngoài thâm nhập Biển Đông.
Thu Hằng
Việt Nam lên tiếng về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc
RFA, 29/01/2021
Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Tàu tuần duyên Philippines chạy ngang một tàu tuần duyên của Trung Quốc gần khu vực bãi cạn Scarborough. Hình chụp ngày 14/5/2019. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao việt Nam Lê Thị Thu hằng tuyên bố như vừa nêu, khi bình luận về Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, tại cuộc họp báo vào ngày 29/1.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh thêm rằng Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong ban hành luật biển. Đồng thời nhắc lại khẳng định của Việt Nam rằng :
"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế ; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó".
Vào ngày 22/1, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới, cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Theo đó, luật quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng cho phép hải cảnh nước này được quyền tạo các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngày 27/1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc ban hành luật hải cảnh mới, gọi đây là một đe dọa chiến tranh bằng lời nói.
************************
Việt Nam ứng phó ra sao khi hải cảnh Trung Quốc được bắn theo luật mới ?
VOA, 25/01/2021
Sau khi Trung Quốc ban hành luật cho phép cảnh sát biển nước này nổ súng vào tàu nước ngoài, hai nhà nghiên cứu nhận định với VOA rằng Việt Nam sẽ sớm lên tiếng phản đối cũng như sẽ phối hợp với nhiều nước để ứng phó với Trung Quốc trong tình hình mới.
Tàu KN-768 tránh được cú đâm va khi khoảng cách chỉ còn khoảng 50 m với tàu Trung Quốc. Ảnh minh họa Thanh Niên, 16/06/2014
Như VOA đã đưa tin, hôm 4/11/2020, Quốc hội Trung Quốc công bố dự luật có điều khoản cho phép cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí khi cần thiết ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Sau gần 3 tháng, hôm 22/1/2021, Trung Quốc thông qua và ban hành đạo luật đó.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak đặt tại Singapore, chỉ ra rằng thế nào là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc sẽ đặt ra một vấn đề lớn đối với việc thực thi đạo luật kể trên.
Nguy cơ cao ở ‘đường lưỡi bò’
Ông Hợp lấy ví dụ là khu vực rộng lớn ở Biển Đông nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ lên bản đồ và nêu ra yêu sách chủ quyền, còn được gọi là "đường lưỡi bò".
Đây là vùng biển trong vòng tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước khác. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu và máy bay qua lại để khẳng định họ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển. Các nước Úc, Nhật, Ấn Độ, Anh cũng đã một vài lần thực hiện các động thái tương tự.
Do đó, tiến sĩ Hợp cho rằng nếu Trung Quốc khăng khăng rằng "đường lưỡi bò" là của họ, và khi tàu của các nước láng giềng hay của bất cứ quốc gia lớn nhỏ nào khác đi vào, hải cảnh Trung Quốc sẽ bắn nếu cần thiết, thì điều đó đồng nghĩa là Trung Quốc chuẩn bị gây chiến tranh.
Từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu cao cấp khác cũng thuộc viện ISEAS Yusof Ishak, có chung quan điểm về việc nguy cơ sẽ tăng cao ở những vùng biển có tranh chấp, mà trực tiếp liên quan đến Việt Nam là "đường lưỡi bò", vùng chồng lấn giữa "đường lưỡi bò" và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như phạm vi bên ngoài 12 hải lý chung quanh các thực thể mà Trung Quốc đang kiểm soát ở Trường Sa.
Theo tiến sĩ Hiệp, Trung Quốc sẽ chọn lọc về đối tượng để nổ súng, có thể phần nhiều dựa trên yếu tố là họ vượt trội hơn với nước nào. Ông nói :
"Ở khía cạnh này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ là đối tượng gặp nhiều áp lực vì Việt Nam có các khu vực chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc nhiều hơn, các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông cũng tích cực hơn, hoạt động của các ngư dân chẳng hạn. Khả năng xảy ra các va chạm, rồi các trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể viện cớ để sử dụng vũ lực cũng nhiều hơn".
Theo quan sát của VOA, đến hôm 25/1, Việt Nam chưa đưa ra quan điểm chính thức về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Hai nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp và Lê Hồng Hiệp nhận định rằng Việt Nam chưa lên tiếng do đang bận rộn với Đại hội của đảng cộng sản nhưng sẽ sớm phản ứng trong ít ngày nữa.
Tàu chấp pháp Việt Nam xua đuổi tàu cá vỏ thép Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam (ảnh tư liệu, 2019)
Người Việt học luật Trung Quốc ?
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam bày tỏ lo ngại về luật mới của Trung Quốc và đưa ra ý kiến rằng chính quyền Việt Nam nên phố biến nội dung luật đó để nhân dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam, được biết và ứng phó phù hợp. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng đồng tình :
"Để đề phòng các sự cố cũng như bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân, các lực lượng hoạt động trên biển, thì rõ ràng là Việt Nam cũng cần có sự phổ biến thông tin cho người dân để họ nắm được để mà nếu rơi vào các tình huống nguy hiểm thì biết cách xử lý".
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nghiêng về khả năng là Việt Nam sẽ ứng phó theo hướng chủ động hơn là bị động. Lưu ý rằng Việt Nam đã ra luật trước cả Trung Quốc về việc cho phép cảnh sát biển Việt Nam nổ súng, ông Hợp nói :
"Bây giờ, Trung Quốc làm việc này, buộc lòng là hải quân Việt Nam, cảnh sát biển Việt Nam phải tăng cường để bảo vệ ngư dân. Đó là điều chắc chắn người ta làm từ năm 2014. Chính quyền Việt Nam không có chủ trương biến ngư dân thành dân binh trên biển".
Một số tàu cá hay tàu vận tải Việt Nam nếu được mang súng nhỏ, đó là để chống cướp biển chứ không phải để đóng vai trò dân binh, tham gia bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam, tiến sĩ Hợp nói thêm.
Bên cạnh các động thái riêng, không chỉ đến khi Trung Quốc ra luật mới về cảnh sát biển, lâu nay Việt Nam đã và đang bàn bạc, phối hợp với các nước khác cũng có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với Bắc Kinh về mọi mặt, từ chính trị, địa chính trị, chiến lược, pháp lý cho đến quốc phòng, vẫn theo lời tiến sĩ Hợp.
Về phần mình, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng ngoài việc phối hợp với các nước để lên án việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, Việt Nam có thể đưa luật mới về hải cảnh Trung Quốc vào quá trình thảo luận, đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông để giảm thiểu nguy cơ va chạm hay các tình huống Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ở Biển Đông (ảnh tư liệu, 6/7/2020)
Mỹ, các nước vẫn can dự vào Biển Đông
Tiên liệu về thái độ và hành động của Mỹ và các cường quốc khác đối với luật mới của Trung Quốc, vẫn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói :
"Các nước sẽ vẫn tiến hành hoạt động như lâu nay thôi. Họ sẽ vẫn có các bước đi vừa đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trái với luật pháp quốc tế. Đồng thời, họ sẽ có các biện pháp để giảm thiểu rủi ro, đề phòng các tình huống vũ lực có thể xảy ra. Mọi thứ sẽ vẫn được tiến hành dù sự thận trọng sẽ ở mức độ cao hơn".
Hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vẫn tiếp tục dưới thời tân Tổng thống Biden, nối tiếp chính sách của Tổng thống Trump mới mãn nhiệm, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói, và dẫn chứng là một nhóm tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông hôm 23/1, ba ngày sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.
Ông cũng lưu ý về những thông điệp mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến việc Trung Quốc tỏ ý hăm dọa Đài Loan trong vài ngày qua. Từ phân tích riêng của mình, tiến sĩ Hợp khẳng định :
"Ta thấy không có gì trở ngại hay thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden đối với khu vực này. Có thể ít nữa nó thay đổi một chút về hình thức, nhưng về bản chất mà nói, tôi không tin có thay đổi gì lớn trong chiến lược mà chính quyền Trump tuyên bố hồi/12/2017".
Cách đây hơn 3 năm, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ, tập trung vào 4 vấn đề lớn là bảo vệ lãnh thổ và lối sống Mỹ, đẩy mạnh sự thịnh vượng của Mỹ, thể hiện hòa bình qua sức mạnh, và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu trong một thế giới cạnh tranh dữ dội hơn bao giờ hết.
Bản chiến lược nêu rõ rằng Mỹ xác định hai đối thủ hàng đầu là Nga và Trung Quốc, cho rằng đây là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại muốn làm thay đổi nguyên trạng của thế giới, đe dọa những lợi ích của nước Mỹ.
Trọng Thành, RFI, 23/01/2021
Nguy cơ đụng độ bùng phát tại Biển Đông gia tăng. Chính quyền Trung Quốc chính thức ra luật cho phép lực lượng Hải cảnh có "mọi biện pháp cần thiết", bao gồm cả việc nổ súng vào tàu nước ngoài, để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật nói trên vào ngày hôm qua, 22/01. Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021 tới. Trong buổi họp báo hôm qua tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, khẳng định luật này sẽ cho phép "bảo đảm hòa bình và ổn định" trên biển.
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã, hôm nay, 23/01, cho biết kể từ giờ lực lượng tuần duyên Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí, để ngăn chặn hoặc phòng ngừa trước các thách thức từ phía tàu thuyền nước ngoài, hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc "quyền tài phán" của Trung Quốc. Bộ luật vừa được chính quyền Bắc Kinh ban hành liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông.
Luật mới của Bắc Kinh không nói rõ các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc cụ thể bao gồm những khu vực nào, nhưng theo báo Nhật Nikkei Asia, yêu sách của Trung Quốc sẽ bao gồm khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng nằm trong bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông (còn gọi là "đường lưỡi bò"), ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven bờ, như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đã bị một tòa án quốc tế bác bỏ hồi 2016.
Theo báo Nhật Nikkei Asia, Hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ được phép dùng vũ lực để dỡ bỏ các công trình xây dựng "bất hợp pháp" tại những vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Sau khi Bắc Kinh thông qua luật, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên lên tiếng. Hôm qua 22/01, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi bày tỏ "quan ngại" về luật Hải cảnh Trung Quốc vừa ban hành trong ngày. Năm 2020 vừa qua là năm mà số lượng tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (do Tokyo kiểm soát) đạt mức kỷ lục. Theo Bloomberg, luật mới sẽ làm gia tăng căng thẳng hiện nay tại các vùng biển ven Trung Quốc. Báo chí Việt Nam nói đến nguy cơ "rủi ro bạo lực gia tăng tại Biển Đông" với luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.
Kể từ năm 2018, Hải cảnh Trung Quốc, vốn thuộc bên dân sự quản lý, trở thành một bộ phận của Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, dưới quyền lãnh đạo của Quân Ủy Trung Ương, cơ quan ra quyết định cao nhất trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, số lượng phương tiện của Hải cảnh Trung Quốc tăng vọt lên 130 tàu hơn 1.000 tấn, vào năm 2019, tức gấp hơn ba lần so với năm 2012. Hải cảnh Trung Quốc được trang bị tàu tuần tra hơn 10.000 tấn, với súng máy 76 mm. Tàu được coi là lớn nhất tại vùng Biển Đông.
Trung Quốc ban hành luật cho phép Hải cảnh nổ súng tại các vùng biển tranh chấp chỉ hai ngày sau khi chính quyền Biden nhậm chức, và một ngày sau khi tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cam kết đặt khu vực quần đảo Senkaku dưới sự bảo vệ của hiệp định an ninh Mỹ - Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, hành động này cho thấy Bắc Kinh tỏ rõ thái độ không khoan nhượng với tân chính quyền Mỹ, tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trọng Thành
*********************
Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh, chuyên gia cảnh báo tàu cá Việt Nam có thể bị bắn
RFA, 22/01/2021
Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua luật Hải cảnh mới hôm 22/1/2021, cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin này vào cùng ngày.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc được trang bị đại bác (trong bao) - Reuters
Dự luật Hải cảnh được Trung Quốc giới thiệu vào/11 năm 2020. Theo đó, luật quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật cũng cho phép nhân viên chấp pháp của Trung Quốc được quyền phá hủy các cấu trúc mà nước khác xây dựng trên các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền, lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Luật mới cũng cho phép hải cảnh được quyền tạo các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, luật mới của Trung Quốc là một mối nguy đáng báo động cho các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở Biển Đông, đặc biệt là vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa, nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
"Trung Quốc đang cố gắng nguỵ trang cho những gì mà họ làm và nói luật của chúng tôi cho phép cho nên đừng có can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi. Đây là điều đáng báo động. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc được trang bị đầy đủ và tương đương như các tàu chiến.
Trung Quốc bây giờ với luật hải cảnh mới, trong bất cứ đụng độ nào giờ đây họ không còn phải đâm tàu nữa. Họ chỉ cần bắn vào tàu nếu ngư dân chống cự".
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông dựa vào đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp với các nước.
Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết của toà.
Trung Quốc hiện kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm được từ Việt Nam trong một trận hải chiến vào năm 1974.
Các ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc xua đuổi, đâm chìm.
Sự việc gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2020 khi một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.