Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

26/06/2018

Luật An ninh mạng : công khai bịt miệng dân và chà đạp nhân quyền

Mai V. Pham

"Luôn luôn trung thành với tổ quốc. Chỉ trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng."

Mark Twain

Đã có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lẫn bộ ngoại giao các nước dân chủ cảnh báo sự sai trái của luật An ninh mạng và đề nghị Quốc hội Việt Nam xem xét không thông qua luật này. Điều đáng chú ý, đã có những cá nhân, trước đây không quan tâm đến chính trị, cũng phản đối mạnh mẽ đạo luật này, vốn được sao chép từ luật An ninh mạng Trung Quốc.

anm1

Luật an ninh mạng Việt Nam được sao chép từ luật An ninh mạng Trung Quốc - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phản đối khắp nơi, cơ quan lập pháp bù nhìn Việt Nam vẫn mặc kệ, ra quyết định thông qua đạo luật vi hiến này. Lại một lần nữa như xuyên suốt hơn 60 năm qua, Quốc hội Việt Nam với hơn 95% là đảng viên, đã chứng minh được sự vô dụng, đớn hèn và vai trò nô lệ của mình : bấm nút theo lệnh của bộ chính trị bất chấp đúng hay sai.

Một ngụy biện rõ ràng của ban tuyên giáo cộng sản về đạo luật này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhằm bảo đảm an ninh mạng. Tất nhiên nước nào cũng có luật, nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng cũng như quyền tự do tối thiểu của người dân. Nhưng duy chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là dùng luật An ninh mạng để che giấu các quy định kiểm soát thông tin, bịt miệng tiếng nói lương tâm của nhân dân nhằm bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Chính bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thừng công khai mục đích của luật An ninh mạng : "Cần có luật này bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi gì thì chửi".

Chúng ta có thể liệt kê nhiều nguyên nhân khác nhau để tố cáo sự mơ hồ, không hợp pháp của luật An ninh mạng. Tuy nhiên, một nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhứt khiến cho đạo luật này trở nên tùy tiện và vi hiến : vi phạm nghiêm trọng quyền tự do con người, vốn được cả Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước quốc tế về Nhân quyền bảo vệ.

Thứ nhứt, luật An ninh mạng chà đạp trắng trợn quyền tự do con người tối thiểu : quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin. Cụ thể là Điều 8, Điều 15 và Điều 26 của đạo luật này :

- CẤM "sử dụng không gian mạng" để "soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin" "có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay "xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc".

- CẤM "sử dụng không gian mạng" để "tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay "xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

- CẤM tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm "tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân," và "thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối".

- CẤM "trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin" mà chính quyền cho là "xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia".

Thế nào là thông tin tuyên truyền chống nhà nước ? Dựa vào hành vi nào, theo điều luật nào để chứng minh hành động "xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối" ? Dựa vào bộ luật nào để quy định "xúc phạm", "xuyên tạc" "xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia" ?

Phải chăng những thông tin trung thực phản ánh sự thật bị quy là "xúc phạm", "xuyên tạc" ? Phải chăng công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận, được Hiến pháp bảo vệ để đóng góp hoặc phê bình, dựa trên dữ liệu lịch sử trung thực, về "quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân" cũng bị chụp mũlà "xúc phạm" ?

Trong thực tế tại Việt Nam, một bài viết chứng minh việc bắt giữ sai trái của Bộ Công an, cũng có thể bị cơ quan an ninh quy tội "xuyên tạc". Hoặc, một cuộc họp mặt ôn hòa được Hiến pháp bảo vệ, giữa những người chia sẽ cùng quan điểm về thực trạng đất nước, hoặc sự không hợp pháp của một điều luật nào đó, cũng có thể dễ dàng bị Bộ Công an quy chụp là "tụ tập đông người gây rối".

Điều 25 Hiến pháp quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình". Nghĩa là công dân hoàn toàn có quyền được bày tỏ chính kiến, phản biện, phê bình, và chỉ trích mọi hoạt động cũng như chính sách bất công của chính phủ.

Khoản 2, Điều 19 Luật Công ước quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng, nhấn mạnh :

"Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ".

Thứ hai, luật An ninh mạng còn vi phạm quyền riêng tư. Cụ thể, luật An ninh mạng buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải gỡ bỏ bất kể là nội dung gì "chậm nhất là 24 giờ", nhận được lệnh từ Bộ Thông tin và truyền thông hoặc Bộ Công an.

Kinh khủng hơn, luật này còn buộc các công ty cung cấp Internet phải báo cáo với chính quyền những ai đăng tải các nội dung "bị cấm" và phải cung cấp thông tin người sử dụng dịch vụ cho chính quyền mà không cần lệnh của tòa án : phải "cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản".

Luật An ninh mạng : tùy tiện và chà đạp hiến pháp

Mẫu số chung của các quy định trong luật An ninh mạng là : "hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Chỉ xét riêng về luận điểm này, thì điều luật là rất mơ hồ và vi hiến bởi Điều 2 Hiến pháp khẳng định : "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là do nhân dân làm chủ".

Nhà nước là do "nhân dân làm chủ" thì nhân dân hoàn toàn có quyền phản đối nếu toàn bộ chính quyền không làm tròn chức trách, tham nhũng không có giới hạn, hủy hoại tài nguyên đất nước và tha hóa đạo đức xã hội. Người chủ nào mà không có quyền lực sa thải nhân viên khi nhân viên đã được chứng minh là vi phạm luật pháp lẫn đạo đức ? Quyền lực cai trị của chính quyền đến từ nhân dân vì thế, mọi người dân đều có quyền tham gia và giám sát hoạt động của nhà nước và chính phủ.

Ở những quốc gia dân chủ, việc công dân bày tỏ chính kiến về các vấn đề của nhà nước luôn được khuyến khích và hoan nghênh. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, Tổng thống Obama đã phát biểu : "Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn".

Rõ ràng, các quy định của luật An ninh mạng là một sự chà đạp trắng trợn quyền riêng tư, thể hiện sự lạm quyền thô bạo của chính quyền cộng sản, nhằm đàn áp và bóp nghẹt bất đồng chính kiến, duy trì quyền lực cai trị.

Luật pháp giản dị là công cụ phục vụ sự tồn vong của đảng cầm quyền. Nó độc quyền giải thích luật và áp dụng luật một cách tùy tiện, bất chấp công lý, miễn là có lợi cho chế độ. Nó ngang ngược đứng trên hiến pháp, pháp luật và đập nát nguyện vọng tự do của nhân dân.

Chế độ độc tài bóp nát nhân quyền

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập tháng 9/1945, Hồ Chí Minh đã phát biểu rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, ai cũng có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Quyền tự do tối thiểu của con người là được bày tỏ chính kiến. Chỉ vì sợ hãi và bất lực trước sự bày tỏ chính kiến ngày càng gia tăng của công dân, mà cường quyền cộng sản đã sao chép luật An ninh mạng Trung Quốc, nhằmdễ dàng kiểm soát và bóp nghẹt tự do của nhân dân Việt Nam.

Sự khác biệt cơ bản của một đất nước tự do và độc tài là công dân có khả năng bày tỏ chính kiến và phản đối các chính sách sai trái của chính phủ mà không bị buộc tội. Tự do ngôn luận là nền tảng quan trọng, quyết định hầu hết các quyền tự do khác.

Sự thịnh vượng và hạnh phúc của một quốc gia không phải là chức trách độc quyền của chính phủ, nhưng còn phụ thuộc to lớn vào sự tham gia của công dân, công khai đóng góp ý kiến đúng đắn và phê bình thiện chí về mọi hoạt động của chính phủ.

Đất nước hiện không có chiến tranh, nhưng đảng cộng sản phải hình thành và nuôi ăn một lực lượng quân đội khổng lồ, hơn mười ngàn người, không phải để chiến đấu chống quân địch ngoại bang, nhưng là để bịt miệng và tấn công chính đồng bào Việt Nam. Trong mắt của Bộ chính trị, "thế lực thù địch" là những con người quan tâm đến thực trạng đất nước, bày tỏ sự bất mãn trước một chế độ tham nhũng nghiêm trọng, và lên tiếng trước sự oan ức của đồng bào. Chóp bu cộng sản giáo điều hiện nay như những con "ếch ngồi đáy giếng", bằng mọi thủ đoạn dơ bẩn và đê hèn, luôn trong tư thế đàn áp, tấn công bất kỳ ai dám yêu cầu quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Có một quốc gia hạnh phúc và đáng sống nào như thế hay không ?

Sẽ không ai đánh giá công tâm hơn về đảng cộng sản bằng chính các vị lãnh đạo cộng sản cao cấp, thâm niên. Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, kiêm Phó Chủ tịch quốc hội đã nhận xét về đảng cộng sản Việt Nam như sau :

Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ "lưỡi gỗ" rất đông đảo, chuyên "ngụy biện", "nói lấy được", "nói bừa bãi", "trắng trợn" bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như "lưu manh".

Trong khi ấy, bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường xuyên lo lắng, sợ hãi… một Đảng cầm quyền xa rời nhân dân, cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống hết thảy theo ý của Đảng : nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Tất cả quyền và lợi trong xã hội, thâu tóm trong tay Đảng và cụ thể là trong tay một nhóm đảng viên có địa vị ở các cấp.

(Nhật Ký Rồng Rắn)

Thay lời kết : một đạo luật bất công thì không phải là luật

Nhân dân tạo ra chính phủ vì thế họ có quyền đồng thuận tuân thủ hoặc phản đối các luật lệ mà chính phủ tạo ra. Nếu chính phủ tạo ra các luật lệ công bằng, bảo đảm nhân quyền thì nhân dân sẽ đồng ý tuân thủ các luật lệ đó. Ngược lại, nếu chính phủ tạo ra những luật lệ bất công, thì trách nhiệm của một người yêu nước là phản đối nó và kêu gọi thiết lập một chính phủ mới, chấp nhận đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và bảo đảm nhân quyền cho nhân dân.

Thánh Augustine từng có một câu nói rất nổi tiếng : "một đạo luật bất công thì không phải là luật".

Martin Luther King cũng viết : "chúng ta không chỉ có trách nhiệm pháp lý mà còn có trách nhiệm đạo đức để tuân thủ các đạo luật công bằng. Nhưng, chúng ta phải có trách nhiệm đạo đức để không tuân thủ các đạo luật bất công".

Trong khi chính quyền ở các quốc gia dân chủ tiến bộ nỗ lực xây dựng quốc gia hạnh phúc cho nhân dân họ bằng cách bảo đảm cho quốc dân có những quyền tự do tối thiểu cũng như sự bình đẳng trước pháp luật. Còn chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ có một mối quan tâm duy nhất đó là duy trì quyền lực của chế độ và gia tăng quyền lợi của các đảng viên. Chính quyền dân chủ đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết ; ngược lại, chính quyền cộng sản đặt lợi ích chế độ lên trên hết.

Chính quyền cộng sản không còn che dấu mà đã lộ rõ bản chất độc tài cai trị, chiếm đóng đất nước, xem nhân dân là nô lệ phục vụ chế độ. Một chính phủ chỉ có thể tồn tại nếu nhân dân ủng hộ. Chế độ cộng sản không có bất kỳ một lý do nào để tồn tại và phải được thay thế ngay lập tức bằng thể chế dân chủ đa nguyên.

Edward Abbey nói : "Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn sàng chống lại chính quyền để bảo vệ đất nước". Những ai đang khát khao thay đổi thực trạng lụn bại của đất nước để mang tới tương lai tươi sáng cho con cháu : hãy vượt qua nỗi sợ và tìm đến nhau.

Chế độ cộng sản là bậc thầy của bạo lực và dối trá vì thế nó không bao giờ lo lắng người chỉ có vũ lực trong đầu, nhưng sợ người có tư tưởng và lý luận đúng đắn. Cần kiên trì học hỏi nâng cao kiến thức chính trị rồi khéo léo khai sáng tư tưởng dân chủ đúng đắn đến với càng nhiều người càng tốt. Những ai muốn cống hiến nhiều hơn cho cuộc cách mạng dân chủ, hãy tham gia/ủng hộ một tổ chức uy tín hoặc thận trọng liên kết lại với nhau, sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của một tổ chức đáng tin cậy cho một cuộc bất tuân dân sự trên toàn quốc trong tương lai.

Hãy thắp lên một ngọn nến cho một tương lai nhân quyền, tươi sáng cho con cháu của chúng ta bằng cách góp phần khai dân trí và dấn thân chính trị, chứ đừng nên dừng lại ở việc nguyền rủa bóng đêm cộng sản.

Mai V. Phạm

(26/06/2018)

"Chung Một Giấc Mơ Việt Nam"

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 2329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)