Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/05/2019

Đánh cá trên Biển Đông : Việt Nam và Malaysia cơm không lành canh không mặn

Tổng hợp

Malaysia "tuyên chiến" với tàu cá Việt Nam (VNTB, 21/05/2019)

Malaysia đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Việt Nam rằng họ cam kết bảo vệ nguồn tài nguyên hàng hải và ngư trường trị giá hàng tỷ ringgit ở Biển Đông.

Tàu của Cơ Quan Thực Thi Pháp Luật Hàng Hải Malaysia MMEA 

Ngày 25 tháng 4, Malaysia đã khởi xướng một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) tránh nạn đánh bắt trộm của ngư dân Việt Nam.

Wisma Putra đã gởi tiếp một bức thư phản đối mạnh mẽ cho Hà Nội, thông qua đại sứ Việt Nam ở Malaysia ngày 8 tháng 5, báo hiệu "cuộc chiến"chống lại nạn đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam.

Lực lượng đặc nhiệm đã huy động một lực lượng hàng hải liên kết hải quân, thuỷ quân lục chiến và ngư nghiệp cùng hàng ngàn nhân viên, cũng như với sự hỗ trợ lực lượng không quân " quan sát từ trên cao".

Chiến công mới nhất là vào ngày 11 tháng 5 khi tàu tuần tra Hoàng gia Malaysia, KD Pahang, bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam đang chạy trốn cách Kemaman khoảng 130 hải lý về phía đông bắc, cùng với thủy thủ đoàn 14 người.

Cùng ngày, một tàu đánh cá khác với 29 thành viên phi hành đoàn đã bị Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) bắt giữ, cách bờ biển Kuching, Sarawak khoảng 80 hải lý.

Ngày 4 tháng 5, MMEA đã bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam, với 24 ngư dân, cách thủ đô Kuala Pahang 83 hải lý.

Đô đốc Datuk Seri Zulkifli Abu Bakar, tổng giám đốc MMEA, cho biết lực lượng đặc nhiệm sẽ không nhân nhượng việc chống lại các hoạt động phi pháp của ngư dân Việt Nam, những người đang khai thác cá bất hợp pháp trị giá 6 tỷ RM mỗi năm.

Sự phá hủy gián tiếp các rạn san hô trên các hòn đảo ngoài khơi Terengganu, Pahang, Johor, Sarawak và Sabah đang ảnh hưởng đến ngành du lịch Malaysia Malaysia.

Tờ Thời báo Chủ nhật mới đã biết Malaysia đang dự tính gia tăng hình phạt đối với thủ phạm là một biện pháp răn đe cứng rắn hơn.

Zulkifli nói : Ngư dân Việt Nam dường như không quan tâm gì tới việc gia tăng hình phạt của chính quyền Viêt Nam trong Luật Thuỷ sản sửa đổ. Ngay cả Thẻ vàng của Liên Hiệp Châu Âu rút cho họ vào tháng 10 năm 2017 dường như cũng không có hiệu lực.

Thẻ vàng là sự cảnh báo cho Việt Nam vì đã không giải quyết việc đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không kiểm soát, dẫn đến lệnh bị cấmxuất khẩu hoàn toàn sang Châu Âu, nơi vốn là nhà nhập khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới.

Giá trị toàn cầu của đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát ước tính trong khoảng 10 tỷ đến 20 tỷ euro một năm. Khoảng 11 triệu đến 26 triệu tấn cá bị đánh bắt trái phép mỗi năm, chiếm ít nhất 15% sản lượng đánh bắt trên thế giới.

Thái Lan đã bị nhận Thẻ Vàng vào tháng 4 năm 2015, nhưng đã được thu hồi thẻ vàng vào tháng 1 năm nay sau khi giải quyết thành công những thiếu sót trong hệ thống hành chính và pháp lý ngư nghiệp.

Zulkifli tin rằng chính quyền Việt Nam phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc giải quyết tình hình.

"Tôi tin rằng Việt Nam có hàng chục ngàn tàu cá và chính quyền của họ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát ngư dân".

Được biệt Việt Nam có tới có 80.000 tàu đánh cá và vì nghèo đói mà ngư dân buộc phải đánh cá trộm vì thu lợi nhanh chóng.

Khánh Anh dịch

************

Trong hai tuần, Malaysia bắt 123 ngư dân Việt ‘cướp đoạt hải sản’ (Người Việt, 21/05/2019)

Trong vòng hai tuần lễ đầu tháng 5/2019, Malaysia đã bắt giữ 123 ngư dân Việt với 25 chiếc tàu đánh cá bị cáo buộc khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền nước họ.

Ngư dân địa phương cập cảng tại một chợ cá ở Tanjung Karang, một làng chài ở trung tâm Malaysia bên bờ sông Tengi. (Hình minh họa : Saeed Khan/AFP/Getty Images)

Cơ quan Malaysian Maritime Enforcement Agency (MMEA) tương ứng với Cảnh Sát Biển của các nước, loan báo như trên về chiến dịch hoạt động kiểm soát trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của nước họ từ ngày 2 đến 16/5.

Trong hai tuần lễ, họ kiểm tra 226 tàu và bắt giữ 25 tàu, đều của Việt Nam. Tất cả bị cáo buộc khai thác thủy sản trong vùng biển của họ mà không có giấy phép hợp lệ, tức đánh cá lậu. Số lượng tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ nhiều hơn những gì người ta được biết cuối tuần trước.

Nếu kể từ đầu năm ngoái cho đến giữa tháng Năm này, như thế, Malaysia đã bắt giữ tất cả 163 tàu đánh cá của Việt Nam trên đó có 1.258 ngư dân. Số tàu và ngư dân bị bắt khá lớn nhưng chỉ thấy báo chí trong nước đưa tin một vài vụ nên dư luận không nhìn thấy rõ tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Tuần trước, chính phủ Malaysia cảnh cáo sẽ đối xử thẳng tay với ngư dân Việt Nam bị cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ trên Biển Đông.

Trong một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam, theo tờ Straits Times hôm Chủ Nhật, 19 tháng Năm, chính phủ Malaysia đã chuyển đến tòa đại sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur hôm 8/5 bản phản đối các hành động mà họ gọi là "cướp đoạt hải sản" của các tàu đánh cá Việt Nam.

Résultat de recherche d'images pour "Ngư dân Malaysia chuyển cá"

Giới chức Malaysia bắt giữ một tàu cá Việt Nam hồi tháng 3/2016.

Tháng Tư trước đó, Malaysia thành lập một tổ chức đặc nhiệm nhằm đối phó với nạn khai thác thủy sản lậu của các tàu nước ngoài, đặc biệt là từ phía Việt Nam. Đội đặc nhiệm bao gồm lực lượng của các cơ quan khác nhau từ hải quân, cảnh sát biển hoạt động theo dõi giám sát cả trên mặt nước lẫn từ trên cao của lực lượng không quân.

Ngày 11/5, tàu tuần của Hải quân Malaysia đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 14 ngư dân mà họ nói ở khoảng 130 hải lý Đông Bắc tỉnh Kemaman. Cùng một ngày, MMEA bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam khác với 29 ngư dân ở khoảng 80 hải lý ngoài khơi tỉnh Kuching, bang Sarawak. Trước đó, ngày 4 tháng Năm, MMEA đã bắt giữ một tàu đánh cá của Việt Nam với 24 ngư dân trên vùng biển 83 hải lý gần thành phố Kuala Pahang.

Vẫn theo tờ Straits Times, chính phủ Kuala Lumpur còn đang trù tính cả chuyện gia tăng các sự trừng phạt nhằm đối phó với các vụ khai thác thủy sản lậu. Trong những năm qua, Malaysia đã bắt giữ rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam. Ngư dân bị bỏ tù và tàu đánh cá bị tịch thu dù không bị đánh chìm như Indonesia.

Hơn 500 chiếc thuyền các nước đã bị chính phủ Indonesia ra lệnh đánh chìm, trong đó có 284 tàu đánh cá của cá Việt Nam kể từ tháng Mười, 2014 đến nay, tức từ khi ông Widodo lên làm tổng thống, sau khi bị bắt với cáo buộc khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Vụ mới nhất diễn ra ngày 4/5/2019, Indonesia đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 tàu của ngư dân Việt Nam, sáu tàu Malaysia, hai tàu Trung Quốc và một tàu Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.

Việc Indonesia đánh chìm một số lượng lớn tàu đánh cá ngoại quốc diễn ra chỉ một tuần sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Hải quân Indonesia với một số tàu kiểm ngư của Việt Nam tại vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn chủ quyền giữa hai nước.

Nay đến lần Malaysia loan báo sẽ mạnh tay hơn nữa đối với ngư dân Việt. Thống kê của Malaysia cho thấy từ năm 2006 đến đầu tháng Năm, 2019, Malaysia bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7,000 ngư dân bị cáo buộc xâm phạm vùng biển Malaysia, khai thác thủy sản bất hợp pháp. (TN)

******************

Joko Widodo tái đắc cử tổng thống Indonesia (RFI, 21/05/2019)

Theo kết quả được Hội đồng Bầu cử Indonesia công bố hôm nay, 21/05/2019, ông Joko Widodo đã chính thức tái đắc cử tổng thống với 55,5% số phiếu, Tổng thống Widodo đã tuyên bố chiến thắng, nhưng đối thủ, cựu tướng Prabowo Subianto, tố cáo đã có gian lận phiếu.

media

Tổng thống Joko Widodo trong một cuộc vận động tranh cử tại Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 07/04/2019. Reuters / Willy Kurniawan

Với 86 triệu trên tổng số 154 triệu phiếu bầu, ông Joko Widodo dành được ủng hộ từ các khu vực có mật độ dân số lớn như Bali và Đông Java. Chương trình phát triển kinh tế, cải tổ cơ sở hạ tầng đã giúp ông Widodo giành chiến thắng, đối lập hoàn toàn với chính sách tăng cường ngân sách cho quân đội và quốc phòng, theo chủ trương của đối thủ Subianto.

Ông Prabowo Subianto, từng thất cử trước tân tổng thống Widodo trong cuộc bầu cử năm 2014, tố cáo rằng đã có gian lận trong quá trình kiểm phiếu, và đe dọa sẽ phát động phong trào biểu tình rầm rộ.

Theo AFP, để đảm bảo an ninh, chính quyền Jakarta đã huy động hơn 30 ngàn cảnh sát và binh sĩ nhằm đề phòng người ủng hộ ông Subianto xuống đường biểu tình.

Từ nhiều ngày qua, chính quyền Jakarta đã kêu gọi những người ủng hộ cựu tướng Subianto đừng xuống đường, vì có nhiều nguy cơ khủng bố. Lực lượng cảnh sát tuần trước đã bắt giữ hàng chục nghi can có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Trong số này, một số người đã có kế hoạch đánh bom vào các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Gia Hưng

Quay lại trang chủ
Read 561 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)