Lời người dịch : Ngày 4/5/1898, Thủ tướng Anh Salisbury, còn gọi là Lord Salisbury, có bài phát biểu về chính sách ngoại giao Anh.
Thông điệp cốt lõi của bài diễn văn là những quốc gia yếu sẽ ngày càng yếu và những quốc gia mạnh sẽ ngày càng mạnh. Số phận bi đát của những quốc gia yếu mà ông gọi là những quốc gia chết là điều ai cũng đoán được.
Việt Nam hiện nay lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là xuất khẩu nông sản phẩm sang Trung Quốc và nhập khẩu trang thiết bị sản xuất. Không những nâng đỡ Việt Nam, Bắc Kinh cố tình chèn ép Việt Nam cho đến kiệt quệ để phải phục tùng Trung Quốc. Trên một phương diện nào đó, có thể nói Việt Nam là quốc gia đang giẫy chết vì mọi sinh lực kinh tế, tài chính kể cả quân sự đều nằm trong tay Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc và doanh nhân Trung Quốc.
Con đường duy nhất để thay đổi số phận tất yếu đang chờ đợi quốc gia thân yêu của chúng ta là phải thay đổi thể chế độc tài cộng sản này để giành lại quyền sống cho dân tộc, nghĩa là phải có tự do và dân chủ. Chúng ta chọn pPhương pháp đấu tranh bất bạo động, ôn hòa nhưng rất kiên quyết. Sự thành công hay thất bại của cuộc đấu tranh này sẽ quyết định tương lai Việt Nam, một thuộc địa mới của Trung Quốc hay một quốc gia can trường, như đã từng sống suốt hơn bốn ngàn năm qua. Trách nhiệm cứu nước trước họa diệt vong là trách nhiệm thiêng liêng của tất cả mọi người mang chung dòng máu Việt. (Trần Quốc Việt)
***
Hơn 5.000 xe tải hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc bị ùn ứ ở biên giới tỉnh Lạng Sơn trong suốt tháng 12/2021- Ảnh : LĐO (18/12/2021).
Ta có thể tạm phân chia những quốc gia trên thế giới thành những quốc gia sống và những quốc gia chết. Một bên ta có những cường quốc có sức mạnh rất lớn, tăng gia sức mạnh mỗi năm, tăng gia của cải, tăng gia thuộc địa, tăng gia sự hoàn thiện của tổ chức của họ. Đường sắt đã cho họ sức mạnh tập trung vào bất kỳ lúc nào toàn bộ sức mạnh quân sự của dân chúng và tập họp quân đội có tầm vóc và sức mạnh mà những thế hệ trong quá khứ không bao giờ mơ tưởng đến. Khoa học đã đặt vào tay những quân đội này những vũ khí tiêu diệt càng ngày càng hiệu quả, và vì thế tăng thêm sức mạnh đáng sợ cho những người có cơ hội sử dụng chúng.
Bên cạnh những tổ chức tuyệt vời này có nhiều cộng đồng mà tôi chỉ có thể cho là chết, mặc dù hình dung từ này tất nhiên áp dụng cho những quốc gia này theo những mức độ rất khác nhau. Trong những quốc gia chết này sự vô tổ chức và suy đồi đang tăng gần như nhanh bằng với sự tập trung và sức mạnh ngày càng cao đang tăng ở các quốc gia sống mà tồn tại bên cạnh họ. Suốt hàng chục năm trời họ càng lúc càng suy yếu hơn, nghèo nàn hơn, và càng không có những người tài giỏi lãnh đạo hay những thể chế mà họ có thể tin tưởng, rõ ràng tiến càng lúc càng gần đến số phận của họ nhưng vẫn bám chặc kỳ lạ vào cuộc sống họ có. Ở những nước này sự cai trị tàn tệ không chỉ không sửa được, mà còn càng lúc càng tệ hại hơn. Xã hội họ, và xã hội chính thức, chính quyền, đa phần là thối nát, cho nên không có cơ sở vững chắc cho bất kỳ hy vọng nào về cải cách hay phục hồi.
Tất nhiên tôi không thể nào tiên đoán tình trạng này có thể kéo dài bao lâu. Tôi chỉ có thể chỉ ra rằng quá trình này đang diễn ra, những quốc gia yếu càng trở nên yếu hơn, và những quốc gia mạnh càng trở nên mạnh hơn. Chẳng cần tiên đoán tài giỏi nào để chỉ ra kết quả tất yếu phải có của quá trình chung ấy. Vì lý do này hay lý do khác - từ sự cần thiết của chính trị hay dưới cái cớ nhân đạo giả dối - những quốc gia sống dần dần sẽ xâm chiếm lãnh thổ của những quốc gia chết.
Lord Salisbury
Nguyên tác : The living and diving nations, Daily Mall and Empire, 21/05/1898
Trần Quốc Việt dịch
"Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" là mục tiêu tuyên truyền vẽ voi trên giấy của Tuyên giáo, sau Đại hội đảng XIII kết thúc ngày 1/2/2021.
Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Đại hội Đảng 13 ngày 1/2/2021 - Ảnh minh họa
Những chiếc bánh vẽ ghi trong Văn kiện đảng đề ra viễn ảnh một nước Việt Nam :
1. "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước : Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp".
Theo cách xác định của Ngân hàng Thế giới (the World Bank), "các quốc gia có thu nhập trung bình thấp là những quốc gia có tổng thu nhập quốc gia trên đầu người từ 876 đến 3.465 USD một năm".
Như vậy, nếu Việt Nam "vượt qua" được cửa này vào năm 2025 thì World Bank ước tính GDP bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt từ 4.700-5.000 USD. Liệu Việt Nam có làm được trong 3 năm rưỡi nữa ?
2. "Đến năm 2030 (9 năm nữa), kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng : Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao".
World Bank viết : "Các quốc gia có thu nhập trung bình cao theo cách xác định của Nhóm Ngân hàng Thế giới là những quốc gia có tổng thu nhập quốc gia trên đầu người từ 3.466 đến 10.725 USD một năm".
3. "Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Theo World Bank : "Các quốc gia có thu nhập cao theo cách xác định của Nhóm Ngân hàng Thế giới là những quốc gia và lãnh thổ có tổng thu nhập quốc gia trên đầu người hàng năm từ 12.535 USD trở lên".
Thực tế thế nào ?
Nhưng với tình hình bệnh dịch Covid 19 chưa có tương lai kết thúc, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm sẽ ảnh hưởng đến mức phát triển của Việt Nam ra sao ?
Theo tin chính thức, vào ngày 19/1/2021, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố "Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 : Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo".
Báo cáo viết : "Tác động từ cú sốc Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ Châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hai cú sốc này làm cho tăng trưởng ở mức thấp nhất là 4,77% năm 1999 và 5,40% năm 2009, vẫn còn cao hơn so với năm 2020 (2,91%). Tuy nhiên, cú sốc Covid-19 có thể mang tính tạm thời, sẽ không kéo dài như hai cú sốc tài chính năm 1997 và 2008".
Do đó, Việt Nam cho biết : "Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được "mục tiêu kép" vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II 2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực".
Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam thì : "Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, Foreign Direct Invesment)" (Chinhphu.vn, 19/01/2021).
Vì mức độ phát triển của kinh tế của Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào đầu tư từ nước ngoài nên, theo World Bank (WB), lợi tức đồng niên trên mỗi đầu người Việt Nam vào đầu năm 2021 là ngót 4.000 Mỹ kim (3.758 USD).
Nhưng "tính về GDP bình quân đầu người thì con số của Việt Nam cực kỳ khiêm tốn", WB viết : "Singapore có GDP bình quân đầu người trên 58.000 USD/người, Brunei trên 23.000 USD, Malaysia trên 10.000 USD, Thái Lan 7.300 USD, Indonesia trên 4.000 USD... GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 chỉ cao hơn được Lào, Campuchia và Myanmar" (Burma-Miến Điện).
So với Thế giới thì GDP của người Việt Nam "chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, 20% mức trung bình của khu vực ASEAN và 5% mức trung bình của các nền kinh tế có thu nhập cao. Việt Nam sẽ mất khoảng 30 năm để đạt được GDP bình quân đầu người hiện nay của Hàn Quốc và 10 năm để đạt được như Trung Quốc…" (Tài liệu World Bank).
Các chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Việt Nam cũng cảnh giác rằng : "Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2017 cho thấy, thời gian trung bình để một quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên thu nhập cao khoảng 30-40 năm. Hết "thời gian vàng" này, thu nhập không tăng lên, quốc gia đó chính thức bị coi là đang mắc bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2008, tính đến nay đã hơn 12 năm. Thời gian không chờ đợi Việt Nam. Những nền tảng để Việt Nam thành nước thu nhập cao vẫn còn thiếu trước hụt sau. Vì vậy, đẩy nhanh tốc độ là điều quan trọng, nhất là khi Việt Nam lại đang bước vào chặng đường phấn đấu mới, với một đích đến đầy tham vọng là thành nước thu nhập cao vào năm 2045".
Như vậy, về mặt vật chất, mục tiêu phát triển kinh tế thị trường theo điều gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" có đạt đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như nhà nước tuyên truyền không ?
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phán : "Lần đầu tiên khát vọng Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng. Báo chí phải khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng, tạo thành sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên, sức mạnh đó không kém gì sức mạnh của cải vật chất".
Vua nổ Nguyễn Mạnh Hùng phán
Vậy mà Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn nổ văng mạng rằng : "Lần đầu tiên khát vọng Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng. Báo chí phải khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng, tạo thành sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên, sức mạnh đó không kém gì sức mạnh của cải vật chất".
Lên tiếng tại buổi làm việc với Cục Báo chí ngày 24/2/2021, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói : "Báo chí cách mạng phải là nơi phản ánh được dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực để từ đó tạo ra niềm tin, sự đồng thuận xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng".
Nhưng Tổ tiên người Việt đã dạy rằng "có bột mới gột nên hồ", do đó muốn tuyên truyền phải có bằng chứng thì nói người ta mới nghe theo. Nhưng báo chí lấy cái gì để "khơi dậy’ và "nuôi dưỡng khát vọng", nói chi đến tham vọng viển vông "tạo ra niềm tin, sự đồng thuận xã hội".
Từ những cái "không có" này báo chí được mệnh danh "cách mạng" lại chỉ biết viết và nói theo lệnh Tuyên giáo đảng.
Bằng chứng là báo chí, theo Điều 25 của Luật Báo chí 2016 (Luật số 103/2016/QH13), ban hành ngày 05/04/2016, phải : "Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…".
Riêng người làm báo thì buộc phải : "Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…".
Điều 7 của Luật này còn nói rõ vai trò "quản lý báo chí" của hệ thống cai trị của Chính phủ :
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương".
Như vậy thì có cách nào khác hơn để nói báo chí không do các cấp chính quyền kiểm soát từ trung ương xuống cơ sở ?
Ngoài ra báo chí còn được lệnh : "không đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung : xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân ; xuyên tạc lịch sử ; phủ nhận thành tựu cách mạng ; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc…".
Nhưng quan trọng hơn là Đảng cộng sản Việt Nam đã độc quyền báo chí-truyền thông để kiểm soát dân. Nhà nước chẳng những không cho phép tư nhân ra báo mà dân còn bị cấm tổ chức đảng đối lập, lập hội, biểu tình như đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Đến quyền đi bầu và ứng cử của dân cũng do "Nhà nước lo" từ đầu đến cuối. Từ việc chọn ứng cử viên, dưới hình thức gọi là "hiệp thương" của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Việt Nam, đến việc họp cử tri bàn chuyện bầu cử đều được tổ chức theo khuôn mẫu định sẵn. Tuyệt nhiên không có các cuộc vận động tranh cử giữa các ứng cử viên. Cử tri không có cơ hội chất vấn ứng cử viên và người dân cũng không được biết chương trình và kế hoạch phục vụ dân của các ứng cử viên nếu đắc cử.
Vì vậy, trong dân gian đã có câu nói "Đảng cử Dân bầu" để phản ảnh tính hình thức và gian dối của bầu cử và ứng cử. Như vậy thì đất nước có phồn vinh và nhân dân có hạnh phúc không ?
Giáo điều – bảo thủ
Vậy mà, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể ba hoa chích chòe rằng "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Là cấp lãnh đạo nổi tiếng giáo điều và bảo thủ cộng sản bậc nhất của Việt Nam nên ông Nguyễn Phú Trọng đã gay gắt nói rằng : "Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Từ cơ sở tư duy độc tài này, ông Trọng, 77 tuổi, đã lớn tiếng bảo mọi người phải : "Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Ông nói như đóng đanh vào trán mọi người : "Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động" (trích Diễn văn tại Đại hội XIII", 26/01/2021).
Ông Trọng nói cứng như thế, nhưng ông cũng biết đã có một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm quân đội, công an, dân quân và người dân đã và đang thi đua "tự diễn biên" và "tự chuyển hóa" để xa đảng và phủ nhận chủ nghĩa cộng sản.
Bởi vì sau hơn 90 năm có mặt trên đất nước, chủ nghĩa cộng sản do ông Hồ Chí Minh du nhập vào Việt Nam đã không đem lại hạnh phúc và cuộc sống bình an cho dân.
Ngược lại, hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh uổng phí trong hai cuộc chiến huynh đệ tương tàn do Đảng cộng sản Việt Nam chủ động. Đấy là chưa kể hàng trăm ngàn người khác đã chết tức tưởi trên đường vượt biên và vượt biển tìm tự do từ sau ngày quân đội cộng sản chiếm Việt Nam Cộng hòa năm 1975.
Vì vậy khi người Việt, lần đầu tiên trong lịch sử phải bỏ nước Việt ra đi, không phải vì đói nghèo mà vì họ đã mất tự do và quyền làm chủ đất nước.
Do đó, "phồn vinh và hạnh phúc" chỉ thành hiện thực khi nào các quyền tự do và dân chủ được bảo đảm và tôn trọng trên đất nước Việt Nam.
Phạm Trần
(16/03/2021)
Luật mới trình bày một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hồng Kông
Tự do và dân chủ về cơ bản là hai điều ở một đất nước văn minh
Hồng Kông từng nổi tiếng với những con phố đèn màu rực rỡ, những khu chợ nhộn nhịp và sự hợp nhất độc đáo của các giá trị phương Tây với văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, đi trên đường phố Hồng Kông ngày nay, nổi bật nhất là cảm giác sợ hãi và tuyệt vọng bao trùm nhiều cư dân của Hồng Kông.
Cảnh sát chống bạo động tuần tra phố Pedder ở quận trung tâm của Hồng Kông trong một cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia vào ngày 27 tháng 5 năm 2020
Các khẩu ngữ tràn trên khắp các tòa nhà chung cư và các tòa nhà văn phòng cao chót vót, kêu gọi thế giới hỗ trợ họ chống lại chế độ độc tài Bắc Kinh. Nhiều người khác gọi đó là một "cuộc cách mạng trong thời đại chúng ta" và trích lời nhà văn người Anh Alan Moore, trong cuốn truyện nổi tiếng "V for Vendetta" của ông xoay quanh một chiến binh tự do chiến đấu chống lại một chính phủ toàn trị ở London trong tương lai.
Một câu nói được trích dẫn : "Người dân không nên sợ chính phủ của họ. Chính phủ nên sợ người dân".
Tuy nhiên, sau gần một năm biểu tình, nhiều đường phố của Hồng Kông đã thấm máu của người biểu tình và không khí chứa đầy hơi cay. Nhiều người tin rằng thời gian kháng chiến đã kết thúc khi luật an ninh quốc gia mới hiện diện tại thành phố, bởi các nhà lập pháp ở Bắc Kinh đã mất hết kiên nhẫn.
Đạo luật sẽ cấm chủ nghĩa ly khai và "các hoạt động lật đổ", cũng như sự can thiệp của yếu tố bên ngoài và "chủ nghĩa khủng bố", một thuật ngữ mà nhiều quan chức sử dụng để mô tả các cuộc biểu tình. Nó cũng sẽ cho phép các cơ quan tình báo đại lục lập cơ sở tại Hồng Kông và ngăn các thẩm phán nước ngoài tiến hành các phiên tòa an ninh quốc gia, mặc dù cũng có 15 tòa án phúc thẩm trong Tòa án Tối cao của thành phố với 23 người.
Các nhà lập pháp trong thành phố cũng đang tranh luận về một dự luật riêng nhằm hình sự hóa xúc phạm quốc ca Trung Quốc.
James, ở độ tuổi 20, sống ở thành phố này, nói : "Có người nói với chúng tôi rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào chống lại Luật An ninh Quốc gia đều cần có Luật An ninh Quốc gia". "Sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc can thiệp, tất cả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và niềm hy vọng (rằng) chính quyền Hồng Kông sẽ lắng nghe yêu cầu của người dân đã giảm đi rất nhiều. Chính quyền Hồng Kông vừa không có cột sống, vừa không có bộ não để hoạt động độc lập.
"Người Hồng Kông chưa bao giờ có quyền tự quyết. Chúng tôi đã bị Anh và Trung Quốc thao túng trong suốt chiều dài lịch sử. Tôi thất vọng vì mặc dù chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi có khả năng mang lại tương lai và hy vọng cho thành phố này, chúng tôi chưa bao giờ thoát khỏi số phận bi thảm.
"Cái chết của Hồng Kông là định mệnh khi những người có địa vị xã hội, quyền lực chính trị và giàu có không phản ứng. Thay vào đó, họ chỉ tay vào các thế hệ trẻ và đổ lỗi vì đã gây ra vấn đề. Tôi thất vọng vì nhiều người trong số họ đã không đứng lên vì công lý và nhân phẩm và thay vào đó họ sẵn sàng cho phép điều này xảy ra. Họ là lý do Hồng Kông không bao giờ có được những gì nó xứng đáng, bởi vì họ quỳ gối xuống trước bất cứ ai mang lại cho họ nhiều lợi ích nhất".
Vi phạm thoả thuận "một quốc gia, hai hệ thống"
Mặc dù Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận "một quốc gia, hai hệ thống" có hiệu lực khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997, Trung Quốc vẫn cố áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông vào tháng 9.
Theo thỏa thuận (sẽ hết hạn vào năm 2047), Vương quốc Anh giúp đảm bảo rằng Hồng Kông sẽ giữ được một mức độ tự chủ nhất định, bao gồm một hệ thống lập pháp và tư pháp riêng biệt và một số quyền tự do dân sự. Hiến pháp cơ bản của Hồng Kông được tạo ra vào thời điểm đó (được gọi là Luật cơ bản) cũng quy định rằng Hồng Kông phải thực thi Luật An ninh quốc gia, nhưng phải tự mình thực hiện nó. Bắc Kinh không có quyền đơn phương làm như vậy.
Maria, một sinh viên báo chí trong thành phố, nói : "Điều này thực sự vô lý khi có liên quan đến luật pháp mà chúng tôi không có tiếng nói nào. Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có hệ thống tư pháp và lập pháp khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng tôi đặc biệt. Quốc Hội Trung Quốc không thể đưa ra quyết định này cho chúng tôi. Đặc khu hành chính Hồng Kông và chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thực thi luật lệ tồi tệ ở Hồng Kông.
Đầu tiên là Đạo luật dẫn độ, sau đó là Đạo luật an ninh quốc gia. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với luật an ninh quốc gia, nhưng rõ ràng chính phủ đã không học được gì từ điều đó. Những quan chức dân cử phi dân chủ này đơn giản là không lắng nghe người dân của họ".
Nhưng Bắc Kinh đã không tôn trọng "một quốc gia, hai chế độ" trong nhiều năm và Đảng cộng sản Trung Quốc đã vi phạm mong muốn của họ. Điều này là do chính phủ Anh đã không hỗ trợ đúng đắn trong nhiều năm, thường là vì ưu tiên của họ luôn là quan hệ thương mại. Đặc biệt là sau Brexit.
Ví dụ vào năm 2017, Lu Kang, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng tuyên bố Trung-Anh là một "tài liệu lịch sử và không còn có ý nghĩa thực tế nào nữa". Ông tiếp tục nói : "Nước Anh không có chủ quyền đối với Hồng Kông, không có quyền lực cai trị và không có quyền giám sát".
Gần như cùng lúc, ông Vladimir Johnson, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Anh, nói rằng nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" vẫn "hoạt động tốt".
Ben Rogers, chủ tịch và người sáng lập của Hong Kong Watch, nói với Byline Times rằng đã đến lúc Vương quốc Anh cần có lập trường mạnh mẽ hơn : "Vương quốc Anh nên lên tiếng rất mạnh mẽ và rõ ràng và thiết lập một liên minh quốc tế có cùng chí hướng để làm như vậy, và để tìm ra các biện pháp pháp lý xử lý vi phạm các điều ước quốc tế thông qua Tòa án Công lý Quốc tế".
Ông nói thêm rằng ông tin mối đe dọa của luật an ninh quốc gia là "sự vi phạm nghiêm trọng" đối với "một quốc gia, hai chế độ", làm suy yếu quyền tự trị được cấp cho thành phố.
Đồng thời, truyền thông chính thức Trung Quốc bảo vệ động thái này, cho rằng đây là "cách duy nhất để đảm bảo rằng nguyên tắc" một quốc gia, hai chế độ "có thể hoạt động chính xác và Hồng Kông được hưởng quyền tự chủ cao".
Hoàn cầu thời báo, một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng sau, tuyên bố rằng Đại hội Nhân dân cần phải chịu trách nhiệm về việc ban hành luật và giúp Hồng Kông là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc.
Gia tăng mối quan tâm về sức khỏe tâm thần
Khi tranh chấp chính trị về việc ai sẽ có thể kiểm soát một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn, chính cư dân của thành phố này đang bị mắc kẹt bởi vấn đề khác.
Một nghiên cứu của Ủy ban Tổ chức Tháng Sức khỏe Tâm thần Hồng Kông cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần của những người trên 15 tuổi đã giảm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều năm, với 41% số người tham gia khảo sát nói rằng sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tranh chấp xã hội. Nhiều vụ tự tử cũng đã được cho là liên quan đến các cuộc biểu tình.
John, 23 tuổi, đang chiến đấu với bệnh trầm cảm. Anh nói với tờ New York Times rằng sự can thiệp của Bắc Kinh vào thành phố và nỗi sợ sống trong một xã hội toàn trị đã khiến anh thường xuyên có ý nghĩ tự tử.
Ông nói : "Tôi cảm thấy tuyệt vọng vì mọi thứ không thể trở lại như trước đây. Dù chúng tôi có làm gì đi nữa, tôi cảm thấy rằng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ kiểm soát Hồng Kông".
"Đó chỉ là vấn đề thời gian. Cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, tôi bắt đầu có ý nghĩ tự tử".
"Tôi, giống như nhiều người Hồng Kông, đã cố gắng tự bảo vệ mình, nhưng chính phủ đã thực hiện các chiến thuật lố bịch như thể họ muốn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Luật an ninh quốc gia này là một bước ngoặt ở Hồng Kông. Nó có thể được áp dụng rộng rãi mà không bị hạn chế gì cả.
Mọi người có thể bị bắt khi nói chính quyền là xấu, như ở Trung Quốc đại lục. Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp mạnh nhất được thực hiện bởi chính quyền. Tôi bị sốc và cảm giác tự tử vì điều đó.
"Tự do và dân chủ về cơ bản là hai điều ở một đất nước văn minh. Tôi không muốn người khác cố gắng kiểm soát nội dung bài phát biểu của tôi, thời gian nói, nơi nói và tôi làm gì. Tôi không muốn bị cô lập khỏi thế giới, trang web của chúng tôi bị chặn, văn hóa và tiếng Quảng Đông của chúng tôi đã bị xoá bỏ. Ý nghĩa của cuộc sống đó là gì ?"
Vương quốc Anh bày tỏ quan ngại
Byline Times yêu cầu Bộ Ngoại giao Anh giải thích các biện pháp cụ thể được thực hiện đối với các vi phạm có thể xảy ra đối với "Tuyên bố chung Trung-Anh" và liệu có cuộc họp nào được triệu tập để thảo luận về tình hình này với Bắc Kinh hay không.
Người phát ngôn đã cung cấp một tuyên bố chung từ Vương quốc Anh, Úc và Canada, họ chỉ công nhận rằng luật an ninh quốc gia đã vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và lưu ý rằng ba quốc gia này "quan ngại sâu sắc".
Người phát ngôn nói thêm rằng Anh Quốc đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại London và lãnh đạo của Hồng Kông. Ông không nói liệu có cuộc họp nào chính phủ Trung Quốc hay chưa.
Kể từ khi bàn giao vào năm 1997, chính phủ Anh đã ban hành một báo cáo sáu tháng về việc thực hiện tuyên bố chung. Cho đến nay, ngoại trừ giai đoạn cao điểm của cuộc biểu tình này từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 12 năm 2019, không thiếu một bản báo cáo nào. Byline Times đã hỏi Bộ Ngoại giao tại sao bản báo cáo không được xuất bản, và được cho biết rằng họ sẽ cho xuất bản "vào một thời điểm thích hợp".
Steve Shaw
Nguyên tác : ‘Without Freedom and Democracy What’s the Point in Living ?’, Bylinetimes, 08/05/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 05/06/2020
Tự do và dân chủ Hồng Kông : Thành lũy chống chế độ độc tài Trung Quốc
Chiếm trọn trang nhất báo Libération là bức hí họa Tập Cận Bình và Donald Trump, theo hướng người ngược, kẻ xuôi, mỗi người giang tay dạng chân ôm một nửa Trái đất, miệng há thật to ngoạm sâu từng miếng. Bên dưới bức hình là hàng tựa lớn "Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là cuộc chiến lớn". Quan hệ giữa hai siêu cường thế giới xuống cấp rõ rệt từ khi Donald Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, và xung đột song phương vẫn kéo dài, nhất là với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh mới của Bắc Kinh, tại khu vực Causeway Bay, Chủ Nhật 24/05/2020. © Oliver Farry
Libération số ra ngày 26/05/2020 dành cả trang nhất, bài xã luận và hồ sơ 4 trang cho quan hệ Mỹ - Trung. Trong bài viết "Mỹ và Trung Quốc : Quan hệ ngày càng tệ", Libération nhấn mạnh với các hoạt động tuyên truyền và những cáo buộc nhuốm màu thuyết âm mưu, hai nước hiện giờ coi nhau như kẻ thù. Bắc Kinh tố cáo là các lực lượng chính trị Mỹ đang đẩy hai nước đến "bờ vực chiến tranh lạnh", còn tại Washington, cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều không còn coi Trung Quốc là một đối tác "khả nghi" hay đối thủ mà là một kẻ thù cần đánh bại cả về kinh tế, công nghệ, chính trị và địa chính trị.
Trong bài xã luận "Thành lũy", Libération nhắc lại hồi năm 1997, khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, ai cũng biết Bắc Kinh sẽ không ngừng ngầm phá hoại "thành lũy chống chế độ độc tài". Sau 23 năm, Trung Quốc dường như đang tiến gần đến đích. Với đạo luật về an ninh quốc gia, Bắc Kinh đang có quyết tâm gần như tuyệt đối, nhất là khi căng thẳng với Washington đang ở đỉnh điểm và Bắc Kinh đang cần ghi điểm để chứng tỏ Trung Quốc có quyền năng tối thượng.
Đúng là hình ảnh của Trung Quốc đã bị xấu đi do cách quản lý khủng hoảng khi dịch bệnh mới nổ ra, nhưng theo Libération, Bắc Kinh có thể hy vọng sẽ tận dụng cơ hội không dễ sớm có lại được : Toàn thế giới đang phải đối phó với virus corona, nước Mỹ thì đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Bị suy yếu do thảm họa y tế mà ông quản lý kém cỏi, Donald Trump không thể để mình đi nhầm nước cờ. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến ngày bầu cử mang tính quyết định, nước Mỹ lại đang bị virus corona tàn phá, giả thuyết Washington ra tay cứu nền dân chủ Hồng Kông rất ít khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, Libération lưu ý đây là một thử thách không chỉ đối với Hồng Kông. Tinh thần chinh phục của Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết, không chỉ đơn giản là nhắm vào vùng đất nhỏ xíu mà là nhắm vào quyền tự do và nền dân chủ. Và nếu quyền tự do và dân chủ sụp đổ ở Hồng Kông thì điều này cũng có thể sẽ xảy ra ở những nơi khác.
Mỹ - Trung : Những hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới
Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ lãnh thổ tới chính trị và kinh tế. Libération điểm lại những vấn đề gây mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington, mà tờ báo chơi chữ gọi là những "hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới" : Cuộc đọ sức về Hồng Kông, cuộc chiến thương mại, Đài Loan, Biển Đông, Tổ chức Y tế Thế giới và các trại tập trung giam hãm người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm
Libération cũng giới thiệu bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Nadège Rolland, chuyên gia về chính trị và an ninh Châu Á, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu Châu Á, có trụ sở tại Seattle và Washington. Nadège Rolland nhìn lại quá trình kéo dài nhiều thập kỷ mà Trung Quốc vươn lên thành cường quốc. Nhà nghiên cứu nhận định "Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm" và việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bỏ chính sách tiến từng bước nhỏ vào năm 2017 đã đột ngột chấm dứt những thập niên mù quáng ở phương Tây.
Tại sao Bắc Kinh muốn áp đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông ?
Le Monde hôm nay cũng dành sự chú ý cho Hồng Kông, nơi người dân đang đấu tranh chống sự áp đặt của chính quyền Bắc Kinh. Le Monde đặt câu hỏi "Bắc Kinh muốn áp đặt đạo luật như thế nào ở Hồng Kông ?" và dành hai bài viết cho chủ đề Hồng Kông : "Tại sao Bắc Kinh muốn đảm bảo an ninh ở Hồng Kông ?" và "Những người phản đối đang cố huy động lại lực lượng để đối phó với chế độ chuyên chế Trung Quốc".
Ngày 28/05, Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua đạo luật nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính Hồng Kông". Đạo luật này sẽ gồm 7 điều, trong đó, theo thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Lemaitre, có 3 điều quan trọng. Điều 2 ghi rõ Trung Quốc "kiên quyết phản đối" mọi hành động can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào Hồng Kông. Điều 4 cho phép các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc được đặt cơ sở và phát triển hoạt động tại Hồng Kông. Điều 6 - điều quan trọng nhất - cho phép Bắc Kinh soạn thảo các đạo luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông và "ngăn chặn, chấm dứt, trừng trị bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, như ly khai, lật đổ chính quyền Nhà nước hoặc tổ chức, thực hiện các hoạt động khủng bố cũng như các hoạt động của nước ngoài và do nước ngoài dẫn dắt để can dự vào công việc của Hồng Kông".
Đối với Bắc Kinh, tình hình hiện nay là do chính quyền Hồng Kông chưa từng thực thi điều 23 Luật Cơ bản, tương đương Hiến pháp của đặc khu hành chính, để thông qua đạo luật cho phép chính quyền thành phố cấm "mọi hành vi phản quốc, ly khai, dụ dỗ và lật đổ". Chính quyền đặc khu đã từng nỗ lực làm điều đó hồi năm 2003 nhưng phải từ bỏ ý định do vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của dân chúng. Khi đó, Bắc Kinh cảm thấy bị người dân Hồng Kông phản bội. Và cũng kể từ đó, mọi nỗ lực cải cách chính trị lớn ở Hồng Kông đều bị "đóng băng". Điều 23 cho đến nay vẫn chưa từng được ban bố, thế nhưng người dân Hồng Kông cũng không được bầu lãnh đạo đặc khu như Hiến pháp quy định.
Vào năm 2019, các cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 9 và 16/06 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh bất ngờ. Sau đó, Bắc Kinh thay đại diện tại Hồng Kông. Việc người biểu tình đập phá và chiếm đóng trụ sở Quốc hội, phỉ báng quốc kỳ Trung Quốc trong nhiều dịp, và chiếm đóng sân bay hồi tháng 8/2019 đã nhanh chóng khiến Bắc Kinh quy cho những người biểu tình là thuộc "phe ly khai", "khủng bố" lấy cảm hứng từ phương Tây.
Bài xã luận của China Daily hôm 23-24/05 nhấn mạnh là đối với Bắc Kinh, bảo vệ an ninh quốc gia là "một trách nhiệm lập hiến của đặc khu chứ không phải một sự lựa chọn theo ý muốn". Theo chính phủ Trung Quốc, chính sự rối loạn ở Hồng Kông từ mùa hè năm 2019, chứ không phải sự đàn áp, đang gây bất ổn cho nền kinh tế đặc khu. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, phe đối lập có được sức mạnh là nhờ có được sự hỗ trợ từ phương Tây. Và theo quan điểm của Bắc Kinh, cái gọi là những giá trị phổ quát của phương Tây chỉ gây ra những xung đột và làm rối loạn thế giới.
Chế độ chuyên chế không hợp với tự do cá nhân của người Hồng Kông
Thông tín viên báo Le Monde tại Hồng Kông, Florence de Changy, nhấn mạnh đến nỗi lo sợ của người dân Hồng Kông, nhất là vì hiện giờ không ai biết hệ lụy thực sự của luật an ninh quốc gia mới sẽ là gì. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo Hồng Kông, người "hoàn toàn ủng hộ" quyết định của Bắc Kinh, phát biểu hôm 23/05 là chính bà cũng không nắm được thông tin chi tiết. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu các tòa án Hồng Kông vẫn có thẩm quyền ? Làm thế nào để đạo luật mới, dường như sẽ tiêu diệt quyền tự do, có thể cùng tồn tại với luật hiện hành ở Hồng Kông và bảo đảm các quyền tự do cá nhân được ghi trong Hiến pháp Hồng Kông ? Biểu lộ sự phản đối đối với chính phủ có bị coi là một hành động lật đổ hay không ?
Trong bối cảnh đó, thông tín viên báo Le Monde ghi nhận nhiều thanh niên Hồng Kông rất quyết tâm để Hồng Kông được độc lập. Nhiều người hô hào "Hãy kháng cự", "Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng" hay hô khẩu hiệu trấn an "Họ không thể giết hết chúng ta !" và khẳng định "Độc lập của Hồng Kông là lối thoát duy nhất". Đối với giới trẻ, tính chuyên chế của chính quyền Bắc Kinh không thích hợp với tự do cá nhân của người dân Hồng Kông.
Du lịch : Đại dịch làm lu mờ ngôi sao Booking.com
Covid-19 đã làm điêu đứng ngành du lịch, Booking.com, công ty hàng đầu thế giới về đặt phòng du lịch, với doanh thu hàng năm khoảng 10 tỉ euro và lợi nhuận gần 3,5 tỉ euro, cũng không phải một ngoại lệ.
Trong bài viết "Đại dịch làm lu mờ ngôi sao Booking.com", Le Monde cho biết Booking.com từng tự hào là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong lĩnh vực du lịch chưa từng phải sa thải nhân sự hàng loạt, nhưng nay tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở tại Hà Lan, đã tính tới khả năng sa thải nhân viên do hoạt động trong những tháng qua giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2019 vì dịch bệnh Covid-19.
Le Monde nhận định đây là một cú sốc với các nhân viên của hãng, vốn rất tự hào về phong cách quản lý và chế độ đãi ngộ của Booking.com. Công ty cũng đã phải cầu cứu chính quyền Hà Lan để có tiền trả lương nhân viên. Các nhà tranh đấu thuộc các hội đoàn ở Hà Lan đang tự hỏi tại sao một công ty có lợi nhuận cao như vậy lại có thể xin trợ cấp của chính phủ. Hiện giờ vẫn chưa rõ chính phủ Hà Lan hỗ trợ cho tập đoàn này bao nhiêu tiền, nhưng Le Monde cho biết Booking đang bị chỉ trích là "vô đạo đức, ăn bám" vì hành động nói trên. Ở Liên Hiệp Châu Âu, tập đoàn này từng được biết đến là rất biết cách lách thuế và các quy định về cạnh tranh.
Trang nhất các báo Pháp
Phát hành từ chiều hôm trước, trên trang nhất báo Le Monde quan tâm đến thời sự Pháp và chạy tựa "Tuần lễ quyết định của chính phủ để chấm dứt phong tỏa". Theo dự kiến, tuần này chính phủ Pháp phải công bố bản tổng kết đầu tiên về giai đoạn đầu dỡ bỏ phong tỏa, trước khi bước vào giai đoạn 2 từ ngày 02/06. Le Monde gọi đây là "một thử thách về sự thật" dành cho cơ quan hành pháp.
Báo La Croix cũng nói đến những khó khăn của giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp trong những ngày này khi họ đang phải đưa ra những quyết định sống còn trong bối cảnh bất định chưa từng có và liên tưởng tới việc "Lãnh đạo ở miền đất lạ".
Trong bài xã luận "Dự báo thế nào, lựa chọn ra sao ?", La Croix nhắc tới hai phát ngôn nổi tiếng : "Lãnh đạo là dự báo" và "Lãnh đạo là đưa ra lựa chọn, mà lựa chọn thì rất khó". Nhưng theo La Croix, cả hai câu nói trên đều không có ích cho tổng thống và thủ tướng Pháp vì trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế là phải dự báo, rồi mới lựa chọn. Mà vào thời điểm này, đó là điều bấp bênh chưa từng có.
Cũng giống như Le Monde và La Croix, báo Le Figaro tập trung vào nước Pháp với hàng tựa : "Phá sản, kế hoạch xã hội… Cú sốc mà Pháp rất sợ". Nhiều công ty sẽ không thể tiếp tục trụ lại được nữa khi chính phủ rút các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Người lao động lo ngại các công ty sẽ sa thải ồ ạt nhân viên. Về thương mại, Les Echos nói tới khủng hoảng thừa. Dịch bệnh khiến mức tiêu dùng giảm và ngành dệt may đang phải trả giá.
Thùy Dương