Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

13/05/2018

5. Sự hình thành lãnh hải và không phận

Nguyễn Văn Huy

Bài 5 :

Sự hình thành lãnh hải và không phận

 

lanhhai11

Đảo Trường Sa là lãnh thổ nối dài xa nhất của Việt Nam ra Biển Đông

 

Thuyền nhân Việt Nam trên đường vượt biên mỗi khi thấy tàu buôn quốc tế qua lại trên Biển Đông liền reo hò mừng rỡ vì cho rằng đã ra được hải phận quốc tế. Lạc quan này đúng nhưng danh xưng thì không. Tàu thuyền quốc tế mà thuyền nhân đã gặp đang di chuyển trong "khu vực kinh tế độc quyền" (Exclusive Economic Zone - EEZ) của Việt Nam chứ không làm gì có hải phận quốc tế. Sự kiện này cho thấy, không riêng gì người Việt, phần lớn các dân tộc Đông Nam Á có chung vùng biển đều rất mù mờ về nội dung các qui định về hải phận, lại càng mơ hồ hơn về không phận.

Tại Việt Nam, hải và không phận càng được nhắc tới nhiều hơn khi bầu trời và vùng biển không ngừng bị xâm phạm bởi các phe lâm chiến từ 1960 trở đi và trầm trọng hơn trong những năm gần đây. Nắm lại quá trình hình thành của hải và không phận Việt Nam, cùng những nội dung công pháp quốc tế của nó trong lúc này, sẽ giúp người Việt có một cái nhìn rõ hơn về chủ quyền nước mình đồng thời để bảo vệ trước dư luận quốc tế.

Quá trình hình thành hải và không phận quốc tế

Hải và không phận là hai phạm trù được khai sinh từ các quốc gia phương Tây khi các phương tiện di chuyển trên biển và trên không ngày càng phát triển. Theo định nghĩa, hải phận là chủ quyền quốc gia trên biển và không phận là chủ quyền trên không trung. Nội dung hai cụm từ này không ngừng được tu bổ theo thời gian và hoàn toàn lệ thuộc vào các qui định quốc tế để giải quyết các tranh chấp bằng đường lối hòa bình.

Trong thực tế, biển cả là một khu vực địa lý rộng lớn, luôn luôn chuyển động, rất ít hay không có điểm tựa vật chất cố định để làm cơ sở ấn định lằn ranh cụ thể. Người ta thường lấy yếu tố lục địa, nơi chủ quyền quốc gia được xác định làm căn bản, để từ đó kéo ra ngoài khơi theo những qui định cho phép của các công ước hàng hải quốc tế, rồi bằng những điểm tựa vật chất trên biển (núi ngầm, hố thẳm, bãi san hô, v.v...) hay những đường thẳng trừu tượng (kinh tuyến, vĩ tuyến) ấn định không gian chủ quyền. Không phận chỉ giản dị là biên giới trên đất liền và trên biển ở trên trời. Do không tìm được đồng thuận về chủ quyền, các quốc gia có chung bầu trời và vùng biển thường xuyên tranh chấp lẫn nhau, những công ước quốc tế về hàng hải và hàng không được ra đời nhằm giải quyết những tranh chấp đó trong hòa bình.

Từ thế kỷ 15, người phương Tây đã thiết lập nhiều bản đồ các vùng biển trên thế giới mà tàu thuyền của họ qua lại. Từ thế kỷ 16, nhất là từ sau khi phát minh ra các đường thẳng trừu tượng (kinh tuyến và vĩ tuyến), các bản đồ hải hành ngày càng chính xác và việc phân chia lãnh hải bắt đầu xuất hiện. Tham vọng bá quyền thì vô hạn nhưng biển cả có giới hạn, tranh chấp ảnh hưởng và quyền lợi giữa các cường quốc hàng hải với nhau thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho tất cả mọi phe. Trong bối cảnh đó, công ước Paris được ra đời năm 1856 nhằm qui định các luật lệ về hải chiến và ấn định lãnh hải (mer territorial) của mỗi quốc gia là 3 hải lý, đó cũng là giới hạn tầm bắn tối đa của súng đại bác. Với thời gian, nhiều công ước khác được ra đời nhằm tu bổ và cải tiến những qui định có trước về hàng hải, lãnh hải (mer territorial) và hải phận (espaces maritimes). Ủy ban hàng hải quốc tế năm 1897 ban hành khoảng 20 công ước về luật hàng hải, hạn chế một số đòi hỏi quá trớn trên biển cả ; hội nghị La Haye lần thứ hai năm 1907 xác định lại một số luật lệ về hải chiến.

Từ sau 1945, nhiều công ước và tổ chức hàng hải quốc tế khác được ra đời nhằm cải thiện các luật lệ về hải hành, quyền đánh cá và chủ quyền quốc gia trên biển cả, theo đó lãnh hải và khu vực tiếp giáp (zone contigue) được nới rộng 12 hải lý, thềm lục địa 200 hải lý. Sự nới rộng này gây nhiều tranh chấp giữa các quốc gia có chung một vùng biển. Một hội nghị quốc tế về quyền biển cả, do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève năm 1958, ban hành bốn công ước mới về : lãnh hải, quyền đi lại trên biển cả, quyền đánh cá và quyền bảo vệ tài nguyên trên biển và thềm lục địa. Tranh chấp vẫn tiếp tục vì các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nhất là các quốc gia Nam Mỹ vì không có thềm lục địa, đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc xét lại về các luật lệ về biển cả. Một cuộc thảo luận kéo dài gần mười năm được tổ chức tại vịnh Montego Bay (Jamaique), từ ngày 3/12/1973 đến 10/12/1982, cho ra đời một công ước mới, gọi là công ước Montego Bay, và có hiệu lực bắt đầu ngày 16/11/1994.

Nội dung công ước Montego Bay không khác gì công ước Genève 1958, nhưng khu vực kinh tế độc quyền được nới rộng 200 hải lý. Ngày nay hầu hết các quốc gia có bờ biển đều thừa nhận những điều khoản ghi trong công ước này. Tàu thuyền quốc tế có quyền đi lại tự do trong khu vực kinh tế độc quyền và trên thềm lục địa 200 hải lý (mà đa số người Việt lầm tưởng là hải phận quốc tế), nhưng không được khai thác kinh tế. Khi có tranh chấp về chủ quyền trên biển cả các phe lâm cuộc phải giải quyết bằng thương lượng, mọi hành vi quân sự đều bị lên án ; khi vấn đề thực sự bế tắc thì các phe tranh chấp có thể nhờ Tòa án công pháp quốc tế hay Hội Đồng Liên Hiệp Quốc phán xét.

Từ 1982 đến 1994, các quốc gia tranh chấp đều tranh thủ tối đa khu vực kinh tế độc quyền trên biển cả (hải đảo, quần đảo, bãi san hô, đá ngầm...) trước thời hạn để chủ quyền được công nhận. Việt Nam phê chuẩn công ước Montego Bay ngày 25/07/1994, Trung Quốc ngày 15/05/1996 ; măc dầu vậy tranh chấp giữa các quốc gia về khu vực kinh tế độc quyền trên Biển Đông vẫn còn tiếp diễn.

Về không phận, phạm trù này cho đến nay vẫn còn rất mới. Mới là vì các phương tiện di chuyển trên không, xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, chỉ phát triển mạnh từ sau đệ nhị thế chiến và các công ước về hàng không chỉ mới hiệu lực từ 50 năm trở lại đây. Việc xác nhận chủ quyền trên không lúc đầu chỉ đặt ra giữa các quốc gia phương Tây, vì nói đến không phận là nói đến các loại phương tiện di chuyển trên không mà chỉ một số ít quốc gia phát triển độc quyền sản xuất. Công ước Paris năm 1919 dành cho các quốc gia thắng trận trong thế chiến I nhiều ưu đãi về hàng không. Năm 1928, các quốc gia Liên Mỹ họp tại La Havane cho ra đời một công ước khác, tu bổ công ước Paris, và năm 1933 trở thành công ước tổng quát về hàng không quốc tế.

Trong thế chiến hai, ngành hàng không dân sự Hoa Kỳ phát triển vượt bực. Ngày 7/12/1944, Hoa Kỳ triệu tập một hội nghị quốc tế về hàng không tại Chicago cho ra đời một công ước mới, gọi là công ước Chicago (có hiệu lực kể từ ngày 7/04/1947), hủy bỏ công ước Paris và La Havane, công nhận các hiệp ước song phương về hàng không, thành lập thỏa ước về dịch vụ chuyên chở hàng không quốc tế, thỏa ước chuyên chở hàng không quốc tế và tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO-International Civil Aviation Organisation). Từ đó đến nay, dựa theo các điều khoản ghi trong các công ước Genève 1958 và Mantego Bay, tổ chức ICAO không ngừng cập nhật hóa để thiết lập các hành lang chuyên chở hàng không dân sự quốc tế thêm phần chính xác và an toàn, nghĩa là tôn trọng lãnh hải 12 hải lý và khu vực kinh tề độc quyền 200 hải lý của mỗi quốc gia. Ngày nay hầu như các quốc gia có không phận hay phương tiện chuyên chở hàng không dân sự đều gia nhập ICAO.

Sở dĩ phải nhắc lại quá trình hình thành và nội dung các công ước quốc tế về biển cả và trên không vì Pháp là một trong những cường quốc đã khởi xướng, thành lập và gia nhập các công ước đó đồng thời cũng đem các thuộc địa hay các quốc gia đặt dưới quyền bảo hộ vào theo, trong đó có Việt Nam. Sau 1954, hai miền Nam Bắc Việt Nam thừa hưởng toàn bộ những ký kết dưới thời Pháp thuộc về biên giới, trong đó có cả hải và không phận, và không ngừng thay đổi từ sau 1956.

Lãnh hải Việt Nam

Tại Việt Nam, từ thời lập quốc cho đến trước khi bị Pháp thuộc, mặc dù một phần lớn lãnh thổ nằm dọc một bờ biển dài, chưa lần nào các triều vương Việt Nam đề cập đến vấn đề chủ quyền trên biển cả. Cho đến cuối thế kỷ 19, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia lục địa. Chỉ sau khi mất chủ quyền vào tay người Pháp (1884), triều đình Huế mới bắt đầu làm quen với các danh xưng "lãnh hải" (mer territorial), "vùng nước chủ quyền" (eaux territoriales), v.v... nhưng hoàn toàn không có một vai trò nào trong việc ấn định lằn ranh hay ký kết các văn kiện quốc tế. Tuy vậy, với thời gian, người Việt cũng đã quen dần với những khái niệm liên quan đến biển cả và đã ứng xử phù hợp với các tập tục hàng hải quốc tế từ sau ngày độc lập.

Trong quá khứ, các cuộc thủy chiến với Trung Hoa và Chiêm Thành chỉ xảy ra dọc các bờ biển ; người Việt cũng đã nhiều lần dùng thuyền tiến xuống phía Nam dẹp loạn hay tìm đất mới nhưng chưa bao giờ dám ra xa ngoài khơi thám hiểm. Dân cư sinh sống dọc các bờ biển đa số sống bằng nghề nông, chỉ một số ít hành nghề đánh cá và khai thác hải sản nhưng cũng chỉ đánh bắt gần bờ vì không nắm vững kỹ thuật sản xuất tàu thuyền đi xa và đi lâu trên biển cả. Thêm vào đó, một niềm tin xa xưa cho rằng ngoài khơi là nơi sinh trú của các loại thuồng luồng và hải ngư khổng lồ, xa cách bờ quá 20 dặm (10 cây số) là chết mất xác. Khi gặp xác cá voi trôi vào bờ, dân chúng địa phương liền tổ chức cúng bái, chôn cất tử tế và đôi khi còn chịu tang, tục lệ này cho đến nay vẫn còn. Biển cả quá bao la, con người thì yếu đuối, sợ biển là một lẽ tự nhiên. Điều này cũng dễ hiểu vì tất cả những tai ương do bão táp, lũ lụt gây ra đều từ ngoài khơi mang vào, đó là chưa kể nạn hải tặc và quân xâm lăng từ ngoài khơi thường vào đất liền đánh phá.

Đọc lại sử xưa, chỉ có một lần nói đến "chủ quyền" ở dọc bờ biển. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên 1848 (quyển 104), năm 1832 (nhâm dần) vua Minh Mạng từ chối lời đề nghị của thống đốc Quảng Châu cho phép tàu thuyền nhà Thanh vào vịnh Bắc Phần tảo thanh cướp biển người Hoa đang lộng hành trong vùng. Mặc dầu vậy, thủy quân nhà Thanh vẫn tiến vào săn lùng, một số cướp biển người Hoa trốn vào các đảo lánh nạn hay giả làm ngư dân lẫn trà trộn trong các làng người Việt dọc bờ biển ; quan quân nhà Nguyễn đã đuổi tất cả ra khỏi huyện Văn Đồng năm 1833. Trên thực tế, đây chỉ là một biện pháp giữ gìn an ninh chứ không phải để bảo vệ chủ quyền trên biển.

Cũng nên nói thêm là trong số gần một trăm hòn đảo trong vịnh Bắc Phần (ngày nay thuộc tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng), chỉ trên hai mươi đảo có diện tích lớn và nguồn nước ngọt, số còn lại là những đảo hoang nhỏ hẹp, núi non hiểm trở. Theo thông lệ, cứ sau mỗi mùa biển động (tháng 10) ngư dân Việt và Hoa cư ngụ dọc bờ biển Quảng Ninh và Quảng Đông thường đổ bộ lên một số đảo lớn trong vịnh Bắc Phần dựng chòi và đánh bắt hải sản, đến đầu mùa khô (tháng 2) thì lại kéo nhau về đất liền để chờ mùa thu sau trở lại. Đến giữa thế kỷ 17, các đảo này trở thành sào huyệt của những nhóm binh sĩ chống lại nhà Thanh, về sau đã trở thành cướp biển. Nghề cứớp biển có lẽ đã mang lại lợi lộc nhiều hơn nghề đánh cá nên ngư dân địa phương gia nhập vào các đoàn cướp biển rất đông ; tình trạng này kéo dài cho đến hết thời nhà Nguyễn. Nguyễn Huệ đã từng thu dụng các toán cướp biển người Hoa này đánh Nguyễn Ánh, và ngược lại Nguyễn Ánh cũng chiêu mộ các nhóm cướp biển trong vịnh Thái Lan chống lại Tây Sơn ; trong những năm cuối trào triều đình Huế đã nhờ các toán hải tặc trong vịnh Bắc Phần chống lại quân Pháp.

Trong vịnh Bắc Phần, điều 2 trong công ước Constans, ký với nhà Thanh ngày 26/06/1887, ấn định vùng nước phân chia giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ tại kinh tuyến (Greenwich) 108°03'18" Đông và vĩ tuyến 21°5' Bắc, đây là lằn ranh phân chia "vùng nước lịch sử" chứ chưa phải là lãnh hải. Những hòn đảo từ Trà Cổ trở xuống được sát nhập vào lãnh thổ các kỳ ; hải quân Pháp xây đồn, lập căn cứ, xây đài khí tượng, hải đăng trên các đảo để hướng dẫn tàu bè qua lại ; đồng thời cũng để kiểm soát sự qua lại của thuyền trong khu vực và cũng để ngăn ngừa hải tặc và dân buôn lậu.

Năm 1929, dựa theo các công ước hàng hải quốc tế mà Pháp đã ký, lãnh hải của các "kỳ" được ấn định từ mực nước thấp ở bờ biển ra khơi là 3 hải lý và năm 1936 nới rộng ra 10 hải lý. Các đảo nằm xa ngoài khơi như Phú Quí, Côn Đảo, Thổ Chu... lần lượt được sát nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ.

Trong vịnh Thái Lan, ngày 31/01/1939, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ban hành công văn phân chia lãnh hải giữa Cmbodge và Nam Kỳ, gọi là "lằn ranh Brévié", theo đó tất cả hải đảo và vùng biển nằm dưới đường thẳng song song với vĩ tuyến 10°4' Bắc tới kinh tuyến 104°30' Đông, sau đó theo hướng Tây Bắc đến vĩ tuyến 10° Bắc và kinh tuyến 105°20' Đông, tức từ đất liền (Hà Tiên) ra cách đảo Phú Quốc 3 cây số về hướng Bắc, thuộc Nam Kỳ.

Dựa theo công ước Genève 1958 về hàng hải, năm 1964 chính phủ Việt Nam Công Hòa nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý, định mức này áp dụng cho tất cả các đảo thuộc chủ quyền miền Nam ngoài khơi Biển Đông ; năm 1965 thềm lục địa được nới rộng ra 12 hải lý, gọi là khu vực tiếp giáp hay kinh tế độc quyền. Năm 1972, sau khi phát hiện có dầu khí ngoài khơi Biển Đông, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền trên thềm lục địa ở độ sâu 200 thước và khu vực độc quyền đánh cá 62 hải lý. Trong cùng thời gian, trong vịnh Thái Lan, chính quyền miền Nam tuyên bố chủ quyền trên một số hải đảo phía Bắc lằn ranh Brévié (hòn Phù Du, hòn Nước, đảo Vai), khu vực mới này được lực lượng hải quân ngày đêm tuần tiểu bảo vệ vì bắt đầu có tranh chấp với Kampuchea. Cuộc Đông tiến này bị ngừng lại sau ngày 30/04/1975, miền Nam lọt vào tay quân đội cộng sản miền Bắc.

Tranh chấp tại Hoàng Sa và Trường Sa

Tại miền Bắc, trong suốt thời gian từ 1954 đến 1975, chính quyền Hà Nội, do tập trung mọi cố gắng để chiếm miền Nam, đã im lặng trước các vấn đề về lãnh hải và hải phận của miền Nam và của Việt Nam nói chung. Ngày 14/091958, thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, gởi thủ tướng Chu ên Lai một văn thư với nội dung như sau : "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể" (nguyên văn). Cũng nên biết trong tuyên bố này, hải phận Trung Quốc bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngay sau khi hiệp định ngừng chiến vừa ký kết tháng 1/1973 tại Paris, Hà Nội mời gọi các công ty dầu khí quốc tế dò tìm trong vịnh Bắc Phần, nhưng lằn ranh phân chia vùng nước trong vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa rõ ràng nên phải trì hoãn. Ngày 26/12/1973, Hà Nội đề nghị với Bắc Kinh mở lại các cuộc thương lượng về việc phân chia lãnh hải chính thức giữa hai nước nhưng Trung Quốc cứ chần chờ. Thình lình, ngày 15/01/1974, hải quân Trung Quốc tiến vào quần đảo Hoàng Sa chiếm các quần đảo phía Tây còn lại (Croissant) và tuyên bố mở lại các cuộc thương lượng với Hà Nội về lãnh hải. Điều đáng phàn nàn là Hà Nội đã không có một phản ứng nào trước sự kiện này. Trong cuộc hội thảo đầu tiên, ngày 15/08/1974, Trung Quốc bác bỏ mọi lập luận của Việt Nam, dựa theo công ước Constans 1887, và cho rằng công ước này chỉ đề cập đến việc phân chia chủ quyền trên các đảo trong vịnh Bắc Phần chứ không ấn định vùng nước chủ quyền ; cuộc thảo luận bị đình chỉ vì lúc đó Hà Nội đang dồn nổ lực tiến chiếm miền Nam.

Sau khi thống nhất đất nước bằng vũ lực, tháng 5/1975 chính quyền cộng sản cho hải quân ra quần đảo Trường Sa chiếm giữ một số đảo của Việt Nam Cộng Hòa trước kia ; hành động này liền bị Trung Quốc phản đối và tuyên bố chủ quyền trên toàn quần đảo. Dầu khí có lẽ là nguyên do chính của những tranh chấp trên Biển Đông, nhất là sau khi hay tin Philippines tìm được dầu khí trong nhóm đảo Reed ngày 11/03/1976 ; các quốc gia có chung vùng biển liền lớn tiếng tuyên bố chủ quyền trên các nhóm đảo trong quần đảo Trường Sa.

Đối với Trung Quốc, thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam rất rõ ràng : nhượng bộ. Trả lời một ký giả Thụy Điển ngày 31/08/1976, Hoàng Tùng, chủ nhiệm báo Quân Đội Nhân Dân, tuyên bố : "Nếu Trung Quốc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đổi lại sẽ được công nhận chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa", nhưng Bắc Kinh vẫn một mực xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo này.

Nhượng bộ không xong, Hà Nội liền chủ trương cứng rắn và ngày 12/05/1977 đơn phương tuyên bố chủ quyền trên ba khu vực ngoài khơi Biển Đông :

1. Lãnh hải 12 hải lý được ấn định từ mực nước thấp nhất từ bờ biển trở ra.

2. Khu vực tiếp giáp 12 hải lý là một đường thẳng bắt đầu từ mực nước thấp nhất ở các điểm cách đảo Phú Quốc 3 cây số về phía Bắc, tức lằn ranh Brévié, từ Hà Tiên (A0) qua các đảo Hồng Nhạn (A1), Hòn Đá (A2), Tai Lợn (A3), Bồng Lang (A4), Bảy Cảnh (A5), Hòn Hai (A6), Hòn Đôi (A7), mũi Đại Lãnh (A8), Ông Căn (A9), Ly Sơn (A10) và Cồn Cỏ (A11). Cồn Cỏ là điểm phân chia vùng nước chủ quyền đang còn tranh chấp với Trung Quốc.

3. Khu vực kinh tế độc quyền và thềm lục địa của Việt Nam, gồm bề mặt của đáy biển và lòng đáy biển, là 200 hải lý từ mực nước thấp của khu vực tiếp giáp trở ra.

Theo tinh thần tuyên bố trên, khu vực kinh tế độc quyền và thềm lục địa Việt Nam dài 200 hải lý từ đất liền trở ra, trải rộng trên 329.000 km2 bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng một số đảo trong vịnh Thái Lan. Hoàng Sa, trước kia có tên là Bãi Cát Vàng (Tây Sa, Trung Quốc), cách bờ biển Đà Nẵng 170 hải lý, rộng 15.000 km2 gồm có 15 đảo lớn nhỏ tập trung trong hai cụm đảo Đông (Amphitrite) và Tây (Croissant), nằm giữa vĩ tuyến 15°45'/17°05' Bắc và kinh tuyến 111°/113° Đông, ngoài ra còn có bãi MacClesfield và núi san hô ngầm Scaborough cách đó khoảng 100 hải lý hướng Tây-Nam (chủ quyền đang còn tranh chấp). Trường Sa (Nam Sa, TQ), có khoảng trên một trăm đảo lớn nhỏ và núi san hô ngầm, thềm lục địa rộng từ 160.000 đến 180.000 km2 nằm giữa vĩ tuyến 6°50'/12° Bắc và 111°30/117°20 Đông. Nhưng thực tế đã không như vậy.

Tuyên bố ngày 12/05/1977 của Việt Nam mở đầu cho một cuộc tranh chấp dữ dội về chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 30/07/1977, Trung Quốc cảnh cáo Việt Nam và tái xác nhận chủ quyền đến tận nhóm đảo James Shaols (gần Borneo, Mã Lai), tức 2/3 Biển Đông. Trong cuộc thương lượng ngày 7/10/1977, Trung Quốc từ chối thảo luận về lãnh hải mà chỉ bàn về ranh giới đất liền. Căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng, ngày 22/06/1978 Việt Nam gia nhập khối COMECON và mời Liên Xô vào cảng Cam Ranh, với hy vọng được hỗ trợ khi có xung đột quân sự trên biển. Trung Quốc liền thách thức bằng cách tái xác nhân chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 29/12/1978.

Trong khi đó, trên quần đảo Trường Sa, hải quân Philippines chiếm đảo Lan Can (Nan Shan) ngày 2/03/1978 và đổi tên thành Panata ; trước đó (1974) cũng đã chiếm các đảo Thị Tứ, Sông Tử Đông, Loại Ta, Vĩnh Viễn, Đá Hóp, Đá Ba Đầu, và đổi tên thành Pagasa, Parola, Kota, Lawak, Likas, Pugad. Tháng 10/1978, Mã Lai tuyên bố chủ quyền trên đảo An Bằng (Pulau Kecil Amboyna), Đài Loan tái xác nhận chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đặc biệt là trên nhóm đảo Ba Bình (Itu Aba). Năm 1979, tranh chấp lan rộng trên khắp Biển Đông, mỗi quốc gia đều cử hải quân ra chiếm đóng các đảo hay bãi san hô nổi và chìm. Philippines chiếm thêm nhiều đảo mới và tuyên bố toàn bộ quần đảo Trường Sa (Kalaysaan), trừ đảo Trường Sa (Spratly), thuộc về họ (nghị định 1596, tháng 2/1979) và chiếm bãi Công Đô (Commodore Reefs) ngày 28/07/1980.

Ngày 30/07/1979 Trung Quốc phổ biến Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa và ngày 12/04/1982 tuyên bố sẽ chiếm lại toàn bộ quần đảo Trường Sa trước cuối thế kỷ 20. Ngày 21/12/1979 Mã Lai phát hành hải đồ chính thức bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Việt Nam liên tục tục phản đối sự chiếm đóng của các quốc gia trong vùng và công bố Sách Trắng về chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa (ngày 28/091979 và tháng 12/1980). Tháng 9/1982, Việt Nam nâng Trường Sa lên thành huyện và trực thuộc tỉnh Đồng Nai (trước đó là xã Trường Sa thuộc huyện Đất Đỏ), sau lại sát nhập vào tỉnh Phú Khánh (12/1982).

Sau khi công ước Montego Bay vừa được công bố (tháng 10/1982), ngày 12/11/1982, Hà Nội đơn phương xác nhận "lằn ranh đỏ" trong công ước Constans (kinh tuyến Greenwich 108°03'18" Đông và vĩ tuyến 21°5' Bắc) là định mức phân chia lãnh hải 12 hải lý giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Phần. Tất cả các quốc gia tranh chấp trên Biển Đông cũng tuyên bố khu vực kinh tế độc quyền 200 hải lý ; kể cả Brunei, năm 1988, cũng tuyên bố chủ quyền 200 hải lý đến nhóm san hô Louisa.

Trong thời gian từ 1982 đến 1987, hải quân các quốc gia tranh chấp luân phiên chiếm đóng các đảo và bãi san hô trên quần đảo Trường Sa : Việt Nam làm chủ 27, Philippines 8, Mã Lai 4, Đài Loan 1, Trung Quốc 1. Tháng 3/1988 hải quân Trung Quốc tiến vào Trường Sa, bắn chìm hai tàu, gây hư hại một tàu khác và chiếm 6 đảo và bãi san hô, Việt Nam chỉ còn giữ 21 (9 đảo và 12 bãi san hô), tình trạng này cho đến nay vẫn không thay đổi. Ngày 16/12/1988, Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố lập trường chung về chủ quyền trên Biển Đông.

Để xác nhận vai trò của mình trên Biển Đông, ngày 26/03/1992 Trung Quốc ban hành một bản đồ mới về hải phận, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, và ngày 8/05/1992 mời công ty Crestone (Mỹ) vào dò tìm dầu khí trên 3 lô (133, 134 và 135) ngay trong khu vực kinh tế độc quyền và thềm lục địa Việt Nam, cạnh hai mỏ Thanh Long và Đại Hùng (lô 5/1) ngoài khơi Vũng Tàu. Trong vịnh Bắc Phần, tháng 8/1992, Trung Quốc đưa hai tàu vào lập dàn khoan.

Khi lệnh cấm vận vừa được bải bỏ, ngày 14/10/1994, Việt Nam mời Mobil Oil vào vịnh Bắc Phần dò tìm dầu khí và tháng 4/1996 mời Conoco dò ngay trên các lô của Crestone.

Chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa

Hoàng Sa và Trường Sa trước kia chỉ là hai quần đảo xa xôi với hàng chục đảo nhỏ (15 đảo có diện tích trên một hecta) và bãi san hô (hơn 20 bãi chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên), nguồn lợi kinh tế rất ít, thêm vào đó không có nguồn nước ngọt và mỗi năm chịu ít nhất 10 cơn bão lớn nên không ai đến lập nghiệp. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, chưa có quốc gia nào thiết lập cơ sở quản trị hay khai thác vững chắc trên các đảo. Nhưng từ đầu thập niên 1970 khi hay tin có nguồn dự trữ dầu khí khá lớn nằm sâu dưới lòng biển, tranh chấp chủ quyền liền nổ bùng và các quốc gia có chung vùng biển tranh nhau vào chiếm. Riêng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc là trầm trọng hơn cả, các lý do lịch sử, chính trị đều được đưa ra để xác nhận chủ quyền.

Sách Trắng của Trung Quốc (30/07/1979) nói rằng các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa, Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa, Việt Nam) đã được sử sách Trung Hoa nói tới từ thế kỷ 2 trước Tây lịch (nhà Hán). Năm 1909, Zhang Renjun, thống đốc Quảng Đông và Quảng Tây, sát nhập Hoàng Sa vào nhà Thanh, trực thuộc huyện Y AŒi Sằng (Yaxuan) tỉnh Hải Nam năm 1911, v.v..., nhưng cho đến 1945 chưa bao giờ đến dựng cơ sở.

Trong thực tế, không kể khoảng cách địa lý, Hoàng Sa đã thuộc triều Nguyễn từ thế kỷ 17 và được sát nhập vào phủ Quảng Nghĩa với danh xưng chung là Bãi Cát Vàng (Toàn tập Thiên Nam Tư chí Lộ đồ thư) và đội thuyền Hoàng Sa được thành lập để ra thu lượm hải sản, các thương thuyền Châu Âu qua lại thời đó cũng xác nhận điều này. Năm 1833 vua Minh Mạng sát nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và cho thủy quân ra dựng cột đá đánh dấu chủ quyền và lập hải đăng hướng dẫn tàu bè qua lại. Dưới thời Pháp thuộc, quần đảo Trường Sa mới được biết tới : ngày 9/06/1929 hai đảo lớn Spratly và Tempête (Trường Sa và Ba Bình) được sát nhập vào tỉnh Bà Rịa và toàn bộ quần đảo ngày 21/12/1933. Quần đảo Hoàng Sa được sát nhập vào Thừa Thiên ngày 15/06/1938. Từ đó trở đi, Pháp xây dựng hải đăng, cơ quan hành chánh và cộng sự phòng thủ trên các đảo lớn trên hai quần đảo này.

Thế chiến hai thay đổi tương quan lực lượng trên Biển Đông, hải quân Nhật Bản chiếm các cơ sở của Pháp trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và thành lập trạm tiếp liệu trên đảo Trường Sa (Spratly). Tháng 5/1946, Pháp chiếm lại Hoàng Sa (Pattle). Ngày 26/06/1946 quân đội Trung Hoa Dân Quốc, viện cớ giải giới quân Nhật ngoài khơi Biển Đông, chiếm một số đảo lớn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tuyên bố chủ quyền ; ngày 1/12/1947 Hoàng Sa đổi thành Tây Sa và Trường Sa là Nam Sa, và chỉ rút đi sau khi bị mất lục địa (tháng 10/1949). Đầu 1950, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lợi dụng quân đội Pháp rút ra khỏi Đông Dương và sự non nớt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ngày 15/03/1956 hải quân Philippines đổ bộ lên bảy hòn đảo thuộc nhóm Commodore, chiếm các đảo Ba Bình (Itu Aba) và Trường Sa (Spratly) và đổi tên quần đảo Trường Sa thành Freedomland. Không bỏ lỡ cơ hội, tháng 4/1956, hải quân Trung Quốc vào chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa (Amphitrite) gồm cùác cồn cát Tây và Nam (West & South Sand), các đảo Cây (Tree), Bắc, Trung, Nam, Phú Lâm (Woody), Linh Côn (Lincoln). Trên quần đảo Trường Sa, hải quân Đài Loan chiếm lại đảo Itu Aba (6/1956) và xung đột trực tiếp với Philippines trên một số đảo ở vùng Đông-Bắc ; hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra chiếm giữ nhóm đảo phía Tây và đảo Trường Sa (Spratly) tháng 8/1956 và sát nhập vào tỉnh Phước Tuy (10/1956).

Tháng 2/1958, Trung Quốc cử một số binh sĩ giả làm ngư dân đổ bộ lên dãy đảo phía Tây Hoàng Sa còn lại nhưng bị hải quân miền Nam bắt sống đem về Đà Nẵng. Phần còn lại phía Tây quần đảo Hoàng Sa được đổi tên thành xã Định Hải (13/07/1961) trực thuộc huyện Hòa Vang (Quảng Nam).

Trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, được sự hỗ trợ của hạm đội 7 Hoa Kỳ, hải quân miền Nam lần lượt chiếm lại các đảo lớn trên quần đảo Trường Sa (Spratly, An Bang, Loaita, Thitu, Sông Tử, Nam Yết...). Tuy vậy khi hay tin có dầu khí dưới thềm lục địa quần đảo Trường Sa, các quốc gia trong vùng liền nhảy vào chiếm đóng. Năm 1971, Mã Lai tuyên bố chủ quyền trên bốn đảo san hô phía Nam quần đảo Trường Sa và chỉ thực sự chiếm đóng từ sau 1983. Brunei, một tiểu vương quốc nhỏ trên đảo Borneo, cũng tuyên bố chủ quyền trên dãy Louisa Reef. Philippines, Đài Loan tiếp tục xác nhận chủ quyền trên toàn bộ quần đảo và tăng cường bảo vệ những đảo lớn đã chiếm.

Hiện nay chủ quyền trên quần đảo Trường Sa được phân phối như sau :

- Việt Nam làm chủ 6 đảo : An Bang (Amboyna), Song Tử Tây (South West Cay), Trường Sa (Spratly), Sinh Tôn (Sincowe), Nam Yết (Namyit), Sơn Ca (Sand Cay) và 16 bãi san hô : Đá Lát (Ladd Reef), Đá Tây (West London), Đá Giữa (Central London), Đá Thuyền Chài (Barque Canada), Đá Phan Vinh (Pearson), Bãi Tốc Gan (Alison), Đá Núi Le (Cornwallis South), Đá Tiên Nữ (Tennent), Đá Lớn (Great Discovery), Đá Len Đao (Landsdown), Đá Higen, Đá Grisan, Đá Núi Thị (Pethley), Đá Nam (South Reef), Phúc Tần-Huyền Trân-Quế Dương (thuộc nhóm Princes of Wales), Phúc Nguyên, Tư Chính và Vũng Mây (Bombay Castle).

- Trung Quốc chiếm đảo Thị Tứ và 9 bãi san hô : Chữ Thập (Fiery Cross), Châu Viên (Cuarteron), Johnson, Hughes, Caven, Eldad, Subi, East và Mischief.

- Philippines chiếm giữ 6 đảo : Song Tử Đông (North West Cay), Bến Lạch (West York), Thị Tứ (Thitu), Bình Nguyên (Flat) Vĩnh Viễn (Nansham), Loaita, và 2 bãi san hô : Commodore và Lankiam.

- Mã Lai làm chủ 4 bãi san hô : Kỳ Vân (Mariveles), Kiệu Ngựa (Ardasier), Hoa Lau (Swallow) và Royal Charlotte.

- Đài Loan : đảo Ba Bình (Itu Aba).

- Brunei : bãi Louisa Reef.

Trên quần đảo Hoàng Sa, tranh chấp chỉ xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi hiệp định đình chiến Paris vừa được ký kết (27/01/1973) và biết chắc Hoa Kỳ sẽ không can thiệp bằng quân sự, ngày 15/01/1974 hải quân Trung Quốc chiếm nhóm đảo Crescent phía Tây còn lại, gồm các đảo Hoàng Sa (Pattle), Hữu Nhật (Robert), Quảng AŒnh (Money), Duy Mộng (Drummond), Quang Hòa (Duncan), Tri Tôn (Triton), cồn Đá Bắc (North Reef), các bãi Gò Nổ (Didu Bank), Thủy Tệ (Neptuna), Quang Nghĩa (Jehangire), Châu Nhai (Bremen) và các bãi san hô : Đá Lồi (Discovery Reef), Bông Bay (Bombay), Chim Yến (Vuladdore) và Bạch Quy (Passu), và tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 20/01/1974.

Tháng 5/1980 Trung Quốc xây một đài kiểm báo trên đảo Linh Côn (Lincoln) để làm áp lực trong các buổi Hội thảo về khí tượng vùng II (Châu Á) tổ chức tại Genève tháng 6/1980 và Hội nghị về địa chất tổ chức tại Paris tháng 7/1980 ; tháng 6/1982 cho xây một đài tiếp nhận truyền hình trên đảo Phú Lâm (Woody) và một quân cảng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Đối với dư luận quốc tế chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đã giải quyết, nhưng đối với Việt Nam đây là một sự chiếm đóng bất hợp pháp.

Không phận Việt Nam

Không phận Việt Nam là sự tiếp nối của không phận Đông Dương có từ thời Pháp thuộc. Không phận này trên thực tế chỉ xuất hiện trong thế chiến hai khi không lực đồng minh được lệnh tấn công các căn cứ quân sự của Nhật trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Trước đó, mặc dù Pháp đã có hàng không dân sự nhưng vấn đề không phận không đặt ra vì các quốc gia trong vùng chưa có. Khi cuộc chiến Đông Dương lần đầu bùng nổ, không quân Pháp đã nhiều lần bay qua không phận của Trung Quốc dọc biên giới Việt Trung sau 1950 tấn công các căn cứ Việt Minh và gặp sự chống đối của Trung Quốc.

Từ sau 1956, khi Pháp chuyển giao hàng không dân sự và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, phi công Việt Nam mới bắt đầu làm quen với danh từ không phận. Nhưng không phận này là một không phận quân sự, đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của không lực Hoa Kỳ từ 1956 đến 1975, nhờ đó chưa bao giờ bầu trời Đông Dương được đo đạc chính xác với những kỹ thuật kiểm soát không lưu tối tân. Tại Việt Nam, không phận gắn liền với lãnh hải 12 hải lý.

Về hàng không dân sự, vì không phải là quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc để được cấp quyền kiểm soát không lưu quốc tế trong khu vực, nhưng do thừa hưởng qui chế của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - International Civil Aviation Organization) của Pháp nên Việt Nam Cộng Hòa vẫn được tiếp tục giao quyền kiểm soát không phân của mình. Đài kiểm soát không lưu tại phi cảng quốc tế Tân Sơn Nhứt đứng đầu tại Đông Nam Á và số hai tại châu Á, sau Nhật Bản. Địa bàn hoạt động của Vùng thông báo hướng dẫn bay Sài Gòn FIR-SGN (Flight Information Regional SaiGoN) rất rộng, mỗi ngày đài hướng dẫn khoảng 10.000 chuyến bay quốc tế quá cảnh và 3.000 chuyến bay nội địa.

Cũng nên viết Vùng Thông báo hướng dẫn bay là khoảng không gian bao trùm toàn cầu được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế vạch ra, chia thành nhiều vùng khác nhau và phân bổ lại cho các quốc gia để quản lý và khai thác thương mại. Bản chất của FIR là một khu vực để khai thác quyền thương mại, theo đó quốc gia được giao FIR sẽ cung cấp dịch vụ thông báo bay và điều tiết hàng không dân dụng trong vùng FIR mà mình quản lý. Mọi phương tiện bay hàng không dân dụng đều phải thông báo và trả phí sử dụng dịch vụ thông báo bay của quốc gia quản lý FIR. Hiện nay Việt Nam có hai vùng thông báo bay : FIR-HNN và FIR-HCM.

lanhhai2

Vùng thông báo hướng dẫn bay Sài Gòn FIR-SGN rất rộng, mỗi ngày đài hướng dẫn khoảng hàng ngàn chuyến bay quốc tế quá cảnh và chuyến bay nội địa

Sau ngày 30/04/1975, dụng cụ và máy móc của đài kiểm báo Tân Sơn Nhứt bị quân đội miền Bắc vào chiếm đóng đập phá và từ đó Việt Nam mất khả năng kiểm soát không phận của mình. Tháng 3/1978, Trung Quốc được Hội nghị hành chánh thế giới về kiểm báo không lưu tổ chức tại Genève giao khu vực 6G, thuộc FIR-CTN (Quảng Đông), tức vùng thông báo bay trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1979, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc và lớn tiếng xác nhận chủ quyền trên không và hải phận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; và được cơ quan ITU (International Telecommunication Union) quyết định chia FIR-SGN cũ thành bốn khu vực và giao cho Hồng Kông thay vì Quảng Đông hành lang phía Bắc (6G), Singapore hành lang phía Nam (6D), Thái Lan hành lang phía Tây (6E) và Philippines hành lang phía Đông (6F). Ngay tức khắc, ngày 23/07/1979, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc công bố "bốn khu vực nguy hiểm" phía Nam đảo Hải Nam, cùng địa bàn các FIR quốc tế dành cho khu vực, và yêu cầu các công ty hàng không quốc tế phải tôn trọng.

Tranh chấp về không phận giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong Hội nghị khí tượng khu vực châu Á tổ chức tại Genève tháng 6/1980, Việt Nam yêu cầu cơ quan WOM (World Meteology Organisation) công nhận đài khí tượng trên đảo Trường Sa (Spratly) trong khi Trung Quốc đề nghị đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Năm 1980, Việt Nam được chấp nhận vào nhóm cố vấn của ICAO và được ủy nhiệm cung tin tức về khí tượng cho các chuyến bay quá cảnh với một số tiền tượng trưng trên Hoàng Đạo (Amber 1), tức hành lang phía Bắc.

Từ đó chính quyền cộng sản Việt Nam đã không ngừng lên tiếng trong các hội nghị quốc tế về hàng không dân sự (viễn thông di động UIT-AMS tại Nairobi tháng 10/1982 và 10/1992, an ninh hàng không AS-APZ tại Singapore tháng 1/1983, INTELSAT tại Bangkok tháng 4/1983, khí tượng WMO tại Genève tháng 5/1983, v.v...) để giành lại quyền kiểm soát không phận và vùng thông báo bay của Sài Gòn cũ, tức trên toàn bộ Biển Đông, dưới áp lực của Trung Quốc.

Khi lệnh cấm vận vừa được giải tỏa (3/02/1994), Việt Nam được nhận làm hội viên ICAO và mời tập đoàn Thomson-CSF (Pháp) vào trang thiết bị lại toàn bộ Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu Tân Sơn Nhứt. Kể từ ngày 8/12/1994, Việt Nam chính thức tự đảm nhận kiểm soát không phận của mình với tên gọi FIR-HCM. Hiện nay mỗi ngày trung tâm FIR-HCM hướng dẫn và điều hành trên 3.000 chuyến bay/năm ngang qua không phận với số tiền 250 USD/chuyến. Việt Nam đang vận động ICAO công nhận vùng thông báo bay FIR-HNN (Hà Nội) trên hành lang phía Bắc (FIR-CTN) đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Ngày nay Việt Nam có một bờ biển dài trên 3.200 km từ thị xã Hà Tiên (Vịnh Thái Lan) đến làng Trà Cổ (vịnh Bắc Phần), hay từ vĩ tuyến 23°16' đến vĩ tuyến 8°30' Bắc, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, và một thềm lục địa 329.000 km2. Với một vị trí địa lý thuận lợi như vậy, Việt Nam phải là một quốc gia hàng hải, nhưng cho tới nay dân tộc Việt Nam vẫn là một dân tộc lục địa. Chúng ta đã trả một giá rất đắt cho sự thua kém này : không có một xưởng đóng tàu đi xa trên biển cả, không có một đội thương thuyền mạnh (chỉ đảm nhận 11% trọng tải cả nước 10 triệu tấn/năm), tiếng nói không có trọng lượng trong những hội nghị quốc tế về hàng không và hàng hải, và nhất là không đủ khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Thay vì dồn mọi cố gắng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ lo bảo vệ quyền lợi của họ, những hành vi vô trách nhiệm này không tha thứ được. Tổng số tiền mà đảng cộng sản Việt Nam đã biển thủ (hơn 20 tỷ USD) trong hơn 20 năm qua đủ để thành lập một lực lượng hải và không quân đủ sức bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Trước sự lấn lướt của Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam chỉ tránh né và cầu an. Các quốc gia phương Tây đã nhiều lần gợi ý giúp đỡ Việt Nam tăng cường hệ thống phòng thủ hải phận và không phận, nhưng Hà Nội từ chối hoặc chưa dám dứt khoát. Tâm lý lo sợ Trung Quốc, như các vua chúa Việt Nam xưa, vẫn còn đè nặng trên vai những người lãnh đạo đảng cộng sản.

Về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, vấn đề này chắc chắn phải đưa ra Tòa án công pháp quốc tế giải quyết trong một ngày gần đây, dựa trên sự chiếm hữu thực tế của từng quốc gia. Sự hiện diện của các quốc gia Đông Nam Á trên quần đảo Trường Sa có lẽ sẽ không thay đổi, nhưng tham vọng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa sự ổn định trong khu vực. Từ đây đến đó, chính quyền cộng sản Việt Nam phải, một mặt, củng cố sự hiện diện trên những vùng đất chủ quyền và, mặt khác, tiếp tục tố cáo trước dư luận quốc tế sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước cần theo dõi thật sát những diễn tiến trong khu vực để kịp thời lên tiếng trước dư luận quốc tế và làm áp lực buộc chính quyền cộng sản Việt Nam không nhượng bộ thêm nữa. Cộng đồng người Việt hải ngoại có thể tổ chức quyên góp quà phẩm và nhờ một tổ chức ONG quốc tế nào đó chuyển đến các chiến sĩ Việt Nam đang trấn đóng trên quần đảo Trường Sa để bày tỏ cảm tình, những người này đang gìn giữ từng mảnh đất quê hương trong những điều kiện rất khóù khăn.

Còn về Hoàng Sa, quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam không đòi lại được, các chính quyền dân chủ sau phải tiếp tục đòi. Chúng ta không xâm lấn lãnh thổ của ai nhưng cũng không để ai xâm chiếm lãnh thổ chúng ta. Chúng ta quyết tâm bảo vệ đất nước do cha ông để lại và giữ gìn cho con cháu.

Biển Đông là chặn đường cuối cùng của dân tộc Việt Nam trên đường mở rộng không gian sinh tồn về phía Đông. Đó là con mắt của Việt Nam mở ra thế giới và là địa bàn xây dựng chỗ đứng vẻ vang trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta muốn được xếp vào hạng những quốc gia có hạnh phúc trong thế kỷ tới.

Nguyễn Văn Huy

(hoàn tất tháng 9/1999)

Đọc thêm :

Lời mở đầu

Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc

Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung

Bài 4 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Nam

Bài 5 : Sự hình thành hải phận và không phận

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 1894 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)