Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì khó mà thuyết phục Châu Âu gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc hôm 13/8/2020 với ngành thủy sản.

ngdan1

Một sĩ quan Indonesia thuộc Bộ Hàng hải và Bộ Thủy sản đứng bên cạnh hai tàu đánh cá Việt Nam bị bắt ở Sungai Rengat, Kubu Raya, West Kalimantan hôm 22/7/2020. LOUIS ANDERSON / AFP

Vì sao nhiều ngư dân Việt Nam vẫn phải đi vào vùng biển nước khác để đánh cá ?

Việt Nam bị EU rút ‘thẻ vàng’ cảnh cáo đối với hải sản từ tháng 10/2017, vì nạn đánh bắt cá trộm ở vùng biển nước ngoài. và nếu trong 6 tháng không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) thì sẽ có nguy cơ không thể xuất khẩu thủy sản vào EU. Sau hai lần kiểm tra không đạt, Việt Nam vẫn bị EU áp thẻ vàng cho đến nay.

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở vùng biển các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines... tuy đã giảm bớt nhưng cũng không thể bỏ được án phạt thẻ vàng của EU. Đơn cử như năm 2018, số lượng ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ do vi phạm vùng biển nước này đã giảm gần 50% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 47 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ.

Cạn kiện nguồn cá gần bờ

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây, tàu đánh cá của ngư dân các địa phương ven biển đã phải nằm bờ ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn lợi hải sản đã bị khai thác quá mức, các chuyến đi biển của ngư dân thua lỗ do ít cá. Các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, nơi đâu cũng phát hiện những vụ việc vi phạm về đánh bắt hải sản, sử dụng ngư cụ cấm, đánh bắt sai vùng biển.

Theo các cơ quan chức năng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt do công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vì lực lượng khai thác ven bờ phát triển quá nhanh. Trong khi đó, một số ngư dân bất chấp quy định không tiến hành đăng ký, đăng kiểm ; sử dụng phương tiện khai thác theo tính hủy diệt mà không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng.

Theo Quỹ Công lý Môi trường EJF - Environmental Justice Foundation, Việt Nam có một trong những đội tàu đánh cá phát triển nhanh nhất trên thế giới, với kích thước tàu cá tăng hơn 160% từ năm 1990 đến 2018. Sự bùng nổ về số lượng tàu cá này đã dẫn đến việc đánh bắt quá mức và làm cạn kiệt nhanh chóng số lượng cá. Báo cáo mới của EJF được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 239 thuyền viên từ 41 tàu cá Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ khi đang đánh bắt trong vùng biển nước này.

Tranh chấp về vùng chồng lấn và sức ép từ Trung Quốc

Việt Nam với bờ biển trải dài trên 3.260 km từ Bắc tới Nam có vùng biển đối diện với nhiều quốc gia. Giữa Việt Nam và một số quốc gia hình thành những chồng lấn về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế với nhiều nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Các vùng chồng lấn trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng dẫn đến việc nhiều ngư dân đi đánh bắt cá ở các vùng nước mà họ đinh ninh là của mình, nhưng lại bị nước khác bắt như trường hợp Indonesia.

Indonesia và Việt Nam hiện vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định gần đảo Hòn Cau của Việt Nam và phía bắc đảo Natuna của Indonesia. Hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới thềm lục địa chính thức vào năm 2003, nhưng chưa đạt được thoả thuận về phân định vùng đặc quyền kinh tế.

ngudan0

Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) nối đuôi nhau vươn ra khơi

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định thêm liên quan vấn đề này :

"Ranh giới vùng biển Việt Nam và nước ngoài chia làm 2 loại, một loại có ranh giới rõ rệt, còn một loại thì thiếu sự rõ rệt. Thí dụ như vùng biển Vịnh bắc bộ giáp Trung Quốc cũng không rõ ràng. Đôi khi tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc ép qua lằn ranh bên khi để vi phạm và bắt, cho nên nó cũng có tính chất chính trị hơn là ngư dân cố tình vi phạm. Như vùng biển Hoàng Sa chẳng hạn, theo Chính phủ Việt Nam thì đây là vùng biển của mình, là ngư trường truyền thống, nên vẫn đánh bắt. Nhưng Trung Quốc thì vẫn bắt và nói tàu Việt Nam vi phạm chủ quyền của họ. Có lẽ ở miền Nam thì sự vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài thì rỏ ràng hơn, còn ngư dân miền Trung và miền Bắc thì có khi Trung Quốc nói vi phạm chứ chưa chắc là vậy".

Ngoài ra theo ông Trần Văn Lĩnh, ngư dân Việt Nam tuy được trang bị hệ thống định vị, nhưng sự trang bị này không đầy đủ lắm, nên họ cũng không có phương tiện để định vị chính họ. Trong khi đó, dưới lực ép của nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là trong mùa cấm đánh bắt cá này, tàu Việt Nam có khi chỉ cần đến gần ranh giới thì Trung Quốc đã ép về phía họ để bắt giữ và nói mình vi phạm. Ông Lĩnh cho biết theo lời kể của ngư dân mà ông biết, đôi khi phía Trung Quốc còn bắt tàu Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, tắt định vị và bắt ngư dân ký giấy đã vi phạm. Ông Lĩnh nói :

"Trung Quốc họ muốn chiếm lĩnh biển Đông cho nên họ có một thủ đoạn rất rõ ràng, đó là họ đánh bại ngư dân mình cả động lực lẫn ý chí. Về động lực thì sau mỗi mùa đánh bắt, Trung Quốc đã đổ xuống hàng vạn tàu, đánh bắt với mắt lưới nhỏ và đánh bắt với ánh sáng cực lớn, mục tiêu là để triệt tiêu nguồn lợi thùy sản trên biển đông, làm cho ngư dân mình không có cá để ra đánh bắt. Còn về ý chí thì họ thường xuyên cho các tàu giả dạng tàu cá xua đuổi cướp bóc tàu của mình, đôi khi có cả tàu của cơ quan chức năng của họ. Dẫn đến ngư dân Việt Nam sống càng ngày càng nghèo đói, và không yên ổn trong vùng biển của mình. Vì vậy đôi khi đi theo luồn cá, họ phải đi về phía nam, nơi mật độ ngư dân Trung Quốc ít hơn và sự đe dọa của cơ quan chức năng cũng ít hơn, và khi làm ăn xa bờ như vậy, theo luồn cá thì đôi khi họ vi phạm hải phận như Indonesia chẳng hạn. Chứ thực ra ngư dân chẳng ai muốn đi xa, vừa nguy hiểm vừa tăng chi phí"...

Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc Anh Nguyễn Chí Thạnh, một ngư dân, một thuyền trưởng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và được anh cho biết về tình thực tế khi đi đánh bắt xa bờ :

"Tôi lưới ở vùng biển đó là vùng biển nước Việt Nam mình, chứ xâm phạm vùng biển nước nào đâu. Riêng Hoàng Sa thì Trung Quốc nó cứ lấn tới lấn tới… nó ốp chỗ của Việt Nam mình… đuổi tới đuổi lui. Còn các nước khác cũng không đáng kể, vì ranh giới thì đôi lúc tàu làm qua lại… cũng không bao nhiêu, chỉ mấy chiếc… làm thì phải có vùng biển chênh lệch qua lại, nước nào cũng vậy… nhưng tỷ lệ ít, đôi khi có những ngư dân họ ưng tham, họ lấn qua biển khác họ làm".

Mặc dù luật mới để ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp đã được ban hành tại Việt Nam vào năm 2018, nhưng các cuộc điều tra của Quỹ Công lý Môi trường EJF - Environmental Justice Foundation, một năm sau đó cho thấy các quy định luật pháp liên quan vấn đề này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nạn ngư dân Việt đánh bắt trộm trong vùng biển các nước lân bang vẫn không được cải thiện.

Chính phủ Việt Nam hỗ trợ gì cho ngư dân ?

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14/08/2020 liên quan vấn đề này, cho biết :

"Nhà nước quy định như thế nào thì hội vận động bà con nhân dân chấp hành, trước hết là chấp hành Luật Thủy sản không đánh bắt bất hợp pháp. Thứ hai là cùng với các hội địa phương, vận động bà con đánh cá theo đoàn đội, để thực hiện chính sách có tương trợ lẫn nhau. Đồng thời giúp nhau thực hiện đúng pháp luật, không vi phạm pháp luật. Ngoài ra hội cũng yêu cầu chính phủ và các địa phương cũng phải đáp ứng để bà con ngư dân có điều kiện đầu tư đóng tàu, vốn sản xuất, cũng như điều kiện hậu cần như cảnh, địa điểm thu mua"...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, ngoài ra, các cơ quan nhà nước phải tạo thuận lợi trong việc cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản cho bà con ngư dân. Từ những việc vừa nêu, ông Thắng cho rằng, bà con ngư dân sẽ có điều kiện đánh cá tốt hơn, hiệu quả cao hơn, thì việc phải đi ra nước ngoài đánh cá nguy hiểm, vi phạm pháp luật từ từ sẽ giảm. Tuy nhiên theo ông Thắng, cũng có thể tình hình mỗi địa phương nỗi khác, nhưng nhìn chung là cùng góp sức thực hiện chính sách của nhà nước về Luật Thủy sản.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, chính phủ Việt Nam chỉ có một vài sự hỗ trợ, ví dụ như như nghị định số 7 trước đây cho ngư dân vay tiền với lãi suất hơi thấp, chứ ngoài ra nhà nước Việt Nam cũng không hỗ trợ gì nhiều. Ông nói tiếp :

"Ngoài ra thì nhà nước giúp cho họ một nửa số tiền mua bảo hiểm, nếu họ chuyển đổi một số ngành nghề không khuyến khích thành ngành nghề khuyến khích, ít đi xa, ít va chạm với nươc ngoài... Việt Nam chưa có hỗ trợ gì lớn lao, trong khi nghề biển là một nghề rất nguy hiểm, tầng số rủi ro cao, chưa kể ngoài thiên tai còn có nhân tai là đe dọa của phía Trung Quốc. Những gì nhà nước hỗ trợ không đáng kể so với các rủi ro đó".

Hôm 11/11/2019, Quỹ Công lý Môi trường EJF - Environmental Justice Foundation, vừa công bố báo cáo cho thấy tình trạng đánh bắt cá trái phép của Việt Nam vẫn không thuyên giảm, EJF cho rằng điều này có thể dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể bị phạt "thẻ đỏ" – cấm hoàn toàn xuất khẩu thủy sản sang các nước Châu Âu.

Nguồn : RFA, 14/08/2020

Published in Diễn đàn

Malaysia "tuyên chiến" với tàu cá Việt Nam (VNTB, 21/05/2019)

Malaysia đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Việt Nam rằng họ cam kết bảo vệ nguồn tài nguyên hàng hải và ngư trường trị giá hàng tỷ ringgit ở Biển Đông.

Tàu của Cơ Quan Thực Thi Pháp Luật Hàng Hải Malaysia MMEA 

Ngày 25 tháng 4, Malaysia đã khởi xướng một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) tránh nạn đánh bắt trộm của ngư dân Việt Nam.

Wisma Putra đã gởi tiếp một bức thư phản đối mạnh mẽ cho Hà Nội, thông qua đại sứ Việt Nam ở Malaysia ngày 8 tháng 5, báo hiệu "cuộc chiến"chống lại nạn đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam.

Lực lượng đặc nhiệm đã huy động một lực lượng hàng hải liên kết hải quân, thuỷ quân lục chiến và ngư nghiệp cùng hàng ngàn nhân viên, cũng như với sự hỗ trợ lực lượng không quân " quan sát từ trên cao".

Chiến công mới nhất là vào ngày 11 tháng 5 khi tàu tuần tra Hoàng gia Malaysia, KD Pahang, bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam đang chạy trốn cách Kemaman khoảng 130 hải lý về phía đông bắc, cùng với thủy thủ đoàn 14 người.

Cùng ngày, một tàu đánh cá khác với 29 thành viên phi hành đoàn đã bị Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) bắt giữ, cách bờ biển Kuching, Sarawak khoảng 80 hải lý.

Ngày 4 tháng 5, MMEA đã bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam, với 24 ngư dân, cách thủ đô Kuala Pahang 83 hải lý.

Đô đốc Datuk Seri Zulkifli Abu Bakar, tổng giám đốc MMEA, cho biết lực lượng đặc nhiệm sẽ không nhân nhượng việc chống lại các hoạt động phi pháp của ngư dân Việt Nam, những người đang khai thác cá bất hợp pháp trị giá 6 tỷ RM mỗi năm.

Sự phá hủy gián tiếp các rạn san hô trên các hòn đảo ngoài khơi Terengganu, Pahang, Johor, Sarawak và Sabah đang ảnh hưởng đến ngành du lịch Malaysia Malaysia.

Tờ Thời báo Chủ nhật mới đã biết Malaysia đang dự tính gia tăng hình phạt đối với thủ phạm là một biện pháp răn đe cứng rắn hơn.

Zulkifli nói : Ngư dân Việt Nam dường như không quan tâm gì tới việc gia tăng hình phạt của chính quyền Viêt Nam trong Luật Thuỷ sản sửa đổ. Ngay cả Thẻ vàng của Liên Hiệp Châu Âu rút cho họ vào tháng 10 năm 2017 dường như cũng không có hiệu lực.

Thẻ vàng là sự cảnh báo cho Việt Nam vì đã không giải quyết việc đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không kiểm soát, dẫn đến lệnh bị cấmxuất khẩu hoàn toàn sang Châu Âu, nơi vốn là nhà nhập khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới.

Giá trị toàn cầu của đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát ước tính trong khoảng 10 tỷ đến 20 tỷ euro một năm. Khoảng 11 triệu đến 26 triệu tấn cá bị đánh bắt trái phép mỗi năm, chiếm ít nhất 15% sản lượng đánh bắt trên thế giới.

Thái Lan đã bị nhận Thẻ Vàng vào tháng 4 năm 2015, nhưng đã được thu hồi thẻ vàng vào tháng 1 năm nay sau khi giải quyết thành công những thiếu sót trong hệ thống hành chính và pháp lý ngư nghiệp.

Zulkifli tin rằng chính quyền Việt Nam phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc giải quyết tình hình.

"Tôi tin rằng Việt Nam có hàng chục ngàn tàu cá và chính quyền của họ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát ngư dân".

Được biệt Việt Nam có tới có 80.000 tàu đánh cá và vì nghèo đói mà ngư dân buộc phải đánh cá trộm vì thu lợi nhanh chóng.

Khánh Anh dịch

************

Trong hai tuần, Malaysia bắt 123 ngư dân Việt ‘cướp đoạt hải sản’ (Người Việt, 21/05/2019)

Trong vòng hai tuần lễ đầu tháng 5/2019, Malaysia đã bắt giữ 123 ngư dân Việt với 25 chiếc tàu đánh cá bị cáo buộc khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền nước họ.

Ngư dân địa phương cập cảng tại một chợ cá ở Tanjung Karang, một làng chài ở trung tâm Malaysia bên bờ sông Tengi. (Hình minh họa : Saeed Khan/AFP/Getty Images)

Cơ quan Malaysian Maritime Enforcement Agency (MMEA) tương ứng với Cảnh Sát Biển của các nước, loan báo như trên về chiến dịch hoạt động kiểm soát trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước họ từ ngày 2 đến 16/5.

Trong hai tuần lễ, họ kiểm tra 226 tàu và bắt giữ 25 tàu, đều của Việt Nam. Tất cả bị cáo buộc khai thác thủy sản trong vùng biển của họ mà không có giấy phép hợp lệ, tức đánh cá lậu. Số lượng tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ nhiều hơn những gì người ta được biết cuối tuần trước.

Nếu kể từ đầu năm ngoái cho đến giữa tháng Năm này, như thế, Malaysia đã bắt giữ tất cả 163 tàu đánh cá của Việt Nam trên đó có 1.258 ngư dân. Số tàu và ngư dân bị bắt khá lớn nhưng chỉ thấy báo chí trong nước đưa tin một vài vụ nên dư luận không nhìn thấy rõ tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Tuần trước, chính phủ Malaysia cảnh cáo sẽ đối xử thẳng tay với ngư dân Việt Nam bị cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ trên Biển Đông.

Trong một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam, theo tờ Straits Times hôm Chủ Nhật, 19 tháng Năm, chính phủ Malaysia đã chuyển đến tòa đại sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur hôm 8/5 bản phản đối các hành động mà họ gọi là "cướp đoạt hải sản" của các tàu đánh cá Việt Nam.

Résultat de recherche d'images pour "Ngư dân Malaysia chuyển cá"

Giới chức Malaysia bắt giữ một tàu cá Việt Nam hồi tháng 3/2016.

Tháng Tư trước đó, Malaysia thành lập một tổ chức đặc nhiệm nhằm đối phó với nạn khai thác thủy sản lậu của các tàu nước ngoài, đặc biệt là từ phía Việt Nam. Đội đặc nhiệm bao gồm lực lượng của các cơ quan khác nhau từ hải quân, cảnh sát biển hoạt động theo dõi giám sát cả trên mặt nước lẫn từ trên cao của lực lượng không quân.

Ngày 11/5, tàu tuần của Hải quân Malaysia đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 14 ngư dân mà họ nói ở khoảng 130 hải lý Đông Bắc tỉnh Kemaman. Cùng một ngày, MMEA bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam khác với 29 ngư dân ở khoảng 80 hải lý ngoài khơi tỉnh Kuching, bang Sarawak. Trước đó, ngày 4 tháng Năm, MMEA đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 24 ngư dân trên vùng biển 83 hải lý gần thành phố Kuala Pahang.

Vẫn theo tờ Straits Times, chính phủ Kuala Lumpur còn đang trù tính cả chuyện gia tăng các sự trừng phạt nhằm đối phó với các vụ khai thác thủy sản lậu. Trong những năm qua, Malaysia đã bắt giữ rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam. Ngư dân bị bỏ tù và tàu đánh cá bị tịch thu dù không bị đánh chìm như Indonesia.

Hơn 500 chiếc thuyền các nước đã bị chính phủ Indonesia ra lệnh đánh chìm, trong đó có 284 tàu đánh cá của cá Việt Nam kể từ tháng Mười, 2014 đến nay, tức từ khi ông Widodo lên làm tổng thống, sau khi bị bắt với cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Vụ mới nhất diễn ra ngày 4/5/2019, Indonesia đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 tàu của ngư dân Việt Nam, sáu tàu Malaysia, hai tàu Trung Quốc và một tàu Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.

Việc Indonesia đánh chìm một số lượng lớn tàu đánh cá ngoại quốc diễn ra chỉ một tuần sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Hải quân Indonesia với một số tàu kiểm ngư của Việt Nam tại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn chủ quyền giữa hai nước.

Nay đến lần Malaysia loan báo sẽ mạnh tay hơn nữa đối với ngư dân Việt. Thống kê của Malaysia cho thấy từ năm 2006 đến đầu tháng Năm, 2019, Malaysia bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7,000 ngư dân bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Malaysia, khai thác thủy sản bất hợp pháp. (TN)

******************

Joko Widodo tái đắc cử tổng thống Indonesia (RFI, 21/05/2019)

Theo kết quả được Hội đồng Bầu cử Indonesia công bố hôm nay, 21/05/2019, ông Joko Widodo đã chính thức tái đắc cử tổng thống với 55,5% số phiếu, Tổng thống Widodo đã tuyên bố chiến thắng, nhưng đối thủ, cựu tướng Prabowo Subianto, tố cáo đã có gian lận phiếu.

media

Tổng thống Joko Widodo trong một cuộc vận động tranh cử tại Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 07/04/2019. Reuters / Willy Kurniawan

Với 86 triệu trên tổng số 154 triệu phiếu bầu, ông Joko Widodo dành được ủng hộ từ các khu vực có mật độ dân số lớn như Bali và Đông Java. Chương trình phát triển kinh tế, cải tổ cơ sở hạ tầng đã giúp ông Widodo giành chiến thắng, đối lập hoàn toàn với chính sách tăng cường ngân sách cho quân đội và quốc phòng, theo chủ trương của đối thủ Subianto.

Ông Prabowo Subianto, từng thất cử trước tân tổng thống Widodo trong cuộc bầu cử năm 2014, tố cáo rằng đã có gian lận trong quá trình kiểm phiếu, và đe dọa sẽ phát động phong trào biểu tình rầm rộ.

Theo AFP, để đảm bảo an ninh, chính quyền Jakarta đã huy động hơn 30 ngàn cảnh sát và binh sĩ nhằm đề phòng người ủng hộ ông Subianto xuống đường biểu tình.

Từ nhiều ngày qua, chính quyền Jakarta đã kêu gọi những người ủng hộ cựu tướng Subianto đừng xuống đường, vì có nhiều nguy cơ khủng bố. Lực lượng cảnh sát tuần trước đã bắt giữ hàng chục nghi can có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Trong số này, một số người đã có kế hoạch đánh bom vào các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Gia Hưng

Published in Châu Á

Giáo dân Quảng Bình biểu tình (RFA, 26/06/2017)

Khoảng 500 người dân ở Giáo họ Yên Nghĩa, giáo xứ Liên Hoà, giáo phận Vinh, tỉnh Quảng Bình biểu tình đòi hỏi quyền lợi liên quan đến ô nhiễm môi trường biển, an ninh xã hội và việc hút cát bừa bãi gây ra tình trạng sạt lở trong thời gian vừa qua.

ngudan1

Giáo dân Quảng Bình biểu tình phản đối Formosa ngày 26/6/2017 Courtesy FB Linh Nguyen

Một bạn trẻ có tên Xung Lâm Nguyễn cho Đài Á Châu Tự Do biết tin vào lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 26 tháng 6. Cuộc biểu tình diễn ra lúc 2 giờ chiều cùng ngày, dưới sự hướng dẫn của Linh mục Thân Văn Chính.

Những người tham gia gồm thiếu nhi và người lớn, mang cờ ngũ sắc và các băng rôn với khẩu hiệu như : "Formosa get out of Vietnam", "Dối trời lừa dân, đủ muôn ngàn kế", "Khởi tố Formosa vì Đồng bào".

Trả lời chúng tôi qua điện thoại, bạn trẻ này cho biết rõ thêm về ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình.

"Thứ nhất là về cát, hút cát trái phép dẫn tới trường lợp sạt lở đất, mồ mả trôi hết. Vấn đề thứ hai là họ đòi về bồi thường lao động giống như Cồn Sẻ vừa rồi, chưa đền bù cho họ. Vấn đề thứ ba họ đòi muốn phải giải quyết về vấn đề an ninh xã hội, nông thôn mới".

Theo lời bạn trẻ này giải thích, chương trình nông thôn mới sắp hoàn thành nhưng đường sá trong giáo họ bị tàn phá, chưa tu sửa khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại.

Trong vài giờ đồng hồ diễn ra cuộc biểu tình, người dân giáo xứ Liên Hoà không gặp trở ngại hay cản trở nào.

Giáo xứ Liên Hòa do linh mục Phêrô Thân Văn Chính quản xứ với hơn 2.500 bà con giáo dân.

*******************

Ngư dân Việt bị Malaysia bắt ở Sarawak (RFA, 26/06/2017)

Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có ngư dân bị bắt vì đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển thuộc bang Sarawak của Malaysia.

ngudan2

Bang Sarawak của Malaysia. (Ảnh minh họa) - AFP

Theo thông báo từ Cơ Quan Chuyên Trách Thực Thi Pháp Luật Biển Malaysia, nhà chức trách bang Sarawak đã thức hiện 18 vụ bắt giữ với tổng cộng 196 ngư dân Việt trong 5 tháng đầu 2017.

Vẫn theo Cơ Quan Chuyên Trách Thực Thi Pháp Luật Biển của Malaysia, năm 2016 có 14 vụ bắt giữ với 189 ngư dân Việt đánh bắt trái phép tại vùng biển Sarawak.

Indonesia là nước thứ nhì có ngư dân bị bắt tại vùng biển Sarawak của Malaysia với 81 người. Thái Lan đứng hàng thứ ba trên danh sách với 28 ngư dân và 5 vụ bắt giữ.

Hôm 11 tháng 6, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã chở gần 700 ngư dân Việt Nam về từ đảo Batam, Indonesia. Đây là những ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong lãnh hải, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Phía Indonesia cũng cho biết là hiện còn có 198 ngư dân Việt Nam bị giữ trên đảo Batam, trong số đó có người bị giữ hơn hai năm.

Liên quan đến việc trao trả ngư dân Việt Nam từ Indonesia, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê thị Thu Hằng trả lời hãng tin BBC của Anh quốc rằng Việt Nam không ủng hộ chuyện ngư dân xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác, và bà cũng nói là Việt Nam đề nghị cùng các quốc gia có liên quan giải quyết vấn đề này, và đối xử với ngư dân xâm phạm lãnh hải trên tinh thần nhân đạo.

Theo một số nguồn tin từ ngư dân Việt Nam mà chúng tôi có được thì sở dĩ số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ngày càng nhiều ở vùng biển Indonesia, vì vùng biển Việt Nam đã cạn kiệt hải sản.

*******************

Công bố kết quả kiểm tra tàu vỏ sắt (RFA, 26/06/2017)

ngudan3

Tàu vỏ thép đóng cho ngư dân Bình Định bị hư hỏng nhanh chóng. Courtesy photo

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định vào chiều ngày 26 tháng 6 tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ Thẩm Định tàu 67 hư hỏng, sau khi kiểm tra 17 chiếc tàu hư hỏng tại tỉnh này được đóng theo chương trình tàu vỏ thép kiên cố cho ngư dân mà chính phủ Hà Nội đưa ra.

Một trong hai doanh nghiệp đóng những chiếc tàu bị tố cáo không đúng theo qui định trong hợp đồng là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương không có mặt.

Những thành phần tham dự khác gồm lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Bình Định, công an, ngư dân cũng như thành viên của Tổ Thẩm Định.

Tại buổi họp, Công an Bình Định lần đầu tiên lên tiếng về các sai phạm trong vụ việc 17 tàu vỏ thép đóng theo chương trình 67 của chính phủ Việt Nam.

Đại tá Trần Huy Giáp, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho biết nhiều tàu cá không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm. Cơ quan Công an tỉnh Bình Định sẽ làm rõ vấn đề sai phạm và đề xuất xử lý những cá nhân liên quan ; ngoài ra cơ quan này cũng phối hợp thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ Công an.

Nghị định 67/2014 của chính phủ Hà Nội khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép và cải tiến trang thiết bị để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt cá.

Tuy nhiên sau khi tàu được bàn giao sau khi đi biển, ngư dân phát hiện tàu bị gỉ sét nhanh chóng. Thực tế cho thấy theo hợp đồng loại thép được ký là thép Hàn/Nhật nhưng phát hiện ra là thép Trung Quốc ; máy tàu ký theo hợp đồng là máy Mitshbishi của Nhật nhưng không phải loại chính hãng…

Hai đơn vị thực hiện hợp đồng đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định và bị hư hỏng nhanh chóng như bị khiếu nại là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương ở Nam Định và Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn MTV Nam Triệu thuộc Tổng Cục Hậu Cần, Bộ Công An.

Tại cuộc họp ngày 26 tháng 6, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ông Trần Châu đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh nơi có tàu vỏ thép hư hỏng đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương khẩn trương vận động ngư dân khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa.

Published in Việt Nam

Hầu hết vùng gần bờ không có cá tôm, các loài hải sản đều vắng ở những vùng gần bờ. Trong khi đó, hiện tượng cá chết đã bắt đầu xuất hiện cách bờ từ 15 đến 20 hải lý. Đặc biệt là hầu như cả vùng biển Việt Nam từ Nam chí Bắc đều không còn cá để đánh bắt.

bien1

Luồng nước vàng tại biển Thừa Thiên Huế, ảnh chụp hôm 23/3/2017. RFA photo

Biển ngày càng hiếm cá

Một ngư dân đánh bắt xa bờ, không muốn nêu tên, từng bị tàu hải cảnh của nhiều nước rượt đuổi vì đánh bắt trộm, chia sẻ :

"Khó khăn quá nên qua vùng biển các nước để đánh thôi, bị rượt đuổi hoài. Bây giờ biển Việt Nam không còn cá nữa rồi nên chúng tôi phải qua vùng biển các nước mà tiền hỗ trợ dầu thì bây giờ nó khó khăn quá !"

Theo ngư dân này bộc bạch, ông cũng như hàng triệu người làm nghề biển Việt Nam khác chẳng bao giờ muốn chọn cái khổ, muốn bị tàu hải cảnh nước khác rượt đuổi nhưng vì gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như không còn cá để đánh bắt.

Theo nhận định của ngư dân này, trước đây chừng 5 năm, biển Việt Nam đã bị giảm đi số lượng cá một cách trông thấy bởi kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ. Hầu hết các loại cá đều bị chết sau mỗi lần đánh và một số ngư dân Việt Nam dùng thuốc nổ đánh bắt là chủ yếu, sau khi đánh thuốc nổ, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước thì người ta mới dùng lưới để vây cá lại và thu hoạch. Với kiểu đánh bắt này, không có bất kì con cá nhỏ nào sống sót để duy trì nòi giống. Và vùng biển bị đánh thuốc nổ sẽ không có con cá nào dám bén mảng tới trong vòng ít nhất là ba tháng.

Ông lấy làm lạ là không hiểu sao các ngư dân kia lại có thuốc nổ để đánh bắt vì đây là thứ hàng nhà nước cấm. Và hơn nữa việc mang thuốc nổ xuất cảng để đi đánh bắt là chuyện rất khó nhưng một số ngư dân vẫn cứ dùng thuốc nổ để đánh bắt. Ông cho rằng có một đường dây chuyên bán thuốc nổ trên biển và nếu họ tiếp tục hoạt động cũng như ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt kiểu này thì chắc chắn hậu quả của nó là khó lường.

Nhưng đáng sợ hơn cả là gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như không còn cá. Ông nhấn mạnh rằng không còn cá không có nghĩa là không còn con cá nào mà hầu như rất hiếm cá. Trước đây 5 năm, mỗi lần đánh bắt cách bờ chừng 16 đến 18 hải lý, cách gì ông cũng mang vào bờ được từ hai đến ba tấn cá. Nhưng 5 năm trở lại đây, mỗi chuyên đi của ông chỉ mang về cao nhất là 500kg cá. Còn hiện tại, sau một chuyến đi, có khi ông mang về nhà được 80kg cá, những bữa gặp may thì được 200 đến 300kg. Nhưng hiếm khi gặp may mà toàn là vừa bù xăng dầu. Với tình trạng này, ngư dân chỉ còn cách bỏ lưới.

Đáng sợ nhất là thời gian gần đây, biển nhiễm độc do Formosa xả thải đã làm cho các loài hải sản chết hàng loạt, biển Việt Nam trở nên trơ trọi. Trong khi đó, phần lớn ngư dân phải vay tiền ngân hàng để đóng tàu thuyền. Một khi thất thu, nợ nần sẽ nhanh chóng chồng chất và nguy cơ phá sản, mất nhà cửa là chuyện trước mắt.

Độc đã nhiễm vào đất liền

bien2

Chất lạ đóng làm hư lưới ngư dân. RFA photo

Ngư dân tên Ngọc, làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chia sẻ : "Hiện nay ngoài bờ 18 hải lý, tui thấy hai, ba con cá liệt, cá liệt cạn loại lớn cỡ bàn tay, cá sóc nổi lờ đờ, đi theo mé nước rứa. Anh em tui thấy rứa chứ không vớt làm chi. Ngoài bờ 18 hải lý cũng có những luồng nước màu vàng này, cứ khoảng 1 lý là có một luồng, bây giờ dân cũng không có ai dám bủa lưới xuống hết trơn".

Ông Ngọc cho biết thêm là hiện nay, ngư dân làng chài Bình An khủng hoảng nặng bởi biển nhiễm độc một cách trầm trọng. Nếu như năm 2016, Formosa xả độc vào biển và sau đó cá chết hàng loạt các bờ biển miền Trung thì hiện nay, cá không còn để mà chết, những vùng nước đỏ, nước vàng tràn ngập bờ biển Thừa Thiên Huế trong vài ngày trở lại đây hoàn toàn không có bất kì con cá nào.

Nhiều ngư dân bị mất lưới bởi chất nước màu vàng này bởi nó là một loại hợp chất rất kì lạ, có màu vàng như nước phèn, nặng và đậm đặc, kéo đi từng luồng, cách nhau một hải lý thì có một luồng như vậy và có mùi rất hắc, tanh nồng khó chịu. Nếu đi ngang qua vùng có nguồn nước như vậy thì rất khó thở. Lưới bị luồng nước đó bám vào sẽ bị xuống đáy biển, không tìm lại được.

Lưới của gia đình ông Ngọc cũng bị dính luồng nước và mất hết một cuộn, cuộn còn lại, ông mở ra cho chúng tôi xem thì bám đầy chất nhầy màu vàng hôi thối, nồng nặc. Và ông Ngọc nói thêm là không có con cá nào dính lưới được khi luồng nước vàng đục đi qua.

Ông Ngọc khẳng định đây là luồng nước đến từ phía Bắc, bởi với kinh nghiệm đi biển lâu năm của ông, vài mùa tháng 12 âm lịch trở đi cho đến tháng 5 âm lịch, dòng hải lưu chuyển mạnh từ phía Bắc vào phía Nam. Chính vì vậy mà năm 2016, khi Formosa xả độc, vùng biển phía Bắc của nó ít bị ảnh hưởng hơn vùng biển phía Nam. Và năm nay cũng vậy, trước đây hai tháng, ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng gặp những luồng nước có màu đỏ, vàng như vậy ngoài khơi, chẳng bao lâu sau đó, luồng nước này di chuyển vào phía Nam và hiện nay, nó chính thức dạt vào bờ biển Bình An, Thừa Thiên Huế.

Cả một dải bờ biển vàng đục, hôi hám, nồng nặc, thuyền chài lại phải đắp chiếu, ngư dân lại tiếp tục ngồi nhìn ra biển và tìm một công việc lao động nào đó để kiếm sống qua ngày. Ông Ngọc cho rằng nếu tình trạng này kéo dài thì thị trường lao động Việt Nam sẽ rối loạn. Bởi chỉ số thất nghiệp của Việt Nam vẫn còn cao, bây giờ thêm hàng triệu ngư dân tìm việc nữa thì e rằng nguy cơ đói khổ là thấy trước mắt.

Lại một mùa biển chết đang kéo đến bờ biển miền Trung. Và lại một lần nữa, ngư dân Việt Nam phải lắc đầu, nói rằng biển Việt Nam không còn cá !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Nguồn : RFA, 28/03/2017

***********************

Ba tàu cá Việt Nam bị bắt ở Solomon (RFA, 28/03/2017)

bien3

Tàu cá Việt Nam ở cảng Đại Lãnh, Khánh Hòa. AFP photo

43 ngư dân Việt Nam trên ba tàu cá đã bị bắt giữ hôm 26 tháng 3 khi đang đánh bắt trái phép ở khu vực gần quần đảo Solomon. Radio New Zealand loan tin này hôm 28 tháng 3.

Tổng cộng có 4 tàu cá Việt Nam đánh bắt tại khu vực cách đảo Rennell về phía nam khoảng 50 km. Sau khi các tàu của lực lượng cảnh sát tuần tra quần đảo Solomon vây bắt, 1 tàu cá đã chạy thoát do lợi dụng thời tiết xấu.

Thời gian gần đây, nhiều tàu cá Việt Nam đi đánh bắt xa bờ tới các vùng nước khác và bị nước chủ nhà bắt vì đánh bắt trái phép. Gần đây nhất là hôm 16 tháng 3 khi cảnh sát Brunei bắt giữ một tàu cá Việt Nam cùng 10 ngư dân vì đi vào vùng biển của nước này để đánh bắt cá.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia mới đây cũng cho biết trong vòng tháng 3 năm 2017, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có tới 350 ngư dân cùng hơn 30 tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị Indonesia bắt giữ vì đánh bắt trái phép tại vùng nước của Indonesia.

********************

Thuyền cá Việt Nam bị bắt ở Quần đảo Solomon (BBC, 28/03/2017)

bien4

Thuyền cá Việt Nam như thế này đã bị bắt ngoài Thái Bình Dương (ảnh minh họa)

Ba thuyền cá Việt Nam với 43 thuyền viên vừa bị bắt vì hoạt động trái phép ở Quần đảo Solomon trong khi số ngư dân Việt bị nước ngoài bắt gia tăng.

Radio New Zealand trong bản tin 28/3 cho hay các thuyền này bị phát hiện đang đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc tỉnh Rennell và Bellona của Quần đảo Solomon.

Thông cáo của cảnh sát nói trên ba thuyền có tổng cộng 43 thuyền viên, những người này bị bắt ở gần rạn san hô Indespensable, cách đảo Rennell 50 cây số về phía nam.

Cảnh sát đã tới nơi khi được người dân ở Makira thông báo.

Hai tàu tuần tra RSIPV Auki và RSIPV Lata đã được điều tới hiện trường, nhưng chỉ bắt giữ được ba thuyền cá trong khi chiếc thứ tư đã chạy thoát.

Hiện các thuyền viên Việt Nam đã được chở tới thủ phủ Quần đảo Solomon là Honiara để thẩm vấn và được tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đã được thông báo về việc này.

Báo chí địa phương cũng nói đã phát hiện nhiều thuyền cá của Việt Nam đánh bắt ngoài khơi tỉnh Temotu, một tỉnh khác của Quần đảo Solomon.

Đánh bắt xa bờ

Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ đang gia tăng, chủ yếu vì nguồn cá trong vùng biển Việt Nam ngày càng ít ỏi.

Con số ngư dân bị bắt khi vào các vùng biển của nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng.

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia cho hay chưa hết tháng 3/2017, theo con số thống kê chưa đầy đủ, tháng này đã có tới 350 ngư dân trên 30 tàu cá của Việt Nam bị Indonesia bắt.

Để so sánh, con số ngư dân Việt bị Indonesia bắt trong tháng 3/2017 tương đương con số cả năm 2014.

Sứ quán Việt Nam đã can thiệp đưa 250 ngư dân về nước trong tháng 3/2017.

Giới chuyên gia về an ninh hàng hải cho hay mới đây đã thấy thuyền cá Việt Nam, đôi khi có kiểm ngư đi kèm, đánh bắt gần bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Chưa thấy Trung Quốc, quốc gia đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt từ tháng 5 tới tháng 8 mỗi năm trong vùng Biển Đông mà họ nhận chủ quyền, phản ứng gì.

Published in Diễn đàn