Đại dịch ở Vũ Hán : Trung Quốc truy bức các nhà báo công dân
Có ít nhất sáu nhà báo công dân Trung Quốc bị chế độ bỏ tù vì dám điều tra, lưu trữ những tài liệu về thực tế đại dịch ở Vũ Hán. Chính quyền Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình muốn rằng người dân chỉ được phép nhớ đến "chiến thắng" trước con virus.
Một trong những "bức ảnh trong năm" của Reuters chụp ngày 01/02/2020 : Một người mẹ đưa con đi chữa bệnh, trong lúc Hồ Bắc bị phong tỏa, bị chận lại ở trạm kiểm soát trên cầu Cửu Giang bắc qua sông Trường Giang, rốt cuộc đã được sang tỉnh Giang Tây. Trung Quốc muốn xóa sạch những ký ức u ám, dành chỗ cho "chiến thắng" trước con virus ở Vũ Hán. © Reuters/Thomas Peter/File photo
Luật an ninh toàn diện, vaccin Covid và tiền ảo bitcoin lên giá đến gần 20.000 đô la là các chủ đề chính của các nhật báo Pháp hôm nay 02/12/2020.
"Chiến binh sói" Trung Quốc ngày càng hung hăng
Liên quan đến Trung Quốc, trong bài "Úc, mục tiêu mới của ngoại giao hiếu chiến Bắc Kinh", La Croix nhận xét nay Trung Quốc thẳng thừng đe dọa bất kỳ ai phản đối mình. Vì là quốc gia đầu tiên loại Hoa Vi (Huawei) khỏi mạng 5G, và đòi hỏi mở điều tra độc lập về xuất xứ của con virus corona Vũ Hán, Úc đã bị Trung Quốc trừng phạt về kinh tế lẫn ngoại giao.
Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 30/11 đã đăng lên Twitter một "fake news" tấm ảnh được photoshop, trong đó một quân nhân Úc đang kề con dao đẫm máu vào cổ một trẻ em Afghanistan, kèm theo dòng chữ tiếng Anh "Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình".
Thủ tướng Úc Scott Morrison giận dữ tuyên bố : "Chính quyền Trung Quốc phải xấu hổ vì vụ này !". Ông đòi hỏi phải xóa tweet trên và Bắc Kinh phải xin lỗi. Tuy nhiên "chiến lang" (chiến binh sói) Triệu Lập Kiên, vốn nổi tiếng chuyên khiêu khích, chẳng những không xóa mà còn "ghim" tweet này lên hàng đầu, còn Twitter thay vì xóa chỉ ghi chú là "ảnh nhạy cảm".
Đối với nhà Trung Quốc học Philippe Le Corre thuộc Harvard Kennedy School, Hoa Kỳ, sự kiện "một người chỉ là phụ tá phát ngôn viên Trung Quốc lại thành công trong việc gây rối loạn quan hệ quốc tế trên Twitter" chứng tỏ ngoại giao Trung Quốc ngày càng hung hăng đối với những nước phản đối hoặc đặt lại vấn đề mô hình chính trị Bắc Kinh. "Trung Quốc gia tăng đe dọa, với cả Na Uy, Thụy Điển, và giam giữ hai con tin Canada".
Châu Âu chưa ủng hộ đúng mức đồng minh Úc
Chuyên gia Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, giảng viên trường Sciences-Po Paris khẳng định : "Bắc Kinh muốn lấy Úc để làm gương, cho thấy cái giá phải trả khi chỉ trích Trung Quốc". Vì là quốc gia đầu tiên loại Hoa Vi, tố cáo Trung Quốc can thiệp vào chính trường nước mình, đòi mở điều tra độc lập về xuất xứ của con virus corona, Canberra đã phải trả giá đắt : Trung Quốc thô bạo ngưng nhập một lượng lớn nông sản Úc như thịt bò, lúa mạch hoặc gỗ, tăng 212% thuế đánh vào rượu vang Úc.
Tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra phân phát cho báo chí một tài liệu nêu ra 14 bất bình với lời cảnh báo về "Trung Quốc hùng mạnh ngày nay". Tóm lại, cánh cửa vào thị trường Trung Quốc có thể bị đóng lại bất kỳ lúc nào. Ông Antoine Bondaz nhấn mạnh : "Điều tương tự có thể xảy ra với Pháp, vì vậy Paris cũng như Liên Hiệp Châu Âu (EU) cần phải phản ứng mạnh mẽ. Nếu một nước Châu Âu bị Trung Quốc trừng phạt, toàn bộ Liên hiệp phải trả đũa. Trung Quốc chỉ bảo vệ tự do mậu dịch khi nào có lợi cho họ".
Hôm thứ Hai 30/11 khi vụ này nổ ra, tân tham mưu trưởng Hải quân Pháp, đô đốc Pierre Vandier, đang thăm Nhật Bản, đã lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương – một phát biểu hiếm hoi. Ông Philippe Le Corre phê phán việc "thiếu vắng sự ủng hộ của EU và Pháp đối với Úc, láng giềng của chúng ta ở Tân Calédonie và Polynésie, đồng thời là đồng minh của chúng ta tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trước Trung Quốc".
Trung Quốc truy bức các nhà báo công dân điều tra về Vũ Hán
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài điều tra "Làm thế nào Trung Quốc truy tìm và tống giam các nhà báo công dân đã kể lại việc phong tỏa Vũ Hán". Có ít nhất sáu người đã bị bỏ tù, làn sóng đàn áp này cho thấy sự hoang tưởng của Bắc Kinh đối với tất cả những câu chuyện nào khác với tuyên bố chính thức về Covid-19.
Trần Mai (Chen Mei) và Thái Vĩ (Cai Wei), hai thanh niên 27 tuổi, có thú vui là lưu trữ trên nền tảng Mỹ GitHub các bài viết trên báo hay mạng xã hội đã bị kiểm duyệt xóa mất. Chính quyền chưa bao giờ quan tâm đến hoạt động này, cho đến khi đại dịch corona ở Vũ Hán làm tăng thêm hàng trăm trang tài liệu trên trang của họ. Cả hai bị bắt vào tháng Tư, bị nhốt ở một nơi bí mật trong 55 ngày trước khi khởi tố vì "kích động gây bất ổn" - một tội danh mơ hồ có mức án đến bốn năm tù, thường dùng để trừng phạt những người đấu tranh.
Tính luôn cả hai nhà sử học tập sự này, đã có ít nhất sáu nhà báo công dân tham gia tìm kiếm sự thật về Vũ Hán đã bị tống giam. Có thể kể Trần Thu Thực (Chen Qiushi) đã đăng trên YouTube những phóng sự về các bệnh viện Vũ Hán vào lúc đại dịch bắt đầu và đã bị biệt giam ở nơi nào đó gần 300 ngày. Hay Trương Triển (Zhang Zhan), nữ luật sư ở Thượng Hải đi quay phim cư dân Vũ Hán những ngày phong tỏa, bị bắt vào tháng Năm và bị truy tố vì "gây rối". Bà đã bác bỏ cáo buộc đó và tuyệt thực. Khung cửa nay thụ lại rất hẹp cho những người trẻ lý tưởng ngỡ rằng có thể làm nhiệm vụ tìm kiếm sự thực cho công dân.
Kho lưu trữ trên mạng những thực tế thời đại
Trần Mai là kỹ thuật viên tin học của một hiệp hội trợ giúp trẻ em khiếm thính ở Bắc Kinh, đã cùng với Thái Vĩ lập ra trang web Terminus2049, đặt theo tên hành tinh Terminus, nơi một nhà thông thái đã lưu trữ kiến thức của nhân loại trong tác phẩm viễn tưởng của nhà văn Mỹ Isaac Asimov. Ở đó có những bài báo, những cuốn sách bị cấm tại Trung Quốc, tài liệu về vụ thảm sát Thiên An Môn, nội dung một trang thông tin Hồng Kông, và một diễn đàn là nơi trao đổi ẩn danh nhờ kết nối qua VPN.
Khi việc virus lây từ người sang người được chính thức công nhận ở Vũ Hán hôm 20/01, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ những tin đồn, lo sợ và phẫn nộ. Một bài viết trên diễn đàn dành cho trí thức được lan truyền rộng rãi, nhận định người Trung Quốc ngày nay phải trả giá vì đã không đấu tranh cho tự do báo chí trong suốt 50 năm qua.
Nhật báo cấp tiến Tuổi Trẻ đăng bài phỏng vấn đầu tiên với Lý Văn Lượng (Li Wenliang), vị bác sĩ đã cảnh báo và sau đó tử vong vì con virus. Trên ứng dụng WeChat, một cư dân Vũ Hán đăng ảnh tám người chết tại một bệnh viện, nơi tuyên bố không có ca nào. Tất cả những nội dung này đều bị kiểm duyệt xóa mất, nhưng được lưu trữ và có thể tham khảo trên Terminus2049. Trần Mai và Thái Vĩ bị buộc tội "lan truyền thông tin sai lạc gây ảnh hưởng xấu cho xã hội".
Tập Cận Bình muốn chỉ nhớ đến chiến thắng trước virus
Le Monde đã gặp gỡ người anh của Trần Mai là Chen Kun, 33 tuổi đã sang Indonesia khi đại dịch mới bắt đầu rồi du học tại Pháp. Anh nhận định chính quyền Bắc Kinh muốn rằng mọi người chỉ được nhớ một điều là chiến thắng của Trung Quốc trước đại dịch. Bản thân anh từng là nạn nhân trong đợt đàn áp các hiệp hội, bị giam trong một căn cứ quân sự gần Bắc Kinh.
Vào thời điểm năm 2015, có đến 300 luật sư bị câu lưu và khoảng hơn 10 người bị lãnh án nặng. Thời kỳ trước đây, khi một nhà đấu tranh bị bắt thì trên mạng xã hội mọi người đều lên tiếng, các luật sư độc lập hỗ trợ thân nhân… đã hoàn toàn chấm dứt sau khi Tập Cận Bình lên ngôi.
Chen Kun kể, anh chọn một luật sư độc lập cho em mình, nhưng Chen Mei bị buộc phải chấp nhận các luật sư được chỉ định. Vấn đề là những luật sư này từ chối nói chuyện với gia đình, chỉ lặp lại những gì công an cáo buộc thay vì biện hộ. Anh thành công trong việc khiến hai luật sư chỉ định này rút lui, nhờ đe dọa sẽ thông báo cho các khách hàng quốc tế của họ về thái độ này. Một chiến thắng mang tính biểu tượng, vì hai luật sư khác lại được chỉ định.
ARN thông tin và tự do của các nhà nghiên cứu
Trên lãnh vực y tế, trang khoa học của Le Monde dành rất nhiều đất để nói về "Covid-19 : Câu chuyện dài của các vaccin ARN thông tin", và trong bài xã luận nhấn mạnh đến "ARN thông tin : Bài học tự do của Katalin Kariko".
Hãy hình dung một cuộc chạy đua thế vận với 12 vận động viên ở điểm xuất phát, trong đó có 4 Trung Quốc và 4 Mỹ, hầu hết đều có những thành tích đáng nể. Ngược lại, có hai vận động viên chưa bao giờ có huy chương, và lần đầu tiên được dự chung kết, nhưng rốt cuộc họ đã cùng nhau về đầu. Đó là câu chuyện của Pfizer/BioNTech và Moderna, với vaccin chống Covid được loan báo hiệu quả đến 95%.
Để chế tạo vaccin, lâu nay các nhà nghiên cứu sử dụng con virus được vô hiệu hóa hoặc làm yếu đi, hoặc chỉ một mẩu virus, hoặc phối hợp với một virus khác đã được kiềm chế, để cơ thể tạo ra kháng thể chống lại. Theo phương pháp mới, tế bào phải tự làm việc, sau khi được đưa vào các chỉ thị dưới dạng ARN.
Le Monde nhấn mạnh đến việc bảo đảm tự do cho các nhà nghiên cứu, vì đôi khi khoa học tiến triển theo những con đường bất ngờ, với những cá nhân độc đáo. Katalin Kariko, sinh tại Hungary cách đây 65 năm, con của một người hàng thịt sau trở thành nhà hóa sinh học ở Pennsylvania, Mỹ, là ví dụ.
Nếu không có sự bướng bỉnh theo đuổi một con đường được cho là ngõ cụt của bà, không có cuộc gặp bất ngờ với Drew Weissman, bác sĩ miễn dịch học trẻ tuổi, thì bà đã không nắm được kỹ thuật tạo phản ứng miễn dịch nhờ ARN thông tin. Tiến trình này không chỉ giúp thế giới thoát được cơn ác mộng Covid, mà còn có thể chế tạo được những dược phẩm loại mới chống ung thư, tiểu đường, thiếu máu.
Tờ báo tỏ ý tiếc về sự vắng mặt của Pháp, do thiếu vắng môi trường như ở Mỹ, có thể tài trợ cho các "rủi ro khoa học", và các tập đoàn dược phẩm Pháp gặp khó khăn khi muốn để cho các nhà nghiên cứu có đủ thời gian khai thác những hướng bất định. Câu chuyện vaccin ARN thông tin cho thấy vai trò thường là mang tính quyết định của những nhà khoa học không theo khuôn khổ, và sự cần thiết phải có phương tiện và cơ chế để bảo đảm tự do cho các nhà khoa học.
Bitcoin, "vàng ảo" lên ngôi
Về mặt kinh tế, Les Echos và Le Figaro đều dành nhiều trang báo cho sự kiện bitcoin lập kỷ lục mới 19.920 đô la. Được lập trình với số lượng tối đa là 21 triệu, đồng tiền ảo độc lập với các Nhà nước và ngân hàng trung ương nay được coi là một loại "vàng kỹ thuật số", một vũ khí chống lạm phát.
Ra đời vào cuối năm 2008 và được công bố năm 2009 trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính, trong nhiều năm trời chỉ có một ít chuyên gia tin học quan tâm đến bitcoin, sau đó đến giới tội phạm. Mười một năm sau, toàn thế giới lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác : đại dịch corona xuất phát từ Vũ Hán.
Tuy tính chất rất khác nhau, phản ứng của các ngân hàng lại tương tự. Số lượng tiền mặt lớn chưa từng thấy đổ vào các nền kinh tế gây lo ngại lạm phát, và giờ đây không chỉ các nhà đầu tư riêng lẻ mà cả các định chế cũng coi trọng hơn giá trị của bitcoin, nhất là quy định của các nước nay cũng đã dễ dàng hơn với đồng tiền ảo này.
Thụy My