Hoa Kỳ giúp Philippines từ khả năng do thám, huấn luyện đến máy bay để có thể chống trả những tổ chức dân quân ủng hộ Nhà Nước Hồi Giáo tại quốc gia này.
Máy bay Cessna 525A tại sân bay Arnsberg-Menden, Đức, ngày 23 tháng 12 năm 2013. (Ảnh minh họa) - AFP
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson vào ngày 7 tháng Tám cho biết như vậy khi đang có mặt tại Philippines. Ông Tillerson cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ cho Philippines một số máy bay Cessna cũng như máy bay không người lái để giúp Philippines chống lại những kẻ thù đang chiến đấu trong một cách mà hầu hết người dân xứ này chưa bao giờ phải đương đầu.
Đã có 700 người thiệt mạng kể từ khi xung đột xảy ra tại khu vực thành phố Marawi giữa quân chính phủ với dân quân Hồi Giáo IS, trong đó số tử vong phía IS là 528 người, phía quân đội là 122 người. Đây là nơi có nhiều người theo Công giáo nhưng lại bị các tay súng IS phát động những vụ đột nhập, đánh phá và giết người hàng loạt núp dưới danh nghĩa thánh chiến.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới chỉ trích hành pháp Donald Trump có ý muốn hỗ trợ cho chính phủ của tổng thống Rodrigo Duterte đang bị phản đối gay gắt vì trận chiến chống ma túy.
Bản tin AP hôm 7 tháng Tám trích dẫn lời ngoại trưởng Rex Tillerson rằng ông không thấy có gì đối chọi hay mâu thuẫn trong việc Washington giúp Manila chống lại IS, quan điểm của ông là Hoa Kỳ tôn trọng quyết định chống những hoạt động ma túy của chính phủ Phi trên lãnh thổ của họ.
Hoa Kỳ và Philippines tuần tra chung trên Biển Sulu (RFI, 01/07/2017)
Các chiến hạm Mỹ và Philippines ngày 01/07/2017 đã tuần tra chung tại Biển Sulu, khu vực đang bị hải tặc ở tây nam nước này hoành hành.
Ảnh minh họa. Chiến hạm USS Coronado thuộc loại LCS. Wikimedia by U.S Navy
Chiến hạm USS Coronado thuộc loại LCS (Littoral Combat Ship, tức tàu tác chiến duyên hải) đã tham gia tuần tra cùng với chiếc tàu BRP Alcaraz của hải quân Philippines, theo đề nghị của chính quyền Manila.
Hãng tin Reuters nói thêm, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không cho phép hải quân tuần tra chung với Hoa Kỳ trên Biển Đông vì sợ làm Bắc Kinh phật ý, trong khi Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng biển này và đã chiếm lấy bãi cạn Scarborough của Manila từ tháng 6/2012.
Ngược lại, ông Duterte tỏ ra cởi mở về sự hợp tác trên Biển Sulu, trước các hoạt động ngày càng dồn dập của quân Hồi giáo trong khu vực. Cách đây hai tuần, Philippines đã phối hợp với Indonesia và Malaysia tuần tra tại vùng biển này. Cơ quan tình báo Philippines lo ngại quân thánh chiến từ hai nước trên đây xâm nhập qua tuyến đường này, để phối hợp với quân Hồi giáo tại Marawi.
Quân nổi dậy đã tiến chiếm thành phố Marawi thuộc đảo Mindanao cách đây năm tuần. Khoảng 300 quân Hồi giáo, 82 quân nhân, cảnh sát và 44 thường dân đã bị tử thương trong các trận đánh. Tổng thống Duterte đã tuyên bố thiết quân luật tại vùng này.
Thụy My
***********************
Mỹ, Philippines tuần tra chung răn đe những kẻ chủ chiến Hồi giáo (VOA, 01/07/2017)
Hải quân hai nước hai nước Mỹ và Philippines đã tổ chức tuần tra hải quân chung vào ngày thứ Bảy trong vùng biển nguy hiểm ở phía nam Philippines, trong khi cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về hoạt động gia tăng của những kẻ chủ chiến Hồi giáo và nạn cướp biển trong vùng này.
Tàu chiến cận bờ của Hải quân Mỹ, USS Coronado, trong một cuộc tập trận quân sự ở Vịnh Thái Lan
Tàu chiến cận bờ của Hải quân Mỹ, USS Coronado, đã cùng một tàu khu trục của Hải quân Philippines, BRP Alcaraz, tuần tra Biển Sulu, nơi mà nhiều vụ tấn công cướp biển nhắm vào các tàu thương mại đã xảy ra từ năm 2015.
"Các hoạt động ngoài biển của chúng tôi với Hải quân Philippines cho thấy cam kết của chúng tôi đối với liên minh và răn đen nạn cướp biển và các hoạt động phi pháp", Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Don Gabrielson nói trong một thông cáo mà Đại sứ quán Mỹ tại Manila công bố.
Nhiều nước lo sợ rằng những chiến binh có cảm tình với Nhà nước Hồi giáo sẽ vượt qua biên giới biển giữa Malaysia và Indonesia để gia nhập các phiến quân Hồi giáo, những người đã chiếm thành phố Marawi ở miền nam Philippines năm tuần trước.
Khoảng 300 kẻ chủ chiến, 82 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh và 44 thường dân đã thiệt mạng trong chiến sự.
Vị trí quần đảo Sulu, nơi phiến quân Hồi giáo trú ẩn trên đảo Jolo
Các cuộc tuần tra hải quân được tổ chức theo lời mời của chính phủ Philippines, đại sứ quán Mỹ cho biết. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không cho phép các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông có tranh chấp để tránh gây tổn hại tới mối quan hệ với Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.
Tuy nhiên, ông hoan nghênh hợp tác ở miền nam vì hoạt động của những kẻ chủ chiến gia tăng. Hai tuần trước, Indonesia, Malaysia và Philippines tổ chức tuần tra hải quân chung ở vùng biển phía nam.
Máy bay gián điệp Úc yểm trợ quân đội Philippines (RFI, 23/06/2017)
Quân đội Philippines vẫn chưa đẩy lui được lực lượng thánh chiến Maute ở Marawi sau một tháng phản công. Một phần ba thành phố vẫn còn nằm trong tay phe nổi dậy trung thành với Daesh. Để trợ lực cho đồng minh Đông Nam Á về quân sự, Úc huy động hai phi cơ trinh sát tối tân AP-3C Orion.
Một góc Marawi, miền nam Philippines, sau một cuộc dội bom. Ảnh ngày 22/06/2017. Reuters
Hai máy bay gián điệp Úc sẽ tham gia các phi vụ tại miền nam Philippines để trợ giúp quân đội chính phủ trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi Giáo võ trang, đặc biệt là Daesh, đang gây hỗn loạn trong khu vực. Trên đây là tuyên bố của Canberra hôm thứ Sáu 23/06/2017 vào lúc quân đội Philippines gặp khó khăn tại đảo Mindanao.
Cụ thể, bộ trưởng quốc phòng Úc Marise Payne cho biết hai máy bay trinh sát AP-3C Orion sẽ theo dõi hoạt động của các nhóm võ trang nổi dậy trong khuôn khổ hiệp định đối tác quân sự song phương Úc-Philippines. Úc sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Đông Nam Á để chống lại các tổ chức khủng bố, Daesh và những chiến binh từ nước ngoài xâm nhập đe dọa trực tiếp an ninh và quyền lợi của Úc.
Tại chỗ, quân đội Philippines tiếp tục oanh kích lực lượng Maute, một nhóm Hồi Giáo võ trang địa phương tuyên thệ trung thành với Daesh, vẫn còn chiếm giữ một số khu phố ở Marawi. Theo báo The Inquirer, có tin thủ lĩnh của nhóm này là Omarkhayam Maute đã tử trận. Một phát ngôn viên quân đội xác nhận có nhiều dấu hiệu Maute đã thiệt mạng từ hai tuần nay, nhưng không thể khẳng định 100% vì chưa thấy xác.
Tú Anh
********************
Philippines : Quân đội giải cứu được nhiều con tin (RFI, 22/06/2017)
Quân đội Philippines, ngày hôm qua, 21/06/2017, đã tấn công vào một trường học ở Pigkawayan, miền nam, và giải cứu được nhiều con tin bị quân khủng bố bắt giữ trong buổi sáng cùng ngày. Theo phát ngôn viên quân đội Philippines, Restituto Padilla, toàn bộ 31 con tin, trong đó có 12 trẻ em, đã được giải thoát và "không một ai bị thương". Bốn chiến binh Hồi giáo đã bị tiêu diệt.
Người dân Pigcawayan, nam Philippines, chờ được di tản. Ảnh ngày 21/06/17. REUTERS/Marconi Navales
Thông tín viên RFI Marianne Dardard tại Manila, gửi về bài tường trình :
"Cuộc tấn công ở Pigcawayan không hề giống cuộc tấn công ở Marawi. Quân đội Philippines nhấn mạnh như vậy, sau khi bác bỏ thông tin về việc giải phóng được trường học bị chiếm, để rồi cuối cùng vào tối qua, thì lại khằng định thông tin này.
Theo cảnh sát, có vài trăm kẻ tấn công, tất cả đều thuộc tổ chức Chiến binh Hồi Giáo vì tự do cho Bangsamoro (Bangsamoro Islamic Freedom Fighters, Biff). Đây là một trong số các nhóm khủng bố chính đã liên kết với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở miền nam Philippines. Có lẽ nhóm Biff đã tranh thủ thời cơ có ít binh sĩ của chính phủ ở Pigcawayan để tấn công, vì lực lượng chính của quân đội được triển khai ở Marawi.
Một tháng sau khi các cuộc đối đầu nổ ra ở thành phố Marawi, chính quyền Philippines e ngại có thêm quân thánh chiến đến khu vực này, cũng như tình trạng bạo lực sẽ lan rộng sang nơi khác.
Đối với quân đội, đây cũng là cách để biện minh cho thiết quân luật, được tổng thống Rodrigo Duterte ban hành, trên khắp miền nam Philippines".
Thu Hằng
****************
Quân đội Philippines bị tấn công ở miền nam (RFI, 21/06/2017)
Hơn trăm người có võ trang, vào sáng nay, 21/06/2017, đã tấn công vào quân đội Philippines tại một khu làng ở miền nam, trên đảo Mindanao. Mục tiêu, theo hãng tin Pháp AFP, có thể là nhằm nới lỏng gọng kềm đang siết quanh phiến quân Hồi Giáo ở Marawi, cách đấy khoảng 160 cây số.
Binh sĩ Philippines tại làng Pantar, Lanao Del Norte, ngày 21/06/2017 - REUTERS/Romeo Ranoco
Thoạt đầu, khoảng hai trăm người Hồi Giáo vũ trang, theo lời một viên chức địa phương, đã tấn công vào lúc bình minh một đồn lính kém bảo vệ ở thị trấn Pigkawayan, và phần lớn trong số này đã nhanh chóng rút lui sau đó. Tuy nhiên, theo nguồn tin quân đội Philippines, số còn lại khoảng ba mươi người đã quay sang chiếm đóng một ngôi trường tiểu học, dùng thường dân làm bia đỡ đạn.
Trả lời hãng tin Pháp AFP qua điện thoại, đại úy Arvin Encinas, phát ngôn viên lực lượng quân đội phụ trách khu vực, xác định : "Chúng đang có mặt trong ngôi trường và cầm giữ thường dân, sử dụng họ làm lá chắn sống". Phát ngôn viên này còn nói thêm rằng các phần tử thánh chiến đã đặt bom xung quanh ngôi trường.
Theo ông Antonio Maganto, phát ngôn viên phụ trách giáo dục địa phương cho biết là có khoảng 20 cư dân sống quanh trường đã bị bắt làm con tin, nhưng không có học sinh. Số lượng chính xác là bao nhiêu vẫn chưa thể xác định.
Theo AFP, trước đó, phát ngôn viên quân đội Philippines, tướng Restituto Padilla, cho biết là nhóm tấn công thuộc lực lượng Bangsamoro Biff, một nhánh ly khai của Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro (Milf), và là một trong 4 nhóm hoạt động tích cực ở miền Nam Philippines và tự nhận đi theo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
Cả hai phát ngôn viên quân đội Philippines tại Manila và tại địa phương đều cho biết là giao tranh vẫn diễn ra lẻ tẻ trong suốt ngày hôm nay tại khu vực lân cận ngôi làng bị tấn công, một nơi chủ yếu gồm đầm lầy, đồi núi và ruộng rẫy.
Theo viên chức cảnh sát địa phương Realan Mamon, cuộc tấn công nói trên có lẽ là để đánh lạc hướng, hầu giảm sức ép của quân đội Philippines lên các phần tử Hồi Giáo đang bị vây hãm ở Marawi.
Chiến sự giữa 2 bên đã kéo dài từ một tháng nay. Quân đội Philippines đã được hỗ trợ của Mỹ, nhưng vẫn chưa triệt hạ được đối phương.
Mai Vân
*************************
Phiến quân Hồi giáo chiếm trường học, bắt con tin (RFA, 21/06/2017)
Một ngôi trường tiểu học ở phía nam Philippines bị các tay súng thuộc nhóm phiến quân hồi giáo chiếm đóng và bắt giữ người làm con tin trong làng Malagakit.
Quân đội Philippines tuần tra tại Pigkawayan, cách thành phố Marawi 160 km về phía Bắc Cotabato, vào ngày 21 tháng 6 năm 2017. AFP
Sự việc xảy ra khoảng 5 giờ sáng hôm thứ tư 21 tháng 6.
Arvin Encinas, người phát ngôn của quân đội chịu trách nhiệm về khu vực này nói với AFP qua điện thoại.
Người này cho biết dân làng, không biết chính xác có bao nhiêu người và có trẻ em hay không, đã bị bắt nhốt trong trường học làm con tin và những tay súng đã đặt những quả bom quanh trường học đó.
Antonio Maganto, phát ngôn nhân của trường học cũng nói với AFP rằng không xác định được tổng số con tin. Tuy nhiên trong số đó có khoảng 20 người là cư dân của các ngôi nhà lân cận và không có ai là học sinh.
Một thủ lĩnh Abu Sayyaf bị giết (RFA, 12/04/2017)
Một viên chỉ huy lực lượng khủng bố Abu Sayyab tại Philippines tên là Muamar Askali bị quân đội Phi giết chết trong một cuộc hành quân tại đảo Bohol vào ngày 11 tháng tư.
Những người lính Philippines trở về trại sau cuộc đụng độ với nhóm chiến binh Abu Sayyaf ở làng Bongkaong, thị trấn Patikul, tỉnh Sulu ở đảo Mindanao miền Nam vào ngày 26 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Quân đội Phi cho hay Muamar Askali là thủ phạm đã ra lệnh bắt cóc đòi tiền chuộc hai du khách người Canada và Đức, rồi sau đó giết chết hai người này khi không nhận được món tiền chuộc trị giá 600 ngàn đô la Mỹ mà quân khủng bố đưa ra.
Quân chính phủ cho hay là trong cuộc tấn công tại đảo Bohol, có 6 tay khủng bố bị giết chết, còn bên chính phủ có 3 binh lính và 1 cảnh sát thiệt mạng.
Đảo Bohol là một điểm du lịch của Philippines rất thu hút khách phương Tây đến tham quan rừng nhiệt đới cũng như tắm biển, và đây cũng là mục tiêu của quân khủng bố trong thời gian gần đây : bắt cóc các du khách và đòi tiền chuộc
*******************
Philippines tăng quân chống Abu Sayyaf bắt cóc du khách (RFI, 12/04/2017)
Binh sĩ và cảnh sát đang truy lùng nhóm khủng bố Abou Sayyaf, tại Inabanga, đảo Bohol, Philippines, thứ Ba, 11/04/2017 - STR / AFP
Quân Đội Philippines cho biết đã gởi thêm quân đến đảo du lịch Bohol, nơi đã diễn ra những trận giao tranh từ hôm qua 11/04/2017 với nhóm vũ trang Hồi Giáo Abu Sayyaf, làm cho 10 người thiệt mang, trong đó có 6 người tình nghi thuộc nhóm Abu Sayyaf.
Abu Sayyaf đã đi theo tổ chức thánh chiến Daech, và liên tục bắt con tin. Cách đây vài ngày, các đại sứ quán Mỹ, Úc và Canada, đã kêu gọi công dân của họ cảnh giác trước nguy cơ bị bắt cóc.
Thông tín viên RFI tại Manila, Marianne Dardard, cho biết thêm chi tiết :
Nhóm Abu Sayyaf phải chăng đang chuẩn bị một vụ bắt cóc trên đảo Bohol ? Đây là câu hỏi được nêu lên sau cuộc giao tranh với quân đội Philippines trên hòn đảo nhỏ này, với diện tích không đầy 5.000 km2, ở miền trung Philippines.
Chiến sự diễn ra ở Inabanga, một thị trấn nằm cách bờ biển đẹp của đảo khoảng 2 tiếng đồng hồ theo đường bộ, và cách khu đồi nổi tiếng của Bohol, được mệnh danh là những "ngọn đồi sô cô la", một tiếng đồng hồ.
Cho đến giờ, nhóm Abu Sayyaf, đi theo Daech từ năm 2014, chủ yếu hoạt động ở phía nam Philippines, vùng có ít người nước ngoài lui tới. Vào cuối tháng 2, Abu Sayyaf đã chặt đầu một con tin người Đức trên đảo Jolo, rất xa các bãi cát đẹp của đảo Bohol. Hiện giờ nhóm này dường như còn bắt giữ 26 người.
Trong tình hình đó, đại sứ quán Pháp vừa kêu gọi du khách đến vùng Bohol "đề cao cảnh giác".
Mai Vân