Trung Quốc : Chiếm Đài Loan vào giữa thập niên 2020 ? Không dễ ! (RFI, 20/10/2017)
Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa rằng mọi ý hướng ly khai để đòi độc lập cho Đài Loan đều sẽ bị đánh bại. Tuyên bố này nêu bật lập trường trước sau như một của Bắc Kinh là sát nhập Đài Loan, kể cả bằng võ lực nếu cần. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Easton, thuộc cơ quan nghiên cứu mang tên Viện Dự Án 2049 – Project 2049 Institute - thì Bắc Kinh đã có kế hoạch xâm lược Đài Loan ngay vào giữa thập niên 2020. Kế hoạch là như thế, nhưng theo chuyên gia này, thực hiện không phải dễ.
Đài Bắc, ngày Quốc khánh 10/10/2017. Reuters/Tyrone Siu
Trên báo mạng Digital Journal ngày 15/10/2017, biên tập viên Paul Wallis, đã phân tích nội dung quyển biên khảo của Ian Easton, mang tựa đề "Mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược - The Chinese Invasion Threat", theo đó Bắc Kinh đã vạch kế hoạch xâm chiếm Đài Loan vào khoảng giữa những năm 2020. Washington, có vẻ tin vào tính xác thực của các kế hoạch đó.
Ian Easton đã dựa trên những thông tin được rò rỉ, cũng như tiết lộ của những người trong cuộc về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc để kết luận rằng thông tin về kế hoạch xâm lược Đài Loan đáng tin vì ba lý do :
1. Trung Quốc luôn muốn thống nhất với Đài Loan từ khi cuộc nội chiến Trung Hoa kết thúc năm 1949
2. Trong lúc đó thì về phía Đài Loan, với hướng chuyển qua một thể chế dân chủ đang tồn tại, việc tự nguyện thống nhất với Trung Quốc khó thể thực hiện
3. Tài liệu của quân đội Trung Quốc được sử dụng cho thấy là Trung Quốc bắt đầu sử dụng công nghệ học thế hệ thứ tư, nâng khả năng đánh nhanh lên một trình độ cao hơn so với những thế hệ trước.
Đánh chiếm : Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt
Tuy nhiên có kế hoạch không có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công, mà chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã lên kế hoạch sẵn sàng cho quân đội của họ để hành động khi cần.
Hệ quả của việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan thì ai cũng đã thấy rõ : Hoa kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan và nhờ đến sự trợ giúp các đồng minh khu vực. Úc và cả Nhật Bản, có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Theo tác giả bài báo, sẽ không sai lầm chút nào khi cho rằng không bên nào thích thú với việc này. Một cuộc chiến với Trung Quốc – chỉ cách Hoa Lục vài phút đồng hồ - quả là không thú vị chút nào. Đối với Đài Loan, điều đó có nghĩa là với trận mưa lửa từ Trung Quốc trút xuống, Đài Bắc sẽ bị thiệt hại to lớn, và cả đảo bị vạ lây.
Nhưng bản thân Trung Quốc cũng có thể có một số đắn đo. Một chiến dịch với mục tiêu đơn thuần là chinh phục Đài Loan, không phải một cái gì lớn lao, giành được một hòn đảo khô cằn trên Biển Đông có lẽ không đáng với công sức bỏ ra.
Cho dù Trung Quốc có thắng, chi phí cho việc chiếm đóng và tái thiết rất to lớn. Kẻ xâm lược còn phải đối mặt với dân cư thù ghét họ, với các hệ quả thương mại và ngoại giao thật sự tồi tệ. Nhìn dưới khía cạnh đó, việc mở cuộc tấn công không phải là một ý hay.
Ian Easton từng nêu lên một mối lợi là Trung Quốc có thể dùng Đài Loan làm một căn cứ tốt để từ đó triển khai lực lượng ra khu vực nhưng thật ra thì Trung Quốc cần phóng ra bao nhiêu lực lượng ?
Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là lực lượng võ trang Đài Loan không chịu ngồi yên, và Mỹ có khả năng lao vào cuộc chiến để bảo về đồng minh.
Chỉ riêng trên bình diện tác chiến, Đài Loan là một mục tiêu khó nuốt, có thể đáp trả bằng những đòn đau điếng, gây nhiều thiệt hại cho Trung Quốc. Quân đội Đài Loan dĩ nhiên không hùng mạnh như Mỹ nhưng rất đông, kể cả với quân trù bị, vũ khí cũng rất nhiều, tóm lại, có khả năng chiến đấu mãnh liệt.
Nếu Đài Loan có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải điều hành một chiến dịch quân sự khó khăn nhất của họ từ trước đến nay, với lực lượng đổ bộ vấp phải rào cản của Hải Quân Mỹ. Điều đó có nghĩa là kế hoạch tác chiến phải dự trù trường hợp đối mặt với một nhóm tàu sân bay Mỹ.
Không Quân và Hải Quân Trung Quốc như vậy sẽ có một nhiệm vụ gay go : Đối phó với một hải đội tàu sân bay tác chiến có nghĩa là tăng cường đáng kể năng lực quân sự và cũng có thể là dùng đến tàu sân bay của Trung Quốc. Một môi trường tác chiến như thế quả là không dễ dàng chút nào cho mục tiêu xâm chiếm bất kỳ nơi nào.
Chiến thuật ‘phi thường’
Để đánh bại một hải đội tàu sân bay Mỹ, cái mà Trung Quốc thường gọi là chiến thuật ‘phi thường’ sẽ được sử dụng để tạo cơ may thắng lợi mà không bị thiệt hại lớn lao. Biên khảo của Ian Easton đã nêu bật vấn đề thực thụ quan trọng đó đối với giới đề ra kế hoạch tại Trung Quốc.
Theo bài viết thì quả là Trung Quốc đã có một chiến thuật ‘phi thường’, tức là tấn công bất ngờ và/hay là triển khai vũ khí lạ chống lại bất kỳ hành động nào của Mỹ trước khi chiến dịch được thực hiện. Gián điệp Trung Quốc cài ở Đài Loan sẽ phải làm việc căng thẳng, những cuộc tấn công tin học sẽ rất ồ ạt.
Đánh Đài Loan một cách bất ngờ, hay như trong trường hợp này, đánh vào hệ thống tình báo Mỹ, không phải là một chuyện dễ. Khu vực Đài Loan luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao. Bất kỳ động tĩnh nào trong vùng đều bị theo dõi chặt chẽ. Như vậy, muốn tấn công bất ngờ, Trung Quốc phải tính đến các thông số như vệ tinh gián điệp của Mỹ, máy bay giám sát và hệ thống tình báo.
Nhưng còn một khía cạnh khác của chiến dịch, không rõ ràng cụ thể như những điều nói ở trên, nhưng then chốt đối với một kế hoạch tấn công thực sự. Thất bại sẽ rất nguy hiểm đối với Trung Quốc và là thảm họa đối với bất kỳ người chỉ huy nào. Thất bại nặng nề trong chiến dịch sẽ có hậu quả kinh khủng ở trong nước, trong đó có việc làm chế độ mất ổn định. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải quan tâm đến những rủi ro này.
Lập trường của Mỹ
Từ năm 1949, bảo vệ Đài Loan luôn là một nguyên tắc vững như bàn thạch của chiến lược Mỹ. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, có nhiều nguyên do cho việc này :
1. Để Đài Loan bị chiếm đóng sẽ là mở cửa vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc, và qua đó cho Liên Xô.
2. Đài Loan là một tiền đồn tốt vào thời ấy,
3. Cho dù vậy, trên bình diện cá nhân, tổng thống Mỹ Truman rất ghét Tưởng Giới Thạch, và muốn có một người chống cộng cứng rắn đặc trách Đài Loan.
4. Nguy cơ chiến tranh kiểu Đông Dương hay Triều Tiên sau đó lan ra trong khu vực đã khiến Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ trong vùng Châu Á.
5. Mỹ không có nhiều nơi trong vùng để có thể triển khai một lực lượng phòng thủ tiền phương nhắm vào Trung Quốc, và Đài Loan là một chọn lựa hiển nhiên.
Mỹ chưa bao giờ thay đổi quan điểm về tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan mặc dù có bao thay đổi trên thế giới và sự tiến bộ nhẩy vọt của công nghệ quân sự. Một trong những lý do mà việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông được xem là quan trọng đó là vì Đài Loan.
Triết lý gọi là ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump cũng không có tác động gì nhiều trên vấn đề này. Đối với giới phân tích quân sự chuyên nghiệp, bỏ đi chiến lược dấn thân dài hạn bên cạnh Đài Loan sẽ bị đánh giá là thể hiện một sự yếu đuối ghê gớm (nếu không muốn nói là ngu xuẩn). Việc xét lại chính sách Đài Loan hoàn toàn không có cơ sở quân sự nào, nhất là khi mà nhiều đồng minh quan trọng Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản lại sát cửa Đài Loan.
Vị trí tiền đồn phòng thủ của Đài Loan cho phép Mỹ uyển chuyển hơn trong việc tiến hành các chiến dịch của mình. Guam, Đài Loan và Nhật tạo thành một thế chân vạc rất tốt nếu có tranh chấp với Trung Quốc... Các kế hoạch gia của Trung Quốc cũng thấy điều này...
Cần phải nhớ rằng Mỹ không thể dùng đến vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc. Leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân có nghĩa là tình hình đã đến lúc tàn cuộc và thậm chí đến Thế Chiến 3 không chừng. Mỹ chỉ có thể dùng vũ khí quy ước trong một cuộc chiến với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là chính sách bảo vệ Đài Loan vẫn còn hiệu lực.
Kết luận : Đề cao cảnh giác
Đối với tác giả bài viết khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan không thể xem thường. Điều được ghi nhận trong chính sách của Trung Quốc từ 70 năm nay là Trung Quốc và Đài Loan sẽ thống nhất. Chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ nhìn chung đều được thế giới chấp nhận, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng chiến tranh không phải là không thể nổ ra. Ai cũng thấy thế giới đã suy sụp như thế nào trong 20 năm qua, và có thể suy sụp hơn nữa và rất nhanh.
Sự sát nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng là một kịch bản khác có thể diễn ra, nếu Trung Quốc và Đài Loan mềm dẻo hơn với nhau. Chỉ hy vọng là hai bên không đi đến chiến tranh, vì sẽ không có ai thắng mà chỉ là số người chết khổng lồ sẽ bôi đen lịch sử nhân loại.
Mai Vân
****************
Tập Cận Bình : Trung Quốc sẵn sàng "đập tan" ý định độc lập của Đài Loan (RFI, 18/10/2017)
Đài Loan độc lập là một điều không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh. Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ngày 18/10/2017, chủ tịch Tập Cận Bình nghiêm khắc cảnh báo Bắc Kinh có đủ tự tin, quyết tâm và sức mạnh để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực ly khai nào để Đài Loan độc lập, dù dưới bất kỳ hình thức nào.
Ảnh minh họa : Sinh viên Đài Loan phất cờ gọi là 'Đài Loan độc lập' và mang ảnh Tập Cận Bình trong một cuộc phản đối. Ảnh chụp tại Đại học Quốc gia Đài Loan ngày 24/09/2017. Reuters/Tyrone Siu
Ông Tập nhấn mạnh : "Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức, hoặc bất kỳ đảng phái chính trị nào, bất cứ lúc nào hoặc trong bất kỳ hình thức nào, tách bất cứ phần nào của lãnh thổ Trung Quốc ra khỏi Trung Quốc".
Hãng tin Reuters nhắc lại, từ 5 năm nay, Trung Quốc kịch liệt phản đối và ngăn chặn việc Đài Loan độc lập vì Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Ngay lập tức, chính phủ Đài Loan đã phản ứng về phát biểu của ông Tập Cận Bình. Đài Bắc khẳng định 23 triệu người dân trên đảo có quyền "tuyệt đối" quyết định tương lai của họ, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn cho người dân song song với việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan.
Bình Nhưỡng chúc mừng Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc thành công
Cùng ngày 18/10, Bắc Triều Tiên đã "nồng nhiệt hoan nghênh Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và gửi những lời chào nồng nhiệt đến các đảng viên và người dân Trung Hoa", trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang dần xấu đi vì tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo AFP, lời chúc mừng được hãng truyền thông nhà nước KCNA đăng tải, rất ngắn gọn, vỏn vẹn 3 khổ và không nhắc đến quan hệ lịch sử giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, khác hẳn với lời chúc mừng gửi đến Đại Hội năm 2012 khi đích danh cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào được ca ngợi.
Thu Hằng
Trung Quốc có thể xem xét lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài (VOA, 11/10/2017)
Trung Quốc và Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở Châu Phi, hồi tháng 7 đã đạt thỏa thuận cho phép Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Căn cứ quân sự trên bờ biển phía đông của Châu Phi sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển hàng cứu trợ và nhân viên gìn giữ hòa bình đến các vùng khác của Châu Phi, theo trang mạng tin tức của China Daily.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, ngày 1/8/2017.
Căn cứ này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận quân sự chung và duy trì "sự an toàn của các tuyến đường thủy quốc tế có tính chiến lược".
Đây chỉ là một căn cứ và theo dự kiến Bắc Kinh sẽ không theo chân Hoa Kỳ để mở căn cứ quân sự tại 16 quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Âu và các khu vực khác.
Nhưng chúng ta nên chờ đợi sẽ có thêm một số căn cứ quân sự Trung Quốc khác trên thế giới. Bắc Kinh có khả năng mở thêm các căn cứ quân sự bên bờ biển phía Đông Châu Phi, cũng như dọc theo Ấn Độ Dương và Biển Ả rập. Các căn cứ này có thể có nhiều chức năng hơn so với những gì tờ China Daily nói, đặc biệt là bảo vệ công dân Trung Quốc ở hải ngoại và đảm bảo các tuyến đường thủy tại khu vực Tây Á vẫn thông thoáng để tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho các mặt hàng quan trọng, như dầu thô.
Trung Quốc vẫn chưa loan báo việc thành lập thêm căn cứ quân sự nào khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson tại thủ đô Washington, nói tại thời điểm này Bắc Kinh có thể đang cân nhắc một sự hiện diện quân sự tại các cảng hiện đang do Trung Quốc quản lý dọc theo Ấn Độ Dương.
Còn Sri Lanka thì sao ? Hãng tin Al Jazeera và các cơ quan truyền thông khác cho biết vào tháng 7, cơ quan quản lý cảng biển của Sri Lanka đã đồng ý bán 70% cổ phần thuộc cơ sở cảng ở quận Hambantota cho Công ty China Merchants Ports Holdings. Hoặc như Myanmar : các hãng tin cho biết một tập đoàn Trung Quốc đang đấu thầu mua 85% thị phần cảng biển Ấn Độ Dương của Myanmar với đường ống dẫn dầu nối với Hoa lục.
tháng 4, chính phủ Pakistan cho biết các cơ sở tại Cảng Gwadar đã được công ty Trung Quốc China Overseas Port Holding Co. thuê trong thời hạn 40 năm. Trung Quốc có quan hệ thân thiện với Pakistan giữa lúc cả hai nước đều quan tâm về mối quan hệ với Ấn Độ. Vào tháng 3 năm nay, một phái đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia các sự kiện Ngày Quốc khánh hàng năm của Pakistan.
Bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo cho Quốc hội : "Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự phụ trội ở các nước có quan hệ thân thiện lâu dài và lợi ích chiến lược tương tự như Pakistan, và trong đó có tiền lệ để đóng quân ở nước ngoài".
Ông Sun nói các cảng ở Myanmar, Pakistan và Sri Lanka, dọc theo Ấn Độ Dương hoặc Biển Ả Rập, sẽ bắt đầu như những hoạt động thương mại với "các tiện ích hải quân tiềm năng".
Ít nhất là cho đến bây giờ, Trung Quốc chỉ điều quân ra nước ngoài trong tư cách là một phần của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Trung Quốc đưa lực lượng này ra nước ngoài vì những mục đích riêng, như chống cướp biển và học hỏi từ các nước khác.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ nói : "Như các nước khác, quyết định của Trung Quốc đưa quân đội ra nước ngoài là để bảo vệ các lợi ích quốc gia, thu thập thêm kinh nghiệm để hoạt động, và bảo đảm uy tín cũng như nâng cao vị thế của mình".
***************
Philippines "đảo trục" hướng về Mỹ ? (RFI, 10/2017)
Trong bối cảnh Hội Nghị Bộ Trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác, trong đó có Mỹ – gọi tắt là ADMM+ - sắp tiến hành cuộc họp thường kỳ vào ngày 24/10/2017 tại Philippines, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines vừa loan báo quyết định "nâng cấp" trở lại các cuộc tập trận chung với Mỹ cho năm 2018, vốn đã bị Manila cắt giảm sau khi tổng thống Duterte lên cầm quyền vào năm ngoái.
Philippines - Ảnh minh họa : Đại sứ Mỹ Sung Kim (T) và bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana họp báo tại căn cứ Aguinaldo, Quezon City, ngày 26/09/2017. Reuters/Dondi Tawatao
Câu hỏi nhiều nhà quan sát đặt ra là phải chăng sau khi tuyên bố "bỏ" Mỹ để xoay trục qua Trung Quốc, tổng thống Philippines đã lại đổi ý và quyết định đảo trục trở lại, nhất là khi vào tháng 11 sắp tới, ông sẽ gặp đồng nhiệm Mỹ Donald Trump khi tổng thống Hoa Kỳ đến Manila dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á.
Một cách cụ thể, các cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Philippines trong năm 2018 sẽ có quy mô như thế nào ? Trong bài viết trên trang mạng chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ngày 07/10 vừa qua, Prashanth Parameswaran, nhà báo am tường tình hình khu vực, đã chú ý phân tích yếu tố này để tìm hiểu thêm về triển vọng hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines cho năm tới đây.
Chủ trương "chia tay với Mỹ" chỉ có tiếng mà không có miếng
Nhận xét đầu tiên của tác giả bài viết là các tuyên bố hung hăng của tổng thống Philippines về chủ trương "chia tay với Mỹ" chỉ có tiếng mà không có miếng, và điều đó cũng áp dụng trên bình diện quốc phòng. Ban đầu quan hệ hai bên có giảm thiểu nhưng không hề bị cắt đứt. Các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp là một ví dụ điển hình.
Vào tháng 11 năm ngoái, tư lệnh quân đội Philippines lúc đó là tướng Ricardo Visaya đã cho biết là sau những cuộc thảo luận giữa giới chức quân sự và chính quyền của tổng thống Duterte về những ưu tiên của Philippines, Manila đã đề nghị giảm số lượng các cuộc giao lưu và tập trận chung với Mỹ từ 263 xuống còn 258.
Và sau cuộc họp của cơ chế hỗn hợp Mỹ-Philippines đặc trách hợp tác quốc phòng song phương Mutual Defense Board-Security Engagement Board (MDB-SEB) vào tháng 11, do tướng Visaya và đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương đồng chủ tọa, thì đã có một số hoạt động bị hủy bỏ hay giảm quy mô, rõ nét nhất là cuộc tập trận đổ bộ PHILBEX, và cuộc tập trận hải quân CARAT, cả hai đều được tổ chức hàng năm.
Tuy nhiên, ngay vào lúc đó, giới chức quốc phòng Mỹ và Philippines đều cho biết mặt dù có giảm thiểu về quy mô và số lượng, nhưng những cuộc tập trận này vẫn được điều chỉnh để phù hợp với thực tế chính trị đã thay đổi. Vào lúc đó, ông Duterte vừa mới lên cầm quyền, trong lúc một chính quyền mới cũng đang được chuẩn bị ở Mỹ, thành ra các kế hoạch đều có thể thay đổi với thời gian.
Tiến trình đang đảo ngược ?
Thế rồi trong năm 2017, một số dấu hiệu cho thấy là tiến trình được cho là giảm thiểu quan hệ quốc phòng, không chỉ chậm lại mà lại còn đảo ngược khi sắp qua năm 2018.
Theo tác giả bài phân tích, một số lý do nằm trong quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Philippines, gắn liền với một chính quyền mới ở Washington và một tân đại sứ Mỹ tại Manila, ông Sung Kim, đã giúp tháo gỡ được những vướng mắc mà chính quyền Duterte quy kết cho chính quyền Obama.
Một số khác liên quan đến quan hệ quốc phòng và đặc biệt là trong tình hình quân đội Philippines phải đương đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở thành phố Marawi phía nam, và giới lãnh đạo Philippines, kể cả ông Duterte, đã chính thức công nhận sự giúp đỡ cần thiết của Mỹ nhất là khi quân đội Philippines chỉ có khả năng giới hạn.
Nhìn lại thì số phận các vụ tập trận không còn lu mờ như người ta tưởng trong năm qua. Một số cuộc thao diễn bị ngưng đã không ngăn được hợp tác đi sâu hơn. Ví dụ như cuộc tập trận CARAT đã bị hủy bỏ, nhưng lại được tiếp nối với hoạt động luyện tập trên biển gọi là ‘Sama – Sama’bao gồm cuộc tuần tra phối hợp ở biển Sulu, điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác đang thực hiện.
Người ta thường nêu lên khía cạnh ‘mất mát’ liên quan đến các cuộc thao diễn, nhưng bên cạnh đó phải thấy khía cạnh ‘gia tăng’, chẳng hạn như trường hợp cuộc tập trận chống khủng bố Tempest Wind, được thông qua vào năm ngoái và mang tính chất rất phức tạp, không chỉ thao diễn đơn thuần với nhiều cơ quan khác nhau, mà còn huy động thêm các phương tiện quân sự, được thực hiện ở mức độ quốc gia, có thêm nội dung… Cuộc tập trận đầu tiên theo mô hình đó vừa được tổ chức vào tháng 9 vừa qua.
Trong bối cảnh nói trên thì năm 2018 có gì mới ? Riêng về số lượng thì theo tướng Philippines Eduardo Ano, xu hướng chung là tăng trở lại : từ 263 vào năm 2016, số lượng các hoạt động đã giảm xuống thành 258 vào năm 2017, và sẽ tăng lên trở lại thành 261 trong năm tới, phản ánh đà đảo ngược so với tình trạng đi xuống đã được thấy.
Tuy nhiên tác giả bài phân tích cũng thận trọng, cho rằng cần phải cảnh giác trước những khẳng định là liên minh Mỹ-Philippines đang vươn lên trở lại từ đống tro tàn, tương tự như những kết luận trước đây là liên minh đó đã rơi xuống vực thẳm. Phải mất ít ra một năm mới có thể thấy rõ được những hệ quả về số lượng cũng như chất lượng của các hoạt động hợp tác.
Hơn nữa hai tổng thống Donald Trump và Rodrigo Duterte vẫn đang trong tiến trình xây dựng quan hệ, và với tính khí nổi tiếng là bất thường, khó lường của cả hai, thì rất khó mà đoán định được là liên minh Mỹ-Philippines sẽ ra sao. Dấu hiệu quan trọng nhất sẽ là cuộc gặp gỡ được chờ đợi nhân chuyến ghé Manila của ông Donald Trump vào tháng tới đây.
Tổng thống Philippines ‘xoay trục’, thân thiện với Mỹ ?
Cũng về xu hướng thân thiện trở lại của Philippines đối với Mỹ, một bài viết cũng vào thượng tuần tháng 10 trên trang mạng The Maritime Executive đã tự hỏi là "Phải chăng Philippines đang xoay trục ngược về phía Mỹ ?"
Tác giả bài viết đã nêu bật sự kiện tổng thống Philippines Duterte mới đây đã hàm ý cho rằng ông có thể hòa giải với Mỹ, trong bối cảnh có thêm nhiều thông tin về việc tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều gần đảo Thị Tứ mà Philippines kiểm soát tại Trường Sa.
Ông Duterte đã làm mọi người ngạc nhiên khi cho rằng ông muốn thân thiện với Mỹ, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ trước đây. Ông đã nhiều lần kêu gọi lực lượng đặc biệt Mỹ ở Philipppines cuốn gói về nước, khẳng định ông không muốn tập trận chung trên biển cũng như trên đất liền và còn mô tả Mỹ như một nước ‘tồi tệ’.
Nhưng ông Duterte đang đổi giọng, hai tháng sau khi trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Mỹ xác định đã có 11 tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển của đảo Thị Tứ, nơi có cả trăm người Philippines cư ngụ. Tin này đã làm cho nhiều nước ASEAN lo ngại rằng Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines đã không công khai lên tiếng phản đối việc tiếp nối các cuộc tập trận quân sự, cho phép 900 lính Mỹ diễn tập chung với quân đội Philippines ở miền Bắc Philippines.
Mặc dù không nêu rõ là cuộc tập trận chung nhằm vào Trung Quốc, nhưng đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết là sự kiện đó tăng cường năng lực sẵn sàng đối phó của Mỹ và Philippines, tăng cường khả năng phản ứng song phương trước các cuộc khủng hoảng trong khu vực để củng cố liên minh đã kéo dài hàng thập kỷ.
Cuộc tập trận quân sự hỗn hợp Mỹ-Philipines mở ra vào lúc có thông tin về việc tàu Trung Quốc đang sách nhiễu tàu Philippine ở gần đảo Thị Tứ. Lời báo động do dân biểu Philippines Gary Alejano tung ra, tố cáo việc tàu Trung Quốc có mặt tại đấy đã hú còi cảnh cáo mỗi khi tàu Philippines tiến vào vùng biển của Philippines ở Biển Đông.
Trong một động thái cũng mang ý nghĩa hòa giải, ở Washington, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano xác nhận với thượng nghị sĩ Mỹ Cory Scott Gardner rằng Manila muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ...
Trước đó, Trung Quốc đã cam kết viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đô la vào Philippines. Các chuyên gia coi đây là cách Bắc Kinh dùng để ông Duterte dịu giọng trên vấn đề tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales ở Úc, Philippines và các nước ASEAN không thể dựa nhiều vào viện trợ của Trung Quốc, vì phần lớn các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và quốc phòng. Đối với giáo sư Thayer, tình hình như thể là "việc dựa vào Trung Quốc đã bộc lộ những giới hạn".
Mai Vân
******************
Đài Loan quyết tâm bảo vệ nền tự do và hệ thống dân chủ (RFA, 10/10/2017)
Chính quyền Đài Loan sẽ bảo vệ nền tự do và hệ thống dân chủ của đảo quốc khi mà căng thẳng với Trung Hoa Đại lục mỗi lúc một gia tăng.
Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen (trái) và Phó tổng thống Chen Chien-jen trong buổi lễ Quốc khánh tại Đài Bắc vào ngày 10 tháng 10 năm 2017. AFP
Đó là tuyên bố của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhân ngày độc lập của đảo quốc này 10 tháng 10 hằng năm.
Trong bài phát biểu mừng quốc khánh, nữ tổng thống Thái Anh Văn lặp lại quan điểm Đài Loan sẽ tiếp tục bày tỏ thiện chí đối với Hoa Lục, nhưng không chịu áp lực của Bắc Kinh ; dẫu thế Đài Bắc không đi theo con đường thù địch.
Bà Thái Anh Văn trong bài diễn văn mừng ngày độc lập của Đài Loan còn nêu ra tầm quan trọng của tình trạng sẵn sàng về mặt quân sự, cùng với những biện pháp gia tăng tính hiệu quả của chính phủ, và thúc đẩy nền kinh tế công nghệ cao của đảo quốc Đài Loan.
Chính quyền Trung Quốc cắt đứt quan hệ với chính phủ Đài Loan chẳng bao lâu sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống đảo quốc Đài Loan.
Bắc Kinh luôn đe dọa sẽ dùng vũ lực trong trường hợp cần thu hồi Đài Loan ; ngoài ra trong suốt một năm rưỡi qua chính quyền Bắc Kinh còn gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Đài Bắc.
Đài Loan cử máy bay theo dõi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc (BBC, 02/06/2017)
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói đã triển khai các phi cơ phản lực bay phía trên chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Quốc khi tàu này đi qua eo biển nằm giữa hòn đảo tuyên bố tự trị này và Trung Hoa lục địa.
Hàng không mâu hạm Liêu Ninh trong một lần diễn tập tại Thái Bình Dương hồi 12/2016
Một tuyên bố từ phía Đài Bắc nói rằng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và các tàu hộ tống đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài loan hôm thứ Bảy và được trông đợi là sẽ ra khỏi khu vực vào tối Chủ Nhật.
Tuyên bố nói không có điều gì bất thường được phát hiện, và việc triển khai phi cơ là nhằm theo dõi quá trình di chuyển của tàu Liêu Ninh trong vùng biển này.
Đây là lần thứ ba trong những tháng gần đây Liêu Ninh di chuyển sát Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một phần lãnh thổ của mình.
Hai lần trước diễn ra vào hồi tháng Mười Hai và tháng Giêng, trong các hoạt động mà Trung Quốc gọi là thao luyện định kỳ.
Hiện tàu Liêu Ninh đang trên đường tới Hong Kong nhằm đánh dấu 20 năm vùng lãnh thổ này được trao trả từ Anh về cho Trung Quốc.
Tại đây, Liêu Ninh sẽ mở cửa cho công chúng vào tham quan nhằm phô trương "sức mạnh quân sự thần thánh" của hải quân Trung Quốc, Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Dương Lượng của hải quân Trung Quốc.
Truyền thông Hong Kong nói dự kiến tàu sẽ tới nơi vào thứ Sáu.
************************
Cơ quan hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ vừa công bố danh sách chi tiết các loại vũ khí và dịch vụ hỗ trợ có trong thỏa thuận mua bán mà nước này dành cho Đài Loan (Trung Quốc).
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/6 thông báo với Quốc hội kế hoạch bán lô vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan nhằm giúp hòn đảo này "duy trì năng lực quốc phòng hiệu quả".
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh cho rằng quyết định trên đã đi ngược với thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 ở Florida (Mỹ).
Vậy chính xác Mỹ sẽ cung cấp gì cho Đài Loan ?
Tên lửa HARM
Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ (HARM) là loại tên lửa đất đối đất được đưa vào sử dụng từ năm 1985. Chúng có khả năng phát hiện và phá hủy hệ thống radar và các thiết bị điện tử khác trên mặt đất hoặc trên tàu.
Tổng giá trị ước tính cho chương trình gồm 50 đơn vị AGM-88B HARM và 10 đơn vị AGM-88B Training HARM là 147,5 triệu USD, bao gồm tên lửa, bệ phóng, chi phí vận chuyển và đào tạo.
Tên lửa phòng không SM-2
Tên lửa SM-2 là loại tên lửa đất đối không đặt được trên tàu có tầm bắn từ 74 tới 167 km. Hiện tên lửa này được kích hoạt với Hệ thống Chiến đấu Aegis đặt trên tàu khu trục có tên lửa hành trình và tàu tuần dương.
Trước đó, Đài Loan cũng đã mua SM-2 và tên lửa thế hệ trước SM-1.
Giá trị ước tính cho chương trình gồm 16 tên lửa SM-2 tiêu chuẩn, 47 tên lửa dẫn đường MK93 Mod 1 SM-2 và 5 tên lửa MK45 Mod 14 SM-2 rơi vào khỏang 125 triệu USD, bao gồm tên lửa, khoang chứa và các thiết bị hỗ trợ.
Ngư lôi hạng nặng MK484
46 ngư lôi hạng nặng MK48 Mod 6AT trị giá 250 triệu USD sẽ được chuyển cho Đài Loan nếu như đề xuất bán vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ được Quốc hội thông qua. MK48 là loại ngư lôi phóng từ tàu ngầm sử dụng chống tàu mặt nước. Nó được trang bị cảm ứng để định vị mục tiêu và có khả năng quay đầu lại triển khai cuộc tấn công thứ 2 trong trường hợp lần đầu đánh trượt.
Ngư lôi hạng nhẹ MK54
MK54 là loại ngư lôi chống ngầm được phóng từ tàu mặt nước, trực thăng hay máy bay cánh xoay. Hiện quân đội Trung Quốc đang sử dụng loại ngư lôi Yu-7 được cho là phiên bản phát triển từ MK46. Gói chuyển đổi sẽ được bán cho Đài Loan để nâng cấp 168 quả MK46 thành phiên bản MK54. Ước tính tổng giá trị cho gói chương trình này là 175 triệu USD.
Tên lửa AGM-154C
Những quả tên lửa hành trình không đối đất này có thể triển khai từ chiến đấu cơ F-16 – mà Đài Loan sở hữu từ những năm 1990.
Tên lửa này có thể vượt qua hệ thống phòng không của đối phương. Chi phí để nhận các thiết bị, hỗ trợ và đào tạo cho chương trình này là 185,5 triệu USD.
Hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32(V)3
Hệ thống này có thể nâng cấp hệ thống điện tử - về mặt cảnh báo sớm hay can thiệp điện tử trên 4 tàu khu trục lớp Kidd nặng 7.000 tấn của Đài Loan. Chi phí cho hệ thống này ước tính rơi vào khoảng 80 triệu USD.
Dự án điều hành, bảo trì radar giám sát
Một gói dịch vụ cung cấp bảo trì và hỗ trợ cho các thiết bị mà được Đài Loan mua của Mỹ trước đó. Gói này ước tính chi phí lên tới 400 triệu USD.
Hồng Hạnh
Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc (RFI, 01/07/2017)
Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo
Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : "Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định".
Bắc Kinh nhấn mạnh "kiên quyết chống lại" các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.
Trung Quốc cũng "cực lực phản đối" việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : "Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên".
Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu "vô trách nhiệm" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.
Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : "Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa".
Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, "nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí".
Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.
Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên.
Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : "Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả".
Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.
Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae-in tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : "Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ".
Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc", khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được "một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh". Ông không nhắc đến Trung Quốc.
Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng ?
Thụy My
***********************
Đài Loan 'lạc quan' về tàu hải quân Mỹ trở lại (BBC, 01/07/2017)
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 29/6/2017 bày tỏ lạc quan sau khi Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một điều khoản nhằm tái lập các chuyến thăm thường xuyên của các tàu Hải quân Hoa Kỳ tới Cao Hùng hoặc "các cảng thích hợp khác" ở Đài Loan, thời báo Đài Bắc hôm 30/6 đưa tin.
Đài Loan hoan nghênh và lạc quan về các trao đổi và hợp tác mới với Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực.
Điều khoản này cũng cho phép Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tiếp nhận các chuyến "thăm, đậu" của tàu Đài Loan ở khu vực thuộc phạm vi hoạt động của Bộ chỉ huy này.
Ủy ban Quân vụ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu cho phép việc trao đổi này như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ năm tới, mà sẽ được đệ trình lên Thượng viện để xem xét.
"Động thái này cho thấy Hoa Kỳ coi trọng trao đổi quân sự với Đài Loan. Bộ Ngoại giao hoan nghênh mọi hình thức hợp tác nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của Đài Loan và mang lại sự ổn định cho khu vực," Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố.
Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan, phụ trách hoạt động tại các cảng biển của quốc gia, cho biết Bộ Quốc phòng có các bến riêng tại một số cảng.
Nếu các tàu quân sự từ các quốc gia khác cần dừng tại Đài Loan, họ sẽ phải liên lạc với Bộ Quốc phòng cho phép đậu tại bến tàu của bộ này, Công ty Cảng Quốc tế Đài Loan cho biết thêm và nói rằng các tàu quân sự sẽ không neo đậu tại các bến mà các tàu thương mại sử dụng.
Bộ Quốc phòng có thể yêu cầu sự hỗ trợ của Công ty nếu bến tàu của họ không thể đón tàu chiến lớn hơn, hãng này bổ sung.
Thông điệp của Mỹ ?
Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có các cơ sở quân sự, theo Cảng vụ Đài Loan.
Một tàu sân bay nhỏ của Hoa Kỳ từng vào cảng Chi-lung trước đây, mặc dù không neo đậu lại, theo một quan chức Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan, người từng là sinh viên của Đại học Quốc gia Đài Loan ở Chi-lung, khi Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cập cảng tại đó.
Chỉ có Cảng Cao Hùng có thể chứa các tàu sân bay lớn, đi vào qua lối cảng thứ hai, vẫn theo quan chức này.
Giới quan sát tiếp tục chú ý theo dõi các chuyển động về hợp tác quân sự và quốc phòng của Mỹ tại Châu Á và biển Thái Bình Dương thời gian qua và tới đây.
Các cảng Chi-lung, Cao Hùng, Su-ao và Đài Trung có thể chứa các khu trục hạm loại 9.000 tấn trang bị hỏa tiễn, như tàu USS Fitzgerald, mà đầu tháng này đã có va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal treo cờ Philippines tại Vịnh Tokyo, Phó lãnh đạo Cục Cảng vụ Đài Loan cho biết thêm.
Trong một diễn biến riêng biệt liên quan chuyển động và hợp tác quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực, theo báo Straitstimes hôm 30/6, Hoa Kỳ sẽ có một cuộc tập trận chung với Australia với 33.000 quân tham dự, sự kiện dự kiến kéo dài một tháng ở ngoài khơi Sidney.
Tuy địa điểm tập trận ở xa các vùng biển tranh chấp của Châu Á nhưng giới chức Hoa Kỳ nói thẳng rằng đây là một thông điệp mà họ muốn gửi đến các đồng minh, đối tác và cả đối thủ của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuần này xác nhận Mỹ vẫn bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, và điều này ngay lập tức khiến Trung Quốc phản ứng.
Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc "làm tổn hại niềm tin" song phương Mỹ - Trung.
Cũng có tin Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt lên một số công ty trong ngành vận tải và ngân hàng của Trung Quốc "vì có hoạt động chống lệnh cấm vận" nhằm vào Bắc Hàn.
*********************
Donald Trump : Hoa Kỳ đã "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên (RFI, 01/07/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Hàn Quốc, Moon Jae-in trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017. REUTERS/Jim Bourg
Ngày 30/06/2017, lần đầu tiên tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-In tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ "nguy hiểm và tàn bạo" của Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ đã "hết kiên nhẫn". Ông Trump không loại trừ khả năng nào, khẳng định đã có trong tay "nhiều phương án" để đáp lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pouret gởi về bài tường trình :
"Ông Donald Trump rất muốn biết lập trường của tân lãnh đạo Hàn Quốc, một người sẵn sàng đối thoại với miền Bắc hơn tổng thống tiền nhiệm. Nhưng hai vị tổng thống Mỹ - Hàn có chung mối quan ngại trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Sau cuộc hội đàm với tổng thống Hàn Quốc, ông Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ Kim Jong-Un : "Chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên đã thất bại. Thật tình mà nói, chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Chúng tôi kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực cùng với chúng tôi thi hành các biện pháp trừng phạt. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực".
Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác về các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Trong một thời gian dài, ông Trump đã trông chờ vào Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng ông đã thất vọng. Cho nên, tổng thống Mỹ đã thể hiện sự bất bình bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với ngành công nghiệp hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cho phép bán cho Đài Loan số vũ khí với tổng trị giá gần 1 tỷ rưỡi đôla".
Thanh Phương
Trung Quốc phá vỡ một đường dây mua bán rác y tế (RFI, 13/06/2017)
Thêm một vụ tai tiếng mới trong giới y khoa Trung Quốc. Sau 6 tháng điều tra, cảnh sát đã bắt giữ 12 người đứng đầu đường dây buôn bán rác y tế. Vụ tai tiếng được tập san Trung Quốc Outlook tiết lộ. Năm ngoái một vụ tai tiếng khác liên quan đến thuốc chích ngừa quá hạn đã khiến giới chức trách rất bối rối.
Tập san Trung Quốc Outlook tiết lộ tai tiếng mới về đường dây mua bán rác y tế. Getty Images
Thông tín viên RFI, Heike Schmidt tại Bắc Kinh tường thuật :
"Một mùi hôi tanh xộc vào mũi khi các nhà điều tra đi vào sân sau của một nhà máy ở Cổ Bồi (Gupei), tỉnh Hồ Nam. Tờ Outlook mô tả tìm thấy : 50 tấn ống chích đã sử dụng, túi đựng máu và những vật khác chồng chất, chờ được xử lý. Những người thợ thì không đeo găng tay mà cũng chẳng có khẩu trang.
Một khi rửa sạch, phân loại, cắt ra từng mảnh, những chất thải này được mang bán lại cho những nhà sản xuất dược phẩm hay sản xuất thức ăn. Kẻ buôn thu lợi không nhỏ : một tấn nhựa mua vào 260 euro có thể bán lại hơn gấp đôi.
Vào tháng 12/2016, vụ buôn bán rác y tế đã gây phản ứng không ít trên báo chí. Ở Nam Kinh, các con buôn đã bán lại 3.000 tấn rác cho giới bất lương để biến chế thành đồ chơi và đĩa nhựa.
Thay vì trả những khoản tiền lớn để xử lý rác y tế, các bệnh viện nhắm mắt làm ngơ để nhân viên bán những chất thải này cho những con buôn vô lương tâm".
Mai Vân
*******************
Panama cắt đứt ngoại giao với Đài Loan để bắt tay với Trung Quốc (RFI, 13/6/2017)
Panama quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để có quan hệ chính thức với Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng của quốc gia Trung Mỹ này. Trong bản thông cáo chung ngày 13/06/2017, Panama công nhận "chỉ tồn tại một nước Trung Hoa".
Ngoại trưởng Panama bà Isabel de Saint Malo (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh nâng ly chào mừng quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ảnh ngày 13/06/2017. REUTERS/Greg Baker/Pool
Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa hai nước được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Panama Isabel Saint Malo de Alvarodo ký tại Bắc Kinh. Cũng kể từ ngày ký thông cáo chung, "Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao và cam kết ngừng mọi liên hệ chính thức với Đài Loan". Cùng lúc, tại Panama, tổng thống Juan Carlos Varela đọc diễn văn trên truyền hình thông báo tin này với "toàn thế giới".
Thông báo được đưa ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc khởi công xây một cảng container cùng với hệ thống ống dẫn khí tự nhiên tại tỉnh Colon, miền bắc Panama. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất tại vùng tự do mậu dịch Colon, được đánh giá là một trong những vùng lớn nhất Châu Mỹ La Tinh.
Đài Loan vô cùng tức giận về quyết định của Panama. Phủ tổng thống Đài Loan "lên án mạnh mẽ Bắc Kinh thao túng chính sách gọi là "một nước Trung Hoa" để tiếp tục làm suy yếu không gian quốc tế của Đài Loan bằng mọi phương tiện".
Vẫn theo Đài Bắc, "cách hành động này không chỉ de dọa đến sự tồn vong của người dân Đài Loan, mà còn là một lời khiêu khích có chủ đích nhắm vào hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan và trong vùng".
Từ khi lên nhậm chức tổng thống, bà Thái Anh Văn không thừa nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa" của Bắc Kinh, trái hẳn với người tiền nhiệm Mã Anh Cửu trong nhiệm kỳ 2008-2016.
*********************
Panama thiết lập quan hệ với Trung Quốc (RFA, 13/06/2017)
Panama, một nước nhỏ ở Trung Mỹ, hôm 13 tháng 6 đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sau nhiều thập niên không chấp nhận chính sách một Trung Hoa trong đó coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi Hoa Lục.
Phó Tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao Panama Isabel de Saint Malo (trái) và Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Wang Yi ký một thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao ở Bắc Kinh vào ngày 13 tháng 6 năm 2017. AFP photo
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc cho biết Panama là nước thứ ba trên thế giới thay đổi quan điểm về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan kể từ sau khi Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn thắng cử ở Đài Loan hồi năm ngoái. Báo này cảnh báo sẽ còn các nước khác theo sau Panama như một hiệu ứng domino. Tờ báo cũng gọi đây là cái giá mà bà Thái Anh Văn phải trả vì thái độ của bà đối với Hoa Lục.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã tăng cao thêm trong thời gian gần đây sau cuộc gọi chúc mừng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump của bà Thái Anh Văn vào hồi cuối năm ngoái sau cuộc bầu cử tại Mỹ.
Đài Loan : Đất lành cho các tôn giáo
Về Châu Á, căng thẳng gia tăng xung quanh bán đảo Triều Tiên, nguy cơ chiến tranh lơ lửng là tâm điểm thời sự số một. Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Nga trong bối cảnh xung đột tại Syria nóng thêm một nấc, sau vụ không kích của Hoa Kỳ nhắm vào một sân bay Syria là một chủ đề lớn khác. Nhưng trước hết xin giới thiệu một bài viết đáng chú ý "Đài Loan : Hàng không mẫu hạm của các tôn giáo", do đặc phái viên của báo La Croix gửi về từ Đài Bắc.
Trụ sở Hội Phật giáo Từ Tế (Tzu Chi) tại Đài Loan. Ảnh minh họa. Flickr by Ryan Ho @ pastwind
Đài Loan là "một vườn ươm tôn giáo" là nhận định của bài viết. Tất cả mọi tôn giáo đều có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại đây. Từ Công giáo, một tôn giáo chiếm hơn 1% dân số, đến các phong trào Khổng Giáo, Đạo Giáo hay Phật giáo mới, phần lớn bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đặc điểm nổi bật là không khí cởi mở của các hoạt động tôn giáo ở Đài Loan.
La Croix đưa độc giả đến với Đại học Công giáo Fu Jen ở Đài Bắc (Fu Jen/Phụ Nhân có nghĩa là "Giúp cho đạt đến đức nhân". Cụm từ trích trong Luận Ngữ, một cuốn kinh của đạo Nho). Khoa thần học của Đại học này, mỗi năm dành một nửa số ghế cho sinh viên đến từ Hoa Lục. Liên tục từ bảy năm nay, mỗi năm khoảng 30 linh mục, nhà tu hành Trung Quốc đến Đài Bắc để theo học khóa thần học ba năm, được Vatican công nhận. Trong số các sinh viên Trung Quốc, có những người thuộc Giáo hội được Nhà nước công nhận, có người thuộc Giáo hội thầm lặng.
Trong số 26.000 sinh viên Đại học Công giáo Fu Jen, nhóm sinh viên trên chỉ như muối bỏ bể. Nhưng theo người phụ trách khoa, cha Louis Gendron theo dòng Tên, một người Canada, "không có ai trong số họ từ chối quay về Trung Quốc. Một số người thậm chí tiếp tục giảng dạy tại chủng viện ở Trung Quốc".
Theo chân phóng viên La Croix, độc giả có thể đến với cộng đồng người bản xứ Amis, được coi là một trong "13 bộ tộc bản địa đầu tiên", sinh sống tại Đài Loan cách đây bảy thế kỷ, trước khi người Hoa Lục tới. Cộng đồng Amis bắt đầu theo đạo Thiên Chúa từ ba thế hệ. La Croix gặp một linh mục trẻ, đến từ Ấn Độ, nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và Amis, và tất nhiên là Tamul, tiếng mẹ đẻ của ông. Linh mục trẻ gốc Ấn Độ chia sẻ một nỗi lo lớn của ông là giới trẻ Amis hiện nay không còn gắn bó nhiều với đức tin Công giáo, như các thế hệ trước.
La Croix chú ý đến một linh mục người Pháp Yves Moal, được mệnh danh là "Abbé Pierre" của Đài Loan (tu viện trưởng Pierre là một nhà tôn giáo Pháp, đã qua đời, rất nổi tiếng về các hoạt động từ thiện). Kể từ năm 1966 đến nay, ông dấn thân vào các hoạt động trợ giúp người tàn tật, bảo vệ môi trường. Uy tín của Yves Moal rất lớn tại đảo quốc. Linh mục Pháp vừa được trao tặng quốc tịch Đài Loan.
Nở rộ nhất là các phong trào Phật giáo
Ví Đài Loan như "một hàng không mẫu hạm của các tôn giáo" là hình ảnh của nhà nghiên cứu Pháp Sébastian Billioud, Đại học Paris Diderot. Chuyên gia về các tôn giáo Trung Quốc nhận xét : "Tại Đài Loan, tôn giáo là một quyền lực mềm (soft power)", "các phong trào mạnh nhất là Phật giáo và mang tính quốc tế".
Hội Phật giáo Từ Tế (Tzu Chi), xuất xứ từ Đài Loan, do pháp sư Chứng Nghiêm (Cheng Yen) nay đã trở một phong trào nhân đạo có ảnh hưởng rộng trên thế giới. Phong trào, ít được biết đến tại Châu Âu này, hiện có hai triệu tình nguyện viên, 10.000 nhân viên, 10 triệu mạnh thường quân tại 96 quốc gia. Riêng tại Đài Loan, phong trào có khoảng 1.200 quán ăn chay, sáu bệnh viện và hai kênh truyền hình.
Ông Chad Liu, vốn theo Công giáo, phát ngôn viên của Từ Tế, chia sẻ : các thành viên của phong trào muốn thực hành một đạo Phật dấn thân, cứu người, những nơi nào có tai ương, kể cả tại Hoa Lục, các tình nguyện viên Từ Tế sẵn sàng có mặt. "Tu học để phụng sự, phụng sự để tu học" là tâm niệm của ông.
Bán đảo Triều Tiên : Hàn Quốc lo ngại chiến tranh
Vẫn tại Châu Á, ngược lên phía đông bắc vài ngàn cây số, căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên dâng cao chưa từng thấy kể từ nhiều năm nay. Le Monde cho biết "Nguy cơ căng thẳng leo thang giữa Trum và Kim Jong-un. Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại đối đầu".
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đổi kế hoạch đi Úc, tiến vào vùng biển Triều Tiên, Hoa Kỳ không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa nhân dịp sinh nhật Kim Nhật Thành ngày 15/4 tới. Mà điều này là gần như chắc chắn.
Trong khi Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn, "dường như không có gì cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên run sợ". Seoul là phía lo ngại nhất về các hệ quả, nếu xung đột bùng phát. Trong khi đó, một lần nữa Hàn Quốc "cảm thấy bất lực", khi không hề được đồng minh Hoa Kỳ tham khảo ý kiến. Ứng viên tổng thống Moon Jae-in, người có nhiều khả năng đắc cử phê phán việc hai lãnh đạo Mỹ - Trung bàn bạc riêng rẽ về hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Báo chí Hàn Quốc cũng "lấy làm tiếc về việc chính phủ không có thông tin gì về ý định của Mỹ". Tờ báo bảo thủ Joong Ang ví tình trạng hiện nay với năm 1994, khi chính quyền Mỹ của Bill Clinton chuẩn bị kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Báo trung tả Hankyoreh nói thẳng : "chính quyền Trump có thể đưa bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh".
Vẫn theo Le Monde, hiện tại lãnh đạo Trung Quốc chưa hề có cam kết gì cụ thể để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh được coi là thế lực duy nhất có thể có ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng.
Án tử hình : Amnesty tố thái độ giả dối của Trung Quốc
Liên quan đến Trung Quốc, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lên án thái độ giả dối của chính quyền Bắc Kinh trong lĩnh vực án tử hình, nhân dịp công bố báo cáo mới nhất về tình trạng án tử hình trên toàn thế giới, trong đó số lượng người bị tử hình tại Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nước còn lại.
Số lượng án tử hình là con số được giữ bí mật tại Trung Quốc. Theo Amnesty, trong thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh, một mặt tiếp tục coi đây là vấn đề bí mật quốc gia, mặt khác, tìm cách chứng tỏ minh bạch và có xu thế giảm bớt án tử hình.
Để tỏ ra minh bạch, Tòa án tối cao Trung Quốc kể từ năm 2007 được giao nhiệm vụ đưa ra quyết định cuối cùng. Theo các số liệu của Amnesty, nếu như từ năm 2011 đến 2016, có 701 trường hợp được Tòa án ra quyết định thi hành, thì năm 2014, chỉ có 85 trường hợp. Thế nhưng, nếu thống kê các trường hợp bị tử hình được báo chí Trung Quốc thông tin thì con số này lên đến 931 người.
Tổng thư ký Amenesty lên án Trung Quốc "giả điếc trước các yêu cầu minh bạch số lượng người bị hành quyết, mà Liên Hiệp Quốc liên tục đưa ra", cùng lúc đó là việc nhỏ giọt tung ra "một số tiết lộ" và "các tuyên bố không thể kiểm chứng".
Amnesty cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng tội danh khủng bố để kết án tử hình nhiều người tranh đấu thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi. 4% số người bị hành quyết trong những năm 2011-2016 là người Duy Ngô Nhĩ, trong khi cộng đồng này chỉ chiếm 0,7% dân số.
Bắc Kinh treo thưởng bắt gián điệp
Lo sợ bị phản kháng tại các vùng xa xôi, chính quyền Trung Quốc cảm thấy không yên ngay chính tại thủ đô. Theo Le Monde, Bắc Kinh vừa quyết định treo thưởng từ 10.000 đến 500.000 yuan (tương đương 1.400 euro đến 68.000) cho những ai cung cấp thông tin về các gián điệp nước ngoài.
Cách nay một năm, Bắc Kinh đã sôi động với chiến dịch áp phích "Những mối tình nguy hiểm", báo động về những nguy cơ do liên hệ tình cảm với người nước ngoài. Áp phích được dán khắp các đường phố, trạm xe điện ngầm.
Theo Le Monde, tố cáo gián điệp là một biện pháp từng được sử dụng nhiều trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa"(những năm 1960), với mục tiêu kích động tinh thần dân tộc.
Lần này, thông cáo của thủ đô Bắc Kinh được đăng tải trên tờ Nhân dân nhật báo nhấn mạnh : "việc huy động đông đảo dân chúng tham gia" chiến dịch này "cho phép xây được một bức trường thành sắt thép" chống lại "các thế lực thù địch".
Tillerson đến Nga thuyết phục Kremlin từ bỏ Assad
Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Nga là tâm điểm thời sự quốc tế. Le Figaro cung cấp hai góc nhìn. Đứng từ phía Hoa Kỳ, có bài "Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tới Nga để thuyết phục bỏ rơi Assad".
Cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Nga hôm nay hứa hẹn sẽ căng thẳng, sau cuộc không kích bất ngờ của Mỹ nhắm vào một sân bay của chính quyền Syria nhằm trả đũa vụ "tấn công bằng vũ khí hóa học". Nga đã thông báo hủy bỏ cuộc gặp dự kiến của ngoại trưởng Mỹ với tổng thống Putin. Trong khi đó, hôm qua, Washington thông báo sẽ tiến hành điều tra về khả năng Nga đứng đằng sau trong vụ này.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, nhiều chuyên gia Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng trước viễn cảnh được dự báo là hết sức u ám trong quan hệ song phương. Một điều ít được chú ý, đó là chính tổng thống Nga cũng đã cảm thấy lập trường cứng rắn của tổng thống Syria ngăn cản đàm phán tiến triển. Chính ở điểm này mà Washington và Moskva có thể đạt được một thỏa hiệp.
Đằng sau cuộc đấu khẩu sôi động giữa ngoại giao hai nước, ngoại trưởng Mỹ - Nga có thể đàm phán để gây áp lực bắt buộc ngừng bắn, và hậu thuẫn mạnh hơn cho vòng đàm phán tại Genève sẽ nối lại vào tháng 5 tới, để thảo ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Cũng về vấn đề này, trong một bài viết khác, Le Figaro nhận xét : Moskva hiện tại đang rất tức giận, và sẵn sàng trả đũa Hoa Kỳ một cách tương thích. Sau ngoại trưởng Mỹ, chính quyền Nga sẽ tiếp các ngoại trưởng Syria và Iran tại Moskva.
Ngày N-11 bầu cử tổng thống Pháp : Sáu khả năng để ngỏ
Mười một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, báo Libération có bài bình luận trên trang nhất với vẻ hóm hỉnh : "Một phụ nữ, ba đàn ông, và sáu khả năng".
Người phụ nữ là ứng cử viên cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Ba người đàn ông là ba trong số bốn người đứng đầu trong danh sách ứng cử viên vào vòng hai, theo các thăm dò dư luận. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào Tiến Bước không tả-không hữu, cựu thủ tướng François Fillon, lãnh đạo cánh hữu và trung hữu, và lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon.
Bởi cả bốn người đều có cơ hội lọt vào vòng hai, nên có đến sáu kịch bản chung kết, thay vì kịch bản từ nhiều tháng nay : Marine Le Pen đối mặt với một hay hai trong số những ứng viên nhiều triển vọng nhất.
Vẫn về bầu cử tổng thống Pháp, trong khi Le Figaro dành trang nhất để lên án dự án "điên rồ" của Mélenchon, người được mệnh danh là lãnh đạo Chavez (Venezuela) của nước Pháp, thì Le Monde xem xét kỹ lưỡng, so sánh cam kết của các ứng cử viên tổng thống trong các vấn đề "thuốc lá, rượu, dược phẩm và thực phẩm".
Trọng Thành
Donald Trump đặt Đài Loan vào một tình thế tế nhị
Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tờ Le Figaro hôm nay điểm qua những hồ sơ lớn mà chính quyền Trump phải giải quyết, trong đó đặc biệt có vấn đề Đài Loan.
Tổng thống Mỹ Donald TrumpREUTERS/Kevin Lamarque
Với hàng tựa "Đài Loan trong tình thế tế nhị", tờ Le Figaro mở đầu bài viết với câu hỏi : "Phải chăng Donald Trump đã tặng một món quà tẩm độc cho tổng thống Đài Loan khi nhận cú điện thoại của bà, vài tuần sau khi đắc cử tổng thống Mỹ ?".
Khi muốn bảo đảm sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bà Thái Anh Văn thừa biết rằng hành động này sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Nhưng chắc là bà không ngờ rằng vị tỷ phú Mỹ sẽ dùng Đài Loan như là món hàng trao đổi trong tương quan lực lượng với Trung Quốc.
Trong vai trò bia đỡ đạn, Đài Bắc có nguy cơ chịu áp lực ngày càng mạnh từ Hoa lục vào lúc quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống. Thật ra, theo Le Figaro, chính quyền hiện nay ở Đài Loan không hề muốn cắt đứt mọi liên hệ với Bắc Kinh, trong khi vẫn tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, Đài Loan thậm chí sẽ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế, bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nếu Bắc Kinh chấp nhận những thỏa hiệp với Mỹ, như nhận định của chuyên gia Valérie Niquet, đặc trách Châu Á của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Figaro trích dẫn.
Một bộ phận người dân Đài Loan đang sợ rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa lục, mà tổng thống Mỹ, vốn theo xu hướng biệt lập, sẽ không can thiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng Hoa Kỳ có thể, một mặt duy trì áp lực lên Bắc Kinh và mặt khác, tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan, nhất là về mặt quân sự.
Hy Lạp lại gây lo ngại
Về Châu Âu, Libération đặc biệt quan ngại về nguy cơ Grexit đang trở lại, tức là nguy cơ mà Hy Lạp cũng sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu do khủng hoảng nợ công.
Mặc dù người dân Hy Lạp từ nhiều năm qua đã thắt lưng buộc bụng, nhưng chính phủ Athens vẫn đang vất vả cố đạt được những mục tiêu mà các chủ nợ đề ra. Theo Libération từ nhiều tháng qua, đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ giậm chân tại chỗ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo rằng cho dù thực hiện đầy đủ những cải tổ đã được thông qua trong khuôn khổ kế hoạch trợ giúp của quốc tế, về dài hạn, nợ công cũng như nhu cầu tài chính của Hy Lạp sẽ "bùng nổ".
Chính vì vậy mà theo Libération, ở Hy Lạp nay người ta lại nói đến viễn cảnh nước này ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Grexit), giống như Anh Quốc (Brexit). Theo lời một nhà nghiên cứu được Libération trích dẫn, người dân Hy Lạp chưa muốn ra khỏi khu vực euro ngay bây giờ, nhưng số người ủng hộ phương án này đang gia tăng đều đặn.
Báo động về Hồi giáo cực đoan tại Bỉ
Vẫn tại Châu Âu, tờ Le Figaro chú ý đến tình trạng Hồi giáo cực đoan chi phối ngày càng nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo ở Bỉ.
Đó là báo động của một tổ chức độc lập đặc trách thẩm định dùm chính phủ Bỉ nguy cơ khủng bố tại vương quốc này. Trong một báo cáo mật vào tháng 11/2016 và vừa được báo chí Đức công bố, tổ chức OCAM cho biết là ngày càng có nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo chịu ảnh hưởng của hệ phái wahabisme, tức Hồi giáo cực đoan. Hiện tượng này cũng diễn ra trên "mặt trận" truyền hình và Internet. Các tu sĩ theo xu hướng ôn hòa không thể chống cự được và ngày càng bị thua trong "trận chiến" này tại một quốc gia có đến 800 ngàn người Hồi giáo.
Theo Le Figaro, nhiều nghị sĩ Quốc hội Bỉ đã yêu cầu công khai nguồn tài chính cho những nơi thờ phượng, với hai quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất là Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh. Những nước này đào tạo các tu sĩ Hồi giáo và tài trợ trực tiếp cho các trung tâm Hồi giáo ở Bỉ.
Thật ra thì những chuyện đó người ta cũng đã biết từ lâu, nhưng cái mới, theo nhấn mạnh của tổ chức OCAM, là có mối liên hệ rõ ràng giữa Hồi giáo cực đoan với khủng bố.
Đức lo ngại xu hướng bảo hộ mậu dịch
Năm 2016, Đức đã đạt mức thăng dư mậu dịch kỷ lục, nhưng kết quả đó lại gây khó khăn cho cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Âu này trước các đối tác thương mại. Đó là vấn đề được Les Echos đề cập đến.
Theo số liệu thống kê được công bố hôm qua, trong năm 2016, Đức đã đạt mức thặng dư lên tới 253 tỷ đôla, nhưng chính quyền Berlin lại không dám tỏ ra đắc thắng, trong bối cảnh mà chính sách kinh tế của nước này bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump cho là "không công bằng" và bị chủ nhân mới của Nhà Trắng dọa chiến tranh thương mại.
Theo Les Echos, chính phủ Đức ý thức mối nguy hiểm từ sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đe dọa đến mô hình kinh tế của nước họ. Sau Brexit và Donald Trump, nay Berlin lo ngại đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thắng cử ở Pháp. Cho nên, họ lại rất mừng khi thấy từ tháng 11 đến tháng 12/2016, xuất khẩu của Đức đã sụt đến 33%, trong khi nhập khẩu vẫn ổn định !
Daesh và cuồng tín tôn giáo
Tờ nhật báo công giáo La Croix hôm nay báo động về tình trạng cả trăm thánh địa ở miền Bắc Iraq đã bị lực lượng Daesh xâm phạm hoặc phá hủy.
Tờ báo nhắc lại rằng, kể từ khi chiếm miền bắc Iraq vào năm 2014, tổ chức Nhà Nước Hồi giáo muốn xóa bỏ mọi vết tích các nhiều thiểu số tôn giáo ở Iraq. Một báo cáo của chính quyền địa phương của vùng Kurdistan Iraq đã liệt kê hàng trăm tòa nhà thiêng liêng bị phá hoại hoặc bị xóa hoàn toàn khỏi bản đồ, tại vùng ranh giới giữa vùng Kurdistan với các tỉnh nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương Bagdad.
Trong số đó có đến khoảng 50 nhà thờ Hồi giáo, cho thấy là lực lượng Daesh tấn công cả vào những nơi thờ phụng Hồi giáo mà họ cho là không "thuần khiết". Đau nhất là đền thờ Jonas, được xây từ trước Công nguyên, đã bị những kẻ Hồi giáo cuồng tín đặt mìn giật sập. Phần hầm của đền thờ này, nơi trước đây là một cung điện và chưa bao giờ được khai quật, đã bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo, cướp phá sạch.
Như vậy là cho dù đã chiến bại, có thể ăn mừng một chiến thắng của họ : sửa đổi lại địa lý tôn giáo của Iraq, đặc biệt là địa lý của Hồi giáo, nay không còn tính chất đa dạng ở địa phương nữa.
Chính trị và kỳ thị tôn giáo, đẳng cấp tại Ấn Độ
Sự phân biệt đẳng cấp vẫn đè nặng lên bầu cử ở Ấn Độ. Đó là đề tài mà La Croix nêu lên qua bài viết của thông tín viên tờ báo này từ New Delhi, nói về cuộc vận động tranh cử ở bang Uttar Pradesh.
Cử tri tại bang đông dân nhất Ấn Độ, với 200 triệu người, sẽ bầu hội đồng lập pháp mới, từ ngày 11/02 đến 08/03. Đây là một cuộc trắc nghiệm quan trọng đầu tiên, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong số 5 cuộc bầu cử địa phương đầu năm nay.
Theo La Croix, cũng như vào mỗi lần tranh cử tại quốc gia Ấn Độ giáo này, các ứng cử viên lại dùng chiêu bài phân biệt cộng đồng, đẳng cấp và tôn giáo. Chiến lược này vẫn rất phổ biến, mặc dù về mặt chính thức không ai thừa nhận việc này.
Tờ La Croix cho biết, tuy Tòa án Tối cao Ấn Độ năm nay đã muốn áp đặt tính chất "phi tôn giáo" của bầu cử, nhưng thói quen tranh cử khó mà bị xóa đi tại một bang mà tổ chức xã hội chủ yếu vẫn dựa trên đẳng cấp. Ứng cử viên này thì hứa sẽ ban hành lệnh giới nghiêm tại các vùng có đông người Hồi giáo, ứng cử viên kia thì cam kết sẽ không cho các tín đồ Hồi giáo đi bỏ phiếu
Pháp và năng lượng tái tạo
Về năng lượng, tờ Libération hôm nay dành đến hai trang để nói về gỗ, năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều nhất ở Pháp, qua bài phóng sự ở vùng Côte d’Or.
Tờ báo nhắc lại rằng, từ thuở xa xưa, khi biết làm ra lửa, nhân loại đã sử dụng củi làm năng lượng. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Pháp, củi là năng lượng tái tạo hàng đầu, chiếm tỷ trọng 40% tổng năng lượng tái tạo, hơn nhiều với thủy điện (20 %), điện gió (8%) và điện Mặt trời (3%). Mục tiêu mà Pháp đề ra là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên đến 23% vào năm 2020 và trong đó củi vẫn chiếm hàng đầu.
Theo Libération, để năng lượng củi tiếp tục phát triển, không thể chỉ dựa vào nhu cầu sử dụng cá nhân, mà còn phải gia tăng sử dụng củi trong các hệ thống sưởi của các chung cư, nhà máy, trong nông nghiệp hoặc trong ngành dịch vụ.
Trang nhất các báo
Trên trang nhất số đề ngày hôm nay, tờ Le Monde chú trọng đến ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, đang bị thúc ép phải công bố chương trình tranh cử của ông.
Với hàng tựa "Aulnay. Cây dùi cui ô nhục", tờ Libération trở lại vụ cảnh sát Pháp đánh đập dã man một thanh niên mà họ bắt giữ ở thị trấn ngoại ô Paris này, gây nên một làn sóng bạo động mới.
Nhật báo công giáo La Croix thì đăng bài phóng sự của phóng viên tờ báo này về những thánh địa bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo phá hủy ở miền Bắc Iraq.
Le Figaro thì nêu bật mối nghi ngại của dân Pháp đối với các loại thuốc chích ngừa và nguy cơ các dịch bệnh sẽ trở lại nếu số người được chích ngừa sụt giảm.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ tại Pháp, nay không còn được hưởng những lãi suất cao như trước đây nữa.
Thanh Phương
Trong bức thư gửi đến Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan bày tỏ hy vọng đất nước của bà sẽ có một thời kỳ mới sống chung hòa bình với Trung Quốc đại lục.
Tổng thống Đài Loan, Bà Thái Anh Văn nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 2/12/2016. Courtesy president.gov.tw
Vatican là một trong một số ít các quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, mặc dù Đức Giáo Hoàng đang cố gắng để hàn gắn rạn nứt qua nhiều thập niên với Trung Quốc, nơi người Công giáo bị phân chia thành hai nhóm, một là những tín hữu trung thành với Vatican và nhóm thứ hai là thành viên của các nhà thờ do chính phủ kiểm soát.
Bà Tổng thống Thái Anh Văn bị Trung Quốc cho là có ý định tuyên bố độc lập cho Đài Loan, vốn là điều tối kỵ đối với Bắc Kinh nhất là sau khi bà gọi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như việc bà được chính phủ Mỹ gián tiếp đón tiếp khi quá cảnh Mỹ.
Bức thư gửi Đức Giáo Hoàng được đánh giá là gián tiếp xoa dịu Trung Quốc khi Bắc Kinh có những động thái mạnh mẽ điều tàu Liêu Ninh lảng vảng trên vùng biển gần Đài Loan cùng lúc báo chí Trung Quốc luôn lên tiếng đòi trừng phạt đảo quốc này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, ông Trump nói : "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".
Bình luận gia John Sudworth của BBC News nhận định rằng Donald Trump từng cảnh báo ông ta sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc. Thế nhưng nay chúng ta thấy chính sách của ông bắt đầu định hình : sử dụng Đài Loan làm lá bài trao đổi.
Donald Trump và Thái Anh Văn
Trước khi tìm hiểu việc dùng là bài Đài Loan để trao đổi của tập đoàn kinh doanh Donald Trump, chúng ta cần nhìn qua trong tiến trình lịch sử, Mỹ đã sử dụng lá bài Đài Loan để đối đầu với Trung Quốc như thế nào.
Khi "đồng minh" trở cờ
Cuộc nội chiến giữa Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc kéo dài từ tháng 4 năm 1927 đến cuối năm 1949. Ngày 23/4/1949 Hồng quân Trung Quốc chiếm Nam Kinh, thủ đô của Quốc dân đảng. Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thủ đô đặt tại Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh.
Mặc dầu được Mỹ giúp, chính quyền Quốc dân đảng không kháng cự nổi, cứ "di tản chiến thuật" liên tục : Ngày 23 tháng 4 rút khỏi Nam Kinh chạy xuống Quảng Châu, ngày 15 tháng 10 bỏ Quảng Châu về Trùng Khánh, ngày 25 tháng 11 bỏ Trùng Khánh chạy về Thành Đô, cuối cùng ngày 10/12/1949 bỏ Thành Đô chạy ra Đài Loan. Kể từ đó, cả hai bên đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc.
Sau đây là những diễn biến tiếp theo :
1. Lúc đầu, Hoa Kỳ tiếp tục công nhận chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng (Đài Loan) và không công nhận chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Mặc dầu Đài Loan chỉ là một hòn đảo bé tí teo, chính phủ Đài Loan vẫn được công nhận là hội viên của Liên Hiệp Quốc và là một một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc với quyền phủ quyết. Nhiều quốc gia cũng đi theo Hoa Kỳ.
2. Năm 1972, khi cần "hợp tác kinh doanh" với Đảng cộng sản Trung Quốc để giải quyết vấn đề kinh tế của Mỹ, theo đề nghị của Mỹ, ngày 25/10/1971 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 2758 về "vấn đề khôi phục quyền lợi hợp pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc". Theo nghị quyết này, chính phủ Trung Quốc sẽ thay thế chính phủ Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc.
3. Ngày 15/12/1978, Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết Thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/12/1979, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter tuyên bố Hiệp ước phòng thủ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan kết thúc vào ngày 31/12/1978 và Hoa Kỳ bắt đầu công nhận chính phủ Trung Quốc kể từ ngày 1/1/1979. Tổng thống lâm thời Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan tố cáo Hoa Kỳ phản bội và nhấn mạnh tuyệt đối không đàm phán với Đảng cộng sản Trung Quốc.
Dựa vào tuyên bố nói trên, chính phủ Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Đài Loan. Đa số các nước có chủ quyền cũng đã đi theo Mỹ, công nhận chính phủ Trung Quốc là đại diện hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ này. Nhưng có 21 nước hội viên của Liên Hiệp Quốc và Tòa thánh Vatican vẫn giữ các quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Chính việc công nhận Đài Loan này đã gây khó khăn cho Vatican khi cần tái lập bang giao với Trung Quốc, vì Trung Quốc đòi hỏi Vatican phải từ bỏ Đài Loan mới nối lại bang giao.
Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan để tiếp tục hoạt động như một đại sứ quán, dù không được hưởng các đặc quyền ngoại giao theo luật bang giao quốc tế. Nhiều nước cũng đã thành lập Văn phòng Kinh tế hay Văn phòng Văn hóa tại Đài Bắc và hoạt động giống Viện Hoa Kỳ.
4. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật Taiwan Relations Act, có hiệu lực từ ngày 10/4/1979 bắt buộc Hành pháp Hoa Kỳ phải bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công.
Tranh luận giữa Mỹ và Trung Quốc
Năm 1982, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, khi thấy Hoa Kỳ bán quá nhiều võ khí cho Đài Loan, Trung Quốc bắt đầu phản đối. Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cam kết sẽ giảm dần và ngưng bán vũ khí cho Đài Loan. Sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng với sự tham gia trực tiếp của Phó Tổng thống George H. Bush, hai bên đồng ý một bản thông cáo chung ngày 17/8/1982 với ngôn từ khá tổng quát, theo đó Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình trong quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ cam kết tôn trọng chủ quyền và chính sách "Một nước Trung Hoa" của Trung Quốc. Quan niệm "Một nước Trung Hoa" có từ đó.
Cùng lúc đó, Tổng thống Reagan đã đưa ra 6 đảm bảo an ninh cho chính phủ Đài Loan, thường được gọi là Sáu Không :
1. Không đặt ra thời điểm ngưng bán vũ khí cho Trung Hoa dân quốc.
2. Không đồng ý tham vấn trước với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Trung Hoa dân quốc.
3. Không đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc.
4. Không đặt lại Luật Quan hệ với Đài Loan.
5. Không thay đổi chính sách về chủ quyền liên quan đến Đài Loan.
6.- Không gây áp lực lên Trung Hoa dân quốc để buộc họ đàm phán với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Với những bảo đảm như trên, chúng ta thấy Hoa Kỳ có thể sử dụng lá bài Đài Loan mỗi khi muốn thương lượng một vấn đề nào đó với Trung Quốc.
Những rắc rối tiếp theo
Từ ngày có bản thông cáo chung 17/8/1982, nhiều chuyện rắc rối đã xảy ra, chúng tôi chỉ xin tóm lược các vụ chính.
1. Tháng 6/1995, khi ông Lý Đăng Huy sang Đại học Cornell của Hoa Kỳ phát biểu về "Tiến trình dân chủ hóa Đài Loan", Trung Quốc đã bắn thử một loạt hỏa tiễn về phía Đài Loan, rơi xuống vùng biển cách đảo Bành Gia do Đài Loan kiểm soát chỉ 50 km để cảnh cáo. Đài Loan tiếp tục vận động xin gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc trong làn sóng ủng hộ họ Lý ra tranh cử tổng thống.
Đảo Đài Loan
Tháng 3/1996, Trung Quốc bắn hai hỏa tiễn M9 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua Đài Loan. Một trái bay qua bầu trời gần Đài Bắc và rơi xuống cách Cao Hùng chỉ 30 hải lý. Ngay lập tức, Tổng thống Bill Clinton điều hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence tới gần Đài Loan.
2. Tháng 8 năm 2002, Tổng thống Trần Thủy Biển của Dân tiến đảng tại Đài Loan nêu ra chính sách "Nhất biên nhất quốc" (One Country on each side) tại Tokyo, nhấn mạnh rằng Đài Loan có thể "đi trên con đường riêng của Đài Loan" và rằng "rõ ràng rằng hai bên bờ eo biển là các quốc gia riêng biệt". Những lời tuyên bố đó đã bị Trung Quốc và một số đảng đối lập ở Đài Loan chỉ trích mạnh mẽ.
3. Năm 2014 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật "Taiwan Relations Act Affirmation and Naval Vessel Transfer Act of 2014" cho phép Mỹ bán 4 hộ tống hạm cho Đài Loan, mỗi chiếc trị giá 10 triệu USD.
4. Đầu năm 2015, Hoa Kỳ thiết đặt "Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối" (THAAD-Terminal High Altitude Area Defense) nhằm kiểm soát đạn đạo xuất phát từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
5. Hôm 8/12/2016 Quốc hội Mỹ thông qua "Luật Ủy nhiệm quốc phòng" (National Defense Authorization Act), kèm theo một khoản tiền khổng lồ 618,7 tỷ USD. Luật quốc phòng mới nói Hoa Kỳ cần "trao đổi quân sự cấp cao" với Đài Loan, hòn đảo bị Bắc Kinh cho là một tỉnh của họ. Đài Loan cũng muốn có thêm võ khí mới để răn đe Trung Quốc.
Ngày 9/12/2016, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức yêu cầu Hoa Kỳ "xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng" và không "kéo lùi lịch sử".
Trump tạo "chiến tranh ảo" với Trung Quốc
Cuôc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và Donald Trump ngày 2/12/2016 đã tạo thành sóng gió. Lúc đầu ông Trump nói trên Twitter rằng bà Thái Anh Văn đã gọi cho ông để chúc mừng ông thắng cử. Còn nhóm làm việc của Trump nói ông Trump đã chúc mừng bà Thái trở thành tổng thống Đài Loan trong cuộc bầu cử hồi tháng 1.
Nhưng theo tờ Washington Post, những người có liên quan cho biết quá trình thực hiện chiến lược về Đài Loan đã được chuẩn bị kỹ càng nhắm mục tiêu dùng bà Thái Anh Văn và Đài Loan để tạo một đấu trường với Trung Quốc.
Tạo đấu trường để làm gì ?
Trên đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 30/12/2016, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings nói về nội các của Donald Trump như sau : "Đây sẽ là một Tòa Bạch Ốc hoạt động như một tập đoàn kinh doanh. Chúng ta vừa bầu chọn một CEO ra điều hành đất nước".
Khi một nội các bị biến thành một tổ chức kinh doanh, sẽ coi vấn đề kinh doanh quan trọng hơn các vấn đề khác. Vậy kế hoạch làm ăn của nhóm con buôn Trump sắp đến sẽ là gì ?
Răng của Donald Trump tuy chưa sún, nhưng vì đầu óc ấu trĩ và cái mồm lép xép của ông ta đã để lộ ra gần hết các kế hoạch mà nhóm kinh doanh của ông sắp làm. Như chúng tôi đã nói, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, Trump nói : "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".
Nhìn chung, những chính sách mà Donald Trump sẽ thực hiện trong thời gian tới để phục vụ tập đoàn tài phiệt dầu mỏ gồm các điểm chính sau đây :
1. Tại Châu Âu, tìm mọi cách bỏ cấm vận cho Nga để công ty ExxonMobil có thể khai thác dầu mỏ ở Nga và chuyển qua bán tại các nước Liên Hiệp Âu Châu. Donald Trump đã nói với báo Times của Anh và báo Bild của Đức hôm 16/1/2017 rằng ông quan niệm NATO đã "lỗi thời", chính sách đón nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức là "một sai lầm", Liên Hiệp Châu Âu sẽ tan rã, sẽ có những quốc gia khác theo gương Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp. Lời phát biểu này cho thấy Donald Trum muốn phá bỏ NATO và Liên Âu để có thể bỏ cấm vận cho Nga, giúp ExxonMobil có thể làm ăn tại đó một cách dễ dàng hơn.
2. Tại Trung Đông, Trump muốn hợp tác với Nga tiêu diệt ISIS để công ty ExxonMobil có thể quay lại khai thác dầu mỏ ở Iraq, nước có dầu mỏ đứng thứ ba trên thế giới.
3. Tại Đông Nam Á, Trump sẽ dùng lá bài Đài Loan để thương lượng với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc để cho ExxonMobil có thể thăm dò và khai thác dầu khí ở một vùng cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88 km. ExxonMobil đã đến thăm dò ở đó năm 2011 và khám phá ra một mỏ dầu khí lớn, nhưng bị Trung Quốc làm áp lực nên phải ra đi. Hôm 13/1/2017, ExxonMobil đã quay lại ký với PetroVietnam một hiệp ước khai thác dầu khí ở vùng nói trên. Dự án 10 tỉ USD mang tên Cá Voi Xanh với hy vọng có thể đem lại cho Việt Nam từ 17 đến 20 tỷ USD mỗi năm nếu Trung Quốc không gây trở ngại.
Giáo sư Lại Nhạc Khiêm cho rằng "Đài Loan sẽ trở thành một quân bài lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung" và "Hoa Kỳ sẽ dùng Đài Loan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Syria, đồng thời nhằm kiềm chế Trung Quốc". Chúng tôi không tin lá bài Đài Loan lớn như vậy.
Những chuyện khác như Obamacare, xây bức tường… chỉ là trò múa rối để dánh lạc hướng dư luận.
Tờ Trung Hoa Nhật Báo gọi ông Trump là tân binh ngoại giao, ám chỉ vì không phải là chính trị gia nên vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ không hiểu biết những quy luật của ngoại giao, và viết thêm rằng Trung Quốc có thể bỏ qua cho ông Trump vì hiện ông mới là tổng thống đắc cử, nhưng sẽ không tha thứ cho ông Trump sau khi ông chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc gọi ông Trump là "ngô nghê như một đứa trẻ".
Đây là những tính toán của các con buôn. Chưa biết "các cuộc thương lượng" sẽ như thế nào và đi tới đâu, vì không có chuyện nào dễ dàng cả.
Dân Đài Loan thật sự muốn gì ?
Một cuộc thăm dò dư luận cho biết 23 triệu dân Đài Loan vẫn muốn giữ nguyên trạng mối quan hệ với Trung Quốc như hiện nay, mặc dù Đài Loan có 98% người gốc Hán và 2% gốc bản địa. Vì thế, Đảng Dân chủ cấp tiến dù đang có ưu thế chính trị cũng khó tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Thủ đô Đài Bắc về đêm
Càng ngày càng có nhiều người Đài Loan không còn muốn theo đuổi biểu tượng "Trung Hoa dân quốc" của Quốc dân đảng và cũng không muốn thống nhất với Trung Quốc cộng sản. Họ tuần hành dưới khẩu hiệu bằng tiếng Anh "Taiwan is not China" (Đài Loan không phải Trung Quốc) để nói cho thế giới biết cảm xúc của họ.
Khác với người Việt đấu tranh, khi Mỹ còn công nhận Đài Loan thì Đài Loan là "tiền đồn chống cộng của thế giới tự do". Người Tàu ở Đài Loan cũng như ở Mỹ đều cương quyết chống cộng đến chiều và cả đến sáng mai luôn. Nhưng khi Mỹ "xoay trục" về Trung Quốc, thực hiện "hòa giải hòa hợp" và "xóa bỏ hận thù"..., Đài Loan liền theo Mỹ ngay. Mỹ đi tới đâu Đài Loan đi tới đó, biến Thượng Hải thành một Đài Bắc thứ hai kể từ năm 1989. Hiện Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Trong vòng hai thập niên trở lại đây, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư ít nhất 83 tỷ USD vào Trung Quốc đại lục và có khoảng 40.000 công ty Đài Loan đang hoạt động tại đây.
Tại Trùng Khánh ngày 29/6/2010, Trung Quốc và Đài Loan đã ký Hiệp định khung Hợp tác kinh tế (ECFA). Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của hai bên kể từ 1949. Nhở "trở cờ đón gió" nhanh nên Đài Loan ngày càng trở nên giàu mạnh.
Thỉnh thoảng Mỹ tạo ra "một cuộc chiến tranh ảo" (illusive war) giữa Đài Loan và Trung Quốc để bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng vì quyền lợi của các bên, cuộc chiến thật sự sẽ không xảy ra.
Ngày 19/01/2016
Lữ Giang
Trung Quốc muốn chặn phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức của ông Trump (Một Thế Giới, 19/01/2017)
Ông Yu Shyi-kun, một cựu quan chức của Đài Loan sẽ dẫn đầu nhóm người Đài Loan mừng lễ nhậm chức của ông Trump
Ngày 18/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết rằng Washington không nên cho phép một phái đoàn Đài Loan (Trung Quốc) dự lễ nhậm chức của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1.
Tuyên bố của Trung Quốc một lần nữa cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa Bắc Kinh với chính phủ mới của Mỹ. Ông Trump đã điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tuyên bố muốn đàm phán lại chính sách "một Trung Quốc".
Trung Quốc đáp lại chỉ trích mạnh những động thái của lãnh đạo mới của Mỹ đồng thời nhấn mạnh họ sẽ không đàm phán về vấn đề chính sách "một Trung Quốc".
Một phái đoàn của Đài Loan do ông Yu Shyi-kun, một cựu quan chức của Đài Loan dẫn đầu cùng nhiều nhà lập pháp sẽ dự lễ nhậm chức của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, theo cơ quan Ngoại giao của hòn đảo tự trị.
Việc Đài Loan gửi phái đoàn đến lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ là một hành động thường lệ trong nhiều năm qua. Phát ngôn viên của bà Thái cũng cho biết phái đoàn này chỉ đến tham dự sự kiện và không có tiếp xúc với ông Trump cũng như các cố vấn của ông.
Dù vậy, Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh ly khai nên không có quyền ngoại giao hoặc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh là Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành động nào được cho là "can thiệp hoặc gây tổn hại quan hệ Trung - Mỹ".
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ở Mỹ không cho phép chính quyền Đài Loan gửi một phái đoàn sang Mỹ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống và không mở các kênh liên lạc chính thức với Đài Loan", bà Hoa Xuân Oánh nói.
"Trung Quốc đã xác định được vị trí chính xác và không nhầm lẫn đi đâu được với chính quyền của Mỹ và nhóm của ông Trump", bà Hoa nói thêm.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai sẽ đại diện Trung Quốc đến tham dự sự kiện nhậm chức của ông Trump, bà Hoa thông báo.
Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch sử dụng vũ lực để thống nhất lãnh thổ, chiếm lại Đài Loan. Bắc Kinh hiện nghi ngờ lãnh đạo mới của hòn đảo có tư tưởng đòi độc lập cho Đài Loan, động thái được xem là lằn ranh đỏ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Tuần trước khi quá cảnh tại Mỹ sau chuyến thăm các nước Trung Mỹ, bà Thái nói rằng bà muốn chung sống hòa bình với Trung Quốc.
Trái với ông Trump, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần tái cam kết duy trì chính sách "một Trung Quốc", theo đó Washington thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Ái Vi (theo Reuters)
********************
Trung Quốc yêu cầu Mỹ không cho phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức tân Tổng thống Trump (RFA, 19/01/2017)
Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence tại Washington, DC vào ngày 17 tháng một năm 2017. AFP photo
Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ không nên cho phái đoàn đại diện Đài Loan tham dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump, sẽ diễn ra vào ngày thứ sáu 20 tháng giêng này.
Yêu cầu vừa nêu được phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh ngày hôm nay, nói rằng Đài Bắc cố ý cử người sang Washington với mục đích can thiệp hay gây ảnh hưởng bất lợi cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc lên tiếng phản đối và cũng không phải lần đầu tiên Đài Loan cử đoàn đại diện đến Washington để dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ, nhưng lần này chuyện bùng nổ lớn vì sau ngày đắc cử, Tổng Thống Đắc Cử Trump đã nhận điện thoại chúc mừng của Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, sau đó ông còn đưa ra phát biểu với nội dung cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc", nếu Bắc Kinh tiếp tục hạ giá đồng bạc để trục lợi khi đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay phái đoàn sẽ do Cựu Thủ Tướng Du Tích Khôn hướng dẫn. Đoàn còn có một cố vấn an ninh và một số nghị sĩ.
Hôm nay, một viên chức của văn phòng Tổng Thống Đài Loan cũng nói trong thời gian có mặt tại Washington, phái đoàn đại diện Đài Bắc sẽ không gặp viên chức nào trong chính phủ Trump.
***********************
Đài Loan sẽ xiết chặt quan hệ kinh tế với Mỹ (VOA, 18/01/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Đài Loan sẽ tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ dựa trên nền tảng hiện nay, truyền thông Đài Loan dẫn lời Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố ngày 17/1.
Bà Thái đưa ra phát biểu này trong cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Đài Loan, Paul Wolfowits, tại Văn phòng Tổng thống. Ông Wolfowitz dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sang thăm Đài Loan trong tuần này.
Lưu ý rằng cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, bà Thái khẳng định Đài Loan sẽ tìm cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế-thương mại song phương trên nền tảng vững chắc mà đôi bên đã gầy dựng.
Tổng thống Thái Anh Văn nói Đài Loan sẽ duy trì là một trong những đối tác quan trọng, đáng tin nhất của Hoa Kỳ.
Vẫn theo lời nhà lãnh đạo Đài Loan, Mỹ và Đài Loan có các mối quan hệ hữu nghị lâu đời và cùng chia sẻ những lợi ích và giá trị chung.
Trưởng đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ thăm Đài Loan, ông Wolfowitz, cho biết sẽ làm mọi cách có thể để hỗ trợ các mục tiêu cải cách kinh tế và tự do hóa thương mại của Đài Loan.
Chuyến thăm Đài Bắc do Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Đài Loan dẫn đầu lần này nhằm phát huy các mối quan hệ kinh doanh-mậu dịch với Đài Loan.
Trước đó hôm 13/1, một số dân biểu ủng hộ Đài Loan tại Hạ viện Hoa Kỳ đã cùng nhau giới thiệu dự luật khuyến khích các chuyến thăm qua lại giữa Mỹ và Đài Loan tại mọi cấp nhằm ‘tăng tiến quan hệ đối tác thiết yếu’ giữa đôi bên.
********************
Đài Loan tập trận giả định bị Trung Quốc tấn công (VOA, 18/01/2017)
Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan.
Đài Loan ngày 17/1 tháng 1 bắt đầu tập trận hai ngày theo kịch bản chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc giữa lúc chính phủ tìm cách trấn an công luận trước các mối quan hệ đang suy thoái với Bắc Kinh.
Các lực lượng vũ trang của Đài Loan tập trung tại trung bộ Đài Loan cho cuộc tập trận hàng năm với các binh sĩ thực tập các kỹ năng chiến đấu bằng xe tăng, trực thăng tấn công và pháo binh.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố "Quân đội có những biện pháp tích cực để đối phó với tình hình tại eo biển Đài Loan và Biển Đông nên công chúng có thể yên tâm. Chúng ta sẽ củng cố huấn luyện 365 ngày một năm".
Bắc Kinh xem Đài Loan như là một tỉnh ly khai thuộc "một nước Trung Hoa" và có thể thống nhất với Hoa lục bằng vũ lực nếu cần.
Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tập trận trong những tuần lễ gần đây sau khi bất bình về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, và Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Vào năm 1979, Hoa Kỳ chuyển hướng công nhận ngoại giao với Trung Quốc thay vì Đài Loan.
Ông Trump cũng làm Bắc Kinh nổi giận khi cho rằng chính sách "một nước Trung Hoa" có thể trở thành một con bài mặc cả trong các cuộc thương thuyết về thương mại.
Hoa Kỳ là đồng minh hùng mạnh nhất của Đài Loan và là nguồn cung cấp vũ khí cho đảo này.
Cuộc tập trận ngày 17/1 được tiến hành với giả thuyết có một cuộc tấn công của Trung Quốc theo kịch bản là các chiến hạm của Bắc Kinh đã vượt qua đường ranh nằm giữa Eo biển Đài Loan.
Binh sĩ Đài Loan trấn đóng gần hệ thống phi đạn phòng không Avenger do Mỹ chế tạo trong cuộc tập trận tại thành phố Đài Trung trong khi các lực lượng đặc biệt tiến theo đội hình băng rừng với xe tăng bắn bom khói và nghiền nát một chiếc xe.
Sự kiện này diễn ra sau khi tàu sân bay duy nhất của Bắc Kinh vượt qua eo biển hồi tuần trước, một hành động được xem là để biểu dương sức mạnh.
Tàu sân bay Liêu Ninh không vào hải phận Đài Loan nhưng vào một khu vực nằm trong phạm vi vùng phòng không của Đài Loan.
Hôm 10 tháng 12 năm ngoái, máy bay quân sự của Trung Quốc áp sát Đài Loan lần thứ nhì trong vòng chưa đầy một tháng.
Ngoài cuộc tập trận, không quân Đài Loan ngày 17/1 xác nhận là 143 máy bay F-16 của Đài Loan đang được nâng cấp, với những khí tài được công ty hàng không không gian Hoa Kỳ Lockheed Martin chế tạo máy bay này cung cấp.
Dự án do chính phủ tài trợ có tên "Phoenix Rising" với ngân khoản 3,47 tỉ đô la và nhắm mục tiêu hoàn tất trong vòng 6 năm tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Thế Khoan nói máy bay F-16 V có thể sánh ngang với máy bay tàng hình Thành Đô J-20 của Trung Quốc, dù truyền thông Trung Quốc cho rằng sự so sánh này là "ảo tưởng".
Theo truyền thông địa phương Đài Loan, loại máy bay F-16 V sẽ được trang bị ra-đa để phát hiện máy bay tàng hình, cũng như các hệ thống điện tử hàng không và phi đạn tân tiến hơn.
Bộ trưởng Phùng mới đây cảnh báo về những đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và kêu gọi cảnh giác cao, thúc đẩy giới trẻ trên đảo gia nhập quân đội.
******************
Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh khẳng định Hồng Kong thuộc về Trung Quốc (RFA, 18/01/2017)
Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đọc diễn văn tại Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong ngày 18 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Trong bài diễn văn cuối cùng đọc trước Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong, ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh nhấn mạnh Hồng Kong là một phần đất không thể tách rời khỏi Trung Quốc.
Ông nói rõ đừng bao giờ mơ tưởng chuyện Hồng Kong sẽ tuyên bố độc lập hoặc sẽ tách rời khỏi Hoa Lục, nói thêm là cả thế giới đều biết và đều công nhận Hồng Kong thuộc về Trung Quốc.
Ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh cũng kêu gọi người dân đặc khu chấp nhận tiến trình bầu cử do Bắc Kinh soạn thảo, tức cử tri được quyền bỏ phiếu chọn người lãnh đạo theo danh sách ứng cử viên đã được Trung Quốc chấp thuận.
Bài diễn văn được các nhà phân tích chính trị xem là nhắm nhắn gửi những nhà hoạt động dân chủ, đeo duổi mục tiêu Hồng Kong trở thành một quốc gia độc lập.