Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đại dịch ở Vũ Hán : Trung Quốc truy bức các nhà báo công dân

Có ít nhất sáu nhà báo công dân Trung Quốc bị chế độ bỏ tù vì dám điều tra, lưu trữ những tài liệu về thực tế đại dịch ở Vũ Hán. Chính quyền Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình muốn rằng người dân chỉ được phép nhớ đến "chiến thắng" trước con virus.

nhabao1

Một trong những "bức ảnh trong năm" của Reuters chụp ngày 01/02/2020 : Một người mẹ đưa con đi chữa bệnh, trong lúc Hồ Bắc bị phong tỏa, bị chận lại ở trạm kiểm soát trên cầu Cửu Giang bắc qua sông Trường Giang, rốt cuộc đã được sang tỉnh Giang Tây. Trung Quốc muốn xóa sạch những ký ức u ám, dành chỗ cho "chiến thắng" trước con virus ở Vũ Hán. © Reuters/Thomas Peter/File photo

Luật an ninh toàn diện, vaccin Covid và tiền ảo bitcoin lên giá đến gần 20.000 đô la là các chủ đề chính của các nhật báo Pháp hôm nay 02/12/2020.

"Chiến binh sói" Trung Quốc ngày càng hung hăng

Liên quan đến Trung Quốc, trong bài "Úc, mục tiêu mới của ngoại giao hiếu chiến Bắc Kinh", La Croix nhận xét nay Trung Quốc thẳng thừng đe dọa bất kỳ ai phản đối mình. Vì là quốc gia đầu tiên loại Hoa Vi (Huawei) khỏi mạng 5G, và đòi hỏi mở điều tra độc lập về xuất xứ của con virus corona Vũ Hán, Úc đã bị Trung Quốc trừng phạt về kinh tế lẫn ngoại giao.

Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 30/11 đã đăng lên Twitter một "fake news" tấm ảnh được photoshop, trong đó một quân nhân Úc đang kề con dao đẫm máu vào cổ một trẻ em Afghanistan, kèm theo dòng chữ tiếng Anh "Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình".

Thủ tướng Úc Scott Morrison giận dữ tuyên bố : "Chính quyền Trung Quốc phải xấu hổ vì vụ này !". Ông đòi hỏi phải xóa tweet trên và Bắc Kinh phải xin lỗi. Tuy nhiên "chiến lang" (chiến binh sói) Triệu Lập Kiên, vốn nổi tiếng chuyên khiêu khích, chẳng những không xóa mà còn "ghim" tweet này lên hàng đầu, còn Twitter thay vì xóa chỉ ghi chú là "ảnh nhạy cảm".

Đối với nhà Trung Quốc học Philippe Le Corre thuộc Harvard Kennedy School, Hoa Kỳ, sự kiện "một người chỉ là phụ tá phát ngôn viên Trung Quốc lại thành công trong việc gây rối loạn quan hệ quốc tế trên Twitter" chứng tỏ ngoại giao Trung Quốc ngày càng hung hăng đối với những nước phản đối hoặc đặt lại vấn đề mô hình chính trị Bắc Kinh. "Trung Quốc gia tăng đe dọa, với cả Na Uy, Thụy Điển, và giam giữ hai con tin Canada".

Châu Âu chưa ủng hộ đúng mức đồng minh Úc 

Chuyên gia Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, giảng viên trường Sciences-Po Paris khẳng định : "Bắc Kinh muốn lấy Úc để làm gương, cho thấy cái giá phải trả khi chỉ trích Trung Quốc". Vì là quốc gia đầu tiên loại Hoa Vi, tố cáo Trung Quốc can thiệp vào chính trường nước mình, đòi mở điều tra độc lập về xuất xứ của con virus corona, Canberra đã phải trả giá đắt : Trung Quốc thô bạo ngưng nhập một lượng lớn nông sản Úc như thịt bò, lúa mạch hoặc gỗ, tăng 212% thuế đánh vào rượu vang Úc.

Tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra phân phát cho báo chí một tài liệu nêu ra 14 bất bình với lời cảnh báo về "Trung Quốc hùng mạnh ngày nay". Tóm lại, cánh cửa vào thị trường Trung Quốc có thể bị đóng lại bất kỳ lúc nào. Ông Antoine Bondaz nhấn mạnh : "Điều tương tự có thể xảy ra với Pháp, vì vậy Paris cũng như Liên Hiệp Châu Âu (EU) cần phải phản ứng mạnh mẽ. Nếu một nước Châu Âu bị Trung Quốc trừng phạt, toàn bộ Liên hiệp phải trả đũa. Trung Quốc chỉ bảo vệ tự do mậu dịch khi nào có lợi cho họ".

Hôm thứ Hai 30/11 khi vụ này nổ ra, tân tham mưu trưởng Hải quân Pháp, đô đốc Pierre Vandier, đang thăm Nhật Bản, đã lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương – một phát biểu hiếm hoi. Ông Philippe Le Corre phê phán việc "thiếu vắng sự ủng hộ của EU và Pháp đối với Úc, láng giềng của chúng ta ở Tân Calédonie và Polynésie, đồng thời là đồng minh của chúng ta tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trước Trung Quốc".

Trung Quốc truy bức các nhà báo công dân điều tra về Vũ Hán

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài điều tra "Làm thế nào Trung Quốc truy tìm và tống giam các nhà báo công dân đã kể lại việc phong tỏa Vũ Hán". Có ít nhất sáu người đã bị bỏ tù, làn sóng đàn áp này cho thấy sự hoang tưởng của Bắc Kinh đối với tất cả những câu chuyện nào khác với tuyên bố chính thức về Covid-19.

Trần Mai (Chen Mei) và Thái Vĩ (Cai Wei), hai thanh niên 27 tuổi, có thú vui là lưu trữ trên nền tảng Mỹ GitHub các bài viết trên báo hay mạng xã hội đã bị kiểm duyệt xóa mất. Chính quyền chưa bao giờ quan tâm đến hoạt động này, cho đến khi đại dịch corona ở Vũ Hán làm tăng thêm hàng trăm trang tài liệu trên trang của họ. Cả hai bị bắt vào tháng Tư, bị nhốt ở một nơi bí mật trong 55 ngày trước khi khởi tố vì "kích động gây bất ổn" - một tội danh mơ hồ có mức án đến bốn năm tù, thường dùng để trừng phạt những người đấu tranh.

Tính luôn cả hai nhà sử học tập sự này, đã có ít nhất sáu nhà báo công dân tham gia tìm kiếm sự thật về Vũ Hán đã bị tống giam. Có thể kể Trần Thu Thực (Chen Qiushi) đã đăng trên YouTube những phóng sự về các bệnh viện Vũ Hán vào lúc đại dịch bắt đầu và đã bị biệt giam ở nơi nào đó gần 300 ngày. Hay Trương Triển (Zhang Zhan), nữ luật sư ở Thượng Hải đi quay phim cư dân Vũ Hán những ngày phong tỏa, bị bắt vào tháng Năm và bị truy tố vì "gây rối". Bà đã bác bỏ cáo buộc đó và tuyệt thực. Khung cửa nay thụ lại rất hẹp cho những người trẻ lý tưởng ngỡ rằng có thể làm nhiệm vụ tìm kiếm sự thực cho công dân.

Kho lưu trữ trên mạng những thực tế thời đại

Trần Mai là kỹ thuật viên tin học của một hiệp hội trợ giúp trẻ em khiếm thính ở Bắc Kinh, đã cùng với Thái Vĩ lập ra trang web Terminus2049, đặt theo tên hành tinh Terminus, nơi một nhà thông thái đã lưu trữ kiến thức của nhân loại trong tác phẩm viễn tưởng của nhà văn Mỹ Isaac Asimov. Ở đó có những bài báo, những cuốn sách bị cấm tại Trung Quốc, tài liệu về vụ thảm sát Thiên An Môn, nội dung một trang thông tin Hồng Kông, và một diễn đàn là nơi trao đổi ẩn danh nhờ kết nối qua VPN.

Khi việc virus lây từ người sang người được chính thức công nhận ở Vũ Hán hôm 20/01, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ những tin đồn, lo sợ và phẫn nộ. Một bài viết trên diễn đàn dành cho trí thức được lan truyền rộng rãi, nhận định người Trung Quốc ngày nay phải trả giá vì đã không đấu tranh cho tự do báo chí trong suốt 50 năm qua.

Nhật báo cấp tiến Tuổi Trẻ đăng bài phỏng vấn đầu tiên với Lý Văn Lượng (Li Wenliang), vị bác sĩ đã cảnh báo và sau đó tử vong vì con virus. Trên ứng dụng WeChat, một cư dân Vũ Hán đăng ảnh tám người chết tại một bệnh viện, nơi tuyên bố không có ca nào. Tất cả những nội dung này đều bị kiểm duyệt xóa mất, nhưng được lưu trữ và có thể tham khảo trên Terminus2049. Trần Mai và Thái Vĩ bị buộc tội "lan truyền thông tin sai lạc gây ảnh hưởng xấu cho xã hội".

Tập Cận Bình muốn chỉ nhớ đến chiến thắng trước virus

Le Monde đã gặp gỡ người anh của Trần Mai là Chen Kun, 33 tuổi đã sang Indonesia khi đại dịch mới bắt đầu rồi du học tại Pháp. Anh nhận định chính quyền Bắc Kinh muốn rằng mọi người chỉ được nhớ một điều là chiến thắng của Trung Quốc trước đại dịch. Bản thân anh từng là nạn nhân trong đợt đàn áp các hiệp hội, bị giam trong một căn cứ quân sự gần Bắc Kinh.

Vào thời điểm năm 2015, có đến 300 luật sư bị câu lưu và khoảng hơn 10 người bị lãnh án nặng. Thời kỳ trước đây, khi một nhà đấu tranh bị bắt thì trên mạng xã hội mọi người đều lên tiếng, các luật sư độc lập hỗ trợ thân nhân… đã hoàn toàn chấm dứt sau khi Tập Cận Bình lên ngôi.

Chen Kun kể, anh chọn một luật sư độc lập cho em mình, nhưng Chen Mei bị buộc phải chấp nhận các luật sư được chỉ định. Vấn đề là những luật sư này từ chối nói chuyện với gia đình, chỉ lặp lại những gì công an cáo buộc thay vì biện hộ. Anh thành công trong việc khiến hai luật sư chỉ định này rút lui, nhờ đe dọa sẽ thông báo cho các khách hàng quốc tế của họ về thái độ này. Một chiến thắng mang tính biểu tượng, vì hai luật sư khác lại được chỉ định.

ARN thông tin và tự do của các nhà nghiên cứu

Trên lãnh vực y tế, trang khoa học của Le Monde dành rất nhiều đất để nói về "Covid-19 : Câu chuyện dài của các vaccin ARN thông tin", và trong bài xã luận nhấn mạnh đến "ARN thông tin : Bài học tự do của Katalin Kariko".

Hãy hình dung một cuộc chạy đua thế vận với 12 vận động viên ở điểm xuất phát, trong đó có 4 Trung Quốc và 4 Mỹ, hầu hết đều có những thành tích đáng nể. Ngược lại, có hai vận động viên chưa bao giờ có huy chương, và lần đầu tiên được dự chung kết, nhưng rốt cuộc họ đã cùng nhau về đầu. Đó là câu chuyện của Pfizer/BioNTech và Moderna, với vaccin chống Covid được loan báo hiệu quả đến 95%.

Để chế tạo vaccin, lâu nay các nhà nghiên cứu sử dụng con virus được vô hiệu hóa hoặc làm yếu đi, hoặc chỉ một mẩu virus, hoặc phối hợp với một virus khác đã được kiềm chế, để cơ thể tạo ra kháng thể chống lại. Theo phương pháp mới, tế bào phải tự làm việc, sau khi được đưa vào các chỉ thị dưới dạng ARN.

Le Monde nhấn mạnh đến việc bảo đảm tự do cho các nhà nghiên cứu, vì đôi khi khoa học tiến triển theo những con đường bất ngờ, với những cá nhân độc đáo. Katalin Kariko, sinh tại Hungary cách đây 65 năm, con của một người hàng thịt sau trở thành nhà hóa sinh học ở Pennsylvania, Mỹ, là ví dụ.

Nếu không có sự bướng bỉnh theo đuổi một con đường được cho là ngõ cụt của bà, không có cuộc gặp bất ngờ với Drew Weissman, bác sĩ miễn dịch học trẻ tuổi, thì bà đã không nắm được kỹ thuật tạo phản ứng miễn dịch nhờ ARN thông tin. Tiến trình này không chỉ giúp thế giới thoát được cơn ác mộng Covid, mà còn có thể chế tạo được những dược phẩm loại mới chống ung thư, tiểu đường, thiếu máu.

Tờ báo tỏ ý tiếc về sự vắng mặt của Pháp, do thiếu vắng môi trường như ở Mỹ, có thể tài trợ cho các "rủi ro khoa học", và các tập đoàn dược phẩm Pháp gặp khó khăn khi muốn để cho các nhà nghiên cứu có đủ thời gian khai thác những hướng bất định. Câu chuyện vaccin ARN thông tin cho thấy vai trò thường là mang tính quyết định của những nhà khoa học không theo khuôn khổ, và sự cần thiết phải có phương tiện và cơ chế để bảo đảm tự do cho các nhà khoa học.

Bitcoin, "vàng ảo" lên ngôi

Về mặt kinh tế, Les Echos  Le Figaro đều dành nhiều trang báo cho sự kiện bitcoin lập kỷ lục mới 19.920 đô la. Được lập trình với số lượng tối đa là 21 triệu, đồng tiền ảo độc lập với các Nhà nước và ngân hàng trung ương nay được coi là một loại "vàng kỹ thuật số", một vũ khí chống lạm phát.

Ra đời vào cuối năm 2008 và được công bố năm 2009 trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, trong nhiều năm trời chỉ có một ít chuyên gia tin học quan tâm đến bitcoin, sau đó đến giới tội phạm. Mười một năm sau, toàn thế giới lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác : đại dịch corona xuất phát từ Vũ Hán.

Tuy tính chất rất khác nhau, phản ứng của các ngân hàng lại tương tự. Số lượng tiền mặt lớn chưa từng thấy đổ vào các nền kinh tế gây lo ngại lạm phát, và giờ đây không chỉ các nhà đầu tư riêng lẻ mà cả các định chế cũng coi trọng hơn giá trị của bitcoin, nhất là quy định của các nước nay cũng đã dễ dàng hơn với đồng tiền ảo này.

Thụy My

Published in Châu Á

Tổng thống Donald Trump nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng thế giới "phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về những hành động của họ" đã dẫn đến đại dịch Covid-19 toàn cầu.

vuhan1

Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một thông điệp ghi âm trước được phát trong phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, vào ngày 22 tháng 9 năm 2020. (Ảnh chụp màn hình qua Reuters)

"Chúng ta một lần nữa tham gia vào cuộc đấu tranh toàn cầu. Chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến khốc liệt chống lại kẻ thù vô hình, virus corona, đã cướp đi sinh mạng của vô số người ở 188 quốc gia", ông Trump nói vào ngày 22 tháng 9 trong một bài phát biểu được ghi âm trước, trong hội nghị được tổ chức qua mạng do dãn cách xã hội.

Tổng thống Mỹ cho biết, hiện Hoa Kỳ đang tiên phong trong việc nghiên cứu vắc xin Covid-19, hiện đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

TT Trump gọi Trung Quốc là "quốc gia gây ra bệnh dịch cho thế giới", lưu ý rằng trong giai đoạn đầu, khi virus lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, Bắc Kinh đã đóng cửa các thành phố trong khi "cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc, và gây lây nhiễm cho thế giới".

"Trung Quốc lên án lệnh cấm đi lại của tôi đối với họ, ngay cả khi họ hủy các chuyến bay nội địa và nhốt công dân trong nhà", ông Trump nói.

Hoa Kỳ lần đầu tiên nâng cấp cảnh báo du lịch Trung Quốc vào ngày 21 tháng 1 sau khi bệnh nhân virus đầu tiên có tiền sử du lịch đến Vũ Hán được xác nhận. Sau đó, Mỹ đóng cửa biên giới đối với du khách từ Trung Quốc vào ngày 30 tháng 1, cùng ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bùng phát là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Trump cũng chỉ trích cơ quan Liên Hiệp Quốc đã đồng lõa trong việc che đậy dịch bệnh.

"Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, nơi hầu như do Trung Quốc kiểm soát, đã tuyên bố sai sự thật rằng không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người. Sau đó, họ nói sai rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh".

Vào ngày 14 tháng 1, WHO, dẫn lời các nhà chức trách Trung Quốc, cho biết "không có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người", nhưng "khả năng lây truyền từ người sang người hạn chế" là có thể, "có khả năng xảy ra trong gia đình".

"Liên Hiệp Quốc phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về các hành động của họ", Trump nói.

Chính quyền Trung Quốc đã không cảnh báo công khai về nguy cơ lây truyền cho đến ngày 20 tháng 1.

Trong một bài phát biểu video được phát sau đó trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh sự cần thiết của "hợp tác" đa phương, trong một phản ứng rõ ràng trước những lời chỉ trích của Trump. Các quốc gia phải "tuân thủ hướng dẫn của khoa học và thực hiện đầy đủ vai trò hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới", đồng thời từ chối các nỗ lực "chính trị hóa và kỳ thị", ông Tập nói.

Chính quyền Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong đại dịch và các hành vi vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như ở khu vực Tân Cương và Hồng Kông, cũng như việc đàn áp Pháp Luân Công.

Vào ngày 21 tháng 9, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã công bố một cuộc điều tra nói rằng Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) và WHO phải "chịu trách nhiệm" cho sự lây lan của đại dịch. Nếu họ hành động sớm hơn, theo báo cáo của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đợt bùng phát toàn cầu có thể sẽ được ngăn chặn.

"Rõ ràng là nếu Đảng cộng sản Trung Quốc minh bạch, và người đứng đầu WHO quan tâm đến sức khỏe toàn cầu hơn là xoa dịu Đảng cộng sản Trung Quốc, thì có thể người ta đã không chết và tình trạng thiệt hại kinh tế trên diện rộng có thể được giảm thiểu", Michael McCaul (R-Texas), đảng viên Cộng hòa đứng đầu trong ủy ban, cho biết trong một tuyên bố.

Một số nhà lập pháp đã đề xuất các dự luật nhắm vào vai trò của Bắc Kinh trong đại dịch. Vào tháng 7, sáu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã cùng nhau giới thiệu một dự luật cho phép những người Mỹ bị ảnh hưởng nộp đơn kiện chính phủ Trung Quốc tại tòa án Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Martha McSally (R-Ariz.) Cho biết : "Những người Mỹ đã trở thành nạn nhân của sự dối trá và lừa bịp của Đảng cộng sản Trung Quốc… xứng đáng có cơ hội buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường một cách công bằng".

Vào tháng 7, Hoa Kỳ, nước là nhà tài trợ hàng đầu của chính phủ cho WHO có trụ sở tại Geneva, đã thông báo rằng họ sẽ rút khỏi cơ quan này, với lý do WHO đã thất bại trong phản ứng đại dịch và sẽ chính thức có hiệu lực vào năm sau.

Eva Fu

Nguyên tác : At UN, Trump Says World Leaders Must Hold China Accountable for Causing Pandemic, The Epoch Times, 22/09/2020

 

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 24/09/2020

Published in Diễn đàn

Đại dịch viêm màng phổi cấp tính xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã gây mối lo ngại lớn lao và thậm chí hoảng sợ cho người dân Việt Nam.

vuhan1

Người dân Việt Nam đã cảnh giác hơn đối với dịch bệnh và có điều kiện chăm lo cho sức khỏe của mình và cộng đồng hơn

Nói đến dịch bệnh, chẳng cứ người dân Việt Nam, mà bất cứ nước nào đều có những lo ngại nhất định. Tuy nhiên, nếu theo dõi mạng xã hội mấy hôm nay, người ta thấy rất nhiều người dân quan tâm đến cộng đồng, đến sức khỏe của mình và gia quyến, đều hốt hoảng trước việc dịch lan tràn và nguy cơ lan rộng với mức độ hoảng sợ hơn nhiều.

Phải chăng, người dân Việt Nam đã cảnh giác hơn đối với dịch bệnh và có điều kiện chăm lo cho sức khỏe của mình và cộng đồng hơn ?

Đó chỉ mới là một dữ liệu, một điều kiện mà thôi.

Đằng sau việc lo lắng, hoảng sợ của người dân Việt Nam còn nhiều điều khác.

Trước hết, người dân mất lòng tin vào hệ thống truyền thông, báo chí Việt Nam. Người dân Việt Nam đã rất có kinh nghiệm trong việc đón nhận thông tin từ báo chí Việt Nam, nhất là khi có những thông tin ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân, nhất là ảnh hưởng đến sự ổn định theo ý đảng… thì lập tức hệ thống tuyên truyền, báo chí được lệnh nói theo ý đảng nhằm ru ngủ người dân dù tai họa cận kề.

Bởi điều rất đơn giản, là khi cả cộng đồng chịu ảnh hưởng, chịu tai họa… thì đảng vẫn yên chí giữ chiếc ghế quyền lực đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Những quan chức đảng cướp được lắm của nhiều tiền, với những điều kiện tiện nghi, đội ngũ chăm sóc y tế riêng, những cơ đồ lâu đài biệt lập… thì bệnh tình, dịch bệnh là điều không đáng lo ngại.

Tất cả hậu quả, thiệt thòi mất mát dù là cả mạng sống, đều là "quyền lợi" của riêng người dân. Do vậy, hệ thống truyền thông của đảng đã ra sức nói theo hướng có lợi nhất cho đảng, mặc xác người dân khốn đốn hoặc tiêu vong.

Đại thảm họa Formosa là một ví dụ điển hình. Không chỉ là biển chết, là căn bệnh ung thư đối với hàng loạt người dân, là hủy hoại môi trường mà còn là sự suy vong nòi giống Việt bởi thảm họa do Formosa gây ra.

Thế nhưng, chính quyền tự xưng "của dân, do dân, vì dân" đã bằng mọi cách bưng bít dư luận và lái theo hướng mặc xác người dân. Thậm chí quan chức cộng sản còn làm nhiều trò xúi người dân khờ dại lao vào nơi có chất độc.

Qua cách hành xử của nhà nước Việt Nam, người ta thấy rằng với đảng, điều quan trọng hơn, vẫn là giữ vững chiếc ghế đã cướp được, bó từ người dân thật nhiều tiền, vẫn là xà xẻo, tham nhũng là hàng đầu, mặc xác dân lành.

Đặc biệt với những vụ án mà những nhân vật đó thật sự có uy tín, mọi người dễ dàng nhìn thấy họ yêu nước, thương nòi, có tinh thần cộng đồng… đều được báo chí nhà nước nói ngược về phía họ.

Chẳng hạn, với các tù nhân lương tâm, những người hoạt động cộng đồng được quý mến nhưng không vừa lòng đảng thì lập tức báo chí được lệnh xung trận và bịa đặt, chửi rủa bất chấp luật lệ và họ là ai.

Vụ án Đồng Tâm, mà tội ác là tàn sát một ngôi làng, để rồi nửa đêm xông vào nổ súng bắn chết một cụ già Lê Đình Kính gần trăm tuổi. Ba tên công an đã bị chết vì một cái cớ "lãng nhách" là té giếng.

Thế nhưng, ban Tuyên giáo của đảng đã ra lệnh cho báo chí đưa tin theo Công an, mà công an Việt Nam xưa nay đã được đảng nuôi làm bầy chó giữ nhà nên đã bằng mọi cách bịa đặt theo hướng có lợi nhất cho sự tồn tại của đảng.

Chẳng hạn, bất cứ một quan chức nào có những lời nói, hành động hết sức mất nhân tính, độc ác và gây tai họa cho cộng đồng hay gây những tội ác nghiêm trọng… đều được báo chí nhà nước tung hô là hiền lành, là vô sự, là người được kính trọng… Vụ một sĩ quan công an mới bắn chết 5 người trên chiếu bạc vào ngày hôm nay đã là một chứng minh rất rõ ràng.

Chẳng ai có thể tin được khi thấy một Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ngồi nhồm nhoàm ăn cá làm mẫu tại vùng biển mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhà cầm quyền buộc phải thừa nhận Formosa xả thải độc hại giết môi trường.

Chẳng ai có thể tin được khi một ông Cục trưởng cục quản lý Nông lâm sản lại phát biểu rằng : Nếu hàng thủy sản bị nước ngoài trả lại do lượng kháng sinh và độc tố vượt mức cho phép, dân chỉ cần luộc lên là ăn được.

Chẳng ai tin được khi Đà Nẵng công bố gà ăn cá bị chết là do gà ăn quá no chứ không phải do nhiễm độc chết.

Trong khi truyền thông Việt Nam đã mất lòng dân chúng, thì một sự bất tín, vạn sự bất tin" là kinh nghiệm từ bao đời của người dân Việt Nam.

Chính điều đó đã hạn chế những thông tin cần thiết đến với dân chúng khi đại dịch lan truyền, góp phần làm tăng sự lan truyền của đại dịch ở Việt Nam.

Điều người dân Việt Nam, ai cũng biết rất rõ về hiện trạng ngành y tế Việt Nam hiện nay như thế nào.

Trừ một cơ sở duy nhất là Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương và các cơ sở phục vụ Ban này – một Ban lập ra để bảo vệ sức khỏe của các đầy tớ nhân dân – thì còn lại từ Nam đến Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, nạn thiếu cơ sở vật chất của ngành y tế là chuyện đã xảy ra không chỉ một thời.

Ngày nay, thay vì đến bệnh viện để được cách ly, để được điều trị sức khỏe, người dân đến bệnh viện để chen chúc nhau 3-4 người một giường bệnh chưa đầy một mét chiều rộng. Người bệnh chen chúc không chỉ trên giường bệnh mà cả dưới gầm giường bệnh… Câu chuyện bệnh nhân chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Y tế là một câu chuyện điển hình.

Rồi nạn thuốc giả được bày bán, được nhập về công khai trong ngành y tế do em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế mà Bộ trưởng không biết, cũng là một vấn đề gây lo ngại cho cộng đồng.

Người dân trả tiền viện phí ngày càng cao, chen chúc nhau để tự lây nhiễm cho nhau trong các bệnh viện để rồi nhận thuốc giả uống vào cơ thể.

Người dân đến bệnh viện để rồi nhận kết quả xét nghiệm với các mẫu que thử bị xé đôi, bị nhân bản hoặc các bản kết quả xét nghiệm chỉ có bằng máy photocopy mà không cần qua bác sĩ hoặc thí nghiệm…

Với một nền y tế như vậy, người dân lo lắng trước sinh mạng của chính mình, của gia đình, người thân và cộng đồng là điều không có gì lạ.

Hiện nay, đại dịch virus Vũ Hán đã và đang lan truyền với mức độ chóng mặt. Chính quyền Việt Nam đang chống dịch bằng mồm là chính mà chưa có một động thái nào để có thể làm an lòng dân chúng.

Mặt khác, với thể chế chính trị hiện nay, khi mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc vào quan thầy Bắc Kinh, mọi vấn đề liên quan đến Trung Quốc đều thuộc vấn đề nhạy cảm và đều được nhà nước cộng sản Việt Nam kiêng dè, sợ hãi thì đại dịch Vũ Hán càng có cơ hội để bùng phát tại Việt Nam.

Ngoài việc người Trung Quốc có thể ra vào Việt Nam như đi chợ, được xâm nhập bất cứ một nơi nào trên đất nước, thậm chí tổ chức các ổ cờ bạc, tội phạm mà không sợ bị trừng trị. Bởi nếu bị bắt, họ cũng chỉ bị dẫn độ về Trung Quốc theo Hiệp định dẫn độ mà thôi, thì trong đại dịch này, khi mà Trung Quốc đã là nơi không an toàn, thì việc đổ vào Việt Nam trốn dịch, mang theo mầm bệnh vào đây là điều không tránh khỏi.

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết : "Việt Nam và Trung Quốc có hiệp ước biên giới, do vậy muốn đóng cửa biên giới phải có thỏa thuận với Trung Quốc chứ không thể đơn phương".

Trong khi các nước hết sức cảnh giác với đại dịch Vũ Hán, thậm chí tìm mọi cách đưa công dân rời khỏi Vũ Hán, đóng cửa biên giới với Trung Quốc thì Việt Nam vẫn loay hoay trong vòng cương tỏa của Trung Quốc và chống dịch bằng mồm.

Đó chính là những nguyên nhân để người dân Việt Nam hoảng sợ trước đại dịch Vũ Hán.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 31/01/2020 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn