Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 31 décembre 2017 11:00

Lời chúc và cảm tạ đầu năm

Trên thềm năm mới, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Khối Truyền Thông - ban biên tập báo điện tử Thông Luận, ban phụ trách blog Thông Luận và ban quản trị trang Facebook Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - trân trọng kính chúc quí thân hữu và độc giả một năm 2018 an khang và hạnh phúc.

20181

Kính chúc quí thân hữu và độc giả một năm 2018 an khang và hạnh phúc.

Đây là dịp để chúng tôi cảm tạ sự gắn bó của quí thân hữu và độc giả với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đồng thời chia sẻ một vài cảm nghĩ.

Một lời cảm tạ chân thành xin được gửi tới các thân hữu đã kiên trì giữ nguyên tình cảm và sự ủng hộ dành cho chúng tôi.

Năm 2017 vừa qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và nhất là Khối Truyền Thông, đã là nạn nhân của một âm mưu phản bội thâm độc ngoài mọi tưởng tượng cả về đạo đức lẫn tự trọng, mà một trong những kẻ chủ mưu lại chính là người phụ trách kỹ thuật. Cả báo điện tử Thông Luận lẫn blog Thông Luận đã bất ngờ bị cướp đoạt. 

Đây là một âm mưu đã được chuẩn bị từ rất lâu bởi một kết hợp gian manh giữa một nhóm muốn lợi dụng danh nghĩa Tập Hợp để thực hiện những mưu tính riêng và một nhóm khác muốn phá hoại Tập Hợp trong chủ trương chống khuynh hướng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của Đảng cộng sản Việt Nam, khuynh hướng mà Tập Hợp được coi là một nguyên nhân. Hai nhóm này, do những bịa đặt rỉ tai trắng trợn, cũng đã lôi kéo được một số người hoặc bất mãn vì không được có những vai trò mà họ mong muốn dù không có khả năng, hoặc chỉ giản dị vì bị lừa.

Trong hoàn cảnh khó khăn chúng tôi đã rất cảm động vì sự hỗ trợ mà các thân hữu và các tổ chức dân chủ dành cho Tập Hợp. Những kẻ âm mưu, đặc tình cộng sản cũng như nhóm phản bội, đã dự trù tất cả nhưng họ đã khờ khạo ở chỗ không biết rằng không ai có thể cướp đoạt được uy tín của một tổ chức trong hơn ba mươi năm sinh hoạt đã chứng tỏ lý tưởng trong sáng và sự lương thiện. Sau một năm cố gắng sinh hoạt của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không những đã trở lại bình thường mà còn mạnh hơn trước.

Báo Điện Tử Thông Luận mới (www.thongluan-rdp.org) đã vượt số độc giả của tờ báo Thông Luận trước khi bị cướp với giao diện và nội dung thẩm mỹ hơn và phong phú hơn.

Trang Blog Thông Luận (http://thongluan2016.blogspot.fr/), do nhóm chí hữu trẻ tái lập, đã đạt được con số 2.200.000 lượt người đọc trong một năm, gấp hai lần tổng số lượt người đọc trong ba năm trước đó.

Trang Facebook Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã là không gian thảo luận hào hứng hơn cho một cộng đồng mà đại đa số là những thân hữu trẻ có trình độ hiểu biết và lý luận vững vàng và đầy tâm huyết với đất nước.

Những thành quả trên đây có thể là khiêm tốn so với nhiều báo điện tử và Fan Page khác nhưng quan trọng đối với một tổ chức, bởi vì các trang báo của một tổ chức khó có thể đăng những bài hợp thị hiếu quần chúng, quan tâm chính phải dành cho cố gắng quảng bá tư tưởng và dự án chính trị của tổ chức. Dù chưa thể hài lòng chúng tôi coi những thành quả này là khá khích lệ, nhất là vào giữa lúc đất nước đang ở trong một tình trạng nghiêm trọng.

Năm 2017 đã chứng kiến sự gia tăng đàn áp của chính quyền cộng sản cả về số những người bị bắt lẫn mức độ thô bạo của những bản án. Hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, đã bị xử 9 năm và 10 năm tù chỉ vì đã phê phán chế độ trên mạng xã hội. Hai thanh niên bị xử 14 năm tù vì đã rải truyền đơn chống nhà nước trong cùng thời điểm với hai người cũng bị xử 14 năm tù vì tội giết người, một người giết vợ và một người giết bạn. Chính quyền cộng sản đang lên cơn điên và cơn điên này sẽ còn gia tăng trong năm 2018 bởi vì nó không còn chịu những áp lực bảo vệ nhân quyền như trước.

Năm 2017 cũng đã là năm mà tại Hoa Kỳ, siêu cường số 1 và thành trì dân chủ của thế giới, Donald Trump lên làm tổng thống với lập trường chỉ biết có quyền lợi kinh tế ngắn hạn của nước Mỹ.

2017 cũng đã là năm mà theo nhận xét của nhiều người phong trào dân chủ Việt Nam đã khựng lại, chủ yếu vì bị đàn áp nhưng một phần cũng vì những yếu kém của chính mình.

Trong bối cảnh đó nhiều người có thể nhìn năm 2018 với tâm lý bi quan. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bác bỏ tâm lý bi quan này. Với một cách nhìn bình tĩnh sự hung bạo của Đảng cộng sản chỉ tố giác một tình trạng hoảng loạn, như các vụ thanh trừng nội bộ dưới chiêu bài tham nhũng đang biểu lộ. Sự tan vỡ của Đảng cộng sản là không tránh khỏi vì không còn gì gắn kết các đảng viên với nhau, trái lại chỉ còn sự thù ghét lẫn nhau của những người tranh giành những quyền lợi bất chính. Lực Lượng 47 với trên 10.000 cán bộ tuyên truyền cũng sẽ bất lực vì chế độ không còn gì để nói. Đối lập dân chủ Việt Nam, trái lại, sẽ lớn mạnh sau cuộc xét lại cần thiết này vì sẽ đấu tranh có đường lối và bài bản hơn. Sau cùng Donald Trump cũng sẽ khám phá ra là chính trị không đơn giản như kinh doanh bất động sản và đàng nào cũng bị bắt buộc phải thay đổi chính sách và ngôn ngữ.

Tất cả những nhận định trên đây không chủ quan. Chúng đều đúng nhưng cần được trình bày một cách thuyết phục bằng lý luận chính xác và kiểm chứng được. Đó là công việc mà anh em chúng tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ làm.

Năm 2018 sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng của cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Chúng tôi mong mỏi và tin tưởng sẽ tiếp tục được lòng tin và sự hỗ trợ của quý thân hữu.

Trên ngưỡng của một năm mới tình cảm nồng hậu nhất của chúng tôi hướng về các anh chị em dân chủ mắc nạn. Họ có quyền tự hào vì đã đại diện cho phẩm giá của dân tộc. Họ cũng không cô đơn vì mọi người dân chủ đều là anh em.

Một lần nữa kính chúc quí thân hữu và độc giả một năm an khang hạnh phúc.

Chúng ta cùng chúc đất nước dũng mãnh cất cánh về dân chủ trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Thay mặt Khối Truyền Thông

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 

Nguyễn Văn Huy

Published in Quan điểm
dimanche, 24 décembre 2017 17:31

Chúc mừng Giáng Sinh

Kính chúc quý độc giả cùng gia đình

beplua2

một mùa Giáng Sinh yên bình

beplua3

và những ngày cuối năm đằm thắm.

beplua4

Ban biên tập Thông Luận

Published in Quan điểm

Hơn 200 thân hữu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã gặp nhau ngày chủ nhật 12/11/2017 vừa qua tại phòng khánh tiết thị xã Lognes, ngoại thành Paris, trong một không khí thân mật và đồng thuận.

van2

Năm nay số người tham dự đã đông đảo hơn dự trù và ngoài những người ở Pháp còn có những thân hữu đến từ Tiệp, Canada, Thụy sĩ và Hoa Kỳ.

Buổi họp mặt thường niên này do Nghĩa Hội Tự Do Việt Nam (Association Việt Nam Libertés) tổ chức vào dịp cuối năm từ gần 20 năm nay và luôn luôn quy tụ trên 200 người. Nghĩa Hội do Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thành lập từ năm 1993 với mục đích : quy tụ các thân hữu của Tập Hợp muốn dành quan tâm và cố gắng vào việc yểm trợ những người dân chủ đang mắc nạn hoặc gặp khó khăn trong nước.

Các buổi họp mặt thường niên này không phải là những buổi thảo chính trị như ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhắc lại trong lời chào mừng. Chúng là dịp để gây quỹ cho Nghĩa Hội và nhất là  để các thân hữu găp nhau, thăm hỏi nhau và trao đổi riêng trên những vấn đề mà họ cùng quan tâm trong một bữa ăn trưa thân mật tiếp theo bởi một chương trình văn nghệ và khiêu vũ. 

van1

Ông Nguyễn Gia Kiểng tuyên bố khai mạc buổi họp mặt 

Năm nay số người tham dự đã đông đảo hơn thường lệ. Một số thân hữu đến từ các nước khác như Tiệp, Thụy sĩ, Canada và Mỹ. Ngoài ra cũng có hơn 50 thân hữu người Pháp, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Ba đại biểu của hội đồng thành phố Lognes cũng đã có mặt để bày tỏ sự ủng hộ.

Các trao đổi ý trong các bàn ăn và các nhóm đột xuất cũng đã nhắm vào các chủ đề thời sự Việt Nam hơn thường lệ như Hội nghị APEC 2017, môi trường ở Việt Nam đang bị hủy hoại, việc chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp những người dân chủ, tương lai của chế độ cộng sản Việt Nam và triển vọng dân chủ. Ghé qua các bàn và các nhóm người ta có thể thấy môi trường đang trở thành mối lo âu lớn nhất của mọi người. Việc Đảng cộng sản long trọng kỷ niệm lần thứ 100 Cách mạng tháng 10 Nga đã là một chuyện cười, trong khi chính nước Nga, trái lại, chỉ coi nó như một biến cố lịch sử đáng buồn và đáng quên đi.

Trong lời chào mừng khai mạc buổi họp (bằng tiếng Pháp) ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã nói về tinh thần buổi họp như sau :

"Đây không phải là một buổi họp mặt chính trị bởi vì bênh vực những người mắc nạn vì đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền không phải là một hành động chính trị. Chúng ta mang ơn những con người dũng cảm này bởi vì họ đã chấp nhận gian nguy để xã hội văn minh hơn, con người được kính trong hơn. Ủng hộ họ không phải là làm chính trị mà chỉ là bảo vệ những giá trị sơ đẳng nhất của cuộc sống và những quyền căn bản nhất đã được cả loài người nhìn nhận. Chúng ta ủng hộ họ vì chúng ta không vô cảm khi các bạo quyền hành hạ và làm nhục đồng loại của chúng ta, vì chính chúng ta cảm thấy bị xúc phạm".

Hướng về các thân hữu người Pháp, Lào, Campuchia và Trung Quốc tham dự khá đông đảo, ông Kiểng nói :

"Chúng ta hành động trong niềm tin rằng đấu tranh để đem lại tư do và dân chủ cho Việt Nam cũng là đấu tranh để thế giới đẹp hơn, an toàn hơn và đáng yêu hơn. Cuộc đấu tranh chính nghĩa này đã kéo dài hơn dự liệu, nhưng ngày nay chúng ta có thể vững tin là thắng lợi chắc chắn sắp đến. Chế độ cộng sản đang sống những ngày cuối cùng, nó đang chao đảo mạnh sau khi đã thất bại hoàn toàn trong mọi địa hạt, trên mọi phương diện và theo tất cả mọi tiêu chuẩn. Vào lúc này đàn áp là điều duy nhất nó biết làm. Đó là lý do của đợt đàn áp đang diễn ra, trong đó những người hoàn toàn vô tội bị xử những án tù dã man trong những phiên tòa vừa thô bỉ vừa lố bịch. Nhưng sự đàn áp này chỉ làm gia tốc tiến trình đào thải của chế độ".

Cử tọa đã nồng nhiệt tán thành.

vannghe1

Phần văn nghệ và khiêu vũ rất đặc sắc tiếp theo đã được sự đóng góp của các nghệ sĩ quen biết như Tố Liên, Khắc Dũng, Minh Nguyệt, Băng Nhân, Lisa Tuyết và nhiều nghệ sĩ nghiệp dư nhưng đầy tài năng như kỹ sư Nguyễn Văn Lộc, giọng hát đặc sắc của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris trong suốt hơn 50 năm. Năm nay đặc biệt còn có Kevin Khoa từ Mỹ sang. Kevin Khoa đã rất được tán thưởng.

vnlibertés1

Ông Nguyễn Gia Kiểng và hai nữ MC Tố Nga (trái) và Carolyn Quyên Quyên (phải)

Điều khiển chương trình tổng quát là hai nữ MC Tố Nga và Carolyn Quyên Quyên. Tố Nga là một MC rất quen thuộc tại Paris, Carolyn Quyên từ Mỹ sang đã nhanh chóng chinh phục được cảm tình của cử tọa.

Buổi họp mặt đã thành công mỹ mãn.

Nguyễn Văn Huy tường thuật

Published in Diễn đàn

Người Thượng tại Việt Nam

Từ những nguyên nhân nổi dậy của người Thượng trên cao nguyên miền Trung tháng 2/2001

Bài 6

Nhìn lại vấn đề người Thượng

vande1

Cuộc sống cổ truyền của người Thượng đang biến mất - Ảnh minh họa

Sau những cuộc xuống đường rầm rộ của người Thượng trên cao nguyên miền Trung từ đầu tháng 2/2001, phong trào chống đối vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng căng thẳng kéo dài trong suốt tháng 3 mà cao điếm là ngày 12/3/2001, hơn 10.000 người Rhadé đã đến biểu tình trước trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc và thành phố Buôn Ma Thuột yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền, tự do tín ngưỡng và trả lại đất đai của họ đã bị người Kinh chiếm hữu. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự bất mãn của người Thượng trên cao nguyên sẽ thuyên giảm.

Về phía chính quyền cộng sản, thay vì đầu tư vào một giải pháp ôn hòa để giải quyết vấn đề họ đã chọn biện pháp đối đầu cứng rắn để dập tắt chống đối.

Những biện pháp áp dụng

Hà Nội đã không coi nhẹ sự nổi dậy của người Thượng và đã huy động mọi phương tiện để dập tắt sự chống đối ; biện pháp cứng rắn này chưa hề sử dụng đối với người Kinh tại Thái Bình, Đồng Nai, Thừa Thiên hay miền Tây. Thái độ của chính quyền cộng sản nằm trong lô-gích trung ương tập quyền của một chính quyền đồng bằng, nghĩa là không chấp nhận sự phản kháng của người miền núi thiểu số về các chính sách của người đồng bằng đa số.

Đầu tiên là dùng mưu để vuốt ve sự bất mãn của người Thượng và giải tán sự tập trung đông đảo tại các thành phố lớn. Nhiều đoàn cán bộ cấp cao, kể cả phó thủ tướng, đích thân đến tìm hiểu nguyện vọng và giải thích chính sách đại đoàn kết của chính quyền với lời hứa là "sẽ" giải quyết từng vấn đề một (nhân quyền, tự do tín ngưỡng và quyền sở hữu đất đai).

Kế đến là huy động một lực lượng võ trang hùng hậu làm áp lực, răn đe mọi ý đồ chống đối bằng võ lực. Khi những người biểu tình vừa về lại nơi cư trú cũ thì mọi ngỏ ra vào buôn làng của họ liền bị bao vây. Hơn 18.000 công an và bộ đội địa phương và từ các tỉnh đồng bằng lên trấn giữ hai quốc lộ 14 và 19 và các điểm trọng yếu trên cao nguyên nhằm ngăn chặn người Thượng tiến vào các thành phố lớn, đồng thời cũng để ngăn ngừa phong trào đòi tự do tín ngưỡng và trả lại đất đai lây lang sang các nơi khác, nhiều tỉnh sát với cao nguyên bị đặt trong tình trạng báo động hay giới nghiêm.

Cùng với hai biện pháp trên là tuyên truyền vận động cảm tình của dư luận quốc tế và quốc nội. Tất cả các phương tiện truyền thông quốc doanh loan tải nhanh chóng tin tức về những biến động trên cao nguyên và giải thích chính sách dân tộc của nhà nước trước dư luận. Nhiều lễ hội cổ truyền không đúng dịp của người Thượng đã được tổ chức khắp nơi ; hàng loạt bài đề cao các công trình văn hóa, kinh tế, và xã hội đã thực hiện trên cao nguyên được đọc và đăng trên các báo, đài, v.v... Giới truyền thông quốc tế còn được hướng dẫn đền tận nơi quan sát tình hình, đương nhiên chỉ ở những nơi nào được cho phép.

vande2

Người Thượng tiếp tục rời bỏ Tây Nguyên để sang Campuchia xin tị nạn - Ảnh minh họa

Tuy vậy chính quyền cộng sản Việt Nam rất cay cú về trang Web trên mạng Internet của một vài nhóm Thượng tại Hoa Kỳ và đã không tiếc lời thóa mạ. Bóng ma FULRO được làm sống lại để tròng vào đầu những người chống đối. Cũng nên nói thêm là những thanh niên Thượng ngày nay không biết gì về phong trào FULRO cả, nếu có chăng là tinh thần FULRO mà các bậc cha anh truyền miệng lại. Trong thực tế, tinh thần FULRO ngày nay được đồng hóa với sự chống đối người Kinh, một lầm lẫn đáng tiếc cần được xóa tan trong tâm hồn những thanh niên Thượng ngay nay qua các chính sách nâng đỡ thực sự.

Sau cùng là dùng kế ly gián để bẻ gãy phong trào chống đối ngay từ trứng nước và lùng bắt những người tình nghi khích động hay tổ chức chống đối. Thực ra chính quyền cộng sản đã được thông báo việc chuẩn bị nổi dậy của người Thượng từ ba tháng trước và đã tìm cách chọc phá phong trào chống đối bùng nổ trước thời điểm (dự trù sẽ nổ ra trước ngày khai mạc đại hội đảng cộng sản lần thứ 9 nhóm họp vào cuối tháng 3/2001 tại Hà Nội). Sự bắt bớ và giam cầm những người tình nghi cũng rất bí mật, phần lớn bị bắt xa nơi cư trú để gia đình không hay biết do đó không thể khiếu kiện. Những người bị bắt thường à những nhân vật có chút tiếng tăm trong cộng đồng người Thượng, đa số là các vị mục sư, tín đồ ngoan đạo, giới trí thức và những người có cơ sở nông nghiệp hay kinh doanh. Hàng trăm người thuộc mỗi săc tộc lớn hiện đang mất tích như thế.

Một biện pháp tuy rất xưa nhưng lúc nào cũng hữu hiệu đối với người thiểu số là chia để trị. Chính quyền cộng sản địa phương dùng người sắc tộc này trấn áp người sắc tộc kia, gây chia rẽ trong giới người Thượng. Những cán bộ Rhadé thuộc các làng Buôn Kdun, Buôn Aleo, cán bộ Djarai các làng Chư Prah, Chư Mrai hay cán bộ Bahnar các làng Kon Kbang, Mang Buk... được huấn luyện để trấn áp đồng hương của họ ở các địa phương khác. Từ đầu năm 2001 trở đi, ngành an ninh địa phương đã cấp tốc huấn luyện nhiều cán bộ trẻ gốc Thượng thuộc thành phần "gia đình cách mạng" để bảo vệ chính quyền. Những cán bộ này được hưởng quyền lợi như những cán bộ Kinh và đang là yếu tố trực tiếp khủng bố đồng hương của họ.

Chính sách "cây gậy và củ cà rốt" (nghe lời thì cho ăn, không nghe lời thì bỏ đói) đang gây một nạn đói trầm trọng trong các làng Thượng trên khắp cao nguyên. Những làng bị tình nghi là tụ điểm xuất phát phong trào chống đối (gần như là tất cả) đều bị bao vây, dân làng không thể ra nương trồng tỉa và cũng không thể mang hàng hóa ra chợ đổi gạo.

Chính sách đối với người thiểu số tại Việt Nam hiện nay phải được xét lại. Quy luật người thiểu số im lặng và tuân phục người Kinh đa số phải chấm dứt. Ngôn ngữ lưỡi gỗ và sự bạc đãi người thiểu số không thể kéo dài thêm nữa, phải suy nghĩ về một chính sách sắc tộc đứng đắn để sự hội nhập của tất cả các cộng đồng công dân vào quốc gia Việt Nam diễn ra một cách hòa thuận và tốt đẹp nhất. Có như thế dân tộc Việt Nam mới có thể tập trung sức lực để vươn lên và nhận một chỗ đứng vinh quang hơn.

Trở lại vấn đề đất đai

Gần như trọn bộ những chống đối của quần chúng Việt Nam với chính quyền từ thập niên 1990 tới nay đều xuất phát từ đất đai. Đối với một nước mà 80% dân số gắn liền cuộc đời với nghề nông thì đất đai là tất cả những gì quí báu nhất trên đời. Đất đai không những chỉ quí đối với người Kinh mà còn cả với người thiểu số. Chính sách quốc hữu hóa và hợp tác hóa đất đai của chính quyền cộng sản Việt Nam đã gây ra rất nhiều thù hận giữa người dân với chính quyền.

Người Kinh không có đất còn có thể ra thành phố đi làm công hay sống lây lất bằng những nghề vặt vãnh khác vì cùng văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng người Thượng không có đất đai thì chỉ có chết, họ không được huấn luyện để thích hợp với đời sống thành thị, hơn nữa vì không cùng văn hóa và ngôn ngữ, hy vọng sinh tồn của họ nơi chốn thị thành không cao, đất là nguồn sống duy nhất đối với họ. Tội duy nhất của người Thượng là đã chọn sinh sống trên những vùng đất cạnh dòng sông từ nhiều đời trước và ngày nay tình cờ nằm cạnh những trục lộ giao thông, nghĩa là những vùng đất tốt dưới mắt người Kinh, và không có giấy tờ chứng minh.

Hiến pháp Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1982 (cũng như những hiến pháp trước đó) qui định đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nghĩa là thuộc về nhà nước. Người Kinh và người Thượng bỗng dưng bị tước đoạt quyền sở hữu đất đai, một hành động mà ngay cả thực dân Pháp cũng không dám thực hiện vì thất nhân tâm, họ chỉ còn quyền sử dụng mảnh đất mà cha ông của họ trước đó đã nhiều đời canh tác. Chưa hết, Luật đất đai năm 1993 còn qui định cách cấp phát giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, như vậy không phải những ai đã từng canh tác nông nghiệp đều được cấp quyền sử dụng đất. Đó là chưa kể cách phân phát đất đai theo kiểu làng xã miền Bắc, nghĩa là chia cắt đất đai một cách manh mún và cửa quyền.

Riêng về người Thượng, họ không hề chiếm đất của ai và cũng không ai hướng dẫn họ làm giấy tờ sử dụng đất. Đất đai quanh các thôn làng của họ là do công lao của nhiều thế hệ cha ông trước đó tạo ra, các đời sau cứ thế mà tiếp tục. Có thể lối canh tác cổ truyền của họ có phí phạm đất và năng suất không cao, nhưng Việt Nam còn rất nhiều đất hoang có thể trồng trọt chưa được khai phá. Vấn đề là chính quyền cộng sản Việt Nam không khuyến khích người Kinh vào chốn rừng sâu khai phá đất hoang ; thực sự thì cũng không ai muốn phiêu lưu trong chốn rừng sâu vì có đổ mồ hôi cho lắm nhà nước vẫn làm chủ hữu số đất đai vừa khai phá thêm. Các chính sách kinh tế mới áp dụng tại miền Bắc năm 1956 và tại miền Nam năm 1976 hoàn toàn thất bại vì lý do đó, những di dân bị đẩy vào rừng sâu đều trốn về thành phố hay tập trung quanh những trục lộ giao thông chính.

Cũng nên biết chính sách khuyến khích giảm dân (hay đuổi dân) tại những khu đông đúc dân cư của chính quyền cộng sản Việt Nam rất là giản dị : tìm mọi lý cớ để trưng thu hay tịch thu đất đai của người thiểu số quanh các thành phố lớn trên cao nguyên và dọc các trục lộ giao thông rồi phân phối lại cho những di dân mới đến. Chính sách này chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm từ năm 1954, nhưng lúc đó đất hoang còn nhiều, người Thượng còn sống rải rác và số di dân không đông lắm nên ít xảy ra tranh chấp. Ngày nay, với lượng di dân đông đảo và ô hợp trên ba triệu người vượt tầm kiểm soát của các chính quyền trung ương và địa phương nên mới xảy ra tình trạng chiếm đất của người Thượng trên cao nguyên và gây bất mãn.

Vấn đề tranh chấp đất đai giữa người Thượng và chính quyền cộng sản Việt Nam thật ra không khó giải quyết. Trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nhân dân, chính quyền cộng sản sẽ tranh thủ được cảm tình của mọi thành phần dân tộc đồng thời giải tỏa nguồn sinh lực nông nghiệp dồi dào từ lâu bị kềm chế, đất nước chỉ có thể đi lên. Di dân gốc Kinh sẽ hăng hái đi tìm đất mới khai hoang vì họ khai thác cho chính họ, người Thượng cũng sẽ vui sướng khi được canh tác lại trên mảnh đất cũ và sẵn sàng hợp tác trong mọi chính sách hội nhập bình đẳng.

Hội nhập vào xã hội Việt Nam một cách bình đẳng là ước muốn chung của mọi người Thượng, họ cũng muốn được nâng cao mức sống để chia sẻ một tương lai chung và bắt kịp đà tiến hóa chung của dân tộc. Nhưng ước mơ này khó có thể thực hiện dưới chế độ cộng sản bởi chính chủ thuyết của nó và bởi những người đại diện nó. Cái gọi là chính sách dân tộc của chính quyền cộng sản thật ra chỉ là chính sách bảo vệ biên giới, mang tính quốc phòng. Nơi sinh trú của các cộng đồng sắc tộc dọc vùng biên giới được quan niệm như là vùng trái độn, nơi chịu đựng sự va chạm trực tiếp khi có tranh chấp, do đó phải bị kiểm soát gắt gao. Những cố gắng thực hiện trên các vùng cao nguyên, nếu có, chỉ nhằm củng cố chỗ đứng của chế độ và bảo vệ những người Kinh phục vụ chế độ, không mang lại lợi ích thiết thực nào cho người thiểu số. Đó là chưa kể những công trình khai thác tài nguyên núi rừng mang dại làm hủy hoại môi trường, không những có hại cho người Thượng mà còn cho cả người Kinh vào mùa mưa hay mùa nắng.

Đầu tư cố gắng vào một chính sách dân tộc là điều bắt buộc, không những trong lúc này mà còn mãi mãi về sau.

Suy nghĩ về một chính sách dân tộc

Nước Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một quốc gia còn rất mới. Miền Trung chỉ mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18 và cao nguyên miền Trung từ đầu thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai cũng như chủng tộc, tuy vậy tổ chức xã hội của Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và chỉ nhắm phục vụ người Kinh.

Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu tổ chức chính trị và văn hóa của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nhiều quốc gia đang và sẽ còn phải khốn đốn vì những cuộc nổi dậy cuồng nhiệt của các sắc tộc ít người vùng lên đòi bản thể. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là thượng du miền Bắc và cao nguyên miền Trung có thể trở nên bất ổn và không phát triển được.

Để tránh tình trạng đó xảy ra, Việt Nam trước hết phải được hiểu như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam, cộng đồng người Thượng có mặt từ lâu đời trên cao nguyên miền Trung phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn, được nhìn nhận và tôn trọng ngang nhau trước luật pháp cũng như trong tình cảm của mọi người. Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.

Người Thượng trên cao nguyên, cũng như những sắc tộc khác, là những con người yêu chuộng nếp sống tự do giữa thiên nhiên, một chính sách dân tộc cho tương lai phải tăng cường yếu tố tự do đó chứ không phải để kềm chế nó. Cũng phải loại bỏ ngay từ bây giờ tâm lý coi người Thượng là kém văn minh. Thể lực và trí năng của họ không thua kém gì người Kinh nhưng vì không được chăm sóc và quan tâm đúng mức nên sự cách biệt giữa đồng bằng cao nguyên ngày thêm sâu rộng. Đó là chưa kể tâm lý bá quyền, nhóm nào cúi đầu tuân phục thì được cho ăn, nhóm nào bất phục tùng thì bỏ đói. Chính sách phân biệt đối xử vừa thất nhân tâm vừa không mang lại hiệu quả mong muốn, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách này và đã thất bại. Các chính quyền miền Nam cũ và cộng sản hiện nay đã và đang lập lại chính sách này cũng đã va đang thất bại.

Chính vì thế chúng ta phải có một thái độ chính trị rõ ràng, đó là thực hiện tản quyền trên toàn lãnh thổ. Xin nhắc lại thực hiện tản quyền chứ không thành lập những vùng tự trị. Giải pháp thành lập những vùng tự trị cho các sắc tộc thiểu số, như người Pháp đã làm từ năm 1946, không còn khả thi nữa vì ngày nay người Kinh đã chiếm đa số trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tản quyền sẽ cho phép các sắc tộc có tiếng nói đáng kể trong các chính quyền địa phương.

Tản quyền khuyến khích các sinh hoạt chính trị tại mỗi địa phương, đem dân chủ tới mọi nơi cho mọi người, tránh được những thủ hành hành chánh nặng nề gây phức tạp cho sinh hoạt thường ngày, kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa phương, cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt kinh tế phù hợp nhất đối với đặc tính của mỗi vùng và nhờ đó mà phát triển. Tản quyền cho phép những khuynh hướng thiểu số, các tôn giáo và các sắc tộc ít người có trọng lượng đáng kể tại những địa phương mà họ hiện diện đông đảo có diễn đàn và phương tiện thực hiện những nguyện vọng của mình, do đó làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và các ý đồ đòi ly khai hay tự trị.

Cũng nên biết cao nguyên miền Trung chưa bao giờ là một quốc gia và người Thượng chưa bao giờ là một dân tộc đồng nhất. Việc một nhóm Rhadé vận động thành lập quốc gia hay cộng hòa Dega chỉ là một phản ứng tuyệt vọng vì người Rhadé không phải là tất cả và cũng không có quyền đứng trên tất cả. Vấn đề của mọi chính quyền Việt Nam là phải tìm cho ra một chính sách phát triển cộng đồng thuận tình hợp lý để hội nhập các cộng đồng thiểu số một cách trọn vẹn vào lòng dân tộc Việt Nam. Muốn được vậy, trước hết phải có tản quyền và muốn có tản quyền phải có dân chủ, một chính sách cộng đồng đứng đắn không thể có trong một chế độ độc tài không chấp nhận những tiếng nói khác biệt.

Tổ chức xã hội Việt Nam cũng phải được điều chỉnh lại. Đại nghị là chế độ chính trị lý tưởng nhất để thực hiện tản quyền, không những có thể phát triển đất nước một cách hài hòa mà còn đủ khả năng duy trì đồng thuận chung. Làm sao cho bộ máy quốc gia chạy tốt chỉ còn là một vấn đề kỹ thuật : lãnh thổ quốc gia được chia thành bao nhiêu vùng ; mỗi vùng có bao nhiêu dân số, bao nhiêu diện tích đất đai ; chức năng kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài nguyên của mỗi vùng phải tổ chức và sử dụng như thế nào để có thể tồn tại và không gây bất ổn trên phạm vi toàn quốc, v.v...

Về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của người thiểu số phải được coi là thành phần của văn hóa chung của người Việt Nam mà nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ. Sự hiện diện của cộng đồng người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam còn rất mới và chính vì còn rất mới, chưa tới 50 năm (từ 1954 đến nay), nên văn hóa của người Thượng vẫn còn xa lạ đối với phần lớn người Kinh. Lịch sử Việt Nam cũng phải được viết lại vì lịch sử của các sắc tộc đã hợp thành dân tộc Việt Nam phải được coi như là lịch sử chung của mọi người Việt Nam.

Về kinh tế, mục tiêu dài hạn của bất cứ chính quyền Việt Nam nào là tách dần cao nguyên miền Trung ra khỏi chức năng nông lâm nghiệp để tập trung vào chức năng du lịch. Phong cảnh và khí hậu của các vùng cao nguyên rất thích hợp cho nhu cầu tìm nơi nghỉ mát và du lịch của người đồng bằng, các công ty du lịch quốc tế cũng đánh gia cao tiềm năng mang du khách tới cao nguyên miền Trung, vì nơi đây còn nhiều vết tích của thời chiến tranh và cảnh vật rất đa dạng. Dịch vụ du lịch sẽ huy động một khối nhân lực lớn tại chỗ sống nhờ lượng du khách đông đảo, giảm bớt áp lực tìm đất trồng cây lương thực và công nghệ. Đất đai của các buôn làng bị chiếm hữu không có lý do chính đáng phải hoàn lại cho người thiểu số nhằm tránh những hiềm khích dân tộc vô ích. Chính quyền khuyến khích phong trào di dân gốc Kinh vào khai thác những vùng đất mới chưa có chủ nhân song song với việc phát triển hạ tầng cơ sở. Cao nguyên miền Trung không thiếu đất nhưng không vì thế để cho phong trào khai hoang mang dại diễn ra.

Vừa rồi là những suy nghĩ thô thiển cho một chính sách dân tộc hay chính sách phát triển cộng đồng cho tương lai. Nội dung của chính sách này tùy thuộc quyết tâm của các chính quyền Việt Nam mai sau trong việc thực thi tản quyền.

Nhìn về cao nguyên miền Trung

Cao nguyên miền Trung Việt Nam là một vùng đất mới, được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, năm 1904, bởi chính quyền thuộc địa Pháp. Đây là một vùng đất rộng lớn, nơi sinh trú của người Thượng, những nhóm dân cư bản địa đã có mặt từ lâu đời trên các vùng núi đồi và thảo nguyên phía Tây Nam dãy Trường Sơn, trải dài từ các triền núi phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung đến ranh giới hai nước Lào và Campuchia. Địa bàn sinh trú của người Thượng có hình giọt nước, nhỏ và nhọn ở phía trên, rộng và tròn phía dưới.

Về diện tích, nếu chỉ tính riêng bốn tỉnh cao nguyên (Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc và Lâm Đồng), gọi chung là Tây Nguyên, có một diện tích tổng cộng là 55.270 km2, 1/6 lãnh thổ toàn quốc. Trong thực tế nơi cư trú của người Thượng rộng hơn nhiều, trên 75.000 km2, gần 1/5 lãnh thổ toàn quốc, vì phải tính thêm phần đất phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phan Thiết, Bà Rịa và phía Bắc các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Sông Bé. Tuy sinh trú trên một vùng đất rộng lớn, tổng số dân cư gốc Thượng hiện nay chỉ trên 1,6 triệu người, tương đương với 2% dân số trên toàn quốc hay 28% dân số trên cao nguyên.

Hiện có tất cả 19 sắc tộc Thượng thuộc hai hệ ngôn ngữ khác nhau :

- Hệ Nam Đảo (malayo-polynésien) khoảng 731.000 người, trong đó có người Djarai (401.500), Rhadé (231.000), Raglai (86.000) và Churu (12.500). Các hãnh thông tấn Reuters và AFP thường đưa ra con số 600.000 người Thượng vì tưởng rằng cao nguyên miền Trung chỉ có người Djarai và người Rhadé.

- Hệ Nam Á (môn-khmer) khoảng 869.000 người, trong đó có người Bahnar (170.000), Sedang (118.000), Hré (115.000), Djé Triêng (30.000), Cor (27.000), Brau (250), R'măm (250), Mnong (81.000), Stieng (41.000), Koho (112.500), Mạ (31.500), Ch'ro (18.000), Bru-Vân Kiều (48.000), Ta Ôi (31.500) và K'tu (45.000).

Mỗi nhóm Thượng tập cư trên một khu vực nhất định, sinh sống bằng làm rẫy, chỉ một ít trồng lúa nước và cà phê theo lối định canh định cư. Phần lớn người Thượng ngày nay đã định cư và định canh, chỉ còn khoảng 300.000 người vẫn còn duy trì nếp sống du canh du cư (theo số liệu của chính quyền Việt Nam), nhưng trong thực tế số người du canh du mục rất đông, có thể trên 500.000 (hơn 30% dân số Thượng), vì số đất đai cạnh các trục lộ giao thông chính hay cùác nguồn nước của người Thượng lọt dần vào tay di dân gốc Kinh hay các công ty quốc doanh, buộc nhiều dân làng phải trở về với nếp sống du mục xưa. Nghề thủ công của người Thượng rất là độc đáo, nếu được khuyến khích nghề này sẽ là một nguồn lợi tức đáng kể đủ để bù đắp sự thiếu hụt về lương thực.

Từ sau 1976, đất công xã của các buôn làng đều bị tập thể hóa, các định chế mẫu hệ (nhà rông, nhà tập thể) bị giải tán. Các tòa án nhân dân thay thế các tòa án phong tục, đạo Tin Lành thuộc "hội thánh tư gia" bị cấm rao giảng, đạo Công Giáo bị theo dõi gắt gao và các phong tục tập quán cổ xưa bị chỉ trích nặng nề. Cán bộ đảng và nhà nước lấn át vai trò của các già làng, thanh thiếu niên Thượng tại những nơi đông dân bị gạt ra ngoài xã hội, không tìm được việc làm. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính giảng dạy trong các trường học, tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ở bậc tiểu học bị cấm. Tỷ lệ thất học trên Tây Nguyên rất cao, cao nhất nước, 60% trẻ em Thượng không đi đến trường vì thiếu ăn và nghèo khó. Số học sinh tốt nghiệp trung học và đại học rất ít (11% và 1%). Bệnh tật nhiệt đới (cùi, lao, kiết lị, sốt rét rừng...) là tác nhân gây tử vong cao trong giới trẻ em gốc Thượng.

Mọi trợ giúp nhân đạo bất cứ từ nguồn gốc nào đều bị canh chừng và thanh lọc gắt gao, các tổ chức thiện nguyện quốc tế và người ngoại quốc gần như không được tiếp xúc trực tiếp với người Thượng, trừ một vài ngoại lệ, và phải qua trung gian các cơ quan của chính quyền. Số người cần được cứu trợ rất cao nhưng chỉ một số ít nhận được quà tặng, phần lớn là qua trung gian các tu sĩ Công Giáo dưới hình thức "chui".

Đất hoang có thể canh tác trên Tây Nguyên còn rất nhiều, hiện có từ 1,5 đến 1,8 triệu hécta đất trồng trọt được nhưng chỉ mới khai thác trên 400.000 mẫu (theo số liệu của chính quyền). Nhưng người Kinh ít chịu đi xa, đi sâu vào chốn rừng hoang khai thác mà chỉ tập trung canh tác đất đai của người Thượng đã khai thác sẵn quanh các thành phố lớn và trục lộ giao thông lớn, do đó mới xảy ra nhiều tranh chấp đất đai.

Từ 1976 đến nay, chính quyền cộng sản đã đưa hơn ba triệu người từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và hơn 70.000 người thiểu số từ các tỉnh thượng du miền Bắc lên Tây Nguyên khai thác. Tổng số dân cư trong bốn tỉnh Tây Nguyên hiện nay khoảng 5,8 triệu người, trong đó ngoài số người Kinh đã có mặt từ trước 1975 (1,2 triệu), người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ, 28% trên tổng dân số 5,8 triệu người. Sự có mặt ồ ạt của di dân từ đồng bằng lên làm xáo trộn cân bằng sinh thái trên Tây Nguyên. Do đời sống nghèo khó và không được chính quyền giúp đỡ, những di dân mới này đã hủy hoại môi trường một cách báo động. Nạn đào tìm kim loại và đá quí bằng hóa chất gây ô nhiễm môi sinh, nhiều loại thú quí như voi, cọp, nai, khỉ, công và rắn lục bị tuyệt chủng. Chính những di dân này và các công ty quốc doanh, chứ không phải người Thượng với phương pháp làm rẫy cổ truyền, đã biến hơn hai triệu hécta đất rừng trên các vùng đồi núi thành đồi trọc, gây hạn hán mùa khô và lũ lụt mùa mưa. Nạn khai thác gỗ rừng bừa bãi của các công ty quốc doanh của đảng, nhà nước, quân đội và công an biên phòng tại các vùng biên giới để xuất khẩu đã biến nhiều vùng đồi núi trở nên ô trọc. Diện tích rừng từ 3,3 triệu hécta năm 1976 giảm xuống còn 2,5 triệu năm 1984 và ngày nay chưa tới một triệu.

Người Thượng đã từng giúp người Kinh bảo vệ độc lập chống lại quân Mông Cổ trong thế kỷ 13, sau đó đã giúp triều Nguyễn chống lại quân Pháp đầu thế kỷ 19. Họ cũng đã hợp tác với hai phe đối nghịch trong cuộc chiến tranh vừa qua và đã trả giá khá đắt cho sự dấn thân. Với những thành tích đó, cộng đồng người Thượng xứng đáng để được tôn vinh. Giữ gìn và chăm sóc hạnh phúc người Thượng chính vì vậy phải là nghĩa vụ chung của mọi người Việt Nam.

Cao nguyên miền Trung có một vị trí chiến lược quan trọng vì là nơi giáp ranh với hai nước Lào và Campuchia, bất cứ một bất ổn nào xảy ra tại đây đều ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều tỉnh đồng bằng. Nâng đỡ người Thượng trên cao nguyên là trách nhiệm của bất cứ chính quyền Việt Nam nào, ngay bây giờ và trong tương lai, để cộng đồng này bắt kịp đà tiến hóa của dân tộc đồng thời cũng để góp phần bảo vệ bờ cõi chung.

Nếu cộng đồng người Thượng hội nhập trọn vẹn vào lòng dân tộc Việt Nam, đó sẽ là một nét son lớn và niềm hãnh diện chung cho tất cả mọi người. Việt Nam sẽ là một dân tộc lớn.

Nguyễn Văn Huy

(Paris, tháng 2/2001)

Đọc thêm :

 

Bài mở đầu. Lời phi lộ

Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung

Bài 2. Những phong trào phản kháng

Bài 3. Sự hội nhập khó khăn

Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng

Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy

Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng

Bài 7. Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam

Published in Tư liệu

Người Thượng tại Việt Nam

Bài 4

Người Thượng vẫn trên đường đi tìm chỗ đứng

taynguyen1

Lối sống cổ truyền của người Thượng không còn nữa, và cuộc sống trở nên khó khăn hơn - Ảnh minh họa

Năm 1969, những đòi hỏi chính đáng của nhóm FULRO Thượng ôn hòa đều được thỏa mãn, người Thượng được quyền tham gia trực tiếp vào các sinh hoạt chính trị và đã cùng với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng và bảo vệ miền Nam. Giai đoạn từ giữa tháng 10-1969 đến đầu tháng 3-1975 có lẽ là thời kỳ vàng son nhất của cộng đồng người Thượng từ khi được biết đến, nhưng thời gian đã quá ngắn ngủi để những dự án hội nhập người Thượng vào cộng đồng Việt Nam trở thành hiện thực. Hơn hai trăm ngàn trên tổng số một triệu người Thượng đã chết trong cuộc chiến. Sau ngày 30/4/1975, dưới chế độ cộng sản, phong trào FULRO, được dịp hồi sinh, đã tổ chức nhiều cuộc đánh phá chống lại chính quyền cộng sản và bị trấn áp trong bạo lực. Cho đến nay người Thượng vẫn còn trên đường đi tìm chỗ đứng.

Chính sách Thượng vụ thời Đệ nhị Cộng Hòa

Tại miền Nam, sau 1969, nhiều định chế chính trị và xã hội đã được thành lập để hội nhập người Thượng vào cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Dưới áp lực của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận gần như toàn bộ những nguyện vọng chính đáng của người Thượng qua hai đại hội sắc tộc họp tại Pleiku từ 15 đến 17/10/1964 và từ 25 đến 26/6/1967. Một số đòi hỏi của nhóm FULRO Thượng - trừ các quyền có lãnh thổ và quân đội riêng, quyền tiếp đón các phái đoàn ngoại giao quốc tế - cũng được thỏa mãn. Những cựu thành viên của phong trào FULRO (gần 6.000 người) đã rời Campuchia về lại Việt Nam sinh hoạt bình thường, 23 cán bộ cao cấp được hồi ngạch và làm việc ngay tại địa phương nơi cư ngụ.

Để tranh thủ sự hợp tác của những nhân sĩ Thượng ôn hòa trong sinh hoạt chính trị (dân cử hay bổ nhiệm), chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thành lập Phong Trào Đoàn Kết Các Sắc Tộc Cao Nguyên Việt Nam, trụ sở đặt tại Buôn Alêa. Lễ ra mắt được cử hành trọng thể tại Buôn Ma Thuột ngày 22/4/1969. Ban chấp hành phong trào, đa số là người Rhadé, gồm có một chủ tịch danh dự (tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), một chủ tịch chính thức (ông Y Bling, buôn Krong Pang), một đệ nhất phó chủ tịch (ông Y Dhắt Niê Kdam), một đệ nhị phó chủ tịch (ông Ya Dúk, người Kaho), một đệ tam phó chủ tịch (bà Hbi, buôn Ya), một tổng thư ký (ông Y Kuốt Ayun), một thủ quỹ (ông Y Buăn). Ban cố vấn gồm có các ông Paul Nưr (người Bahnar), Y Chôn Mlô Duôn Du và Y Bliêng Hmok. Ban chấp hành các tỉnh do chính phủ chỉ định. Tại Đắc Lắc, các ông Y Chôn Mlô Duôn Du làm chủ tịch tỉnh bộ phong trào và Kpa Koi (người Djarai) làm phó chủ tịch. Phong Trào Đoàn Kết, trên thực tế, là cơ quan tuyển chọn người để đưa vào chính quyền. Việc làm đầu tiên là đề cử người vào Hội Đồng Sắc Tộc.

Hội Đồng Sắc Tộc, được thành lập bởi sắc luật 014/69 ngày 14/10/1969 theo điều 66, 97 và 98 Hiến Pháp 1967, gồm 48 hội viên chính thức và 12 hội viên dự khuyết, trong đó 16 hội viên chính thức và 4 dự khuyết do tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chỉ định, 32 hội viên chính thức còn lại và 8 dự khuyết sẽ được bầu tại các địa phương. Sắc lệnh 610 (28/10/1969) qui định số hội viên cho từng sắc tộc tùy theo dân số ; hội viên do tổng thống chỉ định có thể là người Kinh với tư cách là chuyên viên. Cơ quan lãnh đạo Hội Đồng Sắc Tộc là Văn Phòng Thường Trực, gồm có chủ tịch là phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (người Kinh), một phó chủ tịch, một tổng thư ký và hai phó tổng thư ký, tất cả là người sắc tộc. Hội Đồng có nhiều tiểu ban chuyên môn để nghiên cứu từng vấn đề liên quan đến người Thượng. Nhiệm vụ của Hội Đồng, trên nguyên tắc, là đưa ra những đề nghị với chính quyền, cử đại diện đến quốc hội điều trần và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của các sắc tộc. Trong thực tế, Hội Đồng này không có ảnh hưởng nào đối với chính quyền vì chỉ thuần túy là một cơ quan tư vấn.

Cơ quan thực sự có quyền hành là Bộ Phát Triển Sắc Tộc được thành lập ngày 9/11/1967 nhưng chức vụ tổng trưởng chỉ chính thức được bổ nhiệm ngày 22/12/1969 do sắc lệnh 197 SL/PTST. Ông Paul Nưr (người Bahnar) được cử làm tổng trưởng, các ông Đoàn Chí Khoan (người Tày) làm đổng lý, Châu Văn Mỗ (người Chăm) làm tổng giám đốc và ông Y Chôn Mlô Duôn Du (người Rhadé) làm tổng thư ký. Bộ Phát Triển Sắc Tộc được tổ chức từ trung ương xuống địa phương, gồm 25 ty và 65 chi nhánh.

Từ 1969 đến 1975, sự hội nhập người Thượng vào sinh hoạt chính trị và xã hội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mang lại nhiều thành quả tích cực.

- Về chính trị, 90% các chức vụ quan trọng liên quan đến vấn đề sắc tộc đều do người Thượng nắm giữ, 10% còn lại do các sắc tộc khác. Các sắc tộc tại miền Nam có 1 tổng trưởng, 1 đổng lý văn phòng (thứ trưởng), 1 tổng thư ký, 1 tổng giám đốc công tác, 1 công cán ủy viên, 1 giám đốc, 3 chánh sự vụ, 1 thanh tra trưởng, 4 thanh tra ngành hành chánh, 1 tỉnh trưởng, 10 phó tỉnh trưởng, 8 quận trưởng, 30 phó quận trưởng, 26 trưởng ty phát triển sắc tộc, 24 phó trưởng ty, 9 chủ sự, 58 trưởng chi, 4 chánh án, 4 lục sự, 74 phụ thẩm tỉnh và thị xã, 270 phụ thẩm xã, 106 hiệu trưởng trung và tiểu học, 10 thanh tra học vụ, 7 giám thị và 3 quản đốc ký túc xá. Sắc luật 007/71 ấn định số ghế dành cho người Thượng trong quốc hội là 6 ghế và thượng viện 2 ghế. Hơn một nửa số ghế nghị viên hội đồng tỉnh và thị xã trên cao nguyên (25 trên 49 ghế) thuộc về người Thượng, đa số là người Djarai và Rhadé.

- Về hành chánh, trong tổng số 553 xã và 2.004 ấp có người sắc tộc cư ngụ, 388 xã và 1.555 ấp do người Thượng trực tiếp quản trị.

- Về giáo dục và đào tạo, có 65.943 học sinh theo học các trường trung tiểu học và sơ cấp, 142 sinh viên (18 đã tốt nghiệp), 1.483 học sinh cao đẳng kỹ thuật (745 đã tốt nghiệp), nhiều cán bộ tại chức và sinh viên Thượng được cử ra nước ngoài tu nghiệp. Trung Tâm Huấn Luyện Trường Sơn tại Pleiku, thành lập năm 1965, đào tạo hơn 15.000 cán bộ xây dựng sắc tộc và đến tháng 10/1970 đổi thành Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Thượng (tương đương với Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Vũng Tàu dành cho người Kinh), mỗi năm đạo tạo khoảng 270 cán bộ hành chánh Thượng cho các xã ấp và đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn. Từ 1970 đến 1975, hơn 50 cán bộ Thượng ưu tú được gởi đi học các khóa tham sự hành chánh tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn.

- Về quân sự, hơn 15.000 binh sĩ Thượng đứng dưới cờ Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có 734 sĩ quan (130 sĩ quan được điều chỉnh cấp bực ngày 1/2/1969) và hơn 3.000 hạ sĩ quan.

- Về xã hội, quân đội và các hội thiện nguyện Hoa Kỳ (CORDS, USAID, USOM, World Relief...) đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng và tiện nghi vật chất nhằm nâng cao dân trí và mức sống của người Thượng. Không một làng xã nào (đã bình định xong) không có điện nước và hệ thống đường sá đi tới. Tại mỗi trung tâm định cư, người Mỹ đã giúp các trẻ em Thượng học tập nếp sống văn minh mới. Sách giáo khoa bằng 12 thổ ngữ khác nhau, phần lớn do các chuyên viên Hoa Kỳ sáng tạo trừ tiếng Bahnar và Rhadé đã có từ trước, được giảng dạy ở bậc tiểu học. Các giáo hội Thiên Chúa Giáo thành lập rất nhiều cơ sở từ thiện để chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ người Thượng. Tại Buôn Ma Thuột, Tuyên Đức và Lâm Đồng các mục sư Tin Lành xây dựng nhiều nhà thờ và bệnh xá ; tại Pleiku và Kontum, các giáo sĩ Công Giáo mở các lớp học và trại cứu tế giúp dân Thượng. Các tòa án phong tục cũng được thành lập khắp nơi để phân xử những tranh chấp của từng sắc tộc.

taynguyen2

Tây Nguyên đang biến thành khu vực khai thác du lịch bởi những công ty lữ hành đồng bằng - Ảnh minh họa

Nói chung, giới trẻ Thượng thừa hưởng trực tiếp những cải tổ nhằm nâng cao mức sống vật chất và văn hóa. Tuy vậy, phần lớn thanh niên Thượng, quen với tiện nghi vật chất thành thị, xa rời nếp sống cổ truyền. Nhiều nhà nhân chủng và lãnh đạo tôn giáo Pháp nói tới hiện tượng phi văn hóa (aculture) ; xấu miệng hơn, người ta còn nói hiện tượng Việt hóa (?) của người Thượng.

Cũng nên biết là, do yêu cầu của chiến tranh, nhiều buôn làng Thượng buộc phải dời ra khỏi những khu oanh kích tự do (free fire zone) để định cư trong ấp chiến lược dọc các trục lộ giao thông hay cạnh các trung tâm đô thị lớn, nếp sống và lối canh tác cổ truyền đã phần nào bị xao lãng. Phe cộng sản, mất địa bàn hoạt động, xúi giục dân chúng Thượng trở về chốn cũ. Tây Nguyên còn là nơi diễn ra những trận chiến kinh hồn giữa các phe tranh chấp, hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam và Thượng đã bỏ mình trên các chiến địa và hàng triệu tấn bom đạn đã dội xuống vùng này. Những địa danh như Khe Sanh, A Sao, A Lưới, Chu Prong, Dakto, Plei Me, Toumơrong, Buôn Hô... là những sử tích trong chiến tranh Việt Nam.

Chống đối vẫn tiếp tục

Tại Việt Nam, chính quyền đồng nghĩa với quyền lực và quyền lợi, tranh chấp địa vị thường xuyên xảy ra mỗi khi phân bổ chức vụ. Những lãnh tụ Thượng trong chính quyền, vì chưa quen với sinh hoạt chung với nhau, đều giành tối đa quyền lợi về cho sắc tộc mình. Mặc dù chỉ là một cơ quan tư vấn, sự đề cử người vào Hội Đồng Sắc Tộc gây tranh chấp lớn giữa các lãnh tụ Thượng (ai được chỉ định và ai phải qua bầu cử, tỷ lệ là bao nhiêu ?) và làm cản trở sự điều hành của định chế. Vai trò của Bộ Phát Triển Sắc Tộc rất là quan trọng, ngân sách của bộ lớn hơn Bộ Chiêu Hồi và Bộ Lao Động, tranh nhau nắm bộ này là ưu tư chính của những lãnh tụ Bahnar, Djarai và Rhadé. Nhưng chính quyền Sài Gòn chỉ thường ưu đãi những người phục tùng chế độ, ngày 17/6/1971, Nay Luett, một lãnh tụ Djarai, thay Paul Nưr trong chức vụ tổng trưởng cho tới tháng 4-1975, cán bộ Rhadé đông hơn chỉ giữ vai trò thứ yếu do đó rất bất mãn. Thêm vào đó, sự có mặt của chuyên viên kỹ thuật gốc Kinh trong bộ càng làm những lãnh tụ Thượng tức tối, vì cho rằng chính quyền muốn kiểm soát hoạt động của bộ, việc điều hành thường bị trì trệ.

taynguyen3

Tại một số nơi, người Thượng thu nhặt vũ khí để tự bảo vệ - Ảnh minh họa

Mặt khác, đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, FULRO là phong trào của riêng người Thượng, do đó mọi cố gắng đều dồn cho người Thượng, do đó, trong Phong Trào Đoàn Kết, đại diện các sắc tộc thiểu số đều có mặt theo tỷ lệ, trừ người Chăm và người Khmer (vì sinh sống ở đồng bằng nên không được công nhận là những sắc tộc quốc gia). Riêng những lãnh tụ Khmer còn bị nghi ngờ có quan hệ với chính quyền Phnom Penh, một chính quyền thân cộng do Sihanouk đứng đầu. Trong một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày 7/10/1969, 98 dân biểu ủng hộ thành lập một qui chế đặc biệt cho người Khmer nhưng bị thủ tướng Trần Thiện Khiêm phủ quyết "vì quyền lợi và an ninh quốc gia". Sự kiện này càng làm cho nhóm Khmer Chăm và Khmer Krom tại Campuchia thêm bất mãn.

Phong trào FULRO hải ngoại :

Để làm áp lực với nhóm FULRO Thượng về qui chánh tại Việt Nam, cuối tháng 10/1969, Les Kosem thành lập Ủy Ban Hành Động Lâm Thời Trung Ương, bên cạnh Ủy Ban Chỉ Đạo Tối Cao do ông lãnh đạo và cử hai người Chăm, Hoàng Minh Mộ làm chủ tịch và Huỳnh Ngọc Sắng (Ya Mabrang) phó chủ tịch kiêm ủy viên tổ chức. Nhưng đến cuối năm 1970 Les Kosem giải tán Ủy Ban Hành Động Lâm Thời Trung Ương vì bất lực và thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo FULRO do Y Bun Sor vừa từ Pháp trở về lên làm chủ tịch.

Ngày 18/3/1970, Les Kosem giúp tướng Lon Nol cùng nhóm Khmer Sray, do Intam và Cheng Heng lãnh đạo, lật đổ Sihanouk. Sau cú đảo chính này, Les Kosem được Lon Nol giao toàn quyền tổ chức đội quân thiểu số tại Campuchia gồm 7 tiểu đoàn sắc tộc thiểu số người Chăm, Khmer Krom (người Khmer trên đồng bằng sông Cửu Long) và Phnong (Phnong là người Thượng theo tiếng Khmer), tất cả gom lại thành hai lữ đoàn : Lữ Đoàn 5 Bộ Binh gồm toàn người Chăm do trung tá Chek Ibrahim chỉ huy và Lữ Đoàn 40 Biệt Kích gồm toàn người Thượng do Y Bhan Kpor chỉ huy.

Les Kosem cử người lên Mondolkiri kêu gọi lực lượng FULRO Thượng về hợp tác trong ý đồ tái lập vương quốc Champa và thành lập Cộng Hòa Tây Nguyên. Một số đơn vị FULRO Thượng ly khai, mất nguồn tiếp liệu, phải về hợp tác với Les Kosem và được bổ xung vào Lữ Đoàn 40 ; số còn lại hợp tác với quân Khmer Đỏ, được phe cộng sản Việt Nam trang bị và tiếp tế, chống lại Phnom Penh. Thủ lãnh FULRO Thượng Y Bham Ênuôl vẫn bị giam lỏng tại Phnom Penh

Việc làm đầu tiên của Les Kosem trong chức vụ mới là xúi giục các nhóm Khmer Krom và Khmer Chăm tấn công các làng xã và ghe thuyền của người Việt quanh Phnom Penh và dọc lưu vực sông Mekong, làm dấy lên một phòng bài Việt trên khắp lãnh thổ Campuchia tháng 4/1970. Sự sát hại người Việt một cách quá đáng buộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa quân sang Campuchia bảo vệ đồng thời phá luôn các căn cứ quân sự của phe cộng sản dọc vùng biên giới, đặc biệt là tại khu Mỏ Vẹt (tỉnh Svay Rieng). Phnom Penh sau đó bị đặt dưới trướng Sài Gòn và phong trào săn đuổi người Việt trên đất Campuchia cũng chấm dứt.

Trước thế lực áp đảo của lực lượng Khmer Đỏ, cuối năm 1971 Lon Nol phong Les Kosem hàm thiếu tướng và cử làm tổng trấn Phnom Penh ; hai lữ đoàn sắc tộc được triệu về trấn thủ quanh thủ đô. Tại đây, thấy không thể dùng võ lực đánh lại Việt Nam, Les Kosem thành lập Phái Đoàn Vận Động FULRO Hải Ngoại vận động các quốc gia dầu lửa hồi giáo Ả Rập và Đông Nam Á ủng hộ phong trào FULRO của ông. Mở đầu cuộc vận động, Les Kosem dẫn 5 sĩ quan tùy tùng đi Saudi Arabia xin viện trợ và viếng thăm La Mecque, sau đó sang Pháp, Mã Lai, Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan gặp những vị nguyên thủ quốc gia xin giúp đỡ tài chánh và quân sự. Về lại Phom Penh, Les Kosem tập trung 15 lãnh tụ Chăm chia thành ba nhóm đi vận động ngoại giao : nhóm đi các nước Ả Rập, do Primé đại diện, nhóm đi Đông Nam Á do El Ibrahim cầm đầu và nhóm đi Châu Âu do chính Les Kosem hướng dẫn.

Uy tín của Les Kosem ngày càng lên cao, ngày 26/10/1972 ông được Lon Nol cử làm đặc sứ đi Indonesia và các nước Đông Nam Á giải thích lập trường của chính phủ Campuchia. Nhân dịp này, ông vận động với các quốc gia hồi giáo Đông Nam Á giúp người Chăm phục hồi vương quốc Champa. Nhiều buổi hội thảo về nền văn minh và văn hóa Chiêm Thành, những quan hệ của Chiêm Thành với các quốc gia trong vùng được tổ chức tại các thủ đô Đông Nam Á và Châu Âu, từ 1972 đến 1975, nhằm tố cáo cuộc Nam tiến của người Việt Nam. Nhưng tham vọng của Les Kosem đã không được toại nguyện, Khmer Đỏ chiếm nhiều tỉnh ở phía bắc (Strung Treng, Kratié, Rattanakiri và Mondolkiri) và tiến dần về thủ đô Phnom Penh. Lon Nol gọi Les Kosem về bảo vệ thủ đô, hai lữ đoàn sắc tộc đã chống trả dữ dội các cuộc tiến công của quân Khmer Đỏ, cuối cùng thủ đô Phnom Penh cũng bị thất thủ. Ngày 15/4/1975, Les Kosem cùng gia đình và một số thân tín sang Pháp tị nạn.

Phong trào FULRO Dega :

Năm 1970, cuộc chiến tại Việt Nam bước vào giai đoạn thương nghị, người Mỹ muốn rút lui và chuẩn bị Việt Nam hóa chiến tranh, các phe thù địch chuẩn bị cho giai đoạn hậu chiến.

Đối với một số nhân sĩ Thượng, nhất là những lãnh tụ Rhadé, Phong Trào Đoàn Kết (bị giải tán năm 1972) không thực sự tranh đấu cho quyền tự trị của người Thượng trên cao nguyên. Đầu năm 1972, những người này thành lập Ban Bảo Vệ Dân Tộc, chống lại chính sách Thượng vụ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Cuối năm 1972, Ban Bảo Vệ đổi tên thành Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Người Thượng (Front de Libération des Hauts Plateaux Montagnards-FLHPM), còn gọi là FULRO Dega - do Y Bham Ênuôl (vắng mặt) làm chủ tịch và Kpa Koi phó chủ tịch - tranh đấu đòi quyền tự trị cho người Thượng. Dega theo tiếng Rhadé là những đứa con của rừng núi. Cờ Dega ba màu (xanh lá cây, trắng và đỏ), ở giữa là một đầu voi trong vòng tròn màu vàng. Tổ chức này độc lập với phong trào FULRO ở Campuchia.

FLHPM đặt tên cao nguyên miền Trung là Cộng Hòa Dega và thành lập một chính phủ lâm thời gồm 11 bộ do các ông Y Bliêng Hmok, Y Chôn Mlô Duôn Du, Kpa Koi, Y Bách Êban, Y Prêh, Y Nguê, v.v... đảm nhiệm. Cộng Hòa Dega được chia thành năm quân khu : quân khu I gồm cao nguyên Kontum, Quảng Ngãi, Bình Định ; quân khu II : cao nguyên Pleiku, Cheo Reo (Phú Bổn cũ) và Phú Yên ; quân khu III : cao nguyên Đắc Lắc, Mdrack (Khánh Dương cũ) và Dak Nong (Quảng Đức cũ) ; quân khu IV : cao nguyên Lang Biang (Tuyên Đức cũ), Brah Yang (Lâm Đồng cũ) và Gung Car (Đồng Xoài cũ) ; và quân khu V gồm Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhóm FULRO Champa được giao cai quản quân khu V.

Sự ra đời của FULRO Dega nằm trong kế hoạch thành lập nhiều lực lượng thứ ba của Mỹ, do tướng John Paul Van khuyến khích, để tranh quyền với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhất là với Mặt Trận Tây Nguyên Tự Trị do Y Bih Alêo lãnh đạo, trong chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần tại miền Nam Việt Nam, theo tinh thần Hiệp Định Paris 1973.

Để gây thế lực, phong trào Dega bí mật kêu gọi nhân sĩ, sĩ quan và binh sĩ Thượng trở về Tây Nguyên chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Đầu năm 1975, lực lượng quân sự FULRO Dega có trên 10.000 tay súng (hơn 2/3 binh sĩ Thượng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa gia nhập hàng ngũ Dega), bộ chỉ huy và các căn cứ quân sự được thiết lập dọc biên giới Đắc Lắc, Quảng Đức và Mondolkiri.

Tháng 3/1975, quân cộng sản gia tăng áp lực trên cao nguyên. Sau khi làm chủ Buôn Ma Thuột ngày 19/3/1975, đại tá Y Blok Êban (một lãnh tụ trong Mặt Trận Tự Trị Tây Nguyên) được phong làm chủ tịch Ủy Ban Quân Quản và kêu gọi dân Thượng hợp tác.

Những lãnh tụ Thượng tại Sài Gòn, mất liên lạc với các tỉnh cao nguyên, loan báo nhiều tin khó kiểm chứng. Ông Nay Luett, bộ trưởng Bộ Phát Triển Sắc Tộc, tố cáo FULRO Dega hợp tác với cộng sản đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Trong thực tế, quân Dega chỉ lợi dụng tình trạng hỗn độn trên cao nguyên sau khi quân đội miền Nam rút lui để chiếm một số quận huyện dọc biên giới.

Hay tin Buôn Ma Thuột thất thủ, Nay Luett thành lập Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc Cao Nguyên nhằm tập hợp tất cả lực lượng Thượng không cộng sản còn lại, kể cả những cựu thành viên FULRO Thượng, tái chiếm Tây Nguyên. Nhưng thời gian đã quá cấp bách để có một hành động cụ thể, những người lãnh đạo Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc cũng chạy theo đoàn người vĩ đại di tản sang Hoa Kỳ, số còn lại trở về cao nguyên sống lẫn trong dân.

Tại Sài Gòn, chiều ngày 30/4/1975 ông Y Chôn Mlô Duôn Du, tổng thư ký Bộ Phát Triển Sắc Tộc, đứng đầu Ủy Ban Cách Mạng Dân Tộc Thiểu Số do ông thành lập để bàn giao Bộ Phát Triển Sắc Tộc cho đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, rồi trở về Đắc Lắc. Thời kỳ vàng son của người Thượng trong sinh hoạt chính trị tại Việt Nam chấm dứt.

Phong trào cộng sản và người Thượng

Từ sau 1938, cán bộ Việt Minh thành lập nhiều mật khu trên các vùng rừng núi phía Đông dãy Trường Sơn, cạnh các buôn làng Thượng, để chống Pháp. Sự kề cận này buộc những cán bộ Việt Minh phải giao tiếp với cộng đồng người Thượng để được tiếp tế và, qua đó, hiểu biết phong tục, tập quán của người Thượng. Tại Bình Định, cán bộ Việt Minh còn giả làm người Thượng để che mắt quân đội Pháp trong các cuộc bố ráp. Sau 1945, cán bộ Việt Minh chính thức xuất hiện trên cao nguyên và hoạt động ngay trong các thành phố lớn. Với khẩu hiệu "dân tộc Tây Nguyên tự trị", phong trào Việt Minh đã thu phục toàn bộ thành phần ưu tú người Thượng do Pháp đào tạo. Hàng ngàn cán bộ và binh sĩ Thượng gia nhập phong trào Việt Minh và được giao những chức vụ quan trọng tại các địa phương như các ông Nay Phin (đại biểu Cheo Reo), Y Wang (đại biểu Đắc Lắc), Nay Der (đại biểu Kontum, Pleiku kiêm chủ tịch Ủy Ban Sắc Tộc), Y Klam (trưởng Đoàn Thanh Niên Sắc Tộc) và các ông Y Ngô Buôn Ya, Y Thang Niê Kdam, Y John Niê Kdam là những sĩ quan cao cấp... Tiểu đoàn Cứu Quốc Quân Đắc Lắc, do ông Y Bih Alêo chỉ huy, đã tham gia nhiều trận đánh lớn trên cao nguyên.

Sau 1954, khoảng 120.000 cán bộ Việt Minh từ miền Nam ra Bắc tập kết, trong đó có khoảng 6.000 người sắc tộc, đa số là người Rhadé và Djarai. Thanh niên Thượng tập kết được Chu Văn Tấn, chủ tịch Ủy Ban Dân Tộc, cho đi học tại Trường Các Dân Tộc Thiểu Số Phía Nam tại Gia Lâm. Chương trình học tập văn hóa bằng tiếng Việt, trình độ tiểu học, gồm các bộ môn lịch sử và văn hóa Việt Nam. Các học viên Thượng còn được hướng dẫn sử dụng bản đồ, địa bàn và học tập chính trị (chủ nghĩa Mác Lênin và các khẩu hiệu chống Ngô Đình Diệm). Cuối năm 1959, hơn 4.000 thanh niên Thượng đã tốt nghiệp từ trường này, mỗi khóa 400 người. Trong thời gian học tập, các học sinh được nuôi ăn ở và đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh của miền Bắc. Thỉnh thoảng các lãnh tụ đảng cộng sản đến ủy lạo tinh thần học sinh Thượng.

Từ tháng 3/1955 trở đi, những học sinh Thượng ưu tú được gởi vào Trường Sư Phạm Trung Ương để trở thành giáo viên và cán bộ sắc tộc. Thời gian học tập gồm 9 tháng, mỗi khóa đào tạo khoảng 410 cán bộ, trong đó có 120 người Thượng. Nhiều cán bộ Rhadé, Djarai và Sedang ưu tú, sau khi tốt nghiệp được đưa sang Liên Xô và Trung Quốc tu nghiệp trong những trường sắc tộc. Ông Y Ngôn Niê Kdam, "đại biểu quốc hội" năm 1956, được đưa sang Liên Xô học tập chính trị và quân sự.

Trong thời gian này, Hà Nội chuẩn bị kế hoạch đưa cán bộ vào miền Nam vận động tổng tuyển cử, dự trù vào tháng 7/1956 theo qui định của hiệp định Genève. Các đoàn thám hiểm đầu tiên được cán bộ Thượng tập kết hướng dẫn, đi từ Nam Lào vào Tây Nguyên, rồi từ Tây Nguyên xuống Sông Bé tiến vào Tây Ninh. Cuộc tổng tuyển cử đã không xảy ra, tất cả ở lại nằm vùng trong các thôn xóm và vận động dân chúng chống lại chính quyền miền Nam.

Năm 1958, lợi dụng tình trạng xáo trộn trên cao nguyên, cán bộ cộng sản vào các làng Thượng tuyển mộ và đưa từng đợt 50 thanh niên ra Bắc học tập, sau đó đưa về Tây Nguyên hoạt động.

Để đối trọng với phong trào Bajaraka của Y Bham Ênuôl, tháng 10/1960 Hà Nội thành lập Phong Trào Dân Tộc Tự Trị Tây Nguyên, gọi tắt là Phong Trào Tự Trị Tây Nguyên, do các ông Y Bih Alêo, Y Thang Niê Kdam, Y Ngôn Niê Kdam cầm đầu tại Kon Hanung. Phong trào này là một bộ phận của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (thành lập tháng 12/1960), có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) vận chuyển người và vũ khí vào Nam.

Người Hré, Ktu, Bru Vân Kiều và Tà Ôi trên cao nguyên miền Trung được giúp đỡ tận tình vì nơi sinh trú của họ nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, giữa Khe Sanh và Nam Lào. Người Stiêng và Mnong trên cao nguyên miền Nam càng được chiếu cố vì địa bàn sinh sống của họ (phía Tây Bắc Sài Gòn) là nơi đặt bản doanh của cục R, cơ quan đầu não của phe cộng sản ở miền Nam. Sóc Bombo của người Stiêng đã một thời được thổi phồng như một thành trì chống Mỹ. Khu vực Tam Biên (nơi giáp ranh cũ giữa Campuchia, miền Nam và miền Trung) gần như là vùng giải phóng. Qui chế tự trị được áp dụng ngay tại Dak Goklam, Ban Tăng, Ban Het, Dak Sút, Sa Thầy, Plei Ya... 40% thanh niên trong mỗi làng được huy động xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh.

Mặc dù được phong nhiều chức vụ danh dự trong các tổ chức vệ tinh của Đảng cộng sản và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, như phó chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (ông Y Bih Alêo), chủ tịch các ủy ban sắc tộc, sĩ quan quân đội..., vai trò của những lãnh tụ Thượng rất là lu mờ. Họ không được tham gia vào bất cứ quyết định quan trọng nào liên quan tới cuộc chiến. Ban lãnh đạo cộng sản rất sợ người Thượng kết hợp lại với nhau nên đã bằng mọi cách ly gián hay gây chia rẽ các nhóm Thượng với nhau. Mọi liên lạc với các tổ chức Thượng khác, kể cả những tổ chức chống lại chính quyền miền Nam, đều bị ngăn chặn.

FULRO Dega và chính quyền cộng sản

Lợi dụng tình trạng hỗn độn trên cao nguyên giữa tháng 3/1975, dân chúng Chăm và Thượng thu nhặt vũ khí, quân trang và quân dụng, do quân lực Việt Nam Cộng Hòa vứt bỏ trong các cơ quan và dọc các quốc lộ 1, 14, 19, nộp cho lực lượng FULRO Dega. Với số lượng vũ khí và lương thực khô thu nhặt được, bộ tham mưu FULRO Dega, cảm thấy đủ khả năng đối đầu với quân đội cộng sản, ra lệnh cho các đơn vị FULRO chiếm nhiều đồn bót dọc vùng biên giới, một số buôn làng tại Kontum, Pleiku, Đắc Lắc, Quảng Đức, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Lực lượng FULRO Dega và FULRO Champa lúc đó có trên 12.000 tay súng và hơn 8.000 du kích.

Tại Phan Rang, giữa tháng 4/1975, Huỳnh Ngọc Sắng (về lại Việt Nam từ đầu năm 1973) cùng Vạn Thanh Bình và Kiều Ngọc Quyên chỉ huy FULRO Champa quân khu V. Lực lượng Chăm, gồm 2.000 tay súng, thành lập những đội du kích bảo vệ thôn ấp. Cờ FULRO được treo khắp nơi. Khi bộ đội cộng sản tiến vào, du kích Chăm nổ súng chống lại, nhưng sau vài cuộc chạm súng các đội võ trang Chăm bị đánh bại dễ dàng, nhiều người bị thiệt mạng, một số bị bắt và một số khác trốn lên cao nguyên Di Linh hợp cùng các nhóm Dega tổ chức kháng chiến.

FULRO quân khu I chặn đánh các đường tiếp tế từ đồng bằng lên Kontum. FULRO quân khu II tấn công các buôn làng quanh Pleiku và Cheo Reo, sát hại nhiều cán bộ cộng sản. FULRO quân khu III chiếm các quận Lạc Thiện, Buôn Hô, Krong Pách... giết và làm bị thương hàng chục cán bộ và bộ đội, phục kích các đoàn xe quân sự và hành khách trên các quốc lộ 14 và 19. FULRO quân khu IV đánh phá các quận Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh, chặn xét xe đò trên các quốc lộ 15, 20 và 21. FULRO quân khu V, lôi kéo hàng ngàn thanh niên Chăm và Roglai vào bưng.

Tháng 6/1975, chính quyền cộng sản tung chiến dịch truy quét FULRO trên khắp Tây Nguyên. Nhiều cuộc hành quân qui mô, có chiến xa và trọng pháo yểm trợ, đánh thẳng vào những sào huyệt của FULRO tại Đắc Lắc, Lâm Đồng và Tuyên Đức. Những quận huyện và buôn làng bị chiếm đều lấy lại được, nhiều cán bộ FULRO Dega cao cấp lần lượt bị bộ đội cộng sản Việt Nam bắt (Y Chôn Mlô Duôn Du, Y Bliêng Hmok, Y Nguê, Y Djao Niê, Nay Guh, Nay Fun, Nay Rong) và bị giam trong các trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột và Lâm Đồng.

Hơn 2.000 quân FULRO Dega chạy sang Campuchia lánh nạn và được Khmer Đỏ tiếp nhận. Lực lượng này do đại tá Y Peng Ayun chỉ huy với ban tham mưu gồm nhiều sĩ quan cao cấp như trung tá Y Hinnie, Y Bhong Rcam, Y Yỗn, Kpa Koi, Htlon..., trong đó có cả mục sư Budar Su Kbông. Binh sĩ Dega được giúp đỡ và trang bị thêm để tiến qua Việt Nam đánh chiếm các làng ven biên tại Lâm Đồng, Sông Bé và Đắc Lắc. Những trận đánh tại vùng biên giới và dọc các quốc lộ trong những năm 1975 và 1976 rất là dữ dội.

Tại Đắc Lắc, cuối tháng 5/1976, một số lãnh tụ Thượng bị giam (Y Djao Niê, Nay Ful, Nay Rong, Nay Guh cùng nhiều người khác) vượt ngục và ám sát ban lãnh đạo FULRO Dega cũ gồm các ông Kpa Koi, Htlon, Y Bách Êban, Y Dhê Buôn Dap, Hmang Mbon... để giành quyền lãnh đạo. Tháng 7/1977, nhóm này thành lập một chính phủ mới, bộ chỉ huy đặt tại Lạc Dương, phía Bắc Đà Lạt. Y Djao (bí danh thiếu tướng Dampa Kwei) tự phong thủ tướng và cử Ya Duk (người Koho) làm đổng lý văn phòng, Nay Guh bộ trưởng quốc phòng, Nay Rong (trung tá) bộ trưởng ngoại giao, Nay Ful bộ trưởng nội vụ (cả ba là người Djarai)... Tổ chức quân sự vẫn giữ y như cũ gồm năm quân khu, nhưng chỉ quân khu IV, do Paul Yưh (người Bahnar) làm tư lệnh, thực sự còn hoạt động. Vụ đảo chánh này làm nhiều cán bộ FULRO nản chí, một số buông súng ra đầu hàng, một số khác bỏ về làng làm nương rẫy.

Y Djao Niê cùng Huỳnh Ngọc Sắng lập nhiều chiến khu từ Đơn Dương (Drang), Tùng Nghĩa (Laba) đến Sông Pha (Krong Pha) và phối hợp với thiếu tá Phong (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 302 Tuyên Đức cũ) tấn công các đồn bót và sự di chuyển của bộ đội cộng sản trên cao nguyên Lâm Đồng. Từ 1977 đến 1978, lực lượng du kích này - do Krajang Hput, người Koho, chỉ huy - đã tổ chức nhiều cuộc đột kích, đốt phá nhiều trụ sở ủy ban nhân dân xã, huyện bắn pháo vào các đồn bót, phục kích và bắt giữ những đoàn địa chất và lâm nghiệp, khủng bố những người làm nghề khai thác cây rừng, chận xét xe đò, bắt cóc và ám sát cán bộ thu mua lương thực trong các xã ấp quanh thị xã Đà Lạt, các quận Đơn Dương và Lạc Dương.

Nhưng tranh chấp quyền lực giữa các lãnh tụ FULRO với nhau làm tổ chức Dega yếu hẳn đi. Y Djao Niê bị giết ngày 12/10/1978 tại Đức Trọng, Y Ghok Niê Krieng lên làm thủ tướng ngày 22/1/1979, Ya Duk làm phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội trị và ngoại giao kiêm phó chủ tịch thứ nhất FULRO Dega, Paul Yưh là phó thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh và quốc phòng ; ban lãnh đạo phong trào đặt tại Đầm Ròn (Lâm Đồng).

Tổng kết từ 1975 đến 1979, khoảng 8.000 binh sĩ Dega bị loại khỏi vòng chiến, phần lớn bị chết dưới những trận tập kích của pháo binh và thiết giáp, số còn lại chết vì thiếu thuốc men và bệnh tật. Nhiều người chịu không nổi cảnh thiếu thốn trong rừng sâu đã ra đầu thú và đi ở tù. Sau 1980, phong trào kháng chiến Thượng, thiếu sự hỗ trợ của dân chúng, yếu dần theo thời gian, những ổ kháng cự cuối cùng lần lượt bị tháo gỡ và đến cuối năm 1982 thì phong trào FULRO trên Tây Nguyên gần như tan rã, một số bị bắt, số còn lại ra đầu hàng.

Tại Campuchia, hơn một ngàn người Thượng đã chạy qua Thái Lan tị nạn khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Mondolkiri cuối năm 1979, hơn 200 binh sĩ Dega sau đó được sang Hoa Kỳ tị nạn và 800 người Stiêng được Pháp nhận vào Guyane (Trung Mỹ) năm 1986. Lực lượng Dega còn lại phân tán thành nhiều toán nhỏ sống lẫn vào dân chúng trong các buôn làng xa xôi.

Năm 1980, khoảng 1.500 FULRO Dega về lại Việt Nam hoạt động. Các toán du kích Thượng đột nhập vào các tỉnh Pleiku, Kontum, Đà Lạt và Đắc Lắc khủng bố, ám sát cán bộ xã ấp rồi rút về Campuchia. Năm 1981, quân FULRO đặt mìn phá trạm biến điện tại Gia Lai Kontum, phục kích những toán công an tại Lâm Đồng, chặn xét xe đò, kêu gọi dân Thượng chống lại Việt Nam và bắt theo nhiều thanh niên Thượng từ 15 tuổi trở lên vào bưng kháng chiến. Sự phản công của bộ đội cộng sản Việt Nam cũng rất dữ dội : năm 1984 có 358 FULRO Dega bị giết, 1.734 bị bắt, 600 vũ khí bị tịch thu. Từ 1985 đến 1990, bộ đội cộng sản Việt Nam tổ chức 63 cuộc hành quân trên Tây Nguyên, hạ sát 102 quân FULRO, bắt sống 167 người khác và vô hiệu hóa hơn 10.000 dân Thượng trong những buôn làng xa xôi, tất cả được dời về gần nơi thị tứ hay cạnh các trục lộ giao thông để dễ canh chừng. Thiệt hại về phía bộ đội và cán bộ cộng sản Việt Nam cũng rất cao, con số không được tiết lộ nhưng chắc cũng bằng hoặc hơn nhóm Dega Thượng vì không quen đường đi nước bước trong rừng và thường bị phục kích bất ngờ bởi những cựu biệt kích Thượng.

Chính quyền Khmer thân Việt Nam, trong những năm 1981-1983, cũng tổ chức nhiều cuộc hành quân tấn công vào sào huyệt của lực lượng Khmer Đỏ và FULRO Dega tại Mondolkiri nhưng bị thiệt hại nặng phải lùi về đồng bằng. Phải chờ đến năm 1986, với sự trợ lực của bộ đội Việt Nam, đại bản doanh FULRO Thượng tại Mondolkiri mới bị phá hủy, tàn quân FULRO tản mác khắp nơi. Tháng 9/1991, lực lượng UNTAC (United Nations Transitional Authority in Cambodia) của Liên Hiệp Quốc bắt gặp hơn 400 FULRO Thượng với 175 súng cá nhân sống lây lất trong rừng, tất cả được đưa sang Hoa Kỳ tị nạn năm 1992. Tháng 5/1998, một nhóm sáu người (gồm ba đàn ông, một đàn và hai trẻ em, trang bị bằng cung nỏ) thuộc lực lượng FULRO cuối cùng còn lẫn trốn bị bắt tại Đắc Lắc, phong trào FULRO tại Việt Nam và Campuchia coi như chấm dứt.

Tuy vậy, tại hải ngoại, phong trào FULRO vẫn còn hoạt động. Y Bhan Kpor, thoát sang Thái Lan và được tị nạn tại Hoa Kỳ, tiếp tục lãnh đạo phong trào Dega tại hải ngoại. Y Jut Buôn Tô, cựu đốc sự hành chánh, và Kok Ksor là những người đại diện phong trào trong việc ký kết hay hợp tác với các tổ chức khác. Hiện nay có trên ba ngàn người Thượng tại Hoa Kỳ, đa số sinh sống tại hai tiểu bang North và South Carolina trong bốn thành phố : Raleigh, Greenboro, Charlotte và Spartanburg.

Người Thượng dưới chế độ cộng sản

Phong Trào Tự Trị Tây Nguyên của Y Bih Alêo chết theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam năm 1976, những hứa hẹn trong thời chiến tranh về quyền tự trị của người Thượng không còn được nhắc đến, thay vào đó là "chính sách dân tộc". "Dân tộc" ở đây phải hiểu là sắc tộc thiểu số và "chính sách dân tộc" là chính sách phòng vệ biên giới, thuộc lãnh vực quốc phòng, chứ không phải để nâng cao đời sống người thiểu số.

Việt Nam có trên ba ngàn cây số biên giới đường bộ, một khu vực đang còn tranh chấp với các lân bang và là nơi sinh trú của các sắc tộc thiểu số. Địa bàn cư trú của người Thượng trên Tây Nguyên có một vị thế chiến lược quan trọng, đó là yết hầu của ba nước Đông Dương : làm chủ Tây Nguyên là làm chủ Việt Nam, Lào và Campuchia. Tây Nguyên chính vì vậy là một khu quân sự, do đảng cộng sản trực tiếp quản lý qua trung gian các chính quyền địa phương, mặt trận tổ quốc, quân đội và công an biên phòng. Một số làng-biên-giới được thành lập dọc biên giới Campuchia và Lào, các làng Thượng ven biên được dời vào sâu trong nội địa.

Tùy theo mức độ phục tùng của từng nhóm Thượng mà sự kiểm soát của chính quyền tăng hay giảm. Những lãnh tụ thời chiến như Y Bih Alêo, Y Dhơn Niê Kdam, Nay Der, Nay Phin... đều đã già hay đã chết, những cán bộ và đại biểu Thượng đang còn trong đảng hay tại quốc hội và các chính quyền địa phương không có thực quyền, thành phần cán bộ trẻ không được tin cậy, mọi chức vụ quan trọng đều do người Kinh nắm giữ. Nơi cư trú của người Rhadé, Djarai, Bahnar và Stiêng bị canh chừng nghiêm ngặt, mọi ngỏ ra vào Tây Nguyên đều bị kiểm soát. Đoạn đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt có hơn 20 trạm kiểm soát. Đoạn đường từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột có trên 15 trạm kiểm soát. Đoạn đường liên tỉnh từ Pleiku đến Kontum cũng có hơn 10 trạm. Du kích địa phương theo dõi gắt gao quan hệ của từng người trong làng, nhất là quan hệ với các tu sĩ và người ngoại quốc.

Phần lớn người Thượng ngày nay đã định cư và định canh, chỉ còn khoảng 300.000 người vẫn còn duy trì nếp sống du canh du cư. Từ sau 1976, đất công xã của các buôn làng đều bị tập thể hóa, các định chế mẫu hệ (nhà rông, nhà tập thể) bị giải tán. Các tòa án nhân dân thay thế các tòa án phong tục, đạo Tin Lành bị cấm rao giảng. Cán bộ đảng và nhà nước lấn át vai trò của các già làng, thanh thiếu niên Thượng tại những nơi đông dân bị đoàn thể hóa. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính giảng dạy trong các trường học, tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ở bậc tiểu học bị cấm. Tỷ lệ thất học trên Tây Nguyên cao nhất nước, 60% trẻ em Thượng không đi đến trường vì thiếu ăn và nghèo khó. Số học sinh tốt nghiệp trung học, rất ít, thường không tìm được việc làm phải trở về buôn làng canh tác nông nghiệp. Bệnh tật nhiệt đới (cùi, lao, kiết lị, sốt rét rừng...) là tác nhân gây tử vong cao trong cộng đồng người Thượng, nhất là trẻ em. Mọi trợ giúp nhân đạo bất cứ từ nguồn gốc nào đều bị thanh lọc gắt gao.

Tây Nguyên có từ 1,5 đến 1,8 triệu hecta đất trồng trọt được nhưng hiện nay chỉ khai thác trên 400.000 mẫu. Từ 1976 đến nay, chính quyền cộng sản đã đưa hơn ba triệu người từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và hơn 70.000 người thiểu số từ các tỉnh thượng du miền Bắc lên Tây Nguyên khai thác số đất đai còn lại. Người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ : 1,6 triệu (30%) trên tổng dân số 5,4 triệu người. Theo luật sử dụng đất đai ban hành năm 1999, diện tích canh tác của người Thượng bị thu hẹp lại, mỗi hộ dân chỉ được thuê tối đa ba mẫu. Cũng nên biết trong mỗi nhà sàn (là một hộ) nhiều gia đình sống chung với nhau theo chế độ sở hữu tập thể. Luật sử dụng đất đai mới này phá vỡ nếp sống cổ truyền của người Thượng, vì mỗi nhà sàn phải phân tán thành từng hộ nhỏ để có thể thuê thêm đất canh tác, nếu không sẽ bị đói. Đó là chưa kể nạn lợi dụng sự thật thà của người Thượng bởi những di dân bất hảo để chiếm đoạt những khu đất tốt dọc các con suối và các trục lộ giao thông. Tại một số nơi, do thiếu văn hóa, những di dân còn đối xử với người Thượng như những nô lệ.

Sự có mặt ồ ạt của di dân từ đồng bằng lên làm xáo trộn toàn bộ sinh thái trên Tây Nguyên. Do đời sống nghèo khó và không được chính quyền giúp đỡ, sự hủy hoại môi trường sinh sống của những di dân mới này rất là báo động. Hơn hai triệu hécta đất rừng trên các vùng đồi núi biến thành đồi trọc, gây hạn hán mùa khô và lũ lụt mùa mưa. Diện tích rừng từ 3,3 triệu hécta năm 1976 giảm xuống còn 2,5 triệu năm 1984 và ngày nay chưa tới một triệu. Đó là chưa kể nạn khai thác gỗ rừng bừa bãi của các công ty quân đội và công an biên phòng tại các vùng biên giới để xuất khẩu. Thêm vào đó là nạn đào tìm kim loại và đá quí bằng hóa chất gây ô nhiễm môi sinh, nhiều loại thú quí như cọp, khỉ, công và rắn lục bị tuyệt chủng.

Tương lai của cộng đồng người Thượng rất là bấp bênh, vấn đề hội nhập người Thượng vẫn còn nguyên vẹn. Dân tộc Việt Nam đã trả những giá rất đắt cho hận thù và chia rẽ, chúng ta phải thức tỉnh và nhìn ra những vết xe đổ. Xây dựng đồng thuận dân tộc phải là ưu tư hàng đầu của những người muốn lãnh đạo Việt Nam tương lai.

Nguyễn Văn Huy

(1998)

Đọc thêm :

 

Bài mở đầu. Lời phi lộ

Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung

Bài 2. Những phong trào phản kháng

Bài 3. Sự hội nhập khó khăn

Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng

Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy

Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng

Bài 7. Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam

Published in Tư liệu

Người Thượng tại Việt Nam

Bài 2

Những phong trào phản kháng của người Thượng dưới thời Pháp thuộc

bahnar1

Một kiểu nhà sàn trong buôn làng người Bahnar - Ảnh minh họa

Từ giữa thế kỷ 16 người Việt bắt đầu tiếp xúc giáo lý đạo công giáo, số người theo đạo càng ngày càng đông, nhiều họ đạo lớn được thành lập. Nhưng từ thế kỷ 19 trở về sau, đạo công giáo bị bách hại, phong trào tìm đường lên cao nguyên lánh nạn trở nên mạnh mẽ, cộng đồng người Thượng qua đó đã được biết đến.

Sự xâm nhập của người Pháp, và của người Kinh sau này, vào không gian sinh tồn của người Thượng là tiền đề của những phong trào hợp tác hay phản kháng của người Thượng.

 

Quan hệ với các giáo sĩ Pháp

Tại Việt Nam, người Thượng đã được các giáo sĩ phương Tây biết đến từ thế kỷ 17.

Năm 1621, giáo sĩ Borri gọi chung những nhóm dân cư phía Bắc Nam Phần là Kemoy (Kẻ Mọi).

Giáo sĩ Marini Romain đề cập tới các vua Hỏa Xá và Thủy Xá (người Djarai) từ 1646. Năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes xác nhận xứ "Rumoi" (Rú Mọi) nằm ở giữa Lào và Annam.

Trong thế kỷ 18, giáo sĩ João de Loureiro xuất bản cuốn De nigris Moi et Champanensibus (Người Mọi đen và Champa) ; giáo sĩ De La Bissachère lội ngược sông Mékong lên phía Bắc và khám phá các nhóm Thượng sinh sống dọc hai bờ sông. Năm 1765, giáo sĩ Pigues lên đến thượng nguồn sông Prek Chlong (Campuchia) và tiếp xúc với các nhóm "Stieng, Proue, Queraie, Penong, v.v...", rồi trở về không. Năm 1770, giáo sĩ Juguet vào Prek Chlong giảng đạo cho người Stieng rồi chết vì kiệt sức (1774). Tháng 5/1775, giáo sĩ Faulet thành lập họ đạo Chlong rồi cũng chết vì bệnh sốt rét rừng (1776). Sang thế kỷ 19 những hiểu biết về Tây Nguyên rõ ràng dần ; khi thiết lập Đại Quốc Họa Đồ năm 1838, giáo sĩ Taberd dùng chữ "Mọi" để chỉ những nhóm dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn. Tuy vậy, những cố gắng này không có tiếp nối.

Phải chờ đến thời Tự Đức, việc cấm đạo trở nên dữ dội ở đồng bằng, cố gắng tìm đường lên cao nguyên mới được hồi sinh. Tại Tây Nam Phần, năm 1857, giám mục Lefèbvre cho người vào nơi sinh trú của người Stieng, phía Tây Bắc Gia Định, tìm nơi trú ẩn và năm 1861, giáo sĩ Azémar thành lập được họ đạo Brơlam (Bình Long) nhưng bị Pou Kombo (một lãnh tụ Khmer) đốt năm 1867. Giáo sĩ Vuillaume, khi trốn các cuộc lùng bắt đạo tại Phan Rang năm 1865, đã chạy lên cao nguyên Di Linh sinh sống với người Mạ và Sré.

Nhưng sự khám phá Tây Nguyên và người Thượng chỉ qui mô hóa từ giữa thế kỷ 19. Tại miền Trung, năm 1847, giám mục cai quản giáo phận Đông Nam Phần tại Bình Định, Etienne Cuénot cử ông Nguyễn Do, một tín đồ người Kinh, đi từ Trạm Gò đến An Khê vào lãnh thổ người Djarai Hadrong.

Năm 1850, Nguyễn Do dẫn bốn giáo sĩ Pháp (Combes, Fontaine, Dourisboure, Besombes) vào nơi cư trú của người Bahnar, Rengao, Sedang và thiết lập các họ đạo tại Kon Xolang, Kon Koxam và Kon Rohai. Khi về đồng bằng mỗi phái đoàn vẽ lại bản đồ và ghi chú chi tiết phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc đã tiếp xúc. Đó là những tài liệu về cao nguyên miền Trung chưa từng được biết. Cũng nên biết Bahnar là nhóm sắc tộc đầu tiên, sau người Kinh, có chữ viết dựa theo mẫu tự la-tinh do các giáo sĩ dòng Thừa Sai soạn năm 1861.

(Năm 1776, khi vào Nam kiểm kê, Lê Quí Đôn có ghi lại một số quan hệ giữa các vua Hỏa Xá và Thủy Xá với triều đình xứ Đàng Trong, nhưng những mô tả này chỉ dựa trên lời thuật chứ không do giao tiếp trực tiếp).

Trong thời kỳ này người Sedang, Djarai và Stieng còn rất hiếu động, họ thường đánh bắt người Bahnar Reungao, Sedang Halang và Mnong Bhiet bán làm nô lệ cho người Thái và người Lào. Năm 1862, nhân bệnh đậu mùa làm chết nhiều người trên cao nguyên, các thầy phù thủy Thượng cho rằng sự hiện diện của các giáo sĩ Pháp là nguyên nhân của tai ương và kêu gọi dân chúng nổi lên đánh đuổi. Khoảng 400 quân Sedang từ phía Bắc tràn xuống tấn công các làng công giáo Bahnar. Các bộ lạc Djarai từ phía Nam sông Bla cũng tiến lên chiếm đóng khu vực canh tác của người Bahnar. Năm 1871, một đàn châu chấu bay đến phá hoại tất cả mùa màng của người Thượng gây ra nạn đói, các tù trưởng Djarai và Sédang lại hô hào dân chúng nổi lên đốt phá các làng đạo Bahnar.

Trước sự đe dọa này, các giáo sĩ Pháp giúp người Bahnar chống trả lại và còn thành lập một đội võ trang gồm 1.200 người năm 1883 để đánh trả lại những cuộc tấn công của các nhóm khác.

Sự hiện diện của các giáo sĩ công giáo làm thay đổi hẳn tương quan quyền lực trên Tây Nguyên. Người Bahnar trước kia là nạn nhân của người Djarai và Sedang nay biết tự vệ hữu hiệu hơn. Thêm vào đó, các giáo sĩ Kinh còn dạy cho người Bahnar cách trồng lúa nước, bắp, cây bông gòn và nghề chăn nuôi (heo, bò, trâu, ngựa, gà, vịt). Đời sống của người Bahnar nhờ đó đã được cải thiện hơn, không bao lâu sau dân số Bahnar tăng nhanh và trở thành một nhóm hùng mạnh.

Đầu năm 1888, toàn quyền Constans và tổng thư ký Klobukowski cử David Mayréna (một tay phiêu lưu khôn ngoan và gan dạ) lên Attopeu tìm vàng. Mayréna được các giáo sĩ Pháp giúp đỡ tận tình và nhờ tài bắn súng rất hay, đánh kiếm rất giỏi đã chinh phục hầu hết các làng Sedang tại Dakto. Sau thành công dễ dàng này, Mayréna thành lập "vương quốc Sedang" ngày 3/6/1888, có hiến pháp, có quốc kỳ và huy hiệu riêng. Mayréna tự xưng là "Marie Đệ Nhất, vua người Sedang".

bahnar2

"Marie Đệ Nhất, vua người Sedang"

Không chịu thua, ngày 20/6/1888, các giáo sĩ Pháp cũng cho ra đời Liên Bang Bahnar-Reungao-Sedang, phong một lãnh tụ Bahnar tên Krui làm "tổng thống Cộng Hòa Bahnar". Liên bang mới này liên hiệp với vương quốc Sedang tuyên chiến với người Djarai.

Danh tiếng của Mayréna đe dọa uy quyền của Xiêm La, lúc đó gần như đặt trọn Tây Nguyên dưới quyền kiểm soát, và làm chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương lo ngại ; cả hai tìm cách triệt hạ ảnh hưởng của Mayréna trên phần đất này.

Nhân một chuyến du hành sang Châu Âu tìm hậu thuẫn tháng 1/1889, Mayréna bị cấm trở về Đông Dương và chết cô đơn trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Thái Lan (tháng 11/1890). Tháng 3/1889, công sứ Qui Nhơn Guiomar lên Kontum giải tán vương quốc Sedang và khuyên người Thượng gia nhập Liên Bang Bahnar-Rengao do Hội truyền giáo Kontum cai quản. Điều này không làm hài lòng người Sedang, Djarai và Rhadé, họ rút vào rừng sâu tổ chức chống phá sự hiện diện của Pháp. Kể từ đó cao nguyên miền Trung trở nên mất an ninh và chính quyền thuộc địa Pháp thay mặt giáo hội công giáo bảo vệ các làng đạo, đồng thời mở rộng tầm kiểm soát trên khắp Tây Nguyên.

 

Chống phá sự xâm nhập của người Pháp

Mục tiêu chiến lược của Pháp trong thời kỳ này là loại trừ ảnh hưởng của Xiêm La, mở rộng lãnh thổ về phía Tây, thiết lập vòng đai bảo vệ quyền lợi lâu dài của Pháp tại Đông Dương. Để thực hiện, chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức dọ thám các vùng đất lạ, đo đạc địa hình và ghi chép phong tục tập quán của người Thượng ; xây dựng hệ thống đồn bót và cơ quan hành chánh tiền phong để cai trị và vô hiệu hóa sự chống đối của các nhóm Thượng bất phục tùng.

Sự xâm nhập của quân đội Pháp vào sâu trong nội địa Đông Dương, nhất là sau khi đuổi quân Xiêm sang bên kia bờ hữu ngạn sông Mékong và thành lập nước Lào dưới sự bảo hộ của Pháp tháng 10/1893, làm nổ bùng một phong trào phản kháng dữ dội trên khắp cao nguyên, từ 1893 đến 1914.

Tại Nam Lào, năm 1901, Khomadan, một người Phù Thái đồng thời cũng là thầy pháp, kêu gọi dân chúng nổi lên chống Pháp trên cao nguyên Boloven, từ Oubon đến Bassac. Đầu năm 1902, người Kha và Sedang giết đồn trưởng Henri tại Nongpol, giết cai đội Sicre tại Kapeu, tấn công Savannakhet, bao vây Saravane. Chính quyền thuộc địa Pháp phải cử nhiều đoàn quân chính qui lên Nam Lào tái lập an ninh nhưng quân của Khomadan cầm cự cho tới 1907 mới bị vô hiệu hóa.

Tại Bình Trị Thiên, phong trào Cần Vương từ 1888 lôi kéo một số khá đông người Thượng chống lại quân Pháp cho đến 1897.

Năm 1898, Pháp tiếp thu hệ thống phòng thủ cao nguyên của triều Nguyễn (Sơn Phòng Trấn). Người Thượng trước kia được hưởng qui chế độc lập với triều đình Huế nay bị đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của Pháp đã đứng lên chống lại.

Tháng 6/1901, người Ktu tại A Sơ, A Dong và A Bạc tấn công đồn An Điềm (Đại Lộc, Quảng Nam) gây thương tích cho nhiều binh lính. Năm 1903, người Hré do Tổng Ren và Tia Các cầm đầu đánh phá các đồn Mang Gia, Nước Vo và Nước Dinh (Quảng Ngãi) ; tháng 4-1907 họ đánh phá Đức Phổ, tháng 11 chiếm đồn Đồng Mít (Quảng Ngãi) và chỉ bị dẹp yên cuối năm 1910. Người Tà Ôi nổi lên sát hại nhiều sĩ quan và binh lính Pháp trên thượng nguồn sông Sé Pouc (Quảng Trị và Thừa Thiên) năm 1911.

Trên vùng đất giữa Attopeu và Kontum, từ 1900 đến 1910, người Sedang chống phá dữ dội sự xâm nhập của quân Pháp vào xây dựng đường sá. Năm 1900, lãnh tụ Thăng Mậu dẫn quân Sedang tấn công các làng công giáo dọc hai bờ sông Psi và Poko tại Kontum, gây thương tích cho nhiều binh lính Pháp.

Từ tháng 5 đến tháng 6/1901, người Sedang tấn công đồn Psi, bắn trọng thương đồn trưởng Robert. Những làng công giáo khác trong khu vực (Dak Drei, Dakto và Krong Kno) cũng bị đánh phá thường xuyên và chỉ tạm yên năm 1902 khi Pháp đem quân chủ lực lên đánh dẹp. Năm 1904, họ tấn công nhiều đồn bót và làng xã dưới sự bảo trợ của quân đội Pháp trong vùng.

Tháng 2/1907, phong trào nổi dậy của người Sédang tại Plei Beer bị dập tắt. Năm 1909, hai đồn Dak Sut và Dak To bị chiếm đóng, linh mục Jules Vialleton quản hạt Kontum bị giết. Tháng 8/1910, quân Sedang tràn vào Trà Mi, Trà Giác, Toumorong, Mang Buk, Mang Ri và Tiên Phước (Tây Nam Quảng Nam), đánh phá rồi rút đi. Năm 1921, đồn Dak Pha phía Bắc Kontum bị tấn công.

Tại Kontum, người Bahnar qua trung gian các giáo sĩ tỏ ra qui phục hơn các nhóm khác, nhưng sau một thời gian bị bóc lột (làm sâu không công, các chủ đồn điền chiếm đất một cách quá đáng) và bị các bộ lạc Thượng khác thù ghét, người Bahnar đã nổi lên chống lại. Tháng 1/1901, họ chiếm làng Kon Chorah (An Khê, Bình Định) rồi rút về tử thủ tại làng Plei Bring gần Chợ Đồn. Tháng 1/1907, quân Pháp bị đẩy lui tại làng Kon Klot, viên giám đốc đồn điền Delignon-Paris bị bắn chết và nhiều binh lính khác bị thương ; phong trào chống đối chỉ bị dẹp yên khi đại quân Pháp từ Bình Định lên, do cai đội Sauvalle chỉ huy. Từ 1918, những đồn điền quanh An Khê bị người Bahnar Halakong đánh phá thường xuyên và chỉ tạm yên năm 1922.

Người Djarai tại Pleiku đã chống trả dữ dội các cuộc hành quân của Pháp từ cuối 1894 đến đầu 1897. Sau đó, từ 1902 đến 1904, họ tiếp tục chống trả các cuộc hành quân khác của quân Pháp vào Pleiku và Kontum. Ngày 7/4/1904 viên thanh tra Prosper Odend'hal bị vua Hỏa Xá Oi Ất giết ; Vincillionni tiến vào An Khê thành lập quận Cheo Reo, Oi Ất phải chạy lên thượng nguồn sông Ayun trốn.

Thời gian sau, viên trú sứ Darlac Bardin xây dựng các đồn Plei Tour và Chợ Đồn, đầu năm 1905, để canh chừng người Djarai. Tuy vậy những làng công giáo vẫn thường xuyên bị người Djarai tấn công, một số giáo dân Kinh, được trang bị vũ khí tối tân, tổ chức các cuộc hành quân trả thù những làng Djarai lân cận. Cuối cùng đồn trưởng Chợ Đồn, Renard, dàn xếp với hai lãnh tụ Tay (tù trưởng 21 làng Djarai tại Pleiku) và Khun (tù trưởng 7 làng Djarai tại An Khê, hứa thôi truy kích vua Hỏa Xá tình hình mới yên.

Ngày 23/5/1905, 46 trưởng làng và 200 chiến sĩ Djarai quanh An Khê làm lễ qui phục Pháp tại làng Plei Tay (nơi cư ngụ của Tay, nay là Pleiku). Tuy vậy chính sách phân biệt đối xử của người Pháp trên Tây Nguyên (ưu đãi người Bahnar) làm người Djarai bất mãn, từ 1906 đến 1909 họ lại tổ chức tấn công các làng công giáo quanh Pleiku, Plei Kuen, Plei Bong, Plei Tour và Plei Rach. Tình hình chỉ tạm lắng yên trong hai năm và đến năm 1911 họ lại nổi dậy đánh phá An Khê.

Cộng đồng người Rhadé được biết đến năm 1894 khi phái đoàn bác sĩ Yersin bị tấn công tại sông Poko bởi người Rhadé Pih. Từ sau ngày đó, cao nguyên Darlac trở thành địa bàn thám hiểm chính của Pháp trên cao nguyên.

Năm 1899, viên trú sứ hạt Attopeu, Bourgeois, thành lập đồn Bandon và chiêu dụ được Phet Lasa, một lãnh tụ Lào tại Bandon (Bản Đôn), và Khun Jonob, một lãnh tụ Mnong trong vùng. Cả hai đã giúp Pháp thu phục các lãnh tụ Rhadé Kpa (Me Wal và Me Kheune năm 1900) và nhiều lần đánh bại người Rhadé Pih do tù trưởng Ngeuh lãnh đạo tại Ban Tour, Ban Trap và Ban Tieuah năm 1903.

Trên thượng lưu sông Năng, phụ lưu sông Đà Rằng, năm 1901 quân Pháp bị người Rhadé Mdhur phục kích tại làng A Mai (gần M'Drack và Cheo Reo) làm một sĩ quan bị thương nặng (trung úy Péroux), quân Pháp chỉ làm chủ khu vực quanh Dak To. Năm 1905, Me Sao, một lãnh tụ Rhadé Mdhur chiếm đồn Bandon, quân Pháp phải dời về Buôn Ma Thuột và Bandon chỉ được giải tỏa năm 1907, khi Me Sao bị Henri Maître đánh bại tại làng Me Leap.

bahnar3

Một thanh niên Thượng (dưới thời Pháp thuộc) - Ảnh minh họa

Trên cao nguyên miền Nam, cường độ những cuộc chống đối có phần cao hơn miền Trung. Người Mnong và Stieng đã tỏ ra rất tích cực trong việc chống lại sự xâm nhập vào không gian sinh tồn của họ.

Sự khám phá cao nguyên Lang Bian vào cuối thế kỷ 19 kích thích phong trào xây nhà dựng cửa nghỉ mát tại Đà Lạt. Nhiều đoàn thám hiểm được cử đi khắp nơi đo đạc địa hình. Bất mãn trước chính sách bắt dân Thượng làm sâu xây dựng đường sá quá đáng, đầu năm 1901 lãnh tụ Tre Lương Pe hô hào người Chil và Lat tại Lang Bian nổi lên chống lại và gây thương tích cho viên chỉ huy trưởng Canivey và nhiều binh lính khác, nhưng vì sức yếu thế cô phong trào bị dẹp tan hai tuần sau sau đó.

Từ 1901 đến 1904, dưới sự lãnh đạo của Nơ Trang Long (Pou Trang Long), một lãnh tụ Mnong Bhiet, người Stieng và Mnong đã chống trả dữ dội sự xâm nhập và gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp trên một địa bàn rộng lớn từ Bình Long, Tây Ninh đến Kratié. Từ 1905 đến 1908, quân Pháp thành lập một hệ thống đồn bót nối liền với nhau (Sré Lvi, Sré Ktum, Sré Onès, La Palkei, Le Rolland, Snoul, Bù Đăng, Bù Đốp, An Bình, Bà Rá, Bà Đen, Chứa Chan, Tà Lài, Bù Nông, Bù Tiên, Bou Pou Sra, Bou Méra...) bao vây không gian sinh tồn của người Stieng và Mnong chứ không dám tiến vào.

Tháng 7/1914, Henri Maître bị Nơ Trang Long giết, người Thượng làm chủ toàn bộ khu vực Ba Biên Giới (Cambodge, Nam Kỳ và Trung Kỳ) từ 1915 đến 1933. Rất nhiều sĩ quan Pháp và binh lính Khmer bị giết trong khoảng thời gian này và cộng đồng người Thượng miền Nam bị đặt ra ngoài pháp luật. Tháng 5/1935, Nơ Trang Long bị bắt và bị xử tử, phong trào chống Pháp tạm lắng xuống.

 

Chính sách Thượng vụ của Pierre Pasquier

Ngày 30/7/1923, Pierre Pasquier, khâm sứ Pháp tại Huế, ban hành chính sách Thượng vụ của Pháp trên cao nguyên (thông tư số 578-ca) : cai trị trực tiếp những vùng đã bình định, bao vây và cô lập những vùng chưa qui phục.

 Đối với những vùng Thượng đã được bình định, Pháp cắt đứt quan hệ giữa người Thượng với người "ngoại quốc" (Kinh, Khmer, Chăm, Lào, Hoa, Thái và Giáo hội công giáo) ; tôn trọng phong tục tập quán của người Thượng ; xây dựng đường sá, trường học, chợ búa ; cố định nơi cư trú, huấn luyện cách canh tác trên đất bằng ; ấn định số ngày làm sâu (corvée), khai thác và cấp đất cho các đồn điền trồng cây công nghiệp ; tuyển dụng binh lính, đào tạo nhân sự trung gian ; lập đồn bót, xây dựng cơ quan công quyền ; đàn áp các phong trào nổi loạn và đòi tự trị ; tổ chức những buổi lễ truyền thống hàng năm nhận sự qui phục của người Thượng.

Nói thì dễ nhưng làm rất khó, người Thượng chưa sẵn sàng hợp tác với Pháp vì không muốn bị gò bó vào cuộc sống lệ thuộc. Thêm vào đó Giáo hội công giáo bị loại ra khỏi mọi chương trình phát triển cao nguyên, quan hệ hợp tác giữa các giáo sĩ và viên chức chính quyền trong việc mở mang cao nguyên gần như không có. Giáo hội công giáo đặt nặng chương trình giáo dục thần linh, văn hóa và nhân đạo, trong khi chính quyền chú trọng vào việc đào tạo nhân sự trung gian hơn là khai hóa người Thượng về mặt kinh tế và xã hội. Hậu quả là các giáo sĩ chỉ lo cho người Bahnar và chính quyền Pháp chỉ giúp người Rhadé, các nhóm khác tùy thuộc mức độ phục tùng mà nhận sự giúp đỡ.

Người Rhadé, vừa đông vừa có thể lực được giới chính giới Pháp nhiệt tình nâng đỡ, đã trở thành nhóm ưu tú nhất trong cộng đồng người Thượng. Người Djarai và Sedang, mặc dù cũng đông dân và thân thể cường tráng, nhưng không được ưu đãi bằng vì trước kia đã chống lại người Pháp. Tuy vậy ba cộng đồng lớn này là cột trụ chính trong chính sách Thượng vụ của Pháp trên cao nguyên.

Con cháu các nhân sĩ Rhadé, Djarai và Sedang trong làng được tuyển chọn vào học các lớp huấn luyện văn hóa, y tế và quân sự để thay thế các bậc cha anh và trở thành giai cấp trung gian giữa chính quyền Pháp và quần chúng Thượng. Những thanh niên này còn được huấn luyện để nghi kỵ và thù ghét người Kinh và, khi cần, cầm súng chống lại người Kinh. Quan hệ giữa người Kinh và người Thượng trong giai đoạn này chính vì vậy rất là lạnh nhạt, đúng như người Pháp mong muốn.

Năm 1932, tiểu đoàn chính qui lính Thượng (1er Bataillon des Tirailleurs Montagnards du Sud Annam) đầu tiên được thành lập, gồm một đại đội chỉ huy gồm toàn người Rhadé đóng ở Buôn Ma Thuột, một đại đội toàn người Rhadé đóng ở Buôn Djen Drom, một đại đội toàn người Djarai đóng ở Pleiku và một đại đội toàn người Sedang đóng ở Kontum. Tiểu đoàn này có nhiệm vụ phụ giúp người Pháp đào tạo các tân binh Thượng được tuyển dụng sau này. Từ 1933 đến 1942, năm tiểu đoàn chính qui khác được thành lập để giúp Pháp bình định những khu vực chưa qui phục, với tổng quân số 2.172 người gồm đủ mọi sắc tộc Thượng. Bộ chỉ huy các lực lượng này, do sĩ quan Pháp điều khiển nhưng người Rhadé nắm vai trò điều động, đóng tại Buôn Ma Thuột. Binh lính Thượng bị cấm mang vợ Việt lên cao nguyên sinh sống sau khi mãn dịch.

Thập niên 1930 có lẽ là thập niên yên bình và hạnh phúc nhất của người Thượng, Tây Nguyên phát triển với nhịp độ nhanh để bắt kịp đồng bằng. Người Thượng được sinh hoạt và canh tác tự do theo phong tục và tập quán của họ. Hệ thống đường bộ, phi đạo, nhà cửa, dinh thự, cơ sở hành chánh, trường học được tu bổ và xây dựng thêm rất nhiều. Năm 1932, Pháp còn cho xây nhiều khám lớn tại Buôn Ma Thuột, Dak Pek và Lao Bảo để giam giữ những tù nhân chính trị gốc Kinh, trong đó nhiều cán bộ cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Minh. Giáo hội công giáo cũng nhân dịp xây thêm nhà thờ, tu viện, trường học và cơ sở từ thiện để tăng cường sự hiện diện.

Hội Trồng Trọt Pháp được thành lập năm 1930 để bảo vệ quyền lợi các chủ đồn điền và đưa người Việt lên cao nguyên làm việc. Tuy vậy, đối với người Việt, Tây Nguyên vẫn là vùng sơn lam chướng khí, ít người dám lên định cư nên sau khi mãn hạn hợp đồng (quân sự, hành chánh và kinh tế), di dân Việt thường về lại đồng bằng sinh sống.

Việc cấp phát đất quá đáng cho các chủ đồn điền trên cao nguyên khiến chính quyền Pháp tại mẫu quốc ra lệnh cho Ủy Ban Guernut sang Đông Dương điều tra từ 1937 đến 1938, nhằm hạn chế việc đưa người Việt lên cao nguyên làm việc, giới hạn diện tích cấp đất cho các công ty nông nghiệp lớn và thành nhiều khu "dự trữ" dành cho người Thượng.

 

Giữa hai làn đạn

Từ sau thập niên 1940, cộng đồng người Thượng sống những ngày đen tối. Cuộc sống tự do giữa thiên nhiên bị chấm dứt, người Thượng bị lôi cuốn vào những tranh chấp mà họ không chủ động và còn kéo dài cho tới ngày nay.

Năm 1941, chính quyền thuộc địa Pháp buộc phải hợp tác với Nhật quản trị Đông Dương. Lợi dụng tư cách đồng minh với Nhật, tháng 5/1941 Thái Lan xua quân qua sông Mékong chiếm lại những phần đất đã nhượng cho Pháp năm 1893 (Đông-Bắc Cambodge và Nam Lào). Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, toàn bộ nhân viên dân sự, quân đội và các chủ đồn điền Pháp bị bắt ; một số đơn vị quân sự Pháp trốn sang Lào và lên Vân Nam, trong đó tiểu đoàn 4 và 5 Thượng.

Trên cao nguyên, quân đội Nhật kiểm soát trực tiếp binh lính Thượng do Pháp đào tạo và toàn bộ hệ thống giao thông để chuyển vận người và vũ khí. Một số làng Thượng được Nhật trang bị để dẫn họ di chuyển trong rừng sâu. Khẩu hiệu "Á Châu của người Á Châu" của Nhật được một số trí thức Thượng hưởng ứng, nhưng ngày 19/8/1945 giấc mơ này tan biến, Nhật đầu hàng phe đồng minh và người Thượng bị lôi cuốn vào phong trào Việt Minh.

Sau cuộc đảo chánh ngày 9/3/1945 của Nhật, các tù nhân chính trị gốc Kinh bị giam giữ trong các nhà giam được trả tự do, đa số đã về lại đồng bằng nhưng cán bộ Việt Minh đã ở lại lại vận động trí thức và binh sĩ Thượng theo họ chống Pháp, với hứa hẹn quyền tự trị khi cách mạng thành công. Hai chữ "tự trị" như có ma lực hấp dẫn người Thượng, họ hưởng ứng một cách tận tình. Không cần một cố gắng nào, phong trào Việt Minh hốt trọn nhiệt tình của dân Thượng, nhất là những thành phần ưu tú Rhadé và Djarai, mà Pháp đã tốn gần nửa thế kỷ mới đào tạo được.

Nhân sĩ và binh lính Thượng theo Việt Minh hô hào dân chúng Thượng chiếm đóng các cơ sở hành chánh và quân sự của Pháp do Nhật để lại và tham gia những "ủy ban hành chánh lâm thời" (tên nhân vật Thượng được đề cập đến trong giai đoạn này vì có liên quan đến những phong trào chống đối hay ủng hộ người Kinh sau 1954) :

- Thị xã Buôn Ma Thuột có các ông Y Ut Nie Buon Rit, Y Plo Eban, Y Ngong Nie Kdam, Y Wang Nie Kdam, Y Tlam K'bour, Y Nue Buon Krong, Y Bih Aleo, Y Blieng Hmok (tất cả là người Rhadé). Trung sĩ Y Sok Eban sau 16 ngày bị giam giữa đã tuyên thệ trung thành với Việt Minh và được giao nhiệm vụ bảo vệ Buôn Ma Thuột.

- Thị xã Pleiku có ông Rcom Thep (người Djarai).

- Thị xã Kontum có ông Trần Quang Tường, một người công giáo, làm chủ tịch, và các ông Prem, Deppe (cả hai là người Bahnar). Đại đa số người Bahnar công giáo không theo Việt Minh.

- Huyện Buôn Hô có các ông Y Wang Mlo Duon Du, Y John Nie Kdam và Y Yon Ecam (tất cả là người Rhadé).

- Huyện Cheo Reo có các ông Nay Der, Nay Moul, Nay Phin, Rcom Briu, Rcom Pioi, Rcom Brim, Siu Ken, Siu Nang, Ksor Ni và các bà Rcom H'dit, Rcom H'trul (tất cả là người Djarai). Phụ cận Cheo Reo có các ông Rcom John tại Buôn Sam và Kpa Yan tại Plei Kli.

- Huyện Tân Khai (tỉnh Đồng Nai Thượng) trong thung lũng Đa Nhim, có các ông Touneh Han Din, Touneh Han Tin, Ya Yu Sahau, Touprong Hiou, Touprong Ya Ba, Bahnaria Ya Don (tất cả là người Churu).

Những người không theo Việt Minh và tình nghi trung thành với Pháp đều bị xử tử, đó là các ông Y Say Ktla, Y Lak Eban, Y Hong, Y Wan, Y Tum, Y Blam, Y San , Y Tuk, Y Blol, Y Flak, Y Ho, Y Bung, Hiai, Sui, Gao, Duen, Blon, Sa, Bok, That, Ky, Cecrec, Hny và rất nhiều viên chức Thượng khác. Nhiều người phải trốn vào rừng sâu như các ông Y Kju, Y Kao, Y Ang, Touneh Han Dang... chờ Pháp đến giải vây.

 

Chính sách Thượng vụ của Thierry d'Argenlieu

Tháng 8/1945, đề đốc Thierry d'Argenlieu được cử làm cao ủy Đông Dương và tướng Leclerc làm chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh Pháp tái chiếm lại Đông Dương.

Ngay khi vừa đến Sài Gòn tháng 9/1945, Leclerc tung các binh đoàn tinh nhuệ nhất của Pháp tái chiếm những tỉnh và thị xã tại đồng bằng trên tay Việt Minh ; tháng 6/1946 quân Pháp lần lượt chiếm lại những thành phố và thị xã lớn trên cao nguyên miền Trung. Một số binh sĩ và công chức Thượng theo Việt Minh đã ra qui hàng và được Pháp trọng dụng trở lại vì thiều người, đó là trường hợp các ông Y Sok Eban, Y Tuic Mlo Duon Du, Y Bih Aleo, Y Blieng Hmok, Touprong Hiou, Touprong Ya Ba, Touneh Han Din, Ya Yu Sahau, Bahnaria Ya Don... Chính trong giai đoạn này, giới lãnh đạo Thượng bị phân hóa, một số theo Pháp và một số khác theo Việt Minh như các ông Y Ngong, Y Wang, Y Nue, Y Tlam, Phem, Depp...

D'Argenlieu áp dụng triệt để chính sách chia để trị, ông cho thành lập Liên Bang Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp ngày 1/11/1945, Cộng Hòa Nam Kỳ ngày 25/5/1946 và Xứ Thượng Nam Đông Dương (Pays Montagnard du Sud Indochinois) ngày 27/5/1946. Xứ này gồm tất cả những vùng đất có đông người Thượng cư ngụ, thủ đô ban đầu là Đà Lạt, sau đó dời về Buôn Ma Thuột, ông Marcel Ner làm thụ ủy. Để đánh dấu sự kiện trọng đại này, d'Argenlieu tổ chức một loạt lễ tuyên thệ (qui tụ tất cả già làng, binh sĩ, nhân sĩ và trí thức Thượng trung thành với Pháp) tại Buôn Ma Thuột, Đà Lạt và Kontum (tháng 6 và tháng 8/1946).

D'Argenlieu tin rằng với sự ra đời của xứ Thượng này Pháp sẽ có tiếng nói mạnh khi thảo luận với Việt Minh về việc thống nhất Việt Nam trên bàn các hội nghị sơ bộ tại Đà Lạt (từ 19/4 đến 11/5/1946) và tại Fontainebleau (tháng 7 và 8/1946). Trong hội nghị Đà Lạt lần hai (8/1946), d'Argenlieu chỉ mời các phái đoàn Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ, Cambodge, Lào và Thượng ; Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ không được mời. Đại diện phái đoàn Xứ Thượng Nam Đông Dương có các ông Y Djac Ayun, Touprong Hiou, Touneh Han Dang... tham dự với tư cách quan sát viên. Nhưng ngày 5/2/1947, d'Argenlieu bị triệu hồi về Pháp, Xứ Thượng Nam Dương chết yểu.

Việt Minh cũng không chịu thua, tháng 1/1946 một đại hội dân tộc được tổ chức tại Hà Nội, trong đó rất nhiều nhân sĩ Thượng được mời tham dự, trong đó có các ông Y Ngong Nie Kdam, Y Wang Mlo Duon Du, Nay Der, Nay Phin. Nhiều người khác được cử vào quốc hội Việt Minh tháng 3-1946 : các ông Y John Nie Kdam, Y Klam, Y Thang Nie Kdam, Y Yan Phong, Y Pe, Y Hing, Y Ni, Rcom Briu, Rcom H'trul, Huk... Buổi họp quốc hội khóa 2, ngày 29/10/1946, các đại diện Thượng (các ông Y John Nie Kdam, Y Wang Mlo Duon Du, Nay Phin, Y Ngong Nie Kdam và Y Ut Nie Buon Rit) chính thức được hứa hẹn qui chế tự trị dành cho người Thượng. Sự kiện này làm các cán bộ Thượng hài lòng và nhiệt thành hợp tác với Việt Minh chống Pháp. Tháng 12/1946, lữ đoàn lính Thượng gồm nhiều sắc tộc được thành lập do các sĩ quan Rhadé chỉ huy. Từ 1947 đến 1954, người Thượng theo Việt Minh gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp trên cao nguyên.

 

Chính sách Thượng vụ dưới thời Bảo Đại

Để đối phó với tình thế mới, chính quyền thuộc địa Pháp sử dụng "giải pháp" Bảo Đại và thành lập thêm nhiều xứ Thượng tự trị thân Pháp khác để cô lập phong trào Việt Minh trên chính trường và cắt đứt mọi chỗ dựa trên các vùng rừng núi với người thiểu số.

Tháng 7/1947, Xứ Thượng Nam Đông Dương được khai sinh trở lại do đặc ủy Gigal cai trị. Tháng 3/1948, Liên Bang Thái Mường (gồm Lai Châu, Sơn La và Lào Cai) được thành lập cùng với Xứ Thổ (gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn) và Xứ Nùng tại Quảng Ninh. Thỏa ước ngày 8/3/1949 công nhận quốc gia Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp, theo đó những sắc dân "không phải người Kinh" (non-annamites) được hưởng qui chế riêng. Để thực hiện dự án xứ Thượng tự trị, Pháp dành cho Bảo Đại vinh dự chủ tọa cùng với cao ủy Pignon buổi lễ tuyên thệ trung thành với Pháp của người Thượng ngày 30/5/1949 tại Buôn Ma Thuột. Liền sau đó, các chuyên viên dân sự và quân sự Pháp soạn thảo nhiều dự án tổ chức các xứ Thượng.

Ngày 15/4/1950, Bảo Đại ban hành Dụ số 6 thành lập "Hoàng Triều Cương Thổ" (Domaine de la Couronne), gồm Xứ Thượng miền Nam và Xứ Thượng miền Bắc, độc lập với các chính quyền đồng bằng. Ranh giới và diện tích Xứ Thượng miền Nam giống như diện tích và ranh giới Xứ Thượng Nam Đông Dương trước kia, gồm một phần lãnh thổ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cambogde và Lào, với cảng Cam Ranh làm cửa ngỏ đổ ra Thái Bình Dương.

Đối với người Thượng miền Nam hay miền Bắc, đời sống của họ không có gì thay đổi, các chức vụ tổ chức và quản trị lãnh thổ mới đều nằm trong tay người Pháp. Qui chế đặc biệt dành cho Xứ Thượng miền Nam, ký ngày 21/5/1951, dành cho người Thượng nhiều ưu đãi về quyền sử dụng đất nơi sinh trú. Quân đội hoàng triều gồm toàn người thiểu số do Pháp đào tạo, trang bị và chỉ huy.

Để hạn chế thế lực của người Pháp, Bảo Đại ban hành Chương trình phát triển kinh tế Xứ Thượng miền Nam, do Nguyễn Đệ soạn thảo, ngày 11/2/1952, theo đó người Kinh được quyền lên cao nguyên làm việc trong các đồn điền và khai phá đất đai canh tác nông nghiệp. Ngân sách do Chương trình kỹ thuật và kinh tế đặc biệt của Mỹ đài thọ, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Herman Marshall. Bị nhiều nhân sĩ Thượng phản đối, năm 1953 Nguyễn Đệ đổi thành Chương Trình Công Tác Xã Hội, nhằm giúp 500.000 người Thượng và 30.000 người Kinh di cư canh tác an toàn hơn trong những trung tâm định cư cố định, với tên gọi mới là "khu trù mật". Ngân sách vẫn do Mỹ tài trợ.

Qua chương trình này, phong trào Việt Minh mất địa bàn bám trụ và tìm cách phá hoại. Lợi dụng sự vắng mặt của quân chủ lực Pháp trên cao nguyên (lúc đó đang tập trung trên vùng Thượng Du Bắc Việt), quân Việt Minh hô hào dân chúng Kinh Thượng rời bỏ các khu trù mật và lôi kéo họ tham gia các đoàn dân công tải đạn đánh Pháp, gây tình trạng mất an ninh thường xuyên trên các trục giao thông chính, từ đồng bằng lên cao nguyên và quanh các thị xã lớn.

Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 chấm dứt chiến tranh và phân chia Việt Nam thành hai vùng đối nghịch. Khoảng 120.000 người tập kết ra miền Bắc, trong đó có gần 6.000 người Thượng, những người này được huấn luyện chính trị và quân sự để trở vào miền Nam sau 1956 giúp phe cộng sản chuẩn bị một cuộc chiến tranh khác tàn khốc hơn.

Xứ Thượng miền Bắc, thuộc Việt Nam dân Chủ Cộng Hòa, được tổ chức thành nhiều vùng tự trị như Khu Thái Mèo tự trị (29/4/1955), Khu Việt Bắc (10/8/1956), Khu Lào Hạ Yên (25/3/1957) gồm các tỉnh Lão Cai, Hạ Giang, Yên Bái. Tất cả đều bị giải tán tháng 9/1959 và trở thành những tỉnh bình thường.

Tại miền Nam, qui chế Hoàng Triều Cương Thổ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bãi bỏ ngày 10/8/1954, Xứ Thượng miền Nam trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Từ sau 1954, cộng đồng người Thượng tiếp tục bị phân hóa, địa bàn cư trú của họ trở thành những bãi chiến trường đẫm máu trong cuộc chiến mới. Nhưng người Thượng vẫn không quên đòi quyền tự trị, một quyền mà họ hằng ao ước từ thời Pháp thuộc ; lần này họ sử dụng những phương thức đấu tranh chính trị và quân sự như người Kinh, với sự giúp đỡ của người Mỹ và người Khmer.

Nguyễn Văn Huy

(1998)

Đọc thêm :

 

Bài mở đầu. Lời phi lộ

Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung

Bài 2. Những phong trào phản kháng

Bài 3. Sự hội nhập khó khăn

Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng

Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy

Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng

Bài 7. Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam

Published in Tư liệu

Bài 1

 

Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung

nguoithuong1

 Dân cư trong một buôn làng người Thượng trên Tây Nguyên - Ảnh minh họa 

"Thượng" là tên gọi chung những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung Việt Nam. Dân số người Thượng hiện nay trên 1,6 triệu người (tương đương với 1,9% dân số toàn quốc), được chia thành 19 nhóm khác nhau, đông nhất là các nhóm Bahnar, Sedang, Hré, Mnong, Stieng thuộc ngữ hệ Môn Khmer (Nam Á) và Djarai, Rhadé, Raglai thuộc ngữ hệ Malayo Polynésien (Nam Đảo).

Địa bàn cư trú của người Thượng có hình giọt nước, rộng trên 60.000 cây số vuông, từ vừng rừng núi phía Tây các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung (bắt đầu từ Quảng Bình xuống Đồng Nai) đến tận biên giới Lào và Campuchia với các tỉnh Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng (gọi chung la Tây Nguyên) và chấm dứt trên những sườn đồi phía Nam dãy Trường Sơn trong các tỉnh Đồng Nai và Sông Bé. Mỗi nhóm Thượng sinh trú trong một khu vực riêng biệt với những ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng. Mật độ dân số trung bình khoảng 30 người trên một cây số vuông ; tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình là 2% một năm. Ngày nay người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ : 40% dân số trên Tây Nguyên.

Sự hội nhập của người Thượng vào cộng đồng dân tộc Việt Nam còn rất mới, chưa tới 50 năm (từ 1954 đến nay), do đó còn rất nhiều điều để khám phá.

 

Các tên gọi về người Thượng

Triều đình và người Việt Nam xưa gọi chung những sắc dân sinh sống trong vùng rừng núi, chưa thấm nhuần văn minh đồng bằng, là Man di, Thổ dân hay Liêu thuộc ; khi chống lại trung ương thì bị gọi là "rợ", "loạn". Vào giữa thế kỷ 19, lần đầu tiên tiếp xúc với những sắc dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn, người Pháp gọi chung tất cả là "Mọi".

Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, danh xưng "Mọi" xuất hiện từ thế kỷ 18 khi Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc "phò Lê diệt Trịnh". Triều thần nhà Lê (Trương Tuân và Dương Trọng Tế) thời đó gọi quân Tây Sơn là "quân Mọi". Sở dĩ có tên gọi này vì quân Tây Sơn đa số là người Thượng (đảm trách phần nhiệm tải người và vật dụng), "kẻ nào cũng lưng đóng khố, tay cầm đòn ống, mình trần trùng trục". Chưởng Tiến, một lục lâm hảo hán thời đó, mắng quân Tây Sơn là "lũ Hồng Mao", "mọi lông đỏ" vì trên đầu mỗi binh sĩ đều vấn vải đỏ và giắt lông chim (một phong tục của người Bahnar khi lâm trận).

Không biết danh xưng "Mọi" có từ bao giờ, người Pháp nói rằng người Việt đã gọi những sắc dân cư ngụ trên vùng rừng núi phía Tây đồng bằng duyên hải miền Trung là "Mọi" từ lâu đời, với nội dung kinh bỉ những người có đời sống còn man dã, dữ tợn. Ngày nay danh xưng "Mọi" tuy không còn phổ biến nhưng trong dân gian vẫn còn những biến nghĩa tiêu cực khi muốn hạ thấp nhân phẩm hay khinh miệt đối phương với những cụm từ : "làm mọi" (làm không công, làm tôi tớ), "man mọi" (kém văn minh), "mọi rợ" (dã man), "thằng mọi" (người không có văn hóa).

Trong thực tế danh xưng "Mọi" xuất phát từ lối phát âm của người Mường : "Mơl", có nghĩa là "người". Khi các giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 16, họ đã dựa theo cách phát âm của người địa phương gọi những sắc dân sinh sống trên vùng rừng núi là "Mwal", phiên âm ra theo tiếng la-tinh Việt ngữ hóa là "Mơ-oal" hay "Mơ-oai".

Thật ra không có sắc dân nào tên "Mơl" cả, mỗi sắc dân đều có một tên riêng đi kèm, như "Mơl Mường" là người Mường. Cũng như ngày nay chúng ta gọi những người nước ngoài là "người Pháp", "người Mỹ", người Trung Quốc", v.v… chứ không gọi Pháp, Mỹ hay Trung Quốc. Ở đây, "Mơl" chỉ có nghĩa là "người".

nguoithuong2

Rượu cần là một đặc sản của người Thượng trên Tây Nguyên, chỉ dùng trong những dịp lễ lạc hay tiếp khách quý - Ảnh minh họa 

Khi cộng đồng người Việt từ các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh theo Nguyễn Hoàng vào Nam (tức miền Trung ngày nay) lập nghiệp đầu thế kỷ 16, họ gọi chung chung người miền núi là "Mơ-oai" vì không biết đặt tên gì. Với thời gian, do cách phát âm riêng biệt của người Thanh Nghệ Tĩnh, danh xưng "Mơ-oai" biến âm thành "Mơ-oại", để sau cùng đọc thành "Mọi". Dựa vào đó quan quân thời Nguyễn sơ đặt ra một số tên như Mọi Đá Vách (Hré), Mọi Hời (Hroi, Kor, Bru, Ktu và Pacoh), Mọi Đá Hàm (Djarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Mọi Bồ Van (Rhadé Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ những sắc dân Thượng sinh trú ở phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Biên Hòa.

Có người dùng chữ người Sơn Cước cho có vẻ văn minh hơn, nhưng danh xưng này bao hàm tất cả những cư dân bản địa sống trên vùng núi non hay cao nguyên miền Bắc lẫn miền Trung, do đó không thể dùng để chỉ riêng người Thượng.

Người bình dân gọi tất cả những thổ dân không phải là người Việt có nước da ngâm đen sinh sống bên cạnh họ là người miền ngược, người miền núi, thượng bang, người thiểu số, người sắc tộc, v.v...

Các chế độ chính trị gọi là đồng bào sắc tộc. Chế độ cộng sản còn đi xa hơn, đồng hóa danh xưng sắc tộc (ethnie) với dân tộc (nationalité) theo cách gọi của Liên Xô cũ và Trung Quốc ; sắc tộc thiểu số đổi thành dân tộc thiểu số, mỗi sắc tộc là một dân tộc (dân tộc Rhadé...), chính vì thế ngày nay người Việt trong nước thường gọi chung người Thượng là "người dân tộc" (?).

Trong loạt bài này, tác giả sử dụng danh xưng Thượng, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung, hay Tây Nguyên. Thượng có nghĩa là ở trên, người Thượng là người ở miền cao hay miền núi.

 

Đi tìm lịch sử

Cộng đồng người Thượng từ khi xuất hiện cho đến nay chưa bao giờ kết hợp lại thành một quốc gia. Mỗi nhóm sắc tộc, tùy từng thời điểm, hùng cứ một nơi, sinh hoạt quay quần quanh một vị thủ lãnh hay một dòng tộc.

Sinh sống trên một địa bàn hiểm trở, chung quanh là núi rừng ẩm ướt, dụng cụ sinh hoạt chính của người Thượng là tre gỗ rừng, văn minh của người Thượng có thể gọi là văn minh thảo mộc, do đó không có những di tích khả dĩ tồn tại lâu dài với thời gian. Gần đây nhiều di chỉ khảo cổ trên Tây Nguyên vừa được khám phá, nhưng những phát hiện này dừng lại ở thời đại đồ đá cách đây từ 10.000 đến 30.000 năm, giai đoạn cận kim hoàn toàn thiếu vắng. Thêm vào đó người Thượng không có chữ viết, tìm hiểu nguồn gốc hay lịch sử của người Thượng chính vì vậy rất là khó khăn. Những huyền thoại dân gian truyền khẩu của người Thượng phần lớn do những giáo sĩ người Pháp chép lại, tính chất có thực của những chuyện này rất khó kiểm chứng.

Mặc dầu vậy, với quyết tâm, chúng ta vẫn có thể tìm hiểu sự hiện diện của những đồng bào này qua lịch sử các thế lực xưa trong vùng : Phù Nam, Angkor, Chiêm Thành, Xiêm La và Đại Việt, để từ đó nối lại hay bổ túc những mắc xích thiếu sót trong lịch sử hình thành các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử của người Thượng chính vì vậy cũng là tìm hiểu gốc tích của dân tộc Việt Nam, bởi vì ngày nay người Thượng là những công dân Việt Nam trọn vẹn, tổ tiên của họ cũng là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.

Từ thời khởi thủy, trên Tây Nguyên không có chủng tộc nào có những tên gọi như ngày nay. Tổ tiên người Thượng phần lớn là người đồng bằng chạy lên cao nguyên lánh nạn và ở lại luôn ; với thời gian, những hòa trộn chủng tộc giữa các nhóm di dân cũ và mới làm nảy sinh ra những nhóm sắc tộc khác nhau. Cũng nên biết vùng rừng núi Trường Sơn trước khi được sát nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là địa bàn lánh nạn lý tưởng cho những người thích sống tự do, từ chối sự thống trị của các thế lực đồng bằng.

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, cư dân đầu tiên trên Tây Nguyên mang nặng yếu tố Veddoid (hay Négroid, da ngâm đen, dáng người nhỏ thấp, tóc đen soắn, xuất hiện cách đây từ 10.000 đến 5.000 năm), sống theo bầy ngoài trời, biết săn bắn, chế tác dụng cụ và vũ khí bằng xương thú và đá đẽo.

Những đợt di dân về sau, mang nặng yếu tố Mélanésien (nước da ngâm đen, dáng thấp, tóc đen dợn sóng, xuất hiện cách đây từ 6.000 đến 5.000 năm) và Indonésien (từ sông Indus tới, da không đen sậm, dáng người cao to, tóc đen dợn sóng, xuất hiện cách đây từ 5.000 đến 2.500 năm) tiến bộ hơn, kết hợp với những nhóm có trước tạo thành các nhóm Thượng Môn Khmer ("người da đen, tóc quắn, xấu xí và sống khỏa thân, nếp sống đơn giản, không trộm cắp" theo mô tả của Khương Tài, sử gia Trung Hoa vào thế kỷ 4) ở sâu trong lục địa địa và nhóm Thượng Malayo Polynésien hay Nam Đảo (da ngâm đen, dáng người vạm vỡ, tóc đen dợn sóng) từ duyên hải lên. Cả hai nhóm sắc tộc mới này (Môn Khmer và Malayo Polynésien) đều nắm vững kỹ thuật chế tác vật dụng bằng gốm, dệt vải, rèn luyện kim loại thô sơ và làm rẫy.

nguoithuong3

Một kiểu nhà sàn tiêu biểu của người Stieng - Ảnh minh họa

Nhờ những đóng góp nhân chủng và văn hóa mới này, người Thượng bắt đầu biết kết hợp thành bộ lạc, dựng nhà sàn, chăn nuôi trâu bò, thuần dưỡng voi rừng để chuyên chở hay xung trận, đốt rừng làm rẫy và săn bắn. Ý thức quyền lực ngày càng rõ nét, những bộ tộc lớn thường tấn công những bộ lạc nhỏ và yếu hơn để bắt phụ nữ và nô lệ phục vụ mình. Nhờ đất đai còn hoang trống, những nhóm nhỏ và yếu hơn, không muốn bị sát hại hay bị làm nô lệ, trốn vào các chốn rừng sâu hơn để tồn tại. Sống tách biệt với thế giới bên ngoài, những nhóm thiểu số nhỏ yếu này càng trở nên lạc hậu và yếu kém hơn.

Sự di chuyển theo đàn thú rừng và lối canh tác du mục cũng làm thay đổi yếu tố thuần chủng của từng nhóm. Với thời gian, tranh chấp về không gian sinh tồn và lãnh đạo giữa những bộ tộc lớn ngày càng gắt gao, một số đã nhờ các thế lực tại đồng bằng (Phù Nam, Chân Lạp và Chiêm Thành) lên can thiệp và chấp nhận triều cống. Từ đó sự hiện diện của người Thượng bắt đầu xuất hiện trong những ghi chép của các triều vương đồng bằng, từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 19. Đến thời Pháp thuộc, những nhóm sắc tộc Thượng lần lượt được khám phá và liệt kê trong các văn bản.

 

Sự hình thành các nhóm Thượng

Vào đầu công nguyên, hai vương quốc lớn của người Malayo Polynésien (Nam Đảo) xuất hiện trên bán đảo Đông Dương : Phù Nam và Chiêm Thành.

Lãnh thổ Phù Nam rộng từ Vịnh Thái Lan đến Biển Hồ nhưng ảnh hưởng tỏa lên Thượng Lào và Bắc Miến Điện. Lãnh thổ Chiêm Thành gồm nhiều vương quốc nhỏ sinh hoạt độc lập với nhau dọc các đồng bằng eo hẹp miền Trung đến chân dãy Trường Sơn về phía Tây : Lâm Ấp hay Indrapura (Bình Trị Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Nghĩa Bình), Aryaru (Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận).

Sinh hoạt chính của người Malayo Polynésien là trồng lúa nước và buôn bán. Để tìm thêm nguồn hàng quí hiếm trao đổi với các thuyền buôn Ấn Độ, người Malayo Polynésien mở rộng tầm kiểm soát lên các vùng rừng núi đồng thời khuất phục luôn các nhóm dân cư bản địa đã có mặt từ trước. Một phần lớn dân cư bản địa, người Môn, từ chối sự thống trị mới này đã chạy sang đồng bằng các sông Menam (Thái Lan), Salween và Irrawaddy (Miến Điện) lập nghiệp. Một số khác ít hơn trốn lên cao nguyên Trường Sơn ẩn náu và tiếp tục duy trì sinh hoạt và văn hóa Môn.

Cùng thời gian này, tuy âm thầm nhưng vững chắc, một cộng đồng dân tộc mới xuất hiện : người Khmer. Từ thế kỷ 5, người Khmer làm chủ toàn bộ vùng cao nguyên Korat (phía Tây Thái Lan) và trở thành một thế lực hùng mạnh. Vào giữa thế kỷ 7, người Khmer tiến xuống đồng bằng đánh bại vương quốc Phù Nam và thành lập đế quốc Angkor.

Các triều vương Angkor dồn mọi nổ lực xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền và những đền đài đồ sộ bằng đá quanh Siem Reap. Những đại công tác này đòi hỏi một nguồn nhân lực khổng lồ, các sắc dân sinh sống quanh khu vực đều bị bắt về làm nô lệ và đã không nhiều thì ít tiêm nhiễm yếu tố văn hóa Khmer trong sinh hoạt hay trở thành hẳn người Khmer bởi chính sách đồng hóa.

Từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 15, nhiều đoàn nô lệ đã băng rừng vượt núi chạy lên cao nguyên Trường Sơn lánh nạn, hòa trộn với những nhóm Môn có sẵn từ trước tạo thành hợp chủng Môn-Khmer (như các nhóm Bahnar, Sedang, Brâu, Hré, Kor, Mnong, Mạ, Koho, Stieng, Choro... ngày nay), với những trình độ văn hóa và kỹ thuật khác nhau tùy theo mức độ sống chung với người Khmer tại Biển Hồ và các nhóm Malayo Polynésien từ duyên hải miền Trung tiến lên sau này.

Về phía Đông, từ thế kỷ 2, lãnh thổ các tiểu vương quốc Indrapura và Amaravati của người Chăm chịu áp lực nặng nề của người Trung Hoa ở Giao Chỉ. Mỗi lần bị đánh bại, dân cư Chăm rút lên Trường Sơn lánh nạn ; một số đã ở lại hòa trộn cùng những nhóm Môn Khmer có sẵn để trở thành các nhóm Bru, Tà Ôi (Pacoh), Ktu, Djé Triêng. Giữa thế kỷ 5, Chiêm Thành bị quân Tống tấn công và đại bại, dân cư Amaravati băng Trường Sơn chạy vào Champassak (Nam Lào) lánh nạn, một số lớn đã ở lại và tạo thành các nhóm Djarai với sự pha trộn ít nhiều yếu tố Môn Khmer. Đến cuối thế kỷ 7, quân Java từ Biển Đông tràn vào đánh phá Aryaru và Kauthara, một phần lớn dân chúng đã chạy lên cao nguyên Darlac tị nạn và tạo thành các nhóm Rhadé. Vào giữa thế kỷ 16 quân Chiêm tại Panduranga bị quân Việt đánh bại, một số người Chăm chạy lên cao nguyên Di Linh tá túc, hòa hợp với các nhóm Koho và Mạ để trở thành các nhóm Raglai. Về sau, vào đầu thế kỷ 19 thành trì cuối cùng của người Chăm tại Panduranga lọt vào tay nhà Nguyễn, một số người Chăm rút lên cao nguyên Đồng Nai, hòa trộn với các nhóm có trước để trở thành người Churu.

Qua mô tả tóm lược này, tiến trình hình thành các nhóm người Thượng này có vẻ giản dị nhưng trên thực tế rất là phức tạp. Sự pha trộn giữa các nhóm, tự nhiên hay bị ép buộc, để trở thành một hợp chủng khác làm thay đổi thường xuyên địa bàn cư trú của mỗi nhóm. Nhiều nhóm cũ tan biến đi, nhiều nhóm mới được thành lập và một số vẫn còn giữ tên cho đến ngày nay. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, tiến trình chuyển hóa của người Thượng vẫn còn tiếp diễn : các nhóm Sedang, Bahnar và Djarai ở Kontum, các nhóm Mạ, Koho, Stieng và Mnong ở Di Linh đang có kết hợp tự nhiên để trở thành những tập hợp khác nhưng sự xâm nhập của người Pháp vào cao nguyên đã làm khựng lại tiến trình hợp chủng này và chấm dứt hẳn vào giữa thế kỷ 20 khi người Kinh xuất hiện trên cao nguyên.

Thêm vào đó, nhóm Thượng nào được các thế lực đồng bằng hỗ trợ thường hay áp đảo các nhóm khác, nhỏ và yếu hơn, để đồng hóa. Trên cao nguyên Kontum, người Bahnar tự gây thanh thế để củng cố cộng đồng của mình. Trên cao nguyên Pleiku và Darlac các nhóm Djarai và Rhadé được người Chăm ủng hộ thường áp đảo các nhóm nhỏ hơn để duy trì yếu tố thuần chủng của mình. Trên cao nguyên Attopeu, người Sedang, Cùa và Sô săn lùng các nhóm yếu hơn, bắt làm nô lệ bán cho người Thái và Lào. Trên cao nguyên Đồng Nai và Sông Bé, các nhóm Mnong Bhiet và Stieng hợp tác với các triều vương Khmer đánh phá lẫn nhau. Trong hai cuộc chiến Đông Dương vừa qua (1945-1954 và 1954-1975), cộng đồng người Thượng gần như phân hóa vì bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh giành độc độc lập và ý thức hệ giữa các phe phái.

Điều đáng lưu ý là các nhóm Thượng trên cao nguyên, trừ trường hợp Pháp và Mỹ, gắn bó với các thế lực đồng bằng thuộc văn minh Ấn Độ hơn là với những người thuộc văn hóa Trung Hoa. Trong quá khứ và ngay trong hiện tại, người Thượng mặc dù có bị đàn áp, ức hiếp hay có chống trả lại các cuộc xâm nhập của người Chăm, Khmer và Thái nhưng quan hệ của họ đối với các cộng đồng có nền văn hóa Ấn Độ lúc nào cũng dễ dàng, sự kiện này cần nên lưu ý.

 

Quan hệ với người Chăm và người Khmer

Do xuất thân từ các vùng đất thấp, quan hệ giữa người Thượng và các thế lực đồng bằng gốc Malayo Polynésien và Khmer đã rất chặt chẽ. Người Thượng cần gạo muối và dụng cụ kim khí, người đồng bằng cần phẩm vật rừng xanh, cả hai cộng đồng vẫn còn trao đổi qua lại cho đến ngày nay. Thêm vào đó là những quan hệ quyền lợi và quyền lực, các thế lực đồng bằng cần người miền núi để bổ sung nhân lực trong các công trình xây dựng hay quân đội, nhất là voi trận, nhằm tăng cường uy thế ; các nhóm miền núi cần người đồng bằng hỗ trợ để bảo vệ địa vị áp đảo của mình. Sau mỗi thất bại các nhóm Thượng phân hóa thành các chi bộ nhỏ sống rải rác khắp nơi dọc các con suối, các thung lũng lòng chão hay trên các triền núi, đời sống vô cùng khó khăn vì bị tản mát.

Về phía các vua Chăm và Khmer, mỗi khi thua trận, thường dâng cống phẩm vật rừng xanh (cọp, nai, voi, ngà voi, sừng tê giác, trầm hương, cánh kiến, mật ong, vàng bạc, đá quí) do người Thượng cung cấp cho phe thắng trận để xin thần phục. Theo dõi những ghi chép còn lại trên bia đá của các triều vương Angkor và Chiêm Thành cũ, quan hệ qua lại giữa hai khu vực đã được nhiều lần nhắc đến.

Tại Chiêm Thành, tù trưởng các bộ lạc lớn của người Thượng được phong tước chiến sĩ (Ksatriya), có quyền lập gia đình với phụ nữ Chăm và ra vào cung đình. Các vua Chiêm Thành cũng thường được các tù trưởng Thượng gả con gái để duy trì quan hệ quyền lực. Năm 914 một tiểu vương Chăm gốc Bahnar tên Mahindravarman được giao cai quản cao nguyên Kontum và khi chết được chôn tại Kon Kor trong thung lũng sông Bla, gần Kontum. Nam 1145, vua Khmer Suryavarman II với sự giúp đỡ của người Stieng và Mnong, sau đó là của người Rhadé và Djarai, băng Trường Sơn vào chiếm kinh đô Vijaya (Bình Định) của người Chăm. Năm 1150, sau khi đánh đuổi quân Khmer về bên kia dãy Trường Sơn, vua Chăm Jaya Harivarman tấn công người Rhadé, Djarai và các nhóm Thượng khác, mà họ gọi chung là "Kirata", do Vansaraja (Ưng Minh Diệp), một người Rhadé và là anh rể của nhà vua, để tái lập trật tự trong nước. Tàn quân của Vansaraja vượt sông Gianh vào Đại Việt cầu cứu, vua Lý Anh Tôn sai tướng Nguyễn Mông cùng 5.000 binh sĩ từ Thanh Hóa vào tiếp cứu nhưng bị đánh bại, Nguyễn Mông và Vansaraja đều bị tử trận. Toàn bộ các thung lũng ven núi nơi người Thượng cư trú đều đặt dưới sự kiểm soát của Chiêm Thành.

Tại Chân Lạp, sự lớn mạnh của Chiêm Thành đe dọa thế đứng của đế quốc Angkor, trong suốt thế kỷ 12 quân Khmer với sự hỗ trợ của người Thượng đã nhiều lần băng rừng Trường Sơn tiến vào đánh phá Chiêm Thành. Những thế kỷ sau, nơi cư trú của người Thượng trở thành khu vực trái độn và là nơi giao chiến giữa Angkor và Chiêm Thành.

Năm 1282, lãnh thổ Chiêm Thành bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Hoàng tử Harajit cùng mẹ là hoàng hậu Gaurendraksmi trốn lên cao nguyên Ya Heou (An Khê) lánh nạn và chiêu mộ được 20.000 binh lính Thượng (đủ cả các sắc tộc lớn nhỏ) kháng chiến. Lực lượng du kích của Harajit gây nhiều thiệt hại cả về nhân mạng lẫn vật liệu chiến tranh cho quân Mông Cổ. Năm 1283, Toa Đô dẫn hơn 5.000 binh sĩ, 100 tàu chiến và 250 thuyền đổ bộ vào Quảng Ngãi và Bình Định, tiến lên cao nguyên Kontum-Pleiku tiểu trừ quân kháng chiến nhưng vì không quen khí hậu nóng ẩm và thiếu tiếp liệu phải lui về đồng bằng. Quân Chiêm và quân nhà Trần đã hợp lực cùng nhau đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi lãnh thổ năm 1285. Năm 1288 Harajit lên ngôi vua, hiệu Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), quan hệ giữa người Chăm và người Việt, giữa người Thượng và người Chăm ngày càng thắm thiết, nhiều đền đài Chăm được dựng lên ở Yang Mun, Yang Prong và Drang Lai.

Từ thế kỷ 14 trở về sau, chiến tranh giữa Chiêm Thành và Đại Việt xảy ra thường xuyên, cộng đồng người Thượng trên cao nguyên là nguồn nhân lực bổ sung cho quân đội Chiêm Thành. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn chiếm thành Đồ Bàn (Bình Định) và chia lãnh thổ Bắc Chiêm Thành ra nhiều xứ để cai trị, trong đó có xứ Nam Phan bao gồm vùng đất phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và cao nguyên Kontum, Pleiku, Darlac. Kể từ giai đoạn này, dân cư Đại Việt mới biết người Thượng nhưng vì tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Trung Hoa nên các sắc dân không thuần chủng Kinh đều bị cách ly. Người "Man" (Thượng) luôn bị nghi kị và nhiều phòng tuyến ngăn cản sự tiếp xúc giữa Kinh và Thượng được thành lập. Những năm mất mùa, người Đá Vách (Hroi, Kayong, Cùa, Hré, Ktu, Krem) thường tràn vào các thôn xã người Kinh cướp bóc lương thực.

Năm 1540, vua Lê Trang Tôn phong Bùi Tá Hán làm trấn thủ đạo Quảng Nam với mục đích trừ loạn Đá Vách ở phía Nam Quảng Ngãi gồm các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Sau khi dẹp xong loạn Đá Vách, Bùi Tá Hán thi hành chính sách chư hầu đối với người Thượng (thuộc man) và mở rộng giao thương hai chiều : cung cấp muối gạo, vải vóc và nhận lại ngà voi, sừng tê giác, quế, kỳ nam, mật ong. Chính sách này đã mang lại sự yên bình cho toàn khu vực trong gần 200 năm.

Trong cùng thời gian đó, người Thượng phía Tây Trường Sơn sống trong loạn lạc. Năm 1587, người Ai Lao từ cao nguyên Sebang Hien tiến xuống chiếm thung lũng Sedon, Sekong, Sesan, Sesu (tả ngạn sông Mekong) và được người Sedang tiếp sức, đánh đuổi các bộ lạc Pacoh, Brilar, Halang lên các khu rừng rậm và núi cao phía Đông của Đại Việt. Người Ai Lao còn tràn vào thung lũng sông Srepok của Chân Lạp, chiếm cứ khu vực sinh sống của người Bahnar và Djarai, dựng làng Bandon. Đến đầu thế kỷ 17, cuộc Nam tiến của người Ai Lao dừng lại trên cao nguyên Darlac. Năm 1601, người Djarai, được Chân Lạp hỗ trợ, đẩy quân Ai Lao lui về phía Bắc. Quan hệ giữa người Khmer và Djarai được thiết lập và kéo dài cho đến năm 1860 khi các giáo sĩ Pháp đến cao nguyên.

 

Quan hệ với người Kinh

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Thượng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của các thế lực tranh chấp. Mỗi khi thua trận, quân chúa Trịnh hay chúa Nguyễn thường rút lên vùng núi phía Tây lẩn tránh ; phe thắng trận truy kích theo, đánh tràn vào các bản làng Thượng và bắt dân Thượng khuân vác quân dụng và nộp lương thực. Nhiều nhóm Thượng đã phải chạy qua xứ Nam Chưởng (trước kia là Láng Cháng, Bắc Lào) lánh nạn.

Trong thế kỷ 17, người Thượng (Raglai và Churu) và người Chăm tiếp tục kết hợp cùng nhau chống lại cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn. Năm 1629, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên tiến quân vượt sông Đà Rằng, thành lập Trấn Biên dinh đến tận chân núi Thạch Bi (đèo Cả). Vua Chăm Po Romé bị thua phải giảng hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa.

Ngọc Khoa cũng là vợ thứ ba và là vợ út của Po Romé, gọi là Po Bia Út, tức hoàng hậu Akaran (vợ thứ nhất là Po Bia Suthi, người Chăm con vua Po Ehklang, không có con trai ; vợ thứ hai là con một tù trưởng Rhadé ở Attopeu tên Po Bia Tanchan).

Năm 1697, người Đá Vách (Hré, Ktu, Pacoh, Bru) phía tây Bình Trị Thiên nổi lên phản đối sưu cao thuế nặng. Năm 1714, Trà Xuy (một người Hré) lãnh đạo dân Thượng phía Tây Cam Lộ kiểm soát một vùng đất rộng lớn phía Tây Quảng Trị. Năm 1722, người Hré tiến chiếm Minh Linh (còn gọi là Hồ Xá thuộc tỉnh Quảng Trị), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Đăng Khoa đi đánh dẹp nhưng bị chết trong đám loạn quân. Quân Thượng hùng cứ khu vực cận sơn cho đến 1760 khi Nguyễn Cư Trinh làm tuần phủ Quảng Ngãi, ông phải mượn sự tích Sãi Vãi để khích động tinh thần binh sĩ mới dẹp yên được người Thượng. Nguyễn Cư Trinh thành lập Quảng Ngãi đồn dinh gồm sáu đạo canh phòng các vùng cận sơn và áp dụng chính sách dân vận để thu phục người Đá Vách.

Năm 1765, Định vương Nguyễn Phúc Thuần thành lập trấn Điện Bàn tại Quảng Nam và cho xây dựng một trường lũy (tường thành bằng đất bện tre, có hố chông bằng cây tầm vông hay tre già vót nhọn) từ Trà Mi (Quảng Nam), Trà Bồng, Nghĩa Hạnh, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ (Tây Bắc Bình Định) đề phòng người Thượng. Năm 1770, khâm sai Trần Ngọc Chu mới dẹp yên được loạn Đá Vách, nhưng kéo dài lâu. Năm 1773, quân Thượng lại nổi lên ở Quảng Nam và Quảng Ngãi chống lại chính sách phân biệt đối xử. Năm 1775 tại Hải Lăng, hai lãnh tụ Lâm và Mộc, người Tà Ôi, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở các huyện Cam Lộ, Đăng Xương, Minh Linh chống lại chúa Trịnh.

Trong cuộc nội chiến Tây Sơn-chúa Nguyễn, cao nguyên Trường Sơn là nơi ẩn lánh của phe thua trận và là hậu cứ cho những cuộc tiến quân khác của các phe lâm chiến.

Năm 1771, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ nổi lên tại Tây Sơn, một làng trên cao nguyên An Khê thuộc tỉnh Bình Định, lãnh địa của người Bahnar. Phong trào Tây Sơn được người Bahnar, Hré, Kor, Sedang, Rhadé, Djarai và nhiều nhóm Thượng khác bên Lào giúp người và giúp của. Nhiều tù trưởng Thượng tại Bình Định còn gả con gái cho anh em Tây Sơn làm hầu thiếp.

Quân Tây Sơn có ba đạo : một đạo gồm toàn người gốc Hoa (đa số là quân cướp biển), một đạo gồm toàn người Thượng (do tù trưởng Bok Kiom, người Bahnar, chỉ huy) và người Chăm, hai đạo này họp thành tả quân và hữu quân ; đạo thứ ba gồm toàn người Kinh họp thành trung quân. Khi Nguyễn Huệ hai lần mang quân ra Bắc (1788-1789), binh sĩ Thượng và Chăm đã tỏ ra đắc lực trong việc vận chuyển người và lương thực.

Nguyễn Huệ mất năm 1792, người Thượng tiếp tục ủng hộ Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng chống lại chúa Nguyễn nhưng cuối cùng vẫn bị đánh bại. Sợ bị Gia Long trả thù, con cháu nhà Tây Sơn chạy lên cao nguyên lẫn tránh và được người Sedang hết lòng che chỡ. Từ đó cộng đồng người Thượng bị canh phòng nghiêm nhặt, mọi quan hệ với đồng bằng đều bị cắt đứt.

Năm 1804, hai năm sau khi lên ngôi, Gia Long cho dựng lại các tuyến phòng thủ phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, gọi là Trấn Man (nơi ngăn giữ người Man), nay là Điện Bàn, gồm 4 nguyên : Đà Bồng, Cù Bà, Phù Bà và Ba Tơ và 5 đạo. Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khắc Tuân củng cố tuyến phòng thủ này với sự thành lập nhiều đồn lũy tại những nơi trọng điểm, nhiều khu dinh điền và đồn điền đưa dân đồng bằng lên khai thác, đồng thời giáo hóa một số bộ lạc Thượng ven ranh nghề canh tác lúa nước và chăn nuôi.

Năm 1819, tả quân Lê Văn Duyệt xây thêm Tịnh Man Trường Lũy (thành lũy để dẹp yên giặc Man) bằng đá và đất cao 2 thước, dầy 1 thước, dài trên 90 cây số, từ Trà Bồng qua Sơn Trà, Minh Long phía đông Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến Nước Giao, Gò Bùi thuộc An Lão (Bình Định) để ngăn chặn người Thượng. Mặt ngoài trường lũy có hào chông và hàng rào cây với 115 đồn, mỗi đồn có 10 lính canh.

 

Quan hệ với triều Nguyễn

Do bị cắt đường liên lạc với đồng bằng miền Trung, tình hình trên cao nguyên rất là loạn lạc dưới triều nhà Nguyễn và đời sống của người Thượng trở nên cơ cực vì bị người Nam Chưởng (Lào) và Xiêm La ức chế. Người Bahnar rút về phía Đông dọc sông Bla sinh trú, người Halang trốn lên đỉnh núi Mang Rai, người Rhadé Kpa chạy về phía Nam hồ Taklak (Lạc Thiện) lập nghiệp, người Chom Puon và Brao sinh sống dọc đèo Lao Bảo ẩn vào rừng sâu, người Mnong Bhiet di tản sang Kratié. Nhiều nhóm đã bị diệt chủng hay bị đồng hóa, đến nay không còn dấu tích. Tại một số nơi, quân Xiêm La còn xúi người Thượng đánh phá các làng ven núi của người Việt để bắt người và cướp lương thực.

Trước sự đe dọa của Xiêm La, năm 1827 tù trưởng Chiêu Nội dẫn 3.000 dân đinh chạy qua Đại Việt xin bảo hộ và dâng luôn 28 sở ruộng ở Kham Mouan làm nội thuộc. Minh Mạng đổi tên Kham Mouan thành Trấn Ninh và phong Chiêu Nội làm Trấn Ninh phòng ngự sứ, cai quản 7 huyện và phong các thổ mục làm thổ tri huyện và thổ huyện thừa.

Tin Đại Việt chịu bảo hộ và giúp các thổ dân chống lại Xiêm La và Nam Chưởng loan đến các nhóm thiểu số khác tại Ai Lao. Tù trưởng Tam Động (Tourakom) và Lạc Phán (Pak Sane) trước kia trực thuộc Vạn Tượng cũng dâng đất xin nội thuộc, Minh Mạng liền chia làm hai phủ : Trấn Tĩnh và Lạc Biên và giao cho các đầu mục bản địa cai quản.

Về sau có thêm tù trưởng các xứ Xa Hổ (Sa Noi), Sầm Tộ (Sam Teu), Mang Soan (Mouan Som), Mang Lan (Mouan Ham), Trình Cố (Xieng Khoan), Sầm Nứa (Sam Neua), Mường Duy (Mouan Yut), Ngọc Ma (Na Noi), Cám Cát (Kham Keut), Cam Môn (Kham Mouan) và Cam Linh (Kham Len) về xin nội thuộc, tất cả đều được vua Minh Mạng nhận bảo hộ và phong quan. Minh Mạng lập thêm ba phủ : Trấn Biên (Xa Hổ, Sầm Tộ, Mang Soạn và Mang Lang), Trấn Định (Cam Cát, Cam Môn và Cam Linh) đặt dưới sự quản lý hành chánh của Nghệ An, còn phủ Trấn Nam (Trình Cố, Sầm Nứa và man Duy) trực thuộc Thanh Hóa.

Các nhóm Mường và Hmong (Mèo) sinh sống tại Mang Vang (Na Khang), Na Bí (Prasie), Thượng Kế (Keng Kok), Tả Bang (Ta Lam), Xương Thịnh (Song Khone), Tầm Bồn (Tchépone), Bà Lan (Pha Lane), Mang Bổng (Mouan Phin) và Lang Thời (Phak Kha Nhia) cũng xin về nội thuộc, được chia làm 9 châu do các đầu mục cai quản, trực thuộc Cam Lộ.

Như vậy toàn bộ lãnh thổ miền Trung Lào (Vientiane, Xieng Khoang, Hua Phan, Bolikhamsay, Kham Moun và Savanakhet) đều nội thuộc Đại Việt.

Người Thượng sinh trú tại vùng Hạ Lào thường bị người Thái hiếp đáp cũng chạy qua Đại Việt cầu cứu. Từ 1829 trở về sau, vua Thủy Xá của người Djarai thường sai người mang lễ vật triều cống và được ban tặng lại áo mão, tước phẩm triều đình và mang họ do vua đặt. Nhưng đời sống cửa người Thượng ngày càng khó khăn, lễ vật triều cống thưa dần rồi ngưng hẳn, thỉnh thoảng họ còn tràn vào các làng xã của người Việt tại vùng giáp núi để cướp lương thực.

Năm 1863, vua Tự Đức phong Nguyễn Tấn làm tiểu phủ sứ Trấn Man để ngăn chặn người Thượng. Nguyễn Tấn đổi Trấn Man thành Nghĩa Định Sơn Phòng Trấn, ghi chép những phong tục tập quán, ngôn ngữ của người Thượng để quan quân học tập. Sơn Phòng Trấn gồm bốn châu : Trà My, Nghĩa Hành, Đức Phổ và Bồng Sơn. Năm 1866-1867, các bộ lạc lớn của người Thượng xin thần phục, đến năm 1869 thì tất cả các bộ lạc nhỏ ở vùng rừng sâu phía tây An Lão (Bình Định) đều ra hàng.

Con cháu Nguyễn Tấn là Nguyễn Độ và Nguyễn Thân tiếp tục cai trị Sơn Phòng Trấn cho đến năm 1891. Vua Tự Đức ra chỉ dụ nới rộng lãnh thổ lên các vùng trung nguyên, chương trình này sau đó bị đình chỉ vì triều đình Huế phải tập trung sức lực đối phó với quân Pháp đang làm áp lực trên khắp lãnh thổ.

Sổ bộ về dân số người Thượng thời Nguyễn không có vì người Thượng không có họ mà chỉ có tên. Dưới thời Tự Đức, để tiện việc ghi chép, các quan lại triều đình (chánh tổng và tổng nguồn là những chức quan cai trị vùng Thượng) đặt cho mỗi làng Thượng một họ Việt chung tùy theo suy luận của mỗi người, chẳng hạn như Đinh (tráng đinh), Hồ (loạn quân), Man (dã man) v.v... Từ đó người Thượng vùng Nam Ngãi đều mang họ Đinh, người Vân Kiều mang họ Hồ, người Thượng ở Bình Định và Phú Yên mang họ Man, v.v...

Sự hiểu biết về người Thượng chỉ rõ dần khi người Pháp mở rộng lãnh thổ lên cao nguyên. Công lao đầu tiên thuộc về các giáo sĩ, tiếp theo là của những nhà phiêu lưu, mạo hiểm. Những ghi chép của họ đã giúp chính quyền thuộc địa Pháp dễ dàng cai trị cao nguyên. Người Việt sau này, thừa hưởng di sản hiểu biết đó, đã không biết làm thăng hoa thêm.

Nguyễn Văn Huy

(1998)

Đọc thêm :

 

Bài mở đầu. Lời phi lộ

Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung

Bài 2. Những phong trào phản kháng

Bài 3. Sự hội nhập khó khăn

Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng

Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy

Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng

Bài 7. Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam

Published in Tư liệu

Người Chăm và người Thượng tại Việt Nam

Nguyễn Văn Huy, tháng 01/2002

 

Thư tịch

 

Về người Thượng và người Chăm tại Việt Nam

 

champa1

 

Những tài liệu nghiên cứu được sắp xếp theo chuyên đề và theo tứ tự abc (bằng tiếng Pháp cũng như tiếng Việt, tài liệu tập thể hay cá nhân).

Những nguồn tài liệu bằng Pháp ngữ, đặc biệt là các tập san, được ghi bằng chữ tắt, chẳng hạn như :

BAVH    : Bulletin des Amis du Vieux Huế.

BEFEO   : Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient.

PEFEO   : Publication de l’Ecole Française d’Extrême-Orient.

BIIEH    : Bulletin de l’Institut Indochinois de l’Etude de l’Homme.

BSEI     : Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises.

 

***************

 

I. Tổng quát

 

A. Tập bản đồ, Niên giám, Từ điển

-     Annuaire administratif de l’Indochine 1938-1939, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1938, 1074 p.

-     Annuaire administratif des services communs de l’Indochine 1947, Imprimerie de l’Union, Saigon, 1949, 367 p.

-     Atlas du Vietnam, Vũ Tự Lập & Christian Taillard, Reclus - La documentation française, Collection Dynamique du Territoire, Paris, 1994, 421 p.

- CARATINI Roger, Dictionnaire des nationalités et des minorités de l’ex-URSS, Larousse, Paris, 1992, 255 p.

-     DOUDART de Lagrée Ernest Marie Louis (capitaine de frégate), Atlas du voyage d’exploration en Indochine effectué pendant les années 1866-1868, publié sous la direction du lieutenant de vaisseau Francis Garnier, Dessin du lieutenant de vaisseau Delaporte, Hachette, Paris, 1873, 2 vol.

-     Danh mục các dân tộc Việt Nam (Références des ethnies au Vietnam), Institut d’Ethnologie, Revue d’Ethnologie n° 4-1978, Hanoi, Hanoi, 1978, pp 54-60.

-     Số liệu thống kê CHXHCN Việt Nam, 1976-1990 (Données statistiques de la RSV de 1976 à 1990), Institut des Statistiques, Département des statistiques, Hanoi, 1991, 179 p.

NGUYỄN Huyền Anh, Việt Nam danh nhân tự điển (Dictionnaire des personnalités au Việt Nam), Zieleks, Houston, 1981, 557 p.

 

B. Nhân chủng học, dân tộc học

-     BALANDIER Georges, Anthropologie politique, PUF. 2e Edition, Quadrige, Paris, 1991, 240 p.

-     LAPLANTINE François, L’Anthropologie, Editions Seghers, Paris, 1987, 223 p.

-     LEVI-STRAUSS Claude, Anthropologie structurale, Plon, Paris, 1958, 478 p.

-     WOLTERS Oliver WoltersHistory, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives since 1982, Southeast Asian Program, Cornell University, Ithaca, New York, in cooperation with The Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1999, 272 p. 

-     SERVER Jean, L’Ethnologie, PUF, 2e Edition, Paris, 1986, 127 p.

 

C. Chính trị

-     Les minorités à l’âge de l’Etat-Nation, François Thierry, Groupement pour les Droits des Minorités, Géopolitiques et Stratégies, Fayard, Paris, 1985, 320 p :

  • Empire et minorité en Chine (pp 125-162), René Tangac ;
  • La réponse soviétique au problème des minorités (pp 163-187).

 

-     BARREAU Jean-Claude, De l’immigration en général et de la nation française en particulier, Le Pré aux Clercs, Paris, 1992, 206 p.

-     BURDEAU Georges, La démocratie, Seuil, Paris, 1966, 186 p.

-     CARRÈRE d’ENCAUSSE Hélène :

  • Lénine - La révolution et le pouvoir, Flammarion, Paris, 1979, 297 p.
  • L’ordre par la terreur, Flammarion, Paris, 1979, 294 p.

-     GIRARDET Raoul, Le nationalisme français - Anthologie 1871 - 1914, Seuil, Paris, 1983, 280 p.

-     JAULIN Robert, La paix blanche - Introduction à l’ethnocide, Seuil, Paris, 1970, 424 p.

-     HỒ Chí Minh, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (A propos de la révolution socialiste et l’élaboration du socialisme au Vietnam), Sự Thật, Hanoi, 1975, 229 p.

D. Lịch sử thuộc địa

-     Histoire de la France coloniale, des origines à 1914, Jean Meyer, Jean Tarrade, Annie Rey-Goldzeiguer et Jacques Thobie, Armand Colin, Paris, 1991, 847 p.

-     Histoire de la France coloniale, 1914-1990, divers sujets traités par Jacques Thobie, Gilbert Meynier, Catherine Coquery-Vidrovitch, Charles-Robert Ageron, Armand Colin, Paris, 1990, 655 p.

-     La France colonisatrice, Liana Levi - Sylvie Messinger, textes réunis par Nicole Prillaud, illustrations de Cham, préface de Patrice de Beer, Les reporteurs de l’histoire, Paris, 1983, 254 p.

-     DALLOZ Jacques, Textes sur la décolonisation, PUF, Paris, 1989, 125 p.

-     FERRO Marc, Histoire des colonisations - des conquêtes aux indépendances XIIIe - XIXe siècle, Seuil, Paris, 1994, 525 p.

-     GAILLARD Jean-Michel, Jules Ferry, Paris, Fayard, 1989, 730 p.

-     GRIMAL Henri, La décolonisation de 1919 à nos jours, revue et mise à jour, Complexe, Paris, 1985, 351 p.

-     MARTIN Jean, Lexique de la colonisation française, Dalloz, Paris, 1988, 395 p.

 

 

II. Châu Á, Đông Nam Á và Đông Dương

 

A. Châu Á, Đông Nam Á

-     Enfants et sociétés de l’Asie du Sud-Est, textes réunis par Jeannine Koubi et Josianne Massard-Vincent, L’Harmattan, Paris, 1994, 371 p.

-     La Chine au XXe siècle - de 1949 à aujourd’hui, Marie-Claire Bergère, Lucien Bianco et Jürgen Domes, Librairie Arthème Fayard, Paris, 1990, 448 p.

-     CHEN Jian, China and the first Indochina war, 1950-1954, in The China Quartely, lecture lue à la 5ème Convention des historiens chinois aux Etats-Unis organisée à Clark University, Août 1993, pp 85-110.

-     ELISSEEFF Vadime et Danielle, La civilisation de la Chine classique, Collection Les Grandes civilisations dirigée par Raymond Bloch, Arthaud, Paris, 1987, 504 p.

-     LEBRA Joyce C., Japan’s Greater East Asia Co-prosperity Sphere in World War II, selected readings and documents, Oxford University Press, 1975, 212 p.

-     RICHIER Philippe, L’Asie du Sud-Est - Indépendances et communismes, Collection Notre Siècle dirigée par Jean-Baptiste Duroselle, Imprimerie nationale, Paris, 1981, 430 p.

-     Thư tịch cổ Việt Nam viết về Ðông Nam Á, phần Chân Lạp (Archives antiques du Vietnam à propos du Sud Est Asiatique : Le Chenla), documents confidentiels (inédits), rassemblés par Nguyễn Lệ Thi, Institut scientifique et social du Vietnam, Comité Sud-Est Asiatique, Hanoi, 1977, 374 p dactylographiées.

 

B. Đông Dương

-     Indochine - La colonisation ambiguë - 1858-1954, Pierre Brocheux et Daniel Hémery, La Découverte, Paris, 1995, 427 p.

-     Introduction à la connaissance de la péninsule indochinoise, Centre d’Histoire et Civilisations de la Péninsule Indochinoise, Paris, 1983, 145 p.

-     L’Indochine - Histoire d’un siècle (1843-1944), Les grands dossiers de l’Illustration - Journal Universel, Préface de Philippe Franchini, Le Livre de Paris, 1987, 191 p.

-     AYMONIER Etienne, Un aperçu de l’histoire du Cambodge, Augustin Challamel, Paris, 1918, 38p.

-     CHARBONNEAU René, La longue marche française en Indochine et en Chine 1945-1946, AC.SC., vol. 37, Février 1977, pp 51-68.

-     COLANI Madeleine, Recherche sur le préhistorique indochinois, BEFEO, vol. 30, Hanoi, 127 p.

-     CONBOY Kenneth, War in Laos 1954 - 1975, Vietnam studies group, Squadron/Signal publications, Carrollton, Texas, 1994, 65 p.

-     DALLOZ Jacques, La guerre d’Indochine 1945-1954, Seuil, Paris, 1987, 316 p.

-     FRANCHINI Philippe, Les guerres d’Indochine - Des origines de la présence française à l’engrenage du conflit international, Pygmalion - Gérard Watelet, Paris, 1988, 438 p.

-     FRANCO Guido, Mékong - du Laos au Vietnam, après de dégel, avec la colaboration de Raphaël Franco, Autrement, Série Monde H.S., n°63, Paris, 1992, 259 p.

-     FREDERIC Louis, La vie quotidienne dans la péninsule indochinoise à l’époque d’Angkor (800-1300), Hachette, Paris, 1981, 414 p.

-     HALL (D.G.E), A History of South-East Asia (Ðông Nam A sử lược), traduction en vietnamien par Nguyễn Phút Tấn, Khai Trí, Saigon, 1968, 1.028 p.

-     LE MIRE Henri, Les Paras français, la guerre d’Indochine, Princesse, Paris,1977,199 p.

-     MAK Phœun, Histoire du Cambodge de la fin du XVIe siècle au début du XVIIIe siècle, PEFEO, Paris, 1995, 495 p.

-     MAK Phœun & KHIN Sok, Chroniques royales du Cambodge (traduction française avec comparaison des différentes versions et introduction), Collection Textes et documents sur l’Indochine :

  • Tome 1 : Des origines légendaires jusqu’à Paramaraja 1er, Paris, 1984, 466 p ;
  • Tome 2 : De Bena Yat à la prise de Lanvæk (1417-1595), Paris, 1988, 473 p ;
  • Tome 3 : De 1594 à 1677, Paris, 1981, 473 p.

-     MEYER Charles, La vie quotidienne des Français en Indochine, 1860-1910, Hachette, Paris, 1985, 298 p.

-     NEPOTE Jacques, Indochine : Laos - Cambodge - Vietnam, Olizane, Genève, 1990, 396 p.

-     ROBBINS Christopher, The ravens - The men who flew in America’s secret war in Laos, Military History, Crown, New York, 1987, 420 p.

-     RUSCIO Alain, 1945-1954 La guerre française d’Indochine, La Mémoire du siècle, Complexe, Bruxelles, 1992, 279 p.

-     Về lịch sử & văn hóa ba nước Ðông Dương (A propos de l’histoire et de la culture des trois pays d’Indochine), Institut de l’Extrême-Orient, Comité des Scienes sociales du Vietnam, Hanoi, 1983, 343 p.

 

 

III. Việt Nam

 

A. Lịch sử tổng quát

-     L’affrontement - L’histoire vécue de la guerre du Viet-Nam, NAM, 52 chapitres, 6 porfolio, 1 chronologie de la guerre et 1 index, traduction et adaptation : Bénédicte Duchet, Ilona Papal, révision historique : Jean-Pierre Gillet, Atlas, Paris, 1988, pp 321-634.

-     L’engagement - L’histoire vécue de la guerre du Viet-Nam, NAM, 62 chapitres, 11 portfolio, traduction et adaptation : Bénédicte Duchet, Ilona Papal, révision historique : Jean-Pierre Gillet, Atlas, Paris, 1988, pp. 1-320.

-     Le Dai Viet et ses voisins, d’après le Ðại Việt sử ký toàn thư (Mémoires historiques du Dai Viet au complet), traduction par Bùi Quang Tùng et Nguyễn Hương, revue et annotée par Nguyễn Thế Anh, publié avec le concours du Centre National de la Recherche Scientifique, Centre d’Histoire et Civilisations de la Péninsule Indochinoise, L’Harmattan, Paris, 1990, 155 p.

-     Saigon 1925-1945, de la "belle colonie" à l’éclosion révolutionnaire ou la fin des dieux blancs, Autrement, Paris, 1992, 263 p.

-     Viet Nam - L’histoire, la terre, les hommes, textes rassemblés et présentés par Alain Ruscio, Collection "Péninsule Indochinoise", L’Harmattan, Paris, 1990, 437 p.

-     Viet Nam - La route mandarine, Jacques Népote & Xavier Guillaume, Guides Olizane, Genève, 4-1993, 312 p.

-     BISSACHÈRE (de la), Etat actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge, Laos, Lac Tho, 2 vol., Galignani, Paris, 1812.

-     BODARD Lucien, Les dossiers secrets du Pentagone, Presses de la Cité, Paris, 1971, 282 p.

-     BORRI Chritoforo, Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie du Jésus royaume de la Cochinchine, traduction de l’italien par le P.Antoine de la Croix, réédition, BVAH, Juillet-Décembre, pp 259-407 (complet).

-     CADIÈRE L., Première étude sur les sources annamites de l’histoire d’Annam, BEFEO, tome IV, n° 3, Hanoi, Juil.-Sept. 1904, pp 615-671.

-     COATALEM Jean-Luc, Nouvelles chroniques vietnamiennes, Vietnam récit de voyage, in GEO n°182, Paris, Avril 1994, pp 70-112.

-     COLBY William, 30 ans de C.I.A (Honorable men - My life in the CIA), avec la collaboration de Peter Forbath, traduit de l’américain par Jean-Pierre Carasso, Presses de la Renaissance, Paris, 1978, 377 p.

-     ÐẶNG Phương Nghi, Les institutions publiques du Vietnam au XVIIIe siècle, PEFEO, Paris, 1969, 146 p.

-     DEVILLERS Philippe, LACOUTURE Jean, Vietnam - De la guerre française à la guerre américaine, Collections esprit "Frontière ouverte", Seuil, Paris, 1969, 428 p.

-     DORGELÈS Roland, Sur la route mandarine, Albin Michel, Paris, 1925, 315 p.

-     FALL Bernard, Le Vietminh - La République Démocratique du Vietnam (1945 - 1960), Cahiers de la Fondation nationale des sciences sociales, A. Colin, Paris, 1960, 377 p.

-     FERAY Pierre-Richard, Le Viet Nam (des origines lointaines à nos jours), PUF, Paris, 1984, 128 p.

-     FITZGERALD Frances, Fire in the lake, the Vietnamese and the Americans in Vietnam, Little Brown and Company (Canada) Ltd., Boston-Toronto, 1972, 491 p.

-     KARNOW Stanley, Vietnam - Des révélations explosives sur le conflit le plus sanglant de l’après guerre, préface de Jean Lartéguy, France Loisirs, Paris, 1983, 436 p.

-     LARTEGUY Jean, Voyage au bout de la guerre, Presses de la Cité, Paris, 1971, 312 p.

-     LÊ Thành Khôi, Histoire du Viet Nam, des origines à 1858, Sudestasie, Paris, 1987, 460 p.

-     LINDHOLM Richard W., Viet Nam : the first five years - an international symposium, Michigan State University Press, Boston, 1959, 364 p.

-     MUS Paul, Viet Nam - Sociologie d’une guerre, Esprit Frontière Ouverte, Seuil, Paris,1952, 374 p.

-     OURY Guy-Marie, Le Vietnam : des Martyrs et des Saints, Fayard, Paris, 1988.

-     SNEPP Franck W., Decent interval - An insider’s account of Saigon’s indecent end told by the CIA’s chief startegy analyst in Vietnam, First Vintage Books, Random House, New York, August 1978, 590 p.

-     TEULIÈRES André, La guerre du Vietnam (1945-1975), Le conflit franco-vietminh et sa suite américaine, Lavauzelle, Paris-Limoges, 1979, 256 p.

-     TODD Oliver, Cruel Avril 1975 - La chute de Saigon, Laffont, Paris, 1987, 479 p.

-     TOURNAIRE Hélène, Livre jaune du Vietnam, Librairie Académique Perrin, Paris, 1966, 350 p.

-     VILLARD E., Etude sur le droit pénal annamite, Excursions et Reconnaissances n° 13, Imprimerie du gouvernement, Saigon, 1882, pp 73-167.

-     VILLARD L., Etude sur le droit administratif annamite, Excursions et Reconnaissances, n° 11, Imprimerie du gouvernement, Saigon, 1882, pp 306-357.

-     Dự án chính trị dân chủ đa nguyên (Programme politique pour la démocratie pluraliste), Mouvement de la Démocratie Pluraliste, Paris, 1992, 69 p.

-     Ðà Lạt : thành phố cao nguyên (Dalat : La ville des Hauts Plateaux), Comité Populaire de la ville de Dalat, Editions de Hochiminhville, 1993, 392 p.

-     Ðại Việt sử ký toàn thư (Histoire du Vietnam au complet), chapitres 10, 11, 12 và 13, tome III, traduction par Cao Huy Giu, notifié par Ðào Duy Anh, Institut scientifique et social du Vietnam, Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1972.

-     Chung một bóng cờ - Về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (Sous le même drapeau - A propos du Front National de Libération du Sud Việt Nam), Editions de la Politique nationale, Sự Thật, Hanoi, 1993, 979 p.

-     Khảo cổ Ðồng Nai - Thời tiền sử (Archéologie de Ðồng Nai - Période préhistorique), Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng, Comité scientifique et technique de la province de Ðồng Nai, Editions Ðồng Nai, Biên Hòa, 1991, 222 p.

-     Lịch sử Việt Nam (tập 1), thời kỳ nguyên thủy đến thế kỷ X (Histoire du Vietnam, tome 1, de ses origines au 10ème siècle), Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Editions du Ministère de l’Université et de la Formation professionnelle, Hanoi, 1991, 367 p.

-     Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Les forces armées populaires des Hauts Plateaux pendant la résistance contre les Américains pour le salut de la nation), Imprimerie de l’Armée Populaire, Hanoi, 1980, 389 p.

-     Nguyễn Huệ Phú Xuân (Nguyễn Huệ de Phú Xuân), divers textes rédigés par Ðỗ Bang, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Văn Hảo, Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Editions Thuận Hóa, Huế, 1986, 177 p.

-     Thư tịch cổ Việt Nam viết về Ðông Nam A, phần Chiêm Thành, Thủy Xá, Hỏa Xá, Miến Điện, Chà Và (Archives antiques du Vietnam relatant du Sud Est Asiatique : Le Champa, le Sadet de l’Eau, le Sadet du Feu, la Birmanie, l’Indonésie), documents confidentiels (inédit), rassemblés par Nguyễn Lệ Thi, Institut scientifique et social du Vietnam, Comité Sud-Est Asiatique, Hanoi, 1978, 168 p dactylographiées.

-     Thừa Thiên phủ (La préfecture de Thừa Thiên), Ðại Nam Nhất Thống Chí (1865-1882), tập Thượng & Trung (tome I et II), traduction par Tu Trai Nguyễn Tạo, Bibliothèque de la Culture, Département de la Culture, Saigon, 1961, 143 et 141 p.

-     Tîm hiểu một số vấn đề trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh (Etudes de la pensée du président Hồ Chí Minh), Sự Thật, Hanoi, 1982, 263 p.

-     Tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa (Les provinces de Phú Yên et Khánh Hòa), Ðại Nam Nhất Thống Chí (1865-1882), tome 10 & 11, traduction par Tu Trai Nguyễn Tạo, Bibliothèque de la Culture, Département de la Culture, Saigon, 1964, 122 p.

-     Tỉnh Quảng Nam (La province de Quảng Nam), Ðại Nam Nhất Thống Chí (1865-1882), tome 5, traduction par Tu Trai Nguyễn Tạo, Bibliothèque de la Culture, Département de la Culture, Saigon, 1964, 124 p.

-     Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình (Les provinces de Quảng Trị et Quảng Bình), Ðại Nam Nhất Thống Chí (1865-1882), traduction par Tu Trai Nguyễn Tạo, Bibliothèque de la Culture, Département de la Culture, Saigon, 1961, 200 p.

-     Tỉnh Thanh Hóa (La province de Thanh Hóa), Ðại Nam Nhất Thống Chí (1865-1882), tome 16, 1ère partie, traduction par A Nam Trần Tuấn Khải, Bibliothèque de la Culture, Département de la Culture, Saigon, 1960, 115 p.

-     Về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (A propos de l’établissement du socialisme au Vietnam), Sự Thật, Hanoi, 1991, 123 p.

-     Việt Nam : đất nước, lịch sử, văn hóa (Vietnam : la nation, l’histoire, la culture), Sự Thật, Hanoi, 1991, 242 p.

-     BÌNH Nguyên Lộc, Nguồn gốc mã lai của dân tộc Việt Nam (Les origines malaisiennes du peuple vietnamien), Saigon, 1971. Réédition Xuân Thu, Los Alamitos, California, 1991, 894 p.

-     CAO Văn Luận, Bên giòng lịch sử, hồi ký 1940-1965 (Sur les rives du cours de l’histoire, Mémoires 1940-1945), réédition Ðại Nam, Glendale, 1976, 455 p.

-     HOÀNG Ðạo Thúy & al., Ðất nước ta (Notre Pays), Editions des Sciences, Hanoi,1989, 646 p.

-     LÊ Quí Ðôn, Phủ biên tạp lục (Notes historiques sur le patrimoine des Nguyễn), tome I, Hanoi, Editions scientifique et sociale, réédition 1977, 348 p. Traduction revue et notifiée de l’original par Tạ Trọng Hiệp, Paris, 1994.

-     NGÔ Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí (Histoire de la dynastie des Lê), tome I, 6 chapitres, Editions de la Littérature, Hanoi, 1987, 215 p.

-     NGUYỄN Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa (Les derniers jours de la République du Vietnam), Groupe d’Etudes d’Histoire et de Géographie, Montréal, 1979, 430 p.

-     PHẠM Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc (De la Cour de Huế à la base de résistance Việt Bắc), Editions Thuận Hóa, Huế, 1987, 415 p.

-     PHẠM Ngọc Huyền, Việt sử đại cương (Histoire du Vietnam), Cổ Kim Thư Hương, Paris, 1984, 270 p.

-     PHẠM Văn Sơn, Việt sử tân biên (Nouvelle Edition de l’histoire du Vietnam), tome I, II, III, Văn Thái, Saigon, 1959.

-     TRẦN Phúc Long, Những trại cùi Việt Nam (Les centres de léprosie au Vietnam), Etudes exposées à la Journée Mondiale de Léprosie à Paris, The Vietnam Leprosy Guild, 1993, 102 p.

-     TRẦN Tam Tinh, Dieu et César - Les catholiques dans l’histoire du Vietnam, Sudestasie, Paris, 1978, 240 p.

-     TRẦN Trọng Kim, Việt Nam sử lược (Histoire succincte du Vietnam), tome I (280 p) & tome II (396 p), Institut de l’Asie du Sud Est, Paris, 1987.

-     VĂN Tấn, Nguyễn Huệ, con người và sự nghiệp (Nguyễn Huệ, l’homme et ses œuvres), Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1967, 227 p.

-     VĂN Tiến Dũng (Général), Ðại thắng mùa xuân (La grande victoire du printemps), Editions de l’Armée Populaire, Hanoi, 1976, 322 p.

-     VÕ Nguyên Giáp, Về sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam (A Propos de la force générale de la révolution du Vietnam), Sự Thật, Hanoi, 90 p.

B. Văn hóa

-     Contes vietnamiens, Illustrations de Zdenka Krejcová, Adaptation française de Marie-José Lamorlette, Gründ, Paris, 1991, 208 p.

-     THÁI Văn Kiểm :

  • La plaine aux cerfs et la princesse de Jade (Etudes historico-géographiques de l’établissement des pionniers vietnamiens au Sud-Vietnam au début du XVIIe siècle), BSEI, tome XXXIV, Saigon, 1959, pp. 379-393.
  • Ðất Việt trời Nam (Le Sud Vietnam), Saigon, 1960, 608 p.

-     40 năm văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam : 1945-1985 (40 ans de la culture et de l’art des minorités ethniques du Vietnam), divers textes rédigés par Nguyễn Văn Hiếu, Nông Quốc Chấn, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Thế Minh, Phong Lê, Đinh Văn Ðịnh, Editions de la Culture, Hanoi, 1985, 307 p.

-     Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập VI, Văn học dân tộc ít người (Recueil des poèmes du Vietnam, tome VI, Littérature des minorités ethniques), Editions de la Culture, Hanoi,1979, 550 p.

-     Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, văn học dân tộc ít người (Recueil des poèmes et littératures vietnamiennes), Institut de la Littérature - Littérature des ethnies, Editions de la Littérature, Hanoi, 1979, 550 p.

-     Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn (Les problèmes culturels et sociaux de la dynastie des Nguyễn), Institut des Sciences sociales de Hochiminhville, Editions des Sciences sociales, Saigon, 1992, 263 p.

-     Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (Recueil de contes des Minorités ethniques au Vietnam), Tome 1, Institut des Sciences sociales de Hochiminhville, 1987, 243 p.

-     Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long (Le problème des minorités ethniques du delta du Mékong), divers textes rédigés par Mạc Ðường, Phan An, Đinh Văn Liên, Phan Thị Yến Tuyết, Phan Văn Dốp, Nguyễn Việt Cương, Editions des Sciences sociales, Sài G^on, 1991, 324 p.

-     Văn hóa Chăm (La culture cham), Phạm Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1991, 395 p.

-     Văn hóa & dân số cư dân đồng bằng sông Cửu Long (Culture et démographie de la population du Mékong), divers textes rédigés par Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Ðường, Editions des Sciences sociales, Saigon, 1990, 452 p.

-     Văn hóa Việt Nam - Tổng hợp 1989-1995 (La culture du Vietnam - Mémento 1989-1995), Comité central de la Culture et des Arts, Hanoi, 1989, 480 p.

-     ÐÀO Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương (Histoire de la Culture du Vietnam), réédition suivant l’édition originale Quan Hải Tùng Thư, 1938, Faculté d’Histoire de l’Université Pédagogique de Hochiminhville, Saigon, 1992, 389 p.

 

 

IV. Ngưởi Thượng trên Cao Nguyên miền Trung

 

A. Nghiên cứu dân tộc học

-     Archives des recherches agronomiques au Cambodge, au Laos et au Vietnam, Centre de recherches scientifiques et techniques, Imprimerie d’Extrême-Orient, Saigon.

  • 8&8A : Les sols et la végétation au Darlac et sur le Plateau des Trois Frontières (M.Schmid, P.de la Souchère, D.Godard), 1951, 105 p ;
  • 12&12A : Contribution à l’étude des terres rouges basaltiques et dactiques des Hauts Plateaux du Sud de l’Indochine (E.M.Castagnol), 1952, 124 p.

-     Education, numéro spécial consacré aux Populations Montagnardes du Sud-Indochinois, revue publiée par le Rectorat d’Académie (Bureau des Affaires culturelles), Imprimerie d’Extrême-Orient,, Saigon, 1949, 204 p.

-     Les ethnies minoritaires du Vietnam, Ðặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn, Lưu Hùng, Editions en Langues Etrangères, Hanoi, 1986, 347 p.

-     Montagnards des pays d’Indochine, Collections du Musée de l’homme, préface de Paul Graziani, divers textes rédigés par Georges Condominas, Françoise Cousin, Ðặng Nghiêm Vạn, William L. Dessaint, Bernard Dupaigne, Anne de Hauteclocque, Christine Hemmet, Jacques Lemoine et Nguyễn Tú Chi, Sépia, Paris, 1995, 135 p.

-     Vietnam images of the community of 54 ethnic groups, Vietnam News Agency, Ethnic Culture Publishing House, Hanoi, 1996, 206 p.

-     ANTOINE (Chef du service de l’enseignement aux PMSI), Les Bahnars, Education, Saigon, 1949, pp 11-16.

-     AZEMAR R.P. (Missionnaire apostolique), Les Stieng de Brö Lam (1861-1866), Excursions et Reconnaissances, vol. XII, n°27, Hanoi, Mai-Juin 1886, pp 107-160, n°28, Juillet-Août 1886, pp 251-341.

-     BACHELET Hervé, Les Minorités ethniques du Centre Vietnam vues par les missionnaires français, Cahiers de l’Asie du Sud-Est n°26, Paris, 1989, pp 7-38.

-     BAUDESSON (Ct), Au pays des superstitions et des rites chez les Moïs et les Chams, Plon, Paris,1932, 276 p, 1 carte.

-     BERTRAND Henri, Un peuple oublié - Les Montagnards Khas des Hauts Plateaux du Sud Indochinois, Sudestasie, Paris, 1989, 157 p.

-     BEZACIER Louis, Note sur 99 tatouages des Moïs "Ka-tu", province de Quang Nam, Annam, BIIEH, vol.2, 1942, pp 117-125.

-     CONDOMINAS Georges :

  • Enquête linguistique parmi les populations montagnardes du Sud Indochinois, BEFEO, 46, vol.2, Hanoi, 1954, pp 573-597.
  • Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo (Hii saa brii Mau-Yaang Gôo) - Chronique de Sar Luk, village Mnong Gar (tribu proto-indochinoise des Hauts Plateaux du Vietnam central), 45 photographies, 2 cartes, Mercure de France, Paris, 1974, 495 p.

-     CUISINIER Jeanne, Les Mường. Géographie humaine et sociologie, tome XLV, Institut d’Ethnologie, Paris, 1948, 618 p.

-     DENIAU, Folklore Jarays, Education, Saigon, 1949, pp 171-186.

-     DOURNES Jacques (RP) :

  • Nri, Recueil des coutumes srê du Haut Donnaï, France-Asie, Saigon, 1951, 44 p.
  • Etudes Jörai, 1963, 2 fasc, 62 p et 117 p polytypés.
  • Les Moïs du Sud, Education, Saigon, 1949, pp 37-40.
  • Coordonnées Structures Jörai - Familles et sociales, Institut d’Ethnologie, Paris, 1972, 44 p.
  • Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai, Flammarion, Paris, 1977, 365 p.

-     GERBER Théophile, Coutumier Stieng, BEFEO, tome XLV, Hanoi, 1951.

-     GUILLEMINET Paul (Administrateur des servcres civils) :

  • Le sacrifice du buffle chez les Bahnars de la province de Kontum, BAVH, n°2, 1942, 38 p.
  • Coutumes juridiques contemporaines du pays des Bahnars et de leurs voisins, Education, Saigon, 1949, pp 127-148.
  • La tribu des Bahnars du Kontum, Education, Saigon, 1949, pp 47-64.
  • Coutumier de la tribu bahnar, de Sedang et des Djarai de la province de Kontum selon la coutume appliquée dans les tribunaux de cette province de 1908 à 1939, PEFEO, vol.XXXII, Hanoi, 1952, 2 tomes (tome I, pp 1-457 ; tome II, pp 458-763).

-     JERUSALEMY (Administrateur des services civils), Les Sedangs, Education, Saigon, 1949, pp 7-10.

-     JOUIN B.Y. (Docteur, chef des services sanitaires des PMSI) :

  • Les Jarays, Education, Saigon, 1949, pp 21-24.
  • Les Rhadés, Education, Saigon, 1949, pp 25-28.
  • Les M’nongs, Education, Saigon, 1949, pp 35-36.
  • Recherches ethnographiques - Croyances et rites des Rhadés, Education, Saigon, 1949, pp 149-170.

-     KEMLIN J.E. (R.P. de la Société des Missions Etrangères de Paris), Alliances chez les Reungao, BEFEO, tome X, Hanoi, 1910, pp 1-119.

-     LAFONT Pierre-Bernard :

  • Tơlơi Djuat, Coutumier de la tribu Jarai, PEFEO, vol. 51, Paris, 1963, 323 p.
  • L’agriculture sur brûlis chez les Protos Indochinois des Hauts Plateaux du Centre Vietnam, Cahiers d’Outre-Mer n°20, Bordeaux, 1967, 14 p.

-     LAVALLEE A., Notes ethnographiques sur diverses tribus du Sud-Est de l’Indochine, BEFEO, vol. 1, Hanoi, 1901, pp 291-311.

-     MA Tuan-Lin, Ethnographie des peuples étrangers à la Chine, Fou-Nan, ouvrage composé au XIIIe siècle de notre ère, traduit pour la première fois du chinois par le Marquis d’Hervey de Saint Denys, H.Georg.-Th.Mueller, Genève, 1883, pp 436-443.

-     MAURICE Albert-Marie :

  • Les Mnongs du Plateau central indochinois, le capitaine Paul Huard et le lieutenant A. Maurice, Institut indochinois pour l’Etude de l’homme, Hanoi, 1934.
  • Les Mnong des Hauts Plateaux (Centre-Vietnam) - Vie matérielle (pp 1-457), Vie sociale et coutumière (pp 458-745), Préface de Georges Condominas, L’Harmattan, Paris,1993.

-     ROUX (Commandant), Les tombeaux chez les Moï Jarai, BEFEO, tome XXIX, Hanoi, 1929, pp 346-348.

-     SABATIER Léopold, La chanson de Damsan, légende recueillie chez les Rhadé de la province du Darlac, texte et traduction par L.Sabatier, BEFEO n°33, vol.1, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1933, 160 p.

-     SION Jean (Mgr. Vicaire apostolique de Kontum), Les Bahnars Jolongs de la province de Kontum, Education, Saigon, 1949, pp 17-20.

-     TRINQUET, Notes sur la tribu des Djarais (partie Sud-Ouest), Revue Indochinoise, 1906, pp 1903-1921.

-     Y BIH Nie Blo (Surveillant général du Groupe scolaire Antomarchi), Cinq légendes rhadées, Education, Saigon, 1949, pp 187-204.

-     Các dân tộc ít người ở Việt Nam : các tỉnh phía Bắc (Les minorités ethniques des proinces du Nord Vietnam), Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1978, 454 p.

-     Các dân tộc ít người ở Việt Nam : các tỉnh phía Nam (Les minorités ethniques des proinces du Sud Vietnam), Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1984, 313 p.

-     Cao Nguyên Miền Thượng, quyển thượng và quyển hạ (Les Montagnards des Hauts Plateaux, tome I & II), Toan Ánh & Cửu Long Giang, Saigon, 1974, 556 p.

-     Một số vấn đề kinh tế - xã hội Tây Nguyên (Quelques problèmes économiques et sociaux des Hauts Plateaux), Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1986, 443 p.

-     Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chính sách ngôn ngữ (Langage des minorités ethniques et politique de langue vivante), Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1984, 160 p.

-     Tây Nguyên thiên nhiên và con người (Les Hauts Plateaux, la Nature et l’Homme), Nguyễn Trọng Lân, Huỳnh Thị Cả, Editions de la Pédagogie, Hanoi, 1987, 192 p.

-     BÙI Khánh Thế, Một vài cứ liệu về song ngữ và vấn đề nghiên cứu song ngữ ở Việt Nam (Quelques données sur la bilinguisme et la recherche bilingue au Vietnam), Revue d’Ethnologie n°1, Hanoi, 1978, pp 48-63.

-     KHỔNG Diễn, Các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên (Les populations de la Chaîne annamitique - des Hauts Plateaux), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1-1984, pp 41-47.

-     NGUYỄN Ðình Khoa, Các dân tộc ở Việt Nam - Dẫn liệu nhân học-tộc người (Les Ethnies au Vietnam - Introduction à l’anthropologie et l’ethnologie), Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1983, 183 p.

-     NGUYỄN Văn Diệu, Ít ghi chép về người Chil ở Lâm Ðồng (Notes sur les Chil à Lâm Ðồng), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1978, pp 49-54.

-     NGUYỄN Văn Luận, Lễ chém trâu Ngap Kubao của đồng bào Chăm (Ngap Kubao, sacrifice du buffle chez les Chams), Revue mensuelle de la Culture n°3&4, Nov-Déc 1967, Département de la Culture, Saigon, 1967, pp 254-269.

-     PHAN Ðăng Nhật, Sử thi Ê-Ðê (Chansons rhadés), Institut de la Culture Folklorique, Editions des Sciences sociales, Hanoi, 1991, 247 p.

-     PHAN Xuân Biên, Một số vấn đề dân tộc học vùng Lâm Ðồng (Quelques problèmes ethnologiques de la région de Lâm Ðồng), Revue d’Ethnologie n° 2, Hanoi, 1979, pp 39-46.

-     PHAN Xuân Biên, Một số ý kiến về thành phần dân tộc của cư dân bản địa tỉnh Lâm Ðồng (Quelques suggestions sur la répartition ethnique des autochtones de la province de Lâm Ðồng), Revue d’Ethnologie n°4, Hanoi, 1977, pp 1-9.

 

 

B. Nghiên cứu lịch sử và xã hội – chính trị

-     Plan d’action sociale pour les Pays Montagnards du Sud du Domaine de la Couronne, plan élaboré sur les directives de SM Bảo Ðại, chef de l’Etat du Vietnam par SE Nguyễn Ðệ, directeur du cabinet de SM et délégué impérial pour les PMN et les PMS du Domaine de la Couronne, Etat du Vietnam, Edition de la délégation impériale du Domaine de la Couronne, Juin 1953, 51 p.

-     Variétés sur les pays moïs, Gouvernement de la Cochinchine, Saigon, 1935, 264 p.

-     ARDANT DU PICQ (Lieutenant-colonel), Etude du pays moï au point de vue militaire (Provinces de Kontum et de Ban-Me Thuot), CM 409, dossier secret n°33al, Huế, 11 Octobre 1923, 85 p dactylographiées et 2 cartes, Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence.

-     BARTHELEMY (Comte de), Rapport sur une mission scientifique en Annam et au Laos (région de Xieng Khoaung), Imprimerie nationale, Paris, 1902, pp 5-26, carte.

-     BESNARD Henri (Administrateur du Darlac), Les populations Moï du Darlac, BEFEO, tome VII, Hanoi, 1907, pp 61-86.

-     BOULBET Jean :

  • Paysans de la forêt, PEFEO, Paris, 1975, vol. 105, 151 p.
  • Pays des Maa - Domaine des génies Nggar Maa, Nggar Yang, Essai d’ethno-histoire d’une population proto-indochinoise du Vietnam central, PEFEO, Paris, 1967, 154 p.

-     BOUROTTE Bernard, Essai d’histoire des populations montagnardes du Sud-Indochinois jusqu’à 1945, BSEI, tome XXX, n°1, Saigon, 1955, 116 p.

-     BRIÈRE M. :

  • Notice sur les Moïs du Bình Thuận et du Khánh Hòa, Excursions et Reconnaissances, tome XIV, n°32, Hanoi, 1890, pp 235-272.
  • Culture et commerce de la cannelle en Annam, Bulletin Economique de l’Indochine, n°33, Hanoi, 1904, pp 935-950.

-     CARRAU Pierre, Du commerce et de l’agriculture chez les Moïs, Excursions et Reconnaissances n° 14, Saigon, 1882, pp 270-293.

-     CHANDA Nayan, The enemy within, Far Eastern Economic Review, Hong Kong, 10 September 1992.

-     CLEMENT (Médecin-lieutenant), Cochinchine - Minorités ethniques "Moïs", Commission Guernut 25, province de Biên Hòa, Délegation du Sông Bé, Novembre 1937, 14 pages dactylographiées, in Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence.

-     CONDOMINAS Georges, L’espace social - A propos de l’Asie du Sud-Est, Flammarion, Paris, 1980, 540 p.

-     CUPET (Capitaine) :

  • Voyages au Laos et chez les sauvages du Sud-Est de l’Indochine, Mission Pavie (1879-1895),
  • Les populations de l’Indochine par le Lieutenant-colonel Cupet, Bulletin de la Société de Géographie, Lyon, 1907, pp 237-305, cartes.

-     DURAND E-M., Les Moïs du Sơn Phòng, Bulletin de Géographie historique et descriptive, Hanoi, 1900, n°1-2, pp 284-322.

-     DAM BO, Les populations montagnardes du Sud-Indochinois (Pémsiens), présentation par René de Berval, Revue France-Asie, tome V, numéro spécial 49-50, Saigon, 1950, pp 931-1208 (277 p).

-     DOURNES Jacques (RP), Perspectives sur le problème de l’enseignement des PMSI, Education, Saigon, 1949, pp 103-118.

-     DOURISBOURE Pierre (Abbé), Les sauvages Ba-Hnars (Cochinchine orientale) - Souvenirs d’un missionnaire, P.Tequi/Missions Etrangères, Paris, 1929, 336 p.

-     FINOT Louis, Nécrologie : Prosper Odhendal, in BEFEO, tome IV, Hanoi, 1909, pp 529-537.

-     GAUTIER A. (Lieutenant d’Infanterie de Marine), Voyage au pays des Mois, accompli en Février, Mars, Avril, Mai et Juin 1882, Excursions et Reconnaissances n° 14, Saigon, 1882, pp 219-249, 1 carte.

-     GAYET G. (Inspecteur général des Colonies), Evolution récente des PMSI, Education, Saigon, 1949, pp 69-82.

-     GUERRINI (Administrateur), Cochinchine - La question Moï, Commission Guernut 25, Biên Hòa, 25 Novembre 1937, 7 p. dactylographiées, Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence.

-     HICKEY Gerald Cannon :

  • Sons of the mountains - Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954, Yale University Press, New Haven, 1982, 488 p.
  • Free in the forest - Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands 1954-1976, Yale University Press, New Haven, 1982, 350 p.
  • Indigenous peoples of the Central Highland, in the Socialist Republic of Vietnam : 1956-1973, Première partie, texte inédit envoyé à la conférence sur les minorités ethniques au Vietnam organisée par l’UNESCO à Hanoi, Mars 1994, 17 pages dactylographiées.
  • Kingdom in the morning mist - Mayréna in the Highlands of Vietnam, University of Pennsylvania Press, Philadelphia, 1988, 221 p.
  • Shattered world - Adaptation and survival among Vietnam’s Highland peoples during the Vietnam War, University of Pennsylvania Press, Philadelphia, 1993, 397 p.

-     HICKS Pappy, Story of the vietnamese montagnards in the U.S. as I know it, 1994, Texas, 3 pages dactylographiées (inédit).

-     HUGUES (d’, Administrateur), Cochinchine - Minorités ethniques Moïs, Commission Guernut 25, province de Thủ Dầu Một, Délégation de Hớn Quản, 11 Novembre 1937, 27 p dactylographiées, Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence.

-     HUMANN, Excursion chez les Moïs indépendants (1884), in Variétés sur les pays moïs, Gouvernement de la Cochinchine, Saigon, 1935, pp 104-118.

-     HUYN de Verneville, Notice sur la province de Binh Dinh (Annam), Excursions et Reconnaissances n° 11, Imprimerie du gouvernement, Saigon, 1882, pp 287-297.

-     JERUSALEMY, Peut-on sauver économiquement le peuple Sedang ?, Education, Saigon, 1949, pp 41-46.

-     LABUSSIÈRE A. (Inspecteur des affaires indigènes), Rapport sur les Chams et les Malais de l’arrondissement de Chaudoc, Excursions et Reconnaissances n° 6, Saigon, 1880, pp 375-380, 1 carte.

-     LECHESNE Paul, L’Indochine Régions Moïs (Kontoum-Darlac), Quinhon, 1924, 31 p.

-     MAÎTRE Henri :

  • Les Régions Moï du Sud Indochinois - Le plateau du Darlac, Plon-Nourrit et Cie, Paris, 1909, 335 p.
  • Les Jungles Moï - Exploration et histoire des hinterlands moï du Cambodge, de la Cochinchine, de l’Annam et du bas Laos, Emile Larose, Paris, 1912, 578 p.

-     MALGLAIVE (Capitaine de), Voyages au centre de l’Annam et du Laos et dans les régions sauvages de l’Est de l’Indochine, Mission Pavie (1879-1895), vol. IV, 13 cartes et 75 illustrations, Ernest Leroux, Paris, 1900, 296 p.

-     NEIS Paul (Dr), Rapport sur une excursion scientifique faite chez les Moïs de l’arrondissement de Baria, Excursions et Reconnaissances, n° 6, Saigon, 1880, pp 405-435, 1 carte.

-     NGUYỄN Tấn (Ôn Khê), Notes diverses sur la pacification de la région des sauvages (Phủ Man tạp lục thơ), manuscrit écrit en 1871, traduction française, Revue Indochinoise, Hanoi, 1904, 15 Avril (pp 455-469), 15 Mai (pp 641-648), 31 Mai (pp 706-716) et 15 Juin (pp 789-796).

-     NGUYỄN Xuân Linh, Note sur les rapports des minorités ethniques et des autorités politiques au Sud Vietnam, Pluriel Débat n° 6, Paris, 1976, pp 27-45.

-     NOUET L., Excursion chez les Moïs de la frontière Nord-Est (1882), in Variétés sur les pays moïs, Saigon, 1935, pp 84-103.

-     PAGÈS P. (Gouverneur de la Cochinchine), Rapport sur la pénétration en pays moï au cours des cinq dernières années (Circulaire du 9 Février 1935), in Variétés sur les pays moïs, Saigon, 1935, pp 206-219.

-     PASQUIER Pierre (Résident Supérieur en Annam), Circulaire du 30 Juillet 1923 sur l’organisation de l’hinterland Moï et Annexe, in Variétés sur les pays moïs, Saigon, 1935, pp 220-264.

-     PAVIE Auguste, Excursion dans le Cambodge et le royaume de Siam, Excursions et Reconnaissances, n° 12, 13 et 14, Saigon, 1882.

-     ROGER (Administrateur), La protection des minorités ethniques de Cochinchine, Commission Guernut 25, Novembre 1937, 33 p dactylographiées, Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence.

-     SALEMINK Oscar :

  • Martial anthropology : Contextualization of ethnographic practice in Vietnam’s Central Highlands, Chapter outline : Maynot be quoted !
  • Mois and Maquis, The invention and Appropriation of Vietnam’s Montagnards from Sabatier to the CIA, in Essays on the contextualization of ethnographic knowledge, The University of Wisconsin Press, 1991, pp 243-284.
  • Primitive partisans : French strategy and the construction of a Montagnard ethnic identity in Indochina, Hans Antlous & Stein Tønnesson, Croudon Curson Press, Propfs, 1994, pp 1-38.

-     SEITZ Paul L. (Mgr), Des hommes debout - Les Montagnards du Sud-Vietnam, réalisation Jacques Barthélémy, Paris-Fribourg, 1977, 173 p.

-     SEPTANS Albert (Capitaine de l’Infanterie), Reconnaissance dans le Cambodge et le Laos, Excursions et Reconnaissances n°12, Saigon, 1882, pp 536-551, 1 carte.

-     SIMONNET Christian, Les tigres auront plus pitié, France Empire, 1977. Réédition Missions Etrangères de Paris, Paris, 1992, 300 p.

-     SION Jean (Mgr), Quelques réflexions sur les Montagnards, Education, Saigon, 1949, pp 65-68.

-     SYLVESTRE J. (Chef de la justice indigène), Rapport sur l’esclavage, Excursions et Reconnaissances n° 4, Saigon, 1880, pp 95-144.

-     THAYER Nate (Journaliste de FEER) :

  • Lighting the darkness, Far East Economic Review, Hong Kong, 10 September 1992.
  • The forgotten army, Far Eastern Economic Review, Hong Kong, 10 September 1992.
  • Trail of tears, "lost" montagnard army vows to fight on, Far Eastern Economic Review, Hong Kong, 10 September 1992.

-     TRINQUET, Le plateau d’An Khê, in Revue Indochinoise, Hanoi, 1906, 15 Juillet : pp 1061-1070, 30 Juillet : pp 1162-1165, 2 cartes.

-     Y BIH Nie Kdam (Instituteur rhadé) :

  • Notice sur le Darlac, Education, Saigon, 1949, pp 29-34.
  • Evolution culturelle des PMSI, Education, Saigon, 1949, pp 83-90.

-     Y NGÔNG Nie Kdam, Con người và Tây Nguyên đi lên chủ nghĩa xã hội (L’homme et les Hauts Plateaux vers le socialisme), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1-1984, pp 7-10.

-     YERSIN (Dr), Sept mois chez les Moïs, in Variétés sur les pays moïs, Saigon, 1935, pp 166-205.

-     Chính sách dân tộc, những vấn đề lý luận và thực tiễn (Politiques ethniques, théories et pratiques), Sự Thật, Hanoi, 1990, 155 p.

-     Chính sách phát triển sắc tộc của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (Politiques de développement ethnique de la République du Vietnam), Imprimerie du Ministêre du Développement Ethnique, Saigon, 1970, 84 p.

-     Nhu viễn (Pacification extérieure), extrait du Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (Répertoire des rêglements administratifs de l’empire du Ðại Nam établis par ordre impérial), livres 132-133, tome I, 1851, traduction par Tạ Quang Phát, revue et annotée par Bửu C)am, Institut de la Recherche Archéologique, Ministère de la Culture, n° X, Saigon, 1965, 287 p.

-     Nhu viễn (Pacification extérieure), extrait du Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (Répertoire des rêglements administratifs de l’empire du Ðại Nam établis par ordre impérial), livres 134, 135 et 136, tome II, 1851, traduction par Tạ Quang Phát, revue et annotée par Bửu Cầm, Institut de la Recherche Archéologique, Ministère de la Culture, n° XIII, Saigon, 1966, 296 p.

-     BẢO ÐẠI, Dụ số 6 ngày 15 tháng Tư năm 1950 (Ordonnance n° 6 du 25 Avril 1950), in Journal ofđiciel du Việt Nam, Courriers du gouvernement, Saigon, 3/6/1950.

-     BẾ Viết Ðảng, Về một số đặc điểm xã hội của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên (Quelques aspects sociaux des populations de la Chaîne annamitique et des Hauts Plateaux), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1/1984, pp 11-22.

-     CHU Thái Sơn, Vấn đề xây dựng nhà cửa của các dân tộc Tây Nguyên trong việc tổ chức nông thôn mới (A propos de l’architecture de la population des Hauts Plateaux dans l’organisation des nouveaux villages), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1/1984, pp 71-74.

-     ÐẶNG Nghiêm Vạn, Tây Nguyên trên chặng đưòng đầu tiên của thời kỳ quá độ cần tạo nên một truyền thống xã hội chủ nghĩa (Période de transition des Hauts Plateaux, la nécessité de créer une tradition socialiste), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1/1984, pp 23-31.

-     ÐÀO Văn Tập, Phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên (Développement économique et social des Hauts Plateaux), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1/1984, pp 1-6.

-     LÊ Duy Ðại, Những đặc điểm về cư dân Tây Nguyên (Caractéristiques de la population des Hauts Plateaux), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1-1984, pp 61-70.

-     LÊ Ðình Chi, Vấn đề đồng bào Sơn cước tại Việt Nam Cộng Hòa (A propos des Montagnards de la République du Vietnam), Faculté de Droits, Saigon, 1971, 390 p.

-     LƯU Ðức Hồng, Một vài suy nghĩ về dân cư và phân bố lao động trong sơ đồ phát triển vùng Tây nguyên tương lai (Réflexions sur les populations et la répartition de la main-d’œuvre d’après le plan de développement des Hauts Plateaux dans l’avenir), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1-1984, pp 57-60.

-     MẠC Ðường, Một số đặc điểm về vùng dân tộc Lâm Ðồng và đông Nam Bộ (Quelques caractéristiques sur les régions des minorités ethniques de Lamdong et de l’est du Sud Vietrnam), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1-1984, pp 32-34.

-     NGÔN Vĩnh :

  • Fulro ?, Editions de Hà Sơn Bình, 9-1982, 360 p.
  • Fulro - Tập đoàn tội phạm (FULRO - Bande de criminels), 2ème édition, revue et corrigée, Editions de Hochiminhville, Saigon, 1983, 276 p.

-     NGUYỄN Ðình Tứ :

  • Núi Ðá Bia ở Phú Yên (Le Mont Ðá Bia à Phú Yên), Văn Ðàn, tome VI, n° 38, Saigon, 1/1/1969, pp 10-34.
  • Tỉnh Khánh Hòa (La province de Khánh Hòa), Văn Ðàn, tome IV, n° 51&52, Saigon, Oct&Nov, 1963.

-     NGUYỄN Quốc Lộc, Từ Tuyên Hóa đến Khánh Sơn (mấy suy nghĩ qua 5 năm khảo sát) (De Tuyên Hóa à Khánh Sơn, réflexions après 5 ans d’études), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1/1984, pp 35-40.

-     NGUYỄN Trắc Dĩ :

  • Tîm hiểu phong trào đấu tranh FULRO 1958-1969 (Etudes sur le mouvement FULRO de 1958 à 1969), Ministère des Minorités ethniques, Saigon, 1969, 114 p.
  • Hội đồng các sắc tộc, một tân định chế dân chủ của đệ II Cộng Hòa Việt Nam (Le Conseil des minorités ethniques, une nouvelle institution de la IIe République du Vietnam), Ministère des Minorités ethniques, Saigon, 1970, 183 p.

-     NGUYỄN Văn Huy, Một số vấn đề nghiên cứu người Việt hiện nay ở Tây Nguyên (Quelques problèmes sur l’étude des Vietnamiens sur les Hauts Plateaux actuels), Revue d’Ethnologie, Hanoi, 1/1984, pp 48-56. Xin lưu ý : Nguyễn Văn Huy ở đây là một nhà dân tộc học kỳ cựu và uy tín ở Việt Nam. Sự trùng tên này chỉ là tình cờ.

-     PAUL Nưr :

  • Ðường lên xứ Thượng - Các văn kiện căn bản (Sur les routes du Pays Montagnard - Les textes fondamentaux), Ministère du Développement des Minorités Ethniques, Saigon, 1970, 284 p.
  • Sơ lược về chính sách thượng vụ trong lịch sử Việt Nam (Essai sur la politique à l’égard des Montagnards dans l’histoire du Vietnam), Ministère du Développement des Minorités Ethniques, Saigon, 1966, 175 p.

-     PHẠM Thanh Khiết, Suy nghĩ về phong trào hợp tác hóa ở nông thôn Tây Nguyên (Réflexions sur la collectivisation rurale dans les Hauts Plateaux), Etudes économiques n° 3, Hanoi, Juin 1988, pp 13-17.

-     PHÙNG Thanh Quang, J.M. (R.P), Lạc quan trên miền Thượng, tập lưu niệm đức giám mục Gioan Cassaigne (đức thầy Sanh), vị sáng lập giáo xứ và làng cùi tại Di Linh tỉnh Lâm Ðồng (Optimisme aux pays montagnards, cahier de souvenirs de l’évêque Jean Cassaigne, le créateur du diocèse et du centre de léprosie de Djiring, province de Lamdong), Episcopat de Dalat, 1974, 184 p.

-     THÀNH Tín, Ðập nát công cụ hậu chiến CIA : FULRO (Réprimer l’outil d’après-guerre de la CIA : FULRO), Editions de Hochiminville, 1983, 67 p.

-     VĨNH Lộc, Cái gọi là "phong trào đòi tự trị FULRO" (Le prétendu mouvement d’autonomie FULRO), Bureau des Etudes politiques, Banméthuot, 1965, 104 p.

 

V. Người Chăm

 

-     Actes du séminaire sur le Campā, organisé par l’Université de Copenhague le 23-5-1987, ACHCPI, Paris, 1988, 131 p.

-     International Office of Champa (IOC) :

  • Champaka 1 : Nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Champa,  San Jose, Calofornia, USA, 1999, 263 p.
  • Champaka 2 : Champa trên làn sóng báo chí quốc tế từ năm 1975, Toronto, San Jose, Slagelse, Dỏmage, 2002, 225 p.
  • Champaka 3 : Từ vựng Hroi-Việt, Paris, 2003, 220 p.
  • Champaka 4 : Những cuộc vùng dậy của nhân dân Champa 1693-2004, Paris, San Jose, Toronto, 2004, 249 p.

-     Inventaire des archives du Panduranga, Centre d’Histoire et Civilisations de la Péninsule Indochinoise, Fonds de la Société Asiatique de Paris, 1984, 95 p.

-     Le monde indochinois et la péninsule malaise, publié avec le concours de l’Ambassade de France en Malaisie, Ministère de la Culture et du Tourisme de Malaisie, Kuala Lumpur, 1990, 163 p.

-     BOISSELIER Jean, La statuaire du Champa - Recherches sur les cultes et l’icographie, PEFEO, Paris, 1963, 398 p.

-     CABATON Antoine, L’inscription chame de Biên Hòa, BEFEO, tome IV, n°3, Hanoi, Juil.-Sept.1904, pp 687-690.

-     CADIÈRE L., Monuments et souvenirs chams du Quảng Trị et du Thừa Thiên, BEFEO, tome V, n° 1-2, Hanoi, Janv.-Juin 1905, pp 185-195.

-     DOROHAMIDE, DOROHIÊM, Bangsa Champa, Tìm về với một cội nguồn cách xa, Seacaef & Viet Foundation, California, 2004, 384 p.

-     MASPERO M. Georges, Le royaume du Champa, G.Van Oest, Paris-Bruxelles, 1928, 278 p.

-     PARMENTIER H., DURAND E.-M., Le trésor des rois chams, BEFEO, tome V, n°1-2, Hanoi, Janvier-Juin 1905, pp 1-46.

-     PO DHARMA :

  • Le Pānduranga (Campā) 1802-1835, ses rapports avec le Vietnam, tome I (198 p) et tome II (273 p), PEFEO, Paris, 1987.
  • Notes sur les Cam au Cambodge, Centre de Documentation et de Recherche sur la Civilisation Khmère, n°3-4, Paris, 12-1981, pp 161-183.
  • Người Chăm ở Thuận Hải (Les Chams de Thuận Hải), divers textes rédigés par Phạm Xuân Biên, Lê Xuân, Phan An, Phan Văn Dốp, Département de la Culture et de la Communication, Thuận Hải, 1989, 374 p.

-     BỬU Cầm, Một đoạn lịch sử Chiêm Thành, từ đời Nguyễn Hoàng đến triều Minh Mệnh (Une fraction de l’histoire du Champa, de Nguyễn Hoàng à Minh Mạng), Văn Hóa n° 36, Saigon, 11-1968, pp 1246-1249.

-     NGUYỄN Bá Trác, Lịch sử dân tộc ta khai thác về cõi Nam (Histoire du défrichement du Sud Vietnam), Nam Phong n° 65, traduction de l’original en caractères chinois par Tùng Vân Nguyễn Ðôn Phục, Hanoi, 11-1922.

-     NGUYỄN Văn Hiếu, Cuộc tiến hóa của dân tộc Việt Nam (La progression vers le Sud des Vietnamiens), Nam Phong n° 205, Hanoi, 1-10-1934, pp 95-102.

-     NGUYỄN Văn Tố, Nước Chiêm Thành (Le Champa), Ðông Thanh n° 1, Hanoi, 1-7-1932.

-     PHẠM Quỳnh, Cuộc tiến hóa của dân tộc Việt Nam (L’évolution du peuple vietnamien), Nam Phong, n° 169, Hanoi, 2-1932, pp 153-157.

-     PHAN Lạc Tuyên, Sự liên hệ giữa khảo cổ học và dân tộc học qua một số công tác điền dã tại vùng Chàm Thuận Hải, những phát hiện về khảo cổ học năm 1977 (Liaisons archéologiques et ethnologiques à travers des études du terrain à Thuận Hải, les découvertes archéologiques en 1977), Documents internes de l’Institut de l’Archéologie, Hanoi, 1978.

-     TẠ Chí (Ðại Trường), Về các danh xưng chỉ người Chàm (A propos des appellations chames), Revue d’Histoire et de Géographie n° 17&18, Saigon, 1970.

-     TIÊN Ðàm, Việc khẩn hoang Nam kỳ dưới triều Nguyễn (Le défrichement du Sud Vietnam sous la dynastie des Nguyen), Tri Tân n°21, Hanoi, 31-10-1941.

-     TRẦN Huy Bá (Biệt Lam), Việt Nam xưa kia đã thôn tính mấy nước ? (Le Vietnam d’antan avait annexé combien de pays ?), Tri Tân n° 15, Hanoi, 19-9-1941.

-     TỪ Ngọc, Một trang lịch sử hiển hách của người mình, cuộc giao thiệp giữa người Nam và mấy nước láng giềng từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19 (Une page de notre glorieuse histoire, relations des Vietnamiens avec les pays limitrophes du 17ème siècle au 19ème siècle), Tri Tân n°22, Hanoi, 11-1941, pp 517-520.

-     TỪ Nguyên, Lược sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (Histoire de la progression vers le Sud des Vietnamiens), Văn Hóa n° 43-44, Saigon, 9-1959, pp 1132-1144.

 

 

VI. Những nguồn tài liệu khác

 

A. Encyclopaedia Universalis, Paris, 1992

 

1. Corpus (A -> Z)

-     L’Asie du Sud-Est :

  • Préhistoire et protohistoire de l’Asie du Sud-Est, Helmut Loofs-Wissowa.
  • La formation des pays indianisés du IIe siècle avant J.C. au VIe siècle de notre ère, Janice Stargardt.
  • Les grands empires, Bernard Philippe Groslier, corpus A, pp 184-196.
  • Histoire et archéologie-Vietnam, archéologie préhistorique et protohistorique, Maud Girard-Geslan, corpus E, pp 214-218.

-     Les religions :

  • Bouddhisme, André Bareau, Jean Nandou, Jean et Pierre Filliozeat, Jacques Gernet et Catherine Meuwese, Jean-Noël Robert, Anne-Marie Blondeau, Rita Régnier, pp 383-422.
  • Brahmanisme, Anne-Marie Esnoul, corpus B, pp 472-474.
  • Hindouisme, Anne-Marie Esnoul, corpus H, pp 439-445.
  • Manu, Anne-Marie Asnouo, corpus M, pp 468-469.

-     Les pays de l’Asie du Sud-Est :

  • Cambodge, Philippe Devillers, corpus C, pp 795-811.
  • Champa, Albert le Bonheur, corpus C, pp 309-312.
  • Inde, histoire, Christine Hurtig, corpus I, pp 24-39.
  • Indochine française, Odette Guitard, corpus I, pp 177-183.
  • Indonésie, les ethnies & histoire, Denys Lombard, corpus I, pp 193-203.
  • Laos, Christian Taillard, Philippe Devillers, Madeleine Giteau ; corpus L, pp 458-472.
  • Malaisie, les ethnies & histoire, Denys Lombard & Philippe Devillers, corpus M, pp 345-353.
  • Thailande, au centre de la péninsule indochinoise, Jean Boisselier, Jean Delvert, Achille Dauphin - Meunier, Pierre Fistié, corpus T, pp 401-416.
  • Vietnam, Philippe Devillers, Pierre-Bernard Lafont, corpus V, pp 560-585.

-     L’Océanie :

  • Préhistoire et archéologie, José Garanger ;
  • Ethnographie, Jean-Paul Latouche & Daniel de Coppet, corpus O, pp 711-721.

2. Cartes          

-     L’unification de la Chine de 350 avant J.C. à 220 après J.C., pp 80-82.

-     La civilisation chinoise des Tang au Song, 618-1279, pp 126-128.

-     Les premières civilisations du Sud-Est asiatiques jusqu’en 1511, pp 132-133.

-     L’Asie orientale à l’époque de la dynastie des Ming, 1368-1644, pp 168-169.

-     L’Asie orientale à l’époque de la dynastie des Qing, pp 174-175.

-     L’Asie du Sud-Est et les puissances européennes de 1511 à 1826, pp 176-177.

B. Điện ảnh

-       Apocalypse Now. Film américain de Francis Ford Coppola, 1979. Une vision allégorique du Vietnam et une parabole démesurée sur le démesure humaine avec Martin Sheen, un homme des Special Forces qui fut chargé de traquer Marlon Brando, un ancien Béret vert réfugié dans un village montagnard à la frontière cambodgienne, pour l’exécuter.

-     Col de cuir. Film italien de Paul T. Robinson (Ignazzio Doltz), 1988, avec Richard Hatch, James Mitchum, Tania Gomez.La défense d’un village montagnard de Làng Vây encadré par les Bérets verts américains contre l’invasion communiste et le trađic d’armes dans les années 1961-1963.

-     Full Metal Jacket. Film américain de Stanley Kubrick sur la guerre du Vietnam, 1987. Une espèce de protestation, de désillusion envers la guerre, et non un sentiment passionné pour ou contre la guerre. La parole est aux Marines, ils parlaient devant la caméra au cours d’un arrêt des combats à Khe Sanh dans le territoire des Bru.

-     Hamburger Hill. Film américain réalisé en 1987. Histoire d’une des plus sanglantes batailles de la guerre du Vietnam Mai 1969 dans la Vallée d’A Shau (province de Quảng Trị). Le film montre le mouvement pacifiste et les médias de l’époque, et le message semble être le suivant : si les opposants avaient coopéré et si les médias avaient raconté la vérité, les choses auraient tourné différemment.

-     L’enfer du devoir. Série télévisée. Une section de Marines opérant à Ðà Nẵng faisant leur devoir de pacification et de défense des populations montagnardes autour de leur camp.

-     Les Bérets Verts. Film américain de John Wayne, 1968. Un colonel des Forces Spéciales à la tête d’une équipe de commandos américains et montagnards luttant contre un ennemi fanatique et cruel. Film de propagande belliciste.

-     The A Team. Série télévisée. Une équipe des Forces Spéciales combattant au Vietnam est accusée par le haut commandement d’un crime atroce, elle essaie de prouver son innocence. Ces hommes aident les gens (Montagnards et Vietnamiens) dans le malheur et sont đinallement classés dans les bons parce qu’ils font leur devoir dans cette folle guerre asiatique et parce qu’ils ont été abandonnés par des généraux incompétents et par des politiciens égoïstes.

C. Nhật báo và tập san

 

1. Nhật báo :

  • Công An Thành Phố Hồ Chí Minh
  • Lao Ðộng
  • Nhân Dân
  • Quân Ðội Nhân Dân
  • Sài Gòn Giải Phóng
  • Tuổi Trẻ

2. Tập san

 

Cộng đồng người Chăm tại Việt Nam :

Người Chăm 1 - Tìm lại anh em, nhận lại bạn bè

Người Chăm 2 - Thời kỳ xác định bản thể 

Người Chăm 3 - Thời kỳ mở nước và dựng nước 

Người Chăm 4 - Thời vàng son

Người Chăm 5 - Thời kỳ xung đột

Người Chăm 6 - Bùng lên trước khi tàn lụi

Người Chăm 7 - Cố gắng tồn tại trong khó khăn

Người Chăm 8 - Cộng đồng người Chăm tại Campuchia

Published in Tư liệu

Người Chăm tại Việt Nam

Bài 7

Cố gắng tồn tại trong khó khăn

cham20

Những gì còn lại của thành Đồ Bàn (Qui Nhơn) ngày nay - Ảnh minh họa

Đối với nhiều sử gia và học giả phương Tây, biến cố 1471 đánh dấu sự giải thể vương quốc Chiêm Thành, không một biên khảo lịch sử hay niên giám triều đình Chiêm Thành nào được phổ biến từ sau ngày đó.

Trong thực tế, sinh hoạt triều chính của các dòng vương tôn Chiêm Thành vẫn tiếp tục, với một qui mô tuy nhỏ hơn nhưng không kém phần xúc tích. Tuy vậy tìm hiểu lịch sử người Chăm trong giai đoạn này rất là khó khăn vì thiếu chứng liệu, người viết đã dựa vào các nguồn sử liệu Việt Nam, đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác của nước ngoài để phác họa lại giai đoạn thiếu sót này.

Nam Chiêm Thành trong thế kỷ 16

Sau 1471, nhóm hoàng tộc Chăm từ Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) chạy về Giao Nam (Bình Thuận) lánh nạn và tranh chấp quyền bính với các dòng vương tôn địa phương tại Phan Rang (Virapura). Nhóm người này tự nhận là truyền nhân đích tôn của vương triều cũ (vương triều Vijaya) và kêu gọi dân chúng địa phương không thừa nhận dòng họ Bố Trì Tri (Jayavarman Mafoungnan), vì chỉ là cấp thừa hành của các dòng tiên vương.

Tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt, các dòng vương tôn Nam Bắc Chiêm Thành kết thành từng phe nhóm tranh chấp lẫn nhau. Với thời gian, dòng dõi vương tôn Nam Bàn được dân chúng mến chuộng và tôn lên làm vua cai trị lãnh thổ Nam Chiêm Thành. Yếu tố bộ tộc truyền thống Cau và Dừa phai dần trong ký ức tập thể dân gian và, kể từ thế kỷ 15 trở về sau, huyền thoại này không còn được nhắc tới nữa. Dân chúng Panduranga (Nam Chiêm Thành), quá mệt mỏi trước các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến, muốn quên đi quá khứ để chỉ chăm lo cuộc sống hằng ngày.

Dòng họ Bố Trì Tri không trị vì lâu. Năm 1478 Bố Trì Tri mất, em là Koulai lên thay nhưng năm 1505 bị ám sát tại Champassak (Nam Lào), con là Chakou Poulo kế nghiệp và trị vì đến 1530 thì mất. Kể từ sau ngày đó, con cháu dòng vương tôn Nam Bàn được hoàng triều và dân chúng tôn lên làm vua. Con Trà Toại là hoàng thân Po Karutdrak được tôn lên làm vua, kế nghiệp Chakou Poulo cai quản xứ Panduranga. Con Karutdrak, thái tử Maresarak làm vua năm 1536. Po Kanarai lên ngôi năm 1541, hiệu Chế Bãi. Năm 1553 Chế Bãi mất, Po Ất (Po At) lên thay.

Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, người Chăm phía Bắc vẫn thỉnh thoảng nổi lên quấy phá Thuận Hóa (châu Ô và châu Rí). Nhân cớ này, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, rồi bí mật xây dựng cho mình và con cháu cơ nghiệp riêng. Mỗi lần các chúa Nguyễn bị các chúa Trịnh làm áp lực, vương quốc Chiêm Thành lãnh nhận những hậu quả.

Năm 1560, Nguyễn Hoàng bị Trịnh Kiểm buộc phải nộp hàng năm 400 cân bạc, 500 tấm lụa nếu muốn được yên. Không sao tìm đủ phẩm vật dâng nộp, Nguyễn Hoàng cử người xuống Aryaru (Tuy Hòa) thông báo cho vua Po Ất cung cấp số lượng phẩm vật nói trên, nhưng bị từ chối. Liền tức thì, Nguyễn Hoàng xua quân tiến chiếm Phan Rang, quân Chăm rã hàng, hàng ngàn người chạy theo Po Ất lên Tây Nguyên lánh nạn. Sau khi cướp phá các đền đài và tịch thu hết tài sản của hoàng gia Chiêm, Nguyễn Hoàng rút quân về nước nhưng để lại số binh sĩ trấn giữ Tuy Hòa.

Năm 1579, lợi dụng sự yếu kém của quân Chăm, một hoàng thân Khmer trấn thủ lãnh thổ đông-bắc Chân Lạp (Mondolkiri và Rattanakiri) dẫn đại quân tiến vào Phan Rang giết Po Ất rồi tự xưng vương, hiệu Po Klong Halau (Po Klău Haluv).

Nam Chiêm Thành trong thời Nguyễn sơ

Sau khi làm chủ toàn bộ lãnh thổ Panduranga, Po Klong Halau (1579-1603) mở rộng giao thương với phương Tây, nhà vua tìm mua súng điểu thương và những khẩu đại pháo phòng thủ bờ biển và kinh thành. Không bao lâu sau, vương quốc Panduranga trở nên hùng mạnh, Po Klong Halau tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Đại Việt, chiếm Thành Hồ (Tuy Hòa) trên sông Đà Rằng năm 1579 và thách đố các thế lực khác trong vùng, nhất là Chân Lạp.

Trước sự đánh phá của quân Chiêm phía nam và áp lực quân sự của chúa Trịnh phía bắc, Nguyễn Hoàng không những bỏ qua việc mất Thành Hồ mà còn đề nghị thành lập một liên minh quân sự với Chiêm Thành. Po Klong Harau cũng muốn được yên với Đại Việt để chống trả những cuộc tiến quân của Chân Lạp nên đã chấp thuận.

Năm 1594, vua Po Klong Harau gởi quân sang tiếp cứu tiểu vương Johore, đất Madjapahit (bán đảo nam Mã Lai, gần Singapore), chống lại sự tấn công của quân Bồ Đào Nha.

Năm 1597, vua Khmer Chetta I (tiếng Chăm là Cau Bana Tan, hiệu Paramaraja V) mang quân đánh Chiêm Thành viện cớ Po Klong Harau làm phản không chịu sát nhập Panduranga vào lãnh thổ Chân Lạp. Nhờ được trang bị những loại vũ khí mới, quân Chăm đánh bại quân Khmer trong những trận đầu và còn tiến sâu vào nội địa Chân Lạp. Về sau, được người Chăm tị nạn tại Chân Lạp ủng hộ, quân Khmer phản công trở lại và cuộc chiến trở nên ngang ngửa. Khi quân Chăm rút lui về nước, quân Khmer do tướng Ukana Tejo và hai tướng gốc Chăm, Po Rat và Laksmana chỉ huy, tiến vào Panduranga cướp các khẩu trọng pháo do người Bồ Đào Nha cung cấp.

Liên minh giữa Đàng Trong và Panduranga cũng không bền lâu. Năm 1603 khi Po Klong Halau qua đời, con là Po Thikdhik lên thay, hiệu Po Nit. Po Nit không những không chịu thông sứ với xứ Đàng Trong mà còn xây kho lương, tuyển mộ binh sĩ đánh phá phủ Hoài Nhơn, đạo Quảng Nam. Nguyễn Hoàng liền thành lập dinh Phú Yên và đưa một số di dân gan dạ vào lập các "lân" (làng biên giới) để canh tác và dò xét tình hình.

Năm 1611, sau khi củng cố xong thế lực ở phía bắc đèo Ngang, Nguyễn Hoàng sai một người Chăm không rõ tên, gọi là Văn Phong (Văn Phong là tên một chức chủ sự) dẫn quân qua đèo Cù Mông chiếm thành Phú Yên (Aryaru), tổ chức dinh điền và đưa dân từ các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định vào định cư, lập ra hai xã Đồng Xuân và Tuy Hòa. Quân Chăm tấn công liên tục hai xã mới này, nhưng không thành công. Po Nit mất năm 1613, em là Po Chai Păran kế nghiệp.

Po Chai Păran dời đô từ Virapura (Phan Rang) về Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí) đề phòng chúa Nguyễn tấn công bất ngờ. Năm 1618 Po Chai Păran mất, con là Po Ehklang lên ngôi.

Năm 1622 nội bộ triều chính Panduranga có loạn, một vương tôn đạo Bani tên Po Klong Menai (Po Klău Manai) giết Po Ehklang rồi tự xưng vương, hiệu Po Mahtaha.

Dưới thời Po Klong Menai, xung đột với người da trắng và tôn giáo trở nên trầm trọng. Trong những năm 1622-1630, thuyền buôn của các thương nhân Hòa Lan qua lại trên Biển Đông bị quân "Mã Lai" (thực ra là người Chăm) cướp bóc và thương điếm của người phương Tây tại Côn Sơn thường xuyên bị đập phá, những cơ sở truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây trên lãnh thổ Panduranga đều bị đốt. Những vị lãnh đạo các tôn giáo Bà La Môn và Bani cũng nhân cơ hội xúi giục giáo dân chống phá lẫn nhau trong những dịp lễ lạc. Đất nước trở nên loạn lạc, dân chúng sống trong cảnh lầm than, tại mỗi nơi các lãnh chúa và tù trưởng địa phương tùy theo sức mạnh của mình tổ chức đánh phá các nơi khác để cướp bóc lương thực.

Trước cảnh loạn lạc này, năm 1627, một tù trưởng người Thượng gốc Churu tên Thốt được dân chúng Chăm và người Thượng tôn lên làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn. Dẹp loạn xong, tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua, hiệu Po Romé (Pô Rômê). Việc đầu tiên của tân vương là buộc các lãnh tụ tôn giáo Bà La Môn và Bani (các thầy Paseh và thầy Char) phải sinh hoạt chung với nhau, phân chia những ngày lễ lớn như các lễ nghi về nông nghiệp (lễ dựng chòi, lễ mừng cây lúa, lễ cúng chúa lửa, lễ cúng sân lúa, lễ cúng cơm mới...) cho hợp lý để các thầy tế lễ và giáo dân đạo kia có thể tham dự.

Po Romé (1627-1651) là một vị vua sáng suốt, biết tổ chức, chăm lo đời sống dân chúng, đất nước sống trong thái hòa. Gần như tất cả các vương quốc địa phương đều giao thương với Chiêm Thành : Xiêm La, Chân Lạp, Ai Lao, Ấn Độ, Mã Lai và Đại Việt, kể cả với các quốc gia phương Tây. Nhiều đập nước lớn dẫn thủy nhập điền (như đập Marên) được thành lập tại những nơi khô cằn và triền núi để dân chúng canh tác. Nhà vua chọn Krong Laa (làng Palai Bachong, xã Hòa Trinh, thị xã Phan Rang, trên quốc lộ 1, cách Sài Gòn 310 cây số) làm kinh đô, cạnh sông Krong Binh (sông Viêu). Nơi này trước kia là kinh đô cũ (Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây Kraik tượng trưng cho uy quyền của vua.

Năm 1629, một chủ sự người Chăm, gọi là Văn Phong, nổi lên đánh phá các làng di dân người Việt tại Phú Yên. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh mang quân xuống đánh dẹp và thành lập Trấn Biên Dinh, lấn sâu vào lãnh thổ Chiêm Thành tới chân núi Thạch Bi (đèo Cả) để bảo vệ di dân. Sau thất bại này, Po Romé làm hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa (em của Ngọc Liên và Ngọc Vạn, đã gả cho vua Chân Lạp Chetta II năm 1620, và là chị của Ngọc Đỉnh), gọi là Po Bia Út, tước hiệu hoàng hậu Akaran.

Cũng nên biết Po Romé có rất nhiều vợ. Vợ thứ nhất tên Po Bia Suthi (hay Po Bia Suchi), con vua Po Ehklang, không có con. Po Romé lên cao nguyên Đắc Lắc cưới người vợ thứ hai, con một tù trưởng Rhadé, tên Po Bia Thanh Chan (hay Po Bia Suncan) và sinh hạ được nhiều con. Sau cùng nhà vua xin cưới công chúa Ngọc Khoa, vợ thứ ba và cũng là vợ út của Po Romé (không tài liệu nào nhắc đến con cái của bà Ngọc Khoa).

Tuy là sui gia với chúa Nguyễn, quân Chăm vẫn thỉnh thoảng tấn công quân Việt tại Phú Yên. Năm 1651, trong một trận giáp chiến với quân Việt, Po Romé bị tử thương. Dân chúng Chăm rất thương tiếc và xây cho ông một tháp lớn tại Phan Rí để thờ, gọi là tháp Po Romé (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước).

Năm 1652, Po Nraup, người con cùng mẹ khác cha với Po Romé, lên ngôi, hiệu Bà Thâm (còn gọi là Bà Tấm hay Bà Bì). Bà Thâm là một người Chăm lai Thượng (Chăm Pal), cha là người Chăm, mẹ là người Churu. Vừa lên ngôi Bà Thâm dẫn quân tấn công Trấn Biên Dinh, chiếm lại thành Phú Yên. Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sai tướng Hùng Lộc (một người gốc Chăm theo chúa Nguyễn) mang 3.000 binh sĩ vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả, núi Thạch Bi), đánh bọc hậu, chiếm Aya Tră (Nha Trang), bắt được Bà Thâm.

Để cầu hòa, Bà Thâm dâng đất Kauthara và chấp nhận lấy xã Kamran (Cam Ranh) làm ranh giới : phần đất phía nam sông Phan Rang thuộc vua Chiêm Thành, phần đất phía bắc thuộc về chúa Nguyễn (lãnh thổ Kauthara) và đổi tên thành phủ Thái Ninh (gồm Thái Khang và Diên Ninh), sau là phủ Diên Khánh (Khánh Hòa). Tướng Hùng Lộc được phong làm thái thú. Nhiều đoàn người Chăm, lo sợ bị trả thù, vượt cao nguyên Đắc Lắc sang Xiêm La lánh nạn, đông nhất là tại Ayuthya.

Lãnh thổ Panduranga như vậy chỉ còn lại 4 địa phận : Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Parik (Phan Rí) và Pajai (Phố Hài). Kinh đô dời về Bal Canar (Cà Ná thuộc thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Vương quốc Nam Chiêm Thành mất đi những hải cảng lớn, việc giao thương với các tàu buôn phương Tây giảm dần và mất hẳn vào giữa thế kỷ 18, người Champa trở thành một dân tộc lục địa, mất hẳn khả năng hàng hải và ngư nghiệp.

Năm 1653 Bà Thâm qua đời, hoàng thân Po Prik Tirai Pakhuoh được chúa Nguyễn cho lên thay. Po Prik Tirai là con trai vương phi người Rhadé (Po Bia Tanchan) của Po Romé. Năm 1657, Po Ja Tanưh, rể vua Po Prik, được chúa Nguyễn phong vương (đề đốc đại tướng). Năm 1659, Po Saut (Bà Tranh) lên ngôi trị vì đến năm 1692.

Cũng nên biết từ 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II tặng Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên đất Đồng Nai làm quà cưới công chúa Ngọc Vạn, nhưng vì bận đối phó với chú Trịnh nên chúa Nguyễn chưa thể đưa người vào khai phá ngoài những lưu dân phiêu lưu và tội phạm bị đày xa xứ. Từ sau ngày đó, vương quốc Nam Chiêm Thành nằm trong thế gọng kìm giữa hai thế lực, xứ Đàng Trong và Chân Lạp. Quân Việt có băng qua lãnh thổ Panduranga năm 1630 giúp Chey Chetta II nhưng rút về hết khi xong nhiệm vụ. Năm 1679 nhân có hai vị tướng nhà Minh xin tị nạn, chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Đồng Nai. Phong trào di dân Việt từ Diên Khánh vào Đồng Nai trong giai đoạn này còn rất hạn chế vì không thể băng ngang lãnh thổ Chiêm Thành bằng đường bộ trong khi tàu thuyền thì quá hiếm hoi và chỉ dành cho nhu cầu triều chính và quân sự.

Năm 1691, Bà Tranh (Po Saut) xua quân đánh Diên Ninh với hy vọng chiếm lại Kauthara, rồi không chịu triều cống nữa. Năm 1692, Minh vương Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính chiếm Panduranga, giết Bà Tranh và bắt theo một số cận thần gồm Kế Bà Tử (Po Saktiray Depatih), Tả Trà Viên (Po Thutirai Depatih), vương phi Bà Ân cùng rất nhiều binh sĩ đem về giam tại núi Ngọc Trản (Thừa Thiên).

Hoàng thân Po Chongchan (Po Choncăin) được đưa lên kế nghiệp và bị buộc phải triều cống nhiều phẩm vật quí hiếm cùng vàng bạc cho chúa Nguyễn, lúc đó ngân khố đang rất thiếu hụt.

Không chịu nổi sự áp đặt này, năm 1692 Po Chongchan bỏ vương triều, dẫn theo khoảng 5.000 gia đình tín đồ đạo Bani chạy sang Chân Lạp tị nạn. Đây là đợt tị nạn thứ sáu (sau năm 986, 1285, 1318, 1471 và 1652) của người Chăm ra hải ngoại và là đợt tị nạn thứ hai sang Chân Lạp.

Đoàn người di tản đã để lại nhiều tài sản quí báu cho người Churu và người Kaho cất giữ trên cao nguyên Đồng Nai thượng và Langbian. Tại Chân Lạp, nhóm người này họp với nhóm "Mã Lai" (người Khmer gốc Chăm theo đạo Hồi) tạo thành nhóm Chăm Java, theo đạo Hồi chính thống. Một số sau đó về định cư tại Châu Đốc gọi là Chăm Islam (Chăm Islam khác với Chăm Bani, mặc dù cùng là đạo Hồi). Từ 1692 đến 1695, người Chăm tại Panduranga không có vua.

Quân Việt liền tiến chiếm Panduranga đang bị bỏ trống và đặt cho tên mới là trấn Thuận Thành. Những lãnh địa cũ của người Chăm cũng được đổi tên và giao cho các tướng Việt nắm giữ : Nguyễn Trí Thắng cai quản Phố Hài, Nguyễn Tấn Lễ địa phận Phan Rí, Chu Kiêm Thắng lãnh thổ Phan Rang.

Tháng 8 năm 1693, trấn Thuận Thành đổi thành phủ Bình Thuận (trấn là khu quân sự chưa ổn định, phủ là khu vực hành chánh đã ổn định). Dân chúng Chăm không chấp nhận sự cai trị trực tiếp của người Việt đã nổi lên chống đối. Để trấn an, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Kế Bà Tử, em vua Po Saut, làm khám lý (tỉnh trưởng) phủ Bình Thuận, ba người con của Bà Ân làm đề đốc (quận trưởng) thay mặt Minh vương cai trị và thâu thuế. Những tù binh Chăm bị giam tại Huế cũng được trả về phủ Bình Thuận ; tất cả buộc phải ăn mặc như người Việt : quan thì áo thụng, mũ cánh chuồn, đi hia ; binh lính thì mặc áo cộc, đội nón lá, không được vấn váy (sà rông), tóc bới ra sau. Người Chăm tại phủ Bình Thuận được hưởng qui chế giám hộ (tự trị về hành chánh, kinh tế và tôn giáo) đã tỏ ra bớt chống đối nhưng sự căng thẳng vẫn tồn tại.

Năm 1696, nhân có nạn đói, một người Hoa tên A Ban và một hoàng thân Chăm tên Ốc Nha Thát xúi giục dân chúng nổi loạn nhưng liền bị dập tắt. Sau biến cố này, qui chế bảo hộ bị hủy bỏ, phần đất đông người Chăm cư ngụ nhất tại phủ Bình Thuận đổi thành trấn Thuận Thành, Kế Bà Tử được phong làm "phiên vương" (vua), một tước ngang với vua Chăm cũ, và được giao lại ấn kiếm, yên mã. Kể từ cuối thế kỷ 17, người Chăm tuy mất độc lập nhưng vẫn còn hưởng qui chế tự trị.

Trấn Thuận Thành thật ra chỉ còn là một vùng đất nhỏ tại Phan Rang và Phan Rí, người Chăm gọi là Bal Prădară (Thuận Hải), gồm hai huyện An Phước (phía nam Phan Rang) và Hòa Đa (phía nam Phan Rí). Cung đình vua Chăm đặt tại Bal Canar (Tịnh Mỹ) về hình thức. Bên cạnh sự quản trị đó, phong trào di dân lập ấp của người Việt vào trấn Thuận Thành ngày càng gia tăng. Những làng Việt Nam, hơn 200 làng, tạo thành những khoảng da beo trong lãnh thổ Prădară. Những người Chăm bất mãn bỏ lên cao nguyên sống lẫn lộn với người Thượng (Churu, Kaho và Djarai) tại Djiring (Di Linh, Lâm Đồng), một số khác chạy sang Chân Lạp hòa nhập với nhóm Chăm Java đã có từ trước. Sự thù ghét người Việt tại Chân Lạp do những nhóm Chăm di cư gieo rắc bắt đầu manh nha trong lòng người Khmer.

Sự cộng cư giữa người Chăm và Việt rất là khó khăn, do bất đồng văn hóa, tôn giáo, hành chánh và việc khai thác đất đai ngày càng gay gắt.

Năm 1712, một quan lại và khoảng 30 binh lính Kinh được tăng cường để phụ giúp Kế Bà Tử về hành chánh. Sự hiện diện của những Kinh binh này làm người Chăm bất mãn vì nhiều khu đất tốt lần lượt lọt vào tay nhóm người này. Từ đó người Chăm sống co cụm lại trong hai huyện An Phước và Hòa Đa để duy trì bản thể và phong tục tập quán riêng.

Tại Phan Lý Chàm, người Kinh thành lập bốn thôn giữa các làng Chăm : Xuân Quang (xóm Ổi), Xuân Hội (xóm Tầm), Tuân Giáo (xóm Rau Cá) và Tuân Mục. Về sau những di dân này lập gia đình với thiếu nữ Chăm, gọi là người Kinh Cựu (Cựu ở đây là người Chăm).

Một số tù binh Việt Nam, bị bắt từ thế kỷ 18, chấp nhận ở lại Chiêm Thành lập gia đình với phụ nữ Chăm cũng được gọi là người Kinh Cựu (Chăm Yuôn, tức người Chăm lai Việt).

Để duy trì tốt sự tuân phục của các dòng vương tôn Chăm, các chúa Nguyễn lần lượt phong vương con cháu Kế Bà Tử và Tả Trà Viên.

Kế Bà Tử trị vì đến năm 1727. Năm 1728, Nguyễn Phúc Chu phong Po Jinah Depatih, cháu Kế Bà Tử, làm vương trấn Thuận Thành.

Năm 1731, Tả Trà Viên, con Po Saut, lên thay.

Năm 1732, Po Rattirai Depatih, cháu Kế Bà Tử, làm vương trấn Thuận Thành.

Con Rattirai, Po Tathun Demurai kế nghiệp năm 1763.

Po Tithuntirai Rakhuoh (Rakhvăh), con Tả Trà Viên, được chúa Nguyễn tấn phong năm 1765, nhưng đến năm 1768 mới chính thức chấp chánh.

Giữa hai gọng kìm

Trong thời gian từ 1771 đến 1799, Đại Việt có nội chiến. Tây Sơn, nhà Lê và chúa Nguyễn đánh phá lẫn nhau.

Tây Sơn là một làng ở phía tây Bình Định, gần An Khê, nơi có nhiều người Chăm Hroi (Hời) và người Thượng sinh sống. Phong trào Tây Sơn được rất đông người Chăm Hoi theo, về sau có thêm nhiều bộ lạc người Thượng gia nhập. Năm 1773, phong trào Tây Sơn phát triển mạnh trên cao nguyên Bình Định, một số người Chăm sống dưới quyền của nữ chúa Thị Hỏa tham gia phong trào. Tại Quảng Ngãi, một lãnh tụ Chăm tên Lía (còn gọi là Doan) theo Tây Sơn khởi nghĩa. Lực lượng thủy binh của Tây Sơn cũng có rất nhiều người Chăm đồng bằng.

Từ 1776 đến 1798, người Chăm sống trong trấn Thuận Thành buộc phải ngả theo một trong hai thế lực, hoặc Tây Sơn hoặc chúa Nguyễn. Quân Tây Sơn chiếm giữ Thuận Thành năm 1776, chúa Nguyễn lấy lại năm 1779, Tây Sơn tái chiếm năm 1791, Nguyễn Ánh chiếm lại năm 1793. Quân Tây Sơn trở lại Thuận Thành năm 1794, Nguyễn đẩy lùi năm 1798. Sau những cuộc xung đột liên tục này, dân chúng không còn biết nghe ai.

Từ 1781 đến 1783, trấn Thuận Thành tuy có vua (do Tây Sơn đưa lên) nhưng không được chúa Nguyễn công nhận. Năm 1782, một vương tôn dòng Kế Bà Tử tên Po Tithuntirai Deparan (tên Việt là Tá) xin theo Nguyễn Huệ. Năm 1783, Tá chiếm cao nguyên Đồng Nai thượng chống lại Nguyễn Ánh. Cũng trong năm 1783, một lãnh tụ Chăm Bà La Môn tên Po Tolripho từ Ấn Độ về lập chiến khu chống lại người Việt nhưng bị Nguyễn Huệ đánh bại. Po Tolripho phải chạy lên Cheo Reo (Phú Bổn) ẩn lánh trong các buôn làng người Thượng.

Năm 1790 Nguyễn Ánh chiếm lại trấn Thuận Thành, cháu Kế Bà Tử là Môn Lai Phu Tử được phong làm chưởng cơ cai quản trấn Thuận Thành, sau đó bị bãi chức vì tình nghi theo Nguyễn Huệ. Po Ladhun Paghuh, hay Thôn Ba Hú, được phong làm chưởng cơ (tiểu vương) Thuận Thành. Tước Thuận Thành trấn phiên vương bị bãi bỏ.

Để tưởng thưởng các trung thần, Nguyễn Ánh ban họ Nguyễn cho những vương tôn Chăm trung thành. Môn Lai Phù Tử, cháu Kế Bà Tử, mang tên Nguyễn Văn Chiêu ; Po Ladhun Paghuh thành Nguyễn Văn Hào ; Po Sănuncăn là Nguyễn Văn Chấn... Năm 1793, Nguyễn Văn Hào (Po Ladhun Paghuh) được phong làm chánh trấn Thuận Thành, Nguyễn Văn Chấn (Po Sănuncăn) làm phó trấn.

Năm 1794, quân Tây Sơn tiến vào Thuận Thành, Nguyễn Văn Hào chạy vào Gia Định. Năm 1796, Po Thong Khang, một thủ lĩnh người Chăm Hồi giáo tại Dã Giang, pháp danh Tăng Ma, theo Tây Sơn bị đánh bại tại Phô Châm. Tháng 10/1796, tù trưởng hai huyện Phô Châm và Đồng Phủ nổi lên đánh phá quân chúa Nguyễn nhưng liền bị đánh dẹp. Năm 1798 Nguyễn Ánh làm chủ Thuận Thành và giao cho Nguyễn Văn Hào cai trị. Năm 1799, Nguyễn Văn Hào mất, Nguyễn Ánh đưa Nguyễn Văn Chấn lên thay.

Người Chăm trong thời nhà Nguyễn

Dưới thời Gia Long (1802-1820), qui chế tự trị của người Chăm được duy trì trong chừng mực. Phong trào di dân và chính sách ban thưởng ruộng đất cho các công thần tại trấn Thuận Thành đã đẩy những người không chấp nhận sự cai trị của nhà Nguyễn vào chốn rừng sâu và đất cao.

Dòng họ còn lại của vị vua cuối cùng là Po Chongchan không được Gia Long nhìn nhận, tất cả bỏ sang Chân Lạp tị nạn. Những vùng đất tốt quanh thành Đồ Bàn cũ trước kia, do người Chăm Hroi cư ngụ và bị kết tội theo Nguyễn Huệ, đều bị tịch thu. Thành Đồ Bàn bị đổi tên thành Bình Định, tức đã dẹp yên được loạn Tây Sơn.

Về hành chánh, Gia Long sát nhập trấn Thuận Thành (trước kia trực thuộc thuộc phủ Bình Thuận) vào Gia Định thành và phong Nguyễn Văn Chấn (Po Săununcăn) làm chính vương, dưới quyền quản trị trực tiếp của tổng trấn Lê Văn Duyệt. Tước vương này tương đương với chức chưởng cơ của triều đình Huế và được người Chăm nhìn nhận như là vua (patau). Năm 1807, Nguyễn Văn Vĩnh (Po Klănthu) lên thay và được phong làm phó vương.

Lo sợ thế lực của Lê Văn Duyệt lấn át uy quyền của mình tại miền Nam, năm 1822 Minh Mạng đặt phủ Bình Thuận trực thuộc Phú Xuân. Phó vương Nguyễn Văn Vĩnh bị triệu về Huế giam lỏng vì tình nghi theo Lê Văn Duyệt. Phó tổng trấn Gia Định thành kiêm trấn thủ phủ Bình Thuận, Trương Văn Chánh, cũng bị triệu về kinh, một thân tín của Minh Mạng là Mai Gia Lương được đưa vào thay.

Năm 1823, khi chính vương Nguyễn Văn Chấn lâm bệnh qua đời, Mai Gia Lương đưa một người Chăm thân tín tên Bait Lan lên thay nhưng không được người Chăm công nhận. Minh Mạng buộc phải đưa Nguyễn Văn Vĩnh về làm vương để giữ yên nhân tâm và ban cho ấn đồng "Quản Lý Thuận Thành Quan Phòng". Với sự tín cẩn này, Nguyễn Văn Vĩnh áp dụng chính sách cai trị khe khắt của Minh Mạng khiến dân chúng Chăm bất mãn và không nhìn nhận ông là truyền nhân đích tôn của dòng Kế Bà Tử. Nhiều nhân sĩ Chăm vào Gia Định cầu cứu Lê Văn Duyệt nhưng tả quân bất lực vì Minh Mạng đã tước hết quyền. Các nghi lễ của người Chăm bị cấm cử hành ngoài trời và chốn đông người.

Năm 1829 Nguyễn Văn Vĩnh mất, không người kế vị. Lê Văn Duyệt đề nghị Nguyễn Văn Nguyên (hoàng tử Po Dhar Kauk), con Nguyễn Văn Vĩnh, lên làm phó vương Gia Định Thành kiêm trấn thủ trấn Thuận Thành, hiệu Po Kabait Thvac, lên thay. Minh Mạng, ngược lại, chọn Nguyễn Văn Thừa (Po Phauk Tha), con Nguyễn Văn Chấn, lên thay nhưng chỉ cho giữ chức tuần phủ (kham ma).

Nhiều phong trào chống đối nhà Nguyễn đã xảy ra nhưng đều bị dẹp tan trong biển máu như cuộc nổi dậy của Tà La Văn (Ja Lidon), một người Thượng ở Cam Tăng, Phan Thiết, năm 1823 ; của Nvait Kabait, một tướng người Thượng trên Đồng Nai thượng, năm 1826 ; của Katip Sumat, một tu sĩ Hồi giáo toàn nguyên, kêu gọi thánh chiến chống các đạo khác tại Ninh Thuận năm 1833 ; của Ja Thakva (Điền Sư), tại Bình Thuận năm 1834.

Minh Mạng buộc người Chăm phải lấy một trong sáu họ Việt do chính nhà vua ban : Nguyễn, Dụng, Lâm, Diệp, Hắc, Tôn. Về sau có thêm các họ : Thiên, Quảng, Bá, Đàng, Thiết, Thổ, Dương v.v... Người Bani có các họ Inh Khrit, Inh Gra, Yang Inh, Than Bra, Băng Tay Bajang, Popat v.v... Tên thánh của người Chăm theo đạo Hồi tại Châu Đốc phải phiên âm ra tiếng Nôm thành một họ như Hosen thành Châu Sanh, Mahli thành Mạch Ly v.v...

Trong hai năm 1854 và 1858, nhiều người Chăm Islam sống sót sau những cuộc tàn sát của quân Khmer chạy qua Châu Đốc tị nạn, được Trương Minh Giảng cho định cư cùng với những người Chăm có mặt từ trước ở vùng biên giới dọc theo sông Hậu gần Châu Đốc (rạch Bình Gỉ) và Tây Ninh ; tất cả sinh sống bằng nghề trồng rau quả, lúa nước và thương mại. Người Chăm miền Tây thành lập được 7 làng (Châu Giang, Katambong, Phum Soài, Lama, Kakôi, Ka Côki và Sàbâu), dân số khoảng 5.000 người chia làm 9 đội đặt dưới sự cai quản của quan hiệp quản người Kinh tại Châu Giang.

Từ 1954 đến nay

Dưới thời Pháp thuộc (1884-1954), người Chăm được xếp hạng ngang với người Kinh nên không hưởng một qui chế đặc biệt nào. Họ được toàn quyền sinh hoạt tôn giáo. Chỉ sau năm 1946, khi phong trào Việt Minh xâm nhập vào các thôn làng Chăm, người Pháp mới chú tâm đào tạo thanh niên và phát triển những vùng dân cư gốc Chăm. Hậu duệ cuối cùng của Po Chongchan là một hoàng hậu, từ trần tại Huế năm 1927, không người thừa kế, chấm dứt dòng vương chính thức của Nam Chiêm Thành.

Sau năm 1954, người Chăm chịu sự quản trị trực tiếp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Địa phận Thuận Thành xưa kia được chia thành hai tỉnh Ninh Thuận (thủ phủ là Phan Rang) và Bình Thuận (thủ phủ là Phan Thiết).

Riêng tỉnh Bình Thuận, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập thêm quận Phan Lý Chàm, tách khỏi huyện Hòa Đa. Hai quận An Phước (Ninh Thuận) và Phan Lý Chàm (Bình Thuận) do chính người Chăm tự quản lý lấy vì có số đông. Ông Thanh Giác làm quận trưởng quận Phan Lý Chàm, sau là dân biểu quốc hội năm 1966 ; ông Quảng Đại Minh làm quận trưởng quận An Phước. Về chính trị, hai nhân vật này đại diện cho đẳng cấp lãnh đạo người Chăm trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tranh đấu ôn hòa trong các định chế hợp pháp của chính quyền miền Nam để quyền sinh tồn và phát triển của cộng đồng người Chăm được tôn trọng.

Tại những nơi đông dân cư Chăm sinh sống, vì lý do an ninh kể từ sau 1965 vai trò lãnh đạo hành chánh địa phương do những sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm. Những nhân vật quản trị cộng đồng người Chăm là những sĩ quan quân đội gốc Kinh do vị tướng chỉ huy trưởng Vùng II Chiến Thuật chỉ định, năm 1968 quyền này được giao lại cho những sĩ quan gốc Chăm. Cho đến năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đào tạo được nhiều sĩ quan gốc Chăm cao cấp : 1 trung tá và 7 thiếu tá.

Trong nội bộ cộng đồng người Chăm, những sĩ quan và cán bộ hành chánh gốc Chăm hợp tác chặt chẽ với các lãnh tụ tôn giáo địa phương để quản trị, đặc biệt là việc cắt đặt ngày giờ tế lễ giữa hai tôn giáo Bà La Môn và Bani tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Những đòi hỏi của người Chăm tại Việt Nam ít được chính quyền miền Nam nâng đỡ hay chú ý tới vì không bị coi là kém phát triển, chính vì thế trong cuộc nổi dậy của phong trào FULRO năm 1964 có nhiều lãnh tụ Chăm tham dự.

Sau tháng 4/1975, không những cộng đồng người Chăm cũng không được chính quyền cộng sản nâng đỡ hơn mặc dù nhận được nhiều hứa hẹn trong chiến tranh mà còn bị nghi ngờ theo tàn quân FULRO chống lại nhà nước.

Để loại trừ ảnh hưởng của các lãnh tụ tôn giáo, tháng 12/1981, chính quyền cộng sản ban hành chỉ thị số 121/BBT cải tạo phong tục, tập quán, mê tín, dị đoan của người Chăm (đả kích một số nghi lễ gây lãng phí tiền bạc, của cải, thời gian, không vệ sinh và duy trì các hình thức bóc lột bằng phẩm vật thông qua việc thực hiện các lễ cúng). Chỉ thị này gây chấn động trong giới tu sĩ và giáo dân Chăm, một phong trào chống đối rầm rộ nổi lên và chính quyền cộng sản đã nhượng bộ : cuối năm 1982, người Chăm được phép sinh hoạt tín ngưỡng theo tập tục riêng.

Hiện nay tất cả những lễ nghi lớn của người Chăm tại Thuận Hải đều do bà Nguyễn Thị Thềm chủ lễ. Thật ra bà Thềm - hiện cư ngụ tại làng Tịnh Mỹ (tên cũ là Bal Canar), thị xã Phan Lý Chàm - chỉ là con cháu của một vị tướng (không rõ tên và cũng không biết thời nào), nhưng vì còn lưu giữ kiếm và áo mão của tổ tiên nên được công nhận là truyền nhân của dòng quan lại (chứ không phải vua) cuối cùng của trấn Thuận Thành. Tìm người kế thừa vai trò của bà Thềm trong việc tế lễ hiện nay đang được đặt ra vì bà Thềm không có con, em trai của bà là ông Dung Gạch không có vai trò trong chế độ mẫu hệ.

Về dân số, năm 1963 trên toàn quốc có 51.975 người Chăm, trong đó 33.600 cư trú tại Ninh Thuận và Bình Thuận, 3.000 tại Bình Định, 915 tại Bình Tuy, 1.760 tại Tây Ninh và 12.700 tại Châu Đốc. Năm 1970 toàn miền Nam có khoảng 75.000 người Chăm, 2/3 sống tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 1989, dân số Chăm tăng lên 99.000 người, hiện nay trên 110.000 người. Đa số sống bằng nghề nông và tiểu thủ công nghiệp, chỉ một số rất ít cộng tác với chính quyền trong các lãnh vực hành chánh, an ninh và giáo dụïc. Những đại biểu quốc hội và chức sắc "dân cử" địa phương không có uy tín trong cộng đồng.

Từ năm 1975 đến nay, có hơn 22.000 người Chăm tị nạn tại khắp nơi trên thế giới, trong số này hơn 4/5 là người Chăm tại Campuchia (khoảng 2.000 người đã di tản ngay khi Phom Penh thất thủ), và được phân chia như sau : Pháp có hơn 1.000 người (hơn 30 người Chăm đi từ Việt Nam), Đan Mạch : 250, Canada : 400, Úc : 400, Hoa Kỳ khoảng 2.000, đông nhất là tại Malaysia : hơn 10.000. Những người Chăm di tản chỉ sinh hoạt riêng với nhau, không giao thiệp với người Việt di tản. Người Campuchia gốc Chăm thường tỏ ra quá khích trong việc bài xích Việt Nam và vẫn tiếp tục xúi giục thành lập vương quốc Champa.

Nguyễn Văn Huy

(2002)

Đọc thêm :

Người Chăm 1 - Tìm lại anh em, nhận lại bạn bè

Người Chăm 2 - Thời kỳ xác định bản thể 

Người Chăm 3 - Thời kỳ mở nước và dựng nước 

Người Chăm 4 - Thời vàng son

Người Chăm 5 - Thời kỳ xung đột

Người Chăm 6 - Bùng lên trước khi tàn lụi

Người Chăm 7 - Cố gắng tồn tại trong khó khăn

Người Chăm 8 - Cộng đồng người Chăm tại Campuchia

Người Chăm 9 - Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam

Published in Tư liệu

Người Chăm tại Việt Nam

Bài 6 : Bùng lên trước khi tàn lụi

cham19

Tranh vẽ Huyền Trân công chúa (www.chuagiaclam.org) - Ảnh minh họa 

Dấu ngoặc về công chúa Huyền Trân

Sau 5 năm thương lượng gay go giữa hai triều đình về của hồi môn, năm 1306 vua Trần Anh Tôn chấp thuận gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, bù lại lãnh thổ bắc Chiêm Thành (Indrapura) : châu Ô và châu Lý thuộc nhà Trần. Cuộc hôn nhân dị chủng này đã trở thành tranh chấp giữa hai dân tộc và hai triều đình suốt thời gian sau đó.

Cho đến nay chưa một tài liệu nào giải thích về trường hợp công chúa Huyền Trân một cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Người Chăm tố cáo nhà Trần lợi dụng cuộc hôn nhân này để chiếm đoạt đất đai của họ. Thơ văn Việt Nam bênh vực Huyền Trân như là nạn nhân của một vụ đổi chác chính trị và đả kích Chế Mân (với những lời lẽ khiếm nhã) dám sánh ngang hàng với người Việt…

Những lý luận vừa kể chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về phong tục tập quán của người Chăm. Khi cựu vương Trần Nhân Tôn hứa gả Huyền Trân cho Chế Mân, ông muốn thành lập một liên minh quân sự chống lại quân Mông Cổ khi bị tấn công. Nhưng chiến lược này đã không được quần thần chấp nhận vì không muốn một sự pha chủng nào trong quan hệ hoàng gia.

Có lẽ bà hoàng hậu thứ ba này của Chế Mân đã rất được sủng ái nên sử tích Chăm kể rằng Huyền Trân được nhà vua đưa đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh của Chiêm Thành. Các suối nước nóng dọc bờ biển miền Trung được dành riêng cho bà tắm rửa, kể cả suối Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, Phan Thiết), để hạnh phúc của vua và hoàng hậu được bền lâu. Nhưng hạnh phúc đã không dài lâu.

Hơn một năm sau, tháng 5/1307 Chế Mân từ trần. Hung tin đến tai nhà Trần bốn tháng sau đó, tháng 9/1307. Lo sợ em gái mình bị hỏa thiêu, Trần Nhân Tôn sai quan nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc sạ Trần Khắc Chung và quan an phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành phúng điếu rồi tìm kế đưa Huyền Trân về.

Việc hỏa thiêu vợ khi vua băng hà là hoàn toàn bịa đặt. Nếu Huyền Trân bị triều đình Chiêm Thành bắt chết theo Chế Mân thì bà đã bị hỏa thiêu từ lâu rồi, vì theo tục lệ của người theo đạo Hồi, hay Bà La Môn xác người chết chỉ giữ tối đa là 7 ngày sau đó phải đem hỏa thiêu.

Thật ra trong vụ này triều đình Chiêm Thành đã quyết định trả Huyền Trân về lại cho nhà Trần để đòi lại hai châu Ô và Rí nên đã tiếp đón phái đoàn Trần Khắc Chung một cách ân cần và cấp hơn 300 thủy binh hộ tống. Sự từ khước kết nghĩa suôi gia này có một ý nghĩa đặc biệt, nó thể hiện sự từ chối hợp tác giữa hai nền văn minh và văn hóa khác nhau, một bên là văn minh văn hóa Khổng Mạnh và một bên là văn minh văn hóa Ấn Độ. Cả hai vương triều gần như chấp nhận sự khác biệt đó và không muốn có một sự hòa hợp nào.

Còn chuyện hỏa thiêu có lẽ đã do Trần Khắc Chung thêu dệt ra để được Trần Anh Tôn cử sang Chiêm Thành đón Huyền Trân về nước. Sau khi gặp lại người yêu, thay vì căng buồm về Bắc ông dẫn Huyền Trân ra một hoang đảo tư thông với nhau trong suốt một năm liền, đến mùa thu năm 1308 mới lên thuyền về lại Thăng Long. Đoàn thủy binh Chăm lúc đó mới được giao trả cho Chiêm Thành để báo cáo sự việc.

Cũng nên biết, nhà Trần áp dụng chế độ nội hôn để bảo vệ quyền lợi hoàng tộc. Việc Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân được coi là bình thường. Nhưng triều đình Chăm không chấp nhận và rất căm hận về chuyện này, vì Huyền Trân là hoàng hậu Champa bị một quan Việt thông dâm, xúc phạm đến danh dự hoàng triều và tín ngưỡng quốc gia.

Có lẽ cũng chính vì thế mà Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng (con Trần Hưng Đạo) mắng "họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì người này chăng ?", vì Khắc là thắng, Chung là tàn (thắng xong thì tàn lụi theo). Cuộc tình sử tay ba này ít được người đời nhắc tới mà chỉ nói về cuộc hôn nhân dị chủng mà thôi.

Về phía Chiêm Thành, đền thờ Chế Mân được lập tại Tháp Po Klong Garai (Tháp Chàm, Phan Rang) và tại Yan Prong (An Khê, Đắc Lắc) cạnh núi Se San. Dân chúng thờ ông dưới tên Sri Jaya Sinhavarma Lingesvara.

Hoàng tử Po Sah - 23 tuổi, con của chánh hậu Bhaskaradevi (người Java), tước Pulyan Mahendravarman tiểu vương lãnh địa từ sông Vok (sông Bung) đến bắc Bình Định (Bhumana) - lên thay năm 1307, hiệu Jaya Sinhavarman IV (còn gọi là Chế Chí hay Chế Dà La). Việc đầu tiên của tân vương là xúi giục dân Chăm tại Thuận châu và Hóa châu nổi loạn.

Năm 1311, Trần Anh Tôn tấn công Chiêm Thành, bắt Chế Chí về giam tại cung Gia Lâm (và mất năm 1313), đưa em trai của Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm lên thay, hiệu Chế Năng. Năm 1314 Chế Năng kéo quân ra Bắc chiếm lại châu Ô và châu Rí và chỉ bị đẩy lui 5 năm sau đó. Năm 1318, quân Trần tiến xuống Đồ Bàn, Chế Năng cùng hoàng gia chạy sang Java lánh nạn, triều đình Chiêm Thành bị bỏ trống.

Đây là đợt di dân thứ ba của người Chăm ra hải ngoại. Chế Năng là con thứ hậu Tapasi, người Yavadvipa.

Triều vương thứ mười hai (1318-1390) : tột đỉnh

Năm 1318, nhà Trần phong một tướng Chăm tên Thủ (Patalthor) lên ngôi, hiệu Chế A Năng (hay Thành A vương, tương đương với tước phó vương của Đại Việt). Vì không thuộc dòng dõi bộ tộc Cau và Dừa, Chế A Năng liên tục bị triều thần Chăm chống đối từ 1323 đến 1326. Để có sự chính thống, năm 1323 Chế A Năng cử em trai là Pao Yeou Patseutcho đi sứ sang Trung Hoa xin nhà Nguyên công nhận. Hay tin này, năm 1326 nhà Trần mang quân sang đánh nhưng bị đẩy lùi. Chiêm Thành sống trong thái bình cho tới 1342.

Năm 1336 Chế A Năng từ trần, con ruột là Chế Mỗ và con rể là Trà Hoa Bồ Đề tranh ngôi vua trong 6 năm, Chiêm Thành sống trong loạn lạc. Năm 1342 Chế Mỗ bị đuổi sang Đại Việt, Trà Hoa Bồ Đề chính thức lên ngôi. Năm 1353, Trần Dụ Tôn đưa Chế Mỗ về nước nhưng đến Cổ Lũy (Quảng Ngãi) thì bị quân Chiêm chận đánh, quân Trần rút về, Chế Mỗ buồn rầu rồi qua đời. Từ sau ngày đó, quân Chiêm Thành liên tục tràn sang đánh phá Hóa châu và Thuận châu.

Năm 1360, Trà Hoa Bồ Đề qua đời, em Chế A Năng là Po Binasor (Po Bhinethuor) được triều thần tôn lên làm vua, hiệu Chế Bồng Nga (Che Bonguar). Chế Bồng Nga là một vị tướng tài, chỉ huy nhiều trận đánh vào lãnh thổ Đại Việt. Vừa lên ngôi, ông liền tổ chức lại quân đội, chuẩn bị chiến tranh với nhà Trần nhằm chiếm lại những phần lãnh thổ bị mất. Những tù trưởng và bộ lạc Thượng trên Tây Nguyên theo Chế Bồng Nga rất đông.

Từ 1360 đến 1370, quân Chiêm Thành ra vào lãnh thổ Đại Việt như chốn không người. Dân cư Đại Việt lập nghiệp dọc các vùng bờ biển Bố Chánh, Tân Bình, Thuận Hóa (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) sinh sống rất khổ sở trước nạn binh đao. Từ 1371 đến 1383, quân Chiêm đã ba lần chiếm đóng Thăng Long và năm 1390 lúc đang tiến vào Thăng Long lần thứ tư thì Chế Bồng Nga bị tử trận, chấm dứt một trang sử anh hùng.

Nét đặc biệt của Chế Bồng Nga là mỗi lần đánh phá xong, ông cho rút quân về bên kia đèo Hải Vân chứ không cho người ở lại quản trị trực tiếp những vùng đất vừa bị chiếm như những vua trước, vì người Chăm tin rằng trấn đóng những vùng đất lạ sẽ mang tai họa và cũng không muốn bị hao tổn lực lượng bởi những hành động kháng chiến. Tuy vậy vẫn có thể nói trong vòng 30 năm, Chế Bồng Nga đã khôi phục lại những vùng đã mất từ hơn 300 năm trước đó (Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh bị mất năm 1069, châu Ô, châu Rí năm 1306).

Chế Bồng Nga chết, quân Chiêm như rắn không đầu liền bị rối loạn, quân Trần sát hại rất nhiều. Các vùng đất dưới ảnh hưởng Chiêm Thành đều được thu hồi.

Lê Quí Ly (tức Hồ Quí Ly sau này) kinh lý các vùng đất Hóa châu và Thuận châu, tổ chức lại việc phòng thủ và cho xây dựng lại những nơi bị tàn phá. Phan Mãnh được bổ nhiệm cai trị hai xứ Tân Bình (Quảng Bình) và Thuận Hóa (Quảng Trị và Thừa Thiên). Nhà Trần đưa dân chúng từ các vùng trung du, vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mã vào định cư tại Tân Bình và Thuận Hóa.

Triều vương thứ mười ba (1390-1458) : suy yếu

Bị đánh bại năm 1390, tướng La Khải (Ko Cheng) chiếm được xác Chế Bồng Nga mang đi hỏa táng, rồi thu quân về nước. Về Đồ Bàn, La Khải liền xưng vương và chịu triều cống nhà Trần trở lại. Năm 1391, La Khải xin nhà Minh thừa nhận nhưng đến năm 1413 con của ông là Ba Đích Lại mới được nhà Minh tấn phong.

Chính sách cai trị khắt khe của La Khải gây bất mãn trong nước. Vây cánh của Chế Bồng Nga đều bị La Khải thay bằng những tướng sĩ thân tín.

Con trai của Chế Bồng Nga tên Chế Ma Nô Dã Na cùng em là Chế San Nô sợ bị ám hại đã chạy qua Đại Việt xin tị nạn. Cả hai được nhà Trần phong tước Hiệu chính hầu. Năm 1397, một hoàng thân tên Chế Đà Biệt, em là Mộ Hoa, con là Gia Diếp cùng toàn thể gia quyến sang Đại Việt tị nạn. Chế Đà Biệt được Lê Quí Ly giao trọng trách bảo vệ biên giới phía nam của Đại Việt đề phòng những cuộc tấn công mới của quân Chiêm Thành. Năm 1400, La Khải mất, con là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) lên ngôi.

Tại Đại Việt, năm 1400 Lê Quí Ly lên ngôi vua, đổi thành họ Hồ. Cũng nên biết, lúc nhà Trần suy yếu vai trò của Lê Quí Ly trở nên nổi bật và trực tiếp điều khiển triều đình từ 1372. Vì thiếu sự chính thống, Hồ Quí Ly thường ra oai bằng cách tấn công Chiêm Thành và các lãnh thổ Chiêm Động (nay là Thăng Bình, Quảng Nam, hay bắc Amavarati), Cổ Lũy (nay là Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Bạt Đạt Gia, Hắc Bạch (nam Quảng Ngãi, bắc Bình Định) và Sa Lý Nha (tức Sa Huỳnh) lần lượt bị sát nhập từ 1400 đến 1403. Vựa lúa lớn nhất Bắc Chiêm Thành bị mất hẳn, toàn bộ đất đai tại Indrapura và Amaravati (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi) cũng không còn.

Những vùng đất mới được phân thành châu Thăng, châu Hoa, châu Tư và châu Nghĩa ; bốn châu mới này họp lại thành lộ Thăng Hoa do một quan an phủ sứ cai trị, chỗ giáp giới đặt thành trấn Tân Ninh. Chế Ma Nô Dã Na (con Chế Bồng Nga), lúc đầu làm Thăng Hoa quận vương để chiêu dụ dân chúng Chăm, sau được phong Cổ Lũy thượng hầu giữ hai châu Tư và Nghĩa. Quí Ly đưa những nông dân cùng gia đình không có đất cày từ những châu khác ở phía bắc vào khai phá đất mới. Người Champa không chấp nhận sống dưới sự cai trị của người Việt bỏ đi lên núi hoặc về Vijaya (Đồ Bàn) lập nghiệp.

Năm 1403, Ba Đích Lại yêu cầu nhà Minh can thiệp để đòi lại Indrapura và Amavarati, nhưng bị nhà Hồ từ chối. Chỉ khi nhà Hồ bị dẹp và nước Đại Ngu bị nhà Minh đô hộ, từ 1407 đến 1427, Chiêm Thành mới phục hồi lại sức mạnh quân sự và những vùng đất đã mất dưới tay nhà Hồ đều lấy lại được.

Năm 1407, hoàng tử Ngauk Glaun Vijaya (con Ba Đích Lại) cất quân đánh Đại Việt, giết quan trấn thủ lộ Thăng Hoa là Chế Ma Nô Dã Na (con của Chế Bồng Nga). Ba Đích Lại được nhà Minh phong vương năm 1413. Mặc dù vậy, dân chúng Champa không muốn di dân lên những vùng đất vừa chiếm lại lập nghiệp, chỉ một số người muốn trở về để giữ gìn hương hỏa mà thôi.

Dẹp yên phía Bắc, Ba Đích Lại mang quân xuống tấn công vương quốc Chân Lạp phía nam đang suy yếu, vì bị Xiêm La đánh phá liên tục. Quân Chăm chiếm được nhiều vùng đất lớn dọc sông Đồng Nai và trên đồng bằng sông Cửu Long. Quân Khmer bị đuổi tới thành phố Chantabun, gần biên giới Xiêm La, vua Chau Ponea Yat phải cầu cứu nhà Minh và quân Minh đã hai lần tiến vào Chiêm Thành (1408 và 1414) làm áp lực Chiêm Thành mới chịu rút quân, Chân Lạp thoát nạn đô hộ. Mặc dầu vậy, quân Chiêm Thành cũng chiếm được thị trấn Nagara Brah Kanda (thị xã Biên Hòa ngày nay).

Năm 1428, Lê Lợi đuổi được quân Minh ra khỏi lãnh thổ và lên ngôi vua, hiệu Thánh Tổ. Trước thế lực của nhà Lê, Ba Đích Lại trả những vùng đất đã chiếm dưới thời nhà Minh, đổi thành lộ Thuận Hóa thuộc đạo Hải Tây và đặt quan cai trị. Việc giao hảo giữa Chiêm Thành và Đại Việt trở nên tốt đẹp.

Năm 1433 Lê Lợi mất, con là Nguyên Long, 11 tuổi, lên ngôi hiệu Thái Tôn, Ba Đích Lại liền trở mặt. Năm 1434, ông cho quân sang đánh phá các vùng đất (Hóa châu) vừa giao trả trước đó, vua Lê phải cử Lê Khôi và Lê Chiếc ra dẹp, vua Chăm mới chịu triều cống trở lại.

Thật ra từ 1390 đến 1433 Chiêm Thành không có vua, đất nước lâm vào cảnh nội loạn. Đối với người Chăm, La Khải và Ba Đích Lại chỉ là những kẻ soán ngôi. Năm 1433, quần thần Chiêm đưa công chúa Po Sahnar về miền Nam cai trị (Panduranga), đóng đô tại Phan Rí, không tuân lệnh Vijaya. Hoàng tử Nauk Glaun Vijaya thân chinh đi đánh dẹp, gây nhiều thù oán với các dòng vương tôn Champa phía nam, như bắt công chúa Po Sahnar về giam tại Vijaya. Chính vì thế năm 1441 khi Ba Đích Lại qua đời, Nauk Glaun Vijaya không được triều thần cho nối ngôi mà đưa người cháu của cố vương là Maha Kilai (Mã Kha Qui Lai) lên thay. Chú của tân vương là Po Parichanh tự đứng ra nhiếp chính, rồi tự xưng vương năm 1442, hiệu Bí Cai (Maha Vijaya) và được nhà Minh công nhận.

Vừa lên ngôi, Bí Cai liền mang quân tấn công nhà Lê và bị đánh bại. Vua Lê Nhân Tôn tiến chiếm Phật Thành (còn gọi là Đồ Bàn, Chà Bàn, Vijaya) bắt được nhiều vương tôn Champa, trong đó có công chúa Po Sahnar, rồi rút về. Ba Đích Lại cùng hoàng gia phải chạy lên núi trốn trong những buôn làng của người Thượng như Trà Toàn (Po Ka Prah), Trà Toại (Po Ka Prih). Kinh đô Phật Thành (Vijaya) bị nhà Lê đổi thành Đồ Bàn.

Trong hai năm 1444 và 1445, Bí Cái nhiều lần dẫn quân tiến vào Hóa châu nhưng đều bị đẩy lùi. Năm 1446, được Maha Quí Lai hướng dẫn, quân Lê chiếm thành Đồ Bàn, bắt sống Bí Cai và tất cả phi tần đem về Thăng Long. Maha Quí Lai được nhà Lê tôn lên làm vua Chiêm Thành và chịu triều cống, quan hệ giữa hai nước tốt đẹp trở lại. Năm 1448, Lê Nhân Tôn đánh dẹp các lực lượng Thượng do những hoàng tôn Chăm lãnh đạo, chiếm xứ Bồn Man (Djarai-Kontum) và đặt thành châu Quy Hợp rồi giao cho một vương tôn Chăm thần phục nhà Lê cai quản.

Năm 1449 Maha Quí Lai bị người em tên Bí Do (Maha Kido) bắt giam rồi xưng vương. Bí Do sai Giao Nể Mỗ và Bàng Thoan sang Đại Việt báo tin, vua Lê không những không công nhận mà còn khiển trách nặng nề. Sau biến cố này, Bí Do đuổi 70 gia đình Việt định cư tại Chiêm Thành về nước rồi ngưng luôn việc xin tấn phong. Năm 1452, Quí Lai mất, Bí Do sai sứ sang Trung Hoa xin nhà Minh công nhận và được phong vương năm 1457.

Triều vương thứ mười bốn (1458-1471) : tan rã

Năm 1458 thái tử Po Tam (Po Dam hay Po Kathit), con Bí Cai, giết Bí Do rồi tự xưng vương, hiệu Bàn La Trà Nguyệt (Maha Banla Tranguyet). Năm 1460, Trà Nguyệt nhường ngôi cho em là Po Kaprah, hiệu Bàn La Trà Toàn (Maha Tratoan). Trà Toàn cử người sang Đại Việt xin tấn phong nhưng bị nhà Lê buộc dâng phẩm vật triều cống nên Trà Toàn tức giận. Trong hai năm 1468 và 1469, Trà Toàn vừa cho người sang cầu viện nhà Minh vừa mang đại quân (100.000 người) sang chiếm Hóa châu (1469-1471).

Tức giận trước sự khiêu khích này, vua Lê Thánh Tôn quyết định phạt Chiêm một lần cho đích đáng.

Trước khi ra quân, ngày 6/10/1471, nhà vua đọc hịch Bình Chiêm trước ba quân, lời lẽ rất đanh thép, rồi cho sứ sang Trung Hoa báo cáo sự xâm phạm lãnh thổ của Chiêm Thành. Lê Thánh Tôn cất đại quân hơn 250.000 người sang đánh Chiêm Thành, trong đó 100.000 đi bằng đường thủy, 150.000 đi bằng đường bộ. Đại quân nhà Lê chiếm cửa Thị Nại rồi tiến về Đồ Bàn. Trà Toàn sai em là Po Kaprih dẫn đội tượng binh gồm 5.000 người ra đối chọi nhưng bị đánh bại, Trà Toàn rút vào cố thủ thành Đồ Bàn. (Xin lưu ý : những con số hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn người trong sử sách Việt chỉ là biểu tượng).

Sau cuộc tấn công, khoảng 60.000 binh lính và thường dân Chăm bị loại khỏi vòng chiến, hơn 30.000 người bị bắt làm tù binh, tất cả đều bị đày lên Thanh Hóa. Một số tù binh Chăm gồm thợ khéo tay, nài voi được đưa về Thăng Long xây dựng đền đài và huấn luyện voi trận cho nhà Lê (chùa Bà Đá ở Hà Nội được xây dựng trong giai đoạn này). Toàn bộ tài sản và báu vật tại Đồ Bàn đều bị tịch thu, trong đó có ấn kiếm hoàng gia (một hộp bằng bạc hình chiếc gươm), biểu tượng của vương quyền Chiêm Thành. Trà Toàn và cả hoàng gia gồm 50 vương tôn (Po Sahama, Po Ngasa, Bà Thái, Đa Thủy...) đều bị bắt.

Trong cuộc tiếp kiến, Trà Toàn xin vua Lê chỉ làm tội một mình ông và tha cho con cái gồm 10 người. Trên đường về tới Nghệ An, Trà Toàn tự tử chết. Lê Thánh Tôn sai cắt đầu Trà Toàn treo ở đầu thuyền và cho khắc chữ "Cổ Chiêm Thành ngươn ác Trà Toàn chi thủ".

Lê Thánh Tôn giải tán vương quốc Chiêm Thành. Thủ đô chính trị, hành chánh và tín ngưỡng của vương quốc Bắc Chiêm Thành Vijaya bị đổi thành Đồ Bàn và cấm người Chăm đến cư ngụ.

Em Trà Toàn là Po Kaprih dẫn theo một số tàn quân trốn lên xứ Bồn Man (cao nguyên Kontum-Darlac), được dân chúng tôn lên làm vua. Po Kaprih xưng hiệu Trà Toại và cho người sang Trung Hoa cầu cứu nhà Minh, báo cáo tình hình của Chiêm Thành. Lê Thánh Tôn sai Lê Niệm mang 30.000 quân lên Tây Nguyên lùng bắt Trà Toại đem về trị tội.

Nhà Minh không tán thành việc Đại Việt chiếm đóng Chiêm Thành nhưng không dám can thiệp trực tiếp, kể cả việc xin phóng thích Trà Toàn và hoàng gia Chiêm Thành. Năm 1472, nhân vua Lê Thánh Tôn sai sứ sang Trung Hoa báo cáo sự tình, Minh Hiển Tông trách cứ việc chiếm đế đô Đồ Bàn. Sau đó nhà Minh sai sứ sang phong vương cho Trà Toại nhưng khi đến cửa Tân Châu (Quảng Nam) quân Lê không cho cập bờ. Lê Thánh Tôn phản đối việc phong vương này và tuyên bố Chiêm Thành đã trở thành một châu của Đại Việt : châu Giao Nam. Nhà Lê phong cháu của Trà Toàn tên Bố Trì Tri (Thái Da) làm vương đất Giao Nam (còn gọi là Phan Long).

Chiêm Thành bị phân hóa

Năm 1472, Bố Trì Tri, cháu của Trà Toàn, chạy về Panduranga (Giao Nam) xưng vương, hiệu Thái Da (Jayavarman Mafoungnan). Tân vương sai sứ sang Đại Việt xin thừa nhận và xin tiếp tục triều cống. Ranh giới phân chia hai nước được xác nhận tại đèo Cù Mông, cạnh chân núi Thạch Bi.

Vua Lê Thánh Tôn áp dụng chính sách bảo hộ, chia Chiêm Thành ra làm ba tiểu quốc, phong ba tiểu vương cai trị.

1. Bồ Trì Tri cai quản đất Giao Nam, tức Nam Chiêm Thành gồm Kauthara và Panduranga, bằng 1/5 lãnh thổ cũ, từ mũi Kê Gà trở xuống gồm 5 lãnh địa : Aya Tră (Nha Trang), Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Parik (Phan Rí) và Pajai (Phố Hài, gần Phan Thiết). Giao Nam (tức Panduranga) được độc lập về chính trị, kinh tế và tín ngưỡng nhưng phải triều cống nhà Lê. Kinh đô trong giai đoạn đầu đặt tại Virapura, tức Phan Rang.

2. Trà Toại cai trị đất Nam Phan : xứ Bồn Man, tức châu Quy Hợp (Tây Nguyên ngày nay và một phần cao nguyên Attopeu Nam Lào).

3. Một vương tôn Champa (người Thượng) khác cai quản đất Hóa Anh : lãnh thổ Aryaru cũ (Phú Yên).

Sau 1471, lãnh thổ của vương quốc Chiêm Thành phía nam (Kauthara và Panduranga) chỉ còn từ đèo Cù Mông đến mũi Kê Gà (cap Varella). Lãnh thổ Đại Việt mới kéo dài từ ải Nam Quan đến đèo Cù Mông. Phần đất Chiêm Thành cũ, gọi là Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) được chia thành ba vùng gồm Đại Chiêm tức Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi) và Đồ Bàn (Bình Định). Một tướng Chăm tên Bà Thái (Po Thai) làm tri phủ đất Đại Chiêm. Những quan Đại Việt cai trị Đồ Bàn và Cổ Lũy có quyền tiền trảm hậu tấu.

Hàng đoàn người Chăm, trong đó có nhiều gia đình vương tôn không chấp nhận sự cai trị của người Việt tại Cổ Lũy, chạy vào rừng sâu thuộc lãnh thổ xứ Láng Cháng (Luang Prabang, Bắc Lào) lánh nạn, một số người khác vượt Trường Sơn chạy sang Chân Lạp định cư. Đây là cuộc di dân lần thứ tư sau các đợt di tản năm 986, 1285 và 1318.

Lê Thánh Tôn đổi tên đất Cổ Lũy thành đạo Quảng Nam gồm 3 phủ (Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn) và 9 huyện.

Trên cao nguyên, một lãnh tụ Chăm tên Công (còn gọi là Chăm Công) được sự giúp đỡ của vương quốc Láng Cháng tổ chức đánh phá các làng xã và đồn phòng thủ của quân Việt. Năm 1479, Lê Thánh Tôn mang đại binh gồm 180.000 người sang Láng Cháng dẹp loạn Chăm Công, truy đuổi vua Láng Cháng sang lãnh thổ Miến Điện. Vua Lê giao một vương tôn Chăm thân Đại Việt cai trị xứ Quy Hợp gồm 7 huyện và cho thành lập phủ Trấn Ninh giao cho một quan người Việt cai trị.

Tại Nam Bàn, Lê Thánh Tôn cho thành lập Thái bộc tư khanh, một bộ phận hành chánh chuyên lo đặt lại cho đúng qui chế họ tên của người Chăm theo đúng phiên âm Đại Việt. Vì người Chăm không có họ nên việc xét tên đặt họ rất khó khăn, nếu tên có nhiều chữ thì chỉ giữ lại ba chữ cuối : thí dụ như Tô Môn Tô Sa Môn viết thành Tô Sa Môn, Sa Qua Sa Oa Qua thành Sa Oa Qua...

Vua Lê còn ra lệnh cấm quan viên và dân chúng Việt chứa chấp người Chăm. Nhà Lê đưa những tội phạm biệt xứ gốc Kinh vào các châu Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (thuộc đạo Quảng Nam) khai phá đất mới. Những lưu dân này lúc ra đi, hoặc độc thân hoặc không được mang theo gia đình, một số đã lập gia đình với các thiếu nữ Chăm và sinh con đẻ cái. Con cái của những người này sau đó đã trở thành người Việt, quên hẳn gốc Chăm của mẹ và trở thành cư dân miền Trung. Người Chăm tại Phan Rang gọi những người Chăm mang hai giòng máu tại Quảng Nam và Bình Định là Chăm Hoi (người Việt gọi là Hời). Phụ nữ Chăm Quảng Nam và Bình Định lấy chồng Việt là chuyện thường, nhưng rất hiếm trường hợp phụ nữ Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận lấy chồng Việt, vì khác biệt tôn giáo, đa số theo đạo Chăm Bani (Hồi giáo cải cách).

Dân chúng Việt sống trên các lãnh thổ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tức Indrapura cũ, thỉnh thoảng bị người Hroi, một bộ lạc gốc Malayo Polynesien cư ngụ trên Tây Nguyên, tràn xuống đánh phá, từ đó người miền Trung gọi chung tất cả những người có nước da đen đủi ở trần là Hời. Về sau danh xưng này được đồng hóa với người Chăm trước thế kỷ 15. Thật ra người Chăm lai Thượng, hay người Thượng gốc Chăm được người Chăm Phan Rang gọi là Chăm Pal, không liên quan gì đến người Chăm Hoi tại Bình Định. Họ là những người thuộc các bộ lạc Rhadé, Raglai, Churu v.v...

Năm 1478, Bố Trì Tri mất, em à Koulai lên thay và bị ám sát tại Lão Qua (Lào) năm 1505, con là Chakou Poulo kế nghiệp. Chakou Poulo lo mở mang xứ sở, giao hảo với Trung Hoa và được nhà Minh sắc phong năm 1515 và nhìn nhận vương quốc Nam Chiêm Thành cho tới năm 1543. Thuyền buôn ngoại quốc (Trung Hoa, Mã Lai, Khmer, Bồ Đào Nha và Hòa Lan) vẫn lui tới các hải cảng Panduranga buôn bán tấp nập trong những thế kỷ 16 và 17.

Đầu thế kỷ 16, người Chăm trong các vùng đất Thuận Hóa và Nam Bàn thường hay nổi lên đánh giết những gia đình người Việt đến định cư lập nghiệp. Đất Nam Bàn trở nên khó cai trị, việc quản trị sau đó phải giao cho những quan Việt. Được sự đồng ý của chúa Trịnh, vua Lê sai Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hóa giữ yên bờ cõi phía Nam. Nhiều gia đình hoàng tộc Champa sinh sống trên vùng đất này chạy về Panduranga tị nạn. Một số dân cư Chăm sinh sống dọc các bờ biển miền Trung trở thành những nhóm hải tặc tổ chức cướp phá các đội thương thuyền ngoại quốc, nhất là của người Bồ Đào Nha và Hòa Lan, đi lại trong vùng để sinh sống. Địa Bàn hoạt động của các đám hải tặc là quanh các đảo Côn Lôn và Phú Quý.

Chiêm Thành trên danh nghĩa không còn được nhắc tới nữa, nhưng trong thực tế vương quốc Chiêm Thành đối với người Chăm vẫn tồn tại mặc dù đất đai bị thu hẹp. Sau này vào thời Nguyễn sơ, nhất là dưới thời Nguyễn Hoàng, vương quốc Chiêm Thành được nhìn nhận trở lại.

Nguyễn Văn Huy

(2002)

Đọc thêm :

Người Chăm 1 - Tìm lại anh em, nhận lại bạn bè

Người Chăm 2 - Thời kỳ xác định bản thể 

Người Chăm 3 - Thời kỳ mở nước và dựng nước 

Người Chăm 4 - Thời vàng son

Người Chăm 5 - Thời kỳ xung đột

Người Chăm 6 - Bùng lên trước khi tàn lụi

Người Chăm 7 - Cố gắng tồn tại trong khó khăn

Người Chăm 8 - Cộng đồng người Chăm tại Campuchia

Người Chăm 9 - Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam

Published in Tư liệu