Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyến nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017. Screenshot of CNA
Chiếc tàu cá Đài Loan chở 46 người, trong đó 40 là người Việt Nam, 6 người kia là chủ tàu và thủy thủ, bị tuần duyên bản xứ phát hiện và bắt giữ tối ngày 6 tháng một tại vùng biển Nghi Lan gần một cảng cá lớn của Đài Loan.
Qua Đài Loan để làm gì ?
Nhà chức trách Đài Loan công bố tin tức và hình ảnh những người Việt nhập cư Đài Loan trái phép bằng đường biển trong một cuộc họp báo. Thông tin được trình chiếu lại trên hệ thống truyền hình Đài Loan.
Một công nhân Việt Nam ở Đài Trung, yêu cầu được giấu tên, cho đài Á Châu Tự Do biết trong số những người Việt bị bắt có người nhà và người quen của cô :
Tại vì hôm đấy em xem video thì em nhận ra được chị của em với một anh bạn đi cùng với chị của em ở trong video đấy, em biết là chuyến tàu đã bị bắt. Người ta nói là bắt ở Yilan, đi 40 người mà mỗi người hết 6.000 Đô, bây giờ mất hết mà người cũng không biết ở đâu. Em không biết làm thế nào mà em rất sợ, không biết chị em bây giờ đang ở đâu.
Bạn em bảo bây giờ nên gọi cho cha, cha tên là cha Hùng, thì may ra cha giúp chứ em ở đây cũng chẳng biết ai mà cũng chẳng nhờ được ai. Em chỉ mong chị em bình an và về lại quê thôi.
Người mà chị công nhân vừa nói tới, linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc văn phòng trợ giúp pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt đến Đài Loan, nói rằng đây không phải lần đầu tiên chuyện người Việt vượt biển đến Đài Loan xảy ra, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có một lúc 40 người bị bắt như vậy :
Đây là sự tiếp nối việc nhập cảnh lậu của người Việt Nam đến Đài Loan bằng thuyền. Chuyện như vậy thỉnh thoảng xảy ra nhưng không phải một lần 40 người như lần này. Tôi nghĩ lần này là lần người nhập cư bất hợp pháp bị bắt nhiều nhất.
Khoảng thời gian trước thì người Việt Nam, có người làm nghề đánh cá, một số không phài người đánh cá, họ mua tàu đến Đài Loan xong rồi bỏ tàu nhảy xuống biển và họ bơi vô. Nhưng lần này họ có thuyền của người Đài Loan đưa từ Trung Quốc qua. Khi tàu này còn cách Yilan chừng 9 hải lý thì bị tuần duyên Đài Loan phát hiện, họ bí bắt và đưa ra cuộc họp báo. Tôi được biết một người từ Việt Nam đi theo dạng này phải trả khoảng 6.000 Đô Mỹ, Đi như vậy thì không được bảo đảm sẽ đi đến nơi hoặc trong trường hợp bị trả về thì được hoàn trả lại tiền.
Vẫn theo lời linh mục Nguyễn Văn Hùng, nếu nhập cảnh lậu mà không bị bắt đi nữa thì những người Việt này vẫn là những lao động bất hợp pháp rất vất vả ở Đài Loan :
Những người này sẽ lên các vùng núi, làm việc trong các nông trại của người Đài Loan, đó là những gì mà tôi biết.
Được hỏi nhà chức trách nước sở tại sẽ xử lý như thế nào đối với 40 người nhập cảnh lậu bị bắt tuần trước, linh mục Nguyễn Văn Hùng nói theo chỗ ông biết thì :
Thông thường bên cơ quan thi hành luật pháp họ chuyển cái án này lên tòa án. Trong thời gian điều tra thì không ai được tiếp xúc trừ khi những người này có luật sư vào thăm. Sau khi họ ra tòa một lần, xử án xong thì người ta đưa những người này đến các trại giam dành cho người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi ở các trại giam thì những người này phải tự lo kiếm tiền mua vé máy bay để về nước.
Trước kia văn phòng cũng có đi thăm viếng những trường hợp như thế này. Cho những người không có thân nhân ở Đài Loan thì văn phòng cũng giúp cho họ tiền máy bay để họ có thể trở về Việt Nam.
Những người bị bắt ở Nghi Lan đã khai như thế nào được chị công nhân giấu tên kể lại như sau :
Họ hỏi là tại sao đến Đài Loan, sang bên này hết bao nhiêu tiền thì người bạn của chị em nói là đi từ Việt Nam sang Trung Quốc đóng 1.500, xong đi từ Trung Quốc sang Đài Loan là đóng 4.500, tất cả là 6.000 (Đô La).
Em cũng đã khuyên chị em là đừng có đi bởi vì sợ người ta lừa, nhưng chị nói là những bạn của chị ở quê vừa rồi cũng đi nhiều lắm mà sang đến bên này cứ gọi điện cho chị nói là sang đi không sao đâu. Chị em ở Vĩnh Phúc còn anh kia thì ở Hà Tĩnh, hầu như chúng em tuyền ở vùng quê thôi, phần đa là người miền Bắc với miền Trung nhiều.
Vì sao họ phải ra đi ?
Lao động Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa hôm 10 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Nghèo, không tiền, không việc làm là lý do những người ra đi viện tới để biện minh cho hành động vượt biên của họ :
Bởi vì ở quê bọn em làm ăn khó khăn lắm, kiếm được đồng tiền rất chi là cực khổ, làm ruộng chẳng được bao nhiêu, chẳng có đủ ăn nữa.
Thực ra sang đây cũng khổ lắm, tuyền đi theo người ta, đàn ông đi xây nhà, mình đi phụ vữa với lại dọn dẹp trong công trình người ta xây nhà. Cực khổ lắm nhưng một tháng người ta cũng trả cho được khoảng độ 1.000 Đô, suông sẻ thì làm cũng nhanh hơn ở quê, gởi về Việt Nam thì được nhiều hơn.
Vài năm trở lại đây có những người trong nước, không chỉ vượt biển qua Đài Loan mà còn đi xa hơn, tới tận Australia hay New Zealand. Điển hình là vụ vượt biên gồm 21 người đi từ cảng Long Hải, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, hồi tháng Năm 2016, bị tàu hải quân Australia bắt trả về Việt Nam.
Theo giới thẩm quyền Australia thì Việt Nam cam kết không trừng phạt và bỏ tù những người bị trả về mà sẽ tạo điều kiện công ăn việc làm đồng thời cho con cái họ đi học bình thường.
Thế nhưng hôm 13 tháng Mười Hai 2016, tòa án Bà Rịa Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo can tội dùng thuyền đưa 21 người vượt biển đến New Zealand nhưng bị cơ quan chức năng Australia bắt trả về Việt Nam.
Kết quả người tên Nguyễn Giao Thông bị 3 năm 6 tháng tù giam, người thứ hai tên Nguyễn Tuấn Kiệt 30 tháng tù giam. Hai bị can còn lại mỗi người 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Trước đó, tháng Năm 2016, tòa án La Ghi tỉnh Bình Thuận mở phiên xét xử vụ 46 người, trong đó có trẻ em mà cháu nhỏ nhất là 4 tuổi, dùng thuyền vượt biển đến Australia hồi tháng Bảy năm 2015. Tàu của họ bị hải quân Úc chận bắt và sau đó gởi trả về về Việt Nam. Khi đó Australia cũng được Việt Nam hứa sẽ không trả thù. Sau đó tòa Bình Thuận tuyên phạt án tù đối với nhóm 4 người tổ chức vụ vượt biên này.
Luật sư Võ An Đôn, nhận bào chữa cho cả hai vụ án vừa kể, nói rằng những người vượt biên trình bày chỉ muốn một cuộc sống tốt hơn cho họ và con cái của họ.
Trở lại vụ 40 người Việt nhập cảnh lậu Đài Loan, đã bị bắt giữ hôm thứ Sáu ngày 6, chị công nhân giấu tên ở Đài Trung có người thân trong số những người bị bắt, bày tỏ :
Em khuyên mọi người đừng có bao giờ đi như vậy nữa, rất nguy hiểm. Ở quê chị em đã bị môi giới lừa mất bốn năm nghìn đô rồi, sang đây bây giờ lại năm sáu nghìn đô nữa.
Sang đây bất hợp pháp, ốm đau cũng chẳng được khám, rất nhiều người bõ mang bên này, sợ ơi là sợ.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng cũng cho hay đang theo dõi trình tự pháp lý của vụ việc để có thể giúp đỡ hỗ trợ phần nào cho nhóm 40 người bi bắt mới nhất này ở Đài Loan.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Báo Trung Quốc : Bắc Kinh sẽ ‘trả đũa’ nếu ông Trump không tôn trọng chính sách một Trung Quốc (VOA, 09/01/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên đường thăm các nước Nam Mỹ
Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng Bắc Kinh sẽ "trả đũa" nếu ông không tôn trọng chính sách một Trung Quốc. Lời cảnh báo được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc dừng chân gây tranh cãi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở Houston, Mỹ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã gặp gỡ các nhà lập pháp cấp cao của đảng Cộng hòa Mỹ trong chặng dừng ở thành phố Houston hôm Chủ nhật trong chuyến đi tới Trung Mỹ, nơi bà sẽ đến thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador. Bà Thái cũng sẽ dừng chân ở San Francisco, Mỹ, vào ngày 13 tháng 1 khi quay trở về Đài Loan.
Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ không cho phép bà Thái nhập cảnh hoặc có các cuộc gặp chính thức ở cấp độ quốc gia, theo chính sách một Trung Quốc.
Bắc Kinh lâu nay xem Đài Loan là một tỉnh phản loạn của Trung Quốc và Ðài Loan không đủ tiêu chuẩn để thiết lập quan hệ nhà nước với nhà nước. Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Một bức ảnh đăng trên trang Tweeter của Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho thấy trong cuộc họp của ông với bà Thái có cờ Mỹ, cờ của bang Texas và cờ của Đài Loan trên bàn họp. Hôm thứ Hai, văn phòng của bà Thái cho biết bà cũng đã nói chuyện điện thoại với Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người đứng đầu Ủy ban Thượng viện đầy quyền lực phụ trách về vấn đề vũ trang. Bà Thái cũng đã gặp gỡ Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas.
Bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/1 khuyến cáo :
"Việc tôn trọng nguyên tắc (một Trung Quốc) không phải là một yêu cầu bất thường của Trung Quốc đối với các tổng thống Mỹ, nhưng nghĩa vụ của các tổng thống Mỹ là duy trì mối quan hệ Mỹ - Trung và tôn trọng trật tự hiện hữu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Tờ báo Trung Quốc cảnh báo thêm rằng "Nếu ông Trump từ bỏ chính sách một Trung Quốc sau khi nhậm chức, người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chính phủ trả đũa. Không có sự thương lượng".
Hồi tháng trước, Bắc Kinh đã giận dữ phản đối ông Trump về việc nhận cuộc gọi điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn và đặt nghi vấn về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan điểm của Bắc Kinh là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
********************
Tổng thống Đài Loan gặp chính khách Mỹ, Trung Quốc giận dữ (RFI, 09/01/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tại phi trường Taoyuan ngày 7/01/2017, khi lên đương công du Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ.
Bắc Kinh hôm nay, 09/01/2016 đã lên tiếng "kiên quyết phản đối" cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz tại Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) hôm 08/01 vừa qua. Cuộc gặp được tổ chức nhân dịp tổng thống Đài Loan quá cảnh nước Mỹ trên đường công du một số quốc gia Châu Mỹ La Tinh. Trung Quốc cũng bật đèn xanh cho báo chí đe dọa "trả thù" Washington và Đài Bắc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng xác định : "Chúng tôi cực lực phản đối lãnh đạo Đài Loan viện cớ quá cảnh để tiếp xúc với các quan chức Mỹ, và âm mưu phá hoại quan hệ Trung-Mỹ". Phát ngôn viên này đồng thời kêu gọi Mỹ tuân thủ chính sách một nước Trung Hoa và "thận trọng xử lý" các vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Trước đó, trong một bản thông cáo, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã bị thua ông Donald Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, cho biết là ông đã gặp bà Thái Anh Văn ở thành phố Houston vào cuối tuần qua, và hai bên đã thảo luận về các thương vụ vũ khí, trao đổi ngoại giao và quan hệ kinh tế.
Thượng nghị sĩ bang Texas còn tiết lộ việc Bắc Kinh gây sức ép đối với ông để không tiếp xúc với nữ tổng thống Đài Loan. Trên vấn đề này, ông Ted Cruz nói thẳng : "Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cần phải hiểu rằng ở Mỹ, chính chúng tôi là người tự quyết định về việc đón tiếp và gặp gỡ khách của mình".
Ông nói tiếp : "Người Trung Quốc đâu có cho Mỹ quyền phủ quyết đối với những người mà họ gặp. Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp bất cứ ai, kể cả người Đài Loan, nếu như chúng tôi thấy phù hợp".
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh Houston hôm 08/01 trên đường đi thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador, các nước vùng Châu Mỹ La Tinh đã công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập. Ngay trước lúc lãnh đạo Đài Loan lên đường, Bắc Kinh đã liên tiếp đòi Mỹ phải cấm cửa, không cho lãnh đạo Đài Loan quá cảnh, điều đã bị Hoa Kỳ bác bỏ.
Dĩ nhiên là ngoài việc lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho báo chí đả kích Mỹ và Đài Loan.
Theo hãng tin Pháp AFP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã lên tiếng dọa Mỹ rằng Bắc Kinh đã "chuẩn bị đầy đủ" cho việc phá vỡ quan hệ với Hoa Kỳ, nếu ông Trump từ bỏ chính sách một nước Trung Hoa.
Không chỉ nhắm vào Mỹ, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn đe dọa rằng Hoa Lục có thể có những động thái gây áp lực quân sự lên Đài Loan, và sẽ "giáng một đòn mạnh" vào kinh tế Đài Loan.
Sau khi kết thúc vòng công du Châu Mỹ La Tinh, nữ tổng thống Đài Loan trên đường về sẽ lại quá cảnh Hoa Kỳ ngày 13/01), nhưng tại San Francisco.
Trọng Nghĩa
*************************
Trung Quốc cảnh cáo ông Trump sau khi Mỹ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh (RFA, 09/01/2017)
Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn trước khi khởi hành công du các nước Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại sân bay Taoyuan, Đài Loan hôm 7/1/2017. AFP photo
Bài bình luận mới nhất đăng tải trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản tại Bắc Kinh cảnh báo Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump phải tôn trọng chính sách chỉ có một nước Trung Hoa, dọa sẽ có biện pháp trả đũa nếu ông Trump không làm điều này.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan quá cảnh ở Houston, Texas hôm thứ Bảy vừa rồi, nhân chuyến công du các nước Trung Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Bài bình luận có đoạn viết, và chúng tôi xin được trích nguyên văn như sau : "Nếu sau ngày lên nắm quyền ông Trump không giữ đúng cam kết về chính sách chỉ có một nước Trung Hoa, người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chính phủ phải trả thù, không có chỗ cho sự mặc cả", nhắc lại "trách nhiệm của các Tổng Thống Mỹ là phải duy trì mối quan hệ Mỹ- trung và trật tự hiện tại của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".
Mặc dù ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức, nhưng quan hệ giữa ông với Trung Quốc đang ở giai doạn khó khăn, sau khi ông lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh cố ý trục lợi khi đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ, ngoài ra ông còn nhận điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn, cũng như tỏ ý cho thấy sẵn sàng gặp bà Tổng Thống Đài Loan sau ngày ông nhậm chức.
Hôm nay trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nói đến điều này, cho rằng ông Trump và tân chính phủ Mỹ phải thật thận trọng, không nên để chuyện Đài Loan gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Tại Houston, bà Thái Anh Văn đã gặp Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mỹ Ted Cruz và Thống Đốc bang Texas là ông Greg Abbott. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối những cuộc gặp này, nhưng theo lời Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, Trung Quốc không có quyền cấm các quan chức Mỹ gặp gỡ với bất kỳ ai, kể cả gặp với các quan chức Đài Loan.
40 người Việt Nam bị bắt vì vượt biên vào Đài Loan (RFA, 07/01/2017)
Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyến nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017. Screenshot of CNA
40 thuyền nhân Việt Nam cùng với 6 thủy thủ người nước ngoài đã bị chận bắt ngoài khơi bờ biển Nghi Lan tối thứ Sáu 6/1/2017, lực lượng biên phòng Đài Loan cho biết tin này hôm nay.
Thông tấn xã trung ương Đài Loan CNA trích dẫn giới chức biên phòng nước này cho biết, 40 di dân bất hợp pháp từ Việt Nam, gồm 25 nam và 15 nữ, đã được phát hiện trong hầm chiếc tàu đánh cá Đài Loan chỉ cao có 1,2m.
6 người còn lại là thủy thủ của chiếc tàu cá.
Chiếc tàu cá bị chận bắt khi còn cách bờ biển thành phố Nghi Lan phía đông bắc Đài Loan, khoảng 9,2 hải lý ; sau khi biên phòng Đài Loan nhận được tin báo về chiếc thuyền chở di dân lậu.
Cơ quan Biên phòng Đài Loan cho biết, theo lời khai của những thuyền nhân Việt Nam này, để vượt biên đến Đài Loan, họ đã tìm cách sang Trung Quốc bằng đường bộ. Sau đó họ thuê thuyền đánh cá chở sang Đài Loan.
Các thuyền nhân này cũng khai rằng họ phải trả từ 4.000 đôla đến 6.500 đôla mỗi người để được chở sang Đài Loan. Và mỗi chuyến vượt biển như vậy thường kéo dài 4 ngày.
Theo cơ quan biên phòng Đài Loan, đây là vụ bắt giữ thuyền nhân Việt Nam với số lượng lớn nhất từ trước tới nay.
Hiện tất cả 40 thuyền nhân Việt Nam và 6 thủy thủ bị bắt đã được chuyển sang cơ quan công tố Đài Loan để điều tra.
******************
Đài Loan bắt 40 người Việt định vượt biên trái phép (BBC tiếng Việt, 09/01/2017)
Nhà chức trách bắt một tàu đánh cá với 40 người Việt ở trên đang tìm cách vào Đài Loan bất hợp pháp - Ảnh minh họa - AFP/GETTY IMAGES
Báo chí Đài Loan cho hay nhà chức trách bắt một tàu đánh cá với 40 người Việt ở trên đang tìm cách vào Đài Loan bất hợp pháp.
Sự việc xảy ra đêm 6/1 ở ngoài khơi Nghi Lan, theo báo Taipei Times.
Trên chiếc tàu cá Wun Shun Man số 66 bị bắt hôm 6/1 có tất cả 46 người - 25 đàn ông và 15 phụ nữ Việt Nam, cộng với thuyền trưởng và 5 thuyền viên.
40 người chen chúc trong hầm tàu cao có 1m2.
Theo cơ quan tuần duyên Đài Loan, chiếc tàu này đăng ký ở Cao Hùng, bị bắt cách bờ biển Nghi Lan 17km sau khi giới chức được thông báo về các thuyền nhân bất hợp pháp.
Phó chỉ huy cơ quan tuần duyên phía Bắc Thẩm Đại Vĩ nói với báo chí rằng thuyền trưởng họ là Trần cùng hai thuyền viên người Đài Loan và ba thuyền viên người Indonesia đã bị bắt để điều tra về vi phạm Luật Nhập cư.
Ông Thẩm cũng nói những người này từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi lên tàu cá Đài Loan và đã lênh đênh trên biển bốn ngày.
Họ phải trả từ 4.000 tới 6.500 USD mỗi người để vượt biên tới Đài Loan.
Theo ông Thẩm Đại Vĩ, nhiều người Việt hay tìm đường vào Đài Loan bằng cách góp tiền mua thuyền ở Trung Quốc, sau đó khi đã tới Đài Loan họ bỏ lại thuyền ngoài biển.
Đây là con số thuyền nhân bị bắt nhiều nhất ở Đài Loan trong một đợt từ trước tới nay.
Tháng trước, Việt Nam trao bốn nghi phạm trộm cước viễn thông mang quốc tịch Đài Loan cho Trung Quốc, khiến Đài Bắc phản đối.
Ông Trump đã phát tín hiệu rõ ràng, đây là lúc Đài Loan cần thể hiện sự phối hợp, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
The Straits Times ngày 3/1 dẫn nguồn hãng Reuters cho hay, cụm tàu sân bay Liêu Ninh đã tập trận ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc công bố tin này chỉ vài ngày sau khi Đài Loan báo động sẵn sàng chiến đấu, khi phát hiện cụm tàu sân bay Liêu Ninh vòng qua Đài Loan tiến vào Biển Đông.
Tài khoản mạng xã hội của tờ Hải quân Trung Quốc cuối ngày 2/1 loan tin, chiến đấu cơ J-15 đã thực hiện các bài tập trong điều kiện phức tạp trong ngày 2/1. Cụm tàu sân bay cũng tổ chức diễn tập tác chiến trực thăng, nhưng không công bố vị trí chính xác [1].
Nhật - Đài cùng cứng rắn ở Biển Đông
Trong một động thái có liên quan, Forbes ngày 2/1 đánh giá, căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông với những thông điệp thẳng thừng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, từ Đài Loan và Nhật Bản.
Chiến đấu cơ J-15 tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, ảnh : Forbes.
Tuần trước, Đài Loan đã báo động sẵn sàng chiến đấu các lực lượng vũ trang, sẵn sàng chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh khi cụm tàu sân bay Liêu Ninh vòng qua hòn đảo này tiến vào Biển Đông.
Feng Shih-kuan, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Đài Loan nói với Thông tấn xã Đài Loan thứ Ba tuần trước, ngày 27/12/2016 rằng, mối đe dọa từ kẻ địch đang ngày càng mở rộng. Ông ra lệnh cho quân đội đẩy mạnh các hoạt động diễn tập :
"Chúng ta phải luôn luôn duy trì (trạng thái) sẵn sàng chiến đấu". Ông Feng Shih-kuan kêu gọi tất cả các tướng lĩnh cấp cao Đài Loan phải "sẵn sàng đánh bại kẻ thù".
Trong khi đó Nhật Bản cũng gửi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh bằng cách đổi tên cơ quan đại diện nước này tại Đài Loan, từ Hiệp hội Trao đổi thành Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Đài Loan.
Điều đó có nghĩa là Tokyo đang tiến thêm một bước gần hơn trong việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, điều có thể khiến Bắc Kinh sẽ phản ứng gay gắt.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về động thái này :
"Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào để tạo ra "hai Trung Quốc" hay "một Trung Quốc, một Đài Loan", đồng thời bày tỏ sự bất mãn sâu sắc với động thái tiêu cực này của Nhật Bản".
Thông điệp của Nhật Bản về vấn đề Đài Loan được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch (quân sự hóa) ở Biển Đông.
Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã nói với Nhật Bản hãy "tránh xa Biển Đông của Trung Quốc". Gần đây nhất, hôm Chủ Nhật vừa qua Trung Quốc đã điều 3 tàu cảnh sát biển tiến vào vùng biển quanh nhóm đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát.
Trước đó, tháng 6 năm ngoái Trung Quốc cũng đe Nhật Bản rằng : không được điều Lực lượng Phòng vệ tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải cùng hải quân Mỹ ở Biển Đông, theo The Japan Times.
Tuy nhiên Nhật Bản đã thách thức những lời đe dọa của Trung Quốc, vừa tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ ơ Biển Đông, vừa "sẵn sàng công nhận Đài Loan độc lập" [2].
Đài Loan là nước cờ chiến lược mới của Mỹ
Người viết cho rằng, phân tích của Forbes là có cơ sở, nhưng đó là biểu hiện bên ngoài.
Việc Đài Loan và Nhật Bản tỏ rõ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ có thể xảy ra khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã phát đi thông điệp trước đó qua cuộc điện đàm với Tiến sĩ Thái Anh Văn và những phát biểu thoạt nghe có vẻ "tưng tửng" của ông trên Twitter.
Trong trường hợp này, hoặc là Donald Trump và đội ngũ tham mưu của ông đang làm nhạc trưởng và 2 đồng minh Đông Bắc Á đang phối hợp nhịp nhàng trên bàn cờ chiến lược Biển Đông ;
Hoặc là chính quyền của Tiến sĩ Thái Anh Văn và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhận diện được thông điệp của tân chủ nhân Nhà Trắng và chủ động có những nước cờ phối hợp.
Trong hai khả năng này, người viết thiết nghĩ phương án thứ hai có sức nặng nhiều hơn.
Bởi lẽ chính quyền của Tiến sĩ Thái Anh Văn đang phải chịu sức ép rất lớn từ bên kia eo biển Đài Loan cả về kinh tế, thương mại lẫn quân sự và không gian đối ngoại.
Điều này buộc bà Thái Anh Văn và đội ngũ tham mưu phải tìm hướng đi đột phá, nếu không chỉ còn cách quay lại con đường Quốc Dân đảng đang đi.
Ông Trump đã phát tín hiệu rõ ràng, đây là lúc Đài Loan cần thể hiện sự phối hợp, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
Điều này một mặt giúp "phân tán hỏa lực" từ bên kia eo biển chĩa vào mình, một mặt giúp Tiến sĩ Thái Anh Văn chủ động tham gia cuộc chơi, không để 2 siêu cường biến mình thành con tốt để đổi chác các lợi ích địa chiến lược.
Còn với Thủ tướng Shinzo Abe, việc ông chủ động ghé qua New York chào hỏi Donald Trump trước khi đi Peru dự hội nghị thượng đỉnh APEC cho thấy liên minh Mỹ - Nhật quan trọng như thế nào đối với an ninh của Nhật Bản.
Trump điện đàm với Tiến sĩ Thái Anh Văn và bỏ ngỏ khả năng gặp bà trong thời gian tới là một tín hiệu đặc biệt. Tokyo thay đổi tên gọi cơ quan đại diện ở Đài Bắc là một sự hiệu chỉnh chiến lược sau khi có tín hiệu đặc biệt ấy.
Tất nhiên, những diễn biến mới này mới dừng ở bước thăm dò thái độ của các bên, chưa có gì đảm bảo đó là một sự thay đổi bước ngoặt : tiến gần hơn đến việc công nhận Đài Loan độc lập như nhận định của Forbes.
Bởi lẽ nếu xảy ra điều này, an ninh Đông Á có thể rơi vào một vòng xoáy nguy hiểm không lối thoát.
Mỹ - Nhật - Đài có nhiều cách để củng cố liên minh dựa trên những nền tảng pháp lý sẵn có, không nhất thiết phải công khai công nhận Đài Loan độc lập.
Dựa trên những phản ứng của Trung Quốc, bộ ba này sẽ có những tính toán và hành động, phản ứng phù hợp trong thời gian tới, nhưng các phương án "bất ngờ", "liều lĩnh" hay "manh động" sẽ khó xảy ra.
Hồng Thủy
Nguồn : GDVN, 03/01/2017
Tài liệu tham khảo :
[1]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/china-navy-confirms-carrier-conducted-drills-in-south-china-sea
[2]http ://www.forbes.com/sites/panosmourdoukoutas/2017/01/02/south-china-sea-japan-and-taiwan-send-their-own-strong-messages-to-beijing/#5d5c32ac116b
************************
Nhật – Đài bắt tay đối phó với đe dọa Trung Quốc (RFI, 03/01/2017)
Cơ quan đại diện Nhật Bản tại Đài Loan khai trương tên gọi mới "Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản-Đài Loan" ngày 03/01/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Cục diện địa chính trị Đông Á đối diện với những diễn biến khó đoán định trong năm 2017, trong đó quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan là một dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh tổng thống tương lai Hoa Kỳ có xu hướng tập trung chủ yếu cho quyền lợi của nước Mỹ, giảm bớt sự ủng hộ dành cho các đồng minh Đông Á, tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Đài Loan và Nhật Bản, kể cả về quân sự, ngày càng trở nên một nhu cầu chiến lược của hai quốc gia láng giềng, để sẵn sàng kháng cự trước các tham vọng và thậm chí hành động gây hấn của Bắc Kinh.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai bên thông qua việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện không chính thức tại Đài Loan là một diễn biến nổi bật. Hôm nay, ngày mùng 3 tháng Giêng 2017, cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Đài Loan chính thức khai trương tên gọi mới "Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản-Đài Loan", thay cho tên gọi cũ "Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản".
Theo một số nhà quan sát, đây là một bước đi cho thấy, Tokyo đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc công nhận Đài Loan, trong trường hợp cần thiết (trang Forbes). Cũng trong hướng thay đổi này, trong chính giới Đài Loan cũng có nhiều ý kiến đề nghị đổi tên cơ quan đại diện của Đài Bắc tại Nhật Bản thành "Hiệp Hội Trao Đổi Đài-Nhật".
Theo các số liệu chính thức, quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Nhật Bản là rất quan trọng đối với cả hai bên. Nhật Bản là đối tác kinh tế thứ ba của Đài Loan (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), trong khi Đài Loan là đối tác thứ tư của Nhật (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông). Thương mại song phương năm 2015 đạt tổng trị giá 57 tỉ đô la.
Báo Đài Loan The China Post cho biết tên gọi cũ "Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản" đầy tính mơ hồ, không phản ánh quan hệ thực sự của cơ quan đại diện không chính thức. Việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện này được nhìn nhận như là một hành động trả đũa lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cô lập đảo quốc "ly khai" hơn nữa về ngoại giao, với việc lôi kéo thêm một vài trong số hai chục quốc gia nhỏ bé còn duy trì quan hệ chính thức với Đài Bắc.
Trên thực tế, nhu cầu tăng cường hợp tác Đài-Nhật không chỉ là về mặt kinh tế và văn hóa. Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự tại vùng Biển Hoa Đông và đặc biệt là Biển Đông đang dẫn đến sự đảo lộn thế cân bằng chiến lược chính trị và quân sự hiện nay, đặc biệt nếu như Hoa Kỳ giảm bớt các hợp tác trong vùng.
Stratfor, trang mạng phân tích thông tin tư nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 28/12/2016, có bài "Nói tóm lại, Đài Loan đã tìm được một đồng minh", nhận xét : Trong bối cảnh ngày càng bất trắc này, cùng với Philippines, "Đài Loan trở thành trung tâm trong chiến lược an ninh khu vực của Nhật Bản". Chiến lược hợp tác an ninh - quân sự của Nhật Bản với Đài Loan và một số quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, và Singapore, cho phép ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Mà để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, bảo vệ nền độc lập trên thực tế của Đài Loan trước đe dọa tấn công của Trung Quốc là một điều thiết yếu.
Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Mỹ với tổng thống Đài Loan, đầu tháng 12/2016, phá vỡ thỏa thuận ngầm bốn thập niên giữa Washington và Bắc Kinh, về nguyên tắc một nước Trung Hoa, đang khiến bộ Quốc Phòng Trung Quốc sôi sục. Một giới chức cao cấp của quân đội đe dọa Trung Quốc sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận sát Đài Loan trong thời gian tới, để chứng tỏ khả năng sẵn sàng tấn công hòn đảo, nếu cần.
Trong đảng cầm quyền Nhật Bản, bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Đài Loan. Theo Kyodo, hồi giữa tháng 12/2016, một dân biểu đảng Tự Do Dân Chủ cầm quyền, ông Keisuke Suzuki, nhấn mạnh "sự tồn tại của một nước Đài Loan tự do là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản (…). Việc Đài Loan chịu áp lực quá mạnh từ Hoa Lục cũng là vấn đề an ninh của chính nước Nhật". Dân biểu nói trên đề nghị Tokyo ưu tiên hỗ trợ Đài Loan tự chế tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Theo dự kiến, chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên của Đài Loan sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2025, và loạt máy bay tiêm kích đầu tiên sẽ là vào năm 2023.
Trọng Thành