Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2020

Bị rút qui chế đặc biệt, Hồng Kông và Bắc Kinh nhảy dựng

Trung Kiên - Hoàng Trung - Trọng Nghĩa

Mỹ bỏ đặc quyền – Trung Quốc "lồng lộn"

Trung Kiên, Thoibao.de, 02/06/2020

Trước quyết định của Mỹ nhằm chấm dứt một số đặc quyền thương mại dành cho Hồng Kông, giới chức Trung Quốc và Hồng Kông đã có những động thái phản đối quyết liệt.

hongkong1

Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 đã thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh quốc gia với Hồng Kông

Tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily), cơ quan truyền thông của Đảng cộng sản Trung Quốc, ngày 30/5 đã truyền đi thông điệp rằng việc Mỹ chấm dứt các ưu đãi thương mại đặc biệt đối với Hồng Kông là sự "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và hành động này sẽ thất bại ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tước các ưu tiên đặc biệt đối với Hồng Kông cùng các thỏa thuận chính sách liên quan đến khu vực này.

Bài xã luận do Nhân dân nhật báo nhấn mạnh Trung Quốc khẳng định việc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông thể hiện "quyết tâm cứng rắn của mọi người dân Trung Quốc" nhằm chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào Hồng Kông.

"Việc can thiệp vào vấn đề Hồng Kông cũng như can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc sẽ không khiến người dân Trung Quốc sợ hãi và các nỗ lực can thiệp đó sẽ đi đến thất bại"

Theo tờ báo này, những nỗ lực "ép buộc Trung Quốc nhượng bộ về những lợi ích cốt lõi bao gồm chủ quyền và an ninh bằng cách hăm dọa hoặc cưỡng ép… chỉ có thể là suy nghĩ viển vông và mơ giữa ban ngày !" Trung Quốc dọa sẽ trả đũa việc Mỹ chấm dứt các đặc quyền thương mại đối với Hồng Kông.

Chính phủ Hồng Kông thì chỉ trích thông báo của Tổng thống Donald Trump là không chính đáng và nói rằng họ "không lo lắng thái quá về những lời đe dọa như vậy", dù có những lo ngại rằng nó có thể khiến các công ty rời bỏ trung tâm thương mại và tài chính này của Châu Á.

Phát biểu vài giờ sau khi ông Trump nói rằng thành phố không còn được quyền hưởng các đặc quyền kinh tế và một số quan chức có thể phải đối mặt với chế tài, Cục trưởng Cục Bảo an John Lee nói với các phóng viên rằng Hồng Kông không thể bị đe dọa và sẽ xúc tiến các luật mới.

Ông Lee nói : "Tôi không nghĩ rằng họ sẽ thành công trong việc sử dụng bất cứ phương tiện nào để đe dọa chính phủ (Hồng Kông), bởi vì chúng tôi tin rằng điều chúng tôi đang làm là đúng".

Ty trưởng Ty Luật chính Teresa Cheng nói cơ sở cho các hành động của ông Trump là "hoàn toàn sai trái", nói rằng luật an ninh quốc gia là hợp pháp và cần thiết cho cựu thuộc địa của Anh.

Tại Hồng Kông, một nhóm nhỏ những người ủng hộ Bắc Kinh tuần hành đến Lãnh sự quán Mỹ vào ngày thứ Bảy mang cờ Trung Quốc và các biểu ngữ phản đối "sự can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ của Trung Quốc" và gọi ông Trump là " liêm sỉ và vô dụng".

Trước đó, tại buổi họp báo ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu xóa bỏ các biện pháp ưu đãi cho Hồng Kông vì thành phố này đã không còn "tự trị" trước Trung Quốc.

hongkong2

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo ngày 29/5

Phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, ông Trump nói : "Chúng tôi sẽ hành động để xóa bỏ ưu đãi cho Hồng Kông".

Ông cũng cho biết là Mỹ sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông "tham gia trực tiếp hay gián tiếp trong việc kết liễu tự trị của Hồng Kông.

Ông gọi việc Quốc hội Trung Quốc biểu quyết thông qua quyết định về xây dựng, kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông là "tấn bi kịch cho nhân dân Hồng Kông, nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới".

Cũng trong buổi họp báo ngày 29/5, ông Trump nói Mỹ sẽ có biện pháp bảo vệ các đại học Mỹ trước nỗ lực ăn cắp công nghệ của Trung Quốc.

Ông nói sẽ cấm nhập cảnh với "một số người từ Trung Quốc" bị xem là rủi ro an ninh.

Ngay sau phát biểu của ông Trump, Nhà Trắng công bố lệnh tạm ngừng nhập cảnh với sinh viên sau đại học và nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ thứ Hai tuần sau và tiếp tục cho tới khi Tổng thống can thiệp. Lệnh mới nhắm vào những sinh viên và công dân Trung Quốc đã từng làm việc, học và nghiên cứu với các cơ quan Trung Quốc mà Mỹ nói hỗ trợ chương trình "Quân sự – Dân sự kết hợp" của Trung Quốc.

Lệnh này nói Trung Quốc "sử dụng một số sinh viên, đa số là sau đại học, để thu thập tài sản trí tuệ".

Nhà Trắng nói chính sách mới sẽ không ảnh hưởng sinh viên Trung Quốc đi học ở Mỹ vì nguyên do "hợp pháp".

Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng việc Hồng Kông có sự tự trị cao hay không sẽ không do Mỹ phán xét, cảnh báo rằng Mỹ chỉ tự hại chính mình khi trừng phạt đặc khu này.

Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/5 chứng nhận trước Quốc hội Mỹ rằng ngày nay Hồng Kông không còn duy trì một quyền tự chủ cao trước Trung Quốc nên đặc khu này không thể tiếp tục được hưởng quy chế đặc biệt của Mỹ, Thời báo Hoàn Cầu nhanh chóng phản pháo tuyên bố của ông Pompeo.

Tờ báo này viết : "Các chính trị gia Mỹ như ông Pompeo ngạo mạn tin rằng số phận của Hồng Kông nằm trong tay họ… Pompeo đại diện cho sự địa chính trị hóa cuồng loạn mọi thứ liên quan đến Trung Quốc".

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Mỹ chỉ có chiêu bài duy nhất là quy chế đặc biệt đối với Hồng Kông, điều mà Bắc Kinh đã nghiên cứu kỹ.

Tờ này cảnh báo : "Hồng Kông là nguồn thặng dư thương mại lớn nhất của Mỹ, và có khoảng 85.000 công dân Mỹ ở thành phố Trung Quốc này. Hãy chờ xem Mỹ sẽ thiệt hại như thế nào bởi chính động thái của họ".

Chưa dừng lại ở đó, phía giới chức Hồng Kông thân Trung Quốc cũng hưởng ứng mạnh mẽ với làn sóng chỉ trích Mỹ của Trung Quốc. Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) đã tuyên bố Hồng Kông "không có gì phải sợ" các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh có kế hoạch áp dụng ở đặc khu này.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chỉ vài giờ trước khi ông Trump thông báo đã ra lệnh cho cấp dưới bắt đầu quá trình xóa bỏ những đặc quyền mà Mỹ dành cho Hồng Kông ông Trần Mậu Ba đã đưa ra tuyên bố nói rằng : "Chúng tôi có sự tự tin và kinh nghiệm trong việc xử lý những thách thức như thị trường tài chính ở Hồng Kông đã trải qua nhiều lần. Với sự ủng hộ của cả nước (Trung Quốc), chúng tôi không có gì phải sợ".

Ông Trần Mậu Ba tuyên bố việc Mỹ tước quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông sẽ chỉ có "tác động nhỏ" lên nền kinh tế của đặc khu hành chính này bởi vì thống trị nền kinh tế Hồng Kông chính là ngành dịch vụ.

Theo ông Trần Mậu Ba, các sản phẩm Hồng Kông xuất sang Mỹ "chiếm chưa tới 2% trong tổng lượng sản xuất của thành phố", trị giá khoảng 3,7 tỉ đôla Hồng Kông và chiếm chưa tới 0,1% trong tổng sản lượng xuất khẩu của thành phố này.

Ông Trần Mậu Ba tuyên bố : "Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi kịch bản khác nhau".

Quan chức Hồng Kông này nói thêm với việc Mỹ có hành động nhắm vào thành phố này như hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, Hồng Kông cần tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại khác, gồm Nhật Bản và các nước Châu Âu.

Không chỉ tấn công Mỹ trực tiếp về hồ sơ Hồng Kông, Trung Quốc còn dùng biểu tình về vấn đề sắc tộc những ngày qua ở Mỹ để đả kích xứ sở cờ hoa.

Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc đã gọi tình trạng hỗn loạn này là "cảnh tượng đẹp mắt của Pelosi", ám chỉ tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi năm ngoái đã gọi cuộc biểu tình Hồng Kông là "một cảnh tượng đẹp".

Trong khi đó, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV gọi các thành phố xuất hiện biểu tình là "vùng chiến sự" và liên tục đưa tin kèm phân tích về tình hình xung đột sắc tộc tại Mỹ. Vào tối 30/5, một bản tin bình luận được chiếu vào giờ vàng trên CCTV rằng nhân quyền kiểu Mỹ là "đạo đức giả và đáng tởm", đồng thời dùng lại cụm từ "cảnh tượng đẹp mắt" để nhắc khéo Mỹ. CCTV cho rằng các chính trị gia Mỹ nên xin lỗi người dân của họ, đồng thời cho rằng sự hỗn loạn hiện nay là "vết thương tự gây ra" hay "gậy ông đập lưng ông".

Trên mạng Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng câu "Tôi không thở được" – câu mà người biểu tình Mỹ dùng khi xuống đường những ngày qua. Nhiều ý kiến đã chỉ trích bà Hoa như đang muốn cổ vũ cho cuộc biểu tình.

Theo South China Morning Post, nhiều nhà bình luận của Trung Quốc công kích giới chính trị Mỹ vì "tôn vinh" người biểu tình Hồng Kông hồi năm ngoái trong khi không thể kiểm soát được bạo loạn ngay tại quốc gia mình.

Trung Kiên

Nguồn : Thoibao.de, 02/06/2020

**************************

Trung Quốc "tuyên chiến" với quốc tế khi thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông

Hoàng Trung, Thoibao.de, 01/06/2020

Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Năm (28/5) đã gần như nhất trí hoàn toàn trực tiếp thông qua việc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông với 2.878 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Truyền thông mô tả các nhà lập pháp tham dự phiên họp quốc hội tại Đại lễ đường Nhân nhân đã vỗ tay không ngớt khi kết quả bỏ phiếu trực tiếp được cho hiển thị trên màn hình lớn. Quyết định này Quốc hội Trung Quốc được coi như lời tuyên chiến với thế giới dân chủ bởi đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông đe dọa trực tiếp quyền tự trị của đặc khu hành chính này.

hongkong3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bấm nút biểu quyết về dự thảo luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông ngày 28/5

Văn bản vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua có tên gọi chính thức là "Quyết định của Quốc Hội về xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hồng Công".

Trên cơ sở quyết định này, Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc soạn thảo và có thể ban hành các luật liên quan trong một vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.

Luật an ninh Hồng Kông nhằm "ngăn cản, chặn đứng và trừng phạt mọi hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, như các hoạt động ly khai, lật đổ chế độ, khủng bố và sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài". Luật này cũng sẽ cho phép các cơ quan trực thuộc Bắc Kinh thiết lập cơ sở tại Hồng Kông.

Nhật báo Pháp Le Figaro nhận định quyết định ra luật của Bắc Kinh là "một bước tiến dài của cường quốc thứ hai thế giới nhằm kiểm soát trên thực tế thành phố cứng đầu", nhằm thách thức Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế ngay trong đại dịch Covid-19.

Nhật báo Pháp cho rằng việc Bắc Kinh phải trực tiếp ra luật về an ninh Hồng Kông cho thấy "sự thất vọng của chế độ Tập Cận Bình trước cuộc kháng cự ngoan cường của dân chúng Hồng Kông chống lại các can thiệp ngày càng mạnh từ phía nhà lãnh đạo độc đoán nhất trong lịch sử Trung Quốc, kể từ Mao Trạch Đông".

Nhà Trung Quốc học Peter Hays Gries, Đại học Manchester, nhận xét : "Bắc Kinh lo ngại diễn biến tại Hồng Kông hiện nay khiến tình hình xấu hơn hẳn so với một năm về trước. Cuộc kháng cự của phong trào dân chủ tại Hồng Kông khiến kế hoạch phục hưng dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình lâm vào thế khó". Bắc Kinh cũng không còn kiên nhẫn trước việc chính quyền đặc khu không đủ sức áp đặt các đòi hỏi của trung ương, về một luật an ninh quốc gia, từng được đưa ra vào năm 2003. Chính quyền đặc khu phải rút lại do bị chống cự dữ dội. Nhà Trung Quốc học nhấn mạnh là phong trào đòi độc lập cho Hồng Kông khiến Đảng cộng sản Trung Quốc "mất đi uy tín trong con mắt của đông đảo người dân Trung Quốc, vốn có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa sâu đậm".

Nhà Hán học Pháp Jean-Pierre Cabestan, giảng dạy tại Đại học Báp-tít Hồng Kông, cũng cho biết là việc luật mới dự kiến áp dụng vào thời điểm tháng 9, tức trước cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông, có thể coi là một can thiệp "đúng lúc", nhằm giúp Bắc Kinh loại bỏ một số nhân vật "cứng đầu" trong số các ứng cử viên vào Nghị Viện, giảm bớt "nguy cơ đại bại mới của các đảng phái thân Bắc Kinh tại Hồng Kông", như từng diễn ra trong cuộc bầu cử cấp địa phương hồi năm ngoái.

hongkong4

Người biểu tình Hồng Kông chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đối mặt với cảnh sát ngày 16/6/2019

Nhà văn tự do Hồng Kông Hầu Trấn An thì lại cho rằng có hai lý do khiến Đảng cộng sản Trung Quốc gấp rút thúc đẩy "Luật An ninh Quốc gia" tại Hồng Kông.

Ông phân tích : "[…] ưu thế của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là nhờ vào cộng đồng người Hoa di cư, đã phát triển mạng lưới cơ mật trên mọi ngóc ngách của thế giới, đồ sộ đến khủng khiếp. Có thể kể đó là các mạng lưới như tình báo, gián điệp, nghe trộm, theo dõi, tuyên truyền, truy bắt, đánh cắp, ám sát, hối lộ, rửa tiền bẩn, tin tặc. Các mạng lưới bí mật này do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát nhằm vào các mục đích như gây sức răn đe đối với an ninh quốc gia của các nước khác, bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc, bảo vệ quyền lực chính trị của họ, tức là bảo vệ sự an toàn của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Vì quen với con đường như vậy nên Đảng cộng sản Trung Quốc rất lo lắng rằng bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể học theo cách của họ để chống lại họ và lật đổ họ, cho nên đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thì "Luật An ninh Quốc gia" quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Trong khi Hồng Kông là nơi duy nhất ở Trung Quốc mà xưa nay nằm ngoài phạm vi chế tài của "Luật An ninh Quốc gia", đó là nơi duy nhất ở Trung Quốc mà tất cả các quốc gia thù địch với Đảng cộng sản Trung Quốc có thể áp dụng cách làm của họ để chống lại họ ; vì vậy Đảng cộng sản Trung Quốc xem Hồng Kông là lỗ hổng nghiêm trọng gây nguy hiểm cho "an ninh quốc gia" của Trung Quốc, là cái bẫy gây nguy hiểm cho "an ninh chính trị" của Đảng cộng sản Trung Quốc ; vì vậy họ bằng mọi cách phải gấp rút thực thi "Luật An ninh Quốc gia" tại Hồng Kông, bất chấp thực trạng tồi tệ của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cũng như suy thoái kinh tế, không quan tâm đến liệu phe kiến chế thân Đảng cộng sản Trung Quốc có lại đại bại hay không trong kỳ bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào tháng 9/2020 ; cái lý do gọi là "ngăn chặn bạo lực và hỗn loạn" chỉ là để bịt tai che mắt mọi người, chỉ là cái cớ để hạn chế phần nào nghi ngờ và cảnh giác của các cơ quan tình báo các nước địch thủ.

[…] Như vậy động cơ rất rõ ràng : Đó là ngăn chặn tất cả các quốc gia thù địch đứng đầu là Mỹ dùng địa bàn Hồng Kông để hoạt động gián điệp và thu thập thông tin tình báo nhắm vào Đảng cộng sản Trung Quốc !

Tạm thời cho đến nay Hồng Kông vẫn là một cảng tự do hoàn toàn mở, đây không chỉ là một trung tâm tài chính quốc tế, không chỉ là nơi hoạt động rửa tiền sôi động, đây còn là một trung tâm tình báo quốc tế và là nơi ẩn náu ưa thích của nhiều người tị nạn chính trị, đây cũng là một nơi hoạt động sôi động của tình báo quốc tế, cho nên Đảng cộng sản Trung Quốc nhận thấy Hồng Kông là một lỗ hổng nghiêm trọng, càng ngày càng lo khu vực này trở thành căn cứ của các nước thù địch chống Đảng cộng sản Trung Quốc, vì vậy họ không thể kiên nhẫn chịu đựng được nữa, không thể chờ đợi lâu hơn nữa, phải ngay lập tức bịt kín lỗ hổng này !"

Lý do thứ hai ông đưa ra đó là thuyết âm mưu cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang nhắm tới việc hưởng lợi từ thị trường chứng khoán Hồng Kông.

hongkong5

Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông - Ảnh minh họa

Ông viết : "Ngoài ra trong các thuyết âm mưu có một quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán Hồng Kông đã nằm trong mục tiêu đầu cơ từ việc ban hành "Luật An ninh Quốc gia" tại Hồng Kông, điều này sớm đã trong dự liệu của Đảng cộng sản Trung Quốc nên họ cũng tính toán thu về lợi ích lớn thông qua việc kiểm soát thông tin liên quan. Vì vậy tác giả bài này có lý do để tin rằng hai tuần trước khi đạo luật được công bố, nhiều tổ chức và cá nhân có nguồn vốn từ Trung Quốc Đại Lục đã dần bán tháo ra nhằm tận dụng thời cơ thị trường chứng khoán Hồng Kông vào ngày 22/5 tiến gần đáy để mua vào, sau đó chờ đợi tin vui từ Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ có không lâu sau đó khiến thị trường chứng khoán hồi phục và tăng cao trở lại để phát tài. Tin vui là có thể ""Luật An ninh Quốc gia"" tại Hồng Kông không thể thực thi được, hoặc bị tạm đình chỉ, hoặc thậm chí bị hoãn vô thời hạn. Ngay cả khi không có tin vui từ Đảng cộng sản Trung Quốc thì chờ sau một thời gian khi thị trường "tiêu hóa" xong thực trạng xấu này cũng sẽ dần hồi phục trở lại, lúc đó các tổ chức và cá nhân có nguồn vốn từ Trung Quốc cũng có thể thu về lợi nhuận lớn !"

Ngay sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh quốc gia này cho Hồng Kông, Bắc Kinh đã phải đối đầu với áp lực ngày càng tăng của quốc tế.

Ngay trong ngày 28/5, 4 nước Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và Úc đã ra một thông cáo chung lên án Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc sau khi nước này thông qua đạo luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông, nhằm đáp lại các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm ngoái tại đặc khu hành chính này. Bốn nước Tây phương bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc" của họ về một đạo luật "sẽ hạn chế các quyền tự do của người dân Hồng Kông" và "làm xói mòn nghiêm trọng nền tự trị và hệ thống đã giúp cho vùng lãnh thổ này thịnh vượng như thế".

Theo hãng tin AFP, các nguồn tin ngoại giao vừa cho biết là Hoa Kỳ và Anh Quốc đã thuyết phục được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc thảo luận không chính thức, trong một phiên họp kín và qua video, về tình hình Hồng Kông. Vì là cuộc họp không chính thức, nên các thành viên của Hội Đồng Bảo An có thể đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau và trên nguyên tắc Trung Quốc không thể ngăn cản cuộc thảo luận này.

Hôm thứ Tư 27/5/2020, Bắc Kinh chống lại việc tổ chức một cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An mà Washington đã khẩn cấp yêu cầu để bàn về Hồng Kông. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra : Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Theo các quy định được ban hành trong thời gian có dịch Covid-19, các cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An chỉ có thể được tổ chức khi có sự đồng thuận của toàn bộ 15 thành viên. Bình thường ra, một thành viên của Hội Đồng muốn ngăn cản một cuộc họp chính thức phải thu được 9 trên 15 phiếu trong một cuộc bỏ phiếu về thủ tục.

Sau khi Anh, Mỹ, Úc và Canada công bố lên án chung đối với luật an ninh của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố Vương quốc Anh có thể cấp cho người mang hộ chiếu Anh (ở nươc ngoài – BNO) ở Hồng Kông một con đường để có quốc tịch Anh nếu Trung Quốc không đình chỉ các kế hoạch thông qua luật an ninh quốc gia.

BNO được Anh cấp cho người dân ở Hồng Kông trước khi chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.

Thông báo về việc có thể có sự thay đổi trong chính sách, ông Raab cho biết giới hạn sáu tháng đối với các lần lưu trú tại Anh đối với những người có BNO sẽ bị hủy bỏ.

Ông nói : "Nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này và thực thi luật an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ xóa giới hạn sáu tháng đó và cho phép những người mang hộ chiếu BNO đến Vương quốc Anh và nộp đơn xin làm việc và học tập trong thời gian 12 tháng và chính điều này sẽ cung cấp một con đường để trở thành công dân tương lai".

Trước đó, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng cho hay vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ lập một kế hoạch hành động hỗ trợ người dân Hồng Kông trong bối cảnh tình hình Hồng Kông căng thẳng vì kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh bằng việc hỗ trợ nhân đạo dành cho người dân Hồng Kông, theo đó họ có thể cư trú, làm việc và sinh sống ở Đài Loan sớm nhất có thể.

Trong một bài phỏng vấn với nhật báo Pháp Le Figaro (Lơ Phi-ga-gô) ông Steven Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Mỹ đã so sánh Hồng Kông hiện nay với nước Tiệp Khắc và nước Áo vào thời điểm Thế chiến Hai bùng nổ. Chính trị gia Mỹ kêu gọi người Pháp nhớ lại những cái giá phải trả cho việc các nước Tây Âu nhắm mắt làm ngơ trước việc phát xít Đức xâm chiếm hai quốc gia nói trên.

Theo ông Steven Bannon, "nếu phương Tây làm ngơ trước việc Đảng cộng sản Trung Quốc từ bỏ các cam kết duy trì một Hồng Kông tự do và dân chủ, thì không có gì có thể dừng chân họ lại. Tiếp theo Hồng Kông sẽ là Đài Loan, và chúng ta chắc chắn sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh thực sự để bảo vệ Biển Đông".

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 01/06/2020

********************

Trừng phạt Hồng Kông : Báo chí Trung Quốc và chính quyền đặc khu đả kích Tổng thống Mỹ

Trọng Nghĩa, RFI, 31/05/2020

Truyền thông nhà nước Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông vào hôm nay, 31/05/2020, đã lớn tiếng đả kích tổng thống Mỹ, sau khi ông Donald Trump tuyên bố chấm dứt chính sách ưu đãi dành cho Hồng Kông, nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chánh này. 

hongkong6

Một cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, ngày 27/05/2020. AFP - Anthony Wallace

Theo báo chí Trung Quốc ra ngày hôm nay, việc bãi bỏ chế độ ưu đãi đối với Hồng Kông sẽ có hại cho Washington hơn là cho Bắc Kinh. Một bài xã luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc cho rằng "Cây gậy về các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ đang vung lên sẽ không khiến Hồng Kông sợ hãi và sẽ không hạ bệ được Trung Quốc". Tác giả bài xã luận sử dụng bút hiệu Trung Thanh (Zhong Sheng), có nghĩa là "tiếng nói của Trung Quốc", thường được dùng khi tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra lập trường về đối ngoại.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng khẳng định "Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất".

Tại Hồng Kông, một phát ngôn viên chính quyền đặc khu đã lấy làm tiếc về việc mà họ cho là Mỹ tiếp tục "bôi nhọ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp" của Hồng Kông để bảo đảm an ninh.

Theo hãng tin Anh Reuters, như để cho thấy quyết tâm hành động của ngành ngoại giao Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo sẽ cho bán một trong những tài sản chính của Mỹ tại Hồng Kông, một khu dinh thự cao cấp trị giá tới 5 tỷ đô la Hồng Kông (650 triệu đô la).

Theo phát ngôn của lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông, quyết định này nằm trong khuôn khổ một chương trình toàn cầu, nhằm củng cố sự hiện diện của chính phủ Hoa Kỳ tại Hồng Kông, thông qua việc tái đầu tư vào các lãnh vực khác.

Riêng phong trào đòi dân chủ cho Hồng Kông cho biết là họ đang chống lại việc Bắc Kinh bóp nghẹt tự do và quyền tự trị của Hồng Kông bất chấp lời hứa trong thỏa thuận nhận lại vùng lãnh thổ này vào năm 1997. Nhiều cuộc biểu tình được dự kiến vào những tuần lễ tới đây.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 31/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Kiên, Hoàng Trung, Trọng Nghĩa
Read 724 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)