Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/01/2017

Đi quang gánh - Về thúng không

Phạm Trần

npt1

Chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

Chuyến đi Trung Quốc "không lý do chính đáng" trong 3 ngày (12-15/01/2017) của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gây thắc mắc nhiều hơn trả lời.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với báo, đài nhà nước hôm 5/1/2017 rằng : "Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc, khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó có Trung Quốc-một đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam".

Lời nói của ông Minh xưa như trái đất vì nó đã được phía Việt Nam lập đi lập lại không biết chán mỗi khi có chuyến đi nước ngoài của Lãnh đạo. Lần này ông Bộ trưởng Ngoại giao còn tô vẽ thêm : "Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay thời điểm đầu năm mới khẳng định rõ mong muốn của Việt Nam đưa quan hệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mở ra một năm sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên".

Nhưng ước mơ chuyến thăm của ông Trọng sẽ "đi vào chiều sâu" và có "hiệu quả" để "tạo môi trường hòa bình, ổn định" giữa hai nước Việt-Trung đã chứng minh là thứ lạc quan bốc đồng.

Bởi vì trong 15 Thỏa hiệp hợp tác được hai bên ký tại Bắc Kinh chiều 12/01/2017, có những văn kiện không trong sáng và có hại cho Việt Nam.

Đào tạo ai ? Ai đào tạo ?

Tỷ dụ như hai bên đã : "Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020".

Nhưng ai học ai, học cái gì và "cao" đến cấp nào ? Và tại sao lại kéo dài cho đến hết thời gian trách nhiệm khóa đảng XII (2016-2020) của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu ông đi hết nhiệm kỳ ? Sau đó thì hai bên không cần phải đào tạo thêm nữa, hay đến đó thì kế họach Hán hỏa hay Việt hóa đã hoàn tất ? Rất mơ hồ.

Nên nhớ mỗi quốc gia là một thực thể độc lập, có chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của riêng mình. Chính sách và đường lối lãnh đạo cầm quyền của nước này không phải là bản sao của nước kia, dù có là đồng chí.

Việc trao đổi văn hóa và kinh nghiệm việc làm cho nhaugiữa các dân tộc là bình thường, nhưng khi hai đảng duy nhất cầm quyền Việt-Trung đồng ý "đào tạo cán bộ cấp cao" cho nhau thì ai cũng biết Bắc Kinh khó mà chấp nhận làm vai "học trò" của Việt Nam.

Bởi vì từ lâu Bắc Kinh đã chủ động giúp Việt Nam huấn luyện cán bộ các ngành, đặc biệt cán bộ làm công tác tư tưởng, tuyên truyền (Ban Tuyên giáo), dân vận, chống nổi dậy, chống tội phạm, diệt ma túy và chống tham nhũng nên bây giờ leo qua công tác cán bộ cao cấp đảng là việc không lạ.

Có điều là khi hai đảng cầm quyền Việt-Trung đồng lòng dạy dỗ cán bộ lãnh đạo cho nhau thì hai nhà nước đã xóa đi tính "độc lập" để "hòa hợp" vào chung một chính sách. Nước nào đưa ra chủ trương thi hành cũng thế thôi

Nhưng nếu sáng kiến tự đánh mất bản chất độc lập và chủ quyền Quốc gia là của Việt Nam thì đảng cầm quyền Cộng sản mắc nợ một lời giải thích trước nhân dân. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng đã nhắm mắt đầu hàng trước áp lực của Tập Cận Bình để được an thân thì lịch sử sẽ khó khoan dung cho ông.

Do đó không lạ khi thấy Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình lần này đã không quên nhắc lại lập trường cố hữu của Trung Quốc rằng : "Hai bên khẳng định Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" (Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan) và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Phương châm được gọi là 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt là đòi hỏi của Trung Quốc đặt ra cho phía Việt Nam phải tuân thủ, bắt đầu từ khi hai nước nối lại bang giao năm 1991, tiếp theo sau Hội nghị bí mật Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) năm 1990.

Hội nghị này do phía Việt Nam yêu cầu nhằm bình thường quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để tồn tại khi Thế giới Cộng sản do Nga lãnh đạo, vào thời gian này, sắp cáo chung. Phái đoàn Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (khóa VI) cầm đầu còn có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng. Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân , Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng , Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Những thỏa thuận tại Hội nghị này, bị coi là rất bất lợi cho Việt Nam, cho đến nay (2017) vẫn còn giữ kín. Duy nhất có một điều được nguyên Đại sứ Hà Nội tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tiết lộ rằng tại Thành Đô, phía Việt Nam đã phải chấp nhận đòi hỏi của Giang Trạch Dân loại bỏ Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) vì ông Thạch có lập trường chống Tàu.

Nhu nhược thay, phía Việt Nam đã nhượng bộ ngay từ khóa đảng VII thời Đỗ Mười nên có tin nói ông Nguyễn CơThạch đã phải thốt ra câu : "Thế là một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu".

Câu nói này có hay không đến nay chưa ai dám xác nhận. Con trai ông Thạch, Phạm Bình Minh hiện nay là Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Minh từng bị Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, một thân tín của Trung Quốc dìm không dám cất nhắc trong 10 năm, vì sợ làm Bắc Kinh phật lòng.

Ngoài ra tại Thành Đô, Việt Nam còn phải đồng ý không được nhắc đến cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 khi quân Trung Quốc chiếm quần đảo này của Việt Nam từ tay Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Càng về sau, trong mọi cuộc nói chuyện về tranh chấp chủ quyền biển đảo, phía Trung Quốc đều từ chối nghe nhắc đến tên Hoàng Sa.

Tướng Vĩnh không cho biết liệu Hội nghị Thành Đô có ra điều kiện nào đối với 2 cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt (1979-1990) hay không, nhưng phía đảng và nhà nước Việt Nam đã nghiêm cấm các buổi tổ chức tưởng niệm trên 40 ngàn người Việt Nam đã hy sinh trong 2 cuộc chiến thảm khốc này. Việt Nam cũng không dám tổ chức tường niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh chống quân Tàu ở Trường Sa năm 1988, và từ chối tuyên dương 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì tổ quốc chống quân Tàu xâm lược Hoàng Sa tháng 1/1974.

Phía Việt Nam luôn luôn coi những việc dính đến "tình hữu nghị Việt-Trung" là "nhạy cảm" nên không dám đụng đến.

Nhưng việc tuân thủ đơn phương của Việt Nam về phương châm 16 vàng và 4 tốt đã liên tiếp được thi hành qua cácđời Tổng bí thư Đỗ Mười (khóa VII), Lê Khả Phiêu (khóa VIII), Nông Đức Mạnh (khóa IX và X) và Nguyễn Phú Trọng (khóa XI và XII).

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã không ngừng rêu rao và được phía Việt Nam hớn hở cổ võ theo nói rằng : "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung".

Tập-Trọng nói gì ?

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản ảnh nội dung này khi tiếp ông Trọng tại Bắc Kinh hôm 12/01/2017. Họ Tập nói : "Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam ; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt".

Về phần mình, ông Trọng đã hạ mình trước Tập Cận Bình để : "Khẳng định Việt Nam luôn hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc và chân thành mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị bền vững và hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới". (theo VOV, Voice of Viet Nam/Đài Tiếng Nói Việt Nam 12/01/2017).

Khơi rộng ra, vẫn theo VOV, hai bên đã đồng ý : "Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa các cơ quan của hai Đảng, giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc ; làm sâu sắc thêm hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật hai nước".

Những quan hệ song phương này cũng không có gì mới mà chỉ lập lại những cam kết đã có trong các chuyến thăm Trung Quốc năm 2011 của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi ông được bầu làm Tổng bí thư khóa đảng XI ; của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 ; của ông Trọng đi Bắc Kinh năm 2015 ; của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam từ ngày 05 đến 06/11/2015.

Hợp tác quốc phòng

Thứ đến cũng rất nghi ngờ là : "Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc đến năm 2025".

Tuyên bố chung giữa hai nước đưa ra khi ông Trọng kết thúc chuyến thăm không cho biết hai bên đã "nhìn chung về hợp tác quốc phòng" như thế nào. Liệu "hợp tác" giữa hai nước cựu thù và còn đang gờm nhau trong tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông có bảo đảm sẽ không có chiến tranh thêm lần nữa ?

Hay là phía Việt Nam đã cam kết không dám đụng tới lỗ chân lông lính Tàu đang chiếm đóng trên 7 bãi đá, nay được tân tạo thành đảo để đóng quân, tại Subi, Gaven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên ?

Chỉ biết rằng Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa, Thường Vạn Toàn đã ký bản Tuyến bố ngày 13/01/2017, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Đảng Cộng sản hai bên.

Theo các báo Việt Nam, ông Lịch đã "đánh giá cao việc ký kết văn bản này do có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay, thể hiện bước phát triển chủ động, tích cực trong quan hệ quốc phòng, góp phần củng cố và phát triển đại cục quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước, hai quân đội, đồng thời làm thất bại mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ quan hệ hai nước, hai quân đội".

Tướng Lịch nói thế nhưng không ai biết thực chất của nội dung hợp tác quốc phòng Việt-Trung lần này như thế nào. Chỉ thấy rõ trong câu nói là thỏa hiệp sẽ "góp phần củng cố và phát triển đại cục quan hệ hữu nghị,hợp tác cùng phát triển giữa hai nước, hai quân đội".

Làm sao mà Tướng Lịch có thể tin chắc như "bắp rang" thế với một đội quân đã từng xâm lăng Việt Nam và vẫn còn chiếm đóng một phần lãnh thổ rộng lớn của Việt Nam ở dọc biên giới, quan trọng nhất là núi Lão Sơn (điểm cao 1509) ở Vị Xuyên (Hà Tuyên), sau 2 cuộc chiến tranh biên giới 1979 và 1990 ?

Chỉ có điều rõ nhất trong quan hệ giữa hai quân đội là khi Đại tướng Phùng Quang Thanh còn giữ Bộ Quốc phòng thì ông đã đồng ý với Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ tuyệt đối trung thành và bảo vệ đảng cầm quyền tại mỗi nước.

Thỏa hiệp lạ thường này của phía Việt Nam đã bị lên án là ngay những việc của quân đội Việt Nam cũng bị ràng buộc vào quyết định của Trung Hoa.

Vì vậy không ai lạ khi thấy ông Lịch còn hội kiến với Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long trong thời gian tháp tùng ông Nguyễn Phú Trọng.

Theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) từ Bắc Kinh ngày 13/01/2017 thì trong cuộc họp này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch : "Đã đi sâu trao đổi với đồng chí Phạm Trường Long những biện pháp hợp tác nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xứng đáng là lực lượng trung thành và tin cậy của Đảng, nhân dân và Tổ quốc, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản đối với quân đội, phi chính trị hóa quân đội".

Như thế rõ ràng tướng Lịch đã phải sang tận Bắc Kinh để được nghe chỉ bảo của Trung Quốc về cách "xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xứng đáng là lực lượng trung thành và tin cậy của Đảng, nhân dân và Tổ quốc".

Nếu "tầm nhìn quốc phòng chung" mới của Việt-Trung lấy đó làm mục tiêu hàng đầu thì "anh Bộ đội cụ Hồ" có còn là người lính Việt Nam nữa không hay là lính Trung Quốc ?

Lập trường được gọi là "nhất quán của Việt Nam" hiện nay là theo đường lối "3 không" gồm à (1) không liên minh quân sự ; (2) "không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba" và cũng (3) "không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam…".

Nhưng cũng thật cắc cớ không thấy phía Quốc phòng Việt Nam nói gì đến hành động bành trướng lãnh thổ và phòng thủ mỗi ngày mỗi rộng và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt quanh vùng Trường Sa mà Việt Nam vẫn coi là thuộc chủ quyền của mình.

Được gì không ?

Ngoài hai lĩnh vực quan trọng nêu trên, chuyến đi Tàu lần này của ông Nguyễn Phú Trọng còn gây cho nhiều người thắc mắc tại sao Việt Nam phải hợp tác với Trung Quốc để :

- Làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật Việt Nam và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021.

Nguyên nhân tạo nghi ngờ vì trước đây phía tuyên truyền của Trung Quốc đã phổ biến qua Việt Nam nhiều phim truyền hình ca tụng "chiến thắng vẻ vang" của quân Tàu chống quân Việt Nam trong chiến tranh biên giới Việt-Trung. Bắc Kinh cũng dùng Đài Phát thanh Quốc tế Trung quốc (CRI, China Radio International) tuyên truyền chống Việt Nam về cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều loại sách báo xuyên tạc và làm ô nhục Việt Nam của Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc cũng được tự do lan tràn ở Việt Nam, trước mắt Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và truyền thông.

Ngoài ra phía Việt Nam và Trung Quốc còn ký "Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Nhượng bộ của Việt Nam dành cho Trung Quốc ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ đã nhiều, kể từ khi có Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ năm 2000.

Theo Bách khoa toàn thư mở thì Hiệp định này : "Nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Đây là kết quả sau nhiều đợt đàm phán kể từ năm 1973. Hiệp định này thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hải dương cho rằng Việt Nam đã để cho Trung Quốc lấn chiếm tại 21 vị trí, trung bình từ 3 đến 27 hải lý (mỗi hải lý dài 1,825 mét).

Mặc dù cuộc đám phán phân định vào chi tiết vẫn chưa hoàn tất, nhưng phía Trung Quốc đã tự đào kiếm dầu và khí đốt trong khu vực mà cảnh sát biển và hải quân Việt Nam không dám ra tay.

Tuy vậy, Tuyên bố chung Trọng-Tập lần này lại ép Việt Nam phải đồng ý : "Hai bên nhất trí làm tốt các công việc tiếp theo sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này ; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển ; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận".

Như vậy không những phía Việt Nam phải hợp tác, hay bằng lòng để cho Trung Quốc đóng bè hay khoanh vùng để nuôi trồng hải sản "bên trong" Vịnh Bắc Bộ mà còn phải đồng ý phân định vùng biển "bên ngoài Vịnh Bắc Bộ" để "hợp tác cùng phát triển".

Vậy vùng biển "bên ngoài Vịnh Bắc Bộ" không phải là Biển Đông thì là biển gì ?

Nên biết năm 2014, Trung Quốc đã tự ý đem giàn khoan Hải Dương 981 đặt vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để tìm kiếm dầu từ 2/5 đến 15/7/2014. Vị trí này chỉ cách đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa 17 hải lý (hay khỏang 30 cây số) về phía Nam và cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam có 120 hải lý về phía Đông.

Cũng nên nhớ là lập trường " hợp tác cùng phát triển" là cụm từ của phía Trung Quốc, bắt nguồn từ lập trường của Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình "gác tranh chấp để cùng khai thác", đưa ra từ năm 1979.

Từ đó đến nay, các thế hệ cầm quyền Trung Quốc đã lấy đó làm kim chỉ nam đế lấn chiếm tài nguyên và lãnh thổ của các nước trong khu vực, thiệt thòi nhất là phía Việt Nam vì có đường biển dài 3.260 cây số, không kể các đảo.

Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, từ lâu đã phải ngậm đắng nuốt cay để sử dụng nhóm chữ " hợp tác cùng phát triển" với Trung Quốc mỗi khi phải nói chuyện biển đảo với Lãnh đạo Tàu.

Không mới nhưng không nặng hơn

Ngoài chuyện lình xình ở Vịnh Bắc Bộ, thêm lần nữa phía Trung Quốc cũng lưu ý ông Nguyễn Phú Trọng phải giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên 6 Điều ghi trong "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc" được chính ông Trọng ký tại Bắc Kinh với lãnh tụ Hồ Cẩm Đào năm 2011.

Có 3 Điều quan trọng như sau :

- (Điều 3) Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

Điều này có nghĩa Trung Quốc bác yêu sách của một số nước trong khối 10 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á muốn "quốc tế hoá" chuyện tranh chấp. Mục đích là ép Bắc Kinh đồng ý phải để cho Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nga cùng tham gia qiải quyết vì Biển Đông là đường giao thống quốc tế có liên quan đến nhiều quốc gia.

- (Điều 4) Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

- (Điều 2) Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển).

- (Điều 5) "Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn".

Ngoài những bất lợi cho Việt Nam kể trên, chuyến sang Tàu lần này của ông Nguyễn Phú Trọng còn có hững thỏa thuận về hợp tác văn hoá, giáo dục, kinh tế, phát triển cơ sở, an ninh biên giới, chống tội phạm, hợp tác cảnh sát biển, cửa khẩu v.v.

Tuy nhiên tất cả như thứ này và những hứa hẹn như "sẽ thúc đầy" hay "khuyến khích" của phía Trung Quốc dành cho Việt Nam ghi trong các văn kiện phải cầnthời gian mới thấy có đem lại kết qủa cho Việt Nam hay chỉ có lợi cho Trung Hoa.

Như vậy, phái đoàn Nguyễn Phú Trọng khi đi đãquang gánh nặng nề với 4 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cộng vào đó là Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương.

Nhưng căn cứ vào những gì họ thu họach được thì khi về chỉ thấy họ thua thiệt và vác những chiếc thúng không.

Phạm Trần

(01/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 871 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)