Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

13/05/2018

1. Quan niệm về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

Nguyễn Văn Huy

Bài 1 :

Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

 

khonggian1

Không gian sinh tồn đầu tiên của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ làng xã, nhà cửa đều được bao bọc bởi những bức tường định vị khu vực sinh tồn của từng dòng họ hay từng gia đình 

 

Quan niệm về không gian sinh tồn

Nhiều người tự hỏi tại sao trong suốt cuộc Nam tiến người Việt không hề nghĩ đến việc tiến lên cao nguyên lập nghiệp hay chinh phục các hải đảo ngoài khơi ? Có thể trả lời rằng vì đó không phải là không gian sinh tồn đúng như quan niệm của người Việt xưa đã có. Cho tới một ngày gần đây dân tộc Việt Nam vẫn chỉ là một dân tộc lục địa, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước ở vùng đất thấp, tập trung vào những thành phố hay khu dân cư đông đúc, cạnh những dòng sông và vùng duyên hải. Núi rừng và biển cả, cho đến nửa cuối thế kỷ 20, chưa bao giờ hấp dẫn cộng đồng người Kinh.

khuvuc1

Quan niệm về không gian sinh tồn của người Việt xưa

Theo quan niệm của người Việt xưa, không gian sinh tồn là một không gian thuần chủng, nơi không có sự pha trộn giữa các giống nòi, đó là một không gian thuần túy của người Kinh. Trong suốt thời kỳ lập quốc, những cuộc hôn nhân dị chủng trong chốn vương triều, nhất là với những dân tộc khác văn hóa, rất khó được cung đình đương thời chấp nhận, và nếu vì bắt buộc thì phải được đền bù bằng những món quà đáng kể, chẳng hạn như liên minh quyền lực hay đất đai. Quan niệm này, một cách vô thức, vẫn còn tồn tại trong sinh hoạt chung của từng gia đình người Việt, nhất là tại những nơi có sự cộng cư với các chủng tộc khác.

Quan niệm về không gian sinh tồn, được thành hình từ năm 2224 trước công nguyên dưới thời vua Thuấn, đã được người Hán (Hoa), sau đó là người Kinh (Việt), chấp nhận như một nguyên lý tổ chức xã hội. Theo đó, không gian sinh tồn được chia thành năm ô vuông, mỗi ô tập trung một thành phần chủng tộc riêng biệt với một chỗ ở cố định ; khoảng cách giữa các ô là 500 dặm (khoảng 247 cây số).

- Ô vuông đầu tiên là "khu cấm thành", nơi cư trú của vị quân vương và các sinh hoạt triều chính ; ô này tuy không rộng lớn nhưng là khu vực trung tâm, nơi tập trung tối cao của ánh sáng văn minh và quyền lực.

- Ô vuông thứ hai là "khu hoàng thành", nơi các hoàng thân và công thần được ban phong đất đai để sinh sống và cai trị ; khoảng cách xa gần với khu vực trung tâm tùy thuộc sự tin cẩn của vị quân vương trong mục đích có thể trở về bảo vệ khu vực cấm thành nhanh nhất khi có loạn.

- Ô vuông thứ ba là "khu an bình", nơi sinh cư lập nghiệp của đại đa số quần chúng chủng tộc, hay có cùng nguồn gốc xuất thân (Kinh, Hán, Tạng), trên những vùng đất thấp trong lục địa, xa kinh đô và được cai quản bởi các quan chức hay lãnh chúa địa phương do triều đình ủy nhiệm.

- Ô vuông thứ tư là "khu vực cưỡng chấp", nơi sinh trú của những dân tộc không cùng giống nòi ở vùng ngoại biên : 300 trăm dặm đầu là khu vực trái độn, nơi sinh trú của những sắc dân "man" tiến bộ (các sắc tộc thiểu số hay các lân quốc thần phục triều đình, còn gọi là "thuộc man" hay "thuộc quốc") ; 200 dặm sau dành cho những tội phạm bị lưu đày biệt xứ, phải cộng cư và đồng hóa với những sắc dân man.

- Ô vuông sau cùng là khu vực "vô cương" hay "vô chủ", nơi không có cương thường đạo lý : 300 dặm đầu là nơi cư trú của những sắc dân "man" chưa thấm nhuần đạo lý của thánh hiền (Khổng Mạnh) còn rất hung hăng ; 200 dặm sau là khoảng trống, nơi sinh trú của các sắc dân không có chỗ ở nhất định (du mục) và những vùng đất chưa được biết tới.

Theo sự sắp xếp trên, người Hoa và người Việt chỉ có thể sinh trú trong một không gian thuần chủng, tập trung trong ba ô đầu, tức khu vực nội biên, chốn thị thành và những vùng đất thấp mà sinh hoạt kinh tế chính là trồng lúa nước và trao đổi nông phẩm. Núi rừng và biển cả thuộc hai không gian còn lại.

Tại Việt Nam, cho đến giữa thế kỷ 16, chỉ khu vực quanh đế đô Thăng Long mới hội đủ điều kiện áp dụng nguyên lý tổ chức xã hội trên. Thăng Long (Khu Ba Đình, trung tâm Hà Nội ngày nay) là khu vực cấm thành, khu vực sinh trú của thần dân quanh Thăng Long gọi là Kẻ Chợ. Các sắc tộc thiểu số ở miền thượng du Bắc Việt là những nhóm "thuộc man" sinh trú trong 200 dặm đầu của ô vuông thứ tư ; nơi sinh trú của họ được gọi là Kẻ Đông, Kẻ Bắc, Kẻ Tây và Kẻ Nam ("kẻ" theo nghĩa chữ nôm cổ là một làng hay một thị trấn, ở đây có nghĩa là người xa lạ ở ngoài vòng đai vương triều). Các sắc dân Bồn Man, Lão Qua hay Ai Lao cũng được xếp vào không gian này. Phần đất phía sau nơi sinh trú của họ là nơi đày ải những tội phạm biệt xứ.

khuvuc2

Bản đồ miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 19

Cũng nên biệt xứ là một tội chết, một loại án tử hình treo dành cho những tội phạm chưa đáng bị chém đầu nhưng không được sinh sống gần những người đồng chủng. Những tội phạm biệt xứ bị xóa tên trong các sổ danh bạ cung định và địa phương và không có hy vọng về lại quê quán cũ. Những tội phạm biệt xứ thường không thể sống lâu nơi chốn rừng thiêng nước độc, phần lớn chết vì đói khát, bệnh tật hay lao lực. Những người may mắn còn sống sót phải cộng cư và đồng hóa với những sắc dân man để tồn tại.

Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm liền đề nghị vua Lê Anh Tôn chấp thuận. Thuận Hóa đối với Thăng Long là khoảng sau của ô vuông thứ tư, tức vùng đất dành cho những người bị đày biệt xứ và là nơi sinh trú của những sắc dân không cùng giống nòi. Xin vào Thuận Hóa, đối với Trịnh Kiểm, là một hình thức đi đày biệt xứ ; đây cũng là một cách gián tiếp loại trừ một đối thủ hợp pháp. Trịnh Kiểm tin rằng Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng không thể tồn tại Thuận Hóa vì đất đai nơi đây nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt và bão tố triền miên.

Nhưng Nguyễn Hoàng đã không nghĩ vậy. Vào Thuận Hóa, đối với ông là để tránh xa kinh đô, tránh bị theo dõi để xây dựng một lực lượng riêng trong mục đích trở về lại kinh đô loại trừ đối thủ là chúa Trịnh. Đây là một khổ nhục kế để thực hiện những tham vọng riêng.

Nguyễn Hoàng cũng như những hoàng tôn thời đó không thoát khỏi khuôn mẫu Khổng giáo về không gian sinh tồn. Để hợp thức hóa không gian mới này, Nguyễn Hoàng tự nhận mình là chính thống và chọn làng Ái Tử làm khu vực trung tâm, những vùng đất khác là những không gian còn lại. Tuy chưa dám xưng vương, Nguyễn Hoàng tự cho mình là lãnh chúa vùng đất mới, được biết dưới tên chúa Nguyễn, một hình thức đối trọng với quyền lực chúa Trịnh đất Thăng Long.

Khi những giáo sĩ Công giáo đến vùng đất này truyền đạo, họ đặt tên vùng đất mới này là xứ Đàng Trong, theo cách gọi của cư dân địa phương, để phân biệt với xứ Đàng Ngoài của chúa Trịnh và cư dân miền Bắc. Cách gọi này là một hình thức tự nhận mình mới là những người chính thống (bên trong) của triều Lê, trong khi cư dân miền Bắc là những người ngoại thuộc, xứ Đàng Ngoài. Sự phân chia Nam-Bắc bắt nguồn từ đây.

Quyết định chọn Thuận Hóa làm nơi định cư mới của Nguyễn Hoàng đã không ngờ đã mở ra một cuộc Nam tiến lớn. Không gian sinh tồn của người Kinh đã cùng với thời gian không ngừng mở rộng về phía Nam. Từ 1600 trở đi, Nguyễn Hoàng và những di dân mới đã vận dụng toàn lực xây dựng không gian sinh tồn Thuận Hóa thành một trung tâm kinh tế, quân sự và chính trị hùng cường nhất khu vực.

Tại đây một vấn đề địa lý lại đặt ra, Nguyễn Hoàng và tùy tùng không thể tổ chức xã hội theo khuôn mẫu cũ như xứ Đàng Ngoài. Vì trải dài trên một dải đất hẹp, ba ô vuông đầu của không gian sinh tồn mới này buộc phải thích ứng với điều kiện địa lý tự nhiên của vùng đồng bằng eo hẹp duyên hải Bình Trị Thiên. Phần đất phía Tây trên dải Trường Sơn là những không gian ngoại thuộc ; từ đó đã nảy sinh các danh xưng về những "thuộc man" và "thuộc quốc" mới.

"Thuộc man" là những sắc dân ở cạnh "khu vực an bình" thần phục triều Nguyễn để được ban phong tước hiệu triều đình và trao đổi lương thực. "Thuộc quốc" là những lãnh thổ có tổ chức, có tôn ti trật tự vương quyền nhưng yếu kém hơn, do đó phải chịu thần phục để được che chở như Chiêm Thành, Láng Cháng, Vạn Tượng và Chân Lạp.

Khoảng đầu của ô vuông thứ tư, hay khu vực trái độn, được giới hạn ở ngoại vi các vùng đất thấp đã bình định tới dưới chân dãy Trường Sơn về phía Tây, nơi sinh trú của những "thuộc man" (các sắc tộc Thượng sinh sống trên Tây Nguyên và Lào) và những "thuộc quốc" (Chiêm Thành, Nam Bàn, Trà Lai và Chân Lạp).

Đằng sau khu vực trái độn là các vùng duyên hải chưa bình định ở phía Nam dành cho những kẻ bị đày biệt xứ chứ không phải những vùng rừng núi như ở miền Bắc. Tại đây, những người biệt xứ thường lấn chiếm không gian sinh tồn của người Chiêm Thành ở phía Nam để tìm lương thực. Người Chăm đã nhiều lần nổi lên chống lại triều Nguyễn, một phần vì muốn giành lại các vùng đất đã mất trước đó, một phần cũng vì bực tức những hành vi bất hảo của những tội phạm biệt xứ trong vùng trái độn.

Ô vuông thứ năm, "khu vực vô cương", là vùng rừng núi phía Tây các tỉnh miền Trung (Bình Trị Thiên-Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên), nơi sinh trú của những sắc tộc man (người Thượng) chưa được soi sáng bởi văn minh và văn hóa Khổng Giáo.

Trong "khu vực vô cương" này, cho đến cuối thế kỷ 19 ít có người Kinh nào dám tự ý phiêu lưu vào đây sinh cư lập nghiệp, kể cả những tội phạm biệt xứ. Nếu người Hán đã xây Vạn Lý Trường Thành ngăn chặn rợ Hung Nô thì người Kinh đã xây Tịnh Man Trường Lũy ngăn chặn người Thượng sinh sống dọc "khu vực vô cương" tràn xuống các vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Việc xây thành đắp lũy ngăn chặn sự tiếp xúc với những sắc dân không cùng văn hóa khác là phản ứng tự nhiên của những dân tộc đồng bằng, sống co cụm để bảo tồn sự thuần nhất của chủng tộc.

Quyết tâm ngăn chặn sự xâm nhập của những nhóm dân "man" đã được tiến hành trong suốt 350 năm, từ giữa thế kỷ 16 khi vua Lê Trang Tôn năm 1540 ủy nhiệm trấn quận công Bùi Tá Hán vào dẹp loạn Đá Vách (người Hré) phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, và chỉ chấm dứt vào tháng 4/1899 khi bị Pháp giải thể chính sách Sơn Phòng Trấn, một chương trình phòng thủ các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định do tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn thành lập năm 1869 thay thế Trấn Man của Lê Văn Duyệt năm 1804.

Nói tóm lại, trong suốt cuộc Nam tiến, từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, người Việt không hề có ý định lên Tây Nguyên hay thám hiểm biển cả để mở rộng không gia sinh tồn, những vùng đất sinh sống mới. Không gian sinh tồn của người Kinh chỉ quanh quẩn ở những vùng đất thấp trong châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, hay các vùng đồng bằng eo hẹp duyên hải miền Trung. Lãnh thổ Việt Nam chỉ thực sự mở rộng và ổn vững dưới sự cai trị của người Pháp sau 1884.

 

Quan niệm về lãnh thổ và ranh giới

Lãnh thổ và ranh giới nước Việt Nam được thành hình như thế nào qua các thời đại, ít có tài liệu Việt ngữ nào giải thích cặn kẽ. Từ thời lập quốc, chúng ta không rõ nước Văn Lang đã được hình thành như thế nào và lớn rộng tới đâu. Dưới thời Bắc thuộc, lãnh thổ Giao Châu dừng lại ở đâu là một dấu hỏi, còn trụ đồng Mã Viện cho đến nay không ai biết được dựng lên ở biên giới nào. Sang thời tự chủ, ranh giới giữa Đại Việt và các lân bang lại càng không rõ vì chinh chiến liên miên, lãnh thổ co giản tùy theo sự lớn mạnh của mỗi triều đại. Chỉ đến khi bị Pháp chiếm đóng và cai trị, Việt Nam mới có một một vị trí địa lý - chính trị ổn định.

Theo quan niệm xưa, lãnh thổ là một không gian nội vi thuần chủng với những khu vực ngoại vi đa chủng. Không gian thuần chủng (người Kinh) là một không gian cụ thể, tập trung quanh khu vực trung tâm trong ba ô vuông đầu, đặt dưới sự cai quản của một dòng vương hay một triều đại, có thể đo lường qua số lượng dân cư, đất canh tác và nguồn thuế thu nhập. Khu vực ngoại vi, hay "khu vực cưỡng chấp", là một không gian trừu tượng, rộng hẹp tùy theo ân đức của vị quân vương đối với các chủng tộc sinh sống trong đó. Chính sự lấn cấn giữa không gian cụ thể và không gian trừu tượng này mà ranh giới nước Việt xưa, từ thời tự chủ đến cuối thế kỷ 19, rất khó xác định.

Về định mức phân chia, lãnh thổ nước Việt xưa được chia làm hai loại : nội biên và ngoại biên. Nội biên là lằn ranh hành chánh phân chia lãnh thổ giữa các "khu vực an bình" với nhau ; ngoại biên là lằn ranh phân chia khu vực nội biên với nơi sinh trú của những sắc dân dị chủng ở hai ô vuông sau. Trong không gian thuần chủng, hay lãnh thổ nội biên, sự phân chia các khu vực hành chánh giữa các địa phương với nhau tương đối rõ ràng. Người ta thường lấy con sông, ao hồ, chân núi, gốc cây cổ thụ, viên đá tảng, bìa rừng, cây cầu cạnh thửa ruộng canh tác cuối cùng của một địa phương hay dòng họ làm định mức. Những lằn ranh này trong thực tế đã được tôn trọng một cách tự nhiên giữa các địa phương và các nhóm dân cư với nhau, triều đình đã chỉ hợp thức hóa để tổ chức thành đơn vị hành chánh như "thôn, làng, xã, huyện, phủ" khi một ngôi đình dựng lên. Trong "khu vực cưỡng chấp", hay lãnh thổ ngoại biên, tổ chức chính trị lúc đầu do quân đội nắm giữ, sau đó giao lại cho những người lãnh đạo địa phương khi trật tự và an ninh được vãn hồi. Tên các đơn vị hành chánh cũng khác : "sách, nguồn, tổng, châu, trấn" dành cho những khu vực nằm ở phần đầu ô vuông thứ tư do những nhân sĩ địa phương quản trị ; "nguyên, đạo, cơ" dành cho những địa danh ở phần sau do quân đội quản lý.

Về mặt chiến lược, các vùng đất ngoại biên thường được dùng làm vùng trái độn để ngăn chặn các cuộc xâm lăng đến từ bên ngoài vào khu vực trung tâm. Do không đủ khả năng chi phối các sắc dân sinh sống bên ngoài lãnh thổ ngoại biên, triều đình Việt Nam thường cảm hóa những sắc dân không cùng văn hóa và chủng tộc sống trên lãnh thổ ngoại biên để nhận sự thần phục, đổi lại họ được bảo vệ, ban phong tước vị, giúp đỡ vật chất và có nhiệm vụ thu thuế và báo cáo về khu vực trung tâm những cuộc điều binh khả nghi. Chính sách này dưới triều Lê có tên là "dĩ man trị man" (dùng người địa phương cai trị người địa phương), dưới triều Nguyễn được gọi là "nhu viễn" (cảm hóa người phương xa).

Tại miền Bắc, nơi sinh trú của những sắc dân miền núi nằm giữa các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) và vùng Thượng Du, cao nguyên Hòa Bình, trước kia là khu vực trái độn với các triều đại Trung Hoa. Tại miền Trung, vùng núi rừng từ phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung đến tả ngạn sông Mékong là khu vực trái độn với Xiêm La và Chân Lạp. Trong cuộc Nam tiến, sự có mặt của người Kinh tại đồng bằng duyên hải miền Trung không diễn ra ồ ạt ngay khi người Chăm vừa tặng đất hay mất đất, nó tiến cùng nhịp với thời gian khi số lượng người Kinh "di dân khẩn thực" vừa đủ đông để thành lập một đơn vị hành chánh ; trước đó các vùng đất này chỉ là những khu trái độn, nơi xảy ra các cuộc tranh chấp với Chiêm Thành. Vì là những vùng đất thấp, thích hợp với nghề trồng lúa nước và sự đi lại khá dễ dàng, các khu trái độn duyên hải miền Trung dần dần trở thành "khu vực an bình" theo đà suy kiệt của vương quốc Chiêm Thành.

Trong "khu vực vô cương", lằn ranh rất khó xác định. Đối với người Kinh, đây là những vùng đất dữ (ác địa), nơi chưa được soi sáng bởi đuốc văn minh (Khổng Giáo), do đó không ai dám vào khai thác hay tiếp xúc, càng tránh xa bao nhiêu càng tốt. Chính vì e ngại chốn rừng thiêng nước độc, non cao hiểm trở này mà trong suốt thời kỳ lập quốc cho đến khi bị Pháp đô hộ, "khu vực vô cương" (thượng du Bắc Việt và Tây Nguyên) vẫn còn là những vùng đất vô chủ.

Do không có một ý niệm rõ ràng về lằn ranh phân chia địa giới, nhiều danh xưng được đặt ra với những nội dung mơ hồ. Khu vực giáp ranh với một lân bang được gọi là "biên cương", "cương dịch", "biên thùy" hay "biên viễn" ; khu vực ngoại biên có tên "biên cảnh", "biên viên" ; các vùng nội biên gọi là "biên bỉ", "biên địa", "biên duệ", "biên ngung", "biên tuyến" v.v... "Biên" chỉ là lằn ranh phân chia hai khu vực. Khi bị người phương Tây chiếm đóng, các dân tộc Á Châu, trong đó Việt Nam, mới có một khái niệm rõ ràng về lãnh thổ và biên giới quốc gia. Ngày nay danh từ "biên giới" được hiểu là lằn ranh ấn định giới hạn địa lý của một hay nhiều khu vực hành chánh, chính trị, kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trong cùng một quốc gia hay với nhiều lân bang. Những biên giới này có một căn bản pháp lý vững chắc dựa trên những văn kiện chính thức do quốc hội hay chính quyền địa phương ban hành, trên phương diện quốc tế đó là những hiệp ước song phương hay đa quốc. Mỗi biên giới có những vị trí cố định, có thể nhận diện qua những cột mốc và đo đạc được.

Các vùng biên giới Việt Nam hiện nay đều do người Pháp thay mặt triều định Huế ký với các lân bang từ cuối thế kỷ 19 và tu bổ dần qua những hiệp ước song phương. Biên giới này ổn vững trong gần 70 năm, nhưng từ giữa thập niên 1970 trở đi các cuộc tranh chấp đất đai trên bán đảo Đông Dương và ngoài khơi Biển Đông, tính cách pháp lý của những biên giới phân chia các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đang bị đặt lại. Riêng đối với Việt Nam, các sách sử và địa lý của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Kampuchea thường diễn giải sai lạc các lằn ranh và lãnh hải của Việt Nam có từ thời Pháp thuộc, trong khi về phía Việt Nam chúng ta gần như nắm rõ sự hình thành các vùng biên giới của mình.

 

Quan niệm về công dân và quốc tịch

Ngày nay công dân và quốc tịch là hai khái niệm không thể tách rời nhau. Trên một khía cạnh nào đó, công dân thuộc lãnh vực nội biên và quốc tịch thuộc lãnh vực ngoại biên. Trong một quốc gia, công dân là những người có đầy đủ tư cách pháp lý, bất kể nguồn gốc chủng tộc, sinh sống hợp pháp trong một quốc gia hay trên một lãnh thổ có chủ quyền. Quốc tịch chỉ là sự xác nhận tư cách pháp lý đó với người ngoài. Tùy trình độ dân trí và tổ chức xã hội của mỗi quốc gia mà quyền công dân phát triển khác nhau trong khi quốc tịch không thay đổi. Công dân là một quyền pháp lý và chính trị, quốc tịch chỉ là một thủ tục hành chánh.

Quan niệm về công dân này khác với quan niệm của các xã hội Châu Á xưa, theo đó tư cách pháp lý của một công dân được xác định qua sự thần phục một triều vương, gọi là "thần dân". Những "thần dân" này có thể cùng chủng tộc, tiếng nói, phong tục tập quán nhưng cũng có thể khác hoàn toàn miễn sao thần phục một triều vương là đủ. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam ngày xưa phân biệt hai loại thần dân : thần dân nội biên và thần dân ngoại biên. "Thần dân nội biên" là những người có cùng nguồn gốc chủng tộc, tiếng nói, phong tục tập quán và đóng thuế cho triều đình ; "thần dân ngoại biên" hay "thuộc man" là những người khác chủng tộc, tiếng nói, phong tục tập quán nhưng chịu thần phục triều đình và cống phẩm vật. Người nào ở trong hoặc cạnh khu vực an bình không nộp thuế hay không triều cống phẩm vật, không biết ai cai trị mình, tư cách "thần dân" của người đó không được công nhận, nghĩa là bị bạc đãi và hành hạ. Vùng đất nào chưa tiếp nhận ánh sáng văn minh (Khổng Giáo), vùng đó vô chủ, cần phải tránh xa. Tuy nhiên cũng không thể khẳng định vùng đất nào vô chủ hoàn toàn khi có người sinh trú tại đó, do đó mỗi triều vương đều cố gắng mở rộng tối đa ảnh hưởng của mình để lôi kéo các khu vực còn tăm tối vào ánh sáng khu vực trung tâm hay thu phục những sắc dân sinh sống ở khu vực ngoại biên để tư cách "thần dân" được công nhận và cũng để bảo vệ khu vực trung tâm khi có loạn lạc.

Về quốc tịch, người Việt Nam hay người Trung Hoa ngày xưa thường xác nhận mình là "thần dân" của một triều đại, bề tôi của một vị vương, chứ ít khi xác nhận mình là người "nước Bắc" (Trung Hoa) hay người "nước Nam" (Việt Nam). Mỗi lãnh thổ đều có một danh xưng riêng nhưng người ta thường lấy tên một triều đại để xác nhận "quốc tịch" của mình vào thời điểm đó, vì trong một lãnh thổ có thể có nhiều triều đại cai quản khác nhau. Chẳng hạn như Trung Quốc có nước Ngô, nước Sở, nước Thục, v.v... Đại Việt có nhà Mạc, nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, Tây Sơn. Vấn đề quốc tịch như chúng ta hiểu ngày nay không đặt ra bởi vì quốc gia ngày xưa đồng nghĩa với triều đại, đất nước là của riêng của một dòng vua ; bảo vệ một quốc gia là bảo vệ một triều đại, một vị vua ; từ bỏ một vị vua hay một triều đại là từ bỏ một quốc gia. Khi một triều đại sụp đổ, tư cách pháp lý này mất theo, các "thần dân" cũ nếu thần phục chủ nhân mới thì được coi là "thần dân" của triều đại mới. Quốc tịch của người Việt xưa chính vì vậy rất giản dị, một người bỏ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào đầu quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong, quốc tịch của người đó liền được công nhận.

Sở dĩ có sự giải thích dài dòng như trên chỉ vì muốn chứng minh sự mở rộng bờ cõi lãnh thổ của người Việt Nam hoàn toàn dựa trên những quan niệm xưa. Quan niệm về không gian sinh tồn thuần chủng của người Việt xưa loại hẳn những sắc tộc sinh sống cùng lãnh thổ ra khỏi vòng đai xã hội, các sắc tộc "ngoại biên" đã từng góp công góp sức trong suốt thời kỳ lập quốc và kiến quốc nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận như là những "thần dân" (hay "công dân" theo nghĩa ngày nay) trọn vẹn. Ý niệm về lằn ranh và lãnh thổ của người Việt xưa cũng rất trừu tượng, trong quá khứ mỗi khi bị lâm nguy tổ tiên chúng ta thường tập trung bảo vệ khu vực trung tâm và vòng đai chủng tộc mà bỏ rơi các vùng "ngoại biên" (năm 1975 miền Nam sẵn sàng bỏ Tây Nguyên để bảo vệ đồng bằng), chính vì vậy Việt Nam chưa bao giờ là một nước lớn mặc dù luôn tự cho mình là nước lớn đối với các lân bang yếu kém.

Ngày nay một số quan niệm xưa vẫn còn tồn đọng trong tâm lý của mỗi người Việt, các ý niệm về lòng yêu nước và sự toàn vẹn lãnh thổ không vượt quá không gian sinh tồn và chế độ đang sống (khu vực trung tâm) ở vùng đất thấp. Năm 1974, giữa lúc cuộc chiến tranh Nam-Bắc đang tới hồi quyết liệt, hải quân Trung Quốc tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa, toàn thể nhân dân miền Nam đau khổ trong khi miền Bắc dửng dưng. Sau khi chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ miền Nam, giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc cũng không hề lớn tiếng đòi lại chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và chỉ khi Trung Quốc tiến chiếm nhiều hòn đảo trên quần đảo Trường Sa lúc đó mới có phản ứng, nhưng rất yếu ớt. Khơi lại một vết thương không ai mong muốn nhưng phải khơi lại để nhắc nhở mọi người biết quí từng tấc đất của tổ tiên mà ra công bảo vệ.

Sức mạnh của một quốc gia ngày nay không phải do có vật chất dồi dào và vũ khí tối tân, mà là sự đồng thuận dân tộc. Sự đồng thuận này chỉ có thể có trong một xã hội tôn trọng tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau giữa mọi công dân, nghĩa là chỉ có trong một chế độ tự do dân chủ. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay nay không thể đem lại đồng thuận đó, ý thức hệ và cách tổ chức xã hội cộng sản không những duy trì những quan niệm cũ về không gian sinh tồn mà còn đóng chặt những cánh cửa mở ra những chân trời mới. Với trào lưu tiến hóa của thời đại, thay đổi chế độ độc tài cộng sản là điều có thể làm nhưng thay đổi một tâm lý "đóng cửa" đã từ lâu rỉ sét trong quan niệm sống của người Việt không phải dễ và cũng không thể thực hiện ngay tức khắc. Dù sao, ý thức được vấn đề cũng đã là một bước tiến quan trọng, nhất là cho những người còn quan tâm đến tương lai đất nước.

Nguyễn Văn Huy

(09/1999)

Đọc thêm :

Lời mở đầu

Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc

Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung

Bài 4 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Nam

Bài 5 : Sự hình thành hải phận và không phận

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 1817 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)