Người Thượng tại Việt Nam
Nguyễn Văn Huy, 1998
Cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung vẫn trên đường đi tìm chỗ đứng - Ảnh minh họa
Phi lộ
Tìm hiểu lịch sử những cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai.
Qua sáu bài viết, Nguyễn Văn Huy tóm lược sự hình thành cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung, những phong trào phản kháng của người Thượng trong thời Pháp thuộc và dưới các chế độ chính trị của Việt Nam, những nguyên nhân nổi dậy năm 2001 để tìm hiểu nâng đỡ những đồng bào đang chia sẻ mảnh đất Việt Nam chung.
Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18. Chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức của xã hội Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và nhắm phục vụ cho người Kinh.
Có lẽ là quá trình mở nước và giữ nước khó khăn của Việt Nam đã không cho cha ông chúng ta thời giờ và phương tiện để suy nghĩ một cách nghiêm túc về một chính sách cộng đồng, đây là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là miền Thượng Du phía Bắc và miền Cao Nguyên Trung Phần có thể trở thành bất ổn và không phát triển được.
Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Chăm đã có công xây dựng và phát triển những dải đất dọc vùng duyên hải miền Trung, những cộng đồng người thiểu số trên vùng Thượng Du phía bắc và cộng đồng người Thượng đã sinh sống từ lâu đời trên Tây Nguyên, cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.
Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn mọi ý đồ đồng nhất để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.
Nguyễn Văn Huy
Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)
Đọc thêm :
Bài mở đầu. Phi lộ
Bài 1. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung
Bài 2. Những phong trào phản kháng
Bài 3. Sự hội nhập khó khăn
Bài 4. Vẫn trên đường tìm chỗ đứng
Bài 5. Những nguyên nhân nổi dậy
Bài 6. Nhìn lại vấn đề người Thượng
Bài 7. Thư tịch về người Chăm và người Thượng ở Việt Nam