Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/01/2017

Khi con buôn xài lá bài Đài Loan !

Lữ Giang

Trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, ông Trump nói : "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".

Bình luận gia John Sudworth của BBC News nhận định rằng Donald Trump từng cảnh báo ông ta sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc. Thế nhưng nay chúng ta thấy chính sách của ông bắt đầu định hình : sử dụng Đài Loan làm lá bài trao đổi.

conbuon1

Donald Trump và Thái Anh Văn

Trước khi tìm hiểu việc dùng là bài Đài Loan để trao đổi của tập đoàn kinh doanh Donald Trump, chúng ta cần nhìn qua trong tiến trình lịch sử, Mỹ đã sử dụng lá bài Đài Loan để đối đầu với Trung Quốc như thế nào.

Khi "đồng minh" trở cờ

Cuộc nội chiến giữa Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc kéo dài từ tháng 4 năm 1927 đến cuối năm 1949. Ngày 23/4/1949 Hồng quân Trung Quốc chiếm Nam Kinh, thủ đô của Quốc dân đảng. Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thủ đô đặt tại Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh.

Mặc dầu được Mỹ giúp, chính quyền Quốc dân đảng không kháng cự nổi, cứ "di tản chiến thuật" liên tục : Ngày 23 tháng 4 rút khỏi Nam Kinh chạy xuống Quảng Châu, ngày 15 tháng 10 bỏ Quảng Châu về Trùng Khánh, ngày 25 tháng 11 bỏ Trùng Khánh chạy về Thành Đô, cuối cùng ngày 10/12/1949 bỏ Thành Đô chạy ra Đài Loan. Kể từ đó, cả hai bên đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc.

Sau đây là những diễn biến tiếp theo :

1. Lúc đầu, Hoa Kỳ tiếp tục công nhận chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng (Đài Loan) và không công nhận chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Mặc dầu Đài Loan chỉ là một hòn đảo bé tí teo, chính phủ Đài Loan vẫn được công nhận là hội viên của Liên Hiệp Quốc và là một một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc với quyền phủ quyết. Nhiều quốc gia cũng đi theo Hoa Kỳ.

2. Năm 1972, khi cần "hợp tác kinh doanh" với Đảng cộng sản Trung Quốc để giải quyết vấn đề kinh tế của Mỹ, theo đề nghị của Mỹ, ngày 25/10/1971 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 2758 về "vấn đề khôi phục quyền lợi hợp pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc". Theo nghị quyết này, chính phủ Trung Quốc sẽ thay thế chính phủ Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc.

3. Ngày 15/12/1978, Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết Thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/12/1979, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter tuyên bố Hiệp ước phòng thủ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan kết thúc vào ngày 31/12/1978 và Hoa Kỳ bắt đầu công nhận chính phủ Trung Quốc kể từ ngày 1/1/1979. Tổng thống lâm thời Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan tố cáo Hoa Kỳ phản bội và nhấn mạnh tuyệt đối không đàm phán với Đảng cộng sản Trung Quốc.

Dựa vào tuyên bố nói trên, chính phủ Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Đài Loan. Đa số các nước có chủ quyền cũng đã đi theo Mỹ, công nhận chính phủ Trung Quốc là đại diện hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ này. Nhưng có 21 nước hội viên của Liên Hiệp Quốc và Tòa thánh Vatican vẫn giữ các quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Chính việc công nhận Đài Loan này đã gây khó khăn cho Vatican khi cần tái lập bang giao với Trung Quốc, vì Trung Quốc đòi hỏi Vatican phải từ bỏ Đài Loan mới nối lại bang giao.

Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan để tiếp tục hoạt động như một đại sứ quán, dù không được hưởng các đặc quyền ngoại giao theo luật bang giao quốc tế. Nhiều nước cũng đã thành lập Văn phòng Kinh tế hay Văn phòng Văn hóa tại Đài Bắc và hoạt động giống Viện Hoa Kỳ.

4. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật Taiwan Relations Act, có hiệu lực từ ngày 10/4/1979 bắt buộc Hành pháp Hoa Kỳ phải bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công.

Tranh luận giữa Mỹ và Trung Quốc

Năm 1982, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, khi thấy Hoa Kỳ bán quá nhiều võ khí cho Đài Loan, Trung Quốc bắt đầu phản đối. Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cam kết sẽ giảm dần và ngưng bán vũ khí cho Đài Loan. Sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng với sự tham gia trực tiếp của Phó Tổng thống George H. Bush, hai bên đồng ý một bản thông cáo chung ngày 17/8/1982 với ngôn từ khá tổng quát, theo đó Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình trong quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ cam kết tôn trọng chủ quyền và chính sách "Một nước Trung Hoa" của Trung Quốc. Quan niệm "Một nước Trung Hoa" có từ đó.

Cùng lúc đó, Tổng thống Reagan đã đưa ra 6 đảm bảo an ninh cho chính phủ Đài Loan, thường được gọi là Sáu Không :

1. Không đặt ra thời điểm ngưng bán vũ khí cho Trung Hoa dân quốc.

2. Không đồng ý tham vấn trước với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Trung Hoa dân quốc.

3. Không đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc.

4. Không đặt lại Luật Quan hệ với Đài Loan.

5. Không thay đổi chính sách về chủ quyền liên quan đến Đài Loan.

6.- Không gây áp lực lên Trung Hoa dân quốc để buộc họ đàm phán với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Với những bảo đảm như trên, chúng ta thấy Hoa Kỳ có thể sử dụng lá bài Đài Loan mỗi khi muốn thương lượng một vấn đề nào đó với Trung Quốc.

Những rắc rối tiếp theo

Từ ngày có bản thông cáo chung 17/8/1982, nhiều chuyện rắc rối đã xảy ra, chúng tôi chỉ xin tóm lược các vụ chính.

1. Tháng 6/1995, khi ông Lý Đăng Huy sang Đại học Cornell của Hoa Kỳ phát biểu về "Tiến trình dân chủ hóa Đài Loan", Trung Quốc đã bắn thử một loạt hỏa tiễn về phía Đài Loan, rơi xuống vùng biển cách đảo Bành Gia do Đài Loan kiểm soát chỉ 50 km để cảnh cáo. Đài Loan tiếp tục vận động xin gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc trong làn sóng ủng hộ họ Lý ra tranh cử tổng thống.

conbuon2

Đảo Đài Loan

Tháng 3/1996, Trung Quốc bắn hai hỏa tiễn M9 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua Đài Loan. Một trái bay qua bầu trời gần Đài Bắc và rơi xuống cách Cao Hùng chỉ 30 hải lý. Ngay lập tức, Tổng thống Bill Clinton điều hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence tới gần Đài Loan.

2. Tháng 8 năm 2002, Tổng thống Trần Thủy Biển của Dân tiến đảng tại Đài Loan nêu ra chính sách "Nhất biên nhất quốc" (One Country on each side) tại Tokyo, nhấn mạnh rằng Đài Loan có thể "đi trên con đường riêng của Đài Loan" và rằng "rõ ràng rằng hai bên bờ eo biển là các quốc gia riêng biệt". Những lời tuyên bố đó đã bị Trung Quốc và một số đảng đối lập ở Đài Loan chỉ trích mạnh mẽ.

3. Năm 2014 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật "Taiwan Relations Act Affirmation and Naval Vessel Transfer Act of 2014" cho phép Mỹ bán 4 hộ tống hạm cho Đài Loan, mỗi chiếc trị giá 10 triệu USD.

4. Đầu năm 2015, Hoa Kỳ thiết đặt "Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối" (THAAD-Terminal High Altitude Area Defense) nhằm kiểm soát đạn đạo xuất phát từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

5. Hôm 8/12/2016 Quốc hội Mỹ thông qua "Luật Ủy nhiệm quốc phòng" (National Defense Authorization Act), kèm theo một khoản tiền khổng lồ 618,7 tỷ USD. Luật quốc phòng mới nói Hoa Kỳ cần "trao đổi quân sự cấp cao" với Đài Loan, hòn đảo bị Bắc Kinh cho là một tỉnh của họ. Đài Loan cũng muốn có thêm võ khí mới để răn đe Trung Quốc.

Ngày 9/12/2016, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức yêu cầu Hoa Kỳ "xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng" và không "kéo lùi lịch sử".

Trump tạo "chiến tranh ảo" với Trung Quốc

Cuôc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và Donald Trump ngày 2/12/2016 đã tạo thành sóng gió. Lúc đầu ông Trump nói trên Twitter rằng bà Thái Anh Văn đã gọi cho ông để chúc mừng ông thắng cử. Còn nhóm làm việc của Trump nói ông Trump đã chúc mừng bà Thái trở thành tổng thống Đài Loan trong cuộc bầu cử hồi tháng 1. 

Nhưng theo tờ Washington Post, những người có liên quan cho biết quá trình thực hiện chiến lược về Đài Loan đã được chuẩn bị kỹ càng nhắm mục tiêu dùng bà Thái Anh Văn và Đài Loan để tạo một đấu trường với Trung Quốc.

Tạo đấu trường để làm gì ?

Trên đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 30/12/2016, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings nói về nội các của Donald Trump như sau : "Đây sẽ là một Tòa Bạch Ốc hoạt động như một tập đoàn kinh doanh. Chúng ta vừa bầu chọn một CEO ra điều hành đất nước".

Khi một nội các bị biến thành một tổ chức kinh doanh, sẽ coi vấn đề kinh doanh quan trọng hơn các vấn đề khác. Vậy kế hoạch làm ăn của nhóm con buôn Trump sắp đến sẽ là gì ?

Răng của Donald Trump tuy chưa sún, nhưng vì đầu óc ấu trĩ và cái mồm lép xép của ông ta đã để lộ ra gần hết các kế hoạch mà nhóm kinh doanh của ông sắp làm. Như chúng tôi đã nói, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, Trump nói : "Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải tuân theo chính sách Một Trung Quốc nếu như chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các chủ đề khác, kể cả thương mại".

Nhìn chung, những chính sách mà Donald Trump sẽ thực hiện trong thời gian tới để phục vụ tập đoàn tài phiệt dầu mỏ gồm các điểm chính sau đây :

1. Tại Châu Âu, tìm mọi cách bỏ cấm vận cho Nga để công ty ExxonMobil có thể khai thác dầu mỏ ở Nga và chuyển qua bán tại các nước Liên Hiệp Âu Châu. Donald Trump đã nói với báo Times của Anh và báo Bild của Đức hôm 16/1/2017 rằng ông quan niệm NATO đã "lỗi thời", chính sách đón nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức là "một sai lầm", Liên Hiệp Châu Âu sẽ tan rã, sẽ có những quốc gia khác theo gương Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp. Lời phát biểu này cho thấy Donald Trum muốn phá bỏ NATO và Liên Âu để có thể bỏ cấm vận cho Nga, giúp ExxonMobil có thể làm ăn tại đó một cách dễ dàng hơn.

2. Tại Trung Đông, Trump muốn hợp tác với Nga tiêu diệt ISIS để công ty ExxonMobil có thể quay lại khai thác dầu mỏ ở Iraq, nước có dầu mỏ đứng thứ ba trên thế giới.

3. Tại Đông Nam Á, Trump sẽ dùng lá bài Đài Loan để thương lượng với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc để cho ExxonMobil có thể thăm dò và khai thác dầu khí ở một vùng cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88 km. ExxonMobil đã đến thăm dò ở đó năm 2011 và khám phá ra một mỏ dầu khí lớn, nhưng bị Trung Quốc làm áp lực nên phải ra đi. Hôm 13/1/2017, ExxonMobil đã quay lại ký với PetroVietnam một hiệp ước khai thác dầu khí ở vùng nói trên. Dự án 10 tỉ USD mang tên Cá Voi Xanh với hy vọng có thể đem lại cho Việt Nam từ 17 đến 20 tỷ USD mỗi năm nếu Trung Quốc không gây trở ngại.

Giáo sư Lại Nhạc Khiêm cho rằng "Đài Loan sẽ trở thành một quân bài lớn hơn trong quan hệ Mỹ - Trung" và "Hoa Kỳ sẽ dùng Đài Loan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong các vấn đề Bắc Hàn, Iran và Syria, đồng thời nhằm kiềm chế Trung Quốc". Chúng tôi không tin lá bài Đài Loan lớn như vậy.

Những chuyện khác như Obamacare, xây bức tường… chỉ là trò múa rối để dánh lạc hướng dư luận.

Tờ Trung Hoa Nhật Báo gọi ông Trump là tân binh ngoại giao, ám chỉ vì không phải là chính trị gia nên vị tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ không hiểu biết những quy luật của ngoại giao, và viết thêm rằng Trung Quốc có thể bỏ qua cho ông Trump vì hiện ông mới là tổng thống đắc cử, nhưng sẽ không tha thứ cho ông Trump sau khi ông chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc gọi ông Trump là "ngô nghê như một đứa trẻ".

Đây là những tính toán của các con buôn. Chưa biết "các cuộc thương lượng" sẽ như thế nào và đi tới đâu, vì không có chuyện nào dễ dàng cả.

Dân Đài Loan thật sự muốn gì ?

Một cuộc thăm dò dư luận cho biết 23 triệu dân Đài Loan vẫn muốn giữ nguyên trạng mối quan hệ với Trung Quốc như hiện nay, mặc dù Đài Loan có 98% người gốc Hán và 2% gốc bản địa. Vì thế, Đảng Dân chủ cấp tiến dù đang có ưu thế chính trị cũng khó tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập.

conbuon3

Thủ đô Đài Bắc về đêm

Càng ngày càng có nhiều người Đài Loan không còn muốn theo đuổi biểu tượng "Trung Hoa dân quốc" của Quốc dân đảng và cũng không muốn thống nhất với Trung Quốc cộng sản. Họ tuần hành dưới khẩu hiệu bằng tiếng Anh "Taiwan is not China" (Đài Loan không phải Trung Quốc) để nói cho thế giới biết cảm xúc của họ.

Khác với người Việt đấu tranh, khi Mỹ còn công nhận Đài Loan thì Đài Loan là "tiền đồn chống cộng của thế giới tự do". Người Tàu ở Đài Loan cũng như ở Mỹ đều cương quyết chống cộng đến chiều và cả đến sáng mai luôn. Nhưng khi Mỹ "xoay trục" về Trung Quốc, thực hiện "hòa giải hòa hợp" và "xóa bỏ hận thù"..., Đài Loan liền theo Mỹ ngay. Mỹ đi tới đâu Đài Loan đi tới đó, biến Thượng Hải thành một Đài Bắc thứ hai kể từ năm 1989. Hiện Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Trong vòng hai thập niên trở lại đây, các doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư ít nhất 83 tỷ USD vào Trung Quốc đại lục và có khoảng 40.000 công ty Đài Loan đang hoạt động tại đây.

Tại Trùng Khánh ngày 29/6/2010, Trung Quốc và Đài Loan đã ký Hiệp định khung Hợp tác kinh tế (ECFA). Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của hai bên kể từ 1949. Nhở "trở cờ đón gió" nhanh nên Đài Loan ngày càng trở nên giàu mạnh.

Thỉnh thoảng Mỹ tạo ra "một cuộc chiến tranh ảo" (illusive war) giữa Đài Loan và Trung Quốc để bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng vì quyền lợi của các bên, cuộc chiến thật sự sẽ không xảy ra.

Ngày 19/01/2016

Lữ Giang

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lữ Giang
Read 847 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)