Hàng ngàn người ủng hộ dân chủ ở Bangkok hôm qua 29/11/2020 biểu tình trước doanh trại của một đơn vị Vệ binh Hoàng gia Thái Lan, vốn được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc vương.
Người biểu tình hôm qua giơ cao những con vịt vàng được bơm căng hơi, mà họ coi là tượng trưng cho quân đội, những người "bước qua đầu" nhân dân để thống trị đời sống chính trị Thái Lan. Đây là cuộc biểu tình mới nhất trong loạt biểu tình diễn ra gần như hàng ngày ở thủ đô Bangkok. Lần này, phong trào đấu tranh nhắm vào trung đoàn bộ binh số 11.
Các lối vào và tường của doanh trại phủ hàng rào dây thép gai, với nhiều cảnh sát mặc y phục chống bạo động đứng gác bên ngoài. Đơn vị này, cũng như trung đoàn bộ binh số 1, được đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Quốc vương Maha Vajiralongkorn từ năm 2019, nhằm củng cố thêm quyền lực cho nhà vua Thái Lan.
AFP trích lời một trong những thủ lĩnh chính của phong trào, Parit "Penguin" Chiwarak : "Hai trung đoàn này trong quá khứ có liên quan đến việc đàn áp dân chúng… Họ cũng đóng một vai trò trung tâm trong các cuộc đảo chính". Cô Farng, một sinh viên 30 tuổi, nhấn mạnh : "Quân đội lẽ ra nên phục vụ chúng tôi, những người đóng thuế, chứ không phải phục vụ chế độ quân chủ… Vai trò của họ là bảo vệ người dân".
Trên thực tế, từ lâu nay, tại Thái Lan, quân đội tự cho là lực lượng bảo vệ Hoàng tộc giàu có, với khối tài sản ước tính 30 - 60 tỷ đô la. Và cũng với danh nghĩa bảo vệ quốc vương, quân đội Thái đã tổ chức hơn một chục cuộc đảo chính kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1932. Lần đảo chính gần đây nhất là hồi năm 2014.
Sau vụ lực lượng an ninh sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình cách nay ít ngày, các nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ tại Thái Lan chủ trương hành động ôn hòa. Người biểu tình yêu cầu thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ chức, Hiến pháp phải được soạn thảo lại, bởi Hiến pháp hiện hành được cho là có nhiều lợi thế cho quân đội. Cải tổ chế độ quân chủ cũng là một yêu sách của phong trào đấu tranh dân chủ Thái Lan.
Thùy Dương