Bài 5 :
Sự hình thành lãnh hải và không phận
Đảo Trường Sa là lãnh thổ nối dài xa nhất của Việt Nam ra Biển Đông
Thuyền nhân Việt Nam trên đường vượt biên mỗi khi thấy tàu buôn quốc tế qua lại trên Biển Đông liền reo hò mừng rỡ vì cho rằng đã ra được hải phận quốc tế. Lạc quan này đúng nhưng danh xưng thì không. Tàu thuyền quốc tế mà thuyền nhân đã gặp đang di chuyển trong "khu vực kinh tế độc quyền" (Exclusive Economic Zone - EEZ) của Việt Nam chứ không làm gì có hải phận quốc tế. Sự kiện này cho thấy, không riêng gì người Việt, phần lớn các dân tộc Đông Nam Á có chung vùng biển đều rất mù mờ về nội dung các qui định về hải phận, lại càng mơ hồ hơn về không phận.
Tại Việt Nam, hải và không phận càng được nhắc tới nhiều hơn khi bầu trời và vùng biển không ngừng bị xâm phạm bởi các phe lâm chiến từ 1960 trở đi và trầm trọng hơn trong những năm gần đây. Nắm lại quá trình hình thành của hải và không phận Việt Nam, cùng những nội dung công pháp quốc tế của nó trong lúc này, sẽ giúp người Việt có một cái nhìn rõ hơn về chủ quyền nước mình đồng thời để bảo vệ trước dư luận quốc tế.
Quá trình hình thành hải và không phận quốc tế
Hải và không phận là hai phạm trù được khai sinh từ các quốc gia phương Tây khi các phương tiện di chuyển trên biển và trên không ngày càng phát triển. Theo định nghĩa, hải phận là chủ quyền quốc gia trên biển và không phận là chủ quyền trên không trung. Nội dung hai cụm từ này không ngừng được tu bổ theo thời gian và hoàn toàn lệ thuộc vào các qui định quốc tế để giải quyết các tranh chấp bằng đường lối hòa bình.
Trong thực tế, biển cả là một khu vực địa lý rộng lớn, luôn luôn chuyển động, rất ít hay không có điểm tựa vật chất cố định để làm cơ sở ấn định lằn ranh cụ thể. Người ta thường lấy yếu tố lục địa, nơi chủ quyền quốc gia được xác định làm căn bản, để từ đó kéo ra ngoài khơi theo những qui định cho phép của các công ước hàng hải quốc tế, rồi bằng những điểm tựa vật chất trên biển (núi ngầm, hố thẳm, bãi san hô, v.v...) hay những đường thẳng trừu tượng (kinh tuyến, vĩ tuyến) ấn định không gian chủ quyền. Không phận chỉ giản dị là biên giới trên đất liền và trên biển ở trên trời. Do không tìm được đồng thuận về chủ quyền, các quốc gia có chung bầu trời và vùng biển thường xuyên tranh chấp lẫn nhau, những công ước quốc tế về hàng hải và hàng không được ra đời nhằm giải quyết những tranh chấp đó trong hòa bình.
Từ thế kỷ 15, người phương Tây đã thiết lập nhiều bản đồ các vùng biển trên thế giới mà tàu thuyền của họ qua lại. Từ thế kỷ 16, nhất là từ sau khi phát minh ra các đường thẳng trừu tượng (kinh tuyến và vĩ tuyến), các bản đồ hải hành ngày càng chính xác và việc phân chia lãnh hải bắt đầu xuất hiện. Tham vọng bá quyền thì vô hạn nhưng biển cả có giới hạn, tranh chấp ảnh hưởng và quyền lợi giữa các cường quốc hàng hải với nhau thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho tất cả mọi phe. Trong bối cảnh đó, công ước Paris được ra đời năm 1856 nhằm qui định các luật lệ về hải chiến và ấn định lãnh hải (mer territorial) của mỗi quốc gia là 3 hải lý, đó cũng là giới hạn tầm bắn tối đa của súng đại bác. Với thời gian, nhiều công ước khác được ra đời nhằm tu bổ và cải tiến những qui định có trước về hàng hải, lãnh hải (mer territorial) và hải phận (espaces maritimes). Ủy ban hàng hải quốc tế năm 1897 ban hành khoảng 20 công ước về luật hàng hải, hạn chế một số đòi hỏi quá trớn trên biển cả ; hội nghị La Haye lần thứ hai năm 1907 xác định lại một số luật lệ về hải chiến.
Từ sau 1945, nhiều công ước và tổ chức hàng hải quốc tế khác được ra đời nhằm cải thiện các luật lệ về hải hành, quyền đánh cá và chủ quyền quốc gia trên biển cả, theo đó lãnh hải và khu vực tiếp giáp (zone contigue) được nới rộng 12 hải lý, thềm lục địa 200 hải lý. Sự nới rộng này gây nhiều tranh chấp giữa các quốc gia có chung một vùng biển. Một hội nghị quốc tế về quyền biển cả, do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève năm 1958, ban hành bốn công ước mới về : lãnh hải, quyền đi lại trên biển cả, quyền đánh cá và quyền bảo vệ tài nguyên trên biển và thềm lục địa. Tranh chấp vẫn tiếp tục vì các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nhất là các quốc gia Nam Mỹ vì không có thềm lục địa, đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc xét lại về các luật lệ về biển cả. Một cuộc thảo luận kéo dài gần mười năm được tổ chức tại vịnh Montego Bay (Jamaique), từ ngày 3/12/1973 đến 10/12/1982, cho ra đời một công ước mới, gọi là công ước Montego Bay, và có hiệu lực bắt đầu ngày 16/11/1994.
Nội dung công ước Montego Bay không khác gì công ước Genève 1958, nhưng khu vực kinh tế độc quyền được nới rộng 200 hải lý. Ngày nay hầu hết các quốc gia có bờ biển đều thừa nhận những điều khoản ghi trong công ước này. Tàu thuyền quốc tế có quyền đi lại tự do trong khu vực kinh tế độc quyền và trên thềm lục địa 200 hải lý (mà đa số người Việt lầm tưởng là hải phận quốc tế), nhưng không được khai thác kinh tế. Khi có tranh chấp về chủ quyền trên biển cả các phe lâm cuộc phải giải quyết bằng thương lượng, mọi hành vi quân sự đều bị lên án ; khi vấn đề thực sự bế tắc thì các phe tranh chấp có thể nhờ Tòa án công pháp quốc tế hay Hội Đồng Liên Hiệp Quốc phán xét.
Từ 1982 đến 1994, các quốc gia tranh chấp đều tranh thủ tối đa khu vực kinh tế độc quyền trên biển cả (hải đảo, quần đảo, bãi san hô, đá ngầm...) trước thời hạn để chủ quyền được công nhận. Việt Nam phê chuẩn công ước Montego Bay ngày 25/07/1994, Trung Quốc ngày 15/05/1996 ; măc dầu vậy tranh chấp giữa các quốc gia về khu vực kinh tế độc quyền trên Biển Đông vẫn còn tiếp diễn.
Về không phận, phạm trù này cho đến nay vẫn còn rất mới. Mới là vì các phương tiện di chuyển trên không, xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, chỉ phát triển mạnh từ sau đệ nhị thế chiến và các công ước về hàng không chỉ mới hiệu lực từ 50 năm trở lại đây. Việc xác nhận chủ quyền trên không lúc đầu chỉ đặt ra giữa các quốc gia phương Tây, vì nói đến không phận là nói đến các loại phương tiện di chuyển trên không mà chỉ một số ít quốc gia phát triển độc quyền sản xuất. Công ước Paris năm 1919 dành cho các quốc gia thắng trận trong thế chiến I nhiều ưu đãi về hàng không. Năm 1928, các quốc gia Liên Mỹ họp tại La Havane cho ra đời một công ước khác, tu bổ công ước Paris, và năm 1933 trở thành công ước tổng quát về hàng không quốc tế.
Trong thế chiến hai, ngành hàng không dân sự Hoa Kỳ phát triển vượt bực. Ngày 7/12/1944, Hoa Kỳ triệu tập một hội nghị quốc tế về hàng không tại Chicago cho ra đời một công ước mới, gọi là công ước Chicago (có hiệu lực kể từ ngày 7/04/1947), hủy bỏ công ước Paris và La Havane, công nhận các hiệp ước song phương về hàng không, thành lập thỏa ước về dịch vụ chuyên chở hàng không quốc tế, thỏa ước chuyên chở hàng không quốc tế và tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO-International Civil Aviation Organisation). Từ đó đến nay, dựa theo các điều khoản ghi trong các công ước Genève 1958 và Mantego Bay, tổ chức ICAO không ngừng cập nhật hóa để thiết lập các hành lang chuyên chở hàng không dân sự quốc tế thêm phần chính xác và an toàn, nghĩa là tôn trọng lãnh hải 12 hải lý và khu vực kinh tề độc quyền 200 hải lý của mỗi quốc gia. Ngày nay hầu như các quốc gia có không phận hay phương tiện chuyên chở hàng không dân sự đều gia nhập ICAO.
Sở dĩ phải nhắc lại quá trình hình thành và nội dung các công ước quốc tế về biển cả và trên không vì Pháp là một trong những cường quốc đã khởi xướng, thành lập và gia nhập các công ước đó đồng thời cũng đem các thuộc địa hay các quốc gia đặt dưới quyền bảo hộ vào theo, trong đó có Việt Nam. Sau 1954, hai miền Nam Bắc Việt Nam thừa hưởng toàn bộ những ký kết dưới thời Pháp thuộc về biên giới, trong đó có cả hải và không phận, và không ngừng thay đổi từ sau 1956.
Lãnh hải Việt Nam
Tại Việt Nam, từ thời lập quốc cho đến trước khi bị Pháp thuộc, mặc dù một phần lớn lãnh thổ nằm dọc một bờ biển dài, chưa lần nào các triều vương Việt Nam đề cập đến vấn đề chủ quyền trên biển cả. Cho đến cuối thế kỷ 19, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia lục địa. Chỉ sau khi mất chủ quyền vào tay người Pháp (1884), triều đình Huế mới bắt đầu làm quen với các danh xưng "lãnh hải" (mer territorial), "vùng nước chủ quyền" (eaux territoriales), v.v... nhưng hoàn toàn không có một vai trò nào trong việc ấn định lằn ranh hay ký kết các văn kiện quốc tế. Tuy vậy, với thời gian, người Việt cũng đã quen dần với những khái niệm liên quan đến biển cả và đã ứng xử phù hợp với các tập tục hàng hải quốc tế từ sau ngày độc lập.
Trong quá khứ, các cuộc thủy chiến với Trung Hoa và Chiêm Thành chỉ xảy ra dọc các bờ biển ; người Việt cũng đã nhiều lần dùng thuyền tiến xuống phía Nam dẹp loạn hay tìm đất mới nhưng chưa bao giờ dám ra xa ngoài khơi thám hiểm. Dân cư sinh sống dọc các bờ biển đa số sống bằng nghề nông, chỉ một số ít hành nghề đánh cá và khai thác hải sản nhưng cũng chỉ đánh bắt gần bờ vì không nắm vững kỹ thuật sản xuất tàu thuyền đi xa và đi lâu trên biển cả. Thêm vào đó, một niềm tin xa xưa cho rằng ngoài khơi là nơi sinh trú của các loại thuồng luồng và hải ngư khổng lồ, xa cách bờ quá 20 dặm (10 cây số) là chết mất xác. Khi gặp xác cá voi trôi vào bờ, dân chúng địa phương liền tổ chức cúng bái, chôn cất tử tế và đôi khi còn chịu tang, tục lệ này cho đến nay vẫn còn. Biển cả quá bao la, con người thì yếu đuối, sợ biển là một lẽ tự nhiên. Điều này cũng dễ hiểu vì tất cả những tai ương do bão táp, lũ lụt gây ra đều từ ngoài khơi mang vào, đó là chưa kể nạn hải tặc và quân xâm lăng từ ngoài khơi thường vào đất liền đánh phá.
Đọc lại sử xưa, chỉ có một lần nói đến "chủ quyền" ở dọc bờ biển. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên 1848 (quyển 104), năm 1832 (nhâm dần) vua Minh Mạng từ chối lời đề nghị của thống đốc Quảng Châu cho phép tàu thuyền nhà Thanh vào vịnh Bắc Phần tảo thanh cướp biển người Hoa đang lộng hành trong vùng. Mặc dầu vậy, thủy quân nhà Thanh vẫn tiến vào săn lùng, một số cướp biển người Hoa trốn vào các đảo lánh nạn hay giả làm ngư dân lẫn trà trộn trong các làng người Việt dọc bờ biển ; quan quân nhà Nguyễn đã đuổi tất cả ra khỏi huyện Văn Đồng năm 1833. Trên thực tế, đây chỉ là một biện pháp giữ gìn an ninh chứ không phải để bảo vệ chủ quyền trên biển.
Cũng nên nói thêm là trong số gần một trăm hòn đảo trong vịnh Bắc Phần (ngày nay thuộc tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng), chỉ trên hai mươi đảo có diện tích lớn và nguồn nước ngọt, số còn lại là những đảo hoang nhỏ hẹp, núi non hiểm trở. Theo thông lệ, cứ sau mỗi mùa biển động (tháng 10) ngư dân Việt và Hoa cư ngụ dọc bờ biển Quảng Ninh và Quảng Đông thường đổ bộ lên một số đảo lớn trong vịnh Bắc Phần dựng chòi và đánh bắt hải sản, đến đầu mùa khô (tháng 2) thì lại kéo nhau về đất liền để chờ mùa thu sau trở lại. Đến giữa thế kỷ 17, các đảo này trở thành sào huyệt của những nhóm binh sĩ chống lại nhà Thanh, về sau đã trở thành cướp biển. Nghề cứớp biển có lẽ đã mang lại lợi lộc nhiều hơn nghề đánh cá nên ngư dân địa phương gia nhập vào các đoàn cướp biển rất đông ; tình trạng này kéo dài cho đến hết thời nhà Nguyễn. Nguyễn Huệ đã từng thu dụng các toán cướp biển người Hoa này đánh Nguyễn Ánh, và ngược lại Nguyễn Ánh cũng chiêu mộ các nhóm cướp biển trong vịnh Thái Lan chống lại Tây Sơn ; trong những năm cuối trào triều đình Huế đã nhờ các toán hải tặc trong vịnh Bắc Phần chống lại quân Pháp.
Trong vịnh Bắc Phần, điều 2 trong công ước Constans, ký với nhà Thanh ngày 26/06/1887, ấn định vùng nước phân chia giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ tại kinh tuyến (Greenwich) 108°03'18" Đông và vĩ tuyến 21°5' Bắc, đây là lằn ranh phân chia "vùng nước lịch sử" chứ chưa phải là lãnh hải. Những hòn đảo từ Trà Cổ trở xuống được sát nhập vào lãnh thổ các kỳ ; hải quân Pháp xây đồn, lập căn cứ, xây đài khí tượng, hải đăng trên các đảo để hướng dẫn tàu bè qua lại ; đồng thời cũng để kiểm soát sự qua lại của thuyền trong khu vực và cũng để ngăn ngừa hải tặc và dân buôn lậu.
Năm 1929, dựa theo các công ước hàng hải quốc tế mà Pháp đã ký, lãnh hải của các "kỳ" được ấn định từ mực nước thấp ở bờ biển ra khơi là 3 hải lý và năm 1936 nới rộng ra 10 hải lý. Các đảo nằm xa ngoài khơi như Phú Quí, Côn Đảo, Thổ Chu... lần lượt được sát nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ.
Trong vịnh Thái Lan, ngày 31/01/1939, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ban hành công văn phân chia lãnh hải giữa Cmbodge và Nam Kỳ, gọi là "lằn ranh Brévié", theo đó tất cả hải đảo và vùng biển nằm dưới đường thẳng song song với vĩ tuyến 10°4' Bắc tới kinh tuyến 104°30' Đông, sau đó theo hướng Tây Bắc đến vĩ tuyến 10° Bắc và kinh tuyến 105°20' Đông, tức từ đất liền (Hà Tiên) ra cách đảo Phú Quốc 3 cây số về hướng Bắc, thuộc Nam Kỳ.
Dựa theo công ước Genève 1958 về hàng hải, năm 1964 chính phủ Việt Nam Công Hòa nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý, định mức này áp dụng cho tất cả các đảo thuộc chủ quyền miền Nam ngoài khơi Biển Đông ; năm 1965 thềm lục địa được nới rộng ra 12 hải lý, gọi là khu vực tiếp giáp hay kinh tế độc quyền. Năm 1972, sau khi phát hiện có dầu khí ngoài khơi Biển Đông, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền trên thềm lục địa ở độ sâu 200 thước và khu vực độc quyền đánh cá 62 hải lý. Trong cùng thời gian, trong vịnh Thái Lan, chính quyền miền Nam tuyên bố chủ quyền trên một số hải đảo phía Bắc lằn ranh Brévié (hòn Phù Du, hòn Nước, đảo Vai), khu vực mới này được lực lượng hải quân ngày đêm tuần tiểu bảo vệ vì bắt đầu có tranh chấp với Kampuchea. Cuộc Đông tiến này bị ngừng lại sau ngày 30/04/1975, miền Nam lọt vào tay quân đội cộng sản miền Bắc.
Tranh chấp tại Hoàng Sa và Trường Sa
Tại miền Bắc, trong suốt thời gian từ 1954 đến 1975, chính quyền Hà Nội, do tập trung mọi cố gắng để chiếm miền Nam, đã im lặng trước các vấn đề về lãnh hải và hải phận của miền Nam và của Việt Nam nói chung. Ngày 14/091958, thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, gởi thủ tướng Chu ên Lai một văn thư với nội dung như sau : "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể" (nguyên văn). Cũng nên biết trong tuyên bố này, hải phận Trung Quốc bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngay sau khi hiệp định ngừng chiến vừa ký kết tháng 1/1973 tại Paris, Hà Nội mời gọi các công ty dầu khí quốc tế dò tìm trong vịnh Bắc Phần, nhưng lằn ranh phân chia vùng nước trong vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa rõ ràng nên phải trì hoãn. Ngày 26/12/1973, Hà Nội đề nghị với Bắc Kinh mở lại các cuộc thương lượng về việc phân chia lãnh hải chính thức giữa hai nước nhưng Trung Quốc cứ chần chờ. Thình lình, ngày 15/01/1974, hải quân Trung Quốc tiến vào quần đảo Hoàng Sa chiếm các quần đảo phía Tây còn lại (Croissant) và tuyên bố mở lại các cuộc thương lượng với Hà Nội về lãnh hải. Điều đáng phàn nàn là Hà Nội đã không có một phản ứng nào trước sự kiện này. Trong cuộc hội thảo đầu tiên, ngày 15/08/1974, Trung Quốc bác bỏ mọi lập luận của Việt Nam, dựa theo công ước Constans 1887, và cho rằng công ước này chỉ đề cập đến việc phân chia chủ quyền trên các đảo trong vịnh Bắc Phần chứ không ấn định vùng nước chủ quyền ; cuộc thảo luận bị đình chỉ vì lúc đó Hà Nội đang dồn nổ lực tiến chiếm miền Nam.
Sau khi thống nhất đất nước bằng vũ lực, tháng 5/1975 chính quyền cộng sản cho hải quân ra quần đảo Trường Sa chiếm giữ một số đảo của Việt Nam Cộng Hòa trước kia ; hành động này liền bị Trung Quốc phản đối và tuyên bố chủ quyền trên toàn quần đảo. Dầu khí có lẽ là nguyên do chính của những tranh chấp trên Biển Đông, nhất là sau khi hay tin Philippines tìm được dầu khí trong nhóm đảo Reed ngày 11/03/1976 ; các quốc gia có chung vùng biển liền lớn tiếng tuyên bố chủ quyền trên các nhóm đảo trong quần đảo Trường Sa.
Đối với Trung Quốc, thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam rất rõ ràng : nhượng bộ. Trả lời một ký giả Thụy Điển ngày 31/08/1976, Hoàng Tùng, chủ nhiệm báo Quân Đội Nhân Dân, tuyên bố : "Nếu Trung Quốc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đổi lại sẽ được công nhận chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa", nhưng Bắc Kinh vẫn một mực xác nhận chủ quyền trên hai quần đảo này.
Nhượng bộ không xong, Hà Nội liền chủ trương cứng rắn và ngày 12/05/1977 đơn phương tuyên bố chủ quyền trên ba khu vực ngoài khơi Biển Đông :
1. Lãnh hải 12 hải lý được ấn định từ mực nước thấp nhất từ bờ biển trở ra.
2. Khu vực tiếp giáp 12 hải lý là một đường thẳng bắt đầu từ mực nước thấp nhất ở các điểm cách đảo Phú Quốc 3 cây số về phía Bắc, tức lằn ranh Brévié, từ Hà Tiên (A0) qua các đảo Hồng Nhạn (A1), Hòn Đá (A2), Tai Lợn (A3), Bồng Lang (A4), Bảy Cảnh (A5), Hòn Hai (A6), Hòn Đôi (A7), mũi Đại Lãnh (A8), Ông Căn (A9), Ly Sơn (A10) và Cồn Cỏ (A11). Cồn Cỏ là điểm phân chia vùng nước chủ quyền đang còn tranh chấp với Trung Quốc.
3. Khu vực kinh tế độc quyền và thềm lục địa của Việt Nam, gồm bề mặt của đáy biển và lòng đáy biển, là 200 hải lý từ mực nước thấp của khu vực tiếp giáp trở ra.
Theo tinh thần tuyên bố trên, khu vực kinh tế độc quyền và thềm lục địa Việt Nam dài 200 hải lý từ đất liền trở ra, trải rộng trên 329.000 km2 bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng một số đảo trong vịnh Thái Lan. Hoàng Sa, trước kia có tên là Bãi Cát Vàng (Tây Sa, Trung Quốc), cách bờ biển Đà Nẵng 170 hải lý, rộng 15.000 km2 gồm có 15 đảo lớn nhỏ tập trung trong hai cụm đảo Đông (Amphitrite) và Tây (Croissant), nằm giữa vĩ tuyến 15°45'/17°05' Bắc và kinh tuyến 111°/113° Đông, ngoài ra còn có bãi MacClesfield và núi san hô ngầm Scaborough cách đó khoảng 100 hải lý hướng Tây-Nam (chủ quyền đang còn tranh chấp). Trường Sa (Nam Sa, TQ), có khoảng trên một trăm đảo lớn nhỏ và núi san hô ngầm, thềm lục địa rộng từ 160.000 đến 180.000 km2 nằm giữa vĩ tuyến 6°50'/12° Bắc và 111°30/117°20 Đông. Nhưng thực tế đã không như vậy.
Tuyên bố ngày 12/05/1977 của Việt Nam mở đầu cho một cuộc tranh chấp dữ dội về chủ quyền trên Biển Đông. Ngày 30/07/1977, Trung Quốc cảnh cáo Việt Nam và tái xác nhận chủ quyền đến tận nhóm đảo James Shaols (gần Borneo, Mã Lai), tức 2/3 Biển Đông. Trong cuộc thương lượng ngày 7/10/1977, Trung Quốc từ chối thảo luận về lãnh hải mà chỉ bàn về ranh giới đất liền. Căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng, ngày 22/06/1978 Việt Nam gia nhập khối COMECON và mời Liên Xô vào cảng Cam Ranh, với hy vọng được hỗ trợ khi có xung đột quân sự trên biển. Trung Quốc liền thách thức bằng cách tái xác nhân chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 29/12/1978.
Trong khi đó, trên quần đảo Trường Sa, hải quân Philippines chiếm đảo Lan Can (Nan Shan) ngày 2/03/1978 và đổi tên thành Panata ; trước đó (1974) cũng đã chiếm các đảo Thị Tứ, Sông Tử Đông, Loại Ta, Vĩnh Viễn, Đá Hóp, Đá Ba Đầu, và đổi tên thành Pagasa, Parola, Kota, Lawak, Likas, Pugad. Tháng 10/1978, Mã Lai tuyên bố chủ quyền trên đảo An Bằng (Pulau Kecil Amboyna), Đài Loan tái xác nhận chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đặc biệt là trên nhóm đảo Ba Bình (Itu Aba). Năm 1979, tranh chấp lan rộng trên khắp Biển Đông, mỗi quốc gia đều cử hải quân ra chiếm đóng các đảo hay bãi san hô nổi và chìm. Philippines chiếm thêm nhiều đảo mới và tuyên bố toàn bộ quần đảo Trường Sa (Kalaysaan), trừ đảo Trường Sa (Spratly), thuộc về họ (nghị định 1596, tháng 2/1979) và chiếm bãi Công Đô (Commodore Reefs) ngày 28/07/1980.
Ngày 30/07/1979 Trung Quốc phổ biến Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa và ngày 12/04/1982 tuyên bố sẽ chiếm lại toàn bộ quần đảo Trường Sa trước cuối thế kỷ 20. Ngày 21/12/1979 Mã Lai phát hành hải đồ chính thức bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Việt Nam liên tục tục phản đối sự chiếm đóng của các quốc gia trong vùng và công bố Sách Trắng về chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa (ngày 28/091979 và tháng 12/1980). Tháng 9/1982, Việt Nam nâng Trường Sa lên thành huyện và trực thuộc tỉnh Đồng Nai (trước đó là xã Trường Sa thuộc huyện Đất Đỏ), sau lại sát nhập vào tỉnh Phú Khánh (12/1982).
Sau khi công ước Montego Bay vừa được công bố (tháng 10/1982), ngày 12/11/1982, Hà Nội đơn phương xác nhận "lằn ranh đỏ" trong công ước Constans (kinh tuyến Greenwich 108°03'18" Đông và vĩ tuyến 21°5' Bắc) là định mức phân chia lãnh hải 12 hải lý giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Phần. Tất cả các quốc gia tranh chấp trên Biển Đông cũng tuyên bố khu vực kinh tế độc quyền 200 hải lý ; kể cả Brunei, năm 1988, cũng tuyên bố chủ quyền 200 hải lý đến nhóm san hô Louisa.
Trong thời gian từ 1982 đến 1987, hải quân các quốc gia tranh chấp luân phiên chiếm đóng các đảo và bãi san hô trên quần đảo Trường Sa : Việt Nam làm chủ 27, Philippines 8, Mã Lai 4, Đài Loan 1, Trung Quốc 1. Tháng 3/1988 hải quân Trung Quốc tiến vào Trường Sa, bắn chìm hai tàu, gây hư hại một tàu khác và chiếm 6 đảo và bãi san hô, Việt Nam chỉ còn giữ 21 (9 đảo và 12 bãi san hô), tình trạng này cho đến nay vẫn không thay đổi. Ngày 16/12/1988, Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố lập trường chung về chủ quyền trên Biển Đông.
Để xác nhận vai trò của mình trên Biển Đông, ngày 26/03/1992 Trung Quốc ban hành một bản đồ mới về hải phận, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, và ngày 8/05/1992 mời công ty Crestone (Mỹ) vào dò tìm dầu khí trên 3 lô (133, 134 và 135) ngay trong khu vực kinh tế độc quyền và thềm lục địa Việt Nam, cạnh hai mỏ Thanh Long và Đại Hùng (lô 5/1) ngoài khơi Vũng Tàu. Trong vịnh Bắc Phần, tháng 8/1992, Trung Quốc đưa hai tàu vào lập dàn khoan.
Khi lệnh cấm vận vừa được bải bỏ, ngày 14/10/1994, Việt Nam mời Mobil Oil vào vịnh Bắc Phần dò tìm dầu khí và tháng 4/1996 mời Conoco dò ngay trên các lô của Crestone.
Chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa
Hoàng Sa và Trường Sa trước kia chỉ là hai quần đảo xa xôi với hàng chục đảo nhỏ (15 đảo có diện tích trên một hecta) và bãi san hô (hơn 20 bãi chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên), nguồn lợi kinh tế rất ít, thêm vào đó không có nguồn nước ngọt và mỗi năm chịu ít nhất 10 cơn bão lớn nên không ai đến lập nghiệp. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, chưa có quốc gia nào thiết lập cơ sở quản trị hay khai thác vững chắc trên các đảo. Nhưng từ đầu thập niên 1970 khi hay tin có nguồn dự trữ dầu khí khá lớn nằm sâu dưới lòng biển, tranh chấp chủ quyền liền nổ bùng và các quốc gia có chung vùng biển tranh nhau vào chiếm. Riêng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc là trầm trọng hơn cả, các lý do lịch sử, chính trị đều được đưa ra để xác nhận chủ quyền.
Sách Trắng của Trung Quốc (30/07/1979) nói rằng các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa, Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa, Việt Nam) đã được sử sách Trung Hoa nói tới từ thế kỷ 2 trước Tây lịch (nhà Hán). Năm 1909, Zhang Renjun, thống đốc Quảng Đông và Quảng Tây, sát nhập Hoàng Sa vào nhà Thanh, trực thuộc huyện Y Ai Sằng (Yaxuan) tỉnh Hải Nam năm 1911, v.v..., nhưng cho đến 1945 chưa bao giờ đến dựng cơ sở.
Trong thực tế, không kể khoảng cách địa lý, Hoàng Sa đã thuộc triều Nguyễn từ thế kỷ 17 và được sát nhập vào phủ Quảng Nghĩa với danh xưng chung là Bãi Cát Vàng (Toàn tập Thiên Nam Tư chí Lộ đồ thư) và đội thuyền Hoàng Sa được thành lập để ra thu lượm hải sản, các thương thuyền Châu Âu qua lại thời đó cũng xác nhận điều này. Năm 1833 vua Minh Mạng sát nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và cho thủy quân ra dựng cột đá đánh dấu chủ quyền và lập hải đăng hướng dẫn tàu bè qua lại. Dưới thời Pháp thuộc, quần đảo Trường Sa mới được biết tới : ngày 9/06/1929 hai đảo lớn Spratly và Tempête (Trường Sa và Ba Bình) được sát nhập vào tỉnh Bà Rịa và toàn bộ quần đảo ngày 21/12/1933. Quần đảo Hoàng Sa được sát nhập vào Thừa Thiên ngày 15/06/1938. Từ đó trở đi, Pháp xây dựng hải đăng, cơ quan hành chánh và cộng sự phòng thủ trên các đảo lớn trên hai quần đảo này.
Thế chiến hai thay đổi tương quan lực lượng trên Biển Đông, hải quân Nhật Bản chiếm các cơ sở của Pháp trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và thành lập trạm tiếp liệu trên đảo Trường Sa (Spratly). Tháng 5/1946, Pháp chiếm lại Hoàng Sa (Pattle). Ngày 26/06/1946 quân đội Trung Hoa Dân Quốc, viện cớ giải giới quân Nhật ngoài khơi Biển Đông, chiếm một số đảo lớn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tuyên bố chủ quyền ; ngày 1/12/1947 Hoàng Sa đổi thành Tây Sa và Trường Sa là Nam Sa, và chỉ rút đi sau khi bị mất lục địa (tháng 10/1949). Đầu 1950, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lợi dụng quân đội Pháp rút ra khỏi Đông Dương và sự non nớt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ngày 15/03/1956 hải quân Philippines đổ bộ lên bảy hòn đảo thuộc nhóm Commodore, chiếm các đảo Ba Bình (Itu Aba) và Trường Sa (Spratly) và đổi tên quần đảo Trường Sa thành Freedomland. Không bỏ lỡ cơ hội, tháng 4/1956, hải quân Trung Quốc vào chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa (Amphitrite) gồm cùác cồn cát Tây và Nam (West & South Sand), các đảo Cây (Tree), Bắc, Trung, Nam, Phú Lâm (Woody), Linh Côn (Lincoln). Trên quần đảo Trường Sa, hải quân Đài Loan chiếm lại đảo Itu Aba (6/1956) và xung đột trực tiếp với Philippines trên một số đảo ở vùng Đông-Bắc ; hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra chiếm giữ nhóm đảo phía Tây và đảo Trường Sa (Spratly) tháng 8/1956 và sát nhập vào tỉnh Phước Tuy (10/1956).
Tháng 2/1958, Trung Quốc cử một số binh sĩ giả làm ngư dân đổ bộ lên dãy đảo phía Tây Hoàng Sa còn lại nhưng bị hải quân miền Nam bắt sống đem về Đà Nẵng. Phần còn lại phía Tây quần đảo Hoàng Sa được đổi tên thành xã Định Hải (13/07/1961) trực thuộc huyện Hòa Vang (Quảng Nam).
Trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, được sự hỗ trợ của hạm đội 7 Hoa Kỳ, hải quân miền Nam lần lượt chiếm lại các đảo lớn trên quần đảo Trường Sa (Spratly, An Bang, Loaita, Thitu, Sông Tử, Nam Yết...). Tuy vậy khi hay tin có dầu khí dưới thềm lục địa quần đảo Trường Sa, các quốc gia trong vùng liền nhảy vào chiếm đóng. Năm 1971, Mã Lai tuyên bố chủ quyền trên bốn đảo san hô phía Nam quần đảo Trường Sa và chỉ thực sự chiếm đóng từ sau 1983. Brunei, một tiểu vương quốc nhỏ trên đảo Borneo, cũng tuyên bố chủ quyền trên dãy Louisa Reef. Philippines, Đài Loan tiếp tục xác nhận chủ quyền trên toàn bộ quần đảo và tăng cường bảo vệ những đảo lớn đã chiếm.
Hiện nay chủ quyền trên quần đảo Trường Sa được phân phối như sau :
- Việt Nam làm chủ 6 đảo : An Bang (Amboyna), Song Tử Tây (South West Cay), Trường Sa (Spratly), Sinh Tôn (Sincowe), Nam Yết (Namyit), Sơn Ca (Sand Cay) và 16 bãi san hô : Đá Lát (Ladd Reef), Đá Tây (West London), Đá Giữa (Central London), Đá Thuyền Chài (Barque Canada), Đá Phan Vinh (Pearson), Bãi Tốc Gan (Alison), Đá Núi Le (Cornwallis South), Đá Tiên Nữ (Tennent), Đá Lớn (Great Discovery), Đá Len Đao (Landsdown), Đá Higen, Đá Grisan, Đá Núi Thị (Pethley), Đá Nam (South Reef), Phúc Tần-Huyền Trân-Quế Dương (thuộc nhóm Princes of Wales), Phúc Nguyên, Tư Chính và Vũng Mây (Bombay Castle).
- Trung Quốc chiếm đảo Thị Tứ và 9 bãi san hô : Chữ Thập (Fiery Cross), Châu Viên (Cuarteron), Johnson, Hughes, Caven, Eldad, Subi, East và Mischief.
- Philippines chiếm giữ 6 đảo : Song Tử Đông (North West Cay), Bến Lạch (West York), Thị Tứ (Thitu), Bình Nguyên (Flat) Vĩnh Viễn (Nansham), Loaita, và 2 bãi san hô : Commodore và Lankiam.
- Mã Lai làm chủ 4 bãi san hô : Kỳ Vân (Mariveles), Kiệu Ngựa (Ardasier), Hoa Lau (Swallow) và Royal Charlotte.
- Đài Loan : đảo Ba Bình (Itu Aba).
- Brunei : bãi Louisa Reef.
Trên quần đảo Hoàng Sa, tranh chấp chỉ xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi hiệp định đình chiến Paris vừa được ký kết (27/01/1973) và biết chắc Hoa Kỳ sẽ không can thiệp bằng quân sự, ngày 15/01/1974 hải quân Trung Quốc chiếm nhóm đảo Crescent phía Tây còn lại, gồm các đảo Hoàng Sa (Pattle), Hữu Nhật (Robert), Quảng Anh (Money), Duy Mộng (Drummond), Quang Hòa (Duncan), Tri Tôn (Triton), cồn Đá Bắc (North Reef), các bãi Gò Nổ (Didu Bank), Thủy Tệ (Neptuna), Quang Nghĩa (Jehangire), Châu Nhai (Bremen) và các bãi san hô : Đá Lồi (Discovery Reef), Bông Bay (Bombay), Chim Yến (Vuladdore) và Bạch Quy (Passu), và tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa ngày 20/01/1974.
Tháng 5/1980 Trung Quốc xây một đài kiểm báo trên đảo Linh Côn (Lincoln) để làm áp lực trong các buổi Hội thảo về khí tượng vùng II (Châu Á) tổ chức tại Genève tháng 6/1980 và Hội nghị về địa chất tổ chức tại Paris tháng 7/1980 ; tháng 6/1982 cho xây một đài tiếp nhận truyền hình trên đảo Phú Lâm (Woody) và một quân cảng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Đối với dư luận quốc tế chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đã giải quyết, nhưng đối với Việt Nam đây là một sự chiếm đóng bất hợp pháp.
Không phận Việt Nam
Không phận Việt Nam là sự tiếp nối của không phận Đông Dương có từ thời Pháp thuộc. Không phận này trên thực tế chỉ xuất hiện trong thế chiến hai khi không lực đồng minh được lệnh tấn công các căn cứ quân sự của Nhật trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Trước đó, mặc dù Pháp đã có hàng không dân sự nhưng vấn đề không phận không đặt ra vì các quốc gia trong vùng chưa có. Khi cuộc chiến Đông Dương lần đầu bùng nổ, không quân Pháp đã nhiều lần bay qua không phận của Trung Quốc dọc biên giới Việt Trung sau 1950 tấn công các căn cứ Việt Minh và gặp sự chống đối của Trung Quốc.
Từ sau 1956, khi Pháp chuyển giao hàng không dân sự và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, phi công Việt Nam mới bắt đầu làm quen với danh từ không phận. Nhưng không phận này là một không phận quân sự, đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của không lực Hoa Kỳ từ 1956 đến 1975, nhờ đó chưa bao giờ bầu trời Đông Dương được đo đạc chính xác với những kỹ thuật kiểm soát không lưu tối tân. Tại Việt Nam, không phận gắn liền với lãnh hải 12 hải lý.
Về hàng không dân sự, vì không phải là quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc để được cấp quyền kiểm soát không lưu quốc tế trong khu vực, nhưng do thừa hưởng qui chế của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - International Civil Aviation Organization) của Pháp nên Việt Nam Cộng Hòa vẫn được tiếp tục giao quyền kiểm soát không phân của mình. Đài kiểm soát không lưu tại phi cảng quốc tế Tân Sơn Nhứt đứng đầu tại Đông Nam Á và số hai tại châu Á, sau Nhật Bản. Địa bàn hoạt động của Vùng thông báo hướng dẫn bay Sài Gòn FIR-SGN (Flight Information Regional SaiGoN) rất rộng, mỗi ngày đài hướng dẫn khoảng 10.000 chuyến bay quốc tế quá cảnh và 3.000 chuyến bay nội địa.
Cũng nên viết Vùng Thông báo hướng dẫn bay là khoảng không gian bao trùm toàn cầu được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế vạch ra, chia thành nhiều vùng khác nhau và phân bổ lại cho các quốc gia để quản lý và khai thác thương mại. Bản chất của FIR là một khu vực để khai thác quyền thương mại, theo đó quốc gia được giao FIR sẽ cung cấp dịch vụ thông báo bay và điều tiết hàng không dân dụng trong vùng FIR mà mình quản lý. Mọi phương tiện bay hàng không dân dụng đều phải thông báo và trả phí sử dụng dịch vụ thông báo bay của quốc gia quản lý FIR. Hiện nay Việt Nam có hai vùng thông báo bay : FIR-HNN và FIR-HCM.
Vùng thông báo hướng dẫn bay Sài Gòn FIR-SGN rất rộng, mỗi ngày đài hướng dẫn khoảng hàng ngàn chuyến bay quốc tế quá cảnh và chuyến bay nội địa
Sau ngày 30/04/1975, dụng cụ và máy móc của đài kiểm báo Tân Sơn Nhứt bị quân đội miền Bắc vào chiếm đóng đập phá và từ đó Việt Nam mất khả năng kiểm soát không phận của mình. Tháng 3/1978, Trung Quốc được Hội nghị hành chánh thế giới về kiểm báo không lưu tổ chức tại Genève giao khu vực 6G, thuộc FIR-CTN (Quảng Đông), tức vùng thông báo bay trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1979, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc và lớn tiếng xác nhận chủ quyền trên không và hải phận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; và được cơ quan ITU (International Telecommunication Union) quyết định chia FIR-SGN cũ thành bốn khu vực và giao cho Hồng Kông thay vì Quảng Đông hành lang phía Bắc (6G), Singapore hành lang phía Nam (6D), Thái Lan hành lang phía Tây (6E) và Philippines hành lang phía Đông (6F). Ngay tức khắc, ngày 23/07/1979, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc công bố "bốn khu vực nguy hiểm" phía Nam đảo Hải Nam, cùng địa bàn các FIR quốc tế dành cho khu vực, và yêu cầu các công ty hàng không quốc tế phải tôn trọng.
Tranh chấp về không phận giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong Hội nghị khí tượng khu vực châu Á tổ chức tại Genève tháng 6/1980, Việt Nam yêu cầu cơ quan WOM (World Meteology Organisation) công nhận đài khí tượng trên đảo Trường Sa (Spratly) trong khi Trung Quốc đề nghị đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Năm 1980, Việt Nam được chấp nhận vào nhóm cố vấn của ICAO và được ủy nhiệm cung tin tức về khí tượng cho các chuyến bay quá cảnh với một số tiền tượng trưng trên Hoàng Đạo (Amber 1), tức hành lang phía Bắc.
Từ đó chính quyền cộng sản Việt Nam đã không ngừng lên tiếng trong các hội nghị quốc tế về hàng không dân sự (viễn thông di động UIT-AMS tại Nairobi tháng 10/1982 và 10/1992, an ninh hàng không AS-APZ tại Singapore tháng 1/1983, INTELSAT tại Bangkok tháng 4/1983, khí tượng WMO tại Genève tháng 5/1983, v.v...) để giành lại quyền kiểm soát không phận và vùng thông báo bay của Sài Gòn cũ, tức trên toàn bộ Biển Đông, dưới áp lực của Trung Quốc.
Khi lệnh cấm vận vừa được giải tỏa (3/02/1994), Việt Nam được nhận làm hội viên ICAO và mời tập đoàn Thomson-CSF (Pháp) vào trang thiết bị lại toàn bộ Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu Tân Sơn Nhứt. Kể từ ngày 8/12/1994, Việt Nam chính thức tự đảm nhận kiểm soát không phận của mình với tên gọi FIR-HCM. Hiện nay mỗi ngày trung tâm FIR-HCM hướng dẫn và điều hành trên 3.000 chuyến bay/năm ngang qua không phận với số tiền 250 USD/chuyến. Việt Nam đang vận động ICAO công nhận vùng thông báo bay FIR-HNN (Hà Nội) trên hành lang phía Bắc (FIR-CTN) đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Ngày nay Việt Nam có một bờ biển dài trên 3.200 km từ thị xã Hà Tiên (Vịnh Thái Lan) đến làng Trà Cổ (vịnh Bắc Phần), hay từ vĩ tuyến 23°16' đến vĩ tuyến 8°30' Bắc, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, và một thềm lục địa 329.000 km2. Với một vị trí địa lý thuận lợi như vậy, Việt Nam phải là một quốc gia hàng hải, nhưng cho tới nay dân tộc Việt Nam vẫn là một dân tộc lục địa. Chúng ta đã trả một giá rất đắt cho sự thua kém này : không có một xưởng đóng tàu đi xa trên biển cả, không có một đội thương thuyền mạnh (chỉ đảm nhận 11% trọng tải cả nước 10 triệu tấn/năm), tiếng nói không có trọng lượng trong những hội nghị quốc tế về hàng không và hàng hải, và nhất là không đủ khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
Thay vì dồn mọi cố gắng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ lo bảo vệ quyền lợi của họ, những hành vi vô trách nhiệm này không tha thứ được. Tổng số tiền mà đảng cộng sản Việt Nam đã biển thủ (hơn 20 tỷ USD) trong hơn 20 năm qua đủ để thành lập một lực lượng hải và không quân đủ sức bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Trước sự lấn lướt của Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam chỉ tránh né và cầu an. Các quốc gia phương Tây đã nhiều lần gợi ý giúp đỡ Việt Nam tăng cường hệ thống phòng thủ hải phận và không phận, nhưng Hà Nội từ chối hoặc chưa dám dứt khoát. Tâm lý lo sợ Trung Quốc, như các vua chúa Việt Nam xưa, vẫn còn đè nặng trên vai những người lãnh đạo đảng cộng sản.
Về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, vấn đề này chắc chắn phải đưa ra Tòa án công pháp quốc tế giải quyết trong một ngày gần đây, dựa trên sự chiếm hữu thực tế của từng quốc gia. Sự hiện diện của các quốc gia Đông Nam Á trên quần đảo Trường Sa có lẽ sẽ không thay đổi, nhưng tham vọng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa sự ổn định trong khu vực. Từ đây đến đó, chính quyền cộng sản Việt Nam phải, một mặt, củng cố sự hiện diện trên những vùng đất chủ quyền và, mặt khác, tiếp tục tố cáo trước dư luận quốc tế sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước cần theo dõi thật sát những diễn tiến trong khu vực để kịp thời lên tiếng trước dư luận quốc tế và làm áp lực buộc chính quyền cộng sản Việt Nam không nhượng bộ thêm nữa. Cộng đồng người Việt hải ngoại có thể tổ chức quyên góp quà phẩm và nhờ một tổ chức ONG quốc tế nào đó chuyển đến các chiến sĩ Việt Nam đang trấn đóng trên quần đảo Trường Sa để bày tỏ cảm tình, những người này đang gìn giữ từng mảnh đất quê hương trong những điều kiện rất khóù khăn.
Còn về Hoàng Sa, quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam không đòi lại được, các chính quyền dân chủ sau phải tiếp tục đòi. Chúng ta không xâm lấn lãnh thổ của ai nhưng cũng không để ai xâm chiếm lãnh thổ chúng ta. Chúng ta quyết tâm bảo vệ đất nước do cha ông để lại và giữ gìn cho con cháu.
Biển Đông là chặn đường cuối cùng của dân tộc Việt Nam trên đường mở rộng không gian sinh tồn về phía Đông. Đó là con mắt của Việt Nam mở ra thế giới và là địa bàn xây dựng chỗ đứng vẻ vang trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta muốn được xếp vào hạng những quốc gia có hạnh phúc trong thế kỷ tới.
Nguyễn Văn Huy
(hoàn tất tháng 9/1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung
Bài 4 :
Sự hình thành các vùng biên giới miền Nam
Sông Cửu Long cho đến ngày nay là vẫn nguồn sinh sống chính của cộng đồng dân tộc miền Nam
Nếu sự khám phá Tây Nguyên giữa thế kỷ 19 đối với người Pháp là một tình cờ đầy phiêu lưu thì sự có mặt của người Việt tại miền Nam cuối thế kỷ 17 cũng là một tình cờ lịch sử.
Tình cờ lịch sử là vì không do một tham vọng đất đai nào hay bị thúc đẩy bởi một động cơ dân số nào lúc khởi đầu, người Việt có mặt đông đảo trên đồng bằng sông Cửu Long một cách hòa bình. Chỉ về sau, trong suốt thế kỷ 18, để được bảo vệ và giúp đỡ các vị vương tôn Khmer mới nhường thêm những phần đất khác trên đồng bằng sông Cửu Long cho người Hoa di cư và triều Nguyễn. Từ giữa thế kỷ 19, người Pháp chiếm hữu các tỉnh miền Nam và áp đặt chế độ thuộc địa, khu vực biên giới Việt Nam - Kampuchea mới được phân chia một cách rõ ràng và đã không thay đổi cho đến ngày nay.
Sự có mặt của người Việt tại Gia Định
Từ đầu thế kỷ 17, nội bộ Chân Lạp thường xuyên có loạn, các dòng vương tôn chia làm hai phe tranh chấp lẫn nhau, một phe được Xiêm La đỡ đầu, phe khác tìm hậu thuẫn nơi các chúa Nguyễn. Vùng đất phía Tây Chân Lạp (từ Angkor đến Biển Hồ) đã thuộc Xiêm La từ đầu thế kỷ 16, vùng đất còn lại phía Đông (từ Oudong đến Lovea Em) đặt dưới sự bảo hộ của Ayutthaya (kinh đô Xiêm La). Sự bảo hộ của người Thái tại Đông Chân Lạp có lẽ đã rất hà khắc nên gây nhiều bất mãn trong giới vương tôn Khmer. Năm 1620, vua Đông Chân Lạp là Jayajettha II (Chetta II) đến Phúc An (Thuận Hóa) cầu hôn quận chúa Ngọc Vạn, ái nữ thứ ba của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Mục đích của việc kết nghĩa sui gia này là để tìm đồng minh : Jayajettha II đang bị Ayutthaya đe dọa còn chúa Sãi thì cần nguồn tiếp liệu (gạo, trâu, ngựa và voi) mang về Thuận Hóa củng cố lực lượng chống lại chúa Trịnh phía Bắc.
Cũng nên biết Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên có bốn người con gái : quận chúa Ngọc Liên gả cho trấn thủ Trấn Biên (Phú Yên) Nguyễn Phước Vinh năm 1629 ; quận chúa Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp Jayajettha II (1619-1627) năm 1620 (hoàng hậu Ang Cuv) ; quận chúa Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Thành Po Romé (1627-1651) năm 1629 (hoàng hậu Po Bia Út) và quận chúa Ngọc Đỉnh gả cho nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều năm 1623. Đoàn tùy tùng của quận chúa Ngọc Vạn gồm một ngàn người (500 thiếu nữ và 500 thanh niên), trú đóng tại kinh đô Lovea Em để phục dịch và bảo vệ quận chúa. Sự có mặt của người Việt trên đất Chùa Tháp như vậy chỉ thực sự bắt đầu từ 1620.
Vừa kết nghĩa sui gia xong, Jayajettha II liền dời kinh đô lên Oudong phía Tây Bắc với mục đích làm bản doanh chiếm lại những vùng đất đã mất vào tay quân Xiêm La trong vùng Biển Hồ (Tonlé Sap). Sự trở mặt của vương triều Đông Chân Lạp khiến Ayutthaya nổi giận, năm 1622, quân Xiêm La tiến vào Oudong nhưng bị Jayajettha II, chỉ huy quân đánh bộ, và hoàng hậu Ang Cuv, chỉ huy thủy binh, đẩy lùi. Sau chiến công này, năm 1623, chúa Sãi yêu cầu vua Khmer nhường Prei Nokor và Kampong Trabei (Gia Định và Bến Nghé) trong vòng năm năm để lập trạm thu mua gạo, voi, trâu và ngựa mang về Thuận Hóa. Nhận thấy sự có mặt của người Việt tại đây là một bảo đảm về mặt an ninh ở phía Đông Nam, Jayajettha II liền ưng thuận. Năm 1627, Jayajettha II từ trần, con là Sri Dhammaraja I lên ngôi, Ang Cuv trở thành hoàng thái hậu ; chúa Sãi cử thêm hai quan văn võ cùng 500 binh lính sang bảo vệ.
Sự hiện diện của binh sĩ Việt Nam ngay tại hoàng cung làm Dhammaraja mạnh dạng thêm, nhà vua chuẩn bị lực lượng tấn công quân Xiêm đồn trú tại Angkor ; thời gian nhượng Prei Nokor và Kampong Trabei do đó được kéo dài vô hạn định. Nhưng Dhammaraja bị chú là Paramaraja giết năm 1632, nội bộ Đông Chân Lạp trở nên loạn lạc, vai trò của hoàng thái hậu Ang Cuv càng thêm quan trọng. Sau khi ủng hộ Ramadhipati I lên ngôi năm 1642, bà Ang Cuv được nâng lên hàng thái mẫu và có quyền hành ngang hàng nhà vua. Quan hệ giữa hai triều đình ngày càng thắt chặt. Năm 1665 có khoảng một ngàn người Việt gồm những gia đình binh sĩ đồn trú cùng những tội phạm biệt xứ được đưa vào Prei Nokor và Kampong Trabei khai phá đất hoang. Khu vực này trở nên trù phú, thương nhân Việt đến dựng trạm thu mua và người Khmer ở các vùng lân cận cũng đến dựng nhà buôn bán. Tình trạng này không thay đổi cho tới 1679, nhưng người Việt vẫn không dám ra xa khỏi khu vực vì sợ thú dữ.
Cũng nên biết Prei Nokor và Kampong Trabei trước 1620 chỉ là hai làng Khmer nhỏ nằm trên sông Sài Gòn giữa vùng sình lầy, đầy rắn rít, muỗi mòng và thú dữ ; mỗi làng có độ mươi nóc nhà sàn dựng lên ở những gò đất cao. Người Khmer sống bằng nghề canh tác lúa nước, săn bắt thú rừng và đánh cá, họ sống độc lập với các vương triều Khmer nằm sâu trong nội địa và không phải đóng thuế cho ai cả. Lằn ranh phân chia xứ Đàng Trong với Chân Lạp trong giai đoạn này cũng chưa có, vì vùng đất tận cùng phía Nam của xứ Đàng Trong cho tới năm 1611 dừng lại ở đèo Cả (Phú Yên), vùng đất từ Khánh Hòa và Bình Thuận vẫn còn thuộc Chiêm Thành. Mỗi khi đến Chân Lạp, người Việt phải dùng thuyền đi từ Phú Yên dọc bờ biển vào cửa Cần Giờ, theo sông Sài Gòn đến Thủ Dầu Một, rồi từ Thủ Dầu Một dùng xe bò di chuyển đến Oudong, cách đó khoảng 300 km. Đồng Nai vẫn còn xa lạ đối với người Việt.
Người Minh Hương tại Đông Phố
Năm 1679, khoảng 3.000 binh sĩ trung thành với nhà Minh đi trên 50 chiến thuyền đến cửa Tu Dung (Đà Nẵng) xin tị nạn ; chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần liền sai người dẫn đoàn tàu, chia làm hai toán, vào miền Nam lập nghiệp vì e ngại sự hiện diện của đoàn quân này cạnh hoàng triều. Toán đầu dưới sự chỉ huy của Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, theo sự hướng dẫn của Nguyễn Dương Lâm, tiến vào cù lao Phố, Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (Gia Định). Toán thứ hai do Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến chỉ huy, theo sự hướng dẫn của Nguyễn Đình Phái, đi vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho và Cao Lãnh.
Tại những nơi này, hai đoàn quân Minh triều cũ vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông và tập trung khai thác những vùng đất mới. Trong lúc chạy loạn, những binh sĩ này không mang theo gia đình cùng tài sản, một số đã lập gia đình với phụ nữ Việt tại Gia Định. Sau khi ổn định cư trú, Trần Thượng Xuyên kêu gọi những gia đình Minh Hương khác cập bến tại Đông Nam Á đến hội cư và cho phép một số binh sĩ lén về Hoa lục mang gia đình vào lập nghiệp. Từ năm 1682 trở đi, vùng đất sình lầy tại Gia Định và cửa Đại trở nên phồn thịnh, thương thuyền các quốc gia phương Tây, Mã Lai và Nhật Bản vào buôn bán rất đông. Sự phát triển này độc lập với Phú Xuân vì quan hệ giữa quân Minh triều cũ và chúa Nguyễn trong giai đoạn này rất là giới hạn.
Một binh đoàn của Dương Ngạn Địch, dưới sự chỉ huy của Trần An Bình, tiếp tục đi theo các nhánh sông Cửu Long vào sâu trong nội địa, chiếm một số làng người Khmer với ý định thành lập một lãnh địa riêng. Không thuyết phục được chủ tướng, năm 1688 Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch và chiếm Mỹ Tho, lập công sự phòng thủ trên sông Tiền Giang chống lại mọi người. Trần Thượng Xuyên, nhận thấy không thể giải quyết một mình các vấn đề chính trị và quân sự, cho người về Phú Xuân cầu cứu. Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn liền sai Mai Văn Long mang quân vào dẹp loạn và giết được Hoàng Tiến, toàn bộ binh sĩ Minh triều sau đó qui hàng và được đặt dưới quyền của Trần Thượng Xuyên.
Trong thời gian này, tại Chân Lạp, các dòng vương tôn tranh quyền lẫn nhau, tất cả đều cậy Ayutthaya hay Phú Xuân để tiêu diệt đối thủ. Sau một cuộc can thiệp quân sự năm 1690 trên đất Chùa Tháp giữa quân Việt và quân Thái, một giải pháp đã được tìm ra, lãnh thổ Đông Chân Lạp được làm hai phần, nửa phía Tây đặt dưới sự bảo hộ của Ayutthaya và nửa phía Đông dưới sự bảo hộ của Phú Xuân. Nguyễn Hữu Hào mang quân Việt về trấn thủ Bà Rịa, Trần Thượng Xuyên mang các cựu binh sĩ nhà Minh về đồn trú tại Gia Định và Mỹ Tho, gọi chung là Đông Phố. Các vùng đất này trên thực tế đã thuộc về chúa Nguyễn vì Oudong mất quyền kiểm soát từ 1658. Từ sau 1682, người Minh Hương và di dân nhà Thanh tranh chấp lẫn nhau về đất đai cũng như về quyền lợi : người Minh Hương cho rằng đã có công khai phá và làm phát triển Đông Phố, do đó phải được sở hữu những vùng đất tốt ; di dân nhà Thanh, cũng là thân nhân của người Minh Hương từ Hoa lục đến, lập luận rằng tất cả người Hoa đều là di dân và đều có công khai phá đất hoang, hơn nữa lại có dân số đông hơn, do đó đất đai phải được phân chia đồng đều.
Tranh chấp giữa các nhóm di dân gốc Hoa ngày càng gay gắt, năm 1698 Minh vương Nguyễn Phúc Chu phải cử Nguyễn Hữu Kính vào làm kinh lược, đất Đông Phố được chia thành dinh và huyện : Mổi Xuy thành Trấn Biên dinh (Biên Hòa) do một quan Việt cai trị, Bến Nghé thành Phiên Trấn dinh (Gia Định) do đô đốc Trần Thượng Xuyên cai quản ; Đồng Nai thành huyện Phước Long trực thuộc Trấn Biên, Đề Ngạn thành huyện Tân Bình trực thuộc Phiên Trấn, hai huyện này đặt dưới sự cai trị trực tiếp của người Việt. Cộng đồng người Hoa cũng phân trú làm hai nơi : xã Minh Hương thuộc Phiên Trấn dành cho người Hoa cũ (người Minh Hương) ; xã Thanh Hà trực thuộc Trấn Biên dành cho người Hoa mới tới (di dân nhà Thanh). Các chức vụ hành chánh được thành lập và do người Hoa và Việt quản lý. Dân số Đông Phố cuối thế kỷ 17 được giám mục Labbé ước định khoảng 200.000 người với 40.000 nóc gia, trong đó có trên 3.000 người Việt, số còn lại là di dân gốc Hoa và Khmer.
Kể từ sau 1698, di dân Việt từ các tỉnh miền Trung được khuyến khích vào khai thác các vùng đất mới (từ 1693 một hành lang được mở trực tiếp từ Bình Thuận xuống Bà Rịa) và tham gia trực tiếp các sinh hoạt tại Đông Phố. Năm 1710, cũng theo giám mục Labbé, số người Việt được ước lượng khoảng 20.000 người, phần lớn tụ cư tại Tiền Giang và Đông Nai (được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú sát nhập năm 1733). Mặc dù vậy khu vực định canh của mỗi địa phương giống như các đốm da beo : người Việt và người Hoa di cư chỉ tụ cư ở những vùng đất thấp, cạnh những trục giao thông ; sau khi đã ổn định đời sống những người này mới nới rộng khu vực canh tác sang các vùng lân cận. Lằn ranh hành chánh phân chia giữa các địa phương chính vì vậy thường không rõ ràng, nó tùy thuộc nơi canh tác cuối cùng của mỗi địa phương và thay đổi dần theo thời gian khi một đình làng mới được thành lập.
Từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, cộng đồng người Hoa di cư giữ một vai trò quyết định trên bán đảo Đông Dương. Các phe tranh chấp, Ayutthaya, Phú Xuân hay Oudong, đều trông cậy vào sức mạnh kinh tế và quân sự của cộng đồng này để thực hiện những mục tiêu mong muốn. Sự thần phục triều Nguyễn của cộng đồng người Hoa di cư, đặc biệt là sự thần phục của dòng họ Mạc, là một may mắn lớn cho triều Nguyễn. Nhờ sự ủng hộ tích cực của con cháu những người Hoa di cư này mà lãnh thổ nước ta được nới rộng trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long và trong vịnh Thái Lan. Cũng nhờ sự ủng hộ này mà Nguyễn Ánh gây dựng lại cơ đồ, đánh bại Tây Sơn và thống nhất sơn hà, đồng thời loại Xiêm La ra khỏi bán đảo Đông Dương. Con cháu những người Hoa di cư sau này đã trở thành những công dân Việt Nam trọn vẹn và đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển miền Nam Việt Nam.
Người Hoa tại Hà Tiên
Tưởng cũng nên nhắc lại là tại Hoa lục, sau khi nhà Thanh thống lãnh toàn bộ lục địa Trung Hoa năm 1644 và chiếm đảo Đài Loan năm 1683, hàng ngàn binh lính nhà Minh đồn trú dọc các tỉnh duyên hải Đông Nam đã đi trên 200 chiến thuyền xuống Đông Nam Á tị nạn, trong đó khoảng 50 thuyền đến xứ Đàng Trong và được đưa vào miền Nam (1679) lập nghiệp, số còn lại phân tán trên các nước khác, đông nhất là tại Xiêm La. Phần lớn các cựu binh sĩ nhà Minh này hội nhập hẳn vào các xã hội phương, chỉ một số nhỏ hành nghề buôn bán hoặc cướp biển.
Năm 1681 một toán di dân theo Mạc Cửu đổ bộ lên đảo Koh Tral (Phú Quốc), rồi vào đất liền dùng đường bộ đi từ Kampot, qua Banteay Meas, đến Oudong tiếp kiến vua Jayajettha III, lúc đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn. E ngại sự hiện diện của nhóm người Hoa này bên cạnh triều đình, Jayajettha III liền giao cho Mạc Cửu cai quản trị vùng đất rộng lớn trong vịnh Thái Lan. Tại đây, vì không phải là những nông dân chuyên nghiệp, Mạc Cửu liền thành lập bảy sòng bạc dọc bờ biển, từ Peam (Hà Tiên), Long Kỳ (Preah Bat) đến Cần Bột (Kampot), Hương Út (Kampong Som), Sài Mạt (Banteay Meas), Linh Quỳnh (Prei Angkunh) và Koh Tral, để thu hút số tiền bạc và hàng hóa của các tay cướp biển Trung Hoa đang tung hoành trong vịnh Thái Lan. Chẳng bao lâu vùng đất này trở nên trù phú, đảo Koh Tral đổi thành Phú Quốc và làng Peam, bản doanh của Mạc Cửu, mang tên Căn Khẩu Quốc. Đất lành chim đậu, di dân người Hoa từ khắp nơi xin vào định cư rất đông và làm phát triển thêm vùng đất mới, Mạc Cửu trở thành một thế lực đáng kể trong vùng.
Thế lực mới này khiến Ayutthaya lo sợ. Vua Xiêm, Trình Quốc Anh, một người Hoa gốc Triều Châu, cất quân tiến vào Căn Khẩu Quốc phá hủy các làng mạc và sòng bài, Mạc Cửu rút về giữ bản doanh tại Peam. Chịu không nổi áp lực ngày càng đè nặng của Xiêm La, năm 1708 Mạc Cửu cho người vào Diên Khánh cầu cứu và năm 1714 xin thần phục Minh vương Nguyễn Phúc Trăn. Tư cách thần dân của Mạc Cửu liền được công nhận và được phong chức tổng binh, toàn quyền cai quản Căn Khẩu Quốc. Năm 1717 quân Xiêm lại tiến vào Căn Khẩu Quốc, Mạc Cửu chạy vào Gia Định cầu cứu. Giọt nước đã làm tràn ly, năm 1724 Minh vương cất đại binh tiến vào Căn Khẩu Quốc, đánh bại quân Xiêm và thu hồi lại một số xã bị chiếm đóng, Mạc Cửu chỉ đợi dịp này để xin sát nhập toàn bộ lãnh thổ dưới quyền vào xứ Đàng Trong. Căn Khẩu Quốc được chúa Nguyễn đổi thành Long Hồ dinh và năm 1732 thành trấn Hà Tiên, dòng họ Mạc được phong chức đô đốc cai trị Căn Khẩu Quốc. Con cháu Mạc Cửu sau này, đặc biệt là Mạc Thiên Tứ, ra sức bảo vệ và nới rộng miền đất này vào sâu nội địa đồng bằng sông Cửu Long để tỏ lòng thành với một đất nước đã không bạc đãi tổ tiên họ trong lúc khó khăn.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ cho người khai khẩn đất hoang và sát nhập vào trấn Hà Tiên bốn huyện mới : Long Xuyên, Kiên Giang (Kramoun Sar), Trấn Giang (Cà Mau) và Trấn Di (Bạc Liêu). Năm 1755, Mặc Thiên Tứ đỡ đầu Ang Snguon (Nặc Nguyên), một vương tôn Khmer chống chúa Nguyễn bị thua và xin hàng. Để tạ ơn, Ang Sngoun tặng riêng Mạc Thiên Tứ đất Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên), một hình thức hợp thức hóa bốn huyện do Mạc Thiên Tứ thành lập từ 1739, vì trong thực tế Chân Lạp đã mất quyền quản trị.
Tình hình Chân Lạp lại rối loạn sau cái chết của Ang Snguon (1758), các dòng vương tôn tranh quyền sát hại lẫn nhau. Một vị vương, Ang Ton (Nặc Tôn), nhờ Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn đưa lên ngôi và tặng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc) để tạ ơn. Riêng Mạc Thiên Tứ được Ang Ton tặng thêm năm vùng đất dọc bờ biển trước kia bị quân Xiêm chiếm đóng : Vũng Thơm (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Choan Kanhchom), Sài Mạt (Bantaey Meas) và Linh Quỳnh (Prei Angkunh), tất cả các vùng đất mới này được sát nhập vào trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ cai trị. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chia các vùng đất miền Tây ra thành ba đạo : Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang). Trấn Hà Tiên được sát nhập vào phủ Tầm Bào (Vĩnh Long) trực thuộc Châu Đốc đạo.
Đối với người Việt Nam, cuộc Nam tiến đợt II đến năm 1758 coi như hoàn tất và năm 1768 toàn bộ lãnh thổ miền Nam được chia thành ba tỉnh : Đồng Nai (bao gồm các vùng đất miền Đông), Sài Gòn (bao gồm các vùng đất từ sông Sài Gòn đến cửa Cần Giờ) và Long Hồ (bao gồm các vùng đất miền Tây). Ranh giới của mỗi địa phận và mỗi địa danh trong giai đoạn này không rõ ràng, phần lớn giới hạn ở bìa đất canh tác cuối cùng, thường không xa bao nhiêu khu vực trung tâm. Quan niệm về không gian sinh tồn của người Kinh được triệt để tôn trọng, người Việt và người Hoa không vào những vùng đất đã có người Khmer cư ngụ, mà chỉ thành lập làng xã ở vùng kế cận theo kiểu da beo. Công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long của người Việt vào sâu trong nội địa đồng bằng sông Cửu Long bị gián đoạn dưới thời Tây Sơn và chỉ tiếp tục dưới thời nhà Nguyễn từ 1802 đến 1859.
Năm 1803, vua Gia Long củng cố Châu Đốc và cho đào hai con kinh : từ Châu Đốc đến cửa biển Hà Tiên (kinh Vĩnh Tế) và từ Châu Đốc đến sông Hậu Giang (kinh Vĩnh An), hai con kinh này được coi là lằn ranh phân chia miền Nam với Chân Lạp tại cửa khẩu Châu Đốc. Lằn ranh này cắt đứt quan hệ giữa Oudong với các nhóm Khmer sinh trú giữa lưu vực hai sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Lợi). Dưới thời Minh Mạng, vùng đất này được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt năm 1835, mang tên Ba Xuyên, gồm ba huyện : Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Dinh ; dân cư tại đây đa số là người Khmer, về sau có thêm các nhóm Triều Châu xen kẽ.
Về phía Tây, từ 1840 nhiều đồn canh được dựng lên từ Trảng Bàng đến dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) để ngăn chặn sự xâm nhập của những nhóm Khmer bị vương triều Oudong đánh đuổi hay người Stieng xuống đồng bằng trao đổi hàng hóa. Di dân Việt được khuyến khích lên Thủ Dầu Một khai thác đất hoang, nhưng đến 1859 thì ngừng lại vì quân Pháp bắt đầu thám hiểu lưu vực sông Đồng Nai và Mekong ở phía Tây tìm đường vào miền Nam Trung Quốc. Trên đường thám hiểm, quân Pháp lần lượt bình định và chiếm hữu những vùng đất mới nằm sâu trong nội địa Đông Dương.
Người Pháp tại Nam Kỳ
Hòa ước ngày 17/02/1859 là một đòn chí tử giáng vào quyết tâm mở rộng miền Nam của người Việt và Hoa, thành Gia Định lọt vào tay quân Pháp và Tây Ban Nha. Hòa ước vừa ký xong, nhiều đoàn thám hiểu được cử vào thám thính các vùng rừng núi phía Tây để thiết lập lằn ranh phân chia ba tỉnh miền Đông với Cambodge. Bản đồ sáu tỉnh miền Nam liền được Ariès, chỉ huy trưởng quân đội Pháp tại Sài Gòn, vẽ xong ngày 16/09/1860. Hai năm sau, quân Pháp lần lượt chiếm các thành Mỹ Tho, Biên Hòa và Vĩnh Long và buộc triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền Đông (hòa ước Nhâm Tuất năm 1862) : Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
Hòa ước 1862 đã làm nhiều sĩ phu Việt nam bất mãn, một số đã rút vào vùng rừng núi Bà Đen và vùng sình lầy Đồng Tháp kháng chiến. Sự kiện vua Norodom nhờ quân Pháp giữ vững ngai vàng và nhận sự bảo hộ (11/08/1863) đã khiến một số hoàng thân Khmer tức giận và rút vào rừng sâu kháng chiến. Trương Công Định, A Soa và Po Kombo đã tổ chức nhiều cuộc phục kích và gây thiệt hại cho các đoàn thám hiểm trong vùng rừng núi Tây Ninh và sình lầy Đồng Tháp ; sự kiện này khiến Pháp quyết tâm chiếm trọn những phần đất miền Nam còn lại. Năm 1867, trong vòng năm ngày, quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) và buộc nhà Nguyễn ký hiệp ước Giáp Tuất (1874), nhượng hẳn sáu tỉnh miền Nam để làm thuộc địa và Pháp thay mặt triều đình Huế ký kết các văn kiện ngoại giao (kể cả việc phân định biên giới với các lân bang).
Việc làm đầu tiên của chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ là vẽ bản đồ phân chia khu vực hành chánh tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cử nhiều phái đoàn đi khắp nơi tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, thời gian lưu trú của mỗi nhóm dân cư, để thiết lập bản đồ phân chia khu vực biên giới giữa Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cambodge. Qua các cuộc hành quân tảo thanh các ổ chống cự của sĩ phu Việt Nam và kháng chiến quân Khmer trong vùng rừng núi phía Tây, từ 1862 đến 1867, người Pháp khai sinh thêm hai tỉnh mới : Tây Ninh và Đồng Tháp (1867). Từ đó nhiều đoàn thám hiểm được cử đi dọc các sông Mékong và các phụ lưu ở tả ngạn (Prek Chhlong, Prek Tê), sông Vàm Cỏ, sông Bé và sông Đồng Nai, và thành lập nhiều đồn bót để mở rộng tầm kiểm soát.
Chính trong lúc này Pháp mới nhận thấy tầm quan trọng của Cambodge trong sự ổn định của khu vực. Về mặt chiến lược, Cambodge là khu vực trái độn giữa hai thế lực Xiêm La và Đại Việt, do đó Pháp đã làm mọi cách loại bỏ ảnh hưởng của Xiêm La trên đất Chùa Tháp để tái lập lại vương triều Angkor, do Mouhot tình cờ khám phá năm 1851 tại Siemreap, với một tên mới được Pháp hóa : Cambodge (Kambuja, tức quê hương con cháu Kambu, thủ lãnh người Khmer trên cao nguyên Korat thế kỷ 5). Ngày 15/07/1867, Xiêm La ký với Pháp một hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Pháp tại Cambodge, bù lại Pháp không được chiếm hữu bất cứ một vùng đất nào tại Cambodge.
Sau nhiều "trục trặc ngoại giao" với Xiêm La, từ tháng 6 đến tháng 12/1867 Pháp chính thức sát nhập toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long vào lãnh thổ Nam Kỳ, trừ khu vực Mỏ Vẹt. Một vùng biên giới dài từ phía Bắc Tây Ninh đến bờ biển Hà Tiên với Cambodge được ấn định. Trong nội địa, Pháp lần lượt sát nhập từ 1869 đến 1872 các tỉnh Đồng Nai Thượng, Trảng Bàng, Sông Bé, Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông và Tây, Đồng Tháp Mười, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vào lãnh thổ Nam Kỳ. Ranh giới phân chia Nam Kỳ và Trung Kỳ được ấn định từ Bà Rịa, Đồng Nai Thượng, Sông Bé và Tây Ninh. Di dân người Việt từ các tỉnh miền Nam Trung Kỳ trong thời kỳ này được khuyến khích vào Nam lập nghiệp rất đông, nhất là tại An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh. Người Hoa gốc Triều Châu cũng nhân cơ hội vào định cư cạnh những làng Khmer và Việt.
Sau nhiều thương lượng gay go với vua Norodom, thực ra là giữa người Pháp tại miền Nam và người Pháp cố vấn vua Norodom, một công ước chung về biên giới giữa Nam Kỳ và Cambodge được ký ngày 15/07/1873, theo đó làn ranh phân chia hai nước được xác định bởi những cột mốc cụ thể và những dấu chấm trên bản đồ một cách rõ ràng. Mặc dù vậy khu vực ranh giới tại Tây Ninh vẫn còn rắc rối cho tới 1896 mới chấm dứt. Lãnh địa Hà Tiên có từ thời Mạc Thiên Tứ (thế kỷ 18) bị thu hẹp lại, các thành phố Kampot, Kompong Som được giao lại cho Cambodge, theo sự cố vấn của các chuyên gia Pháp tại Phnom Penh, để có đường ra biển ngày 12/03/1914 ; bù lại đảo Phú Quốc được sát nhập vào Nam Kỳ.
Về lãnh hải, thông tư ngày 31/01/1939, do toàn quyền Brévié ban hành, lấy kinh tuyến 140° và vĩ tuyến 10°5 tại Hà Tiên làm định mức phân chia : phía Tây-Bắc thuộc Cambodge, phía Đông-Nam thuộc Nam Kỳ.
Từ sau 1939, khu vực biên giới giữa Nam Kỳ (thuộc Việt Nam sau 1954) và Cambodge trên lý thuyết đã được ổn định nhưng trong thực tế vẫn chưa ổn thỏa. Những tranh chấp về ranh giới, chính trị hay quân sự, từ 1954 đến nay thể hiện phần nào sự bất ổn đó. Người Khmer không ngừng tố cáo người Việt chiếm đất của họ và đã làm mọi cách để làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Chính sách bài Việt Nam của các lãnh tụ chính trị Khmer gần đây trong các cuộc tranh cữ cần được ghi nhận với tất cả sự nghiêm trọng của nó.
Tại sao phần lớn người Khmer có tâm lý bài Việt ?
Có nhiều lý do để giải thích.
Trước hết là sự khác biệt về văn hóa. Người Khmer không ghét người Thái (Xiêm La) mà chỉ thù người Việt. Người Thái, vì cùng văn hóa Ấn Độ, chỉ có thể là "đồng minh", mặc dù đã là tác giả của biết bao tai họa khiến người Khmer không cất đầu lên nổi : tiêu diệt nền văn minh Angkor, chiếm hữu toàn bộ lãnh thổ phía Tây, vơ vét tài nguyên nguyên, bắt người về làm nô lệ, bao che những thành phần diệt chủng... Nếu không có sự hiện diện của người Việt có lẽ quốc gia này đã nhiều lần bị Xiêm La xóa tên.
Thứ hai là vấn đề tâm lý. Người Khmer luôn có mặc cảm bị người Việt hiếp đáp. Tâm lý này là kết quả của một thời gian dài bị đô hộ bởi người Xiêm La và người Pháp, hai thế lực này rất sợ người Việt sẽ dần dần chiếm hữu Kampuchea, cựu vương quốc Champa là một bằng cớ. Mặc dù là ân nhân của người Khmer trong suốt quá trình giữ nước, vai trò của người Việt tại Kampuchea thường bị hiểu lầm.
Thứ ba là lý do lịch sử. Người Khmer có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long trước người Việt. Lý do này ngày nay không còn đứng vững. Người Khmer sinh sống trên đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 17 không đông vì điều kiện sinh sống khó khăn, phần lớn là những người chạy trốn sự hà khắc của các vương quyền Khmer. Sau khi tiêu diệt Phù Nam, các vương triều Khmer bỏ rơi đồng bằng sông Cửu Long (Óc Eo, Tri Tôn) mà chỉ tập trung phát triển khu vực chung quanh Biển Hồ. Người Việt tuy có đến sau thật nhưng đã cùng người Hoa di cư làm phát triển vùng đất này và đang chia sẻ với người Khmer địa phương những phúc lợi chung.
Thứ tư là lý do kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay trở thành trù phú trong khi khu vực Biển Hồ vẫn chìm trong nghèo khổ. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt tại Kampuchea, do cần cù và chịu khó hơn, có mức sống tương đối cao hơn người Khmer lục địa. Sự kiện này có lẽ đã giới lãnh đạo Khmer lục địa không bằng lòng, nếu đồng bằng sông Cửu Long cằn cỗi như các vùng đất phía Tây và người Khmer có mức sống ngang bằng người Khmer, vấn đề tranh chấp đất đai và tâm lý bài Việt có lẽ đã không đặt ra.
Nguyễn Văn Huy
(09/1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung
Bài 3 :
Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung
Nhà rong là một trong những khám phá về đời sống cộng đồng người Thượng trên Tây Nguyên
Hai chữ "miền Trung"
Miền Trung là một danh xưng, xuất hiện trong thập niên 1960 tại miền Nam, để chỉ phần đất nằm giữa hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Trước đó phần đất này được gọi là Trung Kỳ, Trung Bộ hay Trung Phần, một chuyển nghĩa từ chữ "Annam" do người Pháp sử dụng. Theo đúng nghĩa, "An Nam" là phần đất phía Nam chưa được bình định, một danh xưng do người Hán đặt cho miền Bắc Việt Nam từ thời Bắc thuộc và tồn tại cho đến 1884. Các triều vương Việt Nam trước kia tuy có đặt ra nhiều quốc hiệu khác nhau nhưng ít khi dùng đến. Mỗi khi có việc với "thiên triều" phương Bắc (Trung Hoa), dân chúng và triều đình Việt Nam thường dùng chữ "nước Nam" hay "vua nước Nam" để nói về mình.
Vào thế kỷ 16, các giáo sĩ Pháp đầu tiên đến Việt Nam đã dựa theo cách đặt tên của triều đình nhà Thanh gọi "nước Nam" là "Annam", người Kinh là "annamites". Nhưng trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, sông Gianh được dùng làm lằn ranh phân chia hai lãnh thổ năm 1630, miền Bắc có tên là Bắc Hà và miền Nam là Nam Hà (Nam Hà thực ra chỉ là miền Bắc nối dài xuống phía Nam, ngày nay là vùng đất thấp ở phía Bắc miền Trung). Với thời gian, sau khi hiểu rõ cách thức tổ chức chính trị của người Việt, các giáo sĩ Pháp, mặc dù vẫn gọi chung hai lãnh thổ này là Annam, đã dựa theo cách gọi của chúa Nguyễn đổi tên Bắc Hà thành xứ Đàng Ngoài (Tumkin) và Nam Hà là xứ Đàng Trong (Cocincina). Phần đất phía Nam Đàng Trong, lúc đó còn là lãnh thổ Chiêm Thành (Ciampa), được sát nhập vào không gian sinh tồn của người Kinh năm 1693 mà người Pháp sau này gọi là Annam.
Hiệp ước Quí Mùi (1883) chia lãnh thổ Việt Nam ra làm ba miền : Tonkin, Annam và Cochinchine. Annam là vùng đất từ tỉnh Khánh Hòa ra tới đèo Ngang, lãnh thổ trực thuộc triều đình Huế, đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Người Việt, dị ứng với cách gọi này và cũng để phân biệt với hai khu vực địa dư khác do người Pháp đặt tên, đã dịch Annam thành Trung Kỳ, Cochinchine là Nam Kỳ và Tonkin là Bắc Kỳ ; dân chúng là "người nước Nam" (để phân biệt với người phương Bắc, tức người Trung Hoa, và người phương Tây, tức Pháp và Châu Âu). "Kỳ" ở đây, theo chủ tâm của Pháp, có nghĩa là một khu vực địa lý độc lập, một "nước" (quốc gia) mà phần lớn người Việt không muốn, do đó các chính quyền Việt Nam sau này đã đổi lại tên để xóa bỏ ấn tượng đó. Năm 1945, phong trào Việt Minh đổi thành Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Sau 1954, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dùng chữ Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần. "Bộ" hay "Phần" chỉ là những tên gọi khác nhau để chỉ những khu vực địa lý hành chánh có từ thời Pháp thuộc. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ (1963), dân chúng miền Nam dùng chữ "miền" để gọi các khu vực địa lý hành chánh cũ : miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Danh xưng mới này vừa xóa bỏ một quá khứ đau buồn vừa giữ nguyên lằn ranh phân chia hành chánh cũ, đồng thời nó cũng thể hiện một tình tự dân tộc vừa tôn trọng sự khác biệt giữa các địa phương vừa bộc lộ ước muốn thống nhất.
Ngày nay, về mặt hành chánh, lãnh thổ miền Trung bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và vùng Tây Nguyên, với một diện tích tổng cộng gần 152.000 cây số vuông và 17 triệu dân, tương đương với 46% diện tích và 21% dân số toàn quốc. Tổng số diện tích và dân số này là thành quả của hơn 600 năm dài Nam tiến và 50 năm Tây tiến.
Cuộc Nam tiến
Cuộc Nam tiến của người Việt, hay là sự mở rộng không gian sinh tồn thuần chủng của người Kinh từ châu thổ sông Hồng xuống phía Nam, trong thực tế có lẽ đã diễn ra từ thời lập quốc cho đến hết thời Bắc thuộc, nhưng chỉ thực sự được ghi nhận khi người Việt giành được quyền tự chủ từ 1069 đến 1693 tại miền Trung và sau đó từ 1658 đến 1714 tại miền Nam.
Cũng cần nhắc lại là quan niệm về lãnh thổ và chủ quyền của người Việt từ thời Hùng Vương cho đến khi bị Bắc thuộc đã không rõ ràng, mỗi nhóm cư dân tùy ý chọn khu vực định cư và canh tác. Sự cộng cư của những nhóm người khác nhau này có lẽ đã diễn ra theo một tiến trình tự nhiên, các nhóm nhỏ và yếu hoặc phục tùng hay đồng hóa với các nhóm mạnh, hoặc di chuyển sang nơi khác và đồng hóa với những nhóm khác yếu hơn. Những khai quật khảo cổ gần đây xác nhận các nhóm dân cư thuộc văn hóa Sa Huỳnh (từ Nghệ Tĩnh đến Bình Định) biết chế tác đồ gốm và vật dùng kim khí cùng thời với các nhóm thuộc văn hóa Đông Sơn. Chỉ đến khi bị người Hán cai trị và tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Nho Giáo, nghĩa là xây dựng không gian sinh tồn thuần chủng, tranh chấp đất đai canh tác và xung đột chủng tộc mới xảy ra, và thường bất lợi cho những nhóm dân cư nhỏ và yếu hơn ở phía Nam, sau này là Lâm Ấp, một vương quốc nhỏ được thành lập năm 198 sau công nguyên.
Tưởng cũng nên biết thêm về Lâm Ấp vì đó là một phần lãnh thổ Việt Nam và người Lâm Ấp dầu sao cũng là một trong những tổ tiên của chúng ta đã có công khai phá miền Trung. Lằn ranh phân chia Lâm Ấp với các lân bang (Giao Châu và Phù Nam) cũng không rõ ràng, nó hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh quân sự, khi thắng thì to phình ra, khi thua thì teo hẹp lại. Thời đó, người ta thường lấy con sông hay đèo ải làm định mức phân ranh, mỗi vùng có một vị trí địa dư rõ ràng. Người Lâm Ấp cũng như người Kinh sống tập trung trên những vùng đất thấp, do đó không gian sinh tồn không vượt quá chân núi phía Tây (Trường Sơn). Từ cuối thế kỷ 3, lãnh thổ Lâm Ấp, còn gọi là Indrapura, được xác định từ phía Nam đèo Ngang, cạnh sông Gianh, đến đèo Hải Vân, tức Bình Trị Thiên ngày nay. Từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 9, tranh chấp ảnh hưởng giữa Lâm Ấp và Trung Hoa thường xuyên xảy ra, bất lợi cho Lâm Ấp, nhưng người Hoa không có ý định lấn chiếm Lâm Ấp vì quá xa xôi, đất đai nghèo khó và khí hậu khắc nghiệt.
Do không thể đương đầu với sức ép của Trung Hoa tại Giao Châu ngày càng đè nặng, Lâm Ấp lùi dần về phía Nam. Tại đây, họ gặp sự kháng cự gay gắt của những vương quốc nhỏ khác, được thành hình một cách tự nhiên dọc các đồng bằng duyên hải, cùng thời với Lâm Ấp, do những nhóm dân cư bản địa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, từ hải đảo mang vào và từ Phù Nam đem lên. Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, dưới đèo Hải Vân trở xuống là các tiểu vương quốc Amavarati (Quảng Nam), Vijaya (Bình Định), Aryaru (Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận) ; mỗi tiểu vương có một lãnh thổ cai trị nhất định, nằm giữa hai đèo ải thiên nhiên, và sinh hoạt tương đối độc lập với nhau. Với thời gian, các tiểu vương quốc này bị Lâm Ấp và Phù Nam, một vương quốc được thành hình cùng thời với Lâm Ấp, khuất phục : Panduranga và Kauthara đặt dưới quyền kiểm soát của Phù Nam ; Amavarati và Vijaya lệ thuộc Lâm Ấp ; lãnh thổ Aryaru được dùng làm khu vực trái độn.
Ảnh hưởng của Lâm Ấp vào cuối thế kỷ 5 mở rộng về phía Tây đến tận miền Nam Lào (Champassak), nhưng đến đầu thế kỷ 6 thì lọt vào tay người Khmer ; lãnh thổ Lâm Ấp chỉ còn trải dài từ sông Lô Dung (Thừa Thiên) đến đèo Cù Mông (Phú Yên). Vào đầu thế kỷ 7, Phù Nam bị người Khmer chiếm đóng và xóa bỏ ; Panduranga và Kauthara nhân cơ hội liên kết với Lâm Ấp phía Bắc để thành lập một vương quốc thống nhất mang tên Campapura (hay Champa), mà sử sách Việt Nam gọi là Chiêm Thành, chống lại đế quốc Angkor của người Khmer ở phía Tây Nam và người Việt ở phía Bắc. Lãnh thổ Chiêm Thành lớn rộng tới đâu không tài liệu nào nói rõ, nhưng người Chăm thường lên đánh phá các làng ven biển phía Bắc đèo Ngang và đã thiết đặt những quan hệ khắn khít với người Thượng trên cao nguyên, và có lúc đã vượt Trường Sơn tràn xuống đồng bằng Biển Hồ chiếm đế đô Angkor. Phẩm vật mà Chiêm Thành triều cống Trung Hoa, và sau đó là Đại Việt, phần lớn đến từ rừng xanh : ngà voi, sừng tê giác, trầm hương, mật ong, cánh kiến...
Cuối thế kỷ 10, người Việt đuổi quân Trung Hoa ra khỏi lãnh thổ và thành lập một vương quốc độc lập, nước Đại Việt. Người Chăm ở phía Nam đèo Ngang, do sinh trú trên một vùng đất không thuận lợi cho nông nghiệp, thường lên phía Bắc cướp lương thực, đồng thời cũng bắt người về làm nô lệ xây dựng đền đài. Tranh chấp đất đai giữa người Việt và người Chăm ngày càng trầm trọng, bất lợi cho Chiêm Thành. Mỗi lần thất bại, miền Bắc Chiêm Thành teo hẹp lại theo đà Nam tiến của người Việt. Năm 1069, vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) thua trận, phải nhường cho vua Lý Thánh Tôn ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị). Người Việt đã không mất nhiều công sức như người Chăm để khai phá những vùng đất mới, nơi nào người Chăm rút lui người Việt tiến đến khai thác. Lằn ranh phân chia hai lãnh thổ rõ ràng dần với thời gian khi những đình làng của người Việt được thành lập dọc vùng ven biên. Người Chăm lùi dần về phía Nam cộng cư với những nhóm đồng chủng khác, hoặc lên vùng núi đồng hóa với các nhóm địa phương khác để rồi trở thành những nhóm người Thượng thuộc ngữ hệ Nam Đảo.
Trong cuộc chiến chống Mông Cổ cuối thế kỷ 13, Đại Việt và Chiêm Thành đã hợp lực đẩy lùi quân Nguyên ra khỏi lãnh thổ, quan hệ giữa hai nước ngày càng thắt chặt. Lằn ranh phân chia hai lãnh thổ gần như không có, sự qua lại của dân chúng rất là tự do, nhất là thương nhân. Năm 1306, Chế Mân (Simhavarman III) tặng vua Trần Anh Tôn châu Ô và Châu Lí (Thuận Hóa) làm quà cưới công chúa Huyền Trân. Quà cưới này quá đắt, người Chăm không bằng lòng. Ngay sau khi Chế Mân vừa mất (1308), những vị vua kế tiếp không ngừng xua quân chiếm lại Thuận Hóa và nhiều lần tiến vào Thăng Long (dưới thời Chế Bồng Nga). Tranh chấp đất đai tại Thuận Hóa diễn ra liên tục trong suốt hơn 60 năm, từ 1308 đến 1470, trong thế nghiêng ngữa.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn mang quân tiến chiếm thành Đồ Bàn (Vijaya), kinh đô của Chiêm Thành (Qui nhơn), và sát nhập một vùng đất dài từ Thuận Hóa tới mũi Chân Mây (Quảng Nam). Phần đất từ Quảng Nam đến Qui Nhơn được dùng làm khu vực trái độn và chia ra làm ba vùng theo qui chế bảo hộ : Đại Chiêm hay Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi) và Đồ Bàn (Qui Nhơn) ; đèo Cù Mông là lằn ranh phân chia hai vương quốc. Lãnh thổ Chiêm Thành chỉ còn lại từ Phú Yên đến mũi Kê Gà (Bình Thuận) và tồn tại hơn một trăm năm cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Từ thế kỷ 17 trở đi, lãnh thổ Chiêm Thành teo hẹp dần theo đà Nam tiến của các chúa Nguyễn. Năm 1611 người Chăm mất đất Phú Yên ; năm 1653 mất Khánh Hòa và một phần Ninh Thuận. Đến năm 1693 thì mất hết, tất cả những địa danh Chăm đều mang tên Việt. Cuộc Nam tiến của người Việt tại miền Trung coi như hoàn tất, một hành lang dài trực tiếp xuống đồng bằng sông Cửu Long được mở ra, một cuộc Nam tiến khác bắt đầu.
Cuộc Tây tiến
Trong suốt hơn 600 năm của cuộc Nam tiến, chưa lần nào các triều vương Việt Nam nghĩ đến việc nới rộng không gian sinh tồn lên vùng rừng núi phía Tây, nơi sinh trú của những người "man".
Có người cho rằng lãnh thổ Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng nới rộng đến tả ngạn sông Mékong, điều này không đúng. Trong quá khứ, từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19, quân Việt Nam đã nhiều lần vượt Trường Sơn sang Láng Cháng và Vạn Tượng, đôi khi sang cả Chân Lạp can thiệp, nhưng liền rút về khi an ninh được vãn hồi. Trấn Ninh, Trấn Biên, Trấn Tịnh, Trấn Man hay Trấn Tây Thành chỉ là những đơn vị hành chánh lâm thời do quân đội quản lý ở vùng ngoại biên, nơi sinh trú của những thuộc man và thuộc quốc. Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, các trấn ngoại biên thôi triều cống và đến cuối thế kỷ 18 thì rơi vào quỹ đạo Xiêm La. Sau 1828, triều đình Huế mất hẳn quyền kiểm soát toàn bộ vùng đất từ Trường Sơn Đông đến tả ngạn sông Mékong. Không những thế, từ 1804 nhà Nguyễn còn xây nhiều lũy dài dọc triền núi phía Tây các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú, gọi là Tịnh Man Trường Lũy, do quân đội quản lý nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của người Thượng vào đồng bằng.
Về mặt pháp lý, trường lũy này là lằn ranh chính thức phân chia đồng bằng và cao nguyên. Năm 1869, theo lời đề nghị của Nguyễn Tấn, tiểu phủ sứ Quảng Ngãi và Đình Định, triều đình Huế thành lập Sơn Phòng Trấn (hay Nghĩa Định Sơn Phòng). Đây là một hệ thống phòng thủ gồm 117 đồn canh, mỗi đồn có từ 20 đến 25 lính, và 31 lân ; lân là những làng biên giới do các gia đình binh sĩ trấn thủ trường lũy, mục đích của những làng này là cung cấp lương thực và canh chừng sự xâm nhập của người Thượng. Tuyến phòng thủ này, dài trên 170 cây số, chạy từ Trà Mi (Quảng Nam) đến Chỉ Đốc (Bình Định), qua các huyện Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ và An Lão, Hoài Nhân và Hoài ên. Nhiệm vụ của trấn Sơn Phòng là thu thuế và ngăn chặn sự xâm nhập ngày càng tăng của người Thượng vào đồng bằng trao đổi lương thực. Từ sau ngày 9/10/1899, Sơn Phòng Trấn bị giải tán, sự hội nhập Tây Nguyên vào lãnh thổ Việt Nam do người Pháp trực tiếp chủ động.
Đối với người Pháp, sự khám phá Tây Nguyên là một tình cờ đầy phiêu lưu. Để trùốn chính sách cấm và giết đạo của triều đình Huế đang đến hồi quyết liệt, giám mục địa phận Bình Định thuộc Giáo Hội Công Giáo Miền Đông Nam Bộ, Etienne-Théodore Cuenot, quyết định cử người lên cao nguyên dò đường xây dựng họ đạo mới. Năm 1848, các giáo sĩ Pháp theo sự hướng dẫn của thầy phó tế Do đi về hướng Tây-Bắc, dọc thượng nguồn sông Ba nhằm tránh sự kiểm soát của quân triều đình Huế đồn trú tại An Khê, chốt canh cuối cùng ở vùng ngoại biên, và tình cờ khám phá ra một vùng thảo nguyên rộng lớn, cao nguyên Kontum cùng những sắc dân Thượng.
Hội Truyền Giáo Kontum được thành lập năm 1851 và phát triển dần theo thời gian. Từ địa bàn Kontum, sau khi đã cảm hóa người Bahnar, đạo Công giáo mở rộng dần sang các làng người Rơngao và Sedang. Một số giáo dân cùng giáo sĩ người Kinh từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên được tuyển lên Kontum xây dựng họ đạo và hướng dẫn người Thượng nghề trồng lúa nước. Nhờ ở cách xa đồng bằng, Hội Truyền Giáo Kontum phát triển yên bình trong suốt bốn mươi năm, từ 1848 đến 1888 ; triều đình Huế không hay biết gì về việc này. Nhiều giáo sĩ dòng Thừa Sai đến từ Paris được bí mật đưa lên Kontum truyền đạo, các bộ lạc người Thượng trên Tây Nguyên từ đó mới được thế giới phương Tây biết đến, với ít nhiều huyền bí.
Sự huyền bí đó đã hấp dẫn Charles-Marie David, một tay phiêu lưu mạo hiểm người Pháp, văn võ song toàn và gan dạ, tự xưng là nam tước (baron) de Mayréna. Năm 1888, Mayréna được toàn quyền Đông Dương cấp người và vật dụng lên cao nguyên tìm vàng tại Attopeu và thám hiểm các vùng đất lạ. Mục đích của Pháp là tìm đường vào Quảng Tây ở phía Nam Trung Quốc để cạnh tranh với Anh Quốc đã vào được Vân Nam qua ngã Miến Điện. Sự có mặt của Mayréna vào lúc này trùng với ước muốn của Hội Truyền Giáo Kontum, lúc đó đang quân Xiêm La đe dọa. Các giáo sĩ Pháp đã tận tình giúp đỡ Mayréna chinh phục người Sedang, một sắc dân thiện nghề luyện sắt và chế biến vũ khí, sinh sống quanh Kontum và Attopeu.
Không tìm thấy vàng và nhận thấy vùng đất núi rừng này vô chủ, Mayréna liền thành lập một vương quốc riêng. "Vương Quốc Sedang" được khai sinh ngày 3/06/1888, với một Hiến pháp gồm 11 điều. Mayréna tự xưng là vua "Marie đệ nhất", phong vợ là một người Kinh làm hoàng hậu Marie, đặt kinh đô tại làng Plei Marie (sau này là Pleiku), chọn quốc hiệu (cờ màu xanh dương có chữ thập trắng và một ngôi sao đỏ ở giữa), thành lập quân đội, bưu điện, quan thuế, huân chương, v.v... Các giáo sĩ được phong nhiều tước vị cao. Lãnh thổ "vương quốc Sedang" được mở rộng sang các làng người Mnong sinh sống ở phía Nam trong cùng thời gian.
Thấy Mayréna thành công dễ dàng với người Sedang, ngày 5/06/1888, các giáo sĩ Pháp cũng liên kết người Bahnar và Rơngao thành lập "Liên Bang Bahnar-Rơngao", thủ phủ đặt tại Kon Rơhai (nay là thị xã Kontum ). "Hội đồng quốc sự" gồm các tù trưởng và già làng ; tù trưởng Krui được phong làm "tổng thống". "Liên bang Bahnar-Rơngao" liên minh với "vương quốc Sedang" chống lại người Djarai, lúc đó rất mạnh và chuyên bắt người Bahnar làm nô lệ bán sang Lào. Lằn ranh phân chia vương quốc này với liên bang kia không rõ ràng, nó được qui định một cách đại khái ở những con sông hay ngọn núi của mỗi làng trong khu vực. Đầu tháng 9/1888, Mayréna trở về Pháp và Châu Âu vận động hợp thức hóa vương quốc và liên minh vừa thành lập.
Sự ra đời của "vương quốc Sedang" ngay trên lãnh thổ Đông Dương đã làm chính phủ Pháp bất bình và tìm cách loại trừ Mayréna. Ngày 21/03/1889 viên công sứ Qui Nhơn, Guiomar, lên gặp các giáo sĩ và các tù trưởng người Thượng, tuyên bố giải tán "vương quốc Sedang" và thành lập một liên bang mới, "Liên Bang Bahnar-Rơngao-Sedang", vẫn do tù trưởng Krui làm "tổng thống" ; bù lại Hội Truyền Giáo Kontum được công nhận và giáo sĩ Vialleton được giao trách nhiệm quản lý vùng đất mới này.
Tháng 1/1890, chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương vận động chính quyền Anh tại Singapore không cho phái đoàn Mayréna từ Bỉ về cập bến mà phải đổ bộ lên một hòn đảo nhỏ Tioman trong vịnh Pahang, Mã Lai. Tại đây, Mayréna bị "rắn độc" cắn chết ngày 11/11/1890, chấm dứt huyền thoại về xứ Sedang. Từ một khám phá tình cờ, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định biến vùng đất này thành một lãnh thổ chính trị. Sự có mặt của quân Xiêm La trên cao nguyên đã làm các giới hữu trách Pháp lo ngại, chính sách bành trướng vào sâu trong nội địa Đông Dương gia tăng vận tốc.
Trước đó, từ nửa cuối thế kỷ 18, đã có nhiều giáo sĩ Pháp tìm đường lên cao nguyên miền Đông (tỉnh Bình Long và Sông Bé ngày nay) giảng đạo nhưng không thành công, nhiều người đã bỏ mạng, một số khác mang tật bệnh suốt đời. Tuy vậy những báo cáo của những giáo sĩ này đã được những nhà thám hiểm đi sau khai thác triệt để. Từ 1860 đến 1904, các ông Henri Mouhot (1860), Francis Garnier (1861), Bonard (1864), Doudart de Lagrée (1863-1867), Harmand (1873-1877), d'Artefeuille và Rheinart (1869), Néis và Septans (1879-1882), Gautier (1882-1883), Nouet (1882), Humann (1884-1889), Navelle (1884-1885), Yersin (1890-1894) và Odend'hal (1891-1904), v.v... vào sâu trong nội địa Đông Dương thám thính dọc hai bờ sông Mekong, vẽ họa đồ và ghi chú những khu vực đã đi qua. Các bản báo đều nói đến sự bành trướng của Xiêm La trên cao nguyên, đồng thời cũng cho biết phản ứng của người Lào và người Thượng trước sự xâm nhập người phương Tây rất yếu, đúng hơn là không có. Tất cả các nhóm dân cư trên cao nguyên gần như chấp nhận dễ dàng sự bảo hộ của Pháp vì lúc đó quân Xiêm, lợi dụng sự vắng mặt của quân triều Nguyễn, áp dụng một chính sách cai trị hà khắc : sưu cao thuế nặng và còn bắt người mang về Xiêm La làm nô lệ.
Sự bành trướng của Xiêm La trên thượng nguồn sông Mékong càng làm người Pháp e ngại. Sau biến cố Mayréna, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dùng biện pháp mạnh bằng cách cử hai đoàn thám hiểm võ trang, một do Auguste Pavie cầm đầu, từ 1887 đến 1895, và đoàn khác do Henri Maître thực hiện, từ 1905 đến 1914, để tìm hiểu thực lực quân Xiêm La và phản ứng của các sắc dân bản địa. Pavie và Maître đã bình định một vùng đất rộng lớn từ hạ lưu sông Bé và sông Đồng Nai đến miền Bắc Lào, từ tả ngạn sông Mékong (lưu vực các sông Prek Chhlong, Prek Tê, Srepok, Sekong, Sesan, Sedon, Sebang Hien, Sebang Sai, Nam Cadinh, Nam Muon, v.v...) đến bờ biển miền Trung. Nhưng nổi tiếng nhất là Auguste Pavie.
Auguste Pavie tổ chức ba cuộc thám hiểm bằng đường bộ qua các khu rừng núi, từ Hà Nội và duyên hải miền Trung đến tả ngạn sông Mékong. Lần đầu (1887/1889), Pavie đuổi các toán quân Xiêm ra khỏi thượng lưu sông Đà và sông Mã và bảo hộ 12 mương Thái sinh sống tại đây. Lần thứ hai (1890-1891), Pavie cùng đại úy Cupet đánh đuổi quân Cờ Đen và Xiêm La ra khỏi Trấn Ninh cũ, tái lập và bảo hộ vương quốc Xiêng Khoảng và Hứa Phàn. Lần thứ ba (1892-1893), đoàn thám hiểm được trang bị hùng hậu hơn và chia ra làm hai cánh, một cánh do Pavie dẫn đầu đi từ Điện Biên đến Luang Prabang, một cánh do Cupet chỉ huy đi từ duyên hải miền Trung đến tả ngạn sông Mékong. Kết quả lần thám hiểm sau cùng này rất là khả quan, năm 1893 quân Xiêm La chịu rút về hữu ngạn sông Mékong, vương quốc Luang Prabang và Vientiane được tái lập và toàn bộ các tiểu vương quốc khác tại Lào đều đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Nước Lào được thành lập và được chia thành nhiều địa phận, mỗi địa phận có một đồn binh do một sĩ quan quân đội Pháp cai quản. Mục đích của các đồn này là giữ gìn an ninh và đo đạc địa hình để thiết lập các bản đồ địa lý hành chánh và quân sự với những biên giới rõ ràng.
Tiến trình phân chia ranh giới
Sau khi tái lập lại vương quốc Lào, tháng 3/1893, chính quyền thuộc địa Pháp tiến hành công tác phân ranh giữa Lào và Việt Nam, dựa theo những họa đồ của Pavie. Ranh giới bảy tỉnh Bắc Trung kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam) được ấn định từ bờ biển đến tả ngạn sông Mekong, nhưng trước phản ứng quyết liệt của Xiêm La và sau cuộc thám hiểm của Cupet (tháng 4 và 5/1893), một số địa phận (Savannakhet, Kham Muon, Strung Treng, Khong, Bassac và Attopeu) được tách ra để nhập vào Nam Lào và đặt dưới quyền quản trị hành chánh của Nam Kỳ tháng 10/1893. Ranh giới phía Đông miền Nam Lào được ấn định sát tới tới chân dãy Trường Sơn về phía Tây các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi, dựa theo định mức phân chia của trường lũy cũ. Ranh giới tỉnh Nghệ An được ấn định tới thượng nguồn sông Cả ; ranh giới phía Tây các tỉnh Bình Định dừng tại đèo An Khê, Phú Yên tại đèo Củng Sơn và Khánh Hòa tới chân núi Khánh Sơn. Đèo Lao Bảo dùng làm lằn ranh phân chia Tchépone với Khe Sanh (1901) ; khu vực rừng núi "vô chủ" phía Tây dãy Trường Sơn dọc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tới ranh giới Kontum trực thuộc Trung Kỳ (1905).
Vùng biên giới các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên với Lào được xác định cụ thể hơn qua các đỉnh núi chạy dài từ Bắc xuống Nam qua các đèo Kèo Nứa, Mụ Giạ, Lao Bảo và thung lũng A Sao (1916). Phong trào di dân người Việt từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi và Bình Định sang Lào làm việc cho các đơn vị hành chánh và quân sự Pháp rất đông trong giai đoạn này, nhất là tại Kham Muon, Savannakhet và Xieng Khoảng. Trước phản ứng của triều đình Vientianne, năm 1935 Pháp phải hạn chế sự qua lại trên vùng biên giới của người Việt, chỉ những người được nhận làm việc tại Lào mới được vào mà thôi. Mặc dù vậy, lằn ranh phân chia Khe Sanh và Tchépone vẫn chưa ổn thỏa, tranh chấp chủ quyền, thật ra là giữa người Pháp tại Lào và người Pháp tại Trung Kỳ, tiếp diễn đến 1940.
Tại miền Đông Nam Kỳ, giai đoạn từ 1895 đến 1914 rất là gay go. Nhiều bộ lạc Thượng, nhất là người Stieng và Mnong sinh sống tại vùng Tam Biên (Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cambodge), đã phản ứng dữ dội trước sự xâm nhập của Pháp. Nhiều sĩ quan và công chức Pháp cùng binh lính Khmer bị thiệt mạng, nhưng thiệt hại nặng nhất vẫn về phía người Thượng ; cung nỏ không chống lại vũ khí tối tân, nhiều làng Thượng bị thiêu rụi, nhiều làng khác phải di tản vào các vùng đất sâu hơn. Nơ Trang Long (Pou Trang Long), một thủ lãnh Mnong, đã trở thành nỗi kinh hoàng của đoàn quân viễn chinh trang bị tối tân hơn khi phục kích giết Henri Maître, một nhà thám hiểm có công bình định vùng rừng núi phía Tây-Nam Darlac, cùng đám tùy tùng hồi tháng 7/1914 tại Ban Bou Mera. Sau vụ này tất cả các cuộc thám hiểm, xây dựng đường sá và khai thác tại khu vực Tam Biên đều bị đình chỉ. Mãi tới năm 1934, khi Pou Trang Long bị giết, các công trình khai thác và mở rộng cao nguyên miền Đông Nam Kỳ mới tiến hành với một tốc độ nhanh, với những định mức rõ ràng.
Về mặt hành chánh, sau khi làm chủ hoàn toàn nội địa Đông Dương, chính quyền thuộc địa Pháp gặp nhiều lấn cấn trong việc phân chia khu vực quản trị. Tây Nguyên từ trước đến nay chưa bao giờ là một thực thể chính trị, do đó thiếu một căn bản pháp lý để sát nhập vào những lãnh thổ chính trị có sẵn. Tùy mỗi giai đoạn và tùy mỗi người cai trị, những vùng đất sau đây được qui định với những lằn ranh vẫn còn hiệu lực cho tới ngày nay.
- Tỉnh Thủ Dầu Một (Sông Bé ngày nay) được thành lập năm 1898 và tỉnh Đồng Nai Thượng (nay là Lâm Đồng ; thời Việt Nam Cộng Hòa gồm hai tỉnh Lâm Viên và Lâm Đồng) được sát nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ năm 1899.
- Ranh giới các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị được nới rộng đến các làng thổ dân trên dãy Trường Sơn (thay vì sát chân núi phía Tây như năm 1893), từ đèo Mụ Giạ tới đèo Lao Bảo.
- Kontum được sát nhập vào địa phận Attopeu tháng 3/1898 rồi bị tách ra để sát nhập vào địa phận Pleiku năm 1905. Liên Bang Bahnar-Rơngao-Sedang, thành lập từ năm 1888, bị giải tán năm 1895 và sát nhập vào lãnh địa Kontum.
- Ban Don được thành lập tháng 1/1899 trực thuộc Stung Treng, Nam Lào (nay thuộc Kampuchea), sau lại tách ra để nhập vào Darlac (1904). Lãnh địa Darlac được thành lập ngày 2/11/1899 trực thuộc địa phận Khong (một tỉnh trên hữu ngạn sông Mékong, Nam Lào).
- Ngày 15/02/1900 trung tâm hành chánh Củng Sơn được thành lập, trực thuộc Phú Yên, và bị giải tán ngày 19/01/1904.
- Tỉnh Đồng Nai Thượng, thành lập ngày 1/11/1899, được sát nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ sau đó được sát nhập vào Trung Kỳ năm 1903.
Nhận thấy sự sát nhập Tây Nguyên vào Nam Lào không thuận lợi cho việc quản lý hành chánh và quân sự, ngày 22/11/1904 toàn quyền Paul Doumer tách Darlac ra khỏi Nam Lào và sát nhập vào Trung Kỳ. Năm 1917, tỉnh Darlac được hưởng qui chế tự trị về chính trị và ngày 19/07/1920 qui chế tự trị về hành chánh, sau đó bị giải thể để sát nhập vào tỉnh Kontum. Dưới thời toàn quyền Pierre Pasquier, ngày 2/07/1923 tỉnh Darlac được tái lập lại và năm 1929 trở thành một trung tâm chính trị lớn nhất trên Tây Nguyên, thủ phủ đặt tại Buôn Ma Thuột.
Sau 1904 là một loạt những biện pháp hành chánh và chính trị hợp thức sự sát nhập Tây Nguyên vào lãnh thổ Việt Nam : tỉnh Pleiku Der được thành lập tháng 7/1905 và bị giải tán năm 1907 ; địa phận Kontum được tái lập lại và trở thành một trung tâm hành chánh tháng 6/1907, trực thuộc Bình Định, và ngày 9/02/1913 được nâng lên thành cấp tỉnh ; ngày 12/06/1907, lãnh địa Củng Sơn được tái lập lại và trở thành trung tâm hành chánh Cheo Reo, trực thuộc Phú Yên ; trung tâm hành chánh M'Drack được thành lập ngày 19/01/1904, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa ; tỉnh Langbian được thành lập ngày 6/01/1915, thủ phủ đạt tại Đà Lạt.
Năm 1936, toàn bộ khu vực Tam Biên đã được bình định, một phần lãnh thổ phía Bắc sát nhập vào tỉnh Darlac, một phần lãnh thổ phía Nam sát nhập vào tỉnh Langbian và Thủ Dầu Một, và một phần lãnh thổ phía Tây nhập vào tỉnh Mondolkiri, Cambodge.
Tây Nguyên trong cơn lốc chính trị
Sau 1935, khi Nơ Trang Long bị sát hại, chương trình phát triển cao nguyên miền Trung gia tăng vận tốc : nhiều đường sá, cầu cống, phòng ốc hành chánh, dinh thự, doanh trại, nhà cửa, trường học và bệnh viện được xây dựng cấp tốc. Những công trình này đòi hỏi một nguồn lao động lớn, có tay nghề mà người Thượng không cung ứng nổi, chính quyền thuộc địa Pháp phải tuyển dụng binh lính và nhân công gốc Kinh từ các đồng bằng duyên hải miền Trung lên cao nguyên làm việc.
Mặc dù rất cần người Kinh đến làm việc nhưng chính quyền thuộc địa không cho người Kinh định cư tại đây, hết hạn hợp đồng tất cả bị trả về đồng bằng. Không những thế, một số công chức và quân đội Pháp còn kỳ thị và xúi giục người Thượng thù ghét người Kinh. Công sứ Léopold Sabatier muốn biến tỉnh Darlac thành một lãnh địa riêng của người Rhadé và cấm người Kinh vào lập nghiệp. Các tài liệu của Pháp trên cao nguyên trong thời kỳ này đều nói rằng "người Kinh (annamites) sẽ chiếm hết đất đai của người Thượng trên cao nguyên bằng những thủ đoạn gian dối", do đó phải cấm. Quân đội Pháp còn cấm binh sĩ Thượng đồn trú vùng đồng bằng mang vợ người Kinh về nơi sinh quán. Tại nhiều nơi khác, nhất là Darlac và Pleiku, tiếng Việt bị cấm dạy cho trẻ em Thượng.
Thấy người Bahnar được các tu sĩ công giáo Pháp nâng đỡ, có ích cho việc quản lý địa phương, chính quyền Pháp chú ý tới người Rhadé. Người Rhadé, được coi là thông minh và rất thiện chiến, do đó được trọng hơn người Djarai, Bahnar và Sedang ; ngược lại người Stieng và Mnong trước kia chống lại sự xâm nhập của người Pháp không được tin tưởng. Từ 1923 trở đi một chương trình đào tạo qui mô cán bộ Thượng, đặc biệt là người Rhadé, được gấp rút thi hành để thay thế người Kinh trong các chức vụ thừa hành về hành chánh, y tế, giáo dục và quân đội, kể cả công việc tạp dịch trong các đồn điền trà và cà phê. Trong thực tế, trừ những thành phần được Pháp đào tạo để làm trung gian cai trị có một mức sống tương đối khá, phần còn lại vẫn sống trong lầm than. Người Pháp ve vuốt người Thượng nhưng không tin người Thượng, các chức vụ lãnh đạo đều nằm trong tay người Pháp, các chức vụ trung gian được giao cho người Kinh. Tình trạng này đã làm nhiều trí thức Thượng bất mãn và bất hợp tác.
Tất cả những dẫn chứng trên cho thấy, dưới thời Pháp thuộc, người Kinh không có mặt đông đảo trên cao nguyên và chưa bao giờ làm chủ cao nguyên. Niên Giám Thống Kê Đông Dương cho biết năm 1921 tỉnh Darlac có 21 người Việt (annamites), Kontum có 7.000 người (đa số là người Công giáo), Lang Bian : 600 người (đa số làm nghề trồng rau) và Đồng Nai Thượng : 500 người (công nhân đồn điền). Số binh lính và nhân công xây dựng đường sá không được kể vào vì bị trả về đồng bằng sau khi mãn hạn hợp đồng. Cuộc điều tra dân số do Trần Văn Lý, quản đạo tỉnh Đồng Nai Thượng, thực hiện trong những năm 1936-1937, cho biết năm 1916 Đà Lạt có 887 người Việt, năm 1921 giảm xuống còn 608 người và năm 1937 tăng lên 6.591 người. Số người Việt tăng nhanh trong giai đoạn này vì Pháp cần nguồn rau quả tươi và dịch vụ phục vụ các quan chức thuộc địa không thể về mẫu quốc, lúc đó đang có chiến tranh với Đức, nghỉ hè. Tại Đồng Nai Thượng (Di Linh và Bảo Lộc) từ 1916 đến 1935 không có người Việt nào, sau 1935 có 4.366 người Việt được tuyển lên xây dựng đường sá và làm việc trong các đồn điền cao su, trà và cà phê để xuất cảng sang Pháp.
Người Pháp có cơ sở để e ngại sự hiện diện của người Kinh trên cao nguyên vì vùng đất này có một tầm chiến lược quan trọng. Tây Nguyên là giao điểm giữa ba nước Lào, Kampuchea và Việt Nam, lực lượng nào làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương. Giới chiến lược Pháp biết rõ điều này và rất sợ nếu người Kinh kết hợp được người Thượng chống lại người Pháp thì Đông Dương rất khó bảo vệ. Do đó trong thời gian gần 50 năm làm chủ Tây Nguyên, người Pháp luôn luôn hạn chế số người Việt trên cao nguyên mặc dù rất cần. Cho đến năm 1945, người Việt định cư trên cao nguyên rất ít, đa số đều ở trung tâm các thành phố lớn, làm nghề phục dịch cho người Pháp và không có quan hệ gì với người Thượng.
Ngày 9/03/1945 quân Nhật tước khí giới quân Pháp và thả tất cả tù nhân chính trị. Thay vì trở về đồng bằng như những tù nhân khác, cán bộ Việt Minh ở lại vận động giới trí thức và hạ sĩ quan Thượng chiếm cứ các cơ quan hành chánh và căn cứ quân sự bị bỏ ngỏ. Người Thượng được hứa hẹn rất nhiều, nhất là quyền tự trị mà họ hằng ao ước. Phần lớn những phần tử ưu tú người Thượng đều theo Việt Minh, nhưng tổ chức ô hợp này chưa đủ mạnh để đối đầu với Pháp về mặt quân sự. Năm 1946 quân Pháp làm chủ các trục lộ giao thông chính (quốc lộ 7, 14, 19, 20 và 21) và tái chiếm tất c%á các trung tâm hành chánh lớn, nhưng các thị trấn và đồn bót xa xôi vẫn nằm trong tay quân kháng chiến.
Để lấy lòng dân Thượng, năm 1946, cao ủy Pháp tại Đông Dương, Thierry d'Argenlieu, tổ chức một loạt lễ tuyên thệ trung thành với Pháp tại Buôn Ma Thuột, Đà Lạt và Kontum. Ngày 27/05/1946, d'Argenlieu cho thành lập "Xứ Thượng Nam Đông Dương" (PMSI, Pays Montagnard du Sud Indochinois) trực thuộc Liên Bang Đông Dương, nhằm thỏa mãn nguyện vọng của người Thượng và vô hiệu hóa phe Việt Minh trên mặt trận tuyên truyền. Xứ này bao gồm tất cả những vùng đất có người Thượng cư trú nằm giữa ba nước Lào, Kampuchea và Việt Nam, cảng Cam Ranh được dùng làm cửa ngõ vận chuyển hàng hóa vận chuyển bằng đường biển lên cao nguyên. Tuy mang tiếng là tự trị nhưng tất cả quyền hành và phương tiện đều nằm trong tay người Pháp, phe Việt Minh lợi dụng sơ hở này để phản tuyên truyền. Giải pháp xứ Thượng bị bỏ rơi nhưng nội bộ người Thượng bị chia rẽ, một nửa ủng hộ Pháp, một nửa ủng hộ Việt Minh, thế giằng co này kéo dài trong suốt cuộc chiến từ 1945 đến 1954.
Đầu năm 1950, tổng thống Pháp Vincent Auriol, qua trao đổi thư riêng, khuyến khích Bảo Đại thành lập một lãnh thổ riêng cho "những dân cư không phải người Việt", ý muốn nói các sắc tộc sinh trú trên cao nguyên. Ngày 15/04/1950 Bảo Đại ban hành Dụ số 6 thành lập "Hoàng Triều Cương Thổ" (Domaine de la Couronne), gồm "Xứ Thượng miền Nam" và "Xứ Thượng miền Bắc", độc lập với năm nước Đông Dương có sẵn, thủ phủ đặt tại Đà Lạt sau dời về Buôn Ma Thuột. Lãnh thổ Xứ Thượng miền Nam là Xứ Thượng Nam Đông Dương thành lập năm 1946 ; Xứ Thượng miền Bắc gồm các lãnh thổ tự trị của người Thái, Mường, Tày và Nùng. Việc điều hành Hoàng Triều Cương Thổ đều do người Pháp đảm nhiệm mà mục tiêu chính là được toàn quyền sử dụng lãnh thổ và người thiểu số chống lại phe Việt Minh, lúc đó đã lập nhiều căn cứ trên vùng rừng núi.
Hoàng Triều Cương Thổ bị giải thể tháng 7/1954, Xứ Thượng miền Nam được sát nhập vào Việt Nam Cộng Hòa ; Xứ Thượng miền Bắc vào Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tại miền Bắc, chính quyền cộng sản đã khôn ngoan chấp nhận qui chế tự trị của người sắc tộc trong một thời gian rồi mới giải thể, do đó không gây nhiều xáo trộn chính trị. Tại miền Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm áp dụng chính sách đồng hóa triệt để làm cho những nhóm thiểu số (người Hoa, người Khmer, người Chăm và người Thượng) bất mãn và chống lại. Người Hoa thì bỏ về Đài Loan, sang Lào hay Kampuchea và các quốc gia Đông Nam Á khác. Người Khmer, người Chăm và người Thượng thành lập nhiều tổ chức chống lại, được biết đến nhiều nhất là tổ chức FULRO (Front Unifié de Libération des Races Opprimées), thành lập năm 1964 tại Kampuchea ; mặt trận này chủ trương chống chính quyền miền Nam vừa bằng chính trị vừa bằng bạo lực. Chủ trương của FULRO là thành lập một quốc gia độc lập gồm các sắc dân Thượng, Chăm và Khmer sinh sống tại miền Nam Việt Nam.
Ngày nay phong trào FULRO trên nguyên tắc đã bị giải tán nhưng tinh thần FULRO vẫn còn trong lòng mỗi người Thượng, vì thái độ và cách cư xử của chính quyền cộng sản sau 1975 không khác gì dưới thời Pháp thuộc. Những viên chức của chính quyền cộng sản địa phương, nhất là những di dân đến từ miền Bắc, chỉ muốn chiếm hữu những vùng đất tốt mà không giúp người Thượng ra khỏi nghèo đói và lạc hậu. Thêm vào đó, chính quyền cộng sản còn đào tạo một giai tầng người Thượng làm trung gian bóp nghẹt mọi ước muốn ra khỏi nghèo đói và cô lập người Thượng với thế giới bên ngoài. Ngày nay người Thượng trở thành thiểu số và nghèo khổ trên chính quê hương của họ. Nếu chính quyền cộng s%ản vẫn tiếp tục chính sách nghi ngờ và ngăn cản các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người Thượng, chúng ta đang chứng kiến một cuộc diệt chủng lớn nhất ngay trên đất nước của mình. Dân số người Thượng hiện nay trên Tây Nguyên, tất cả các sắc tộc cộng lại, khoảng 1,5 triệu người, tương đương 1/3 dân số Tây Nguyên ; 50 năm về trước, người Thượng đại diện cho hơn 80% dân số.
Trong suốt hơn 600 năm dài của cuộc Nam tiến, lãnh thổ miền Trung chỉ là một dải đất hẹp dọc duyên hải tương đương với 77.000 cây số vuông, nhưng chỉ trong mười năm đầu dưới chế độ Pháp thuộc Việt Nam có thêm 75.000 cây số vuông diện tích. Làn ranh phân chia Việt Nam với Lào và Kampuchea đã có một căn bản pháp lý rõ ràng và ổn định. Đây là một thành tích đáng kể, chúng ta ghi nhận công lao của người Pháp trong cuộc Tây tiến này.
Tuy vậy, đối với người Việt Nam, cuộc Tây tiến vẫn còn tiếp diễn. Nó đã chấm dứt tại miền Bắc nhưng chưa ngừng hẳn tại miền Trung, người Việt từ các vùng đồng bằng đông đúc và chật hẹp miền Bắc tiếp tục tiến vào Tây Nguyên. Từ sau 1954, người Bắc di cư và dân chúng các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú đã lên lập nghiệp rất đông. Nhưng từ sau 1975, chính sách di dân ồ ạt và khai thác bừa bãi thiên nhiên của chính quyền cộng sản, đưa người từ miền Bắc từ đồng bằng sông Hồng và miền thượng du lên Tây Nguyên lập nghiệp, đã khiến Tây Nguyên xuống cấp trầm trọng. Dân số Tây Nguyên trong vòng 20 năm qua đã tăng lên gấp ba bốn lần, đây là một dấu hiệu tốt nhưng cũng là một mối nguy. Tốt ở chỗ giảm áp lực gia tăng dân số tại các đồng bằng, nhưng nguy là người Thượng không có chỗ đứng trên chính quê hương của họ. Thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra nếu người Thượng bất mãn, sẵn sàng phá rối trong những trung tâm đông đúc ? Chúng ta phải cẩn thận, không nên để những lời tuyên truyền của thời Pháp thuộc trở thành sự thật. Không nên duy trì một biên giới không có giữa Kinh và Thượng.
Nguyễn Văn Huy
(09/1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung
Bài 2 :
Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Lũy tre làng miền Bắc đã trở thành một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam
Trái với suy tưởng của nhiều người, lãnh thổ miền Bắc Việt Nam từ thời lập quốc cho đến khi bị Pháp thuộc đã không lớn rộng như nhìn thấy trên bản đồ hiện có. Cái nôi của nền văn minh Việt Nam trong suốt thời gian đó chỉ tập trung quanh châu thổ sông Hồng, các đồng bằng dọc bờ biển Bắc Trung Phần và trên các thung lũng sâu hẹp từ Lạng Sơn đến Cao Bằng. Miền Bắc chỉ thực sự lớn rộng vào cuối thế kỷ 19 khi Pháp làm áp lực buộc nhà Thanh tiến hành việc ấn định lằn ranh chia đôi lãnh thổ, với sự sát nhập khu vực thượng du Tây-Bắc vào miền Bắc Việt Nam. Làn ranh này cho tới nay đã không thay đổi.
Thời lập quốc và Bắc thuộc
Theo những truyền thuyết lịch sử được chép lại từ thế kỷ 14, địa bàn phát xuất nền văn minh Văn Lang, thời đại Hùng Vương, tập trung quanh lưu vực sông Hồng, từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo. Cao điểm của nền văn minh này, còn gọi là văn minh sông Hồng, là nếp sống hợp quần có tổ chức. Dân cư Văn Lang - người Lạc Việt - đã biết sản xuất vật dụng bằng đồng (văn hóa Đông Sơn), săn bắt thú rừng, hái lượm hoa quả, làm rẫy và biết trồng lúa nước.
Người Lạc Việt, ngày nay được nhìn nhận như là tổ tiên của dân tộc Việt Nam, thật ra không phải là những dân cư đầu tiên sinh sống trên châu thổ sông Hồng, trước đó đã có người Mélanésien. Mélanésien là những sắc dân vóc nhỏ, da đen, tóc xoắn, xuất hiện sau thời kỳ tiền sử và sơ sử, di cư từ phía Nam Thái Bình Dương lên bán đảo Đông Nam Á, kể cả châu thổ sông Hồng, sống xen kẽ và đồng hóa các nhóm người nguyên thủy địa phương để rồi sau cùng chỉ còn yếu tố Mélanésien. Sang thời kỳ hậu đồ đá, người Mélanésien, do kém phát triển hơn các nhóm di dân khác đến từ Mông Cổ và Nam Á lập nghiệp trên cùng địa bàn, yếu tố Mélanésien mất dần, cuối cùng chỉ còn yếu tố Nam Á và Mông Cổ. Những khám phá khảo cổ gần đây trên châu thổ sông Hồng xác nhận sự chuyển hóa này : các bộ lạc thuộc văn hóa Phùng Nguyên và Hoa Lộc (cách đây trên 4.000 năm) đã biết chăn nuôi, trồng lúa và sản xuất đồ gốm có hoa văn ; các bộ lạc thuộc văn hóa Đồng Dậu và Gò Mun (cách đây khoảng 3.000 năm) bắt đầu biết chế tác vật dụng bằng đồng và tụ cư trong những công xã thị tộc mẫu hệ. Tiếp theo là các bộ lạc thuộc văn hóa Đông Sơn, xuất hiện cách đây trên 2.000 năm, nắm vững kỹ thuật chế tác vật dụng bằng đồng thau ở trình độ cao, biết tổ chức xã hội có tôn ti trật tự và có một khu vực định cư tương đối rõ ràng. Văn hóa Đông Sơn gắn liền với sự xuất hiện của nước Văn Lang và người Lạc Việt
Văn Lang thật ra không phải là danh xưng của một nước mà là tên của một bộ lạc. Văn Lang đọc theo tiếng Việt Cổ là "pớk lang", nơi sinh trú của một nhóm Lạc Việt. Theo một nghiên cứu của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc thì từ "Lạc" trong thư tịch của Trung Quốc viết về nước ta là một phiên âm từ "rạc" mà theo tiếng cổ Việt và tiếng Mường có nghĩa là "nước". Vì tiếng Hoa không có âm "r" cho nên họ đã viết thành "lạc", Lạc Việt chỉ có nghĩa là nơi sinh trú của bộ tộc Việt (Yuan). Hùng Vương cũng không phải là tên một vị vua. Theo Trần Quốc Vượng, "Lang kun" trong tiếng Việt cổ là "người đứng đầu một địa phương", theo truyền thuyết đây là thủ lĩnh của một liên minh gồm 15 bộ tộc Lạc. Về sau dựa theo cách phiên âm và diễn giải của người Hán : "pớk lang" đọc thành "Văn Lang" để chỉ tên nước, "lang kun" đọc thành "Lang Hùng", sau bỏ chữ "lang" và thêm chữ "vương" để tôn vinh người thủ lĩnh. Lạc Việt là tên một nhóm thuộc hệ Bách Việt mang nặng yếu tố Indonésien. Người Indonésien to con, da ngâm đen, tóc dợn sóng, di cư từ sông Indus Ấn Độ, chứ không phải từ quần đảo Indonesia, vào lục địa Đông Nam Á và miền Tây Nam Trung Quốc lập nghiệp, hợp chủng với các sắc dân thuộc hệ Nam Á và Mông Cổ để rồi phân hóa thành nhiều nhóm Việt tộc khác nhau. Một nhóm đi dọc thung lũng các con sông nhỏ đến châu thổ sông Hồng định cư và hợp chủng với các nhóm Mélanésien địa phương để trở thành người Lạc Việt, thị tộc Hồng Bàng, lấy chim vạc hồng làm biểu tượng sùng bái (totem). Như vậy nền văn minh sông Hồng có thể đã có trên 4.000 năm nhưng nước Văn Lang và người Lạc Việt chỉ xuất hiện khoảng 2.500 năm trở lại đây mà thôi.
Tiếp theo Văn Lang là nước Âu Lạc. Có lẽ đến đời Hùng Vương thứ 18, thị tộc Hồng Bàng tuyệt tự nên một thủ lãnh thị tộc Tây Âu ở phía Bắc Văn Lang (Cao Bằng), tên Thục Phán, được đưa lên ngôi, hiệu An Dương Vương, để chống quân Tần xâm lược. Âu Lạc là sự tiếp nối của thời đại Hùng Vương qua liên minh Tây Âu và Lạc Việt vì cả hai cùng thuộc khối Bách Việt, sống gần gụi và xen kẽ với nhau trong lưu vực sông Hồng và sông Tây Giang (Quảng Tây). Trong thời kỳ này, ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn và ngôn ngữ cổ thời Hùng (tiếng Việt-Mường) tỏa rộng từ phía Nam sông Tây Giang đến đồng bằng duyên hải Thanh Hóa. Lãnh thổ Âu Lạc nới rộng tới đâu không tài liệu nào nói rõ, nhưng trong cuộc chiến chống quân Tần (218-208 trước công nguyên) nó bị thu hẹp lại, chỉ còn tập trung trên châu thổ sông Hồng, để rồi mất hẳn vào tay nhà Triệu (179 trước công nguyên). Âu Lạc bị sát nhập vào lãnh thổ Nam Việt và chia thành hai quận : Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng) và Cửu Chân (Thanh Hóa), với những định mức hành chánh khá rõ ràng. Trong gần 70 năm dưới quyền quản trị của nhà Triệu, lãnh thổ Nam Việt bao gồm các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, châu thổ sông Hồng và bờ biển Thanh Hoá, nhưng chưa bao giờ vượt lên các miền thượng du Tây Bắc.
Vào cuối thế kỷ thứ II trước công nguyên, nhà Hán thống nhất lục địa và mở rộng lãnh thổ về phía Tây Nam. Nam Việt và nước Điền (Vân Nam) bị chiếm đóng và trở thành một châu của nhà Hán : Giao Châu. Trên nguyên tắc, Giao Châu được nới rộng đến Vân Nam và các vùng rừng núi Quảng Tây về phía Bắc, nhưng trong thực tế nhà Hán chỉ cai trị trên những vùng đất thấp. Đất Giao Châu được chia thành ba quận : Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (Nghệ Tĩnh). Lãnh thổ quận Giao Chỉ được nới rộng tới các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay, nhưng nhà Hán chỉ cai trị trực tiếp khu vực châu thổ sông Hồng và vùng bờ biển Quảng Yên mà thôi.
Dưới thời Bắc thuộc, di dân Hán tộc vào Giao Chỉ lập nghiệp rất đông. Sự tích "một mẹ trăm con" có lẽ đã bắt đầu từ giai đoạn này chứ không phải vào giai đoạn trước. Một số dân cư Âu Lạc có tinh thần độc lập cao, không chấp nhận sự thống trị của người Hán, rút lên miền núi trở về cuộc sống cổ truyền : duy trì chế độ mẫu hệ, làm rẫy, săn bắn và hái lượm, để rồi trở thành những nhóm người Mường và Tày. Do sống cách biệt lâu ngày với đồng bằng, đời sống người miền núi trở nên lạc hậu và thua kém người đồng bằng. Trong khi đó trên châu thổ sông Hồng, cuộc sống hòa trộn giữa các nhóm Lạc Việt đồng bằng còn lại và người Hán di cư tạo thành một cộng đồng chủng tộc mới, cộng đồng người Kinh, theo chế độ phụ hệ. "Kinh" không phải là tên của một chủng tộc riêng biệt, thường được hiểu là người Việt, mà là tên gọi chung những người sinh sống ở vùng đồng bằng và chốn thị thành để phân biệt với người miền núi hay vùng cao (người Thượng). Với thời gian, yếu tố Indonésien và Mông Cổ trong cộng đồng người Kinh biến thể dần và trở thành yếu tố Việt Mường.
Kết quả chọn lựa hai khu vực định cư thay đổi hẳn quan hệ giữa người đồng bằng và người miền núi. Nhờ sinh sống trên một địa bàn thích hợp với nghề trồng lúa nước và biết áp dụng phương thức tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Nho giáo mà đặc điểm là củng cố không gian sinh tồn thuần chủng quanh khu vực trung tâm, hố cách biệt giữa hai khu vực địa dư ngày càng sâu rộng : dân số người Kinh đồng bằng gia tăng nhanh và phát triển hơn cộng đồng miền núi.
Sự giao lưu giữa hai cộng đồng có lẽ đã không diễn ra trong những điều kiện bình thường, người miền núi bị đặt ra ngoài vòng đai chủng tộc và phải thần phục người đồng bằng tại khu vực trung tâm để nhận sự che chở, nên trong giai đoạn đầu của thời kỳ Bắc thuộc những người miền núi, theo chế độ mẫu hệ, đã liên tục nổi lên chống lại khu vực trung tâm : hai chị em bà Trưng, anh em bà Triệu là những lãnh tụ Mường, Mai Thúc Loan là một lãnh tụ nam giới Chăm, gốc Nam Đảo. Chỉ sang giai đoạn sau, khi cộng đồng người Kinh bị người Hán lục địa sang cai trị và hiếp đáp quá đáng mới hợp lực cùng người Mường và người Chăm chống lại ách cai trị của phương Bắc, giành lại chủ quyền.
Huyện Tượng Lâm, vùng đất tận cùng phía Nam của quận Nhật Nam (tỉnh Quảng Bình ngày nay), là khu trái độn thuộc ô vuông thứ tư - "khu vực cưỡng chấp" theo quan niệm về không gian sinh tồn xưa - nơi thường xuyên xảy ra những vụ tranh chấp chủ quyền với người địa phương. Về mặt chiến lược, Tượng Lâm là vùng đất thấp có thể trở thành "khu vực an bình", thuận lợi cho sự mở rộng không gian sinh tồn của người đồng bằng do đó các chính quyền trung ương luôn tìm cách bảo vệ trong khi các vùng rừng núi phía Bắc và Tây-Bắc, thuộc "khu vực vô cương", hoàn toàn bị bỏ rơi. Thêm vào đó, khái niệm về lằn ranh phân chia lãnh thổ còn rất mơ hồ, ranh giới huyện Tượng Lâm ở phía Nam rộng hẹp tùy thuộc sự thần phục của các sắc dân địa phương và được phỏng đoán ở Đèo Ngang (trụ đồng Mã Viện có thể đã được dựng lên ở khu vực này). Cuối cùng huyện Tượng Lâm bị mất vào tay người Chăm năm 192 sau công nguyên và trở thành nước Lâm Ấp.
Lâm Ấp là một biến cố chính trị, một sự ly khai khỏi ảnh hưởng nhà Hán ở phía Nam Trung Quốc. Nó là tiền đề cho những cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh sau này. Lâm Ấp, theo nhà Đông Hán, là một ấp nhỏ ở phía Nam sát vừng rừng núi. Danh xưng mới này là một biến nghĩa của Tượng Lâm, nhà Đông Hán muốn nói Lâm Ấp chỉ là một phần đất nhỏ không quan trọng để thiên triều phải can thiệp trực tiếp, và nếu có mất thì cũng không lấy gì làm quan trọng vì nằm trong "khu vực cưỡng chấp", nơi sinh trú của những tộc "Man". Sách Thủy Kinh Chú giải thích rõ Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ "Tượng" (phía Nam) để trở thành Lâm Ấp. Có người cho rằng Lâm Ấp là sự phiên âm theo tên tộc của người địa phương Krom hay Prum thuộc ảnh hưởng Ấn Độ mà thành. Ngôn ngữ Trung Hoa trong thời kỳ này có nhiều hạn chế, nhất là trong việc phiên âm hay chiết tự các tên ngoại quốc. Lin-yi có thể là cách viết phiên âm từ chữ "Hindi", tức người Ấn ; người Hoa dựa vào đó phát âm thành Lin-yi, người Việt cải âm thành Lâm Ấp, rồi từ đó diễn giải theo nghĩa mình nghĩ (Lâm là rừng, Ấp là thôn nhỏ v.v...). Đến thế kỷ thứ 8 Lâm Ấp được gọi là Hoàn Vương Quốc và sang thế kỷ thứ 9 có tên là Chiêm Thành (Champa), tên gọi này chính xác nhất và tồn tại đến cuối thế kỷ thứ 17.
Thời kỳ tự chủ
Khi Ngô Quyền giành được độc lập năm 938, lằn ranh hành chánh có tính ước lệ giữa Giao Châu và Trung Quốc trước kia trở thành lằn ranh chính trị thực tế phân chia hai lãnh thổ và không mấy thay đổi trong suốt thời kỳ độc lập, nghĩa là từ vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh lên Cao Bằng và châu thổ sông Hồng, trong khi lằn ranh phân chia Giao Châu với Lâm Ấp ở phía Nam rất là bất ổn vì tranh chấp thường xuyên.
Trong thời tự chủ, miền Bắc có nhiều tên khác nhau (Đại Cồ Việt, Đại Việt, An Nam Quốc, Đại Ngu, Việt Nam, Đại Nam) nhưng ít ai dùng đến. Người Kinh thời đó thường xưng mình là "thần dân" của triều đại đương quyền để xác nhận "quốc tịch" của mình đối với các triều đại khác (bên Trung Quốc). Năm 1081, vua Lý Nhân Tôn có sai Lê Văn Thịnh sang "nước Tống" thảo luận về việc ấn định lằn ranh phân chia hai nước, nhưng thiện chí này không ngăn cản quân Tống tiến đánh nhà Lý.
Ở vùng cực Nam, do sinh cư trên một vùng đất hẹp và cằn cỗi, năng suất nông nghiệp không đủ cung cấp cho một dân số không ngừng tăng lên, các vua chúa Chăm thường hay cất quân lên miền Bắc đánh phá, cướp lương thực và bắt người về làm nô lệ xây dựng đền đài. Lằn ranh phân chia lãnh thổ miền Bắc với Lâm Ấp lúc đầu được xác định ở Đèo Ngang, sau lùi dần xuống phía Nam theo đà suy kiệt của người Chăm. Năm 1069 vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) nhường cho vua Lý Thánh Tôn ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) ; năm 1306 Chế Mân (Simhavarman III) tặng vua Trần Anh Tôn châu Ô và Châu Lí làm quà cưới công chúa Huyền Trân ; năm 1471 vua Lê Thánh Tôn chiếm thành Đồ Bàn (Vijaya) và một vùng đất dài tới mũi Chân Mây (Quảng Nam). Càng về sau lãnh thổ Chiêm Thành teo hẹp hay lớn rộng tùy theo những chiến tích quân sự, thường là bất lợi cho Chiêm Thành.
Địa giới cuối cùng của miền Bắc ở phía Nam chỉ chính thức được ấn định sau năm 1630, khi Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên cho người ra Thăng Long trả lại sắc dụ (phong chúa Sãi là Thái Phó Quốc Công) của triều Lê, công khai bất phục uy quyền của họ Trịnh, rồi xua quân chiếm đóng phần đất phía Nam Bố Chính. Làn ranh nội biên giữa miền Bắc và miền Nam, thường được dân chúng gọi là Bắc Hà - Nam Hà, được xác định ở Linh Giang (hay sông Gianh) và lằn ranh ngoại biên giữa xứ Đàng Trong với Champa vào giữa thế kỷ 17 được xác định ở chân núi Thạch Bi, đèo Cả (Phú Yên). Tại Thanh Hóa, thuộc lãnh thổ Bắc Hà, lằn ranh khai thác ruộng đất của người Kinh chỉ tập trung từ đồng bằng duyên hải đến phía Bắc Bố Chính và khu vực trung lưu các sông Cả và sông Chu ; khu vực thượng lưu hai con sông này còn rất xa lạ.
Trở về vùng biên giới phía Bắc, lằn ranh chính trị phân chia hai triều đại Việt - Trung rất là bất định, các nhóm Tày, Thái, Nùng, Mán và Mèo trốn chạy các cuộc loạn lạc bên Trung Quốc vào Lạng Sơn và Cao Bằng lập nghiệp ngày càng đông và tùy sự thần phục của các nhóm này mà uy quyền của hai trung tâm quyền lực nới rộng đến đó. Khu vực thượng du Lạng Sơn và Cao Bằng trở thành vùng trái độn. Trong thực tế các sắc dân sinh sống trong khu vực này thần phục cả hai triều đình, nhờ đó đã hưởng một phần nào đó qui chế tự trị.
Sự kiểm soát chính trị của triều đình Việt Nam trên các vùng trái độn rất là lỏng lẻo, phần lớn các chức vị hành chánh đều do các thủ lãnh địa phương đảm nhiệm. Chính sách thường được áp dụng có tên là "kềm cương phụ đạo" hay "cơ my phụ đạo", nghĩa là kiểm soát (kềm cương) hay ràng buộc (cơ my), nâng đỡ và hướng dẫn các vị lãnh chúa địa phương (phụ đạo) để thay mặt triều đình thu thuế và làm tai mắt tại vùng biên giới phòng hờ ngoại xâm hay quân phản loạn. Chính sách này còn có một tên không mấy đẹp đẽ là "dĩ man trị man" (dùng người địa phương cai trị người địa phương), nhưng có lợi cho cả đôi bên : uy tín của các lãnh chúa địa phương được tăng cường và an ninh của "khu vực trung tâm" (kinh đô) nhờ đó được củng cố. Chỉ khi nào thực sự bị đe dọa, triều đình Việt Nam mới cất quân vào can thiệp như trong các năm 931 và 1078 đánh Tống, dẹp Nùng (1038/1048), chống Mông Cổ (1285/1288), v.v..., và rút quân về ngay khi an ninh được vãn hồi.
Các khu vực trái độn thường có một vị trí chiến lược lý tưởng để các phe thù nghịch vận động các sắc dân địa phương quấy phá đối phương. Trong quá khứ, người Việt và người Hoa thường gián tiếp hay trực tiếp giúp người thiểu số hay quân phản loạn chống lại triều đình đối phương dọc vùng biên giới. Năm 1592, nhà Minh buộc nhà Lê giao đất Hưng Hóa (Cao Bằng và Lạng Sơn) cho con cháu họ Mạc cai quản nhưng đến năm 1667 thì bị lấy lại ; nhà Lê và nhà Thanh chấp nhận phân ranh lãnh thổ bằng những trụ đá nhưng thỏa thuận này không được tôn trọng, sáu huyện ở Hưng Hóa lọt vào tay nhà Thanh. Nhiều cuộc đụng độ võ trang giữa quân Thanh và chúa Trịnh đã xảy ra tại Lạng Sơn và Cao Bằng trong suốt thời gian từ 1724 đến 1753 mà thắng lợi nghiêng về phía Việt Nam, nhiều đồn bót quân sự đã được dựng lên để kiểm soát sự qua lại của dân chúng trong vùng. Ngược lại, cũng trong thời gian này, Việt Nam mất quyền kiểm soát trên một khu vực rộng lớn phía Tây Bắc, từ Tuyên Quang đến Vân Nam, các lãnh chúa người Thái và Tày hùa theo các phong trào "phản Thanh phục Minh" và sau đó là nhóm "Thái Bình Thiên Quốc" chống lại cả hai triều đình.
Khu vực bờ biển bờ biển phía Bắc Việt Nam tiếp giáp tỉnh Quảng Đông trong hai thế kỷ 18 và 19 cũng gặp nhiều biến động, hải tặc người Hoa tung hoành cướp bóc thuyền bè qua lại. Làn ranh phân chia lãnh hải và đất liền tại đây chưa được xác định rõ ràng. Năm 1764 dân cư huyện Vạn Ninh (Hải Ninh) phải di tản về phía Nam lánh nạn, ngư dân người Hoa liền vào thay thế và dựng làng dọc bờ biển từ Yên Quảng (Quảng Ninh) đến Thanh Hóa. Sự hiện diện bất hợp pháp của ngư phủ người Hoa càng làm tình hình an ninh tại đây thêm phần bất ổn, năm 1829 tổng đốc tỉnh Quảng Yên phải huy động 45 tàu chiến để đuổi hơn ba trăm tàu đánh cá Trung Hoa ra khỏi khu vực bờ biển. Nguyễn Công Trứ, năm 1839, cũng ra tay đuổi ngư phủ Trung Hoa về nước nhưng tất cả xin làm "thần dân" triều Nguyễn, như người Minh Hương trước đó đã làm, và được vua Minh Mạng chấp nhận.
Năm 1786, khi Nguyễn Huệ ra Bắc khuất phục triều Lê, toàn khu vực Đông Bắc lọt vào tay nhà Thanh và chỉ thu hồi lại năm 1789 khi quân Thanh bị đánh bại bỏ chạy về nước. Nhưng Nguyễn Huệ không có ý định ở lại đất Bắc nên trong suốt thời gian tranh giành ảnh hưởng với Nguyễn Phúc Ánh ở trong Nam, khu vực thượng du trở nên vô chủ, các toán cướp người Hoa và quân Thanh lại vào chiếm cứ, lằn ranh miền Bắc trở nên bất định. Trong những lần cử người sang Yên Kinh triều cống, Nguyễn Huệ có yêu cầu nhà Thanh trả lại sáu huyện thuộc tỉnh Hưng Hóa bị sát nhập vào tỉnh Vân Nam sau khi nhà Mạc bị diệt, nhưng không được thỏa mãn. Tham vọng của Nguyễn Huệ không dừng lại ở đó, ông còn muốn đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Đông) vì cho rằng trước kia thuộc lãnh thổ nước Nam. Từ sau 1789, Nguyễn Huệ mộ quân cướp biển người Hoa trong vịnh Bắc Bộ làm thuộc hạ và ngấm ngầm cho xâm nhập vào các làng ven biển Quảng Đông đánh phá, đồng thời ủng hộ các phong trào phản Thanh trong nội địa Quảng Tây. Nguyễn Huệ qua đời năm 1792, những người kế tục ông không đủ bản lĩnh tiếp nối, tham vọng đó nhường cho Gia Long.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, xưng hiệu Gia Long, và đặt tên nước là Nam Việt. Khi chọn quốc hiệu này, Gia Long cũng có ý muốn thu hồi lại vùng đất Lưỡng Quảng trước kia thuộc Nam Việt thời Triệu. Nhưng khi cử người sang Yên Kinh cầu phong năm 1803, nhà Thanh phủ nhận quốc hiệu này và giữ nguyên tên cũ là An Nam. Gia Long cho đảo ngược tên nước lại thành Việt Nam, nhưng ít khi dùng tới. Năm 1806, sau khi thu phục được những nhóm người Tày và Thái sinh sống trên vùng thượng du theo mình, Gia Long cử người sang Yên Kinh đòi lại sáu huyện thuộc tỉnh Hưng Hóa và hai châu Chiêu Tấn và Lại ở vùng Tây Bắc, yêu cầu này không được thỏa mãn. Thời gian sau đó, vì bận đối phó với đủ loại giặc giã trong và ngoài nước, cả hai triều đình bỏ rơi các cuộc tranh chấp ; khu vực biên giới trở nên vô chủ. Năm 1839, Minh Mạng đổi tên nước thành Đại Nam. Đại Nam về mặt chính trị có thể được xem là một đế quốc, vì ảnh hưởng của triều Nguyễn đã vượt lên Trường Sơn, tỏa rộng đến tả ngạn sông Mékong và xuống tận Biển Hồ. Nhưng khi Minh Mạng cử người sang Yên Kinh triều cống, nhà Thanh bác bỏ quốc hiệu mới và vẫn giữ nguyên tên cũ là An Nam. Đối với người Hoa, An Nam chỉ là phần đất phía Nam cần phải bình định. Khi làm chủ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, người Pháp cũng dựa theo nhà Thanh gọi lãnh thổ chung của người Việt là An Nam, nhưng về sau thì theo cách gọi thời Trịnh Nguyễn : Bắc Hà (Tonkin) và Nam Hà (Cochinchine), danh xưng "Annam" chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 để chỉ miền Trung (Trung Kỳ).
Cũng nên biết danh xưng "Cochinchine" là cách đọc trại từ chữ Cocincina của Bồ Đào Nha, có nghĩa là vùng đất tiếp giáp giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, mà các giáo sĩ người Pháp đặt tên cho miền Nam. Cochin (Kochin hay Kochi) là tên một thành phố ở phía tây-nam Ấn Độ do người Bồ Đào Nha được tiểu vương Malabar cho phép xây dựng thương điếm đầu tiên năm 1544. Từ sau ngày đó danh xưng Cochin được ám chỉ là Ấn Độ (thực ra vào lúc đó ranh giới của Ấn Độ cũng chưa rõ ràng), để cạnh tranh với người Hòa Lan lúc đó đã làm chủ cả vùng biển Đông Nam Á. Khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha được thương thuyền chở tới hai huyện Nam Chân và Hương Thủy (thuộc địa phận tỉnh Nam Định ngày nay) truyền đạo năm 1533, họ đặt tên vùng đất mới này là Cocinchina (Cinacochin hay Campacina). Từ nửa cuối thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 19, địa bàn Cocincina bao trùm một vùng đất lớn : các đồng bằng duyên hải miền Trung đến lãnh thổ Đồng Nai. Danh xưng này được giới thương thuyền và giáo sĩ Châu Âu sử dụng cho tới hết nửa đầu thế kỷ 19, sau khi Pháp chiếm miền Nam làm thuộc địa, danh xưng Cochinchine đổi thành Indochine.
Năm 1868, vùng thượng du miền Bắc trở nên bất trị, nhà Nguyễn mất quyền kiểm soát ở khu vực này. Đám tàn quân Thái Bình Thiên Quốc (giặc Hồ) bị nhà Thanh đánh bại chạy vào Việt Nam lánh nạn, chiếm đóng một địa bàn rộng lớn từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Thái Nguyên, Tuyên Quang làm sào huyệt và chia thành các nhóm Cờ Đen, Cờ Vàng và Cờ Trắng đánh phá lẫn nhau. Khi thủ lãnh nhóm Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc xin thần phục triều đình, "quốc tịch" của Lưu Vĩnh Phúc liền được công nhận, từ "giặc cướp" quân Cờ Đen trở thành "thần dân" của triều Nguyễn và được giao quyền quản trị một địa bàn rộng lớn từ Hà Giang đến Lào Cai để ngăn chặn các cuộc cướp phá của các nhóm Cờ Trắng và Cờ Vàng, đồng thời kiểm soát sự lưu thông vùng thượng du sông Hồng. Khi Pháp tiến đánh thành Hà Nội năm 1873, chính Lưu Vĩnh Phúc đã đứng ra bảo vệ và giết thuyền trưởng Francis Garnier, quân Pháp phải rút lui. Năm 1882, chỉ huy trưởng Henri Rivière cũng bị quân Cờ Đen sát hại khi dẫn quân ra Bắc tái chiếm thành Hà Nội. Cuối cùng triều đình Huế bị Pháp đánh bại, buộc ký các hiệp ước bất công năm 1883 và 1884, theo đó Pháp thay mặt triều đình ký các hiệp ước về ngoại giao, trong đó có quyền ký kết các hiệp ước về biên giới. Lãnh thổ Việt Nam bị chia thành ba kỳ với ba qui chế khác biệt : lãnh thổ Bắc Kỳ, từ Đèo Ngang trở ra, đặt dưới quyền bảo hộ trực tiếp ; lãnh thổ Trung Kỳ, từ Khánh Hòa ra tới Đèo Ngang, hưởng qui chế bảo hộ ; và lãnh thổ Nam Kỳ, từ Bình Thuận trở vào, là thuộc địa.
Thời Pháp thuộc
Khu vực biên giới miền Bắc trở nên phức tạp sau hiệp ước 1884. Một số sĩ phu triều Nguyễn hợp với các toán quân Trung Hoa chiếm đóng một vùng đất rộng từ Bắc Ninh, Sơn Tây, Yên Thế, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang đến Cao Bằng, Lạng Sơn, nói chung là toàn vùng thượng du và trung du, lập căn cứ kháng chiến chống lại quân Pháp. Mặc dù được Lý Hồng Chương, chỉ huy trưởng quân khu Quảng Tây của nhà Thanh, ký thỏa thuận rút hết quân về nước và giao các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Kay ngày 17/05/1884, Pháp vẫn không làm chủ được vùng đất này. Nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Thanh và quân Pháp đã xảy ra dọc vùng biên giới từ tháng 8/1883 đến tháng 3/1885, cuối cùng quân Pháp phải rút lui khỏi Lạng Sơn kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Ferry tại mẫu quốc. Đầu năm 1885 Pháp tiến công đảo Đài Loan, tiêu diệt hạm đội Quảng Đông, nhà Thanh mới chịu ký hòa ước Thiên Tân tháng 6/1885, thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ, rút quân ra khỏi các tỉnh vùng Đông-Bắc và thành lập các ủy ban phân định lằn ranh chia đôi lãnh thổ.
Phái đoàn thương lượng lằn ranh chia đôi lãnh thổ gồm có người Pháp và người Hoa, chính quyền thuộc địa Pháp không cho triều đình Huế có mặt trong các cuộc thương lượng này vì muốn chấm dứt sự lệ thuộc của triều Nguyễn với nhà Thanh. Các cuộc thương lượng được chia ra làm ba giai đoạn và công tác xác nhận chủ quyền đất đai kéo dài trong mười năm, từ 1886 đến 1895. Giai đoạn đầu (từ tháng 1 đến tháng 4/1886), họp tại Đồng Đăng, ấn định khu vực biên giới Quảng Tây ; giai đoạn hai (từ tháng 6 đến tháng 11/1886), họp tại Lào Cai, ấn định khu vực phân chia lãnh thổ tại Vân Nam ; và giai đoạn ba (từ tháng 11/1886 đến tháng 4/1887), họp tại Móng Cái, ấn định lằn ranh tỉnh Quảng Đông và vùng duyên hải. Qua các cuộc thương lượng, có ba khu vực mà Pháp nhượng cho Trung Hoa để đổi lại những nhượng bộ khác về kinh tế (xuất cảng hàng hóa và thành lập hai tòa lãnh sự Pháp tại Vân Nam và Quảng Tây), đó là Hoành Mô (70 km2) vùng đất nằm giữa thượng nguồn sông Tiên Yên và sông Long Hồ ở Quảng Đông, xã Đèo Lương (300 km2) ở Quảng Tây và xã Tụ Long (750 km2) ở Vân Nam.
Thỏa thuận đầu tiên về vùng biên giới Đông Bắc Việt Nam được sứ giả Pháp Constans ký với nhà Thanh ngày 26/06/1887 tại Bắc Kinh, gọi là "công ước Constans 1887", theo đó lằn ranh phân chia Việt Nam với Quảng Đông dài khoảng 60 km, với Quảng Tây 300 km và với Vân Nam gần 600 km. Phải ghi nhận công lao của người Pháp vì thương lượng với nhà Thanh từng tất đất và thiết lập địa đồ khu vực rừng núi hiểm trở trên miền thượng du Bắc Việt không phải dễ. Quân đội Pháp đã mất khá nhiều sĩ quan và binh lính trong các cuộc hành quân thám hiểm và đo đạc địa hình trên vùng rừng núi phía Bắc. Thành quả của các cuộc thương lượng về biên giới này tuy còn nhiều thiếu sót nhưng rất khích lệ. Lần đầu tiên Việt Nam có một biên giới rõ ràng, nhìn thấy trên bản đồ với tên địa danh, đường sá, sông ngòi chi tiết, và được đánh dấu bằng những cột mốc trên đất liền từ Lào Cai tới mũi Trà Cổ. Nhiều trục lộ giao thông lớn từ đồng bằng lên vùng biên giới Đông-Bắc và các đồn kiểm soát sự qua lại tại khu vực biên giới được thành lập.
Trong suốt thời gian thương lượng, Pháp một mặt tiến hành các cuộc hành quân tiểu trừ quân Thanh và Cờ Đen còn chiếm giữ nhiều khu vực trọng yếu trong vùng Phong Thổ (thuộc tỉnh Lai Châu ngày nay), một mặt cử nhiều đoàn thám hiểm đo đạc địa hình và nghiên cứu thủy thổ, phong tục tập quán của các sắc dân cư ngụ dọc vùng biên giới ở khu vực phía Tây Lào Cai. Năm 1891, một thủ lãnh người Thái tên Đèo Văn Trì, trước kia theo Tôn Thất Thuyết chống lại quân Pháp sau qui phục phái đoàn Auguste Pavie tại Lào, trở thành hướng dẫn viên đắc lực giúp Pháp vẽ lại địa hình khu vực biên giới Tây-Bắc, đặc biệt là vùng đất từ phía Tây Lào Cai đến tả ngạn sông Mékong miền Bắc Lào. Auguste Pavie đã đi khắp các mương Thái trong vùng Điện Biên, chinh phục cảm tình thủ lãnh các sắc tộc Thái, Tày, Nùng, Mường, Mán, Mèo, Dao và đặt tất cả dưới quyền bảo hộ của Pháp. Năm 1893, Pháp đánh bật đám tàn quân Thái Bình Thiên Quốc ra khỏi Luang Prabang, đưa Oun Kham lên ngôi và đặt Lào dưới sự bảo hộ của Pháp. Trong thời gian này quân Thanh bị Nhật đánh bại tại Mãn Châu, sứ giả Pháp tại Bắc Kinh Gérard liền đề nghị mở lại các cuộc thương lượng về vùng biên giới phía Bắc Việt Nam và được chấp thuận.
Thỏa thuận thứ hai về vùng biên giới Bắc Việt Nam, gọi là "công ước Gérard 1895", được ký ngày 3/01/1895 tại Long Po (một làng nhỏ bên Trung Quốc cạnh biên giới tỉnh Vân Nam và nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu ngày nay), theo đó chiều dài vùng biên giới giữa Vân Nam và Việt Nam được nới rộng thêm khoảng 200 km, tổng cộng gần 800 km. Nhiều vùng đất rộng lớn, đặc biệt là 12 mương Thái trước kia thuộc Vân Nam theo công ước Constans 1887, được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam và Lào, hai tỉnh mới, Lai Châu và Sơn La, được thành lập. Làn ranh phân chia các khu vực hành chánh trong nội bộ lãnh thổ Bắc Kỳ dựa theo sự phân bổ tự nhiên của dân chúng, một số được giữ nguyên, một số khác được ấn định lại và những lằn ranh đó cho tới nay gần như không thay đổi.
Chính quyền bảo hộ Pháp sau đó cử nhiều phái đoàn thám hiểm đo đạc địa hình các tỉnh phía Tây Bắc để xác định lằn ranh phân chia nơi sinh trú giữa các sắc dân Thái, Lào và người Kinh, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều thỏa thuận nội bộ giữa Bắc Kỳ và Lào được ký kết : ranh giới các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình với Bắc Lào được xác định ; ranh giới tỉnh Ninh Bình được dùng làm điểm phân ranh giữa Bắc Lào, Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Vùng đất Hứa Phàn sau nhiều tranh cãi, dựa theo quan hệ lịch sử, cuối cùng được sát nhập vào địa phận Thanh Hóa.
Việc quản trị vùng thượng du Bắc Việt sau 1895 trên nguyên tắc do chính quyền bảo hộ đảm nhiệm, nhưng trong thực tế do các lãnh chúa địa phương điều hành dưới sự giám sát của quân đội Pháp. Trong giai đoạn này, các sắc tộc Thái, Tày, Nùng và Mèo hưởng một qui chế tự trị rộng rãi và sống cách biệt hẳn với người Kinh đồng bằng. Đặc biệt là cộng đồng người Thái, nhất là dòng họ Đèo rất được người Pháp tôn trọng, đã giữ một vai trò quan trọng trong các quyết định hành chánh và các cuộc tranh chấp địa phương. Chẳng hạn như một số mương Thái trong địa phận Hứa Phàn, dựa trên quan hệ huyết thống với các mương Thái khác trên đất Lào, phản đối việc sát nhập vào tỉnh Thanh Hóa năm 1895 và xin được nhập vào vương quốc Lào ; lời yêu cầu này đã được Pháp chấp thuận năm 1903. Chính phủ hoàng gia Lào cũng nhân dịp yêu cầu sát nhập các mương Thái tại Điện Biên vào Lào nhưng không được triều Nguyễn chấp nhận. Để tránh mọi tranh chấp khác có thể xảy ra, ranh giới hai tỉnh Lai Châu (Bắc Kỳ) và Muong U (Lào) được chính quyền bảo hộ ấn định lại một cách rõ ràng với tên đỉnh núi, dòng sông và đèo ải cụ thể.
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, Việt Minh chỉ kêu gọi được sự hợp tác của người Tày tại miền Bắc vì lập căn cứ trên lãnh thổ của họ (chiến khu Việt-Bắc), các nhóm khác vẫn đứng ngoài cuộc chiến và người Pháp biết lợi dụng yếu tố này. Trong mục đích chia để trị, năm 1949 Pháp cho thành lập các "Liên bang Thái Mèo" gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Lào Cai, "Liên bang Mường Thổ Tày" tại Cao Bắc Lạng và "Liên bang Nùng" từ Lạng Sơn đến Vịnh Hạ Long, để bao vây các căn cứ của phong trào Việt Minh. Những liên bang tự trị này sau đó được sát nhập vào Xứ Thượng Miền Bắc năm 1951, trực thuộc Hoàng Triều Cương Thổ (trong đó có Xứ Thượng Miền Nam) do Bảo Bại đứng đầu và Pháp điều khiển. Các nhóm biệt kích Thái, Nùng và Mèo do Pháp huấn luyện đã phá vỡ nhiều chiến khu Việt Minh trên vùng Việt-Bắc. Sau 1954 Xứ Thượng Miền Bắc được giao trả lại cho chính quyền miền Bắc, Hồ Chí Minh đã khôn ngoan chấp nhận một số qui chế tự trị cho các sắc tộc miền thượng du để tìm hợp tác và chỉ siết lại khi guồng máy cai trị đã vững. Sự kiện này cho thấy các sắc tộc miền núi ít gắn bó với người Kinh ở đồng bằng và sẵn sàng quay mặt lại khi tình thế cho phép.
Mất nước là mối nhục lớn cho mọi dân tộc, nhất là một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời như Việt Nam. Mặc cảm đó cho đến nay vẫn còn im đậm trong ký ức của mọi người, nhưng trong cái rủi phải tìm điều may. Qua hai công ước 1887 và 1895, miền Bắc Việt Nam có một lãnh thổ rộng lớn và một vùng biên giới rõ ràng ; tuy bị lấy đi phần đất Hứa Phàn, vùng biên giới đó cho tới nay không thay đổi. Người Pháp tuy có chiếm Đông Dương làm thuộc khai thác tài nguyên nhân vật lực, nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận họ đã góp phần đáng kể phát triển vùng đất này và mở rộng lãnh thổ với những lằn ranh cố định phân chia các quốc gia. Tại Việt Nam người Pháp đã cố gắng mở rộng lãnh thổ lên vùng rừng núi phía Bắc bằng chính xương máu của họ mà trong suốt hơn hai ngàn năm qua người Việt chưa bao giờ thực hiện được. Cũng nên ghi nhận công lao của Pháp trong việc ấn định lằn ranh phân chia Việt Nam với Trung Quốc vì, trong quá khứ và ngay trong hiện tại, người Việt chưa bao giờ có tư thế bình đẳng khi thương lượng với Trung Quốc về vùng biên giới. Có hiểu được sự yếu kém của mình chúng ta mới quí vùng ranh giới hiện có, tổ tiên chúng ta đã đổ rất nhiều xương máu bảo vệ lãnh thổ nhưng chưa bao giờ thuyết phục Trung Quốc tôn trọng lằn ranh phân chia hai nước. Người Pháp đã thay chúng ta làm được việc đó và, hơn thế nữa, còn nới rộng lãnh thổ Việt Nam lên đến nơi sinh trú của con cháu bà Âu Cơ.
Vấn đề của chúng ta hiện nay là giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ và bình thường hóa quan hệ giữa người Việt Nam với nhau. Nếu quan niệm xưa về không gian sinh tồn đã chia rẽ người Việt Nam với nhau thì ngày nay, với chủ thuyết đa nguyên, các cộng đồng dân tộc phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Nhìn lại anh em tìm lại bạn bè chính vì vậy phải là trọng tâm của mọi dự án Việt Nam.
Nguyễn Văn Huy
(09/1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung
Bài 1 :
Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Không gian sinh tồn đầu tiên của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ làng xã, nhà cửa đều được bao bọc bởi những bức tường định vị khu vực sinh tồn của từng dòng họ hay từng gia đình
Quan niệm về không gian sinh tồn
Nhiều người tự hỏi tại sao trong suốt cuộc Nam tiến người Việt không hề nghĩ đến việc tiến lên cao nguyên lập nghiệp hay chinh phục các hải đảo ngoài khơi ? Có thể trả lời rằng vì đó không phải là không gian sinh tồn đúng như quan niệm của người Việt xưa đã có. Cho tới một ngày gần đây dân tộc Việt Nam vẫn chỉ là một dân tộc lục địa, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước ở vùng đất thấp, tập trung vào những thành phố hay khu dân cư đông đúc, cạnh những dòng sông và vùng duyên hải. Núi rừng và biển cả, cho đến nửa cuối thế kỷ 20, chưa bao giờ hấp dẫn cộng đồng người Kinh.
Quan niệm về không gian sinh tồn của người Việt xưa
Theo quan niệm của người Việt xưa, không gian sinh tồn là một không gian thuần chủng, nơi không có sự pha trộn giữa các giống nòi, đó là một không gian thuần túy của người Kinh. Trong suốt thời kỳ lập quốc, những cuộc hôn nhân dị chủng trong chốn vương triều, nhất là với những dân tộc khác văn hóa, rất khó được cung đình đương thời chấp nhận, và nếu vì bắt buộc thì phải được đền bù bằng những món quà đáng kể, chẳng hạn như liên minh quyền lực hay đất đai. Quan niệm này, một cách vô thức, vẫn còn tồn tại trong sinh hoạt chung của từng gia đình người Việt, nhất là tại những nơi có sự cộng cư với các chủng tộc khác.
Quan niệm về không gian sinh tồn, được thành hình từ năm 2224 trước công nguyên dưới thời vua Thuấn, đã được người Hán (Hoa), sau đó là người Kinh (Việt), chấp nhận như một nguyên lý tổ chức xã hội. Theo đó, không gian sinh tồn được chia thành năm ô vuông, mỗi ô tập trung một thành phần chủng tộc riêng biệt với một chỗ ở cố định ; khoảng cách giữa các ô là 500 dặm (khoảng 247 cây số).
- Ô vuông đầu tiên là "khu cấm thành", nơi cư trú của vị quân vương và các sinh hoạt triều chính ; ô này tuy không rộng lớn nhưng là khu vực trung tâm, nơi tập trung tối cao của ánh sáng văn minh và quyền lực.
- Ô vuông thứ hai là "khu hoàng thành", nơi các hoàng thân và công thần được ban phong đất đai để sinh sống và cai trị ; khoảng cách xa gần với khu vực trung tâm tùy thuộc sự tin cẩn của vị quân vương trong mục đích có thể trở về bảo vệ khu vực cấm thành nhanh nhất khi có loạn.
- Ô vuông thứ ba là "khu an bình", nơi sinh cư lập nghiệp của đại đa số quần chúng chủng tộc, hay có cùng nguồn gốc xuất thân (Kinh, Hán, Tạng), trên những vùng đất thấp trong lục địa, xa kinh đô và được cai quản bởi các quan chức hay lãnh chúa địa phương do triều đình ủy nhiệm.
- Ô vuông thứ tư là "khu vực cưỡng chấp", nơi sinh trú của những dân tộc không cùng giống nòi ở vùng ngoại biên : 300 trăm dặm đầu là khu vực trái độn, nơi sinh trú của những sắc dân "man" tiến bộ (các sắc tộc thiểu số hay các lân quốc thần phục triều đình, còn gọi là "thuộc man" hay "thuộc quốc") ; 200 dặm sau dành cho những tội phạm bị lưu đày biệt xứ, phải cộng cư và đồng hóa với những sắc dân man.
- Ô vuông sau cùng là khu vực "vô cương" hay "vô chủ", nơi không có cương thường đạo lý : 300 dặm đầu là nơi cư trú của những sắc dân "man" chưa thấm nhuần đạo lý của thánh hiền (Khổng Mạnh) còn rất hung hăng ; 200 dặm sau là khoảng trống, nơi sinh trú của các sắc dân không có chỗ ở nhất định (du mục) và những vùng đất chưa được biết tới.
Theo sự sắp xếp trên, người Hoa và người Việt chỉ có thể sinh trú trong một không gian thuần chủng, tập trung trong ba ô đầu, tức khu vực nội biên, chốn thị thành và những vùng đất thấp mà sinh hoạt kinh tế chính là trồng lúa nước và trao đổi nông phẩm. Núi rừng và biển cả thuộc hai không gian còn lại.
Tại Việt Nam, cho đến giữa thế kỷ 16, chỉ khu vực quanh đế đô Thăng Long mới hội đủ điều kiện áp dụng nguyên lý tổ chức xã hội trên. Thăng Long (Khu Ba Đình, trung tâm Hà Nội ngày nay) là khu vực cấm thành, khu vực sinh trú của thần dân quanh Thăng Long gọi là Kẻ Chợ. Các sắc tộc thiểu số ở miền thượng du Bắc Việt là những nhóm "thuộc man" sinh trú trong 200 dặm đầu của ô vuông thứ tư ; nơi sinh trú của họ được gọi là Kẻ Đông, Kẻ Bắc, Kẻ Tây và Kẻ Nam ("kẻ" theo nghĩa chữ nôm cổ là một làng hay một thị trấn, ở đây có nghĩa là người xa lạ ở ngoài vòng đai vương triều). Các sắc dân Bồn Man, Lão Qua hay Ai Lao cũng được xếp vào không gian này. Phần đất phía sau nơi sinh trú của họ là nơi đày ải những tội phạm biệt xứ.
Bản đồ miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 19
Cũng nên biệt xứ là một tội chết, một loại án tử hình treo dành cho những tội phạm chưa đáng bị chém đầu nhưng không được sinh sống gần những người đồng chủng. Những tội phạm biệt xứ bị xóa tên trong các sổ danh bạ cung định và địa phương và không có hy vọng về lại quê quán cũ. Những tội phạm biệt xứ thường không thể sống lâu nơi chốn rừng thiêng nước độc, phần lớn chết vì đói khát, bệnh tật hay lao lực. Những người may mắn còn sống sót phải cộng cư và đồng hóa với những sắc dân man để tồn tại.
Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm liền đề nghị vua Lê Anh Tôn chấp thuận. Thuận Hóa đối với Thăng Long là khoảng sau của ô vuông thứ tư, tức vùng đất dành cho những người bị đày biệt xứ và là nơi sinh trú của những sắc dân không cùng giống nòi. Xin vào Thuận Hóa, đối với Trịnh Kiểm, là một hình thức đi đày biệt xứ ; đây cũng là một cách gián tiếp loại trừ một đối thủ hợp pháp. Trịnh Kiểm tin rằng Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng không thể tồn tại Thuận Hóa vì đất đai nơi đây nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt và bão tố triền miên.
Nhưng Nguyễn Hoàng đã không nghĩ vậy. Vào Thuận Hóa, đối với ông là để tránh xa kinh đô, tránh bị theo dõi để xây dựng một lực lượng riêng trong mục đích trở về lại kinh đô loại trừ đối thủ là chúa Trịnh. Đây là một khổ nhục kế để thực hiện những tham vọng riêng.
Nguyễn Hoàng cũng như những hoàng tôn thời đó không thoát khỏi khuôn mẫu Khổng giáo về không gian sinh tồn. Để hợp thức hóa không gian mới này, Nguyễn Hoàng tự nhận mình là chính thống và chọn làng Ái Tử làm khu vực trung tâm, những vùng đất khác là những không gian còn lại. Tuy chưa dám xưng vương, Nguyễn Hoàng tự cho mình là lãnh chúa vùng đất mới, được biết dưới tên chúa Nguyễn, một hình thức đối trọng với quyền lực chúa Trịnh đất Thăng Long.
Khi những giáo sĩ Công giáo đến vùng đất này truyền đạo, họ đặt tên vùng đất mới này là xứ Đàng Trong, theo cách gọi của cư dân địa phương, để phân biệt với xứ Đàng Ngoài của chúa Trịnh và cư dân miền Bắc. Cách gọi này là một hình thức tự nhận mình mới là những người chính thống (bên trong) của triều Lê, trong khi cư dân miền Bắc là những người ngoại thuộc, xứ Đàng Ngoài. Sự phân chia Nam-Bắc bắt nguồn từ đây.
Quyết định chọn Thuận Hóa làm nơi định cư mới của Nguyễn Hoàng đã không ngờ đã mở ra một cuộc Nam tiến lớn. Không gian sinh tồn của người Kinh đã cùng với thời gian không ngừng mở rộng về phía Nam. Từ 1600 trở đi, Nguyễn Hoàng và những di dân mới đã vận dụng toàn lực xây dựng không gian sinh tồn Thuận Hóa thành một trung tâm kinh tế, quân sự và chính trị hùng cường nhất khu vực.
Tại đây một vấn đề địa lý lại đặt ra, Nguyễn Hoàng và tùy tùng không thể tổ chức xã hội theo khuôn mẫu cũ như xứ Đàng Ngoài. Vì trải dài trên một dải đất hẹp, ba ô vuông đầu của không gian sinh tồn mới này buộc phải thích ứng với điều kiện địa lý tự nhiên của vùng đồng bằng eo hẹp duyên hải Bình Trị Thiên. Phần đất phía Tây trên dải Trường Sơn là những không gian ngoại thuộc ; từ đó đã nảy sinh các danh xưng về những "thuộc man" và "thuộc quốc" mới.
"Thuộc man" là những sắc dân ở cạnh "khu vực an bình" thần phục triều Nguyễn để được ban phong tước hiệu triều đình và trao đổi lương thực. "Thuộc quốc" là những lãnh thổ có tổ chức, có tôn ti trật tự vương quyền nhưng yếu kém hơn, do đó phải chịu thần phục để được che chở như Chiêm Thành, Láng Cháng, Vạn Tượng và Chân Lạp.
Khoảng đầu của ô vuông thứ tư, hay khu vực trái độn, được giới hạn ở ngoại vi các vùng đất thấp đã bình định tới dưới chân dãy Trường Sơn về phía Tây, nơi sinh trú của những "thuộc man" (các sắc tộc Thượng sinh sống trên Tây Nguyên và Lào) và những "thuộc quốc" (Chiêm Thành, Nam Bàn, Trà Lai và Chân Lạp).
Đằng sau khu vực trái độn là các vùng duyên hải chưa bình định ở phía Nam dành cho những kẻ bị đày biệt xứ chứ không phải những vùng rừng núi như ở miền Bắc. Tại đây, những người biệt xứ thường lấn chiếm không gian sinh tồn của người Chiêm Thành ở phía Nam để tìm lương thực. Người Chăm đã nhiều lần nổi lên chống lại triều Nguyễn, một phần vì muốn giành lại các vùng đất đã mất trước đó, một phần cũng vì bực tức những hành vi bất hảo của những tội phạm biệt xứ trong vùng trái độn.
Ô vuông thứ năm, "khu vực vô cương", là vùng rừng núi phía Tây các tỉnh miền Trung (Bình Trị Thiên-Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên), nơi sinh trú của những sắc tộc man (người Thượng) chưa được soi sáng bởi văn minh và văn hóa Khổng Giáo.
Trong "khu vực vô cương" này, cho đến cuối thế kỷ 19 ít có người Kinh nào dám tự ý phiêu lưu vào đây sinh cư lập nghiệp, kể cả những tội phạm biệt xứ. Nếu người Hán đã xây Vạn Lý Trường Thành ngăn chặn rợ Hung Nô thì người Kinh đã xây Tịnh Man Trường Lũy ngăn chặn người Thượng sinh sống dọc "khu vực vô cương" tràn xuống các vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Việc xây thành đắp lũy ngăn chặn sự tiếp xúc với những sắc dân không cùng văn hóa khác là phản ứng tự nhiên của những dân tộc đồng bằng, sống co cụm để bảo tồn sự thuần nhất của chủng tộc.
Quyết tâm ngăn chặn sự xâm nhập của những nhóm dân "man" đã được tiến hành trong suốt 350 năm, từ giữa thế kỷ 16 khi vua Lê Trang Tôn năm 1540 ủy nhiệm trấn quận công Bùi Tá Hán vào dẹp loạn Đá Vách (người Hré) phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, và chỉ chấm dứt vào tháng 4/1899 khi bị Pháp giải thể chính sách Sơn Phòng Trấn, một chương trình phòng thủ các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định do tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn thành lập năm 1869 thay thế Trấn Man của Lê Văn Duyệt năm 1804.
Nói tóm lại, trong suốt cuộc Nam tiến, từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, người Việt không hề có ý định lên Tây Nguyên hay thám hiểm biển cả để mở rộng không gia sinh tồn, những vùng đất sinh sống mới. Không gian sinh tồn của người Kinh chỉ quanh quẩn ở những vùng đất thấp trong châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, hay các vùng đồng bằng eo hẹp duyên hải miền Trung. Lãnh thổ Việt Nam chỉ thực sự mở rộng và ổn vững dưới sự cai trị của người Pháp sau 1884.
Quan niệm về lãnh thổ và ranh giới
Lãnh thổ và ranh giới nước Việt Nam được thành hình như thế nào qua các thời đại, ít có tài liệu Việt ngữ nào giải thích cặn kẽ. Từ thời lập quốc, chúng ta không rõ nước Văn Lang đã được hình thành như thế nào và lớn rộng tới đâu. Dưới thời Bắc thuộc, lãnh thổ Giao Châu dừng lại ở đâu là một dấu hỏi, còn trụ đồng Mã Viện cho đến nay không ai biết được dựng lên ở biên giới nào. Sang thời tự chủ, ranh giới giữa Đại Việt và các lân bang lại càng không rõ vì chinh chiến liên miên, lãnh thổ co giản tùy theo sự lớn mạnh của mỗi triều đại. Chỉ đến khi bị Pháp chiếm đóng và cai trị, Việt Nam mới có một một vị trí địa lý - chính trị ổn định.
Theo quan niệm xưa, lãnh thổ là một không gian nội vi thuần chủng với những khu vực ngoại vi đa chủng. Không gian thuần chủng (người Kinh) là một không gian cụ thể, tập trung quanh khu vực trung tâm trong ba ô vuông đầu, đặt dưới sự cai quản của một dòng vương hay một triều đại, có thể đo lường qua số lượng dân cư, đất canh tác và nguồn thuế thu nhập. Khu vực ngoại vi, hay "khu vực cưỡng chấp", là một không gian trừu tượng, rộng hẹp tùy theo ân đức của vị quân vương đối với các chủng tộc sinh sống trong đó. Chính sự lấn cấn giữa không gian cụ thể và không gian trừu tượng này mà ranh giới nước Việt xưa, từ thời tự chủ đến cuối thế kỷ 19, rất khó xác định.
Về định mức phân chia, lãnh thổ nước Việt xưa được chia làm hai loại : nội biên và ngoại biên. Nội biên là lằn ranh hành chánh phân chia lãnh thổ giữa các "khu vực an bình" với nhau ; ngoại biên là lằn ranh phân chia khu vực nội biên với nơi sinh trú của những sắc dân dị chủng ở hai ô vuông sau. Trong không gian thuần chủng, hay lãnh thổ nội biên, sự phân chia các khu vực hành chánh giữa các địa phương với nhau tương đối rõ ràng. Người ta thường lấy con sông, ao hồ, chân núi, gốc cây cổ thụ, viên đá tảng, bìa rừng, cây cầu cạnh thửa ruộng canh tác cuối cùng của một địa phương hay dòng họ làm định mức. Những lằn ranh này trong thực tế đã được tôn trọng một cách tự nhiên giữa các địa phương và các nhóm dân cư với nhau, triều đình đã chỉ hợp thức hóa để tổ chức thành đơn vị hành chánh như "thôn, làng, xã, huyện, phủ" khi một ngôi đình dựng lên. Trong "khu vực cưỡng chấp", hay lãnh thổ ngoại biên, tổ chức chính trị lúc đầu do quân đội nắm giữ, sau đó giao lại cho những người lãnh đạo địa phương khi trật tự và an ninh được vãn hồi. Tên các đơn vị hành chánh cũng khác : "sách, nguồn, tổng, châu, trấn" dành cho những khu vực nằm ở phần đầu ô vuông thứ tư do những nhân sĩ địa phương quản trị ; "nguyên, đạo, cơ" dành cho những địa danh ở phần sau do quân đội quản lý.
Về mặt chiến lược, các vùng đất ngoại biên thường được dùng làm vùng trái độn để ngăn chặn các cuộc xâm lăng đến từ bên ngoài vào khu vực trung tâm. Do không đủ khả năng chi phối các sắc dân sinh sống bên ngoài lãnh thổ ngoại biên, triều đình Việt Nam thường cảm hóa những sắc dân không cùng văn hóa và chủng tộc sống trên lãnh thổ ngoại biên để nhận sự thần phục, đổi lại họ được bảo vệ, ban phong tước vị, giúp đỡ vật chất và có nhiệm vụ thu thuế và báo cáo về khu vực trung tâm những cuộc điều binh khả nghi. Chính sách này dưới triều Lê có tên là "dĩ man trị man" (dùng người địa phương cai trị người địa phương), dưới triều Nguyễn được gọi là "nhu viễn" (cảm hóa người phương xa).
Tại miền Bắc, nơi sinh trú của những sắc dân miền núi nằm giữa các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) và vùng Thượng Du, cao nguyên Hòa Bình, trước kia là khu vực trái độn với các triều đại Trung Hoa. Tại miền Trung, vùng núi rừng từ phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung đến tả ngạn sông Mékong là khu vực trái độn với Xiêm La và Chân Lạp. Trong cuộc Nam tiến, sự có mặt của người Kinh tại đồng bằng duyên hải miền Trung không diễn ra ồ ạt ngay khi người Chăm vừa tặng đất hay mất đất, nó tiến cùng nhịp với thời gian khi số lượng người Kinh "di dân khẩn thực" vừa đủ đông để thành lập một đơn vị hành chánh ; trước đó các vùng đất này chỉ là những khu trái độn, nơi xảy ra các cuộc tranh chấp với Chiêm Thành. Vì là những vùng đất thấp, thích hợp với nghề trồng lúa nước và sự đi lại khá dễ dàng, các khu trái độn duyên hải miền Trung dần dần trở thành "khu vực an bình" theo đà suy kiệt của vương quốc Chiêm Thành.
Trong "khu vực vô cương", lằn ranh rất khó xác định. Đối với người Kinh, đây là những vùng đất dữ (ác địa), nơi chưa được soi sáng bởi đuốc văn minh (Khổng Giáo), do đó không ai dám vào khai thác hay tiếp xúc, càng tránh xa bao nhiêu càng tốt. Chính vì e ngại chốn rừng thiêng nước độc, non cao hiểm trở này mà trong suốt thời kỳ lập quốc cho đến khi bị Pháp đô hộ, "khu vực vô cương" (thượng du Bắc Việt và Tây Nguyên) vẫn còn là những vùng đất vô chủ.
Do không có một ý niệm rõ ràng về lằn ranh phân chia địa giới, nhiều danh xưng được đặt ra với những nội dung mơ hồ. Khu vực giáp ranh với một lân bang được gọi là "biên cương", "cương dịch", "biên thùy" hay "biên viễn" ; khu vực ngoại biên có tên "biên cảnh", "biên viên" ; các vùng nội biên gọi là "biên bỉ", "biên địa", "biên duệ", "biên ngung", "biên tuyến" v.v... "Biên" chỉ là lằn ranh phân chia hai khu vực. Khi bị người phương Tây chiếm đóng, các dân tộc Á Châu, trong đó Việt Nam, mới có một khái niệm rõ ràng về lãnh thổ và biên giới quốc gia. Ngày nay danh từ "biên giới" được hiểu là lằn ranh ấn định giới hạn địa lý của một hay nhiều khu vực hành chánh, chính trị, kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trong cùng một quốc gia hay với nhiều lân bang. Những biên giới này có một căn bản pháp lý vững chắc dựa trên những văn kiện chính thức do quốc hội hay chính quyền địa phương ban hành, trên phương diện quốc tế đó là những hiệp ước song phương hay đa quốc. Mỗi biên giới có những vị trí cố định, có thể nhận diện qua những cột mốc và đo đạc được.
Các vùng biên giới Việt Nam hiện nay đều do người Pháp thay mặt triều định Huế ký với các lân bang từ cuối thế kỷ 19 và tu bổ dần qua những hiệp ước song phương. Biên giới này ổn vững trong gần 70 năm, nhưng từ giữa thập niên 1970 trở đi các cuộc tranh chấp đất đai trên bán đảo Đông Dương và ngoài khơi Biển Đông, tính cách pháp lý của những biên giới phân chia các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đang bị đặt lại. Riêng đối với Việt Nam, các sách sử và địa lý của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Kampuchea thường diễn giải sai lạc các lằn ranh và lãnh hải của Việt Nam có từ thời Pháp thuộc, trong khi về phía Việt Nam chúng ta gần như nắm rõ sự hình thành các vùng biên giới của mình.
Quan niệm về công dân và quốc tịch
Ngày nay công dân và quốc tịch là hai khái niệm không thể tách rời nhau. Trên một khía cạnh nào đó, công dân thuộc lãnh vực nội biên và quốc tịch thuộc lãnh vực ngoại biên. Trong một quốc gia, công dân là những người có đầy đủ tư cách pháp lý, bất kể nguồn gốc chủng tộc, sinh sống hợp pháp trong một quốc gia hay trên một lãnh thổ có chủ quyền. Quốc tịch chỉ là sự xác nhận tư cách pháp lý đó với người ngoài. Tùy trình độ dân trí và tổ chức xã hội của mỗi quốc gia mà quyền công dân phát triển khác nhau trong khi quốc tịch không thay đổi. Công dân là một quyền pháp lý và chính trị, quốc tịch chỉ là một thủ tục hành chánh.
Quan niệm về công dân này khác với quan niệm của các xã hội Châu Á xưa, theo đó tư cách pháp lý của một công dân được xác định qua sự thần phục một triều vương, gọi là "thần dân". Những "thần dân" này có thể cùng chủng tộc, tiếng nói, phong tục tập quán nhưng cũng có thể khác hoàn toàn miễn sao thần phục một triều vương là đủ. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam ngày xưa phân biệt hai loại thần dân : thần dân nội biên và thần dân ngoại biên. "Thần dân nội biên" là những người có cùng nguồn gốc chủng tộc, tiếng nói, phong tục tập quán và đóng thuế cho triều đình ; "thần dân ngoại biên" hay "thuộc man" là những người khác chủng tộc, tiếng nói, phong tục tập quán nhưng chịu thần phục triều đình và cống phẩm vật. Người nào ở trong hoặc cạnh khu vực an bình không nộp thuế hay không triều cống phẩm vật, không biết ai cai trị mình, tư cách "thần dân" của người đó không được công nhận, nghĩa là bị bạc đãi và hành hạ. Vùng đất nào chưa tiếp nhận ánh sáng văn minh (Khổng Giáo), vùng đó vô chủ, cần phải tránh xa. Tuy nhiên cũng không thể khẳng định vùng đất nào vô chủ hoàn toàn khi có người sinh trú tại đó, do đó mỗi triều vương đều cố gắng mở rộng tối đa ảnh hưởng của mình để lôi kéo các khu vực còn tăm tối vào ánh sáng khu vực trung tâm hay thu phục những sắc dân sinh sống ở khu vực ngoại biên để tư cách "thần dân" được công nhận và cũng để bảo vệ khu vực trung tâm khi có loạn lạc.
Về quốc tịch, người Việt Nam hay người Trung Hoa ngày xưa thường xác nhận mình là "thần dân" của một triều đại, bề tôi của một vị vương, chứ ít khi xác nhận mình là người "nước Bắc" (Trung Hoa) hay người "nước Nam" (Việt Nam). Mỗi lãnh thổ đều có một danh xưng riêng nhưng người ta thường lấy tên một triều đại để xác nhận "quốc tịch" của mình vào thời điểm đó, vì trong một lãnh thổ có thể có nhiều triều đại cai quản khác nhau. Chẳng hạn như Trung Quốc có nước Ngô, nước Sở, nước Thục, v.v... Đại Việt có nhà Mạc, nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, Tây Sơn. Vấn đề quốc tịch như chúng ta hiểu ngày nay không đặt ra bởi vì quốc gia ngày xưa đồng nghĩa với triều đại, đất nước là của riêng của một dòng vua ; bảo vệ một quốc gia là bảo vệ một triều đại, một vị vua ; từ bỏ một vị vua hay một triều đại là từ bỏ một quốc gia. Khi một triều đại sụp đổ, tư cách pháp lý này mất theo, các "thần dân" cũ nếu thần phục chủ nhân mới thì được coi là "thần dân" của triều đại mới. Quốc tịch của người Việt xưa chính vì vậy rất giản dị, một người bỏ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào đầu quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong, quốc tịch của người đó liền được công nhận.
Sở dĩ có sự giải thích dài dòng như trên chỉ vì muốn chứng minh sự mở rộng bờ cõi lãnh thổ của người Việt Nam hoàn toàn dựa trên những quan niệm xưa. Quan niệm về không gian sinh tồn thuần chủng của người Việt xưa loại hẳn những sắc tộc sinh sống cùng lãnh thổ ra khỏi vòng đai xã hội, các sắc tộc "ngoại biên" đã từng góp công góp sức trong suốt thời kỳ lập quốc và kiến quốc nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận như là những "thần dân" (hay "công dân" theo nghĩa ngày nay) trọn vẹn. Ý niệm về lằn ranh và lãnh thổ của người Việt xưa cũng rất trừu tượng, trong quá khứ mỗi khi bị lâm nguy tổ tiên chúng ta thường tập trung bảo vệ khu vực trung tâm và vòng đai chủng tộc mà bỏ rơi các vùng "ngoại biên" (năm 1975 miền Nam sẵn sàng bỏ Tây Nguyên để bảo vệ đồng bằng), chính vì vậy Việt Nam chưa bao giờ là một nước lớn mặc dù luôn tự cho mình là nước lớn đối với các lân bang yếu kém.
Ngày nay một số quan niệm xưa vẫn còn tồn đọng trong tâm lý của mỗi người Việt, các ý niệm về lòng yêu nước và sự toàn vẹn lãnh thổ không vượt quá không gian sinh tồn và chế độ đang sống (khu vực trung tâm) ở vùng đất thấp. Năm 1974, giữa lúc cuộc chiến tranh Nam-Bắc đang tới hồi quyết liệt, hải quân Trung Quốc tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa, toàn thể nhân dân miền Nam đau khổ trong khi miền Bắc dửng dưng. Sau khi chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ miền Nam, giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc cũng không hề lớn tiếng đòi lại chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và chỉ khi Trung Quốc tiến chiếm nhiều hòn đảo trên quần đảo Trường Sa lúc đó mới có phản ứng, nhưng rất yếu ớt. Khơi lại một vết thương không ai mong muốn nhưng phải khơi lại để nhắc nhở mọi người biết quí từng tấc đất của tổ tiên mà ra công bảo vệ.
Sức mạnh của một quốc gia ngày nay không phải do có vật chất dồi dào và vũ khí tối tân, mà là sự đồng thuận dân tộc. Sự đồng thuận này chỉ có thể có trong một xã hội tôn trọng tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau giữa mọi công dân, nghĩa là chỉ có trong một chế độ tự do dân chủ. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay nay không thể đem lại đồng thuận đó, ý thức hệ và cách tổ chức xã hội cộng sản không những duy trì những quan niệm cũ về không gian sinh tồn mà còn đóng chặt những cánh cửa mở ra những chân trời mới. Với trào lưu tiến hóa của thời đại, thay đổi chế độ độc tài cộng sản là điều có thể làm nhưng thay đổi một tâm lý "đóng cửa" đã từ lâu rỉ sét trong quan niệm sống của người Việt không phải dễ và cũng không thể thực hiện ngay tức khắc. Dù sao, ý thức được vấn đề cũng đã là một bước tiến quan trọng, nhất là cho những người còn quan tâm đến tương lai đất nước.
Nguyễn Văn Huy
(09/1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung
Lời mở đầu
Việt Nam bao gồm đất, nước và con người (Ảnh Dân Trí)
Cho tới nay công cuộc mở mang bờ cõi thường được biết đến qua cuộc Nam tiến, tức sự nới rộng lãnh thổ về phía Nam. Cuộc Nam tiến này thật ra cũng ít người nắm vững, người ta đại khái chỉ biết là nó bắt đầu từ năm 1069 và kết thúc vào khoảng thế kỷ 18, kéo dài hơn gần bảy thế kỷ, và cũng không ít người cho rằng hình thể đất nước Việt Nam có được ngày nay là do cuộc Nam tiến đó.
Thực tế đã không hẳn như vậy. Cuộc Nam tiến của người Việt cho đến đầu thế kỷ 18 chỉ chinh phục được một dải đất hẹp chạy dài từ vùng đồng bằng duyên hải miền Trung đến vùng ven biển tỉnh Đồng Nai, sau đó tỏa rộng xuống châu thổ sông Cửu Long trong từng giai đoạn. Vùng đất rộng lớn trên cao nguyên miền Trung hoàn toàn xa lạ với người Việt và chỉ mới hội nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ này mà thôi.
Tìm hiểu quá trình hình thành các vùng biên giới Việt Nam chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hiểu thêm về lịch sử của chính mình để qua đó giữ gìn và vun đắp thêm.
Nội dung người bài viết về những quá trình hình thành các vùng biên giới Việt Nam chấm dứt vào năm 1999, tức vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, đó là một chủ ý của người viết. Vì trong thiên niên kỷ thứ 3, những vùng biên giới mà Việt Nam đã thụ đắc trong suốt dòng lịch sử sẽ phải đối diện với những thử thách quan trọng, những thành tựu về lãnh thổ, lãnh hải và không phận của biết bao thế hệ cha ông đã dầy công xây dựng có thể sẽ không còn nguyên vẹn để giao lại cho con cháu sau này.
Người viết dành cho những thế hệ kế tiếp làm công tác ghi nhận và cảnh báo về những nguy cơ mất không gian sinh tồn của cả dân tộc, cả về lãnh thổ lẫn văn hóa.
Nguyễn Văn Huy
(tháng 5/2018)
Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung